Wednesday, September 17, 2014

Chuyện Tỵ nạn chính trị và cái giá phải trả cho Tự do (1975 – 2015)




Chuyện Tỵ nạn chính trị và cái giá phải trả cho Tự do (1975 – 2015)

Ghi nhận của Đoàn Thanh Liêm
*     *     *
Theo thống kê phổ biến vào năm 2010 của Cộng đồng Người Việt tại Liên Bang Úc châu, thì tổng số người Việt hiện sinh sống ở hải ngọai là vào khỏang 4.5 triệu người. Trong đó, thì hầu hết là người tỵ nạn chính trị – chứ không phải là tỵ nạn kinh tế.
Năm 2015 sắp tới, thì sẽ là 40 năm kể từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, bà con chúng ta đã lần lượt phải bỏ nước ra đi để mà tránh thóat khỏi cái nạn độc tài tàn bạo dã man của đảng cộng sản bao trùm lên cả nước từ miền Bắc vào đến tận miền Nam.
Nói chung, thì phần đông các gia đình tỵ nạn chúng ta đã lần hồi xây dựng được một cuộc sống ổn định, an lành tại các quốc gia dân chủ ở Âu châu, Mỹ châu, Úc châu và cả Á châu nữa. Và đặc biệt là lớp người trẻ thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3 là con, cháu chúng ta - vào lớp tuổi từ 20 đến 50 – thì đã hội nhập khá thành công nơi các quốc gia sở tại nhờ tiếp nhận được một nền giáo dục tiến bộ về khoa học kỹ thuật hiện đại và do đó mà có được công việc chuyên môn cao với thu nhập khả dĩ bảo đảm được một nếp sống tiện nghi thỏai mái.
Thế nhưng, nhìn lại cái quá trình vượt biên di tản tỵ nạn của bà con thân thiết ruột thịt của chúng ta trong 20 năm từ 1975 đến 1995, thì không một ai mà tránh được nỗi bùi ngùi xúc động trước những cái chết tức tưởi đau thương thảm khốc của hàng chục vạn người ở ngòai biển khơi hay trong rừng sâu nơi mấy nước láng giềng như Lào, Cambodia.
Sắp bước qua năm 2015 - tức là sau 40 năm cuộc di tản tỵ nạn khởi đầu sau cái ngày oan nghiệt 30/4/1975 ấy - thiết nghĩ chúng ta cũng nên ôn lại cho bản thân mình và nhất là cho con cháu những khổ đau mất mát mà dân tộc chúng ta phải chịu đựng như là cái giá quá đắt để đổi lại cuộc sống tự do nơi những miền đất ở ngòai quê hương Việt nam thân yêu của mình.  Xin được trình bày vấn đề nhức nhối đó qua mấy mục sau đây :
I – Cái giá của Tự do : Bao nhiêu mạng sống con người đã bị chôn vùi ngòai biển cả, nơi rừng sâu?
Không thể nào có thể thống kê chính xác được về số thuyền nhân bị chết ngòai biển – mà chỉ có thể có con số phỏng đóan mà thôi. Theo tài liệu của tổ chức Cao Ủy về Người Tỵ Nạn của Liên Hiệp Quốc, thì ước lượng có đến từ 200,000 đến 400,000 thuyền nhân bị thiệt mạng ngòai biển khơi. Trong khi đó, thì con số thống kê về các thuyền nhân đến được các trại tạm cư ở các quốc gia Đông Nam Á cho biết tổng số là khỏang 800,000 người – con số này còn ít hơn tổng số người di cư từ miền Bắc vào miền Nam năm 1954 được thống kê là gần 1 triệu người.
Về số người đi đường bộ qua nước Lào hay Cambodia, thì không thấy có một con số ước lượng nào về số người bị mất tích nơi rừng sâu - do bị bọn cướp, quân Khmer Đỏ hay công an cộng sản giết chết hoặc do bệnh họan kiệt sức mà thiệt mạng. Có người ước đóan con số “bộ nhân” mất tích có thể lên tới vài ba chục ngàn người, nhưng không một ai mà lại có thể xác định rõ ràng về con số đó được.
Vì không thể nào mà có được con số thống kê chính xác về những người bị mất tích ngòai biển hay nơi rừng sâu, nên tôi nghĩ chúng ta chỉ còn một cách duy nhất là thâu thập mọi chứng từ của các thân nhân ghi lại danh tính của người bà con hay bạn hữu thân thiết của họ mà bị mất tích trong chuyến đi vượt biên vào ngày tháng nào, xuất phát tại địa điểm nào v.v...Rồi các tổ chức đặc trách  - như Văn Khố Thuyền Nhân chẳng hạn - sẽ phân tích, đối chiếu và xếp lọai các tài liệu này, và sau đó sẽ trình bày thành một hồ sơ tổng kết về các nạn nhân bị mất tích trong lúc tìm cách vượt biên để tránh thóat khỏi chế độ độc tài cộng sản ở Việt nam. Hồ sơ tổng kết này sẽ là một tài liệu tương đối chính xác nhất - do chính các thân nhân vừa là chứng nhân vừa là nạn nhân của bao nhiêu vụ mất tích đớn đau mù mịt đó – mà họ đích thân đứng ra thông báo rộng rãi những chi tiết cụ thể cho công chúng biết vậy.
II – Một số trường hợp thân nhân và bạn hữu bị thiệt mạng hay mất tích lúc vượt biên mà tôi biết rõ.
Riêng bản thân, thì tôi biết rõ đến cả trăm người là thân nhân ruột thịt hay là bạn hữu thân thiết mà bị thiệt mạng hay mất tích ngòai biển khơi trong các chuyến vượt biên. Xin ghi lại danh tính của một số nạn nhân sau đây.
1 – Những bà con thân nhân ruột thịt.
ñ Đầu tiên là cháu Hòang Anh là con của cô Oanh em gái tôi. Năm 1979, cháu mới được 13 tuổi, cháu cùng xuống ghe đi với chị là Hòang Yến 17 tuổi. Không may, ghe bị đắm lúc gần tới một hòn đảo nên mọi người phải lội vào bờ và Hòang Anh đã bị chết đuối do bị cuốn đi bởi một con sóng mạnh chạy ùa vào đất liền – trong khi đó thì chị của cháu lại sống sót. Đây là một trong những nỗi đau thương mất mát lớn nhất trong gia đình chúng tôi.
ñ Về phía dòng họ Vũ Ngô của bà ngọai tôi tại làng Lục Thủy, thì có ít nhất hai người bị mất tích trong 2 chuyến vượt biển khác nhau vào các năm 1979, 1980. Đó là ông Vũ Ngô Chẩn và Trịnh Ngọc Cứ – bà con trong gia đình không hề được tin tức gì về các ông kể từ ngày họ xuống ghe rời khỏi quê hương.
ñ  Còn đây là một chuyện chết chóc kinh khủng nhất của nhiều người trên chiếc ghe đi từ Sài gòn vào cuối năm 1978 – trong đó có chú Nghĩa là em họ của bà xã nhà tôi. Vì ghe bị mắc cạn lâu ngày trên một cồn cát hoang vu, nên nhiều người bị chết đói chết khát vì kiệt sức. Sau đó thì được một tàu đánh cá đưa về Đài Loan, nhưng giữa đường đi này thì còn thêm nhiều người bị chết nữa. Trong số người chết đó, thì tôi biết rõ Quý và Dũng là em và cháu của chị Nguyễn Đức Tuyên bạn thân thiết của tôi. Rồi cả ông bà Phú Vinh là thương gia có tiếng ở khu Ngã Ba Ông Tạ, chị Hồng là em của chị Đại Tá Kính nữa...
2 – Những người bạn trong giới luật sư, thẩm phán.
Trong số luật sư, thì tôi được biết rõ có ít nhất 3 người là nạn nhân bị thiệt mạng trong lúc vượt biên. Đó là các anh Đặng Như Kỳ, Đàm Quang Đôn và Nguyễn Hữu Lành. Anh Kỳ làm chung văn phòng với các bạn Vương Văn Bắc, Lê Sỹ Giai, Nguyễn Tường Bá, Đàm Quang Lâm. Anh Đôn có thời còn là một Dân biểu ở đơn vị Cần Thơ.
Riêng anh Lành, thì còn là Khoa trưởng Đại học Luật khoa Cần Thơ. Chị Lành là ái nữ của Giáo sư Phạm Đình Ái mà có thời đã làm Nghị sĩ tại Thượng Nghị Viện hồi trước năm 1975. Trên chiếc ghe của anh chị Lành, còn có hai cháu là con của Luật sư Bùi Chánh Thời, gia đình Kỹ sư Lê Văn Danh là một người họat động nổi tiếng ở Sài gòn trước 1975. Tất cả đều mất tích, không một ai sống sót để mà kể lại cái thảm cảnh này.
Về giới thẩm phán, thì tôi ghi nhận được có ít nhất 3 tường hợp mất tích, đó là các anh Tô lai Chánh, Nguyễn Văn Ngãi, Vương Quốc Cường.. Anh Chánh đã có thời họat động trong Tổng Hội Sinh Viên, sau thì làm sĩ quan quân pháp. Anh Ngãi trước năm 1975 thì làm Dự thẩm ở Biên Hòa. Anh Cường đã có thời làm Chánh án ở Quảng Ngãi.
3- Một số bạn hữu khác.
Xin kể 3 trường hợp các người bạn bị mất tích. Chị Vũ Thị Kim Lan là người rất giỏi về sinh ngữ Anh, Pháp; chị còn mày mò học thêm cả Hoa ngữ nữa. Vào cuối năm 1979, chị dẫn cháu con cô em cùng đi vượt biên, mà cả hai đều mất tích.
Anh Trịnh Văn Xuân trước làm ở Nha Công Vụ. Anh chị dẫn con trai là bác sĩ cùng đi vượt biên vào năm 1978 - 79, nhưng tất cả đều mất tích.
Anh Nguyễn Hải là giáo sư tại Đại học Khoa học Sài gòn. Vào năm 1979, anh Hải dẫn theo cháu gái đi vượt biên, nhưng cả hai cha con đều bật vô âm tín, không một ai trong gia đình có được một tin tức nào về anh cả.
III – Chúng ta có thể làm được gì đối với những người mất tích?
Cho đến nay, chúng ta đã có nhiều tượng đài được xây dựng khắp nơi để tưởng niệm những thuyền nhân bị thiệt mạng hay mất tích. Đặc biệt là tổ chức Văn khố Thuyền Nhân đã tổ chức nhiều chuyến đi viếng thăm và sửa sang các mộ phần nạn nhân thiệt mạng tại các đảo ở Đông Nam Á. Đó là những cố gắng rất đáng biểu dương của những cá nhân và tổ chức vốn có sự quan tâm cụ thể và tấm lòng thương cảm sâu xa đối với những bà con gặp nạn trên đường đi tìm Tự do.
Nhưng thiết nghĩ chúng ta còn có thể làm được nhiều điều hơn thế nữa để biểu tỏ tấm lòng thiết tha gắn bó đối với tòan thể mấy chục vạn người đã thiệt mạng hay mất tích trên đường vượt biển, vượt biên. Cụ thể là một số việc đại khái như sau đây :
1 – Kêu gọi mọi thân nhân và bạn hữu của các nạn nhân để họ sẵn sàng thông báo chi tiết về danh tính người quá cố và trường hợp thiệt mạng hay mất tích.
Các thông báo này sẽ do một tổ chức thâu thập lại, phân tích, đối chiếu, xếp lọai và làm tổng kết về biến cố đau thương đã kéo dài đến mấy chục năm sau ngày 30/4/1975.
2 – Các Hội Ái Hữu, các đơn vị Quân Cán Chính v.v... nên mỗi đơn vị đứng ra thâu thập danh sách các thành viên của mình mà là nạn nhân. Rồi tổ chức những Lễ Tưởng niệm riêng biệt dành cho các thành viên đã thiệt mạng trong hòan cảnh bi đát đó.
3 – Tiến tới thành lập một Viện Bảo Tàng và Văn Khố dành riêng cho những nạn nhân đã thiệt mạng hay mất tích trên đường vượt biên đi tìm Tự do.
v.v...
Trên đây chỉ là một gợi ý rất sơ khởi, người viết trông đợi sự hưởng ứng của đông đảo các bạn đọc - để chúng ta cùng nắm tay chung nhau thực hiện được một hành động có ý nghĩa sâu sắc nhằm bày tỏ lòng yêu mến thiết tha đối với tập thể những người đã bỏ mình trên bước đường đi tìm Tự do vậy./

Westminster California, Tháng Chín 2014
Đoàn Thanh Liêm 
__._,_.___

Posted by: Dinh Mac 

No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết