Saturday, September 10, 2016

Lễ tưởng niệm Anh Hùng Đông Tiến tại Nam California

Lễ tưởng niệm Anh Hùng Đông Tiến tại Nam California

Võ Tấn

       Cùng tác giả:

Đảng bộ Việt Tân Nam California cùng một số hội đoàn, đoàn thể và đồng hương người Việt đã long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm các Anh Hùng Đông Tiến tại địa điểm Westminster Community Center, tiểu bang California, Hoa Kỳ, vào lúc 2 giờ trưa Chủ Nhật 28 tháng 8 năm 2016.
Khoảng 200 người đã tham dự buổi Lễ tưởng niệm các Kháng chiến quân - thuộc Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh - anh dũng hy sinh cho đất nước, cho lý tưởng tự do vào ngày 28 tháng 8 năm 1987, khi chỉ còn cách đất mẹ Việt Nam vài chục cây số. Đã 29 năm trôi qua nhưng tấm gương dũng liệt của các Kháng chiến quân vẫn luôn được người Việt khắp nơi trân trọng tưởng nhớ mỗi cuối tháng 8.
JPEG - 62.7 kb
Sau phần hợp ca và ngâm thơ tạo nên không khí trầm lắng, xúc động mà hào hùng do nhóm Hát Cho Nhân Quyền phụ trách, buổi lễ được khai mạc với phần nghi thức Tiên Cáo do ba vị bô lão địa phương – các cụ Phan Kỳ Nhơn, Nguyễn Văn Cừ, và Đoàn Thế Cường – trang trọng tiến hành sau ba hồi chiêng trống vang vọng hội trường. Tiếp theo là lễ chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà và Hoa Kỳ, cùng nghi thức mặc niệm. Hai MC Mai Hương và Đỗ Thắng phụ trách điều phối chương trình lễ tưởng niệm hôm nay.
Kế đó, ban tổ chức đã lần lượt giới thiệu các quan khách tham dự: KS Bùi Thế Phát, ông Nguyễn Long, bà Thanh Vân và ông Đinh Quang Truật (Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam Cali), ông Nguyễn Văn Lực (Cộng Đồng Việt Nam San Diego), bà Đặng Kim Trang (Hội Hùng Sử Việt San Diego), ông Trần Văn Hoạch (Hội Đền Hùng San Diego), ông Nguyễn Văn Cừ (Cộng đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản Los Angeles), ông Lê Quang Dật (Hội Đền Hùng Hải Ngoại), ông Vi Anh (Nhà báo, cựu dân biểu VNCH), ông Trương Quang Sỹ (Liên Minh Thế Giới Tự Do & Dân Chủ), Ký giả Kiều Mỹ Duyên, Nhà văn Bích Huyền, GS-Mục Sư David Huỳnh (Nha Tuyên Uý Hoa Kỳ), ông Nguyễn Phục Hưng (Hội Thủy Quân Lục Chiến Nam Cali), ông Phan Kỳ Nhơn và bà Trần Thanh Hiền (Liên Ủy Ban Chống CS và tay sai), LS Nguyễn Xuân Nghĩa (Phong Trào Hưng Ca Việt Nam), ông Đoàn Thế Cường (Ủy Ban Bảo Toàn Đất Tổ), bà Nguyễn Mộng Lan (Đảng Cộng Hòa Việt Mỹ OC), cô Thu Hà Nguyễn (Vietnamese Young Marines, ƯCV Nghị viên thành phố Garden Grove), ông Trần Dương và ông Lê Nhơn (Gia đình Thiết Giáp Nam Cali), Thiếu tá Lê Nguyễn Thiện Truyền (Liên Minh Quân Dân Cán Chính VNCH và đoàn hậu duệ), Nhạc sĩ Xuân Điềm và ông Lê Bá Cơ cùng toàn ban Tù Ca Xuân Điềm, ông Tôn Thất Thuận (Hội Ái hữu Phủ Tổng Thống), ông Nguyễn Tư Đăng (gia đình cố GS Nguyễn Tư Mô), ông Nguyễn Thiện Thành (Hội Anh Em Yêu Nước), ông Phát Lưu (Nhân sĩ)… Ngoài ra còn có đại diện nhiều cơ quan truyền thông tại địa phương: Ký giả Hà Giang và Ký giả Nguyên Huy (nhật báo Người Việt), Phóng viên Thanh Phong (nhật báo Viễn Đông), nhà báo Thanh Huy (nhật báo Việt Báo), ông Trọng Nghĩa (đài TNT Radio San Diego), cô Uyển Diễm (đài Radio Bolsa), anh Quang và cô Thảo (đài truyền hình Việt TV)…
Tiếp theo, ông Trần Trung Dũng, đại diện ban tổ chức, đọc diễn văn khai mạc. Trong đó, ông nêu rõ tinh thần đấu tranh không nề gian khổ, dựa vào sức mạnh dân tộc là chính, và sẵn sàng hy sinh tất cả vì đại cuộc giải phóng Việt Nam của các Kháng chiến quân trong những năm 80s của thế kỷ trước.
JPEG - 58.1 kb
Quảng cảnh buổi Lễ tưởng niệm các Anh Hùng Đông Tiến.
Quan khách tham dự sau đó đã theo dõi phần trình bày hình ảnh giới thiệu sơ lược thân thế của cố Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh và các chiến hữu của ông đã anh dũng hy sinh trong chiến dịch Đông Tiến hào hùng 29 năm trước đây.
Tiếp theo là nghi thức Tế Lễ truyền thống và phần tuyên đọc bài Văn Tế các anh hùng Đông Tiến gây xúc động cho toàn thể hội trường trong khung cảnh khói hương trầm mặc. Sau đó, ông Chủ Tịch đảng Việt Tân cùng quý vị đại diện các hội đoàn, đoàn thể đã thành kính dâng hương trước di ảnh các Kháng chiến quân.
Ban Tù Ca Xuân Điềm trở lại với các ca khúc kháng chiến từng vang vọng một thời, bừng bừng khí thế chuẩn bị cho tiết mục tiếp nối là phần trình bày dương ảnh quá trình hoạt động của Đảng Việt Tân trong nỗ lực đấu tranh nhằm tháo gỡ độc tài, xây dựng dân chủ để canh tân đất nước. Quan khách được cơ hội nhìn lại các công tác mà Đảng Việt Tân từng góp phần thực hiện tại nội địa Việt Nam như: các nỗ lực truyền bá chủ trương đấu tranh bất bạo động, công khai bản tuyên cáo vạch tội bạo quyền CSVN tại thủ đô Hà Nội nhân dịp kỷ niệm Ngàn Năm Thăng Long, đồng hành cùng đồng bào quốc nội trong các đợt biểu tình vì tự do, dân chủ, và mới đây với cao trào phản đối tập đoàn Formosa đương gây thảm họa môi trường… Bên cạnh đó là các thành quả ngoại vận đáng kể nhằm tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế, nêu rõ bản chất phản dân, hại nước của bạo quyền CSVN.
Chương trình buổi lễ được tiếp nối qua phần hội luận với ông Chủ Tịch Đảng Việt Tân Đỗ Hoàng Điềm. Ông Trần Trung Dũng phụ trách điều phối.
Trước hết, ông Chủ Tịch Đỗ Hoàng Điềm trình bày tóm tắt 3 sự kiện đáng lưu tâm nhất tính từ đầu năm 2016 tới nay. Đó là việc CSVN cho tổ chức đại hội đảng, chuyến công du Việt Nam của TT Hoa Kỳ Obama và thảm họa môi trường biển tại miền trung Việt Nam.
JPEG - 42.5 kb
Ông Đỗ Hoàng Điềm
Về bản chất việc thay đổi nhân sự lãnh đạo của CSVN, ông nhận định là các cơ quan truyền thông quốc tế chưa đánh giá chính xác hiện trạng của nội bộ CSVN. Không hề có phe bảo thủ hay cấp tiến, cũng chẳng có sự tranh giành quyền lực giữa phe “thân Tàu” và phe “thân Mỹ” như báo giới phương Tây lượng định. Thật ra, chỉ có nỗ lực tái lập lại uy thế của phe “đảng quyền” – do TBT Nguyễn Phú Trọng cầm đầu - vì sau 9 năm ở vị trí Thủ Tướng do Nguyễn Tấn Dũng nắm, phe “chính phủ” ngày càng tỏ ra lấn lướt (thay vì phải hoàn toàn đặt dưới sự điều động của phe “đảng quyền”) vì có các phương tiện kinh tế dồi dào do quyền lực đưa tới. Trước các đe dọa quyền uy tuyệt đối của đảng, TT Nguyễn Tấn Dũng đã bị hất khỏi vị trí đứng đầu chính phủ. Tuy nhiên, tay sai bộ hạ của y vẫn hiện diện rất nhiều nên nội bộ đảng CSVN sẽ còn diễn ra nhiều đấu đá, bất ổn trong thời gian vài năm tới, khi TBT Nguyễn Phú Trọng phải rời chức vụ vì tuổi cao.
Về quan hệ giữa Hoa Kỳ và CSVN, Chủ Tịch Đảng Việt Tân đã nêu rõ tình thế tiến thoái lưỡng nan của CSVN, khi muốn “đi dây” giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. E sợ người dân phản đối nếu ngả về phía Tàu Cộng, đảng CSVN lại cũng âu lo “diễn biến hòa bình” khi tới gần với Hoa Kỳ nhằm tạo thế đối trọng với Trung Quốc và phù hợp với nhu cầu chuyển trục sang châu Á của Hoa Kỳ.
Đối với khía cạnh xã hội, đặc biệt là về môi sinh, các thảm họa do triệt phá cây xanh, môi trường biển ô nhiễm tại Vũng Áng, đe dọa tiềm ẩn nơi dự án Bô-xít Tây Nguyên… đều đẩy CSVN vào thế lúng túng, khi bị người dân phản đối mãnh liệt, đòi hỏi trách nhiệm của đảng và chính phủ CSVN trước các hậu quả nghiêm trọng lâu dài đối với cuộc sống, sức khỏe của cả dân tộc.
Ông Đỗ Hoàng Điềm còn trình bày về bối cảnh thuận lợi cho các lực lượng đấu tranh dân chủ, trong số đó có Đảng Việt Tân, với nỗ lực chung nhằm sớm đem lại tự do, dân chủ thực sự cho Việt Nam. Tuy nhiên ông cũng thẳng thắn nêu lên 3 khó khăn hiện thời của phong trào dân chủ, đó là: thiếu nhân lực (tức thiếu cán bộ), chưa đạt được sự phối hợp tốt giữa các tổ chức đấu tranh cho dân chủ, và phong trào dân chủ chưa tác động sâu, rộng trong dân chúng (khiến đa số người dân còn ngần ngại tham gia khi đối đầu trước sự đe dọa của công an, và họ cũng chưa hiểu rõ là nếu chế độ CSVN phải ra đi thì điều gì sẽ xảy ra). Các nhược điểm này khiến sự thúc đẩy tham gia phong trào dân chủ chưa mạnh mẽ và rộng rãi như mong đợi.
Sau hết, ông Chủ Tịch cho hay Đảng Việt Tân đang tập trung nỗ lực vào 5 lãnh vực sau:
1. Khai dụng phương tiện truyền thông mạng điện tử (như Facebook) đang được đa số thành phần trẻ từ 17-24 tuổi trong nước sử dụng, với hơn 30 triệu người đã có Facebook.
2. Cùng các đoàn thể khác, Việt Tân tiếp tục hỗ trợ đồng bào trong nước đấu tranh cho tự do, dân chủ.
3. Quảng bá rộng rãi phương thức đấu tranh bất bạo động, vì tính khả thi cao nhất. Việt Tân còn tổ chức các lớp huấn luyện kỹ thuật an ninh vi tính, giúp đỡ các thành phần dân chủ trong nước ngăn chặn nguy cơ bị tin tặc CSVN thâm nhập thu thập thông tin, phá hoại máy móc điện tử.
4. Tạo điều kiện liên kết với các tổ chức đấu tranh khác có cùng chung mục đích.
5. Vận động quốc tế (ngoại vận).
Ông kết luận, sau 41 năm đất nước rơi vào tay CSVN, câu hỏi cần đặt ra ngày hôm nay không còn là CSVN có sẽ ra đi hay không. Câu hỏi đúng đắn phải là: CSVN sẽ ra đi vào lúc nào và ra đi như thế nào.
JPEG - 60.2 kb
Tiếp theo là phần hỏi-đáp do quan khách cùng đồng hương nêu lên và ông Đỗ Hoàng Điềm lần lượt trả lời, giải thích thỏa đáng trong tinh thần trao đổi hòa nhã, tương kính. Nội dung các câu hỏi xoay quanh các chủ điểm: cần tạo dựng nội lực vững mạnh trước khi tập trung vào việc vận động quốc tế hỗ trợ; có thể có bất đồng nhưng không nên bất hòa trong hàng ngũ các đoàn thể Quốc Gia; cần cảnh giác trước âm mưu chia rẽ do CSVN thường xuyên thúc đẩy; sự hợp tác giữa các tổ chức đấu tranh cần đặt nền tảng trên việc xây dựng niềm tin qua sự hợp tác làm việc cụ thể. Ngoài ra, ông Chủ Tịch Đảng Việt Tân cũng trả lời câu hỏi do phóng viên đài TNT San Diego đặt ra về việc tiếm danh Việt Tân của một nhóm người mới đây. Ông xác nhận Đảng Việt Tân hiện hoạt động hoàn toàn hợp pháp tại nhiều nước từ nhiều năm qua và Việt Tân đang tham khảo với các chuyên gia pháp lý để có hướng đối phó thích ứng với những kẻ cố tình làm việc sai trái, tạo không khí vẩn đục trong cộng đồng và hoàn toàn không có lợi cho phong trào đấu tranh dân chủ.
Sau phần hội luận sôi nổi và xúc tích, đại diện ban tổ chức đã ngỏ lời cảm tạ quan khách và đồng bào tham dự.
Trong âm hưởng gây nhiều xúc cảm của ca khúc Trăng Chiến Khu - do cô Dạ Thảo trình bày - mọi người trong hội trường lần lượt sắp hàng đến trước bàn thờ linh vị các Anh Hùng Đông Tiến để bùi ngùi tưởng nhớ đến gương hy sinh của các Kháng chiến quân, và cùng nhau củng cố niềm tin vững chắc vào lẽ tất thắng của công cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ tại quê nhà.
Võ Tấn tường trình từ Nam California
28/8/2016

Chặng Đường lịch sử Hơn Một Phần Tư Thế Kỷ Của Đảng Việt
Lý Thái Hùng
Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng (đảng Việt Tân) được chính thức thành lập trong Đại Hội Dựng Đảng vào ngày 10 tháng 9 năm 1982 tại một địa điểm trong vùng biên giới Thái Lào. Những ý kiến về việc xây dựng một đảng cách mạng đã được Tướng Hoàng Cơ Minh và những chiến hữu của ông thảo luận từ lúc bắt tay xây dựng căn cứ, làm bàn đạp xâm nhập Việt Nam vào cuối năm 1981. Lúc đó, Tướng Hoàng Cơ Minh quan niệm rằng: Cuộc chiến đấu sau năm 1975 không đơn thuần là cuộc đấu tranh giải thể chế độ độc tài Cộng sản, mà còn là một cuộc cách mạng canh tân Việt Nam để xây dựng lại con người và nước Việt Nam mới, hoằng dương những giá trị trường cửu của dân tộc mà đảng Cộng sản Việt Nam đã xóa sạch. Muốn làm cách mạng thì phải có một đảng cách mạng để đào tạo những con người cách mạng hầu tiến hành những mục tiêu cách mạng đó.
Do đó, song song với việc xây dựng Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam như một trận tuyến quy tụ sức mạnh đoàn kết của các lực lượng, tổ chức, đoàn thể đã từng được thành lập và đấu tranh từ sau khi miền Nam Việt Nam sụp đổ, Tướng Hoàng Cơ Minh và những chiến hữu lãnh đạo của các đoàn thể nói trên đã đồng ý xây dựng bên trong Mặt Trận một đảng cách mạng để chỉ đạo công cuộc đấu tranh. Tên đảng cũng đã được mang ra thảo luận rất nhiều lần và cuối cùng, mọi người đã dựa trên đặc tính sinh hoạt của đảng là Cách Mạng và mục tiêu theo đuổi của đảng là Canh Tân Việt Nam để chọn đảng danh là Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng. Đây cũng là sự nhắc nhở mọi đảng viên Việt Tân là trong thế hệ này phải thực hiện cho bằng được công cuộc canh tân đất nước mà các thế hệ đi trước đã thất bại, kể từ khi Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lăng từ năm 1858 cho đến nay.
Sự ra đời của đảng Việt Tân cách nay đúng 34 năm - một phần tư thế kỷ - để chỉ đạo các hoạt động của Mặt Trận trong bối cảnh tâm lý của nhiều người vào lúc đó là buông xuôi và chán nản, đã đáp ứng phần nào sự chờ đợi tham gia của những người có lý tưởng, những người đã từng chiến đấu cho tự do của đất nước trước năm 1975. Vì thế mà ngày nay trong hàng ngũ đảng viên đảng Việt Tân đã tập họp nhiều thành phần với những thế hệ khác nhau. Từ một nữ sinh viên 18 tuổi sinh ra và lớn lên trong xã hội tiếp cư, chưa một lần biết đến Việt Nam nhưng đã rung động trước nạn buôn bán người tại Việt Nam. Từ một người cao niên 80 tuổi, đã trải qua nhiều cuộc đấu tranh giành độc lập nhưng vẫn hăng hái tham gia đấu tranh vì không chấp nhận các hành vi bán nước của lãnh đạo Hà Nội. Từ một nữ công nhân 30 tuổi sinh ra trong lòng chế độ độc tài Cộng sản sau năm 1975, nhưng đã đi khắp phố phường Sài Gòn, vận động công nhân đứng lên chống bất công. Từ một thanh niên 25 tuổi, miệt mài giúp đỡ dân oan khiếu kiện đòi lại ruộng đất từ Bắc chí Nam. Từ một trung niên 60 tuổi, từng hy sinh một phần thân thể cho cuộc chiến đấu bảo vệ miền Nam tự do, vẫn tiếp tục ôm từng chồng tài liệu đến từng nhà đồng bào vận động ủng hộ dân oan. Từ một nữ bác sĩ 40 tuổi, bên cạnh lương chức cứu người, đã giúp dân hiểu thế nào là xã hội dân sự để tự mình đứng lên đối đầu những bất công trong khu phố. Từ một thanh niên 50 tuổi, đang trải qua những năm tháng trong lao tù cộng sản vẫn kiên cường nuôi chí đấu tranh và tiếp tục phát triển đảng....
Những thế hệ Việt Tân đã tham gia đấu tranh bằng tấm lòng yêu nước, hấp thụ từ những hy sinh hào hùng của những vị lãnh đạo tiên phong, những người đã can đảm vứt bỏ đời sống ấm êm của gia đình, quay về vùng đất ngục tù đấu tranh giải phóng Việt Nam. Đảng Việt Tân là một tổ chức có nhiều đảng viên đã hy sinh xương máu cho Tổ Quốc Việt Nam. Những xương máu của họ đã kết tụ thành niềm hãnh diện cho những thế hệ Việt Tân kế thừa hôm nay. Vũ khí đấu tranh của toàn thể đảng viên Việt Tân trong suốt 25 năm vừa qua và trong những ngày tháng sắp tới, chính là sức mạnh đoàn kết. Sức mạnh này đã được Tướng Hoàng Cơ Minh tóm lược trong câu: Nếu sức mạnh của chiến tranh đến từ nòng súng thì sức mạnh của đấu tranh giải phóng đến từ ý chí và lòng can đảm của mọi người. Để huy động sức mạnh này, đảng Việt Tân luôn đề cao và phát huy Chính Nghĩa Dân Tộc trong mọi hoàn cảnh. Lấy chính nghĩa để huy động toàn dân. Lấy chính nghĩa tranh thủ thế giới. Lấy chính nghĩa để khuất phục kẻ thù. Đây là nền tảng của đấu tranh vận dụng mà đảng Việt Tân đã đề ra trong thập niên 80 của thế kỷ trước và nay được gọi là đấu tranh bất bạo động của thế kỷ 21 sau khi hàng loạt các cuộc cách mạng màu bùng nổ tại Cộng Hòa Serb (2000), Georgia (2001), Ukrainer (2003), Kyrgystan (2005).
Cốt lõi của đường lối đấu tranh vận dụng mà đảng Việt Tân chủ trương cách nay 34 năm, là dựa trên sự vận động và tổ chức hóa quần chúng thành những phong trào đấu tranh. Khai dụng sự bất mãn và lòng căm thù của mọi tầng lớp quần chúng đối với sự cai trị độc tài, thối nát của đảng Cộng sản Việt Nam, các đảng viên Việt Tân đã tiếp cận, hướng dẫn và hỗ trợ người dân đứng lên đấu tranh từ những vị trí của họ trong xã hội. Nhiều người đã chỉ nhìn thấy hình ảnh Kháng Chiến Quân mang súng để rồi vội vã kết luận rằng Mặt Trận đã chủ trương đối đầu với Hà Nội bằng giải pháp quân sự. Mặt Trận và đảng Việt Tân không hề chủ trương giải pháp quân sự ngay trong thời kỳ cao điểm của chiến tranh lạnh. Mặt Trận và đảng Việt Tân quan niệm những vũ khí mà Kháng Chiến Quân sử dụng hoàn toàn là để tự vệ và bảo vệ con đường xâm nhập trong sự khống chế toàn diện của bộ đội Cộng sản Việt Nam trên vùng đất Đông Dương từ năm 1979, sau khi họ xâm chiếm Kampuchia. Ngày hôm nay, những Kháng Chiến Quân đã thành công trong các chuyến xâm nhập; cũng như những đảng viên được phát triển sau này, đang hoạt động ở trong nước hay tại hải ngoại đều hiểu rõ nhiệm vụ là ’sống với dân và hướng dẫn dân đấu tranh’. Căn bản của nhiệm vụ này là mọi đảng viên Viêt Tân phải biết lắng nghe những trăn trở của quần chúng và phải huy động được đông đảo quần chúng tham gia.
Chính nhờ được hướng dẫn những quan niệm về đấu tranh vận dụng - còn gọi là đấu tranh bất bạo động theo xu thế hiện tại - đảng viên Viêt Tân đã tập trung vào ba nỗ lực chính yếu trong suốt 34 năm qua:
Thứ nhất là góp phần vào việc vận động và tổ chức hóa quần chúng thành những tập hợp đấu tranh, dựa trên những nguyện vọng, những bức xúc của họ để vừa phát triển xã hội dân sự, vừa áp lực chế độ Hà Nội phải giải quyết. Đồng thời leo thang các đòi hỏi để đẩy chế độ rơi vào thế lúng túng đối phó, nhượng bộ và mất quyền trước sức bật mạnh mẽ của các phong trào quần chúng khi được kết nối và đủ mạnh.
Thứ hai là xây dựng tiềm lực của đảng để có thể đấu tranh lâu dài. Đặc biệt là chú trọng đào tạo những thế hệ trẻ kế thừa để có thể góp phần hiệu quả vào các nhu cầu của đấu tranh hiện nay cũng như để chuẩn bị việc xây dựng đất nước trong tương lai.
Thứ ba là góp phần vào nỗ lực tranh thủ sự hậu thuận và yểm trợ của quốc tế vào cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Cộng đồng người Việt tỵ nạn tại hải ngoại đã thành công rất lớn trong nỗ lực này và vì thế mà đã ngăn chận và gây rất nhiều khó khăn cho Cộng sản Việt Nam trên mặt trận quốc tế.
Nhìn lại chặng đường 34 năm đấu tranh, đảng Việt Tân đã có hàng trăm chiến hữu hy sinh trên con đường Đông Tiến. Tuy mục tiêu giải phóng đất nước chưa thành tựu; nhưng những diễn biến của tình hình đất nước hiện nay, đặc biệt là tình trạng bất ổn xã hội do sự đấu tranh của bà con dân oan, công nhân, đồng bào sắc tộc... cùng với sự lớn mạnh của phong trào dân chủ tại quốc nội cho chúng ta lạc quan tin tưởng rằng, cục diện Việt Nam sẽ phải thay đổi trong thời gian ngắn tới. Đó là đảng Cộng sản Việt Nam sẽ phải bị quần chúng đào thải và đất nước sẽ hồi sinh trong một thể chế tự do dân chủ và nhân quyền được tôn trọng.

Các lãnh vực hoạt động của đảng Việt Tân
Trong bài trước chúng tôi có trình bày chủ trương của Việt Tân là góp phần xây dựng bối cảnh đa nguyên, đa đảng tại Việt Nam trong những năm trước mặt.
Sau đây là một số lãnh vực hoạt động của Việt Tân trong nhiều năm qua để góp phần cho bối cảnh đa nguyên:
1. QUẢNG BÁ PHƯƠNG THỨC ĐẤU TRANH BẤT BẠO ĐỘNG nhằm giúp phong trào dân chủ lớn mạnh và huy động quần chúng tham gia. Cụ thể, Việt Tân đã chuyển ngữ nhiều tài liệu phim ảnh đấu tranh bất bạo động và tổ chức nhiều khóa huấn luyện online và offline.
2. GÓP PHẦN XÂY DỰNG PHONG TRÀO DÂN SỰ tại Việt Nam qua sự tham gia tích cực của các thành viên Việt Tân quốc nội và hải ngoại cũng như hỗ trợ về phương tiện và tài chánh khi có nhu cầu.
3. TỐ CÁO CÁC VI PHẠM NHÂN QUYỀN CỦA CSVN. Việc này bao gồm vận động chính giới, Liên Hiệp Quốc, NGOs và cơ quan truyền thông báo cáo các vi phạm nhân quyền của CSVN, lên tiếng đòi tự do cho các tù nhân lương tâm. Một vài cuộc vận động lớn như UPR năm 2014, cuộc vận động cho Tự do báo chí 2014, cuộc vận động cho tù nhân lương tâm 2015
4. KHAI DỤNG QUAN HỆ QUỐC TẾ ĐỂ HỖ TRỢ XÃ HỘI DÂN SỰ, ví dụ như trực tiếp kết nối giới hoạt động với NGOs và truyền thông quốc tế hoặc tìm nguồn tài trợ từ NGOs cho các hoạt động quốc nội cũng như giúp đỡ tù nhân lương tâm và gia đình của họ.
5. KHAI DỤNG MẠNG XÃ HỘI ĐỂ QUẢNG BÁ TIN TỨC về xã hội dân sự, chống bất công xã hội, tham nhũng v.v.. qua FB Việt Tân và FB Đài Chân Trời Mới với tổng cộng 700.000 người theo dõi.
6. CỖ VÕ CHO TỰ DO INTERNET, VƯỢT TƯỜNG LỬA, AN TOÀN MẠNG. Vì vai trò quan trọng của Internet cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam, Đảng Việt Tân đã dồn nỗ lực từ năm 2008 vào chương trình Tự Do Internet bao gồm vận động quốc tế hỗ trợ Tự Do Internet tại Vietnam; thành lập trang www.nofirewall.net để quảng bá, huấn luyện và giúp đỡ cư dân mạng Việt Nam vượt tường lửa và hoạt động mạng an toàn.
7. GÓP PHẦN ĐẤU TRANH CHO CHỦ QUYỀN ĐẤT NƯỚC. Từ những năm đầu tiên của phong trào đấu tranh cho chủ quyền đất nước, Việt Tân xuất hiện công khai tại Việt Nam như trên cầu Thê Húc ngày 14/3/2010 – phát mũ, áo Hoàng Sa-Trường Sa-Việt Nam; tại Tượng đài Lý Thái Tổ nhân lễ kỷ niệm Thăng Long 1000 năm tuổi vào ngày 9/10/2010 – tuyên đọc bản lên tiếng “Vì Thăng Long Ngàn Tuổi, Chống Hiểm Hoạ Bắc Triều”.
- Việt Tân chủ trương góp phần hình thành bối cảnh đa nguyên tại Việt Nam.
https://www.facebook.com/viettan/photos/a.10151333017390620.561958.35182380619/10154258838765620/?type=1&theater
*****
Sau nhiều tháng theo dõi FB, tôi nhận thấy có rất nhiều người ra rả lên tiếng sỉ vả Việt Tân bằng mọi ý tưởng, ngôn từ rất là thô bỉ !
Thế nhưng, hôm nay sau khi hoàn tất xong giai đoạn đầu hợp tác với The International Court of Justice còn có tên gọi là World Court hay ICJ. Tôi nhận thấy hàng chục hồ sơ được gửi đến ICJ để tố cáo tội ác của chế độ cầm quyền tại VN cũng như những cá nhân trong guồng máy của chế độ đã trực tiếp hay gián tiếp nhúng tay vào việc đàn áp người dân Việt Nam, đàn áp tự do báo chí, tôn giáo v.v... đều do ... Việt Tân gửi đến. Ngoại trừ hai hồ sơ được gửi bởi cá nhân. Tiếc thay hai hồ sơ này đã bị huỷ bỏ vì những lý do kỹ thuật, nội dung, pháp lý. Trong khi toàn bộ hồ sơ do Việt Tân gửi đều rất hoàn chỉnh và đã được lưu giữ để buớc sang giai đoạn hai.,
Tóm lại, hiện nay chỉ có Việt Tân và hai cá nhân làm việc này. Trong khi đó, tôi chưa thấy chưa có bất kỳ một tổ chức chính trị nào khác ngoài Việt Tân !
Mặc dù không phải là người của Việt Tân nhưng trong thâm tâm, tôi rất ngưỡng mộ việc họ đang làm. Tôi cũng chắc chắn họ sẽ không vui khi đọc đuợc những dòng stt của tôi. Nhưng tôi thấy cần phải lên tiếng để những kẻ còn chút tự trọng, liêm sỉ nên suy nghĩ lại về thái độ của mình.
Một điều chắc chắn là sau này khi đã về hưu, tôi không còn bị ràng buộc vì lời tuyên thệ khi nhậm chức. Tôi sẽ trở thành một thành viên của Việt Tân.
Kết:
- Tôi đã, đang, sẽ ủng hộ nhiệt tình tất cả các tổ chức chính trị, các tập hợp dân sự, các cá nhân dám đứng ra trực tiếp hay gián tiếp đấu tranh lật đổ chế độ độc tài cộng sản cho một Việt Nam tự do, dân chủ, nhân quyền.
- Một nhát búa chắc chắn sẽ khó mà phá vỡ một tảng đá khổng lồ. Có thể sau 1000 nhát búa tảng đá vẫn còn trơ ra đó nhưng phát búa thứ 1001 sẽ làm vỡ tan tảng đá.
Thanh-Nguyen Dang-Vu, một người Bỉ gốc Việt.


No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết