Saturday, May 28, 2016

KỶ NIỆM NĂM 41 NGÀY ĐAU THƯƠNG CỦA DÂN TỘC.




Kính thưa quý vị,

Nhân kỷ niệm 41 năm ngày Mất Nước, chúng tôi trân trọng kính chuyển đến quý vị bài viết “HỒI ỨC GIỜ THỨ 25 CỦA LỊCH SỬ.” nói về tinh thần chiến đấu anh dũng bất khuất của các chiến sĩ Địa Phương Quân Tiểu Đoàn Thanh Long 530/ ĐP/ Biệt Lập thuộc TK Kiên Giang, Quân Khu 4, Vùng IV CT đã anh dũng chiến đấu kiên cường tử thủ đến rạng ngày 01.05.75, trong những tình huống vô cùng khó khăn và cô đơn. Để bảo toàn sinh mạng cho đồng bào và sự toàn vẹn lãnh thổ để làm tuyến phòng ngự cuối cùng và chờ lệnh phản công. Nhưng kế hoạch bất thành vào giờ phút chót, vì nhiều lý do! Cuối cùng Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng Tư Lệnh Phó và Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam Tư Lệnh Quân Đoàn IV kiêm Quân Khu 4 đã lần lượt tuẫn tiết vào đêm 30.04 và sáng ngày 01.05.75, để lại bao nỗi đau buồn, kính mến và thương tiếc trong lòng dân tộc. Sinh Vi Tướng, Tử Vi Thần. Thành kính nguyện cầu xin Nhị Vị Anh Hùng của dân tộc phò hộ cho đồng bào VN sớm được tư do, dân chủ và nhân quyền, không còn chế độ CS và đất nước thoát khỏi họa xâm lăng của Tàu Cộng.

Trong cuộc chiến đấu tử thủ vào những giờ phút cuối cùng của cuộc chiến đầy bi tráng đó, có bao chiến sĩ đã âm thầm anh dũng hy sinh vào giờ thứ 25, nhiều người đã phải trải qua đau đớn về thể xác lẫn tinh thần để bắt đầu cuộc đời phế nhân và đang sống trong vô vọng hay lắm kẻ phải chịu cảnh tù đày trong các trại tù tập trung nơi rừng sâu nước độc tại Miền Bắc, ở các vùng biên giới Việt Trung; với một chế độ cai tù khắc nghiệt trong lao động khổ sai, trong đói rét khổ cực vì thiếu ăn - thiếu mặc, trong đau ốm bệnh hoạn không thuốc men, ngoài trừ “Thần Dược” Xuyên Tâm Liên trị bá bệnh!?... Đó là chưa kể đến những cảnh hãi hùng vì bị tra tấn dã man, đánh đập tùy hứng hay bị giam cầm trong các CONEX và bị bỏ đói cho đến chết, hoặc bị hăm dọa để khống chế tinh thần và ngăn cách tình cảm thiêng liêng của gia đình cha mẹ, vợ con, 5 năm không nhận được thư từ - tin tức nhà! Làm cho người tù luôn sống trong những ngày lo âu và vô vọng, vì ở tù mà không được xử án, không biết ngày về, rồi chết lần chết mòn vì trông người mà nghĩ đến ta, rồi sẽ có một ngày mình cũng ra nằm ở “Hàng Dương” nghĩa địa không nấm mồ cùng chung số phận với những bạn tù bất hạnh!           Kính mời quý vị cùng chia sẻ.

Nếu Quý vị nhận được bài viết có phần bổ túc dưới đây hơn một lần, xin thông cảm và xin vui lòng thứ lỗi.

Trân trọng,


Phan Văn Phước.
   Thanh Long
                          
                        clip_image002

Orange County, CA.USA
Ngày 29/4/2016

UNTTTADCSVN trân trng giới thiệu cùng:
-Đồng bào quốc nội và hải ngoại.
-Quý chiến hữu Quân lực VNCH và Cảnh Sát Quốc Gia VNCH:
“Hồi ức giờ thứ 25 của lịch sử”. Tác giả là cựu Thiếu Tá QLVNCH nguyên Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn Thanh Long 530/ĐP Thiếu tá  Phan Văn Phước, một Tiểu Đoàn trưởng can trường, xuất sắc của Quân Lực VNCH và của Quân Khu 4, Vùng 4 Chiến Thuật.
Ông là một chứng nhân của lịch sử vào giờ  thứ 25 tại  Quân Khu 4, vùng 4 Chiến Thuật, của Thiếu Tướng Tư Lệnh Nguyễn Khoa Nam.
Xin Trân trọng giới thiệu và xin phổ biến rộng rãi.
Trân Trọng

Liên Thành.
Trung tâm Trưởng Trung Tâm Điều hành UBTTTADCSVN.

                                                      ***  
“Hồi Ức Giờ Thứ 25 Của Lịch Sử” Ủy ban của chúng tôi cũng dã post vào trang Web của Ủy Ban: Ubtttadcsvn.com.

                                                        ***  
          KỶ NIỆM  NĂM 41 NGÀY ĐAU THƯƠNG CỦA DÂN TỘC.
                             30.4.1975 – 30.4.2016
                                HỒI ỨC GIỜ THỨ 25 CỦA LỊCH SỬ

Tiểu đoàn Thanh Long/530/ĐP/ Biệt Lập có KBC. 4005 thuộc TK/KiênGiang/ Quân Khu 4,  hoạt động vùng Kiên Lương – Hà Tiên,  bao trùm luôn mật khu Trà Ten, tôi cùng ba đại đội 2, 3 và 4 trong số 5 đại đội của Tiểu đoàn đang hành quân ở đó, chúng tôi được đặt dưới quyền chỉ huy HQ của Bộ Chỉ Huy HQ Sư Đoàn 9.  Vào lúc 03.45 sáng ngày 24.04.1975, chúng tôi nhận được công điện hỏa tốc của BTL/QĐIV/QK4: “Đơn vị đóng quân tại chỗ chờ lệnh. Stop/-  Riêng Tiểu Đoàn Trưởng chuẩn bị sẵn sàng trước 07.00 sáng, sẽ có trực thăng đến đón về Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn IV/Quân Khu 4 để dự phiên họp đặc biệt. Chi tiết sẽ cho biết sau. Hết./. Đúng giờ ấn định, một chiếc trực thăng đến đón tôi, trên trực thăng có 3 Thiếu Tá đã ngồi sẵn, trong đó có 2 Th/Tá Quận Trưởng và Thiếu tá Nguyễn văn Mừng/TĐT/ĐP/ BL/TK/Châu Đốc là bạn cùng khóa Chỉ huy Tham mưu Cao Cấp với tôi, rồi trực thăng tiếp tục bay lên Hà Tiên để đón Thiếu Tá Quận Trưởng Cao Ngọc Vân. Sau cùng chúng tôi trực chỉ BTL/QĐIV/QK4....Chúng tôi cùng tiến về phòng họp của BTL/QĐIV/QK4, tại đây đã có rất nhiều vị Tỉnh Trưởng, Quận Trưởng, Liên Đoàn Trưởng/ĐPQ và 5 hay 6 Tiểu đoàn Trưởng/ĐP/Biệt Lập như chúng tôi. Mọi người đều thắc mắc, bàn tán, không biết họp bàn về vấn đề gì quan trọng mà sao đông đủ quý vị chỉ huy của toàn Quân Khu 4. Sau phần nghi lễ thường lệ, Đại Tá Trương Dềnh Quây, Tham Mưu Trưởng QĐ giới thiệu thành phần chủ tọa, phòng họp hoàn toàn im lặng như đang  chờ đợi một điều gì vô cùng quan trọng! Mở đầu, Thiếu Tướng Tư Lệnh QĐIV kiêm QK4 Nguyễn Khoa Nam với gương mặt nghiêm trọng ẩn chứa một thoáng buồn, người nói: “Tổ Quốc lâm nguy, lâm nguy! Người bạn đồng minh Hoa Kỳ của chúng ta đã thật sự phản bội, bỏ rơi chúng ta!..Giờ đây, chỉ có chúng ta tự cứu. Bằng cách chúng ta phải chiến đấu tử thủ để bảo toàn lãnh thổ QĐ IV/QK 4, không để mất một tấc đất, để Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH sẽ dời về đây, cùng chúng ta chiến đấu để làm tuyến phòng thủ cuối cùng để chờ...chờ. Lệnh hành Quân Tử Thủ bắt đầu có hiệu lực kể từ giờ phút nầy, hôm nay. Lệnh HQ chi tiêt và phóng đồ HQ sẽ gởi đến sau.” Tiếp theo là những chỉ thị và lời dặn dò bổ túc do Chuẩn Tướng Tư Lệnh Phó QĐIV/QK4 Lê văn Hưng ban hành. Sau khi nhị vị Thiếu Tướng và Chuẩn Tướng trả lời một số câu hỏi và giải quyết mọi thắc mắc, phiên họp đã chấm dứt một cách vội vàng để mọi người có thời gian về chuẩn bị cho kế hoạch HQ tử thủ. Chúng tôi ra về không ngớt bàn tán, đến nỗi quên cả chào từ giã như thường lệ. Vì mỗi người chúng tôi đều mang trong lòng một tâm trạng nặng trĩu với bao nỗi lo âu vì trách nhiệm quá nặng nề, khó khăn chồng chất trước mặt, trong đó là hỏa lực tác chiến bị hạn chế, hỏa lực yểm trợ Phi Pháo không còn như trước nữa, vì nguồn tiếp tế nhiên liệu, đạn dược hầu như đã cạn. Đặc biệt vấn đề trực thăng tải thương giờ đây không còn nữa, tức là phải tự túc!

Chúng tôi được huấn luyện theo binh thư của người Mỹ áp dụng trong chiến tranh trận địa chiến. Trong thế công cũng như trong phòng ngự phải dùng tối đa hỏa lực phi cơ, pháo binh và hải pháo cũng như các phương tiện chiến tranh hiện đại để tiêu diệt địch hay san bằng các mục tiêu để tạo chiến thắng.v...v.. Đây là cách thức đánh giặc theo kiểu “Nhà Giàu”, đúng như lời của một Danh Tướng tài ba của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, Thiếu Tướng Fox Conner: “ Hãy cho tôi phương tiện rồi hãy nói đến chiến thắng”. Thế mà hôm nay người bạn đồng minh Hoa Kỳ đã nhẫn tâm phản bội khi họ đã nuốt lời hứa và đã bỏ rơi chúng ta một cách tàn nhẫn, không thương tiếc! Họ không những đã rút hết trên 500 ngàn quân về nước, mà còn cắt đứt mọi nguồn tiếp tế vũ khí, nhiên liệu, phương tiện chiến tranh! Đặc biệt nhất, họ đã đành đoạn từ chối viện trợ 300 triệu sau cùng, trước lời thỉnh cầu vô cùng khẩn thiết hay là lời vay mượn có hoàn trả của TT Nguyễn Văn Thiệu để cứu vãn Miền Nam VN khỏi sụp đổ trước họa xâm lăng của CSBV. Trong lúc đó lực lượng CSBV lại được các nước CS Quốc Tế anh em hết lòng giúp đỡ và viện trợ tốt đa để dứt điểm Miền Nam VN thân yêu của chúng ta! Do đó, chúng tôi từ một quân đội đánh giặc theo kiểu nhà giàu nay phải thay đổi chiến thuật đánh giặc theo kiểu nhà nghèo! Nghĩa là chúng ta phải chiến đấu tử thủ đến giọt máu cuối cùng bằng kinh nghiệm, trí thông minh, sự khôn khéo và bằng chính sinh mạng của  mỗi người chiến sĩ của QĐIV/QK4. Chúng ta thề tử thủ cho Tổ Quốc và Quân Đội sống còn và đồng bào được sống trong tự do hạnh phúc. Trực thăng đưa chúng tôi trở về đơn vị để chuẩn bị thi hành nhiệm vụ đã ấn định.

Thời gian vốn qua nhanh, nhưng với chúng tôi lúc nầy, thời gian trôi đi thật chậm!  Các đơn vị vẫn tiếp tục giao tranh, những báo cáo giết được địch, thu được chiến lợi phẩm cũng như thương vong của ta vẫn tiếp tục tới tấp gởi về! Mối ưu tư tột cùng của chúng tôi là làm sao săn sóc các thương binh trong hoàn cảnh cực kỳ thiếu thốn và khó khăn nầy để bảo toàn sinh mạng cho anh em! Lệnh giới nghiêm toàn vùng đã ban hành, đường sá vắng tanh không phương tiện di chuyển, chúng tôi phải tản thương tự túc bằng võng, bằng xuồng, bằng nghe gắn máy đuôi tôm đến các Bệnh Xá hay Y Trạm gần nhất! Để tự trấn an mình về nỗi lo âu trước sự sống còn của các anh em binh sĩ bị thương, tôi chỉ biết thành tâm nguyện cầu cho anh em, vì giờ đây tất cả sinh mạng họ đều ngoài tầm tay của chúng tôi! Ngày và đêm trở nên dài hơn, ngày thì chạm địch, đêm thì giao tranh, bị pháo kích thường xuyên v...v, anh em chúng tôi hầu hết đều bơ phờ, mất ngủ triền miên, nghĩa là thèm...thèm ngủ!....

Trưa ngày 25.04.1975,  một chiếc quan sát L.19 bay qua đầu, rồi liệng vòng đáp xuống phi trường Kiên Lương có chở Trung Tá Vương văn Trổ, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng TK/Kiên Giang, tôi cứ ngỡ Tr/Tá VVTrổ lên đây để thị sát mặt trận và gắn lon Thiếu Tá cho tôi theo như lời thông báo của Trung Tâm Hành Quân TK/KG và Đại Úy Trần hoàng Hai phụ tá Phòng Tổng Quản Trị/TKKG. Nào ngờ, vì quá hăng say trong công việc, Tr/T VVTrổ chỉ quan tâm đến thị sát mặt trận cùng thanh tra các tuyến phòng thủ và ban hành các chỉ thị cần thiết, rồi vội vã lên máy bay ra về, vì bận có cuộc họp sau đó. Phần tôi vì quá bù đầu, bận tâm với nhiều công việc cấp bách và các chỉ thị vừa ghi nhận, nên cũng quên lững việc “gắn lon Thiếu Tá”, mặc dù phó bản quyết định thăng cấp Thiếu Tá kể từ ngày 01.01.1975, do ông Tổng Trưởng Quốc Phòng ký ngày 27.02.1975 đang nằm trong túi áo trên và cặp lon Thiếu Tá mới toanh được đặt trong lọ dầu chải đầu Tancho của Nhật và cuốn Niên Giám Thăng Thưởng Thường Niên 1975 phần đệ nhất tam cá nguyệt đã mở sẵn và “highlight” tên họ của tôi, Phan Văn Phước đang để trên bàn! Sự đời có rủi ắt có may như chuyện “Tái ông mất ngựa” trong Cổ Học Tinh Hoa! Nên sau ngày 30.04.75, khi bị đi “Tù Tập Trung” tôi chỉ khai là Đại Úy Tiểu Đoàn Trưởng thay vì khai “Thiếu tá TĐT và Trung Tâm Phó TT/Phượng Hoàng”, nên chỉ ở tù có 7 năm tại Miền Bắc VN mà thôi! Sau nầy, khi đi du lịch qua Mỹ, tôi có liên lạc thăm hỏi Tr/Tá VVTrổ và kính lời cảm ơn ông, đồng thời có nói đùa: “Trung Tá còn nợ em cặp lon Thiếu Tá !” Ông cười và nói tiếp lời tôi: “Đúng, tôi xin lỗi, tôi còn nợ anh, nhưng Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam cũng còn nợ tôi cặp lon Đại Tá... hì  hì”....

Ngày 27.04.1975, vào lúc 15.45 chiều, chúng tôi nhận lệnh qua hệ thống truyền tin: “Chuẩn bị bãi đáp, 20 phút nữa, Thái Dương sẽ đến thăm.”Thái Dương là danh hiệu Truyền Tin của Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng TLPhó/QĐIV/QK4. Tôi đứng chờ tại bãi đáp, sau khi trực thăng đáp xuống, tôi tiến đến gần để chào Chuẩn Tướng và mời Chuẩn Tướng lên xe đưa vào BCH/TĐ để nghe tôi thuyết trình về tình hình an ninh trong phạm vị lãnh thổ trách nhiệm và diễn tiến hành quân trong những ngày vừa qua:...“Kính trình Chuẩn Tướng, đêm 25.04.75, Đại Đội 4 hoạt động vùng ven biển gần Chùa Hang đi phục kích bắn hạ 3 tên VC, tịch thu 02 súng AK.47. bên ta có hai binh sĩ bị thương, một nhẹ, một nặng, tất cả đã được tải thương về bệnh xá Kiên Lương”. Chuẩn Tướng hỏi: “VC thuộc đơn vị nào?” Tôi trả lời: “Qua trang phục, tôi đoán họ thuộc bộ đội địa phương vì bọn họ không mang giấy tờ gì cả, ngoài 4 qủa lựu đạn nội hóa và 1 gói cơm vắt với bọc muối hòa với ớt và bột ngọt”. Tôi trình bày tiếp: “Cùng đêm 25.04.75, Đại Đội 2 đóng ở  Mật Khu Trà Ten bị địch tấn công, nhưng nhờ có đơn vị đi tiền đồn đã phát hiện sớm và chạm địch từ xa, nên căn cứ của ĐĐ2 do Trung Úy Nguyễn văn Nhánh chỉ huy đã sẵn sàng tư thế chiến đấu ngay từ giờ phút đầu. Vì mất yếu tố bất ngờ, nên bọn CSBV đã thất bại sau hai lần nỗ lực tấn công, cuối cùng bọn chúng phải tháo lui. Rạng ngày 26.04.75, sau khi lục soát chiến trường, địch để lại 4 xác và ta bắt sống một tên CSBV bị gẫy chân nằm trốn dưới mương. ta tịch thu 3 súng AK.47 và 7 ống mìn tự chế để công phá hàng rào mở đường cho cuộc tấn công đồn và nhiều chất nổ khác...” – “Họ thuộc đơn vị nào?” – “Kính thưa họ thuộc đơn vị Công Trường 9 CSBV,  đã xâm nhập vào Bưu Trạm 75 và 80 trong vùng mật khu Trà Ten.”....Qua phần thuyết trình, tôi nhận thấy Chuẩn Tướng vừa gật đầu vừa cười đầy vẻ hài lòng, cuối cùng Người nói: “Tôi có lời khen ngợi tinh thần chiến đấu gan dạ của anh em, gắng lên.” Sau đó Chuẩn Tướng muốn đi quan sát hệ thống phòng thủ và phối trí hỏa lực của toàn đơn vị....Tôi tiễn Chuẩn Tướng ra về, khi gần đến bên chiếc trực thăng đã đậu sẵn, Chuẩn Tướng dừng lại và quay mặt về hướng tôi, tôi đứng nghiêm chào, Chuẩn Tướng chào lại và tiến về hướng tôi đưa tay cho tôi bắt, tôi bước lên một hai bước để bắt tay Chuẩn Tướng. Thay vì bắt tay như thương lệ,  Chuẩn Tướng đã nắm lấy ngón cái của tôi, nên tôi phải nắm lấy ngón tay cái của Chuẩn Tướng. Kế đến Chuẩn Tướng bước thêm một hai bước nữa cho gần tôi hơn và cánh tay trái của Người đã ôm choàng lấy người tôi, nên tôi cũng ôm choàng lấy thân hình của Chuẩn Tướng. Bên tai tôi, Người căn dặn:“Hãy cố gắng lên, đây là trận chiến quyết định cuối cùng. Hãy chiến đấu tử thủ quyết liệt và kiên cường để xứng đáng là chiến sĩ của QLVNCH mà Tổ Quốc và đồng bào đang mong đợi.” Chuẩn Tướng vừa nói vừa vỗ nhẹ vào lưng tôi như nhắn gởi bao lời tâm huyết. Tôi kính cẩn trả lời: “Dạ, em xin tuân lệnh, xin Chuẩn Tướng yên tâm và tin tưởng.”  Sau đó Chuẩn Tướng lên trực thăng, ngối trên trực thăng, Người nhìn tôi và vẩy tay chào, miệng cười nhưng đôi mắt hình như thầm thoáng một nét buồn u uẩn, làm cho tôi cũng buồn theo và đứng đó nhìn theo chiếc trực thăng chở Chuẩn Tướng, mãi cho đến khi đã khuất dạng trong bầu trời có nhiều mây đen vần vũ và tôi đã trở lại tiếp tục công việc phòng thủ mà lòng thấy buồn như linh cảm một điều gì không hay! ........

Sau 41 năm, Hôm nay ngồi ghi lại những kỷ niệm nầy, lòng tôi vô cùng bùi ngùi thương tiếc Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, một cấp chỉ huy can trường trên chiến địa “Anh hùng An Lộc” nhưng rất lịch sự, hiền hòa và đầy nhân đức với dáng dấp của một văn nhân thi sĩ hơn là một vị võ tướng. Những lời căn dặn chân tình sau cùng đầy cương quyết, nặng tình thiết tha với Tổ Quốc và Dân tộc, những cái vỗ vai trìu mến đầy tình huynh đệ chi binh  và cái bắt tay khác thường khó quên đang hiện rõ nồm nộp trong trí tôi như mới diễn ra ngày hôm qua! Nào ngờ cái bắt tay khác thường đó là cái bắt tay cuối cùng và những lời dặn dò thiết tha đó là lời trăn trối, biệt ly ngàn trùng xa cách! Tuy xa cách Người nhưng hình dáng và phong thái của Người vẫn mãi mãi trong tâm trí tôi, đặc biệt nhất vào mỗi mùa quốc hận 30 tháng 04 hằng năm lại về.

Mặc dầu đã có “Lệnh Buông Súng Đầu Hàng của TT. Dương Văn Minh lúc 10 giờ sáng ngày 30 tháng 04 .1975”, nhưng đơn vị chúng tôi đã tuân hành lệnh của các cấp chỉ huy trực tiếp và vẫn tiếp tục “chiến đấu Tử Thủ đến 01.giờ 45 phút sáng ngày 01. 05. 1975.” Chúng tôi đã anh dũng chiến đấu trong cô đơn, không có yểm trợ, không có tiếp tế, không có tải thương, Không Có Cấp Chỉ Huy và không có quân bạn bên trái, bên phải,  trước mặt hay sau lưng để liên lạc, để xin yểm trợ hay xin lệnh kế tiếp. Bởi vì Thiếu Tướng Tư Lệnh Nguyễn Khoa Nam Và Chuẩn Tướng Tư Lệnh Phó Lê Văn Hưng đã Tuẩn Tiết lúc 10 giờ tối 30 tháng 04.75 mà chúng tôi không hề hay biết, vẫn tiếp tục chiến đấu và tiếp tục gọi máy truyền tin để liên lạc nhưng không có một ai trả lời, hay trong lúc BCH/Hành Quân/SĐ9 và Trung Tâm/HQ/ TKKG đã bỏ ngõ từ lúc nào mà chúng tôi cũng không rõ nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục chiến đấu và vẫn tiếp tục liên lạc nhưng tất cả đều im lặng như tờ!

Chúng tôi vẫn tiếp tục anh dũng chiến đấu trong cô đơn bên cạnh vợ, con và gia đình Binh Sĩ, họ là những chiến sĩ vô danh, không có số quân, không được hưởng lương giống như quý vị lương cao, bổng hậu, nhưng trong giờ phút Tổ Quốc lâm nguy thì họ cùng vợ con gia đình hay cùng với thuộc cấp của mình đã cao chạy xa bay để tìm hạnh phúc cho bản thân và gia đình, trong khi các chiến hữu của họ  đang âm thầm tiếp tục anh dũng chiến đấu trong gian khổ hy sinh để bảo vệ Tổ Quốc và đồng bào trong cơn nguy biến!....Tại sao tất cả đều “Im Lặng Vô Tuyến” không có một ai lên tiếng trả lời, mặc dầu chúng tôi đã dùng mọi phương tiện truyền tin kể cả “quay đầu bò” để gởi các điện văn (tích tích, tè tè) hỏa tốc; nhưng chỉ còn nghe tiếng rè rè từ máy truyền tin vọng lại thật là ai oán não nề đáng ghét! Lòng vô cùng bồn chồn, lo lắng và phân vân tột độ! Bồn chồn lo lắng không phải vì sợ lửa đạn chinh chiến mà vì không có cấp chỉ huy, không có yểm trợ, không có bạn bè, trong lúc các đơn vị  vẫn tiếp tục chạm súng và thương vong! nên cảm thấy vô cùng cô đơn, hoang mang, mờ mịt như người đi lạc trong rừng không có địa bàn, không thấy mặt trời để định hướng! Trong giờ phút quan trọng của lịch sử nầy, chỉ cần một quyết định sai lầm, thiếu chính xác của cấp chỉ huy sẽ ảnh hưởng đến sinh mạng của hằng trăm binh sĩ và thân nhân gia đình họ hay sẽ mang trọng tội với Tổ Quốc và Dân tộc!   Tại sao...Tại sao tất cả đều im tiếng, không lẽ bạn bè anh em mình chết hết cả rồi hay sao!?..Lòng chúng tôi vô cùng hoang mang, bồn chồn, nôn nao như lửa đốt, điên cả người muốn chết được!.....Cuối cùng khoảng lúc 01 giờ 30 sáng ngày 01. 05. 75, trên hệ thống truyền tin PRC/25 và cả máy PRC/46 có tiếng nói, thầy trò chúng tôi vui mừng vô kể! Nhưng sau khi nghe kỹ lại, tôi nhận ra giọng nói Quảng Bình–Nghệ An, đúng là giọng nói của dân quê  “Bạc!”. --Họ bảo: “Yêu cầu buộngsụng đầu hàng, nệu không thì sẽ chệt. Nghe rọ trạ lời!”. –Tôi đáp lại: “Đi chỗ khác chơi, để chỗ cho các ông làm việc. Có ngon, xin mời đến đây, sẽ biết!” Việc VC vào hệ thống truyền tin chưởi bới nhau là chuyện thường tình xảy ra, không quan trọng. Cuộc đối thoại kéo dài độ 5,7 phút, thình lình có một giọng nói chững chạc, có lẽ là cấp chỉ huy, phát âm theo giọng Hải Phòng: “Xin nỗi ai đầu máy, hãy nghe đây, cấp chỉ huy của các anh đã chết, có người đã đầu hàng và đang bàn rao. Các anh còn đấm đá cái gì lữa. Buông súng đầu hàng đi, không kẻo chết!”

Tất cả mọi người chúng tôi trong hầm Chỉ Huy Hành Quân như chết lặng, đứng như trời trồng! Bàng hoàng, nửa mơ nửa tỉnh! Im lặng ngơ ngác mà nhìn nhau, không ai nói nên lời. Thời gian trôi nhanh mà lại chậm, tuy chậm mà lại nhanh! Tôi hít vào và thở ra những hơi thở gấp và sâu như để lấy lại bình tĩnh vì tôi không biết tình hình ở Bộ Tư Lệnh QĐ IV/QK 4 và BCH//HQ/SĐ9 và TT/HQ/TK/KG như thế nào! Cuối cùng, tôi vừa suy nghĩ, tôi vừa gọi: “Giới chức, giới chức, Thanh Long gọi, trả lời”. -- Có người đáp: “Tôi nghe đây, lói đi.” --Tôi hỏi: “Xin lỗi, giới chức là ai và đang ở đâu gọi tôi, trả lời” Vẫn giọng nói Hải Phòng đáp: “Chúng tôi nà QĐCM, đang đứng tại BCH /Tiểu Khu/KG của các anh, trả nời” – Tôi hỏi tiếp: “ Yêu cầu cho tôi nói chuyện với Sĩ Quan Trực, trả lời” -- Có tiếng đáp lại: “Không có SQ Trực lào cả, chỉ có QĐCM mà thôi. Hãy buông súng đầu hàng, nhớ treo một Tấm Vải Trắng bên cạnh một cây Đèn Bão, để QCM biết nà các anh đã đầu hàng và sẽ không lổ súng. Chờ đấy, sẽ có QCM đến tiếp thu bàn rao”.

Ôi Trời Ơi! Chúng con điên mất cả rồi! Mọi người trong hầm Chỉ Huy HQ ngao ngán muốn chết được! Ngoài sân cờ, binh sĩ và vợ con đang nghe ngóng, mọi người nhốn nháo! Ở góc nầy, có nhiều Binh Sĩ thét lên....thét lên “Trời Ơi Là Trời” vì tức tối! Đằng góc kia có lắm kẻ thụt thùi khóc trong nghẹn ngào, tức tưởi. Nhiều chị, vợ của anh em binh sĩ chạy đến nắm cánh tay tôi lắc lắc: “Anh Hai, mình chưa thua mà Anh Hai! Tại sao mình phải buông súng đầu hàng, Anh Hai? Không đầu hàng! Xin Anh Hai phát súng hay lựu đạn cho chúng em, tụi em biết xử dụng mà Anh Hai!” Nhìn những gương mặt các chị, các em tràn trụa nước mắt, ngơ ngác, đau khổ với những câu hỏi tại sao, tại sao ? Lòng tôi nghẹn ngào không nói được, lồng ngực đau nhói, như người mất hồn, đi lửng thửng nhìn lên bầu trời đêm tối đang phủ đầy  những đám mây đen nghịt, trần mây thật thấp và đang cuồn cuộn lấy nhau hòa lẫn trong những tiếng sét kinh hoàng và ánh chớp vô cùng ghê rợn. Ôi cả một màu đen u ám, rờn rợn như cảnh trời đất sắp tận thế! Báo hiệu một màu đen tang thương, đau buồn cho cả Dân Tộc, cho cả quê hương VN đau thương kể từ đây!.....

Bỗng nhiên, tôi nghe nhiều tiếng la lớn thất thanh, gần cổng chánh: “Song...Song mầy nghe đây, hãy nghe Bố nói Song...Song!” Thì ra, đó là những tiếng hét của Đại Úy Tiểu Đoàn Phó Lý Thọ Trường. Tôi chạy nhanh về Cổng Chánh thì chứng kiến cảnh Trung Úy Nguyễn Hoàng Song, Đại Đội Trưởng ĐĐ1, đang rút chốt lựu đạn tự tử, nhưng Đại Úy LTTrường là Bố nuôi của Tr/úy Nguyễn Hoàng Song, vừa làm chủ hôn đám cưới cho vợ chồng Song đầu tháng giêng 75, đang lớn tiếng nhắc nhở nhiều lần cho Song biết: “Song, Song vợ mầy đang mang thai, mầy nghe rõ chưa...rõ chưa?  Và nhiều chiến hữu khác đang can thiệp và ngăn chặn kịp thời; Nếu không thì đã gây thương vong rất nhiều, vì có nhiều Binh Sĩ và gia đình thân nhân Binh Sĩ đang đứng quanh quẩn, đầy cả sân cờ!...Mọi việc như tạm ổn, sau khi lấy lại bình tỉnh, tôi nhờ Đ/úy LTTrường tập họp BCH/TĐ, Đại Đội I, ĐĐ/Chỉ Huy Công Vụ, Trung đội Trinh Sát và Khẩu đội 4.2 (106 ly)  tại sân cờ và yêu cầu tất cả vũ khí cá nhân đều tháo băng đạn và làm hai phát an toàn, đồng thời gom toàn bộ vũ khí đạn dược lại, để một nơi cách xa hàng quân, không cho ai lại gần, để đề phòng những kẻ đục nước béo cò trong lúc tang gia bối rối, hầu bảo vệ sanh mạng cho toàn thể đơn vị trong giờ thứ 25! Phân công tất cả SQ và HSQ đi kiếm soát từng hàng quân một. Phần tôi xuống hầm Chỉ Huy Hành Quân, ban hành lệnh tan hàng và những lời từ biệt cùng các Đại Đội Trưởng/ĐĐ 2, ĐĐ 3 và ĐĐ4...

Sau khi đơn vị tập họp xong, tôi nói lời cuối cùng với các chiến hữu thân thương của tôi: “Cùng các chiến hữu thân mến, trước đây cũng tại sân cờ nầy, bản thân tôi đã yêu cầu các chiến hữu cùng tôi chiến đấu tử thủ đến giọt máu cuối cùng, theo lệnh của thượng cấp. Hôm nay, Tổ Quốc VN chúng ta đang bước vào một khúc quanh lịch sử vô cùng quan trọng! Là quân nhân, chúng ta phải tuân hành mệnh lệnh của cấp chỉ huy, nên tôi tuyên bố buông súng, không còn chiến đấu nữa, kể từ giờ phút nầy...Chúng ta hãy giành một phút để tưởng niệm các đồng đội đã hy sinh dưới ngọn cờ vàng ba sọc đỏ của Tổ Quốc VN Thân yêu và cờ của TĐ/Thanh Long/530/BL.” Bỗng tôi im lặng, đổi sang thế đứng nghiêm và cúi đầu tưởng niệm, tất cả mọi người trong các hàng quân đều tự động làm theo. “Thành thật cảm ơn toàn thể các chiến hữu, cảm ơn các chị, các em đã cùng chồng, con mình chiến đấu hết lòng đến giờ thứ 25 của lịch sử. Tôi xin hoàn trả cuộc đời dân sự cho các bạn với một thân hình nguyên vẹn. Đó là trách nhiệm tinh thần của một cấp chỉ huy mà tôi luôn cố gắng giữ gìn và bảo vệ. Thân mến cầu chúc các bạn một cuộc sống mới tràn đầy hạnh phúc bên mái gia đình êm ấm, thuận hòa.” Nghiêm, chào tay... chào. “Thân mến chào tạm biệt các bạn.”

Lời phát biểu của tôi vừa dứt, hầu như mọi người đều khóc trong tức tưởi nghẹn ngào, đầy thương cảm! Anh em binh sĩ họ ôm chầm lấy nhau, họ chạy lại ôm lấy tôi, các chị, các em vợ lính đến nắm lấy tay tôi khóc, trong tiếng sụt sùi, nức nở, cảnh tượng trông thật đau lòng! Trong lúc đó vợ tôi cùng nhiều vợ con binh sĩ đang đứng ở trên văn phòng nhìn xuống cũng đau khổ nghẹn ngào và khóc theo! Ôi làm sao tả hết nỗi đau thương, trìu mến, bùi ngùi nầy, vì từ nay “Đường ai nấy đi!”...Thật là một cảnh tượng đau buồn với bao tâm trạng khác biệt chồng chất, lẫn lộn thật khó tả, suốt đời không quên.  Sau đó anh em chúng tôi âm thầm lặng lẽ chia tay nhau mỗi người đi mỗi phương, cùng nhau lần lượt rời khỏi vị trí càng nhanh càng tốt vì sợ bọn hạ tầng cơ sở vc nằm vùng hay những tên “VC 30”nổi lên thanh toán, giết bậy để lập công. Chúng tôi đã cố tình không thắp đèn bão, không treo cờ trắng để đầu hàng và không bàn giao đúng theo lời yêu cầu của CSBV. Vì chúng tôi không đầu hàng mà chỉ làm lễ tan hàng trong trật tự và kỷ luật đúng theo lễ nghi quân cách của QLVNCH.

Trên đường đi lánh nạn, vợ chồng chúng tôi lầm lũi đi trong mưa to, gió lộng bốn bề, cố nhanh chân tìm đến nhà dân để mướn ghe thoát khỏi vùng nguy hiểm! Đôi khi chúng tôi quay đầu nhìn lại căn cứ BCH/TĐ, tất cả đang chìm đắm trong một màu đen u ám dưới cơn mưa tầm tã nặng hột chưa từng thấy, vừa chợt đến một cách lạ thường và xa xa có nhiều ánh đèn đang di chuyển thật nhanh về phía chúng tôi và nhiều tràng súng AK cũng như lẻ tẻ đang vang vọng đâu đó, càng ngày càng gần chúng tôi hơn! Trên trời sấm sét liên hồi giống như những trái pháo, trái bom đang nổ chụp trên đầu chúng tôi, trông thật ghê rợn như là điềm trời báo trước những điều chẳng lành cho Quê Hương và Dân Tộc, đã tạo thành bức tranh đầy vẻ ảm đậm thê lương như lòng chúng tôi đang vô cùng đau buồn, hoang mang, chán chường và âu lo  không biết số phận mình, gia đình mình, đất nước mình, đồng bào mình ngày mai sẽ ra sao!?

Đêm nay 30 tháng 4  năm 2016, sau 41 năm của cái đêm kinh hoàng đầy bi tráng đó, tôi ngồi ghi lại những giây phút đau buồn nầy của TĐ/Thanh Long/530/ĐP/BL KBC.4005 mà lòng vô cùng thương tiếc cho các chiến hữu thân thương của tôi đã bất hạnh, anh dũng hy sinh trong giờ thứ 25 của lịch sử. Các bạn có tên có họ, có đơn vị, có số quân, có số súng, có số giày đầy đủ nhưng vì các bạn đã bất hạnh nằm xuống trong giờ thứ 25, nên không ai hay biết, không bạn bè tiễn đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng, mai táng không được nghe tiếng kèn truy điệu và không được phủ cờ quốc gia VN và - và không ai còn nhắc nhở đến các bạn! Các bạn đã trở thành những Anh Hùng vô danh! Chỉ có vợ, con, gia đình người thân của các bạn phải gánh chịu bao nỗi đắng cay đau thương nầy!

Đêm nay, 30 tháng 4 là ngày giỗ năm thứ 41 của các bạn, đúng vào giờ phút linh thiêng nầy, tôi xin thành kính cúi đầu tưởng niệm với chí tâm nguyện cầu cho Hương Linh các bạn luôn được bình an nơi cõi vĩnh Hằng và xin các bạn nhớ cho rằng trên trần thế nầy, còn có một cấp chỉ huy khiêm nhường, một chiến hữu thân thương của các bạn luôn tưởng nhớ và thầm cảm ơn đến các bạn; đồng thời tôi xin nguyện cầu cho các bạn thương phế binh thân thương của tôi luôn gặp mọi điều an bình và hạnh phúc.

Những giờ phút đau buồn xé nát tâm can nầy của đêm 30 tháng 4, 1975 đối với người chiến sĩ can trường ở tuổi 33, nay là một ông già 74 tuổi, nhớ nhớ quên quên, nhưng những hình ảnh oai hùng, bi tráng, kinh hoàng, rờn rợn và những tình cảm bùi ngùi, thương tiếc lẫn nghẹn ngào trong tức tưởi luôn mãi mãi trong tâm trí tôi vào mỗi mùa Quốc Hận trở về, đặc biệt nhất là đêm nay, kỷ niệm 41 năm ngày tan hàng gẫy súng của chúng ta!

           Kỷ niệm 41 năm ngày đau thương của Dân Tộc.
                          Phan van Phước, Kh.13/TĐ
                            Thanh Long. KBC.4005

                                              ***  

                      

         Hậu Quả Của Hoa Kỳ Sau Khi Bỏ Rơi Đông Dương.


clip_image002
Giáo sư Robert F. Turner
Trung tâm an ninh Luật Pháp Quốc Gia
Đại Học Luật Khoa Virginia & Học Viện Hải Quân.
(Trích trong “Những sự thật về Chiến Tranh Việt Nam)

Tôi là một sinh viên trong số tương đối ít ỏi đã thực tin rằng việc chống Cộng sản xâm lược là việc đúng của Hoa kỳ ở Việt Nam, Lào, Cambodia là đúng.

Tôi lần đầu đến Việt Nam trong một giai đoạn ngắn khi là phóng viên năm 1968, rồi quay về đi lính, bắt đầu chức vụ Trung úy rồi sau lên Đại úy rồi trở lại đó hai lần làm việc tại một bộ phận của toà Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, là Văn phòng Nghiên cứu về Bắc Việt và Việt Cộng.

Tôi có cơ hội được đi tới nhiều địa phận tại Việt nam, khoảng 44 tỉnh thành, có chỗ chỉ đi ngang qua. Tôi được qua Lào, Cambodia. Sau khi giải ngũ tôi gia nhập Hoover Institution, tôi đã viết cuốn sử quan trọng đầu tiên về “Cộng sản Việt Nam” (Anh ngữ).

Trong hơn hai chục năm, tôi đã có nhiều khóa giảng dạy tại viện Đại học Virginia về Chiến tranh Việt Nam. Vì thời giờ có hạn, tôi phải nói ngắn, nhưng trước khi đề cập tới chủ điểm của bài thuyết trình, tôi xin có thêm một lời cảnh báo, nhất là với các khán thính giả trẻ tuổi.

Rằng đa số lập luận “sáng suốt phổ biến” của người Mỹ về Chiến tranh Việt Nam thật ra lại không đúng. Rất đáng tiếc rằng điều ấy có nghĩa là đa số những gì được giảng dạy tại cấp trung và đại học lại gần với thần thoại hơn là lịch sử. Tôi chỉ xin đơn cử hai thí dụ, hai thí dụ quan trọng:

1- Ngày nay, chúng ta được nghe rằng cuộc chiến Việt Nam là “bất khả thắng”. Chúng ta đứng sai chỗ. Tôi xin được góp tiếng bên cạnh nhiều sử gia thuộc loại xuất sắc nhất ngày nay khi nêu lập luận ngược rằng chúng ta không chỉ hy vọng thắng mà thực tế đã thắng vào đầu thập niên 1970.
(Và khi nói “chúng ta”, tôi không nghĩ rằng đấy là Quân lực Hoa Kỳ mà là nỗ lực chung của hai quân đội miền Nam Việt Nam và Hoa Kỳ cùng với người dân miền Nam).

2- Chuyện gì đã xảy ra? Khi tôi tuyên bố là có thể thắng. Tôi xin đưa câu nói của người bạn thân Douglas Pike: ông Douglas Pike đã quá vãng, người mà tôi hoán đổi công vụ nhiều lần trong Sứ quán Hoa Kỳ, ông Pike nói rằng: Tôi tin rằng chúng tôi có thể đã thắng cuộc chiến Việt Nam. Tôi tin rằng trong tương lai lịch sử sẽ nói rằng chúng ta đã thắng. Đó là sự thật! Một số thí dụ sau đây sẽ chứng minh.

Có một bài viết trong báo Foreign Affairs năm 2004 do Giáo sư John Lewis Gaddis Khoa trưởng Americạn Diplomatic Historians nói rằng: Các sử gia hiện tại công nhận rằng miền Nam Việt Nam và đồng minh đã thắng cuộc chiến quân sự.
Nhưng lại thua cuộc chiến tâm lý tại Mỹ. Tôi xin nhắc lại cho quý vị trẻ biết sau khi bị bỏ bom tơi bời Hà Nội vội vã trở lại đàm phán tại Paris. Và mọi chuyện êm xuôi nếu chúng ta dùng máy bay B52 để trấn giữ hiệp định.

Nhưng quốc hội với áp lực của “Phong trào Hòa Bình” đã thông qua dự luật vào tháng Năm 1973. Sẽ là bất hợp pháp nếu Tổng Thống sử dụng bất cứ đồng nào trong công quỹ cho cuộc chiến tại Việt Nam, Lào và Cambodia. Làm như vậy, Quốc hội đã chuyển thắng thành bại. Quốc hội phản bội lời cam kết lịch sử của Hoa Kỳ là bảo vệ các nước không Cộng sản tại Đông Dương. Lúc ấy tôi làm việc tại Thượng nghị viện, nghị sĩ Ted Kennedy tuyên bố rằng “Việt Nam không cần giúp đỡ, họ đã có lượng vũ khí trị giá vô số triệu đô la”. Đó là sự thật. Việt Nam có phi cơ trực thăng, xe tăng Hoa Kỳ. Nhưng cái mà họ không biết là, Việt Nam không có đạn, không có xăng. không có phụ tùng. Đống đồ đó trở nên vô dụng. Đây là câu chuyện tôi chưa bao giờ kể cho ai nghe.

Ngay sau khi di tản từ Việt Nam về tới Mỹ, tôi gặp Nghị sĩ Ted Kennedy tại Thượng Nghị Viện. Đó là lần đầu tiên tôi gặp ông ấy khi trở về Mỹ. Ông ấy đứng cách tôi khoảng 3 mét. Tôi cung tay phải lên và tự nhủ: “mình phải cho nó biết tay, phải đấm gục hắn ta và nói cho thế giới biết rằng chúng tôi vừa mới phản bội chính danh dự của mình và bỏ rơi những người đáng yêu.” Nhưng tôi đã tự cản bản thân mình vì làm vậy sẽ ảnh hưởng đến cương vị Nghị sĩ của tôi và Ted Kennedy sẽ trở thành người hùng. Không phải là việc làm đúng đắn nhưng đôi lúc tôi nghĩ là mình đã bỏ rơi cơ hội ấy.

Sau khi Quốc Hội cắt hết viện trợ cho Việt Nam, Trung cộng gia tăng viện trợ cho Hà Nội. Phạm Văn Đồng nói rằng: “Được cho kẹo tụi nó cũng không dám quay lại”. Đó là lý do của sự thất bại tại chiến trường Việt Nam.

Quân nhân Mỹ, QLVNCH, và miền Nam Việt Nam không bị bại trận,
mà thua vì cái gọi là “tự do” của Quốc hội Hoa Kỳ.

Điểm thứ 2 tôi muốn đưa lên là: Việt Nam rất quan trọng. Họ cho rằng Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến “phi lý” tiến hành không lý do chính đáng, do hiểu lầm về vụ đụng độ không đáng kể ở Vịnh Bắc Bộ. Thật sự là ngớ ngẩn.

Tôi đã viết 450 trang trình bày trong luận án đạt giải danh dự năm 1976. Tôi đã ghi lại vào tháng 3 năm 1975 đảng Lao động của Cộng sản Việt Nam đã quyết định từ Tháng Năm năm 1959 là mở ra đường mòn Hổ Chí Minh và gửi vào Nam hàng ngàn lính và vô số chiến cụ với mục đích lật đổ chính phủ trong Nam. Đây là hành động xâm lược quốc tế và vi phạm Hiên chương Liên hiệp quốc. Hoa Kỳ tham chiến để giúp người dân miền Nam tự vệ vì cùng một lý do như việc chúng ta tham chiến tại Cao Ly, nhằm bảo vệ tự do của con người và thực thi việc chống xâm lược đã được ghi trong Hiến chương Liên hiệp quốc.

Trong cuốn sách “Cộng sản Việt Nam” xuất bản năm 1975, Hà Nội đã nhiều lần xác nhận sự thực đó từ Tháng Năm năm 1959 ngay ngày sinh nhật Hồ Chí Minh. 10 năm trước, chúng tôi đã thảo luận tại Đại học LuậtVirginia về vấn đề hợp pháp này. Luật quốc tế và Hiến chương Liên hiệp.

Không thể thảo luận nối vì Hà Nội lập luận rằng đó là nội chiến trong miền Nam VN v.v... hãy bỏ qua 1 số điểm vì thời gian có hạn.

Tôi nêu lên hậu quả của việc bỏ rơi VN.

Tôi có thể nói hoài về việc người Mỹ bỏ rơi Việt Nam. Tôi là người đứng ngay trong trận khi Quốc Hội biểu quyết không giúp đỡ Angola vì sự xâm lăng của Xô Viết. Kết quả nạn nhân bị tử vong ở đấy được ước lượng là không dưới trăm ngàn người.

Đến việc Liên Xô xâm chiếm Afghanistan khiến cả triệu người chết. Sẽ không xảy ra nếu chúng ta không rút lui.

Và lần đầu tiên trong sáu chục năm, Moscow bảo với tay sai của họ ở Mỹ châu La Tinh rằng tiến hành “đấu tranh võ trang” để cướp chính quyền thì cũng được, từ đấy mới xảy ra nội chiến tại El Salvador, Nicaragua, Honduras, Guatemala, Costa Rica và các nước khác trong vùng. Vô số người lại thiệt mạng vì chuyện đó. Một số lớn súng M16 tịch thu được từ quân phiến loạn El Salvador, căn cứ theo số xê ri là súng bỏ lại tại chiến tranh VN của quân đội Mỹ. Hà Nội đã cung cấp cùng với Xô Viết qua đường Cuba rồi đưa lậu qua El Salvador.

Đối với những người nói chiến tranh VN là phi lý. Họ đã sai.

Nhưng hôm nay tôi không muốn tập trung về các vấn đề dù rất quan trọng là địa dư chiến lược. Tôi muốn nói về hậu quả của quyết định của Hoa Kỳ đối với con người.

“Phong trào hòa bình” – của phe phản chiến – trấn an chúng ta rằng Hoa Kỳ chỉ lần rút quân và chấm dứt chiến tranh thì mình sẽ phát huy “nhân quyền” và “ngăn nạn tàn sát”. Tôi rất ngại nói về những gì xảy ra tại Việt Nam sau khi Hoa Kỳ triệt thoái, vì trong hội trường này và tại khu “Little Sàigon” có nhiều người đã trực tiếp nếm mùi và biết rõ hơn những gì mà mọi “học giả” Mỹ có thể muốn biết. Nhưng có một số sự thật thì đã rõ ràng.

Hãy trước tiên nói về nhân quyền. Tháng Tư năm 1975, khi sự chiến thắng của Cộng sản đã thành công trước mắt mọi người, Đệ nhất Bí thư đảng Lao Động là Lê Duẩn đã tuyên bố rằng
: sau khi “giải phóng” Miền Nam, chúng ta sẽ biến nhà tù thành trường học”. Tới Tháng 10 năm 1978, nhật báo Times đầy uy tín tại Luân Đôn đã báo cáo sự thật: Cộng sản Việt Nam đã biến nhà trường và cô nhi viện thành nhà tù vì họ có quá nhiều tù nhân.

Điều 11 của Hiệp định Paris ký kết năm 1973 cấm “mọi hành vi trả thù hay kỳ thị các cá nhân hay tổ chức đã hợp tác với một phe bên này hay bên kia”, và còn rõ ràng bảo đảm quyền tự do báo chí, tôn giáo, tự do sinh hoạt chính trị và một loạt những quyền thiêng liêng khác. Vậy mà

Tháng Năm năm 1977, tờ Quân đội Nhân dân công khai thông báo
“triệt để cấm mọi hành vi chống lại chế độ và tước hết mọi quyền tự do của những kẻ không tin vào xã hội chủ nghĩa”. Bài báo tuyên bố: “Với bọn phản cách mạng... nhân dân ta dứt khoát xoá bỏ quyền tự do ngôn luận và trừng phạt đích đáng”.

Sau đó, một dân biểu duy nhất của Quốc hội Việt Nam Cộng Hòa được phép tham gia cái gọi là “Quốc hội Thống nhất” đã tuyên bố: Chế độ CS cai trị bằng bạo lực và khủng bố. Không có tự do di chuyển hay lập hội; không có tự do báo chí hay tự do tôn giáo hay... cả quyền tự do có ý kiến riêng... Sự sợ hãi tràn ngập khắp nơi”

QUYỀN TỰ DO BÁO CHÍ

Tháng Chín năm 1970, Trưởng phòng Sài Gòn của tờ Christian Science Monitor là Daniel Sutherland - ông bạn của tôi vào thời ấy - có viết một bài dài về “quyền tự do báo chí” trong Nam. Ông viết: “Dưới bộ luật báo chí mới, Miền Nam bây giờ có một nền báo chí thuộc loại tự do nhất Đông Nam Á...”. Tôi tin chắc rằng mình không là người duy nhất trong hội trường này có thể xác nhận điều ấy. Riêng Sài Gòn thì đã có hơn ba chục tờ báo, và nhiều tờ trong số đó kịch liệt chống chính phủ.

Dĩ nhiên là để thu thập dữ kiện về quyền tự do ấy, tôi thường cầm máy ảnh lang thang trong Sài Gòn vào những chiều Chủ Nhật được nghỉ.

Tôi thấy bày bán công khai những quyển sách như
“Chiến tranh Nhân dân và Quân đội Nhân dân” của Tướng VC Võ Nguyên Giáp là cuốn chỉ nam về nổi dậy của Việt Cộng, vài cuốn của lãnh tụ cộng sản Cuba là Ché Guevarra, và cả các cuốn sách về hay của Mao Trạch Đông. Sau ngày gọi là “giải phóng”, người Cộng sản chiếm đóng đã “tạm thời” đình chỉ xuất bản mọi tờ báo hay tạp chí độc lập. Chưa đầy một tháng sau, mọi tiệm sách báo đều bị đóng cửa và việc mua bán hay tàng trữ các văn hoá phẩm xuất hiện “dưới chế độ cũ!” đều bị cấm.

TÙ CHÍNH TRỊ

Một trong các vấn đề nặng nề nhất là những người chống Việt Nam thường nêu ra, là cái gọi là “chế độ phát xít” tại miền Nam đã giam giữ hơn 200 ngàn “tù chính trị”. Khi trở lại Đông Dương vào Tháng Năm 1974 - cũng là dịp thăm viếng Cam Bốt và Lào – tôi chú trọng đến việc điều tra những lời cáo giác trên.

Tôi ghé thăm Linh mục Chân Tín, nổi danh lãnh tụ của “lực lượng thứ ba”
nhưng có lẽ là một cán bộ của Hà Nội. Tôi hỏi ông là tìm đâu ra con số “202 ngàn tù nhân chính trị?” Ông ta bảo rằng mình đã hỏi các tù nhân cũ và gia đình thân nhân của họ là họ nghĩ xem có bao nhiêu tù nhân.

(Tôi nghi là họ đã cộng lại tổng số của các câu trả lời). Sự thật thì thời đó chỉ có khoảng 35 ngàn tù nhân trong tất cả các nhà tù của Miền Nam.

Tôi cũng gặp một lãnh tụ khác của “lực lượng thứ ba” là bà Ngô BáThành, người nói với tôi rằng định nghĩa của bà về “tù nhân chính trị” có thể gồm cả người như­ Sirhan. Sirhan, là tay cán bộ người Palestine đã ám sát nghị sĩ Robert Kennedy vào tháng Sáu năm 1968. Mục đích của hắn, bà Ngô Bá Thành giải thích là, “chính trị” khi hắn ám sát một ứng cử viên Tổng thống rất nổi tiếng của Hoa Kỳ.

Rồi còn vụ “chuồng cọp” đầy tai tiếng tại Côn Sơn, được họ mô tả như sau: ,”… xà lim chôn dưới mặt đất với các đống sắt, đồng trên trần thay vì ở dưới. Mà trần xây thấp đến nỗi tù nhân không thể đứng được …” .”… những hố nhỏ được đào dưới đất và che bằng chấn song sắt.”

- “[Mấy hầm đó] quá hẹp cho những người Việt Nam dù thấp bé cũng không thể nằm duỗi thẳng và trần quá thấp nên tù nhân khó có thể đứng thẳng người”

Thật ra, tôi có đến đảo Côn Sơn và thăm những chuồng cọp này. Tôi nghĩ rằng chúng ta cùng đồng ý là tôi hơi cao hơn đa số người Việt Nam. Vậy mà tôi
chưa thể với tới các chấn song trên trần - vốn cao tới ba thước (khoảng 10 bộ) kể từ mặt đất lên.

Ngay cả lực sĩ Nghiêu Minh (Yao Minh) người Tầu - tay trung phong của đội bóng rổ Rocket's ở Houston bên Texas - cũng chỉ cao tới bảy bộ và sáu phân - hơn hai thước hai - nên anh ta cũng chẳng gặp khó khăn gì đề duỗi dài trong căn xà lim một bề thước rưỡi một bề ba thước của cái gọi lả “chuồng cọp”.

Ít nhất,
một số cán bộ chống Việt Nam Cộng Hòa đã từng cáo giác chuyện “chuồng cọp” biết là họ nói láo. Trước khi qua Việt Nam năm 1974, tôi nói với một người trong số này rằng tôi dự tính sẽ tới nhà tù Côn Sơn để tự mình xem tận mắt và anh ta có vẻ khó chịu – có lẽ biết rằng tôi sẽ thấy sự thật. Anh ta nói rằng vấn đề thật bây giờ chính là tại nhà tù Chí Hòa ở Sài Gòn.

Vì vậy sau khi thăm Côn Sơn, tôi xin phép vào xem nhà tù Chí Hòa và chưa đầy 48 tiếng sau đã được tới đó trong mấy tiếng đồng hồ. Đây không là nơi mà mình thích sống nhưng cũng chẳng tệ hơn đa số các nhà tù và bên trong tôi không thấy dấu vết gì của những sự lạm dụng phổ biến. Tôi nói riêng với vài người Mỹ đã từng ở trong này và họ nói rằng dù có nghe nhiều lời tố cáo nhưng tất cả đều cho biết là họ không hề nghe thấy “tiếng gào thét trong đêm vắng” hoặc được báo cáo về nạn tra tấn hay hành hạ tù nhân.

NGĂN CHẬN TÀN SÁT khi Cộng sản nắm quyền

Bi thảm nhất của những người chống Việt Nam Cộng Hòa là lý luận của họ, rằng cắt viện trợ cho Miền Nam là Hoa Kỳ sẽ “ngăn được nạn tàn sát”. Họ sai lầm tới chừng nào. Ông bạn Giáo sư R.J. Rummel của tôi (một người từng được tuyển liên tiếp cho giải Nobel Hòa Bình) ước lượng là
tổng số người bị giết sau khi miền Nam được “giải phóng” lên tới 643 ngàn.

- Khoảng 100 ngàn bị xử tử qua quít ngay sau khi Cộng sản VN chiếm được miền Nam. Qua quít là vì cũng chẳng có một hình thức tạm bợ về “tiến trình hợp pháp” hay một toà án.

- Giáo sư Rummel cho là 400 ngàn là “thuyền nhân” bị chết ngoài biển cả khi muốn thoát khỏi chê độ CSVN độc tài và đàn áp đã trùm lên quê hương. Cao ủy Tỵ nạn của Liên hiệp quốc thì cho là một phần ba những người vượt biên bằng thuyền đã chết ngoài biển - một số là vì tầu quá đông người bị chìm, hoặc chết vì đói, vì khát. Nhiều người tử nạn sau khi bị hải tặc cướp bóc và cưỡng hiếp. Cao ủy cũng tường trình rằng có khoảng 840 ngàn người tới được Hong Kong hay các nước không Cộng sản ở Đông Nam Á. Nếu áp dụng tỷ số “chết một phần ba” cho con số này thì ta đoán là có một triệu 300 ngàn người vượt biên bằng thuyền và khoảng 420 ngàn người đã chết trên đường tìm tự do. Con số không xa với ước lượng của Giáo sư Rummel.

Giáo sư Lewia Sorley, tác giả cuốn sách có giá trị của một dấu mốc là “A Better War” - một Cuộc Chiến Khá Hơn - mà tôi ân cần giới thiệu đến quý vị, cho rằng có chừng 250 ngàn sĩ quan và binh lính của miền Nam cũ đã chết trong các “Trại Cải Tạo” do chế độ Cộng sản VN lập ra.

- Khoảng một triệu rưởi người dân miền Nam bị đày vào các khu “Kinh Tế Mới” để sống trong những điều kiện nghiệt ngã và chừng 48 ngàn đã chết tại đấy. Tôi biết rằng rất đông người trong cộng đồng này có thể kể lại những kinh nghiệm thật về “Trại Cải Tạo” và khu “Kinh Tế Mới” và khuyên các sinh viên ở đây nên tìm ra họ, ghi nhận câu chuyện của họ để làm chứng liệu cho lịch sử. (Phụ chú: Đấy là chưa kể có hàng chục ngàn thanh niên đã bị "nướng" với phong trào "Thanh niên xung Phong" đi làm công tác khai khẩn đất hoang và mặt trận Kampuchia)

CĂM BỐT

Và còn chuyện xứ Căm Bốt nữa.

Khi Tổng thống Nixon gửi quân đội Hoa Kỳ sang Cam Bốt vào năm 1970 đề yểm trợ các đơn vị Việt Nam Cộng Hòa, khuôn viên các Đại học Mỹ bị đóng vì những cuộc phản đối đầy bạo động chống lại vụ xâm lược “phi pháp”.

Thật ra, về pháp lý thì y như Việt Nam, Căm Bốt là “quốc gia thành viên của Nghị định thư” - Protocole States - đã được cam kết bảo vệ chống Cộng sản xâm lăng trong khuôn khổ Hiệp ước SEATO năm 1954.

Mười năm sau, và với tỷ lệ đầu phiếu là 99,6%, khi Quốc hội Hoa Kỳ cho phép Tổng thống Johnson tham chiến tại Đông Dương. quy chế ấy hoàn toàn có thể áp dụng cho Căm Bốt như cho Việt Nam và Lào. Nghị quyết ấy của Quốc hội chỉ cần dẫn chiếu “Protocole States” của hiệp ước SEATO (South East Asia Treaty Organization).

Tôi thăm viếng Căm Bốt nhiều lần trong năm 1974 và trong nhiều năm đã viết về Khmer Đỏ. Thời ấy, việc họ là những kẻ sắt máu có dự tính tàn sát không tưởng tượng nỗi với đồng bào Khmer của họ thật ra chẳng còn là bí mật. Và dĩ nhiên, khi tôi trở lại Việt Nam vào Tháng Tư năm 1975, một trong những mục tiêu chính của tôi là đễ cố gắng cứu lấy đám trẻ cô nhi tại Căm Bốt.

Tôi đến quá trễ và có lẽ những đứa trẻ tôi hy vọng cứu được chắc là đã chết. Không hề có một cuộc khảo sát dân số tại Căm Bốt và chẳng ai biết thực sự có bao nhiêu người đã sống tại nơi ấy. Con số ước đoán về nạn nhân có những dị biệt lớn, với một số chuyên gia thì cho là có hơn hai triệu. Tài liệu khảo cứu khá nhất mà tôi được đọc là của Đại học Yale, nơi mà Chương trình của Yale về nạn Diệt chủng Căm Bốt ước tính là Pol Pot và bọn đao phủ của hắn đã thảm sát một triệu bảy trăm ngàn người - hơn 20% dân số toàn quốc.

Một bài báo về “các vùng thảm sát” của Căm Bốt trên tạp chí Nattonal Geographic Today trong số tháng Giêng năm 2004 cho chúng ta những chi tiết này: “Nhân viên hướng dẫn giải thích rằng đạn quá quý để dùng cho việc tàn sát. Rìu, dao và gậy tre thật đắc dụng hơn. Còn về trẻ em thì bọn đồ tể chỉ đơn giản dọng chúng vào thân cây”.

Ông Douglas Pike đã quá vãng, người mà tôi hoán đỗi công vụ nhiều lần trong Sứ quán Hoa Kỳ, có viết như sau về hậu quả nhân sinh của việc Hoa Kỳ bội ước sự cam kết của mình là sẽ bảo vệ người dân của các nước không cộng sản ở Đông Dương: “Dù có ước l­ượng dè dặt nhất, có nhiều thường dân Đông Dương bi bạo sát sau Chiến tranh Việt Nam hơn là tổng số nạn nhân trong thời chiến, ít ra là hơn hai triệu... Nỗi khổ đau lên tới mức chưa từng thấy, còn thê thảm hơn những ngày chinh chiến”.

Thật bi đát vì tôi nghĩ rằng ông Pike có lý. Và tôi lại càng tin rằng cộng đồng tại đây, đôi khi ngay trong hội trường, có những người có thể cung cấp những dữ kiện trực kiến về thảm kịch nêu như ta muốn tìm đến họ và ghi nhận lời chứng của họ. Việc này thì chẳng ai có tâm trí bình thường lại thích làm, nhưng là điều mà những ai muốn truy lùng sự thật tới cùng vẫn có nhiệm vụ thực hiện. Chúng ta phải kể lại chuyện này - một cách chính xác và cẩn trọng – để người khác sẽ biết rất lâu về sau, khi các nhân chứng cuối cùng không còn tại thế nữa.

Chúng ta phải kể lại, nếu không chuyện đó sẽ lại tái diễn.

Những ai thấy bàng hoàng về những chuyện đã xảy ra khi Cộng sản khống chế người dân Miền Nam và của Căm Bốt hay Lào thật ra không hiểu gì về lịch sử hiện đại.

Nếu quý vị muốn biết rõ hơn về thảm kịch, tôi xin đề nghị tập sách do nhà Harvard University Press xuất bản có tên là “The Black Book of Communism” - Cuốn Hắc thư về Chủ nghĩa Cộng sản”. Do một nhóm trí thức Âu Châu thuộc khuynh hướng trung tả biên soạn, cuốn sách kết luận là trong thế kỷ 20, chủ nghĩa cộng sản quốc tế đã gây ra cái chết cho từ 80 đến 100 triệu sinh linh.

Những ai muốn biết sâu xa hơn về Chiến tranh Việt Nam có thể còn bị lầm lạc lớn nếu không chịu khó tìm đọc các cuốn sách do chư vị diễn giả nơi đây hoặc bằng hữu của chúng tôi đã biên soạn.

Đây là một vinh dự cho tôi khi được thuyết trình trước một cử toạ quan trọng như hôm nay và trong cơ hội long trọng này. Với những người giận dữ về sự bội phản của nước tôi 35 năm về trước, xin cho tôi được nói rằng sự giận dữ này cũng là sự giận dữ của bản thân tôi. Tôi yêu quý Hoa Kỳ và tin rằng đây là một xứ tuyệt vời nhất trên địa cầu.

Nhưng khi đa số của Quốc hội Hoa Kỳ phản bội nạn nhân của Cộng sản xâm lược họ cũng phản bội 58 ngàn 200 lính Bộ binh, Hải quân và Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ đã dâng hiến mạng sống trong sự hy sinh cao quý nhất cho chính nghĩa này. Họ cũng phản bội sự hy sinh xương máu của hai triệu bảy trăm ngàn người Mỹ đã từng phục vụ tại Việt Nam từ năm 1959 cho đến 1975.

Chúng ta không cải sửa được điều ác đã xảy ra. Nhưng chúng ta có thể nghiên cứu nó và có thể hành động để người Mỹ chúng ta lánh xa truyện thần thoại sai lạc mà hiểu rõ thảm kịch lớn lao của sự bội tín.
Tôi thiết tha kêu gọi giới trẻ trong cử toạ nơi đây là hãy tự nguyện giành một chút cố gắng để học hỏi trang sử này và chia sẻ với ng­ười khác. Quan trọng nhất, hãy chú ý đến các cựu chiến binh và những người sống sót trong cộng đồng, hãy ghi lại lời kể của họ khi mình còn cơ hội. Nếu mình làm được như vậy thì may ra những hy sinh lớn lao của thảm kịch bi đát này sẽ không bị uổng phí.




















clip_image003


__._,_.___

Posted by: "phuoc phan" 

No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết