Thursday, April 24, 2014

TRUNG-TÁ NGUYỄN VĂN LONG


TRUNG-TÁ NGUYỄN VĂN LONG


        CỘNG-SẢN chiếm được Miền Nam đã mười năm rồi mà tôi vẫn còn tiếp-tục bị chúng kêu lên, kêu xuống hỏi cung. Tuy thế, nhờ những thời-gian đợi đi làm việc như thế tại các trại giam như Thanh-LiệtHà-Nội; Kho-Ðạn, Hội-An, và Hòa-SơnQuảng-Nam; mà tôi có dịp gặp nhiều cán-bộ Việt-Cộng cấp cao bị bắt về tội kinh-tế hoặc tham-ô và cả bạo-loạn nữa, cũng như đồng-bào nhiều giới phạm tội phản-động hiện-hành, vượt biên, vượt biển, đưa hối-lộ, xâm-phạm hoặc phá-hoại tài-sản xã-hội chủ-nghĩa, vân vân, nên tôi biết nhiều và biết sớm những biến-cố xảy ra bên ngoài thế-giới cải-tạo hơn đa-số anh+chị+em khác trong tù.
 
        Tôi đã nghe tin Trung-Tá Nguyễn Văn Long tự-tử từ lâu.  Nhưng vì có những trường-hợp sự thật khác với tin đồn; vả lại, biết đâu đó không là một người khác mà lại trùng tên với người mà tôi thân+thương; hơn nữa, anh Nguyễn Văn Long của tôi là một tín-đồ Ky-Tô-Giáo, lẽ nào lại tự hủy mình; do đó, tôi vừa âm-thầm đau-khổ về hoàn-cảnh chung, vừa bán-tín bán-nghi về phần anh Long.  

Ðến khi tôi được nghe thêm hai viên thủ-trưởng một thuộc Cục Xuất-Nhập-Khẩu 2 tại thành phố Hồ Chí Minh, một thuộc Ban Hậu-Cần Quân-Khu 5 khẳng-định là họ có nghe đề-cập trong nội-bộ cơ-quan rằng, ngoài một số tướng-lĩnh Miền Nam đã tự-sát chứ không chịu đầu-hàng hay trốn chạy ra nước ngoài, có một trung-tá Cảnh-Sát tên Nguyễn Văn Long, từ Ðà-Nẵng di-tản vào, đã tự-tử chết phía trước trụ-sở Quốc-Hội Việt-Nam Cộng-Hòa, tôi mới tin chắc đó chính là anh Nguyễn Văn Long.
 
Anh Long vĩnh-biệt cõi đời giữa cảnh lửa-bỏng dầu-sôi, bạn-bè nói riêng và đồng-bào nói chung thì còn bận lo tự cứu lấy mình, trong khi kẻ thù thì càng thù hận anh thêm, lấy đâu có những vòng hoa và những nén nhang cùng những dòng lệ thương tiếc tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng.
 
Năm 1982, tại Trại bí-mật Thanh-Liệt, thuộc Huyện Thanh-Trì, Hà-Nội, là nơi giam-cứu các phần-tử quan-trọng nhất, mà đa-số là cán-bộ Ðảng, Nhà-Nước và Bộ-Ðội ở cấp Trung-Ương, do Bộ Nội-Vụ trực-tiếp quản-lý, tôi mới được một bạn tù cho biết thêm một chi-tiết quý-báu về cái chết hùng-vinh của trung-tá Nguyễn Văn Long.  

Ðó là Phạm Trung Linh, một trung-tá bộ-đội Bắc-Việt, nguyên Trưởng Tiểu Ban Thanh Tra & Xét Khiếu Tố thuộc Trung Ương Cục Miền Nam tổng-thư-ký của một tổ-chức đảo-chính quân-sự dự-định hành-động vào đêm 24 rạng ngày Nô-En năm 1979 nhưng bất-thành nên bị bắt cùng với một số tướng+tá và cán-bộ cao-cấp khác xác-nhận rằng gã đã có trông thấy bức ảnh chụp cảnh trung-tá Nguyễn Văn Long mặc cảnh-phục chỉnh-tề nằm chết trước một tượng-đài Chiến-Sĩ Quốc-Gia phía trước trụ-sở Quốc-Hội Việt-Nam Cộng-Hòa, in trên bìa trước của một tạp-chí Hoa-Kỳ, trong kho sách+báo ngoại-quốc mà Việt-Cộng ở một số cấp cao đã sưu-tầm để nghiên-cứu những gì có liên-quan đến Việt-Nam.

Thế là từ đó không những tôi nguôi tủi sầu mà trái lại còn cảm thấy lòng mình vui thỏa cho anh Long. Báo Mỹ mà đã đăng lên thì khắp thế-giới đều biết. Anh, cùng với những vị anh-hùng tuẫn-quốc khác trong biến-cố lịch-sử 30-4-1975, đã nói lên được hùng-hồn và cụ-thể tinh-thần bất-khuất của dân-tộc Việt-Nam yêu chuộng Tự-Do trước quyền-lực của cộng-sản bạo-tàn.

*
Thuở ấy, vào khoảng 1947-1950, ở Miền Trung có hai hệ-thống an-ninh: một bên là Pháp với hai cơ-quan Sûreté fédérale (Liêm-Phóng Liên-Bang) và Police française (Cảnh-Sát Pháp), một bên là Việt-Nam với hai cơ-quan Công-An & Cảnh-Sát Quốc-Gia.  Anh Nguyễn Văn Long tùng-sự bên Sûreté Fédérale (chính-trị) của Pháp, trong số vài người phụ-trách nội-ô Thần-Kinh; còn tôi thì bên Cảnh-Sát (hình-sự) của Việt-Nam. Tôi kiêm cả việc sáng-tác, ra báo, và dựng kịch cho sở-làm, và cho riêng mình.

Chúng tôi thường uống cà-phê ở quán Lạc-Sơn, nhà hàng lộ-thiên trên lề Đại-Lộ Trần Hưng-Ðạo, quay lưng vào Chợ Ðông-Ba. Nhân-viên hai bên không ưa gì nhau, nhưng gặp mặt mãi cũng thành quen nhau.

Dạo ấy, tôi viết cuốn truyện Trai Thời Loạn chống Pháp xâm-lược và Bảo-Ðại bù-nhìn, nên bị bắt giam; sau nhờ phái-đoàn của các nhân-sĩ Cao Văn Tường, Cao Văn Chiểu, cùng với nhà-báo Phạm Bá Nguyên và cả Giám-Ðốc Thông-Tin Lê Tảo can-thiệp với Thủ-Hiến Phan Văn Giáo, tôi mới được trả tự-do.  Ra tù, tự-nhiên tôi được thiện-cảm của nhiều người hơn.
 
Một hôm, anh Long tâm-sự với tôi:  Tôi chống Việt-Minh nên lỡ vào làm với Tây; nay tôi đã quyết sẽ thôi để qua làm với người mình.
Anh ít nói, không văn-hoa, lại lớn tuổi hơn tôi nhiều, mà đã nói thẳng với tôi như thế thì tôi hiểu rằng anh đã đau-lòng khổ-trí đến ngần nào trước thời-cuộc bấp-bênh của nước nhà.  Trong thời-gian chờ-đợi, anh Long đã nghe theo lời thuyết-phục của tôi, bỏ qua cho nhiều bạn thơ của tôi, thí-dụ Nhất-Hiên, Vân-Sơn PMT, Như-Trị, v.v... mà Sûreté Fédérale đã định bắt giam.  Liêm-Phóng Liên-Bang của Pháp mà đã bắt ai thì người ấy khó về được vẹn toàn.
 
Sau đó, anh đã chuyển qua Công-An Việt-Nam; và Vân-Sơn Phan Mỹ Trúc cũng như Như-Trị Bùi Chánh Thời thì vào Sài-Gòn; kẻ thành ký-giả tên tuổi, người nên luật-sư tài-danh.
 
Sau khi gia-nhập vào đúng hàng-ngũ thích-hợp để phụng thờ Chính-Nghĩa Quốc-Gia, trải qua mấy chục năm trời gắn bó với Lực-Lượng Cảnh-Sát & Công-An Việt-Nam Cộng-Hòa, anh Nguyễn Văn Long tận-tụy phục-vụ, và đã nổi tiếng là một trong số những cấp chỉ-huy tích-cực, cương-trực và liêm-khiết nhất trong Ngành.

*
TÔI về lại Miền Trung đảm-trách Giám-Ðốc Ngành Ðặc-Cảnh tại Bộ Chỉ-Huy Cảnh-Lực Vùng I vào ngày 26 tháng 9 năm 1973. Tìm gặp lại các bạn cũ, thuộc lứa tuổi trên tứ-tuần, đã từng giữ các chức-vụ Trưởng Ty Công-An, Cảnh-Sát-Trưởng, Trưởng Ty CSQG trở lên, từ thời Bảo-Ðại qua thời Ðệ-Nhất Cộng-Hòa đến nay, mà hiện còn lại tại Vùng này, tôi thấy chỉ có 6 người, trong đó có anh Nguyễn Văn Long.

Một số chưa có chức-vụ tương-xứng thì tôi nâng lên hoặc hợp-thức-hóa cho làm Phó Giám-Ðốc, Chánh-Sở.  Anh Long thì đã là một Chánh-Sở nắm Sở Tư-Pháp rồi, nên tôi không giúp gì về chức-vụ mà chỉ giúp về công-vụ mà thôi; những tin-tức về hình-sự mà tôi có được, thay vì xếp bỏ thì tôi chuyển qua cho anh. Tuy nhiên, đáp lại, chính anh giúp tôi nhiều hơn, rất nhiều, cả trong công-tác cụ-thể hằng ngày lẫn về phương-diện tinh-thần.
 
Anh Long tự-nguyện làm thêm nhiệm-vụ chính-trị diệt-Cộng ngoài phần-vụ chính của anh là truy lùng kẻ phạm-pháp về mặt hình.  Là một tay cừ trong giới tình-báo cũ, anh đã nhân làm công-tác sưu-tầm về hình-phạm mà thu-thập thêm tin-tức về quốc-phạm, và đã cung-cấp cho Ngành Ðặc-Cảnh của tôi nhiều manh-mối về cộng-sản nằm vùng.  

Theo anh quan-niệm, đã là Cảnh-Sát Quốc-Gia, với chức-năng an-ninh trật-tự, thì phải góp phần trực-tiếp hoặc gián-tiếp vào lãnh-vực tình-báo, để phát-hiện và loại-trừ cộng-sản mà trong giai-đoạn hiện-tại thì đối-tượng Việt-Cộng phải là ưu-tiên hàng đầu để bảo-vệ và duy-trì an-ninh & trật-tự chung.  Anh không thể chỉ tự bằng lòng với phận-sự tiễu-trừ tội-phạm xã-hội, mà phải tham-gia phần nào, trong khả-năng mình, vào trách-nhiệm thanh-trừng giặc loạn để giữ nước và cứu dân.

Qua thái-độ và hành-động chính-đáng của mình, Trung-Tá Nguyễn Văn Long đã mặc-nhiên gửi một thông-điệp, một lời nhắn-nhe tâm-huyết, đến những anh+chị+em đồng-nghiệp nào mà vì lý-do nào đó đã tự cho mình là Cảnh-Sát Sắc-Phục thì không dính-dấp gì về tình-báo, nhất là Cộng-Tặc Miền Nam và Cộng-Sản Bắc-Việt Xâm-Lăng.

Trung-Tâm Huấn-Luyện Tình-Báo của tôi nằm trên bãi biển Sơn-Chà, tuốt bên kia bờ Hàn-Giang.  Lần nào khai-giảng hoặc bế-giảng Khóa nào Nhà-Trường cũng đều có mời các cấp chỉ-huy cả Ðặc-Cảnh lẫn Sắc-Phục đến dự.  Về sau, tôi bỏ bớt tiệc mãn-khóa, chấm dứt tình-trạng bắt các học-viên góp tiền. 

 Không còn tiệc-tùng, thì phần lớn quan-khách ngớt vãng-lai, viện cớ bận việc và đường quá xa; nhưng anh Long vẫn tiếp-tục đến dự anh nói để yểm-trợ tinh-thần chung.
 
Về mặt tư-pháp, Trung-Tá Nguyễn Văn Long đã thực-hiện đúng khẩu-hiệu pháp bất vị thân. Ngay đối với chính đồng-nghiệp, bất-cứ nhân-viên Cảnh-Sát nào mà phạm tội hình-sự là anh truy-tố ra Tòa thẳng tay anh nói để lành-mạnh-hóa nội-bộ, và nêu gương thượng-tôn luật-pháp cho người dân.  Bởi thế, anh bị nhiều người gọi bằng cái tên Long Lý, ý nói anh chỉ biết chiếu-lý chứ không vị-tình.
 
Sau Hiệp-Ðịnh Paris 1973, tình-hình xã-hội Miền Nam thật là rối-ren.  Bên ngoài thì Cộng-Sản Bắc-Việt công-khai ồ-ạt đổ thêm quân và chiến-cụ, vũ-khí vào tấn-công ta; bên trong thì các tổ-chức xưng-danh đối-lập và lợi-dụng tự-do quá-khích, tiếp tay với các phần-tử nằm vùng, ngày càng gia-tăng mức-độ và cường-độ gây hỗn-loạn trật-tự và làm suy-thoái tinh-thần các lực-lượng Quốc-Gia.  Về mặt chính-trị, CSQG vừa phải đối-phó với các bộ-phận Ðảng, Mặt-Trận, Nhà-Nước và Nhân-Dân của CSXL và Việt-Cộng, vừa phải chống-đỡ các phần-tử, phe nhóm chủ-bại và nội-ứng cho kẻ thù.

Về mặt tệ-đoan xã-hội, ung nhọt tràn lan khắp nơi.  Riêng về nạn dịch nhũng-nhiễu tham-lam, công-tác đương-đầu đã gặp quá nhiều khó-khăn.  Hầu như kẻ nào làm bậy cũng đều nấp dưới danh-nghĩa của một chính-đảng, tìm sự che-chở của một đoàn-thể hay một số cấp lãnh-đạo nào đó trong Chính-Quyền.  Ðụng vào họ, dù họ là kẻ phạm-pháp, có thể là tự rước lấy tai-họa vào mình.  Thế mà anh Long đã dám xúc-tiến điều-tra, lập hồ-sơ truy-tố nhiều nhân-vật đáng sợ.  Nhiều vụ lắm.  Và vụ mà tôi thích nhất là vụ tiền trợ-cấp dân Quảng-Trị tị-nạn.

 Ðại-khái như sau:  

Ðầu năm 1975, đồng-bào từ Tỉnh Quảng-Trị bắt đầu di-tản. Chính-Quyền Trung-Ương tổ-chức đón tiếp và cứu-trợ họ tại Trại Tạm-Cư Ðà-Nẵng.  Trên thực-tế, có người đã vào, có người vẫn còn ở lại ngoài kia.  Do đó, có một tổ-chức quy-mô đứng ra lập hồ-sơ ma để lãnh các món cứu-trợ di-tản nhiều hơn bội-phần: tiền mặt, thực-phẩm, thuốc-men, áo+quần, giường+mùng chăn+chiếu, xi-măng, tôn, v.v..., cấp cho cả đồng-bào ở Trại lẫn đồng-bào vẫn còn ở Tỉnh cũ mà được chứng-nhận là đã nhập Trại Tạm-Cư, do ngân-sách của Bộ Xã-Hội đài-thọ.

  Thậm chí, họ còn lập thêm hồ-sơ theo diện tị-nạn, dành cho đồng-bào dời-cư từ các xã bất-an và xôi-đậu đến định-cư tại các xã an-ninh, để lãnh thêm loại trợ-cấp này vốn áp-dụng chung cho bất-cứ vùng quê nào.  Chưa thỏa, họ còn chứng-nhận cho cũng những đồng-bào ấy là nguyên cơ-sở của Việt-Cộng ở vùng địch kiểm-soát, nay bỏ kẻ thù về với Quốc-Gia, để hưởng các khoản trợ-cấp loại này do Bộ Chiêu-Hồi cung-cấp định-kỳ, v.v...  

Ngoài ra, người dân di-tản cũng bị lôi-cuốn vào tình-trạng hỗn-tạp chung bên ngoài Trại, lẫn-lộn giữa hợp-pháp và bất-hợp-pháp.  Một số trở thành nhân-viên Chương-Trình Áo Xanh, do một tổ-chức xã-hội Hoa-Kỳ tài-trợ, cung-cấp việc làm cho người lao-động thất-nghiệp.  Một số cũng là hội-viên Hội Cựu-Chiến-Binh và Dân-Phế, quy-tụ lính cũ đâu từ thời Pháp-thuộc, thời Nhật chiếm, thời kháng-Pháp, thời Bảo-Ðại, và nạn-nhân các vụ tai-nạn lưu-thông, ẩu-đả, hủy-hoại thân-thể, tàn-tật bẩm-sinh, vân vân, nhưng cũng được lập hồ-sơ và lãnh đều đều từ một tổ-chức nhân-đạo Hoa-Kỳ những món viện-trợ tiền mặt, thực-phẩm, thuốc-men, đồ dùng, v.v...  

Hơn nữa, một số giả-danh là Thương-Phế-Binh, cưỡng-thu hụi chết tại các hàng quán, bến xe.  Phanh-phui vụ này lòi ra vụ kia.   Tóm lại, một người lãnh nhiều trợ-cấp với nhiều tư-cách trong nhiều hoàn-cảnh khác nhau; nhưng chỉ lãnh được một ít, còn thì nạp vào túi riêng của bọn gian+tham.
 
Vụ án đã làm chấn-động dư-luận, vì dính đến nhiều cấp+chức thuộc nhiều giới, ngành, từ cấp Tổ, Toán, Khóm, Thôn, Xã, Phường, lên đến Quận, Tỉnh, vào thấu Sài-Gòn, là những phần-tử chứng-nhận láo, chấp-thuận bừa, do đó, đã phí-phạm công-quỹ và phá-hoại chính-sách của Trung-Ương.
 
TRONG việc móc-nối đầu mối, nuôi-dưỡng đường dây, lắm lúc nhân-viên Ðặc-Cảnh phải giao-tiếp với những kẻ bất-lương.  Bởi thế, đã có một số Trưởng Mối bị trừng-phạt oan, vì phía Hình-Cảnh nghi là đồng-lõa hay đỡ đầu. 

 Sau khi có thêm bộ-phận An-Ninh Cảnh-Lực, Ðặc-Cảnh càng gặp nhiều khó-khăn hơn, đến nỗi Tư-Lệnh Ðặc-Cảnh Trung-Ương hồi đó là Đại-Tá Nguyễn Mâu đã phải lên tiếng phản-đối công-khai trước một đại-hội toàn-quốc, do Tổng Giám-Ðốc chủ-tọa, nhưng chưa ngã-ngũ ra sao.

Với tôi, anh Long đã chịu nhượng-bộ: nếu gặp nhân-viên Ðặc-Cảnh liên-can đến các vụ hình, anh để tùy tôi xét trước, để tránh oan-ức, trở-ngại cho công-tác chìm.  Ấy là nhờ anh hiểu rõ phương-thức tình-báo và đặt nhu-cầu chống Cộng lên hàng ưu-tiên. Ðó là quyết-định linh-động duy-nhất trong cương-vị Chánh Sở Pháp-Cảnh của anh Long.

*
KỶ-NIỆM đậm nét nhất trong đời tôi về anh Long là vụ rút lui ra khỏi Ðà-Nẵng, thành-lũy cuối cùng của Quân-Khu I Việt-Nam Cộng-Hòa.
 
Lúc ấy vào khoảng 10 giờ tối ngày 28-3-1975.
Trên máy vô-tuyến truyền-tin thuộc hệ Cảnh-Sát Sắc-Phục nội-thành Ðà-Nẵng, tôi nghe một đài gọi đài trung-ương, nhưng không có ai trả lời.  Lát sau, có một đài khác cất tiếng: Ðừng gọi vô-ích, bọn chúng chạy hết cả rồi!  Tôi bèn hỏi đài hồi nãy, thì được báo-cáo là có nhiều người ăn mặc lộn-xộn, vũ-khí cầm tay, đang nép hai bên lề đường từ hướng Hòa-Cường tiến vào.

Tôi dùng làn sóng của hệ Ðặc-Cảnh ra lệnh cho Sở Tác-Vụ Vùng và Sở Ðặc-Cảnh sở-tại đối-phó, đồng-thời gọi máy điện-thoại cho Đại-Tá Nguyễn Xuân Lộc, Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực Vùng I, lúc ấy đang cùng có mặt với các Chánh-Sở cấp Vùng và một số Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực cấp Tỉnh tập-trung tại đây.
 
Lát sau, anh Long đến ngồi tại phòng truyền-tin Ðặc-Cảnh Vùng của tôi nơi đây có máy âm-thoại của cả 2 hệ nổi+chìm địa-phương lẫn hệ toàn-quốc, và máy điện-thoại bưu-điện, điện-thoại quân-sự cách dăm mười phút lại gọi hỏi tôi tình-hình thế nào.
Vì máy quá bận, tôi khuyên anh vào phòng-giấy của Đại-Tá Lộc để cùng theo-dõi diễn-biến tình-hình chung.
 
Khoảng sau 11 giờ đêm, từ đài Ðặc-Cảnh Vùng I Trung-Tá Long gọi tôi.  Lần nầy tôi nghe giọng anh run lên, lời-lẽ trịnh-trọng khác thường:  Tôi xin mời ông Phụ-Tá, hiện là cấp chỉ-huy cao chức nhất, đến đây ngay để tổ-chức phòng-tuyến và điều-khiển đội-ngũ tử-thủ cùng với anh+em chúng tôi! (Tử-thủ là lời cam-kết của Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng đọc trên Ðài Phát-Thanh Ðà-Nẵng suốt chiều hôm nay).

Tôi hỏi về Đại-Tá Lộc thì anh đáp gọn với giọng bực-tức và chán-chường:  Các ngài đào-ngũ hết rồi!

Anh Long kể lại với tôi là anh được lệnh, cùng với mọi người có mặt tại trụ-sở Vùng Chánh-Sở các Sở, Chỉ-Huy-Trưởng của một số Tỉnh, có cả mấy viên đại-tá quân-đội theo Đại-Tá Lộc xuống bến Giang-Cảnh, lên tàu Giang-Cảnh [thuộc BCH/CSQG Thị-Xã Đà-Nẵng], rời bến hướng ra biển Ðông.

Anh hỏi đi đâu thì Đại-Tá Lộc trả lời:  Chúng ta di-tản vào Nam!  Anh thấy máu uất xông lên đỉnh đầu, la lên:  Giặc chưa tấn-công, thuộc-viên vẫn còn ở lại, mà cấp chỉ-huy đã lén-lút bỏ đi như thế này là hèn!  Lộc cố giải-thích:  Bộ Tư-Lệnh Quân-Ðoàn đã rút đi rồi.  Trong tình-huống này chúng ta đành phải phụ lòng anh+em mà thôi!  Long bèn rút súng, nhìn thẳng vào mặt từng người với vẻ khinh thường, và bảo tàu ghé vào bờ cho anh trở lui.

Và anh đã về trụ-sở, để cùng chiến-đấu, sống chết có nhau với anh+em.
 
TÔI tin-tưởng và kính-phục anh Long vô cùng; nhưng tôi thấy rõ là nếu đến sở thì sẽ dính kẹt ở đó, khó lòng điều-động hoạt-động bên ngoài, nên nói là tôi bận họp. Anh xin mượn tôi một máy vô-tuyến cầm tay, và đòi đến họp với tôi.
 
Tôi kéo Thiếu-Tá Ngô Phi Ðạm, Chánh Sở Tác-Vụ, ra xe.  Ðến bến Bạch-Ðằng quả thấy xe Jeep xanh+trắng [của CSQG] và ô-liu [của QLVNCH] bỏ đậu nghênh-ngang; gọi máy vô-tuyến trên hệ Sắc-Phục đến Đại-Tá Lộc ở sở, ở nhà, không ai trả lời; tôi bèn chỉ-thị Trung-Tâm Hành-Quân Ðặc-Cảnh Vùng báo-cáo sự-việc lên Trung-Ương.
Anh Long đã đến nhà tôi, hỏi tôi ở đâu, tôi đáp là đến Ðặc-Khu, nhưng tôi đến Bộ Tư-Lệnh Quân-Ðoàn; nơi đây vắng hoe.  Anh hỏi, tôi đáp là vào phi-trường, nhưng tôi đến Sở An-Ninh Quân-Ðội; nơi đây cũng chẳng còn ai.  Anh không gặp tôi, lại hỏi; và tôi lại dối, tránh anh.  Cứ thế mà tôi đến khắp các nơi vốn là chỗ dựa cho niềm tin của dân-nhân.
 
Ðến sau nửa đêm thì cả thành-phố đổ dồn qua cầu Trịnh Minh Thế để qua bến cảng, bãi biển Quận III, để mong chạy vào Sài-Gòn. Tôi cùng Ngô Phi Đạm, Chánh Sở Tác-Vụ, và Trần Văn Phú, Chỉ-Huy-Phó Thám-Sát Ðặc-Biệt Vùng, quan-sát xong tình-hình bên đó, len lách trở về thành-phố thì thoáng dưới ánh đèn pha thấy rõ hình-dáng của anh Nguyễn Văn Long, mặc cảnh-chiến-phục, gác khẩu M-16 ngang đùi, mặt-mày đỏ gay, tức uất nhưng đầy cương-nghị, lái xe ngược chiều chạy vụt qua.
 
ÐÓ là hình-ảnh cuối cùng của Trung-Tá Nguyễn Văn Long, mãi mãi hằn sâu trong ký-ức tôi.

*
GẦN sáng, ngày 29-3-1975, Việt-Cộng pháo-kích hải-cảng, phi-trường.  Mờ sáng, đặc-công từ hướng Núi Non-Nước bắt đầu tấn-công vào.  Ðến trưa, tôi gọi máy về cho Đại-Úy Nguyễn Văn Tuyên, Chánh Sở Nghiên+Kế, lúc đó còn ngồi tại chỗ, ra lệnh giải-tán Trung-Tâm Hành-Quân của Ðặc-Cảnh Vùng I, là bộ-phận sau rốt của Chính- Quyền VNCH còn hoạt-động đến phút cuối cùng, và cho phép thuộc-viên tự tìm phương-tiện thoát thân.  
Xế chiều, tôi mới kiếm được chiếc thúng, rời bờ, liều-lĩnh trước các làn đạn pháo-kích của địch và trực-xạ của chính bạn mình.
 
Và tôi không còn gặp lại anh Long

*
*   * 

        CÁI chết của Trung-Tá Cảnh-Sát Nguyễn Văn Long làm tôi suy-nghĩ rất nhiều.
Anh đã phục-vụ dưới nhiều chế-độ khác nhau, đảm-trách công-tác ở nhiều lĩnh-vực khác nhau, nhưng vẫn giữ mình trung-chính khiết-liêm.  Anh tuy lớn tuổi nhưng vẫn trẻ-trung trong lối sống và trong công việc, không bị lứa trẻ sau này vượt qua.

Trong lúc nước nhà đang bị cộng-sản xâm-lăng, anh ý-thức được chúng là kẻ thù số một của toàn-dân, sự-nghiệp chống Cộng phải là ưu-tiên số một của mọi người yêu quý Tự-Do, nên anh phải góp phần vàọ thành-quả chống Cộng của CSQG nói chung, là đã có lúc hạ được nhiều tên cộng-tặc hơn cả con số chúng bị thiệt-hại trên chiến-trường, do đó, anh tự nhận lãnh vào bản-thân mình một phần trách-nhiệm đối với đối-phương về những tổn-thất mà chúng hứng chịu nặng-nề; nhưng trên tất cả là sự sụp đổ thảm-khốc của Việt-Nam Cộng-Hòa, mà đối với Tổ-Quốc, Dân-Tộc, Lịch-Sử, và Thế-Giới, thì cái trách-nhiệm vô cùng lớn-lao ấy nhất-định là của mọi người, trong đó có anh; nên anh tự xử cũng như các anh-hùng Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai, Hồ Ngọc Cẩn, vân vân để tạ tội với Tiền-Nhân và Quốc-Dân, và để nói lên tinh-thần bất-khuất của người chiến-sĩ Tự-Do, không chịu hạ mình đầu-hàng kẻ thù.
 
CÁI chết của anh Long làm tôi hãnh-diện vô cùng.  Tuy người chết không mong được đời nhắc đến, nhưng bổn-phận của người sống là phải phát-huy những tấm gương trí-dũng ngời sáng ấy, để nhờ đó mà mình tin-tưởng và phấn-khởi tiếp-tục lo toan sự-nghiệp chung.
 
Bây giờ, đối với toàn-dân, Nguyễn Văn Long không còn là một trung-tá, là một Chánh-Sở Tư-Pháp, là một viên-chức An-Ninh, là những gì gì khác nữa ... mà anh đã là và vẫn còn là đại-diện cho bất-cứ chiến-hữu ưu-tú nào, không phân-biệt cấp/bậc, chức-vụ, ngành/nghề, hình-sự hay phản-gián, phái mạnh hay phái đẹp; mà anh đã vinh-quang đi vào Lịch-Sử với tư-cách một anh-hùng của Dân-Tộc Việt-Nam nói chung và Lực-Lượng Cảnh-Sát Quốc-Gia nói riêng.


        Ghi-Chú:
        Nguyễn Văn Long sinh ngày 1 tháng 6 năm 1919 tại Phú-Hội, Huế, tuẫn-tiết tại Thủ-Đô Sài-Gòn của Việt-Nam Cộng-Hòa ngày 30 tháng 4 năm 1975.

<CSH



No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết