Wednesday, February 5, 2014

Tiếng Nói từ Mộ Đức, Quảng Ngãi

---------- Thư đã chuyển tiếp ----------
Từ: Linda Lyly
Subject: Fwd: [svsqk24] Fw: Tiếng nói Mộ Đức, Quảng Ngãi

Tiếng Nói từ Mộ Đức, Quảng Ngãi

Đỗ Mai Lộc
EmailIn

POSTED  BY HOANGHAITHUY

“Không ai làm Thủ tướng lâu như tôi và cũng không ai làm khổ dân nhiều hơn tôi!”  Phạm Văn Đồng.

Trang Nhà “VietQuoc.org” đăng bài “Tiếng Nói từ Mộ Đức” của ông Đỗ Mai Lộc. Ông này tự nhận là cháu của Cựu Thủ Tướng Cộng Sản Việt Nam Phạm Văn Đồng. Mời độc giả đọc bài của người công dân Mộ Đức-Quảng Ngãi viết về người “Thủ Tướng” sinh truởng ở xứ ông. Người viết Đỗ Mai Lộc hiện ở trong nước.


TIẾNG NÓI từ MỘ ĐỨC

Đỗ Mai Lộc


Viết tưởng niệm 50 năm ngày ông Phạm Văn Đồng, người là Bộ Trưởng Thứ Nhất chính phủ Bắc Việt Cộng Sản, ký công hàm công nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Trung Quốc.

Tôi xin tự giới thiệu: Tôi là một công dân sinh ra và lớn lên trên quê hương Mộ Đức của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tôi được đào tạo liên tục từ tiểu học lên đại học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Về mặt gia đình tôi gọi ông Đồng bằng “ông”. Do có quan hệ họ hàng nên trong gia đình tôi năm xưa có người theo ông Đồng rồi bị Pháp bắt và sát hại từ những năm 1930.

Không khoe khoang nhưng tôi muốn nói rằng không có lý do gì mà tôi lại không tự hào tôi có liên hệ gia đình với ông Phạm Văn Đồng và không nói tôi kính trọng ông Phạm Văn Đồng.

Đúng là thế hệ chúng tôi đã từng tự hào là quê hương chúng tôi đã sinh ra một người con ưu tú như ông Phạm Văn Đồng. Một sự tự hào đã được giáo dục để trở thành “bản năng”, như là một “phản xạ không điều kiện”, mà trong tất cả các bài tập làm văn chúng tôi đều phải có những câu đại loại: “tự hào là một học sinh dưới mái trường XHCN, tự hào được sống trong thời đại Hồ Chí Minh, tự hào quê hương đã sinh ra Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại“, vân vân và vân vân.

Nhận thức về sự kính trọng và tự hào cũng được đúc ra từ những khuôn mẫu có sẵn nhưng rồi cũng đến lúc chúng tôi phải tìm hiểu về giá trị thật của những gì mình đã từng tự hào kính trọng. Chẳng hạn, cái gọi là mái trường XHCN mà chúng tôi ca ngợi cho đến bây giờ như thế nào vẫn chưa định hình được. Ngày xưa “nhất quyết theo Xã Hội Chủ Nghĩa, bây giờ theo ” kinh tế thị trường với định hướng Xã Hội Chủ Nghiã.” Xã hội được đánh giá là “xã hội phát triển”, như vậy có nghĩa là càng đi xa Chủ Nghĩa Xã Hội thì xã hội càng phát triển?
Còn về ông Hồ Chí Minh thì nhiều người đã nói rồi, tôi chỉ có thể ghi thêm lời dân gian quê chúng tôi ta thán:

“Sống dưới triều đại Đười Ươi
Làm con thì được, làm người thì không.”

Hôm nay, là người dân Mộ Đức, tôi nói về ông Phạm Văn Đồng — người hơn 30 năm làm Thủ tướng, ông Phạm Văn Đồng đã làm được gì cho đất nước,cho dân tộc?

Gọi ông là một nhà ngoại giao, một nhà chính trị tài ba đã giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là không đúng, bởi vì cuộc chiến tranh này có thể tránh được. Vả lại “thắng” nhưng không có “lợi”, những người Mỹ, chính sách Mỹ mà ông Đồng chống và làm mất hàng triệu xương máu nhân dân ta bây giờ được mời quay lại Việt Nam. Cũng không có “nhà ngoại giao tài ba" nào lại ký công hàm công nhận lãnh thổ của tổ tiên mình mà hiến dâng cho kẻ thù Tàu phương Bắc ?.

Nếu gọi ông là một nhà kinh tế cũng không đúng; vì lúc có một nửa đất nước ở miền Bắc ông không đưa ra được quốc sách nào có tính vĩ mô để tăng trưởng kinh tế, ngoài chính sách “tiết kiệm” để tích lũy, kiểu như “hạt gạo cắn làm hai, làm ba”. Còn sau Tháng 4/1975 với chính sách hợp tác xã nông nghiệp và di dân đi kinh tế mới, ông đã bần cùng hóa cả miền Nam, nơi vốn trước đó là một nước mạnh trong khu vực Đông Nam Á.

Gọi ông là một nhà lý luận, một nhà văn hóa cũng không ổn. Ông có câu nói với thanh niên, học sinh: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội cần phải có những con người mới xã hội chủ nghĩa.” Lê Duẩn đã nói câu này trước ông, nhưng ông lại giải thích vòng vo về cái chủ nghĩa xã hội và con người xã hội chủ nghĩa của ông. Con người mới khác con người cũ cái gì? Kiểu như “con gà, cái trứng” hay chính sách “có hộ khẩu mới có việc làm, có việc làm mới cho nhập khẩu” dưới thời ông làm Thủ Tướng. Còn về văn hóa thì hình như ông hơi thiếu vốn tiếng Việt nên ông thường dùng đệm tiếng Pháp trong lời nói.

Người dân Mộ Đức “kính trọng” ông lắm! Tôi xin kể một số giai thoại về ông Phạm Văn Đồng ở quê hương Mộ Đức:

Thời kỳ còn hợp tác xã nông nghiệp, mỗi lần ông về quê là dân Mộ Đức khốn khổ. Trước khi ông về là công an tập trung ngụy quân, ngụy quyền từng tham gia chế độ cũ đưa lên núi giam giữ cho đến khi nào ông đi mới thả về.

Trên tuyến đường ông qua, ruộng hai bên đường được bón rất nhiều phân u-rê, lúa xanh đậm trông rất đẹp. Ông khen địa phương làm ăn giỏi, chẳng mấy chốc sẽ tiến lên Chủ nghĩa cộng sản. Nhưng đến khi ông đi thì lúa chỗ phân nhiều bị cháy, lúa chỗ thiếu phân còm cõi không trổ bông nổi. Mỗi lần ông về thăm quê, một ngày công của xã viên được 4 lạng lúa (0,4 kg)!
Có một năm các xã ven biển ở Mộ Đức như Đức Lợi, Đức Minh, Đức Phong có con cá ông (dân biển gọi cá voi là cá ông, cá bà) cứ bơi lởn vởn ngoài biển làm ghe tàu nhỏ của ngư dân không dám ra biển đánh cá; còn ở xã miền núi Đức Phú thì đêm đêm nhiều bầy heo rừng ra phá hoại hoa màu của dân, chính quyền địa phương bất lực. Gặp lúc ông Thủ Tướng về thăm quê, nghe báo cáo tình hình địa phương xong, sáng hôm sau ông ra biển chờ cho cá ông nổi lên, ông nói:

“Yêu cầu các đồng chí kết nạp đồng chí thành xã viên hợp tác xã”.

Cá ông nghe thế lặn tuốt ra biển. Chiều đến, ông lên núi xem heo rừng phá hoại hoa màu. Ông cũng nói với cán bộ địa phương cho đàn heo vào hợp tác xã là chúng sẽ thuần hết, nhưng cán bộ địa phương nói:

“ Thưa bác, chúng nó đã vào hợp tác xã lâu rồi, chúng cũng làm ăn tập thể đàng hoàng, lúc nào xuống phá làng, phá xóm chúng cũng đi hàng đàn từ vài ba chục con trở lên”.

Ông Đồng nói:

“Vậy thì cho chúng đi kinh tế mới!”

Kể từ tối hôm ấy ở xã Đức Phú không còn con heo rừng nào dám ra phá nữa.

Có người hỏi ông Đồng, sao ông không nhận để người ta gọi bằng Bác, ông nói:

“Ông Hồ xưng là Cha, nếu tôi xưng là Bác, tức là anh của ông Hồ à!”

Có lần ông Đồng tới thăm nhà bà chị ông là bà Thừa Xuân, nhà bà này có mảnh vườn trồng rau để ăn và để bán. Hồi đó tiền có giá, ông nghe người ta mua bán nắm rau, quả cà, cứ nói

một đồng, hai đồng”,

ông giận lắm vì bị mấy bà cứ gọi cái tên Đồng của ông ra. Sau đó ông về Hà Nội và quyết định “nâng” tiền Việt Nam, để từ đó người ta không kêu “một đồng hai đồng” nữa mà chuyển qua“một ngàn, hai ngàn” cho đến bây giờ.

Sự kính trọng của người dân Mộ Đức đối với ông Đồng là như thế đó. Còn sự tự hào thì sao? Sau khi biết được ngày 14/9/1958 ông Phạm Văn Đồng ký công hàm công nhận quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Trung Quốc thì người dân Mộ Đức cảm thấy nhục vì Mộ Đức có ông, vì ông là người ra đời ở Mộ Đức.

Cuộc đời con người hay chế độ chính trị có thể có nhiều sai lầm, nhưng “bán đất, bán nước” cho ngoại bang thì là cái sai lầm không thể tha thứ được.Việc ký giấy “bán nước” cuả ông Thủ Tướngv CSVN Phạm Văn Đồng không phải là một “sai lầm” mà là một trọng tội: “Tội Bán Nước.” “Noi gương” ông Phạm Văn Đồng là Trần Đức Lương — với tư cách là Chủ Tịch Nước đã ký hiệp định đường biên trên bộ và trên biển tiếp tục nhượng đất và biển cho Trung Quốc.

Rồi đây, lịch sử Việt Nam sẽ ghi:

- Ông Phạm Văn Đồng quê ở Mộ Đức, Quảng Ngãi, với tư cách là Thủ Tướng Chính phủ CS, ngày 14/9/1958 đã ký công hàm công nhận quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Trung Quốc.
- Ông Trần Đức Lương quê ở Đức Phổ, Quảng Ngãi, với tư cách là Chủ Tịch Nước, ngày 30/12/1999 đã ký Hiệp ước biên giới trên đất liền nhượng cho Trung Quốc hàng ngàn cây số vuông, tiếp đến ngày 25/12/2000 đã ký Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ tiếp tục nhượng hàng chục ngàn cây số vuông mặt biển cho Trung Quốc.

Vậy là Quảng Ngãi có hai tên tội đồ cùng tham gia bán nước dưới triều đại Hồ Chí Minh.

Nhân dân Mộ Đức, Quảng Ngãi có thể có sự kính trọng, tự hào được không? Không, hoàn toàn không! Ngay cả chính con cháu trong tộc họ Phạm không ai dám ngẩng mặt để tự hào là con cháu ông Phạm Văn Đồng.

Họ cũng biết rằng tên Việt Gian Nguyễn Thân, quê ở Thạch Trụ, Mộ Đức, Quảng Ngãi, là đại thần triều Nguyễn, câu kết với thực dân Pháp đánh phá phong trào Cần Vương, tiêu diệt nghĩa quân Phan Đình Phùng, sau năm 1945 đã bị Việt Minh cho đào phá toàn bộ mồ mả, nhà cửa.

Có lẽ vì vậy mà Cộng Sản không dám đưa xác Phạm văn Đồng về chôn ở quê nhà, còn Trần Đức Lương khi hết làm Chủ tịch nước cũng không dám vác mặt về Quảng Ngãi.

Kể ra thì PV Đồng cũng biết sám hối, khi cuộc đời đã vào xế chiều sống trong bóng tối của sự mù lòa và sự khinh bỉ của nhân dân, ông có lời than:

“Không ai làm Thủ tướng lâu như tôi và cũng không ai làm khổ dân nhiều hơn tôi!”

Có lẽ đó là câu nói duy nhất đúng trong cuộc đời của ông.

Không những ông làm khổ dân lúc ông còn sống, mà ông còn làm khổ dân khi ông đã chết. Biết bao giờ nhân dân Việt Nam mới lấy lại được Trường Sa, Hoàng Sa? Còn người dân Quảng Ngãi thì cứ tiếp tục è cổ ra nộp thuế để xây lăng mộ cho dòng họ Phạm của ông, xây bảo tàng, nhà tưởng niệm Phạm Văn Đồng.

Ngày 1/9/2008 Quảng Ngãi đã khánh thành “Khu lưu niệm Phạm Văn Đồng”; theo thông báo chính thức từ chính quyền, tổng kinh phí hơn 46 tỉ đồng, trong đó phần xây lắp hơn 20 tỉ, trên diện tích hơn 2 ha (Giá đất là 1,3 triệu/m2, trị giá đất khoảng 26 tỉ).

Bốn mươi sáu tỉ kia có thể làm được những gì cho nhân dân Mộ Đức, Quảng Ngãi?

Xin thưa:

- Xây dựng 3.067 ngôi nhà cho người nghèo;
- Tạo điều kiện cho 115.000 trẻ em nghèo có điều kiện mua sách vở đến trường trong năm học mới;
- Là tiền thuế của 144.230 người dân Mộ Đức trong 2 năm (Dự toán thu ngân sách năm 2008 của huyện là 23,1 tỉ đồng)
Đó là chưa tính đến các chi phí khánh thành, duy tu, chi lương cho nhiều người trông coi, bảo vệ.

Một người con của quê hương núi Ấn, sông Trà, nhưng đến khi chết rồi vẫn còn làm khổ nhân dân Quảng Ngãi, có phải vì ông là đảng viên Cộng sản, học trò của Hồ Chí Minh không?

Trong khi cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nhà Yêu Nước, Quyền Chủ Tịch Nước đầu tiên của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, yên nghỉ trên núi Ấn lộng gió, ngôi mộ đơn giản được xây dựng từ thời ông Ngô Đình Diệm, ngày ngày khách trong ngoài nước, đủ mọi thành phần đến viếng thăm đều thể hiện lòng tôn kính.

“Vạn Niên là Vạn Niên nào
Thành xây xương lính, hào đào máu dân”

Câu ca dao xưa đi vào tiềm thức của thế hệ chúng tôi, “thế hệ sinh ra và lớn lên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa”; câu ca dao khơi mào cho cuộc khởi nghĩa nông dân mang tên “khởi nghĩa Chày Vôi” (năm Bính Dần 1866) xuất phát từ việc xây dựng Vạn Niên Cơ, quân sĩ và dân phu phải làm việc vất vả, khổ sở, nhiều người oán giận nên đã nổi lên làm loạn, vua Tự Đức một thời đã đi vào lịch sử dân tộc là vị vua hôn quân vô đạo.

Tôi đã đến thăm lăng mộ vua Tự Đức, tôi cũng đã đến khu tưởng niệm Phạm Văn Đồng. Trên tất cả mọi phương diện (đất đai, diện tích, quy mô, kinh phí, thời gian …) Lăng Tự Đức còn lâu mới bằng Khu Tưởng niệm Phạm Văn Đồng — một vị thủ tướng dưới chế độ XHCN còn hơn cả vị hoàng đế của triều đại phong kiến, ngay cả khi đã chết.

Lịch sử rất sòng phẳng. Thời gian trôi qua, dân tộc sẽ có cái nhìn khách quan hơn, đánh giá công, tội một cách rõ ràng; sự kính trọng đối với từng nhân vật lịch sử không cần phải áp đặt, cưỡng chế. Và lòng yêu ghét của dân cũng không thể áp đặt, cưỡng chế.

Là một người dân Mộ Đức, tôi cảm thấy nhục và có tội khi tôi nói:
- Quê tôi là quê hương của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.


Đỗ Mai Lộc.


Sao y bản chính
CÔNG TỬ HÀ ĐÔNG



No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết