Thursday, September 19, 2013

NĂM 1962 MỸ ĐÃ THẤY MẤT VIỆT NAM


---------- Forwarded message ----------
From:
Date: 2013/9/18
Subject: NĂM 1962 MỸ ĐÃ THẤY MẤT VIỆT NAM
To:

NĂM 1962 MỸ ĐÃ THẤY MẤT VIỆT NAM

Một Lý Do Chính Là Vì Nhà Ngô Làm Hỏng Ấp Chiến Lược

 

 

Foreign Relations of the United States, 1961–1963
Volume II, Vietnam, 1962, Document 268


 


 

(LỜI NGƯỜI DỊCH: Bản Ghi Nhớ này, từ các hồ sơ đã giảỉ mật, do Joseph A. Mendenhall viết. Ông là cố vấn chính phủ Kennedy về chính sách Mỹ ở Việt Nam và Lào. Bản Ghi nhớ số 268 cho thấy tình hình VNCH bi đát từ năm 1962, đặc biệt chính sách ấp chiến lược bị hỏng vì nhà Ngô.

Đặc biệt, Bản Ghi nhớ nầy được viết vào giữa tháng 8 năm 1962, sau Tuyên Ngôn “Caravelle” lên án chế độ (26-4-1960), sau vụ Binh biến của binh chủng Nhảy Dù (11-11-1960) và sau Cuộc oanh kích Dinh Độc Lập để mưu sát toàn gia họ Ngô (27-2-1962), nên trước tình hình suy thoái về an ninh trên chiến trường mà không thấy chế độ Diệm có ý muốn và khả năng cải tổ, thậm chí càng lúc càng độc tài và không hiệu quả, tác giả cũng đã khuyến nghị (recommendation) giải pháp loại bỏ (get rid of) ông Diệm và vợ chồng ông Nhu. Cần lưu ý rằng lúc đó chưa xảy ra biến cố đàn áp Phật giáo ở Huế (8-5-1963) dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị toàn diện tại miền Nam gần một năm sau đó.

Ghi nhận từ Bản Ghi Nh các điểm sau:

- Năm 1959, quân đội Việt Nam Cọng Hòa kiểm soát toàn bộ Miền Nam Việt Nam, trừ Đồng Tháp Mười. Năm 1962, chỉ còn kiểm soát các thành thị, vì quân Việt Cọng đã kiểm soát phần lớn nông thôn.

- Tại nơi hẻo lánh, chỉ duy một mô hình an ninh thành công là Giáo xứ của Linh Mục Nguyễn Lạc Hóa, được ông Diệm phong cấp Thiếu Tá, biến thành Biệt Khu Hải Yến, cho lập quân đội riêng.

- Mỹ thấy viễn ảnh tất yếu sẽ mất Việt Nam về tay Việt Cọng, vì gia đình ông Ngô Đình Diệm đa nghi, kém hiệu quả, mất lòng dân.

- Chính sách Ấp Chiến Lược bị làm sai từ căn bản: chạy theo thống kê, không lo cải thiện mức sống của dân, bầu cử gian lận, cưỡng ép dân lao động vô ích...

- Mendenhall đề nghị đảo chánh ông Diệm là cách duy nhất; nếu không, trước sau gì Mỹ cũng thua, và Việt Nam sẽ bị nhuộm đỏ.

Phó bản Bản Ghi Nh 268 sẽ đính kèm dưới bản dịch này. Bản Việt dịch do Cư sĩ Nguyên Giác.)

 

BẮT ĐẦU BẢN DỊCH

268. Bản Ghi Nhớ Từ Cựu Cố Vấn Chính Trị Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam (Joseph A. Mendenhall) Trình Lên Phụ Tá Thứ Trưởng Ngoại Giao Đặc Trách Viễn Đông Vụ Edward E. Rice. (1)

Washington, Ngày 16 Tháng 8 Năm 1962

ĐỀ TÀI: Việt Nam – Đánh giá và Khuyến nghị

Tôi viết bản ghi nhớ này theo lời yêu cầu của ngài để ghi lại những gì tôi nhìn thấy về vấn đề VN. Nơi đây chỉ nói những điểm căn bản thôi, và không có ý nhìn về những khía cạnh khác có tính quan trọng tương đối.

1. Tinh Hình

Thời kỳ 1959-1962. Việt Cộng đã tăng quân số trong lực lượng vũ trang thường trực tại Nam VN từ khoảng 2.000 trong cuối năm 1959 tới khoảng 20.000 bộ đội bây giờ. Con số sau này tương đối không đổi trong năm 1962, nhưng theo giải thích của VNCH là VC thương vong nặng nề mỗi tháng thì VC hiển nhiên tiếp tục có khả năng thay quân để bù đắp các thiệt hại lớn. Xâm nhập từ Bắc VN không bị xem là nhỏ, như một nguồn của sức mạnh này, nhưng đa số quân VC đã được tuyển mộ từ địa phương và tiếp tục như thế.

Vào cuối năm 1959, quân VNCH đã kiểm soát hiệu quả hầu hết vùng Nam VN (ngoại trừ các căn cứ CS cũ, như trong Đồng Tháp Mười). Lúc đó, người ta có thể du lịch, ít nhất là ban ngày, gần như ở mọi nơi tại Nam VN mà không cần an ninh hộ tống; và ở Miền Trung VN, an ninh gần như tuyệt hảo. [Nhưng] Bây giờ, VC đã kiểm soát hiệu quả đa số khu vực nông thôn ngoại trừ khi quân VNCH tiến vào với số lượng lớn, và đa số phần còn lại ở miền quê là lắc lư dao động giữa hai bên. VNCH kiểm soát thực sự phần lớn là ở các thành thị.

Khuynh Hướng Hiện Nay. Trong khi sự suy sụp nhanh chóng hồi tháng 9 và tháng 10-1961, đặc biệt về tinh thần chống Cộng, được chận lại nhờ sự tăng viện quân sự của Mỹ và sự cải tiến khả năng quân sự VNCH, khuynh hướng an ninh hiện nay vẫn tiếp tục suy sụp dần.

Tại các tỉnh đồng bằng Miền Trung VN, an ninh suy sụp tệ hại trong năm 1962. Mặt khác, các tỉnh cao nguyên Miền Trung VN tình hình đỡ hơn vào cuối năm 1961, nhưng như thế có thể vì, một phần, do VC chuyển tập trung từ các nơi này xuống vùng đồng bằng, nơi tìm lương thực và tuyển bộ đội từ sắc tộc Kinh dễ dàng.

Tại Miền Nam VN (các tình phía nam và giáp phía bắc Sài Gòn) tình hình quân sự bề ngoài là ngang ngửa, nhưng thực sự vẫn bất lợi cho chúng ta khi các trận do VC khởi ra tiếp tục ở mức độ cao và dân chúng không được quân VNCH bảo vệ hiệu quả. Các khu vực hẻo lánh (như vùng của Cha Hóa ở Cà Mau, mỏm phía nam của VN) đã cải thiện, nhưng đó là trường hợp ngoại lệ, không phải quy lệ.

[LND: Nhân vật “Cha Hóa” trong báo cáo này là Linh Mục Augustinô Nguyễn Lạc Hóa, sinh năm 1908 ở Quảng Ninh, cai quản một số giaó xứ ở Miền Bắc VN. Năm 1954, LM Hóa cùng một số tàn quân Trung Hoa Quốc Dân Đảng di tản sang Cam Bốt, lập chiến khu; năm 1957, bị Vua Sihanouk trục xuất, LM Hóa đưa dân trong giáo xứ về Cà Mau, được ông Diệm giúp lập Biệt Khu Hải Yến, cho lập quân đội riêng, dao động khoảng 1.200-1.800 quân. Ông Diệm phong LM Hóa là Thiếu Tá Tư Lệnh Biệt Khu Hải Yến. Quân Biệt Khu Hải Yến bị VC đánh bại năm 1966; sau đó, LM Hóa về Sài Gòn làm mục vụ. LM Hóa về Đài Loan năm 1972, và từ trần năm 1989.

 


Cha Hóa đang tuần tiểu trong Biệt Khu Hải Yến - Với sự trợ giúp của quân đội Mỹ]

Viễn Ảnh. Khuynh hướng tương lại có vẻ như sẽ tiếp tục suy sụp dần dần, với có lẽ thỉnh thoảng là một trận đánh lớn do VC tung ra có mục đích tuyên truyền. Không có viễn ảnh gần nào cho thấy VC sẽ chuyển quân du kích sang quân quy ước chiến, nhưng họ có thể cảm thấy điều đó không cần thiết cho việc chiếm gọn Miền Nam VN.

Thay vào đó, họ có thể quyết định sẽ dựa vào sự mệt mỏi chiến tranh tại Nam VN và/hoặc tại Hoa Kỳ. Nếu chiến tranh kéo dài với suy sụp dần dần và không có hy vọng chiến thắng, nguy hiểm là sẽ dẫn tới cảm thức chính trị trong giới trí thức Nam VN từ lập trường chống Cộng mạnh mẽ sang đòi hỏi trung lập như cách duy nhất để ngừng cuộc chiến. Từ quan điểm Hoa Kỳ, tôi (Mendenhall) thấy như thế sẽ là tai họa, vì trung lập hóa riêng Nam VN sẽ mau chóng dẫn tới việc Bắc VN nhuộm đỏ cả nước VN.

 

2. Tại Sao Chúng Ta Thua?

Yếu Tố Căn Bản. Tổng Thống Diệm và những nhược điểm của ông ta tiêu biểu cho lý do nền tảng của khuynh hướng chống lại chúng ta trong cuộc chiến này. Trong hoàn cảnh hiện nay, phẩm chất xuất sắc của ông về sự thông minh và can đảm đã bị đè bẹp bởi 2 nhược điểm lớn: a) kém hiệu quả về mặt tổ chức trong chính phủ gây ra từ việc ông có tính bất quyết, từ chối trao quyền cho nhân viên thực hiện, thiếu chuỗi quyền lực (hàng dọc), không chịu nhận lỗi, không tin người khác; và b) ông không có khả năng huy động quần chúng hỗ trợ, vì yếu kém trong vai trò một chính trị gia.

Để chiến thắng Cộng sản, chính phủ Nam VN phải hoặc là có hiệu quả hoặc là được quần chúng ủng hộ, nhưng chính phủ của Tổng Thống Diệm không có được điểm nào như thế.

Ai cũng biết rằng cần phải có ủng hộ từ dân, chúng ta mới thắng nổi cuộc chiến. Bởi vì chính phủ Nam VN hiện nay không được dân ủng hộ, nên không có đủ tin tình báo từ dân chúng để đánh bại VC, và quân địch vẫn tiếp tục duy trì được sức mạnh xuyên qua tuyển mộ bộ đội từ dân.

Để phá vỡ vòng tròn khắc nghiệt này, VNCH phải tìm được ủng hộ từ dân làng bằng cách cho họ sự bảo vệ thích nghi và giúp họ cải thiện mức sống. Chương trình ấp chiến lược này lập ra để làm như thế, nhưng chính phủ ông Diệm không tổ chức hiệu quả và phương pháp chính trị yếu kém chỉ đã cho một chút hứa hẹn rằng chương trình sẽ thực hiện hiệu quả bởi chính phủ của ông.

Bất kể Hoa Kỳ thường xuyên hối thúc nhiều tháng qua, đã không có ưu tiên thực sự nào cho việc thiết lập các ấp chiến lược được đưa ra, và việc phân phối thiếu hệ thống các nguồn taì nguyên quân sự và dân sự nhằm hỗ trợ chương trình. Thay vào đó, các quan chức đang thúc đẩy mọi nơi cùng một lúc, nhằm hoàn tất số liệu cần thiết để làm hài lòng áp lực từ Sài Gòn, bất kể là về hầu hết các phương diện quan trọng, nhiều ngôi làng này – có lẽ nên nói là hàng loạt ngôi làng này – không thích nghi để đạt mục tiêu của họ và dân chúng thường bị cưỡng ép lao động vô ích.

Phương pháp chính trị áp dụng theo chỉ thị của ông Nhu tại các ấp chiến lược (lập các tổ chức quần chúng và dựa vào ‘tự lực’, tức là, lao động cưỡng ép) nhiều phần thường là mất lòng dân, hơn là được lòng dân, và việc bầu cử các quan chức ấp chiến lược bằng phiếu bầu bí mật trong bầu không khí ở VN chỉ là trò gian lận thôi.

Thành tố xã hội và kinh tế của chương trình – quan yếu để được ủng hộ tích cực từ dân -- tới giờ vẫn hầu như không được chính phủ ông Diệm chú trọng, chỉ trừ trong vài ấp chiến lược kiểu mẫu, và trong hai vùng mà chúng ta đã tảo thanh và bình định, nơi chúng ta hợp tác cận kề với người Việt.

Tất cả những lý do đó là cơ nguy nghiêm trọng đang làm hỏng chương trình ấp chiến lược, dưới mắt của mọi người.

Không có cơ may nào thay đổi phương pháp chính trị của ông Diệm và Nhu, hay phương pháp tổ chức và quản trị công quyền của họ. Ông Diệm đã quá già, và dính cứng vào kiểu quan triều phong kiến. Cả ông và Nhu đều tin rằng họ hiểu Việt Nam nhiều hơn bất kỳ ai khác, và do vậy chỉ thỉnh thoàng mới nghe lời khuyên. Cả hai người đều không tin cậy bất kỳ ai ngoài gia đình của họ tới nổi họ hoàn toàn không muốn thay đổi phương pháp quản trị chính phủ bằng cách “chia để trị.”

 

3. Kết luận và Khuyến nghị

Kết Luận: Rằng chúng ta không thể thắng cuộc chiến này với các phương pháp Diệm-Nhu, và chúng ta lại không thể thay đổi các phương pháp này, bất kể bao nhiêu áp lực chúng ta thúc đây họ.

Khuyến Nghị: Loại trừ ông Diệm, cả ông bà Nhu và phần còn lại trong gia đình nhà Ngô.

Giải pháp khác:

a. Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ và Tướng Dương Văn Minh như một liên minh, với ông Thơ thắng cử hợp hiến vào ngôi Tổng Thống và Tướng Minh, vị Tướng được dân chúng ưa chuộng nhất, chỉ huy quân lực. Giải pháp này nên chọn nhất. Ông Thơ có phẩm chất của một chính khách và sự linh động của ông sẽ đánh bạt các nhược điểm của ông. Cũng quan trọng tương đương, là tuy chính phủ của Thơ và Minh có thể sẽ không hiệu quả như chính phủ ông Diệm, họ sẽ cho phép cố vấn Mỹ hoạt động sát cận với quân và dân VNCH, và như thế sẽ cho chúng ta cơ hội (mà phần lớn cơ hội này đã bị Diệm và Nhu bác bỏ) để tăng hiệu quả hoạt động của VNCH.

b. Tướng Lê Văn Kim và Tướng Dương Văn Minh. Nếu Phó Tổng Thống Thơ từ chối hợp tác trong việc lật đổ ông Diệm (và không ai có thể nói là ông Thơ sẽ quyết định thế nào về việc đó, trừ phi ông ta nói ra), rồi thì sự kết hợp Tướng Kim (viên tướng thông minh nhất trong các viên tướng VNCH) và Tướng Minh sẽ là giải pháp thứ nhì. Hiện nay, Tướng Kim làm phụ tá cho Tướng Minh ở Bộ Tổng Tham Mưu, và Tướng Minh có thể đồng ý cho Tướng Kim nắm chính phủ và Tướng Minh nắm quân đội.

c. Trần Quốc Bửu. Chủ Tịch Tổng Liên Đoàn Công Nhân Thiên Chúa Giáo (LND: Mendenhall ghi nhầm, đoàn thể của ông Bửu không có tính tôn giáo dù có người cho rằng hai chữ “Lao Công” hàm ý “Lao động Công giáo” , tên đúng phải là Tổng liên đoàn Lao công Việt Nam). Chỉ huy tổ chức quan trọng duy nhất tại VN nằm ngoàì kiểm soát của chính phủ, ông Bửu có phẩm chất của một chính khách tài năng, biết cách vận dụng quần chúng. Sát cánh với ông Nhu trong việc tổ chức Đảng Cần Lao thời kỳ đầu, ông Bửu không còn thân cận với nhà Ngô nữa, nhưng cũng chưa dứt lìa hoàn toàn. Chúng ta không rõ quan hệ của ông Bửu với quân đội VNCH, nhưng không ai biết điều gì cho tới khi thăm dò xem ý ông có sẵn sàng lãnh đạo một cuộc đảo chánh hay không.

Các rủi ro đối chiếu: Các rủi ro trong việc chuyển từ Diệm sang một giải pháp thay thế sẽ là lớn, vì quân Cộng sản có thể mạnh hơn trong lúc rối loạn (đặc biệt nếu khủng hoảng kéo dài). Nhưng điều này có thể ngăn cản, ít nhất là một phần, bằng cách để quân Mỹ can thiệp tạm thời trong khi khủng hoảng để không cho VC chiếm các thị trấn.

Cũng có rủi ro đảo chánh thất bại, với ảnh hưởng xấu trong quan hệ tương lai của chúng ta với Diệm. Nhưng ông Diệm không có chỗ nào để dựa, chỉ trừ tìm Mỹ để hỗ trợ.

Và rủi ro tràn ngập cần thấy là: phần chắc là sẽ mất VN vào tay Cộng sản nếu chúng ta gắn bó với ông Diệm.

4. Cách Nào Để Thực Hiện Đảo Chánh (2)

(Tôi chưa bao giờ thực hiện một cú đảo chánh, và cũng không phải chuyên gia lĩnh vực này. Tôi khuyến nghị một cách có thể làm như thế -- cách tốt nhất theo tôi thấy – nhưng có thể có cách khác tốt hơn.)

Nên giấu bàn tay của Mỹ tới mức tối đa có thể, trong cuộc đảo chánh đó. Chúng ta muốn tránh bất kỳ cái nhìn công chúng nào rằng tân chính phủ là búp-bê của chúng ta. Tuy nhiên, không nên để nỗi sợ bị lộ ngăn cản sự liên hệ ẩn tàng của chúng ta. Chúng ta sẽ luôn luôn bị tố cáo bởi một số liên hệ (y hệt như chúng ta đã bị quy chụp về nỗ lực đảo chánh tháng 11-1960 và vụ dội bom Dinh Tổng Thống tháng 2-1962) (3). Quy luật có tính nguyên tắc là, sẽ không thú nhận công khai về sự liên hệ.

Các viên chức Hoa Kỳ thích nghi sẽ lặng lẽ tiết lộ với vài viên chức VN đã chọn cẩn trọng (như ông Thơ và Tướng Minh) về khả thể của cuộc đảo chánh, và nếu cần sẽ bày tỏ lòng sẵn sàng hỗ trợ cuộc đảo chánh vào lúc thích hợp. Với khuyến khích như thế, một số viên chức VN đó sẽ mời một số người Việt khác tham dự. Liên lạc của Mỹ sẽ rất hạn chế để giấu vai trò của chúng ta. Chúng ta sẽ cố vấn sau hậu trường về việc tổ chức, và sẽ để người Việt thực hiện toàn bộ.

Mục tiêu sẽ là bắt giữ toàn bộ anh em nhà Ngô và bà Nhu, và để họ tức khắc ra khỏi VN nếu họ không bị bắt giữ. Tiến trình bắt giữ sẽ có thể dễ dàng hơn, khi Diệm và Nhu rời Dinh trong khi đi lại trong VN. Việc thực hiện sẽ tốt hơn, khi anh em ông Ngô Đình Thục (Tổng Giám Mục) và Ngô Đình Luyện (Đại sứ VN tại Anh) đang ở ngoài VN, bởi vì họ sẽ đơn giản bị từ chối nhập cảnh về lại VN. Nguyễn Đình Thuần (Bộ Trưởng Phủ Tổng Thống) và Trần Kim Tuyến (Chỉ huy Mật Vụ) sẽ bị bắt giữ để khỏi chống lại đảo chánh, nhưng có thể được thả ra sau khi đảo chánh hoàn tất bởi vì không chắc họ sẽ nguy hiểm thực cho chính phủ mới hay không.

Bởi vì quân đội là quyền lực thực sự duy nhất tại VN, nên sẽ cần sắp xếp trước để hỗ trợ đảo chánh càng nhiều đơn vị chính yếu càng tốt. Cần dè dặt khi tìm quá rộng rãi sự hỗ trợ [từ nhiều đơn vị như thế], nhưng vì các kế hoạch bắt giữ gia đình họ Ngô có thể bị hỏng từ đầu, việc dè dặt nên quân bình với nhu cầu sử dụng quân lực rộng lớn và để đạt mục tiêu là không cho gia đình nhà Ngô cơ hội kêu gọi các đơn vị quân đội chính yếu về giảỉ cứu.

Hoa Kỳ nên sẵn sàng đưa quân tác chiến vào Nam VN để ngăn cản việc VC chiếm các thành phố trong khi khủng hoảng. Nếu cần thực hiện bước này, Hoa Kỳ nên công khai loan báo sự trung lập, không thiên lệch về ai trong các lực lượng chống Cộng ở VN. Chúng ta không nên bị ngăn cản khỏi bước này chỉ vì không có yêu cầu từ phía chính phủ VN.

Thời điểm đảo chánh cực kỳ quan trọng. Cuộc đảo chánh nên thực hiện khi có khuynh hướng hiển lộ công khai kình chống chính phủ ông Diệm trong cuộc chiến chống Cộng, bởi vì có thêm nhiều người Việt về mặt tâm lý đã sẵn sàng để ủng hộ đảo chánh trong hoàn cảnh này. Cũng không nên kéo dài thời gian giữa việc lập kế hoạch đảo chánh rộng rãi với việc thực hiện đảo chánh, vì cơ nguy bị lộ. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là Mỹ có thể không làm việc bí mật với một số người Việt trong việc soạn kế hoạch đảo chánh một thời gian trước khi liên lạc rộng rãi và việc thực hiện.

Thân nhân của các viên chức Mỹ nên di tản ra khỏi VN trước khi thực hiện kế hoạch đảo chánh. Nếu không, chúng ta có thể thấy họ bị bắt làm con tin bởi chính phủ Diệm, và họ sẽ không do dự khi dùng con tin để áp lực chúng ta.

 

GHI CHÚ:

(1) Nguồn: Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Hồ sơ Trung ương, 751K.00/8-1662. Mật. Được soạn và trình lên bởi Mendenhall.

(2) Kế bên tiểu đề mục này có ghi thêm “(Nghe như một việc rất phức tạp và khó giữ bí mật. ER).” (LND: Chữ viết tắt ER là tên ông Edward Rice)

(3) Về vụ thả bom tháng 2 vào Dinh Tổng Thống, nên xem các Hồ sơ 87-97; về hồ sơ đảo chánh tháng 11-1960, nên xem ở kho dữ kiện Foreign Relations, 1958-1960, vol. I, pp. 631 ff.

 

HẾT BẢN DỊCH

 

 

ĐÍNH KÈM : Phóng ảnh các trang 596, 597, 598, 599, 600, và 601 của Bản Ghi Nhớ 268.

 


 


 

No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết