Sunday, December 29, 2013

Việt Dzũng - Tên Anh Vẫn Sống Trong Tim Nhiều Người

Kính chuyển tiếp.
NL
 
On Saturday, December 28, 2013 9:43 AM, Binh Huynh <> wrote:

Việt Dzũng - Tên Anh Vẫn Sống Trong Tim Nhiều Người

Huỳnh Quốc Bình

LTG: Sau khi giới truyền thông loan tin ca nhạc sĩ đấu tranh chống cộng- Việt Dzũng đã lìa trần thì lập tức người ta thấy có nhiều bài viết bày tỏ lòng tiếc thương anh... Rồi người ta cũng thấy có bài viết hay những loại "phát biểu" thật lạc điệu. Nó lạc điệu là vì cho dù người dễ tính cũng dễ dàng nhận ra chân tướng và xuất xứ của nó. Bọn VC và đám tay sai tìm cách khai thác sự ra đi của Việt Dzũng cho mục tiêu tuyên truyền bằng loại "lưỡi gỗ" của chúng; còn người Quốc Gia chân chính nhắc đến Việt Dzũng bằng tất cả sự mến phục, tiếc thương.

Người viết bài này cũng xin được viết đôi lời tiếc thương người bạn cùng chiến tuyến chống cộng. Dù muộn màng nhưng người viết cũng xin cùng mọi người chia sẻ sự mất mát to lớn này với gia đình Việt Dzũng, với cộng đồng chống cộng và bằng hữu... trước sự ra đi của anh. (HQB)

***

Tôi bắt đầu biết đến danh của ca nhạc sĩ Việt Dzũng vào đầu năm 1982 khi tận mắt chứng kiến một người trẻ tuổi hơn mình đang chống nạng gỗ, ôm đàn và hát những bài đấu tranh rực lửa trong ngày cộng đồng người Việt Quốc Gia miền Bắc California tổ chức xuống đường tranh đấu “Ủng Hộ Tinh Thần Võ Đại Tôn” khi người chiến sĩ kiên cường ngày đã  xổng lưng "tát vào mặt" nhà cầm quyền VC qua lời tuyên bố trong cuộc họp báo quốc tế do chính bọn chúng tổ chức tại Hà Nội ngày 13 tháng 7 năm 1982: “Tôi không phản bội bất cứ ai đã giúp đỡ, ủng hộ tôi. Tôi tiếp tục duy trì lập trường chính trị của tôi để tranh đấu cho tự do và giải phóng dân tộc. Tôi sẵn sàng nhận bất cứ một bản án nào mà chế độ cộng sản dành cho tôi…”

Tôi nhắc đến lời khẳng khái của Chiến Sĩ Võ Đại Tôn chỉ để muốn nói rằng, lời nói ấy và những hành động dấn thân của những ai dám rời bỏ nơi êm ấm để trở về quốc nội chiến đấu hay hết lòng vì công cuộc đấu tranh chống cộng.. đã ít nhiều ảnh hưởng đến tinh thần tranh đấu của Việt Dzũng, của tôi và nhiều người trẻ khác trong thời đó và suốt hơn ba Thập Niên qua. Điều này tôi không nói thay Việt Dzũng, bởi chính anh đã bộc lộ bằng lời nói trước mỗi bài hát của anh ngày hôm đó.

Viết về tinh thần đấu tranh chống cộng và sự đa tài của Việt Dzũng trong lúc này chẳng khác nào làm công việc “chở củi về rừng”. Dù vậy, trong bài viết vội này tôi chỉ muốn góp thêm vài dữ kiện, về kỷ niệm mà tôi có với anh.

Thân tình:Dù tên tuổi anh thật “lừng lẫy” nhưng anh rất thân tình với mọi người. Khoảng năm 1993 tôi cùng chú em họ, người mới đến Hoa Kỳ, cùng đồng bào Bắc California biểu tình tranh đấu cho quyền làm người tại Việt Nam. Gặp Việt Dzũng, tôi hướng dẫn chú em họ tôi đến chào anh. Dù anh đang bận rộn, dù bao người chờ đợi bắt tay anh, nhưng anh cũng thân mật bắt tay chú ấy và lập tức “tuyên vận” bằng một câu nói hết sức thân tình, đại ý như sau: “Anh hân hạnh biết em và xin chúc mừng em đến xứ tự do. Em hãy cố gắng học, siêng năng làm việc, nhớ cùng các anh và đồng bào tranh đấu cho Việt Nam sớm được tự do, nhé em…”

Khiêm nhường:Dù Việt Dzũng là người đa tài, nổi tiếng khắp năm Châu, dù tuổi của anh không nhỏ hơn tôi nhiều lắm nhưng lúc nào anh cũng gọi tôi bằng “Anh Bình” và xưng em với tôi một cách "ngọt lịm". Điều này đối với người khác có thể không có gì gọi là quá đặc biệt, nhưng đối với người viết thì nó đặc biệt, bởi Việt Dzũng không giống một số người. Có đứa “hỉ mũi còn chưa sạch”, nhưng khi mới vừa được đám đông biết đến là đã tỏ ra kênh kiệu thấy mà… “ứa gan”. Tôi không gọi Việt Dzũng theo cách xã giao thông thường, nhưng thân tình gọi anh là “bạn” để đáp lại tình thân mà anh dành cho tôi.

Việt Dzũng và Nguyệt Ánh đến Oregon:Đó là năm 1999, lúc tôi trực tiếp sinh hoạt trong Ban Chấp Hành Cộng Đồng Việt Nam Oregon. Trong một buổi tổ chức đấu tranh chống cộng, tôi thay mặt cộng đồng mời anh và nữ ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh về hát ủng hộ tinh thần tranh đấu của đồng bào.

alt

altHình: Việt Dzũng- Nguyệt Ánh - Quốc Hận 30-4 tại Oregon năm 1999

Khôi hài, vui tính: Sau buổi tổ chức, một số anh em trong Hội Hoạ Sĩ tại Oregon có tổ chức buổi ăn chiều để thiết đãi ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh và Việt Dzũng, để nói lời cảm ơn anh chị đã bỏ thì giờ quý báu lên vùng Oregon lạnh lẽo, “mưa nhiều hơn nắng”. Trong bữa tiệc thân mật, một hoạ sĩ trẻ (Hố) cao hứng đề nghị: “Chị Nguyệt Ánh kể chuyện vui cho anh em nghe và nhân tiện tặng anh Bình luôn, để anh ấy biết rằng Việt Dzũng và bà chị Nguyệt Ánh ngoài tài sáng tác và ca hát nhạc đấu tranh, còn có thêm biệt tài kể truyện tiếu lâm, mắng chế độ VC không hay không… lấy tiền”. Cả bàn vỗ tay tán thưởng. Chị Nguyệt Ánh lên tiếng: “Việt Dzũng nên kể cho anh Bình và mấy anh em cùng nghe, chứ chị không dám qua mặt Việt Dzũng về tài kể truyện đâu…”. Truyện Việt Dzũng kể tôi nghe vừa dí dỏm, vừa sâu sắc, nói lên được tính ngu dốt nhưng hay làm phách của đám lãnh đạo VC. Cả bàn tiệc có dịp cười lăn bởi tài kể truyện của Việt Dzũng.

alt
Hình: Việt Dzũng qua nét vẻ của Hố

Có những điều ít ai biết: Tôi có người bạn chuyên về truyền thông và âm nhạc, kể cho tôi nghe thêm công lao của Việt Dzũng về mặt ngoại vận hay quốc tế vận, nhưng điều này ít thấy ai đề cập đến… Việt Dzũng đã sử dụng tài sáng tác và ca hát để kết thân và thuyết phục được một nữ ca sĩ phản chiến Hoa Kỳ- Joan Baez, quay 180 độ để lên án tội ác VC. Thời chiến tranh Việt Nam, nói đến chuyện "phản chiến" thì không thể không nhắc đến nữ tài tử điện ảnh Hoa Kỳ-  Jean Fonda. Chị này nỗi tiếng là nhờ đóng phim lõa lồ và hành vi phản bội những người chiến binh Hoa Kỳ đang chiến đấu cho hòa bình thế giới tại Việt Nam. Nếu so sánh về sự nỗi tiếng giữa hai người, một nỗi tiếng về tài sáng tác và ca hát, một "nỗi tiếng" nhờ tài "phản bội" và "lõa lồ"... Thì chắc chắc ca nhạc sĩ Joan Baez đáng cho người ta chú ý hơn.

alt
alt
Hình: Joan Baez - 1963

Mới đây tôi có dịp đọc được bài viết “Thương tiếc nhạc sĩ, ca sĩ Việt Dzũng” của tác giả Sơn Hà, tôi mới biết rõ ràng hơn. Có một đoạn tác giả Sơn Hà viết về Việt Dzũng như sau: “Một loạt các bài hát về thuyền nhân được anh sáng tác trong giai đoạn này đã lay động tâm cang nhiều người, trong đó có ca nhạc sĩ Joan Baez, một người nổi tiếng của phong trào phản chiến của Mỹ, chống lại chiến tranh Việt Nam. Tháng Năm - 1979, Joan Baez đã tố cáo Việt cộng trên 4 tờ báo lớn nhất của Hoa Kỳ rằng, “cộng sản Việt Nam là thủ phạm làm nên những cơn ác mộng”. Việt Dzũng đã cùng với Joan Baez hát chung nhiều lần ở các trường đại học vùng Trung Nam Hoa Kỳ. Thời gian này, các chiến dịch cứu người vượt biển của Liên Hiệp Quốc và của nhiều quốc gia tự do hoạt động rất tích cực trong công tác cứu thuyền nhân trên biển Ðông…”

Lần cuối bắt tay anh: Năm 2009, tôi cùng với ông Lê Hồng Long, tức nhà báo Hồng Phúc, chủ nhiệm kiêm chủ bút Tạp Chí Thế Giới Ngày Nay về Nam California để tham dự ba cuộc hội luận chính trị trên diễn đàn “nhìn về Việt Nam” với nhà văn Trần Phong Vũ, do Nhà Báo Võ Long Triều thực hiện trên đài SBTN. Chúng tôi đã mạnh dạn tố cáo những kẻ "Ban ngày hô hào chống cộng, nhưng đêm về lại chăn gối với kẻ thù". Tôi và nhà báo Hồng Phúc có dịp gặp lại Việt Dzũng và cùng ăn bữa cơm tối thân mật với anh. Đó cũng là lần sau cùng tôi có dịp bắt tay anh. Chúng tôi trao đổi nhiều đề tài, nhưng đặc biệt về truyền thanh. Anh đề nghị cá nhân tôi và nhà báo Hồng Phúc nên thực hiện một đài phát thanh để làm phương tiện chống cộng, nhưng anh cũng dặn dò thêm: “Nếu chú Long và anh Bình muốn ra một đài phát thanh thì nên chờ thêm thời gian ngắn, bởi kỹ thuật phát thanh hiện nay đang có nhiều thay đổi…”. Được biết, Việt Dzũng gọi nhà báo Hồng Phúc bằng "chú", bởi nghe đâu nhà báo Hồng Phúc và thân phụ Việt Dzũng là Bác Sĩ Bảy từng là bạn thân hồi còn ở Việt Nam.

Đang ngồi ăn uống, truyện trò, Việt Dzũng ăn ít mà tâm tình thì nhiều; lúc ấy có người gọi anh. Nghe những gì anh nói với người bên kia đầu dây: “Anh vẫn còn nói chuyện với Chú Long và anh Bình. Em hãy chờ anh về ăn tối, khoảng 30 phút nữa anh sẽ về tới nhà...” Tôi hỏi đùa: “Ai mà bạn nói chuyện nghe tình tứ quá vậy?” Và Việt Dzũng trả lời: “Dạ, đó là Nhà Em”. Lần đó tôi mới viết Việt Dzũng đã lập gia đình. Được biết hiền thê của anh là một nhiếp ảnh gia, rất ủng hộ việc làm của anh, nhất là những gì liên quan đến đấu tranh chống cộng. Tôi và nhà báo Hồng Phúc bắt tay tạm biệt, để "trả anh về với vợ". Đó là lần cuối tôi có dịp bắt tay anh.

Tuần trước, một người bạn thân của tôi mà cũng là bạn thân của Việt Dzũng gọi báo cho tôi biết “Việt Dzũng đã qua đời”, và anh còn nói thêm: Ai có thể không viết về Việt Dzũng, chứ còn ông dù có bận, dù ở đâu cũng phải viết vài điều về anh ấy.”

Tôi đang hồi tưởng lại vài kỷ niệm mà tôi có được với Việt Dzũng. Tuy kỷ niệm không nhiều, không khắng khít như người chị kết nghĩa của anh là nữ ca nhạc sĩ đấu tranh Nguyệt Ánh, hay nhà báo Huỳnh Lương Thiện hoặc cùng với quý anh chị em trong Đoàn Văn Nghệ Hưng Ca... Nhưng tôi muốn ghi lại để chào vĩnh biệt người bạn đấu tranh chống cộng, chốn trần gian tạm bợ này.

Thiết nghĩ, tôi không cần phải cầu nguyện cho linh hồn anh vào chốn vĩnh hằng, bởi tôi tin rằng Thiên Chúa đã dành cho anh một chỗ trên Nước Thiên Đàng. Tôi chỉ cần cầu nguyện xin Thiên Chúa xót thương, an ủi chị Việt Dzũng và những người thân yêu của anh, đang đau buồn, thương tiếc trước sự ra đi của anh. Khi viết những lời này tôi đã căn cứ vào lời khuyến cáo của Kinh Thánh rằng Nước Thiên Đàng không dành cho những kẻ có nhiều tội mà trong các tội đó có tội “dối trá” và “hèn nhát” (Khải Huyền 21:8)

Ngày nay, nếu có ai nhớ đến Việt Dzũng qua truyền thanh, truyền hình về biệt tài của anh thì chắc chắn khó ai quên về những cá tính của anh, mà tác giả Sơn Hà đã nhắc đến: "Cuộc đời cứ trôi qua, Việt Dzũng vẫn cứ yêu đời và yêu người mà các văn nghệ sĩ, gặp ai cũng nói, Việt Dzũng là người hiền hậu vui tính, yêu đời và lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ người khác..."

Xin chào "tạm biệt" Việt Dzũng, người bạn đấu tranh chống cộng không mệt mỏi. Anh hãy ngủ yên, vì tên anh vẫn sống trong tim nhiều người.

Huỳnh Quốc Bình

(503) 949-8752


TÌNH CA CHO NGUYỄN THỊ SÀI GÒN.


Ca nhạc sĩ Việt Dzũng qua đời


Một Chút Quà Cho Quê Hương _ Việt Dzũng - Trung Tâm Asia






Date: Sat, 28 Dec 2013 18:30:14 -0800
From: trinhbtam84

Đêm Nhạc Việt Dzũng "Như Một Lời Chia Tay" tại Sydney, Úc Châu

 photo _DSC9378_zps8d503e8a.jpg


Đêm ca nhạc Việt Dũng “Như Một Lời Chia Tay” do Nhóm Thân Hữu Sydney trong Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu tiểu bang New South Wales tổ chức tại Trung Tâm Văn Hóa và Sinh Hoạt Cộng Đồng vào đêm Thứ Sáu 27/12/2013 đã thu hút được khoảng ba trăm đồng hương tham dự.

Người ta nhận thấy có sự hiện diện của TS Hà Cao Thắng và LS Janice Lê, Chủ Tịch và Tổng Thư Ký, đại diện cho CĐNVTD-UC/NSW, KS Phan Đông Bích Cựu CT CĐNVTD-UC/NSW và nhiều Hội Đoàn, Đoàn Thể trong CĐ cùng các cơ quan truyền thông như SBTN và SBS Radio.

Sau nghi lễ Chào Cờ và một phút mặc niệm, ông Vũ Trọng Khải, Trưởng Ban Tổ Chức giới thiệu thành phần quan khách và trình bày mục đích của đêm nhạc không chỉ mang thuần một ý là tỏ lòng thương tiếc khi phải chia tay với một chiến sĩ của Tự Do, một đứa con yêu của Mẹ Việt Nam như ca nhạc sĩ Việt Dzũng, mà thực tâm anh chị em trong ban tổ chức và các ca nhạc sĩ Sydney mong mỏi thổi bùng lên khí thế đấu tranh mạnh hơn nữa từ Hải Ngoại về với Quốc Nội trong "Tinh Thần Việt Dzũng". Hoài bão đó chúng ta không bao giờ được quên, phải cố gắng tiếp tục con đường rất là cao cả của Anh.

  photo _DSC9263_zps6677b124.jpg
                                      Ông Vũ Trọng Khải, Trưởng Ban Tổ Chức

TS Hà Cao Thắng, Chủ Tịch CĐNVTD-UC/NSW, trong lời phát biểu cho biết cá nhân ông khi còn làm Phó CT CĐ đã từng gặp anh Việt Dzũng tại Sydney, sự ra đi của Anh rõ ràng là một mất mát quá lớn cho người Việt chúng ta bởi vì Anh là người luôn dấn thân trong tất cả mọi cuộc đấu tranh. Anh thật sự là người Việt yêu nước chân chính. TS Thắng cũng gửi lời thành kính phân ưu tới gia đình cùng thân quyến của Anh. 

 photo _DSC9277_zpsd2042cba.jpg
                             TS Hà Cao Thắng, Chủ Tịch CĐNVTD-UC/NSW

Sau phần ca sĩ Thanh Thúy trình bày nhạc phẩm mở đầu “Hát Cho Tự Do”, KS Phan Đông Bích, Cựu Chủ Tịch CĐNVTD-UC/NSW, tỏ lòng vô cùng thương tiếc về sự ra đi của một nghệ sĩ tài hoa, có lòng sâu đậm với dân tộc và đất nước. KS Bích được vinh hạnh từng làm việc chung với anh Việt Dzũng trong một số chương trình ca nhạc và truyền thông tại Úc và đã có cơ hội nói chuyện, tâm sự nhiều với Anh, không ngờ lần gặp ở Sydney là lần cuối. Anh Việt Dzũng đã nhắn nhủ cho chúng ta qua các bản nhạc và các hoạt động yêu nước là hãy luôn nghĩ về dân tộc, cố gắng đấu tranh để có ngày Việt Nam có được tự do, dân chủ và nhân quyền.

 photo _DSC9418-2_zps10ba4682.jpg
                               Ca sĩ Thanh Thúy mở đầu chương trình văn nghệ

Ca sĩ Quỳnh Xuân tiếp tục chương trình với nhạc phẩm “Lời Kinh Đêm” … Lời kinh đêm ôi lời kinh đêm, lời kinh buồn như tiếng mẹ thở dài…  Trời mong manh ôi đời lênh đênh, thuyền bấp bênh cuộc sống mơ hồ…

 photo _DSC9378_zps8d503e8a.jpg
                                      Nhạc sĩ Vũ Hùng và Ca sĩ Quỳnh Xuân

Nhạc sĩ Phạm Quang Ngọc sơ lược về nhóm Hưng Ca Úc Châu trong Phong Trào Hưng Ca Việt Nam tại hải ngoại, qua âm nhạc thể hiện tình quê hương dân tộc và nung sôi ngọn lửa đấu tranh sẽ không bao giờ phai mờ trong lòng người dân Việt.

Slide show cũng được trình chiếu những hình ảnh của Việt Dzũng chụp trong hành trình ca nhạc đấu tranh và đặc biệt trong lần gặp gỡ với đồng hương Úc Châu như chị Quỳnh Lan, ca sĩ Xuân Thảo, anh Phan Đông Bích, anh Nguyễn Văn Bon v.v.

 photo _DSC9345_zpse276a305.jpg
                                    Nhạc sĩ Vũ Hùng và Ca sĩ Xuân Thảo

Tiếp tục chương trình văn nghệ là các nhạc phẩm Chút Quà Cho Quê Hương, Tình Ca Nguyễn Thị Sài Gòn, Những Đứa Con Của Mẹ, Mời Em Về, Có Những Cuộc Tình Không Là Trăm Năm, Dấu Chân Của Biển, Và Em Hãy Nói Yêu Anh,  Thung Lũng Chim Bay, Cỏ Tương Tư, Xin Hãy Làm Ánh Đuốc, Vẫn Còn Đây Các Con Của Mẹ được trình bày bởi các nghệ sĩ Xuân Thảo, Tuyết Trinh, Thanh Xuân, Ánh Linh, Đào Thúy, Quỳnh Xuân, Thanh Thúy, Nga Uyên và Vũ Hùng.

Kết thúc chương trình, toàn thể hội trường đã đứng lên đồng ca nhạc phẩm “Hát Cho Ngày Sài Gòn Quật Khởi” trong khí thế hào hùng.

 photo _DSC9434_zps036d4801.jpg
                                          Nhạc sĩ Vũ Hùng và Ca sĩ Ánh Linh

Sau buổi lễ ông Đỗ Quang Bích, Gia Trưởng Gia Đình Hải Quân Hàng Hải NSW đã cho BTC biết cảm tưởng của ông. Qua các ca nhạc sĩ trình bày những ca khúc nổi bật của Việt Dũng sáng tác từ khi đặt chân tỵ nạn ở Mỹ tới nay đã khiến cho khán thính giả bồi hồi xúc động, thương tiếc cho một chiến sĩ Quốc Gia chống Cộng, đấu tranh cho Tự Do Dân Chủ của VN không mệt mỏi cho đến hơi thở cuối cùng. Bài ca cuối cùng, Hát Cho Ngày Sài Gòn Quật Khởi, do toàn thể ca, nhạc sĩ trình bày với sự phụ họa của toàn thể khán giả, như một điềm báo trước ngày tàn của chế độ Cộng Sản Việt Nam, một chế độ ươn hèn, bán nước buôn dân, tham nhũng và thối nát. Từ ngày thành lập tới nay, đã gây bao nhiêu tội ác với dân lành. Chế độ đó phải xụp đổ trước những phong trào đấu tranh giành lại Tự Do Dân Chủ và tiêu diệt chế độ độc tài đảng trị Cộng sản của toàn dân trong cũng như ngoài nước.

 photo _DSC9432_zps79def9cb.jpg
                                                      Quang cảnh Hội trường 

Đêm ca nhạc tưởng niệm ca nhạc sĩ Việt Dũng đã kết thúc vào lúc 22 giờ, mọi người ra về trong niềm thương tiếc ca nhạc sĩ Việt Dũng. Anh là ngọn đuốc thắp sáng để chúng ta, người Việt lưu vong, vẫn tiếp tục con đường tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền trong niềm tin chế độ Cộng sản sẽ cáo chung trong một tương lai rất gần.

AT tường trình với hình ảnh của TT


 photo _DSC9331_zps2add659d.jpg
                                         Nhạc sĩ Vũ Hùng và Ca sĩ Tuyết Trinh

 photo _DSC9360_zpscb782e31.jpg
                                            Nghệ sĩ Đào Thúy ngâm thơ

 photo _DSC9370_zps71b1e119.jpg
                                Ca sĩ Nga Uyên và Nhạc sĩ Vũ Hùng

 photo  _DSC9399_zps26fbb89d.jpg
                                    Nhạc sĩ Vũ Hùng và Ca sĩ Thanh Xuân

  

Việt Dzũng, niềm thương nhớ khôn nguôi

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2013-12-28

Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
VHNT12282013.mp3Phần âm thanh Tải xuống âm thanh
vietdzung-305.jpg
Ca nhạc sĩ Việt Dzũng.
File photo





Em gửi về cho anh dăm bao thuốc lá
Anh đốt cuộc đời cháy mòn trên ngón tay
Gửi về cho mẹ dăm chiếc kim may
Mẹ may hộ con tim gan quá đọa đày

Gửi về cho chị dăm ba xấp vải
Chị may áo cưới hay chị may áo tang
Gửi về cho em kẹo bánh thênh thang
Em ăn cho ngọt vì đời nhiều cay đắng

Con gửi về cho cha một manh áo trắng
Cha mặc một lần khi ra pháp trường phơi thây
Gửi về Việt Nam nước mắt đong đầy
Mơ ước một ngày quê hương sẽ thanh bình
Những năm đầu thập niên 80 có lẽ không bài hát nào nổi tiếng, được biết và được hát nhiều tại hải ngoại như nhạc phẩm Một Chút Quà Cho Quê Hương, do Việt Dzũng sáng tác.

Trọn đời tranh đấu cho dân chủ

Sau năm 1975 hàng loạt thuyền nhân Việt Nam bỏ nước ra đi đã góp vào trang sử lưu vong của thế giới một chương mới mang tên Thuyền nhân Việt Nam. Vượt qua bão tố, thần chết và chia ly để rồi khi đến được bến bờ tự do những con người khốn khổ ấy lại đối diện với một bất hạnh khác, bất hạnh của kẻ lưu vong không biết bao giờ trở lại quê hương trong khi tại quê nhà cha, mẹ vợ hay chồng có khi là con cái, anh em vẫn ngày ngày mòn mỏi.
Việt Dzũng như hàng trăm ngàn thuyền nhân khác tận tụy làm việc để gửi về quê nhà những món quà nhỏ bé mà trong thời kỳ ấy không khác gì những viên thần dược có thể cứu vớt được hàng ngàn gia đình qua cơn hấp hối của nền kinh tế suy kiệt.
Trời sinh ra anh có một tinh thần sắc đá nhưng lại có một trái tim nhân ái. Có lẽ vì Dzũng được sinh ra với một trái tim như vậy cho nên anh dễ xúc động trước những hoàn cảnh, những khổ đau của nhân loại.
-Nhạc sĩ Nam Lộc
Nhưng trong từng món quà nhỏ bé ấy của Việt Dzũng là những thông điệp về sự cùng quẫn tinh thần, là tội ác của bên thắng cuộc. Việt Dzũng đã thẩm thấu nỗi tủi nhục của người còn lại để anh có thể xuất thần viết nên một nhạc phẩm mà cho tới nay đã hơn ba mươi năm nhưng lời nhạc vẫn đau đáu đối với một số người.
Nếu nói sự nổi tiếng của anh dính liền với hoạt động tranh đấu cũng không sai, thế nhưng khó mà phân biệt đâu là một Việt Dzũng tranh đấu không khoan nhượng đối với những sai trái của chính quyền mới và đâu là nét dí dỏm, cường tráng đầy chất nghệ sĩ nơi một con người vừa là nhạc sĩ, nhà truyền thông và sở hữu một giọng ca không hề lép vế trước bất cứ một ca sĩ chuyên nghiệp nào. Việt Dzũng tài năng đã đành, nét tài hoa của anh khiến nhiều người ngưỡng mộ và đâu đó trong lòng họ tự hỏi không biết con người này còn một bí ẩn nào mà dư luận chưa biết tới hay chăng?
Nếu có sự bí ẩn có lẽ đó câu hỏi mà nhiều người đặt ra cần giải đáp: tại sao một người tài hoa như anh, gia đình và bản thân anh chưa bao giờ bị bạc đãi bởi nhà cầm quyền Việt Nam tuy cha anh là một Thiếu tá bác sĩ quân y, kiêm Dân biểu thời Đệ nhị Cộng hòa nhưng ông và gia đình sang Mỹ rất sớm, từ năm 1976, vậy thì động lực nào thúc đẩy Việt Dzũng khước từ những cơ hội khác của nước Mỹ đã dành cho anh để lao vào cuộc chiến chống lại nhà nước Việt Nam không mệt mỏi để đến nỗi bị kết án tử hình khiếm diện?
Nhạc sĩ Nam Lộc, người cũng nổi tiếng với nhạc phẩm Sài gòn Vĩnh biệt có thời gian làm việc chung với Việt Dzũng hơn ba mươi năm chia sẻ những nhận xét của ông về câu hỏi này:
165959-vietDzung-305.jpg
Nhạc sĩ Việt Dzũng tại buổi gặp gỡ, chuyện trò với độc giả ở tòa soạn Người Việt Online hôm 14 tháng 5 năm 2013.
“Tôi cho đó là tâm hồn tự nhiên của một người trẻ. Trời sinh ra anh có một tinh thần sắc đá nhưng lại có một trái tim nhân ái. Có lẽ vì Dzũng được sinh ra với một trái tim như vậy cho nên anh dễ xúc động trước những hoàn cảnh, những khổ đau của nhân loại và khi bắt đầu nhận thức được hình ảnh của những thuyền nhân vượt biển ra đi phải bỏ xác trên biển cả thì tôi nghĩ rằng Việt Dzũng nhạy cảm ngay lập tức.
Khi anh trưởng thành hơn một chút, tìm hiểu rõ ràng hơn thì anh nhìn thấy chế độ nó đã làm cho người ta bỏ nước ra đi và sự nghiệt ngã của chế độ đã càng ngày càng tạo cho anh cảm thấy cần phải thay đổi cũng như cần phải có hình thức nào đó để lên tiếng chống đối chế độ độc tài đảng trị, đặc biệt là chế độ cộng sản hà khắc và đàn áp con người.
Như anh đã nhìn thấy không những người vượt biển ra đi chịu chết trên biển cả và đồng thời còn những người bị bắt vào trại cải tạo, những người bị đày ải đi vùng kinh tế mới thì càng ngày anh Việt Dzũng, như tôi đã nói là người có trái tim nhân ái, khi nhìn thấy chính đồng bào mình, những người đã từng phục vụ trong quân đội cùng với bố của mình.
Chính những người mang thân phận tỵ nạn như mình nhưng bất hạnh hơn, những người đi sau. Tôi cho đó là những lập luận chính đã đưa anh Việt Dzũng vào con đường sinh hoạt với tinh thần như anh vừa nói là tranh đấu cho tự do dân chủ, nhân quyền cho quê hương mình đồng thời cho những người bất hạnh đã trải qua khổ đau để tìm tự do.”
Việt Dzũng là một ngôi sao tại hải ngoại điều đó không cần phải chứng minh. Lối nói chuyện cuốn hút, cách pha trò duyên dáng và lời dẫn chuyện thông minh trong các show ca nhạc của Asia đã khiến chương trình trở nên sống động và cuốn hút hàng triệu người xem. Việt Dzũng là người đi khắp thế gian, đã đặt chân hầu hết nơi nào có người Việt sinh sống và do đó nói anh là người của thế giới người Việt hải ngoại cũng không quá đáng.
“Tôi đã bị Việt Dzũng thu hút hay lôi cuốn từ trước khi tôi làm việc với anh. Kể từ ngày tôi gặp anh lần đầu tiên vào đầu thập niên 80 khi anh trình diễn trên sân khấu đại học Long Beach. Tôi đã bị thu hút bởi giọng nói của anh, dáng dấp của anh lúc ấy là một thanh niên trẻ tóc dài ôm đán hát đã lôi cuốn tôi với cái dáng vẻ nghệ sĩ đó, cộng thêm giọng nói nhẹ nhàng và giọng hát rất ngọt ngào.”
Tuy là người đi khắp nơi nhưng một chỗ duy nhất Việt Dzũng không thể trở về, đó là nơi anh bỏ hết cuộc đời tranh đấu cho hạnh phúc, tự do dân chủ của nó. Đó là nơi mà anh đăm đắm một ánh mắt, đau đớn một con tim và khóc thầm hằng đêm vì một nỗi nhớ: Nỗi nhớ Việt Nam.
Cho tới khi anh vĩnh viễn nằm xuống vì một cơn trụy tim vào ngày 20 tháng 12 khi vừa được 55 tuổi tại thành phố Fountain Valley nơi anh đang sống đời lưu vong, thì  có lẽ niềm đau ấy cũng sẽ chấm dứt sau gần bốn mươi năm chờ đợi.
Có lẽ qua cái chết của người bạn đồng hành với mình thì mình đã tìm thấy mình có đến hàng trăm ngàn người bạn đồng hành khác âm thầm và cùng chí hướng với người bạn mình đã mất.
-Nhạc sĩ Nam Lộc
“Quả thật là tôi không ngờ cái phản ứng nó lại mạnh mẽ đến như vậy. Tôi không chỉ nghĩ rằng chỉ là những thương cảm cho một người có lòng, có một tinh thần cao trong việc chống cộng, tranh đấu cho tự do dân chủ. Tôi không ngờ sau đó có một lời chia sẻ của một người gửi cho chúng tôi, trung tâm Asia đài phát thanh Blosa và các diễn đàn, báo chí và đặc biệt là phàn ứng từ nhiều nhân vật ngay cả những người Hoa Kỳ, một số các vị dân cử cấp liên bang cũng như tiểu bang hay các quận hạt.
Đặc biệt trên lĩnh vực truyền thông báo chí người Việt ở hải ngoại hay báo chí Hoa Kỳ ….thì tôi mới nhìn thấy rằng việc làm của anh Việt Dzũng đã có ảnh hưởng rất sâu đậm. Có những cái nhìn rất tích cực và được quý mến một cách rộng rãi làm cho tôi cảm thấy xúc động vô cùng.
Vừa xúc động vừa hãnh diện và sung sướng vì anh em chúng tôi đã cùng đồng hành trên con đường có nhiều người cùng chí hướng với mình. Thậm chí tôi còn cảm thấy đó là mối an ủi lớn lao dành cho mình và lúc nào tôi cũng nghĩ rằng tôi đã mất đi một người bạn, một người bạn đống hành rồi.
Có lẽ qua cái chết của người bạn đồng hành với mình thì mình đã tìm thấy mình có đến hàng trăm ngàn người bạn đồng hành khác âm thầm và cùng chí hướng với người bạn mình đã mất thành ra tôi vô cùng hãnh diện.”
Vâng đúng như nhạc sĩ Nam Lộc chia sẻ, khi nghe tin Việt Dzũng nằm xuống chưa bao giờ truyền thông Việt ngữ khắp thế giới lại cuống cuồng loan tin như vậy. Từ California tới Ba Lan, xa hơn nữa là Nga, rồi Úc, Canada… tất cả mọi chương trình phát thanh, bài viết trên mặt báo hình ảnh cuối cùng của anh cũng như thông tin anh nằm xuống đã trở thành cuồng phong. Hàng triệu người Việt khắp nơi lặng lẽ thương tiếc anh, lặng lẽ nghe lại hơn 400 nhạc phẩm anh đã sáng tác trong suốt cuộc đời lưu vong mà một trong những nhạc phẩm để đời ấy có bài Tự tình khúc, viết về nấm mộ của một thuyền nhân, một trú khách, mãi khi chết rồi vẫn canh cánh với quê nhà.
Hình ảnh ấy có phải anh viết cho chính anh, một con chim báo bão chưa bao giờ có cơ hội trú thân trong chính những trăn trở của mình?
Bài hát có những nốt trắng làm người nghe tê dại. Chỉ còn lại tiếng kinh chiều, rất thê thiết và rất tha ma. Tiếng kinh lưu vong ấy có tiễn được Việt Dzũng về tới quê nhà hay không và trong cõi hư vô anh có cơ hội nghe lại được chính mình để im lặng suy tư về một thuở?
Chiều nay ai ra mộ vắng
Thắp dùng tôi nén hương tàn
Thương người nằm sâu đất lạnh
Đang buồn quê hương nát tan
Chiều nay ai ra bờ sông
Xem con nước có xuôi dòng
Ra quẩn quanh hoài một nhánh
Lặng buồn như kiếp lưu vong
…..
Chiều nay ai ra phố vui
Phố vui vẫn chỉ là phố người
Còn lại thân mình ta giữ
Thương nhớ quê nhà khôn nguôi….

TÌNH CA CHO NGUYỄN THỊ SÀI GÒN.


Ca nhạc sĩ Việt Dzũng qua đời


Một Chút Quà Cho Quê Hương _ Việt Dzũng - Trung Tâm Asia






Việt Dzũng: Giấc mơ chưa thực hiện

Nhạc sĩ Việt Dzũng. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)Nhạc sĩ Việt Dzũng. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
  •  
  •  
  •  

Tin liên hệ

  • Hoài niệm và thương tiếc cố ca nhạc sĩ Việt Dũng
  • Xin chia tay 'Một chút quà cho quê hương'
  • Nhạc sĩ Việt Dzũng qua đời vì bệnh tim tại California
  • Nghe BS Quế: 'Dân chủ hóa giúp đòi quyền lợi quốc gia trên Biển Đông'
  • Hội Nhiếp ảnh Việt Nam vùng Hoa Thịnh Đốn kỷ niệm 20 năm thành lập
  • Phong trào tranh đấu cho quyền phụ nữ, 50 năm sau khi được khởi xướng
CỠ CHỮ
28.12.2013

Một nhạc sĩ được nhiều người trong cộng đồng người Việt hải ngoại mến mộ, Việt Dzũng, đã ra đi trong những ngày cuối cùng của năm 2013. Tên tuổi Việt Dzũng gắn liền với Phong trào Hưng ca, anh đã sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng về thân phận người tỵ nạn và tấm lòng của người ra đi đối với quê hương và những người thân còn ở lại. Một người hoạt động lâu năm với Việt Dzũng, nhạc sĩ và MC Nam Lộc, nói Việt Dzũng là một 'con người sắt đá nhưng có trái tim nhân ái'. Trong mục Đời sống Văn hóa do Hoài Hương phụ trách tuần này, Nam Lộc chia sẻ kỷ niệm khi lần đầu ông gặp Việt Dzũng, và những cảm nghĩ của ông về những đóng góp của Việt Dzũng cho làng nhạc của người Việt ở nước ngoài, và hoài bão chưa thực hiện của Việt Dzũng là xây dựng một trung tâm văn hóa của người Việt tại thủ đô của người tỵ nạn ở California.

VOA: Thưa ông, đối với ông, nhạc sĩ Việt Dzũng không những là một người bạn thâm giao mà còn là một nghệ sĩ đồng hành, dùng văn nghệ và âm nhạc như một công cụ đấu tranh, xin ông chia sẻ với độc giả của đài những cảm xúc của ông về sự ra đi của Việt Dzũng?

Nam Lộc: “Dạ vâng, chị diễn tả như vậy thì cũng đã nói lên được sự xúc động của tôi khi mà nghe tin người bạn đồng hành, một người mà tôi cũng ngưỡng mộ, một nhân vật đấu tranh, một nghệ sĩ và đồng thời cũng là một người em mà tôi quý mến từ lâu, vì thế cho nên dĩ nhiên sự xúc động đến với tôi một cách hết sức mạnh mẽ. Đối với tôi đây là một sự mất mát rất lớn lao. Vâng thưa chị, đấy là cảm nghĩ bất chợt đến với tôi khi nghe tin Việt Dzũng qua đời.”

VOA: Thưa ông, ông đánh giá những cái đóng góp của Việt Dzũng cho cộng đồng người Việt ở hải ngoại như thế nào?

Nam Lộc: “Vâng, Việt Dzũng là một người có lòng và có tâm huyết đối với quê hương đất nước, đối với nhân loại nói chung, và đối với đồng bào của mình nói riêng. Khi hoạt động bên cạnh Việt Dzũng, tôi thấy anh ấy là một người đa tài, hoạt động trong nhiều lãnh vực, luôn luôn quan tâm đến tự do dân chủ và nhân quyền ở quê hương mình, luôn luôn quan tâm đến người thấp cổ bé miệng, không nói lên được tiếng nói của mình. Có thể nói một cách tóm gọn là Việt Dzũng là một con người sắt đá nhưng có trái tim nhân ái. Nhưng bên cạnh đó anh là một người dễ xúc động. Chính 2 điểm đó đã giúp Việt Dzũng nói lên được những bất hạnh trên cuộc đời này, những bất hạnh của đồng hương, của nhân loại, nhưng đồng thời cũng là một người dấn thân để mà tranh đấu cho tự do dân chủ và nhân quyền nói chung, và cho quê hương mình nói riêng.”

VOA: Thưa ông xin ông chia sẻ kỷ niệm lần đầu tiên gặp Việt Dzũng trong hoàn cảnh nào và ca khúc nào của Việt Dzũng đã gây nhiều ấn tượng nhất?

Nam Lộc: “Đối với tôi thì một bài hát gây ấn tượng rất là mạnh và có thể là đã tạo cái hình ảnh về Việt Dzũng trong đầu óc của tôi là bài 'Lời Kinh Đêm'. Tôi nhớ mãi đó là thời điểm đầu thập niên 1980. Tôi có nghe tên Việt Dzũng trước đó nhưng đó là lần đầu tiên tôi gặp anh bằng xương bằng thịt là thời gian chúng tôi có một buổi sinh hoạt tôi điều khiển chương trình gây quỹ của sinh viên Đại học Long Beach. Khi tôi giới thiệu Việt Dzũng thì tôi thích ngay bởi vì một người nghệ sĩ trẻ, tóc dài, ôm cây đàn trông rất là nghệ sĩ tính. Anh trình bày một bài hát, giọng rất là ngọt ngào truyền cảm, giọng nói từ tốn, thu hút, tôi thích Việt Dzũng ngay, nhưng khi nghe Việt Dzũng hát thì sự yêu thích quý mến của tôi còn lên gấp bội lần nữa tại vì bài hát anh hát nó ý nghĩa quá. Nhưng mà đến khi tôi biết anh ấy là tác giả bài hát này thì phải nói rằng tất cả sự ngưỡng mộ đưa đến cảm phục quý mến của tôi kéo dài mãi cho đến ngày hôm nay.”

VOA: Dạ thưa ông, sự ra đi của Việt Dzũng ở tuổi 55, hãy còn quá trẻ, đã gây sốc cho một số fan hâm mộ anh, nhưng có lẽ đối với người thân và bạn bè thì có thể không phải là một ngạc nhiên. Như vậy nhạc sĩ Việt Dzũng có thì giờ để tâm sự với ông về những hoài bão mà Việt Dzũng muốn thực hiện trước khi ra đi không ạ?

Nam Lộc: “Chị nói đúng, Việt Dzũng cũng biết là cái tình trạng bệnh trạng của anh cũng không có khả quan, đôi khi tôi tránh đề cập đến, nhưng mà anh em chúng tôi ngồi cạnh nhau cũng không thể không đề cập đến được, nhất là lại có những chương trình, dự án làm việc dự tính làm chung với nhau. Có hai điều, thứ nhất là Dzũng mong mỏi một ngày được trở về quê hương, và những mơ ước của anh không những là anh được về quê hương mà còn được gặp lại đồng bào mình sống dưới một chế độ tự do dân chủ và tôn trọng nhân quyền. Đó là hoài bão lớn của anh. Đối với Việt Dzũng, anh nghĩ rằng ngày đó không xa. Nhưng mà hoài bão gần nhất đối với anh em chúng tôi có lẽ ít người biết là tôi và Việt Dzũng đã âm thầm hoạt động cùng với một số những người có lòng ở Nam California,chúng tôi chia sẻ hoài bão là làm thế nào để dựng lên một cái trung tâm văn hóa của người Việt tại nơi gọi là thủ đô của người tỵ nạn Việt Nam bởi vì sự thành công của người Việt với những công trình xây dựng hay thương mại rất lớn nhưng hầu như chúng ta chưa có một chỗ nào để tạo ra một trung tâm văn hóa hầu giữ lại cái lịch sử thành lập cái thủ đô tỵ nạn, có thể nói là một nơi mà người Việt Nam chúng ta sinh sống và tạo dựng sự nghiệp. Đấy là những điều mà anh Việt Dzũng rất là mong mỏi, hầu cho thế hệ trẻ đi sau biết được cha ông của họ đã làm những gì, đã hy sinh như thế nào và đã bỏ ra bao nhiêu mồ hôi nước mắt để tạo dựng được. Các em trẻ đến thăm khu Little Saigon, các em không có một địa điểm, có chỗ nào để các em tìm hiểu được lịch sử ở đâu, các em chỉ nhìn thấy khu Phước Lộc Thọ chẳng hạn, rồi thấy cái tượng Phước Lộc Thọ, nhiều khi dẫn những người bạn ngoại quốc hay bản xứ, họ lại hiểu lầm hay là đây là tổ tiên của người Việt? Thì đấy là cái hoài bão và quan tâm rất lớn của Việt Dzũng cũng như của anh em chúng tôi.”

VOA: Dạ thưa xin cám ơn ông đã chia sẻ hoài bão đó, nhưng mà hoài bão đó đã trở thành một dự án chưa, và dự án đó có khả thi hay không dựa trên những điều kiện kinh tế hiện nay?

Nam Lộc: “Dạ vâng thưa chị, dự án đó đi có lẽ mới được 1 phần 3 đường, tức là muốn thực hiện được điều đó, như chị đã nói đó là cần phải có một cái dự án tài trợ rất là lớn. Chúng tôi cũng xúc động là chúng tôi cũng đã tiếp xúc được những người có khả năng tài chính để có thể làm điều này, thậm chí có những người có cả địa điểm, đất đai để có thể cống hiến vào công việc này. Tuy nhiên cái vấn đề quan trọng là chúng ta cần nhiều người nắm tay lại, đây là một dự án có tính cách lưỡng lợi cho những người làm thương mại, họ sẽ đóng góp, chia sẻ những sự tốn kém để tạo dựng nên cái trung tâm này. Anh Việt Dzũng và chúng tôi đã gặp được một số các nhân vật đó, và hiện chúng tôi hy vọng là có thể theo đuổi được cái hoài bão này, đặc biệt những người đó là thuộc thành phần trí thức trẻ, thành công trong sự nghiệp và muốn đóng góp một phần vào việc đó. Họ cũng đồng ý với chúng tôi là nếu không thành lập trung tâm này thì một ngày nào đó, những người đi trước không còn hiện diện nữa thì những chi tiết, những tin tức, những cam kết của họ sẽ mất đi thì khó có thể thực hiện được. Thưa chị trả lời câu hỏi của chị thì đây là một công việc không phải là dễ làm nhưng mà nó đã bắt đầu và đã có những người hỗ trợ, thưa chị.”

VOA: Dạ xin cám ơn ông chia sẻ cái hoài bão đó của ông, và cũng là của nhạc sĩ Việt Dzũng. Thay mặt cho Đài VOA và độc giả của đài, xin cám ơn và chúc ông thành công.

Nam Lộc: “Vâng thành thật cám ơn chị và cám ơn độc giả của Đài VOA.”


http://www.voatiengviet.com/content/viet-dzung-giac-mo-chua-thuc-hien/1819280.html

No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết