Thursday, August 22, 2013

Thời điểm VUA BẢO ĐẠI TỪ TRẦN

 
 
TIME Magazine Cover: Emperor Bao Dai -- May 29, 1950
 
             Thời điểm
                VUA BẢO ĐẠI TỪ TRẦN
 
Bảo Đại, vị vua cuối cùng của Việt Nam đã từ trần ngày 1 tháng 8 năm 1997 tại bệnh viện Val de Grace, Paris, hưởng thọ được 83 tuổi. Đã có cuốn phim nổi tiếng về "Vị Vua cuối cùng của Trung Hoa" (The last Emperor of China) thì chắc cũng phải có một cuốn phim về vị vua trong thời Việt Nam rối loạn và đen tối nhất này.
Trong một bài phê bình, sau nhiều phân tích về những lầm lỡ và khúc mắc của nhà Nguyễn qua các triều vua, nhất là trong những năm cuối cùng của vua Bảo Đại, Lữ Giang cũng đã công minh nhận xét: "Qua cuốn hồi ký Le Dragon d’ Annam, chúng ta thấy Bảo Đại là một người ngay thẳng, công bình, khoan hòa và có lòng yêu nước. Mặc dầu đã phải trải qua nhiều thăng trầm trên chính trường, ông vẫn giữ được một thái độ ung dung của người quân tử, không giận kẻ chống mình, không chê trách những người phò tá làm hỏng việc và cũng không lên án đối phương. Ông tường thuật những chuyện đã xẩy ra một cách vô tư và thoải mái, không hề cố ý đánh bóng cá nhân mình. Vì thế, ông đã cung cấp cho sử gia một tài liệu có giá trị, góp phần vào việc đánh tan các phịa sử. Năm 1982, khi Bảo Đại từ Pháp đến thăm California, cụ Cao Xuân Vĩ có hỏi Bảo Đại nghĩ thế nào về việc bị ông Diệm truất phế năm 1955, Bảo Đại trả lời rất tự nhiên: "Việc thế thì phải thế thôi!".
 
Trong khi một số người muốn dùng ông như một lá bài để trở lại nắm chính quyền ở Việt Nam ít năm trước đây, Bảo Đại không nghĩ rằng ông có thể còn đóng một vai trò nào đó trong nền chính trị Việt Nam nữa. Ông bắt đầu lo đến đời sống tinh thần của mình.
Ngày 17.4.1988 ông đã xin chịu phép rửa tội gia nhập đạo Công Giáo.
Trong thư đề ngày 31.3.1995 gởi xin yết kiến Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Bảo Đại đã viết:
"Đây sẽ là dịp hạnh phúc cho chúng tôi được quỳ bên cạnh Đấng kế vị Thánh Phêrô để cầu nguyện cho Việt Nam và Giáo Hội đang chịu đau khổ ở đó, và qua sự kiện chúng tôi đã chịu phép Thánh Tẩy (Rửa tội) đem lại cho đồng bào chúng tôi niềm xác tín vào tình thương vô biên của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô, Đấng an ủi những người đau khổ".
 (báo Dân Chúa Âu Châu số 155 tháng 9-1995). Ngày 24.6.1995 ông và phu nhân đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tiếp kiến riêng tại phòng khách điện Vatican.
Điều đặc biệt là chính những vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn, nhất là Minh Mạng và Tự Đức, đã cấm đoán đạo Chúa, sát hại biết bao người công Giáo, thì nay một người con cháu, vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn và cũng là vị vua cuối cùng của Việt Nam đã tìm ra nguồn sống thật là đạo Chúa. Lịch sử thật lắt léo nhưng cũng đầy huyền nhiệm, mà Thiên Chúa là vị dẫn đầu lịch sử đó.
 
SỨC BỪNG MỞ
 
Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận có kể truyện trong cuốn Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng về một sức bừng mở thật hy hữu trong trại học tập như sau:
Một phóng viên báo chí người Anh bị cầm tù trong những tháng năm cách mạng văn hóa của Mao Trạch Đông, lúc được thả tự do, có viết một bài báo nhan đề: "Thánh Lễ Giáng Sinh của Linh Mục Shah". Trong đó ông thuật lại một câu truyện vô cùng cảm động:
Tôi bị giam trong một trại ở miền Nam Trung Quốc. Trong trại có một người đàn ông trạc 40 tuổi tên là Shah. Người ta biết ông là một linh mục dòng Xi-tô, người Trung Quốc, trong trại ăn uống rất kham khổ, kỷ luật thì khắt khe, công tác lao động lại nặng nề. Chúng tôi phải đào đất và gánh những gánh thật nặng lên đổ trên một ngọn đồi cao. Lại còn phải khẩn trương không thì roi đòn vọt tới tấp, bị kỷ luật làm kiểm điểm. Linh mục Shah là một người rất có lòng bác ái. Ông không khỏe, nhưng ai mệt liền được ông gánh giúp. Ai gáng nặng không nổi thì ông đổi cho gánh nhẹ của mình. Ông luôn luôn vui vẻ, động viên anh em. Trong trại ai cũng đem lòng mến.
Tôi là người Công Giáo, nhưng suốt bao tháng năm tôi chẳng sống đạo tí nào. Tôi khô khan lắm. Không hiểu sao ông Shah biết tôi là người có đạo. Lạ quá! Một hôm, giữa trời đông giá rét, vào giờ giải lao, ông Shah cầm tay kéo tôi đi theo và nói:
- Anh là người Công Giáo phải không?
- Phải.
- Hôm nay là lễ gì, anh có biết không?
- Tôi không biết!
Lễ Giáng Sinh. Chắc anh nhớ gia đình, nhớ bao kỷ niệm. Thôi, đi theo tôi, ta cùng xuống hố đất đàng kia. Tôi sẽ cùng anh dâng Thánh Lễ.
Có một một sức gì nơi ông thu hút tôi khiến chân tôi phải bước. Cả hai chúng tôi xuống một hố sâu. Chung quanh miệng hố, đất đào lên được đắp cao thành hai mô vững chắc. Tôi chẳng hiểu làm sao, ông lại có một tí rượu nho trong cái bát nhỏ và một mẩu bánh mì. Ông để cả hai trên mô đất, giữa cảnh hoang tàn giá rét. Đôi tay ông giang ra. Ông cầu nguyện rồi đưa Mình Thánh lên cao. Nét mặt ông sáng ngời. Tôi chăm chú nhìn, rồi tự nhiên đầu gối tôi khuỵu xuống. Tôi quì. Tôi cũng cầu nguyện. Tôi ăn năn sám hối. Ông cho tôi rước lễ. Mắt tôi nhòa lệ. Lòng tôi cũng như lòng ông ấm áp hẳn lên. Và chúng tôi vội vàng trở về chỗ cũ.
Một tên lính gác thấy chúng tôi tiến lại liền chạy ngay đến tóm cổ linh mục Shah và hỏi: "Mày đi đâu đàng kia?" Ông thẳng thắn đáp lời: "Hôm nay là ngày lễ Giáng Sinh. Giờ giải lao tôi đi cầu nguyện". Tên lính liền vụt cho ông một trận đòn chí tử. Ông làm thinh chịu đựng. Hắn dẫn ông đi. Và từ hôm ấy, tôi không còn gặp lại ông ta nữa. Nhưng trong suốt cuộc đời tôi, tôi không bao giờ quên được cảnh tượng chiều hôm ấy: một dáng người cao cao, hai tay giơ lên, gương mặt gầy gò, nhưng toát vẻ thánh thiện, áo quần rách nát tung bay theo chiều gió, giữa trời và đất, ông Shah với Chúa! Chưa bao giờ và có lẽ sẽ không bao giờ trong đời tôi có một thánh lễ Giáng Sinh sốt sắng như thế. Cũng từ ngày ấy, Đức Tin sống lại trong tôi.
TIN VUI GỬI NGƯỜI MỆT LẢ
Sức gì lôi kéo làm thay chuyển hướng đi cả một đời người vậy? Đó là sức bừng mở con mắt niềm tin thấy được chính Chúa vẫn tiếp tục hiện diện, dẫn dắt và dưỡng nuôi. Ngài mới là sức sống thực. Tiên tri Êlia khi đã quá mệt mỏi không còn đủ sức chạy trốn những kẻ lùng bắt nữa thì chỉ còn nghĩ tới việc xin Chúa cất về đời sau thôi. Nhưng Chúa đã sai thần sứ mang bánh và nước cho ăn uống lại sức: "Hãy chỗi dậy mà ăn vì đường ngươi phải đi còn xa."
Đức Chúa Trời luôn biểu hiện là nguồn sống thật, như lời Chúa Giêsu đã nói: "Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sức Sống". Chính Ngài đang dâng lễ, đang dùng quyền năng biến đổi mọi sự, tất cả mọi biến cố lịch sử hay trong cuộc đời riêng mỗi người, tất cả những buồn vui đắng ngọt, đều là hoa mầu ruộng đất và lao công của con người, cùng dâng trên bàn thờ cuộc sống để trở nên của ăn và của uống trường sinh bất tử, như lời Ngài đã nói rõ:
"Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời. Ta là bánh ban sự sống. Cha ông các ngưới đã ăn manna trong sa mạc và đã chết. Đây là bánh bởi Trời xuống, để ai ăn bánh này thì khỏi chết. Ta là bánh hằng sống từ Trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời".
Vua Bảo Đại đã tìm ra lẽ sống sau những lầm lẫn của chính cha ông mình, và đã bước vào nguồn sức sống của Đạo Chúa sau những mệt mỏi rã rời của lịch sử và cuộc đời. Một ký giả người Anh đã tìm lại sức bừng mở của niềm tin khi chạm đến được chính Chúa vẫn đang hiện diện với đầy quyền năng qua mỗi thánh lễ mang của ăn đích thực:
"Trong suốt cuộc đời tôi, tôi không bao giờ quên được cảnh tượng chiều hôm ấy: một dáng người cao cao, hai tay giơ lên, gương mặt gầy gò, nhưng toát vẻ thánh thiện, áo quần rách nát tung bay theo chiều gió, giữa trời và đất".
 
Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường
 
Close Window
 
 
 
 
 
 
Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster) 
 
 
       

No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết