Saturday, June 13, 2015

ĐỌC “ĐƯỜNG TA ĐI,” MỘT ĐOẠN ĐỜI BINH LỬA

 
 


 




Diễn Đàn Cựu SV Quân Y kính mời tham dự buổi RMS Đường Ta Đi, Một Đoạn Đời Binh Lửa của BS Nguyễn Lê Minh, nguyên Đại Uý Y Sĩ, Lữ Đoàn 258 TQLC
Thời gian: 1:30 PM ngày thứ Bảy 13 tháng 6-2015
Địa Điểm: Hội trường VNCR,
14861 Moran St., Westminster, CA 92683
Diễn giả: GS. Nguyễn Xuân Vinh, BS. Phạm Gia Cổn…
Ban Tổ chức: (714) 209-3403


ĐỌC “ĐƯỜNG TA ĐI,”
MỘT ĐOẠN ĐỜI BINH LỬA
Nguyễn Ngọc Bảo

Hơn một năm về trước, anh Nguyễn Lê Minh gửi tôi bản thảo Đường Ta Đi, Một Thời Binh Lửa. Hôm ấy là ngày cuối tuần đúng thời khắc đến thăm hai cụ thân sinh, nên tôi cầm tập thơ theo để đọc trong lúc ở nhà ông bà. Khi tôi đến, mẹ tôi nhờ tôi lái xe đưa bà đi vài nơi. Tôi để tập thơ lên bàn trong phòng ăn rồi cùng bà ra đi.
Khoảng đôi ba giờ sau hai mẹ con trở về. Tôi vừa ngồi xuống ghế thì bố tôi chống gậy từ phòng trong ra trao cho tôi tập thơ và bảo:
- Thơ của ai hay quá!
- Thưa, của anh Minh, gần nhà mình trong cư xá.
Gia đình anh và gia đình tôi cùng ở trong cư xá Sĩ Quan Chí Hòa, Sài Gòn, sau đổi tên thành cư xá Bắc Hải, từ năm 1957 đến tháng Tư năm 1975.
- Thơ hay lắm! Bố tôi lập lại.
Bố tôi là người của thế hệ yêu thi ca thế kỷ 19, Kiều của Nguyễn Du, Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm, và những bài Đường Thi của Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan. Ông vốn không có cảm tình ngay cả với dòng thơ gọi là Thơ Mới, xuất hiện vào thập niên 30 của thế kỷ trước. Vì vậy, tôi có đôi chút ngạc nhiên khi cụ khen Đường Ta Đi, lời tuy vắn tắt nhưng giọng mang âm hưởng trầm trồ.

Khi đọc tập thơ, tôi hiểu vì sao bố tôi dành những lời nồng hậu cho Đường Ta Đi. Một phần vì ông từng là chiến binh trong một tiểu đoàn khinh chiến thuộc quân đội Quốc Gia, đã tham gia nhiều mặt trận ác liệt tại miền Bắc từ năm 1951 đến ngày đất nước bị chia đôi năm 1954, và một phần vì thơ Nguyễn Lê Minh hay thật.

Với tôi, Đường Ta Đi là tập thơ đủ và thật nhất về cuộc chiến Việt Nam so với những thi phẩm cùng đề tài tôi từng đọc. Thơ có hình ảnh khốc liệt của quân tràn lên lớp lớp, điêu tàn tiếp điêu tàn, bên địch xác chết nằm đầy đồng, bên ta tử sĩ tiếp tử sĩ.
Thơ cũng có âm thanh của muôn quân reo hò, của cõi sống bom rơi đạn nổ, của ngột ngạt tiếng máy 25, của phành phạch những mái tôn rách nát, của tiếng rú từ những cột kèo gẫy gục,  tiếng thương binh rên xiết trên chiến địa, và tiếng gió vờn quanh những gói poncho bọc xác người.

Không giống những bài thơ khác viết về chiến tranh, Đường Ta Đi dành một phần đáng kể để ghi lại thảm trạng của người dân lành cuống cuồng, vật vã giữa hai lằn đạn. Biết bao người dân, già có trẻ có, nam có nữ có, đã tức tưởi nẳm xuống; biết bao gia đình đã xẩy đàn tan nghé vì chiến tranh. Những tang thương, mất mát này đã làm dấy lên trong lòng tác giả nỗi bất mãn, hoài nghi, và cả điên cuồng giận dữ trước bất lực của mình. Thấp thoáng trong những câu thơ của Nguyễn Lê Minh, tôi cảm nhận được tấm lòng của Đỗ Phủ và Nguyễn Du, hai nhà thơ được đời sau xem là có mối đồng cảm sâu sắc với người dân lầm than, cơ cực trong xã hội bất công thời của họ.

Thơ trong Đường Ta Đi cũng bộc lộ tâm trạng người lính dãi dầu qua lửa đạn, những khắc khoải, xót xa; những âu lo, trăn trở. Nhưng đẹp thay, thơ cũng có diện mạo người lính trẻ miền Nam hồn nhiên đánh giặc, hồn nhiên giữ nước, và có tình chiến hữu đậm đà, thứ tình khiến tác giả thêm vững chân khi bước trên những con đường hiểm nguy đầy gian khổ, bởi anh tin chắc rằng:

Bước ta đi trên đoạn đời máu lửa
Trượt ngã bao lần đã có những bàn tay

Đường Ta Đi cũng thể hiện tính nhân bản của người lính miền Nam mà tác giả là tiêu biểu. Qua câu thơ “Búa Liềm còn khát máu người,” Nguyễn Lê Minh hiểu rất rõ bản chất Cộng Sản và nguyên nhân của cuộc chiến. Tuy nhiên, với anh, những người nằm xuống, dù ở phía bên nào, cũng đều là những anh hùng. Họ cầm súng lao vào nhau chỉ vì “bước rẽ sai lầm của vài lãnh tụ,” và bị thúc đẩy bởi “những gọng kềm chủ nghĩa ngoại bang.”
Cổ Thành ơi! cho tôi cúi đầu kính phục
Những Chiến Sĩ Vô Danh
Dù tử thủ, dù tấn công
Dù thành công hay thất bại
Dù đã chết, thành thánh thần hay ma dại
Hay vẫn còn mưa nắng, hố hầm
Trong tim tôi các anh là những anh hùng
Dù đứng ở hai bờ đấu tranh Vàng Đỏ


Tuy nhiên, Đường Ta Đi không có hình ảnh những lá cờ phất cao và âm vang tiếng kèn đồng mừng chiến thắng, dù rằng các anh, những người lính Thủy Quân Lục Chiến, đã chiếm lại Cổ Thành Quảng Trị sau hơn hai tháng trời quần thảo với lực lượng cố thủ của địch trong Mùa Hè Đỏ Lửa. Có lẽ, đối với tác giả, không có kẻ thắng ở bất kỳ mặt trận nào trong cuộc chiến tang thương này, như ông Léon Blum, một chính khách của Pháp vào thập niên 40 thế kỷ trước, đã nhận định “Với kết cục của một cuộc nội chiến dai dẳng và bi thảm, chiến thắng cũng đồng nghĩa với thất bại.”

Về phương diện nghệ thuật, từ cổ đến kim, bản chất của thơ là trữ tình. Xét về khía cạnh này, có thể nói Đường Ta Đi là tập thơ sắc mầu đa dạng. Dòng thơ gói ghém tâm trạng tác giả qua đủ các thể trữ tình mà các nhà phê bình thường phân loại và được ông Nguyễn Hưng Quốc nhắc đến trong tác phẩm “Nghĩ Về Thơ” của ông. Nào là trữ tình công dân với những vấn đề liên quan đến Tổ Quốc, nào là trữ tình thế sự với những vấn đề trong phạm vi xã hội, nào là trữ tình cá nhân khi tác giả đối diện với bản thân, và nào là trữ tình siêu hình khi tác giả trăn trở về số phận mình.
Theo thiển ý, giá trị nổi bật của Đường Ta Đi là mức độ lan truyền cảm xúc từ tác giả đến người đọc qua những câu thơ. Tôi đã cảm thấy rợn da khi đọc “Những Giây Phút Linh Thiêng Đời Lính,” bài thơ thuật cảnh một cuộc địa pháo của địch mà tác giả so sánh với trò chơi đáo lỗ của trẻ con. Cũng từng là một người lính trên chiến trường, tôi thấy lại hình ảnh mình đang rúm  người trong một chiếc hố cá nhân với tiếng đạn xé gió, tiếng nổ bên tai, và tiếng ai đó đang hát thầm thì bài đồng dao của một trò chơi mới.

Ai dữ, ai hiền
Ai vinh, ai nhục
Ai tục, ai tiên
Ai hùng, ai nhát
Ai dại, ai khôn
Hãy im, hãy im
Ngồi yên trong hố
Nghe tiếng pháo đi
Chờ viên đạn nổ…

Qua Đường Ta Đi, người đọc sẽ có cơ hội trải qua những cảm xúc với cường độ không kém trong nhiều câu thơ khác.

Tôi khá ngạc nhiên khi nhận thấy Đường Ta Đi không có chỗ cho những phút giây mơ mộng lãng mạn, và cũng không có hình ảnh nào của một người nữ thuộc loại em gái hậu phương, dù là trong tâm tưởng tác giả, điều hầu như đã trở thành ước lệ cho dòng thơ chiến tranh. Đúng vậy, đọc Đường Ta Đi, độc giả không hề bắt gặp những câu trữ tình nhẹ nhàng kiểu Quang Dũng như “thoáng hiện em về trong đáy cốc” hay ngổ ngáo kiểu Nguyễn Bắc Sơn “lúc này đây ta không thèm đánh giặc, thèm uống chai bia thèm châm điếu thuốc, thèm ngọt ngào giọng hát em chim xanh”, hai nhà thơ nổi tiếng của dòng thơ chiến tranh. Theo thiển ý, sự thiếu thốn này khiến Đường Ta Đi trở nên trung thực đối với một cuộc chiến tàn khốc, đầy máu và nước mắt.

Có thể nói trong thơ Nguyễn Lê Minh chỉ có một người nữ duy nhất là mẹ anh. Hình ảnh bà trong tâm tưởng, những kỷ niệm với bà (ta thấy ta 25 năm trước, trong thúng mẹ lủng lẳng tản cư, thằng bé chỉ chỏ miệng bi bô “khói bụi”), lời bà dậy (lời mẹ dạy, điệu ru cò lả), những bức thư bà gửi anh (thư đã đầy túi nặng), những đối thoại loại thần giao cách cảm với bà (mẹ ơi, con của mẹ cha, ngờ đâu có lúc phải qua cầu này), và tiếng kinh cầu an bà tụng hằng đêm cho anh (mẹ mấy lần lo mê, bao đêm dài lệ ứa, bao câu kinh thầm thì) là niềm an ủi lớn lao, là động lực mãnh liệt giúp anh đi trọn Đoạn Đời Binh Lửa mà định mệnh đã dành sẵn. Trong dòng thơ viết về cuộc chiến Việt Nam, có lẽ không người lính nào nhắc đến mẹ nhiều như Nguyễn Lê Minh. Đó là điểm đặc biệt, và đầy giá trị nhân bản của Đường Ta Đi. Chiến tranh: thật khắc nghiệt! Người lính Việt Nam: thật can đảm! Bà Mẹ Việt Nam: thật tuyệt vời!

Về mặt hình thức, những bài thơ trong Đường Ta Đi được viết bằng nhiều thể loại, có thơ tự do, có thơ bốn chữ, năm chữ, sáu chữ, bẩy chữ, tám chữ, thơ tự do và có cả lục bát lẫn song thất lục bát. Tuy cụ Nguyễn Du bảo “linh văn bất tại ngôn ngữ khoa” (văn thiêng không phải nhờ ở khoa ngôn ngữ) nhưng theo tôi, thơ có thể dễ dàng mang lại cảm xúc cho người đọc nếu tác giả xử dụng thể loại thích hợp cho hình tượng và tâm trạng gửi gấm trong thơ. Nguyễn Lê Minh quả đã khéo tay trong lãnh vực này. Tính đa dạng của các thể loại thơ đã làm phong phú thêm cho sắc mầu chinh chiến của Đường Ta Đi.

Tôi tin rằng Đường Ta Đi sẽ được đón nhận nồng nhiệt bởi cả những người đã từng là lính trong chiến tranh Việt Nam lẫn các bạn trẻ hôm nay. Đường Ta Đi có đủ độ truyền cảm để làm hụt mất vài nhịp trong tim người lính cũ và khiến tâm hồn họ bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm, những khuôn mặt thân thiết đã cùng nhau sớt chia bao gian khổ trên chiến trường. Thơ cũng đủ tính thuyết phục để người trẻ hôm nay, và những thế hệ mai sau, có cái nhìn chính xác hơn về cuộc chiến Việt Nam.

Ngày mai, không lâu nữa đâu, người dân Việt Nam rồi sẽ được hưởng ánh sáng Tự Do, Dân Chủ. Khi ấy, có lẽ người ta sẽ bao gồm thi ca thời chiến tranh Việt Nam trong những bộ môn giảng dậy tại Đại Học Văn Khoa. Mong rằng Đường Ta Đi sẽ là một trong những tác phẩm được tuyển chọn. Theo nhận định chủ quan, đây là tập thơ xứng đáng về cả hai khía cạnh, lịch sử lẫn nghệ thuật.

Phương Đông có câu đại khái là “người đàn ông cần trồng một cái cây, có một đứa con, và để lại cho đời một quyển sách.” Xin chúc mừng anh Nguyễn Lê Minh. Trong cuộc sống này, anh đã từng trồng hàng trăm cây, có ba người con, và viết biết bao bài thơ. Các con anh đã “thành nhân” và thơ anh rồi hôm nay “thành… sách.”
Một quyển sách xứng đáng đặt ở nơi trang trọng trong tủ sách gia đình mỗi người, đặc biệt là những người mãi nặng lòng với đất nước, như anh.


 TÂM TÌNH VỀ TẬP THƠ


Quảng Trị, năm 1973. Hơn một năm sau hiệp định ngừng chiến Paris, tôi trở về lữ đoàn 258 TQLC.  Thời gian này công việc chính không phải là cứu thương nữa mà là chiến đấu chống và phòng bệnh sốt rét.

Một buổi chiều thu, tôi từ Hội Yên, nơi đóng quân của bộ chỉ huy lữ đoàn, lên thăm các đơn vị đóng ở tuyến đầu tại thành phố Quảng Trị để kiểm tra việc uống Chloroquin phòng ngừa sốt rét.  Thành phố Quảng Trị đã được dọn dẹp quang đãng hơn nhưng dân chúng vẫn chưa hồi cư.  Một thành phố không có màu xanh của cây cỏ, chỉ toàn là gạch vụn và những bức tường xiêu vẹo của những căn nhà không mái. Thành phố “không phấn son mầu”, chỉ có “mồ hôi lính tráng, xăng dầu chiến xa”

 Thành phố cũng buồn hiu như con đường cùng tên, toàn là lính tráng che lều poncho bên cạnh những bức tường dập nát lỗ chỗ đầy dấu đạn bom.  Trên một nền nhà đã được dọn sạch, một tượng Phật cũng ngồi dưới tấm poncho với nụ cười trầm tư thanh thản trên môi.  Thành phố im lặng, hoàn toàn im lặng, im lặng như pho tượng.  Chỉ có tiếng gió u u thổi trong những ngóc ngách gạch ngói ngổn ngang bừa bãi.  Bên kia bờ sông Thạch Hãn, phía Cộng Sản chiếm đóng, là cánh đồng hoang ngút ngàn cỏ khô không một bóng  người hay trâu bò. 

Giữa khung cảnh hoang tàn đó, tôi chợt nghe vang lên từ lòng sông những tiếng cười hồn nhiên trong vắt.  Ngạc nhiên pha lẫn tò mò, tôi tiến dần tới và nhìn thấy hai đứa bé khoảng 8, 9 tuổi đang đùa giỡn gần bờ sông nước trong.  Tiếng cười như tia nắng làm sáng khung trời của chiều thu mây xám. 

 Nhưng rồi chúng làm lòng tôi se lại, tối sầm! Trong tôi, hé lộ đằng sau làn mây xám không là bầu trời xanh đầy nắng ấm, mà như vần vũ những đám mây đen, lằng ngoằng sấm chớp.  Tôi đã chợt nhớ đến cha mẹ tôi.  Cha mẹ tôi trong những ngày ôm con chạy loạn 25 năm trước chắc cũng mơ ước con mình sau này sẽ được sống thật hạnh phúc trong một đất nước thanh bình.  Nay thì đứa con này đang đứng đây, vừa thoát chết qua những ngày bão lửa. 

Tôi nghĩ đến những đứa con sắp ra đời của tôi.  Có thể nào 25 năm sau con tôi lại khoác áo lính?  25 năm sau chúng có cầm khẩu súng của phe này chĩa vào về những đứa bé đang đùa giỡn vô tư bên kia sông? Và những đứa bé kia, sẽ không còn tiếng cười trong sáng ngây thơ của hôm nay, cũng sẽ sôi lửa căm thù sẵn sàng nhả đạn, những viên đạn sản xuất từ phe khác! 

Hai thiên thần hôm nay, có sẽ giết nhau ngày mai vì những khái niệm được những phù thủy chính trị cấy vào đầu!!!  Đêm đó tôi viết bài thơ “Chiều Thu Bên Bờ Sông Thạch Hãn” cho những đứa con sẽ ra đời của tôi. Chỉ tiếc là bài thơ này tôi bị mất trong ba lô bỏ lại trên bờ biển Mỹ Khê, Đà Nẵng khi bơi ra tàu Hải Quân rút về Cam Ranh năm 1975.

Bài thơ đó với tiếng cười của hai em nhỏ bên bờ sông Thạch Hãn vào một chiều mùa thu đã như luồng gió lớn làm bật tung cánh cửa để cho những bóng ma, những hình ảnh quá khứ ùa về.  Từ sau buổi chiều đó tôi bắt đầu viết.  Những hình ảnh bị chôn nén hò reo, nhảy múa, cười khóc, tủi hờn. Tôi viết, viết và viết.  Nhớ gì viết nấy không giàn dựng, không trước, không sau. Dài ngắn bất định. Viết theo ngẫu hứng, theo xúc cảm trào ra.

Tôi viết cho các đứa con sẽ ra đời của tôi và những người cùng thời với chúng để họ biết được một góc nhìn của cuộc chiến mà thế hệ đi trước đã trải qua.  Tôi muốn viết những sự thật mà thế hệ chúng ta đã sống, đã mắt thấy tai nghe, đã nghĩ suy, đã hành động, cùng những cười khóc buồn đau của một thời ly loạn.

Tôi viết để trả nợ những người lính quân y Tiểu đoàn 7/TQLC đã sống chết cùng tôi trong những ngày bão lửa, đã sát cánh cùng tôi trên những bước đường  gian nan.

Tôi viết để trả nợ những người lính VNCH cười nói hồn nhiên khi rảnh rỗi nhưng thật can trường khi tiến chiếm mục tiêu.

Tôi viết để cám ơn những vòng tay mở rộng, những môi cười, những gương mặt chào đón tôi nhếch nhác mồ hôi trên những đồi cát trắng.  Chính những nụ cười tin yêu đó đã giúp tôi “thêm chịu đựng mong thấy một ngày mai”.

Tôi viết cho các quân y sĩ tiền tuyến âm thầm làm bổn phận, bỏ qua những tỵ hiềm xung khắc cá nhân (chuyện này xảy ra không riêng trong binh chủng TQLC) để mọi người thấy một hình ảnh khác của người y sĩ. 

Tôi viết thay các bạn y sĩ chúng tôi để tạ lỗi với những thương binh “đã chết trong tay chúng tôi bất lực” cho dù “bao năm học ứ dồn bao kiến thức” nhưng khi đụng chạm với thực tế nơi chiến địa, kiến thức kia cũng chỉ biết “trợn mắt”, nhìn bàn tay mình “run rẩy vuốt cặp mắt đứng tròng” của những thương binh vắn số.

Tôi viết để xin lỗi những người dân trong vùng lửa đạn, để nói rằng ”lính hữu nhân”, tấm lòng người lính cũng rất nhân từ, chỉ vì bề ngoài muốn lên gân tỏ ra mình gan lì oai phong cho có vẻ “lính mà em” nên đã nhiều lần phải dấu đi giọt lệ.

Tôi viết để tạ lỗi bà mẹ đã “chạy trốn giặc thù bồng bế con thơ” nhưng để rồi cũng “chết, tay cào nát cỏ xanh”, một cái chết đau đớn khôn cùng trước khi cặp mắt hận thù đóng lại, bên đứa con bị thương nặng gãy chân luôn miệng nài van “nác, nác, cho tôi nác” (nước)… trong khi chờ trực thăng tải thương.  Bà mẹ và đứa bé mang hình ảnh “Những con người Việt Nam bầm dập.  Giữa gọng kềm chủ nghĩa ngoại bang” của hai thế hệ của đất nước Việt Nam giữa hai lằn đạn, hai thế lực.

Tôi viết để phơi bày một vài hình ảnh tiêu biểu kinh hoàng, hỗn loạn, hoảng hốt tột cùng của người dân thường dưới cơn bão lửa của mùa hè 1972. “Những tội ác dưới mặt trời khó dấu”, tôi nghĩ, đó không chỉ là ý nghĩ của riêng tôi.  Đó thuộc về lịch sử nhân loại.

Sau này, khi chuẩn bị lần chót trước khi in, tôi thấy cần phải thêm một vài bài thơ tình cho không khí bớt nặng nề.  Tôi thêm vào bài thơ “Tuổi 15” một phần để nhớ lại một người bạn nối khố ngày xưa và cũng để ghi lại tâm tình của một thế hệ đã sinh ra trong chiến tranh, lớn lên trong chiến tranh, rồi đi vào lửa đạn, đặc biệt là những bạn “lếch thếch theo gia đình di cư vào Nam tự năm lên mười, lên tám”.  Một số đã bị thương hoặc hy sinh khi tuổi mới đôi mươi để góp phần bảo vệ miền Nam, cho chúng ta được tự do Yêu, Ghét, Khóc, Cười….

Cuối cùng thì “Đường Ta Đi’ của tôi đã đi tới Mỹ.  Những trang thơ đượm “mồ hôi lính tráng, xăng dầu chiến xa”.  những dòng chữ cưa nát lòng tôi” năm xưa giờ đây đến tay bạn đọc.  Tôi không biết nó có bị “lỡ thời” không, có quá trễ không?  Các thế hệ cùng thời với tôi đọc và sẽ nghĩ gì?  Nhưng điều quan trọng nhất khi tôi bắt đầu đặt bút viết là nghĩ về thế hệ của con tôi.  Chúng có đọc không? Chúng sẽ nghĩ những gì?  

Ở trong nước chúng là những người đang chuẩn bị nắm vận mệnh tổ quốc.  Ở nơi đây, chúng đang hội nhập vào dòng chính Hoa Kỳ và quên dần tiếng Việt.  Hai dòng nước khác màu xa nhau vạn dặm đó sẽ có gặp nhau không? có sẽ “mắt lệ rưng rưng hoa thắm trên môi “, có sẽ “nhìn nhau thắm thiết tình người”? như chúng ta ngày xưa đã mơ ước và ngày nay vẫn còn là ước mơ. Càng già cây “ước mơ càng lớn.

Cám ơn bạn đã đọc thơ tôi.  Bạn có như tôi thấy lại những hình ảnh bốn mươi năm xưa, khi tôi“đứng lặng nghe giọng ca người lính để thấy   hồn bỗng ngậm ngùi chợt nhớ thương quê”.  
Quê Hương xưa, một thời binh lửa! 

      
Ngày 16.9.1972 Các chiến sĩ anh dũng TQLC QLVNCH dựng cờ tái chiếm Cổ Thành Đinh Công Tráng tái chiếm Quảng Trị trong cuộc chiến Mùa Hê Đỏ Lửa tháng 4.1972 chống lại quân xâm lược CSBV từ miền Bắc vượt sông Bấn Hải, cầu Hiền Lương xâm lăng miền Nam VN.


__._,_.___

Posted by: VietHai Tran 

No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết