Sunday, October 18, 2015

HÀ CHƯỞNG MÔN ĐÃ KỂ NGUYỄN TRUNG DŨNG ghi chép.



====================================
HÀ CHƯỞNG MÔN ĐÃ KỂ LẠI NHƯ THẾ
NGUYỄN TRUNG DŨNG  ghi chép.


“Những điều tôi kể cho Anh nghe, thân tình mới kể, chớ viết hay nói với ai nhé. Sau này, tôi mất rồi, Anh làm gì cũng được”. (đó là lời cụ căn dặn hôm tôi đến nhà cụ Hà Thượng Nhân ngồi ăn tiết canh lòng lợn với Cụ).

Những mẩu chuyển trong bài viết này là những mẩu chuyện được ghi chép lại sau những lần đến thăm và ngồi trà đàm với nhà thơ lão thành Hà Thượng Nhân. Với tuổi tác đã cao, với địa vị và chức vụ có lớn vào thời chưa mất nước, với danh tiếng đã có trong văn giới ở miền Nam, trước và sau, cụ Hà vẫn xử thế với người trên kẻ dưới nhất mực phải đạo. Cái tính nhân hậu và đạo đức ở con người cụ vốn dĩ đã có là cái căn cỗi gốc rễ nẩy sinh từ hạt mầm trong gia đình ông cha tổ tiên để lại, vì thế cụ có đức độ của kẻ trí thức, phong cách của một người quân tử, hành xử của một bậc hiền sĩ, giao tiếp phóng khoáng của một nhà văn học chữ nghĩa uyên thâm. 

Đó không phải là điều khoa ngôn lộng ngữ để son phấn tô vẽ đánh bóng cụ, mà đó là những điều nhận thấy ở con người cụ trong suốt cuộc đời đã chứng tỏ cụ Hà Thượng Nhân là người quá hiền, quá lành và cốt cách đạo đức trong xử thế và trong cung cách ăn ở. Câu nói: “nhân vô thập toàn”, câu nói đó nếu đem soi rọi vào con người cụ Hà, thì ta cũng có thể nói rằng, nếu ca cụ như thế thì quả là có cái quá đáng và tụng như thế thì quả là đã có phần chủ quan sai lạc. Nhưng, sống với người, xử với thiên hạ, người trên cụ kính, kẻ dưới cụ trọng, nói ra mỗi lời đều êm ái nhẹ nhàng, khoan thai đĩnh đạc, thế thì phải là người có tâm can rất bình thản, rất hiền, rất lành như tính của Phật phần nào vậy. 


Người yêu cụ tất nhiên vẫn có đấy. Người ghét cụ hẳn nhiên cũng chẳng có thể là không. Yêu cụ vì thấy cụ là một con người ăn ở tốt. Ghét cụ vì tính cụ khí khái đôi khi cụ bất bình những chuyện trái nhân ngược đạo. Vì nói hay vì viết, cụ tỏ thái độ một cách thẳng thắn để phản ứng một hành vi nào đó thiếu công minh chính đại, thiếu lương thiện trong công việc làm, thiếu tinh thần yêu nước thương nòi, thì cụ Hà không bao giờ chịu ngồi im khoanh tay mà im lặng. Cái thẳng thắn, cái bộc trực, cái khí khái, nó đã là những cái không cho phép cụ chịu đựng để bỏ qua. Để dẫn chứng về điều đó đã có cả đấy. Nhưng trong phạm vi bài viết này, tôi thấy nó chỉ là ngoài lề nội dung của chủ đề.

Trở lại chuyện những lần đến thăm và được ngồi trà đàm với nhà thơ Hà Thượng Nhân, thì những lần đó, với một bình trà và hai cái chén hạt mít, bình và chén đều màu gan gà, với tay lóng cóng rót, rót xong thì cụ đưa qua cho tôi vừa nói: “Anh uống đi”. Những lần đến đó, tôi nhớ có khi nhà ở con đường Silver Creek, có khi ở căn nhà đường Cropley, có khi ở căn nhà đường ….., và bây giờ, căn nhà hiện tại cụ Hà ở nằm trên con đường có tên là Morrill.

Đến chơi trước là để thăm cụ, sau là để hân hạnh được ngồi trà đàm với cụ, đơn giản chỉ là có thế. Nhưng, những buổi trà đàm tôi thường được cụ nhắc lại chuyện cái nay cái xưa. Cái nay chỉ là qua loa cụ hỏi về buổi ra mắt sách của người này, việc làm văn viết báo của người kia, nói chung hỏi thì hỏi cho vui cho biết có thế. Còn chuyện xa xưa cũ kỹ, nếu không nhắc tới thì thôi, đã nhắc tới, cụ kể rất chi tiết, rất mạch lạc, rất nhiều về những sự kiện, về những nhân vật này,nhân vật kia tới  những nhà văn nhà báo, nghe, tò mò tôi muốn biết. 

Vậy cụ Hà đã kể những chuyện gì. Và, qua những lần được  ngồi trà đàm với cụ, tôi đã được nghe cụ kể những gì về chuyện cụ đã nói. Xin được ghi lại dưới đây, những điều cụ đã hàn huyên về những chuyện thuộc về thời gian quá khứ, cụ nhớ tới đâu, nói tới đó. Phải thưa trước là, với tuổi hạc đã cao, trí óc đã kém, chuyện xưa cũ đã đi vào dĩ vãng, nhớ quên lẫn lộn, tôi vẫn ngại ngần về một điều, những câu chuyện cụ kể, những nhân vật cụ nhắc đến, có đúng không, có lộn không, có sai trật hoặc bị nhớ lầm không, có bóp méo hay xuyên tạc quá không, nên khi ghi chép, tôi vẫn e dè và thận trọng một cách hết sức giới hạn. Nói thế để người đọc bài viết này, hãy mở rộng tấm lòng, hãy thông cảm cho cả cụ và tôi nếu nhận ra những gì không vừa ý, cũng như những điều sự thực không hẳn là thế, để cùng nhau cảm thông và tha thứ hơn là thiếu lòng độ lượng, thứ tha chỉ vì những sai sót nho nhỏ và lầm lẫn cỏn con.

Giáo đầu như thế cảm thấy đã là quá đủ, đến đây, tôi xin đi vào những chuyện được cụ Hà trong lúc ngồi mạn đàm bên tách trà đã kể, để kể lại với quí vị là người đọc đi vào bài viết này. 

NHẮC ĐẾN NHÀ VĂN NHÀ BÁO CHU TỬ: nhà thơ Hà Thượng Nhân kể: “Đằng Giao chỉ là một hạ sĩ quan. Bước vào ngành hội họa, Đằng Giao trở thành một họa sĩ. Nói về tài năng, tài năng chưa được coi là sáng giá. Sau, Đằng Giao lấy Chu Vị Thủy là con của nhà văn Chu Tử. Đằng Giao trở thành con rể của Chu Tử. Chu Vị Thủy đã có bằng cử nhân. Khi Đằng Giao đã là con rể rồi, nhà văn Chu Tử giao cho Đằng Giao việc tổ chức điều hành và trình bầy tờ báo Sóng Thần. Tờ này do nhà văn Trùng Dương đứng tên. Chu Tử lấy tờ Sóng Thần hoạt động vì tờ Sóng Thần hồi đó bị chính quyền ra lệnh đình bản. Thời kháng chiến, Chu Tử đi theo Việt Minh. Khả năng rất giỏi về kinh tế giúp cho tổ chức. Sau không được Việt Minh sủng ái, bắt rồi bỏ tù. Ở trong tù, Chu Tử chửi mắng thậm tệ những kẻ đứng đầu. Cũng vì chửi mắng như thế, Chu Tử đã không bị đem ra bắn chung với những người cùng số phận ở tù như mình, nhưng lại chịu trận nín khe. Thoát chết, Chu Tử bỏ trốn rồi tìm đường đào thoát về thành”.

Cũng vẫn chuyện nhắc đến Chu Tử, cụ Hà Thượng Nhân kể tiếp: “ Trần Kim Ngọc  thời đó giữ chức vụ Bộ Trưởng Kinh Tế. Một hôm, bộ trưởng Trần Kim Ngọc mời cụ đến nhà chơi. Trong câu chuyện, ông bộ trưởng ngỏ lời muốn giúp đỡ cụ bằng cách cho cụ thép. Cụ thẳng thắn từ chối không cần tới sự giúp đỡ đó. Chu Tử nghe cụ kể lại bèn bảo để ông nhận ký giấy để lấy. Tất nhiên, cụ Hà không chịu cho Chu Tử nhúng tay vào việc đó. Nay, nhà văn Chu Tử và nhà thơ Hoàng Anh Tuấn đã ra người thiên cổ. Bài viết này trộm nhắc tên hai vị đàn anh trong văn giới đi trước, cũng xin mạn phép bỏ qua.
Lan man câu chuyện, đến đây thì cụ Hà Thượng Nhân nhắc thêm tới nhà thơ Hoàng Anh Tuấn, cụ bảo:

“Hồi đó, Chu Tử có một căn nhà để bạn bè văn giới tới chơi được coi như một “tụ nghĩa đường”. Nhà thơ Hoàng Anh Tuấn bữa đó có ghé đến, rồi không hiểu nghĩ sao lại lấy áo quần của Chu Tử đem đi bán sạch. Khi biết chuyện, Chu Tử thân tình nạt nhà thơ rồi nói: “thiếu thốn sao không cho biết, sao lại bán tống bán táng đồ đạc giá rẻ như vậy coi được sao”. Việc làm xấu của nhà thơ Hoàng Anh Tuấn ở đây phải hiểu là việc làm của một người có máu nghệ sĩ tính, chứ tuyệt nhiên không phải là việc làm của một kẻ bất lương”. Hiểu như thế, hành động đó mới đúng nghĩa hơn là phán xét hay gán ghép theo cách bình thường.

CHUYẾN THÁP TÙNG CÙNG TỔNG THỐNG DIỆM RA HUẾ, một lần khác đến chơi, tôi được nghe cụ Hà kể cho nghe: “khi đến nhà thân mẫu của Tổng Thống Diệm, Tổng Thống phủ phục ở bực cửa thềm, trong khi, bà mẹ của Tổng Thống nằm trên giường, mặt xoay vào vách. Tổng Thống Diệm quỳ mãi cho đến khi bà mẹ của Tổng Thống lên tiếng: “để mẹ chết rồi con hãy nghĩ đến chuyện giết em”. Tổng Thống Diệm vẫn quỳ, nghe mẹ nói mới lên tiếng bẩm: “Thưa mẹ ….”. 

Đó chỉ là chuyện riêng tư trong gia đình Tổng Thống. Còn chuyện cụ Hà lúc đó chứng kiến cảnh đó, cụ cảm kích lòng hiếu thảo của Tổng Thống Diệm nên thấy Tổng Thống Diệm quỳ thì cụ cũng khom gối quỳ theo. Trong khi quỳ, nước mắt cụ ứa ra. Đứng gần cụ, ông bộ trưởng Ngô Trọng Hiếu nhác thấy thì nhìn cụ cả cười. Thấy vậy, cụ đứng bật dậy, xấn đến trước mặt ông bộ trưởng Hiếu nói như nạt: “Anh tưởng tôi khóc vì lấy lòng Tổng Thống đấy chắc”. Rồi trong lúc cơn nóng thôi thúc dẫn đến hành động, cụ định đưa tay lên tát ông Hiếu bộ trưởng. Thay cho cái tát nếu không bình tĩnh chặn đứng được, cụ lên tiếng bảo thêm: “tôi khóc vì thấy Tổng Thống là người có hiếu với mẹ nên tôi cảm kích mà khóc. Ông đừng tưởng tôi là thằng hèn đến độ nịnh Tổng Thống mà khóc như thế hay sao”. Nghe, bộ trưởng Ngô Trọng Hiếu phải thành thật xin lỗi cụ.

ĐẾN CHUYỆN ĐẶT DANH XƯNG CHO CHƯƠNG TRÌNH TRÊN ĐÀI, một bữa đến nhà, tôi được nghe cụ kể: “Ông … (một nhân vật tôi không nhớ tên) ra lệnh cho cụ Hà, hồi cụ còn làm giám đốc của đài phát thanh, truyền khẩu lệnh cho cụ đưa Tiếng Nói Công Giáo lên tần số A thay vì tần số C như chương trình của các tôn giáo khác. Cụ bảo ông ta phải gửi văn thư chính thức tống đạt đến để cụ thi hành. Ông nọ y lời gửi văn thư chính thức đến, nhận, nhưng cụ dứt khoát khước từ  không làm. Chuyện đó đến tai Tổng Thống Diệm, Tổng Thống bèn ra lệnh cho gọi cụ Hà đến gặp. Lúc cụ đến gặp, Tổng Thống Diệm xẵng giọng hỏi cụ “đã có lệnh sao không thi hành”. Vẫn thản nhiên bình tĩnh, cụ đã trình bày lý do là: “cho Tiếng Nói Công Giáo lên tần số A không có gì trở ngại, nhưng làm như thế không nên vì các tôn giáo khác sẽ tị hiềm phật ý. Đã là đạo, tần số A hay B, đã là người thực lòng theo tín ngưỡng, họ tất phải nghe. Tổng Thống thấy hợp ý bèn gật đầu đồng ý.

Một lần khác, Tổng Thống Diệm dùng điện thoại đỏ gọi cho cụ, cụ Hà lúc đó lại không có mặt ở văn phòng. Đại úy Tiến, chánh văn phòng của Tổng Thống sau đó gọi cho cụ, lời lẽ ăn nói có vẻ hống hách. Cụ xin phép hỏi cấp bậc, biết là cấp bậc dưới mình, thì cụ giận mà bảo rằng: “anh dưới cấp tôi, trong quân đội anh xưng hô như thế là không đúng với quân cách”. Rồi cụ còn dạy: “đã là chánh văn phòng của Tổng Thống, Tổng Thống là người quang minh chính đại, trọng lễ nghĩa đạo đức, anh thừa hành công việc của Tổng Thống giao cho, vừa là người đại diện cho Tổng Thống, xử sự như thế là không phải”. Nghe, biết lỗi, Đại úy Tiến là người biết phục thiện, phải lên tiếng xin lỗi cụ”.

TỚI CHUYỆN MỘT ÔNG TƯỚNG VÙNG, câu chuyện tôi được nghe cụ kể vào một buổi xâm xẩm tối của buổi chiều. Hôm đó là hôm cụ Hà gọi điện thoại nói tôi tới nhà uống rượu. Qua điện thoại, cụ bảo có một mình ở nhà buồn quá, nhắc tôi ghé chơi. Hoá ra, mấy ngày rồi bà Hà Thượng Nhân có việc về Việt Nam. Khi đến, tôi thấy cụ thui thủi một mình ở nhà buồn là phải. Phòng khách thì không một bóng người. Cửa ra vào và cửa sổ gắn kính bốn bề tứ phía thì đóng kín. Yên tĩnh đến độ không nghe thấy một tiếng muỗi kêu.

 Đang lúc cô đơn lẻ loi, thấy tôi đến, cụ mừng lắm. Bắt tay tôi rồi cụ Hà mời ngồi. Cái bàn tròn ở phòng ăn, cụ đã để sẵn chai rượu vang, đĩa ốc cuốn lá, gần chục con sò, đấy là món ăn lai rai cho buổi tối. Rồi thì chuyện cũ chuyện mới, vừa dùng bữa, vừa hàn huyên. Chuyện mới thì quẩn quanh vẫn chỉ là chuyện  cụ hỏi có ai ra mắt sách không, có ai là những người bạn tù ở các tiểu bang xa đến không, rồi quay sang chuyện cũ, cụ kể đến một ông Tướng vùng. 

Cụ đủng đỉnh bảo: “Bị tố cáo hiếp dâm vợ một người thường dân, chồng người vợ bị cưỡng dâm một mặt đưa đơn kiệni, một mặt đến gặp nhà báo Chu Tử xin viết bài để đăng lên báo. Nghi sợ chuyện vỡ lở gây ra tai tiếng, bèn đến gặp cụ Hà để nhờ cụ nói với Chu Tử bỏ qua đừng cho đăng. Nhưng chuyện sai quấy quá đáng như thế, cụ Hà thẳng thắn từ chối không can thiệp vào vụ việc. Thấy chuyện không xong, Nghi liền cầu cứu tướng Trung, lúc đó tướng Trung là Tổng Cục Trưởng Tổng Cục CTCT, cạy cục tướng Trung nói giúp với cụ Hà. Cho mời cụ Hà đến, tướng Trung bảo rằng: “báo chí các anh đánh phá dân sự, nay vấy bẩn cả quân đội, bôi xấu tướng lãnh, thế thì còn ai cầm quân để đánh thằng Cộng Sản”. Thấy có lý, cụ Hà buộc lòng phải nói với nhà báo Chu Tử bỏ không đăng bài”.

CHUYỆN MỘT BÀI THƠ, NHUẬN BÚT 20.000 ĐỒNG: có một lần, khi nói về viết bài cho báo Xuân, cụ kể: “khi cận kề đến ngày tết, nhà báo Chu Tử nói cụ viết cho một bài thơ để đăng báo. Cụ nói giọng nửa đùa nửa thật: “20.000$ (tiền thời đó) một bài. Chịu thì viết”. Nhà báo Chu Tử gật đầu thuận. Báo đăng, chẳng những 20.000$ mà số tiền ông Chu Tử đưa cụ còn gấp đôi.

NÓI ĐẾN NHÀ THƠ THANH TÂM TUYỀN, NHÀ THƠ BÙI GIÁNG, VÀ NHÀ THƠ HỮU LOAN: Cụ Hà đưa ra nhận xét khi Ông Tuyền vừa in xong tập thơ gửi tặng cụ, cụ thẳng thừng phán: “thơ Thanh Tâm Tuyền không khá’. Nhiều lần cụ đã nói, “nếu Thanh Tâm Tuyền là nhà lý luận thì đúng hơn là làm một nhà thơ. Thơ chữ nghĩa cầu kỳ, đục đẽo, khô cứng”. Lái qua nhà thơ Bùi Giáng, cụ xuống giọng bảo: “thơ Bùi Giáng bài được bài không. Nhưng người đó thật kỳ lạ. Sở học của anh ta lớn lắm chứ. Còn bệnh điên điên khùng khùng thật tình khó hiểu. Lúc đúng là điên. Lúc tỉnh hắn khôn hơn hẳn thiên hạ”.

Còn, một lần khác nhắc đến nhà thơ Hữu Loan, nhà thơ Hữu Loan là bạn rất thân với cụ từ thuở xa xưa nay đã khuất núi, cụ bảo: “Hữu Loan chỉ có bài Đèo Cả là xuất sắc, còn những bài khác chỉ xoàng xoàng. Bài Đồi Tím Hoa Xim Hữu Loan khoe nhặng xị là bài thơ nổi tiếng được thiên hạ ai cũng đều biết, tôi nói nếu không nhờ Phạm Duy đem thơ phổ vào nhạc, làm gì có cơ hội để thiên hạ biết được.Nhưng phải công nhận, hắn là kẻ sĩ cứng đầu cứng cổ ở Bắc Hà, dám một mình công khai chống đối cái chế độ mà hắn đang sống và chẳng ưa gì”. 

Cái chuyện cụ Hà chê thơ của nhà thơ Hữu Loan chẳng thể coi đây là sự ghen ghét đố  kỵ mà phải nói đây là sự thành thật và chân tình. Giữa cụ và nhà thơ Hữu Loan, trước và sau vẫn là hai người bạn chí thân đến độ trong lúc chuyện trò đối đáp, cả hai vẫn thường mày tao chi tớ rất bình dị. Sau này, ở căn phòng trong khu chung cư đường Morill, buổi đến thăm nhà thơ Hà Thượng Nhân có nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm, nhà văn Huy Phương, trong lúc chuyện trò có nhắc đến nhà thơ Hữu Loan, cụ Hà Thượng Nhân lại lên tiếng xác nhận về thơ của nhà thơ Hữu Loan vẫn ngần ấy nhận xét.

Những người làm thơ đó bây giờ đều đã là những người rũ áo từ giã cõi đời. Bài này viết lại những lời nhà thơ Hà Thượng Nhân nói cũng chỉ là một giai thoại trong chốn làng văn và bạn bè thân hữu giới văn nghệ, mà xin hiểu đây không phải là những lời kê kích thóa mạ vì cá nhân thù hằn. Đã trở thành người muôn năm trước, hồn ở đâu bây giờ, còn biết, còn nhớ, còn cần gì chi nữa các cố nhà thơ.

GẶP VÀ NHẬN XÉT VỀ HỒ CHÍ MINH: bữa đó, tôi đang ngồi gõ “computer” để viết một chương trong cuốn truyện dài Vết Đạn Thù, thì điện thoại bỗng reo. Nhấc ống máy, áp vào tai, tôi nghe đầu dây bên kia có tiếng nói của cụ Hà. Cụ bảo: “Anh rảnh không. Nếu rảnh, anh tới tôi ta cùng ngồi uống rượu”. Thực tình tôi không rảnh, nhưng với người khác thì tôi viện cớ bận để từ chối thẳng thừng, với cụ Hà thì chuyện đó không thể thoái thác lời mời của cụ được. Vì thế, tắt máy, lên xe, tôi lái đến cụ ngay tức thì. Ngồi đối ẩm với cụ bên ly rượu bia, nhâm nhi với món thịt gà luộc, suốt bữa một già một trẻ chuyện trò râm ran được thế cũng vui. Thường tôi chỉ đưa đẩy lời nói như người đưa banh sang chân cụ Hà để cụ đá. Đá ở đây có nghĩa là cụ nói còn tôi ngồi lặng lẽ im lặng nghe. Một chuyện xa lắc xa lơ bữa nay được cụ kể về: “hồi còn thanh niên, cụ gặp Hồ Chí Minh. Sau khi gặp rồi ra về, cụ có nhận xét về nhân vật đó như sau: trong cách xã giao, qua cách đối xử, người ấy là người giả dối, gian ác, quỷ quyệt, tất cả đều lộ ra trên nét mặt, cử chỉ và điệu bộ”.

Cũng thời thanh niên đó, lần khác đến chơi, nhà thơ vui miệng đã kể: “thời đó tuổi còn trẻ. Ở vào giai đoạn cụ tham gia phong trào Việt Minh chống Pháp, cụ được Tố Hữu mời dự trong một buổi họp. Buổi họp đó  có cả Hồ Chí Minh hiện diện. Là một tham dự viên, chiếu theo điều lệ thì không được quyền phát biểu. Chẳng biết động lực nào thúc đẩy cụ, cụ đã mạnh dạn đứng lên để đóng góp ý kiến. Ý kiến đó lại nghịch ý với vấn đề mà buổi họp đưa ra. Phát biểu xong, lúc ngồi xuống, ai cũng đưa mắt nhìn cụ vừa ngạc nhiên vừa thấy sợ. Sợ là bởi họ nghĩ trong đầu và thầm bảo, sao tôi dám cả gan đến thế”.

Phần trên của bài viết tôi chỉ viết lại một số câu chuyện được nghe nhà thơ Hà Thượng Nhân kể, nếu mỗi lần đến chơi được ngồi nghe nhà thơ kể như thế, tôi thấy còn nhiều, rất nhiều. Những nhân vật và sự việc đã xẩy ra vào những năm thuộc về quá khứ, những năm cận đại và hiện nay, nghe rồi ghi để viết lại, tôi thấy cả một công trình đồ sộ và công khó bỏ ra.

Bài viết này ghi lại những lời nhà thơ Hà Thượng Nhân kể được coi là quá ít nên chưa thật sự đầy đủ với những câu chuyện kể trong lúc gặp gỡ ngồi trà đàm. Với bề dài của cuộc sống, với bề rộng của của cuộc đời, trải qua những nhân vật, những chuyện đời thường, nhà thơ đã chứng kiến, đã là chứng nhân qua nhiều triều đại, nên thấy và biết khá đủ và tường tận suốt quá bán ở tuổi nay đã về già.

Để bước sang một chương đoạn khác, tôi muốn được ghi lại những buổi có mặt của nhà thơ Hà Thượng Nhân ở nơi công cộng, ở tư gia của chính nhà thơ hay  một người nào đó, ở một nơi tổ chức ra mắt sách của nhà văn này hay nhà thơ khác có sách mới trình làng, để từ đó, thấy được chân dung và lời nói của nhà thơ Hà Thượng Nhân, qua những đoạn ghi chép sau đây:

BUỔI CHIỀU THÁNG HAI, BUỔI TRÀ ĐÀM Ở NHÀ HÀ CHƯỞNG MÔN: một cái bàn dài mặt kính trong suốt, năm cái ghế tựa bọc da, bàn và ghế được kê trong phòng ăn, đó là nơi đã có những vị khách đến chơi được mời ngồi. Ở cái ghế sắp nơi đầu bàn, là chỗ của cụ Hà tọa vị. Với vóc người vạm vỡ trong cái áo chống lạnh về mùa đông, sảng khái trong giọng nói, say mê trong cung cách chuyện trò, cụ bảo luật thơ Đường không nhất thiết buộc các nhà làm thơ phải theo đúng qui cách cố định mà người cổ xưa đã vẽ ra để đến nay, ta vẫn ngựa theo đường cũ không thoát ly ra được. Thơ văn không thể gò bó thái quá theo niêm luật bắt buộc rồi câu nệ vào luật bằng trắc mà người xưa đã định, thơ mà làm như thế ắt sẽ bị gượng ép, gò bó, khó chuyên chở hết những tư tưởng mình muốn ký thác qua từ ngữ, câu cú như ý muốn của người làm thơ muốn sáng tác được một bài thơ ưng ý như điều mình mong đợi. Sự gò bó câu chấp như thế chính nhà thơ đã tự hạn chế cái phóng khoáng, cái tự do, cái vận dụng sở trường của mình để giam hãm, hạn chế, đóng khung làm cho mình không đi xa hơn, cao hơn, rộng hơn như điều gì mình mong muốn. Cụ dẫn chứng cụ thể bằng một vài bài thơ rất hay của các nhà thơ xưa như Đỗ Phủ, Tô Đông Pha hay Lý Bạch, có những bài thơ đã phá niêm luật, cào nát những định thức, mà nếu đem niêm luật để soi rọi vào những bài thơ đó, kể như những bài thơ đó được coi như là hỏng. Nhân đấy, cụ đem thơ của nhà thơ Tô Thùy Yên ra để nhận xét. Quan niệm của cụ được đưa ra và cho rằng, vẫn vận dụng theo hình thức của thơ Đường luật, ở Tô Thùy Yên, Tô Thùy Yên đã khéo phá luật để đi trên luật mà làm ra thơ. Phương thức mà họ Tô xử dụng để xuất chiêu đã tạo được thể thơ mới thoát từ thơ Đường ra để có một sinh thái mới, một diễn đạt cho mỗi con chữ chọn lựa mới, một cáchđặt câu chuyển đoạn khác hẳn những gì ta thường thấy mà một nhà thơ khác đã ảnh hưởng lối thơ Đường để làm. Điển hình ta thấy rất rõ khi đọc “Tầu Đêm” hay “Mùa Hạn” để nhận ra ngay cách phá thể khá khéo léo và có thể nói là tuyệt vời qua khả năng của người thơ làm ra nó. Cùng một lúc, nói về nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp, theo nhận xét của cụ Hà Thượng Nhân thì: ngoài Tô Thùy Yên ra, người này đáng được xưng tụng là một nhà thơ đích thực. Cụ cho biết: Nguyễn Xuân Thiệp làm thơ trước đây đã khá lâu. Thơ Nguyễn Xuân Thiệp thời đó thường được chuyền tay để bạn bè Thiệp đọc, cất giữ trong hộc tủ ở tư gia chứ hiếm khi đem đăng trên báo. Có lẽ vì thế, hồi trước 75, Nguyễn Xuân Thiệp chỉ ẩn thân như một bông hoa quỳnh trong bụi tối hơn là đứng soi bóng dưới ánh nắng của mặt trời”.
Thời gian bị đưa ra Bắc rồi về vùng đất Thanh Chương, tù với những người tù ở thành đá xanh có danh xưng là T6, Nguyễn Xuân Thiệp đã nung nấu ấp ủ cõi lòng mới có “Thảo Nguyên”, mới có “Chiều Trên Sông Giăng” để lại cho tác giả và cho đời. Cũng như các linh mục sống trong các dòng tu khổ hạnh, nhà tù Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ bỗng trở thành những thạch thất cho các nhà thơ như Tô Thùy Yên, nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp và vài nhà thơ vốn đã làm thơ trước đây coi nó là nơi tĩnh tâm để nung nấu chất thơ, tôi luyện tim óc máu huyết kết tủa thơ nẩy nở trong chốn ngục tù.

Chẳng có một sự thành công nào mà không phải trả giá dù đó chỉ là một bài thơ của một người làm thơ mà thể xác cũng như tinh thần đang bị đọa đầy khổ ải ở chốn tận cùng của địa ngục trên cõi trần gian. Cái giá phải trả như Dostoievky, như Aleksandr Solzhenitsyn, nếu cuộc đời bình thản và cuộc sống an lạc, hẳn hai nhà văn tiếng tăm lẫy lừng đó đã chẳng sản sinh được những tác phẩm bất hủ để đời. Đối với những nhà thơ, nhà văn, bất hạnh là một thử thách để gồng mình vượt qua, bất hạnh là một chất xúc tác làm nguồn cảnh hứng mãnh liệt nhất là động tác thúc đẩy nguồn cảm hứng khởi đầu cho con chữ tiết ra, cho mạch thơ đi tới, cho kết tinh hình thành một bài thơ bất hủ ở một thời gian của một hoàn cảnh không bình thường.

Trở lại cuộc mạn đàm mỗi lúc mỗi hào hứng, mỗi lúc mỗi bùng lên ngọn lửa bốc trong lò, khi nói về khả năng và sở học của một nhà thơ hay một nhà văn, cụ Hà Thượng Nhân, với một giọng nói thản nhiên bình tĩnh bảo: “Bằng cấp chưa đủ để đánh giá cũng như chưa đủ bảo đảm để giúp cho nhà văn, nhà thơ. Bằng cấp chỉ là yếu tố phụ mà chính yếu phải là cái đam mê tuyệt đối, cái kiến thức phổ cập cần thiết hỗ trợ cho nhà thơ nếu làm thơ hay cho nhà văn nếu muốn viết văn. Cái đam mê thì tùy ở bản thân của mỗi người. Còn cái kiến thức thì do đâu mà có. Ỷ lại và lười biếng như người ngồi dưới gốc sung đợi sung rụng thì chẳng bao giờ có. Vì thế, nhà thơ hay nhà văn cũng vậy, họ muốn có kiến thức và khả năng viết lách, thì việc đơn giản nhất phải là đọc sách. Đọc sách sẽ tạo cho họ vốn liếng để dùng cái vốn liếng đó dụng vào việc nâng cao ngòi bút của mình đi lên. Ngoài ra nhà thơ hay nhà văn còn phải sống để có kinh nghiệm và để kinh qua nhân và sự. Nhân ở đây là người. Sự giản đơn chỉ là sự việc. Những nhà thơ, nhà văn như Nguyễn Bính, như Dương Nghiễm Mậu, nếu đòi hỏi bằng cấp của họ thì họ không có bằng cấp lớn như nhiều người, nhưng thơ và văn của hai nhà thơ và nhà văn này đâu phải là không sáng giá, đâu phải là không thực tài. Một điều cần thiết nữa mà ta cần biết đến là cái bẩm sinh. Bẩm sinh không phải do ta mà do thiên phú”.

Trong buổi tọa đàm, nhà thơ Hà Thượng Nhân đại ý đã khai triển những lời nói như thế. Không xử dụng máy ghi âm để thâu, nghe và nhớ lại những lời nói đó để ghi chép lại cho bài viết này, phần tóm ý của người phát biểu là cụ Hà Thượng Nhân, của buổi gặp hôm đó, người viết đã đặt sự trung thực lên trên hết để tránh bóp méo và xuyên tạc.

Kể lại hồi còn viết cho tờ Tự Do, chủ nhiệm là ông Phạm Việt Tuyền, cụ Hà Thượng Nhân nói: “Làngười được giao phụ trách mục Đàn Ngang Cung cho tờ báo, cụ được giao khoán mỗi ngày phải cung cấp một bài để báo đăng. Viết trào phúng rất thường hay đụng chạm nên dễ mất lòng và sinh thù oán. Nhưng bản tính thẳng thắn, vốn ghét cảnh người quắt quéo điêu ngoa, cụ không ngại phải đảm trách mục “Đàn Ngang Cung” viết những bài thơ mỉa mai đời, phản bác người. Nếu tính thơ đã đăng vào thời đó, con số đếm ra không thể xuể”.

Nay tuổi đã cao, sự nghiệp làm thơ đã có bề dầy bề rộng, nổi tiếng là một nhà thơ của thời đã qua và thời hiện nay, nhưng cụ chưa hề có một tác phẩm nào đã in. Trường hợp của cụ Hà cũng giống như trường hợp của nhà thơ Tô Thùy Yên. Hồi đó, nhà thơ Tô Thùy Yên là người cộng tác với nhà xuất bản Kẻ Sĩ ở khu Cầu Muối, thơ của ông có mặt thường xuyên trên các mặt báo, nhưng tuyệt nhiên không thấy một quyển thơ nào của ông được đem in.

BUỔI NÓI CHUYỆN VỀ THƠ CỦA NHÀ THƠ HÀ THƯỢNG NHÂN: buổi nói chuyện đó nhằm vào tháng hai năm một chín chín ba. Trong một căn phòng nhỏ với ghế và bàn kê xếp thiếu gọn gàng, người đến tham dự có cảm tưởng đây không phải là một hội trường chính thức như những nơi ra mắt sách, những buổi hội họp ở chốn đông người. Điều đó đúng vì cái chỗ mà tham dự viên đến chỉ là một chỗ làm việc của Nhà Văn Hóa Việt Mỹ tọa lạc đường Santa Clara. Và đây cũng không phải là buổi mời quan khách đến dự có tính cách một buổi tổ chức qui mô với các tiết mục trong chương trình có diễn giả lên diễn thuyết, có nhạc công và ca sĩ lên bục hát giúp vui. Với đúng hình thức và ý nghĩa của người đứng ra đề xướng chủ trương, buổi nói chuyện về thơ văn này chỉ hạn chế trong một số thính giả thân hữu được mời, và người lên phát biểu không bắt buộc phải dùng tới những trang giấy có bài đã được soạn trước. Mở đầu, đứng trước những hàng ghế có các tham dự viên ngồi, nhà thơ Hà Thượng Nhân với những lời phát biểu sau đây: “Đây là nước Mỹ. Một xứ sở của kỹ thuật điện tử và con người sống chết với “. Một xứ sở như thế khó có thi ca. Buổi nói chuyện về thơ như thế này thật hiếm hoi và hi hữu. Chuyện được biết đến một thời xa xưa, nhà thơ được đội vương miện rồi tống khứ ra khỏi thành vì cho rằng, những người sáng tác thi ca chỉ là những kẻ vô dụng, những kẻ chẳng giúp ích gì cho xã hội. Nhưng thi ca cần cho đời sống như hoa cỏ, chim chóc, và cả đàn bà. Thơ là nghệ thuật siêu đẳng tổng hợp các bộ môn khác”.

Đến một phần khác, cụ Hà đem luật trong thơ ra nói: “Thơ có trước hay sau khi có luật. Ca dao và phong giao được sáng tác bởi dân gian ít học chứ không do những người trí thức làm ra. Tất nhiên, họ chỉ sáng tác theo cảm hứng do tâm hồn phát xuất chứ không hề biết niêm luật là gì. Thực ra, luật thơ Đuờng hay các thể loại khác đều có qui định của nó, bài thơ hay hay dở là tùy ở tài cấu trúc khéo hay vụng của người làm thơ. Ngày xưa, các cụ Trạng Nguyên làm được bài thơ nào hay thì Vua thưởng cho bát yến. Thơ thuộc vào loại như thế xếp đầy kho trong chốn cung đình, nhưng thơ đó không thể nói là những bài thơ được xếp vào loại tuyệt tác được. Người làm thơ hay cũng như kẻ kiếm sĩ biết nhiều thế múa  mới  biết biến chiêu, biết nhiều luật mới có khả năng phá thể. Đến mức đó nghệ thuật mới được coi là cao cường”.

BỮA ĂN THỊT CHÓ Ở TƯ GIA NHÀ THƠ HÀ THƯỢNG NHÂN: Bữa ăn đó, trong bài viết theo thể loại văn chương tản mạn này, tôi xin được ghi lại những gì mình đã chứng kiến vì cũng có mặt được tham dự. Bài viết như sau:

“Nhà cụ Hà Thượng Nhân ở trong một ngõ hẻm. Đường từ ngoài phố vào con ngõ vì không được tu bổ nên lồi lõn và đầy những khe kẽ nứt cái ngắn cái dài, cái sâu, cái nông. Ngõ vắng vẻ và yên tĩnh. Nhà cửa hai bên thấp mái, lụp sụp. Khách đến thăm nhà thơ Hà Thượng Nhân, người biết nơi cứ đi thẳng tuốt vào sâu con hẻm, tới một khúc ngã ba đường, quẹo phải, thấy hai cánh cửa lớn quét sơn màu xanh đậm, trước nhà có một cây hoa ngọc lan lớn, cành lá cây hoa xum xuê che kín bầu trời ở phía trên, thì ngôi nhà đó là nhà của cụ Hà. Cây hoa ngọc lan gốc ở bên kia bức tường gạch, cũ kỹ và đóng rêu, cây hoa đó chủ của nó là người hàng xóm có khu vườn đối diện với mặt tiền ngôi nhà cụ Hà cư ngụ.

Vâng theo lời mời của nhà thơ Hà Thượng Nhân, sâm sẩm tối hôm đó, tôi đã có mặt ở nhà cụ để dự một bữa nhậu thịt chó, uống rượu và mạn đàm thơ văn. Nhằm đêm có trăng, trăng đang lên và sáng bàng bạc. Mùi hương của hoa ngọc lan tỏa thơm ngát nhưng không gắt làm ngào ngạt khoảng không gian và không khí ở con ngõ và trong khu sân nhà cụ Hà.

Khi tôi đến, khách chưa thấy ai đến. Thực tình, tôi cũng chẳng biết khách của cụ Hà Thượng Nhân mời là những ai. Phải vài phút sau, cánh cửa sắt có người gõ rồi cửa được cụ Hà ra mở, thì thấy xuất hiện nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp giắt theo là hai cái xe đạp. Khách và chủ cùng cười và cùng đưa tay ra cho nhau bắt. Rồi với cái chiếu đã rải sẵn ở sân, chai rượu, ly uống, cái đĩa lớn đậy lá nên dưới lá không biết món ăn đó là món gì, cụ Hà khoát tay ra ý mời các nhà thơ đến dự cùng ngồi. Ngồi dưới đất trên chiếu, chân mọi người phải khoanh tròn xếp bằng ở thế tọa vị kiểu mấy nhà sư nhập thiền hay thượng đàn. Có người hỏi cụ khách còn thiếu ai nữa, nghe, cụ Hà đủng đỉnh bảo: “còn Hữu Loan”. Người khác thưa: “Ổng đâu vậy tiên sinh”. Cụ Hà cưới lại đáp: “Anh ta đang ở trong nhà, ngồi hí hoáy viết chẳng biết làm thơ hay viết cái gì lăng nhăng không rõ nữa. Để tôi vào mời tay đó ra”. Đối đáp đại ý là như vậy rồi, đang ngồi, vụt đứng dậy, cụ Hà đi vô nhà. Loáng cái, đã thấy hai người kẻ trước người sau đi ra. Lại bắt tay và hỏi thăm dăm ba câu cho có lệ, rồi chủ và bốn người được coi là khách mời cùng ngồi xếp bằng trên chiếu. 

Chai rượu đã được rót ra năm cái ly thủy tinh. Rượu bia chứ không phải là rượu mạnh thứ hàng ngoại. Thực ra, rượu gì cũng được, ăn uống lai rai miễn có tí rượu nhấm nháp đưa cay là đủ rồi. Chẳng ai quan tâm đến và cũng chẳng ai lên tiếng đòi hỏi chủ nhà đã đãi khách. Đã đến lúc đưa đẩy câu chuyện từ xa đến gần, từ lớn đến bé, đã đến lúc nhập bữa ăn với cái lá đậy trên món thịt được chủ nhà đưa tay gỡ bỏ, thì vừa gỡ, cụ Hà vừa cười cười nói: “Ai biết cái gì đây không”. Khách thẩy đều nhìn nhưng đoán thì không ai đoán ra món gì ở trong đĩa cả. “Thịt chó đấy. Nào ăn”. Được mời, khách và chủ đều cầm đũa gắp. Vừa nhậu thịt rượu vừa chuyện trò rân ran, mọi người hình như chẳng cần biết đến vầng trăng đang loi ngoi cố lết lên cao và vầng trăng cũng hình như chẳng bận tâm ngó xuống dưới sân có đám người đang khề khà ngồi nhâm nhi rượu và nhậu món thịt cầy. 

Chẳng rõ nhà thơ Thanh Tâm Tuyền thích hay không thích món thịt cầy nên thấy ăn thì ít chỉ ngồi trầm ngâm thì nhiều, rồi một hồi suy nghĩ sao đó, bỗng bâng quơ lên tiếng hỏi. Câu hỏi hỏi nhà thơ Hữu Loan đại ý là ông Loan nhận về văn chương và nghệ thuật dưới chế độ miền Nam ông thấy thế nào. Vấn đơn giản chỉ có thế thôi nhưng nghe, nhà thơ Hữu Loan nghe lại hiểu lầm cho là nhà thơ Thanh Tâm Tuyền đặt ông vào vị trí của một người theo chế độ miền Bắc để đại diện cho cái chế đó trả lời thì bừng bừng nổi giận, ngay tức khắc trả lời mà không cần suy nghĩ. Ông bảo thẳng thừng có ý là ông không là người đại diện cho cái chế độ ngoài đó và nói như thế là xúc phạm đến ông. Rồi trước khi rời chỗ ngồi đứng dậy, ông  bỏ vô nhà, nhà thơ Hữu Loan còn hùng hùng hổ hổ nói tiếp. Ông nói sao anh lại hỏi tôi như thế được, tôi đến đây với tư cách của chính cá nhân tôi chứ không phải là tư cách đại diện cho bất kỳ ai hay chế độ nào cả. Tôi tưởng các anh là những nhà thơ lớn, không, tôi đã hiểu. Tốt nhất, ta chẳng nên cần thảo luận gì. Vì tôi cóc chơi với các anh nữa”.

Hiểu lầm qua câu hỏi giữa người hỏi và người bị hỏi không ngờ đã tạo ra một vết nứt mà vết nứt đó là hậu quả đã làm cho bữa ăn bị khựng lại. Để lấy lại hòa khí giữa hai nhà thơ một trong Nam, một ngoài Bắc, cụ Hà Thượng Nhân đã phải lật đật đứng dậy rồi đi vào trong nhà để nói gì đó với nhà thơ Hữu Loan. Nói gì đó chắc cũng chỉ là chuyện phân giải để giải thích cho nhà thơ Hữu Loan biết rõ tận tường nguyên uỷ của câu hỏi mà nhà thơ Thanh Tâm Tuyền đã hỏi, rồi chỉ trong chốc lát, cụ Hà cùng nhà thơ Hữu Loan cùng bước ra sân, trở lại ngồi xuống chiếu. 

Rõ ràng không khí giữa những người khách trong bữa ăn đã không còn cởi mở trong câu chuyện và thoải mái trong ăn uống vì mặt ai lúc đó cũng đăm chiêu trầm mặc. Khuya sâu và trăng sáng hơn. Mùi hoa ngọc lan vẫn nhả ra hương thơm thoang thoảng trong hơi sương bắt đầu lành lạnh. Rồi có người đứng dậy cáo từ chủ nhà để về. Đó là nhà thơ Thanh Tâm Tuyền. Người kế là nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp kiếu để đẩy cái xe đạp mở cổng đi ra ngoài ngõ. Ngoài ngõ im ắng lặng tờ, tiếng xích cọ, tiếng vỏ lốp lăn nghe lạo sạo, đó là lúc nhà thơ Thanh Tâm Tuyền và nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp trên đường rời xóm ngõ. 

Vài nét chính về nhà thơ Hữu Loan, nhân vật có liên quan trong bài viết này: nhà thơ Hữu Loan và nhà thơ Hà Thượng Nhân chơi với nhau rất thân từ thuở thiếu thời. Theo bài mở trong tập thơ “Thiên Đường Máu” do nhà xuất bản Quê Ngoại in ấn ở Hoa Kỳ năm 1991 thì: ông Hữu Loan đậu Tú Tài Pháp năm 1939, dạy Pháp văn ở trường tư thục lệ Bảo Tịnh tại Thanh Hoá. Ông có rất nhiều bài thơ nhưng bài thơ tựa đề “Màu Tím Hoa Sim” được nhạc sĩ Phạm Duy đem thơ phổ vào nhạc là nổi tiếng và tạo danh tiếng cho ông. Bài “Màu Tím Hoa Sim” so với bài “Đèo Cả”, nhận xét của cụ Hà Thượng Nhân cho rằng, bài thơ đó có giá trị hơn bài “Màu Tím Hoa Sim” rất nhiều. 


Vì tham gia vào nhóm Nhân Văn, nhà thơ Hữu Loan đã bị đảng Cộng Sản bắt nhốt rồi đày về quê dưới hình thức quản thúc. Suốt thời gian đó, ông đã sống cực khổ và vất vả như phải đi cày, thồ xe đá, bị đày ải không khác gì một tù nhận trong lao thất. Dù bị trù rập ngóc đầu lên không nổi, nhà thơ Hữu Loan vẫn tỏ ra khí khái, can trường của một kẻ sĩ không chịu khuất phục trước áp bức của bọn bạo quyền. Từ Bắc vô Nam, tìm lại người bạn thân xưa cũ, nhà thơ Hữu Loan đã ghé đến thăm nhà thơ Hà Thượng Nhân. Bữa ăn thịt chó do nhà thơ Hà Thượng Nhân khoản đãi hôm đó vì thế đã có mặt nhà thơ Hữu Loan ngồi cùng chiếu với vài nhà thơ sáng giá ở trong Nam do cụ Hà đứng ra mời đã có là như vậy.

TÂM SỰ VÀ THAN THỞ: đây là đoạn viết ở phần dưới này, tôi chỉ ghi lại những lời nói của cụ Hà trong lúc chuyện trò thân mật, có thể là trên đường xe chạy, có thể là lúc ngồi hàn huyên ở tại tư gia, cũng có thể trong một quán ăn nào đó, tôi không biết vì không nhớ nữa. Điều đó chẳng đáng để coi là quan trọng cần phải bận tâm, mà điều quan trọng và bận tâm là người nghe và người nói, ở câu chuyện chỉ là tâm sự vụn, than thở để giải tỏa cõi lòng, có thế và vậy thôi. Nói đến Nguyễn Chí Thiện, một nhà thơ sống dưới chế độ Cộng Sản, từ Việt Nam thoát được sang thế giới tự do, đã một thời được các tổ chức, một  vài cá nhân đơn lẻ, xưng tụng và vồ vập một cách quá đáng, khiến con người đó bỗng trở thành thần tượng tiêu biểu trong cao trào chống cộng của những người tị nạn trên đất nước Hoa Kỳ. Nhận xét của cụ Hà thì: không nên đẩy cao quá nhân vật đó vì càng đẩy cao, càng xài nhiều, con dao đó sẽ mòn, cong, cùn và hỏng. Dụng Nguyễn Chí Thiện làm lợi khí cho chuyện đấu tranh để chống chính quyền nhà nước Cộng sản VN hiện tại, đúng, nhưng phải thận trọng trong cách xử dụng mà không nên hồ đồ thái quá. Khi nghe cụ Hà nói như thế, tôi cũng đưa ra những điều mình suy nghĩ để bàn vào: đại ý là tôi nhận xét những người đã theo chế độ Cộng sản, nay vì lý do này hay lý do khác mà đào thoát ra nước ngoài, tin hay không tin cũng cần phải được xét lại một cách hết sức cẩn thận. 

Khổ nhục kế hay mỹ nhân kế vẫn là bài học để ta đề cao cảnh giác vì từ trước đến nay, cái thường được Cộng sản xử dụng để dùng đó làm thế cài và cấy người vào cộng đồng người tị nạn ở hải ngoại. 

Kinh nghiệm đó đã là một bài học thời trước 75, cơ quan đầu não ở Tổng Thống Phủ đã có Việt Cộng nằm vùng, tư gia các yếu nhân cũng có các cán bộ Việt Cộng vào ở dưới cái được gọi là người làm, thì nay, những người bị thất sủng, những tên công an tình báo trá hình là những kẻ chống đối chế độ để chạy qua Hoa Kỳ rồi được các hội đoàn công kênh, cổ võ, tổ chức các buổi hội thảo, các buổi diễn thuyết để đánh bóng họ thì chuyện như thế cần phải xét lại. 

Trước đây, nhà văn Dương Thu Hương đã là người năng nổ chửi bới cái xã hội chủ nghĩa đó hết lời tục tĩu, nay được sang định cư tại đất nước cờ ba màu, Dương Thu Dương đã lộ nguyên hình là ai thì mọi người thẩy đều đã thấy rõ. 

Đả cộng sản tới bờ tới bến có thể đó chỉ là ngụy ngôn, còn Hồ Chí Minh, y thị vẫn coi là cha già dân tộc qua một tác phẩm có cái tên gọi là “Đỉnh Cao Chói Lọi”.

Cụ đồng ý với những nhận xét và ý kiến của tôi và đồng thời coi đó là điều để cụ thận trọng và hạn chế trong việc tiếp xúc, việc thân thiện với những nhân vật mà những nhân vật đó, ta thật tình chưa biết rõ họ là ai.

Ở đoạn trong phần viết này, nhân được đọc một nói về một vài thủ đoạn sở trường của Việt Cộng, tôi có đọc một bài báo kể lại sau ngày đảo chánh hụt thời Đệ Nhất Cộng Hoà, nhóm sĩ quan gồm có  Đại tá Nguyễn Chánh Thi, thiếu tá Phạm văn Liễu, cùng vài người khác nữa, thất bại đã dùng máy bay do Đại úy Phan Phụng Thiên đào tẩu qua Campuchea. Ở Campuchea, nhóm sĩ quan này bị Việt Cộng cho tên Bùi văn Sắc là thiếu tá quân báo có biệt danh là Cậu Sáu đến làm quen, biếu xén quà cáp, khai thác tình cảm, nhằm mục đích để đưa nhóm Thi Liễu lọt vào bẫy sập. Cậu Sáu Bùi Văn Sắc còn dùng cả con bài “mỹ nhân kế”, hắn đưa một cán bộ nữ tên là Tâm đến để phục dịch và để hớp hồn ông tá ham nữ giới theo kế hoạch đã tính toán như dự định. Cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963 do tướng Dương văn Minh cầm đầu, thành công rồi, nhóm sĩ quan phản loạn kỳ đảo chánh chính phủ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm được triệu hồi về Bô Tông Tham Mưu để trình diện và để phục chức và thăng cấp. 

Từ đại tá, Thi lên Chuẩn tướng, từ thiếu tá, Liễu lên Đại tá. Lon lá cấp bậc, chức tước một Tư lệnh Sư đoàn, một Tổng giám đốc cảnh sát, đã có quyền, đã có thế, ông Chuẩn và ông Đại tá lúc này nhớ đến cậu Sáu để đền ơn đáp nghĩa mà cậu Sáu đã tận tình thi ơn trong những ngày còn trốn tránh ở Campuchea. Cậu Sáu Bùi văn Sắc được tướng Thi đưa xe rước về dinh rồi ở luôn trong dinh làm chức quân sư. Được ở trong dinh rồi, cậu Sáu bắt đầu cho thiết kế máy phát sóng để đưa tin tức tình báo về mật khu, được Đại tá Liễu cấp cho căn cước để đi lại tự do đây đó, cậu Sáu đúng là con ong độc được ông chuẩn tướng Thi vô tình nuôi trong tay áo. Do Nha Kỹ Thuật Bộ TTM kiểm thính phát hiện, do khối Cảnh sát đặc biệt bám sát theo dõi, vụ Việt Cộng cài người vào dinh ông Tướng mới bị đổ bể, nếu không, tin tức quan trọng về quân sự chắc chắn đã lọt ra ngoài, Việt Cộng sẽ triệt để khai thác.

Bài viết và tài liệu này do tác giả Vũ Trí, đăng trên Đặc san Trần Nguyên Hãn số Xuân Canh Dần, tôi tóm ý để trình bầy lại, mục đích chỉ muốn đưa ra cái mà mình muốn nói là: chế độ Việt Cộng, trước đây và bây giờ, cài cấy người là kế sách mà họ thường tận dụng để xâm nhập ở bất cứ địa bàn nào nếu địa bàn đó có những tổ chức và đoàn thể chống họ. Kế sách đó gồm nhiều mặt như kinh tế, chính trị, truyền thông báo chí  và văn học nghệ thuật. Ngoài hội họa, văn học nghệ thuật thì gồm tiểu thuyết và thi ca là hai bộ môn tiêu biểu. 

Dàn dựng nhân vật nhà thơ hay nhà văn ở bên kia ranh giới biển Đại Tây Dương  Hoa Kỳ và Việt Nam, đưa người qua những vùng đất có người tị nạn chống Cộng, họ muốn cài cấy người để hoạt động công khai hay hoạt động ngầm trong bóng tối, ắt đã điều nghiên thật kỹ càng thấu suốt bằng cách này hay cách khác. Chửi chế độ Việt Cộng chán chê khi còn sống ở bên nhà, chửi tiếp khi họ được bắn qua bên ngoại quốc, chớ vội mừng và tin họ đã thành thật hết lòng với ta khi ta chưa hiểu cái đầu họ đang nghĩ gì và lời nói ra cửa miệng của họ có thực là lời nói của trái tim họ nói không.

NỖI BUỒN KHI PHẢI ĐĂNG ĐÀN PHÁT BIỂU: Sau buổi ra mắt sách của tiến sĩ Dư Phước Long, cụ Hà được mời lên phát biểu cảm tưởng. Mời phải lên, cụ chỉ nói chung chung đại khái cho phải phép, chứ thực tình biết nói cái gì bây giờ. Nhiều lần lên bục đưa ra nhận xét về cuốn sách mới đem ra trình làng như thế, cụ đâm ra e dè và cẩn thận hơn là không phát ngôn quá nhiều, quá tô điểm son phấn  về tác phẩm và tác giả. Đấy là bởi cụ xét lóng mình, cụ nhìn thấy cái không thực không đúng trong lời nói. Khen ư. Chê ư. Cái nào cũng không là cái cụ cho là không ưng. 

Lần ra mắt sách tập thơ của Tô Thùy Yên cũng vậy, khi nói thì không biết mình nói quá cương, nói quá độ, đêm về nằm nghĩ lại, trăn trở, thao thức, dằn vặt vì thấy mình không thực lòng, khen thế chỉ vì tình nghĩa bạn bè nên đã vô tình tâng bốc không đúng chỗ. Sau này, hễ nhận được tập thơ mới ra, nhờ cụ viết bài giới thiệu, mời cụ đăng đàn phát biểu, cụ thấy sợ, thấy lạnh cả người.

Lần ghé đến nhà thăm cụ, cụ Hà đã tâm sự những điều như thế. Vì không dùng máy ghi âm để thâu những lời cụ nói, ở đoạn viết này, tôi chỉ tóm ý những điều cụ nói mà viết lại theo thể văn tường thuật hơn là một bài phỏng vấn có người hỏi và người trả lời của một nhà báo, của một phóng viên đài phát thanh và truyền hình.

VỀ KỲ HỌP VĂN BÚT QUỐC TẾ: đến thăm cụ Hà vào một ngày cuối tháng mười, năm nào tôi không ghi trên nhật ký nên không rõ. Bữa đó, tôi đến cụ đúng lúc cụ đang đi dạo bộ vừa về tới nhà. Cụ mở rộng cửa mời tôi vào phòng khách. Khi đã ngồi, lúc nhắc đến tin nhà thơ Viên Linh, hiện là Chủ Tịch Văn Bút Quốc Tế đại diện cho các nhà văn nhà thơ ở hải ngoại thời bấy giờ, cầm đầu một phái đoàn đi tham dự cuộc họp. Buổi họp này có thành viên các nước tham dự và có cả phái đoàn Cộng sản Việt Nam được mời. Qua bài viết của nhà báo Thế Huy có bài đăng trên Sàigòn Nhỏ phát hành ở Nam Cali, viết lại lời tuyên bố của Viên Linh sẽ bắt tay với Cộng sản trên phương diện văn học nghệ thuật. 

Mở ngoặc và đóng ngoặc, tinh thần câu nói của nhà thơ Viên Linh có thể hiểu rộng theo nghĩa khác hơn là hiểu hẹp cái nghĩa ông Viên Linh muốn hòa hợp hòa giải với Việt Cộng chắc có lẽ đúng hơn. Nhưng ngay lúc được tin đó, cụ Hà đã bảo cho tôi biết, cụ đã điện thoại thẳng cho Viên Linh để hỏi về việc đó. Ông Viên Linh đã xác nhận chuyện đó là không có. Nhận định về các tổ chức văn bút đến tham dự hội nghị này, cụ Hà cho biết ý của cụ là: “về tư cách gia nhập Hội Văn Bút Quốc Tế, 

Cộng sản không tôn trọng quyền tự do báo chí, không có nhân quyền, nhà văn nhà thơ không được làm chủ ngòi bút mà viết phải viết theo sự chỉ thị của Đảng. Ông Như Phong, một nhà báo sẽ có bài phân tích rõ ràng về việc nhà văn và nhà báo dưới chế độ của Cộng sản. Giáo sư Nguyễn sĩ Tế sẽ là phát ngôn viên trong phái đoàn do ông Viên Linh, chủ tịch Văn Bút Quốc Tế dẫn đầu.

KỂ VỀ NGUYỄN HỮU ĐANG VÀ PHÙNG QUÁN: cụ Hà bữa đó nói: “ông cụ Nguyễn Hữu Đang lúc đó đã ngoài 80 tuổi, sống ở miền đất Bắc. Năm 1945, ông Đang là Bộ Trưởng Văn Hóa và là cán bộ hàng đầu bên cạnh Hồ Chí Minh. Do vụ giai phẩm Nhân Văn, ông người lãnh đạo chủ trương phong trào đổi mới, ông đã bị bắt và bị đưa đi tù. Sau khi ra tù, Cộng sản đẩy ông ta về quê giao cho việc chăn nuôi heo ở một cánh đồng không mông quạnh. Thời gian chăn nuôi heo, ông Đang vẫn được ăn lương. Cám cho heo ăn cùng thực phẩm trộn lẫn, lợn ăn và người cũng được thừa hưởng. Do đó, bụng không lo đói, rảnh cũng viết lách được. Viết chẳng cầu cho đăng báo mà viết chỉ là cho khuây khỏa, cho ngày qua tháng đoạn. Bởi heo giành ăn cắn nhau suốt ngày chẳng lúc nào yên tĩnh, ông bèn làm đơn xin nghỉ việc. Nghỉ không làm nghề coi heo nữa, ông về sống ở một căn nhà trong khu tập thể của các giáo viên.   

 Gần phòng ông ta ở, là khu nhà bếp. Mỗi khi các cô giáo viên nấu nướng, khói và mùi thức ăn bay lên bạt sang căn ông Đang ở, sặc mùi gia vị và mùi thịt cá thơm lừng. Nhà thơ Phùng Quán vào thời gian đó đã 60 tuổi. Nhân vụ xây đài làm lễ có nhiều cái mờ ám khuất tất, muốn tìm hiểu cho rõ sự thực, nhưng hỏi ai, ai cũng nói không biết. Nhớ đến ông cụ Đang nên một bữa, ông Phùng Quán bèn cất công đi gặp ông cụ Đang. Hết chỗ này đến chỗ kia, hết người này chỉ đến người kia chỉ, cuối cùng Phùng Quán  cũng đến được nơi ông già Đang ở. 

Nghe khách hỏi đến ông Đang, một cô giáo ở khu tập thể đưa tay chỉ xuống cái cầu ao có một người ngồi, nói người mà khách đang muốn gặp ông đó là ông cụ Đang. Không dám làm trở ngại công việc làm của ông cụ, nhà thơ Phùng Quán chỉ im lặng đứng ở trên bờ chờ. Chỉ có mấy viên gạch mà ông Phùng Quán thấy ông cụ Đang cứ ngồi kỳ cọ cẩn thận kỹ lưỡng quá. Thắc mắc chưa kịp hỏi, cổ bỗng thấy ngứa, cố giữ không cho ho nhưng giữ không được, ông mới buộc lòng phải ho. 

Nghe tiếng ho, ông cụ Đang ngoái đầu nhìn lại, nhận ra khách là bạn quen biết với mình, thì ông cụ Đang ngưng kỳ cọ gạch. Đứng dậy, từ cầu ao, ông cụ bước lên bờ. Bắt tay, chào hỏi, thủ tục xong đâu vào đấy, Phùng Quán mới lên tiếng hỏi: “có đâu mất thì giờ lại đi kỳ cọ mấy cái viên gạch chỉ là gạch vất đi như thế”. Thấy hỏi, ông cụ Đang chẳng cần suy nghĩ đã trả lời: “Là thế này, rửa gạch sạch để tối làm gối lót đầu, để xây chỗ nằm khi tích trữ được nhiều, để làm được khối việc đấy anh ạ. Hỏi thế đủ rồi, ta vào nhà đã”. Vào nhà rồi, Phùng Quán thấy trong nhà lỉnh cà lỉnh kỉnh những thứ cũ mèm, những đồ đạc chỉ toàn là đồ cũ kỹ hư hỏng dùng không được. Mắt chợt thấy rương lớn để ở xó góc nhà. Rương có một cái khóa lớn. Thấy lạ, nhưng Phùng Quán không dám đường đột hỏi, nên chỉ ngồi im, mắt cứ lấm lét nhìn. Đúng lúc ông cụ Đang cần lấy gì mới tra thìa khóa, mở rương ra, Phùng Quán quét một đường mắt vào trong rương thấy đồ vật đựng trong rương chỉ là những bao thuốc lá, vài thứ ca kỉnh vớ vẩn chẳng thể được coi là quí. Thắc mắc về những bao thuốc lá, Quán hỏi: “Bao thuốc lá dùng để làm gì sao cất giữ nhiều thế”. Ông cụ Đang cười rồi trả lời: “Dùng để làm chi hả, để làm vật đối lưu đó”. 

Chưa kịp hỏi “đối lưu” là đối cái gì thì ông cụ Đang đã bảo: “mấy khi anh đến chơi, sẵn có chai rượu ta ngả ra uống cái đã”. Vừa khui chai rượu, vừa rót rượu vào hai cái ly, ông cụ đang nói tiếp:“Mình làm quái gì có tiền mà mua chai rượu này, của Hội Nhà Văn họ mang đến biếu đó. Uống rượu, ăn với món mồi này cũng được chán”. 

Đĩa thức ăn được đem ra, thấy lổn nhổn chẳng đoán ra là món gì, chủ khách cùng cầm đũa, cùng nhắp rượu. Đang ăn, có tiếng đứa trẻ léo nhéo gọi ông cụ Đang. Ông cụ đứng dậy đi ra cửa, đoán không ra chuyện gì chỉ thấy đối đáp giữa một già một trẻ. 

Hỏi: “Ông đổi cáinày không”. 
Đáp: “Đổi. Nhưng đắt quá, đừng hòng treo giá làm khó tao”. Lại thấy tiếng ông cụ Đang bảo: “Cái này chỉ đáng giá hai bao, đổi thì đổi”. “Hai bao thì cháu chịu đổi. Nhưng cái bao này ông đưa cho mất cái giấy bọc màu kim tuyến ở trong. Ông đổi cho cháu cái khác đi”. “Thằng này bữa nay làm khó tao. Này, cái này cầm lấy đi”. Lúc sau, ông cụ Đang quay vào nhà, tay cầm một con rắn. Vừa trỏ con rắn, ông cụ vừa bảo: “Đây là chất tươi. Này, nếu bao thuốc lá anh có cứ gom lại đưa cho tôi. Khi nào có dịp đến anh, anh cho tôi lấy về. Có bao thuốc là có thịt tươi từ tụi nhỏ đổi cho”. Trở lại bàn tiếp tục ngồi ăn và uống rượu, ông cụ Đang chỉ cái đĩa lổn nhổn chẳng hiểu là món thịt gì, cười rồi bảo:“Món này là món thịt cóc đấy. Anh ăn thấy có ngon miệng không”. Chỉ nghe có thế, ông Phùng Quán đã thấy lợm ở cổ họng, muốn ọe mà cố giữ không cho ọe. Xong bữa ăn, chủ dẫn khách ra đằng sau nhà, chỉ tay xuống một chỗ đất bị đào xâu nom hệt như một cái huyệt đào sẵn để chôn người. Thì đúng đấy là một cái huyệt khi nghe ông cụ Đang thản nhiên bảo: “hơn 80 tuổi rồi, sống không làm phiền ai, chết không muốn ai vì mình mà phiền, lúc kiệt sức, tôi sẽ cố bò lết ra cái hố huyệt đào sẵn này rồi nằm xuống. Như thế cũng được và xong”.

Câu chuyện được cụ Hà kể nhân một buổi đến thăm cụ tại nhà, tôi ngồi chăm chú lắng nghe mà tưởng như là một chuyện khó có thể tin là có thật. Một thời gian sau, tình cờ tôi được đọc bài “Dẻo Đất” của nhà thơ Phùng Quán, cũng vẫn những chi tiết đó, cũng vẫn một cảnh thương tâm của kiếp làm người là ông Nguyễn Hữu Đang khiến tôi xúc động. Bài “Dẻo Đất” của ông Phùng Quán viết theo thể loại ký, tôi có ý định viết theo thể loại truyện, vì thế, từ cảm khái mà ra, từ kích xúc mà có, tôi đã có bài “Dọn Chết” là một trong những truyện của tác phẩm “Đêm Nghe Dế Gáy” được ấn hành.

CÁI NHÌN VỀ VĂN CHƯƠNG BÁO CHÍ Ở HẢI NGOẠI: tháng 12 năm 1994, trong lúc ngồi mạn đàm với cụ Hà Thượng Nhân, tôi có được nghe cụ nhận định về nhiều vấn đề. Nhắc lại buổi họp ở Hội Nghị Văn Bút Quốc Tế tổ chức tại Thụy Sĩ, cụ không đồng ý về việc ông Nguyễn Sĩ Tế đọc thơ bằng tiếng Pháp. Không hiểu cụ không đồng ý vì lý do gì không biết nữa vì lúc nghe và khi về nhà ghi lại, trong nhật ký tôi đã không chép gì thêm. Bàn về thơ, cụ Hà bảo: “thấy thơ Nguyễn Du lại chê thơ mình mà không bằng lòng, không dám in là tự hạ mình xuống thấp quá đáng thì không thể coi là được. Nếu so đọ, người làm thơ phải viết bằng hay hơn Nguyễn Du cũng như lấy thơ Vũ Hoàng Chương để làm cái mốc mà lượng khả năng của mình. Khi nhận định về tình hình báo chí và nền văn học hải ngoại, cụ bảo có nhiều cái đáng lo ngại. Việt Cộng vốn sẵn tiền sẽ dùng tiền để mua chuộc báo giới và truyền thanh truyền hình để có cơ sở thông tin và làm phương tiện tuyên truyền, sẽ tìm cách làm các tờ báo văn học nghệ thuật vốn đã èo ọt về tài chánh, trước sau rồi cũng phải đình bản. 

Riêng về cộng đồng người tị nạn lưu vong, dùng thế cài người cấy người vào các tổ chức để từ từ phân hóa rồi chiếm đoạt làn cho các tổ chức này hoạt động kém hiệu quả, từ tê liệt dẫn đến lụn bại, từ chia rẽ dẫn đến tàn lụi. Bọn thời cơ vì bả danh lợi, chẳng sớm thì muộn, sẽ ngả theo cộng sản để tiếp tay với bọn chúng thực hiện đúng với kế hoạch như chúng đề ra. 

Những nhận định đó đúng như một lời tiên tri về một tương lai mà sự kiện chưa rõ hình dạng một cách cụ thể. Năm 1994, cụ Hà đã nói như thế trong lúc ngồi mạn đàm, đến nay, khi viết bài này, tính thời gian đã 16 năm rồi, thì những gì cụ tiên đoán đã từ từ xẩy ra đúng với sự thực.

ẤP Ủ VÀ DỰ TÍNH RA BÁO: tháng 1 năm 1995, do ảnh hưởng thời tiết xấu bởi cơn bão thổi về thành phố dưới thung lũng đã làm vùng đất San Jose, trên trời mây u ám. dưới đất đường phố ướt nhèm nhẹp. Bão qua, vườn cây, đồi cỏ, màu của hoa, màu của cỏ, vườn thì tươi tốt, đồi núi thì nở rộ hoa cúc dại màu vàng. Nhân đến nhà thăm cụ Hà, sẵn xe, cụ nhờ tôi đưa hai cụ đến Lion Plaza để mua vài vật dụng. Trong lúc cụ bà một mình vào chợ mua bán, cụ Hà và tôi ở ngoài xe ngồi chuyện trò. Bữa đó, tôi nghe cụ nói về việc ra một tờ báo thuần túy văn học nghệ thuật. 

Cụ cho biết tài chánh có người lo. Công việc tổ chức, điều hành, in ấn, bài vở do mình chịu trách nhiệm. Cụ còn bảo: tôi tin anh và ủy thác công việc. Nếu có thêm Huy Phương và vài anh em khác nữa thì quá tốt”. Nhắc đến nhà văn Doãn Quốc Sĩ, cụ nói “ông Doãn Quốc Sĩ nghe nói sắp sang Cali, đây là một trong những cây viết trong tờ báo. Ta sẽ qui tụ các bạn bè trong văn giới khác khi khởi sự. Tuy nhiên, nồng cốt chủ lực về nhân vật vẫn do năm ba người đứng làm giường cột để đảm trách thường trực. Cộng sự viên sẽ được trả lương để sống. Ngoài ra, để có phương tiện hoạt động, ta sẽ mua máy in. Về khổ báo, “size” báo giống tờ nhật báo gấp đôi, dầy khoảng 32 trang tức 16 tờ.
Nghe cụ hứng chí nói về việc ra báo, tôi không hiểu do động lực nào thúc đẩy mà bữa đó, cụ Hà đã đưa câu chuyện đó để cho tôi biết ý định như vậy. Thực ra, vào một ngày trong tháng 8 năm 1994, dự định thực hiện cho ra một tờ báo đã được cụ Hà đề cập đến. Đó chính là hôm cụ nói tôi đến tư gia để đi Sacramento với người bạn của cụ và cụ Hà. Ở tiệm phở, trong lúc vừa ăn vừa đưa đẩy câu chuyện, người bạn của cụ tên là Hùng đã nhắc đến nhiều chuyện liên quan đến việc của cộng đồng. Ở đài Mẹ Việt Nam của bà Như Hảo ngày hôm đó có buổi tiếp tân, được mời tới dự, xong bữa, xe của ông Hùng lái đưa cả ba đến đó để hiện diện. Sau khi thăm phòng triển lãm, phòng ghi âm, trả lời cuộc phỏng vấn, tới giờ đi Sacramento thì cả ba lại ra xe để lên đường. Xe do ông Hùng lái bắt đầu nhập vào xa lộ rồi cứ thế mải miết lăn bánh theo trục lộ hướng về Sacramento. Dọc hai bên đã thấy những ngọn đồi với cỏ khô màu vàng lông chó vện. Khi xe qua một cây cầu, tôi thấy ở phía dưới thấp có những con tầu biển. Để khỏa lấp thời gian, ông Hùng và tôi nói qua nói lại về chuyện người tị nạn ở hải ngoại. Nhìn đồng hồ đeo tay thấy hai cây kim ngắn và dài cùng chặp lại ở con số 12, tôi thấy ông Hùng bỏ “freeway” quẹo vào một con đường rừng toàn là cây cối thân cao và lá xum xuê trên đỉnh ngọn. Có lẽ con đường đó không phải là đường dùng cho xe qua lại thường xuyên nên thiếu tu bổ nên vì thế, đất sống trâu, cát và bụi cuốn dưới bánh xe được dịp bay lên mù mịt. Chạy không bao lâu, xe đã đến căn nhà của ông Duyên. Với rừng cây bao quanh, ở một nơi vắng vẻ là rừng, căn nhà là nơi gia đình ông Duyên ở nom hiu quạnh và cô độc như một vùng thôn quê hẻo lánh. Cổng với lưới sắt và tường là một hàng rào kẽm. Đứng ở trong sân, nhác thấy có khách đến, ông Duyên hấp tấp đi ra mở rộng cánh cửa, theo chân ông là một người bạn của ông. Sau cái bắt tay cùng một vài câu chào hỏi, chủ khách bước vào trong nhà. Đã ngồi xuống mấy cái ghế ở trong phòng khách, chủ nhà cho biết ông mua trang trại này của một người Mỹ già, mục đích là để vợ chồng ông ở trong lúc tuổi tác đã cao. Thấy đã tới giờ ăn trưa, ông Duyên mời mọi người ra căn phòng bên cạnh để dùng bữa. Bữa ăn có: cơm, canh rau đay với cua, đĩa cà pháo, thịt nai thái phay có trộn mẻ. Rượu có chai Convoiser của cụ Hà mang tới. Ẩm thực đã xong, chủ khách lại trở về phòng khách, ngồi uống trà và mạn đàm. 

Đã tới  lúc mọi người bắt đầu bàn đến việc ra báo, ông Duyên và ông Hùng mở đầu câu chuyện. Lập đi lập lại nhiều lần, ông Duyên nhấn mạnh về việc tờ báo phải được đích thân nhà thơ Hà Thượng Nhân đứng làm cột trụ mới làm. Khi nói về tiền để in báo, ông Duyên nhắc đến hai chữ cộng vốn. Số tiền được ông nói thẳng ra là 2000 cho mỗi cộng tác viên. Ngoài vốn đó ra, ông sẽ huy động các nhà mạnh thường quân hỗ trợ để ủng hộ. Dự tính khởi đầu tiền in cho mỗi số là 1500 đồng. Về “size” báo, “size” theo kích thước giống tờ Reader xuất bản ở Hoa Kỳ. Ngồi nghe ông Duyên trình bầy, thấy không đúng  với những điều mình dự tính, cụ Hà và tôi chỉ im lặng mà không bàn thêm. Đến đây, thấy không có ai lên tiếng đóng góp câu chuyện nữa, chủ nhà mời khách ra thăm vườn cây sau nhà. Đất vườn quả là rộng. Bên kia hàng rào là cây cối của rải đất rừng. Tai nghe thấy tiếng chim hót và tiếng của xe cộ chạy ở đâu đó vọng về. Vườn có nuôi ngỗng, nuôi gà. 

Cây có quả ăn được. Rau cũng thấy được trồng theo luống hay bụi. Với diện tích đất vườn khá rộng chưa khai phá, đất ở những chỗ đó vẫn bỏ hoang để cho cỏ dại tha hồ mọc. Chẳng còn gì để bàn thêm chuyện ra báo, chẳng có lý do gì để ở lại nữa khi thấy mặt trời đã lặn, cụ Hà kiếu từ chủ nhà để ra về. Xe lại theo con đường đất từ khu rừng thưa để hướng ra con lộ chính có “freeway” đổ về San Jose. Sau lần đó, chuyện ra báo không còn được cụ Hà nhắc đến. Khi lật từng trang nhật ký ghi lại mỗi ngày, tôi đã thấy cái lần đi Sacramento bàn chuyện ra báo vẫn còn thấy trên những con  chữ ở trên giấy nên viết lại.

VẪN CHUYỆN VỀ VĂN CHƯƠNG VÀ NHỮNG NGƯỜI CẦM BÚT: điện thoại reo khi tôi đang ngồi gõ chương 1 của thiên truyện dài VẾT ĐẠN THÙ vào một buổi sáng trời vừa mới rạng đông. Nhận ra người gọi đúng là cụ Hà qua giọng nói, tôi chưa kịp hỏi thì cụ đã bảo: “tôi vừa đi Los về lại nhà được mấy ngày. Ở Nam Cali, nơi quận Cam, tôi đã gặp nhiều bạn bè trong văn giới”. Khi nói đến nhà văn kiêm biên khảo gia Võ Phiến, cụ bảo: “Võ Phiến lúc này đã già, sức khỏe lại sa sút có phần quá đáng, thấy bạn bè như thế mình không buồn sao được”. Nhưng cụ khen: “phong cách và nếp sống, Võ Phiến vẫn giữ được nề nếp cũ. Làm việc chăm chỉ đều đặn. Sống cách sống giản dị đơn sơ”. Nhân đấy, tôi nghe cụ nói có ý chê trách một số văn nghệ sĩ đã cố làm ra vẻ thời thưọng và lập dị qua thái độ, cử chỉ và lời ăn tiếng nói. Quan niệm về người nghệ sĩ, cụ cho rằng: “đánh bóng và tự đề cao cá nhân, cố ý để tự làm khác người, đó chẳng qua chỉ là một cách lập dị, phản tự nhiên, đều là những gì không cần thiết và nên biết để tránh. Nói về Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng, là ba nhà thơ nổi tiếng trước 75 ở miền Nam, Cộng Sản đề cao và đánh giá họ là những người đại diện cho nền văn học ở miền Nam, thực ra đấy chỉ là một thủ đoạn tuyên truyền vốn dĩ đã có. Lý giải một cách kỹ càng và cặn kẽ, rút lại ta sẽ thấy: thơ Thanh Tâm Tuyền là loại thơ hũ nút, thơ Bùi Giáng chỉ là loại thơ của một người đầu óc bất bình thường, thơ Nguyên Sa là thứ thơ máy nước. Cộng Sản chọn ba nhà thơ tiêu biểu cho nền văn học miền Nam lấy mốc thời gian từ năm 54 đến năm 75 là đã cố ý hạ thấp giá trị nền văn chương nghệ thuật của chế độ Sàigòn theo đường lối tuyên truyền mang tính xuyên tạc và bóp méo sự thực của họ”.

Nói về thơ Thanh Tâm Tuyền là thơ hũ nút và Thanh Tâm Tuyền không phải là nhà thơ như nhiều lần cụ Hà khẳng định, thật sự đây chỉ là những nhận xét chân thực xuất phát từ đáy lòng cụ mà tuyệt nhiên không phải là lời bình phẩm có tính cách ghen ghét hay đố kỵ thường tình của một người tiểu nhân nhỏ mọn. Bằng chứng cụ thể là cụ rất thật tình quý mến nhà thơ khi còn sống cũng như rất thương sót nhà thơ khi đã từ giã cõi đời. Với thủ bút cụ đã viết trong bài thơ có tựa đề VÌ SAO: “Bài thơ này tôi viết cho Thanh Tâm Tuyền để lưu, chị Thanh Tâm Tuyền vừa gửi cho. Tôi cho đăng để nhớ đến người quá cố”.
Bài thơ đó nguyên văn như sau:

“Lâu lắm được phone Thanh Tâm Tuyền
Mừng rằng người vẫn sống bình yên
Lụi hụi công việc quanh năm bận
Lúc rỗi uống trà vui điền viên
Ở đó bạn hữu đôi khi gặp
Có Nguyễn Cao Đàm, Tô Thùy Yên
Có Cung Trầm Tưởng, có Cung Tiến
Đầu bạc gặp nhau hiền thật hiền
Người khoe cưới vợ cho con lớn
Đêm trăng vác ghế ngồi quanh hiên
Dưới trăng tóc vợ còn đen chán
Nhìn lại lòng mình còn y nguyên
Người có muốn đọc thơ Đường Tống?
Có nhớ ngày xưa Bạch Lạc Thiên
Chưa năm mươi tuổi, răng thưa rụng
Xõa tóc chẳng mong làm thánh hiền
Quên lúc ở tù khi vác nứa
Áo quần trăm mảnh đói triền miên
Nay giữa nước Mỹ xe như nước
Lạ quá! Sao mình cứ thản nhiên?
Sao người Không Còn Cô Độc Nữa?
Duyên cớ vì đâu Thanh Tâm Tuyền?.”

NGƯỜI TÌNH NĂM CŨ VÀ LÁ THƯ PHOMG BÌ KHÔNG DÁN TEM: Có một lá thư gửi về địa chỉ của tôi. Ngoài phong bì ghi tên người gửi là Thi Hoàng, người nhận là Hoàng Bích Dư, nơi ở thị trấn Cầu Giấy tại thành phố Hà Nội. Thư bị phát hoàn vì lý do: không dán tem, không ghi chữ Việt Nam lại chỉ đề Hà Nội. Với dấu mộc đóng trên phong bì, mộc đó có những chữ như sau: “Return for better address”. Vì lá thư trước khi người gửi gửi đi, phong bì không dán, tò mò muốn biết người đó là ai, tôi  đã mở ra đọc. Mở rồi mới biết trong phong bì có 2 lá thư: một lá gửi cho người tên là Hoàng Bích Dư, lá kia cho người khác tên là Lam Giang. Ngoài 2 lá thư ra còn có một vài bài thơ họa và 2 tấm ảnh. Ảnh chụp một buổi ra mắt sách, ảnh chụp một đám cưới. Về những bài thơ, nội dung nói đến những tiếc nuối vì đã không lấy Dư, nếu lấy, sự nghiệp sẽ khá hơn. 

Nhắc đến trường hợp nhà thơ Đông Hồ, vợ nhà thơ Đông Hồ đã giúp chồng trong việc viết lách, lại nghĩ đến mình, thấy thật buồn. Trong lá thư gửi cho ông Lam Giang, thư đề cập đến một vài nhà thơ ở Việt Nam, cụ Hà Thượng Nhân khen là họ có thực tài. Nhắc đến cuốn Thi Nhân Việt Nam, cụ trách Hoài Thanh Hoài Chân đã thiếu phần thận trọng trong việc tuyển chọn tác giả để đưa vào cuốn biên khảo thi ca, đã làm cho cuốn sách mất đi nhiều giá trị. Cụ còn viết thêm: các thi sĩ không được nhắc trong TNVN thì họ không phải là thi sĩ sao”. Cuối cùng, nhà thơ Hà Thượng Nhân kết luận trong đoạn thư này: “trên lãnh vực văn học nghệ thuật, Hoài Thanh Hoài Chân đã thực hiện được một việc đáng làm”. Vẫn trong lá thư viết cho ông Lam Giang, nhà thơ cho biết có nhiều người muốn cụ soạn một cuốn biên khảo như thế, cụ cho biết nếu có soạn, cụ sẽ chỉ đưa vào sách một số nhà  thơ đích  thực  theo cách tuyển chọn của cụ.

NGÀY CHỦ NHẬT CỦA THÁNG MƯỜI, tôi đến thăm nhà thơ Hà Thượng Nhân. Người nhà cho biết cụ đang đi bộ ở trên đường phố gần nhà. Thấy cụ chống gậy đang đi ở ngã ba đường trở về nhà, tôi vội đến đón cụ. Hỏi cụ đi đâu, cụ đáp qua nhà người bạn. Vừa đi, cụ vừa kể lại buổi họp thơ ở nhà anh Ngô Đình Chương do ông Dương Huệ Anh đứng ra tổ chức. Buổi họp này bàn về giải thi thơ cuối năm. Nhân chuyện đó, cụ Hà Thượng Nhân vui miệng nhắc đến các kỳ chấm thi thơ và truyện thời chế độ trước 75. Trong ban giám khảo, cụ có tên. Chủ tịch là nhà thơ Vũ Hoàng Chương. Việc chấm bài và cho giải thưởng đã có nhiều ý kiến khác nhau. Hà Thượng Nhân và nhà thơ Thanh Tâm Tuyền đã không tham dự phiên họp đúc kết để duyệt xét lại.

NHÀ VĂN VÕ PHIẾN TỪ LOS XUỐNG SAN JOSE. Cụ Hà Thượng Nhân rủ tôi đến thăm nhà văn Võ Phiến. Thời gian ở San Jose, nhà văn Võ Phiến tá túc nhà của một người bạn cùng quê. Ngôi nhà rộng rãi khang trang. Nhà văn Võ Phiến đơn giản trong cách ăn mặc, điềm đạm trong cách nói chuyện. Về cuốn sách viết về TTKH (Trần Thị Khánh), tác giả Hai Sắc Hoa Ti Gôn được Thế Phong cho in, cụ Hà Thượng Nhân cho là sự thực đã bị bóp méo. Huyền thoại về TTKH rất mù mờ vì có thể đây là sự đùa cợt của nhà thơ Nguyễn Bính hay Thâm Tâm, cố tình bịa đặt ra tác giả và bài thơ đó. Còn TTKH thực ra không có thật.

NHÀ THƠ HÀ THƯỢNG NHÂN NGỒI TIẾP CHUYỆN CHỦ NHÀ SÁCH KHAI TRÍ: vào một ngày trong tháng mười, tôi ghé thăm cụ Hà Thượng Nhân. Sau tiếng chuông vài giây, cửa mở, tôi bước vào. Ở căn phòng tiếp khách, tôi thấy cụ Hà đang ngồi nói chuyện với ông chủ nhà sách Khai Trí. Những ai đã sống ở Sàigòn trước năm 75, chẳng một ai mà không biết nhà sách Khai Trí tọa lạc ở đường Lê Lợi. Đó là nhà sách lớn nhất vào thời đó. Được cụ Hà mời ngồi và giới thiệu người khách của cụ, tôi giữ sự im lặng để nghe hai vị nói chuyện. Khi nghe tôi nhắc đến sách lưu giữ trong thư viện riêng của ông, chủ nhà sách Khai Trí đã cho biết: có người nói ông xuất thân làm nghề bán sách ở vỉa hè trước khi ông là chủ nhân nhà sách, điều đó không đúng. Năm 10 tuổi, vốn là người yêu sách, ông có tiền đều dùng tiền đó để mua sách. Mua sách để có sách dù phải uống nước thay cơm. Nhờ thế, số sách ông có đã có quá nhiều chính nhờ vậy. Thời chiến tranh tình hình bất an và lộn xộn, có lần ông đột nhập tư gia của một chủ nhân có một tủ sách lớn. Tủ sách lớn với nhiều sách rất có giá trị”. Ngồi nghe ông thành thật kể lại, tôi chợt nhớ đến câu nói “ăn cắp sách không phải là ăn cắp” của nhà văn Lỗ Tấn người Trung Hoa, đó không thể coi là một tội phạm.

THÁNG TÁM NĂM 1995, thời gian tôi còn nhận phát “flyers” và bữa đó phát ở khu vực gần nhà cụ Hà. Phát đến tờ “flyer” cuối cùng, tôi ghé vào nhà thăm cụ. Cụ cho biết sức khỏe có khá hơn sau mấy ngày sa sút, lại còn bị chảy máu cam nên rất khó chịu. Ngồi tiếp tôi, nhà thơ Hà Thượng Nhân đã nhắc đến vợ chồng nhà văn, nhà thơ, nhà báo Nhã Ca Trần Dạ Từ. Qua lời nói, cụ rất phục về tài năng hai người. Ra báo, cơ sở kinh doanh, họ tài thế. Ngoài tinh thần nhiệt tình ra, tài chánh phải được coi là yếu tố quan trọng. Tài chánh đó, ở đâu mà họ có được. 

Trong câu chuyện, nhà thơ lại nhắc đến ông Chu Tử. Cụ ca tụng tài làm báo của ông Chu Tử ở miền Nam trước đây. Nói về tiểu thuyết, cụ bảo Chu Tử có vài cuốn tiểu thuyết. Chu Tử không chuyên biệt và không chủ tâm theo đuổi với nghiệp văn chương. Cũng nhân nhắc đến ông Chu Tử, cụ nói đến chuyện Chu Tử một bữa đi hút thuốc phiện, nhân đó làm quen với một ông Tây, được ông Tây giới thiệu vào triều Bảo Đại thời bấy giờ để làm quan. Một lần đi đò để uống rượu ngâm thơ trên sông, ông Chu Tử mặc áo quan, ngực đeo thẻ bài. Trong lúc bốc hứng, thấy cô lái đò xinh đẹp đòi sờ. Cô lái đò đồng ý cho sờ với điều kiện ông có dám vất thẻ bài xuống sông không. Chu Tử nghe thì vất. Chuyện đó có người tâu với triều đình, ông Chu Tử đã bị khiển trách.

VẪN CÂU CHUYỆN BÊN ẤM TRÀ TẠI NHÀ THI LÃO HÀ THƯỢNG NHÂN: Tháng 8 ngày 25 năm 1994, tôi đến vấn an nhà thơ tại tư gia. Ngồi nói chuyện bên ấm trà vào một buổi sáng thời tiết trở lạnh. Lần này, vẫn một nhận định khi nhắc đến nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, cụ bảo ông Thanh Tâm Tuyền không phải là nhà thơ. Nếu ông Tuyền là nhà biên khảo, với khả năng và kiến thức của đương sự, Thanh Tâm Tuyền được xếp vào hạng khá. Thơ ThanhTâm Tuyền nặng phần lý trí, Thanh Tâm Tuyền không thể coi là nhà thơ. Khi nói đến tác phẩm Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh, cụ đánh giá là một tác phẩm cỡ lớn của thời đại. Đấy chỉ là nhận định của riêng cụ về tác giả và tác phẩm đó, còn thực tế như thế nào, tôi nghĩ còn phải xét lại. Nhân nhắc đến Dương Thu Hương, cụ Hà cho là được hay thường thôi. Vui miệng, tôi lại nói đến buổi sinh hoạt văn hóa tại quán Sao Đêm, nơi ông Phạm Công Thiện nói về đạo. Theo bài tường thuật đăng trên báo đã nhận xét: diễn giả Phạm Công Thiện đã không thu hút được cảm tình của khán thính giả đến tham dự buổi nói chuyện hôm đó. Đấy có thể coi là thất bại khi người nói chuyện đã đề cao cái “ngã” của mình một cách hơi quá đáng. Đúng lúc đó, có người điện thoại gọi đến cụ. Lõm bõm những câu đối thoại tôi nghe được về phía cụ Hà trả lời. “Sẽ đến tham dự buổi hội nhưng không dám hứa chắc. Thứ bẩy này có thể tôi đi Los. Thơ có nhiều bạn bè có nhã ý xin cho in, nhưng nếu còn sống thì chưa tính in. Thơ có chừng 15 tập nhưng con số tổng cộng phải nói là vài chục. Vài chục tập có nghĩa là vài ngàn bài nếu tính số bài. Nếu một mai tôi chết, chừng đó có in cũng không muộn gì”. 

Khi tôi cáo từ, cụ tiễn tôi ra xe. Còn đứng nấn ná để nghe cụ nói và có ý phàn nàn về lá thư gửi cho một người bạn ở Việt Nam. Cụ vừa than thở vừa càu nhàu: “Nó cân nặng vừađúng tiền tem giá 1 đô 75 cents. Vậy mà thư không dán tem thì lạ thật”. Đó là lá thư được phát hoàn về địa chỉ của tôi vì địa chỉ của tôi cụ thường mượn mỗi khi viết thư gửi về VN cho người bạn cũ.

Người bạn cũ đó không ai khác là người bạn gái thuở thiếu thời đã quen biết cụ. Tuổi tác tính theo thời gian thì bây giờ, người bạn của cụ cũng là một lão bà. Cụ Hà có nhận được một tập thơ do bà bạn cụ gửi từ Việt Nam qua. Tập thơ gồm những bài thơ ca tụng chế độ đã làm cụ phật ý, buồn, giận rồi khinh bỉ. Từ đó, cụ đoạn giao không còn liên lạc thư từ với người xưa cũ mà cụ coi thường nữa.

VỀ ÔNG NGUYỄN VĂN TRUNG: cụ cho biết có viết một bài để phê phán về cuốn sách nhan đề là Nhận Định. Nội dung của cuốn sách đó đã cóp nhặt, muợn ý và lời của tác giả ngoại quốc. Hồi còn ở Sàigòn, ông Phạm Gia Cầu có lần mời cụ đi ăn sáng ở đường Lê Quí Đôn, tại đó, ông Nguyễn Văn Trung cũng có đến. Trong lúc chuyện trò, ông Trung có ý gạ cụ gia nhập Hội Trí Thức yêu Nước, nghe, cụ đã bảo: cụ không là người khoa bảng, không vào hội. Ông Trung không hiểu thâm ý cụ nói đã trách cụ là người có nhiều mặc cảm. Cụ chỉ im lặng và cười.

BỮA UỐNG BIA VÀ ĂN THỊT GÀ: tháng 4 ngày 6 năm 1996, tôi đang ngồi đánh tiếp cuốn truyện dài Vết Đạn Thù thì chuông điện thoại reo chuông. Nhấc ống nghe, tôi nghe thấy tiếng cụ Hà ở đầu dây bên kia. Cụ nói: “Anh rảnh không. Rảnh đến tôi uống rượu”. Thực ra lúc này tôi không rảnh, nhưng nể và kính cụ đã có nhã ý mời, nên chẳng thể thoái thác mà từ chối không đi.

Bên tách trà đậm, ngồi đối ẩm với cụ Hà trong khi ở bếp, cái nồi nấu thịt đang đun nước chưa sôi. Rồi mấy cái đùi gà luộc đã chín tới, cụ gắp bỏ lên cái đĩa rồi mang ra. Trong nhà có sẵn rượu bia, rượu đưa cay với món thịt gà luộc, vậy là đủ cho cụ và tôi ngồi đánh chén.

“Hồi đó”, cụ nói: “ông Tổng trưởng Ngọc là người có quyền ký bông giấy mua sắt, ngỏ ý bảo thế cho tôi biết, nhưng biết thì biết, tôi cũng đâu có nhận. Sau, Chu Tử nghe tôi kể lại chuyện đó, đương sự trách tôi sao lại không nhận, dại thế”.   
     
Cũng nhân nhắc đến nhà văn nhà báo Chu Tử, cụ kể tiếp:
“Các tác phẩm Yêu và Ghen của Chu Tử, tôi là người đứng ra giới thiệu bán bản quyền cho Tổng Phát Hành Nam Cường. Nam Cường trả tiền nhưng chê nên không in. Sau này, người em ông Hiệu Trưởng trường Hưng Đạo ở đường Cống Quỳnh, nhân đọc thấy thích, mới đem in. Sách ra, hợp thị hiếu đọc giả, bán có lời”.
Vừa ăn vừa uống bia, câu chuyện cứ thế lan man đi xa mãi. Lại nhắc đến thời thanh niên, lần gặp Hồ Chí Minh, nhận xét về ông Hồ, cụ bảo:
Trong cách xã giao và xử thế, ông ta là người giả dối, không thực tâm, nham hiểm và đầy thủ đoạn”.

Đang nói về Hồ Chí Minh, cụ đưa câu chuyện nói đến ông Ngô Đình Diệm. Theo cụ kể thì: lần vào Dinh diện kiến với Tổng Thống Diệm, cụ nhận xét Tổng Thống là người rất thành thực và chân tình. Đấy là thời gian cụ đang phụ trách đài phát thanh, cụ vào Dinh gặp Tổng Thống để trình bầy chương trình phát thanh về Công giáo. Ấy là bởi bên Công giáo xin xếp chương trình của Công giaó vào hệ thống A thay vì C như trước đây.

 Cụ đã trình Tổng Thống là không nên. Vì như thế, bốn tôn giáo khác sẽ có sự so bì. Tổng Thống ngồi nghe, nhận thấy hợp lý nên chấp thuận lời trình bầy của cụ. Tổng Thống nhìn lên đồng hồ, thấy lúc đó đã 2 giờ chiều thì khẽ bảo: “Trể rồi. Thôi về nghỉ. Làm việc nhưthế là đã quá đủ”. Kể lại lần vào dinh được tiếp chuyện với Tổng Thống, cụ thấy Tổng Thống Diệm là người đức độ, chính cái đó đã làm cho cụ nể phục vị nguyên thủ quốc gia.

Vì có tiếng chuông báo có khách, câu chuyện đến đó buộc phải ngưng. Cửa được mở. Vị khách vừa bước vào là ông Phạm quang Trình. Sau cái bắt tay giữa ông Trình và cụ Hà, ông Trình ngồi xuống ghế. Mục đích ông đến gặp cụ Hà là để nói tới buổi họp vào sáng ngày mai, ngày chủ nhật, bàn về nội bộ Văn Bút Bắc Cali. Cụ Hà là thành viên trong Ban Cố Vấn, đó là lý do ông đến để nhắc cụ và mời cụ đi họp. Chuyện không liên quan gì tới tôi nên trong lúc cụ Hà và ông Trình nói chuyện, tôi chỉ im lặng ngồi nghe. 


Có lúc không khí câu chuyện hơi căng thẳng khi cụ hà vặn hỏi về việc làm cụ thể của ông Trình trong nội bộ Văn Bút. Cũng bởi là thành viên trong ban Cố Vấn, cụ mới quan tâm đến hoạt động của Trung Tâm Văn Bút mà người đứng đầu với chức vụ Chủ Tịch đương nhiệm là ông Trình. Tôi ngồi nghe thấy cụ cật vấn ông Trình về việc ông có phải là nhân vật đứng trong sân khấu để giật dây hay nhắc tuồng cho người khác diễn xuất không. 

Ông Trình chối và viện dẫn những điều cụ Hà nói là không đúng. Với rượu cụ uống, không biết cụ đã thực sự say chưa, hay chưa say mà mượn cớ, cụ nói là nay sẵn chén, ngầy ngật, cụ bảo: tôi nói huỵch toẹt ra như thế có đươc không. Ông đúng là người nhắc tuồng giật dây theo cách Như Phong hồi nào”. Khi cụ đem Như Phong vào câu chuyện, ngồi nghe, tôi không rõ Như Phong là nhân vật nào. Chuyện Văn Bút Quốc tế, chuyện Văn Bút miền Bắc San Jose, quanh đi quẩn lại trong thời gian này chỉ là chuyện tranh chấp chức vụ, đã làm cụ Hà cho đó là chuyện bất ưng bất xứng chăng.

THƠ KHÔNG ĐƯA ĐĂNG, ĐÒI TIỀN IN ẤN: một lần khác tôi ghé nhà vấn an cụ, cụ phàn nàn:“Mình không muốn đăng thơ của mình trên tập thơ họ vừa in ấn rồi phát hành, vậy mà họ đem đăng lên còn gửi giấy báo cho biết đóng tiền công in. Những 160 đô cho bài thơ đó mà tiền thì mình không có,kẹt phải nói con ký chi phiếu để gửi trả. Thế này thì nghĩa ra làm sao”. Tôi chưa kịp lên tiếng thì cụ đã tiếp lời: “Trả thì bắt buộc phải trả rồi. Mình là người đi trước mà. Không trả, đồng tiền thì kiếm ra được, uy tín danh dự đâu dễ gì lấy lại được”.

Cụ kể cho biết: vào một ngày nhà thơ Thanh TâmTuyền ghé đến San Jose, ghé thăm cụ, nhân lúc ngồi hàn huyên, nhà thơ Thanh Tâm Tuyền nghe cụ kể, thì đã chép miệng bảo rằng: “sao lại dại thế”.
Đến lần cuốn “Một Phía Trời Thơ” có đăng thơ của cụ, đã in xong và chuẩn bị phát hành. Đọc phần tiểu sử, cụ thấy tiểu sử viết về thân thế và sự nghiệp của mình đã sai một cách không thể chấp nhận được. Cụ giận dữ bốc phone gọi người phụ trách tập thơ để bảo: “nếu không xé bỏ tờ viết trang tiểu sử đó, vẫn cứ phát hành, cụ sẽ có thái độ”.

TẬP THƠ VÀ NGƯỜI BẠN THƠ: Tập thơ cụ nhận được từ Việt Nam gửi sang. Người thơ là bạn thơ nữ giới mà cụ quen biết từ những ngày xa xưa còn nhỏ. Mở tập thơ ra đọc, cụ thấy chỉ là những bài thơ tâng bốc, thơ ca tụng Hồ Chí Minh. Đọc xong, cụ cảm thấy xót xa, cay đắng, vì không ngờ một người bạn thơ mà mình hết lòng yêu thương, trân quí từ trước đến bây giờ, nay lại có thể dùng ngòi bút để tán tụng một tên tội đồ của dân tộc đến thế được hay sao. Với sự khinh bỉ tột cùng, cụ đã giận dữ xé tập thơ ra làm hai, rồi, thẳng tay quẳng tập thơ vào thùng rác.

CHỈ VÌ CÁI TỘI ĐẾN TRỄ, CỤ HÀ BỊ CẤM CỬA KHÔNG CHO VÀO NHÀ: hôm đó, cụ Hà nhờ tôi đến đón cụ để cụ đi đến tư gia nhà thơ Huệ Thu. Trong lúc xe chạy trên đường, những chuyện cụ Hà thường kể bao giờ cũng là những chuyện đã thuộc về thời quá khứ. Có nhiều khi, vẫn một câu chuyện đó,  cụ đã có lần kể rồi, cụ lại đem ra kể lại. Ngồi điều khiển tay lái, tai vẫn lắng nghe chuyện cụ nói, tôi theo đường Tully, tới đường White, rồi quẹo trái ở ngã tư đèn đỏ có bảng đường Northwood. Đỗ xe ở vỉa hè đường, đi qua một con sân trước cái garage mặt tiền, bên trái là vườn cây cảnh. Sau khi đưa tay bấm chuông, có tiếng chuông kêu, thì chủ nhà xuất hiện vào lúc cánh cửa mở. Thay vì với vẻ mặt mừng rỡ đón khách của nhà thơ chủ nhà, thì với nét mặt bất bình thường, cau có và nóng giận, vừa mới thấy mặt cụ Hà Thượng Nhân, chủ nhân ngôi nhà đã sẵng giọng nói như nạt cụ về tội đã nhận lời lại đến trễ. Tôi đứng nghe cụ Hà phân bua tạ lỗi mà trong lòng cảm thấy không vui. Lại nghe bên trong phòng khách có tiếng cười nói rổn rảng, vậy mà chỉ vì cái tội đến trễ, chủ nhà trước sau vẫn dứt khoát từ chối, với hai cánh tay dang ra  chắn lối, không cho cụ bước qua bực cửa để vào. Dứt khoát với thái độ như thế, buộc cụ Hà và tôi phải lặng lẽ ra về. Trên đường xe chạy, tôi không thấy cụ Hà nói gì cả mà chỉ ngồi lặng im. Nét mặt cụ có vẻ buồn nhưng rõ ràng là không giận. Nếu giận như người khác thì, thường thường là đã để lộ cái giận đó qua lời nói hay qua cử chỉ một cách rõ ràng cụ thể.

Chuyện như vậy tôi tưởng giữa cụ và bà nhà thơ từ đây và sau đó sẽ cạch mặt không ai nhìn ai nữa. Nhưng không, sau đó cả hai vẫn người trên kẻ dưới trọng kính thân tình và vui vẻ trước sao sau vậy. Có điều, từ đó đến nay, tôi vẫn thắc mắc mà không sao tìm ra câu giải đáp là: vì sao và lý do gì, chỉ vì chuyện đến trễ, nhà thơ chủ nhà lại xử sự một cách khiếm nhã đến thế với một người tuổi cao có danh phận như cụ Hà. Có phải chỉ vì sự có mặt của tôi đã làm cho chủ nhân khó xử vì không muốn trong buổi họp mà những người khách được mời đến dự có tôi hiện diện. Nếu đấy đúng là lý do và nếu tôi được nhà chủ thẳng thắn cho biết, thì tôi đã  kiếu từ ra về, chuyện đâu đã đến nỗi căng thẳng và bất hòa như vậy.     

NHỮNG LẦN ĐẾN VẤN AN CỤ HÀ, NGỒI NGHE CỤ KỂ CHUYỆN, có cái tôi ghi lại trong  nhật ký, có cái tôi không ghi, vì thế, trong bài viết này, cái nào có ghi trong cuốn nhật ký, tôi mới có đầy đủ chất liệu dựa trên sự thực để viết lại. Với thời gian ở cùng trại tù T6 vùng Nghệ Tĩnh với cụ, thời gian ra tù về sống ở Sàigòn, rồi sang Mỹ theo diện HO, qua những lần gặp gỡ tiếp xúc, tôi đã có nhiều cơ hội được diện kiến với cụ, được ngồi trà đàm hay ẩm thực với cụ, vì thế, những gì tôi viết về nhà thơ quá cố Hà Thượng Nhân trong bài viết này, vốn dĩ đã có là có như vậy.

Đủ thì chưa thể nói là đủ. Hết thì chưa thể bảo là hết. Đúng sai nếu có cũng chỉ là điều dĩ nhiên trong khi tôi tiếp nhận, ghi chép lại trên giấy trắng mực đen hay trên “computer” mà không bằng máy ghi âm, quay “camera” như một phóng viên báo chí.

Với những trang viết viết lại những lần ngồi trà đàm ẩm thực với bậc tiền nhân như Hà Tiên Sinh, với những gì ghi chép được trong khi ngồi trà đàm ẩm thực với nhà thơ nay đã là người đi vào cõi thiên thu miên viễn, xin coi đây như là một nén hương thắp lên để vọng tưởng đến người xưa cũ, với một tấm lòng trọng kính trước sau như một.

NGUYỄN TRUNG DŨNG
__._,_.___

Posted by: tuyen do 

No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết