Thursday, December 19, 2013

NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG TẠI BÌNH THUẬN THÁNG 4-1975


--
Kính Chuyển
MG
NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG TẠI BÌNH THUẬN
THÁNG 4-1975
“Nhớ đến Quân, Cán, Chính đã cùng chiến đấu bảo vệ vùng đất miền biển mặn”
Pham Ngọc Cửu

            Ngày 16 tháng 4, tin tức phòng tuyến Phan Rang Ninh Thuận bị tràn ngập . Những Phi công đánh bom không cần phải đánh dấu, chỉ điểm . Quân đoàn Bắc Việt kéo vào thênh thang trên QL1, bom thả xuống nghẽn đường, họ bung ra như đàn kiến trên cánh đồng khô bao vây các khu vực quân sự và Phi trường nơi đặt Bộ Chỉ Huy Tiền Phương . Những chiếc trực thăng bay ngang qua Phan Thiết về hướng Nam trên đó có mặt lính Nhảy Dù, một vài chiếc đáp xuống Phi trường Phan Thiết để đổ xăng, hỏi thăm họ nói Phan Rang đã bị tràn ngập .

            Tuyến đầu Phan Rang mất, Bình Thuận cũng sẽ còn là ngày giờ số phận . Tiếng kêu tăng viện vô vọng gởi về Quân Đoàn III, Bộ Tổng Tham Mưu, Phủ Thủ Tướng, Phủ Tổng Thống … Tất cả đều im lặng . Những giới chức đầu não của miền Nam mà như một người đã bực tức nói rằng :-Họ đang bận, bận rộn hơn bao giờ hết, bận không phải dành thời giờ giải quyết việc đất nước đang lâm nguy, mà là bận việc gia đình, như rút tiền ở nhà băng để mua vàng . Chạy sấp chạy ngửa để tìm chỗ ra đi, đang bàn mưu tính kế bắt tay với kẻ thù để mua chỗ đứng nếu có một chính quyền mới … Tôi không nói ngoa, bởi trong phòng khách Dinh Tỉnh Trưởng, trước mắt tôi là các giới chức có thẩm quyền đang sử dụng đường dây điện thoại ưu tiên phải kiềm chế cơn bực dọc để làm người lịch sự không phát tiếng chửi thề … May mắn mới có người trả lời nhưng ngắn gọn : Vâng, thưa … Chúng tôi sẽ trình ?

            Từ đầu lãnh thổ với địa danh Cà Ná, chỉ có một Đại đội Địa Phương Quân đơn độc, nhìn đoàn người hỗn loạn tiến vào lãnh thổ Bình Thuận, biết là nếu Phan Rang mất thì chỉ thị đánh sập cầu Đá Chẹt để kiềm hãm xe tăng, cơ giới của quân Cộng sản . Nhưng đơn vị này đã quyết định không làm vì không nỡ để cho đồng bào, quân đội bị kẹt lại sẽ là mồi ngon cho quân địch .
.
            Vị Sĩ quan Trung úy đã chọn lựa giải pháp cho tình huống đầy khó khăn này cũng không khác gì Đại tá Nghĩa đã chọn giải pháp bỏ ngỏ thành phố Phan Thiết hồi đầu tháng 4-75 để cho đoàn di tản đi qua, tập trung lực lượng bảo vệ xã ấp là ưu tiên hàng đầu . Mặc dầu trong phiên họp tham mưu, một Sĩ quan trách nhiệm Phòng 3 đã đề nghị ngăn chận đoàn di tản từ miền Trung đổ vào bằng cách đánh sập các cây cầu trên QL1 và nếu cần bằng trọng pháo …

            Ở đây, tôi chợt nghĩ đến những Sĩ quan cấp úy, cấp tá của Tiểu Khu, những đơn vị trưởng có quyết định từ Trung Đội Trưởng mới ra trường về Bình Thuận với lon Chuẩn úy . Theo năm tháng và chiến trận với lon Thiếu úy, Trung úy, Đại úy Đại Đội Trưởng hay Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng … Đánh địch bảo vệ xã ấp, lãnh thổ đã cho họ kinh nghiệm và bản lãnh chiến trường . Nhưng giờ đây sắp sửa đối đầu với những đơn vị Sư Đoàn, Đại Đoàn, với xe tăng và pháo các loại đang lù lù tiến tới, làm sao mà không nao núng, không rã ngũ 
.
            Nhưng từng đơn vị vẫn giữ được tính kỷ luật, vẫn dám chơi với xe tăng, vẫn gây thiệt hại cho quân chánh quy Cộng sản, vẫn bảo toàn được đơn vị tránh tổn thất . Bí lối rút trên đường bộ, vẫn tìm được lối ra trên đường biển để lên được các tàu Hải Quân an toàn . Từng cây số trên QL1, từ Cà Ná vào đến thị xã Phan Thiết, vừa đánh vừa rút cho đến tối 18 tháng 4, xe tăng của địch mới vào đến Phan Thiết, chiếm Tiểu Khu, Tòa Hành Chánh nhưng không dám tiến xa hơn .

            Nhìn lại thời điểm đó, tôi không thể không nói lời khâm phục, bởi không ai có đủ quyền lực để bắt các đơn vị tuân hành mệnh lệnh . Trước mặt họ là từng đoàn di tản với xe cơ giới, trọng pháo … Tin tức Vùng I và Vùng II đã rơi vào tay giặc, họ thừa hiểu muốn cầm cự với địch quân ít nhất phải có lực lượng tương đồng mà trong khi đó họ chỉ là đơn độc với vũ khí bộ binh cơ hữu .

            Để rồi, sáng ngày 19-4, trang quân sử Bình Thuận viết lên bao nét hào hùng của cuộc di tản trên bãi Bình Tú-Kim Hải . Đội hình chiến đấu vẫn sẵn sàng làm vòng đai xa, gần để bảo vệ Thương Bệnh Binh chuyển xuống từ Quân Y Viện Đoàn Mạnh Hoạch, và họ là đơn vị lên tàu đầu tiên, sau đó từng đơn vị kế tiếp, không một sự hỗn loạn nào xảy ra trong khi Đại Đoàn quân Cộng Sản chỉ cách đó trên cây số đường chim bay, bên kia cây cầu Trần Hưng Đạo .

          RỜI BÌNH THUẬN

            Nếu Tướng Phạm Ngọc Sang, Tư lệnh Sư đoàn VI Không Quân bị bắt tại Phan Rang cùng với Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư Lệnh Bộ Chỉ Huy Tiền Phương, Đại tá Nguyễn Thu Lương, Lữ Đoàn Trưởng Nhảy Dù, không ít người đặt câu hỏi tại sao các vị ấy lại không có phi cơ vào giờ phút chót . Khi mình là ông chủ của một đơn vị thì trường hợp của tôi và Đại tá Nghĩa cũng suýt xảy ra như vậy . Chúng tôi vẫn đinh ninh rằng vào giờ chót nếu tình huống vượt ra khỏi khả năng, chúng tôi sẽ lên Trực thăng .
Nhưng sáng ngày 18, các chiếc Trực thăng tăng phái cho Tỉnh, Phi hành đoàn đã cận kề với chúng tôi trong những ngày qua, họ đã cất cánh ra đi vào lúc bình minh chưa ló dạng mà không báo một lời tạm biệt . Thậm chí có lần một Phi công đã vui miệng : - Em cho ông Phó hay là nếu VC cách ông 15m mà ông chưa lên máy bay thì em chưa cất cánh …Còn bên tàu Hải Quân khi gặp nhau trước đó, họ đều sẵn sàng : Quý vị sẽ là khách danh dự trên tàu của chúng tôi ….Nhưng vào tối ngày 18-4, muốn lên được chiến hạm đang thả neo xa bờ, sóng biển đánh ầm ầm, muốn lên được phải có ghe chở ra …Vào lúc bấy giờ tìm được chiếc ghe không phải là dễ …Đại tá Nghĩa suýt bị ghe đập chết khi ông rớt xuống biển, ông sống để còn làm công việc can thiệp với Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng II Duyên Hải tiếp cứu các đơn vị đang bị kẹt lại và việc đó đã thành công .

            Riêng Bộ Chỉ Huy Hành Chánh của tôi, may mắn hơn xuống được chiếc ghe đánh cá giã cào của một Hội viên Hội Đồng Xã Thanh Hải đang neo giấu tại khu vực bến Thương Chánh để chờ rước đứa con trai đang phục vụ tại chi đội Cơ Giới Thám Xa Tỉnh .

            Buổi sáng 18-4, rời văn phòng tôi đi quanh phố chợ, Thiếu tá Việt, Trưởng Ty Cựu Chiến Binh (Mường Giang là phó ty kiêm phát ngân viên viên) với máy truyền tin theo dõi tình hình chiến sự, tôi mến vị Sĩ quan này vì tính hiền hòa và đã có lần đến với nhau khi tôi tham dự các cuộc hành quân của Tiểu Khu với Trung tá Vương Đăng Phong, Tiểu Khu Phó . Việt bấy giờ là Sĩ quan chỉ huy Pháo binh . Vì thích ở lại Bình Thuận, nên khi có lệnh đổi đi, Việt đã được chúng tôi đề cử với Bộ Cựu Chiến Binh và đuọc chấp thuận . Việt báo cho tôi mức tiến của địch, khoảng 5 giờ tối nói với phụ tá Phát, gọi đến các Ty, Sở cho lệnh tùy nghi . Riêng Phòng viễn thông qua điện thoại, nhân viên trực máy khi nghe tôi bảo chuyển lệnh đến Trưởng phòng thì anh ta òa khóc . Bộ ! bộ ! Tỉnh mình cũng mất nữa sao ông ? Tôi xúc động ứa nước mắt phân trần : Không còn khả năng, hãy thu xếp, sau đó tôi gọi cho ông Trưởng ty Điện lực mà đã vài lần tôi trấn an khi gặp nhau tại các buổi họp tham mưu đầu giờ làm việc trong ngày : Nếu tôi phải di tản, tôi sẽ không bỏ ông ta khi ông xa gần lo ngại cho tình hình chiến sự tại Vùng I, Vùng II . Tôi yêu cầu ông mở các máy để đèn đường cháy sáng, nhớ mang theo máy siêu tần số trước khi rời ty . Chủ tâm của tôi là có ánh sáng, dân chúng có cơ hội ít gặp nguy hiểm, biết phải làm gì khi gặp Việt Cộng …Gần 6 giờ tối, Tôi và cả nhóm xuống ghe, Chuẩn úy Hùng, con trai Thiếu tá Hoạt Trưởng Phòng 4 đã giải ngũ cùng cậu lính con trai ông chủ ghe hướng dẫn

            Tin tức loan nhanh hơn tôi nghĩ, trên sông Cà Ty lúc bấy giờ ghe chạy ra cửa biển tấp nập . Đa số có bóng dáng các vị Trưởng ty ngoại thuộc và nhân viên . Trung tá Luông, Thiếu tá Việt, Thiếu tá Hồng, mỗi người một chiếc máy truyền tin theo dõi tình hình địch vào đến đâu và các đơn vị rút như thế nào . Mệnh lệnh hành quân vẫn không chút bối rối . Tôi nghĩ đã đến lúc phải rời bến, ông bà chủ ghe ôn tồn : Xin ông Phó quyết định, ghe chui ra chỗ trú ẩn, gối lên sóng tiến ra cửa biển, đêm đã xuống, biển thẩm màu đen . Tôi nói với Thiếu tá Việt : Khi nào ghe ra khơi thoát khỏi tầm pháo súng cối thì cho tôi hay . Mọi người đều quay mặt vào bờ im lặng đắm chìm trong suy nghĩ riêng tư, nhìn theo ánh hỏa châu để định hướng địch và ta, Thiếu tá Việt nói nhỏ : Khỏi tầm cối rồi đó .

            Tôi bước lại gần bác chủ ghe thì thầm đề nghị : Mình có thể neo lại đây một lúc được không ? Đã không còn ở trong tầm pháo của địch . Bác ta hỏi : Chi vậy ông Phó ?  Có thể đây là một chuyến đi lâu lắm mới có cơ hội trở về, giống như bác ra đi hồi 1954 …Cặp mắt bác chủ ghe chớp chớp, tôi nghĩ bác xúc động nhớ lại ngày rời bỏ nơi chôn nhau cắt rún di cư vào Nam, khi đi đều nghĩ sẽ có ngày về lại không xa, nhưng rồi thời gian đằng đẳng để bây giờ tiếp tục ra đi mà chẳng biết về đâu, nếu Vũng Tàu bến đến cũng sau đó cùng số phận .

            Thiếu tá Việt đưa cho tôi ống liên hợp, Thiếu tá Phạm Minh cùng tuổi đang cùng con cái bên Phi trường, Minh sẽ tử thủ ở đó, Minh bây giờ là Tham Mưu Phó Hành Quân Tiếp Vận, con người thật năng động, say mê Tennis và nhảy đầm . Buổi chiều sau giờ tan sở, Minh xách vợt Tennis ra sân, ngang qua chỗ tôi ở thỉnh thoảng tạt vào ung dung mở tủ lạnh rót ly rượu vang nói với nụ cười cầu tài : Để tôi uống giúp cho ông Phó kẻo rượu để lâu sẽ hư …Tôi thích cách làm việc của Minh, khi đã nhận một công việc gì, Minh đều cho tôi sự an tâm như lần đầu thực hiện khán đài đón Tổng Thống Thiệu đến kinh lý . Khi Đại tá Nghĩa khuyến khích chương trình khai khẩn đất hoang dọc theo QL1, ưu tiên dành cho Quân nhân, Công chức . Tôi hiểu mục tiêu nhắm tới của Đại tá Nghĩa ngoài việc giúp cho họ sở hữu mà còn quan trọng hơn là tạo được tầm nhìn xa khiến Việt Cộng không còn dễ dàng phục kích đấp mô như trước . Minh đã lao vào công việc khai quang vỡ đất trồng hoa màu, ngày nghỉ lái xe ủi đất …say mê hơn hẳn những người khác .

            Sĩ quan trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt thường tự hào về mình trong lãnh vực chỉ huy . Đầu tháng 4, khi đoàn di tản tràn về Phan Thiết, bị dội ngược lại vì gặp chốt của VC tại Rừng Lá Bình Tuy hạn chế cho vào thành phố, đêm đó loạn quân đốt chợ, cướp bóc các căn phố trên đường Gia Long . Tôi theo dõi tình hình tại Trung Tâm Hành Quân chỉ có tiếng điều động của Thiếu tá Minh và sau đó Minh đích thân đến tận nơi chỉ huy chữa lửa

            Một buổi sáng Minh từ Trung Tâm Hành Quân lên văn phòng gặp tôi như muốn nói một điều gì đó . Tôi hỏi Minh đã đưa gia đình về Sài Gòn hay ra Hải Long chưa ? Minh trả lời : Chưa vì kẹt tiền . Có bao nhiêu tôi đã bỏ vào khai thác đất trên cây số 25 hết rồi …Ông có thể cho tôi mượn chút tiền được không ? Tôi không chút ngần ngại mở tủ sắt lấy tiền cho Minh, rồi đề nghị : Hay là chị và các cháu ra tạm ngoài đảo Phú Quý tiện hơn vì Sài Gòn nếu không có người thân sẽ khó khăn nhiều

            Giờ đây, nghe Minh điều động con cái đi tử thủ, mọi người tìm cách đến nơi nào đó an toàn, tôi lo cho Minh nhiều hơn ..Sau này năm 1991 đến Hoa Kỳ, biết Minh còn sống, đi tù và cũng đã đến Mỹ …Tiếc thay chưa một lần gặp lại thì nghe tin Minh bị stroke phải vào Nursinghome …Minh nằm đó, mắt nhấp nháy nhưng vẫn còn nhớ đến tôi và Đại tá Nghĩa, muốn nói nhưng không nói được, khuôn mặt ửng đỏ lộ lên các đường gân …Nhìn Minh mà ngậm nguồi chẳng biết phải nói làm sao .

            Từ Minh, tôi nhớ đến Trung tá Vương Đăng Phong, Tiểu Khu Phó, tôi với ông như cặp bài trùng, cùng đi với nhau xuống xã, ấp . Trong khi tôi thăm nói chuyện với các viên chức địa phương, thì Trung tá Phong thăm hỏi các đơn vị Địa Phương Quân & Nghĩa Quân . Qua ông tôi gởi gấm các xã ấp cho đơn vị trưởng, nhờ vậy mà có sự phối hợp công tác dễ dàng . Chúng tôi cũng cùng nhau có mặt tại mặt trận nếu đêm đó Việt Cộng tấn công vào ấp ..Gặp lúc nguy hiểm, ông hối thúc tôi đi tìm chỗ nằm có che chắn tránh pháo, còn ông thì đứng thẳng lưng cầm ống liên hợp điều động .

            Tháng ba, Ông được đề cử chức vụ Tỉnh/Tiểu Khu Trưởng Lâm Đồng giữa thời điểm tình hình không mấy sáng sủa, quận Định Quán đã bị địch chiếm, Dân, Quân hoang mang . Buổi tiệc tiễn đưa, trước mặt các cấp chỉ huy Hành Chánh, Quân Sự tại Hội Trường Tham Mưu, ông nói trong sự ngậm ngùi …Từ Bình Thuận tôi lên Lâm Đồng, từ nay Đại tá sẽ có thêm một tiền đồn mới bảo vệ Thiện Giáo .
Nhưng rồi sau đó, chỉ 15 ngày phù du, chưa ấm chỗ ngồi, quân Cộng mở cuộc tấn công . Ông bất lực trong sự điều động vì các Sĩ quan tham mưu đã sẵn sàng lên xe hướng về Đà Lạt ..trong khi ông gom lính, thám thính xa, kéo trọng pháo hướng về mặt trận, nhưng phòng tuyến tan vỡ không còn cách nào hơn là rút về Đà Lạt để thấy Đà Lạt, Tuyên Đức đang sẵn sàng cho cuộc di tản về Phan Rang .

            Năm 1988, ra tù về Sài Gòn hỏi thăm mới biết Ông đã chết trong nhà tù miền Bắc trong dãy Hoàng Liên Sơn . Còn Thiếu tá Việt, ngày hôm sau khi cùng về đến Sài Gòn, Việt đến thăm và cho biết sẽ về Cần Thơ gặp gia đình . Nhưng cho đến ngày hôm nay, sau nhiều lần hỏi thăm, không có một tin tức nào từ Binh chủng Pháo Binh cho biết về Việt, đa số đã cho rằng Việt đã không còn sống …

            Xế trưa ngày 19-4, ghe chở chúng tôi cặp Bến Đá Vũng Tàu, tôi cầm đôi bàn tay bác chủ ghe nói lời cám ơn giã biệt, Ông nhìn tôi ngậm ngùi : Chúc ông Phó về Sài Gòn bình an, còn Ông sẽ tá túc nơi gia đình một người bạn Công giáo đang sống ở đây …Chúa tối cao sẽ an bài mọi sự . Trong sự mệt mỏi của chuyến đi đầy căng thẳng, chúng tôi được toán Quân cảnh dàn chào khi bước lên bờ với mệnh lệnh : Tất cả hãy giao nộp vũ khí, máy truyền tin …Cho dù bực bội, tôi cố kềm chế, ôn tồn nói với họ, Tôi là Phó Tỉnh Bình Thuận, đây là các cấp chỉ huy của tôi …ở đây có thẩm quyền nào có mặt, tôi muốn nói chuyện với họ .

            Trưởng toán Quân cảnh lưỡng lự rồi hướng về phía ngôi nhà hai tầng cách đó không xa . Ông Phó hãy đến đó có Đại tá Thị Trưởng … và anh cho một toán viên huóng dẫn . Nơi đây, Tôi giật chân chào tay, xưng danh tánh chức vụ của mình, với chút ngỡ ngàng mà có thể đây là lần đầu tiên ông gặp một giới chức hành chánh cấp Tỉnh mặc quân phục rằn ri TQLC bạc màu, áo bỏ ngoài quần, đội nón sắt, giày trận . Ông hỏi tôi : Bộ Bình Thuận mất rồi sao ? Tôi thưa phải, tất cả đang trên đường về đây . Tôi ngỏ ý cho đoàn của tôi được giữ vũ khí và các máy truyền tin vì cần đến nó cho những ngày sắp đến . Ông vui vẻ đồng ý và ra lệnh cho toán viên Quân cảnh chuyển lệnh .
VỀ SÀI GÒN

            Chúng tôi lên bờ, đứng chung một nhóm, bây giờ nên về Sài Gòn hay ngủ lại đây qua đêm nay sẽ tính, nhưng ngủ ở đâu ? Sau cùng thì đều muốn về Sài Gòn . Phụ tá Phát đi hỏi thăm xem có chiếc xe nào sẵn sàng, sau cùng có một chiếc xe tải đồng ý . Chúng tôi lên xe, sàn xe còn ướt vì mới rửa xong, nhưng mùi tanh của cá còn rất đậm . Không sao khi xe chạy gió sẽ lùa mùi tanh đó đi, một ai đó nhanh nhẩu góp lời . Tôi đề nghị Trung tá Luông ngồi trước bên tài xế, cặp lon Trung tá sẽ mau chóng dễ dang khi đi qua các trạm gác dọc đường . Tôi nói với bác tài xế : Bác chạy như thế nào để về đến Sài Gòn trước giờ giới nghiêm, bác sẽ có thưởng . Sau đó tôi nói nhỏ với mọi người : Tất cả sẵn sàng chiến đấu nếu bị Việt Cộng chặn đường, cần những quả lựu đạn . Các cập mắt nhìn tôi chấp nhận, chúng ta phải về đến Sài Gòn an toàn …Tôi cần gặp lại gia đình, con cái vì đã xa nhau từ tháng 3 khi Ban Mê Thuột thất thủ và họ cũng mong như vậy .

            Chiếc xe tải lao nhanh, tôi nghĩ bác tài xế đoán được điều gì sẽ xảy ra nếu gặp Việt Cộng chặn đường . Chúng tôi ngồi tựa thành xe trong tay là khẩu M18 của lính Lực Lượng Đặc Biệt . Tôi đổi nó bằng một cái áo Jacket Phi công phản lực F16 . Khẩu súng làm thèm mắt nhiều Sĩ quan kể cả viên Trung tá Cố vấn Tiểu Khu . Khẩu súng mang tính trang điểm nhiều hơn là chiến đấu trừ một lần tôi bắn liên tiếp hai băng đạn khi bị phục kích đêm trên đường từ quận Hải Ninh về quận Hòa Đa bằng xe Jeep, khói súng và hơi nóng làm rát mặt …

            Khi xe rẽ vào xa lộ Sài Gòn-Biên Hòa, tôi nhìn ra sau, từng chặng đường xe chậm lại vì có các thùng phuy đựng cát đã dựng lên . Tôi chợt thất vọng, ai đã nghĩ ra cách phòng thủ này, nếu mai kia Việt Cộng có mặt . Tôi đã đọc cuốn sách viết về cuộc phòng thủ Leningrad với các bài báo của phóng viên đi theo Phái đoàn Kiểm Soát Đình Chiến ra Hà Nội . Họ mô tả hai bên các con đường là hào hố cá nhân, mỗi nhà đều có hầm chìm hầm nổi, mỗi góc phố là vị trí phòng thủ, sân thượng là các ụ súng phòng không . Khi còi rú lên báo động, tất cả vào vị trí chiến đấu, nhiệm vụ chiến đấu được chỉ định rõ ràng . Còn Sài Gòn lúc này phòng thủ bằng các thùng phuy chứa cát, liệu có cản được sức tiến của xe tăng . Nếu Việt Cộng chiếm được vùng ven biên, Sài Gòn sẽ ở trong tầm pháo, chắc chắn hỗn loạn sẽ xảy ra với các đám cháy, bọn cướp giật, hôi của nhân cơ hội hoành hành, số lượng người chết sẽ không ít …

            Xe dừng lại từng đoạn cho các viên chức xuống xe tìm về gia đình hay nhà bạn bè . Tôi xuống xe tại khu vực Nha Cảnh Sát Đô Thành, nơi có con hẻm từ đường Trần Hưng Đạo dẫn vào nhà Đại tá Ngô Tấn Nghĩa . Tám năm làm công chức, có 4 năm Phó Tỉnh, vẫn chưa ó căn nhà riêng tại Sài Gòn . Tháng ba vợ tôi đưa 5 đứa nhỏ về Sài Gòn, tạm thời tá túc tại nhà Đại tá Nghĩa cho tiện việc liên lạc . Tôi xách bị hành lý, khẩu súng choàng qua vai áo giáp, gõ cửa để rồi thất vọng vì vợ con đã không ở đây mà đã chuyển qua nhà ông bà Bác trên đường Petrus Ký gần Viện Hóa Đạo .

            Tôi quay ra đường, Sài Gòn còn non giờ nữa là giới nghiêm, xe lao vun vút, tôi giơ tay đón Taxi, không chiếc nào chịu dừng . Tôi quyết định bước xuống lòng đường chặn xe bằng khẩu M18 . Xe dừng lại bánh rít trên mặt đường, tôi mở cửa lao lên xe trấn an ngay bác tài xế . Bác đưa giúp tôi về khu vực Viện Hóa Đạo, tôi mới từ miền Trung trở về …Ông vừa lái vừa nói : Sắp đến giờ giới nghiêm nên tôi phải về nhà cho kịp, thời buổi này thấy lính tráng với cây súng là tôi sợ . Tôi rút ví đưa cho ông tờ 500, ông xua tay : Để tôi chở ông đến đó, không xa lắm đâu, ông lại mới từ chiến trường trở về, hãy giữ lấy mà tiêu …Tôi dúi tờ giấy bạc vào túi và nói : Không được, Bác đã chở tôi như vậy là quý lắm rồi .

            Xuống xe, tần ngần trên hè phố, dãy phố lầu với hàng cửa sắt giống nhau đóng im ỉm . Tôi không nhớ số nhà, chỉ một lần cùng đi xe với vợ ngang qua đây, vợ tôi chỉ cho một căn nói rằng : Đó là căn nhà của Ông Bác . Tôi vô cùng bối rối vì đã sắp đến giờ giới nghiêm, đứng ở đây với áo giáp, nón sắt, súng tiểu liên trên tay rất nguy hiểm nếu có một Nhân Dân Tự Vệ muốn thêm vào chuyện dài NDTV cho rằng đó là một tên cướp và nổ súng .

            Hãy loại bỏ những căn phố có bảng hiệu, định lại hướng vị trí mà vợ tôi có lần chỉ may ra mới biết căn phố nào . Cầu mong một căn có mở cửa để hỏi thăm, nhưng may thật, có một căn với cánh cửa sắt khép hờ . Tôi bước về phía đó và bắt gặp một cái bóng dáng một đứa bé chạy qua phòng khách có ánh sáng, cái dáng đó quen thuộc là đứa con trai sinh năm 1968 của tôi, ngày nó ra đời, tôi đang làm Chánh Văn Phòng cho Trung tá Nguyễn Khắc Tuân, Tỉnh/Tiểu Khu Trưởng …Vợ tôi và con trong tâm trạng đau buồn vì qua tin tức của Hà Nội, chúng nó đã đánh chiếm và làm chủ Bình Thuận, chẳng biết số phận của tôi như thế nào ?

            Tôi kêu cửa, cô người giúp việc chạy ra sửng lại khi thấy một người lính . Cô đang bối rối thì đứa con tôi xuất hiện chạy đến, Tôi á lên một tiếng bước vào nhà, bế bổng đứa con lên người, bắt gặp mùi thân thương phụ tử . Cô người làm hiểu ra tôi là ai, cô kêu vọng lên lầu : Cô ơi ! Cô ơi ! Cậu đã về đây nè ! Vợ tôi từ trên lầu chạy xuống, níu cánh tay với tiếng anh ơi mừng rỡ . Rồi Bác trai, Bác gái cũng có mặt hỏi han, nhưng thực tế hơn Bác nhắc nhà tôi, hãy lo cho anh ấy buổi ăn tối vì gia đình đã vừa ăn tối xong . Phở, nhà tôi biết đó là món tôi thích mỗi khi về đến Sài Gòn, nhà tôi và chị giúp việc lấy gà- mên ra tiệm phở đầu phố, may mà còn mở cửa mua cho tôi hai tô . Cả một đêm trên biển và cả ngày chỉ với chén cơm với cá khô nướng được ông bà chủ ghe mời, giờ đây cơn đói thức giấc . Đêm đó tôi vào giấc ngủ, một giấc ngủ say từ đầu tháng 4-75 . Khuya tôi tỉnh giấc, thấy mình đang nằm trên tấm nệm trải trước phòng thờ với chiếu màn nilong trắng . Tôi năm im, để trong đầu nhớ lại như cuốn phim quay chậm từng sự kiện, từng khuôn mặt lần lượt hiện ra . Tôi nhớ trước khi ra khỏi nhà buổi trưa hôm 18-4 khóa cánh cửa lại, tôi đã nhờ anh lính trẻ thu dọn sạch sẽ và mở sáng đèn trong khi tôi thắp 3 nén hương trên trang thờ Phật . Tôi nhớ văn phòng trong Dinh Tỉnh Trưởng, nơi điều hành công việc trong 4 năm qua …Khi có quyết định di tản, chúng tôi đã hội ý là không hủy hoại một cơ quan nào vì nghĩ rằng chính quyền mới cũng phải dùng nó để phục vụ nhân dân, cả đến mong muốn là họ sẽ làm tốt hơn mình . Rồi nghĩ đến bản thân mình đã về được đến đây, gặp lại gia đình, nhưng còn bao nhiêu người khác đã cùng chia sẻ công việc họ sẽ ra sao ? Ai còn ở lại, rồi cuộc chiến sẽ đi đến đâu ? Ôi cuộc chiến tranh oan nghiệt khi người chết cùng màu da, tiếng nói, giết nhau bằng vũ khí của ngoại nhân bao giờ mới chấm dứt .

            Buổi sáng, lòng bồn chồn, nhà tôi đưa cho bộ quần áo dân sự mượn của Ông Bác, mặc vào thấy nhẹ nhõm . Phải ra Bộ Nội Vụ trình diện báo cáo tình hình Bình Thuận . Tại đây vẫn có nhiều nhân viên làm việc nhưng không khí chung không như ngày nào . Một số phòng của các vị chức sắc cao cấp cửa đóng im ỉm . Gặp một chánh sở bạn cùng khóa nhìn tôi lắc lắc cái đầu : Hãy đi lo cho gia đình, chẳng ai quan tâm đến cái tỉnh Bình Thuận của mày đâu, tao có mặt ở đây vào giờ này cũng chỉ để thu xếp vật dụng cá nhân linh tinh .

            Rời phòng, đi dọc theo hành lang, thấy phòng vị phụ tá Tổng Trưởng hé cửa, tôi gõ cửa bước vào mang trong lòng sự mong muốn được trình bày là Tỉnh của chúng tôi, tỉnh Bình Thuận đã chiến đấu đến giờ chót và đã phải di tản vì không được yểm trợ để đương đầu với cấp Quân Đoàn Cộng quân kéo vào từ miền Bắc và tôi cũng muốn Bộ giúp cho tôi có phương cách nào giúp cho nhân viên di tản về Sài Gòn có nơi ăn chốn ở . Ông nghe tôi nói, khuôn mặt mệt mỏi, ông ra dấu bằng cả hai cánh tay, bàn tay đủ để cho tôi hiểu rằng : Hãy ra khỏi mơ mộng, bây giờ lúc này chẳng có ai đi lo cái việc mà anh đòi hỏi đâu !
Tôi rời Bộ với nỗi buồn trĩu nặng, hiễu rằng từ đầu tháng 4, trong lúc những chiễn sĩ Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, Cán Bộ các ngành bám trụ giữ vững phòng tuyến, thì cái phòng tuyến đầu não đã tan rã ngay từ Sài Gòn . Bước ra đường đối diện bên kia Bộ là Tòa Bưu Điện Trung Ương đông người tụ tập, bỗng có tiếng gọi Ông Phó ! Ông Phó, nhiều cánh tay vẫy vẫy . Tôi đến gặp họ với nỗi vui là thấy họ còn sống chạy về đây cùng với nỗi buồn vì không phải là tất cả có mặt . Tôi mời họ cùng ngồi xuống các quán cốc bên lề đường uống trà, cà phê, tôi cũng mời cả những nhân viên các Tỉnh khác đến đây để nghe tin tức . Để giải quyết vấn đề cứu trợ, chỗ ở, tôi nhờ vài nhân viên thiết lập danh sách, hẹn hôm sau sẽ đến Bộ Xã Hội, Phủ Khẩn Hoang Lập Ấp, đến Tòa Đô Chánh xin phẩm vật và chỗ ở .

            Sáng sớm ngày hôm sau, ghé qua nhà Đại tá Nghĩa, ông cũng từ Vũng Tàu về Sài Gòn tối hôm qua bằng trực thăng ; Ông mở cửa đón tôi không bằng cái bắt tay mà bằng câu nói : Ông Phó, ông có thể thu xếp công việc để ra Vũng Tàu lo cho binh sĩ ngoài đó ? Còn tôi, chút nữa vào Bộ Tổng Tham Mưu để xin trang bị để họ có thể tác chiến . Trước sau Đại tá Nghĩa vẫn nghĩ về Binh sĩ của mình, những người lính mà ông coi là anh em, là con cái mà ông có bổn phận phải chăm sóc . Làm việc bên ông gần 5 năm, tôi hiểu con người ông cả đến lúc này, Bình Thuận đã bị xóa sổ, chức vụ Tỉnh/Tiểu Khu Trưởng không còn, nhưng ông không quên họ, cho nên ông không chút khách sáo với bằng lời hỏi thăm về đến Vũng Tàu bằng phương tiện gì, giờ đây tính toán ra sao cho những tháng ngày sắp tới trong khi Sài Gòn nhộn nhịp tính chuyện bỏ nước ra đi . Tôi trả lời ông : Đại tá cho tôi ít ngày vì còn phải thu xếp cho nhân viên, cán bộ xã ấp di tản về đây . –Ừ ! Phải lo cho họ …Bọn mình phải lo cho họ …

            CƠN SỐT RA ĐI ….VÀ TẠI SAO Ở LẠI
            Sài Gòn vào lúc này đang trong cơn sốt càng lúc càng cao, hỏa tiễn đã đây đó rớt xuống một vài khu vực . Việt Cộng đã sử dụng Phi cơ của ta bỏ lại oanh tạc Dinh Độc Lập, tin tức loan truyền Sài Gòn sẽ phải hứng chịu các trận mưa pháo và cả mưa bom . Tin tức càng lúc càng xấu đi khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã từ chức giao quyền cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương tuổi tác già nua mà kinh nghiệm chiến tranh chỉ là một Hạ Sĩ Quan danh dự của một Binh chủng thiện chiến . Mặt trận Long Khánh tiêu biểu cho tinh thần, kỹ năng của Quân Lực VNCH khó mà cầm cự lâu hơn khi không được tăng viện . Con đường Vũng Tàu-Sài Gòn đã bị cắt, QL4 xuống miền Tây có những dấu hiệu toan tính của địch . Đài BBC, tin tức của họ càng làm xấu thêm tình hình, tính trung thực, khách quan không còn phẩm chất của một cơ quan truyền thông quốc tế …Trong cơn sốt đó, tôi không làm sao có thể ra Vũng Tàu như lời hứa với Đại tá Nghĩa, ngày hai buổi loanh quanh các Phủ, Bộ .
Vào Phủ khẩn Hoang Lập Ấp, gặp ông Thứ Trưởng đang ngồi sau bàn giấy, ông nghiêng người trên chiếc ghế xoay . Chưa kịp mở lời ông đã nói : Tình hình nghiêm trọng lắm rồi, ngay cả nhân viên cũng chẳng còn quan tâm đến công việc . Tôi đang cho thiết lập danh sách để can thiệp với Tòa Đại Sứ Mỹ nếu phải di tản ; Tỉnh Bình Thuận của anh, nhân viên muốn đi thì cũng có thể ghi tên .
-Còn Ông Thứ Trưởng thế nào ? Tôi buột miệng .
-Moa hả ! Moa thì không, Moa ở lại, sống chết ở đây . Anh biết đấy, tôi tốt nghiệp kỹ sư ở Pháp, tu nghiệp Hoa Kỳ nhưng không muốn bị nhục vì kỳ thị …
Từ Bộ về nhà, nhận được tờ giấy viết tay của một nhân viên làm việc tại văn phòng Cố vấn Tỉnh, sáng nay có đến tìm mà không gặp, nội dung ; Ông Cố Vấn Trưởng của Tỉnh muốn gặp tôi ở cơ quan USAID gần trụ sở nghiệp đoàn của Chủ tịch Trần Quốc Bửu . Tôi ra đó, cơ quan vắng chỉ có vài nhân viên an ninh . Chờ khoảng 5 phút, Ông Cố vấn từ trên lầu bước xuống với chiếc máy truyền tin quân sự trên tay ; Ông vào đề : Tôi rời Tỉnh, nhưng vẫn theo sát tình hình, các ông đã làm việc rất tốt cho đến phút chót ; vì vậy tôi muốn giúp ông và gia đình di tản để được an toàn .
-Tôi buột miệng : Miền Nam này sẽ bị Mỹ bỏ rơi hay sao ? Một câu hỏi mà sau này nhớ lại tôi thấy mình thật ngây thơ .
-Mất ! không còn cách nào khác hơn, chỉ còn là ngày giờ, vì Quốc hội Mỹ đã trói tay Hành Pháp . Muốn cứu miền Nam Mỹ phải đổ quân trở lại, nhưng việc đó chắc chắn sẽ không xảy ra .
-Thế ông giúp tôi bằng cách nào ?
-Trong khả năng, tôi có thể lo cho ông 10 chỗ, 7 chỗ cho gia đình và 3 chỗ cho thân nhân . Nếu ông đồng ý thì việc ra đi sẽ vào ngày mốt, ông có ngày mai để chuẩn bị cho mỗi người chỉ với một cái xách tay, nhớ là chỉ với một chiếc xách tay mà thôi .
-Đi như thế nào, gặp nhau ở đâu ?
-Đúng 5 giờ 30 sáng tôi sẽ có xe Minivan của Tòa Đại Sứ đến đón ông tại nhà, lên Phi trường, máy bay sẽ đưa người di tản sang đảo Guam, Chính phủ Mỹ đã thiết lập trại tạm trú ở đó ….Sau đó tôi cũng sẽ rời Sài Gòn .

            Làm việc cùng nhau tại Bình Thuận, tôi hiểu tấm lòng của người Cố vấn da đen gốc Lực Lượng Đặc Biệt, ông có vợ Việt Nam gốc di cư 1954 với một đứa con trai kháu khỉnh . Những lần họp mặt vào các ngày lễ, món chả giò, mắm nêm, lẫu, nước mắm không còn xa lạ . Tôi nhận lời và mời ông chiều mai gặp nhau tại một nhà hàng nơi đường Lê Lợi ăn cơm tối, nơi đó trước đây khi về Sài Gòn họp duyệt xét các chương trình Bình Định Tái Thiết tại Phủ Thủ Tướng, sau buổi họp chúng tôi đều ăn tối tại đây .
Nhưng sau một đêm suy nghĩ, trao đổi ý kiến với Ba tôi : Ông nhìn tôi : Con à ! Con hãy quyết định cho con và gia đình . Nếu VC vào, con ở lại vì chữ hiếu, họ giết con thì chữ hiếu có còn không ? Sở dĩ Ba lặn lội về đây với chúng con khi Ninh Hòa mất là vì Má con bắt buộc Ba phải đi để cho các con yên lòng, còn Má nói rằng : Má biết cách vì đã từng trải qua thời kỳ Tây ruồng bố …Các con đi, nếu Ba còn sống Ba tìm cách quay về với Má con ..Còn vợ tôi, cô nữ sinh buông sách vở lấy chồng, cũng như bao người vợ khác đa số đều tin cậy vào chồng có quyết định lúc khó khăn : Tùy anh định liệu …

            Nếu Sài Gòn mất, Hà Nội thống lĩnh cả nước, chống Mỹ không còn là lý do thì chẳng lẽ lại giết Quân, Cán Chính miền Nam để trả thù . Lịch sử Việt Nam từng viết đã chứng minh rằng : Các vua chúa sau khi đánh thắng quân Tàu đã thể hiện tính nhân nghĩa, cấp lương thực, lừa ngựa cho về nước, kẻ nội thù còn được tha thứ, thì ngày nay ở thế kỷ 20, thế giới nhìn vào, việc đó lại xảy ra hay sao ? Còn bản thân mình, mất đi quyền hành, chức vụ thì là lẽ đương nhiên, sống có khổ một chút có gì là quá đáng .
Rời đất nước với các con còn quá nhỏ, vợ không nghề nghiệp, vốn liếng tiếng Anh nghèo nàn, nạn kỳ thị màu da . Chưa kể, nếu giờ chót có một giải pháp nào đó, Vùng IV trụ lại được, hai chữ phản quốc làm sao mà chịu nỗi vì tôi bỏ nước ra đi . Nên bữa cơm chiều hôm đó là bữa cơm chia tay, cảm tạ tấm lòng tốt của người đã nghĩ đến mình, lo cho số phận mình . Sau bữa cơm, tôi bắt tay ông cảm ơn cùng với lời từ chối . Tôi không thể ngày mai ra đi vì Chính phủ miền Nam chưa ban bố phép ra đi …Ông Cố vấn nhìn tôi hồi lâu với khuôn mặt đổi sắc, sau đó ông đặt tay lên vai tôi nói chậm rãi từng lời : Tôi hiểu tại sao ông chọn ở lại ..nếu tôi là ông biết đâu tôi cũng như vậy …Chúc ông và gia đình may mắn, tôi sẽ cầu nguyện cho ông

            Tôi ở lại và vào tù, cái giá phải trả là 13 năm so với 8 năm làm người làm người Cán bộ Hành chánh . Tập hồ sơ cá nhân của tôi có bề dày hơn các bạn đồng tù, khiến có người hỏi : Ông khai cái gì mà dày cộm như vậy ? Tôi chỉ biết ầm ừ . Mãi đến năm 1979 khi tôi đối diện với “tội chêt” theo cách nói của cán bộ trại giam, nằm xà lim với đôi chân bị cùm trong móng sắt về tội cầm đầu chống trại, khi Cán bộ An ninh từ Bộ xuống chấp cung, tôi mới hiểu ra tại sao ? Ngay ngày “làm việc” hỏi cung đầu tiên, y ném mạnh tập hồ sơ lên bàn, gõ nhịp lên đó với những câu gằn giọng : Anh là tên “Ngụy Sài Gòn” ác ôn, nhiều nợ máu với nhân dân, anh có ba tội ngụy : “Ngụy quân, Ngụy quyền, Ngụy đảng phái phản động”

…Nhân dân Bình Thuận đã tố cáo tội ác của anh, đòi Đảng và Nhà Nước đưa anh ra trước Tòa án Nhân Dân với những bằng chứng chống phá Cách mạng, chắc chắn bản án tử hình dành cho …Nhưng Đảng đã khoan hồng, cho đi học tập cải tạo mà vẫn ngoan cố

            Chiều dày của tập hồ sơ là các bản phúc trình thu thập, nhất là sau khi truy tìm bắt Đại tá Ngô Tấn Nghĩa Tỉnh/Tiểu Khu Trưởng đã không kết quả vì ông đã thoát được từ cuối tháng năm qua Thái Lan . Mỗi người có một số phận, số phận đó gắn vào vận mệnh đất nước, tôi không chút trách cứ ai bỏ nước ra đi từ tháng 4-75, càng phục những ai dám đánh đổi cuộc sống của mình, sau đó trên rừng sâu, biển cả, nửa triệu người chết đủ để cắt nghĩa tại sao . Tôi khâm phục những Tướng lãnh đã tuẫn tiết, những Sĩ quan, Binh sĩ chấp nhận chết vinh hơn sống nhục . Hàng năm cứ đến ngày 30-4, tôi vẫn tổ chức hay tham gia Lễ Tưởng Niệm nhớ về họ, tôi vẫn thắp nén hương cầu nguyện, sau này có lúc trong Trưởng Ban điều hành một ngôi chùa, và trước mắt, tôi tham gia vào công việc xây dựng Tượng Đài, vinh danh và tri ân người nằm xuống khi đến Hoa Kỳ năm 1991
.
            Tôi ngưỡng mộ những ai còn sống, giữ tiết tháo của mình, chịu đựng sỉ nhục tra tấn hành hạ bằng cách này hay cách khác của chế độ mới . Tham gia đấu tranh để đất nước có một vận mệnh mới cho dân tộc, sống như vậy khó trăm lần hơn là chọn cái chết cho riêng mình .
Năm 1988, tôi ra tù vào dịp sắp Tết Ãm lịch, một đòn phép tâm lý xảo quyệt của tập đoàn Cộng sản Hà Nội đánh lừa dư luận cho cái mác nhân đạo cũng như học tập tiến bộ . Nhưng chúng biết không thể nào đánh lừa được chúng tôi vì chúng không còn cách nào khác hơn với chủ trương : Chúng tôi là món hàng để đổi chác ngoại tệ cho tình trạng kiệt quệ ngày một trầm trọng đang diễn ra trên đất nước .
Đến nay thời gian sắp sửa ghi dấu năm thứ 38, tôi chưa một lần dừng chân tại Bình Thuận, quê hương thứ hai mà tôi đã chọn lựa sau khi tốt nghiệp khóa XI Quốc Gia Hành Chánh và khóa 23 Sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức . Về Bình Thuận năm 1967, tôi đã qua các chức vụ Phó Quận Trưởng Hải Long, Chánh Văn Phòng, Trưởng Ty Kinh Tế Xã Hội, sau cùng là Phó Tỉnh Trưởng từ năm 1971-1975 . Nhưng Bình Thuận vẫn luôn gắn bó với tôi từ con sông, cây cầu, đồi cát, từ những trận đánh máu đổ thịt rơi, từ những khuôn mặt ưu tư của từng con người có trách nhiệm bảo vệ Bình Thuận và có cả từ hương vị của nắng, của gió, của biển hòa vào nhau …

            LỜI KẾT

            Hôm nay, bài viết này nói lên chưa phải là tất cả những gì muốn nói, và cho dù gom tất cả các bài viết của chúng ta, những người một thời phục vụ cho quê hương Bình Thuận cũng chỉ là bức tranh tổng quát …Với một chút bạo miệng, xin được tha thứ là khi viết bài này qua những gì mà tôi đã sống, trải qua nó không chỉ là của riêng tôi, mà là của chúng ta, của tình chiến hữu, huynh đệ may mắn còn sống, may mắn còn đi lại được, để mỗi năm cho dù có khó khăn của sức khỏe, tuổi già, của đồng lương hưu trí . Chúng ta vẫn tìm về với nhau qua Đại Hội Ân Tình, gởi cho nhau chút hơi ấm qua cái siết tay, qua cái chạm vai thân ái, qua đôi mắt bày tỏ mến thương . Và bên cạnh đó chúng ta nghĩ đến chiến hữu đã cùng chiến đấu với nhau đang kẹt lại tại quê nhà với cả cùng hai vết thương chưa khép miệng; Vết thương trên thân thể và cả với vết thương trong tâm hồn …
            Câu khẩu hiệu : BÌNH THUẬN HẢI NGOẠI KHÔNG QUÊN BĨNH THUẬN QUỐC NỘI, nhắc nhở mỗi chúng ta phải làm gì cho quê hương để HOA TỰ DO có thể nở ra, để cho hai chữ HẠNH PHÚC có thể hiện diện, bọn cướp ngày không còn hiện diện như ông bà ta nhắc nhở “Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan” – Mong lắm thay .

Phạm Ngọc Cửu
Tháng 6-2013
Viết tại Orlando (Florida- Hoa Kỳ)

No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết