Wednesday, November 12, 2014

Tản mạn về chính sách chiêu hồi

 
  

Wednesday, November 5, 2014

Tản mạn về chính sách chiêu hồi

image
Tung cánh chim tìm về tổ ấm 

Chỉ nghe một câu ngắn ngủi này thôi là người dân miền Nam ngày trước ai cũng biết và nghĩ ngay tới chương trình Chiêu hồi của chính phủ Việt Nam Cộng hòa trước 75.

Tung cánh chim tìm v t m
nơi sng bao ngày gi đm thm
nh phút chia ly, ngi ngùng bước chân đi
luyến tiếc bao ngày xanh

Đó là 4 câu đầu của bài hát Ngày về của Hoàng Giác mà người miền Nam ngày trước ai cũng nằm lòng.

Ngày về là một bài hát nổi tiếng, tiêu biểu của loại nhạc tiền chiến do nhạc sĩ Hoàng Giác sáng tác năm 1947.

image
Hoàng Giác sinh năm 1924, gốc làng Chèm, xã Thụy Phương, Từ Liêm, Hà Nội. Hoàng Giác được theo học ở Trường Bưởi, một ngôi trường rất nổi tiếng thời đó. Bạn học cùng lớp với ông nhiều người sau này trở thành những nhạc sĩ nổi tiếng như Dzoãn Mẫn, Ngọc Bích và Đoàn Chuẩn. Họ đều thuộc dòng nhạc tình lãng mạn, sáng tác không nhiều, nhưng lại được nhiều người biết đến. Đó là những nghệ nhân tài hoa thực sự trong làng âm nhạc VN nửa đầu thế kỷ 20 và đã có công rất lớn tạo nên nền tân nhạc nước nhà. Họ đều để lại những ca khúc bất hủ, vượt thời gian mà bất cứ ai yêu nhạc cũng đều biết đến. 

image
Đầu năm 1945, khi mới 21 tuổi, Hoàng Giác viết bài hát đầu tiên, bài Mơ hoa. Đây là bài hát được nhiều người biết đến và yêu thích nhất trong những sáng tác của ông. Nhưng bài mà ông tâm đắc nhất là bài Ngày về. Cũng năm 1945 đó, Cách mạng tháng Tám chống Pháp bùng nổ, cũng như những người yêu nước chống ngoại xâm lúc ấy, Hoàng Giác hăng hái tham gia. Đến khi toàn quốc kháng chiến, ông tham gia Đoàn Tuyên truyền xung phong và tuyệt phẩm Ngày Về được ra đời sau đó, vào những ngày cuối năm 1946. Hoàng Giác đã làm bài này trên đường trở về thăm gia đình sau những chuyến đi công tác xa nhà. 

image
Mượn hình ảnh con chim lạc đàn, tác giả bộc lộ nỗi nhớ nhung gia đình, quê hương, bạn bè và người thương: “Tung cánh chim tìm về tổ ấm, nơi sống bao ngày giờ đằm thắm, nhớ phút chia ly, ngại ngùng bước chân đi, luyến tiếc bao ngày xanh”. Nội dung bài hát xoáy vào nỗi đau của người tình bị thất hẹn và kết thúc bằng lời than thở, ví số phận cô đơn của mình “như bóng con đò lạc bến, lờ lững trôi qua cùng ngày tháng phôi pha”. 

Tác phẩm của Hoàng Giác không chỉ có Mơ hoa và Ngày về mà còn có Lỡ cung đàn, Quê hương, Hương lúa đồng quê, Bóng ngày qua,... và ba ca khúc hợp soạn với nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ là Tiếng hát biên thùy, Qua bến năm xưa và Trên đường về. 

image
Cũng như một số nhạc sĩ cùng thời như Đoàn Chuẩn, Đặng Thế Phong, Doãn Mẫn,... gia tài âm nhạc của Hoàng Giác không vĩ đại nhưng ông đã chứng minh một điều là trong nghệ thuật, số lượng tác phẩm không hẳn là yếu tố quyết định. Hoàng Giác có khoảng 20 bài hát, mỗi bài hát gắn liền với những kỷ niệm, là những cảm xúc chân thật của con người ông về cuộc đời, điều mà ông cho là quan trọng nhất khi sáng tác. Mơ hoa là một cuộc tình nhỏ, trong sáng của người thanh niên vừa bước vào đời; Quê hương là cảm xúc khi đi qua những vùng quê trong kháng chiến chống Pháp; Ngày về là nỗi lòng của kẻ đi xa nhớ về tổ ấm gia đình. Tất cả đều là những nỗi niềm tâm sự của ông với cuộc đời. Mỗi bài hát có một số phận và nhạc sĩ Hoàng Giác vẫn luôn thấy say mê, hạnh phúc bởi những mảnh đời đó. Ông như một cánh chim bạt gió, luôn khao khát được trở về với trời xanh. 

Định mệnh đã đưa đến cho nhạc sĩ Hoàng Giác một người vợ tuyệt vời để đồng cam cộng khổ, để làm điểm tựa tinh thần cho ông trong giai đoạn lao đao nhất của đời ông.

image
Năm 1951, song thân của Hoàng Giác cậy nhờ mai mối đi hỏi cô Kim Châu cho con trai họ. Cũng có người can ngăn bố mẹ nàng không nên gả con gái cho “thằng nghệ sĩ nghèo rớt mồng tơi”. Thế nhưng có ai biết được ước mơ của nàng, và nàng đã hân hoan chấp nhận lời cầu hôn. Thế là người đẹp Kim Châu trở thành bà Hoàng Giác năm 19 tuổi. Cả Hà Nội xôn xao. Bao nhiêu chàng trai thất vọng. 

Nói về sắc đẹp, bà Kim Châu được tôn vào hàng giai nhân đất Hà thành. Biết bao chàng công tử phong lưu cầu cạnh được kề cận bên người đẹp, thế nhưng bà Kim Châu đã rũ bỏ tất cả để về nâng khăn sửa túi cho chàng nhạc sĩ tuy nghèo nhưng rất mực tài hoa, đúng như ước nguyện của mình. 

Cuộc sống êm đềm của đôi vợ chồng Hoàng Giác kéo dài được khoảng hơn 15 năm thì tai họa ập xuống. Tuyệt phẩm Ngày về là niềm hạnh phúc và cũng là tai ương cho tác giả. 

image
Lý do chỉ vì ngày ấy chính quyền miền Nam chọn bài Ngày về của ông làm nhạc hiệu cho chương trình “Tiếng chim gọi đàn”, chương trình Chiêu hồi của chính phủ VNCH. Nhà cầm quyền miền Bắc dị ứng với chuyện này nên đã không những chỉ gây cho tác giả nhiều khó khăn mà cả gia đình của ông cũng chịu nhiều hệ lụy. 

Chúng ta hãy chỉ cần căn cứ vào những lời sau đây của báo chí trong nước gần đây hé lộ ra chuyện này là cũng đoán được tai họa đã giáng xuống cho gia đình ông nặng nề cỡ nào: “Tai họa này đã biến bà Kim Châu từ một người vợ yếu đuối đã tự gắng gượng và trở thành lao động chính, một mình bà phải chạy vạy, lo toan chuyện cơm áo để nuôi sống chồng con. Đằng đẳng suốt bao nhiêu năm trời bà cặm cụi may vá, đan len thuê kể cả phết hồ dán bao bì. Bà không từ chối bất cứ việc gì, cho dù là nhỏ nhặt hoặc lao nhọc, miễn sao đem lại cho bà chút tiền để khả dĩ mua được thức ăn nuôi sống gia đình. Cực khổ như thế nhưng đó cũng là thời gian bà cảm thấy rất hạnh phúc, vì bà không chỉ được chia sẻ hoạn nạn với ông mà còn thấy... ông che mặt khóc khi chứng kiến vợ mình quá cơ cực”.

image
Đó là một phần đời chao đảo của người nghệ sĩ già khá trầm lặng này. Ông bà Hoàng Giác năm nay đã 88 tuổi, vẫn còn sống ở VN và vẫn sống thầm lặng từ đó đến giờ. Phải chăng ông mang nặng một tâm sự bấy lâu nay và đang nuối tiếc một điều gì đó? 

Trong thời chiến, bài hát Ngày về thường được phát trên loa phóng thanh, trên trực thăng, trên thuyền bè nhằm kêu gọi những người lầm đường lạc lối hồi chánh, trở về với chính nghĩa, với dân tộc. Lời và nhạc của bài hát thật mượt mà và lai láng tình cảm, dễ xúc động lòng người. 

Chiêu hồi là một chương trình do chính phủ VNCH đề ra để kêu gọi các thành phần của Mặt trận Giải phóng miền Nam và bộ đội miền Bắc buông súng quay về với chính phủ VNCH để hợp tác hoặc trở về với gia đình để làm ăn sinh sống trong chính thể Tự Do của miền Nam.

image
Tổng thống Ngô Đình Diệm đã ra Bản tuyên cáo vào ngày 17 tháng 4 năm 1963 mở đầu chiến dịch Chiêu hồi.
Chương trình này thời gian đầu trực thuộc Bộ Công dân vụ và một thời mang tên “Phong trào Chiêu tập Kháng chiến Lầm Đường”. Sau năm 1963, phân ban Chiêu hồi đổi qua trực thuộc Phủ Thủ tướng. Năm 1965, chuyển sang Bộ Thông tin. Sang thời Đệ nhị Cộng hòa thì chính phủ nâng Phủ Đặc ủy Dân vận Chiêu hồi thành Bộ Chiêu hồi riêng để điều hành hệ thống Chiêu hồi trên khắp 44 tỉnh thành của bốn vùng chiến thuật. Mỗi tỉnh thì có một Ty Chiêu hồi. 

Phương tiện để thực hiện chương trình nầy bao gồm phát thanh, rải truyền đơn bằng phi cơ hoặc nhồi truyền đơn trong đạn pháo để bắn vào vị trí trú ẩn của VC, cũng như thành lập các đội võ trang tuyên truyền. Ngoài ra, chính phủ còn tìm cách thả dù xuống mật khu VC các radio nhỏ để bắt nghe chương trình phát thanh chiêu hồi, giúp người nghe hiểu rõ chính sách của chính phủ, khuyến khích họ mạnh dạn chọn con đường hồi chánh.

image
Năm 1967 chính phủ miền Nam đưa ra chính sách “Đại đoàn kết”. Theo đó, các thành phần hồi chánh không những được đoàn tụ cùng gia đình, được giúp đỡ để tái định cư mà còn được trưng dụng tài năng tương xứng với công việc ở bên này chiến tuyến. Chính sách này còn mới mẻ, chưa mấy tác dụng thì miền Bắc tung ra cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968. Sự kiện này làm gián đoạn chương trình Chiêu hồi vì tình hình an ninh bất ổn, nhưng đến năm sau thì số lượng hồi chánh lại tăng, đạt đến con số 47,023 người cho năm 1969. 

Người hồi chánh được đưa vào các trại để học tập chính trị trong thời gian từ bốn đến sáu tuần. Họ được phát quần áo và cung cấp thức ăn, đến khi xuất trại thì được trả về nguyên quán hoặc định cư ở những vùng ấn định. Một số tùy theo khả năng chuyên môn thì được kết nạp vào Cục Tâm lý chiến.

image
Theo tài liệu của Bộ Chiêu Hồi thì trong thời gian từ năm 1963 đến 1973 chương trình này đã thâu nhận hơn 194,000 người hồi chánh. Điều này cũng có nghĩa là loại được bấy nhiêu quân đối phương ra khỏi chiến trường. 

Những bộ đội về với chính phủ VNCH, trở về với đường ngay lẽ phải, thì gọi là Hồi chánh. Vậy thì những người miền Nam lội ngược ra Bắc, nếu có, thì gọi bằng gì? Hồi tà ư? Đúng vậy! Thử hỏi trong chiến tranh VN, có bao nhiêu người từ bỏ miền Nam tự do để lội ngược ra Bắc? 

image
Có ai dám quả quyết nước VN bây giờ vẫn còn là tổ ấm không? Nếu là tổ ấm thì tại sao đàn chim cả triệu con đã tất tả rời tổ cách đây 39 năm, hàng triệu con liều chết bỏ tổ tha phương khắp nơi những năm dài sau đó và cho đến ngày giờ này, bằng cách này hay cách khác, vô số vẫn lìa tổ để kiếm ăn và tìm kiếm bến lành để đậu? Ngày nay, không những những con chim non (du học sinh) túa ra khắp mọi nơi trên thế giới để học hỏi và để tìm nơi nương nấu, mà những con kênh-kênh, đà điểu và đại bàng (các quan lớn của chế độ) cũng đang âm mưu lập tổ cho riêng mình ở những phương trời xa hầu mong cao bay xa chạy một khi “tổ ấm” VN bị động, không còn bay nhảy múa may được nữa. Người chánh thì ca “Tung cánh chim tìm về tổ ấm”. Người tà thì ca “Tung cánh chim rời xa tổ ấm”.



Trần Việt Trình
image

__._,_.___

Posted by: De Phan 

No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết