Wednesday, December 9, 2015

Nữa nạc, nữa mỡ

 


Nữa nạc, nữa mỡ

Bài này được viết qua lăng kính văn nghệ về thái độ chính trị của một số người, trong đó có ông Alan Phan. Nhưng người viết, qua bài này, nhớ lại ông ấy, lúc sinh thời, đã có một số "khẩu vị" văn nghệ giống như người viết. Do đó, bài có tính gợi nhớ hơn là mang tính công kích. (Vả lại, ông ta đâu có còn hiện diện nơi đây để chúng ta phê bình, khen hay hoặc dở (!)...và sau đó, được nghe những phản hồi -"phản biện"- của ông ta).

"Nữa nạc, nữa mở" là cách diễn đạt bình dân, chỉ những miếng thịt bao gồm cả mỡ và nạc. Trong chính trị, đó là thái độ "ba phải"!... sao cũng đúng. Thường, người ta thích thịt "ba rọi" (có nạc và mỡ) trong việc ăn, uống. Nhưng, trong chính trị, thái độ đó, trong một giai đoạn tạm thời, tạo được sự an ổn cho riêng cá nhân. Thái độ đó, cũng trong một thời gian ngắn nào đấy, tạo được một số lợi điểm cho một tổ chức, đảng phái chính trị. Nhưng, thái độ chính trị như vậy, trong trường kỳ, chưa chắc đem lại lợi ích lớn.

Một anh Tiến sĩ, có cha là một sĩ quan cấp tá, trước năm 75, tại miền Nam. Khi được hỏi về nguyên nhân gia đình của anh ấy đã phải vượt biên, rời bỏ quê hương năm 1975, đến một đất nước xa lạ, anh ta trả lời một cách mông lung, không rõ ràng. Anh ta nói rằng, như một khu rừng bị cháy, mọi thú phải tìm cách rời bỏ khu rừng, vì nơi đó không còn an toàn.

Anh ấy thuộc thế hệ một rưỡi. Do đó, không thể cho là anh ta không thể diễn đạt tiếng Việt thông suốt. Tránh áp bức, bất công là một sự kiện mà người nào, bất cứ chủng tộc của một đất nước nào, cũng sử dụng để tránh thiệt thòi quyền lợi cá nhân. Điều này, chẳng cần gì né tránh. Mà dù có bị một sự việc gì có thể gây đến thương tật, mất mạng, nạn nhân cũng có cách diễn đạt riêng. Đâu cần gì đem ví gia đình mình như là những con thú. Đã là nạn nhân của CS mà bây giờ còn muốn mang vào mình hình dạng của một con thú. Cách trả lời nghe sao không ổn!.

Không phải anh ấy không biết cách diễn đạt. Anh ấy trông chờ chức vụ là một giảng sư tại một Đại học nào đó, ở Việt Nam. 
Đó là một trong những tính cách của một người có học vấn cao. Để rắp tâm làm một điều đã dự tính, họ cân nhắc và chỉ xử sự làm sao để tránh thiệt hại đến quyền lợi mình. 
Dù rằng, có khi vì thế mà thiệt hại đến quyền lợi chung. Ông Alan Phan là một nhà kinh tế. Đối với ông ta, những con số về lợi nhuận có sức nặng hơn là những điều gì khác. Theo cách nhìn của một số nhà kinh tế (Việt Nam), chỉ có kinh tế mới giải quyết các bài toán chính trị. Chính ông Alan Phan cũng đã cho rằng: "Money doesn't talk, it shouts".

Phải nói rõ nơi đây là: dù bởi lý do gì, sau khi tốt nghiệp ở Mỹ, trước năm 75, ông đã về nước. Đó là chỉ dấu cho biết, dù chỉ phần nào, tâm tư ông ấy còn vấn vương...còn, "khóc cười theo mệnh nước nổi trôi…".

Tốt nghiệp, tính ở lại, không về nước. Nhưng sau đó "Tháng sau, tôi rời bỏ công việc mới, người tình mới, căn nhà thuê mới…khăn gói về lại Việt Nam. Tôi hoàn toàn không có ảo tưởng hay tham vọng gì về tiền bạc hay quyền lực hay sự nghiệp. Tôi cũng chắc chắn là mình sẽ không thay đổi được điều gì, tốt hay xấu, cho đất nước. Tôi chỉ có cảm giác là mình “thuộc về đây”, mình về để chia sẻ với bạn bè, gia đình, các người trẻ khác những khó khăn, đắng cay, tủi nhục và đau thương của những người đã “sinh nhầm thế hệ ( Alan Phan ).

Đoạn văn trên được ông Phan viết khi mới về nước (trước năm 75) hay mới viết sau này, khi về nước (khoảng năm 96 hay 1997 ?). Nếu được viết sau này, tình cảm đó còn dạt dào, mạnh mẽ lắm!. Vì dạt dào, mạnh mẽ nên đôi khi có chút phóng đại (nếu không nói là tưởng tượng).

Chẳng hạn, "Một ký ức khác từ Mẹ là cho đến năm tôi lên 3 tuổi, Mẹ đi bán rong mỗi ngày. Quầy hàng nặng ở một đầu gánh và tôi vui cười ở đầu gánh khác để Mẹ đươc cân bằng. "(1). Rồi cũng ông ấy viết: Gia đình tôi dọn về Saigon khoảng 1950 (ông Phan mới được 5 tuổi -người viết ghi nhận-). Ở cạnh vườn Tao Đàn bây giờ, tôi có chút khung xanh để đuổi hoa bắt bướm, để nghe tiếng ve sầu mỗi hè, để nhìn lá me bay khắp phố mỗi mùa mưa. Cái tuổi thơ đó chắc cũng không khác gì những tuổi thơ của triệu triệu đứa bé khác trên trái đất, nô đùa và vui cười hay khóc nhè mà không cần biết đến những nổi trôi của đất nước. Thế giới của chúng tôi quay nhẹ qua những trận đá dế, ném bi…những lần trốn học bị đòn nát đít, những lần được cha mẹ cho đi ngoại ô dã ngoại (ngoại ô đây là công viên ở sân bay Tân Sân Nhất hay ven sông Nhà Bè…). Mẹ gánh rong khi ông Phan được 3 tuổi, đến năm lên 5, được vui chơi một mình trong vườn Tao đàn. Cũng tạm được đi, khi nói như thế. Nhưng, gia đình nghèo mà còn có vụ đi dã ngoại nữa ...điều này, thật là số "dzách" (số một) rồi!.

Điều khác còn "hay" hơn nữa!. Ông ấy quen một cô bạn gái năm 1960 (mới được 15 tuổi) -năm 1963, ông ấy được 18 tuổi và đã đi du học-. Năm 1963, với nhà thơ Nguyên Sa, ông này ở VN mới được 7 năm (trước đó, Nguyên Sa du học ở Pháp). Năm 1956-1960, trong thời gian này, một học sinh nghèo, học "trối chết" (mới có được học bổng nhà nước) đã thấm được những bài thơ tình cảm của thi sĩ Nguyên Sa chưa (?) (thi sĩ chỉ có 4 năm để tạo cho mình một tiếng vang trên văn đàn tại VN)?... Và Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ được một số đông biết đến sau năm 1965, trong khi ông Phan du học từ năm 1963. Nhưng, khi viết lại những việc cũ, đã nói là dùng đến ký ức mà, cho nên chúng ta không thể đòi hỏi sự chính xác cao. Gọi ký ức trở lại ...nên đôi khi có một sự nối kết phi thời gian, nghĩa là không hợp lý lắm!.

Tình cảm mà!. Có gì hợp lý trong khu vườn này ? (2). Những người có tình cảm "lãng mạn" như ông Phan, mới đọc qua văn ông ấy, sẽ đồng cảm ngay. Chẳng hạn, cá nhân người viết bài này. Ông Phan đến 15 tuổi mới dám cầm tay người bạn gái. Người viết bài, năm 12 tuổi (?) -lúc đó mới học thêm để thi vào lớp Đệ thất, trường kỹ thuật Cao Thắng- ngồi trong lớp, có lẽ học thì ít mà nhìn cô giáo nhiều hơn. Khi đã về nhà, nhớ những gì cô giáo dặn dò thì ít mà nhớ những điệu bộ của cô giáo trong lớp nhiều hơn!

Là người nhậy cảm, nên chắc cũng thế, người ta cũng dễ thích ứng?. “Con người tôi thich ứng khá nhanh. Từ một cậu học trò nhút nhát ham học, tôi thành một sinh viên tự tin, nhưng ham chơi và lười biếng. Tôi sống như người Mỹ, học như người Mỹ và chơi như người Mỹ. Là người Việt duy nhất trong số 42,000 sinh viên của trường, tôi cũng không có nhiều lựa chọn. Hòa nhập vào cộng đồng mới với một tư duy mới và nhiều cuộc tình ngắn ngủi nhưng cháy bỏng, tôi quên đi các tà áo dài trắng e ấp ngày nào bên sân trường Duy Tân. Viêt Nam thật xa và ký ức mờ nhạt».

Năm 1996 (1997) ông Phan trở lại Việt Nam. Chắc chắn ông ta không trở lại để tìm "các tà áo dài trắng e ấp ngày nào". Ông ấy đã có gia đình và con cũng đã lớn. Tuổi đời cũng khá cao (56 tuổi). Hơn nữa, một người làm kinh tế, chắc chỉ chú trọng đến những con số nhiều hơn. Nhưng, chất lãng mạn vẫn còn, nên ngoài thời gian làm việc, ông vẫn còn viết văn. Ông viết văn, nhưng không dám đả kích mạnh (tôi dám quyết đoán thế. Cứ xem những bài viết lúc ông ta còn ở trong nước thì biết). Ông lấy chuyện cá nhân, lồng vào khung cảnh kinh tế ...và cuối bài, thêm chút trào lộng. Một chút trào lộng để nói về xã hội, về cơ chế ...và đường lối chính trị của nhà nước đương thời. Thế thôi!...Một chút "nạt", một chút mỡ"!.

Có nữa nạt nữa mỡ như Tô Hải, hình như cũng chẳng đến đâu. Có nhiều mỡ hơn, hay nhiều nạt hơn như ông Trần Đĩnh, cũng chẳng làm bọn cầm quyền đương thời lo sợ!. Nói chi, chút nạt, chút mỡ như ông Phan.

Do đó, ông Tường (Phạm Bằng) (3) có một mường tượng hơi quá, khi thuật lại sự qua đời của ông Phan. Ông ấy viết: «Ông qua đời tại Fountain Valley- California ngày 19-10-2015, hưởng thọ 70 tuổi. Báo chí hải ngoại đều đưa tin này, nhưng lạ một điều là báo chí VC trong nước ( như các tờ Lao Động, Thanh Niên, Một Thế giới .. ) cũng đưa tin này, mặc dù ông nổi tiếng là một người ăn nói bộc trực, thẳng thắn với những lời chỉ trích chế độ cầm quyền CSVN và nhất là đụng chạm đến " thần tượng HCM ".

Không biết ông Phan chỉ trích chế độ cầm quyền CSVN lúc ông Phan còn ở trong nước hay đã trở về Mỹ; điều này, tôi không rõ. Nhưng, nếu căn cứ vào lời phát biểu của ông Phan, trong buổi nói chuyện khi ông Phan ra mắt sách, tại San Jose ngày 23.08.2015, để cho rằng ông Phan có thái độ chính trị triệt để; điều này cũng chưa chính xác lắm!. Ông Phan nói rằng: "Hồi đó, tôi nghe David Dương, tôi thích lắm. Ông về xử lý đống rác Ba Đình thì quá tuyệt. Nhưng mà không xử lý rác Ba Đình mà lại đi xử rác ở Đa Phước. Thành ra tôi nói: cái này lộn rồi. Nhưng với tài năng và sự nghiệp của David thì David có thể làm đủ mọi chuyện. Tôi hy vọng ngày nào đó ông cho cái đống rác Ba Đình vào trong đống rác của ông».

Theo thiển ý, "nói như ông Phan" cũng chưa bằng "nói như ông Trần Đĩnh". Thế mà bọn CS có rục rịch, sợ hãi gì!. Bọn cầm quyền chẳng cần đụng đến những người như ông Tô Hải, Trần Đĩnh. Các ông này như trái cây chín đã khá rục rồi. Một cơn gió thổi, đưa họ chầu trời không sớm thì muộn. Đối với người CS, họ sợ tiếng nói phần nào, nhưng họ sợ sự chống đối thực tế hơn (lực lượng có tổ chức). Nói rõ hơn, nếu có lý thuyết (phát triển qua các hệ thống truyền thông như báo chí, TV...) và có hệ thống đảng viên cùng khắp; đấy mới là điều khiến chúng lo lắng.

Vậy, nói làm gì đến kẻ "nữa nạt, nữa mỡ" và trông mong những người này sẽ tạo nên một chuyển biến gì. Những dạng liên hiệp thời 1940-1950 cũng chỉ là một dạng "nữa nạt, nữa mỡ". Vừa tin đối phương ...và cũng có thể vì muốn có thời gian để củng cố lực lượng, nên các đoàn thể, đảng phái quốc gia, đã đi vào con đường tự sát, sau khi đã cùng "liên hiệp" với đảng CS. Phong trào Quốc gia của Giáo sư Nguyễn Văn Bông đã làm bọn CS trước 75, trong miền Nam lo sợ. Chúng thấy trước sự lớn mạnh của Phong trào này. Phong trào có lý thuyết, nhất là đủ tự tin, có thể đối đầu với CS, nên đã chấp nhận đối thoại với MTGPMN (Mặt trận Giải phóng Miền Nam)...và có mạng lưới đảng viên (những người tốt nghiệp trường Quốc gia hành chánh) sẽ rải ra khắp nơi, nên chúng đã cho người ám sát ông Bông.

Bài học tuy cũ, nhưng không lâu lắm. Lẽ ra, những bài học này phải được mọi người nhìn thấy. Những tổ chức, đảng phái của người Việt ở hải ngoại hiện nay, dù nhiều tiền lắm của, nhưng nếu không hội đủ hai điều kiện nói trên, đừng mong nói chuyện đại sự. Một tổ chức, gọi là đảng, nhằm cướp chính quyền của kẻ độc tài chuyên chế, lại nói đến chiêu "Bất bạo động"; đó chỉ là cách nói để làm vui lòng bọn đang cầm quyền mà thôi. Nói chi đến bọn "chạy cờ" ở nước ngoài, làm trò liên hiệp vớ vẫn với bọn CS. Nói chi những cá nhân, dù là nhà giàu, vừa làm kinh tế vừa nói chuyện thời sự!.

Nhưng cái khoái của nhà kinh tế Alan Phan là, vừa nói chuyện kinh tế, vừa nói chuyện thời sự chính trị...thêm chút mắm muối chuyện riêng tư, là khẩu vị của riêng ông ấy. Ai cấm được cái khẩu vị riêng của mỗi người. Cái khẩu vị vừa thích nạt vừa thích mỡ. Dù sao, chúng ta cũng cảm nhận được tấm lòng của ông, cũng như của bất cứ ai, những người đã thẩm thấu được tình cảm "Tiếng nước tôi ...thoát ngàn năm thành tiếng lòng tôi".

Đặng Quang Chính
08.12.2015
08:40

(1) https://sg-mg61.mail.yahoo.com/neo/b/message?sMid=206&fid=Sent&sort=date=down&startMid=200&filterBy=&.rand=167913293&midIndex=6=2_0_0_2_175656_ACHFCmoAAAMxVilUeA15OLEGvv8&fromId=
(2) Khu vườn Alan với trang mạng www.gocnhinalan.com).
(3) https://sg-mg61.mail.yahoo.com/neo/b/message?sMid=207&fid=Sent&sort=date=down&startMid=200&filterBy=&.rand=1368611487&midIndex=7=2_0_0_2_175656_ACHFCmoAAAMxVilUeA15OLEGvv8&fromId=
__._,_.___

Posted by: chuong ngoc van dam 

No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết