Sunday, April 28, 2013

CÔN ĐẢO: NƠI LỊCH SỬ CÓ THỂ KHÁC


 

Xin chuyển - Tuỳ nghi

Thu Hương

From: Cahat Nguyen <
To:
Sent: Sunday, 28 April 2013 2:32 AM
Subject:
 CÔN ĐẢO: NƠI LỊCH SỬ CÓ THỂ KHÁC

 

CÔN ĐẢO: NƠI LỊCH SỬ CÓ THỂ KHÁC

Lý Như Thế

“Gió đưa cây CẢI về trời

Rau RĂM ở lại chịu đời đắng cay”

 

Trong chuyến về Việt Nam vào tháng Tư năm 2013, tôi đã tham gia một chuyến đi thăm Côn Đảo, khu di-tích lịch sử. Sau một giờ bay ngắn ngủi bằng ATR72 từ Tân Sơn Nhất, tôi đến phi trường Cỏ Ống vào một buổi trưa dìu dịu nắng. Huyện Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là một quần đảo gồm 16 đảo mà đảo chánh, lớn nhất, được gọi là Đảo Côn Sơn (hay Côn Lôn, Côn Đảo, Phú Hải) với những tù nhân danh tiếng. Khu trung tâm dọc theo bờ biển gồm những con đường nhỏ yên tĩnh và những biệt thự kiểu kiến trúc Pháp thời Thực dân làm tôi nhớ lại thành phố biển Nha Trang vào những năm cuối thập niên 1950. Đặc biệt, bãi biển Đầm Trầu nằm gọn trong một con vịnh nhỏ có sóng nhè nhẹ và nước trong vắt như bãi Đá Nhảy ở Quảng Bình hay bãi Sidari trên đảo Corfu của Hy Lạp. Nhưng bãi Đầm Trầu có hàng thùy dương với nước trong xanh hơn và cát trắng mịn màng hơn rất nhiều. 

Khách sạn của SaigonTourist nằm ngay sát bờ biển cũng dọn những bữa ăn đầy hải sản tươi ngon quý hiếm cho một Việt kiều từ Mỹ đã quen ăn đồ đông lạnh. Đáng lẽ tôi không nên “khoe” ra những điều nầy vì e rằng một khi Côn Đảo trở nên nổi tiếng thì nó có thể sẽ bị dày vò bừa bải và vô văn hóa như số phận của những thành phố du lịch loại Hạ Long, Nha Trang, Vũng Tàu.

Nhưng lý do thúc đẩy tôi viết bài nầy nằm ngoài mục đích du lịch mà liên hệ đến những dữ kiện lịch sử của hòn đảo không may mắn nầy.

Trong 4 ngày tại đây, tôi đã biết được những thông tin lịch sử đáng ghi nhớ.

- Trước hết, Côn Đảo mang mối quốc nhục (mà cũng là quốc hận) là mãnh đất đầu tiên của đất nước Việt Nam (cùng với hải cảng Đà Nẵng) bị “nhượng” cho Thực dân Pháp qua Hiệp ước Versailles năm 1787 ký kết giữa vua Louis 16 và Giám mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) cầm tay Hoàng tử Cảnh đại diện cho Nguyễn Phúc Ánh (vua Gia Long). Tuy sau đó Hiệp ước không được thực thi nhưng động thái can thiệp thô bạo và dễ dàng vào tình hình Việt Nam của một chức sắc Công giáo Pháp như thế đã khởi động cho quyết tâm và những chiến dịch xâm thực Việt Nam của các thế lực thế quyền và giáo quyền Pháp sau nầy, mở màn cho sự thiết lập nền đô hộ của thực dân Pháp tại Việt Nam.

 

- Ngày 1 tháng 2 năm 1862, Đô đốc Louis Bonard ký quyết định xây nhà tù trên Côn Đảo để làm nơi nhốt tù nhân thường phạm và chính trị phạm. Và Côn Đảo đã chỉ có nhiệm vụ giữ tù nhân như vậy trong 92 năm cho đến 1954, khi Thực dân Pháp thua trận Điện Biên Phủ. Từ 1955 đến 1975, Côn Đảo vẫn không thoát được số phận làm nhà tù dưới hai chính quyền Cộng Hoà của Tổng thống Diệm và Thiệu. Sau tháng Tư năm 1975, tù nhân trên Côn Đảo được thả hoặc chuyển về đất liền để cho Côn Đảo ngày nay trở thành một trung tâm du lịch với những di tích lịch sử đầy đau thương bên cạnh những bờ biển đẹp tuyệt vời

- Trong 113 năm làm nhà tù, Côn Đảo đã giam giữ hai loại tù chính trị nổi tiếng. Một là tù chống thực dân gồm có Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Trần Cao Vân, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Duy Trinh, … Hai là tù chống độc tài như Phan Khắc Sửu, Phan Quang Đán, Vũ Hồng Khanh, Bùi Lượng, Phạm Lợi, …

Cùng với những nhân vật tên tuổi nầy, tôi đã đi thăm Cầu tàu 914 (nơi cập bến của tàu chở tù từ đất liền ra đảo) và hệ thống những nhà tù nổi tiếng như Bagne I (còn gọi là trại Cộng Hòa) cổ nhất và lớn nhất, Bagne II (còn gọi là trại Nhân Vị), chuồng cọp Pháp, chuồng cọp Mỹ. Tổng cộng có 127 phòng giam, 44 xà lim và 504 phòng “Biệt lập chuồng cọp.”

Bên cạnh những dấu tích tàn bạo của người đối với người, tôi lại được đọc một câu chuyện đã làm cho tôi ngẩn ngơ trong nhiều ngày. Đoạn dưới đây trích từ cuốn “Sơ lược về Khu Di tích Lịch sử Côn Đảo và những Truyền Thuyết” do Ban Quản Lý Di tích Côn Đảo xuất bản năm 2011 mà tôi xin chọn những phần đáng chú ý:

Tục truyền: Bà Phi Yến là thứ phi, không rõ là người vợ thứ mấy của chúa Nguyễn Phúc Ánh. Bà còn có tên gọi Lê thị Răm, sanh hạ ra Hoàng tử Hội An, còn có tên gọi Hoàng tử Cải. Cuối mùa thu năm 1783, Nguyễn Ánh bỏ đất liền bôn ba chạy ra Côn Đảo để tránh nạn. Vì bị quân Tây Sơn săn đuổi, Nguyễn Phúc Ánh cùng các quan cận thần và linh mục Bá Đa Lộc bày mưu tính kế, có ý định đưa Hoàng tử Cải cùng linh mục Bá Đa Lộc sang Pháp để làm con tin xin cầu viện. Bà Phi Yến rất không bằng lòng về điểm này đã nói lên những lời khuyên can của mình rằng:

Việc đánh nhau với Tây Sơn ta có thể coi như việc trong nhà, chúa công nên dụng nghĩa binh trong nước thì hơn. Bệ hạ nhờ sức mạnh của người ngoài về giải quyết vấn đề nội bộ dù chúng ta có thắng Tây Sơn đi nữa cũng chẳng vẻ vang gì, thiếp e còn lắm điều rắc rối về sau…”.

Chỉ mấy lời khuyên can ấy mà Nguyễn Ánh nổi trận lôi đình, nghi bà Phi Yến có ẩn ý thông đồng Tây Sơn. Trước cảnh búa rìu sấm sét của một vị chúa độc tài, bà Phi Yến vẫn giữ lập trường kiên định không cho Hoàng tử Hội An đi làm tôi con cho ngoại bang, và muôn năm sau lịch sử sẽ bia truyền cái tội cõng rắn cắn gà nhà, rước voi về dày mả tổ. Nếu không có các quan cận thận can ngăn ắt hẳn bà Phi Yến không thoát khỏi tội chém đầu. Tuy nhiên, Nguyễn Ánh vẫn còn ác ý làm khổ người vợ trẻ bằng cách sai giam cầm bà vào một hang đá trên một hòn đảo hoang vắng. Địa danh Hòn Bà ra đời từ đó.

Vừa nhốt xong bà Phi Yến thì nghe tin có quân Tây Sơn sắp tràn ra đảo. Nguyễn Ánh bèn cùng đám tùy tùng xuống mấy chiếc thuyền chạy về đảo Phú Quốc. Khi thuyền sắp nhổ neo, Hoàng tử thấy sao không có mẹ mình bèn hỏi thăm người nọ người kia, có người trung nghĩa tiết lộ mẹ của Hoàng tử đang bị giam cầm. Khi đó Cậu mới khóc rống lên kêu gào thảm thiết để yêu cầu với cha là cho mẹ cùng theo, hoặc là cùng sống chết với mẹ. Nguyễn Ánh không bằng lòng bảo với các quan: thằng nhãi con này rất có thể một lòng với người mẹ phản trắc của nó. Ngay bây giờ nếu ta không loại trừ trước, biết đâu nó chẵng là kẻ loạn thần tặc tử sau này? Nói đoạn chính tay ông vừa xách đầu đứa con vô tội ném xuống biển vừa nói: đấy mi muốn thế ta cho phép mi ở lại để được trọn niềm hiếu thảo với mẹ mi!

Thảm thương thay cho Hoàng tử Hội An mới có 5 tuổi nên phải chết chìm dưới dòng nước xanh ở bãi biển Đầm Trầu. Dân làng Cỏ Ống động lòng, xúm nhau vụn đất, đắp đá cho nấm mộ được cao lên. Rồi lập miếu phía trước mộ để thờ Hoàng tử. miếu ấy mệnh danh là Miếu Cậu.

Sau đó người ta truyền rằng Đức bà Phi Yến và Hoàng tử Hội an đã hiển thánh, thường hiện về mách bảo cho dân làng biết điềm lành hay chuyện dữ sắp xảy ra. Đức bà Phi Yến đã nêu cao tấm gương ái quốc, sáng suốt nhận định được quốc vận hậu lai, trước cảnh búa rìu sấm sét của vị chúa độc đoán, bà vẫn một niềm cương quyết chống trả không chịu đồng lõa với những hành động có tội với lịch sử. Đến như Hoàng tử Hội An tuy mới 5 tuổi đã tỏ ra là đứa con chí hiếu thà chịu chết với mẹ hiền còn hơn là tham sống với người cha thô bạo.

Từ đó đến nay bà con, nhân dân Côn Đảo hàng năm đều tổ chức lễ giỗ Bà vào ngày 18/10 âm lịch.

(Ngưng trích)


Miếu Bà (Lê thị Răm tức Thứ phi Phi Yến)
Miếu Cậu (Hoàng tử Cải, tức Hoàng tử Hội An)

 

Câu chuyện về Bà Phi Yến và Hoàng tử Cải đã gợi hứng cho nhạc sĩ Trần Tiến viết bản nhạc “Quê Nhà” nổi tiếng (http://www.youtube.com/watch?v=n7-G6G0RQew) đã được nhiều ca sĩ trình bày.

 

“À ơi…à ơi hoa CẢI lên trời

Rau RĂM ở lại chịu đời đắng cay"

 

Riêng tôi, khi nghe người hướng dẫn viên kể chuyện nầy trên thềm ngôi An Sơn Miếu thờ bà Phi Yến thì tôi ngẩn ngơ nghĩ đến một giả tưởng lịch sử. Giả tưởng đó là nếu Nguyễn Phúc Ánh (năm 1783 mới chỉ 21 tuổi) đã có tâm thức dân tộc và viễn kiến chính trị để nghe theo lời khuyên của bà Phi Yến thì lịch sử cận đại Việt Nam sẽ đi theo một ngã rẽ bình yên hay tang tóc hơn? Nếu Nguyễn Phúc Ánh không nghe lời dụ dỗ của Giám mục Bá Đa Lộc, không “cõng rắn (Pháp) cắn gà nhà” mà tự lực tiếp tục chống phe Tây Sơn thì chuyện gì có thể xảy ra?

 

Ta sẽ có hai khả thể lịch sử:

 

■ Không có hiệp ước Versailles 1787 để kích thích và mở đường cho “rắn” vào “nhà”, trong 5 năm trước khi Nguyễn Huệ lâm bạo bệnh mà chết (1792), nhà Tây Sơn có thể dùng binh hùng tướng mạnh mà tiêu diệt phe Nguyễn Phúc Ánh ở phía Nam rồi mở rộng biên cương phía Bắc chiếm các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông của Trung Hoa tạo thành một quốc gia cường thịnh. Nhờ thế, các thế lực thực dân Anh, Mỹ, Pháp, … không thể xâm lăng và áp đặt một nền thống trị thuộc địa, tạo tiền đề cho phong trào Cộng sản quốc tế cởi làn sóng giải thực toàn cầu mà sinh sôi nẩy nở trên đất nước Việt Nam.

 

■ Suy yếu vì chia rẽ nội bộ (Nguyễn Nhạc than “bì oa trữ nhục” với Nguyễn Huệ ở thành Quy Nhơn) và sau cái chết của Nguyễn Huệ, thì dù không có hiệp ước Versailles kích hoạt mở đường cho “rắn” xâm lược Pháp vào “nhà” Việt Nam, nhà Tây Sơn cũng sẽ bị tiêu diệt trước cuộc chiến đấu kiên trì của Nguyễn Phúc Ánh là người có một hậu thuẩn nhân dân ở miền Nam. Rồi vì Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua mà không mang “nợ” các Linh mục Tây phương nên các đế quốc Pháp, Anh, Mỹ sẽ không có đội quân nội ứng Công giáo bản xứ, loại như cụ Sáu Linh mục Trần Lục mà chính Giám mục Puginier đã hãnh diện cho rằng ““Không có các giáo sĩ và giáo dân thì người Pháp cũng ging như cua bị bẻ gãy hết càng (Sans les missionnaires et les chrétiens, écrit Mgr. Puginier, les Francais seraient comme les crabes auxquels on aurait cassé toutes les pattes) để tấn chiếm Việt Nam. Nhờ vậy, các liệt cường Tây phương sẽ phải chấp nhận độc lập của Việt Nam như với Nhật, Thái Lan, … để cho Việt Nam không cần một cuộc chiến tranh giải thực, đẩy đảng Cọng Sản lên vị trí toàn trị cả trong thời chiến ngày xưa lẫn thời bình ngày nay.

Tuy nhiên, vì lịch sử không làm bằng những chử “nếu” và vì tâm can và trí tuệ của bà Hoàng phi Lê Thị Răm không được Nguyễn Phúc Ánh nghe theo, nên Tây, Tàu, Nhật, Nga, Anh, Mỹ đã thay nhau đày đoạ dân ta trôi nỗi trong…

Hai mươi năm nội chiến từng ngày

Gia tài của mẹ để lại cho con

Gia tài của mẹ một nước Việt buồn

(Gia tài của Mẹ - Trịnh Công Sơn)

 

Lịch sử quả là một chuổi lồng lộng những ván cờ tướng liên hoàn phức tạp mà sau mỗi lần hạ thủ bất hoàn, người chơi cờ, nhiều lúc, lại xót xa với những chữ “nếu” cay đắng và lạnh lùng.

 

LÝ NHƯ THẾ

 

Phụ chú:

Hài cốt của Giám mục Bá Đa Lộc được thờ ở Lăng Cha Cả cho đến hết thời nhà Nguyễn sang hết cả hai chính thể Việt Nam Cộng hòa. Năm 1983, chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cải táng mộ phần, san bằng khu lăng cổ và trao di cốt lại cho lãnh sự Pháp đem hồi hương. Di cốt, khi về lại Pháp, được đem chôn trong nhà thờ Séminaire des Missions Etrangères, rue du Bac, tại quận XV, Paris.

 

No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết