Saturday, May 31, 2014

Thư ngỏ về tình hình khẩn cấp của đất nước



Thư ngỏ về tình hình khẩn cấp của đất nước

Posted by adminbasam on 30/05/2014
29-05-2014

Basamnews 

Kính gửi đồng bào Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, cùng toàn thể các đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam

Từ đầu tháng 5 năm 2014, Trung Quốc huy động nhiều loại tàu, đặc biệt là tàu vũ trang, tàu quân sự và cả máy bay yểm trợ cho việc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vị trí ở sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, xâm hại tàu, thuyền của ngư dân và tàu công vụ của Việt Nam hoạt động ở vùng biển này.

 Đó là hành vi xâm lược bằng vũ lực, ngang nhiên vi phạm luật pháp và các cam kết quốc tế mà chính Trung Quốc đã ký kết, đánh dấu một bước leo thang mới rất nguy hiểm của thế lực bành trướng Trung Quốc trong mưu đồ lấn chiếm Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, uy hiếp chủ quyền của một số nước khác tiếp giáp Biển Đông và đe dọa trực tiếp hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực. Hành động này, cùng với thái độ ngoan cố, xuyên tạc sự thật trước sự phản đối của dư luận quốc tế, đã phơi trần dã tâm bành trướng của nhà cầm quyền Trung Quốc, phản bội quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt-Trung. 

Tình thế hiểm nghèo khi chủ quyền quốc gia bị xâm phạm đòi hỏi phải phân tích, dự báo diễn biến và có đối sách chủ động ứng phó. Trách nhiệm này được đặt ra trước hết cho cơ quan lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), đảng đang cầm quyền. Mấy ngày sau khi Trung Quốc đặt giàn khoan, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI của ĐCSVN đã họp trong 7 ngày (từ 8/5 đến 14/5 năm 2014) song không đáp ứng yêu cầu nêu trên. 

Phát biểu khai mạc và bế mạc của Tổng Bí thư Đảng CSVN cũng như thông báo của Hội nghị khi kết thúc đều không lên án, phân tích và đề ra đối sách chống lại mưu đồ và hành động xâm lược mới của thế lực bành trướng Trung Quốc. Như vậy, khi đất nước đối mặt với nguy cơ lớn, Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN, trước hết là Tổng Bí thư và Bộ Chính trị đã buông lơi trách nhiệm của mình đối với nước, với dân.

Trước dã tâm của nhà cầm quyền Trung Quốc, nhân dân muốn bày tỏ ý chí chống xâm lược, bảo vệ chủ quyền quốc gia, nhưng các cuộc biểu tình ôn hòa trong mấy năm qua đều bị nhà cầm quyền trấn áp. Sau “vụ giàn khoan,” các cuộc biểu tình yêu nước của dân vẫn không được chính quyền ủng hộ, mà còn dùng nhiều hình thức ngăn trở, phá đám nên không đạt quy mô và hiệu quả thể hiện đúng sự phẫn nộ và đoàn kết của 90 triệu dân Việt trước kẻ xâm lăng. 

Nghiêm trọng hơn nữa là sự mất cảnh giác và tình trạng đột ngột tê liệt đến khó hiểu của nhà cầm quyền và các lực lượng an ninh để cho những phần tử xấu chen vào các cuộc biểu tình kích động bạo động phá hoại ở một số nơi, gây thiệt hại cho một số doanh nghiệp nước ngoài, cho nền kinh tế và cho uy tín quốc gia. 

Dư luận chưa được biết chính xác ai đứng sau những vụ kích động có chủ đích này, song thấy rõ một điều là nhà cầm quyền Trung Quốc đã lập tức thổi phồng những cuộc bạo động này để làm mờ hành vi xâm lược ở Biển Đông và bôi xấu hình ảnh Việt Nam. Các cấp chính quyền nước ta trong khi trợ giúp các doanh nghiệp bị thiệt hại, trấn an các nhà đầu tư nước ngoài, lại lấy các sự cố đó làm cớ để ngăn chặn nhân dân tiếp tục biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược.

Tình thế hiểm nghèo của đất nước hiện nay vừa thách thức nghiêm trọng, vừa tạo cơ hội lớn cho dân tộc ta chấn hưng đất nước theo con đường dân tộc và dân chủ, trước hết là giải tỏa nhận thức mơ hồ về thế lực bành trướng Trung Quốc, thấy rõ sự xâm nhập, lũng đoạn bằng nhiều thủ đoạn tinh vi và thâm độc của thế lực này trên nhiều mặt mà nước ta phải phấn đấu để thoát khỏi sự phụ thuộc, xây dựng quan hệ láng giềng hòa bình, hữu nghị trên cơ sở tự chủ, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.

Dư luận xã hội ghi nhận và ủng hộ những quan điểm và hành động tích cực trong thời gian gần đây của không ít người có trách nhiệm trong bộ máy cầm quyền ở các ngành, các cấp trước mưu đồ bành trướng của Trung Quốc. Trong những biểu hiện đó, nổi lên lời phát biểu của Thủ tướng tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN họp ngày 11-5, tại hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới khu vực Đông Á ngày 22-5, đặc biệt là lời khẳng định “Việt Nam nhất định không chịu đánh đổi chủ quyền thiêng liêng để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”, thể hiện đúng ý chí của nhân dân ta.

Tình hình hiện nay đòi hỏi và tạo cơ sở cho các cán bộ, đảng viên trung thành với tâm nguyện vì dân vì nước cùng với nhân dân vạch rõ và đấu tranh không khoan nhượng chống lại những quan điểm và thái độ nhu nhược đối với kẻ xâm lược, dùng bạo lực, lừa mị đối với dân, lo mất chức quyền hơn mất nước của một số người lãnh đạo ở cơ quan Trung Ương và các cấp, đặc biệt là những kẻ có quan hệ mờ ám với nhà cầm quyền Trung Quốc. 

Những nhân tố tích cực trong giới cầm quyền cần thoát khỏi sự khống chế và kìm hãm lâu nay, gắn bó mật thiết với dân để cùng nhân dân thúc đẩy cải cách chính trị, chuyển đổi thể chế từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa, gắn với cải cách kinh tế, văn hóa, giáo dục, đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng toàn diện và sâu sắc hiện nay, mở ra một trang mới trong lịch sử dân tộc. Chỉ có như vậy chúng ta mới tập hợp, đoàn kết được toàn dân tộc và thu hút được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của nhân loại tiến bộ để có đủ sức mạnh bảo vệ và phát triển đất nước.

Không một thủ đoạn lừa bịp, hăm dọa hay bạo lực nào từ bên ngoài có thể khuất phục được ý chí bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta!
Không một sự lừa mị, một hành động trấn áp nào có thể lung lạc được tinh thần yêu nước của nhân dân!

Chúng tôi tin tưởng rằng cuộc đấu tranh nêu trên của những đảng viên vì nước vì dân của Đảng CSVN sẽ được nhân dân nhiệt tình ủng hộ, góp sức. Mọi người Việt Nam hãy đồng lòng kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia bằng nhiều hình thức thể hiện rõ tính chính nghĩa và nhân văn, hết sức cảnh giác trước những thủ đoạn kích động của thế lực bành trướng Trung Quốc và tay sai, hết lòng cổ vũ, hỗ trợ các chiến sĩ bảo vệ biển đảo và ngư dân bám biển, đồng thời góp phần tích cực thúc đẩy cải cách chính trị, xây dựng nền dân chủ và pháp trị thực sự, đổi mới và phát triển kinh tế, văn hóa để bảo vệ chủ quyền, đưa đất nước thoát khỏi lệ thuộc và tụt hậu. 

Chúng tôi mong nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của đồng bào ở trong và ngoài nước cùng với nhiều đảng viên ĐCSVN, thể hiện trước hết bằng việc ký thư ngỏ này và vận động nhiều người khác tham gia.*

