Vong
linh của Cụ Diệm, của các chiến sĩ quốc gia đã bỏ mình vì đại cuộc cũng như
hàng vạn oan hồn dưới lòng Ðại Dương sẽ còn dầy xéo và ám ảnh lương tâm của
những kẻ đã gián tiếp hay trực tiếp dính dáng vào việc hãm hại Cụ Diệm cho đến
muôn đời.
Thân Thế Sự Nghiệp của Cố TT. Ngô Ðình Diệm
Sơ Lược do Trần Thiện Thành sưu tầm
I.- 1901-1933
Tổng Thống Ngô Ðình Diệm sinh ngày 3-1-1901 tại Huế, là con trai
thứ 3 của một gia đình gồm 6 trai 2 gái. Hai người anh của Cụ là Ông Ngô Ðình Khôi
bị Việt-Minh hạ sát năm 1945 đang khi làm Tổng Ðốc tỉnh Quảng Nam và ÐTGM Ngô
Ðình Thục. Ba người em là các ông Ngô Ðình Nhu, Ngô Ðình Luyện và Ngô Ðình Cẩn;
2 người em gái là bà Ấm và bà cả Lễ.
Thân sinh TT Diệm là cụ cố Ngô Ðình Khả, nguyên quán làng Ðại
Phong, quận Lệ Thủy Tỉnh Quảng Bình. Cụ cố là vị khoa bảng nổi danh, đã từng làm
Thượng Thư, thầy dậy và cố vấn của vua Thành Thái.
Vì được rèn luyện trong một gia đình Nho Giáo, dưới sự hướng dẫn của
cụ cố thân sinh và người đỡ đầu là Thượng Thư Bộ Lại Nguyễn Hữu Bài; trong tinh
thần Thiên Chúa Giáo hợp với triết thuyết Khổng Mạnh, nên cụ Diệm đã hấp thụ
được những cá tính đặc biệt: cương nghị, thanh liêm, dũng cảm, chính trực,
quảng đại, bất khuất, hy sinh quên mình vì dân vì nươc, sống cho đồng bào và
chết cho tổ quốc.
Vừa trên 20 tuổi, đối với đại đa số quần chúng là năm vừa chập chững
bước chân vào đời, thì cũng vào tuổi đó, Cụ đã được triều đình bổ nhiệm làm Tri
phủ Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Năm 30 tuổi, cụ đã được thăng nhiệm làm Tổng Ðốc các tỉnh Phan-Rang
rồi Phan Thiết. Nổi danh như cồn vì đã biết sử dụng uy quyền của mình để bênh
vực quyền lợi của dân chúng nhất là những người nghèo khổ, đã can đảm có những
hành động chống lại việc sưu thuế bóc lột của thực dân Pháp.
Năm 32 tuổi, Cụ lại được triều đình mời giữ chức vụ Thượng Thư Bộ Lai
kiêm thư ký Ủy Ban Hỗn Hợp Việt Pháp gồm các Bộ Trưởng và các viên chức cao cấp
người Pháp. Ủy Ban này có nhiệm vụ nghiên cứu và thi hành các hiệp ước giúp cải
thiện đời sống dân chúng.
Nhưng sau 4 tháng, Cụ từ nhiệm vì nhận thấy dã tâm của thực dân không
bao giờ muốn thi hành đúng đắn hiệp ước lại còn trắng trợn bác bỏ các đề nghị
hữu lý của Cụ và còn tăng gia những hành động đàn áp các tổ chức có khuynh
hướng mới.
II.- 1933-1954
Sau khi từ quan, Cụ trở về dậy học tại trường Providence Huế và
cũng từ thời gian ấy Cụ bí mật tổ chức phong trào Cách Mạng chống thực dân
Pháp. Cụ liên lạc với các nhà Cách Mạng lão thành như các cụ Phan Bội Châu, Huỳnh
Thúc Kháng và Kỳ Ngoại Hầu Cường Ðể để học hỏi thêm kinh nghiệm.
Chính Cụ Phan Sào Nam đã ngưỡng mộ cụ Diệm như là một anh hùng cái
thế mới hơn 30 tuổi đầu mà đã vì dân vì nước chống lại thực dân không màng danh
vọng phú quý.
Phong trào của cụ phát xuất tại Huế và lan rộng đến hầu hết các tỉnh
miền Trung đã bị Pháp theo dõi rình rập. Năm 1944, thực dân Pháp bố ráp phong
trào của Cụ, nhưng Cụ đã nhanh chân trốn thoát sang Ai Lao, vì được người thân
tín cấp báo.
Tháng 3 năm 1945, Nhật Bản lật đổ chính quyền Pháp ở Ðông Dương. Bảo
Ðại tuyên bố Việt Nam Ðộc Lập. Toàn dân vui mừng và mong mỏi chí sĩ Ngô Ðình
Diệm đứng ra lập Nội Các. Nhưng sau nhiều lần được Ðại Sứ Nhật tiếp xúc mời
mọc, Cụ vẫn không nhận lời vì tìm hiểu được rằng quân phiệt Nhật cũng như thực
dân Pháp đều không muốn cho Việt Nam độc lập mà chỉ cần Cụ ra làm bù nhìn cho
chúng.
Cuối năm 1945, trên đường hoạt động từ Sàigòn ra miền Trung, Cụ Diệm
bị Việt Minh bắt tại Tuy Hòa, đưa ra Bắc cầm tù hơn 4 tháng tại Tuyên Quang.
Tháng 2 năm 1946, Hồ Chí Minh thấy rằng nhiều người đã nhận diện Việt-Minh là
Cộng Sản trá hình nên muốn mời tù nhân Ngô Ðình Diệm tham gia chính quyền để
làm bình phong.
Hồ chí Minh những tưởng sẽ đối diện với một con người hoàn toàn mất
tinh thần, sẵn sàng khuất phục, nhưng ai ngờ lại chạm trán phải một người can
đảm bất khuất dám nói thẳng vào mặt mình:
" Ông và Tôi đều có quan niệm hoàn toàn
trái ngược nhau về dân tộc Việt Nam, các hành động của thủ hạ Ông đã chứng minh
điều đó. Ông hãy trả lời cho tôi biết là tại sao Ông hãm hại anh tôi (Ngô
Ðình Khôi) và Ông cứ nhìn thẳng vào mắt tôi xem tôi có phải hạng người khiếp sợ
Ông không ?"
Hồ Chí Minh không thành công nên phải miễn cưỡng để Cụ Diệm ra đi.
Năm 1950, nhân dịp xuất ngoại dự năm Thánh, Cụ được linh mục Houssa
giới thiệu sang Hoa Kỳ, trú ngụ tại tu viện Maryknoll, Lakewood TB New
Jersey.Tại đây Cụ đã được mời đến nhiều Ðại Học danh tiếng Hoa Kỳ để diễn
thuyết và gây được nhiều cảm tình và tiếng tăm với chính khách và dân chúng Mỹ.
Ðầu năm 1953, Cụ Diệm được người thân tín mời về Pháp để sửa soạn tham
chính. Khi đó chính phủ Pháp đang bối rối về vấn đề Ðông Dương, dân chúng bắt
đầu chán ngấy chiến tranh. Tại Việt Nam thì tình hình càng ngày càng sôi động,
vì Nga Sô và Trung Cộng ồ ạt yểm trợ cũ khí cho Việt Minh đánh phá các vùng
Việt Bắc và đã chiếm được vùng Cao Bắc Lạng làm căn cứ.
Chính phủ Pháp đưa tướng Navarre sang chiến trường Ðông Dương để mong
cứu vãn tình thế. Ngày 29 tháng 11 nam 1953, Ðại Tá De Castries được đề cử chỉ
huy trận Ðiện Biên Phủ. Mục đích của Pháp đem quân vào thung lũng Ðiện Biên là
để nhử cho cộng quân xuất đầu lộ diện hầu có thể dùng vũ khí chiến lược tiêu
diệt địch quân cũng như để chặn đường tiếp tế từ Ai Lao và Trung Cộng đến.
Ðầu năm 1954, Ông Bửu Hội được mời ra lập chính phủ Liên Hiệp chuyển
tiếp thay thế Nguyễn Văn Tâm, nhưng quân đội vẫn do Nguyễn văn Hinh nắm giữ.
Ngày 3 tháng 2 năm 1954, trận Ðiện Biên Phủ mở màn. Những ước tính
của tướng Navarre đều sai lầm và - gậy ông lại đập lưng ông. 12,000 quân Pháp
đã bị 51,000 cộng quân vây hãm tứ phía. Ngày 7-5-1954 Ðiện Biên Phủ thất thủ
với kết quả là 10,000 quân Pháp bị bắt làm tù binh và hơn 2,000 chết và bị
thương.
Ngày 24 tháng 6 năm 1954, Cụ Diệm lên đường về nước để lập chính phủ
theo lời mời của quốc trưởng Bảo Ðại. Ngày song thất 7-7-1954 Cụ Diệm chính
thức nhận quyền Thủ Tướng. Mời cụ Diệm về cầm quyền trong một tình thế hoàn
toàn đen tối và vô hy vọng này họ chỉ có dụng ý duy nhất là đốt cháy tương lai
chính trị của Cụ mà thôi. Chính Cụ cũng biết dã tâm của họ như vậy, nhưng Cụ đã
nói: "Ðây là hy vọng của Tôi, nếu để trễ quá thì không còn hy vọng nào
nữa. ". Trong nước lúc bấy giờ ai cũng chỉ còn hy vọng vào một mình Cụ.
III.- 1954 - 1963
Ngày 21 tháng 7 năm 1954, Hiệp Ðịnh Genève được ký kết giữa 2 phe
Pháp và Việt Cộng, chia đôi đất nước Việt Nam lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới.
Bắt đầu từ tháng 8 năm 1954, công đầu của Cụ Diệm là đưa hơn một triệu
đồng bào phía Bắc vĩ tuyến 17 vào định cư tại miền Nam. Cụ đã chỉ thị cho các
chính quyền địa phương tích cực giúp đỡ công cuộc định cư bằng đủ mọi phương
tiện, đem lại an sinh cho đồng bào tại vùng đất mới. Những vùng định cư mới
DarLac, Ðức Lập, Bình Giả, Bình Thuận, Khánh Hòa, Tuyên Ðức, Long Khánh, Biên
Hòa được phát triển nhanh chóng và tốt đẹp.
Ngay tại Sàigòn, thì Cụ gặp nhiều trở ngại lớn lao vì những sự phá
rối của tay sai thực dân cũng như của nhóm Bình Xuyên. Tháng 10 năm 1954, một
cuộc biểu tình tuần hành ủng hộ cụ Diệm tại trung tâm thành phố bị công an Bình
Xuyên cản trở, nổ súng giết hại mất 6 người. Cụ Diệm quá xúc động và chán nản
đã định từ chức nếu không có sự cản ngăn và khuyến khích của một vị cố vấn tinh
thần.
Ðược khích lệ, Cụ tiếp tục công cuộc định cư và dần dần tiếp xúc với
các giáo phái Cao Ðài, Hòa Hảo để ủng hộ Cụ hay ít ra cũng đứng ra ngoài cuộc
tranh chấp của Cụ với Bình Xuyên. Cụ kêu gọi được tướng Trình Minh Thế về phe
và cuộc dẹp loạn Bình Xuyên cùng tay sai thực dân bắt đầu.
Song song với chương trình định cư, Cụ còn để tâm cải tổ guồng máy
hành chánh, quân bằng nhân sự và trẻ trung hóa quân đội, xóa dẹp nhiều tệ đoan
xã hội.
Ngày 23 tháng 10 năm 1955, qua sự trưng cầu dân ý, toàn dân bỏ phiếu
quyết định xóa bỏ chế độ quân chủ và bầu Cụ Ngô Ðình Diệm làm Tổng Thống. Ngày
26 tháng 10 năm 1956, Cụ Diệm trở thành Tổng Thống đầu tiên của Việt Nam Cộng
Hòa. Dư luận trong và ngoài nước nhất là tại Hoa Kỳ rất thuận lợi cho Cụ. Thế
giới tự do đã coi Cụ là một nhà lãnh đạo sáng chói nhất Á Châu, một chiến sĩ
chống Cộng tài ba nhất thế giới. Còn còn được gán cho danh hiệu "Churchill
của Việt Nam."
Từ một tình thế hoàn toàn tuyệt vọng, đến một tương lai sán lạn, một
miền Nam tự do được gần 50 quốc gia trên thế giới công nhận, trong vòng 2 năm
trời thật là một thành công hiếm có.
Từ năm 1956 đến 1960 được coi là thời kỳ cực thịnh của Ðệ I Cộng Hòa.
Rừng núi hoang vu được khai khẩn thành dinh điền trù phú, đồng khô đất nẻ đã
biến thành ruộng lúa phì nhiêu. Bảo đảm an sinh cho đồng bào rồi, Cụ gia tăng
nỗ lực phát triển văn hóa xã hội, cải tiến nền giáo dục, chỉnh đốn Viện Ðại Học
Sàigòn, thành lập Viện Ðại Học Huế.
Tháng 10 năm 1959, Cụ giáng xuống đầu Cộng Sản một đòn chí tử đầu tiên
bằng cách cho thi hành chiến dịch "Tố Cộng" trên toàn quốc nhằm mục
đích vạch mặt chỉ tên những phần tử Việt-Cộng nằm vùng.
Thuở đầu, Hồ Chí Minh và bè lũ đều nghĩ là thời gian, quá lắm là năm
ba tháng sẽ làm tiêu tan sự nghiệp của Cụ Diệm, nhưng sau kết quả trái ngược,
nên CSBV đã chỉ thị cho tay sai nằm vùng bắt đầu tái hoạt động và đưa cán bộ từ
Bắc xâm nhập miền Nam để khủng bố và gây rối loạn, đồng thời trên địa hạt quốc
tế chúng vu khống cho Cụ Diệm làm tay sai cho đế quốc Mỹ.
Cụ Diệm phản công ngay bằng quốc sách Ấp Chiến Lược từ đầu năm 1962
đến tháng 5 năm 1963, nhằm mục đích qui tụ nông dân Quốc Gia vào với nhau đồng
thời cô lập hóa VC ra khỏi Ấp.
Sau khi xâm chiếm miền Nam năm 1975, chính VC đã phải thú nhận rằng
những Ấp Chiến Lược trong thời Ðệ I Cộng Hòa đã đem lại cho chúng những khó
khăn, trở ngại, lo sợ và phiền phức nhất trong cuộc chiến.
Chính Biến 1-11-1963
Chính biến 1-1-1963 đã kết thúc đời Cụ Diệm trong chiếc Thiết vận
xa M-113 khoảng 8 giờ 30 sáng ngày 2-11-1963 trên con đường Hồng Thập Tự.
Cụ
Diệm chết đi, dân tộc Việt Nam đã mất đi một vị Tổng Thống anh linh tài đức có
một không hai trong lịch sử và mảnh đất thân yêu miền Nam Việt Nam cũng đa rơi
vào tay Cộng Sản hơn 1/4 thế kỷ nay.
Tổng
Thống Ngô Ðình Diệm đã ra người thiên cổ từ 36 năm qua nhưng lòng ái quốc và
gương hy sinh của Cụ vẫn bất diệt trong lòng hầu hết dân chúng Việt Nam. Âm mưu
giết hại TT Ngô Ðình Diệm là một lầm lẫn tai hại nhất trong thế kỷ 20 này, vì
hậu quả nhãn tiền là thế giới tự do đã mất đi hẳn một tiền đồn chống Cộng và đã
đưa hơn 77 triệu đồng bào vô tội Việt Nam vào hỏa ngục Cộng Sản.
Vong
linh của Cụ Diệm, của các chiến sĩ quốc gia đã bỏ mình vì đại cuộc cũng như
hàng vạn oan hồn dưới lòng Ðại Dương sẽ còn dầy xéo và ám ảnh lương tâm của
những kẻ đã gián tiếp hay trực tiếp dính dáng vào việc hãm hại Cụ Diệm cho đến
muôn đời.
Trần Thiện Thành viết nhớ lại ngày Quốc Táng 2-11-1963
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Những Sự Thật Cần Phải Biết