QUỐC HẬN 30 THÁNG 4

Image result for Tháng Tư năm 1975 -----

==== ====



Tuesday, November 25, 2014

Rừng Sát: hiện tượng kiểm duyệt tại Việt Nam (Bản dịch mới – Kỳ 2)


Thomas A. Bass – Rừng Sát: hiện tượng kiểm duyệt tại Việt Nam (Bản dịch mới – Kỳ 2)

Thứ Hai, ngày 24 tháng 11 năm 2014

Phạm Hồng Sơn dịch
Bài liên quan:
Cuốn sách về một điệp viên không hoàn hảo
Những chỗ bị kiểm duyệt sửa đổi và cắt bỏ trong bản dịch cuốn “Điệp viên Z21. Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ” của Thomas A. Bass
Bản dịch trọn vẹn: Thomas A. Bass – Điệp viên yêu chúng ta. Chiến tranh Việt Nam và trò chơi nguy hiểm của Phạm Xuân Ẩn
Trao đổi lại với ông Thomas A. Bass về phần biên tập ban đầu cuốn sách của ông mà tôi tham gia 
Thomas A. Bass – Phản hồi độc giả nhân lần xuất bản tại Berlin 
Nhà báo và nhà kiểm duyệt (1) 
Nhà báo và nhà kiểm duyệt (2) 
 
Thomas A. Bass – Rừng Sát: hiện tượng kiểm duyệt tại Việt Nam (Bản dịch mới – Kỳ 1)
Đọc toàn văn trong bản PDF

CÁC CƠ CHẾ KIỂM SOÁT VĂN CHƯƠNG
Một hôm vào tháng Ba 2014 một bản dịch tiếng Việt của The Spy Who Loved Us xuất hiện ở Hà Nội dầu không ai có thể cho tôi biết chắc và như tôi biết thì giấy phép xuất bản phải đến tháng Năm 2014 mới được cấp. Thậm chí nhan đề sách của bản dịch đó còn bị cắt và biến thành: Z.21, một mật danh của Phạm Xuân Ẩn. 

Dường như cuốn sách, giống như nhân vật của nó, có số phận phải âm thầm xuyên qua mảnh đất đầy bất trắc của những xung đột văn hóa tại Việt Nam.

Khi đang ngồi xem xét những chỗ bị cắt trong danh sách cuối cùng về các đoạn kiểm duyệt mà người ta đã gửi cho tôi trước đó, tôi nhận được một e-mail thông báo rằng cuốn sách đã được xuất bản. Đây là một vi phạm hợp đồng rõ ràng. Nhưng tôi quyết định không nhấn vào điểm này để được rảnh rang trong sáu tháng, như đã giao kèo, chuẩn bị cho việc công bố bản dịch không kiểm duyệt trên mạng (web).  

Web là nơi đang giúp văn chương Việt Nam giữ được sinh lực. Bởi cả một mạng lưới dày đặc và xám xịt được bện bằng những giám sát của công an, của tiền phạt, và cả bằng những song sắt nhà tù hay viễn cảnh lưu đày, đang mỗi ngày chụp sát hơn xuống giới nhà báo, blogger, nghệ sĩ, nhạc sĩ và nhà thơ nữa, khắp đất nước. Vâng, thậm chí nhà thơ Việt Nam cũng có thể bị tội vạ, như tôi sẽ sớm được biết trong chuyến thăm Việt Nam sắp tới.

Tôi đã tận dụng sự xôn xao chút ít của dư luận (gồm cả một bài đăng ngay trên trang bìa của tờ Tuổi Trẻ) từ việc xuất bản cuốn sách của tôi để lên kế hoạch cho hành trình tới Đông Nam Á. Tôi muốn được gặp những nhà kiểm duyệt mà tôi đã trao đổi, tranh luận suốt 5 năm qua, hoặc ít nhất là những người sẽ mạnh dạn nói chuyện với tôi. 

Vào một đêm cuối tháng Năm tôi tới Hà Nội trên một chuyến bay khởi hành từ Paris.

 Hạ cánh xong, tôi bơi luôn qua lớp sương mù đục của khói bụi hòa lẫn với nóng ẩm, rồi trú tại Khách sạn Nhà thờ trong khu phố cổ ngay gần Nhà thờ Lớn Saint Joseph. Từ nơi đó tôi lên lịch gặp Nguyễn Việt Long, biên tập viên đầu tiên của tôi ở Nhã Nam. Tôi cũng hẹn gặp với Nguyễn Nhật Anh và Vũ Hoàng Giang, giám đốc và phó giám đốc Nhã Nam. 

Sau này tôi mới biết có hai người nữa trong dự án này cũng muốn nói chuyện với tôi. Đó là ông Nguyễn Thế Vinh, biên tập viên của Hồng Đức – nhà xuất bản nhà nước đã đưa ra danh sách cắt xén cuối cùng, và cũng là nhà xuất bản mang lại giấy phép xuất bản cho cuốn sách. Một người khác, đó là ông Dương Trung Quốc, nhà sử học và là đại biểu của Quốc hội Việt Nam. Ông Quốc hình như là người đã có những tác động chính trị cần thiết cho cuốn sách của tôi – hoặc ít nhất là một phiên bản của nó – được xuất bản ở Việt Nam.

Người dịch của Z.21 là một nhà báo Hà Nội, ông Đỗ Tuấn Kiệt. Đáng tiếc là ông ấy lại không có ở Hà Nội trong khi tôi ở Việt Nam. Dựa vào bản dịch có thể thấy ông Kiệt là người nói tiếng Bắc, phương ngữ chiếm ưu thế, nay bị thấm nhiều thuật ngữ Mác-xít-Lê-nin-nít được mượn từ người Trung Quốc. 

Tai người miền Nam không hạp với loại ngôn ngữ này. Đó không phải là giọng của Phạm Xuân Ẩn, nhân vật trong cuốn sách của tôi, và quả thực, ông Ẩn đã chế giễu cách nói đó. Ông Ẩn đã coi mười tháng học ở Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc tại Hà Nội vào năm 1978 là một vụ “cải tạo” – một nỗ lực bị thất bại trong việc dạy ông Ẩn thứ ngôn ngữ đó. “Tôi đã sống quá lâu trong lòng kẻ thù,” ông Ẩn giãi bày. “Nên họ đưa tôi đi tái chế.”

Sau khi sách dịch xong, ông Long, biên tập viên của tôi, bắt tay vào công việc nặng nề: kiểm duyệt nó. Qua nhiều năm, trong khi ông cố tìm cách để có giấy phép xuất bản, bản dịch ngày càng phải chịu thêm nhiều thay đổi khi các nhà xuất bản cứ lần lượt từ chối. Sau đó tôi hình dung, như vậy là dự án này đã chín hẳn thành một thứ đang bốc mùi nguy hiểm.

 Đó không phải là thứ người ta muốn đụng vào nếu họ vẫn còn nâng niu sự nghiệp làm biên tập ở một tòa báo của Công an hay của Bộ Nội vụ. Bản thân ông Long chắc đã bắt đầu bị để ý. Sau đó ông đã bỏ khu vực xuất bản sách văn chương sang làm biên tập sách toán cho trẻ em.

Ông Long và tôi đồng ý gặp nhau ở khách sạn. Ông bấm chuông, bước vào phòng với một vẻ khá lo lắng. Ông ngồi ghé vào chiếc ghế sô-pha, xin lỗi vì đến muộn, và cuối cùng đồng ý uống cùng tôi một ly bia. Khoảng ngoài 50 với mái tóc đen vuông vức, ông Long trong bộ đồng phục thường thấy của cán bộ Việt Nam với đôi kính to tròn, áo sơ mi trắng cộc tay có chiếc bút nổi trên túi ngực, đồng hồ kim loại đeo trễ vòng quanh cổ tay, quần âu màu xám và đi đôi dép xăng-đan. Sau khi đưa mắt nhìn xung quanh như thể soát xem có những máy móc ghi âm nào không, ông Long bắt đầu trả lời những câu hỏi của tôi bằng kiểu giải thích xa xôi đầy cảnh giác của một người sống trong một nhà nước cảnh sát.

Được đào tạo ở Liên Xô cũ với chuyên ngành điều khiển học hay gọi là hệ thống kiểm soát các lò phản ứng hạt nhân, đặc biệt là cho lò hạt nhân ở Đà Lạt mà phía miền Bắc chiến thắng đã thu được sau khi người Mỹ rút đi năm 1975. Tốt nghiệp từ Viện Công nghệ Năng lượng Moskva (Moscow Power Engineering Institute), ông Long đã tự học tiếng Anh trong 5 năm khi du học ở đó.

Sau khi hàn huyên về lý do chuyển từ ngành điều khiển học sang lĩnh vực xuất bản, chúng tôi chuyển sang nói về cuốn sách của tôi. “Hết sức vất vả mới biên tập được cuốn của ông,” ông Long kể. “Tôi bị kẹt ở giữa, bị o ép giữa tác giả và cấp trên của tôi. Chính quyền thì tuyên bố đây là một cuốn nhạy cảm. Xử lý không đúng loại này, anh có thể phải rắc rối to. Đấy là tất cả những gì tôi có thể nói với ông.”

“Về mặt pháp luật, không có nhà xuất bản tư nhân ở Việt Nam. Do vậy Nhã Nam phải tự liên kết với một nhà xuất bản của nhà nước mỗi lần muốn ra một cuốn sách. Chúng tôi đã đưa cuốn của ông tới rất nhiều nhà xuất bản nhưng tất cả đều trả lại. Cuối cùng, chỉ có Hồng Đức là đồng ý xin giấy phép xuất bản cho nó thôi. Hồng Đức là một nhà xuất bản có thế lực.”
“Sao họ lại có thế lực?” tôi hỏi.

Ông Long cười ái ngại. “Thôi, chúng ta hãy chỉ nói là họ có thế lực. Tôi chỉ có thể nói được vậy thôi.” Sau này tôi biết Hồng Đức thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, một trong những cơ quan kiểm duyệt lớn nhất.
“Thế còn những điều bị cắt?” tôi tiếp tục tìm hiểu.
“Người dịch phải dịch toàn bộ sách. Sau đó chúng tôi sẽ bỏ đi tất cả những gì cần phải bỏ. Chúng tôi không thể nào để nguyên như vậy được. Xin xuất bản cuốn của ông là một hành trình hết sức khó nhọc. Rất nhiều vấn đề phải kiểm duyệt và chẳng có cách nào khác ngoài cắt bỏ.”

Khi tôi đề nghị cho ví dụ, ông nêu ra hai cái tên, Đại tá Bùi Tín, người đã chạy sang Pháp năm 1990 để phản đối Việt Nam thiếu dân chủ, và Tướng Giáp, trước khi mất năm 2013, đã viết nhiều thư phản đối ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Việt Nam. “Không thể viết gì về những việc đó được,” ông Long nói. “Mọi người đều biết những việc đó, nhưng ông không thể có được giấy phép xuất bản nếu những thứ đó còn trong sách của ông.”
“Vậy tại sao ông biết cái gì sẽ bị kiểm duyệt?”

“Chúng tôi phải biết. Bằng quan sát. Có thể một số người có suy nghĩ khác, nhưng chúng tôi biết những gì cần làm. Nhiều chuyện còn phụ thuộc vào thời điểm nữa.” ông nói. “Chúng tôi đã xuất bản được một cuốn của Dalai Lama phản đối Trung Quốc. Nhưng khi giới chức phát hiện ra việc đó thì chúng tôi bị cấm, không cho làm thêm những sách của Dalai Lama nữa. Nói chung, chúng tôi không thể xuất bản bất cứ điều gì xấu cho Trung Quốc. Ví dụ cuộc chiến biên giới năm 1979 giữa Trung Quốc và Việt Nam là chủ đề chúng tôi không được phép đề cập.”

Ông Long hắng giọng vẻ bồn chồn. Ông từ chối ly bia thứ hai tôi mời. Rồi ông lại đưa mắt nhìn quanh phòng, nhưng không thấy điều gì lạ làm ông bớt đi vẻ rầu rĩ.

“Kiểm duyệt thường lặng lẽ,” ông nói. “Không hề bị cấm một cách chính thức nhưng tất cả các sách đã được xuất bản đều có thể đột nhiên biến mất khỏi các quầy.”

“Xuất bản cuốn của ông là việc cực kỳ nan giải. Đây là cuốn sách khó nhất đối với tôi đấy.”, ông nhắc lại.

Tôi hỏi thêm ông Long có phải là đảng viên của Đảng Cộng sản không. Ông thì không, nhưng anh trai ông là đảng viên. “Vào Đảng đem lại nhiều quyền lợi chính trị. Nó sẽ giúp ông leo cao trong các tổ chức nhà nước.”

Ông lịch thiệp từ chối một ly bia khác và nói đã đến giờ ông phải đi lấy xe máy để về nhà. Ông Long chúc mừng tôi về việc đã xuất bản được sách.
“Đó không thực sự là cuốn sách của tôi,” tôi đáp và nhắc có 400 đoạn đã bị cắt.
“Bốn trăm không phải quá nhiều,” ông Long nói. “Người Việt chúng tôi có câu: ‘Đầu xuôi, đuôi lọt’. Lần tái bản tới có thể một số đoạn đó sẽ được phục hồi”
Khi ông Long lách nhanh qua cửa ra ngoài, trông ông có cái dáng vẻ lo lắng vì đã nói quá nhiều trong cuộc gặp ngắn ngủi với tôi. Tôi chúc ông nhiều điều tốt đẹp trong công việc mới. “Lương khá hơn rồi,” ông đảm bảo với tôi.

VIỆT NAM HỌC
Sáng hôm sau, bắt một chiếc ta-xi tới quận Cầu Giấy ở phía tây thành phố, xe chạy qua nhiều hồ nước điểm xuyết trung tâm Hà Nội, tôi đến một đại lộ có hàng cây ở hai bên, nơi đây Nhã Nam, nhà xuất bản của tôi chiếm trọn một tòa nhà cũ có những cửa sổ chớp mở ra những ban-công có lan can bằng sắt. 

Mới quãng mười giờ sáng mà cả thành phố đã ngộp trong một bầu khí xam xám, nóng và ẩm. Quầy sách ở tầng trệt của Nhã Nam chất đầy những bản dịch của Proust, Kundera và Nabokov, và tôi thấy hân hạnh khi nhận ra một chồng sách ngay ngắn của mình được trưng cạnh Lolita. Tôi tự giới thiệu với người trực bàn và được dẫn lên gác gặp Nguyễn Nhật Anh, và cộng sự của ông, Vũ Hoàng Giang, phó giám đốc. Tôi đã gặp ông Giang tối hôm trước. Ông đã dự buổi nói chuyện của tôi ở Cinematheque Hà Nội mà tôi không biết trước, nhưng ngay sau đó ông Giang đã tự giới thiệu với tôi. Khi ông chủ tịch Nhã Nam đưa tặng tôi một bó hoa sen tim tím tôi chợt nghĩ rằng những phát biểu của tôi tối hôm trước có thể đã quá thẳng thắn.

Nguyễn Nhật Anh, dáng người dong dỏng vận áo phông đen, quần jeans, đi dép xăng-đan trông có dáng một khách nghiện cà-phê hơn là một biên tập viên của một nhà xuất bản lớn. Có tiếng là thính văn chương, ông Anh ngồi làm việc ở một cái bàn chất đầy sách và một chồng bản thảo cao. Cộng sự của ông, ông Giang, một người cao, đẹp trai, mặc một chiếc áo thun cổ bẻ, luôn tươi cười và có một hình xăm nhỏ trang trí ở cổ tay phải. 

Tôi hình dung hai người đang chia nhau cai quản cái tổ hợp này, ông Anh lo về nội dung chữ nghĩa còn ông Giang về việc bán hàng. Lúc sau tôi mới biết chồng giấy cao tôi tưởng là bản thảo trên bàn ông Anh thực ra là các bản hợp đồng xuất bản và ông Giang, có sở thích văn chương riêng, chính là người đã thu xếp để cuốn sách của tôi được xuất bản.

Cô Thu Yến, biên tập viên đã đấu với tôi trong vài năm qua, không được mời dự trong cuộc gặp này. Cô vẫn phải ngồi làm việc trong phòng giao dịch hợp đồng, nhưng đã có một người khác được thuê đến để phiên dịch – một phụ nữ Việt Nam trẻ trung từng làm cho một công ty luật của Mỹ. 

Khi ông Anh học giả và ông Giang tươi tắn nói về những điểm tế nhị trong ngành xuất bản Việt Nam thì những câu dịch của cô gái trẻ cứ ngắn dần, ngắn dần rồi gần như chẳng dịch gì cả. Rất may, tôi đã đưa theo người phiên dịch riêng của mình, và chúng tôi phải mất nhiều giờ đồng hồ trong buổi chiều hôm đó để dựng lại cuộc trò chuyện.

Tôi ngồi ở chiếc ghế bành trong phòng ông Anh. Bên ngoài những cửa sổ chớp, bầy ve trên cây đang phát ra những tiếng kêu chói tai dễ sợ. Ông Giang đã cảnh báo cho tôi biết trong e-mail về “hệ thống kiểm duyệt chặt và khá nặng tay của các nhà xuất bản thuộc nhà nước Việt Nam. Có lẽ ông khó mà hình dung hết được.” Sau khi được mời một tách trà xanh, chúng tôi đi luôn vào cuộc trao đổi về kiểm duyệt, nói chung ở Việt Nam và nói riêng trong trường hợp của tôi.

Ông Anh mở đầu, đáp lại những câu hỏi của tôi bằng những câu giải thích dài dòng, kiểu cách. Ông Giang tiếp tục khi ông chủ bỏ đấy, đi tới chiếc máy cà-phê espresso bên cạnh bàn làm việc và tự pha cho mình một cốc. Tôi đã thèm định xin một cốc nhưng quyết định giữ lịch sự và tiếp tục với món trà. Ông Anh mô tả cách các nhà kiểm duyệt soi xét cả những chi tiết nhỏ nhất. 

Ông lấy ví dụ, các nhân vật chính trị phải được kính cẩn. Không ai được phép gọi người sáng lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Hồ Chí Minh. Ông ta phải là Bác Hồ – điều đã khắc ông ta cùng lúc vào trong cấu trúc gia đình Việt Nam và lịch sử Việt Nam.

“Kiểm duyệt là việc rất hóc búa,” ông Anh nói. “Chúng tôi thực ra không có một hệ thống hay một bộ chuẩn mực nào để biết nó sẽ hành xử ra sao. Tất cả những điều chúng tôi biết chỉ là rất nhiều nhà xuất bản đã không dám in sách của ông.”

Các cửa ra vào và cửa sổ có khe thoáng trong phòng ông Anh đều mở ra một hàng hiên nhìn xuống phố nhưng chúng vẫn được đóng kín để ngăn bớt khí nóng. Ngoài chiếc bàn làm việc trĩu nặng bởi sách và một bàn pha cà-phê cũng chất đầy sách, căn phòng của ông Anh không chứa thứ gì khác ngoài chiếc ghế tôi đang ngồi và những bức tường xanh trống trơn.

“Vì trước đã có một cuốn về chủ đề này in được nên chúng tôi nghĩ rằng đến lượt chúng tôi sẽ dễ dàng hơn,” ông Anh nói. “Chúng tôi cũng đã tin chắc chúng tôi sẽ in được cuốn của ông.”

Tôi hỏi ông Anh tại sao lại chọn người dịch cuốn của tôi là người miền Bắc, làm mất đi những sắc thái tinh tế và không thể chuyển nổi cả những câu bông lơn của nhân vật anh hùng có xuất thân miền Nam.

“Các khác biệt đó cũng chỉ như âm nhạc,” ông Anh nói. “Cũng như các ca sĩ khác nhau hát cùng một bài và làm cho bài hát được thể hiện bằng nhiều cách thôi. Giống như khi dịch cuốn Những thứ họ mang của Tim O’Brien, chúng tôi đã phải cố giữ sao cho đúng với giọng miền Nam. Nhưng trong trường hợp của ông, chúng tôi xác định chúng tôi làm việc với một cuốn sách chính trị, một tác phẩm phi hư cấu. Người đọc những sách như thế là người miền Bắc nên ông cần làm cho sách dễ hiểu hơn với họ.”

Tôi đề nghị ông Anh và ông Giang nói thêm nữa về việc kiểm duyệt cuốn sách của tôi. Hai người mô tả về qui trình-đã-biết-cho-đến-hôm-nay, được bắt đầu với bản dịch, và được giao phó cho một người biết rõ ván bài sẽ được chơi như thế nào. Sau đó sách sẽ được chuyển cho biên tập viên, người sẽ loại đi tất cả những nội dung “nhạy cảm”.

“Sao người biên tập biết được cái gì cần bỏ?”
“Đấy là việc của ông ấy,” ông Anh trả lời. “Ông Long là một chuyên gia về các cơ chế kiểm soát – thường được gọi là điều khiển học – và một loạt những nguyên tắc tương tự được áp dụng trong lĩnh vực văn chương. 

Công đoạn kiểm duyệt ở nhà xuất bản có một số cơ chế kiểm soát chúng tôi biết rõ nhưng cũng còn nhiều thứ không biết được. Do vậy, chúng tôi phải trông cậy vào kinh nghiệm của người biên tập đã quen với việc cắt xén bản thảo. Người đó biết cái gì có nhiều khả năng không qua nổi các nhà kiểm duyệt.”

“Qui trình kiểm duyệt là nguy hiểm, nguy hiểm cho tác giả và cho cả nhà xuất bản nữa,” ông Anh nói thêm. Nói đến đây, ông Anh đã khẩy đôi dép ra khỏi chân và đang làm mát hai bàn chân trần trên nền nhà lát gạch men. Trên đầu, chiếc quạt hối hả phả hơi nóng xuống khắp phòng. Nhiệt độ ở Hà Nội, mùa Xuân này, đang vượt trên 37° C.
Ông Anh kể cho tôi nghe câu chuyện về một tập thơ của tác giả có tên Trần Dần do công ty ông xuất bản năm 2006. Các tác phẩm của Trần Dần đã bị cấm liên tục từ những năm 1950 khi ông dính vào vụ Nhân văn Giai phẩm – một phiên bản Cách mạng Văn hóa của Mao tại Việt Nam nhằm thanh trừng các văn nghệ sĩ, họ bị liệt vào danh sách đen, bị tống giam và bị cấm đoán suốt 50 năm. 

Một trong những nghệ sĩ đó là Văn Cao, người đã sáng tác cho Việt Nam bản Quốc ca năm 1945. Từ năm 1957 cho tới tận năm 1986, người Việt Nam đã phải ở trong một tình cảnh trớ trêu, được phép chơi nhạc nhưng không được hát bài Quốc ca của Văn Cao. 

Chỉ khi một số lời của Quốc ca được sửa đi thì bài hát mới được hát trở lại. Bản thân Văn Cao đã từ lâu thôi không sáng tác nhạc hay ca khúc nữa. Ông đã đứng vào hàng ngũ những nghệ sĩ Việt Nam, cỡ hàng trăm người, từ thập niên 1950 cho tới nay, phải im lặng hoặc đi sống đời lưu vong.

Những tưởng Mao đã chết từ lâu và cuộc Cách mạng Văn hóa của ông ta đã bị đả phá, Nhã Nam cho rằng sẽ an toàn khi in trở lại Trần Dần. Sau đó công ty có được giấy phép xuất bản từ một doanh nghiệp nhà nước ở Đà Nẵng và cho in một số thơ của Trần Dần, nhưng tiếng sét đã nổ. “Công an đến thẳng hội chợ thu hết tất cả sách về Trần Dần,” ông Anh kể. “Sau đó họ đến công ty khám xét, lục soát và thu hủy rất nhiều nữa. Chúng tôi quá kinh hoàng, đã nghĩ sẽ phải đóng cửa và chấm dứt công việc.”
“Nguyên nhân từ đâu?”
Ông Anh hạ thấp giọng và nói ra tên của một cơ quan: A25.
“Không, bây giờ là A87 rồi,” ông Giang thêm vào.

Các cơ quan của chính phủ bắt đầu với chữ A, nghĩa là “an ninh”, có rất nhiều. A25, bây giờ là A87, chuyên phụ trách về các nhà xuất bản.
“Đúng ra, đó là An ninh Văn Hóa, Cục An ninh Văn hóa,” ông Anh nói.
Tôi hỏi: “Địa chỉ ở đâu?”
“Họ chẳng có địa chỉ nào cả,” ý ông Anh nói là họ có mặt ở khắp nơi. Hai người bọn họ nói nhát gừng với nhau về cái nguyên nhân gây ra rắc rối nhưng không câu nào được dịch.

“Không có bất cứ một cơ quan nào chịu trách nhiệm về kiểm duyệt cả,“ ông Anh giải thích. “Nhưng có rất nhiều người thực hiện.” Tôi lại thấy ông Anh nêu ra cái tên Bộ Công an.
Ông Giang nêu tên Bộ Thông tin Truyền thông. “Đấy mới là cơ quan chịu trách nhiệm về xuất bản.”

Ông Anh bổ sung lực lượng cảnh sát quốc gia và một số tổ chức khác vào danh sách. “Cũng giống như mây trời ấy. Họ có mặt ở khắp nơi.”
“Thường họ không bắt biên tập viên. Tác giả thì có thể bị bắt. Nhưng nói chung các biên tập viên biết được trước khi nào sẽ có rắc rối,” ông nói.

Tôi đề nghị họ nói chi tiết hơn nữa về kiểm duyệt trong việc xuất bản cuốn sách của tôi. Đây chính là lúc lần đầu tiên tôi nghe nói tới Nguyễn Thế Vinh. Ông Vinh là người đã đưa ra danh sách cuối cùng cho những chỗ phải cắt và là người đảm bảo có được giấy phép xuất bản. Theo mô tả của hai người, tôi nhận ra sức mạnh đáng kể của ông Vinh trong ngành xuất bản. Từng làm giám đốc cho nhiều công ty, nhưng hiện thời ông Vinh làm biên tập viên cho Hồng Đức – một nhà xuất bản thuộc sở hữu nhà nước trực thuộc Bộ Thông tin Truyền thông. Công ty này không chỉ cấp giấy phép cho cuốn của tôi mà còn được thể hiện logo của nó trên trang bìa. Đúng ra thì sách có hai logo: Một, của Nhã Nam là con trâu đang lặc lè với một cậu bé (hoặc cô bé) đang đọc sách trên lưng, cái kia là của Hồng Đức với chữ H hoa trắng nằm trong chữ Đ hoa màu đen.

Tôi còn biết thêm một việc thú vị về ông Vinh. Ông cũng là người đã lấy được giấy phép cho cuốn Perfect Spy (Điệp viên hoàn hảo) của Giáo sư Berman. Bản dịch tiếng Việt của cuốn sách này đã được tưởng là chất bôi trơn cho cuốn sách của tôi và còn ai có thể thực hiện công việc loại này tốt hơn người đã từng hoàn tất việc đó.

Trong khi ông Anh lúi húi pha cà-phê cho mình, ông Giang tiếp tục kể. “Cuốn sách của ông đã bị năm hoặc sáu nhà xuất bản từ chối. Còn những nhà xuất bản khác lại muốn can thiệp quá nhiều, đòi thay cả nội dung. Họ liên tục đòi cắt thêm, cắt thêm. Nhưng chúng tôi không chịu, cho tới khi Nguyễn Thế Vinh nhận làm.”

“Ông ấy đòi thay đổi những gì?” Tôi hỏi.
Ông Anh đang đi đi lại lại phía sau bàn.  Một cái chau mày làm tối sầm mặt ông Giang. “Lúc nào nói chuyện với ông ấy, ông đừng nên hỏi quá khó. Cái đó có thể làm ông Vinh mất lòng và không có lợi cho việc bán cuốn sách của ông.”
“Ai đã đề nghị ông Vinh tham gia vậy, thưa các ông?” Tôi hỏi thêm.
“Ông Giang đã tiếp cận ông ấy,” ông Anh trả lời. Tôi nhận thấy hai người đàn ông đã trở nên bất an khi nói cho tôi biết những chi tiết như thế. Và cả hai cùng ngồi im, khoanh tay trước ngực.

“Những người ở Hồng Đức cũng muốn viết một lời giới thiệu cho cuốn của ông nhưng chúng tôi từ chối.” Ông Anh lên tiếng trở lại.
Nghe thế, trong đầu tôi mường tượng ngay ra những gì mà Hồng Đức có thể viết để chuốt lại những câu văn thật chuẩn cho Phạm Xuân Ẩn – nhà tình báo “hoàn hảo”, một cán bộ cộng sản toàn năng nhưng đã khiến cho nhiều người phương Tây phải mê mẩn ngưỡng mộ. Tôi cảm thấy biết ơn những người biên tập đã cứu tôi thoát khỏi sự hổ thẹn này.

“Chính ông Vinh đã lĩnh trách nhiệm cho việc in cuốn sách của ông đấy,” ông Anh nói.
“Ý ông là cuốn sách có thể vẫn còn bị kiểm duyệt?”

“Ngay ngày mai vẫn có thể bị thu hồi,” ông Anh thêm vào. “Không ai biết lý do từ đâu cả. Chúng tôi vẫn phải trông chừng mọi dấu hiệu xấu vì lúc nào cũng có thể có một kẻ nào đó tìm thấy những chỗ gọi là ‘nhạy cảm’ trong bất kỳ cuốn sách nào.”
“Theo các ông tôi nên tránh nói những chủ đề nào khi còn ở Việt Nam?” Tôi tiếp lời.

“Xin ông hãy nhớ cho, ông Vinh là người thành đạt và có danh tiếng trong nghề.” Ông Anh trả lời.

Đến lúc này thì mọi người đều đã rõ quan điểm của tôi trong vấn đề kiểm duyệt – một việc hèn hạ của những kẻ có quyền chuyên lừa gạt những người yếu thế để bảo toàn quyền lợi riêng cho bản thân. Tôi không cần phải lặp lại những điều đã thể hiện.

“Ông không nên quá thẳng với ông Vinh. Ông ấy làm việc theo chỉ đạo của nhà xuất bản.” ông Anh tiếp lời.

“Ông cũng nên coi cuốn sách của mình như một vật thể sống. Nó có thể được tái bản, những chỗ đã bị cắt trong lần đầu có thể sẽ được bổ sung trong những lần sau.” Ông Giang giảng giải.

Tôi đảm bảo với ông Anh và ông Giang là tôi sẽ cố hết sức không làm mếch lòng ai. Cả hai cũng đều biết bản tiếng Việt đầy đủ không bị kiểm duyệt của tôi sẽ được công bố trên internet.

“Ngay bây giờ thì Việt Nam chúng tôi chẳng có chuẩn mực gì cả,” ông Giang nói. “Chúng tôi không được biết những quyền của mình và không biết kiểm duyệt sẽ đến từ đâu. Nhưng hệ thống của chúng tôi đang thay đổi. Hy vọng ông hiểu rằng chúng tôi có thể tiến bộ. Chúng tôi có thể làm tốt hơn nữa. Chúng tôi đang phải học để hội nhập với ngành xuất bản thế giới.”

“Nhưng nếu cuốn của ông được tái bản chúng tôi muốn đưa trở lại các chi tiết đã bị cắt,” ông Giang nói thêm. “Ông đã có cảm nhận tích cực về Việt Nam. Mọi người biết điều đó. Vậy mong ông hãy kiên nhẫn, cho chúng tôi thêm thời gian để xem xét, sắp đặt thêm. Mọi người đánh giá cao ông như một chuyên gia về Việt Nam, một nhà phê bình, đôi khi quá nghiêm, nhưng công bằng. Việt Nam học – có lẽ đó là từ nói đúng cho những việc ông đang làm.”
“Mỗi năm các ông xuất bản bao nhiêu cuốn loại ‘rắn’?” Tôi hỏi.

“Trong nghề này, chúng tôi chuyên làm những sách khó,” ông Anh trả lời. “Lĩnh vực nào cũng có cái khó của nó. Nhưng sách của ông là ca đặc biệt. Ca khó nhất. Riêng tôi đã định bỏ. Tôi cho rằng sẽ chẳng có hy vọng gì. Tôi là người nóng nảy mà cuốn đó lại quá ư là rắn. Tôi đã buông tay và nói ‘cuốn này sẽ không bao giờ in được đâu!’ Nhưng những đồng nghiệp của tôi kiên nhẫn hơn tôi, họ nói “Từ từ nào. Vẫn còn cơ hội mà.” Nhờ có ông Giang và cô Thu Yến nên cuốn sách của ông mới được nhìn thấy ánh sáng ở đây đấy. Họ đã rất kiên trì và nhẫn nại.”

“Có lúc tôi đã cảm thấy như bị kẹt giữa hai làn đạn,” ông Anh tiếp tục. “Tôi bị bắn liên tục từ cả hai phía. Tác giả thì phản đối việc cắt bỏ. Người kiểm duyệt thì yêu cầu phải cắt. Cũng có những tác giả thông cảm cho hệ thống này, như Milan Kundera chẳng hạn. Ông ấy đã từng sống lâu dưới chế độ kiểm duyệt. Khi chúng tôi in sách của ông ấy, ông ấy hiểu các vấn đề của chúng tôi và đồng ý cho chúng tôi làm những gì chúng tôi phải làm. Nếu mà ông hiểu cho hơn nữa thì chúng tôi đã được nhờ nhiều hơn.”

“Thay mặt nhà xuất bản, chúng tôi muốn nói với ông là chúng tôi chúc mừng cuốn sách của ông đã được xuất bản ở đây,” ông Giang tiếp lời. Có thể ông Giang đang cảm thấy áy náy vì tôi đã bị so sánh không được hay lắm với Milan Kundera. Thực ra tôi thấy buồn cười về chuyện một người tỵ nạn trốn khỏi Tiệp Khắc cộng sản lại tỏ ra dễ tính đến thế để bị kiểm duyệt ở Việt Nam cộng sản.

“Nhưng đây không phải lần đầu Việt Nam và Hoa Kỳ găng nhau trong đàm phán,” tôi nói. Ông Anh và ông Giang thích câu đùa của tôi. “Tôi vui vì chúng ta đã có một kết thúc có hậu.” Xong cả ba cùng bắt tay nhau. Sau đó tôi được đề nghị ngồi vào bàn của ông Anh để ký tặng sách của tôi cho các nhân viên Nhã Nam. Gần như mọi người trong công ty đều muốn có một cuốn trước khi điều có thể xảy ra: cuốn sách biến khỏi các giá sách. Suốt buổi trưa hôm đó mọi người liên tục vào phòng ông Anh để tôi ký.

ĐIỆP VIÊN HOÀN HẢO?
Đến nay đã có sáu cuốn sách viết về Phạm Xuân Ẩn, ba cuốn bằng tiếng Việt, một, tiếng Pháp và hai, tiếng Anh. Cuốn tiểu sử tự họa “chính thức”, Điệp viên hoàn hảo (Perfect Spy), được xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2007 và được dịch sang tiếng Việt một năm sau đó. “Chúng tôi đã làm cho cuốn đó hồng từ đầu chí cuối,” một người sành sỏi về xuất bản ở Việt Nam đã nói với tôi như thế. Nghĩa là các nhà kiểm duyệt Việt Nam đã tô cho thật nổi sắc thái yêu nước lên chân dung nhân vật anh hùng dân tộc vốn đã được chọn lọc kỹ.
Ngay từ nhan đề, Điệp viên hoàn hảo, đã đủ cho mọi người phải hiểu đó là nói về Phạm Xuân Ẩn một người Việt Nam vì dân tộc, yêu nước. 

Cuốn sách cũng cho rằng ông Ẩn đã về hưu một cách hạnh phúc khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc năm 1975. Nhưng vấn đề của câu chuyện lại ở chỗ nó có vẻ không thật. Mọi điệp viên đều có một vỏ bọc và một cuộc đời được giấu kín phía sau trong cuộc sinh tồn hai mặt hoặc, như Phạm Xuân Ẩn, là bốn mặt. Vì, có lúc ông Ẩn làm choPhòng Nhì của Pháp, lúc lại cho CIA và lúc lại cho cả cơ quan tình báo của Nam Việt lẫn Bắc Việt. Hoạt động tình báo cho người Pháp ông Ẩn chỉ ở mức làm thêm kiểm duyệt thuê ở Sở Bưu điện, cắt tỉa các điện tín của Graham Green trước khi gửi cho tạp chí Paris Match. Khi làm cho người Mỹ, ông Ẩn còn được đào tạo về khoa chiến tranh tâm lý trong những năm 1950 do chính Edward Lansdale và những nhân viên tình báo CIA khác huấn luyện.

Làm cho cơ quan tình báo của Nam Việt, ông Ẩn là cánh tay phải của trùm tình báo Trần Kim Tuyến, người có sự nghiệp được coi như kết thúc vào năm 1962 do bị thất sủng sau cú chính quyền bị lật đổ hụt. Nhưng ông Ẩn vẫn giữ quan hệ với ông Tuyến – người vẫn là “phù thủy” có tật đam mê lật đổ. Ông Ẩn đã giúp ông Tuyến nhiều thực phẩm, thuốc men (chắc chắn có cả tin tức kèm theo) khi ông trùm tình báo bị quản thúc tại gia. Sau đó ông Ẩn còn giúp ông Tuyến một phi vụ cuối cùng. Ông Ẩn cứu mạng ông Tuyến. 

Có một tấm ảnh nổi tiếng năm 1975 chụp chiếc trực thăng cuối cùng của Hoa Kỳ đang bay lên từ nóc tòa nhà số 22 đường Gia Long, cho thấy một chiếc thang mỏng manh bắc vào thân máy bay. Người cuối cùng leo lên chiếc thang đó chính là Trần Kim Tuyến, nhưng người giúp ông ta leo lên được chính là cựu trợ lý tâm phúc của ông ta. 

Tại sao ông Ẩn lại giúp cho người từng là đầu não rất lâu của ngành tình báo Nam Việt thoát khỏi những người cộng sản? “Tôi biết tôi sẽ gặp rắc rối,” ông Ẩn nói với tôi. “Đó là một sếp tình báo, một nhân vật quan trọng cần phải bắt lại, nhưng ông ấy là bạn tôi. Tôi có ân tình với ông ta.” Làm sao có thể biết được ông Ẩn đã quyết định phụng sự lòng trung thành với ai hay bao nhiêu câu hỏi khó trả lời đã tránh được khi ông Tuyến bay thoát sang Anh lưu vong.

Ông Ẩn đã giữ được vỏ bọc nhà báo trong suốt hai mươi năm, nhưng khi nó bị bung mất sau cuộc chiến, ông đã làm một vỏ thứ hai – một chiến lược gia tầm thế giới đang tận hưởng đời hưu trí phong lưu. Suốt ngày khách khứa, tán gẫu với nhiều nhà báo phương Tây. Gần đây tôi có xem một đoạn phim về ông Ẩn khi được phỏng vấn vào năm 1988, do nữ diễn viên Hollywood và cũng là một người tỵ nạn từ Việt Nam, tên Tiana Silliphant, thực hiện. 

Tiana lúc đó đang thu thập dữ liệu cho cuốn phim tài liệu của cô Từ Hollywood tới Hà Nội (From Hollywood to Hanoi). Ông Ẩn ngồi rất thoải mái ngay trên bậc cửa thềm nhà của ông, phía sau không phải một mà hai con chó giống Đức đang canh chừng. Tiana hỏi thẳng ông Ẩn về những người mà ông đã phản bội và những người bạn đã chết vì hoạt động tình báo của ông. Đôi mắt ông Ẩn dướn lên, sắc mặt thoáng biến. Nhưng ngay lập tức ông Ẩn trả lời bằng cách lái câu chuyện vào chiếc vỏ thứ hai. “Tôi mới rời quân ngũ, về hưu cách đây có vài tuần,” ông Ẩn thủng thẳng nói. “Tôi chưa bao giờ phản bội ai cả.”

Ông Ẩn nói trong băng rằng ông xuất ngũ, về hưu năm 1988. Nhưng có lần, cũng được ghi băng, ông lại nói rằng về hưu năm 2002 và một lần khác thì về hưu năm 2005. Đó là lần một vị khách đã trông thấy chiếc TV lớn màn hình phẳng trong phòng khách nhà ông có kèm tấm thiếp cho biết là quà tặng khi ông về hưu của những “người bạn” từ Tổng cục II – Tình báo Quân đội. Nhưng rất có thể ông Ẩn chưa bao giờ nghỉ hưu, ông vẫn luôn là thành viên của các cơ quan tình báo cho tới tận lúc qua đời. Dưới vỏ bọc thứ nhất, nhà báo, ông là một điệp viên suốt từ năm 1950 cho tới lúc mãn cuộc chiến Việt Nam. 

Trong lớp vỏ thứ hai, nhà chiến lược về hưu, ông đã hoạt động điệp báo thêm ba mươi năm nữa – lâu hơn cả giai đoạn đầu. Ông đã làm những gì trong vai trò một điệp viên còn hoạt động là điều vẫn chưa thể biết, nhưng chắc chắn ông đã báo cáo về những vị khách tới thăm và đưa ra những đánh giá, phân tích chính trị khiến ông trở nên có giá. Bằng việc dí dỏm nói về chuyện những người cộng sản đã thất bại trong việc “cải tạo” lại mình, ông Ẩn đã thành công trong việc làm lạc đi những ngờ vực rằng ông vẫn còn hoạt động tình báo. Điểm đặc biệt này chỉ được lộ ra khi Tướng Nguyễn Chí Vịnh đọc điếu văn trong đám tang ông Ẩn. Khi ấy Tướng Vịnh đang đứng đầu Tổng cục II. Điếu văn do Tướng Vịnh đọc cho biết ông Ẩn đã lập “những chiến công phi thường” ngay khi sống trong “lòng kẻ thù”,  kèm theo danh sách các huân, huy chương của quân đội, mỗi chiếc đều là một câu chuyện lớn của đời ông.

Trong mục tham chiếu sơ sài, Điệp viên hoàn hảo cho biết Phạm Xuân Ẩn đã được tặng mười một huân, huy chương. Nhưng thực tế ông có tới mười sáu chiếc, trong đó sáu chiếc được trao sau 1975. Mười bốn trong tổng số, và bốn chiếc trong số sau 1975 là thuộc huân, huy chương chiến công, không phải cho các phân tích chiến lược mà vì những hành động quân sự cụ thể. Ông Ẩn đã giành được huân chương vì lập công trợ giúp chiến thuật cho các trận đánh từ Ấp Bắc năm 1963, Ia Đrăng 1965 cho tới Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc cuộc chiến năm 1975. Bốn huân chương chiến công khác được trao cho ông sau 1975 là vì những hoạt động nào vẫn còn là bí mật.

Giấu bớt huân, huy chương, hạ thấp ý nghĩa và làm quên đi sự thật rằng nhiều huân, huy chương đã được trao sau 1975 là một phần của chiến lược xây dựng Phạm Xuân Ẩn thành một “điệp viên hoàn hảo” với bản mặt hiền lành, như Hồ Chí Minh, để được nhấc hẳn ra ngoài tính chất đẫm máu ghê rợn của những cuộc chiến chống thực dân ở Việt Nam. Trong Điệp viên hoàn hảo, nhiều góc cạnh nghề nghiệp của ông Ẩn đã bị đẽo gọt hoặc phạt hẳn đi. Những tình tiết ông chỉ trích sự bất tài, tham nhũng của chế độ cộng sản, những nhận xét rất khó chịu của ông về ảnh hưởng của Nga, những phản đối Trung Quốc can thiệp vào công việc nội bộ Việt Nam và những câu bông đùa của ông về việc đã bị “cải tạo” lại vào năm 1978, cũng như sự đối lập của ông đối với nhóm lãnh đạo hiện thời ngả theo Trung Quốc, tất cả đều được kể mềm đi. 

Những chi tiết khác về việc vợ và bốn người con của ông đã được đưa sang Hoa Kỳ năm 1975 rồi một năm sau lại bị gọi về Việt Nam cũng đã được làm mờ đi hoặc lờ hẳn đi. Trong phiên bản được gia công để công chúng thưởng lãm, giống như người viết tiểu sử “chính thức” của ông đã kể, ông Ẩn vẫn ở lại Sài Gòn khi chiến tranh chấm dứt vì phải chăm sóc người mẹ già yếu. 

Nhưng thực ra tình báo Việt Nam từ trước đã có kế hoạch đưa ông sang Hoa Kỳ tiếp tục làm điệp báo cho chính quyền. Nhưng kế hoạch đó cuối cùng bị Bộ Chính trị bác nên ông buộc phải ở lại và phải gọi cả nhà quay trở về. Những thông tin về hoạt động của ông thời hậu chiến cho thấy Việt Nam đã có kế hoạch, và chắc chắn đã thành công, trong việc cài điệp viên vào Hoa Kỳ lúc chấm dứt chiến cuộc. Nhưng điều này cũng cho biết đã có một bất đồng lớn giữa cơ quan tình báo và Bộ Chính trị, và cơ quan tuyên truyền của Việt Nam muốn dùng câu chuyện một bà mẹ già yếu để che mối bất đồng đó đi.

Một khi những mảng tối đã được lắp trở lại cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn thì các nhà kiểm duyệt buộc phải chống lại những mô tả kém-hoàn hảo-hơn về ông. Đúng ra họ sẽ phải cần năm năm để viết lại cuộc đời ông và cố làm cho nó thật giống với phiên bản chính thức. Và nước cờ mở của Nhã Nam đã bị hụt. Vì một cuốn sách về Phạm Xuân Ẩn của một tác giả phương Tây đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam không có nghĩa là cuốn thứ hai sẽ được dễ dàng. Thật vậy, như chúng ta gần đây mới biết, ngay cả phiên bản “hồng” về cuộc đời ông Ẩn đã nói ở trên cũng là một vụ hồi hộp. 

Tin này do công điện ngoại giao Hoa Kỳ nói đến tháng Chín 2007 và được Wikileaks tiết lộ năm 2011. Điện tín từ Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở thành phố Hồ Chí Minh tả lại việc bản Việt ngữ Điệp viên hoàn hảo đã suýt bị Bộ Công an cho nghiền thành cám vào phút cuối như thế nào, dù việc in ấn hoàn toàn do một công ty của chính quyền thực hiện. Những nhà kiểm duyệt bên Bộ Công an phản đối “rất nhiều những trích dẫn lời Phạm Xuân Ẩn, ca cẩm về việc Việt Nam chỉ đơn thuần đổi ông chủ này lấy một ông chủ khác – tức Liên-Xô –, và chỉ trích của ông về nhiều chính sách sau chiến tranh của nhà nước.” 

Các biên tập viên cũng bị rắc rối vì đã “ủng hộ xuất bản một cuốn sách, trong đó một trong những anh hùng danh tiếng nhất của đất nước lại tung các tấn công vào khắp các chính sách hậu chiến của nhà nước Việt Nam và phê phán tính chất khép kín của xã hội Việt Nam.” Theo ghi chép của Tổng Lãnh sự, “phái ủng hộ cải cách trong chính quyền Việt Nam” đã chỉ “cao tay” hơn “phe chống cải cách” khi đích thân ông Chủ tịch nước phê chuẩn việc xuất bản cuốn sách.

Những câu chuyện kiểm duyệt vừa nói đã cho thấy thượng tôn luật pháp (rule of law) ở Việt Nam đã và đang bị thay bằng thượng tôn luật rừng như thế nào.


Những người có quyền sẽ làm tất cả mọi điều có thể để bảo vệ các đặc quyền của họ. Tôi thấy hoảng vì những câu chuyện như thế, nhưng nhiều người lại ngáp khi nghe tôi nói về tình trạng kiểm duyệt ở Việt Nam. “Thế ông mong đợi điều gì?” họ thường hỏi thế. “Chẳng có gì ngạc nhiên ở đây cả.” Thậm chí nhiều người bạn Việt Nam của tôi còn phó thác tất cả cho định mệnh, cho một niềm tin kỳ lạ rằng họ có thể đọc được cả những con chữ vừa khuất bóng. “Tôi có thể chỉ cho ông biết một cuốn sách đã bị đục bỏ ở chỗ nào.” Bảo Ninh, nhà văn, đã đảm bảo với tôi như thế. “Chúng tôi biết những gì đã bị cắt. Chúng tôi chỉ không thể nói về những chuyện đó thôi.”

Thật khó có lý lẽ để chống kiểm duyệt khi trước mặt sự vô sỉ đã chan hòa. Nhưng gần đây đã có một nỗ lực quí giá chống kiểm duyệt do Amartya Sen, người từng đoạt Giải Nobel về kinh tế, khởi xướng. Trong một bài viết cho tờ Index on Censorship (Chỉ mục về Kiểm duyệt) năm 2013, Sen đã truy vấn đất nước Ấn Độ quê hương ông về ý tưởng học theo mô hình Trung Quốc – một chính quyền độc tài có thể làm kinh tế tăng trưởng bằng việc phá bỏ tự do cá nhân. 

Nền tảng trong quan điểm đối lập của Sen là: “tự do báo chí là yếu tố cốt yếu cho phát triển”. Tự do ngôn luận có “giá trị tự thân”, Sen nói. Đó là “yêu cầu tất yếu để có một nền chính trị sáng suốt.” Điều đó sẽ “giúp những người thiếu may mắn hay bị bỏ rơi được lắng nghe”, đó là yếu tố cốt tử để xã hội có “những ý tưởng mới”. Trung Quốc có vẻ vẫn đang vận hành khá ổn, nhưng Sen – nhà kinh tế học đã đoạt Giải Nobel cho công trình nghiên cứu về nạn đói – nhắc cho chúng ta nhớ lại điều gì có thể xảy ra khi tuyên truyền chiếm chỗ của thông tin.

“Trong bất kỳ hệ thống độc tài nào cũng có một sự mong manh không tránh khỏi”, Sen viết như thế. Lần cuối cùng hiện tượng này tự bộc lộ là ở Trung Quốc, trong cuộc cải cách ruộng đất tồi tệ của thời kỳ Đại Nhảy vọt, đất nước này đã phải chịu một trong những nạn đói khủng khiếp nhất thế giới. “Từ năm 1959-1962… có ít nhất 30 triệu người Trung Quốc chết đói do chính quyền không nắm được sự thật và vì công luận không có bất kỳ tiếng nói phản kháng có sức mạnh nào để cảnh báo sai lầm trong các chính sách giống như trong các nền dân chủ.”

“Và các sai lầm về chính sách cứ tiếp tục lặp lại suốt trong những năm đói kém kinh hoàng đó,” Sen viết tiếp. “Tình trạng trắng thông tin tuyệt đối, vì kiểm duyệt và kiểm soát, tới mức chính quyền bị chính hệ thống tuyên truyền của nó làm cho tin xằng rằng vẫn còn hơn 100 triệu tấn gạo. Cuối cùng, năm 1962 Mao Chủ tịch phải đích thân lên tiếng và thừa nhận là “thiếu dân chủ”, nhưng cái thiếu trong trường hợp này là cái thiếu giết người. Ấn Độ và nhiều nơi khác trên thế giới có thể đã bị quyến rũ bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt tới 2 con số của Trung Quốc, nhưng sẽ thật dại dột, Sen nói, nếu học theo các biện pháp phi dân chủ – những thứ đã làm suy sụp các chế độ toàn trị và làm cho những kẻ lãnh đạo của các chế độ đó tin chính những lời dối trá của họ.

TÁC PHONG THỜI CHIẾN
Ông Nguyễn Thế Vinh, biên tập viên của nhà xuất bản Hồng Đức, là người kiểm duyệt cuối cùng tôi gặp trong chuyến đi tìm hiểu ngành xuất bản ở Việt Nam. Tôi phải xuất hiện trong một hội chợ sách tại Hà Nội để ký tặng sách và sau đó ngồi bàn chủ tọa thảo luận về cuốn sách của tôi. Ngồi cạnh tôi, một bên là ông Vinh điều độ, giống như nhiều biên tập viên khác, có vẻ mến sách hơn tác giả, và bên kia là ông Dương Trung Quốc lịch lãm, người cũng có công làm cho cuốn sách của tôi được ấn hành. Ông Quốc là một nhà sử học và chính trị gia. Tôi không rõ ông viết về loại sử nào, nhưng là một đại biểu được bầu của Quốc hội Việt Nam, ông Quốc – một người nồng nhiệt có phong độ giống như một Bill Clinton của Việt Nam – thể hiện rõ là một chính trị gia thành đạt.

Tôi phải cố nén sự khó chịu vì gần hết buổi tối đã được dành để nói về Phạm Xuân Ẩn như một “điệp viên hoàn hảo”. Xin hãy nhớ, ông Vinh đã biên tập và kiểm duyệt cả tiểu sử “chính thức” và cuốn sách của tôi. Người ta đã khuyên tôi phải giữ miệng và chớ làm hại cho việc bán cuốn sách của tôi. Khổ sở này vẫn tiếp tục lan sang cả bữa tối khi tôi vẫn phải giữ mồm giữ miệng còn ông Vinh và ông Quốc cứ thoải mái thưởng thức bữa tiệc thịnh soạn nhiều món. 

Chính hai ông ấy là những người cuối cùng quyết định cắt gọt sách của tôi nhưng dầu sao họ cũng là những người có thế lực làm cho nó được xuất bản. Tôi đang nợ họ một ít tiền nhuận bút mà tôi định sẽ tặng cho một số người trong hàng triệu linh hồn thiệt thòi của cộng đồng người Việt xa quê hương sau cuộc chiến. Nhưng khi món ăn được chuyển từ rau xào sang cá hấp thì lưỡi của tôi đột nhiên mất đi sự e dè đủ để trườn ngay vào chủ đề kiểm duyệt.
“Theo luật thì Việt Nam không có hệ thống kiểm duyệt,” ông Vinh nói. “Chủ yếu là chúng tôi tự kiểm duyệt.”

Ông Quốc, nhà chính trị, đồng ý với ông bạn văn chương. “Ở Việt Nam kiểm duyệt nằm ngay trong đầu của mọi người. Người cắt xén sách của ông là chính các biên tập viên, chứ không phải chính quyền”, ông Quốc nói.

Tôi đề nghị họ làm rõ thêm về việc vì sao một đất nước không có hệ thống kiểm duyệt lại có thể kiểm duyệt được nhiều người viết đến thế. “Tất cả các nhà xuất bản đều thuộc nhà nước”, ông Vinh nói. “Tất cả mọi người làm trong hệ thống đều phải hiểu điều này: vì mục tiêu cao cả hơn của quốc gia họ phải hy sinh một số thứ. Chúng tôi ở đây có một câu thành ngữ: Giết nhầm còn hơn bỏ sót.”
Ông Quốc để một nụ cười từ từ nở rộng khắp mặt rồi mới nhẹ nhàng trách ông bạn: “Anh nói cứ như chính ủy ấy.”

Lúc sau cũng trong buổi tối hôm đó ông Quốc gợi ý cho tôi biết tại sao cuốn sách của tôi cuối cùng cũng được xuất bản sau năm năm bị chặn. “Tất cả các cuốn tiểu sử đã được cho phép in về Phạm Xuân Ẩn trước đây đều là kết quả từ các bản tốc ký. Người ta in những gì mà ông ấy nói cho họ in. Nhưng cuốn của ông thì khác. Cuốn của ông là tư liệu và là bản nghiên cứu, nhưng quan trọng hơn, nó đã bắt được cái hồn người của Phạm Xuân Ẩn. Vì thế mà tôi nghĩ nó nên được xuất bản.”

Tôi nhận lời khen tặng nhưng ghi nhớ rằng cuốn sách của tôi chưa thực sự được xuất bản ở Việt Nam. Cuốn đang bán ở Việt Nam chỉ là loại quảng cáo lấp lửng, còn bản Việt ngữ đầy đủ chỉ có thể có ở hải ngoại. Đó là bản sẽ được dịch lại và công bố ở Berlin từ các file điện tử lưu trong những chiếc máy tính đã được gia cố chống lại các cuộc tấn công của các nhà kiểm duyệt từ Việt Nam. Hiện nay tại Việt Nam vẫn đang có những nhà kiểm duyệt đang cố vươn tay ra khắp thế giới và làm tê liệt máy tính ở ngayBerlin. 

Điều đó làm cho những kẻ kiểm duyệt đó ít hiền lành hơn rất nhiều so với những gì mà ông Vinh muốn tôi tin. Trong trường hợp này những nhà kiểm duyệt đó không chỉ hành động như những người làm vườn tự do, thích cắt tỉa theo ý muốn của họ, mà là những đặc vụ của chính quyền thực hiện mệnh lệnh tấn công người khác ở nước ngoài.

Khi chúng tôi chuyển từ món cá sang thịt nướng, ông Quốc ra dấu sắp cho tôi biết một điều đặc biệt. Phạm Xuân Ẩn không chỉ tiếp tục làm điệp viên sau 1975 mà còn làm công việc đó ở cấp cao nhất. “Ông ấy đã làm hiệu trưởng trường đào tạo tình báo của quân đội ở Thành phố Hồ Chí Minh”. Tám tháng ông Ẩn phải nằm ở Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc tại Hà Nội, năm 1978, là để chuẩn bị cho vị trí quan trọng đó.

Nhưng tôi chưa thấy chứng cứ nào cho thông tin này. Thực ra tôi ngờ rằng đó chỉ là một phần của chiến dịch tuyên truyền nhằm làm cho Phạm Xuân Ẩn trở thành một cán bộ cộng sản hoàn hảo. Điều khẳng định trên còn khó đứng vững hơn vì ngay lúc trước trong cùng buổi tối đó, chính ông Quốc đã thừa nhận là ông Ẩn, một người miền Nam đã từng làm việc cho Mỹ, luôn bị các đồng nghiệp miền Bắc nghi kỵ. “Những người ở vị trí như của Phạm Xuân Ẩn không được chính quyền tin tưởng. Có rất nhiều câu hỏi về ông ấy”, ông Quốc nói. Chắc những câu hỏi như thế còn lâu mới được trả lời. “Ít nhất phải sau 70 năm tài liệu ở Việt Nam mới được giải mật”, ông Quốc cho biết.

Sau này, để kiểm chứng sự khẳng định của ông Quốc rằng, Phạm Xuân Ẩn đã làm hiệu trưởng học viện tình báo, tôi đã tới thăm ông Bùi Tín ở căn hộ một buồng áp mái của ông tại Paris. Ông Tín cũng là một nhà báo tình báo có tiếng. Ông là Phó Tổng biên tập của tờNhân dân, tờ báo của Đảng Cộng sản Việt Nam, khi viết một bài xã luận vào mùa Xuân năm 1990 ca ngợi sự sụp đổ của Bức tường Berlin và việc áp dụng các cải cách chính trị dân chủ trong phe cộng sản. Ông Tín lúc đó sắp bị Bộ Chính trị loại bỏ nhưng Bộ Chính trị cũng đang phải chuẩn bị ký một thỏa thuận hợp tác bí mật giữa Việt Nam và Trung Quốc. (Ông Tín nói, “Thỏa thuận Thành Đô tháng Chín năm 1990 là sự mở đầu cho thời kỳ Bắc thuộc Việt Nam.”). 

Để tránh bị bắt, ông Tín đã để vợ cùng hai con ở lại Hà Nội rồi bay sang Paris dự cuộc gặp với các biên tập viên của các báo cộng sản. Sau đó ông Tín không bay về nước, ông nghĩ tình hình sẽ tự lật ngược trong khoảng một đến hai năm, các lực lượng tiến bộ của Việt Nam cũng sẽ giành được thế thượng phong và áp dụng trở lại các cải cách dân chủ cho đất nước. Hai mươi lăm năm sau, ông Tín vẫn  ở Paris và vợ ông, người ông chưa gặp mặt suốt từ năm 1990 đến nay, vẫn sống trong vòng “kiểm soát chặt chẽ” ở Hà Nội.

Là đại tá quân đội và là người thân tín của Tướng Giáp, và là đồng nghiệp báo chí đã kết bạn với Phạm Xuân Ẩn sau khi hai người gặp nhau năm 1975, ông Tín là một nguồn tin cậy để kiểm tra kỹ thông tin của ông Quốc. “Đúng, Phạm Xuân Ẩn đã viết báo cáo về những người khách tới thăm,” ông Tín xác nhận, “và đôi khi ông ấy cũng được mời đến Bộ Nội vụ giảng bài cho các điệp viên đang học ở Sài Gòn. Nhưng ông ấy hoàn toàn không ở cấp lớn như hiệu trưởng học viện tình báo. Chính quyền đã đối xử với ông ấy như một công cụ hấp dẫn thôi. Ông ấy là một vật trang kim để họ chơi đùa và chiêm ngưỡng. Ông ấy tốt cho việc tuyên truyền nhưng họ không bao giờ tin.”

Dù có những phát biểu còn đầy bí hiểm, tôi bắt đầu thấy khoái ông Quốc khi chúng tôi cùng nhiệt thành cạn sạch một chầu bia khá thoải mái và kết thúc buổi tối với những chiếc tăm vểnh trên miệng – tín hiệu vừa chén xong một bữa tuyệt vời. Ông Quốc còn làm tôi ngạc nhiên thêm bằng một tiết lộ khác. 

Không giống như ngày xưa, ông Quốc nói, chính quyền Việt Nam hôm nay không còn được điều khiển bởi những bộ óc lớn và những thiên tài quân sự nữa. “Chính quyền Việt Nam ngày nay không đủ thông minh để cho phép một người như Phạm Xuân Ẩn làm những điều như trước đây. Phải vừa táo bạo vừa sáng suốt mới có thể điều khiển được một điệp viên cỡ đó. Cái đó trong tiếng Anh của ông nói thế nào? À, ‘Nạn nhân đầu tiên của chiến tranh là sự thật’. Ở đây, chúng tôi vẫn còn nhiều tác phong thời chiến lắm.”

Đến đây, trong buổi tối đó, những người bạn thích giao lưu vào lúc bữa tiệc ngon sắp tàn đều nhất trí với nhau gần như về tất cả mọi chuyện, và những nhà kiểm duyệt của tôi cùng tôi lại bắt đầu nâng ly chúc tụng. Trăm phần trăm.

Nguồn: Dịch từ bản gốc tiếng Anh “Swamp of the Assassins: On Being Censored in Vietnam”, phần I, do tác giả gửi đến pro&contra.

Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Hồng Sơn & Thomas A. Bass & pro&contra


Thomas A. Bass – Rừng Sát: hiện tượng kiểm duyệt tại Việt Nam (Bản dịch mới – Kỳ 1)

Thomas A. Bass – Rừng Sát: hiện tượng kiểm duyệt tại Việt Nam (Bản dịch mới – Kỳ 1)

Chủ Nhật, ngày 23 tháng 11 năm 2014

Lời Tòa soạn DĐTK.- Cách đây mấy tuần, Diễn Đàn Thế Kỷ đã đăng lại bản dịch bài viết này của Thomas A. Bass từ Pro&contra nhưng chưa trọn vẹn thì bản dịch đã bị gỡ xuống. Nay một bản dịch của một dịch giả khác được đưa lên, chúng tôi lại xin phép được đăng lại đầy đủ.

Lý do, bài viết của Thomas A. Bass là một bản cáo trạng kinh hoàng về tình trạng kiểm duyệt sách xuất bản tại Việt Nam hiện nay, mà chúng tôi nghĩ cần được tiếp tay phổ biến rộng rãi cho bạn đọc trong và ngoài nước. 

Trước cách kiểm duyệt này, người ta có thể nói chắc chắn rằng không một bản dịch của bất cứ tác phẩm tiếng nước ngoài nào, không có cuốn sách được tái bản nào từ kho văn học Việt Nam tiền chiến (trước 1945), hoặc của miền Nam trước 1975, hoặc được xuất bản tại hải ngoại v.v... xuất hiện ở Việt Nam mà còn được nguyên vẹn như bản gốc cả. Sự cảnh báo này rất cần thiết để mọi người quan tâm đến việc nên tìm bản gốc để dùng, đặc biệt trong những công trình cần đến nguyên bản. DĐTK

Phạm Hồng Sơn dịch
Bài liên quan:
Cuốn sách về một điệp viên không hoàn hảo
Những chỗ bị kiểm duyệt sửa đổi và cắt bỏ trong bản dịch cuốn “Điệp viên Z21. Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ” của Thomas A. Bass
Bản dịch trọn vẹn: Thomas A. Bass – Điệp viên yêu chúng ta. Chiến tranh Việt Nam và trò chơi nguy hiểm của Phạm Xuân Ẩn
Trao đổi lại với ông Thomas A. Bass về phần biên tập ban đầu cuốn sách của ông mà tôi tham gia 
Thomas A. Bass – Phản hồi độc giả nhân lần xuất bản tại Berlin 
Nhà báo và nhà kiểm duyệt (1) 
Nhà báo và nhà kiểm duyệt (2)  

Lời người dịch
Truyền thông đại chúng (mass media), cạnh những đức hạnh không thể phủ nhận, có một ác tính cũng không thể phủ nhận: đẩy con người thành những đám đông, giết tư duy độc lập cá nhân. Dù đám đông không phải luôn vô ích, có lúc đám đông còn là yếu tố cốt tử cho tiến bộ, Guistave Le Bon năm 1895 đã viết thế này: “Dù sao tôi cũng phải nói với độc giả ngay rằng tại sao những nghiên cứu của tôi sẽ đưa ra những kết luận khác với những gì ban đầu mọi người có thể mong đợi, ví dụ các đám đông thường có mức độ trí tuệ vô cùng thấp, kể cả các đám đông toàn người tinh hoa”.(1)
Dĩ nhiên sự giao động của ác tính đó, giữa bị kìm chế tối đa hay được tự do tung hoành, là phụ thuộc vào mức độ dân chủ của chế độ chính trị, cũng giao động giữa hai cực: Dân chủ tự do đầy đủ (fully liberal democracy) hay Phi dân chủ-độc tài toàn trị (totalitarianism). Không nói thêm, chắc đa số chúng ta đã biết Việt Nam đang có chế độ chính trị nào và, vì vậy đang phải chịu loại “ác tính” thuộc cực nào của mass media. Nhưng chưa hết, Việt Nam chúng ta còn phải chịu một ác nghiệt khác, đó là: Kiểm-Duyệt-Giấu-Mặt hay Tự-Kiểm-Duyệt. Để dễ hình dung hơn, dù chỉ một phần, về hiểm họa của Tự-Kiểm-Duyệt, có lẽ không gì hơn bằng việc xem lại một nhận xét về các biện pháp mà chính quyền Việt Nam đã dùng để kiểm duyệt, trấn áp trong Nhân văn Giai phẩm qua lời nhà thơ Lê Hoài Nguyên, tức ông Thái Kế Toại, cựu Đại tá An ninh Văn hóa (A25 trước, nay A87): “Nói chung là cái biện pháp tổng hợp ấy có một mãnh lực vô hình ghê gớm, nó làm tê liệt mòn mỏi sức lực và tinh thần của một bộ phận trí thức tinh hoa trong thời gian dài 30 năm.“ (2)

Ai còn chưa thấy tính hủy diệt nhân sinh, vừa khủng khiếp vừa ác hiểm, của loại Kiểm-Duyệt-Giấu-Mặt hay Tự-Kiểm-Duyệt?

Đó cũng là đề tài chính trong một bài viết gần đây của một giáo sư người Mỹ, ông Thomas A. Bass. Và có một sự trùng hợp, vừa ngẫu nhiên vừa xót xa, giữa ông Lê và ông Bass: cả hai cùng mô tả một hiện thực kiểm duyệt giết chết giới tinh hoa – cái đầu của một dân tộc. Chỉ có điều hai hiện thực đó cách nhau tới nửa thế kỷ.

Tuy nhiên bài viết của ông Bass, được độc giả Việt Nam biết đến, cho tới nay, chủ yếu qua mạng và chủ yếu qua một bản dịch tiếng Việt, đã gây ra một cuộc tranh luận khá căng thẳng trên mạng với một hệ quả là dịch giả rút lại bản dịch.
Nền tảng chính của những người phản đối bài viết (bài dịch) là: tác giả vi phạm tính riêng tư, vi phạm đạo đức nghề báo trong việc bảo vệ nguồn tin và, nghiêm trọng hơn, có thể làm nguy hiểm cho những nguồn tin đang còn sống ở Việt Nam.

Trong vấn đề này quan điểm của riêng tôi xin được bày tỏ ngắn gọn thế này:

1. Sự bất đồng về bài viết của ông Bass được thể hiện công khai bằng lý lẽ là một điều lợi cho tiến bộ chung, cho tiệm cận sự thật và công lý.

2. Phẫu tích mở tung cái nội tạng hóc hiểm của con ác quỉ Kiểm-Duyệt-Giấu-Mặt ở Việt Nam là một việc khó có thể tránh hết được những đụng chạm không đáng có. Nhưng những nỗ lực phơi toàn bộ cấu trúc của con ác quỉ Kiểm-Duyệt-Giấu-Mặt ra ánh sáng để cho toàn dân Việt Nam và nhân loại biết rõ là những việc cần nhận được lời hoan nghênh hơn là chỉ trích.

3. Sợ hãi là một đặc tính chung của tất cả, không ngoại lệ, của những người phải sống trong một chế độ độc tài toàn trị. Nỗi sợ hãi đó có thể do nhìn thấy những “nòng súng”. Nhưng cũng có thể đó chỉ là  “nòng súng”  giả hoặc chỉ là một ảo giác của sợ hãi. Ví dụ, tôi tin những nhân viên an ninh có súng như ông Thái Kế Toại trước đây chỉ thuộc hạng “nòng súng” giả mà thôi.

4. Những suy nghĩ của ông Bass về Kiểm-Duyệt-Giấu-Mặt ở Việt Nam có thể khiến nhiều người Việt cảm thấy hơi lạ âu cũng là điều dễ hiểu, vì những người ở trên cao, thậm chí trên một cành cao sắp gãy, thường vẫn bình tâm hơn người ở xa nhìn vào.

Do vậy, tôi xin được chia sẻ hoàn toàn với những người đã băn khoăn, lo lắng hoặc có thể đang phải chịu những hệ lụy không đáng có từ bài viết của ông Thomas A. Bass. Song, tôi cũng xin được trân trọng chia sẻ với ông Thomas A. Bass. Sự chia sẻ nhỏ bé này chính là bản dịch bài phóng sự công phu, gai góc, tinh về chính trị và đẹp về văn chương của ông Bass. Hân hạnh giới thiệu.
_________
(1) “Je dois cependant expliquer au lecteur pourquoi il me verra tirer de mes études des conclusions différentes de celles qu’au premier abord on pourrait croire qu’elles comportent ; constater par exemple l’extrême infériorité mentale des foules, y compris les assemblées d’élite”, Guistave Le Bon (1841-1931), Psychologie des foules, Alcan, Paris, 1895, trang ii.

***
Đó là những ngày đen tối ở Việt Nam khi tòa án sẵn sàng kết những án tù nhiều năm cho nhà văn, nhà báo, blogger và bất cứ ai dám chỉ trích giới lãnh đạo. Đã qua lâu rồi sự thăng hoa ngắn ngủi của văn chương Việt Nam sau khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, đó là thời kỳ được biết đến với cái tên đổi mới. Sau hai mươi năm, bằng bút đỏ và nhà tù, các nhà kiểm duyệt đã dọn sạch một thế hệ cầm bút Việt Nam, đẩy tất cả thành, hoặc câm lặng hoặc lưu vong.

Bản thân tôi cũng vừa phải trải qua năm năm vật lộn với các nhà kiểm duyệt của Việt Nam. Họ cần mẫn cắt bỏ, viết lại, rồi ngăn chặn không cho xuất bản một bản dịch tiếng Việt một cuốn sách của tôi. Đó là cuốn The Spy Who Loved Us (2009). 

Dựa theo một bài trên tạp chí New Yorker năm 2005, tôi viết cuốn đó để kể về Phạm Xuân Ẩn, một nhà báo miền Nam Việt Nam, người có một sự nghiệp tình báo hết sức hiệu quả và lâu dài cho những người cộng sản Bắc Việt, suốt từ thập niên 1940 cho tới tận lúc ông qua đời năm 2006 – sự nghiệp đó đã làm ông Ẩn trở thành một trong những điệp viên lớn nhất trong thế kỷ XX. Được đào tạo nghề phóng viên tại Hoa Kỳ, ông Ẩn bắt đầu hoạt động điệp báo dưới cái vỏ nhà báo. Ông Ẩn làm phóng viên cho tạp chí Time suốt thời kỳ chiến tranh Việt Nam và có một giai đoạn ngắn đảm nhiệm chức trưởng văn phòng của Time tại Sài Gòn. Với nhiệm vụ lập bản đồ chiến trường, nắm vững các di chuyển của quân đội và đánh giá, phân tích các thông tin chính trị, quân sự, nhà báo Ẩn đã tiết lộ các thông tin vô giá cho phía Quân đội Bắc Việt.

Sau chiến tranh, những người cộng sản chiến thắng đã trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho nhà báo Ẩn và đưa ông lên cấp tướng. Lẽ đương nhiên ông Ẩn trở thành một đề tài cho giới viết tiểu sử và thực tế có sáu cuốn sách đã xuất bản viết về ông, kể cả một cuốn bằng tiếng Anh do nhà sử học Larry Berman thuộc Đại học Bang Georgia viết – cuốn Điệp viên hoàn hảo (Perfect Spy) xuất bản năm 2007, cuốn sách đã khắc họa ông Ẩn là một nhà yêu nước, một chuyên gia phân tích chiến lược giàu kinh nghiệm do đã từng quan sát cuộc chiến Việt Nam từ góc rất rộng. Những khắc họa đó trong Điệp viên hoàn hảo được duy trì cho tới tận lúc ông Ẩn tận hưởng hưu trí trong phòng khách gia đình, nơi ông tiếp nhiều đoàn khách danh giá, từ Morley Safer cho tới Daniel Ellsberg.

Khắc họa của tôi về cuộc đời ông Ẩn thì phiền toái hơn. Tôi đã kết luận rằng: ông nhà báo có khiếu nói tuyệt đỉnh này đã tạo ra một vỏ bọc thứ hai, cho hoạt động tình báo của ông ấy. Tự cho là một người bạn của phương Tây, một người trung thực chưa bao giờ nói dối một câu, (dù cả cuộc đời ông Ẩn phải sống bằng thủ đoạn), nhưng ông Ẩn lại làm việc cho cơ quan tình báo quân sự Việt Nam, không chỉ trong suốt thời chiến mà còn kéo dài thêm 30 năm sau chiến tranh. 

Nhưng đồng thời giới mối lái quyền lực Bắc Việt không tin cậy ông Ẩn, một người gốc miền Nam có bộ óc trứ tuyệt, từng có những chỉ trích mạnh về tham nhũng, về sự bất tài của chính quyền cộng sản Việt Nam. Con đường thăng tiến trong quân đội của ông Ẩn chậm chạp, đầy hiềm tỵ và ông từng phải sống trong sự giám sát của công an trong nhiều năm. Có thể ban đầu chính quyền Việt Nam cũng thấy thích về viễn cảnh có không phải một mà là hai người Mỹ viết về người “điệp viên hoàn hảo” của họ. Nhưng càng xem cuốn của tôi về ông Ẩn họ càng hoảng và càng đòi cuốn sách phải bị chặt thêm nữa, viết lại nữa trước khi có thể được duyệt xét để xuất bản.

Nhiều nơi ở Việt Nam đã đề nghị được dịch cuốn của tôi, trong đó có Nhà xuất bản Công an Nhân dân (một cơ quan của Bộ Công an), và cả Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (một trong những nơi kiểm duyệt quan trọng nhất của Việt Nam), nhưng tôi từ chối. Cuối cùng tôi ký hợp đồng với Nhã Nam vào tháng Bảy năm 2009. Nhã Nam là một nhà xuất bản đã được tôn trọng với nhiều sách dịch của các tác gia từ Jack Kerouac, Annie Proulx đến Umberto Eco và cả Haruki Murakami. Nhã Nam là một nhà xuất bản độc lập, thuộc số không nhiều những nhà xuất bản không dính dáng tới một bộ hay một cơ quan kiểm duyệt nào của chính quyền. Nhã Nam thỉnh thoảng bị phạt vì xuất bản những cuốn sách “nhạy cảm” và đôi khi một số sách của Nhã Nam bị thu hồi, tiêu hủy. Chỉ mãi sau này tôi mới hiểu ra rằng cái danh vị độc lập trong xuất bản của Nhã Nam không đảm bảo để có được sự độc lập, nhưng Nhã Nam đã hảo tâm cho tôi biết mọi động thái diễn ra suốt năm năm qua trong việc kiểm duyệt cuốn sách của tôi, The Spy Who Loved Us.

Nhiều tác giả không thèm quan tâm tới các bản dịch tác phẩm của họ. Họ thường ủy thác việc bán tác quyền phái sinh cho đại diện của họ và chỉ liếc qua các bản dịch sau đó nếu là tiếng Đức, tiếng Hoa. Nhưng tôi lại có một ý định khác cho bản dịch tiếng Việt cuốn của tôi. Tôi đã nghi là sẽ bị kiểm duyệt và tôi muốn xem qui trình ấy diễn ra thế nào, vì thế tôi yêu cầu đại diện của tôi phải viết vào hợp đồng một điều khoản nói rõ rằng cuốn sách sẽ không được xuất bản nếu không có sự đồng ý trước từ tôi và tôi phải được có ý kiến về mọi thay đổi so với bản gốc. Còn các điều khoản khác tôi dùng để biến cuốn sách thành một cái máy dò, ghi lại các địa chấn của chữ nghĩa, văn chương. Tôi muốn nắm được hoạt động của các nhà kiểm duyệt, thấy được những quan tâm, lo lắng thực sự của họ là gì để rồi có thể biết chính quyền Việt Nam sợ hãi điều gì và muốn trấn áp cái gì.

Việc dịch cuốn sách của tôi ra tiếng Việt được bắt đầu vào tháng Ba năm 2010 khi tôi nhận được một e-mail: “Tôi là Nguyễn Việt Long từ công ty Nhã Nam, tôi đang biên tập bản dịch The Spy Who Loved Us. Tôi mong muốn được trao đổi với ông về bản dịch này.”

Và ông Long bắt đầu bằng việc hỏi tôi có biết những cái dấu chính xác trong tên của người ông của Phạm Xuân Ẩn không. Những dấu đó trong tiếng Anh không có nhưng quan trọng trong tiếng Việt. Tôi cảm kích về sự chú ý tới từng chi tiết như thế của ông Long. Nhưng đáng tiếc, phần còn lại của e-mail lại có một giọng văn dạy bảo nặng hơn. “Ông đã phạm một số sai lầm,” ông Long viết thế trước khi đưa ra chỉnh sửa cho một loạt vấn đề. Nhưng rất nhiều những lỗi đó lại không thực sự là lỗi mà chỉ thuộc vấn đề diễn giải, nhận xét hoặc là các vấn đề còn đang tranh cãi về tư liệu lịch sử. Những cái đó đại loại cũng tương tự như một cuộc “bình luận bóng chày chuyên sâu”, với những chi tiết nhỏ nhặt, rối mù nhưng rất tốt để làm các học giả phải quay cuồng quanh các tiểu tiết mà quên đi vấn đề chính.

Ví dụ, có phải đúng là Jean Baptiste Ngô Đình Diệm (Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa) đã trở thành quan đầu tỉnh lúc 25 tuổi? Câu trả lời chắc chắn phải phụ thuộc vào ngày sinh của ông ấy, mà đây lại là điều không có câu trả lời chính xác. Vì người Việt có tục nói lệch ngày sinh của mình nhằm xua đuổi ma tà, để cải thiện số mệnh và còn để hấp dẫn những bạn bè trẻ hơn. Vì vậy cùng một sự kiện, đối với một tác giả người Mỹ thì không quan trọng nhưng lại là một vấn đề lớn đối với người Việt. Còn nếu bạn tin ngay rằng Ngô Đình Diệm là một con rối của Mỹ, là một con chó dẫn đường cho đế quốc xâm lược, xong rồi mới muốn xem những thành tựu của ông ấy thời trẻ, thì cũng là điều hợp lý nếu bạn đi ngay tới chỗ phủ nhận việc ông Diệm là quan đầu tỉnh trẻ nhất trong lịch sử Việt Nam và bạn sẽ làm cho vấn đề rối tung lên để dễ dàng bác bỏ.

Đáp lại một đề nghị từ đại diện văn chương của tôi, ông Long đã viết vào ngày 15 tháng Ba thế này: “Sẽ (chắc chắn) có kiểm duyệt, cuốn sách nhạy cảm. Nhưng xin đừng lo. Chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với tác giả và sẽ cố hết sức để bảo vệ nhiều nhất có thể cho sự toàn vẹn của cuốn sách.”

Ông Long lúc đó đang cố làm để cuốn sách được ra đời vào dịp 30 tháng Tư –ngày chấm dứt chiến tranh Việt Nam, thời điểm thuận lợi cho cuốn sách. Nhưng sau khi đại diện của tôi nhắc ông Long phải tuân thủ hợp đồng để cho tôi xem bản dịch trước khi có thể ấn hành thì ông Long lỡ hẹn, và cứ lỡ hẹn chuyển cho tôi bản dịch thêm nhiều lần nữa cho tới tận sáu tháng sau, tháng Chín năm 2010, tôi mới nhận được một bản dịch bông. Điều đầu tiên tôi thấy lạ là có nhiều chú thích ở những chỗ mà bản gốc không có. Tôi đã tập hợp được một số bạn bè để giúp tôi soát lại bản dịch, đó là  những người làm nghiên cứu, dịch thuật, và cả một cựu nhân viên CIA, một cựu nhân viên ngoại giao có vợ là người Việt. Sau khi xem họ đã cho tôi những tin không được khả quan lắm. Nhiều chú thích được bắt đầu bằng câu “tác giả đã lầm”, và tiếp đó là những diễn giải, chỉnh sửa các “sai lầm” của tôi.
Đúng là tôi đã hiểu lầm chức năng của các biên tập viên Việt Nam. Thậm chí trước khi phải gặp những nhà kiểm duyệt đích thực – những tay kiểm soát việc cấp phép xuất bản ở Việt Nam – cuốn sách của tôi đã phải để cho người trong nhà xoa nắn trước rồi. Ông Long là người ra tay đầu tiên, ông cắt xén càng hiệu suất thì càng được giới chức nhà nước hoan nghênh. Dĩ nhiên, khi cần, chính giới chức nhà nước sẽ tự ra tay, cắt bỏ thêm.

GIÁP ĐẤU BÊN LỀ VĂN CHƯƠNG
Tôi lại viết cho ông Long, đề nghị ông bỏ những chú thích ấy đi. Nhưng thật tội, ông Long bây giờ đã ở thế kẹt cứng, một bên là tác giả đầy cương quyết, còn bên kia là những người kiểm duyệt cũng đầy yêu sách. Khi sa vào những điểm tinh tế của lịch sử và địa lý Việt Nam,  người biên tập viên của tôi và tôi bắt đầu một cuộc trao đổi thư từ dài dằng dặc. Cốt lõi của trao đổi này có thể được hiểu qua việc bàn luận về Rừng Sát – khu rừng của những sát thủ, và cũng là đối tượng chú thích đầu tiên của ông Long.

Rừng Sát nằm về phía đông nam Sài Gòn,  nơi có các sông lạch chính cho tàu thuyền từ biển ra vào thành phố. Rừng Sát là rừng cây đặc biệt trên sình lầy vùng triều, nhiều năm từng là bản cứ của nhóm đạo tặc sông nước Bình Xuyên. Người Pháp cũng đã sử dụng nhóm đạo tặc này trong việc điều hành các hoạt động thuộc địa hóa của họ tại Việt Nam. Bảy Viễn, thủ lĩnh của quân Bình Xuyên, từng được đưa lên tới cấp tướng và được giao cho kiểm soát Sài Gòn như một lãnh địa riêng. 

Bảy Viễn còn sở hữu Xóm Bình Khang, một nhà thổ lớn nhất châu Á lúc đó, với khoảng 1.200 nhân viên. Ông ta cũng điều hành một sòng bạc lớn mang tên Đại Thế giới (Grand Monde) tại Chợ Lớn và một sòng khác, Kim Chung (Cloche d’Or), ở Sài Gòn. Phụ tá tâm phúc của Bảy Viễn được giao làm cảnh sát trưởng một khu vực trung tâm chạy dài khoảng 100 cây số từ Sài Gòn tới Vũng Tàu (Cap Saint Jacques- Mũi biển Thánh Giắc). Nhưng hoạt động bộn tiền nhất cho Bảy Viễn, trong đó một phần lợi nhuận phải chuyển cho chính quyền Pháp, là buôn bán thuốc phiện – hoạt động trải suốt từ Lào sang tận Marseille. Rừng Sát cũng được cộng sản dùng làm hậu cứ hay vùng đệm cho các hoạt động của họ trong suốt cuộc chiến Việt Nam. Các thủy tặc Bình Xuyên cũng có một thời gian ngắn chơi hai mặt với cộng sản trước khi chuyển sang phía đối lập.

Bảy Viễn từng phải trốn vào Rừng Sát khi Sài Gòn trở nên quá “nóng”, trước khi phải sang Paris để “gác kiếm” và thi thoảng dắt một con hổ đã thuần đi dạo trên đại lộ lộng lẫy Champs Elysée. Những chuyện đó xảy ra năm 1955, sau khi điệp viên người Mỹ huyền thoại Edward Lansdale đặt chân tới Sài Gòn. Với mục tiêu hất người Pháp ra khỏi thuộc địa của họ và trợ giúp xây dựng một chính quyền trung thành với Hoa Kỳ, Edward Lansdale cho mở một chiến dịch tấn công Bình Xuyên. Quân đội Việt Nam khi đó đã phải chiến đấu giành từng căn nhà với Bảy Viễn ở Sài Gòn. Quân số tham gia trận đánh kéo dài một tuần này nhiều hơn số quân tham chiến trong trận Tết Mậu Thân 1968 sau này. Có 500 người chết, 2000 người bị thương và khoảng 20.000 người khác mất nhà cửa. Cuộc đối đầu gián tiếp này giữa Pháp và Hoa Kỳ chính là dấu mốc cho cuộc chuyển đổi từ Cuộc chiến Đông Dương I sang Cuộc chiến Đông Dương II.

Phạm Xuân Ẩn từng nói rằng mọi ngón nghề tình báo ông biết được là đều từ Edward Lansdale. Lansdale chính là người đỡ đầu của ông Ẩn khi ông Ẩn bắt đầu nghề điệp viên quân sự và cũng chính Lansdale đã khuyên ông Ẩn đi Hoa Kỳ học nghề báo. Vì Rừng Sát có ý nghĩa quan trọng đối với cả những nhà thực dân lẫn những người cộng sản, những quân đạo tặc và giới tình báo, nên tôi đã thu thập rất nhiều tư liệu để xem lại vị trí của nó trong lịch sử Việt Nam. Chính đó là lý do tại sao tôi cảm thấy rất không vui khi nhìn thấy một chú thích ghi rằng: “Tác giả đã lầm.”

Đó không phải là Rừng Sát mà là Rừng Sác, ông Long nói. Nhưng như vậy là đã biến Khu rừng đầm lầy của những sát thủ (Swamp of the Assassins) trở thành Khu rừng của những bụi cây  ven biển(Forest of Seacoast Shrubs) mất rồi. (khuRừng trong tiếng Anh làforest nhưng khi nói đến rừng ngập mặn trên vùng đất lầy thì nên gọi là swamp

Còn Sát là một từ Hán-Việt, nghĩa là giết (kill) như trong từám sát (to assassinate). Chính quyền vừa rồi đã đặt lại tên là Rừng Sác vì chính quyền nói rằng cái tên này chưa bao giờ được là tên đúng. Tại sao chính quyền lại cố nhấn mạnh tới chuyện này? Chính quyền giải thích rằng vì người Việt ở miền Nam đã làm sai lệch ngôn ngữ của đất nước và họ đã vô thức nói sai như thế từ hàng trăm năm nay. 

Với những từ có chữ tận cùng là “t” thì người Nam cũng phát âm giống những từ có chữ tận cùng là “k” hoặc “c”. Vì vậy, Rừng Sác đã bị biến nhầm thành Rừng Sát là vì người Nam không thể phát âm đúng và họ thường bị nhầm giữa các từ có cùng âm như nhau. Không nghi ngờ gì nữa, giới chức cộng sản, đằng sau việc đặt lại tên đó, đã rất nhạy cảm về việc đã từng sử dụng Rừng Sát làm căn cứ trong cuộc chiến với Mỹ. Nên họ không muốn bị đánh đồng với những sát thủ ẩn nấp trong vùng đầm lầy của rừng ngập mặn đó.

Thực ra vấn đề có thể được hóa giải hay hơn bằng cách nói rằng thôi thì trước đây vùng này được gọi là X nhưng nay đã được gọi là Y, thế là xong. Nhưng các nhà kiểm duyệt Việt Nam không làm như vậy. Vì họ có một cách nhìn toàn trị đối với lịch sử. Họ muốn xuyên lại thời gian để vặn chỉnh lại những sai sót của quá khứ cho phù hợp với hiện tại. 

Thậm chí nếu như phải trích dẫn trao đổi, Bảy Viễn và Lansdale hẳn sẽ bị buộc phải nói về khu rừng ven biển thay vì Rừng Sát. Có thể hình dung ra biết bao văn bản, phát biểu bị bóp méo được sinh ra từ việc đưa các di lệch niên đại cùng các thuật ngữ cộng sản vào tư liệu lịch sử. Do vậy, chẳng có cách nào khác tôi buộc phải bắt tay vào một chiến dịch nhằm chứng minh: “Biên tập viên sai”.

Tôi gửi cho ông Long nhiều bản đồ của Pháp và Việt Nam, trong đó có một bản đồ Việt Nam in năm 1955 về các kế hoạch tấn công quân Bình Xuyên. Tôi lại gửi thêm các bản đồ từ Trung tâm Chỉ huy của Hải quân Hoa Kỳ (U.S. Naval Operations) trong khu vực, thêm bản sao tấm giấy khen của Tổng thống Richard Nixon dành cho Nhóm Tuần tra Đặc khu Rừng Sát (Rung Sat Special Zone Patrol Group) và một bản báo cáo của Viện Khoa học Hoa Kỳ về Rừng Sát. Tôi gửi cả bản đồ từ vệ tinh của Google năm 2010 với khu vực được đánh dấu là Rừng Sát. Sau đó tôi còn gửi thêm cả một tấm ảnh chiếc xe bus đang rời thành phố Hồ Chí Minh với điểm đến được ghi rõ là Rừng Sát.

Ông Long thì gửi cho tôi các “dẫn chứng và cứ liệu” của ông ấy, gồm website của Khu Nghỉ dưỡng và Ăn uống Rừng Sác (Rung Sac Resort and Restaurant), một vài bản giới thiệu về các dự án nhà ở có vốn đầu tư, mà tôi nghĩ là của giới quan chức của Đảng tại địa phương. Tôi tiếp tục gia tăng lý luận qua e-mail cho tới khi ông Long viết: “Tôi đồng ý loại hoàn toàn chú thích về Rừng Sát.” Nhưng khi chúng tôi quay sang các chú thích còn lại, ông Long và tôi lại tiếp tục giáp đấu ngay bên lề văn chương. Mọi trao đổi qua e-mail đều trở thành Hành trình Ngược về Rừng Sát và cuối cùng ông Long đề nghị: “loại hết các chú thích sai hoặc những chú thích liên quan tới sai lầm của ông.” Tôi vui vẻ chấp nhận đề nghị này.

Tiếp theo chúng tôi tranh luận về nhan đề sách. Theo tôi “The Spy Who Loved Us” (“Điệp viên yêu chúng ta”) có thể dịch thành “Điệp viên yêu nước Mỹ” (The Spy Who Loved America), hoặc thi vị hơn, “Kẻ thù tuyệt nhất của Mỹ” (America’s Best Enemy), ngoại trừ bị các nhà kiểm duyệt bác bỏ. Ông Long thì diễn giải, “Kẻ thù tuyệt nhất của Mỹ” tốt đấy nhưng hơi nhạy cảm. Tại sao lại là “kẻ thù tuyệt nhất” nhỉ? Phải chăng muốn ám chỉ Phạm Xuân Ẩn không trung thành hoàn toàn với sự nghiệp cách mạng sao? Sau nhiều trăn trở thêm nữa về “lập trường đúng đắn”, ông Long thừa nhận: “vấn đề thực sự rắc rối, phức tạp hơn chúng tôi tưởng.” Sau đó tôi nhận được lời nhắn là “Điệp viên yêu nước Mỹ” (The Spy Who Loved America) vừa bị giới quản lý xuất bản “loại ngay rồi”.

Quãng thời gian này, những người giúp tôi thẩm tra lại bản dịch bông, tất cả họ đều muốn giữ kín danh tính, đã liệt kê được một loạt các câu, các chữ, các đoạn đã bị xóa, xén so với bản gốc. Tôi gửi danh sách đó cho ông Long và nhận được hồi âm: “Tôi đảm bảo với ông là người dịch không bỏ sót một câu một đoạn nào cả. Ông ấy chỉ lưu ý những câu nhạy cảm thôi. Những gì bị sót hay thay đổi là của tôi.”

Tháng Mười 2010, ông Long viết cho tôi nói rằng ông ấy đang “mệt vì dự án này” và đang thấy chán nản vì hai nhà xuất bản nhà nước đã từ chối. Ông Long lúc đó vẫn đang cố có được giấy phép xuất bản từ một nơi thứ ba nhưng mọi người lưu ý ông ấy về việc Đại hội XI của Đảng sắp diễn ra vào đầu năm 2011, “thời điểm nhạy cảm” cho giới xuất bản ở Việt Nam. Đây là lúc tế nhị vì “ai cũng làm cái-không-làm-gì cho đỡ rắc rối”, ông Long viết vậy.

Tháng Mười Hai 2010 ông Long viết cho đại diện của tôi: “Chúng tôi rất hiểu sự nóng lòng của tác giả! Nhưng tình hình ở đây xấu hơn quí vị có thể hình dung. Một nhà xuất bản nhà nước khác vừa từ chối cấp phép cho bản dịch của chúng tôi. Rõ ràng đây là một cuốn sách rất nhạy cảm vào lúc này. Mọi thứ giờ đây đang lơ lửng trước gió.”

Lúc ông Long cho tôi biết lại có thêm một loạt các nhà xuất bản khác từ chối, tôi đã hình dung ra qui trình đó có gì đó tương tự như việc Randam House phải đưa một cuốn sách soi qua một công ty xuất bản của Bộ Quốc phòng Mỹ, và nếu Ban Báo chí của Bộ Quốc phòng không duyệt thì Random House lại phải đưa sang các nhà xuất bản khác thuộc Bộ An ninh Nội địa hoặc của FBI (Cục Điều tra Liên Bang Mỹ). Những cuộc gặp gỡ, quan hệ như thế chắc chắn phải dài dòng và nhục mạ, và, trong một nền văn hóa sính quà cáp như Việt Nam, đương nhiên chúng cũng phải rất tốn kém.

Tôi nín lòng cho hết năm 2011 để cho Đảng Cộng sản Việt Nam đảo xong ban lãnh đạo mới. Tháng Hai 2012 tôi viết cho ông Long chúc ông một năm Thủy Rồng hạnh phúc và hỏi liệu ông có thể giúp tôi biết danh sách tất cả những cơ quan của chính quyền đã tham gia vào việc kiểm duyệt cuốn sách của tôi không. Một tháng sau, ông ấy viết lại và xin lỗi vì đã bỏ bẵng. Ông Long cho biết đã bỏ việc ở Nhã Nam để đi làm biên tập cho một công ty chuyên xuất bản sách toán cho trẻ em. Tôi thấy nhói lên trong lòng, có thể chính tôi là người đã gây ra sự đổi việc đó. “Về giấy phép xuất bản cho The Spy Who Loved Us”, ông Long viết“Nhã Nam đang tiến hành và vẫn tiếp tục chờ các nhà xuất bản, không hề dừng lại như ông có thể nghĩ đâu. Tôi vừa mới hỏi và được biết là những người ở Nhã Nam vẫn hy vọng cuốn sách sẽ in được.”

“Về mặt chính thức thì chỉ các nhà xuất bản thuộc nhà nước mới được làm sách in,” Ông Long giải thích. “Vì vậy một công ty sở hữu tư nhân (non-state, phi nhà nước) như Nhã Nam buộc phải tham gia vào hoạt động gọi là liên-kết-xuất-bản để làm sách dưới sự bảo trợ của một nhà xuất bản nhà nước và trả một chi phí xuất bản cho nhà xuất bản (nhà nước) đó.”

“Về mặt luật pháp, ở Việt Nam không có kiểm duyệt,” ông Long tiếp tục, “nhưng các giám đốc, các tổng biên tập các nhà xuất bản đôi khi được yêu cầu phải loại những chỗ nhạy cảm hoặc thậm chí họ rụt rè đến mức không dám xuất bản (như trường hợp của chúng ta đây). Hành động kiểu đó chúng tôi gọi là tự-kiểm-duyệt, và đây chính là nút thắt rắc rối nhất của ngành xuất bản tại Việt Nam.”

Ông Long gửi kèm cho tôi Luật Xuất bản của Việt Nam dày khoảng 22 trang, trong đó có Điều 5.2 quả thật qui định rất rõ ràng và bình dị thế này: “Nhà nước không kiểm duyệt các tác phẩm trước khi xuất bản.” Phần còn lại của luật thì lại dành để qui định ngược với Điều 5.2 vừa nói, ví dụ như liệt kê những thứ bị “cấm trong hoạt động xuất bản. Có cả “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (Điều 10), “kích động chiến tranh xâm lược, “truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín, dị đoan hoặc phá hoại thuần phong mỹ tục.” Những điều khoản khác dành cho việc bảo vệ Đảng, quân đội, quốc phòng và những loại bí mật khác của nhà nước. “Xuyên tạc sự thật lịch sử”, đặc biệt là “phủ nhận thành tựu cách mạng” cũng bị cấm.

Ông Long nói với tôi rằng người biên tập mới cho sách của tôi ở Nhã Nam là cô Nguyễn Thị Thu Yến, người đang nhận cả trách nhiệm thương thảo các hợp đồng với nước ngoài. Sau bốn tháng trao đổi qua lại bằng e-mail với nhau, ông Long và tôi đã làm ra được bản dịch bông thứ hai đã sửa và bỏ hết các chú thích, ít nhất như những cố vấn của tôi và tôi đã yêu cầu. Nhưng bản dịch bông này vẫn bị gạt bỏ và bị viết lại ở khoảng vài chục chỗ. Tất cả những gì phê phán Trung Quốc đều bị xóa. Những gì nói tới trại cải tạo, hối lộ, tham nhũng, sai lầm của Đảng Cộng sản và nhiều chủ đề “nhạy cảm” khác cũng thế, bị loại hết. Tiếc thay, bản bông đó của Ông Long cũng sớm bị thay bằng một bản khác – bản được chính thức cấp phép. Một lần nữa, tôi lại hiểu nhầm bản chất của ngành xuất bản Việt Nam. Sau tất cả những tháng ngày như thế cuốn sách của tôi vẫn chưa bị kiểm duyệt xong. Nó vẫn còn đang ở trong vòng tái-kiểm-tiền-kiểm-duyệt, mà công đoạn cạo rửa nghiêm chỉnh những chỗ nhạy cảm trong cuốn sách của tôi lại vẫn còn ở phía trước.

TRAO ĐỔI CON TIN
Tháng Sáu 2012 tôi nhận được e-mail từ cô Thu Yến báo cho tôi biết là: Điệp viên yêu chúng ta (The Spy Who Loved Us) (hoặc với bất kỳ nhan đề nào khác của cuốn sách) cuối cùng đã được duyệt cho xuất bản. Nhà xuất bản Lao Động, thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, vừa đồng ý làm đối tác đồng xuất bản với chúng tôi. Như một bùa chú để làm ngán những nhà kiểm duyệt kém thế lực hơn, Lao Động sẽ đứng tên trên trang bìa. Nhưng cô Yến thừa nhận thỏa thuận này đi kèm một số nhượng bộ. “Sau một thời gian rất dài xin giấy phép chúng tôi cuối cùng đã có được kết quả tích cực từ Nhà xuất bản Lao Động”, cô Yến kể. “Và để cuốn của ông được xuất bản đã có một số chỗ buộc phải cắt và thay đổi, không có cách nào khác được. Tuy nhiên, lại có những điều hay là họ biên tập rất tốt về tiếng Việt và về văn chương.”

Không có một trang dịch bông nào được gửi cho tôi. Thay vào đó cô Yến mô tả văn bản bị kiểm duyệt. “Vì nội dung trong sách của ông quá nhạy cảm, tôi rất hy vọng ông sẽ xem những thay đổi đó với thiện chí ủng hộ nhất để cuốn sách được tới tay độc giả.”

Cô Yến gửi kèm theo e-mail một tập 12 trang liệt kê ít nhất 333 chỗ bị cắt thêm. Có những câu, những đoạn và có chỗ cả một trang sách mất hẳn. Người ta xén đi từ nhan đề sách cho tới cả những lời tri ân cuối sách của tác giả. Nhiều sự kiện lịch sử và nhiều nhân vật đều bị gạt bỏ. Võ Nguyên Giáp, vị tướng vĩ đại của Việt Nam từng thắng trận Điện Biên Phủ cũng biến mất trong nguồn trích dẫn. Đại tá Bùi Tín, người đã tiếp nhận sự đầu hàng của chính quyền miền Nam Việt Nam năm 1975 cũng bị cạo sạch khỏi bản dịch, cả trong lời cảm ơn cũng biến mất. Những chỗ tả cuộc tương tác của Phạm Xuân Ẩn với Đảng, quân đội, Trung Quốc và công an cũng bị loại hết. Cả những chỗ chỉ nhằm bông đùa hay một chút giễu cợt cũng bị cấm.

“Ông không thể viết sự thật ở Việt Nam được đâu,” một cố vấn của tôi nói thế, đó là một cựu giáo sư văn chương hiện đang sống tại Hoa Kỳ. “Đất nước tôi đã mất cho sự dối trá rồi. Chủ điểm trong sách của ông là về một con người nhưng giờ đây đã bị loại hết tất cả các chi tiết đã làm cho nó thành một câu chuyện đặc biệt và hấp dẫn.”

“Những người cộng sản rất muốn những người như ông phát ngôn. Vì những luận điệu tuyên truyền của họ sẽ trở nên thật hơn nếu lại do một người phương Tây viết. Ông đang bị họ sử dụng như một công cụ thôi. Ông có thể phản đối và thỏa thuận những thứ trông có vẻ là những nhượng bộ nhỏ. Nhưng cuối cùng họ sẽ thắng. Họ vẫn luôn thắng”, bà giáo sư cảnh báo tôi.
“Ngay cả ngôn từ trong bản dịch này cũng không đẹp. Nó có vẻ mù mờ chứ không sáng rõ. Nhiều từ lại mượn của Trung Hoa. Những từ khác thì lại là những chữ mà người Pháp gọi là langue de bois- lưỡi gỗ,thứ sáo ngữ của loài chính trị vẹt. Họ dùng những từ ngữ như thế là vì người cộng sản cho rằng họ là người ở bề trên. Họ muốn kiểm soát tất cả, kể cả các suy nghĩ của ông.”

“Có quá nhiều thứ trong sách làm cho các nhà kiểm duyệt không thích nên họ phải cắt, cắt và cắt.” Bà giáo sư nói thế khi so bản dịch bông của Lao Động với bản bông của ông Long và nói thêm: “Tôi quá đau đầu chỉ vì xem bản dịch này.” Phạm Xuân Ẩn không được phép “yêu” nước Mỹ hay “yêu” cái thời gian ông ta học báo ở California. Ông ta chỉ được phép “hiểu” nước Mỹ thôi. Câu nói dí dỏm mà tinh tế của ông Ẩn rằng ông ấy chưa bao giờ muốn trở thành một điệp viên và xem nghề đó là “công việc của lũ chó săn” cũng bị biến. Câu ông Ẩn nói ông đã sinh vào thời điểm lịch sử bi thảm của Việt Nam với một khí quyển toàn mùi tráo trở, cắt. Tuần lễ Vàng do Hồ Chí Minh tổ chức năm 1946 để có đủ của hối lộ cho quân đội Trung Hoa rút khỏi Bắc Việt, xóa.

Họ cũng không cho phép gia đình Phạm Xuân Ẩn “đã di cư từ Bắc vào Nam”. Cả ông Ẩn cũng vậy, không được phép là người đã  Nam tiến – một sự kiện lịch sử của người Việt tiến xuống phương Nam diễn ra trong mấy trăm năm xuôi theo dãy Trường Sơn để khai khẩn, chiếm đóng những vùng đất trước đó là nơi sinh sống của người Thượng, Chăm, Khmer và nhiều dân tộc thiểu số khác. 

Những khen ngợi văn học Pháp, biến mất. Ông Ẩn cũng không được phép nói chính nước Pháp đã tạo ra diện mạo hiện đại cho Việt Nam. Mô tả của ông Ẩn về chủ nghĩa cộng sản như một lý tưởng hão huyền, một khát vọng không thể thực hiện được, cắt. Lời khen của ông Ẩn về Edward Lansdale là một điệp viên vĩ đại đã dạy cho ông Ẩn bí quyết nghề tình báo, cắt. Suốt cuốn sách, sự hung hãn của miền Bắc bị làm nhẹ đi, còn sự man khai của miền Nam bị cường điệu thêm. Người cộng sản luôn luôn đi đầu và nhân dân hồ hởi theo sau. Chỗ Phạm Xuân Ẩn cố gắng phân biệt giữa đấu tranh giành độc lập cho Việt Nam và đấu tranh vì chủ nghĩa cộng sản – cắt.

Chúng tôi mới chỉ xem tới trang số 38, thì bạn tôi nói. “Họ muốn giết cuốn sách này. Họ không thích cuốn sách của ông một chút nào.” Các bàn luận về chính sách ruộng đất, sở hữu tập thể của cộng sản – cắt. Người cộng sản nay không còn phải chịu trách nhiệm về vụ phục kích giết chết người thầy thời trung học của Phạm Xuân Ẩn vào năm 1947 nữa. Thay vào đó là “có một cuộc phục kích” do những kẻ vô danh thực hiện. Chuyến thăm Việt Nam của John F. Kennedy và em trai ông là Robert năm 1951, cắt. Những chỉ dẫn về biển đảo, các mỏ dầu ngoài khơi đang tranh chấp với Trung Quốc, cắt. Những chỗ nói về quân đạo tặc Bình Xuyên từng chiến đấu cho cộng sản trước khi chuyển thành đối kháng, cắt. “Những con người này càng ngày càng hoang tưởng.” bà giáo sư ngao ngán.

Cũng có rất nhiều lỗi dịch do những biên tập viên Việt Nam của tôi đã, hoặc hiểu lầm hoặc cố tình không hiểu. Ví dụ, ghost writer (người viết thuê giấu mặt), betrayal (phản bội), bribery (hối lộ), treachery(phản trắc), terrorism (khủng bố), torture (tra tấn), front organizations(tổ chức bình phong), ethnic minorities (các nhóm sắc tộc thiểu số), và reeducation camps (trại cải tạo). Họ không cho phép nói rằng người Pháp đã dạy cho người Việt nhiều thứ. Hay Việt Nam chưa bao giờ tạo ra người tỵ nạn. Nó chỉ sinh ra những người định cư ở nước ngoài. Những ám chỉ chủ nghĩa cộng sản là “thần thất bại”, cắt. Chỗ Phạm Xuân Ẩn tự mô tả mình là người có một bộ óc Mỹ ghép với cái thân Việt Nam, gạch. Phân tích của ông Ẩn về lý do và cách người cộng sản thay thế nhà nước cảnh sát của Ngô Đình Diệm bằng một nhà nước cảnh sát của chính họ, cắt.

Câu chuyện về nạn nhân người Mỹ đầu tiên trong cuộc chiến Việt Nam, Peter Dewey sĩ quan OSS (Office of Strategic Services – tiền thân của CIA) đã vô tình bị cộng sản ám sát năm 1945, biến. Các sĩ quan quân đội Việt Nam cũng bị loại ra khỏi các chiến dịch. Không được mô tả cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân như một thất bại quân sự. Viết là chó bị thui sống cũng không được nốt. 

Những táy máy tình dục, nhân tình nhân ngãi, lang chạ hay cưỡng hôn đều phải biến khi quan chức cộng sản có mặt. Những cảnh Sài Gòn ngay sau khi cuộc chiến kết thúc, về thiếu thốn lương thực, về tình trạng an ninh siết chặt, cũng mất. Ngay cả lệnh cấm chọi gà cũng không được đả động. Sự kiện Thuyền nhân bỏ nước ra đi sau 1975, xóa. 

Việt Nam chiến tranh với Cambodia năm 1978, bỏ. Việt Nam chiến tranh với Trung Quốc năm 1979, xóa. Mong ước cuối cùng của Phạm Xuân Ẩn là được hỏa táng, đem tro hài rải xuống sông Đồng Nai, cắt. (Thay vào đó, ông Ẩn khi chết đã được một tang lễ cấp nhà nước với bài điếu văn ca tụng do người đứng đầu tình báo quân đội đọc). Khi chúng tôi xem đến phần cuối thì phát hiện ra toàn bộ các trang ghi chú và ghi nguồn đều bị bỏ hết. Rồi mất cả những trang thuộc phần chỉ mục (index), nơi có rất nhiều từ hẳn sẽ phải đổi thành nghĩa ngược lại nếu vẫn được giữ lại.

“Ơn Trời, thế là chúng ta đã xong,” bạn tôi nói. “Việc này đã khiến tôi có nhiều đêm hãi hùng, bạc cả tóc.”

Bản dịch bông của Lao Động đúng là một đánh đố. Phải xử sự sao đây với một chuyện vô đạo thế này? Các cố vấn gợi ý cho tôi hai giải pháp. Một, vứt phắt dự án này đi. Hai, tiến hành một cuộc mặc cả trao đổi con tin. Nhã Nam và Lao Động sẽ được phép tiếp tục xuất bản cuốn sách nhưng chỉ với điều kiện là phải đưa cho tôi bản dịch và bản dịch này sẽ được phục hồi như nguyên bản và sẽ được công bố trên Internet.

Để chuẩn bị cho những đàm phán này, tôi phải xem lại hợp đồng đã ký với Nhã Nam ba năm trước. Nhà xuất bản chỉ được phép có những “thay đổi nhẹ so với văn bản gốc” và các thay đổi này “không được làm biến hẳn nghĩa hoặc gây ra sự thay đổi trầm trọng cho văn bản” Tôi cũng yêu cầu đại diện của tôi ở New York nói với đại diện phụ của chúng tôi ở Bangkok cảnh báo cho Nhã Nam biết là họ đang vi phạm hợp đồng khi lấy một tác phẩm tuyên truyền thay vào bản dịch.

Cùng với việc trả cho tôi tiền bản quyền dịch – việc đã bị trì hoãn vì “sơ suất ngoài ý muốn” – Nhã Nam bắt đầu rà soát lại những chỗ “phải cắt và thay đổi một cách bất đắc dĩ”. Họ đã định đặt nhan đề cho sách là “Điệp viên hoàn hảo” (Perfect Spy) nhưng bây giờ cô Yến đã đồng ý dùng lại nhan đề trước đây do ông Long và tôi đã thống nhất. “Việc bản dịch này bị kiểm duyệt là điều cả hai bên chúng ta đã trông thấy ngay từ ban đầu.” Cô Yến đã viết như thế cho đại diện của tôi vào tháng Bảy 2012. “Mức độ bản dịch bị kiểm duyệt có thể đã gây sốc cho tác giả (và cả chúng tôi nữa). Nhưng chúng tôi là người ở đây, luôn đang sống ở đây, chúng tôi hiểu tình trạng của đất nước chúng tôi. Chúng tôi đã đi gặp cả thảy bảy nhà xuất bản khác nhau của nhà nước nhưng cuối cùng chỉ có Nhà xuất bản Lao Động cho chúng tôi giấy phép kèm theo yêu cầu phải cắt và thay đổi nhiều chỗ.”

Việc tôi hủy bỏ hợp đồng xuất bản sẽ là “giải pháp giải thoát dễ dàng nhất,” như cô Yến viết, nhưng “điều này không công bằng cho chúng tôi, cho những ý định trung thực của chúng tôi. Chúng tôi sẽ rất thất vọng nếu điều đó xảy ra.” Cô Yến kết luận.

Những bàn thảo về trao đổi con tin cũng không suôn sẻ. Cô Yến đòi được quyền kiểm duyệt cuốn sách sẽ được công bố trên Internet, nghĩa là bành trướng sự kiểm duyệt của Việt Nam ra toàn cầu. Nhưng rồi cô ấy cũng rút yêu cầu xuống còn: bản dịch đầy đủ chỉ được công bố trên mạng sau khi cuốn sách ở Việt Nam ra đời được sáu tháng. Chúng tôi cũng thống nhất với nhau sẽ có một câu khuyến cáo được in trên trang bản quyền như thế này: “Đây chỉ là bản dịch một phần của The Spy Who Loved Us. Những phần khác đã bị lược bỏ hoặc bị thay đổi.”

Khoảng cuối năm, khi tôi còn chờ bản dịch bông mới để xem lại và lúc này giấy phép xuất bản cũng sắp hết hạn, cô Yến viết cho tôi: “Tại sao ông lại đồng ý làm việc với Nhã Nam trong khi ông không tin tưởng biên tập viên Việt Nam của ông?” Chúng tôi không đáng tin bằng các bạn của ông, sao?” Tôi hình dung những ngón tay có những chiếc móng tay sơn của cô ấy đang cào lên bàn phím: “Chúng tôi không muốn nghe thêm những ý kiến từ bên ngoài nữa đâu. Thế là không chuyên nghiệp.”
Tháng Sáu 2013 cô Yến gửi e-mail cho tôi thông báo rằng Nhã Nam vẫn đang cố gắng lấy giấy phép (vì giấy phép trước đó đã hết hạn) và cô ấy hy vọng sẽ sớm báo tin vui. Cô ấy thừa nhận là những người vừa đọc cuốn sách đã “hãi hùng” dự án này. Tuần sau đó tôi nhận được lời đề nghị kết “bạn” của cô Yến trên Facebook.

KHÔNG CẦN GIẾT
Qui trình kiểm duyệt ở Việt Nam đã được nhà báo Việt Nam Phạm Đoan Trang mô tả trên blog vào tháng Sáu 2013 và trích đăng trên tờ The Irrawaddy Magazine. Cô Trang cho biết hàng tuần, “ở Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và ở Thành phố Hồ Chí Minh thì bộ phận phía Nam của ban này lại triệu tập một cuộc họp ‘định hướng’ với lãnh đạo của những tờ báo lớn trong nước”. “Không phải là ngẫu nhiên khi tất cả các lãnh đạo báo đều là đảng viên. Quan chức Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Công an cũng có mặt… Tại các cuộc họp này, ai đó ở Ban Tuyên giáo sẽ đánh giá hoạt động của các tờ báo trong tuần vừa qua, biểu dương tờ nào biết phục tùng, khiển trách và đôi khi phạt những tờ nào đi chệch hướng.”

Những chỉ thị dành cho các “các đồng chí biên tập, lãnh đạo báo chí” trong các cuộc họp như thế đôi khi cũng bị rò rỉ ra và đăng trên mạng blog – những diễn đàn online ngày càng giúp người Việt biết thêm được nhiều tin tức. Chính qua đó dân tình mới biết rằng báo chí  không được đưa tin về các ứng cử viên chính trị độc lập, thí dụ như nữ diễn viên Hồng Ánh; không được gọi nhà hoạt động bất đồng chính kiến Cù Huy Hà Vũ, người bị cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”, là “Tiến sĩ Vũ”. Thông tin về sự cố khách du lịch nước ngoài chết trong một vụ đắm tàu ở Hạ Long, về quyết định xây nhà máy điện hạt nhân của chính phủ Việt Nam, về việc Trung Quốc khai thác bauxite từ một mỏ khoáng sản lớn ở dãy Trường Sơn cũng bị ỉm đi.

Các cuộc họp hàng tuần như thế được giữ bí mật, còn các trao đổi, chỉ thị khác trong tuần thì được thực hiện theo cách gặp trực tiếp hoặc qua điện thoại. “Do không có bằng chứng vật chất nào về những định hướng như thế, cho nên khi bị chỉ trích là bịt miệng báo chí về chuyện này chuyện nọ, các quan chức của Bộ Thông tin Truyền thông có thể trả lời một cách rất nghiêm túc rằng Việt Nam bị ‘các thế lực thù địch’ vu khống, bôi nhọ”, nhà báo Trang viết. Nhưng những phủ nhận như thế đã bị lố khi một băng ghi âm bí mật một cuộc họp chỉ đạo đã được BBC cho phát vào năm 2012.

Ban Tuyên giáo coi truyền thông Việt Nam là “tiếng nói của các tổ chức Đảng, các cơ quan Nhà nước và các tổ chức xã hội.” Quan điểm này đã được pháp điển hóa trong Luật Truyền thông. Luật này yêu cầu các nhà báo  “tuyên truyền đường lối và chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, và những thành tựu của đất nước và thế giới về văn hóa, thành tựu về khoa học và kỹ thuật” của Việt Nam.
Nhà báo Trang kết thúc bài viết của mình bằng một nhận định hài hước và chua chát: “Việt Nam không nằm trong số các nước nguy hiểm đối với nhà báo,” cô nói. “Nhà nước không cần phải giết nhà báo để có thể kiểm soát truyền thông, bởi vì nói chung, các nhà báo có thẻ của Việt Nam không được phép làm việc gì để đến mức phải bị giết.”

Một người khác cũng có nhiều hiểu biết về tình trạng kiểm duyệt ở Việt Nam là David Brown, một cựu nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ đã từng quay lại Việt Nam làm biên tập viên (copy editor) cho trang điện tử tiếng Anh của một tờ báo Việt Nam. Trong bài viết trên Asia Timestháng Hai 2012, Brown cho biết “Các lãnh đạo biên tập và xuất bản (trong tờ báo của ông Brown) đã phải cùng họp với Ban Tuyên giáo Trung ương của Đảng vào thứ Ba hàng tuần. Ở đó họ và những đồng nghiệp đồng cấp từ các báo khác được cảnh báo về những ‘chủ đề nhạy cảm’.”

Brown cho biết có những vùng “điện-cao-thế-báo-chí”, báo của ông không được phép đụng tới. Những chủ đề húy kỵ đó gồm các tin không đẹp cho Đảng Cộng sản, chính sách của chính phủ, chiến lược quốc phòng, quan hệ với Trung Quốc, quyền của các nhóm thiểu số, quyền con người, dân chủ, các cổ xúy cho chính trị đa nguyên, các thông tin về các sự kiện cách mạng ở các nước cộng sản khác, sự khác biệt giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam, và các câu chuyện về người tỵ nạn Việt Nam. 

Một chủ đề mà báo của ông Brown được cho phép viết là vấn đề tội phạm. Báo chí Việt Nam không phải là không có tý răng nào cả, ông Brown nhận định. Thực tế thì nhà báo có thể rất hữu dụng cho chính quyền trong việc lật tẩy các tham nhũng, tội ác ở cấp thấp. “Muốn có độc giả họ phải lao vào các vụ xì-căng-đan, truy tìm các ‘tệ nạn xã hội’ và phải giành lấy phần thắng về mình bằng mọi cách. Tham nhũng các kiểu, ít nhất ở địa phương, là một chủ đề nhà báo có thể tự do phản ánh.”

Một chuyên gia khác về kiểm duyệt ở Việt Nam là cựu phóng viên BBC Bill Hayton, người đã bị trục xuất khỏi Việt Nam năm 2007 và vẫn bị cấm cửa. Viết trên tạp chí Forbes năm 2010, Hayton cho biết những giới hạn trong lĩnh vực chính trị ở Việt Nam nằm ở Điều 4 Hiến pháp: “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội..” Tất cả những điều đó có thể diễn tả lại thế này: cái gì Đảng muốn, Đảng sẽ lấy, cái gì Đảng sợ, Đảng sẽ triệt. “Việt Nam không có truyền thông độc lập hợp pháp. Mọi cơ quan xuất bản đều thuộc nhà nước hoặc của Đảng Cộng sản.” Bill Hayton kết luận.

Để chúng ta không nghĩ rằng nền văn hóa Việt Nam đã bị đông cứng ngay tại chỗ, các nhà báo Trang, Brown, Hayton và những nhà quan sát khác nhắc chúng ta rằng luật chơi vẫn đang liên tục biến đổi và được tái diễn giải. “Việt Nam… thuộc một trong những xã hội khát vọng nhất và năng động nhất trên hành tinh này,” ông Hayton nhận xét. “Đó là nhờ sự thăng bằng kỳ lạ giữa sự kiểm soát của Đảng và sự thiếu kiểm soát –đã nhiều lần tự biểu hiện bằng hiện thực phá ràoở Việt Nam.” Chừng nào bạn “không thách thức trực diện Đảng hoặc không chọc quá sâu vào tham nhũng tầng cao, biên tập viên và nhà báo có thể cứ gối cao mà ngủ.” Bill Hayton khẳng định.

Nhưng trong một số tình huống, ngay cả các nhà báo bới sâu vào vụ việc vẫn có thể yên ổn, tùy vào việc ai kiểm soát sự rò rỉ thông tin và nhằm mục đích gì. Qui trình rò rỉ thông tin một cách có kiểm soát như vừa nói đã được Geoffrey Cain, một chuyên gia khác về kiểm duyệt của Việt Nam, nói đến cách đây không lâu. Trong bản luận văn thạc sĩ làm tại Viện Nghiên cứu Phương Đông và châu Phi (School of Oriental and African Studies) thuộc Đại học London, Cain viết là Đảng Cộng sản ở Việt Nam sử dụng nhà báo và nhà văn như một “lực lượng cảnh sát phi chính thức”. 

Họ giúp chính quyền trung ương giữ các quan chức địa phương trong vòng qui định, hạn chế nhận của đút và tuần tiễu các mặt của đời sống công cộng, nếu không chúng vẫn có thể còn nằm trong bóng tối. Đó là hiện thân của “chế độ độc tài mềm dẻo” với đặc thù là “hàng loạt hành động xuôi, ngược nhau của giới tinh hoa được điều khiển và kiểm soát bằng một công cụ gọi là ‘sự lập lờ’”. Điều thường được mô tả ở Việt Nam như cuộc đấu giữa hai phe “cải cách” và “bảo thủ” thực ra là một phương pháp để cho một xã hội đang ngày càng ngả về phía thị trường có thể “đồng thời vừa có tính trấn áp lại vừa có khả năng đáp ứng, thích nghi.” Với cách diễn giải này, giới nhà báo và blogger đang tự đóng góp vào việc “giữ trật tự phi chính thức” cho những kẻ trục lợi của thị trường tự do.

Các cơ chế “pháp luật” để bắt các nhà báo, các blogger đã đi quá giới hạn hoặc vô tình bước nhầm vào các qui tắc đang thay đổi gồmĐiều 88 Luật Hình sự, cấm “làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” và Điều 79 Luật Hình sự, cấm “hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.” Nhưng còn có nhiều lý do khác để bắt giữ từ “trốn thuế” cho tới “ăn cắp bí mật quốc gia và bán cho người nước ngoài.” (Đây là cáo buộc đã dùng để chống lại nhà văn Dương Thu Hương khi bà gửi bản thảo một cuốn sách của bà cho một nhà xuất bản ở California.)

Các biện pháp trấn áp khác còn nằm trong Luật Báo chí ra đời năm 1990, sửa đổi năm 1999. Luật này bắt đầu bằng tuyên bố “Báo chí ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội” (Điều 1). “Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân.” (Điều 2:3). Rồi còn Luật Xuất bản năm 2004, cấm “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, “truyền bá tư tưởng phản động”, và “tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại”

Danh sách các điều luật và qui định còn gồm các nghị định và “thông tư”. Nghị định số 56 về “Hoạt động Văn hóa-Thông tin”, cấm “phủ nhận thành quả cách mạng”, Nghị định số 97 về “Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và Thông tin điện tử trên Internet”, cấm sử dụng Internet “làm tổn hại đến uy tín của cá nhân và các tổ chức”,Thông tư số 7 của Bộ Thông tin, giới hạn các blog vào  “những thông tin mang tính chất cá nhân” và yêu cầu  các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến phải thực hiện chế độ báo cáo định kì về người sử dụng “sáu tháng một lần và báo cáo đột xuất theo yêu cầu”, và Dự thảo Nghị định năm 2012 về “Quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng”, trong đó yêu cầu các công ty nước ngoài cung cấp thông tin bằng tiếng Việt phải “lọc và loại bỏ những nội dung bị cấm”.

Dự thảo Nghị định năm 2012 này đã được thông qua vào năm sau thành Nghị định 72, nghiêm cấm các blog đưa các “thông tin tổng hợp” và chỉ được đăng  các tin tức cá nhân, khiến các cá nhân đưa tin tức hoặc các bình luận chính trị lên mạng thành một việc bất hợp pháp. Tháng Tám 2013 tổ chức Nhà báo Không Biên giới đã lên án Nghị định 72 là “cực kỳ vô lý và hết sức nguy hiểm” và cho rằng Nghị định 72 chỉ có thể thực hiện được bằng “sự theo dõi của nhà nước một cách thường xuyên trên toàn bộ không gian Internet… Mục tiêu trá hình của nghị định này là để cố giữ cho Đảng Cộng sản vẫn giữ quyền lực lãnh đạo bằng mọi giá thông qua việc giữ độc quyền về thông tin và tin tức cho nhà nước.”

Việt Nam đã học rất nhiều kỹ thuật kiểm soát Internet từ Trung Quốc, nước láng giềng phía Bắc. Theo Văn bút Quốc tế (PEN International) Trung Quốc đã bỏ tù hàng chục tác giả, gồm cả người được Giải Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba. Tương tự Trung Quốc, Việt Nam cũng thuộc hạng gần cuối trong các bảng xếp hạng về tự do báo chí. Freedom House gọi truyền thông Việt Nam là “phi tự do”. Năm 2014 Nhà báo Không Biên giới xếp Việt Nam thứ 174, đứng giữa Iran và Trung Quốc, trong số 180 nước về tự do báo chí. 

Năm 2013, tổ chức Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) xếp Việt Nam đứng thứ 5 trong số những nước bỏ tù nhà báo nhiều nhất, ít nhất có khoảng 18 nhà báo đang nằm trong tù. Mới đây, lại xảy ra một cuộc trấn áp khốc liệt nhằm vào các blogger và những người phản đối Trung Quốc. Hàng chục người lại vào tù với những bản án lên tới 12 năm. Các nhà hoạt động cổ xúy dân chủ và nhân quyền, những nhà văn, blogger, các phóng viên điều tra, những dân oan phản đối chính sách đất đai, những người chỉ trích, vạch trần các nhũng nhiễu, sai phạm của chính quyền, tất cả đều đang bị lùa vào tấm lưới vét toàn trị mang tên Việt Nam.

(Còn tiếp 1 kỳ)
Nguồn: Dịch từ bản gốc tiếng Anh “Swamp of the Assassins: On Being Censored in Vietnam”, phần I, do tác giả gửi đến pro&contra.


Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Hồng Sơn & Thomas A. Bass & pro&contra

Featured Post

BẠN TÔI: ĐẠI ÚY TRẦN QUANG HIỆP

 https://www.facebook.com/groups/160591528349491/permalink/723350692073569/ https://www.youtube.com/watch?v=oqhFQFR2-JM Chuyện Xứ Xã Nghĩa r...

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List