Monday, December 30, 2013

Kỳ thị, Kinh nghiệm của Người Việt Tỵ Nạn




Kỳ thị, Kinh nghiệm của Người Việt Tỵ Nạn

LS Nguyễn Xuân Phước

Khi người Việt tỵ nạn Cộng Sản đến Mỹ năm 1975 thì xã hội Mỹ vừa mới được ổn định sau thời kỳ tranh đấu đòi dân quyền của người Mỹ gốc Phi châu, mà ta thường gọi là người da đen. Nhờ công cuộc đấu tranh dân quyền đó ở thập niên 1960s mà người Việt đến Mỹ được đối xử bình đẳng, ít ra trên pháp luật. Người Việt không phải đi toilet riêng dành cho người da màu ở nơi công cộng; đi xe bus không phải ngồi băng ghế sau để nhường ghế trước cho người da trắng; đi ăn nhà hàng không phải đi cửa dành cho người da màu; và đi học cũng được nâng đỡ với những tiêu chuẩn thấp hơn người da trắng v.v...
Thế nhưng sau khi ở Mỹ một thời gian nhiều người vẫn cảm thấy bị kỳ thị. Có người than phiền ông hàng xóm Mỹ trắng hay làm khó dễ, hay gọi cảnh sát than phiền chuyện nầy chuyện nọ gây rắc rối. Hoặc ở hãng hay bị supervisor đì, cho làm việc nặng nhọc, cho nghỉ việc cách vô lý, thiên vị người da trắng v.v...
Có một số vấn đề gây cho người Việt cảm giác bị kỳ thị. Khi người Việt mới đến sống ở nước Mỹ vẫn chưa quen tập tục mới như vẫn mặc bộ đồ ngủ (pajama) đi ngoài đường trong khu xóm, ăn to nói lớn, nhậu nhẹt tưng bừng ồn ào vào buổi tối, làm cho hàng xóm khó chịu. Tuy nhiên khi sống chung đụng lối xóm, có những người hàng xóm lúc nào cũng khó chịu với tất cả mọi người bất kể màu da, làm cho chúng ta có cảm giác bị kỳ thị. Những cảm giác bị kỳ thị vơi dần khi chúng ta làm quen được với lối sống và hòa nhập được vào chính mạch của cộng đồng Hoa Kỳ.
Cảm giác kỳ thị đó khi so sánh với cuộc chiến đấu chống kỳ thị thật sự của người Việt tỵ nạn khi mới đến Mỹ, thì chúng ta sẽ thấy một số cảm giác bị kỳ thị là do sự mâu thuẫn cá tính giữa người với người nhiều hơn là kỳ thị thật sự vì lý do màu da.
Lịch sử tỵ nạn đã  ghi nhận cuộc đấu tranh chống kỳ thị kinh hoàng nhất của người Việt đánh tôm vùng vịnh Galveston, Texas.

Sau năm 1975, một số người tỵ nạn Việt Nam đã tìm đến vịnh Galveston để làm nghề đánh tôm. Tôm lúc bấy giờ là mặt hàng hải sản có giá trị cao. Những người đánh tôm thành công và trở nên giàu có. Nhiều người Việt, nhất là những người có nghề tôm tại Việt Nam trước đây, kéo nhau về vịnh Galveston để làm ăn khiến cho con số tàu đánh tôm gia tăng nhanh chóng. Những người da trắng làm nghề đánh tôm lâu năm cảm thấy nồi cơm của họ bị đám lưu dân lấy mất và mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh.
Vào tháng 8 năm 1979, ông Nguyễn Văn Sáu, 21 tuổi, hớt hải chạy đến bót cảnh sát ở thành phố Port Arthur thú tội: “Tôi vừa mới giết người.”  Ông Sáu nói với cảnh sát là ông vừa mới giết Billy Joe Aplin, 35 tuổi. Sáu và Billy Joe đều đánh tôm cua ở Seadrift, một thành phố nhỏ ở vịnh Galveston, Texas có dân số khoảng 1,250 người.  Cả hai có những mâu thuẫn gay gắt vì tranh giành vùng đánh tôm, cua.
Billy Joe cao 6ft1, nổi tiếng ưa đánh lộn và gây hấn với người khác, và lúc nào cũng mang súng trong xe. Từ 2 năm trước, người Việt đánh tôm cua ở đây than phiền bị Billy Joe và những người da trắng khác sách nhiễu. Họ bị đe doạ, tấn công, đánh đập, và họ bị trộm bẫy cua thường xuyên. Tàu đánh tôm của họ cũng bị phá hại. Họ biết Billy Joe là đầu sỏ. Họ thưa cảnh sát, nhưng cảnh sát không làm gì để bảo vệ họ.
Trong khi đó, những người da trắng than phiền là vùng đánh tôm cua của họ bị người Việt xâm chiếm. Và người Việt cũng đe dọa Billy Joe và vợ ông ta.
Vào ngày 3 tháng 8 năm 1979, khi Sáu sửa soạn kéo tàu mới mua ra khỏi nước thì Billy Joe xuất hiện.  Billy Joe đạp lên tay của Sáu khi Sáu đang để tay ở chỗ móc trailer. Billy Joe nói với Sáu: “Nếu đám người Việt chúng mầy không đi ra khỏi Seadrift thì tao sẽ cắt cổ mầy.” Sáu, đang ở trần, bỏ chạy và bị Billy Joe rượt theo chém hai nhát dao vào ngực. Sáu và người em là Chinh chạy vào nhà người bạn mượn khẩu súng. Sau đó Sáu và Chinh trở lại bến tàu. Billy Joe vẫn còn đó. Vừa thấy Sáu, Billy Joe nhảy bổ đến tấn công và vật Sáu ngã xuống đất. Sáu rút súng trong quần lảy cò. Một viên đạn bắn trúng vào ngực Billy Joe, Billy Joe chới với kêu lên “No, man”, rồi rơi xuống nước, và một viên khác bắn trúng vào người khi Billy Joe ở dưới nước. Billy Joe chết liền tại chỗ.
Sau khi Billy Joe bị giết, mâu thuẫn giữa người Việt và người da trắng gia tăng. Trong khoảng thời gian ngắn sau đó, 4 tàu đánh tôm của người Việt bị đốt cháy. Một căn nhà của người Việt bị đánh bom.
Daniel Aplin, em trai của Billy Joe, tuyên bố “Seadrift đang biến thành nồi thuốc súng.”
Thành phố Seadrift phải ban hành lệnh giới nghiêm từ 9:00 giờ tối. Vì cảnh sát không giải quyết những khiếu nại của người Việt nên người Việt cho rằng khi mâu thuẫn với người da trắng bộc phát, người Việt sẽ bị tàn sát. Hàng trăm người Việt sinh sống tại Seadrift bỏ chạy qua Houston hay Louisiana. Thiếu nhân viên làm việc, hãng đóng cua hộp ở Seadrift phải đóng cửa.  

Tuần sau đó, 3 người Mỹ trắng bị bắt ở một motel thuộc thành phố Seadrift vì mang thuốc nổ dùng để đánh bom nhà người Việt. Người mật báo cho cảnh sát để bắt khủng bố là B.T. Aplin, em của Billy Joe. Sự thể em trai Billy Joe làm việc với cảnh sát để bảo vệ người Việt làm cho tình hình lắng dịu và người Việt dần dần trở lại Seadrift.
Tuy nhiên người Việt vẫn tiếp tục bị kỳ thị. Các bến tàu ở Seadrift không cho người Việt đậu bến. Các nhà buôn sỉ không mua tôm của người Việt. Những nhà buôn sỉ mà mua tôm của người Việt bị những người da trắng khác tẩy chay.
Chính quyền liên bang và giáo hội Công Giáo phải nhảy vào can thiệp.
Trước đấy, tại Louisiana người Việt đánh tôm cũng bị kỳ thị. Nhờ công đức của Tổng giám mục Philip Harman, hàng ngàn người Việt được yên ổn làm ăn. Đức Tổng giám mục phạt vạ tuyệt thông một người đầu sỏ kỳ thị tại Louisiana không cho người Việt đậu bến. Tinh thần trợ giúp của Đức Tổng giám mục Harman làm cho người da trắng phải chấp nhận người Việt. Và hoà bình đã vãn hồi để người Việt được định cư và làm ăn.
Khi đại diện bộ tư pháp Hoa Kỳ đến Seadrift thì biết là mâu thuẫn giữa người Việt và người da trắng là do thiếu người phiên dịch để tạo sự hiểu biết nhau. Giáo hội Công Giáo liền cung cấp một người thông dịch viên. Tòa giám mục sau đó cử một linh mục và một phụ tá đến Seadrift để hòa giải giữa người Việt và người da trắng. Tình hình tưởng như đã lắng dịu.  Nhưng không...
Ngày 2 tháng 11 năm 1979, Nguyễn Văn Sáu được toà án tha bổng về tội giết người vì toà cho rằng hành vi giết người của ông là sự tự vệ chính đáng. Nguyễn Văn Chinh, em ông Sáu, cũng được tha bổng về tội tòng phạm. Cả hai sau đó rời khỏi Seadrift.
Sáu và Chinh đã ra đi. Nhưng kết thúc phiên toà xử Nguyễn Văn Sáu gây nên làn sóng bất mãn nơi người da trắng. Cuối tháng 11 năm 1979, tổ chức kỳ thị nổi tiếng của Mỹ là KKK nhảy vào vòng chiến và bắt đầu một cuộc chiến kỳ thị chủng tộc đầu tiên giữa người Việt tỵ nạn và tổ chức KKK.(còn tiếp)

 


Đối Phó với KKK
1.

KKK là viết tắt chữ Ku Klux Klan, là một tổ chức kỳ thị chủng tộc cực hữu bí mật của người Mỹ gốc da trắng được thành lập trong thời Chiến Tranh Nam Bắc (1860-1865). Theo giải thích của tự điển mạng, chữ Ku Klux trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là vòng tròn, và chữ Klan có nghĩa là bộ tộc, ý nghĩa thông thường KKK có nghĩa là một tổ chức huynh đệ của người da trắng.

KKK chủ trương chủng tộc da trắng ưu việt và coi người da màu là thấp hèn. Khi Tổng Thống Lincoln tuyên bố giải phóng nô lệ sau cuộc chiến Nam Bắc, những người chủ trương nô lệ miền Nam Hoa Kỳ đã thành lập tổ chức KKK để bảo vệ dòng máu ưu việt của người da trắng. KKK chủ trương dùng bạo lực để hạn chế sự tiến thân của người da màu trong xã hội. Họ cho rằng Hoa Kỳ là một đất nước được Chúa Trời ban cho người da trắng và họ có nhiệm vụ bảo vệ đất nước nầy trước những làn sóng di cư của người Châu Phi và Châu Á.

Trong thời kỳ đấu tranh dân quyền của mục sư Martin Luther King ở thập niên 1960s, KKK đã tổ chức những lễ đốt thánh giá như là một dấu hiệu của sự tuyên chiến, và đánh bom vào nhà của các lãnh tụ dân quyền da đen. Một số lãnh tụ da đen, kể cả MS King, đã bị ám sát trong thời kỳ nầy. Hầu như những vụ ám sát nầy đều có bàn tay của KKK đứng đàng sau.

Từ năm 1871, KKK đã được chính quyền liên bang liệt danh sách các tổ chức khủng bố. Tuy nhiên họ vẫn tồn tại tại các tiểu bang miền Nam Hoa Kỳ.  Sự phát triển của KKK cũng rất thăng trầm. Đầu Thế kỷ thứ 20 KKK có khoảng 6 triệu hội viên. Nhưng đến ngày hôm nay con số hội viên xuống còn khoảng 6000 trên toàn nưóc Mỹ.

Cách tổ chức của KKK là một hội kín như Thiên Địa Hội trong tiểu thuyết Kim Dung.  Người đứng đầu là một Hội Chủ (Grand Dragon - Đại Long) và họ có những thuộc hạ tay chân đặc trách từng vùng, từng miền tương tự như những hương chủ hay đàn chủ của Thiên Địa Hội.

2.

Ngày 2 tháng 11 năm 1979, Nguyễn Văn Sáu và Nguyễn Văn Chính được toà tha bổng vì lý do giết người để tự vệ chính đáng. Sau đó cả Sáu và Chính đều dọn ra khỏi Seadrift.

Cuối tháng 11 năm 1979, tổ chức KKK nạp đơn với thành phố xin phép cho 600 người biểu tình chống người Việt tỵ nạn tại thành phố nhỏ bé nầy. Con số 600 hội viên KKK dự định tham gia biểu tình bằng 1/2 dân số của thành phố Seadrift. Hội đồng thành phố họp và ý kiến phản đối KKK được thành phố hoan nghinh. Kết quả là thành phố đã bác đơn xin biểu tình của KKK.

Sau đó, cha của Billy Joe Aplin, người bị Nguyễn Văn Chính bắn chết, tuyên bố là ông ta không mời KKK đến Seadrift. Tuy nhiên ông nói... "Tôi sẽ rất hãnh diện nếu họ vì chúng tôi mà đến để chận đứng làn sóng người Á Châu đến thành phố nầy."

Những người da màu tại Seadrift, gồm người Việt và người Mễ, nghe sự xuất hiện của KKK  bắt đầu cảm thấy tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng hơn và bắt đầu di cư ra khỏi Seadrift.

Sau khi bị từ chối cuộc biểu tình tại Seadrift, KKK bắt đầu kế hoạch xâm nhập vùng biển Galveston. Sau 18 tháng KKK đã thiết lập được đường dây hoạt động tại đây.  Tháng 2 năm 1981, nhân ngày lễ Valentine, KKK đã tổ chức buổi meeting tại thành phố Santa Fe, là một thành phố toàn người da trắng ở vùng Galveston với hơn 150 hội viên gồm đàn ông, đàn bà và trẻ em mặc đồng phục KKK với áo choàng trắng đội mũ vải có chóp. Thủ lĩnh KKK tại Texas, ông Louis Beam tuyên bố: "Thời điểm đã đến để chúng ta giành lại đất nước nầy cho người da trắng".  Ông nói tiếp: "Nếu chúng ta muốn, chúng ta sẽ giành lại đất nước nầy bằng phương cách các tổ phụ chúng ta đã làm: đó là máu máu và máu".

Beam tuyên bố là sẽ cho chính phủ Hoa Kỳ 90 ngày để cưỡng chế người Việt không được đánh tôm ở vùng Vịnh Galveston. Nếu không KKK và những người đánh tôm da trắng sẽ tự thi hành việc cưỡng chế nầy.  Beam nói tiếp là sẽ cho thành lập lực lượng dân quân được huấn luyện chiến đấu tại trại huấn luyện dân quân của KKK. Sau đó, Beam tự tay đốt một tàu đánh cá điển hình mà ông đặt tên là "USS Vietcong" và nói "đây là cách đốt tàu đánh cá đúng nhất".  

Những tuần lễ tiếp theo KKK bắt đầu rải truyền đơn kêu gọi chống người Việt đánh tôm ở vùng vịnh Galveston và bắt đầu giai đoạn khủng bố. Hiện tượng đốt thánh giá như là dấu hiệu khai chiến của KKK tại nhà người Việt trong khu vực xuất hiện khắp nơi. Hai tàu đánh cá của người Việt bị đốt tại thành phố Seabrook. Ngày 15 tháng 3 lực lượng dân quân KKK diễn hành trên tàu đánh cá với hình nộm người Việt bị treo cổ để cho mọi người được thấy. 

"They Cannot Mess With Vietnamese..."

Khẩu hiệu của tiểu bang Texas là "Don't Mess with Texas" như một lời khuyến cáo khách du lịch đừng lộn xộn với tiểu bang Texas vì hậu quả không lường được. Qua kinh nghiệm của người Việt đấu tranh chống KKK tại vùng Vịnh Galveston thì người Mỹ cũng có câu nói tương tự để nhắn với tổ chức KKK... Đừng lộn xộn với người Việt Nam.

Trong thời gian KKK bắt đầu gây sự và gây chiến thì cộng đồng người Việt cũng không ngồi yên. Khi một người đàn bà làm việc cho nhà hàng Mỹ nghe hội viên KKK bàn kế hoạch đánh bom tàu đánh cá của người Việt thì bà đã báo cho chồng, và chồng báo cho cộng đồng người Việt. Họ bắt đầu tổ chức vũ trang chống lại sự uy hiếp của KKK và cộng đồng đánh tôm người da trắng. Khi KKK bao vây một trailer park của người Việt thì người Việt đã chống trả quyết liệt. 

alt

Amy Madigan, Ho Nguyen, Ed Harris trong Alamo Bay 1985 - nguồn cineplex-com


Một thành viên của KKK từng tham chiến ở Việt Nam nói với lãnh đạo KKK rằng "Đừng lộn xộn với người Việt vì họ sẽ bắn và giết quý vị". Và do đó, KKK bắt đầu rút lui.

Theo một giáo sư tại Texas nghiên cứu tình hình lúc bấy giờ, một người đánh tôm da trắng tham gia vụ đốt tàu của người Việt đã bị người Việt đó đến nhà đòi quyết tử với ông ta. Người đánh tôm da trắng đó cuối cùng phải dọn đi nơi khác vì sợ hãi.

Ông Khang Bùi, một cư dân tại vùng vịnh Galveston, nói với phóng viên báo chí rằng KKK đã không hiểu được người Việt là những người đã sống trong chiến tranh, họ biết dùng súng đạn để đối phó và bắn trả lại KKK. Ông ta nói tiếp... sau khi KKK nhận thức được việc dùng bạo lực để khủng bố tinh thần người Việt là vô ích, họ đã âm thầm ra đi và không còn người da trắng nào lộn xộn với người Việt. 

Cuộc Chiến Pháp Lý

Tháng 4 năm 1981 Hội Ngư Phủ Người Việt cùng với Southern Poverty Law Center tại Montgomery Alabama nạp đơn kiện KKK vì cạnh tranh thương mãi không công bằng. Tháng 5 năm 1981 bà Gabrielle Kirk McDonald, vị quan tòa liên bang đầu tiên của người da đen quyết định thuận lợi cho người Việt Nam và ra lệnh cấm chỉ hoạt động của KKK tại vùng vịnh; và đóng cửa trung tâm huấn luyện dân quân và các tổ chức võ trang của họ.

Được đánh tôm với sự bảo vệ của chính quyền liên bang, người Việt dần dần ổn định và thành công. Từ những căn nhà trong khu trailer chật hẹp tối tăm, ngày nay người Việt dọn vào những biệt thự nguy nga đồ sộ. Người Việt làm chủ hầu hết các bến tàu tại Galveston; và tại Port Arthur, Texas ngày nay 95% ngư dân đánh tôm là người Việt.

Kinh nghiệm cuộc chiến chống kỳ thị tại vùng vịnh Galveston, Texas đã được làm thành phim Alamo Bay.


alt

Cảnh trong phim Alamo Bay


No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết