Wednesday, November 19, 2014

Niên trưởng Trung Tướng Phan Trọng Chinh từ trần...


Tướng Phan Trọng Chinh

Tướng Trưởng và tướng Chinh khác nhau ở điểm nào
Sở dĩ tôi đem so sánh tướng Trưởng với tướng Chinh, chỉ vì 2 ông tướng này đều có tên trong câu vè "tướng sạch" đã truyền khẩu trong dân gian miền Nam.

Tướng Phan Trọng Chinh cũng xuất thân nhảy dù và thuộc loại đàn anh của Ngô Quang Trưởng. Khi Phan Trọng Chinh mang lon đại úy, thì Trưởng hãy còn là thiếu úy mới ra trường. 

Trên con đường binh nghiệp, đại uý Chinh đã gặp gian nan trong vụ tham gia đảo chánh nhà Ngô cùng với đại tá Nguyễn Chánh Thi và đã bị đày đi Côn Đảo cùng với trung úy Nguyễn Văn Thừa, thì ở lại Sài Gòn Ngô Quang Trưởng tiếp tục lần mò lên chức đều đều, nhờ chịu khó luồn cúi các quan thầy cố vấn Mỹ. 

Chẳng những tướng Trưởng đã khôn ngoan núp toàn dưới những cái dù Mỹ cỡ bự, lại còn núp luôn cả dưói những cái dù bông của đàn bà trong dinh Độc Lập, trong Phủ Thủ Tướng va Bộ Tổng Tham Mưu. Thậm chí trong quân đội đã có tiếng đồn, trên đầu tướng Trưởng có nhiều dù đến nỗi tập trung tất cả xe vòi rồng trong đô thành mà xịt nước ông ta cũng không bị ướt!

Trong khi đó, tướng Phan Trọng Chinh lại hay xung khắc với cố vấn Mỹ, phần vì tự ái dân tộc, phần vì cá nhân mấy cố vấn Mỹ xấc láo, thường tỏ ý khinh thị các cấp chỉ huy quân đội VNCH hèn hạ, kiểu như tướng Trưởng, và coi rẻ mạng sống của binh sĩ Việt Nam. 

Để chứng minh, tôi xin kể lại vụ đụng chạm nẩy lửa giữa thiếu tướng Phan Trọng Chinh tư lệnh sư đoàn 25 bộ binh, kiêm tư lệnh khu 32 chiến thuật, với tên cố vấn trưởng Mỹ sư đoàn 25 bộ binh, tên Hê-Li-Cớt (Hellicut?).

Chuyện này đã xảy ra vào khoảng năm 1966-67. Trong thời điểm này, tình hình chiến sự trong khu 32 chiến thuật, gồm các tỉnh: Tây Ninh, Hậu Nghĩa, Long An... rất sôi động, căng thẳng. Tin tức báo cáo chiến sự của các tiểu khu trưởng, chi khu trưởng trong vùng gửi về Trung Tâm Hành Quân tới tấp mỗi ngày.

Theo hệ thống sinh hoạt cấp sư đoàn, Trung Tâm Hành Quân có trách nhiệm gom góp báo cáo chiến sự trong vùng, rồi trình lên tham mưu trưởng sư đoàn, để sĩ quan này trình lên thiếu tướng tư lệnh.

Lúc ấy, gần như đêm nào bọn CS địa phương cũng tấn công đánh đồn lẻ tẻ, giật mìn và phục kích. Trong khi đó quân số sư đoàn 25 không đủ để cung ứng cho một chiến trường quá rộng lớn. Bởi thế, thiếu tướng Phan Trọng Chinh thường phải đích thân đi thị sát chiến trường và ban hành chỉ thị cho các sĩ quan thuộc cấp trong vùng. 

Những lần đi thị sát như thế, thiếu tướng Chinh không mấy khi thông báo cho viên đại tá Mỹ, Hê-Li-Cớt, cố vấn trưởng của sư đoàn 25 biết. Bởi thế, viên cố vấn Mỹ có đầu óc phong kiến thực dân ấy đã tỏ ra không hài lòng và có những hành động khó chịu đối với Chinh.

Đụng chạm nảy lửa
Vùng 32 chiến thuật, gồm các tỉnh: Tây Ninh, Hậu Nghĩa, và Long An, là những tỉnh nằm sát nách thủ đô Sài Gòn. Lúc đó tiểu khu Hậu Nghĩa là trung tá Mã Sanh Nhơn, tiểu khu trưởng Long An là trung tá Oánh, tiêu khu trưởng Cần Giuộc là trung tá Khương...

Nền an ninh của các tỉnh đó đã đóng một vai trò chính yếu, bảo đảm nền an ninh của thủ đô Sài Gòn và Chợ Lớn. Trong suốt thời gian sôi động nhất ở miền Nam, các năm 1966-68, nếu dân chúng thủ đô được yên ổn sinh sống và làm ăn buôn bán cũng nhờ phần nào công lao của anh em chiến sĩ sư đoàn 25 BB, dĩ nhiên trong đó có cả công lao của tướng Chinh cùng toàn bộ sĩ quan trong ban tham mưu của ông.
Trong suốt mấy năm liền đảm nhiệm trọng trách đó, tôi thấy tướng Chinh không mấy khi về Sài Gòn thăm gia đình vợ con và bạn bè. 

Ông bận lo thị sát chiến trường, thanh tra các địa phương. Một đặc điểm đáng nêu lên đây là tướng Chinh đi thanh sát toàn bằng xe, di chuyển trên đường bộ, mặc dù vùng ông trấn đóng rất nguy hiểm. Bọn CS địa phương thường hay đặt mìn, bắn sẻ và phục kích từng toán lẻ tẻ.

 Thỉnh thoảng về thăm gia đình, vợ con, ông cũng dùng xe chớ không bao giờ dùng trực thăng như đa số các vị tướng lãnh khác. Đoàn xe của tướng Chinh di chuyển thường chỉ gồm có một chiếc Dodge 4x4 trí súng đại liên với mấy tay xạ thủ, một jeep ông ngồi cùng với tài xế và đại úy Đoàn, sĩ quan tùy viên của ông. Trước khi bị phục kích mù một mắt, thiếu tá Thời thường cùng đi với thiếu tướng Chinh. 

Nhưng kể từ ngày bị quân CS phục kích giựt mìn khiến ông bị hư một mắt, thiếu tá Thời - về sau đã được thăng lên trung tá, làm chánh văn phòng - không còn mấy khi theo tướng Chinh đi thị sát nữa. Ông lo việc trong văn phòng.

Những chuyến đi thanh sát như thế, không mấy khi tướng Chinh đem viên đại tá Mỹ cố vấn trưởng sư đoàn đi theo. Việc ấy không ngờ đã khiến cho tên cố vấn Mỹ, có máu thực dân phong kiến và xấc láo, tên Hê-Li-Cớt, để tâm hiềm khích.

Hôm ấy tướng Chinh về nhà thăm gia đình một đêm. Sáng hôm sau, ông lên bộ chỉ huy sư đoàn như thường lệ. Các bạn quân nhân nào đã từng phục vụ trong vùng Hậu Nghĩa đều biết chuyện này. Mỗi sáng, trước khi cho phép xe cộ lưu thông, gồm cả xe nhà binh lẫn xe dân sự, xe vận tải, xe đò, v.v...tiểu đoàn 25 công binh phải lo mở đường xong xuôi để bảo đảm an toàn cho mọi người. 

Đoàn xe mở đường thường gồm có một chiếc GMC và 1 chiếc Dodge 4x4 chở đầy các chuyên viên rà mìn. Bởi thế, không một xe nào, dù là xe của ông tướng tư lệnh có thể vượt qua luật lệ ấy.

Khi tướng Chinh vừa bước vào văn phòng tư lệnh sư đoàn, viên đại tá Mỹ Hê-Li-Cớt, từ phòng bên cạnh đã bước sang, hạch hỏi tướng Chinh, tại sao đến giờ này ông mới đến văn phòng. Trước thái độ hỗng hách ấy, tướng Chinh đã dạy cho hắn biết bài học về quân phong và quân kỷ, đồng thời cũng nhắc cho anh ta biết rằng, dù sao anh ta cũng chỉ là một đại tá đang đứng trước một vị tư lệnh sư đoàn.

Nhưng viên đại tá Mỹ phách lối này đã chẳng biết phục thiện, về sau lại còn tỏ ra xấc láo hơn nữa, nên tướng Chinh đã phải ra lệnh trục xuất tên cố vấn Mỹ ấy ra khỏi văn phòng làm việc, sát vách với văn phòng của ông. Tướng Chinh đuổi tên Hê-li-Cớt qua vùng Compound của Mỹ. Nhưng Hê-Li-Cớt cũng bướng, không chịu dọn đi. 

Tướng Chinh liền ra lịnh cho trung tá Trà, chỉ huy trưởng tổng hành dinh sư đoàn 25 dọn dùm đồ đạc của hắn qua bên Compound Mỹ, dưới sự bảo vệ của quân cảnh VN. Bên phía Mỹ, chẳng hiểu viên đại tá thực dân này đã nói gì vơi binh sĩ Mỹ dưới quyền của y, người ta thấy bọn quân cảnh Mỹ cũng lên súng M.16 và gờm sẵn trong tư thế chiến đấu.

 Nhưng rất may đã không xảy ra vụ sô sát đáng tiếc nào giữa binh sĩ Mỹ và binh sĩ VNCH thuộc sư đoàn 25BB. Dù vậy, báo chí Mỹ và báo chí Việt Nam cũng đã bình luận sôi nôi một thời về hành động cứng cỏi, để bảo vệ danh dự của quân đội VNCH và thể diện dân tộc.

Trong thời gian đó, tướng Chinh đã tung ra một bức thơ luân lưu, gửi đều khắp cho quân nhân các cấp thuộc sư đoàn 25 BB, lưu ý đặc biệt người chiến sĩ VNCH cần phải tận lực khai thác khả năng sẵn có, tận dụng những phương tiện của mình trong công cuộc chiến đấu, giới hạn tối đa sự nương tựa, nhờ vả không cần thiết vào quân đội đồng minh Mỹ. 

Đồng thời ông cũng lưu ý sĩ quan các cấp, từ đó không nên la cà vào Compound và những câu lạc bộ của Mỹ, để ăn uống và mua sắm vặt vãnh (hàng PX Mỹ nhiều món lạ, bán giá rẻ), khiến cho người Mỹ có thể lấy đó làm cái cớ để kiêu căng, và khinh thường sĩ quan và binh sĩ VNCH.

Từ đó, người ta thấy tướng Chinh lại càng ít xử dụng phương tiện của Mỹ, nhất là máy bay trực thăng. Về phần cố vấn Mỹ, tôi thấy họ cũng tỏ ý bất hợp tác với các sĩ quan sư đoàn 25. tôi còn nhớ có lần trung đoàn 46, dưới quyền chỉ huy của trung tá Hai Trề, nhảy dù, đóng trong vùng Mỹ Lộc, Cần Giuộc, Cần Đước, Bảy Núi v.v...đã bị quân CSBV tấn công ấy áp lực rất nặng nề. 

Chi khu trưởng quận Cần Đước là đại úy Ba, và chi khu phó là trung úy An, đã phải cho phép các xã trưởng và trưởng ấp ban ngày làm việc trong công sở, nhưng ban đêm được di tản ra vùng an ninh hơn.
Tôi tưởng cần nói thêm điểm này nữa, để bạn đọc dễ hình dung ra tình hình chiến sự gay cấn trong lãnh thổ khu 32 chiến thuật, dưới thời kỳ tướng Chinh làm tư lệnh sư đoàn 25 BB. 

Sư đoàn này chỉ vỏn vẹn gồm có 3 trung đoàn: 46, 49 và 50, không đủ để đương đầu với quân CSBV đã tập trung đông đảo trong các quận Cần Giuộc, Cần Đước, Mỹ Lộc, mà không ai biết được đích xác quân số của chúng lên tới cấp nào. 

Trung đoàn 46 do trung tá nhảy dù, Hai Trề, chỉ huy, trung đoàn 49, do đại tá Mã Sanh Nhơn chỉ huy, trung đoàn 50, do trung tá Oánh chỉ huy. 

Ngoài ra, vì áp lực của CSBV trong vùng này quá nặng, nên còn phải đặt ra những yếu khu, như yếu khu Hậu Nghĩa, do trung tá Sơn Thương, người Việt gốc Miên, thuộc binh chủng Biệt Động Quân, chỉ huy.

 Theo tôi biết, trung tá Sơn Thương, đánh giặc rất gan dạ. Hồi còn ở Sài Gòn, tôi có quen với Sơn Thương, và được biết người vợ Việt Nam của Sơn Thương là một thượng sĩ nữ quân nhân, rất đẹp. Cặp vợ chồng này đã có 2 người con trai nhỏ, đặt tên là Sơn Mây và Sơn Hổ...

Vài hôm sau, tướng tư lệnh quân đội Mỹ ở Việt Nam, tôi chẳng nhớ rõ tên là gì (có thể là: thống tướng Westmoreland?) đã đáp trực thăng xuống sân bay L.19 và Cessna, nằm ngay sau bộ tư lệnh, vào khu Compound Mỹ, chắc là để tìm hiểu sâu xa hơn về vụ đụng chạm giữa tướng Chinh và viên đại tá cố vấn trưởng sư đoàn 25 BB.

Khi viên tướng tư lệnh Mỹ xuống trực thăng, người ta thấy chỉ có viên đại tá Hê-Li-Cớt ra sân bay đón chào cùng với đại tá Đỗ Kế Giai, tham mưu trưởng sư đoàn. Còn tương Chinh cáo bệnh, ngồi trong văn phòng, không chịu ra đón. Một hôm sau nữa, đại tướng Cao Văn Viên tổng tư lệnh quân đội VNCH mới đáp trực thăng đến văn phòng tư lệnh sư đoàn 25.

Lần này, tướng Chinh đã hết bịnh, và người ta thấy ông đã dẫn phái đoàn sĩ quan tham mưu cao cấp của sư đoàn, ra sân bay đón chào ông đại tướng, và hướng dẫn vào phòng hành quân, để nghe thuyết trình về tình hình chiến sự tại địa phương. Dĩ nhiên, đó chỉ là màn kịch để che đậy mục đích chính của ông đại tướng đến nói chuyện với tướng Chinh về vụ đụng chạm với cố vấn Mỹ.

Dĩ nhiên không ai có thể biết được đại tướng Cao Văn Viên đã nói gì với tướng Chinh, nhưng chẳng bao lâu sau, người ta thấy viên cố vấn trưởng bị thuyên chuyển đi nơi khác và khoảng gần một năm sau, tướng Chinh cũng không còn làm tư lệnh sư đoàn 25 nữa. 

Ông được bổ nhiệm thay thế thiếu tướng Thịnh, giữ chức tư lệnh phó diện địa quân đoàn 3, quân khu 3 CT, dưới quyền chỉ huy của trung tướng Lê Nguyên Khang và người kế nhiệm sau đó là trung tướng Đỗ Cao Trí. Cùng thời gian này, đại tá Phạm Văn Liễu, cựu Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia, vừa ở trường Đồng Đế về, chẳng có việc gì làm, nên đã được bộ Quốc Phòng cử vào chức Trưởng Phòng Thanh Tra quân đoàn 3. 

Nên nhớ: ngày xưa Liễu từng là xếp của Khang!

Một điểm đáng nói khác về tướng Chinh là ông quá tin vào bói toán, dị đoan. Cuộc hành quân nào ông cũng coi giờ, coi quẻ, bói toán. Thỉnh thoảng có dịp về Sài Gòn, tướng Chinh thường đích thân lái xe Díp đến tòa soạn, rủ tôi đi ăn sáng, và đi coi bói.

[trang 171-177]
Đặng Văn Nhâm
Hậu Trường Chánh Trị Miền Nam (1999)




From: "CSQG
Sent: Tuesday, November 18, 2014 10:53 AM
Subject: [Thaoluan9] Fw: [PhungSuXaHoi] Fwd: Niên trưởng Trung Tướng Phan Trọng Chinh từ trần...

 
Xin được kính cẩn nghiên mình trước anh linh một Vị Tướng Lãnh thamj liêm, tài ba, đức độ.
Trung-Tướng Phan-Trọng-Chinh là  một trong các Vị Tướng được toàn thể Dân-Quân-Cán-Chính VNCH tôn danh ca ngợi là thanh liêm trong sạch bậc nhất trong QLVNCH  với câu nói truyền khẩu trong dân gian :
   
 Nhất THẮNG, nhì CHINH, tam THANH, tứ TRƯỞNG (1)

(1) Các Trung Tướng Nguyễn-Đức-Thắng. Phan-Trọng-Chinh, Nguyễn-Viết-Thanh, Ngô-Quang-Trưởng.
    


No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết