Với bút hiệu tựdo ‒ chữ thường, viết
liền ‒ ông Nguyễn Văn Luận là tác giả bài “Người tìm tự do và tượng thần tự
do” đã được bình chọn trúng giải chính thức trong giải sơ kết 3 tháng Giải
Thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Tác giả sinh năm 1937, hiện cư ngụ tại
Worcester, Massachusetts. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
tự do
Ông Hòa là cựu sĩ
quan Việt Nam Cộng Hòa, bị Cộng sản bắt đi tù năm 1975, sang Mỹ theo diện
HO. Tôi gặp ông tại một tiệc cưới, trở thành bạn, thường gặp nhau bởi cùng
sở thích, nói chuyện văn chương, thời thế, dù trong quá khứ ông sống tại
miền Nam, tôi ở xứ Bắc.
Một lần tới thăm,
cháu Thu Lan, con ông Hòa, hỏi tôi, “Bác ở Hà Nội mà cũng đi tị nạn
à...?”
Nghe hỏi tự nhiên nên tôi chỉ cười, “Cái cột đèn mà biết đi, nó cũng đi,
...nữa là bác!”
Thực ra tôi đã không trốn thoát được từ
lần đầu “vượt tuyến” vào miền Nam. Rồi thêm nhiều lần nữa và 2 lần “vượt
biển”, vẫn không thoát. Chịu đủ các “nạn” của chế độ cộng sản trong 27 năm
ở lại miền Bắc, tôi không tị nạn, mà đi tìm Tự Do, trở thành thuyền nhân,
đến nước Mỹ năm 1982.
Sinh trưởng tại Hà Nội, những năm đầu
sống ở Mỹ, tôi đã gặp nhiều câu hỏi như cháu Thu Lan, có người vì tò mò, có
người giễu cợt . Thời gian rồi cũng hiểu nhau.
Tôi hằng suy nghĩ và muốn viết những
giòng hồi tưởng, vẽ lại bức tranh Hà Nội xưa, tặng thế hệ trẻ, và riêng cho
những người Hà Nội di cư.
Người dân sống ở miền Nam trù phú, kể
cả hàng triệu người di cư từ miền Bắc, đã không biết được những gì xảy ra
tại Hà Nội, thời người cộng sản chưa vận com-lê, đeo cà-vạt, phụ nữ không
mặc áo dài.
Hiệp định Geneva chia đôi nước Việt. Cộng sản, chưa lộ mặt là Cộng sản,
tràn vào miền Bắc tháng 10 năm 1954. Người Hà Nội đã “di cư” vào miền Nam,
bỏ lại Hà Nội hoang vắng, tiêu điều, với chính quyền mới là Việt Minh, đọc
tắt lại thành Vẹm. Vì chưa trưởng thành, tôi đã không hiểu thế nào là
...Vẹm!
Khi họ tiếp quản Hà Nội, tôi đang ở Hải
phòng. Dân đông nghịt thành phố, chờ tầu há mồm để di cư.
Trước Nhà Hát Lớn, vali, hòm gỗ, bao gói xếp la liệt. Lang thang chợ trời,
tôi chờ cha tôi quyết định đi Nam hay ở lại. Hiệp định Geneva ghi nước Việt
Nam chỉ tạm thời chia cắt, hai năm sau sẽ “Tổng tuyển cử” thống nhất. Ai
ngờ cộng sản miền Bắc “tổng tấn công” miền Nam!
Gia đình lớn của tôi, không ai làm cho
Pháp, cũng không ai theo Việt Minh. Cha tôi làm chủ một hãng thầu, nghĩ đơn
giản là dân thường nên ở lại. Tôi phải về Hà Nội học.
Chuyến xe lửa Hà Nội “tăng bo” tại ga
Phạm Xá, nghĩa là hai chính quyền, hai chế độ, ngăn cách bởi một đoạn đường
vài trăm mét, phải đi bộ hoặc xe ngựa. Người xuống Hải phòng ùn ùn với hành
lý để đi Nam, người đi Hà Nội là con buôn, mang xăng về bán. Những toa tầu chật
cứng người và chất cháy, từ chai lọ đến can chứa nhà binh, leo lên nóc tầu,
bíu vào thành toa, liều lĩnh, hỗn loạn ...
Tới cầu Long Biên tức là vào Hà Nội.
Tầu lắc lư, người va chạm người. Thằng bé ù chạc 15 tuổi, quắc mắt nhìn
tôi, “Ðề nghị đồng chí xác định lại thái độ, lập trường tư tưởng!” Tôi
bàng hoàng vì thứ ngoại ngữ Trung quốc, phiên âm thành tiếng Việt, nghe lần
đầu không hiểu, để rồi phải “học tập” suốt 20 năm, “ngoại ngữ cộng sản”: đấu
tranh, cảnh giác, căm thù và ... tiêu diệt giai cấp! (Thứ ngôn ngữ này ghi
trong ngoặc kép).
Hà Nội im lìm trong tiết đông lạnh giá,
người Hà Nội e dè nghe ngóng từng “chính sách” mới ban hành. “Cán bộ” và
“bộ đội” chỉ khác nhau có ngôi sao trên mũ bằng nan tre, phủ lớp vải mầu cỏ
úa, gọi là “mũ bộ đội”, sau này có tên là “nón cối”. Hà Nội “xuất hiện” đôi
dép “Bình Trị Thiên”, người Bắc gọi là “dép lốp”, ghi vào lịch sử thành
“dép râu”. Chiếc áo dài duyên dáng, thướt tha của thiếu nữ Hà Nội được coi
là “biểu hiện” của “tư sản, phong kiến”, biến mất trong mười mấy năm sau,
vì “triệt để cách mạng”. Lần đầu tiên, “toàn thể chị em phụ nữ” đều mặc
giống nhau: áo “sơ mi”, quần đen. Hãn hữu, như đám cưới mới mặc sơ mi trắng
vì “cả nước” không có xà phòng.
Chơi vơi trong Hà Nội, tôi đi tìm thầy
xưa, bạn cũ, hầu hết đã đi Nam. Tôi phải học năm cuối cùng, Tú tài 2, cùng
một số “lớp Chín hậu phương”, năm sau sẽ sát nhập thành “hệ mười năm”. Số
học sinh “lớp Chín” này vào lớp không phải để học, mà là “tổ chức Hiệu đoàn”,
nhận “chỉ thị của Thành đoàn” rồi “phát động phong trào chống văn hóa nô
dịch!” Họ truy lùng... đốt sách! Tôi đã phải nhồi nhét đầy ba bao tải, Hiệu
đoàn “kiểm tra”, lục lọi, từ quyển vở chép thơ, nhạc, đến tiểu thuyết và
sách quý, mang “tập trung” tại Thư viện phố Tràng Thi, để đốt. Lửa cháy bập
bùng mấy ngày, trong niềm “phấn khởi”, lời hô khẩu hiệu “quyết tâm”, và
“phát biểu của bí thư Thành đoàn”: tiểu thuyết của Tự Lực Văn Ðoàn là ...
“cực kỳ phản động!” Vào lớp học với những “phê bình, kiểm thảo...cảnh giác,
lập trường”, tôi đành bỏ học. Chiếc radio Philip, “tự nguyện “ mang ra “đồn
công an”, thế là hết, gia tài của tôi!
Mất đời học sinh, tôi bắt đầu cuộc sống
đọa đày vì “thành phần giai cấp”, “sổ hộ khẩu”, “tem, phiếu thực phẩm”,
“lao động nghĩa vụ hàng tháng”. Ðây là chính sách dồn ép thanh niên Hà Nội
đi “lao động công trường”, miền rừng núi xa xôi. Tôi chỉ bám Hà Nội được 2
năm là bị “cắt hộ khẩu”, ...đi tù!
Tết đầu tiên sau “tiếp quản”, còn được
gọi là “sau hòa bình lập lại”, Hà Nội mơ hồ. Những bộ mặt vàng võ, áo quần
nhầu nát, xám xịt, thái độ “ít cởi mở”, từ “nông thôn” kéo về tiếp quản
chiếm nhà người Hà Nội di cư. Người Hà Nội ở lại bắt đầu hoang mang vì
những tin dồn và “chỉ thị”: ăn Tết “đơn giản, tiết kiệm”. Hàng hóa hiếm dần,
“hàng nội” thay cho “hàng ngoại”.
Âm thầm, tôi dạo bước bên bờ Hồ Gươm,
tối 30 Tết. Tháp Rùa, Cầu Thê Húc nhạt nhòa, ảm đạm, đền Ngọc Sơn vắng
lặng. Chỉ có Nhà Thủy Tạ, đêm nay có ca nhạc, lần cuối cùng của nghệ sĩ Hà
Nội. Ðoàn Chuẩn nhớ thương hát “Gửi người em gái miền Nam”, để rồi bị đấu
tố là phong cách tiểu tư sản, rạp xinê Ðại Ðồng phố Hàng Cót bị “tịch thu”.
Hoàng Giác ca bài “Bóng ngày qua”, bị kết tội thành “tề ngụy”, hiệu đàn nhỏ
phố Cầu Gỗ phải dẹp, vào tổ đan mũ nan, làn mây, sống “tiêu cực” hết đời
trong đói nghèo, khốn khổ. Danh ca Minh Ðỗ, Ngọc Bảo, nhạc sĩ Tạ Tấn, sau
này làm gì, sống ra sao, “phân tán”, chẳng ai còn dám gặp nhau, sợ thành
“phản động tụ tập”.
“Chỉ thị Ðảng và Ủy ban Thành” “phổ
biến rộng rãi trong quần chúng” là diệt chó. “Toàn dân diệt chó”, từ thành
thị đến “nông thôn”. Gậy gộc, giây thừng, đòn gánh, nện chết hoặc bắt trói,
rồi đầu làng, góc phố “liên hoan tập thể”. Lý do giết chó, nói là trừ bệnh
chó dại, nhưng đó là “chủ trương”, chuẩn bị cho đấu tố “cải tạo tư sản” và
“cải cách ruộng đất”. Du kích, công an rình mò, “theo dõi”, “nắm vững tình
hình” không bị lộ bởi chó sủa. Mọi nơi im phăng phắc ban đêm, mọi người nín
thở đợi chờ thảm họa.
Hà Nội đói và rách, khoai sắn chiếm 2 phần tem gạo, 3 mét vải “cung cấp”
một năm theo “từng người trong hộ”. Mẹ may thêm chiếc quần “đi lao động “
thì con nít cởi truồng. Người thành thị, làm cật lực, xây dựng cơ ngơi, có
ai ngờ bị quy là “tư sản bóc lột”? nhẹ hơn là “tiểu tư sản”, vẫn là “đối
tượng của cách mạng”.
Nông dân có dăm sào ruộng đất gia
truyền vẫn bị quy là “địa chủ bóc lột, cường hào ác bá ”! Giáo sư Trương
văn Minh, hiệu trưởng trường Tây Sơn, ngày đầu “học tập”, đã nhẩy lầu, tự
tử.
“Tư sản Hà Nội” di cư vào Nam hết ,
chẳng còn bao nhiêu nên “công tác cải tạo được làm “gọn nhẹ” và “thành công
vượt mức”, nghĩa là mang bắn một, hai người “điển hình”, coi là “bọn đầu
xỏ” “đầu cơ tích trữ”, còn thì “kiểm kê”, đánh “thuế hàng hóa”, “truy thu”,
rồi “tịch thu” vì “ngoan cố, chống lại cách mạng!”
Báo, đài hàng ngày tường thuật chuyện
đấu tố, kể tội ác địa chủ, theo bài bản của “đội cải cách” về làng, “bắt
rễ” “bần cố nông”, “chuẩn bị thật tốt”, nghĩa là bắt học thuộc lòng “từng
điểm”: tội ác địa chủ thì phải có hiếp dâm, đánh đập, bắt con ở đợ, “điển
hình” thì mang thai nhi cho vào cối giã, nấu cho lợn ăn, đánh chết tá điền,
hiếp vợ sặc máu ...! Một vài vụ, do “Ðảng lãnh đạo”, “vận động tốt”, con
gái, con dâu địa chủ, “thoát ly giai cấp”, “tích cực” “tố cáo tội ác” của
cha mẹ . Cảnh tượng này thật não nùng! Lời Bác dạy suốt mấy mươi năm:
“Trung với Ðảng, hiếu với dân ...” là vậy!
“Bần cố nông” cắm biển nhận ruộng được
chia, chưa cấy xong hai vụ thì phải “vào hợp tác”, “làm ăn tập thể”, ruộng
đất lại thu hồi về “cộng sản”.
“Toàn miền Bắc” biết được điều “cơ bản”
về Xã hội chủ nghĩa là... nói dối! Mọi người, mọi nhà “thi đua nói dối”,
nói những gì Ðảng nói. Nói dối để sống còn, tránh bị “đàn áp”, lâu rồi
thành “nếp sống”, cả một thế hệ hoặc lặng câm, hoặc nói dối, vì được “rèn
luyện” trong xã hội ngục tù, lấy “công an” làm “nòng cốt” chế độ.
Ở Mỹ, ai hỏi bạn: “How are you?”, bạn
trả lời: “I’m fine, thank you”. Ở miền Bắc, thời đại Hồ chí Minh, “cán bộ”
hỏi: “công tác” thế nào? Dù làm nghề bơm xe, vá lốp, người ta trả lời,
“...rất phấn khởi, ra sức thi đua, lập thành tích chào mừng... các nước anh
em!”
Bị bắt bên bờ sông Bến Hải, giới tuyến
chia hai miền Nam Bắc, năm 19 tuổi, tôi bị “bộ đội biên phòng”giong về Lệ Thủy,
được “tự do” ở trong nhà chị “du kích” hai ngày, đợi đò về Ðồng Hới. Trải 9
trại giam nữa thì về tới Hỏa Lò Hà Nội, vào xà lim. Cảnh tù tội chẳng có gì
tươi đẹp, xã hội cũng là một nhà tù, không như báo, đài hằng ngày kêu to
“Chế độ ta tươi đẹp”.
Cơ hàn thiết thân, bất cố liêm sỉ,
người tù “biến chất”, người tứ chiến kéo về, nhận là người Hà Nội, đói rét
triền miên nên cũng “biến chất”! Ðối xử lọc lừa, gia đình, bè bạn, họ hàng,
“tiếp xúc” với nhau phải “luôn luôn cảnh giác”. Hà Nội đã mất nền lễ giáo
cổ xưa, Hà Nội suy xụp tinh thần vì danh từ “đồng chí”!
Nằm trong xà lim, không có ngày đêm, giờ giấc, nghe tiếng động mà suy đoán
“tình hình”. Ánh điện tù mù chiếu ô cửa sổ nhỏ song sắt, cao quá đầu, tôi
đứng trên xà lim, dùng ngón tay vẽ chữ lên tường, “liên lạc” được với Thụy
An ở xà lim phía trước.
Thụy An là người Hà Nội ở lại, “tham
gia hoạt động “Nhân Văn Giai Phẩm, đòi tự do cho văn nghệ sĩ, sau chuyển
lên rừng, không có ngày về Hà Nội. Bà phẩn uất, đã dùng đũa tre chọc mù một
mắt, nói câu khí phách truyền tụng: “Chế độ này chỉ đáng nhìn bằng nửa con
mắt!”
Người du lịch Việt Nam, ít có ai lên
vùng thượng du xứ Bắc, tỉnh Lào Cai, có trại tù Phong Quang hà khắc, có
thung lũng sâu heo hút, có tù chính trị chặt tre vầu theo “định mức chỉ
tiêu”. Rừng núi bao la, tiếng chim “bắt cô trói cột”, nấc lên nức nở, tiếng
gà gô, thức giấc, sương mù quanh năm.
Phố Hàng Ðào Hà Nội, vốn là “con đường
tư sản”, có người trai trẻ tên Kim, học sinh Albert Sarraut. Học trường Tây
thì phải chịu sự “căm thù đế quốc” của Ðảng, “đế quốc Pháp” trước kia và
“đế quốc Mỹ” sau này. Tù chính trị nhốt lẫn với lưu manh, chưa đủ một năm,
Kim Hàng Ðào “bất mãn” trở thành Kim Cụt, bị chặt đứt cánh tay đến vai,
không thuốc, không “nhà thương” mà vẫn không chết.
Phố Nguyễn công Trứ gần Nhà Rượu, phía
Nam Hà Nội, người thanh niên đẹp trai, có biệt danh Phan Sữa, giỏi đàn
guitar, mê nhạc Ðoàn Chuẩn, đi tù Phong Quang vì “lãng mạn tiểu tư sản”.
Không hành lý nhưng vẫn ôm theo cây đàn guitar. Chỉ vì “tiểu tư sản”, không
“tiến bộ”, không có ngày về...! Ba tháng “kỷ luật”, Phan Sữa hấp hối, khiêng
ra khỏi Cổng Trời cao vút, gió núi mây ngàn, thì tiêu tan giấc mơ Tình nghệ
sĩ!
Người già Hà Nội chết dần, thế hệ thứ
hai, “xung phong”, “tình nguyện” hoặc bị “tập trung” xa rời Hà Nội. Bộ công
an “quyết tâm quét sạch tàn dư đế quốc, phản động”, nên chỉ còn người Hà
Nội từ “kháng chiến” về, “nhất trí tán thành” những gì Ðảng ... nói dối!
Tôi may mắn sống sót, dù mang lý lịch
“bôi đen chế độ”, “âm mưu lật đổ chính quyền”, trở thành người “Hà Nội di
cư”, 10 năm về Hà Nội đôi lần, khó khăn vì “trình báo hộ khẩu”, “tạm trú
tạm vắng”. “Kinh nghiệm bản thân”, “phấn đấu vượt qua bao khó khăn, gian
khổ”, số lần tù đã quên trong trí nhớ, tôi sống tại Hải phòng, vùng biển.
Hải phòng là cơ hội “ngàn năm một thuở”
cho người Hà Nội “vượt biên” khi chính quyền Hà Nội chống Tầu, xua đuổi
“người Hoa” ra biển, khi nước Mỹ và thế giới đón nhận “thuyền nhân” tị nạn.
Năm 1980, tôi vào Sài Gòn, thành phố đã
mất tên sau “ngày giải phóng miền Nam”. Vào Nam, tuy phải lén lút mà đi,
nhưng vẫn còn dễ hơn “di chuyển” trong các tỉnh miền Bắc trước đây. Tôi
bước trên đường Tự Do, hưởng chút dư hương của Sài gòn cũ, cảnh tượng rồi
cũng đổi thay như Hà Nội đã đổi thay sau 1954 vì “cán ngố” cai trị.
Dân chúng miền Nam “vượt biển” ào ạt,
nghe nói dễ hơn nên tôi vào Sài Gòn, tìm manh mối. Gặp cha mẹ ca sĩ Thanh
Lan tại nhà, đường Hồ Xuân Hương, gặp cựu sĩ quan Cộng Hòa, anh Minh, anh
Ngọc, đường Trần Quốc Toản, tù từ miền Bắc trở về. Ðường ra biển tính theo
“cây”, bảy, tám cây mà dễ bị lừa. Chị Thanh Chi (mẹ Thanh Lan) nhìn “nón
cối” “ngụy trang” của tôi, mỉm cười: “Trông anh như cán ngố, mà chẳng ngố
chút nào!”
“Hà Nội, trí thức thời Tây, chứ bộ...!.
Cả nước Việt Nam, ai cũng sẽ trở thành diễn viên, kịch sĩ giỏi!”
Về lại Hải Phòng với “giấy giới thiệu” của “Sở giao thông” do “móc ngoặc”
với “cán bộ miền Nam” ở Saigòn, tôi đã tìm ra “biện pháp tốt nhất” là những
dân chài miền Bắc vùng ven biển. Ðã đến lúc câu truyền tụng “Nếu cái cột
điện mà biết đi....”, dân Bắc “thấm nhuần” nên “nỗ lực” vượt biên.
Năm bốn mươi tư tuổi, tôi tìm được Tự
Do, định cư tại Mỹ, học tiếng Anh ngày càng khá, nhưng nói tiếng Việt với
đồng hương, vẫn còn pha chút “ngoại ngữ Việt cộng” năm xưa.
Cuộc sống của tôi ở Việt Nam đã đến
“mức độ” khốn cùng, nên tan nát, thương đau. Khi đã lang thang “đầu đường
xó chợ” thì mới đủ “tiêu chuẩn” “xuống thành phần”, lý lịch có thể ghi là
“dân nghèo thành thị”, nhưng vẫn không bao giờ được vào “công nhân biên chế
nhà nước”. Tôi mang nhẫn nhục, “kiên trì” sang Mỹ, làm lại cuộc đời nên
“đạt kết quả vô cùng tốt đẹp”, “đạt được nguyện vọng” hằng ước mơ!
Có người “kêu ca” về “chế độ tư bản” Mỹ tạo nên cuộc sống lo âu, tất bật
hàng ngày, thì xin “thông cảm” với tôi, ngợi ca nước Mỹ đã cho tôi nhân
quyền, dân chủ, trở thành công dân Hoa kỳ gốc Việt, hưởng đầy đủ “phúc lợi
xã hội”, còn đẹp hơn tả trong sách Mác Lê về giấc mơ Cộng sản.
Chủ nghĩa cộng sản sụp đổ rồi. Cộng sản
Việt Nam bây giờ “đổi mới”. Tiếng “đổi” và “đổ” chỉ khác một chữ “i”. Người
Việt Nam sẽ cắt đứt chữ “i”, dù phải từ từ, bằng “diễn biến hòa bình”. Chế
độ Việt cộng “nhất định phải đổ”, đó là “quy luật tất yếu của lịch sử nhân loại”.
Ôi! “đỉnh cao trí
tuệ”, một mớ danh từ ...!
------------------------------------------------------
Người Tìm Tự Do và
Tượng Thần Tự Do
Tôi đến New York năm
1986, vào dịp kỷ niệm 100 năm tượng thần Tự Do uy nghi, kiêu hãnh trên hòn
đảo Tự Do (Liberty Island) của nước Mỹ.
Khu Mahattan với những tòa nhà chọc
trời, ngước mắt trông lên, cảm thấy mình nhỏ bé. Khách du lịch ngỡ
ngàng nhìn ngó khắp nơi, thán phục nước Mỹ tự do có tượng thần Tự Do.
Theo dòng người, tôi bắt đầu từ Battery
Park, quẹo vào Castle Clinton, xưa là pháo đài chống quân Anh, nay là nơi
bán vé ferry (phà).
Qua cửa Castle là ra bờ biển đợi phà.
Xa xa, nhìn thấy tượng thần giơ cao ngọn đuốc Tự Do trên làn sóng nhấp nhô
của Đại Tây Dương bát ngát.
Tượng thần Tự Do là thần tượng của di
dân tứ xứ, người mất tự do trên trái đất này tìm tới nước Mỹ tị nạn. Ai
cũng biết tượng thần Tự Do với tên Statue of Liberty, dễ nhớ, không dài như
tên nguyên thủy là Liberty Enlighting the World.
Thời gian chờ đợi xuống phà, đây đó vài
người thầm lặng suy tư. Đó là những người mới tới Mỹ. Ngồi bên gốc
cây, gió hiu hiu, xào xạc lá, tôi nhìn ra đại dương bao la nhớ lại mảnh đời
dĩ vãng.
*
Tôi lớn lên tại
Hànội, được ăn học đầy đủ trước khi khôn lớn. Năm 14 tuổi, tôi học trường
Văn Hóa, ngôi trường định mệnh, sát Hỏa Lò, góc phố Hàng Bông Thợ Nhuộm.
Thầy dạy Anh văn, ông Nguyễn Khang, có dáng tài tử xi nê hơn là thầy giáo,
ngoài dạy học còn làm ở phòng Thông tin Mỹ, phố Tràng Tiền.
Năm 1953, phó tổng thống Mỹ Richard Nixon sang thăm Hànội, đã đến thăm
trường tôi do thầy Khang mời.
Ngồi bàn đầu và là học sinh giỏi, thầy
bảo tôi đại diện lớp. Sau khi bắt tay trả lời ông Nixon "I am
fine, thank you", thầy vui, ông Nixon hài lòng, tôi được nhận quà tặng
là một post card tượng thần Tự Do. Sau này vì tấm post card, tôi bị
vào xà lim số 8 Hỏa Lò Hànội, dù chẳng ai biết ông Nixon đã tặng tôi.
Tôi đã tìm được tự do sau 28 năm đọa đày từ khi đất nước chia đôi, khi bức
màn tre che kín miền Bắc, tăm tối âm u.
Cha tôi làm chủ một hãng thầu tại Hải
phòng trong khi gia đình vẫn ở Hà Nội. Khi người lính quốc gia cuối cùng
rút sang bên kia bờ Bến Hải, cha tôi và gia đình kẹt lại do không hiểu gì
về cộng sản và tài sản, cơ ngơi còn đó.
Đỗ Mười về tiếp thu Hải phòng nói rằng
các nhà tư sản vẫn được làm ăn bình thường. Một tháng sau, cha tôi bị
tịch thu tài sản. Trở về Hànội, trắng tay, cả nhà sống trong túp lều ở
ngoại ô, cha tôi đi đánh giậm, vớt tôm tép trong các ao hồ, rau cháo nuôi
vợ con.
Đấu tố, cải tạo, chửi rủa, cha tôi ngày
một tiều tụy hơn những người tiều tụy bị qui là tư sản còn lại trong thành
phố. Lời trăn trối khi cha tôi khi nằm xuống là "Cha đã bị lừa,
con hãy tìm đường vào miền Nam tự do".
17 tuổi tôi đi tìm tự do, bị bắt. Chiếc
thuyền vượt tuyến giạt vào bờ bắc vĩ tuyến 17. Trải qua 11 trại giam,
tôi bị giong về Hỏa Lò Hà Nội, trong xà lim số 8, mỗi xà lim giam một
người. Văn nghệ sĩ Nhân Văn-Giai Phẩm chật cứng 4 dãy xà lim.
Biệt giam, tra hỏi, ép cung, làm sao
tôi trả lời được những câu hỏi về chính trị lúc tôi còn nhỏ!
Từ trường học sang Hoả Lò, tôi chỉ còn nung nấu trong đầu hai tiếng Tự Do.
Tôi sẽ đi tìm Tự Do suốt cuộc đời này! Từ đó tôi mang cái
"mác": Trốn vào Nam theo địch, rồi dần dần thêm từng dòng
"Âm mưu lật đổ chính quyền, phản động, làm tay sai CIA".
Lý lịch như vậy, sống trong thời điểm
khốc liệt nhất của cộng sản Việt Nam, đời tôi còn quãng dài oan nghiệt.
Tôi đã lên rừng, xuống biển, sang biên giới Việt Lào, vào miền trung để
vượt tuyến vào Nam. Những tháng năm tù tội làm tôi hiểu cặn kẽ
về cộng sản. Điều cha tôi đau khổ nói trước khi chết "Cha
đã bị lừa..." nay tôi mới hiểu hết.
Năm 1981, tôi vượt biển lần thứ hai,
bằng thuyền buồm đánh cá của một gia đình nghề chài, đi từ Hải phòng tới
HongKong sau 26 ngày sóng gió. Định cư tại Mỹ năm 1982, tôi đã tìm thấy Tự
Do .
Mãi suy tư nên lỡ chuyến ferry, phải
đợi thêm nửa giờ, chuyến tới. Tôi không bận tâm vì chờ đợi, tôi đã đợi chờ
gần nửa đời người, ba mươi phút chỉ là khoảnh khắc .
Sầu tủi đã trôi đi, chỉ còn vui
tươi, hạnh phúc. Tôi còn có thể đợi chờ ngày vui tươi, hạnh phúc trên quê
hương không còn cộng sản.
*
Xuống ferry (phà),
mũi tầu chiếu thẳng Liberty Island, mươi phút, nhìn phía sau, khu Manhattan
lô nhô nhà chọc trời mờ dần trong nắng chiều New York, trời xanh lơ không
một bóng mây mù. Xa xa, những con tầu lướt sóng, những cánh buồm nhiều mầu
sắc đu đưa khiến tôi, trong giây phút, liên tưởng đến hàng trăm tầu thuyền
tới cảng, một ngày tị nạn của người Việt Nam.
Trên ferry người người, tay bắt tay,
chào hỏi nhau, mặt rạng rỡ niềm tin, nụ cười chia xẻ. Người ta nói
với nhau bằng nhiều thứ tiếng, hiểu nhau bằng chỉ trỏ.
Những con hải âu bay lượn quanh phà,
mấy em bé ngây thơ tung mẩu bánh mì cho chim sà xuống, đôi cánh trắng vẫy
chào.
Phà vào bến, tôi bước lên bờ, thêm kích
thích vì cảnh tượng trên đảo. Trước hết là tượng thần Tự Do cao lừng lững
trên một building tức là phần bệ đá. Người xếp hàng thành hai cánh cung bao
bọc cột cờ, dựng trên sân gạch hình tròn.
Theo mũi tên và đường dây căng, mất
thêm ba phút mới vào được tới bệ, rồi vào khu bảo tàng, giới thiệu công
trình trùng tu năm 1980, kiến trúc và lịch sử tượng thần Tự Do. Cô
gái Á đông xinh đẹp, tươi cười chào mọi người và kể chuyện. Tôi dừng
lại đây lâu hơn một chút, không hiểu hết những gì cô nói, nhưng nhìn sơ đồ,
thống kê tài liệu, biết được nhiều điều về pho tượng hình phụ nữ mặc áo
choàng này.
Tượng thần Tự Do hoàn thành năm 1876, do nhà điêu khắc Frederic Auguste
Bartholdi tạo hình, cùng kỹ sư Alexandre Gustave Eiffel thiết kế, xây dựng,
là món quà của người Pháp tặng nước Mỹ.
Tính từ mặt đất, tượng cao 305 feet
(92,99 m), riêng thân tượng cao 151feet (46,50 m) . Bên trong có hai
lối lên đỉnh tượng: cầu thang máy lên hết phần bệ đá, cho người già hoặc ai
không thích leo từng bậc thang (192 bậc). Còn leo từ đầu, cả thảy 354
bậc thang xoắn ốc. Đầu tượng đội chiếc nón có 7 cánh nhọn xòe ra, tượng
trưng cho biển và lục địa ( thời đó chưa biết 5 châu, bốn biển, mới
có 7). Vành nón có 25 cửa sổ, đại diện cho 25 viên kim cương quí tìm được
trên trái đất. Tay mặt thần giơ cao ngọn đuốc, đêm đêm rực sáng, tay trái
giữ tấm bảng trông như quyển sách ghi chữ số La Mã: "July 4th,
1776", ngày thành lập Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, ta quen gọi là Mỹ.
Rất ít người dùng thang máy, đa số leo
thang bậc lên tới vành nón, chặng cuối của hành trình. Tôi thận trọng bước
lên bậc thang thứ nhất, lòng hân hoan khó tả. Mỗi bước leo lên vòng
thang xoắn ốc, tới khoảng giữa thân tượng, cảm thấy như vào động
tiên.
Ánh đèn mờ ảo phản chiếu bộ khung
sắt chằng chịt, đủ sáng cho ta leo lên, càng cao, phần tượng nhỏ dần vì sắp
tới đầu. Bậc thang chỉ vừa một người nên không chen lấn. Trên
tôi là cô gái gốc Poland (Balan), tóc vàng óng ánh, người sau tôi là đàn bà
Phi châu, trang sức, váy chùng sặc sỡ. Chỉ có tiếng rì rầm vọng
từ vách tượng như tiếng kinh cầu bí ẩn. Dòng người lên, xuống như đàn
kiến vòng vèo, êm ả trong không khí dịu mát của máy điều hòa nhiệt độ.
Từ cửa sổ vành nón tượng thần, tôi nhìn
ra cánh tay thần Tự Do giơ cao ngọn đuốc soi sáng tinh thần Tự Do cho
nhân loại, và rồi nhìn ra Đại tây Dương, nghìn trùng xa cách, nửa vòng trái
đất là nước Việt Nam của tôi chưa có Tự Do.
Chuyến phà về, trở lại Manhattan, trời
chiều lắng dịu. Trên phà cũng lắng dịu tiếng người như để tận hưởng một
ngày ý nghĩa trong đời là đến tượng thần Tự Do, ghi lại bằng nhiều tấm hình
kỷ niệm.
Người trèo lên đỉnh núi Himalaya hoặc theo khí cầu bay vòng quanh thế giới
để lập một kỷ lục, tôi leo lên đỉnh tượng thần Tự Do để trọn vẹn một ước mơ
từ nhỏ.
Hòa nhập vào dòng người New York,
tôi đi nốt quãng đời yên vui còn lại của một người đi tìm Tự
Do, tìm được Tự Do trên đất Mỹ.
------------------------------------------------------
Bản Tình Ca Của
Một Người Tị Nạn
tự truyện tìm Tự Do của tác giả Nguyễn
Văn Luận
*
Hai năm sau ngày đất nước
chia đôi, từ miền Bắc hoang tàn, tôi lặn lội tới vùng giới tuyến mong vượt
thoát vào miền Nam tự do.
Lần tới gần sông Bến Hải, đêm tối âm u
bờ Bắc, tôi đã nhìn thấy cầu Hiền Lương vì bờ Nam rực sáng ánh đèn. Trên
cột cờ cao vút, bóng cờ vàng sọc đỏ lung linh. Giọng ca ngọt ngào từ
loa treo vọng về miền Bắc:
"...sông Bến Hải là nơi chia cắt
đôi đường...
hỡi ai... lạc lối... mau quay... về đây ...!"
Tôi đứng đó chơi vơi định hướng, đăm
đăm nhìn cờ vàng bên kia bờ sông lịch sử, uống từng lời ca trong cơn đói
khát, rồi bừng tỉnh, lao lên phía trước. Từ đâu đó, mấy cái nón cối xông
ra. Tôi bị trói hai tay bằng sợi thừng oan nghiệt, theo nón cối về
lại địa ngục trần gian.
Mười chín tuổi, lao tù đầy đọa, tôi đã
mất mẹ, mất cha, bị qui là tư sản, xa vắng họ hàng vì chia rẽ giai cấp. Tôi
mất Hà nội là nơi tôi sinh ra làm người Việt Nam. Không có tang cha
khi cha gục xuống, không có tang mẹ khi mẹ xuôi tay, không hy vọng có đám
cưới đời mình.
Bạo quyền cộng sản Việt Nam bắn giết
hàng trăm ngàn người, bị qui là địa chủ. Nhiều trăm ngàn người bị tập trung
lên rừng, để lại vợ con không nhà không đất. Thời gian làm ngưng nước
mắt, oán than cũng vô ích, chỉ còn tiếng kêu vang vọng khắp miền:
"Chúng tôi muốn sống!"
Hai mươi lăm năm sau (1981) tôi vượt
biển, thoát tới Hong Kong. Bốn mươi tư năm từ lúc chào đời, tôi thành
người tị nạn cộng sản.
Ngày tiếp kiến phái đoàn Mỹ xin đi định
cư, một ông Mỹ dáng nghiêm trang, nghe tôi trả lời, đột nhiên hỏi "Anh
có biết nói tiếng Pháp?". Tôi nhìn ông, giọng run run: "L'exilé
partout est seul!" (Kẻ lưu đày nơi đâu cũng cô độc).
Ông gật đầu hiểu cả tiếng Tây, hiểu
lòng tôi đau xót. Xưa tôi học trường Albert Sarraut, Hà Nội.
*
Đứng bên rào kẽm gai,
sau dãy nhà tôn của trại tị nạn Hong Kong, một mình, suy tư thân phận.
Tôi sẽ đến nơi xứ lạ là nước Mỹ xa xôi, tìm
quê hương mới, chỉ trở về khi đất nước Việt Nam tự do, không còn cộng sản.
Đứa bé chừng 5, 6 tuổi, tung trái banh,
toan bắt thì trượt chân trên sân trại. Tôi đã kịp giang tay đỡ cháu khỏi
ngã thì người đàn bà chạy tới, đứng im, lặng lẽ nhìn tôi.
Tiếng trẻ thơ kêu "Má", tôi
nhìn nàng... Sự thầm lặng và ánh mắt trao nhau là chân tình của người tị
nạn Việt Nam nhẫn nhục, khổ đau, nói được nhiều hơn lời nói. Rồi những ngày
sau đó, tâm sự, nỗi niềm, tôi đã cùng Mai kết thành bạn đường và bạn đời,
đi Mỹ định cư.
Chồng Mai là người lính Cộng Hòa hiên
ngang dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ, quyết bảo vệ quê hương. Anh tử trận, mang
thân đền nợ nước, để lại con thơ. Mai trở thành góa phụ, miền quê Đà
Nẵng, cuốc đất trồng khoai, nuôi mẹ già con dại. Sau năm 1975, mất nước. Mẹ
già khuất núi, con chậm lớn vì cháo loãng, bo bo thay cho sữa mẹ và cơm.
Một đêm mưa bão, Mai bị tên Việt cộng
trưởng công an xã cưỡng hiếp, du kích xã canh gác quanh nhà. Mai phải
sống vì con mới lên ba, mất cha còn mẹ. Người dân Đà Nẵng ra đi, đã mang
theo vợ con người lính chiến tới Hong Kong năm 1981. Đứa con lên sáu
không biết tiếng gọi "Ba"!
Tôi mang nặng tủi nhục, đọa đày triền
miên từ đất Bắc đi tìm tự do. Mai gánh những thương đau, mất mát, cơ cực
của miền Nam, bồng con đi tị nạn. Lấy dĩ vãng chia xẻ cùng nhau,
chúng tôi sắp xếp lại hành trang cho bớt gánh đoạn trường, đi Mỹ.
Con đã có Má, có Ba. Má bồng con, Ba
xách túi. Con có đồ chơi, cầm chiếc máy bay vẫy chào các chú, hai người
lính chiến Quảng Nam đưa tiễn. Tôi nhìn con tự nhủ: "Ba sẽ dạy con
tiếng "Cha", chỉ cho con hình người lính Cộng Hòa, ở bất cứ nơi
đâu đều là Cha con đó!".
Mai đã nhất định không đi kinh tế mới.
Tôi đã trốn công trường, vào tù chịu đựng, bây giờ dù bỏ lại quê hương
nhưng còn Tổ quốc Việt Nam. Bốn ngàn năm lịch sử, thăng trầm, người dân
nước Việt sẽ không trở thành Cộng sản.
Quê hương mới của chúng tôi là vùng
đông bắc nước Mỹ. Căn apartment hai phòng, hai chiếc giường nệm, một chiếc
bàn con, đã cho tôi ấn tượng đẹp những ngày đầu tới Mỹ.
Lúc tôi khôn lớn, không có chiếc giường
làm nơi cư trú, vì đã thành vô sản. Rồi tôi hiểu, vô sản cũng vẫn còn
giai cấp. Phải lên rừng, một miếng nylon bọc vài manh vải gọi là quần
áo, thì mới thành "người vô sản chân chính"!
Nhìn con ngon giấc ngủ thần tiên, vợ
chồng tôi thao thức, không phải lo âu mà thì thầm những dự định tương lai.
18 tháng welfare trợ cấp, đủ thời gian cho mình đi học tiếng Anh. Đọc dòng
thư hội M&RS nhắc trả nửa tiền nợ vé máy bay sang Mỹ "Xin bạn trả
dần 12 tháng, giúp cho người sau bạn định cư", theo ý Mai, ý nghĩ nhân
hậu của người đàn bà làm mẹ, "mình trả ngay từ tháng thứ hai".
Việc đơn giản là tại sao người ta không
khấu trừ vào trợ cấp, lại đòi riêng. Mai chỉ nhẹ nhàng "nợ thì
mình trả, ở hiền sẽ gặp lành", nhưng tôi lại suy nghĩ mung lung.
Đây là bước đầu thử thách, cái thước đo lòng người tị nạn. 72 đô tiền nợ
một tháng, có thể không trả và quên đi. Một lần để lòng vẩn đục sẽ trở
thành bất lương. Cha mẹ bất lương con cái sẽ chẳng nên người .
Một sáng mùa Xuân, "bé Nam"
gọi Má, gọi Ba, chỉ bông hoa mầu vàng mầu đỏ đung đưa bên vườn hàng xóm,
kêu lên "hoa tu-líp". Bà già người Mỹ đứng trên thềm, giơ tay vẫy
vẫy. Mai đã nói "Thank you", ngọt ngào, mạnh dạn, tay chỉ
trỏ, diễn tả được những gì muốn nói.
Bà Jenny hiểu chút ít về "chiến
tranh Việt Nam" qua tivi, sách báo hồi bà còn dạy học. Bà đã thấy
"Boat people", những thuyền nhân tị nạn, nhưng lần đầu bà thấy
một gia đình người Việt đến vùng này, lại là hàng xóm nên bà có cảm tình.
Đây là ứng nghiệm "Ở hiền gặp lành" hay là sự may mắn cho gia
đình tôi? Nói thế nào thì cũng đúng vì vài nơi trên đất Mỹ vẫn còn kỳ thị
chủng tộc.
Thời gian trôi đi nhưng hai tiếng
"lần đầu" lặp lại: lần đầu ra nhà Bank, lần đầu tới Post
Office. Có những lần đầu chưa biết, nhưng có hai lần đầu quan trọng:
"bé Nam" đi học, chúng tôi xin được việc làm. Bà Jenny cùng chúng
tôi đưa "cháu" tới trường, bà cho chiếc mũ baseball và đôi giầy
sneaker trắng muốt, khen "Cháu cute." Vợ chồng nhìn nhau, không
hiểu, lát nữa về tra tự điển.
"Từ nay chúng mình có Má, bé Nam
có Bà...!" Mai thốt lên khi chúng tôi đồng lòng nhận "Má
Nuôi". Bà Jenny thành "Má Jen". Chuyện xảy ra vào ngày Lễ
Tạ Ơn (Thanksgiving), 17 năm về trước.
Sống một mình trong căn nhà rộng rãi,
bà Jenny vốn là cô giáo nên rất yêu trẻ. Bà mời "cả nhà"
sang ăn turkey.
Bé Nam lên bảy, đi học, hiểu nhiều về
Thanksgiving hơn Má và Ba. Ăn uống vui vẻ, vợ chồng tôi nói chuyện với bà,
có lúc ngồi im lặng hơi lâu vì vốn tiếng Anh ít ỏi. Bỗng bé Nam kêu
"Má...!", bà Jenny toan đứng dậy thì Mai buột miệng nói:
"Má... let me do it!".
Nghe tiếng "Má" lỡ lời của
Mai, tiếng Việt, vừa lạ, vừa thích, bà bâng khuâng giây lát.
Mai kể chuyện xưa, miền Đà Nẵng cuốc đất trồng khoai, nuôi mẹ già con
dại... Tôi góp phần thông dịch, bớt thêm: Người Việt Nam coi việc chăm sóc
cha mẹ già là bổn phận, dù chịu nhiều cơ cực cũng cố gắng đền ơn sinh
thành, dưỡng dục.
Bà suy nghĩ mấy ngày, bỏ dự định chuyển
về Florida, tỏ ý muốn nhận gia đình tôi làm Con, làm Cháu.
Chúng tôi dọn nhà sang ở chung với "Má Jen", điều này ít thấy
trong các gia đình người Mỹ có con trưởng thành. Các con nhờ Má, nói
được tiếng Anh. Cháu quấn quít bên Bà, xem chú chuột Mickey. Mùa đông buốt
giá nhưng trong nhà nồng ấm tình người. Má vui tươi hơn trước, thích ăn
bánh xèo và phở Việt Nam.
Mai vẫn cặm cụi hàng ngày, làm những
chiếc ví tay của phụ nữ. Mấy người bạn Việt Nam đặt cho Mai biệt danh
"Bà đầm hãng bóp" vì "giỏi việc, lại biết tiếng Anh,"
nhiệt tình giúp đỡ bà con.
Cũng như Má Jen, Mai không thích sa
hoa, theo Má vào tiệm sách trong Mall nhiều hơn vào tiệm bán phấn
son, make up. Việc từ thiện đã thành sở thích, Mai gửi 200 đôla, mỗi lần,
giúp đồng bào bão lụt miền Trung, miền Bắc, vì lương tâm, đạo lý. Kẻ cầm
quyền ăn chặn của dân, như đám cướp, có bao giờ được mãn kiếp yên thân. Đức
Phật từ bi dạy Mai lòng độ lượng.
Tôi làm technician, ngành điện tử. Nhớ
xưa, học sửa radio bị nghi làm gián điệp. Bộ công an Hà nội lấy công
nông lãnh đạo, coi "điện tử" là CIA. Mười bẩy năm trong ngành điện
tử, nay chắc tôi thành CIA ngoại hạng!
Bây giờ, ngồi trước máy computer, nối
vào mạng Net, đọc Website tiếng Anh, tiếng Việt, thông tin thế giới bằng
email, việc hãng, việc nhà, công tư hòa vào nhau từng ngày làm việc, tôi đã
có cuộc sống an hòa, hạnh phúc, một gia đình thật sự yêu thương.
"Ngày mai, chúng mình đi New York
thăm con".
Mai nắm tay tôi, hân hoan về ngày mai.
Ngày mai là tương lai của bé Nam ngày
trước, giờ là một thanh niên cao 6 feet, đầy nghị lực bước vào đời. Xong
đại học, Nam Nguyen trở thành chuyên viên tài chánh, làm việc trong văn
phòng, tầng thứ 32 của một nhà "chọc trời" New York.
Ngày con ra trường là ngày vui trọn
vẹn, ngày con nhận việc mới là niềm sung sướng của Má, của Ba, của Gia Đình
tị nạn, mong ước từng ngày cho Con thành Người.*
Lâu lắm rồi, tôi mới có một đêm không
ngủ để nhìn lại đời mình. Tháng chín, trời sang Thu se lạnh vùng đông bắc
nước Mỹ. Tôi đã sống nơi đây 18 năm tị nạn, không thất vọng mà tin tưởng
vào tương lai.
Người cộng sản muốn làm hung thần cai
quản địa cầu, dựng lên Địa Ngục. Dựng được vài phần thì sụp đổ, sót lại
từng mảnh vỡ điêu tàn. Hung thần đã chết.
Thoát kiếp lưu đày làm người tự do, tôi
kính cẩn tri ân người phá ngục: người lính Cộng Hòa, giương cao lá cờ vàng
ba sọc đỏ, chính nghĩa Quốc Gia . Việt Nam, từ tinh thần đến lãnh thổ.
Người lính chiến Cộng Hòa hiên ngang đi
làm Lịch Sử. Không có Anh, tôi đã không có niềm tin để sống sót, đã thành
nấm mộ hoang trên rừng xơ xác. 21 năm kiên cường giữ vững miền Nam, Anh đối
mặt hung thần, cứu sống thêm hàng triệu người vô tội.
Người lính của miền Nam tự do tử trận.
Anh để lại người Vợ hiền, cuốc đất trồng khoai, chúng vẫn không tha, chà
đạp nhân phẩm. Tôi lê bước chân vô định, gặp Mai làm Bạn Đường, nhìn mắt
con thơ thấy hình người lính chiến.
Anh đã để lại Con Thơ cho tôi được làm
"Ba" mang tròn trách nhiệm. Con đã trưởng thành, mai này sẽ góp
phần xây dựng lại Quê Hương. Tôi muốn níu lại thời gian để được thương vợ,
thương con nhiều hơn nữa.
Đã quá nửa đêm về sáng. Nhìn Mai ngon
giấc ngủ thần tiên như "bé Nam" ngày đầu tới Mỹ, tôi ngồi im lặng
bên bàn viết, đợi chờ sớm mai để được nhìn bình minh bừng sáng Phương Đông,
được nhìn Mai thức dậy, mỉm cười, âu yếm nhìn chồng.
Cuộc sống an vui. Ngót 20 năm rồi,
không biết khóc, đêm nay tôi nhỏ từng dòng lệ, xúc động, bùi ngùi.
Tôi đang sống và đang viết Bài Tình Ca của Một Người Tị Nạn.
tudo NGUYỄN VĂN LUẬN
9/2000
|
No comments:
Post a Comment
Những Sự Thật Cần Phải Biết