Những người ký tên đầu tiên
  1. Phạm Xuân Yêm, nguyên Giám đốc Nghiên cứu Khoa học (CNRS), Đại học Pierre et Marie Curie, Paris, Pháp
  2. Nguyễn Đắc Xuân, nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử, Huế
  3. Tô Nhuận Vỹ, nhà văn, Huế
  4. Nguyễn Trọng Vĩnh, Thiếu tướng, Hà Nội
  5. J.B Nguyễn Hữu Vinh, kỹ sư, blogger, nhà báo tự do, Hà Nội
  6. Dương Tường, nhà thơ – dịch giả, Hà Nội
  7. Hoàng Minh Tường, nhà văn, Hà Nội
  8. Trần Thị Tươi, làm biên tập website, TP HCM
  9. Hoàng Tụy, GS, Viện Toán học, Hà Nội
  10. Nguyễn Đức Tùng, M.D., Canada
  11. Vũ Quốc Tuấn¸ nguyên trợ lý Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, Hà Nội
  12. Tô Văn Trường, TS, chuyên gia tài nguyên nước và môi trường, TP HCM
  13. Nguyễn Trung, nguyên trợ lý cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Hà Nội
  14. Phạm Đình Trọng, nhà văn, TP HCM
  15. Nguyễn Thị Khánh Trâm, nghiên cứu viên về văn hóa, TP HCM
  16. Phạm Toàn, nhà giáo nghỉ hưu, Hà Nội
  17. Nguyễn Minh Tịnh, Australia
  18. Phan Văn Thuận, Giám đốc công ty TNHH Phú An Định, TP HCM
  19. Nguyễn Thị Thu, cán bộ nghỉ hưu, TP HCM
  20. Đào Tiến Thi, ThS, nhà giáo, nhà văn, nhà nghiên cứu ngôn ngữ, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hà Nội
  21. Lê Thân, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên cán bộ phong trào đấu tranh của nhân dân, sinh viên, học sinh tranh thủ dân chủ Thành phố Đà Lạt, cựu tù chính trị Côn Đảo, TP HCM
  22. JM. Lê Quốc Thăng, linh mục Tổng Giáo phận Sài Gòn, TP HCM
  23. Trần Minh Thảo, viết văn, Bảo Lộc, Lâm Đồng
  24. Trần Quang Thành, nhà báo, Slovakia
  25. Antôn Lê Ngọc Thanh, linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, Tổng Giáo phận Sài Gòn, TP HCM
  26. Thân Hải Thanh, nguyên Tổng Giám đốc Benthanhtourist, TP HCM
  27. Trần Thị Băng Thanh, nghiên cứu văn học cổ Việt Nam, Hà Nội
  28. Nguyễn Quốc Thái, nhà báo, TP HCM
  29. Trần Công Thạch, nhà giáo nghỉ hưu, Sài Gòn
  30. Nguyễn Hữu Tế, TP HCM
  31. Bùi Ngọc Tấn, nhà văn, Hải Phòng
  32. Đào Xuân Sâm, nguyên thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, Hà Nội
  33. Trần Ngọc Sơn, kỹ sư, Pháp
  34. Tô Lê Sơn, kỹ sư cơ khí, TP HCM
  35.  André Menras Hồ Cương Quyết, cựu tù chính trị chế độ cũ, Cộng hòa Pháp
  36. Bùi Minh Quốc, nhà báo, nguyên Tổng Biên tập tạp chí Lang Bian, Đà Lạt
  37. Nguyễn Đăng Quang, Đại tá, nguyên cán bộ Bộ Công an, Hà Nội
  38. Đặng Bích Phượng, đã nghỉ hưu, Hà Nội
  39. Hiền Phương, nhà văn, TP HCM
  40. Huỳnh Sơn Phước, nhà báo, nguyên thành viên IDS, Hội An
  41. Hà Sĩ Phu, TS, nhà văn tự do, Đà Lạt
  42. Nguyễn Hữu Châu Phan, nhà nghiên cứu, Huế
  43. Nguyễn Văn Nhượng, kỹ sư, Thụy Sĩ
  44. Hồ Ngọc Nhuận, nguyên Chủ bút nhật báo Tin Sáng Sài Gòn, TP HCM
  45. Nguyễn Quang Nhàn, cán bộ công đoàn hưu trí, Đà Lạt
  46. Nguyễn Thái Nguyên, TS, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, Hà Nội
  47. Trần Đức Nguyên, nguyên Trưởng ban Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, Hà Nội
  48. Nguyễn Đình Nguyên, TS, Australia
  49. Hạ Đình Nguyên, hưu trí, TP HCM
  50. Nguyên Ngọc, nhà văn, Hội An – Hà Nội
  51. Nguyễn Xuân Nghĩa, TS, giảng viên, TP HCM
  52. Kha Lương Ngãi, nguyên Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng, TP HCM
  53. Trần Tố Nga, nhà giáo về hưu, Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh của Pháp, hiện sống ở Paris
  54. La Thi Nga, sinh viên, CHLB Đức
  55. Ngô Minh, nhà thơ, Huế
  56. Phạm Gia Minh, TS Kinh tế, Hà Nội
  57. GBt. Huỳnh Công Minh, linh mục Tổng Giáo phận Sài Gòn, TP HCM
  58. Phan Đắc Lữ, nhà thơ, TP HCM
  59. Lê Thăng Long, kỹ sư, TP HCM
  60. Mai Thái Lĩnh, nhà giáo nghỉ hưu, nhà nghiên cứu độc lập, Đà Lạt, Lâm Đồng
  61. Hồ Uy Liêm, PGS TS, nguyên quyền Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hà Nội
  62. Cao Lập, hưu trí, cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên Giám đốc Làng Du lịch Bình Quới – Saigontourist
  63. Võ Thị Lan, cán bộ hưu trí (Công an TP- HCM), TP HCM 
  64. Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, nguyên Phó Viện trưởng Viện IDS, Hà Nội
  65. Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, nguyên thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, TP HCM
  66. Trần Minh Khôi, kỹ sư điện toán, Đức
  67. Vũ Trọng Khải, chuyên gia độc lập về phát triển nông thôn, TP HCM
  68. Hoàng Hưng, nhà thơ, nhà báo tự do, TP HCM
  69. Hà Thúc Huy, PGS TS, giảng dạy đại học, TP HCM
  70. Nguyễn Thế Hùng, GS TS ngành Thủy lợi, Phó Chủ tịch Hội Cơ học Thủy khí Việt Nam, TP Đà Nẵng
  71. Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục giáo phận Vinh
  72. Tô Hòa, nguyên Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng, TP HCM
  73. Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Huế
  74. Hồ Hiếu, cựu tù Côn Đảo, nguyên chánh văn phòng Ban Dân vận Thành ủy, TP HCM
  75. Phạm Duy Hiển, GS, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, nguyên thành viên Viện IDS, Hà Nội
  76. Phạm Duy Hiển, kĩ sư, đã nghỉ hưu, Bà Rịa – Vũng Tàu
  77. Vũ Sinh Hiên, nhà nghiên cứu, TP HCM
  78. Nguyễn Công Hê, TP HCM
  79. Nguyễn Thị Thanh Hằng, dược sĩ, Pháp
  80. Võ Thị Hảo, nhà văn, Hà Nội
  81. Đặng Thị Hảo, TS, Hà Nội
  82. Nguyễn Gia Hảo, chuyên gia tư vấn (Kinh tế đối ngoại) độc lập, nguyên thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ (Võ Văn Kiệt), trọng tài viên Trung tâm Trọng tài (Thương mại) Quốc tế Việt nam (VIAC), Hà Nội
  83. Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Hà Nội
  84. Nguyễn Tất Hanh, họa sĩ, nhà thơ, hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng
  85. Phạm Bá Hải, Ths Kinh tế, Sài Gòn
  86. Đặng Hạ, lão thành cách mạng, đã nghỉ hưu, Hà Nội
  87. Lê Minh Hà, nhà văn, Đức
  88. Lê Công Giàu, nguyên Tổng Thư ký Tổng hội Sinh viên Sài Gòn 1966, nguyên Giám đốc Trung Tâm xúc tiến thương mại đầu tư, TP HCM
  89. Nguyễn Ngọc Giao, nhà giáo về hưu, Pháp
  90. Nguyễn Hoàng Giao, nghiên cứu sinh tại Đại học Macquarie, Australia
  91. Trần Tiến Đức, nhà báo, đạo diễn truyền hình, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục – Truyền thông Ủy ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình, Hà Nội
  92. Lê Mạnh Đức, hưu trí, TP HCM
  93. Huy Đức, nhà báo độc lập, TP HCM
  94. Uông Đình Đức, kỹ sư cơ khí đã nghỉ hưu, TP HCM
  95. Phạm Ngọc Đăng, GS TSKH, Nhà giáo Nhân dân, Hà Nội
  96. Nguyễn Đình Đầu, nhà nghiên cứu, TP HCM
  97. Nguyễn Đức Dương, nghiên cứu tiếng Việt, cán bộ nghỉ hưu, TP HCM
  98. Lê Đăng Doanh, TS Kinh tế, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ Tướng, nguyên thành viên Viện IDS, Hà Nội
  99. Doãn Mạnh Dũng, kỹ sư Khai thác Vận tải biển, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Biển TP HCM, TP HCM
  100. Hoàng Dũng, PGS TS, Đại học Sư phạm TP HCM, TP HCM
  101. Nguyễn Xuân Diện, TS Ngữ văn, Hà Nội
  102. Nguyễn Trung Dân, nhà báo, TP HCM
  103. Phạm Công Cường, TS Hóa học, nguyên giảng viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, cán bộ Viện Nghiên cứu Năng lượng Nguyên tử Quốc gia, Hà Nội
  104. Tiêu Dao Bảo Cự, nhà văn tự do, Đà Lạt
  105. Ngô Thị Kim Cúc, nhà văn, nhà báo, TP HCM
  106. Tống Văn Công, nguyên Tổng Biên tập báo Lao Động, TP HCM
  107. Nguyễn Kim Chung, giáo viên dạy toán đã về hưu, TP HCM
  108. Nguyễn Phương Chi, biên tập viên chính, nguyên Phó phòng Tạp chí Nghiên cứu văn học, Viện Văn học, Hà Nội
  109. Nguyễn Huệ Chi, GS, Hà Nội
  110. Huỳnh Ngọc Chênh, nhà báo, Sài Gòn
  111. Nguyễn Văn Binh, nguyên dân biểu Quốc hội Sài Gòn, TP HCM
  112. Nguyễn Thị Hoàng Bắc, nhà giáo, nhà văn, Hoa Kỳ
  113. Trần Ngọc Báu, nghỉ hưu, Thuỵ Sĩ
  114. Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng thư ký Hội Trí thức, TP HCM
  115. Nguyễn Quang A, TS, nguyên Viện trưởng Viện IDS, Hà Nội
* Để ký tên xin ghi rõ: (1) họ tên; (2) nghề nghiệp; (3) địa chỉ cư trú (mức thành phố, tỉnh); (4) nước nơi đang cư trú; và gửi về địa chỉthungovn2014@gmail.com








Nguồn: www.ghpgvntn.net

Bản lên tiếng của Tăng Đoàn GHPGVNTN về việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam

alt 
HT. Thích Viên Định (thứ 3 từ trái) trong lễ Phật đản tại Huế - 2014
   
 TĂNG ĐOÀN GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
                               HỘI ĐỒNG ĐIỀU HÀNH           
Chùa Giác Hoa, 15/7 Nơ Trang Long,
Phường 7, Q. Bình Thạnh, TP Sài Gòn  
Phật lịch 2558
                                                                                Số: 01/HĐĐH/TB/VT
 BẢN LÊN TIẾNG
CỦA TĂNG ĐOÀN GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VỀ VIỆC TRUNG QUỐC  XÂM PHẠM CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM
Kính thưa toàn thể Đồng bào cùng Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước,
Việc Trung quốc ngang nhiên đưa giàn khoan dầu nước sâu HD 981 và một hạm đội tàu hộ tống vào biển Đông của Việt nam để thăm dò và khai thác là một hành động xâm lược trắng trợn bất chấp chủ quyền của Việt Nam và công ước quốc tế về Luật biển.
Trung quốc đã dùng nhiều cách, từng bước, xâm chiếm nhiều vùng lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam. Ngư dân Việt đánh cá trong vùng biển Việt Nam liên tục bị Trung Cộng đánh phá, giết người, cướp tài sản, bắt giam đòi tiền chuộc.

Những việc làm trên của nhà cầm quyền Bắc kinh cho thấy tham vọng của Trung Cộng là một mối hiểm họa lâu dài và trực tiếp đối với dân tộc và tổ quốc Việt Nam.
Trong lịch sử của chúng ta, hiểm họa phương Bắc là thường trực, nhưng nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam cố tình không nhận chân điều đó, họ vẫn xem Trung quốc là đồng chí anh em, vẫn lấy 16 chữ vàng và 4 tốt làm phương châm, vô trách nhiệm trong việc bang giao và phòng bị.

Hơn nữa, sau hơn 1/2 thế kỷ cầm quyền, Cộng Sản Việt Nam đã phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng cả về kinh tế, ngoại giao, chính trị và quốc phòng. Khiến cho nền kinh tế quốc gia bị khánh tận, làm băng hoại tinh thần dân tộc và nguyên khí quốc gia, gây hậu quả quốc gia bị cô lập, lạc hậu và chậm tiến.

Những sai lầm kể trên làm phá sản quốc gia, làm nghèo cả dân tộc, dẫn đến sai lầm về an ninh chiến lược, không đủ nguồn lực để  bảo vệ tổ quốc. Quốc nạn tham nhũng và lề lối điều hành tùy tiện, làm lũng đoạn ngân sách quốc gia và quốc phòng.
Đất nước chúng ta hiện nay đang trong hoàn cảnh hiểm nghèo nhưng đảng Cộng Sản Việt Nam vô kế khả thi vì nội lực đã hoàn toàn suy sụp lại bị cô lập về ngoại giao.

Đã vậy, Nhà cầm quyền Cộng sản lại đặt 90 triệu người dân Việt Nam, trong đó có đủ mọi tầng lớp nhân sĩ, Trí thức, Sinh viên, Công nhân, Nông dân, và các Tôn giáo thành những người ngoại cuộc trong tư thế bị động. Người dân Việt nào muốn thể hiện lòng yêu nước, chống ngoại xâm, phải được sự cho phép của Nhà cầm quyền, nếu không, liền bị đàn áp một cách hung bạo lạ thường, nhằm dập tắt và làm nhụt chí yêu nước của người dân Việt!

Trước hiện tình đất nước hôm nay, theo lời kêu gọi của 20 tổ chức dân sự, các Tôn giáo, các nhà trí thức yêu nước, suốt mấy tuần qua, hàng ngàn người dân Việt, không còn sợ tù tội, hiểm nguy, đàn áp, đã tổ chức xuống đường biểu tình chống ngoại xâm trên nhiều vùng đất nước.

Trong Đại Lễ Phật đản Phật lịch 2558 vừa qua, Trưởng lão Hòa Thượng Thích Thiện Hạnh- Thượng thủ Tăng Đoàn GHPGVNTN, đã ngỏ lời kêu gọi 3 phút tỉnh lặng nhập ý thức quán, chống ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc. Ngài giải thích: “3 phút nhập ý thức quán là để đánh thức trách nhiệm và bổn phận của hơn 90 triệu người con dân của Tổ Quốc Việt Nam trước hiểm hoạ “sơn hà nguy biến”. Nếu không ý thức cảnh giác thì Tổ quốc Việt Nam mất vào tay Trung cộng hồi nào chẳng biết, dân tộc Việt Nam trở thành nô lệ của Trung cộng hồi nào chẳng hay… ”

Ngày 23.5.2014, lo lắng trước hiểm hoạ xâm lăng của Trung cộng, Phật  tử Lê thị Tuyết Mai,Pháp danh Đồng Xuân, đã phát nguyện tự thiêu trước Dinh Độc Lập, Sài gòn, gióng lên tiếng nói bất khuất, làm ngọn đèn soi sáng để kêu gọi toàn dân chống ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc. 
Với hiện trạng tối tăm và hiểm nguy của đất nước, Tăng Đoàn Giáo hội Phật giáo Viêt Nam Thống nhất có những nhận định để bảo vệ tổ quốc như sau:
- Việc đấu tranh bảo vệ tổ quốc phải song hành với việc vận động cho dân chủ và nhân quyền, vì dân tộc chúng ta sẽ không thể bảo vệ tổ quốc nếu quyền lực không thuộc về nhân dân.

- Tăng Đoàn GHPGVNTN kêu gọi Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam chấm dứt những việc làm mờ ám, không rõ ràng trong quan hệ với Trung quốc.
- Tăng Đoàn GHPGVNTN kêu gọi Nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam hãy nghe lời kêu gọi của nhân dân, thực hiện những yêu cầu chính đáng của nhân dân và nhân sĩ trí thức  dân chủ trong và ngoài nước để bảo vệ tổ quốc Việt Nam trước sự xâm lăng mỗi ngày một lấn tới của Trung Cộng.

- Tăng Đoàn GHPGVNTN kêu gọi Nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam thả tất cả những tù nhân lương tâm và những người biểu tình chống Trung cộng bị bắt giam từ trước đến nay.
- Tăng Đoàn GHPGVNTN kêu gọi toàn dân Việt Nam trong và ngoài nước không phân biệt chính kiến, tôn giáo, đảng phái…hãy cùng nhau đoàn kết một lòng bảo vệ tổ quốc, chống ngoại xâm.
Cầu nguyện cho đất nước được trường tồn, dân tộc được sống trong tự do, dân chủ, nhân quyền, an vui hạnh phúc.
                                                        Chùa Giác Hoa- Sài gòn, ngày 28 tháng 5 năm 2014.
                                                                       Thay mặt Hội Đồng Điều Hành
                                                                           Tăng Đoàn GHPGVNTN
                                                                                     Viện Trưởng
                                                                                            ấn ký
Tỳ kheo Thích Viên Định



Cả nước đã bị lừa
            Nếu không nhìn lại, mình sẽ mất quá khứ và tương lai .
              Châu Hiển Lý ( Bộ đội tập kết 1954 ).

       Đã hơn 3 thập kỷ trôi qua, làm ăn cực nhọc là thế, thành tựu không thể nói là nhỏ, thế mà khoảng cách phát triển của VN so với thế giới sao vẫn xa vời! Không định thần nhìn nhận lại tất cả, không khéo chúng ta sẽ ngày càng đi sâu vào con đường đi làm thuê, đất nước có nguy cơ trở thành đất nước cho thuê với triển vọng là bãi thải công nghiệp của các quốc gia khác! Giữa lúc thế giới đang bước vào thời kỳ kinh tế trí thức!

       150 năm đã trôi qua, nhưng bài học này còn nguyên vẹn. Đó là 80 năm nô lệ, 40 năm với 4 cuộc chiến tranh lớn (Pháp, Mỹ, Cam Bốt, Tàu) – trong đó 3 thế hệ liên tiếp gánh chịu những hy sinh khốc liệt, 37 năm xây dựng trong hòa bình với biết bao nhiêu lận đận, và hôm nay VN vẫn còn là một nước chậm tiến.

        Thảm kịch của đảng cộng sản thực ra đã bắt đầu ngay từ ngày 30-4-1975. Sự bẽ bàng còn lớn hơn vinh quang chiến thắng. Hòa bình và thống nhất đã chỉ phơi bày một miền Bắc xã hội chủ nghĩa thua kém miền Nam, xô bồ và thối nát, về mọi mặt. “Tính hơn hẳn” của chủ nghĩa Mác-Lênin trở thành một trò cười. Sự tồi dở của nó được phơi bày rõ rệt cùng với sự nghèo khổ cùng cực của đồng bào miền Bắc.

Nhìn lại sau hơn nửa thế kỷ dưới chế độ CS, hàng loạt các câu hỏi được đặt ra :
_ Năm 1954 sau khi thắng Pháp, tại sao hơn 1 triệu người Bắc phải bỏ lại nhà cửa ruộng vườn di cư vào miền Nam ?
_ Sau năm 1975 , tại sao dân miền Nam không ồ ạt di cư ra Bắc sinh sống để được hưởng những thành quả của CNXH mà chỉ thấy hàng triệu người Bắc lũ lượt kéo nhau vào Nam lập nghiệp ?
_ Tại sao sau khi được “giải phóng” khỏi gông cùm của Mỹ-Ngụy, hàng triệu người phải vượt biên tìm tự do trong cái chết gần kề, ngoài biển cả mênh mông ?
_ Tại sao nhân viên trong các phái đoàn CS đi công tác thường hay trốn lại ở các nước tư bản dưới hình thức tị nạn chính trị ?

Tất cả những thành phần nêu trên, họ muốn trốn chạy cái gì?
_ Tại sao đàn ông? của các nước tư bản Châu á có thể đến VN để chọn vợ như người ta đi mua một món hàng?
_ Tại sao Liên Xô và các nước Đông âu bị sụp đổ?
_ Tại sao lại có sự cách biệt một trời một vực giữa Đông Đức và Tây Đức, giữa Nam Hàn và Bắc Hàn?
Tại sao nước ta ngày nay phải quay trở lại với kinh tế thị trường, phải đi làm công cho các nước tư bản?
_ Tại sao các lãnh tụ CS lại gởi con đi du học tại các nước tư bản thù nghịch?

         Hỏi tức là trả lời, người VN đã bỏ phiếu bằng chân từ bỏ một xã hội phi nhân tính. Mọi lý luận phản biện và tuyên truyền của nhà nước cộng sản đều trở thành vô nghĩa.
Sự thực đã quá hiển nhiên nhưng đảng cộng sản không thể công khai nhìn nhận. Họ không thể nhìn nhận là đã hy sinh bốn triệu sinh mệnh trong một cuộc chiến cho một sai lầm. Nếu thế thì họ không còn tư cách gì để nắm chính quyền, ngay cả để hiện diện trong sinh hoạt quốc gia một cách bình thường.

Nhìn nhận một sai lầm kinh khủng như vậy đòi hỏi một lòng yêu nước, một tinh thần trách nhiệm và một sự lương thiện ở mức độ quá cao đối với những người lãnh đạo cộng sản. Hơn nữa họ đã được đào tạo để chỉ biết có bài bản cộng sản, bỏ chủ nghĩa này họ chỉ là những con số không về kiến thức. Cũng phải nói là trong bản chất con người ít ai chịu từ bỏ quyền lực khi đã nắm được.

Thế là sau cuộc cách mạng long trời lở đất với hơn ba chục năm khói lửa, máu chảy thành sông, xương cao hơn núi, Cộng Sản Hà Nội lại phải đi theo những gì trước đây họ từng hô hào phá bỏ tiêu diệt. Từ ba dòng thác cách mạng chuyên chính vô sản, hy sinh hơn bốn triệu mạng người, đi lòng dòng gần nửa thế kỷ, Cộng Sản Hà Nội lại phải rập khuôn theo mô hình tư bản để tồn tại .

 Hiện tượng “Mửa ra rồi nuốt lại” này là một cái tát vào mặt các nhà tuyên giáo trung ương.
Cách mạng cộng sản đã đưa ra những lí tưởng tuyệt vời nhất, cao cả nhất, đã thực hiện những hành động anh hùng vô song, đồng thời cũng gieo vào lòng người những ảo tưởng bền vững nhất.
Nhưng thực tế chuyên chính vô sản đã diễn ra vô cùng bạo liệt, tàn khốc, chà đạp man rợ lên đạo lý, văn hóa và quyền con người ở tất cả các nước cộng sản nắm chính quyền. Sự dã man quỷ quyệt mánh lới và sự bất nhân khéo che đậy của Cộng sản chưa hề thấy trong lịch sử loài người.

Con người có thể sống trong nghèo nàn, thiếu thốn. Nhưng người ta không thể sống mà không nghĩ, không nói lên ý nghĩ của mình. Không có gì đau khổ hơn là buộc phải im lăng, không có sự đàn áp nào dã man hơn việc bắt người ta phải từ bỏ các tư tưởng của mình và “nhai lại” suy nghĩ của kẻ khác.

Nền chuyên chính vô sản này làm tê liệt toàn bộ đời sống tinh thần của một dân tộc, làm tê liệt sự hoạt động tinh thần của nhiều thế hệ, làm nhiều thế hệ con người trở thành những con rối, những kẻ mù chỉ biết nhai như vẹt các nguyên lý bảo thủ giáo điều…
Công dân của nhà nước cộng sản luôn luôn sợ hãi, luôn luôn lo lắng không biết mình có làm gì sai để khỏi phải chứng minh rằng mình không phải là kẻ thù của chủ nghĩa xã hội.

Cơ chế quyền lực cộng sản tạo ra những hình thức đàn áp tinh vi nhất và bóc lột dã man nhất. Vì vậy công dân trong các hệ thống cộng sản hiểu ngay điều gì được phép làm, còn điều gì thì không. Không phải là luật pháp mà là quan hệ bất thành văn giữa chính quyền và thần dân của nó đã trở thành “phương hướng hành động” chung cho tất cả mọi người.

Cơ chế hiện nay đang tạo kẽ hở cho tham nhũng, vơ vét tiền của của Nhà nước. Nhưng cái mà chúng ta mất lớn nhất lại không phải là mất tiền, mất của, dù số tiền đó là hàng chục tỉ, hàng trăm tỉ. Cái lớn nhất bị mất, đó là suy đồi đạo đứcChúng ta sống trong một xã hội mà chúng ta phải tự nói dối với nhau để sống…

           Bác và đảng đã gần hoàn thành việc vô sản hóa và lưu manh hóa con người VN (vô sản lưu manh là lời của Lê Nin). Vô sản chuyên chính (đảng viên) thì chuyển sang làm tư bản đỏ, còn vô sản bình thường (người dân) trở thành lưu manh do thất nghiệp, nghèo đói.
Nền kinh tế Việt Nam bây giờ chủ yếu là dựa trên việc vơ vét tài nguyên quốc gia , bán rẻ sức lao động của công nhân và nông dân cho các tập đoàn kinh tế ngoại bang, vay nước ngoài do nhà nước CS làm trung gian.

Huyền thoại giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp do cộng sản Việt Nam dày công dàn dựng đã tan thành mây khói khi giai cấp “vô sản” âm thầm lột xác trở thành các nhà Tư bản đỏ đầy quyền lực và đô la.

Do vậy, lý thuyết CS dần dần mất đi tính quyến rũ hoang dại. Nó trở nên trần trụi và lai căng. Tất cả điều đó đã làm cho các ĐCS trên toàn thế giới dần dần chết đi. Dù GDP có tăng lên, nhiều công trình lớn được khánh thành do vay mượn quỹ tiền tệ Quốc Tế nhưng đạo đức xã hội cạn dần. Thực tế cho thấy rằng sức mạnh không nằm ở cơ bắp. Vũ khí, cảnh sát và hơi cay chỉ là muỗi mòng giữa bầu trời rộng lớn nếu như lòng dân đã hết niềm tin vào chính quyền.

           Học thuyết về xây dựng một xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa chỉ là một loại lý tưởng hóa, nó là chiếc bánh vẽ để lừa gạt dân, không hơn không kém; đảng nói một đằng, làm một nẻo.
Chẳng hạn đảng nói “xây dựng xã hội không có bóc lột” thì chính những đảng viên lại là những người trực tiếp tham nhũng bóc lột người ; đảng nói ” một xã hội có nền dân chủ gấp triệu lần xã hội tư bản” thì chính xã hội ta đang mất dân chủ trầm trọng; đảng nói “đảng bao gồm những người tiên phong nhất, tiên tiến nhất” nhưng thực tế thì đảng đầy rẫy những người xấu xa nhất, đó là những kẻ đục khoét tiền bạc của nhân dân.

           Sở dĩ ĐCSVN còn cố giương cao ngọn cờ XHCN đã bị thiêu rụi ở tất cả các nước sản sinh ra nó vì chúng đang còn nhờ vào miếng võ độc “vô sản chuyên chính” là… còng số 8, nhà tù và họng súng để tồn tại !
Nhân dân đang hy vọng rằng Đảng sớm tự ý thức về tội lỗi tầy trời của mình. Đảng sẽ phải thẳng thắn sám hối từ trong sâu thẳm chứ không chỉ thay đổi bề ngoài rồi lại tiếp tục ngụy biện, chắp vá một cách trơ trẻn.

Người dân chẳng còn một tí ti lòng tin vào bất cứ trò ma giáo nào mà chính phủ bé, chính phủ lớn, chính phủ gần, chính phủ xa đưa ra nữa. Họ nhìn vào ngôi nhà to tướng của ông chủ tịch xã, chú công an khu vực, bà thẩm phán, ông chánh án, bác hải quan, chị quản lý thị trường, kể cả các vị “đại biểu của dân” ở các cơ quan lập pháp “vừa đá bóng vừa thổi còi” mà kết luận: “Tất cả đều là lừa bịp!”

Do đó XHCN sẽ được đánh giá như một thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử VN. Con, cháu, chút, chít chúng ta nhắc lại nó như một thời kỳ… đồ đểu ! vết nhơ muôn đời của nhân loại.

Một thời kỳ mà tâm trạng của người dân được thi sĩ cách mạng Bùi Minh Quốc tóm tắt qua 2 vần thơ :
         “Quay mặt phía nào cũng phải ghìm cơn mửa !
           Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi!”
Chẳng lẽ tuổi thanh xuân của bao người con nước Việt dâng hiến cho cách mạng để cuối cùng phải chấp nhận một kết quả thảm thương như thế hay sao ?

Chẳng lẽ máu của bao nhiêu người đổ xuống, vàng bạc tài sản của bao nhiêu kẻ hảo tâm đóng góp để cuối cùng tạo dựng nên một chính thể đê tiện và phi nhân như vậy?

Tương lai nào sẽ dành cho dân tộc và đất nước Việt Nam nếu cái tốt phải nhường chỗ cho cái xấu?

Một xã hội mà cái xấu, cái ác nghênh ngang, công khai dương dương tự đắc trong khi cái tốt, cái thiện phải lẩn tránh, phải rút vào bóng tối thì dân tộc đó không thể có tương lai!

Một kết cục đau buồn và đổ vỡ là điều không tránh khỏi.

Châu Hiển Lý
(Bộ đội tập kết 1954)

No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết