Tuesday, December 1, 2015

Radio Saigon Dallas phỏng vấn nhà báo Huỳnh Lương Thiện về phim 'Terror in Little Saigon'


Radio Saigon Dallas phỏng vấn nhà báo Huỳnh Lương Thiện về phim 'Terror in Little Saigon'


Hạnh Dung: Thưa anh, một trong những đề tài thời sự "hot" nhất hiện nay là phim "Terror in Little Saigon" (Khủng Bố tại Sài Gòn Nhỏ). Bộ phim phóng sự này do nhóm phóng viên A.C. Thompson thực hiện được hệ thống truyền hình PBS trình chiếu hôm 3/11 vừa qua đã tạo nên những phản ứng rất sôi nổi trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Nhờ sự sôi nổi đó mà các khía cạnh của cuốn phim phóng sự này được phân tích, phản bác và bình luận. Nội dung phim thì cáo buộc tổ chức Mật Trận Quốc Gia Giải Phóng Việt Nam - hay còn gọi là Mặt Trần Hoàng Cơ Minh - hoặc chịu trách nhiệm hoặc là nghi can của vụ giết 5 nhà báo trong cộng đồng Việt mà đến nay chưa có kết luận. Đảng Việt Tân đã mạnh mẽ phản đối bộ phim và một số nhân vật và hội đoàn trong cộng đồng đã lên tiếng phản đối; và cũng có một số người thì lại hoan nghênh phim này. Anh Huỳnh Lương Thiện đã xem phim này hay chưa?
Huỳnh Lương Thiện: Dạ có xem.
Hạnh Dung: Được biết trước kia anh từng là thành viên của Mặt Trận, từng là chủ nhiệm báo Kháng Chiến một thời gian trước khi anh rời Mặt Trần phải không, thưa anh?
Hạnh Dung: Và được biết anh cũng đã được nhóm làm phim "Terror in Little Saigon" mời phỏng vấn, đúng không anh?
Huỳnh Lương Thiện: Dạ có.
Hạnh Dung: Như vậy có thể xem anh Thiện như người trong cuộc. Vậy anh có thể cho biết vài nhận định của anh về cuốn phim này và mục đích của cuốn phim này là gì; là một phim tài liệu hay một phim mang tính cách tuyên truyền, thưa anh?
Huỳnh Lương Thiện: Cám ơn Hạnh Dung, đúng như vậy. Thưa quý đồng hương và quý thính giả. Có thể nói từ ngày 3 tháng 11 tới bây giờ, cộng đồng chúng ta nhu "sốt" theo cơn sốt này. Quý vị theo dõi trên đài radio, truyền hình, báo chí hoặc trên net.. ngày nào cũng có ít nhất là ba, bốn bài mới cũng như cũ về đề tài này. Cũng may mắn là tôi được coi như là một người trong cuộc, mặc dù rất là xa; đây là câu chuyện rất cũ rồi. Tôi cũng xin được trả lời trong khả năng hiểu biết của tôi.
Đầu tiên Hạnh Dung hỏi tôi có coi hay không thì tôi nghĩ rằng đa số đồng bào đều coi và tôi cũng là người dính dáng tới thì cũng coi.
Hạnh Dung: Hạnh Dung cũng đang rất tò mò và quý thính giả theo dõi chắc chắn sẽ lắng nghe những gì anh trình bày.
Huỳnh Lương Thiện: Vâng, mình sẽ cố gắng nói thật trong những gì mình biết. Tôi qua Mỹ tháng 4/1984, là qua chính thức; trước kia tôi thỉnh thoảng có qua để hoạt động thôi. Lúc đó tôi là thành viên của Tổ chức Người Việt Tự Do. Khi đó anh em quyết định sáp nhập vào Mặt Trận. Vào đầu tháng 4 tôi được ông Tổng vụ trưởng Tổng vụ hải ngoại lúc đó là ông Phạm Văn Liễu, thay mặt Mặt Trận điều động tôi qua bên Mỹ để phục vụ trong Vụ tuyên vận đảm nhiệm qua tờ báo Kháng Chiến. Lúc đó tôi làm Chủ tịch Phong Trào Quốc Gia Yểm Trợ Kháng Chiến tại Nhật. Tôi qua Mỹ vào ngày 28/4/1984 thì tới đầu hoặc giữa tháng 5 tôi bắt đầu trông coi tờ báo Kháng Chiến. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn tôi cũng như tất cả mọi người lúc đó đều thấy có điều rất buồn, là có hai vị lãnh đạo Mặt Trận lúc đó là Chủ tịch Mặt Trận, ông Hoàng Cơ Minh và Tổng vụ hải ngoại lúc đó là ông Phạm Văn Liễu. Hai người này có thể nói là một cặp bài trùng rất khá, rất là tốt. Ông thì lo bên trong chiến khu quốc nội, ông thì lo bên ngoài. Vì nhiều lý do hai vị này bắt đầu có sự gây cấn với nhau, đối kháng với nhau, lời qua tiếng lại với nhau. Từ lúc đầu cũng không có gì.., nhưng từ từ cái sảy nảy cái ung, cuộc đối đầu leo thang .
Tôi cũng như nhiều anh em rất buồn; người ta than khóc lắm. Cũng ba mươi mấy năm về trước rồi, lúc đó tôi còn rất trẻ. Tôi vừa làm việc nhưng trong lòng không ổn tí nào. Tôi cũng có cơ hội gặp hai vị này và tôi có thưa với hai anh - tôi nói thẳng và kêu bằng anh - Minh và Liễu rằng "tụi em đến với Mặt Trận cùng đoàn kết với các anh để đánh VC, mà tự nhiên hai anh"... tôi nói nôm na nha,.. "tự nhiên bây giờ hai anh chia hai phe đánh nhau thì tụi em biết đứng phe nào? Nếu hai anh không ngồi xuống thì em chắc phải xin phép rời khỏi Mặt Trận." Đó là tôi nói thật, và dĩ nhiên mình nhỏ quá, chẳng có tiếng nói nên mấy ông gật gù thôi chứ mình đâu có khả năng, uy tín gì mà mấy ông nghe. Sự bất đồng ý kiến với nhau càng ngày càng gay gắt và nặng nề.
Tới cuối năm 1984 tại Đại hội của ông Chủ tịch Hoàng Cơ Minh tại Bắc California thì tôi có đến đó và tôi có nói lời chia tay. Tôi có nói "Như em đã nói chuyện với anh cách đây mấy ngày, nếu hai anh không có sự đoàn kết bắt tay với nhau thì em không còn lòng dạ và tinh thần để làm việc cả, và em xin rút lui. Chúc các anh mọi sự tốt đẹp." Như vậy tôi làm tờ Kháng Chiến được 7 tháng, từ tháng 5 đến tháng 12.
Dung Hạnh: Đó là lý do anh rời Mặt Trận?
Huỳnh Lương Thiện: Dạ đúng vậy. Trở lại vấn đề thì trong nhóm làm phim PBS này anh chàng A.C. Thompson nói rõ, không chỉ có người Mỹ mà có hai người Việt Nam mà anh ấy có nêu tên, đã cộng tác làm cuốn phim này. Một trong hai người cộng tác này có liên lạc và mời tôi cách đây hơn một năm trước. Anh ấy nói biết hồi xưa anh Thiện cũng là một nhân vật quan trọng trong Mặt Trận và đài truyền hình này muốn lật lại hồ sơ cũ. Thứ nhất là nhân dịp 40 năm nói về sự phát triển của cộng đồng. Thứ hai là họ cũng muốn tìm hiểu thêm về 5 nhà báo Việt Nam lúc đó bị ám sát mà có nhiều người nghi ngờ là Mặt Trận. Và họ có hỏi tôi có ý kiến đóng góp hay không? Thì tôi trả lời "no" ngay.
Lý do là như thế này. Theo tôi biết, FBI họ đã điều tra tới 15 năm trời rồi mà FBI nhân sự rất dồi dào, đúng không ạ? Đâu phải một, hai người; họ có cả ê-kíp, cả nhóm. Nhân sự dồi dào mà người của họ lại chuyên nghiệp. FBI và cảnh sát nữa. Tôi không biết có CIA không? FBI có, cảnh sát có, nhân sự dồi dào, có bài bản; họ chuyên nghiệp, chuyên môn điều tra. Tiền bạc, phương tiện và thời gian của họ vô hạn định. Có 15 năm để điều tra mà không [tìm] ra, không biết kết quả là ai; họ cẩn trọng lắm. Mặc dù họ có nghi ngờ người này người kia, tổ chức này, tổ chức nọ, Mặt Trận họ có nghi ngờ đấy. Nhưng họ rất cẩn trọng, không có một manh mối, một bằng cớ rõ ràng nào để họ kết luận ai là tác giả, ai là thủ phạm của những vụ ám sát này. Việc đã xong rồi thì tôi nói cái gì bây giờ? Mà nếu tôi gặp mấy ông thì tôi có nói cũng chỉ nói hai chữ là "I don't know" thôi, chứ biết nói gì bây giờ. Thành ra tôi từ chối. Tôi thấy việc tôi từ chối là một cái may, và tôi cũng thấy cái chuyện đó nó không đáng nữa. Tại sao mấy ông này bây giờ lại khơi lại vụ này làm chi vậy? Tôi có nói với anh này là có biết bao nhiêu chuyện đáng cần thời giờ, công sức của mình cho Việt Nam. Trong nước người dân đấu tranh, có biết bao nhiêu dân oan... mình phải tiếp tay cho cuộc đấu tranh trong nước chứ tại sao bây giờ khơi lại một chuyện cũ đã bó tay FBI, thì mình làm gì bây giờ? Cho nó qua đi. Đó là ý kiến của tôi về việc này.
Bảo Bảo: Cám ơn anh Huỳnh Lương Thiện cho lời giải thích vừa nêu trên.
Hạnh Dung: Xin lỗi ngắt lời Bảo Bảo một chút xíu. Anh chưa trả lời một điều mà Hạnh Dung tò mò hỏi anh, đó là, theo anh thì cuốn phim này thuộc về tài liệu hay là một cuốn phim tuyên truyền, thưa anh?
Huỳnh Lương Thiện: Tôi theo dõi cuốn phim thì tôi thấy cuốn phim này làm theo dạng tài liệu, nhưng lại có kịch bản và định kiến sẵn. Theo anh chàng A.C. Thompson thì anh này nói muốn đi tìm sự thật, tìm ra thủ phạm nào đã giết 5 nhà báo người Việt này. Anh ấy nói đó là mục tiêu đầu tiên. Nhưng thật sự theo mình thấy thì có lẽ anh này đã tìm hiểu trước rồi hay đã đọc hồ sơ và có sẵn trong đầu "cái này là chắc mấy ông Mặt Trần rồi chứ không ai hết trơn". Tức trong đầu có sẵn định kiến rồi, cho nên những bài bản là làm sao quy kết về một mối đó thôi, mặc dù rõ ràng mình thấy, là sau một thời gian điều tra là hơn 2 năm... Và cũng tốn nhiều tiền lắm, đài PBS và Frontline (Tiền Tuyến) bỏ tiền ra tài trợ cho phim này, và anh [A.C. Thompson] có cả tiền bay tới Thái Lan để gặp lính Lào hồi xưa dẫn đường cho mấy toán quân của ông Minh; rồi anh này đi Nam Cali, Bắc Cali. Tóm lại là tốn rất nhiều tiền bạc. Rồi cũng chịu khó phỏng vấn - theo ông là 140 người mà lên [phim] có mấy người thôi - mà kết quả không ra một manh mối nào, một thủ phạm rõ ràng nào. Đại khái là ông ấy chê FBI làm ăn dở quá, nhưng ruốt cuộc cũng vậy thôi, và vẫn chĩa mũi dùi và cáo buộc như tôi có nói lúc nãy. Lời kết luận mà ông ấy nói với người con của nhà báo Đạm Phong là anh Nguyễn Tú, là tổ chức, đoàn thể mà chịu trách nhiệm về cái chết của ông Đạm Phong theo ổng vẫn là K9 của Mặt Trận. Nhưng đó cũng chỉ là theo lời ông ấy thôi, chứ thật sự không có một bằng cớ nào cả.
Theo tôi thấy thì đầu tiên ông nói như thế này: ông ấy làm một phóng sự cho một ký giả người da đen bên Oakland bị bắn chết, tôi nghĩ cách đây khoảng 5, 6 năm. Vụ đó nổ lớn ở Bắc Cali và làm rúng động cả tiểu bang Cali nói chung chứ không riêng Bắc Cali. Anh ấy gặp một người làm phóng sự, quay phim là Tony Nguyễn. Ông chàng này nói "tôi thấy có một ông ký giả người Mỹ bị bắn chết mà mấy ông làm rầm rộ dữ vậy, trong khi phía cộng động Việt Nam tôi có 4, 5 ông bị bắn chết mà không thấy truyền thông Mỹ quan tâm". Ông A.C. Thompson này ngạc nhiên nói có thật không, thì ông kia nói "thật chứ". Có thể anh này đã từng có một cảm tình gì đó rồi.
Vào năm 1991, 1992 anh ấy có làm một cuốn phim nói về cái chết của anh Dương Trọng Lâm, một trong 5 người được đề cập đến trong vụ này. Anh Dương Trọng Lâm là một sinh viên thiên tả, thân cộng học ở Berkley. Anh này ở San Francisco và có làm tờ báo Cái Đình Làng và nội dung tờ báo này rõ ràng là thân cộng sản. Anh Dương Trọng Lâm bị bắn chết ngày 7/8/1981. Anh chàng Tony Nguyễn có thể quen biết và có cảm tình nên có làm một cuốn phim ngắn gọi là "Enforcing the Silence" nói về cái chết này và cũng đổ thừa cho Mặt Trận. Tuy nhiên phim này không nổi tiếng, hầu như không gây một tiếng vang nào cả và có đưa phim này cho A.C. Thompson. Anh A.C.Thompson thấy cũng có bài bản đàng hoàng và có thể vì tò mò hay hạp với nghề nghiệp nên nghĩ khai thác cái này sẽ hay. Thành ra tôi nghĩ có thể khởi đầu do sự thúc đẩy nghề nghiệp phiêu lưu của anh ấy làm những phóng sự điều tra nên đã "lao" vào. Rồi anh ấy xin tài liệu của FBI, đọc xong thấy có lý và nghĩ "đến phiên mình nhào vô". Sau đó làm báo cáo lên cho sếp của mình và một thời gian sau phía PBS và Frontline chấp thuận và cấp ngân khỏan cho anh ấy.
Theo tôi thấy có lẽ anh này làm là vì anh ấy thôi vì anh ấy xuất hiện trong chương trình này rất nhiều. Và suốt thời gian anh ấy đi hỏi người này người kia có thể mất rất nhiều giờ nhưng vẫn không ra một manh mối cụ thể nào cả. Chính vì vậy mà anh ấy phải làm ra một kịch bản ghê gớm. Ví dụ khi phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Nghĩa thì ông có đề nghị ông Nguyễn Xuân Nghĩa bịt mặt lại. Tức là làm có vẻ cho người xem cảm thấy đây là một cái gì kinh khủng lắm, [tạo ấn tượng] người trả lời sợ hãi đến độ phải che mặt hay phải đổi giọng. Rồi khi phỏng vấn anh Đỗ Thông Minh ông ấy cũng đề nghị như vậy. Anh Đỗ Thông Minh nói rất ngạc nhiên vì họ quay trực diện và trả lời 3, 4 tiếng đồng hồ; vậy mà khi ông [Đỗ Thông Minh] lên chỉ nói một câu, không tới một phút. Ổng nói "tôi không chắc là tôi đã biết việc này", mà lại quay đàng sau quay tới và quay thoáng thoáng thôi. Tất nhiên tạo ấn tượng cái này ghê ghớm lắm làm người trả lời không dám đưa mặt ra. Ngay cả qua Thái gặp những lính Lào cũng vậy. Những người lính Lào là những người dẫn đường cho những toán quân kháng chiến của ông Chủ tịch Hoàng Cơ Minh về Việt Nam, thì mấy ông lính Lào này cũng còn đó, cũng bịt mặt, rồi cũng nói ông Hoàng Cơ Minh này kia, rồi có bắn, giết người kia v.v..
Tóm lại thì tôi thấy phim này là có chủ đích. Thứ nhất là, vì tìm không ra thủ phạm rõ ràng cho nên anh này phải đi tới cái gián tiếp, đó là dựa theo những bài bản cũ. Quan trọng nhất là anh ấy khai thác nhiều về người con của ông Đạm Phong. Đương nhiên, bố mình bị chết thì người con rất đau khổ. Và người con cũng nghi ngờ, nói trước khi bố tôi chết bị Mặt Trận hăm dọa này kia.  Anh ấy đưa ra những cái gián tiếp thôi chứ chưa có một cái gì trực tiếp cả. Và kết một cách làm cho người ta tin rằng Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam đã nhúng tay vào việc này mặc dù không có bằng cớ nào rõ ràng. Nhưng bây giờ Mặt Trận không còn nữa thì mấy ông Việt Tân coi như "lãnh đạn", coi như Việt Tân là hậu duệ của Mặt Trận. Có cái ác ý đó chứ không phải là không.
Dung Hạnh: Như vậy là ông Tony Nguyễn qua cuốn phim "Enforcing the Silence" cũng đã đổ thừa cho Mặt Trận đã giết nhà báo Dương Trọng Lâm.
Huỳnh Lương Thiện: Dạ vâng.
Hạnh Dung: Hạnh Dung có nghe được nguồn tin thế này cũng xin được chia sẻ, nếu thấy gì thiếu sót hoặc không chính xác lắm thì xin anh chia sẻ với quý đồng hương. Vụ đổ thừa cho Mặt Trận ám sát nhà báo Dương Trọng Lâm thì Hạnh Dung nghe thoang thoáng rằng có 5 nhà báo Việt ở Hoa Kỳ bị một nhóm gọi là K9 ám sát. K9 đây là "Khu 9" phải không, anh, và thuộc Mặt Trận Hoàng Cơ Minh hoặc đảng Việt Tân bây giờ. Anh có thể chia sẻ chút ít về K9 được không ạ?
Huỳnh Lương Thiện: Dạ vâng. Trong team điều tra của ông A.C. Thompson nhắc đến K9 mà theo điều tra của ông ấy K9 là một bộ phận của Mặt Trân và phải chịu trách nhiệm cho những vụ ám sát này, nhưng ông không biết người nào ra lệnh và người nào là thủ phạm. Theo ông ấy là như vậy. Nhưng ông không đưa ra một bằng cớ nào rõ ràng. Trong team điều tra cũng đưa ra những biên bản điều tra của FBI và cũng có viết về K9. Nhưng không có một cái gì rõ ràng, không có một văn bản nào chứng tỏ K9 thực hiện việc này, cũng như mục đích K9 là gì.
Theo những người lãnh đạo của Mặt Trận sau này như ông Lý Thái Hùng, ông Hoàng Cơ Định, ông Đỗ Hoàng Điềm, kể cả ông Nguyễn Xuân Nghĩa, đều nói rõ K9 cũng chỉ là một trong nhiều khu bộ. K là khu bộ, thí dụ ở Mỹ là K1, Canada là K2, Úc là K3, đại khái như vậy. Có tất cả là 8K, từ K1 đến K8. Nhưng có một khu bộ 9 đặc biệt dành cho những vị đặc biệt như những vị chức sắc hồi xưa, những ông tướng, ông tá hay bộ trưởng, đại khái là như thế. Họ không ở trong một đơn vị bình thường nên có một đơn vị đặc biệt dưới sự điều hành trực tiếp của ông Tổng vụ trưởng là cựu Đại tá Phạm Văn Liễu.
Thành ra Mặt Trận xác nhận có K9 nhưng K9 cũng chỉ là một bộ phận sinh hoạt bình thường chứ không ám sát gì trong này cả. Họ công khai trả lời như vậy.
Dung Hạnh: Rất cám ơn sự chia sẻ rất rõ ràng và cặn kẽ của nhà báo Huỳnh Lương Thiện.
Bảo Bảo: Trở lại với cuốn phim vừa nói, thì cuốn phim đã không những không giúp truy tìm thủ phạm của 5 vụ án mà nó lại gây phân hóa trong cộng đồng, có kẻ binh người chống. Có nhiều ý kiến cho rằng phim này đã tố Mặt Trận và Việt Tân. Vậy theo quan điểm của anh thì bộ phim này có liên quan và ảnh hưởng gì đến Việt Tân không?
Huỳnh Lương Thiện: Dạ vâng. Tôi xin nhắc lại 5 nhà báo đó là ai. Thứ nhất là ông Dương Trọng Lâm, chủ nhiệm tờ báo Cái Đình Làng. Ông bị ám sát tháng 8 năm 1981. Thứ hai là nhà báo Đạm Phong, chủ nhiệm báo Tự Do ở Houston. Ông bị ám sát tháng 8 năm 1982. Người thứ ba là ông Phạm Văn Tập (tức Hoài Điệp Tử), chủ nhiệm báo Mai. Ông bị đốt nhà và chết tại Garden Grove, Nam Cali năm 1987. Thứ tư là ông Đỗ Trọng Nhân bị bắn chết tháng 11 năm 1989. Ông này chỉ là một nhân viên của tòa soạn báo Văn Nghệ Tiền Phong. Và người thứ năm là ông Lê Triết, một cây viết chủ lực của báo Văn Nghệ Tiền Phong. Ông bị bắn chết ngày 22 tháng 9 năm 1990.
Trong 5 người này thì chỉ có 2 người có thể có một yếu tố nào đó đáng quan tâm để FBI tiến hành điều tra và nghi ngờ về Mặt Trận là ông Đạm Phong và ông Lê Triết. Hai ông này có viết bài đả kích Mặt Trận rất rõ ràng, và liên tục nhiều bài. Còn ông Dương Trọng Lâm như tôi nói, bị bắn chết vào năm 1981, lúc đó Mặt Trận chưa ra đời vì đến năm 1982 hoặc 1983 Mặt Trận mới bắt đầu hoạt động. Còn ông Đỗ Trọng Nhân chỉ là một nhân viên thường của báo Văn Nghệ Tiền Phong mà thôi. Còn ông Hoài Điệp Tử bị cháy nhà. Tưởng tượng có ai bị ám sát bằng việc đốt nhà? Đốt bao lâu nhà mới cháy để người kia chết? Có thể là vì một accident nào mình không biết được. Cũng chưa bao giờ thấy tờ báo Mai có bài nào chống đối Mặt Trận cả. Thành ra tôi thấy có nhiều sự gán ghép; trong này có hai ba người thấy nó gán phép, gượng gạo, không vững lý. Tôi thấy nó là như vậy.
Còn về thiên phóng sự này thì rõ ràng, là tuy không có bằng cớ gì cả nhưng rõ ràng ông A.C. Thompson cũng đã nói rõ, là hướng điều trả đều chỉ về phía Mặt Trận. Cũng có người nói rằng nó đánh Việt Tân thì để Việt Tân đỡ chứ mắc mớ gì đến cộng đồng. Nhưng thật ra không phải vậy. Nếu quý vị xem bộ phim sẽ thấy rằng, đúng, cái chủ đích, mục tiêu mà họ muốn nhắm tới, là Việt Tân. Nhưng nếu nhắm vào Việt Tân thì tại sao mới vào phim toàn chiếu đoạn mình diễn hành ở Nam Cali với cờ vàng ba sọc đỏ với lính tráng này kia. Rồi khi lên Bắc Cali cũng vậy, ông ấy vào tham dự một đại hội thiết giáp ở Bắc Cali và chiếu hình ảnh lính tráng, rồi chiếu đầu lau (phụ hiệu), rồi chiếu rắn, tìm những khuông mặt dữ dằn chẳng hạn để đưa vào [phim]. Còn nói những câu như "Họ (lính tráng) đang muốn thực hiện lại một cuộc chiến cũ trên mảnh đất mới." Ý là những người cựu quân nhân này đã thua rồi, đã thất bại năm 1975 rồi mà qua đây còn mặc áo lính, còn súng óng, còn diễn hành một hai một hai với đầu lau này kia, và muốn dựng lại một cuộc chiến cũ trên mảnh đất mới này,.. Thì đó có phải là đụng chạm tới màu cờ sắc áo của các cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa hay không?
Thứ hai, là ngay cả cái tựa đề "Khủng bố ở Little Saigon" đã xúc phạm đến cộng đồng rồi, cho nên nhiều vị, như Tiến sĩ Đỗ Hùng là Chủ tịch Little Saigon Foundation, lên tiếng phản đối ngay. Bác sĩ Phạm Đức Vượng đại diện cho Tập hợp Chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa tại Tây Bắc Hoa Kỳ cũng lên tiếng phản đối ngay trên đài. Ông Hội trưởng Hội thiết giáp - tôi quên tên rồi - cũng lên tiếng phản đối ngay. Và nên nhớ rằng nhờ phản đối như vậy nên ông A.C. Thompson phải lên tiếng xin lỗi cộng đồng trên báo Người Việt. Ông ấy nói không ngờ phim này với danh xưng Little Saigon đã gây xúc phạm như vậy. Sau đó tại Bắc Cali là Ls. Nguyễn Hoàng Duyên phỏng vấn [A.C. Thompson] và cũng đặt vấn đề tại sao lại sài tên Little Saigon và khủng bố, đó là sai hoàn toàn. Ông ấy cũng ngỏ lời xin lỗi ngay và nói tựa đề đó do sếp ông ấy đặt. Thành ra cộng đồng và nhất là các cựu quân nhân có bị văng miểng, có bị xúc phạm chứ không phải không. Và nếu không lên tiếng thì làm sao ông ấy xin lỗi? Ông ấy có nhận lỗi rõ ràng mà.
Dung Hạnh: Trong cuốn phim họ cũng không đi tìm được thủ phạm của 5 vụ án mà lại gây phân hóa trong cộng đồng như vậy, thì Hạnh Dung được nghe một nguồn tin cho là Việt cộng đứng đàng sau cuốn phim này. Anh nghĩ thế nào về việc này?
Huỳnh Lương Thiện: Mình cũng suy đoán thôi. Lý do cũng không phải là hoàn toàn vô lý. Người Việt Nam cộng tác làm cuốn phim này là Tony Nguyễn. Anh này có nói rằng cuốn phim này ngoài sự tài trợ của PBS, Frontline còn được sự ủng hộ, tài trợ từ phía Việt Nam. Ở Việt Nam thì ai bây giờ? Ngoài ra trước khi cuốn phim này chiếu thì ở Việt Nam tờ báo Thanh Niên của Cộng sản đã nói về cuốn phim này trước đó 4 tiếng đồng hồ. Và ông A.C. Thompson hiện ngay bây giờ cũng chính thức nhờ báo Thanh Niên tiếp tay để tìm ra thủ phạm. Qua những điều này người ta mới nghi chứ không phải tự nhiên..., không có lửa sao có khói? Và rõ ràng cuốn phim này bôi nhọ thứ nhất là Việt Tân, thứ hai là cộng đồng hải ngoại. Mà Việt Tân thì tôi nhớ trong buổi ông Đỗ Hoàng Điềm họp báo tại Nam Cali ngày 14/11, nhà báo Vi Anh đã nói rằng Việt cộng trong nước gán ghép Việt Tân là khủng bố mà cũng không bao nhiêu người tin; mà bây giờ ở hải ngoại cuốn phim này cũng gán và nói giùm cho Việc cộng là Việt Tân cũng khủng bố nữa, thì quý vị thấy thế nào? Ký giả Vi Anh có nói như vậy.
Dung Hạnh: Thưa anh Thiện, mặc dù thời gian cũng không còn nhiều, tuy nhiên cho Hạnh Dung hỏi thêm một câu chót. Trong cộng đồng có cuộc vận động để lấy chữ ký yêu cầu FBI tiếp tục cuộc điều tra thì anh nghĩ như thế nào, có nên hay không ạ?
Huỳnh Lương Thiện: Có thể có những người trong cộng đồng từ xưa không quan tâm đến chuyện này và bây giờ thấy chuyện này thì thấy tội nghiệp quá. Năm người bị giết mà yên lặng, cho nên họ cũng yêu cầu điều tra để cho họ cảm thấy rằng họ là người yêu sự thật chứ không bao che, như ông A.C. Thompson nói FBI là bao che, hoặc một số người trong cộng đồng bao che, không chịu khai, không chịu hợp tác. Thì cái chuyện này bình thường thôi. Nhưng theo tôi nghĩ, một lời nói như vậy không chưa đủ. Vì sao? FBI đã bỏ bao nhiêu thời giờ, công sức, tiền bạc,... và bây giờ họ nói "điều tra nữa đi" là sao? Khả năng [điều tra] của họ chỉ đến đó... trừ khi mình đưa ra một bằng cớ nào. Thí dụ bây giờ ngay cả ông A.C. Thompson hay ông Đỗ Hoàng Điềm, Chủ tịch Việt Tân cũng có nói; nếu ai có bằng cớ gì mới thì cứ đưa ra. Hoặc có thủ phạm nào ăn năn hối cải đầu thú chẳng hạn, hoặc có một manh mối nào đó... thì tôi nghĩ rằng lời nói dễ áp lực đẩy việc điều tra hơn. Còn nói "Tôi mới coi phim này và yêu cầu điều tra tiếp" thì tôi thấy rất khó.
Hạnh Dung: Dạ vâng, cũng khó vì mỗi lần điều tra tốn nào là thời gian, tiền bạc nữa phải không thưa anh?
Huỳnh Lương Thiện: Đúng vậy, nhưng nên nhớ rằng mỗi năm nước Mỹ này có hàng ngàn vụ điều tra mà không đi đến đâu và họ đã bỏ. Họ có một cái fund, thời giờ, công sức, tiền bạc cho cái vụ này không? Và với khả năng chuyên nghiệp tối đa của họ mà đã mất tới 15 năm không phải là ít; đâu phải nói họ lơ tơ mơ được. Nếu 2, 3 năm mà bỏ [điều tra] thì khác, còn đây tới 15 năm mà. Đối với họ như vậy là đủ rồi, còn ai muốn điều tra thì đưa bằng cớ thêm. Đương nhiên là tự do của mình thì mình có quyền, và có tìm ra được manh mối, tìm được thủ phạm cũng tốt cho cộng đồng, tốt cho Việt Tân nếu bên Mặt Trận họ không có làm. Phải có cái gì rõ ràng chứ nói khơi khơi như vậy cũng khó lắm.
Dung Hạnh: Rất cám ơn nhà báo Huỳnh Lương Thiện đã trả lời cuộc phỏng vấn khá tế nhị này, giúp làm sáng tỏ một số vấn đề mà cộng đồng đang quan tâm chung quanh cuốn phim "Khủng bố tại Little Saigon".
Huỳnh Lương Thiện: Tôi cũng rất hân hạnh được trả lời cuộc phỏng vấn tế nhị này trong khả năng của mình. Mình cũng đóng góp để làm sáng tỏ sự quan tâm trong cộng đồng. Xin cám ơn quý vị đã lắng nghe.







__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết