Sunday, January 5, 2014

ÐUA THUYỀN NGÀY TẾT, LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG CỦA VIỆT NAM


--
ÐUA THUYỀN NGÀY TẾT,
LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG CỦA VIỆT NAM
MƯỜNG GIANG



            Là một quốc gia có bờ biển dài trên 3300 cây số, cùng với sông ngòi,kênh rạch lớn nhỏ, chằng chịt khắp nơi, nên ngay từ thời mới lập quốc, người Việt đã thông thạo thủy chiến, giỏi nghề đi biển, chèo ghe, chống thuyền. Lại nhờ có đất đai phì nhiêu ở hai đồng bằng sông Hồng và sông Cửu, nên cũng là nơi phát xuất nền văn minh lúa nước rất sớm ở vùng Ðông Nam Á. Do đó sông nước luôn luôn là khát vọng trong đời sống hằng ngày của mọi người, qua các hành động đắp đê, khơi ngòi, đào kênh và lê hội đua thuyền khắp nơi trên sông nước, để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng phát đạt, đời sống muôn dân ấm no hạnh phúc.

            Nhờ những hoa văn tìm thấy trên các trống đồng Ngọc Lũ, trong đó có chạm khắc sáu hình thuyền có bánh lái ở trước mũi, sàn cao, thủy thủ hóa trang hình chim cầm cung, không có mái chèo. Theo các nhà khảo cổ, thì các trống đồng trên đã có hơn 2500 năm, tương ứng vào thời các Tổ Hùng nước Văn Lang. Ngoài ra người ta cũng đào được thạp đồng Ðào Thịnh, cùng niên đại với trống Ngọc Lũ, là hai cổ vật biểu tượng của nền văn minh Ðông Sơn rực rỡ của dân tộc Lạc Việt. Những hình ảnh chạm khắc trên thuyền của các đồ đồng tìm thấy, vừa phản ảnh các lễ hội phồn thực của sông nước, đua thuyền, vừa nói lên dân tộc tính bất khuất của VN, qua các thời đại lập quốc , đã chiến thắng và đánh đuổi giặc Tàu phương bắc ra khỏi bờ cõi bằng hải chiến trên các dòng sông thiêng như Hồng Hà, sông Cầu, Lô giang, sông Thương và nhất là Bạch Ðằng Giang. Tinh thần thượng võ và bản sắc tôn giáo của dân tộc , làm nên sinh hoạt văn hiến trong kho tàng văn học VN, mà chúng ta gọi chung là bách hỷ, được thể hiện trong các ngày xuân tết, từ chốn làng mạc cổ xưa ờ miền Bắc, cho tới chốn phồn hoa đô hội khắp nước. Trong cái không khí tưng bừng vui nhộn của hội hè đình đám, diễn ra theo phong tục riêng của từng miền nhưng ai cũng thích các cuộc vui mang tính chất mùa xuân thượng võ của dân tộc. Những cuộc thi bắn nõ, cỡi ngựa ở miền sơn cước và đua thuyền trong ba ngày tết tại các địa phương cạnh sông, ven biển. Những năm gần đây, đất nước đã không còn cảnh bom đạn chiến tranh, nên nhiều nơi như Vĩnh Phúc Yên, Hà Nội, Nam Ðịnh, Thanh Nghệ Tĩnh, Quảng Nam, Phan Thiết, Gò Công, Sóc Trăng.. đều tổ chức đua thuyền rất hào hứng và vui nhộn, thu hút nhiều người địa phương, kể cả du khách trong và ngoài nước tới tham dự.

1- ÐUA THUYỀN TRÊN SÔNG NƯỚC MIỀN BẮC :

            Căn cứ vào sử liệu, ta biết các cuộc đua thuyền qui mô của cả nước, đều diễn ra ở kinh thành Thăng Long. Thời Lý (1000-1224), căn cứ theo văn bia Sùng Thiện Diên Linh, khắc năm 1121, mô tả ngày hội đua thuyền, với hàng ngàn chiếc tham dự giữa dòng sông Nhị Hà. Trong lúc đó trên bến Ðông Thành, vua quan nhà Lý ngự tới Ðiện Linh Quang để xem cuộc đua thuyền. Thời vua Lê chúa Trinh vào thế kỷ XVIII, căn cứ theo các bút ký của các giáo sĩ Tây phưong cho biết, cuộc đua thuyền được tổ chức tại bến Tây Long trên sông Nhị Hà, với những nam nữ trạo phu khỏe mạnh, ngồi trên các thuyền đua thon dài, sơn phết rực rỡ, đồng phục ngồi hai bên mạn thuyền để chèo, đầu thuyền tổng tài đầu chít khăn, lưng thắt một dải lụa màu, tay cầm trống khẩu cầm trịch để chỉ huy. Khắp sông đỏ rực một màu cờ đuôi nheo cắm trên mui thuyền bay phất phới, giữa tiếng chèo khua, sóng vổ mạnh bên hai mạn thuyền, khiến cho thôn làng bến nước càng thêm rộn rã. Trên đảo Quan Lạn, thuộc vùng Quảng Ninh ở biên giới Hoa Việt, hàng năm vào ngày 18-6 âm lịch, cũng tổ chức đua thuyền, mà ca dao xưa vẫn còn truyền khẩu :

‘ Trên thì đông đám thờ thần,
Dưới sông đôi chiếc thuyền rồng chèo bơi ‘.

+ ÐUA THUYỀN TRÊN SÔNG THAO Ở BẠCH HẠC :

             Mỗi độ xuân về trên đất Bắc, hằng năm tại làng Bạch Hạc, đều có tổ chức cuộc đua thuyền trên dòng Lô giang hay là sông Thao. Cuộc đua thuyền này có phần hơi dị biệt với nhiều địa phương khác trong nước. Ðây là truyền thống xuất phát từ những tập tục cổ truyền lâu đời, có liên quan tới lịch sử đấu tranh của dân tộc. Bạch Hạc vùng đất thiêng liêng của Hồng Lạc, ngày xưa chính là kinh đô Phong Châu của nước Văn Lang thời 18 Tổ Hùng trị nước, mà Lê Ngô Các và Phạm Ðình Toái , đã nhắc tới trong tác phẩm ‘ Ðại Nam quốc sử diễn ca ‘

Hùng vương đô ở Phong Châu
Ấy nơi Bạch Hạc, hợp dòng Thao giang
Ðặt tên là nước Văn Lang
Chia mười lăm bộ, bản chương cũng liền

            Làng Bạch Hạc ngày nay thuộc Tổng Nghĩa Yên, Huyện Bạch Hạc, Tỉnh Vĩnh Phú, nằm bên tả ngạn sông Lô (Thao), cạnh đường xe lửa và quốc lộ số 2, cách Hà Nội 70 km. Ngoài huyền thoại có liên quan tới vị Thành Hoàng bản xứ, gọi là Thổ Lệnh Ðại Vương, thì thực chất của cuộc đua thuyền vẫn là cuộc tập luyện thủy quân theo truyền thống thượng võ của dân Việt. Nhờ đó mà nước ta bao đời đã đánh đuổi được giặc thù xâm lăng, trên sông Lô, Cầu, Chương Dương và Bạch Ðằng Giang năm nào. . Do tính chât thiêng liêng trên, nên cuộc đua giữa bốn giáp Bộ đầu, Tiểu hạc, Ðông nam và Thần chúc của làng, rất hào hứng và đầy gây cấn. Theo tập quán, mỗi giáp đều có một chiếc thuyền đua gọi là TRẢI với chiều dài hơn 20m, rộng 1,50m, đóng bằng nguyên cây gỗ chò. Ðây là một loại gỗ quý, mà truyền thuyết bảo là của Long Vương, dùng để làm cột đình chốn Thủy tề. Chiếc Trải có đầu rồng, đuôi rồng, do 50 bạn chèo được chọn từ các tráng đinh khỏe mạnh và trẻ tuổi. Mỗi thuyền có ba người chỉ huy đầy kinh nghiệm, có vai vế và địa vị tại địa phương, một người cầm cờ hiệu đứng trước mũi chỉ huy, người giữa khoang thì đánh trống để đôn đốc và người cuối thuyền cầm lái. Họ chính là những người quyết định thắng bại trong cuộc đua. Riêng các bạn chèo vẫn noi theo nề nếp cổ xưa, chỉ đóng khố, để lộ những thân hình nở nang vạm vở, nhìn đẹp như các pho tượng của những lực sĩ Hy Lạp . Riêng ba bậc đàn anh chỉ huy thì mặc áo dài, , chít khăn đóng, lưng thắt đai đỏ, thái độ ung dung hùng dũng như các vị tướng lãnh thời xưa lúc xung trận. Khởi đầu cuộc đua, bốn chiếc Trái sắp hàng dọc trước đình làng Bạch Hạc. Ðây cũng là điểm xuất phát, từ đó tới ngã ba sông ngánh chảy vào Lô Giang, rồi quay trở lại đình. Cuộc đua thuyền hằng năm chẳng những thu hút dân bản địa mà còn có nhiều du khách và các tỉnh thành lân cận tham dự, rất đông đảo và vui nhộn.

+ ÐUA THUYỀN Ở TỪ LIÊM (HÀ NỘI) :

             Làng Ðăm thuộc xã Tây Tựu, Huyện Tây Tựu , ngoại ô Hà Nội, từ lâu đời đã nổi tiếng về các cuộc đua thuyền trong mỗi độ xuân về, mà ca dao xưa đã nhắc tới ‘ Sù, Gụ thì giỏi chăn tằm. Làng La canh cửi , làng Ðăm bơi thuyền ‘.Làng có ba giáp Thượng, Trung và Hạ, từ xa xưa đều có xưởng thuyên, chuyên sửa chữa cũng như đóng các loại ghe thuyền mới, đặc biệt là loại thuyền đua. Thuyền này được đóng bằng gỗ quý tốt, sơn son thiếp vàng, mũi và lái chạm rồng, có chiều dài chừng 15m. Thuyền có 24 trạo phu và 5 người khác gồm một cầm cờ hiệu đứng trước mũi thuyền, một đánh mõ, một tát nước và hai người chèo lái. Theo sử liệu, thì cuộc đua thuyền hằng năm tại làng Ðăm, đã có từ thế kỷ thứ XV, với truyền thống làm lễ dâng cúng vị thủy thần cũng là thành hoàng của địa phương, để cầu xin mưa thuận gió hòa, mùa màng thu hoạch tốt đẹp. Ngoài ra lễ hội trên còn để tưởng nhớ các Thủy sư đô độc đời Hậu Lê như Nguyễn Hữu Liêm, Ðổ Ðắc Liên.. đều xuất thân từ hội đua thuyền, trước khi trở thành danh tướng của triều đình. Ðây cũng là dịp để trai tráng trong làng rèn luyện lại kỹ thuật thủy chiến, theo đúng tinh thần thượng võ của dân tộc.

            Vì là một làng cổ nơi miền đất ngàn năm văn vật , nên cuộc đua thuyền tại đây được tổ chức thật trang trọng và cho đáo. Ðể chuẩn bị cuộc đua, trước Tết chừng vài tháng , các tráng đinh trong làng đã được huy động , để lo việc duy trì mực nước trong đầm là nơi sẽ diễn ra cuộc đua , do cứ vào dịp Tết, mực nước sông Hồng rất cạn. Ðúng vào ngày hội, từ sáng tới trưa, làng mở cuộc tế lễ cúng Thành Hoàng và các vị Thủy Thần thờ tại Ðình trung có từ lâu đời. Một khán đài được thiết lập bên bờ đầm , để quan viên ngồi xem đua thuyền. Ngoài ra còn có một chiếc thuyền rồng gọi là thuyền quan, trên có thiết ngai và ban nhạc bát âm cổ , để ba quan giám khảo , ăn mặc theo lối võ quan, lưng buộc đai điều, ngồi trên ngai chấm thi. Sự độc đáo trong cuộc đua thuyền của làng Ðăm, so với các nơi khác, là lễ hội vừa đua thuyền vừa té nước, một hình thức văn hóa ca nhạc cổ truyền của Văn Lang mà ngày nay trên đất Bắc gọi là Rối Nước. Do đó trên mỗi thuyền đua, ngoài các trạo phu, còn có hai người nam chuyên ca hát nhảy múa. Trong cái không khí vui nhộn tưng bừng, pha trộn đủ mọi thứ âm thanh dồn dập, từ tiếng rít của lá cờ đại trước sân đình, xen lẫn tiếng đàn phách nhặt khoan phát ra nơi thuyền quan, thuyền đua cùng với tiếng vỗ tay tán thưởng của những người tham dự đứng trên bờ, làm náo động mặt nước trong xanh, tạo nên nỗi náo nức trong tâm hồn mọi người, khiến cho ai cũng mong mỏi ngày vui đừng chóng qua.

2-ÐUA THUYỀN Ở MIỀN TRUNG :

            Miền Trung nước Việt chạy suốt từ Thanh Hóa vào tới ranh giới tỉnh Biên Hòa, Phước Tuy, nào là bờ biển sông ngòi , nên điạ phương nào vào những ngày Tết Xuân hay Lễ Hội, đều có tổ chức các cuộc đua thuyền rất vui nhộn, nên người Thanh Hóa đã có câu ca dao cổ hầu như ai cũng thuộc :

‘ Cầu Quan vui lắm ai ơi
Trên thì họp chợ, dưới bơi thuyền rồng ‘.

+ ÐUA THUYỀN RỒNG TẠI XÃ BẠCH NGỌC , TỈNH NGHỆ AN :

             Xứ Nghệ là miền đất cổ nổi tiếng của VN, nơi đã sinh ra rất nhiều danh nhân nổi tiếng qua hầu hết các giai đoạn lịch sử được ca tụng. Nghệ An đất rộng người đông lại nằm sát biển Ðông và có nhiều sông rạch chằng chịt, trong đó có sông Cả mà phần hạ lưu, túc là Lam Giang chảy ngang qua tỉnh, vì vậy ngư nghiệp ở đây rất phát đạt. Do đó người xứ Nghệ rất thích đua thuyền và các cuộc vui thường diễn ra trong dịp Tết Nguyên Ðán, giữa các đội nam nữ trong tỉnh. Tuy nhiên xưa nay nổi bậc hơn hết vẫn là cuộc đua thuyền rồng , được tổ chức ba năm một lần, vào dịp tết tại làng Bạch Ngọc, huyện Ðô Lương . Ðây là một lễ hội quan trọng, đã có từ lâu đời, trong nghi thức ghi nhớ công đức của Ðức Uy Minh Vương Lý Nhật Quang là con thứ 8 của Lý Thái Tổ. Ông là một danh tướng của Ðại Việt, có công ngăn chận được giặc Chiêm nơi biên tái, trong thời gian trấn nhậm ở phương Nam. Do đó dân chúng sống cảnh thanh bình, no cơm ấm áo, vì vậy bản địa đã tôn ông là Thành Hòang để phụng thờ , hương khói ngàn năm không dứt.

            Trong ngày Hội, trước khi cuộc đua thuyền rồng bắt đầu, buổi sáng là cuộc tế thần, các vị chức sắc và bô lão dâng hương trong đền. Tiếp theo là cuộc rước thuyền rồng trên bộ, suốt lộ trình từ Ðền Quả thờ Uy Minh Vương, tới Ðền thờ Bà Bụt trên bờ Lam Giang. Ðám rước thật long trọng với cờ xí, chiêng trống, ban nhạc bat1 âm cổ và đoàn lân. Ði giữa đám rước là bốn con ngựa gỗ, từng cặp được sơn màu hồng và trắng, do các tráng đinh mặc y phục mã phu đẩy. Nổi bậc nhất trong đám rước là đoàn thuyến rồng, gồm 12 chiếc, do các trạo phu mặc đồng phục khiêng.

            Sau khi nghi thức tế tự được kết thúc tại Ðền Bà Bụt, đoàn thuyền rồng mới hạ thủy và bắt đầu cuộc đua trên sông Lam. Ðường đua tuy không dài nhưng phải lượn nhiều vòng trong chu vi ấn định sẵn, lại có nhiều đội tham dự, nên rất sôi nổi hào hứng, vì ai cũng muốn đem danh dự về cho địa phương mình, dù phần thưởng chỉ có Một Lá Cờ và Phong Pháo Ðỏ.

            Nghệ An là đất ngàn năm văn vật, quê hương của Mai Hắc Ðế, Nguyễn Trường Tộ, Phan Bội Châu và Liệt Sĩ Pham Hồng Thái.

+ ÐUA THUYỀN TẠI XUÂN HỘI, HÀ TỈNH :

             Ðây là một trong 15 bộ của nước Văn Lang, thời các Tổ Hùng trị quốc, trung tâm của nền văn hóa Ðông Sơn , miền đất thi thơ được nhắc nhớ nhiều nhất trong văn học sử Ðại Việt, qua nhiều kiệt tác phẩm như Ðoạn Trường Tân Thanh, Hoa Tiên.. của các tên tuổi lừng danh kim cổ như Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Công Trứ, Phan Ðình Phùng, Cao Thắng.. miên viễn sống mãi trong tâm hồn người Việt. Hà Tĩnh đất hẹp lại cằn khô, cày lên sọi đá, bao nhiêu đời làm phên giậu phía nam, chống đỡ các cuộc xâm lấn của Chiêm Thành. Do nhiều năm tiếp xúc lẫn nhau giữa hai dân tộc, nên giới ngư dân Hà Tĩnh cũng tin thờ Nam Hải Ðại Tướng Quân (Cá Voi). Ðiều này cũng dễ hiểu vì đất đai miền Trung, từ Hà Tĩnh vào tới Bình Thuận, dãy Trường Sơn, nhiều đoạn chạy ra sát biển, làm cho nhiều vùng trở nên cằn cỗi vì đất ruộng trộn lẫn lộn đá núi, nên nghề nông không đủ nuôi sống mọi người. Do đó phần lớn bản địa sống nhờ biển cả, mà nghề hạ bạc này, bao đời cũng không phải là điều kiện tiên quyết trong việc kiếm manh áo chén cơm hằng ngày. Trước những thảm trạng do thiên tai có thể mang tới bất kỳ, người dân khốn khổ chỉ còn biết tin tưởng vào thần linh. Ðể mong được che chở cứu giúp và từ cái tâm sinh lý trên, , người dân làm biển, sống từ phía Nam Ðèo Ngang vào tận Trấn Hà Tiên sát biên giới Miên-Việt, hầu như trong các lễ hội truyền thống của dân miền biển, đều mang nặng tính chất tín ngưỡng dân gian. Ðây là sự khác biệt trong cùng một nền văn hiến, văn minh Ðại Việt, giữa hai miền đất ngăn cách bởi Ðèo Ngang trong tỉnh Hà Tỉnh. Nói chung từ phía bên kia Ðèo Ngang ra tới biên giới Hoa-Việt, hầu hết các lễ hội dân gian, trong đó có đua thuyền, mang nặng tính chất thượng võ của một dân tộc bất khuất , môt quốc gia ham chuộng tự do độc lập , nên luôn sống trong tình trạng phải chiến đấu chống giặc Tàu xâm lăng .

            Tháng giêng mùa tết hằng năm, cũng là lúc ngư dân Hà Tĩnh bắt đầu làm lễ hạ thủy và cúng cầu ngư tại các Dinh, Vạn thờ thần ở ven biển, thuộc xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên. Tiếp theo đó là các cuộc đua thuyền được tổ chức khắp nơi như Trung Lương, ẩm Xuyên nhưng hấp dẫn hơn hết vẫn tai Xuân Hội. Ðây là một làng đánh cá nằm bên cửa Hội, thuộc xã Hội Thông, huyện Nghi Xuân. Làng này có bốn thôn đều tham dự cuộc đua thuyền. Theo truyền thống , mỗi thôn có một thuyền đua gọi là Nô Ốc , với 20 tay chèo ,do một tổng lái đầy kinh nghiệm điều khiển. Ðường đua là khúc hạ lưu sông Lam, phần chảy trong điạ phận Hà Tĩnh. Ðoạn sông này dài trên 1,5km nhưng cac thuyền phải bơi đủ 4 vòng. Trong ngày hội, cửa Ðình thờ Thần, đã mở rộng từ sáng sớm để mọi người vào cúng lạy. Trên các bệ thờ , hoa quả cùng với hương đèn tỏa mùi thơm ngát khắp nơi, các vị bô lão và chức sắc địa phương ăn mặc thật chỉnh tề trịnh trọng, cùng với các tổng thuyền vái lạy thần linh, trước khi phát pháo mở đầu cuộc đua thuyền.

            Trong lúc đó, ngoài sân đình kéo dài bờ sông Lam, dân chúng xa gần tụ tập đứng kín mít hai bên đường,reo hò inh ỏi, xen lẫn với tiếng chiêng trống, pháo nổ và các tràng pháo tay gần như bất tận, để mừng chiếc thuyền đua về nhất.

+ ÐUA THUYỀN TẠI ÐỒNG HỚI, QUẢNG BÌNH :

            Tỉnh nằm trên cửa ngỏ dẫn vào cố đô Huế, vùng này có bề ngang hẹp nhất VN, vì núi lấn sát biển , nên từ xa xưa các làng mạc thường được xây dựng dọc theo hai bên đường cái quan, chạy sát duyên hải mà hầu hết sống bằng nghề đánh cá. Hai con sông Linh Giang (Gianh) và Nhật Lệ , một thời làm nhân chứng trong các cuộc chia cắt đổi chủ thay ngôi trong cuộc chiến Việt-Chiêm và mấy mươi năm nội chiến Trinh-Nguyễn. Vì dân chúng hầu hết quen sống trên sông nước, nên tại đây cũng có rất nhiều lễ hội liên quan tới đời sống của người miền biển, mà tiêu biểu hơn hết là lệ cúng cầu ngư trong những ngày tết nguyên đán và cúng Ông Nam Hải, tại thị xã Ðồng Hới, tỉnh lỵ tỉnh Quảng Bình, được xây dựng trên cửa sông Nhật Lệ . Hội đua thuyền tại đây được tổ chức 6 năm một lần,mang tính chất thuần túy tôn giáo, trước là để cúng thần cầu ngư, mong được mưa thuận gió hoà, sau đó cũng là dịp để tưởng nhớ những người kém may mắn, bất hạnh đã chết thảm trên sóng nước vì bão táp trong lúc hành nghề hạ bạc.

            Trong cuộc đua thuyền, có tất cả 6 vạn chài nằm hai bên bờ sông Nhật Lệ, của thị xã tham dự. Thuyền đua ở đây dài chừng 13m, đóng bằng gỗ tốt với kỹ thuật tinh xảo, trang trí theo hình rồng phụng. Mỗi thuyền có 34 tay bơi, cộng thêm lái chính, lái phụ, người đánh mõ và người tát nước. Không như các địa phương khác, cuộc đua thuyền tại đây kéo dài tới ba ngày với các nghi thức cổ truyền, trong đó có lễ rước các vong linh nhưng nạn nhân đã chết trôi. Cuộc tế lễ vô cùng trang trọng và cảm động , với sự tham gia của 6 thuyền đua, dàn hàng ngang như một biểu tượng để tang. Mỗi thuyền k1o theo một chiếc phao có ghi tên tuổi những người bất hạnh của thôn mình. Ðoàn thuyền xuôi nhẹ trên dòng Nhật Lệ hướng ra biển, qua cửa Lạch rồi quay lại thị xã. Những chiếc phao nổi bềnh bồng trên mặt nước phía sau thuyền, tưởng như những âm hồn uổng tử đang ngự trên đó, theo những tiếng hò hát của các trạo phu vang dậy khắp bến bờ “ Ôm phao, phao mà về . Ôm phệ, phệ mà về “.Quang cảnh lúc đó làm cho những người đang chứng kiến không thể cầm nổi nước mắt.

            Rồi cuộc đua bắt đầu với một lộ trình thật dài, vừa vừa về khởi hành từ Ðình Ðông Hới ra tận cửa Lạch trên sông gần 20 km, khiến cho cuộc thi tài thêm phần hào hứng, vừa chứng tỏ thiện chí cũng như khả năng đi biển của dân Quảng Bình. Sau cuộc thi, thuyền nào về nhất , được dân chúng và quan viên hoan hô nhiệt liệt.

+ ÐUA THUYỀN TRÊN SÔNG THU BỒN CỦA PHỤ NỮ QUẢNG NAM :

             Sông Thu Bồn là một đại giang trong tỉnh Quảng Nam, phát nguyên tận Kontum, chảy qua nhiều thôn xóm đồng ruộng màu mỡ của các quận Ðại Lộc, Duy Xuyên, Ðiện Bàn và ra biển Ðông tại cửa Ðại Chiêm ở Thị xã Hội An cổ kính. Thuở xưa xa khi Chiêm Thành còn cường thịnh, đã xây dựng hai công trình kiến trúc nổi tiếng, tới nay vẫn còn lưu lại với thời gian, đó là Thành địa Mỹ Sơn và kinh đô Trà Kiệu, đều nằm trên lưu vực sông Thu Bồn. Ngoài ra suốt vùng, còn có nhiều tháp, lăng, miếu thờ Thiên Y Ana, một vị nữ thần của người Chàm, đã được Việt hóa thành một Thánh Mẫu trong thơ văn, trong khung cảnh lung linh huyền ảo của Tam giáo,với danh xưng thật đẹp “ Bà Chúa Ngọc Diễn Phi “ , được người Việt địa phương thờ kính. Tại làng Thu Bồn, xã Duy Tân, quận Duy Xuyên , dân làng lập miễu thờ bà chúa trên, mà bản địa gọi là Bà Thu Bồn hay Poh Poh Phu Nhân. Hằng năm ở đây đều có tổ chức vào những ngày Tết “ Hội Vía Bà “ vói những cuộc vui, trong đó trang trọng nhất vẫn là cuộc đua thuyền của phụ nữ trên sông Thu Bồn.

            Tham dự cuộc đua gồm có các xã ở dọc hai bờ sông Thu như Duy Tân, Duy Châu, Duy Thu ( thuộc quận Duy Xuyên) và Ðại An, Ðại Cường, Ðại Nghĩa ( quận Ðại Lộc ).. Mỗi thuyền gồm 24 nữ trạo phu, đa số là các thiếu nữ khòa mạnh nhưng hai người chỉ huy trước lài và sau mũi thuyền, luôn luôn là phụ nữ trung niên lanh lợi, có đầy kinh nghiệm sông nước. Người chỉ huy đầu chít khăn màu, lưng buộc thắt lưng ngủ sắc. Riêng các nữ trạo phu đều mặc đồng phục. Ðể tỏ lòng t6n kính thần linh, những người tham dự, trước nhiều ngày đều chay tịnh, tắm rửa sạch sẽ, ăn vận đẹp đẽ lịch sự. Cuộc đua vô cùng sôi nổi hào hứng không kém gì các cuộc đua thuyền của nam giới. Lòng sông hẹp, đường lại dài, các đối thủ phải vận động hết kỹ thuật chèo chống để mong chiếm giải. Tiếng chiêng trống, pháo nổ chen lẫn lời cổ võ hò hét hai bên bờ đại giang, làm cho dòng sông cũng vui lây trong ngày hội.

+ HÒ BÁ TRẠO VÀ ÐUA GHE TẠI THÀNH PHỐ PHAN THIẾT

             Từ phía nam Ðèo Ngang vào tận Hà Tiên, ra tận các hải đảo Phú Quý, Phú Quốc.. trong các ngày Tết hay giỗ cúng Ông Nam Hải, ngư dân điạ phương đều tổ chúc đua ghe và hò Bá Trạo tại các Dinh, Vạn thờ Thủy Thần. Hò Bá Trạo , một hình thức hát chèo, mang tính chất tín ngưỡng dân gian, phản ảnh sinh hoạt của ngư dân hành nghề trên sông nước. Nói chung đây là một nghệ thuật sân khấu bình dân, tổng hợp nhiều thể điệu dân ca miền Trung như hò, vè, lý, hát tuồng, nói lối. Các diễn viên vừa ca ngâm , vừa thủ bộ giữa hoạt cảnh tưởng tượng , nên rất sôi động và hấp dẫn.

            Ðối với cả nước, Phan Thiết xưa nay vẫn là một địa danh quen thuộc và nổi tiếng về ngư nghiệp cũng như nghề sản xuất nước mắm, chế biến hải sản. Cái tên công ty Liên Thành, một thương hiệu đầu tiên của người VN làm chủ trong thời Pháp thuộc, chẳng những lừng danh trong thương trường mà còn rạng rỡ trong dòng Việt sử cận đại, qua sự liên hệ với phong trào Duy Tân, do các chí sĩ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng .. đề xướng và hoạt động vào những năm đầu của thế kỷ XX. Nhưng xú danh hơn hết vẫn là cái di sản mang tên trường tư thục Dục Thanh, nơi có thời gian ngắn cưu mang Nguyễn Tất Thành trong lúc cùng khốn vì tán gia bại sản, do cha là tri huyện Bình Khê, Bình Ðịnh Nguyễn Sinh Sắc đánh chết người, trong lúc say rượu nên bị bãi chức. Cũng do sự liên hệ đó,nên khi VC vào Phan Thiết, đã cướp của đuổi nhà hàng trăm gia đình sống lâu đời tại Cồn Cỏ-Ðức Nghĩa, Phan Thiết, quanh khu vực các đường Trưng Nhị, Phan Bội Châu, Ðội Cung, để lập khu lưu niệm .

            Ba trăm năm qua, ngư nghiệp vẫn là ngành kinh tế hàng đầu của Bình Thuận. Nhưng dù có dùng thuyền buồm lá buông từ nửa thế kỷ trước hay được trang bị nửa thế kỷ sau, bằng thủy động cơ tối tân, thì ngư dân Phan Thiết vẫn chia phân bang hội rõ ràng như Mành đèn Nam Nghĩa, Manh chà Thủy Tú, Câu khơi Nam Hải, Rớ Phú Trinh, Câu thúng và Rọ ốc Ðức Long. Các hội chài trên dù lớn hay nhỏ, đều có Dinh, Vạn hay Chùa thờ Nam Hải Ðại Tướng Quân (Cá Ông). Ngoài ra mỗi Dinh, Vạn đều có một đội thuyền đua nhưng bao đời mạnh nhất vẫn là hai đội Thủy Tú và Nam Nghĩa. Một huyền thoại đep có liên quan tới việc đua thuyền tại Phan Thiết, đó là câu chuyện của một nữ Mạnh Thường Quân tại Ðức Nghĩa tên Chút của 100 về trước, đã cưu mang và bảo trợ cho đội thuyền đua của Vạn Mành Mòi Nam-Nghĩa tại phường Ðức Nghĩa. Vì vậy từ trước đến nay, cứ mỗi lân tham gia cuộc đua, đội này luôn noi theo tập quán cũ, là bơi quanh một vòng trước nhà của người quá cố ở xóm Cồn Cỏ, bên bờ sông Cà Ty, đối diện với khu Văn Thánh Phú Trinh. Mục đích là tưởng nhớ tới tấm lòng vàng , đã giúp cho họ đoạt được nhiều giải thưởng trong quá khứ.

            Theo quan niệm của người Bình Thuận cũng như các ngư dân sống ven duyên hải từ Hà Tĩnh vào tới Hà Tiên, thì đua ghe trong các các cuộc tế lễ cầu ngư theo truyền thống là sự cầu xin các đấng thủy thần giúp mưa hòa gío thuận, biển cá đầy khơi, đời sống ấm no hạnh phúc. Ðây cũng là dịp người sống siêu linh tịnh độ cho những kẻ bất hạnh, đã chết oan uổng vì thiên tai bảo tố, cá mập, đẻn độc trên biển sóng lúc hành nghề. Do đó trước các cuộc đua thuyền, Dinh-Vạn nào cũng đều cúng tế linh đình, sau đó là cuộc rước thuyền trên bộ , từ các chùa Hội quán tới sông Cà Ty, chảy giữa thành phố Phan Thiết. Ðám rước thật trang trọng, có Hò Bá Trạo và Ðoàn Lân , nên lúc nào cũng thu hút nhiều người tham dự.

            Ðua thuyền là một nghệ thuật nhưng thắng hay bại vẫn do yếu tố kỹ thuật quyết định, tức là chiếc thuyền đua và người tổng lái chỉ huy. Không giống như các loại thuyền rồng đóng theo kiểu thuyền ngự của vua chúa ngày xưa, tại các tỉnh miền Trung và Bắc Hà. Thuyền đua của người Bình Thuận đóng với gỗ bằng lăng nhẹ, thân thuyền dài, mũi nhọn, lái thon. Tóm lại đóng sao để toàn thân chiếc thuyền khi nhìn có cảm giác như một con thoi đang nhẹ lướt trên khung cửi, có như vậy thuyền đua mới vượt qua được dòng nước chảy xiết và gió thổi ngược. Còn các đồ để bơi như dầm phách, dầm ngang, dầm xeo cũng được đẽo với gỗ bằng lăng. Nhưng quan trọng nhất vẫn là cây chèo dài của tổng lái, cũng là người chỉ huy thuyền, phải làm bằng một loại gỗ đặc biệt, có sức uốn mạnh và chịu đựng dẻo dai, khi tói các khúc cua ngặt nghèo. Toàn thân thuyền được sơn phết rất đẹp, riêng cặp mắt được kẽ theo mắt của loài chim phụng hoàng với đuôi mắt thật dài, con ngươi tròn, viền trắng, tạo cho thuyền có khí phách của một kình ngư đang vẫy vùng nới biển cả.

            Ba trăm năm qua,địa điểm đua ghe vẫn là khúc sông chảy ngang Tháp nước (Chateau D’eau) , đến đồn Hải Thuyền sát cửa Thương Chánh, dài chừng 1km và phải lượn nhiều vòng. Trước thàng 5-1975, cuộc dua thường diễn ra giữa bốn Vạn chài lớn trong thị xã Phan Thiết là Thủy Tú (Ðức Thắng), Nam Nghĩa (Ðức Nghĩa), Hiệp Hưng (Bình Hưng) và Hưng Long. Tuy vậy lần nào cũng thực là hào hứng và sôi nổi, vì bốn vạn gần như ngang tài. Tiếng chiêng trống, vổ tay, hò hét xen lẫn giọng hò dô ta của các trạo thuyền, cơ hồ muốn xé nát không gian nơi dòng sông Mường Mán. Trên bờ ai cũng hồi họp theo dõi cuộc đua, nhất là lúc các thuyền tranh nhau quẹo khúc cua 180 độ, nơi cọc tiêu cắm nơi hai đầu đoạn đường đua ấn định. Sông hẹp mà thuyền lại dài nhưng nhờ các trạo đều là những thanh niên khỏa mạnh, đầy kinh nghiệm chèo chống, nên đã tránh được những va chạm chèn ép hay lật thuyền. Thuờng hai vạn Thủy Tú (Chà ) và Nam Nghĩa (mành) thay nhau đoạt giải, chứ không bao giờ tới phiên hai vạn Hiệp Hưng và Hưng Long, nên người điạ phương gọi đó hai ghe ‘ Cô ốCậu ‘.

            Sau này hội đua ghe được mở rộng khắp tỉnh Bình Thuận, chứ không còn dành riêng cho thành phố Phan Thiêt, dù địa điểm vẫn là khúc sông Cà Ty, chảy trước vườn hoa Ðộc Lập. Vì vậy ngoài các Vạn chài cũ, còn có sự tham dự của các Hội Long Hương, Phan Rí Cửa, Mũi Né, La Gi và Phú Quý, nên càng hào hứng , làm cho ngày Tết thêm khởi sắc. Ðây cũng là dịp để mọi người quên bớt muộn phiền đeo đẳng cả năm vì chén cơm manh áo.

3- ÐUA THUYỀN TRÊN SÔNG NƯỚC MIỀN NAM :

             Nam phần VN kênh rạch chằng chịt, lại có nhiều sông lớn như Ðồng Nai, Cửu Long, Vàm Cỏ.. nên hầu như ai cũng biết bơi lội và chèo thuyền, vì vậy suốt 300 năm qua, các hội đua thuyền phát triển rất mạnh. Nếu ở miền Bắc, đua thuyền nói lên tinh thần thượng võ chống xâm lăng của dân tộc Ðại Việt, miền Trung đua ghe cầu biển gió thuận mưa hòa thì ở Nam phần, lễ hội đua ghe lại gắn chặt với lễ cầu mưa tưới ruộng đồng, vuờn tược nhất là những năm trời hạn hán. Ðó là sự thống nhất về ý nghĩa của dân tộc Việt, dựa theo điều kiện về địa lý, lịch sử và tín ngưỡng dân gian của một quốc gia sống chủ yếu về nền nông nghiệp trồng lúa nước và làm biển.

            Tại những vùng sống bằng nghề đánh cá biển, các cuộc đua thuyền thường tổ chức vào dịp cúng nghinh Ông Nam Hải, tuỳ theo tập quán địa phương như Vàm Láng (Gò Công) vào ngày 16-6 âm lịch, Cần Giờ ngày 16-8 ÂL, Vàm sông Ông Ðốc (Cà Mâu) ngày 16-2..

            Ở Cần Ðước, Cần Giuộc, Vàm Cỏ (Long An) thường tổ chức đua ghe vào dịp cúng cầu mưa. Ghe đua ở đây đan bằng tre trét chai , thon dài có 20 tay bơi. Cuộc đua có khi tổ chức giữa các làng trong quận hay giữa các quận nên có nhiều hội tham dự, làm cho không khí thêm sôi nổi hào hứng. Cũng giống như các nơi khác, trên mỗi chếc thuyền đua, ngoài các thanh niên khoẻ mạnh chèo, còn có một người chỉ huy đứng đằng mũi, một người chèo lái và một người đứng giữa đánh trống. Trên bờ dọc theo sông cờ xí chiêng trống vang lừng, mọi người tham dự vỗ tay cổ võ, làm cho quang cảnh ngày hội thêm náo nhiệt. Ngoài ra còn có nhiều địa phương, tổ chức cuộc đua ghe trên bờ, giống như Hò Bá Trạo ở Phan Thiết. Các tay trạo chừng 20 thanh niên lực lưỡng còn độc thân, mặc áo bà ba đen, chít khăn rìu xanh, lưng buộc đai điều để thòng hai múi dài. Có đội mình trần chỉ mặc quần túm ống, xếp đội hình như trên chiếc ghe đua. Dẫn đầu đám rước là ông Ðịa, từ Ðình Làng thờ Thành Hoàng, đi về hướng sông hay kênh rạch tại điạ phương, với các động tác như đang bơi thuyền, qua sự chỉ huy của người cầm lái, vừa đi vừa chèo, vừa hò hát cùng với sự phụ họa của mọi người, theo điệu Lý của Miền Nam , rất vui nhộn.

+ ÐUA GHE NGO TRONG NGÀY HỘI ÔK-ÔM-BOK TẠI SÓC TRĂNG :

            Tỉnh Ba Xuyên hay Sóc Trăng trước tháng 5-1975 thuộc Vùng IV chiến thuật, nằm giữa Phong Dinh và An Xuyên , bên hữu ngạn sông Hậu, ruộng đất cò bay thẳng cánh , nên ngoài lúa gạo còn có hai đặc sản rất được người cả nước ưa chuộng, đó là lạp xưởng và rượu đậu nành. Ðiều này cũng dễ hiểu, vì Sóc Trăng ngoài người Việt, còn có nhiều người Khmer và Minh Hương gốc Triều Châu sinh sống . Hai sản phẩm trên là của người Tiều, thường sản xuất vào những ngày Tết Nguyên Ðán. Ngoài ra vùng này cũng có nhiều Việt gốc Miên sinh sống lâu đời

            Hằng năm người Khmer sống ở Châu Ðốc, An Giang, Kiên Giang , An Xuyên và Ba Xuyên (trừ Vĩnh Bình) , đều có chung ngày lễ Ôk-Ôm-Bok hay Hội cúng trăng, tổ chức vào tháng 12 theo Phật lịch, rất long trọng và náo nhiệt. Dịp này có tổ chức đua ghe Ngo trong cộng đồng người Việt gốc Khmer sinh sống tại Nam phần.

            Ghe Ngo có mũi cong, đóng bằng một thân cây lớn,có chiều dài từ 30-40m, khoét giữa làm chỗ ngồi cho khoảng 50 tay chèo. Ðầu ghe chạm trổ hình rồng rắn, toàn thân ghe được sơn phết nhiều màu sắc, lại còn vẽ thêm nhiều hình kỷ hà học. Ðịa điểm xưa nay đều tổ chức tạiVàm Tho (Pomkentho), thuộc quận Mỹ Xuyên, gần tỉnh lỵ Khánh Hưng (Sóc Trăng). Ðây là một vùng kênh rạch chằng chịt, nơi hội tụ của sông Cổ Cò, rồi từ đó mới chảy ra biển Ðông tại cửa Tranh Ðề. Do trên nơi này rất thuận tiện , để các ghe Ngo tứ xứ kéo tới tham dự cuộc thi. Ðoạn sông này lại thẳng tắp, dòng nước luôn chảy chậm , hai bên bờ có nhiều làng xóm chợ búa, nên quang cảnh rất náo nhiệt đông vui. Trong ngày hội, ngoài dân bản địa, còn có khách tứ xứ , theo các ghe Cà Châu, Cà Chai, giống như đò dọc ở Tam Kỳ, Hội An hay miền trung châu Bắc Việt., ăn ở luôn dưới ghe suốt cuộc lễ, cho tới khi tan hội mới trở về xứ.

            Từ khi VC chiếm miền Nam VN, hội đua ghe Ngo được dời về thị xã Sóc Trăng, để các tín đồ Phật giáo nguyên thủy (Theravada), đi lễ bái tại các chùa Mã Tộc, Kh’Leang, Ðất Sét.. Mấy năm gần đây, mỗi lần đua ghe Ngo, thu hút vài trăm ngàn người Miên, lẫn Việt và Hoa kiều, khắp miền Nam, kể cả Thủ đô Sài Gòn về Sóc Trăng tham dự.

            Ðua thuyền và những sinh hoạt trên sông nước VN, đã gắn liền với lịch sử Hồng Lạc, từ buổi bình minh dựng nước cho tới nay, đã giúp cho thủy quân nước ta đầy hiển hách, qua những chiến thắng vang lừng của Ngô vương Quyền Ðại Ðế đánh tan giặc Nam Hán, trên Bạch Ðằng Giang năm Mậu Tuất 938. Tiếp theo là Ðại Tướng Lý thường Kiệt đời Hậu Lý, tiêu diệt quân Tống trên sông Như Nguyệt. Nhưng lừng lẫy nhất vẫn là Hưng Ðạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn, Thượng tướng Trần Quang Khải.. đã tiêu diệt quân Nguyên Mông tại Chương Dương, Vân Ðồn, Bạch Ðằng vào năm 1288. Gần 500 năm sau, Ðại Ðế Quang Trung Nguyễn Huệ, cũng dùng thủy chiến và hỏa công, đốt cháy 300 tháp thuyền của quân Tiêm La, tại Rạch Gầm, Xoài Mút, tỉnh Ðịnh Tường. năm 1785. Ngoài ra thủy quân Ðàng Trong do Thế tử Nguyễn Phúc Tần, đã đốt cháy và đánh đắm nhiều tàu chiến của Tây Ban Nha, vào thế kỷ XVII tại bờ biển Hội An. Thời vua Gia Long, lần nữa thủy quân Nhà Nguyễn lại chiến thắng Hải quân Anh Cát Lợi tại Phố Hiến, Hưng Yên (Bắc Việt). Khi thực dân Pháp xâm lăng nước ta, nghĩa quân đã đốt nhiều tàu Tây trên Lô Giang ở đất Bắc cũng như trận hỏa hồng do Nguyễn Trung Trực chỉ huy tại sông Vàm Cỏ, tỉnh Long An. Cuối cùng vào những ngày Tết 1974, Hải quân VNCH dù bị Mỹ trói tay, nhưng cũng đã bắn cháy nhiều chiến hạm của Trung Cộng, có VC đồng lõa, trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 9 tháng 1, tính đến nay đã 40 năm qua nhưng nhắc đến, hàu hết người Việt trong và ngoài nước (trừ CSVN) đều căm thù tột đỉnh kẻ xâm lược là Tàu đỏ và lũ Việt gian VC nối giáo bán nước cho giặc.

            Cuộc vui nào cũng tàn, những ngày Tết lại qua mau, đồng bào cả nước lại đầu tắt mặt tối lo chén cơm manh áo để nuôi thân và nuôi chủ nghĩa xã hội, hiện nay đang đứng đầu thế giới về tham nhũng, độc tài, chà đạp nhân quyền, đàn áp tín ngưỡng, hủy hoại nhân cách và tinh thần chiến đấu của dân tộc VN có tự ngàn đời.


Xóm Cồn Hạ Uy Di
Giêng 2014
MƯỜNG GIANG.

Kính Chuyển
MG

No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết