Saturday, October 15, 2016

Đọc “ Từ Nhóm Bút Việt đến Trung Tâm Văn Bút Việt Nam “




Đọc “ Từ  Nhóm Bút Việt đến
Trung Tâm Văn Bút Việt Nam “

                                                       Nguyễn Mạnh Trinh. 

                                                Image result for Đọc “ Từ  Nhóm Bút Việt đến Trung Tâm Văn Bút Việt Nam “
  
Nhà văn Nhật Tiến vừa phát hành tác phẩm “ T Nhóm Bút Việt đến Trung Tâm Văn Bút Việt Nam “. Một tác giả tuổi vừa tám mươi đã in một tác phẩm viết về những kinh nghiệm của đời cầm bút của mình, có lẽ là một hiện tượng đẹp. Với cuộc sống thăng trầm nổi trôi theo từng biến cố của dân tộc, những nhận định được ghi chép lại chắc có những giá trị đáng kể. Nhất là , với những dữ kiện có liên quan đến chính trị, thời sự và văn học.

 Với  cảm quan của một người đọc sách, coi trọng việc học hỏi từ sách vở, tôi đọc tác phẩm trên của nhà văn Nhật Tiến với sự trân trọng đặc biệt. Tôi tìm thấy nhiều chi tiết có thể làm sáng tỏ những điều mà tôi nghĩ còn mù mờ chưa chuẩn xác. Dĩ nhiên, đó là ý nghĩ của riêng tôi. Bài viết này như  một góp ý về một tác phẩm mà trong nhận xét của mình, là một tác phẩm có giá trị và nhiều chất tích cực.

     Nhà văn Nhật Tiến chủ trương nhà xuất bản Huyền Trân trong  một thời gian khá dài  từ năm 1959 đến nay hơn nửa thế kỷ và tác phẩm Từ Nhóm Bút Việt đến Trung Tâm Văn Bút Việt Nam là tác phẩm xuất bản mới nhất.

Tác phẩm này viết về một thời kỳ đặc biệt của hai mươi năm văn học miền Nam mà những sinh hoạt ấy đáng kể là những hoạt động của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam. Trong bối cảnh của một nền văn học tự do khai phóng,  một tổ chức Văn Bút được thành lập quy tụ nhiều thế hệ cầm bút gồm các nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo, các nhạc sĩ, các họa sĩ, các nghệ sĩ trong ngành sân khấu, điện ảnh và các giới  chức trong ngành giáo dục. 

Từ ngày chính thức thành lập từ tháng 10 năm 1957 đến tháng tư năm 1975, Trung Tâm Văn Bút đã có nhiều cống hiến cho kho tàng văn hóa dân tộc  với những tác giả và tác phẩm có thể coi như điển hình cho những sinh hoạt văn học nghệ thuật tiêu biểu. Ghi chép lại những sinh hoạt ấy thành những tài liệu văn hóa có lẽ là một việc làm cần thiết, nhất là sau cuộc đốt sách giam tù văn nghệ sĩ miền Nam của chế độ Cộng sản. Vì nhiều lý do,  sự thực  đã  bị nhìn ngắm sai lạc, dẫn đến sự tam sao thất bản và dẫn đến tình trạng những lớp người trẻ sinh sau, lớn lên và trưởng thànhh đã có những  nhận định mù mờ không rõ ràng về những hiện trạng văn hóa của những thời kỳ trước.

  Nhà văn Nhật Tiến viết:
“  Được chính thức thành lập từ tháng 10 năm 1957 qua nghị đĩnh số 111 BNV/NA/P5 của Bộ Nội Vụ VNCH, Hội đã liên tục hoạt động không ngưng nghỉ cho tới tháng 4 năm 1975. Trải gần 20 năm ròng rã ấy đã có biết bao nhiêu sinh hoạt của Hội đóng góp vào công cuộc xây dựng và vun trồng nền băn hóa của Miền Nam Việt Nam mà nếu có thể ghi chép lại thì cũng gom được thành một tài liệu văn học hữu ích cho các thế hệ sau.
 Nhưng tiếc thay, cuộc phần thư năm 1975 do nhà cầm quyền Cộng Sản tiến hành đã thiêu hủy hết bao nhiêu là tài liệu sách báo quý giá kể cả những tài liệu liên quan đến Văn Bút Việt Nam

  Rồi thời gian qua đi, các vị làm văn hóa lão thành vốn đã từng tạo dựng nên hội Văn Bút và nắm giữ nhiều kỷ niệm quý giá về Hội này thì hầu hết đã qu tiên cả như Nhất Linh, Đỗ Đức Thu, Vi Huyền Đắc, Bũ Hoàng Chương, Hồ Hữu Tường, Đào Đăng Vỹ, Vương Hồng Sển, Tam Lang Vũ Đình Chí, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, L.M.Thanh Lãng, Phạm Việt Tuyền… Cho nên nếu dù ai có quan tâm cách mấy về việc viết lại  các sinh hoạt cũa hội Văn Bút thì cũng thấy đều gần như bó tay vì số lượng tài liệu còn tìm thấy được lại quá ít oi.
Tuy nhiên một tổ chức văn hóa như thế mà không có tài liệu nào viết về nó dù chỉ một cách tương đối thì cũng thật là đáng tiếc. Vì vậy nhân danh một hội viên thuộc thế hệ hậu sinh đã có dịp gặp gỡ và làm việc chung với nhiều bậc tiền bối như Vi Huyền Đắc, Đào Đăng Vỹ, Hồ Hữu Tường, L.M.Thanh Lãng,… tôi tự thấy có bổn phận phải gom góp tài liệu dù rất ít ỏi để viết về những sinh hoạt của Văn Bút kể từ nhóm Bút Việt cho đến Trung Tâm Văn Bút qua cả một chặng đường dài từ 1957 cho đến 1975”

    Tác phẩm gồm 6 chương sáchh với một bố cục  bao gồm từng thời điểm hoạt động với những sự kiện  văn học có tính xác thực rút từ văn bản, hay nói một cách giản đơn là nói có sách , mách có chứng.

     Từ chương I, tiến trình thành lập & nội quy, đến chương II những sinh hoạt của Trung Tâm Văn Bút để mở ra những ngộ nhận về Văn Bút ở Chương III. Chương IV là những chân dung tác giả tiêu biểu của V ăn Bút qua những cuộc sinh hoạt hội họp. Qua đó, những phác họa chân dung, tiểu sử của nhà văn Đỗ Đức Thu, nhà văn hóa Vương Hồng Sển, nhà văn Phạm Việt Tuyền, kịch tác gia Vi Huyền Đắc, thi sĩ Vũ Hoang Chương, Linh mục Thanh Lãng, nhà văn Hồ Hữu Tường. Chuơng V là Văn Bút với đời sống xã hôi và chính trị qua công tác cứu trợ bão lụt,  cũng như những sự kiện về tên Việt  Gian Cộng Sản nằm vùng Vũ Hạnh  và Văn Bút với quyền tự do cầm bút. Chương sách sau cùng là một hồi ức của nhà văn Nhật Tiến về ngày cuối cùng ở trụ sở Trung tâm Văn Bút vẽ lại một cảnh tượng vỡ đàn xảy nghé của  đất nước Việt Nam.

Điều mà tôi thích thú nhất là đọc trong các phác họa chân dung của các nhà văn tiền bối của Văn Bút và khi gấp lại cuốn sách thì hình như những chân dung ấy hiện ra trong trí nhớ tôi dù tôi chưa gặp họ bao giờ. Truớn năm 1975, tôi chỉ là một người đọc bình thường và hay tưởng tượng ra các nét đáng yêu của những chân dung văn học mà mình thần tượng. Bây giờ đọc lại qua những trang sách của “ Từ Nhóm Bút Việt đến Trung Tâm Văn Bút Việt Nam” thì những chân dung ấy hiển hiện ra, không những là hình tượng của một cá nhân mà còn có những nét biểu hiện thời thế mà họ đã sống và đã viết.. Ở đó tôi tìm thấy được những mẫu nhân vật tiêu biểu cho văn học Việt Nam với nhiều cá tính đặc sắc qua nhận định chừng mực thẳng thắn của tác giả Nhật Tiến. Ông đã phối hợp từ văn bản các tài liệu và những kỳ niệm, những tiếp cận cá nhân để tạo thành những phác họa sống động cũa những tư liệu có giá trị.

 Hình như có một chút đồng cảm với tôi từ tác giả “Từ Nhóm Bút Việt Đến Trung Tâm Văn Bút Việt Nam”

 Tôi  đọc nhà văn Nhật Tiến  khi ông viết về nhà văn hóa Hồ Hữu Tường :
Phải thành thật mà nói tôi đã thấy mình bé nhỏ và bỡ ngỡ như một kẻ hậu sinh trước những bậc đại tiền bối khi được hân hạnh cùng đứng chung với Hồ Hữu Tường ở Ban Thường Vụ Văn Bút. Ông là một nhân vật khét tiếng ngay từ khi tôi còn chưa được sinh ra kìa!  Vì năm 1930 ông đã ở Pháp cộng tác với nhà cách mạng Phan Văn Hùm viết báo bằng tiếng Phap. Tờ La  Verité( Sự Thực) chống đối việc Pháp xử từ anh hùng Nguyễn Thái Học và 12 liệt sĩ VNQDĐ. Ông cũng ở trong ban biên tập tò La Lutte( Tranh Đấu) xuất bản ở Sài Gòn năm 1934 cùng với các danh nhân nổi tiếng có tên trên bảng dường là nhà cách mạng Nguyễn An Ninh và Trần Văn Thạch. Tuy nhiên ông không mang một cái vẻ gì là một nhân vật kỳ bí oanh liệt như những tài liệu lịch sử viết về ông cả. Mặc dù đã vào tù ra khám nhiều lần kể cả đi tù Côn Đảo nhưng ông vẫn giữ được vóc dáng đẫy đà, vầng trán cao đôi lông mày rậm, bạc với nụ cười thoải mái phô bộ hàm răng hơi lớn quá khổ. Bình thường ông bận thường phục nhưng cũng có lần ông đến họp trong bộ áo nhà tu mầu vàng từ đầu tới chân. Hồi đó nhà thơ Phạm Thiên Thư cũng tới họp Văn Bút,  đầu cạo trọc  mặc áo thầy tu…”

  Dù phần đông những người có quan tâm đến  Trung Tâm Văn Bút và  hai mươi năm văn học miền Nam đều có cùng chung những quan điểm và tâm cảm kể trên nhưng cũng có những ngộ nhận hoặc có những nhận xét vội vàng không có sở cứ lý luận vững chắc.  Hình như tác giả Nhật Tiến muốn làm rõ ràng những sự kiện tạo thành ngộ nhận ấy.

     Ngay trong chương I, Tiến Trình Thành Lập Trung Tâm Văn Bút và Nội Quy có phần chất vấn nhà thơ  Viên Linh . Nhà văn Nhật Tiến  đề cập đến những nhận định của ông này về Trung Tâm Văn Bút .

 Sự “chất vấn” bắt nguồn từ một nhận định của nhà thơ Viên Linh, chủ nhiệm  tạp chí Khởi hành và chủ tich Trung Tâm Văn Bút VN Hải Ngoại, trong đoạn văn trích từ cuốn  Chiêu Niệm Văn Chương Vũ Hoàng Chương Lịch Sử Thơ”:
Trung Tâm Văn Bút Việt Nam do bác sĩ Trần Kim Tuyến thúc đẩy thành lập để chống Cộng, cho kịp thời với Đại Hội Văn Bút ở Tokyo vào năm 1957 lúc ông Phạm Trọng Nhân làm lãnh sự tại Nhật cuối cùng đã do Việt Cộng điều hành qua bàn tay của Thanh Lãng và Phạm Việt Tuyền”
 Như vậy nhà thơ  Viên Linh đã cho rằng Trung Tâm Văn Bút Việt Nam được thành lập do nhu cầu Chống Cộng nhưng cuối cùng lại do  Việt Cộng điều hành. Một nhà văn  đã làm chủ tịch Trung Tâm Văn Bút Việt Nam ở hải ngoại mà viết như thế có phải là một sự kiện “ động trời “ không  ?

  Nhà văn Nhật Tiến đã “ chất vấn “ nhà thơ Viên Linh:
Đưa ra một chi tiết động trời như thế nhưng ông Viên Linh không hề nêu ra được một bằng chứng nào cho thấy” Trung tâm Văn Bút Việt Nam do bác sĩ Trần Kim Tuyến thúc đẩy thành lập để chống Cộng cho kịp thời với Đại Hội Văn bút ỏ Tolyo vào năm 1957”.

Ông Trần Kim Tuyến tài năng cỡ nào mà có thể khuynh loát được 19 nhà văn , nhà thơ, nhà biên khảo trong đó có cả những bậc lão thành như Đỗ Đức Thu, Vương Hồng Sển, Vi Huyền Đắc, Vũ Hoàng Chương, Tam Lang Vũ Đình Chí, Tchya Đái Đức Tuấn, Đào Đăng Vỹ, Lê Văn Siêu, Bùi Xuân Uyên…
Tôi chính thức yêu cầu ông Viên Linh  trưng bằng cớ về chuyện này
  Nhà văn Nhật Tiến còn nhận định về ý tưởng của nhà thơ Viên Linh cho rằng bác sĩ Trần Kim Tuyến thúc đẩy thành lập Văn Bút để chống Cộng.  Chẳng lẽ 19 nhà văn , nhà thơ , nhà biên khảo có mặt trong nhóm sáng lập Văn Bút không có ai chống Cộng hay sao mà lại phải nhờ ông Trần Kim Tuyến thúc đẩy. Và như vậy ai đã thúc đẩy họ  di cư từ Bắc vô Nam sau hiệp định Genève? Có phải cũng ông Trần Kim Tuyến chăng? Vả chăng việc thành lập Hội Văn Bút đâu có phải chỉ vì mục đích chống Cộng. Nhiều hội viên trong tổ chức Văn Bút Quốc Tế là những nước Cộng sản như Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc, Nam Tư  thì họ chống Cộng ở chỗ nào? Hiến chương của Văn Bút Quốc Tế mà một người  từng làm Chủ Tịch Trung Tâm Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại phải bắt buộc thông hiểu mà sao lại viết như thế?

 Nhận định thứ hai của Viên Linh mới gây sửng sốt cho mọi người” Cuối cùng Trung Tâm Văn Bút đã do Việt Cộng điều hành qua bàn tay Thanh Lãng và Phạm Việt Tuyền”.
Nhà văn Nhật Tiến nhận định trong sự phẫn nộ:
Xin hỏi ông Viên Linh” bàn tay Thanh Lãng Phạm Việt Tuyền lông lá cỡ nào mà khuynh loát được gần cả 200 hội viên để đến nỗi Trung Tâm Văn Bút Việt Nam đã trở thành công cụ cho Việt Cộng điều hành.
 Tất nhiên ông Viên Linh sẽ nêu bằng cớ là Trung Tâm Văn Bút Việt Nam đã can thiệp cho cây bút nằm vùng Vũ Hạnh bị bắt được thả ra. Nhưng nếu chỉ có một chuyện đó thôi mà đã la lên là Văn Bút đã do Việt Cộng điều hành thì thái độ cầm bút đó là hết sức hàm hồ là vu cáo là thiếu sự ngay thẳng khi cầm bút. Sự bịa đặt lớn lối và vô trách nhiệm này đã ngồi xổm lên công luận trong nhiều năm ròng rã kể từ khi linh mục Thanh Lãng lên làm chủ tịch Văn Bút đồng thời sổ toẹt mọi công lao đóng góp cho nền  Văn Hóa Việt Nam của biết bao nhiêu Hội Viên Văn Bút trong thời gian này

 Viên Linh cũng trong bài viết trong Chiêu Niệm Văn Chương kể trên đã buộc tội :
Ông ( tức Linh Mục Thanh Lãng) đã được Hà Nội thu dụng làm việc tiếp ỏ Đại Học Văn Khoa. Và Phạm Việt Tuyền thì bận rộn đặt bàn giấy đăng ký các “ nhà văn ngụy” trước khi chịu nhục không nổi phải bỏ Sài Gòn chạy qua Pháp
Và  nhà văn Nhật Tiến cũng cật vấn:
Xin ông Viên Linh cho biết GS Phạm Việt Tuyền đặt bàn giấy đăng ký các nhà văn Ngụy tại địa điểm nào, thời điểm nào ở Sài Gòn và xin nêu thêm vài tên tuổi nào  của những nhà văn Ngụy  đã trực tiếp ghi danh tại bàn giấy của GS  Phạm Việt Tuyền??” .

 Là một người đọc sách, tôi có ý nghĩ thế nào về sự chất vấn của nhà văn Nhật Tiến với nhà thơ Viên Linh?

 Tôi chỉ muốn mình là một người học trò khi đọc những trang sách để thu góp cho mình một kiến thức khả dĩ chính xác. Và như thế những câu chất vấn kể trên không phải là của một cá nhân với một cá nhân mà nó đã thành một vấn đề của những người lưu tâm đến văn hóa văn nghệ.

Nhà văn Mai Thảo đã viết “ Nhật Tiến vẫn đứng ở ngoài nắng” Ông  nói về những cơn nắng chói chang dữ dằn đổ lửa “ của dân tôc Việt Nam. Những cái nắng của thế kỷ, bỏng cháy trên vai trần  của hàng triệu con người lầm than trên trái đất, của những con người bị mất quyền làm người, nạn nhân của thế lực tiền bạc và thế lực bạo lực. Những cái nắng nhễ nhại  trên bãi mìn  nơi Phan Nhật Nam  lê gót  tù nhân như đi trên thủy tinh vỡ. Những cái nắng  ngùn ngụt ở  Gia Trung, nơi những Doãn Quốc Sỹ, những Nguyện Sĩ Tế, mệt lả mồ hôi mang vác những thân cây nặng ne trong thân phận của người tù khổ sai.  Và những cái nắng của ngày vượt biên khát đắng và thiêu đốt con người. Hay cái nắng của đảo hoang Ko Kra , nơi những hải tặc hiện hình làm quỷ sứ. Những cơn nắng thiêu cháy con người  , những đỏ lửa hun đốt  cõi đời ,

Với cá tính như vậy, nhà văn Nhật Tiến viết tác phẩm  mới nhất của mình với tâm cảm thẳng thắn của một người tôn trọng sự thật. Với những ngộ nhận ông thẳng thắn đề cập đến không khoan nhương.

 Trong chương III, Giải Tỏa  Những Ngộ Nhận về Nhóm Bút Việt , chúng ta  đã tìm được nhiều chi tiết để học hỏi thêm  và hiểu biết về văn học miền Nam nhưng chưa thấu đáo lắm.  Sự việc bắt đầu từ câu trả lời của nhà văn Mặc Đỗ trong bài phỏng vấn của nhà văn Lê Phương Chi. Nhà văn Mặc   Đỗ đã trả lời câu hỏi:“ anh nghĩ thế nào về nhóm Bút Việt? Nếu chúng tôi mời anh gia nhập nhóm Bút Việt có trở ngại gì cho cho cá nhân nhà văn Mặc Đỗ với nhóm Quan Điểm chăng? Bằng câu trả lời:
“  câu hỏi gay go nhưng tôi xin nói sự thực Cho tới hôm nay tôi chưa hết khó chịu mỗi khi nghe nói tới PEN, tới những hoạt động của hội viên PEN nhân danh nhà văn Việt Nam. Chắc chưa ai quên PEN Việt Nam được hình thành như thế nào để kịp dư hội nghị Đông Kinh. Tôi buồn thấy một số nhà văn chúng ta ít kiêu hãnh quá. Giả thử hồi đó họ biết kiêu hãnh hơn, từ chối không bán rẻ tên tuổi lấy một chuyến đi, văn chương Việt Nam sẽ vinh hạnh hơn. Đừng nói nhận là hy sinh, vì văn chương Việt Nam không cần ai phải hy sinh hết. Mà hy sinh nỗi gì, hồ sơ PEN Đông Kinh còn đó để minh chứng kết quả sự có mặt của PEN Việt Nam. Chẳng qua có một số ít người nhân danh đám đông những người cầm bút Việt Nam để đi du lịch hoặc nếu có thể để quảng cáo tên tuổi cho riêng mình, văn chương và nhà văn Việt có lợi gì?

Từ vụ Đông Kinh đến nay, bao lần có hội viên PEN đi dự hội nghị ở ngoại quốc nhất nhất đều nhân danh các nhà văn Việt Nam nhưng thử hỏi họ đi về có ai biết tới, họ đã nhân danh nhà văn Việt Nam làm được những gì ở hội nghị.

Tôi lấy một ví dụ cụ thể vì gần nhất, là vụ nhà thơ Vũ Hoàng Chương nhân danh nhà văn Việt Nam đi dự hội nghị ở Nam Tư. Vấn đề đặt ra ở hội nghị hay đến như vậy, tất nhiên PEN Việy Nam phải được thông báo từ lâu  lắm, mà có ai được biết để thâu góp ý kiến thực sự của nhà văn Việt Nam. 

Kịp tới khi đi, hội thầm lặng cử người đi, người đi cũng im lìm ra đi, rồi lặng lẽ trở về, không kèn không trống. Nước chúng ta đang nghèo đói thông tín viên, một cây bút như Vũ Quân mà đi về không được lấy một bài báo- báo cáo đăng nơi công luận cho anh em ở nhà được biết. Tại sao. Vũ Quân không viết? Nếu viết thiếu gì báo đăng. Ít nhất cũng cần tỏ rằng mình có trách nhiệm chứ. Đằng này Vũ Quân kênh kiệu chờ một phóng viên của Tin Sách tới phỏng vấn mới kể lể qua loa vài chuyện vô trách nhiệm. Hội nghị bàn bạc ra sao đại diện các nhà văn Việt Nam can thiệp như thế nào vào cuộc thảo luận, ý kiến phát biểu ra sao phản ứng của hội nghị như thế nào? Chờ  hội nghị  in cuốn sách tổng kết rồi gửi qua và để riêng các ông hội viênPEN Việt Namđọc thì chán quá!

 Do sự có mặt của PEN Việt Nam, thế giới có biết đến văn chương Việt Nam hay không, cứ đọc qua những lời đối thoại của Vũ Quân với mấy phóng viên báo chí tại Bled đủ thấy thiên hạ nhìn chúng ta bằng con mắt tò mò vì chúng ta là của lạ hơn là họ bắt buộc phải biết đến chúng ta vì chúng ta đáng được đếm xỉa tới trên mặt đất này hay vì chúng ta có Nguyễn Du( Tại sao đi đâu cũng đưa mãi Nguyễn Du ra? Đã có những người ngoại quốc khi nói cuyện tới văn học Việt Nam đã phải dặn trước là miễn nói tới Nguyễn Du. Chúng ta tôn thờ Nguyễn Du, điều đó đúng nhưng lhông phải hết thẩy những người ngoại quốc chưa thấu hiểu được những đặc thù của tiếng Việt đều thú Nguyễn Du cả đâu và không phải cần  có Nguyễn Du rồi bây giờ khoanh tay kênh kiệu là đủ cho thế giới biết đến ta)

 Tôi buồn nghĩ đến chuyện đã qua và chuyện bây giò nên không hề nghĩ có dịp nào gia nhập PEN Việt Nam. Tôi tài sức đâu mà thay đổi được tổ chức hiện tại nhưng cứ ngồi đó mà nhìn những tàn tích của sự kém kiêu hãnh của ngòi bút thì càng buồn thêm! Tôi nghĩ rằng đóng góp tác phẩm vào với anh em cùng nghề đã tạm đủ( tuy đôi khi hoàn cảnh riêng khiến cho sự đóng góp không mãn ý)đóng góp bằng cá nhân mình hãy để chờ dịp thuận tiện và cần thiết

   Đọc trong  trang 88,  thấy:
Để minh xác trước lời phê phán của nhà văn Mặc Đỗ” :
Từ vụ Đông Kinh tới nay, bao lần có hội viên PEN đi dự hội nghị ở ngoại quốc nhất nhất đều nhân danh các nhà văn Việt Nam nhưng thử hỏi họ đi về có ai biết tới, họ đã nhân danh nhà văn Việt Nam làm được những gì ở hội nghị xin phổ biến lại bài tường thuật của ký giả Lê Phương Chi “ Hội Nghị Văn Bút Quốc Tế  lần thứ 33 tại Bled với Thi sĩ Vũ Hoàng Chương  Đại Biểu Trung Tâm Văn Bút Việt Nam”. nội dung của bài viết này đã phác họa lại một sinh hoạt văn học quốc tế mà nhà thơ Vũ Hoàng Chương đại diện cho các nhà văn Việt Nam đã được chú ý và  có nhiều cuộc phỏng vấn có ảnh hưởng khá rộng trên trường quốc tế. 

Nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã nói về sinh hoạt của Văn Bút Việt Nam trong thời điểm ấy, cũng như  những công trình dịch thuật từ Việt ngữ sang các ngôn ngữ thông dụng trên thế giới như Anh  hay Pháp ngữ. Ông cũng nhắc đến những bản dịch từ Nguyễn Du, Nhất Linh, sang Anh ngữ. Và Pháp ngữ cũng như đã dịch sang Việt ngữ các tác phẩm văn học Tây phương  như thơ của Lamartine, truyện của  Balzac, kịch của Shakespeare, Corneille, và văn xuôi của Ernest Hemingway, Williams Faulkner, Albert Camus. Vì Việt ngữ có vị trí khiêm tốn trên thế giới nên dù có nhiều văn tài nhưng khó có cơ hội để nổi danh như các nhà văn viết bằng các ngôn ngữ thông dụng  trên thế giới.

Như vậy lúc trở về thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã có tường trình về hội nghị  và được phổ biến trên các phương tiện của Việt Tấn Xã, Đài Phát Thanh Sài gòn và nhiều nhật báo, tạp chí đã phổ biến rộng rãi. Và nhà văn Nhật Tiến  cho biết mỗi khi nhận được thư mời tham dự hội nghị quốc tấ Văn Bút, Ban Thường Vụ đều thông báo cho các hội viên và mở cuộc hội luận tại ngay trụ sở về đề tài của Văn bút Quốc Tế đưa ra cho năm đó. Một điểm tế nhị là nhà văn Mặc Đỗ không phải là hội viên nên dĩ nhiên Ban Thường Vụ không có bổn phận phải tường trình với ông mỗi khi cử người đi tham dự bất cứ Hội nghị Quốc tế cần xuất cảnh nào.  Và đi  tham dự hội nghị Vn Bút Quốc tế thì xưng danh Phái Đoàn Việt Nam là chính danh và sự kiện” chẳng qua một số ít người nhân danh đám đông những người cầm bút Việt Nam để đi du lịch , hoặc nếu có thể, để quảng cáo tên tuổi cho riêng mình, văn chương và nhà văn Việt nam có lợi gì?” không hiểu nhà văn Mặc Đỗ có biết  chính xác những trường hợp ấy không hay chỉ là võ đoán mà thôi.

 Trong khi nhà thơ Viên Linh  đã viết không nương tay để hạ gục một cựu Tổng Thư Ký Văn Bút trước năm 1975  thì một  người khác, nhà thơ Du Tử Lê li khen không tiếc lời đến nỗi xóa bỏ mọi công lao của những người khác cùng có trách nhiệm  điều hành chung. Trong bài viết “ Phạm Việt Tuyền, người chọn vắng mặt” đăng trên nhật báo Người Việt có nhiều điều cần phải làm sáng tỏ và để mọi người hiểu rõ về  một sinh hoạt kéo dài suốt hai mươi năm văn học miền Nam. 

 Nhà văn Nhật Tiến trong đoạn văn : Trung Tâm Văn Bút Việt Nam  Những Điều Cần Nói Rõ”  đã có những nhận định khá chính xác về sự kiện trên. Khi nhà thơ Du Tử Lê cho rằng không có sự tận tụy kiên nhẫn quên mình của  Phạm Việt Tuyền thì sinh hoạt của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam thời đó không có gì đáng nói thì ông đã “xổ toẹt” tất cả công sức của những vị đã đóng góp bền bỉ tích cực của các tên tuổi Lẫy  lừng như Vũ Hoàng Chương, Vương Hồng Sển, Tam Lang Vũ Đình Chí,Đông Hồ Lâm Tấn Phác,  Vi Huyền Đắc , Linh mục Thanh Lãng, Đỗ Đức Thu, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Hồ Hữu Tường , Nghiêm Xuân Việt…

 Trong bài viết, nhà thơ Du Tử Lê nhớ lại :
Giữa thập niên 1960 để tạo sinh hoạt đều đặn cho hội, họ Phạm đưa ra sáng kiến mỗi tháng mời một hội viên thuyết trình về một đề tài văn học hay nghệ thuật do hội viên đó tự chọn. Nơi chốn ( luôn luôn là thính đường trường Quốc Gia Am Nhạc ở đường Nguyễn Du) cùng những nhu cầu khác như người phụ diễn, trợ huấn cụ, quảng bá tin tức, mời khách tham dự… đều do đích thân ông liên lạc, cung ứng. Diễn giả chỉ cần cho biết đề tài bài nói chuyện mà không phải đưa ông duyệt trước…”

 Nhà văn Nhật Tiến đã nêu ra những điểm không chính xác của đoạn văn này. Với tư cách một người sinh hoạt lâu năm trong TTVB VN, Ông khẳng định việc mỗi tháng mời một hội viên thuyết trình về một đề tài văn chương không phải là sáng kiến riêng của ông TTK Phạm Việt Tuyền mà là kết quả của sự bàn soạn cặn kẽ của Ban Thường Vụ.

 Cũng như việc điều hành tổ chức cũng phải có nhiều người tham gia và  ông TTK không thể nào  “ đích thân “ lo toan đến cả những công việc đa đoan như nhu cầu người phụ diễn, trọ huấn cụ, quảng bá tin tức… còn địa điểm tổ chức những buổi thuyết trình văn học không phải luôn luôn là thính đường của  trường Quốc Gia Am Nhạc mà nhiều khi phải di chuyển đi các nơi khác thí dụ như hội trường của Đại học Văn Khoa chẳng hạn.  Còn sự kiện  diễn giả chỉ cần cho biết đề tài bài nói chuyện mà không phải đưa duyệt trước không phải là sự dễ dãi xuề xòa của ông Phạm Việt Tuyền mà là chủ trương tôn trọng tự do của người cầm bút theo Hiến chương Văn bút Quốc tế.

 Năm 1965, nhà thơ Du Tử Lê được TTVB VN mời nói chuyện. Ông kể trong bài viết: Trước khi nhận lời tôi hỏi ông, tại sao, một người tên tuổi uy tín như ông lại không phải là một trong những người đầu tiên thực hiện kế hoạch? Ông đáp” thì các anh các chị cứ chịu khó nói trước đi. Khi không còn ai khác lúc đó tới phiên tôi cũng đâu có muộn màng gì…” Tôi hiểu ông trung thành với chủ trương “tránh mang tiếng

Theo nhà văn Nhật Tiến thì nhà văn Phạm Việt Tuyền đã có hai buổi nói chuyện vào năm 1962 và 1963 thì vào năm 1965 nhà thơ Du Tử Lê mới tham dự tức là sự việc đã thành thông lệ rồi thì việc nhường nhịn trước sau có đặt thành vấn đề hay không? Vậy thì làm gì có chuyện Phạm Việt Tuyền trả lời Du Tử Lê :
” thì các anh các chị cứ chịu khó nói trước đi. Khi không còn ai khác lúc đó tới phiên tôi cũng đâu có muộn màng gì… Tôi hiểu ông trung thành với chủ trương “ tránh mang tiếng.”

 Và nhà văn Nhật Tiến kết luận:
Ô hay! Là Tổng Thư Ký của một Hội đứng ra tổ chức các buổi nói chuyện hnag tháng tha thiết mời người khác nói trong khi chính mình thì cũng đã nói tới hai buổi rồi thì tại sao lại có chuyện “ Tránh mang tiếng”

Hay là ông muốn nói rằng ông Tổng Thư ký tránh mang tiếng là tranh giành chỗ nói của người khác.. nhưng đó chỉ là sự suy diễn, chứ ý của Du Tử Lê trong bài biết thì đã quá rõ ràng. Vả lại chẳng bao giờ làm chuyện công vụ cho văn bút mà ông Phạm Việt Tuyền lại sợ mang tiếng”

 Đọc chương sách cuối bài viết “ Ngày cuối ở trụ sở Trung Tâm Văn Bút” sao tôi cảm thấy bùi ngùi quá. Có phải đó là một kỷ niệm buồn của nhà văn Nhật Tiến mà còn làm cho chúng ta  nhớ lại những ngày tháng tư năm 1975 ấy. Cho dù lúc ấy  có người còn con nít .Đối  với một đứa  trẻ chưa trưởng thành  mà sự hãi hùng vẫn còn mấy chục năm sau thì nỗi đau ấy với mọi người thì còn sâu đậm đến bực nào? Nhà văn Nguyễn Đức Sơn cũng có mặt ở Trung Tâm Văn Bút  lúc ấy và cũng chia sẻ với mọi người nỗi bùi ngùi của một người mất nước. Và trong cái  tính khí bất thường của mình…
  Khi đọc đến những dòng chữ cuối của cuốn sách tôi thấy mình đã thêm một chút cẩn trọng khi cầm bút. Chữ nghĩa không phải là nói chơi, phải hiểu sự quan trọng khi phát biểu một vấn đề gì.

    Từ những điều mà nhà văn Nhật Tiến đề cập đến, tôi hiểu rằng với sự thẳng thắn khi bầy tỏ, ông muốn  thế hệ sau hiểu biết rõ ràng hơn và minh bạch hơn về những sinh hoạt văn chương của một thời đại đầy biến động và vì nhiều lý do tạo ra vì chiến tranh nên cái nhìn để nhận định và quan sát không được trung thực. Những thế hệ  sinh trưởng  sau từ năm  1975 ở hải ngoại và cả ở trong nước làm sao hiểu biết được  sự thực nếu không đọc hoặc tìm hiểu một cách cặn kẽ thì làm sao biết được  cuộc sống của thế hệ cha anh với những trầm bổng thế sự  và những hệ lụy lịch sử dân tộc. Nói chuyện văn chương trung thực, có phải lúc nào cũng cần thiết?
                                                            
NGUYỄN MẠNH TRINH



















__._,_.___

Posted by: michael bui 

No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết