Monday, August 19, 2013

Chu Văn An - Sáng ngời đức độ nhà giáo Việt


 

 
Thứ sáu 10 Tháng Năm 2013
Chu Văn An - Sáng ngời đức độ nhà giáo Việt
 
Tượng thờ Chu Văn An trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội
Tượng thờ Chu Văn An trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội
DR
Hơn 600 năm trước, nhà Nho Chu Văn An đã một thời làm rạng danh cho giới sĩ phu, nêu cao khí tiết thanh cao và thể hiện tinh thần chính trực “uy vũ bất năng khuất”. Sự nghiệp của Chu Văn An là sự nghiệp của một nhà giáo, khi còn ở quê thì ông mở trường dạy học, khi làm quan thì làm Tư Nghiệp Quốc Tử Giám, dạy thái tử và đào tạo nhiều học trò thành những người giữ trọng trách quốc gia, khi từ quan lại trở về quê dạy học. Trong lịch sử giáo dục Việt Nam, Chu Văn An luôn được xem là biểu tượng của người thầy mẫu mực.
Đọc sách Thánh hiền không phải để tìm kiếm công danh
Chu Văn An tên thật là Chu An, tên chữ là Linh Triệt, sau về ẩn cư thì xưng hiệu là Tiều Ẩn. Khi ông mất, được vua phong tước Văn Trinh Công, nên người đời sau mới gọi là Chu Văn An. Ông sinh ra tại làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay thuộc xóm Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Sử sách không chép rõ ông sinh năm nào, nhưng theo thần tích tại đình làng Thanh Liệt, nơi thờ ông làm Thành Hoàng, thì ông sinh năm Nhâm Thìn 1292 và mất năm Canh Tuất 1370.
Chu An là người chính trực, không màng danh lợi. Ông đỗ Thái học sinh (tức Tiến sĩ), nhưng không ra làm quan mà ở lại quê nhà mở trường dạy học. Ông có công lớn trong việc truyền bá giáo dục tư tưởng Khổng Giáo ở Việt Nam. Học trò của Chu An lên đến vài ngàn người, xa gần đều biết tiếng. Đến mức mà vua Trần Minh Tông vời ông ra làm Tư nghiệp Quốc tử giám (tức Hiệu trưởng).
Chu An là thầy dạy của hai vị hoàng tử mà sau này đều trở thành vua là Trần Hiến Tông và Trần Dụ Tông. Minh Tông làm vua từ năm 1314 đến năm 1329 thì nhường ngôi cho con trai và lên làm thái thượng hoàng đến khi mất vào năm 1357. Kế nhiệm Minh Tông là vua Hiến Tông, trị vì từ năm 1329 đến năm 1341 thì mất. Sau đó, em trai Hiến Tông là Dụ Tông lên ngôi, trị vì từ năm 1341 đến năm 1369.
Như vậy, Chu An làm Tư nghiệp Quốc tử giám trải ba triều: Minh Tông, Hiến Tông và Dụ Tông. Thế nhưng, đến năm 1357, sau khi thượng hoàng Minh Tông băng hà, thì vua Dụ Tông được nắm trọn đại quyền nên bắt đầu lao vào cuộc ăn chơi, nghe lời xúc xiểm của đám nịnh thần, triều đình trở nên thối nát. Trong khi chính sự suy đồi, tình thế nhiễu nhương, Chu An đã nhiều lần can gián vua và cũng là học trò của mình. Cuối cùng ông đã hiên ngang dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần mà sử sách gọi là “Thất trảm sớ”. Sớ này ngày nay đã thất lạc nên không biết rõ chính xác tên của 7 tên nịnh thần mà Chu An xin chém. Nhưng qua việc vua Dụ Tông từ chối lời đề nghị của thầy mình là Chu An, cũng đủ thấy thế lực và ảnh hưởng của 7 tên nịnh thần ấy lớn dường nào.
Thỉnh cầu không được vua chấp nhận, quan Tư nghiệp Chu An lập tức cáo quan về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương), lấy hiệu là Tiều ẩn, dạy học, viết sách cho tới cuối đời. Bên cạnh việc dạy học để truyền bá đạo Thánh hiền, Chu An còn sáng tác nhiều sách vở trong đó có Tứ Thư Thuyết Ước, Tiều Ẩn Thi Tập và Quốc Ngữ Thi Tập, nhưng đều bị người Tàu thời Minh cướp lấy mang về Kim Lăng cả. Ông còn soạn một cuốn sách thuốc có tên là Y Học Yếu Giải Tập Chu Di Biên.
Đóng góp to lớn cho nền giáo dục nước nhà
Thời đại Chu An là giai đoạn hậu chiến tranh chống quân ngoại xâm Nguyên-Mông. Sau chiến tranh, thì việc dùng văn trị để định quốc an bang là điều tất yếu. Thế nhưng câu hỏi đặt ra là phải dùng gì đây giữa ba tôn giáo khi ấy là : Nho, Phật, Lão?
Nên nhớ rằng, khi Phật giáo được các vua đầu nhà Trần coi trọng và thịnh hành, thì Nho giáo đóng vai trò thứ yếu. Ban đầu chỉ có nhà chùa là nơi dạy chữ Nho và sách sử. Tuy nhiên, ở thời đại Chu An, Nho học bắt đầu từng bước lớn mạnh. Nhiều nhà Nho và thái học sinh không làm quan, về mở trường dạy sách Nho như trường hợp của Chu An. Hệ thống trường lớp tại các địa phương được hình thành. Đó là những tiền đề quan trọng để Nho Giáo dần tiến lên vai trò độc tôn trong hệ tư tưởng giáo dục và chính trị thời Hậu Lê thế kỷ 15.
Và đương nhiên Chu An có công không nhỏ trong công cuộc phát triển Nho Giáo này bởi trong hệ thống trường lớp như đã nói, thì ta biết rằng trường của Chu An là nổi tiếng và có đến hàng ngàn học trò, và bởi mấy chục năm lèo lái con tàu giáo dục của quốc gia trên cương vị lãnh đạo Quốc Tử Giám. Trước tác Tứ Thư Thuyết Ước của Chu An rất có thể được xem là một trong những diễn dịch, bình luận và giải thích Nho Giáo sớm nhất của Việt Nam. Thầy Chu An đào đạo đến hai thái tử và đều trở thành vua nhà Trần. Học trò của ông cũng có người làm quan cao như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát giữ đến chức hành khiển (tể tướng).
Với công đức đó, khi ông mất, vua Trần Nghệ Tông đã đặt tên thụy là Văn Trinh, truy tặng tước Công (tước lớn nhất trong năm tước mà người ngoài hoàng tộc có thể được phong dưới thời phong kiến), ban hiệu là Khang Tiết Tiên Sinh và được đem vào thờ trong Văn Miếu bên cạnh Khổng Tử. Danh sĩ nổi tiếng thế kỷ 19 là Ngô Thế Vinh trong bài văn bia ở đền thờ Chu Văn An đã giải thích hai chữ “Văn Trinh” như sau: “Văn, đức chi biểu dã; Trinh, đức chi chính cố dã”, tức: Văn là cái vẻ đẹp bên ngoài của đức, Trinh là sự bền vững bên trong của đức, nghĩa là ngoại mạo và tâm hồn Chu An đều đẹp cả. Qua đó mới thấy vua nhà Trần ngưỡng vọng Chu An đến mức độ nào.
Vạn Thế Sư Biểu
Các sử gia phong kiến Việt Nam thời hậu Chu An đều không tiết lời ca tụng đức độ của ông, và luôn xem ông là Biểu tượng mẫu mực của người thầy giáo Việt :
- Sử gia Ngô Sĩ Liên nhận định về Chu An trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư như sau: “Người hiền được dùng ở đời thường lo vua không thi hành điều sở học của mình. Vua thì dùng người hiền mà hay lo người hiền không theo ý muốn của mình. Cho nên, vua tôi gặp nhau, từ xưa đã là rất khó.
Nho gia nước Việt ta được dùng rất nhiều, nhưng kẻ thì chỉ nghĩ đến công danh, kẻ thì lo làm giàu, kẻ chỉ xu phụ, kẻ chỉ cốt ăn lộc giữ thân, ít ai chịu để tâm đến đạo đức, lo nghĩ việc giúp vua nêu đức tốt để cho dân được nhờ. Tô Hiến Thành thời Lý và Chu Văn Trinh đời Trần có lẽ cũng gần được. Nhưng Hiến Thành gặp được vua sáng nên công danh sự nghiệp được thấy ngay đương thời, còn Chu Văn Trinh đời Trần không gặp được vua anh minh nên chính học của Ông phải đến đời sau mới thấy được.
Văn Trinh thờ vua thẳng thắn mà can ngăn, xuất xử thì làm theo nghĩa lý, đào tạo người tài thì công khanh đều ở cửa nhà ông mà ra, tiết tháo của ông cao thượng đến thiên tử cũng không bắt làm bề tôi được. Huống chi, tư thế đường hoàng mà đạo làm thầy được nghiêm, giọng nói lẫm liệt mà bọn nịnh hót phải sợ. Ngàn năm về sau, nghe phong độ của ông, há kẻ điêu ngoa lại không thành liêm chính, kẻ yếu hèn lại không biết tự lập hay sao?”.
Ta thấy rằng, một sử gia nổi tiếng là khắc khe trong đánh giá lịch sử, nổi tiếng là kỹ lưỡng, kén chọn từng chữ từng lời như Ngô Sĩ Liên cũng đã dành bấy nhiêu câu khen ngợi đủ thấy Chu An được kính trọng đến thế nào.
- Trong Việt Giám Thông Khảo Tổng Luận, sử gia Lê Tung thế kỷ 15 thì ca tụng Thất Trảm Sớ của Chu An là: “Thất trảm chi sớ, nghĩa động càn khôn”, tức là: Bài sớ xin chém bảy tên nịnh thần, nghĩa khí động tới trời đất.
- Phan Huy Chú-một học giả lừng danh triều Nguyễn ca ngợi Chu An rằng:”Học nghiệp thuần túy, tiết tháo cao thượng, làng Nho nước Việt ta trước sau chỉ có mình ông, các ông khác không thể so sánh được”.

- Vua Tự Đức trong Việt Sử tổng vịnh viết về Chu An như sau:
Thượng tường sơn đẩu thế gian sư,
Tâm dự nhân quai nhất khứ trừ.
Thất trảm sớ thành thiên địa giám,
Trực thanh bất cộng hữu Trần suy.

Nghĩa là:
Gian tà đâu để tung hoành,
Khí cao vằng vặc lưu danh sáng ngời.
Sớ dâng chứng với đất trời,
Không đang tâm sống cảnh đời suy vi.

Đức độ khiến được cả quỷ thần
Đức độ của Chu An không chỉ được các bậc túc Nho ca ngợi, mà dân gian cũng dành niềm kính ngưỡng. Một trong những minh chứng cho sự kính ngưỡng đó là câu chuyện dân gian mang màu sắc dã sử về sự tích Đầm Mực được sử sách chép lại như sau:
Tương truyền khi ông mở trường dạy học, rất đông học trò tìm đến thụ nghiệp. Trong số học trò có một thanh niên, mặt mũi sáng sủa hôm nào cũng đến thật sớm. Ông khen là chăm chỉ nhưng hỏi thì ngập ngừng không nói quê quán ở đâu. Ông cho người đi theo thấy người đó đi đến đầm Đại (nằm giữa các làng Đại Từ, Tứ Kỳ, Huỳnh Cung) thì biến mất nên ngờ là thủy thần.
Năm đó, trời đại hạn, dân chúng khổ sở lắm. Một hôm, thầy Chu mới mở lời nhờ người học trò nọ làm mưa cứu dân. Người học trò ấy tuân lời thầy mới ra đứng giữa sân, lấy nghiên mực, ngửa mặt lên khấn, lấy bút thấm mực vãi ra bốn phương. Lúc hết mực tung bút và nghiên lên trời. Lập tức, mây đen kéo đến, sấm chớp ầm ầm, trời đổ một trận mưa thật lớn. Người học trò đội mưa đi về, ra đến cửa thì biến mất. Sáng hôm sau, không thấy y trở lại học, Chu An cho người đến đầm Đại tìm thì thấy một con thuồng luồng thật to chết nổi trên mặt nước. Ông thương xót, sai học trò vớt xác mang về mai táng tử tế.
Dân làng thấy vậy lập đền thờ, nay vẫn còn. Chỗ nghiên mực ném lên rơi xuống nay thành đầm nước lúc nào cũng đen, gọi là Đầm Mực. Quản bút rơi xuống làng Tả Thanh Oai, sau này là một làng văn học nổi tiếng (quê hương Ngô Thời Sĩ, Ngô Thời Nhiệm triều Hậu Lê). Trong đền thờ còn một đôi câu đối ghi lại sự tích này như sau:
Mặc nghiễn khởi tường vân, nhất bút lực hồi thiên tự thuận, Chu đình lưu hóa vũ, thiên trù vọng thiếp địa phồn khô
(Mây lành từ nghiên mực bay lên, một ngọn bút ra công trời thuận theo lẽ phải,
Mưa tốt giữa sân son đổ xuống, nghìn cánh đồng dội nước, đất đang khô cũng trổ mùa).

Niềm tôn kính của người xưa đối với thầy Chu Văn An là vậy. Thế ở thời đại chúng ta ngày nay thì sao? Tấm gương đạo đức của thầy Chu có còn giá trị hay không? Sau đây, Phó giáo sư-Tiến sĩ Sử học Hà Minh Hồng sẽ minh thị đôi điều về những vấn đề này. Sử gia Hà Minh Hồng hiện là Trưởng Khoa Lịch sử của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn -Đại Học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh.
- Lê Phước: Thưa Phó Giáo sư, với tư cách là một nhà sử học đương đại, trước tiên xin Phó Giáo sư nhận định đôi điều về vai trò của Chu Văn An trong nền giáo dục nhà Trần cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14?
- Phó Giáo sư-Tiến sĩ Hà Minh Hồng:
Trong giai đoạn cuối thế kỷ 13 sang thế kỷ 14, ở Việt Nam, để phát huy được hào khí Đông A sau khi nhà Trần ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông, việc đề cao đạo học, mà trước hết là Nho Giáo, tức là tôn sùng đạo Khổng-Mạnh để trị nước, là hết sức cần thiết. Người có học Nho và đỗ Thái học sinh (tương đương tiến sĩ) như Chu Văn An khi ấy không phải là thiếu. Và việc khoa cử và con đường quan lộ đối với các Nho sĩ gần như là con đường không thể nào khác được. Nhưng Chu Văn An có học hành, có đỗ đạt, mà không ra làm quan lại ở nhà mở trường dạy học để truyền bá tư tưởng Khổng-Mạnh, trường hợp như vậy thì rất hiếm.
Thực ra thì Chu Văn An cũng có ra làm quan: làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Nhưng ông làm quan trong mục đích là đóng góp sức lực vào sự nghiệp giáo dục đào tạo nước nhà, đào tạo những người có trọng trách quốc gia, như làm thầy dạy các thái tử. Nếu không phải vì mục đích đó thì ông cũng chẳng ra làm quan.
Chu Văn An đã xây dựng cho mình 4 quan điểm về đạo đức nhà giáo, mà cho đến bây giờ những quan điểm này vẫn còn nguyên giá trị, vẫn còn rất cần thiết. Bốn quan điểm đó là: cùng lý, chính tâm, tịch tà và cự bí (Cùng lý là hiểu phải cho đến nơi đến chốn, chính tâm là giữ lòng cho ngay thẳng, tịch tà là trừ bỏ thói hư, tật xấu, chống lại tà thuyết và cự bế là ngăn ngừa cái dở), tức đề cập đến những vấn đề về kiến thức, về lương tâm đạo đức, về bản lĩnh của người thầy. Thời đó, mà ông đưa ra vấn đề này có vẻ còn hơi sớm, bởi ở cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14, Nho Giáo chỉ trong giai đoạn đang lên, nhưng chưa đến hồi cực thịnh. Chu Văn An đã đi trước thời đại, và chính nhờ điều đó đã giúp ông trở thành người thầy giáo có tính chất tiên phong.
- Lê Phước: Chu Văn An được sử sách xem là một mẫu mực của nhà giáo. Vậy xin Phó giáo sư tóm lược những nét chính trong đức độ nhà giáo của thầy Chu Văn An.
-Phó Giáo sư-Tiến sĩ Hà Minh Hồng:
- Thứ nhất: Chu Văn An là một người thầy rất giỏi. Ông giỏi nên ông mới dạy được các lớp học trò từ bậc quyền quý nhất như thái tử đến những người bình thường ở làng quê. Đặc biệt, ở trường làng, ông có hàng ngàn môn sinh. Nức tiếng đến tận triều đình. Thậm chí đến thủy thần cũng tìm đến học. Câu chuyện quỷ thần chỉ là chuyện dã sử, nhưng qua đó cho thấy rằng ai cũng muốn đến học với thầy Chu Văn An. Ông là nhà giáo đầu tiên của nước Đại Việt có nhiều học trò giỏi. Từ đó tạo điều kiện cho cái học Khổng-Mạnh dần dần chiếm vị trí độc tôn trong nền giáo dục Đại Việt.
- Thứ hai: Chu Văn An là nhà giáo rất nghiêm nghị và mẫu mực. Học trò của ông có người làm quan to, như Phạm Sư Mạnh hay Lê Quát làm đến tể tướng, thế mà khi khi đến với thầy Chu Văn An các ông này vẫn phải khép nép và thậm chí có khi còn được nhắc nhở, dạy bảo những gì mà thầy Chu Văn An thấy cần phải nhắc nhở học trò.
- Thứ ba: Chu Văn An là một thầy giáo có phong thái trong sạch và tiết tháo. Thấy quyền thần làm điều trái đạo thì ông can gián và viết thất trảm sớ xin chém bảy tên nịnh thần. Vua không nghe thì ông lập tức từ quan chứ không màng chi công danh lợi lộc. Ông từ quan về quê dạy học, dạy dân, làm thuốc, viết sách… Chu Văn An làm như vậy là để giữ nguyên cái đức sáng ngời, làm cho đạo học được thâm sâu hơn ở chính ông và những người được ông tiếp tục đào luyện. Chính phẩm chất thanh cao tuyệt vời ấy mà ông đã được người đương thời và đời sau ca ngợi, tôn là “Vạn thế sư biểu”.
Sau khi ông qua đời, triều đình đã đưa ông vào thờ ở Văn Miếu, xem ông ngang hàng với các bậc thánh hiền ngày xưa. Đó là một điều hết sức hiếm có. Người dân ở làng quê của ông thì tôn thờ ông làm Thành hoàng. Người ta gọi ông là “Đức thánh Chu”, “Đức Thánh Văn”. Qua đó mới thấy, ngay cả khi đã qua đời, đạo đức của Chu Văn An vẫn tiếp tục sáng ngời.
Trước triều Trần, có những người có cống hiến rất lớn lao. Sau triều Trần, cũng có không ít những bậc tôn sư đạo cao đức trọng. Nhưng nhân cách thanh khiết, thuần nhã, khí phách, chính trực, kiên cường như Chu Văn An thì không ai có thể sánh. Ông là một người thầy mẫu mực cho nền “lương sư hưng quốc” Đại Việt. Lịch sử giáo dục Việt Nam từ xưa đến nay vẫn một niềm tôn kính đối với Chu Văn An, đặt ông ở địa cao quý nhất, khả kính nhất, người đứng đầu các bậc nhà giáo danh nhân đất Việt từ ngàn xưa.
- Lê Phước: Thưa Phó giáo sư, thế hệ nhà giáo ngày nay cần học tập gì từ tấm gương đạo đức của Thầy Chu Văn An?
- Phó Giáo sư-Tiến sĩ Hà Minh Hồng:
Chúng tôi nghĩ rằng, bản lĩnh nhà giáo là hết sức quan trọng. Bản lĩnh ở đây là thể hiện được cái thanh liêm, tính biết nêu gương ở người thầy. Toàn bộ đức độ của người thầy, toàn bộ ứng xử của người thầy, toàn bộ kiến thức của người thầy: Tấm gương của người thầy phải thể hiện được những mặt như vậy. Tôi nghĩ đây cũng là ba vấn đề đang hết sức nóng bỏng, những vấn đề đang rất cần phải có trong đạo đức của người thầy giáo hiện nay.
Thầy Chu Văn An đã mất cách đây gần bảy thế kỷ, giáo dục giữa thời đại của thầy Chu và thời đại ngày nay của Việt Nam cũng hoàn toàn khác. Thế nhưng, như sử gia Hà Minh Hồng nhận định, đức độ Chu Văn An vẫn còn những giá trị quý giá để thế hệ nhà giáo hiện tại soi rọi. Mà một trong những điều đáng chú ý nhất đó chính là tính gương mẫu của người thầy.
Một trong những lợi ích chính của lịch sử đó chính là cung cấp cho thế hệ sau những bài học kinh nghiệm và những tấm gương cần noi theo thông qua việc “ngẫm lại chuyện xưa”. Thời gian qua, trong xã hội Việt Nam đã xảy ra nhiều vụ học trò tấn công cả thầy cô, khiến cho dư luận phẫn nộ. Thế nhưng, nói đi cũng phải nói lại, bên cạnh cái lỗi của học trò còn có cái lỗi thiếu gương mẫu của không ít thầy cô với biết bao vụ việc thầy cô nhũng nhiễu học trò, bạo hành học trò,… tức không biết nêu gương để được học trò kính trọng. Trong bối cảnh đó, thiết nghĩ, đọc lại cuộc đời và sự nghiệp của thầy Chu Văn An cũng có lắm đều bổ ích.


No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết