Sunday, August 28, 2016

PICNIC HÈ 2016 TÂY NINH ĐỒNG HƯƠNG HỘI BẮC CALIFORNIA



PICNIC HÈ 2016 TÂY NINH ĐỒNG HƯƠNG HỘI BẮC CALIFORNIA

Lê Bình

Có lẽ đây là là hội đồng hương non trẻ nhất của cộng đồng người Việt tại Bắc California; đó là Tây Ninh Đồng Hương Hội Bắc California. Picnic Hè 2016 được tổ chức tại Emma Prusch Farm Park, 647 S. King Road, San Jose, CA 95116 từ 10:00am đến 4:00pm ngày Chủ nhật 14 tháng 8 năm 2016.

Có khoảng 200 đồng hương đã gặp nhau. Trong số quan khách và đồng hương tham dự người ta ghi nhận có các chức sắc đạo Cao Đài: Hiền Tài Hồ Văn Xưa, CTS Đào Minh Ánh, HT Nguyễn Thanh Liêm, các hiền huynh, hiền tỷ trong Ban Thế Đạo Bắc Cali, Tộc Đạo Santa Clara, Thánh Thất San Jose, Hương Đạo San Jose, Điện Thờ Phật Mẫu San Jose. Ông Phạm H. Thái đại diện Tây Ninh Đồng Hương Hội Nam California, và các Hội Ái Hữu, và một số quan khách Ông Mai Khuyên Khu Hội, và các cựu quân nhân, cảnh sát đã từng phục vụ tại Tây Ninh, Khiêm Hanh, Trảng Bàng, Gò Dầu…v.v. Đặc biệt năm nào cũng có mặt của một gia đình miền Bắc di cư vào Nam - định cư ở Mít Một - Gia đình của cựu Giáo sư Phạm Tài Đoan. Ông chẳng những là một giáo sư tại trường Trung Học Lê Văn Trung, thầy của nhiều thế hệ, (HT Nguyễn Thanh Liêm là học trò của GS Đoan) mà ông còn là một chức sắc của Đạo, Lễ Sanh Ngọc Đoan Thanh Phạm Tài Đoan. Về phía truyền thông báo chí: Nàng Thế Kỷ 21, Báo Thằng Bờm, Báo Đời Mới, Truyền Hình ViệTV…v.v.

Image result for PICNIC HÈ 2016 TÂY NINH ĐỒNG HƯƠNG HỘI BẮC CALIFORNIA

Trong cái nắng gay gắt như nắng Tây Ninh …như câu hát ”Tây Ninh nắng nung người, Đồng Tháp vắng bóng hồng thì tôi yêu ai…Ân tình theo gót chân…gặp nhau trong cơn lốc xưng tao gọi mày thương quá gần…Bốn vùng mang lưu luyến bước bâng khuâng của vạn người thân.”  Tây Ninh năm nay họp mặt trong nhà, hội trường rộng thoáng mát, có bàn ghế trải khăn trắng muốt, đường hoàng, thanh lịch, và gần gủi. Bức tranh lớn trên tường là cây cầu Quan 3 nhịp với núi Bà Đen sừng sững trên nền trời xanh thăm thẳm.

Nha sĩ Trần Minh Khiết, Hội trưởng, cho biết “Đây là cơ hội để gặp gỡ chào thăm và sinh hoạt của đồng hương và thân hữu Tây Ninh miền Bắc California vào mỗi mùa Hè.” Đầy là buổi picnic Hè lần thứ III. Cũng nên biết thêm, Tây Ninh Đồng Hương Hội đã được thành lập trong một buổi tiệc tại nhà hàng Phú Lâm San Jose vào ngày Chúa Nhật 16/3/2014.

Những người chịu trách nhiệm bắt một nhịp cầu cho đồng hương xa xứ đến với nhau hôm nay sau nhiều năm xa cách quê nhà;  Nha sĩ Trần Minh Khiết, Nhà báo Duy Văn, Nha sĩ Tô Mỹ Huệ, Ông Nguyễn Thành Hưng, Ông Trần Minh Quan, Ông Trần Văn Sung, Ông Đào Minh Ánh, Ông Nguyễn văn Bé, Ông Nguyễn văn Y, Nha sĩ Nguyễn Hữu Tường, Ông Nguyễn Đăng Khích, Bà Trương Vân Lang, Ông Nguyễn Văn Phép…và nhiều người khác đã có mặt từ sáng sớm lo chuẩn bị.

Lúc 10:00am BTC đón tiếp Quan khách, và Đồng hương, Gia đình & Thân hữu và mời vào bàn; thân nhân đồng hương chia nhau một chỗ ngồi gần gủi. Tiếng chào mời, thăm hỏi; sự vui mừng đã lấn át cái nắng nóng nung người ở bên ngoài.

Lúc 11.00 am, Nghi Lễ Khai Mạc Chào Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ và phút mặc niệm do đồng hương Nguyễn Cười điều khiển. Tiếp theo sau đó, hai người MC duyên dáng: Chị Vân Lang và Tô Mỹ Huệ đã giới thiệu Quan khách, Đồng hương, Gia đình và thân hữu.

Sau lễ chào cờ, trong phần chào mừng của  Ban Tổ Chức, Nha sĩ Trần Minh Khiết, thay mặt Tây Ninh Đồng Hương Hội ngỏ lời chào mừng. Ông nói rằng những tình cảm của người và vùng đất Tây Ninh đã tụ hội những con người hiền hòa, sự gần gủi và thắt chặt tình thân hữu, tương thân tương ái giữa những người đồng hương Tây Ninh xa quê hương… Cũng trong phần chào mừng, Hội trưởng Trần Minh Khiết không quên ngỏ lời cảm ơn những đồng hương Tây Ninh xa gần đã khích lệ và giúp đỡ. Đặc biệt những đồng trong Ban Tổ Chức đã cùng góp tay tạo nên không khí đầm ấm thân tình trong một ngày họp mặt hè thật vui.

Trong hàng quan khách, và thân hữu cũng nhân dịp nầy bày tỏ sự vui mừng và chúc cho Tây Ninh Đồng Hương Hội ngày càng phát triển và tình đồng huơng ngày càng thăm thiết hơn.

Sau phần nghi thức khai mạc, chào mừng; BTC đã mời quan khách và đồng hương dùng bữa ăn trưa thật thịnh soạn có món ăn chay, và nước giải khát…tất cả do BTC khoản đãi. Chương trình văn nghệ, trò chơi giải trí, và xổ số có thưởng do các mạnh thường quân yểm trợ.

Trong bữa ăn trưa, những câu chuyện kể về Tây Ninh, có kẻ còn người mất, người nhớ người không. Người ta nói về hồ Dầu Tiếng là của Bình Dương, hay Tây Ninh? Tại sao có tên gọi vùng đất nầy là Tây Ninh? Và có nhiều vùng đất Trảng…Trảng Bàng, Trảng Lớng, Trảng Sụp… nước sông Vàm Cỏ Đông sẽ chảy về đâu, bắt nguồn từ nơi nào bên Chân Lạp chăng? Câu chuyện cũng từ đó lan rộng ra…Đồng hương gặp lại nhau, thật vui, bà con được biết thêm nhiều về quê hương. GĐ anh Phạm Chu Ánh, Phạm Bằng Tường, con GS Phạm Tài Đoan, cho biết cha anh là người làm việc rất gần gủi với Đức Phạm Hộ Pháp (Hộ Pháp sanh quán Trảng Bàng), ông là người thông dịch cho Đức Hộ Pháp mỗi khi tiếp xúc với phái đoàn ngoại quốc.

Vùng đất Tây Ninh từ thời xưa vốn là một vùng đất thuộc Thủy Chân Lạp, với tên gọi là Romdum Ray, có nghĩa là "Chuồng Voi" vì nơi đây chỉ có rừng rậm nhiều thú dữ như cọp, voi, beo, rắn.... Những người thổ dân ở đây sống rất thiếu thốn, cơ cực cho đến khi người Việt đến khai hoang thì vùng đất này mới trở nên phát triển. Tây Ninh chỉ có nghĩa Trấn thủ giữ an ninh cho vùng đất phía Tây tỉnh Gia Định .

(Tháng 7/1836 Trương Minh Giảng  xin vua Minh Mạng lấy một phần đất phía Tây Bắc tỉnh Gia Định giáp giới nước Chân Lạp làm một phủ mới gọi là Tây Ninh với  hai huyện trực thuộc là Tây Ninh và Quang Hóa. Theo tờ tấu của Trương Minh Giảng việc lập Phủ Tây Ninh giáp nước Chân Lạp là để “Trong bền vững bờ cõi thành Gia Định” “Ngoài mạnh thêm thanh thế xứ Trấn Tây”(Tức là nước Chân Lạp của người Khmer đang do quan quân  người Việt bảo hộ).Và vua Minh Mạng đã đồng ý. Như vậy tên gọi Tây Ninh đã ra đời trong bối cảnh lịch sử này. Nó là tên của một phủ mới thuộc về tỉnh Gia Định vào đời vua Minh Mạng. Theo Gia Định Thành Thông Chí-Trịnh Hoài Đức).

Những người lính gặp lại nhau, họ nhắc lại các địa danh, những lần hành quân qua vùng đất…”nắng nung người”. Tây Ninh có mặt hôm nay để có dịp các địa danh Bến Kéo, Trảng Lớn, Bời Lời, Mít Một, Chợ Cầu, Gò Dầu, Gò Chai, Bến Sỏi, Khiêm Hanh….Ngã ba Vựa Heo, Suối Cạn, Suối Sâu, Bàu Năng, Tha La Xóm Đạo…được nhắc đến. Có bạn trẻ chỉ nghe qua radio đã đến để chào hỏi và tìm bạn học. Người trẻ người già nhắc lại nhiều kỷ niệm. Có những thanh thiếu niên chưa một lần về thăm quê (nội - ngoại) đã cảm nhận được tình quê hương qua cha mẹ và những ông bà chú bác có mặt hôm nay.

Cũng đến lúc phải chia tay.Lúc 4:00pm, BTC nói lời cảm tạ và bế mạc. Hẹn một lần gặp mặt sẽ không xa.

Một vài nét về Tây Ninh: (Theo Đại Nam Thực Lục, và Gia Định Thành Thông Chí) Tây Ninh là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Kỳ. Tỉnh lỵ Tây Ninh nằm cách Sài Gòn khoảng 100 km theo đường quốc lộ 1 (nay là QL 22) hướng về Nam Vang, Cao Miên.

Vùng đất Tây Ninh từ thời xưa vốn là một vùng đất thuộc Thủy Chân Lạp, với tên gọi là Romdum Ray, có nghĩa là "Chuồng Voi" vì nơi đây chỉ có rừng rậm với muôn thú dữ như cọp, voi, beo, rắn... . Những người thổ dân ở đây sống rất thiếu thốn, cơ cực cho đến khi người Việt đến khai hoang thì vùng đất này mới trở nên phát triển.

Về địa lý, Tây Ninh là gạch nối cao nguyên Nam Trung Kỳ với đồng bằng sông Cửu Long, vừa mang đặc điểm của một cao nguyên, vừa có sắc thái của vùng đồng bằng. Phía Đông giáp tỉnh Bình Dương, phía Nam và Đông Nam giáp Sài Gòn và Long An, phía Bắc và Tây Bắc giáp Kampong Cham, Campuchia.

Năm 1808, thành Gia Định, gồm có 5 trấn là Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường và Hà Tiên. Năm 1832, vua Minh Mạng tiếp tục tổ chức hành chánh ở Gia Định, từ 5 trấn chia thành 6 tỉnh gồm có Gia Định (Phiên An), Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, gọi là Lục Tỉnh. Lúc bấy giờ, vùng đất Tây Ninh thuộc Phiên An. Năm 1838, vua Minh Mạng đổi Phiên An là tỉnh Gia Định gồm có 3 phủ, 7 huyện. Các phủ là Phủ Tân Bình có 3 huyện, Phủ Tân An có 2 huyện, Phủ Tây Ninh có 2 huyện là: huyện Tân Ninh và huyện Quang Hóa.

Theo Đại Nam Thực Lục thì vào khoảng tháng 3 (âm lịch) năm 1845, Đời Vua Thiệu Trị, Ông Cao Hữu Dực (quyền Tuyên phủ sứ Tây Ninh) cho chiêu mộ dân trong phủ Tây Ninh lập ra 26 thôn làng: Tiên Thuận, Phúc Hưng, Phúc Bình, Vĩnh Tuy, Phúc Mỹ, Long Thịnh, Long Khánh, Long Giang, Long Thái, An Thịnh, Khang Ninh, Vĩnh An, An Hòa, Gia Bình, Long Bình, Hòa Bình, Long Định, Phú Thịnh, Thái Định, Hòa Thuận, An Thường, Thuận Lý, Thiên Thiện, Hướng Hóa, Định Thái, Định Bình, đều thuộc phủ Tây Ninh.

Năm 1861, Sau khi Pháp chiếm Tây Ninh, việc cai quản ở 2 huyện được thay thế bằng 2 Đoàn Quân sự đặt tại Trảng Bàng và Tây Ninh. Năm 1868, hai đoàn Quân sự được thay thế bằng hai Ty Hành chánh. Sau nhiều lần thay đổi, năm 1897 Tây Ninh gồm có 2 quận là Thái Bình, Trảng Bàng, trong đó có 10 tổng, 50 làng.

Ngày 1 tháng 1 năm 1900, Toàn quyền Paul Doumer cho áp dụng nghị định ký ngày 20 tháng 12 năm 1899 đổi các khu tham biện là tỉnh. Thời Pháp thuộc, Nam Kỳ được chia làm 20 tỉnh để cai trị và sau đó Cap St. Jacques (Vũng Tàu) tách ra thành tỉnh thứ 21. Tây Ninh lúc đó là tỉnh thứ 12.

Ngày 9 tháng 12 năm 1942, Thống đốc Nam kỳ ban hành Nghị định ấn định ranh giới Tây Ninh. Năm 1950, cắt một phần đất của Thái Hiệp Thạnh cũ thành lập thị xã Tây Ninh. Năm 1957, Tây Ninh chia thành 3 quận gồm có Châu Thành, Gò Dầu Hạ, Trảng Bàng. Năm 1963, tỉnh Tây Ninh có thêm 4 quận là quận Phú Khương, Phước Ninh, Hiếu Thiện, Khiêm Hanh.

Tây Ninh nổi tiếng với những phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Núi Bà Đen cao 986m là ngọn núi cao nhất miền Nam Việt Nam và là nơi có nhiều truyền thuyết nổi tiếng, ở đây có động Kim Quang và một ngôi chùa cùng tên rất nổi tiếng. Núi Bà đẹp như một bức tranh sơn thủy hữu tình. Trông xa xa, ngọn núi như chiếc nón lá nằm úp giữa vùng đồng bằng trù phú với những cánh đồng lúa xanh bát ngát, cây cối tươi tốt quanh năm. Núi Bà trải rộng 24km², gồm 3 ngọn núi là núi Bà Đen, núi Phụng và núi Heo, trong đó cao nhất là núi Bà Đen. Nói đến núi Bà, có Điện Bà, tức là chùa Linh Sơn Tiên Thạch Tự. Điện Bà ở lưng chừng núi với hai ngôi chùa là chùa Thượng và chùa Hang.

Ngọn núi này thu hút khách thập phương vì quang cảnh hùng vĩ, nhiều hang động, nhiều ngôi chùa linh thiêng vốn là nơi ẩn cư của nhiều sư sãi. Trên núi có một số hang động được làm nơi thờ tự như động Thanh Long, động Ông Hổ, động Ba Cô, động Ba Tuần, động Thiên Thai, động Ông Tà…Với chiều cao 986m so với mực nước biển, ngọn núi Bà Đen được mệnh danh là “nóc nhà” Miền Đông Nam Phần.    

Theo các vị bô lão truyền miệng trong dân gian thì ngày xưa, núi Bà Ðen có tên gọi là Núi Một. Trên đó có một tượng Phật bằng đá, rất linh thiêng. Dân chúng chặt cây lá dọn đường lên núi cúng Phật. Người lên núi thường phải đi từng đoàn, vì dọc đường có rất nhiều beo cọp. Có một người con gái tên là Lý Thị Thiên Hương, ở Trảng Bàng văn hay võ giỏi. Vào mỗi ngày rằm cô hay lên núi lễ Phật. Trong làng, có chàng trai tên là Lê Sĩ Triệt để ý cô, đem lòng thương mến.

Vì thấy cô có nhan sắc, một ông quan định dùng võ lực bắt cô đem về làm thiếp. Ông cho một thầy võ thi hành kế gian. Khi cô Lý bị thầy võ kia đánh bại, sắp gặp nạn, thì Lê Sĩ Triệt cứu thoát. Về nhà, cô thuật truyện lại, được cha mẹ đồng ý, trai tài gái sắc yêu nhau, cha mẹ gả cô cho chàng trai họ Lê. Lúc bấy giờ, Võ Tánh đang chiêu binh, Lê Sĩ Triệt ra tòng quân. Lý Thị Thiên Hương ở nhà chờ chồng. Một hôm, cô đang lễ Phật trên núi thì gặp một bọn cướp đến cướp chùa, thấy người con gái đẹp vây bắt. Cô đánh đuổi bọn cướp, nhưng thế cô, mở vòng vây chạy thoát vào rừng rồi mất tích.

Trên chùa, vị hoà thượng trụ trì một ngày kia đang tụng kinh, bỗng thấy một người con gái mặt đen nhưng xinh đẹp hiện ra nói: "Ta đây họ Lý, khi 18 tuổi bị rượt nên té xuống hố chết. Nay ta đã đắc quả, xin Hoà Thượng xuống triền núi phía Ðông Nam tìm thi hài ta mà chôn cất dùm". Vị hoà thượng này y lời, đi tìm xác cô, đã chết lâu ngày nắng thiêu đốt thành màu đen nhưng không tan rã, bèn đem về chôn cất sau chùa. Lý Thị Thiên Hương rất linh hiển, ai cầu chi được nấy. Dân chúng quanh vùng tấp nập đến cầu xin. Từ đấy, ngọn núi được dân chúng truyền tụng là Núi Bà Đen  (kính trọng gọi là Núi Bà)

Câu chuyện ra tới tai Tả Quân Lê Văn Duyệt. Ông bèn lên núi tìm hiểu, và hứa dâng sớ về triều phong chức cho cô gái họ Lý này, nếu cô linh hiển cho ông thấy tận mắt Cô bèn nhập vào xác một ngưòi con gái, nói rằng: "Hồn của thượng quan sau này sẽ được chức thần kỳ vinh hiển, nhưng xác của thượng quan sẽ bị hành hạ". Lê Văn Duyệt nói: "Bổn chức không cầu xin cho biết tương lai mình, mà chỉ muốn biết rõ căn nguyên của nàng". Cô gái rơi nước mắt, kể lại câu chuyện chết oan ức của mình, và nhắc lại duyên nợ tiền định với chàng Lê Sĩ Triệt.

Theo lời kể, sau khi thành Bình Ðịnh thất thủ, Võ Tánh tự thiêu, chồng nàng (Lê Sĩ Triệt) đã thác, còn nàng chết trở thành tiên thánh, xuống cõi trần thế để cứu nhân độ thế. Lê Văn Duyệt dâng sớ, phong cho cô Lý thị Thiên Hương "Linh Sơn Thánh Mẫu", ngự ở Núi Một, tức là núi Bà Ðen ngày nay. Núi Bà Ðen nổi danh linh hiển, kỳ bí, nhiều phép lạ, khó ai giải thích được.

Tây Ninh là thánh địa của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (Cao Đài) có Tòa Thánh tại Long Hoa nguy nga, tráng lệ. Ngoài ra còn có đạo Phật, đạo Công Giáo, đạo Hồi và nhiều đạo khác. Tây Ninh có hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, đó là hồ Dầu Tiếng.

Tây Ninh nổi tiếng với các loại thực phẩm: Bánh Tráng nướng phơi sương gắn liền với địa danh Trảng Bàng. Để làm ra Bánh Tráng phơi sương phải qua nhiều giai đoạn khá công phu và cầu kỳ. Bánh Canh Trảng Bàng là một món ăn nổi tiếng của Tây Ninh có từ rất lâu đời. Muối tôm là một loại thực phẩm rất nổi tiếng của Tây Ninh. Mãng cầu Bà Đen được trồng tại khu vực gần núi Bà Đen; trái mãng cầu có quanh năm.
 Lê Bình
__._,_.___

Posted by: tuong pham 

No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết