Saturday, November 19, 2016

Cuộc sống người dân miền Nam thời kỳ trước và sau thuộc địa Pháp (p1)



Cuộc sống người dân miền Nam thời kỳ trước và sau thuộc địa Pháp (p1)

Nguyễn Văn Lục

gal-2738680“Họ chỉ trọng cái bề ngoài. Bề ngoài tỏ ra lễ phép lịch sự với người ngoại quốc, nhưng trong bụng lại khinh bỉ. Họ gian đối chỉ cốt thu lợi những gì họ không lấy cắp được.” (Pierre Poivre)
Đất miền Nam còn gọi là miệt vườn.
Miền Nam mà tôi muốn nói ở đây là khoảng thời gian từ 1954-1975. Một miền Nam đầy triển vọng và tốt đẹp. Tôi vốn nặng lòng với miền Nam ngay từ khi di cư năm 1954. Miền Nam như một miền đất hứa mà mọi thứ đều khác và trội vượt đất Bắc về chiều không gian rộng rãi bao la, về tâm tình con người và nhất nếp sống xã hội cởi mở. Tôi lớn lên ở đó và trưởng thành cũng ở đó. Cho nên không lấy gì làm lạ khi tôi tìm đọc Sơn Nam; tên thật của ông là Phạm Minh Tày, sinh 11/12/1926, ở U Minh Hạ). Ông là người mở đường, là ông thày khai lối cho tôi biết miền Nam là gì. Tôi đã thích thú và tin vào những gì ông viết thấy thân quen và gần gũi. Tóm lại trong một dòng: miền Bắc khổ quá trăm chiều, miền Nam sướng quá, trăm chiều.
Tôi đọc ông như một khám phá trong sự ngợp choáng về sự giầu có, sung túc của dân miền Nam. Đọc ông sướng rên lên: Làm chơi ăn thật. Ông cho người đọc cảm tưởng là mọi thứ ở miền Nam từ đất đai, ruộng vườn, hệ sinh thái, cá tính con người, mọi thứ đều như một ân huệ trời cho, có sẵn từ bao giờ, ưu đãi biệt lệ mà con người đã không phải vất vả lao đao với cuộc sống.
Ông viết trong cuốn “Đồng bằng sông Cửu Long”, nét sinh hoạt xưa bằng thứ ngôn ngữ ngon ơ, sự dễ dãi của sự phóng bút, sự buông thả khó kiểm chứng. Ông cho hay lúa gạo miền Nam thừa mứa đến độ cơm gạo xấu. người không thèm ăn, dùng dể nuôi gà lợn. Khi mất mùa thì cho mất luôn vì trả công gặt còn đắt hơn tiền lúa thu hoạch được. Nhất là câu nhận xét có phần phách lối: Dân làm thuê ngại cúi xuống gặt lúa, sợ đau lưng!
Viết dễ dãi như thế ai tin được thì tin, xin trích lại đoạn văn làm bằng cớ:
“Thiên nhiên ưu đãi, lương thực và thực phẩm có thừa, công việc nhàn rỗi, áo quần nhà cửa, chữ nghĩa còn thiếu, nhưng so sánh với một số địa phương khác thì đồng bằng sông Cửu Long quả là nơi lạc thổ. Lúa xấu, cá khô xấu khó bán. Lúa xấu, gạo lứt thường để nuôi heo, gà vịt. Ghe rổi (chuyên chở cá) từ Chợ Lớn đến không bao giờ chịu tốn hao sở phí “cơm ghe bè bạn” để mua có vài mươi tạ cá (…) Mãi đến thời Pháp thuộc, ta còn thấy sự kiện khó tin nhưng có thể giải thích: ruộng mất mùa mỗi công còn thâu hoạch vớt vát chừng hai gịa nhưng đành bỏ luôn, cho hư hao tại chỗ, vì tiền mướn gặt lắm khi cao hơn tiền bán hai giạ lúa ấy, vả lại lúa mất mùa thường lép hột, khó bán, thợ gặt chán nản khi đi gặt khom sát đất “đau lưng”.
(Sơn Nam, “Đồng bằng sông Cửu Long, nét sinh hoạt xưa & văn minh miệt vườn”, nxb Tp. HCM, 1985, tr. 36-37)
Hãy đọc thêm một đoạn nữa để nghe ông ca tụng mảnh đất Đồng Nai:
“Sông Tiền, (Cửu Long) và sông Hậu rất rộng lượng, đôn hậu, ít khi trở chứng, cho rất nhiều, ít khi lấy lại, nước lụt hằng năm không gây tai họa nếu con người biết quy luật. Xử lý khôn khéo, lần hồi ta có lúa, có cá đồng, cá biển, cây củi, vườn cây trái hoa mầu, gió sẽ mát hơn, nắng bớt oi bức, mưa bớt lầy lội.”
(Sơn Nam, Ibid., trang 10)
Đây là những câu nói khống, rất vô tội vạ:
“Từ khung cảnh hoang vu với cọp sấu, muỗi, mòng, bịnh tật, ta đã vạch được một chân trời quang đãng, vui tươi, có văn hóa.”
(Sơn Nam, “Đất Gia Định – Bến Nghé xưa & người Sài Gòn”, nxb Trẻ, TP HCM, in lần thứ hai, trang 75)
Đọc các đoạn văn trên, vừa vắn, vừa gọn, vừa kêu, vừa khoa trương, nhưng thiếu tất cả các dữ kiện. Lần hồi ta có lúa, có cá đồng, cá biển, vườn cây trái hoa mầu? Lần hồi là thế nào? Ai cho ta? Ta vạch một chân trời quang đãng? Ai vạch? Làm sao gió sẽ mát hơn vì có máy lạnh? Mưa bớt lầy lội vì có Pháp đào kênh, nạo rạch? Bịnh tật mà không có Yersin, Pasteur thì tử xuất sẽ là bao nhiêu?
Để có được những điều nhưng không ấy, cả một quá trình khẩn hoang hàng hai ba thế kỷ với sự có mặt của người Pháp và sự hy sinh vô bờ bến của lớp người đầu tiên đi khẩn hoang. Nghĩ đến Sơn Nam, ông còn là ông thầy của Trump!
Công bằng mà nới, người ta có thể đồng ý một phần như trong Phủ Biên Tạp Lục, cuốn sách đầu tiên của chúng ta viết về đất Gia Định với những câu thơ, câu hò nhắn nhủ nghe rất mùi mẫn như:
Ai về Gia Định thì về
Nước trong gạo trắng dễ bề làm ăn
Hay:
Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định Đồng Nai thì về.
Nhưng từ văn chương đến cuộc đời là một quá trình sàng lọc, tẩy rửa, hư cấu bao nhiêu cho vừa?
Những người có chút chữ nghĩa như Sơn Nam, có thể chưa hề biết cầm cái phảng phạt cỏ, chưa hề kéo xe trên đó có một thằng Tây nặng gấp đôi người phu kéo, chạy với tốc độ việt dã 12 km/giờ mà không biết mệt. Nhưng người ngoại quốc như ông bác sĩ Morice đã viết vào năm 1872 như sau:
"Máy" xay lúa ơ r Gò Công. Tranh do Rolan vẽ theo hình do ông Thomsón chụp. Nguồn:  Docteur Morice,  "Voyane en CochinChine
“Máy” xay lúa ơ r Gò Công. Tranh do Rolan vẽ theo hình do ông Thomsón chụp. Nguồn: Docteur Morice, “Voyane en CochinChine
“Leur manière de vivre est la plus insuffisante et la plus antihygénique que l`on puisse rêver. (…) Il n’est peut-être pas un peuple qui ait un mode de se nourrir aussi monotone et ausi fidèlement partout”.
(Lối sống của họ thật thiếu thốn và mất vệ sinh đến độ người ta không có thể tưởng tượng ra được. Không biết có dân tộc nào mà có lối ăn uống đạm bạc đến nhàm chán ở khắp nơi như vậy).
(Docteur Morice, “Voyage en Cochinchine, 1872”, trong Le tour du monde, volume 30-1875-2nd semestre, page 369-385)
Về trường hợp Sơn Nam, tôi vẫn nghĩ một cách độ lượng là người ngoại quốc như Morice nhận xét về con người Việt Nam không sai:
“L’annamite n’a que deux âges: “Il est enfant ou il est vieillard. Sa jeunesse se prolonge longtemps. Quant à l’âge mur, il n’a qu’une très courte période.””
(Người Annam chỉ có hai tuổi: Họ là một đứa trẻ hoặc họ là một ông già. Tuổi trẻ của họ kéo dài rất lâu. Khi đến tuổi già thì chỉ còn là một thời gian ngắn).
(Dr. Morice, Ibid., Chapitre I)
Con người Việt Nam thường lạc quan tếu, lấy ăn nhậu phét lác làm đầu, bốc đến trời nên trẻ mãi. Đến lúc chững chạc, hết nổ thì lúc đó đã già.
Nhưng nếu biện luận nghiêm chỉnh thì khác.
Thứ nhất, những lớp người có vốn may mắn có chút chữ nghĩa, dù chỉ nhỏ như chiếc lá đa, gốc gác ở miệt vườn cũng được kính nể là thầy thiên hạ như Sơn Nam. Hoặc chữ nghĩa có cả bồ do học hỏi từ người Pháp như gs Nguyễn Thế Anh thì lại thường có một tình tự dân tộc thấm đậm, suy nghĩ không đơn giản như người dân thường, bén nhậy cũng có, và thường không muốn nhìn nhận các công trình của người Pháp làm ở Việt Nam, ngay cả những việc làm đem lại lợi ích tốt nhất cho Việt Nam mà vua quan nhà Nguyễn đã không làm được trong ít nhất hai thế kỷ. Tôi sẽ lý giải điều này trong những lập luận sắp tới và nhất là ở phần kết luận.
Vì thế, ngay trong phần “Nhận xét tổng quát”, mở đầu cuốn “Lịch sử khẩn hoang miền Nam” của Sơn Nam, ông đã tránh né không nhắc nhở gì đến các công trình của người Pháp, hoặc viện chủ nghĩa dân tộc cực đoan như một thứ chân lý, đã phủi tuột tất cả công trình của người Pháp bằng một luận điệu lên án dễ dãi như sau:
“Thực dân Pháp đến, nhằm mục đích bóc lột nhân công rẻ tiền, và xuất cảng tài nguyên, đã thực hiện được vài việc đáng kể:
1. Cho đào kinh để chuyên chở lúa gạo, giúp giao thông vận tải được dễ dàng, đồng thời rút bớt nước vào mùa lụt từ Hậu Giang ra Vịnh Xiêm La. Vùng đất phèn, tạm gọi là phù sa mới, không còn bị nước ngập quá cao. Việc chuyên chở sản phảm về Sài Gòn ít tốn kém hơn trước.
Thành lập các tỉnh mới: Rạch Giá, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, vùng này trở thành nơi dư lúa gạo, nhờ dân ít mà mức sản xuất cao. Khai khẩn rừng tràm và đồng cỏ.
2. Thúc đẩy việc làm ruộng sạ, nhờ chọn các giống lúa thích hợp hơn, giúp vùng đất thấp ở Long Xuyên, Châu Đốc và Đồng Tháp Mười canh tác được. Còn lại là vùng rừng Sác Cần Giờ, rừng Đước Cà Mau, vùng than bùn U Minh, vùng đất quá nhiều phèn chung quanh Hà Tiên và Đồng Tháp Mười.
3. Lập đồn điền cao su ở miền Đông.”
Việc lớn như thế, vĩ đại như thế mà chỉ coi là vài việc đáng kể! Hãy nghĩ lại xem, Nguyễn Ánh khi chiếm được Gia Định thì việc lớn đầu tiên ông làm là gì? Năm 1789, Nguyễn Ánh thắng được Tây Sơn, thâu được Sài Gòn thì ra lịnh xây đắp thành trì kiên cố. Ông cũng có công cho đào được hai kinh Vĩnh Tế và Thoại Hà. (Việc đào kinh thường bắt dân chúng trong vùng làm sâu, một năm phải làm sâu một số ngày nhất định. Sau này Pháp cho nạo vét lại kinh này).
Có lúc nào Nguyễn Ánh Gia Long nghĩ đến xây dựng và phát triển đất nước? Lên ngôi thì việc đầu tiên không phải là ban bỗng lộc cho bầy tôi đã vì mình lặn lội trong nhiều năm mà nghĩ ngay đến chuyện ân oán, xây thành quách và gửi một phái đoàn hùng hậu sang Tàu. Tôi đã đọc rất kỹ bản văn này và chỉ còn biết xấu hổ và nhục cho vua quan của mình. Và nếu nghĩ xa được đến đất nước thì chắc chắn ông đã phải chọn đất Gia Định làm kinh đô thay vì mảnh đất khô cằn, chật hẹp ở Huế! Chọn Huế là một thiển cận mọi mặt chỉ vì ông chỉ lo lắng bảo vệ cho sự an ninh của dòng họ thay vì xây dựng.
Tôi xin nêu một bằng chứng đầu tiên về công trình của Người Pháp. Đường bộ giao thông ở miền Nam trước khi người Pháp chiếm miền Nam hầu như chưa có. Mỗi cuộc tiến quân chinh phạt của Quang Trung Nguyễn Huệ là chờ đợi gió mùa kéo thủy binh vào Nam. Vì thế, con đường lộ duy nhất khi người Pháp đến xứ Nam Kỳ là trải đá con đường Trần Hưng Đạo nối Saigon với Chợ Lớn, sau đó trải nhựa. Đến năm 1872 thì đã hãnh diện có đại lộ Catinat, mạch sống của Saigon và Hotel gọi một cách kiêu hãnh là: Hotel de l’Univers. (Khách sạn hoàn vũ).
Hotel de l'Univers, 1906. Ảnh bưu thiếp 1909.
Hotel de l’Univers, 1906. Ảnh bưu thiếp 1909.
Vậy mà ngoảnh đi lại, cũng theo Sơn Nam, vào năm 1929 đã có:
“Quốc lộ Đông Dương, 1013 km; Liên tỉnh lộ, 1083; Tỉnh lộ, 1728 km. Tổng cộng 3824 km. Chưa kể 3243 là hương lộ xấu.”
(Sơn Nam, Ibid., Chương Tình hình các tỉnh dưới mắt người Pháp.)
Đến lượt Nguyễn Thế Anh 1939, nghĩa là chỉ 10 năm sau:
“Chính phủ bảo hộ đã cố gắng phát triển hệ thống giao thông. Chiều dài đường bộ đã lên đến con số 23.987 gồm 17.500 km lát đá, 5000 km trải nhựa. Và chi phí cho công việc này từ năm 1900 đến 1935 là: 145.800.000 đồng cho việc thiếp lập đường xe lửa và 44.900.000 cho việc thiếp lập đường bộ.”
(Nguyễn Thế Anh, “Việt Nam thời Pháp đô hộ”, Tủ sách sử địa Đại Học, Lửa Thiêng xuất bản 1970, trang 178-179)
Một chi tiết đáng ghi nhận, năm 1930 đã có phi trường Tân Sơn Nhất.
Ngoài cái tinh thần chủ nghĩa dân tộc có phần cực đoan, nhà văn Sơn Nam còn có liên hệ với cộng sản càng làm cho cái nhìn của ông vốn đã giới hạn càng trở thành hẹp hòi hơn. Sau 1975, Sơn Nam và Vương Hồng Sển là hai là nhà văn gốc gác miền Nam, được ân sủng không phải từ ruộng vườn mà từ nhà nước CNXH. Cả hai đã có cơ hội sáng tác nhiều nhất và khỏe nhất trong khi cả hai trăm nhà văn miền Nam khác, số phận hẩm hiu, đã bị tắt tiếng.
Sơn Nam với các cuốn Đất Gia Định xưa, Đồng Bằng sông Cửu Long, Người Sài gòn, Cá tính miền Nam, Lịch sử khẩn hoang miền Nam v.v., và nhất là cuốn cuối đời của ông, Hồi Ký Sơn Nam- từ U minh thượng đến Cần Thơ – Ở chiến khu 9 – 20 năm giữa lòng đô thị – Bình An (2005).
Cho nên, cái sự ca tụng đất nước miền Nam ấy hẳn là có lý do bên trong của nó như trong cuốn Hồi ký cuối đời của ông. Hẳn là nó hợp với khẩu vị của chính sách nhà nước. Tuy nhiên, nó không đến nỗi quá lộ liễu như trường hợp Ca Văn Thỉnh, trong cuốn Hào khí Đồng Nai. (Ca Văn Thỉnh, nxb TP. HCM, 1983).
Đó là nhận xét cá nhân và cũng là nỗi không vui của tôi khi đọc sách của ông trước 1975 và sau 1975 cũng như khi đọc những tạp bút của Vương Hồng Sển.
Để công bằng, xin nói rõ, trước 1975, cuốn sách của ông mà tôi trân trọng nhất là cuốn Hương Rừng Cà Mau (1972, hai tập) với vài chục mẩu truyện ký về con người, về những sinh cảnh, về những tâm tình xem ra tầm thường của con người vùng đất mới. Nhưng lại đậm đà tinh con người. Mỗi con người là một cuộc phiêu lưu kỳ thú. Mỗi câu truyện kể đều có sức chuyên chở một cái gì đó. Cái gì cũng “ngộ”, cũng lạ. Từ lối kể truyện, từ ngôn ngữ viết như nói, từ cách dùng từ, cách đặt tên cho truyện đến lạ, bàng bạc tính chất phác dân giả, quê mùa mà đầy tình nghĩa xóm làng.
Và theo tôi, đó là nét đẹp nhất trong văn chương miệt vườn của Sơn Nam.
Trở về với Sơn Nam, cái ngôn ngữ kể truyện của ông với chuyện cà kê dê ngỗng ấy là thế giới riêng của ông không cách gì bắt chước được. Không biết phải uống bao nhiêu nước sông Đồng Nai? Rồi truyền đời, kế thừa từ đời cha đời ông đến con cháu, tích lũy, gạn lọc mới có thể có được thứ ngữ cảnh đó chăng? Sau này, ngoại trừ trường hợp Bình Nguyên Lộc, Lê Xuyên đã là một lẽ, những thế hệ đàn em theo sát ông như Hồ Trường An, Kiệt Tấn cũng không bắt kịp.
Ngòi bút ấy kể cũng xứng đáng bậc thầy bắt nhớ đến Nguyễn Tuân ngoài Bắc. Nhưng hai cá tính, hai miền coi vậy mà khác biệt trùng trùng như nước với lửa. Kẻ chẻ chữ uốn nắn từng câu chữ coi có phần vất vả. Kẻ chơi chữ, viết như đùa, dông dài mà bắt phải nhớ mãi.
Những sách khác của ông như Cá tính miền Nam (nxb Trẻ, tái bản lần 2, năm 1997). Người Saigon (nxb Trẻ 1990) với nhiều tích cũ chuyện xưa, kể như thật mà không cần bằng cớ đã mất một phần phản ảnh tính chất “lãng mạn” chất phác của miền Nam trước 1975.
Nhưng dù muốn dù không, viết trước 1975 và sau 1975 hẳn có sự khác biệt về thái độ cầm bút. Cái cá tính miệt vườn của một Sơn Nam và cái ngông nghênh của một người cầm bút miền Nam ba dòng máu Việt, Hoa và Khờ me Vương Hồng Sển hẳn đã được thử thách và đẽo gọt?
Nhiều lúc có cảm tưởng ông Sơn Nam đã viết cương, tiểu thuyết hóa nhiều chuyện, nhiều chi tiết hư hư, thật thật. Không cương thì làm sao mà những kẻ trộm cướp, kẻ trốn sâu, lậu thuế, kẻ lang bạt kỳ hồ cũng trở thành những mẫu anh chị, những tay hảo hán có cái đạo đức giang hồ, chơi đẹp!
Chính ông khi viết Hương Rừng Cà Mau đã gởi một cuốn về cho người Bác (Bác Hai, khoảng 90 tuổi) vốn không biết chữ Hán lẫn chữ Quốc ngữ, phải nhờ thằng cháu đọc. Đứa cháu sau đó có viết một lá thư gửi lên Sài Gòn cho ông đại ý nói:
“Thằng này nói dóc, nghe được quá. Nói dóc mà có căn cứ.”
(Sơn Nam, “Hồi Ký Sơn Nam”, bốn tập, nxb Trẻ 2003,2005, trang 22)
Nó có cái đẹp của giang hồ, rầy đây mai đó tạo ra những mẫu người hùng kiểu Lương Sơn Bạc. Có những phong cách người Sài Gòn, có những hãnh diện với một Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của hay một Đồ Chiểu. Cái hãnh diện của người Sài Gòn thời Sơn Nam những năm 1930 đậm nét thuộc địa với ba nhu cầu lớn là Đá banh, Nhựt trình và Sân khấu Cải lương. Cái thứ ba là sản phẩm chính gốc có nhãn hiệu Saigon thì tiếc thay nay nó hầu như tàn lụi.
Viết cương phải chăng cũng là cá tính miền Nam? Bởi vì Sơn Nam hơn ai hết đã để lại cho đời sau cái câu chết người:
Người dân miền Nam thảnh thơi “vừa làm vừa chơi cũng đủ ăn”. Có thật như thế không?
Rồi đến hai cuốn sách mà tôi cho là có tính cách biên khảo nghiêm chỉnh nhất của ông là cuốn: Đất Gia Định xưa và cuốn: Lịch sử khẩn hoang miền Nam. Ông viết thẳng băng từ đầu tới cuối, chẳng cần trich dẫn tài liệu lấy ở đâu, ai tin được thì tin, mặc dầu cuối sách ông có dẫn chứng một số sách đã đọc.
Chính về điểm này mà tôi muốn viết  về cuộc sống của người dân miền Nam dưới thời kỳ đầu thời Pháp thuộc. Có thể, nó trái ngược và không giống như Sơn Nam viết hay như Vương Hồng Sển trong Phong lưu cũ mới.
Nó là sự thật khốn khổ trăm chiều, bị bóc lột đủ kiểu chứ không nhàn hạ làm chơi ăn thật như Sơn Nam đã gieo vào đầu mọi người.
Cuộc sống ấy mới là cuộc sống thật không phải cuộc sống trong tiểu thuyết của nhà văn Sơn Nam. Hay trong các thú Nuôi chim, Đá gà, thú đá cá Thia Thia của Vương Hồng Sển, v.v.
Càng đọc Sơn Nam càng hiểu gián tiếp rằng việc khẩn hoang miền Nam cũng như việc đô thị hóa Saigon là một quá trình tiến bộ vượt bực sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự có mặt của người Pháp.
Tôi cho rằng cái thành công nhất, cái làm nên Sơn Nam là Sơn Nam, chính là nó phơi bầy ra cá tính miền Nam với những nét đặc thù của dân miệt vườn.
Một thắc mắc của tôi ở đây về phương diện nhân chủng học là một phần không nhỏ đám lưu dân vào miền Nam có gốc gác là dân Ngũ Quảng (miền Trung). Vậy mà bằng cách nào cũng những con người ấy khi vào vùng đất mới thì như lột xác, rũ bỏ quá khứ trở thành một con người mới.
Cái rũ bỏ ấy là lấy vọng cổ làm nguồn vui mới. Lấy tôn giáo cải biên làm tôn giáo mới.
Vấn đề người ở lại thì vẫn chìm đắm trong nếp sống cũ, hủ lậu và dậm chân tại chỗ, kéo dài hết thế hệ này sang thế hệ khác. Vấn đề người ra đi có cơ hội mở ra những chân trời mới, một tương lai tốt đẹp hơn cho chính họ và con cái họ.
Các cuộc di cư của dân miền Bắc vào miền Nam 1954 cũng như cuộc di tản của người miền Nam 1975 ra nước ngoài là hai bằng cớ rõ nét nhất: Ra đi chưa hẳn đã là thiệt thòi mất mát. Ra đi là tìm được một cuộc sống tốt đẹp cho chính mình và tương lai con cái mình. Cái mất trở thành cái được đến nỗi mọi sự so sánh xem ra vô nghĩa.
Và cái rũ bỏ quan trọng nhất của người bỏ xứ ra đi là rũ bỏ được cá tính con người cũ thành một con người mới.
Một con người với tính tình hào sảng, rộng lượng, cởi mở, chơi đẹp theo cách sống giang hồ, lấy tình nghĩa làm đầu, lấy bạn bè xóm làng làm phương châm. Nó khác hẳn con người cũ bon chen, ty tiện, tinh thần xã thôn bảo thủ, chật hẹp, tinh thần cha chú phân chia giai cấp trong một guồng máy cùm kẹp con người.
Người dân gốc gác cũ đi vào vùng đất mới thì việc đầu tiên họ làm là tự giải phóng mình ra khỏi cái nhà tù giam hãm họ từ bao đời của tinh thần xã thôn ấy.
Ra đi là lời nguyền giải thoát. Thường vì thế họ không có tâm tư tìm về cội nguồn gốc gác cũ nữa. Giã từ quá khứ, cái đã làm nên thân phận họ.
Giữa con người cũ và con người vùng đất mới có một sự đổi thay kỳ diệu. Đến độ nói đến người miền Nam thì không còn chút chi giống mới dân miền Trung nữa. Đó là hai sắc dân mặc dầu gốc gác là một. Điều ấy kinh nghiệm trong việc giao tiếp đến bây giờ vẫn có thể là đúng.
Thắc mắc này của tôi sau này có thể gợi ý cho một công trình nghiên cứu về nhân chủng học trong các cuộc di dân như hiện nay trên thế giới.
Nhưng trước hết, xin hãy tìm hiểu giai đoạn từ các Chúa Nguyễn trước khi người Pháp trực tiếp làm chủ xứ Nam Kỳ.
Tài liệu của các tác giả ngoại quốc viết về xứ Nam Kỳ trước thuộc địa
Đã có nhiều sách, phải nói khá nhiều các tài liệu viết về giai đoạn trước thời kỳ thuộc địa Pháp. Có hàng trăm tác giả, tài liệu đầu nguồn qua các tên tuổi như Henri Cordier, Launay, Alexis Faure, các thừa sai như Baldinotti, Bori, Charles B. Maybon, Koffler, De Rhodes, La Bissachère, v.v.
Chỉ cần đọc Alexis Faure với “Les Francais en Cochinchine au XVIII siècle”, đặc biệt viết về Mgr Pigneau de Behaine, giám mục Adran (1891) đã là một kho tài liệu về giai đoạn Nguyễn Ánh Gia Long khôi phục giang sơn về một mối như thế nào rồi.
Một cuốn khác không kém quan trọng như “Histoire moderne du pays d’Annam (1592- 1820)” của Charles B. Maybon, Docteur ès-lettres, viết khá đầy đủ về giai đoạn mở đầu bang giao giữa Pháp-Việt Nam với Trịnh-Nguyễn, rồi Tây Sơn-Nguyễn Ánh và nhất là giai đoạn Bá Đa Lộc-Nguyễn Ánh cho đến khi Nguyễn Ánh băng hà.
Histoire moderne du pays d’Annam (1592- 1820), Charles B. Maybon, Docteur ès-lettres. Nguồn:
Histoire moderne du pays d’Annam (1592- 1820), Charles B. Maybon, Docteur ès-lettres. Nguồn: Librairie Plon, Paris
Maybon biết cuốn này vì nghĩ rằng người Pháp không mấy quan tâm đến sử Việt Nam, trừ cuốn “Cours d’hístoire d’Annamite” của Trương Vĩnh Ký viết năm 1875, vì thế, Maybon đã viết đầy đủ với nhiều chứng dẫn tài liệu mà Trương Vĩnh Ký đã không có đủ tư liệu để viết được.
Chưa kể đến các cuốn hồi ký lý thú của Barrow, Crawfurd, Hamilton, Dampier, Poivre. Trước đây ít người có cơ hội đọc những tác giả này, trong đó có người viết bài này, nhiều người Việt Nam vẫn lầm tưởng rằng họ biết rõ về đất nước mình mà thực sự chẳng biết gì cả.
Cả một quá khứ được mở toang ra cho thấy cha ông chúng ta thực sự đã sống như thế nào? Nếu căn cứ vào những tài liệu vừa kể trên, phải nói thật với nhau, xã hội của cha ông chúng ta chỉ vừa ra khỏi xã hội bầy đoàn, chưa có khái niệm chính xác về đất nước, quốc gia dân tộc. Một xã hội còn bán khai, cùng lắm vượt qua thời kỳ hái luợm, du mục, săn bắn.
Tính chất nổi bật nhất là cha ông chúng ta vẫn chưa thực sự được khai hóa.
Cái văn hóa Trung Hoa truyền vào Việt Nam, từ nhiều đời, trải qua nhiều giai đoạn cuối cùng trước những thử thách phải đương đầu với thế giới Tây Phương, nó cho thấy sự yếu kém trước sức mạnh của tàu đồng, của súng thần công và kim địa bàn!
Đây là giai đoạn cho thấy thực chất chế độ vua quan là gì? Và nó cũng cảnh báo một sự suy tàn do sự ngu dốt, bảo thủ của họ.
Ở đây, xin chỉ giới hạn vào một vài cuốn tiêu biểu.
Tôi xin chọn các cuốn Hồi ký nhờ đó biết được đời sống thực, con người Việt Nam thực, nếp sinh hoạt thực của dân mình trước thời kỳ thuộc địa. Nó cho thấy sự thật là người Việt Nam trong giai đoạn các Chúa Nguyễn được gọi chung là La Cochinhchine, Đàng trong so với xứ Tonkin, Đàng ngoài còn ở một tình trạng bán khai ở nhiều mặt. Nếp sống văn minh chưa được khai hóa. Nói chung, nó cho thấy con người Việt Nam vóc người nhỏ bé, dị hình còn đi chân đất, đóng khố. Đời sống dân chúng cực nghèo khổ, bữa đói bữa no cộng thêm sự ngu dốt về mọi mặt cũng như mê tín dị đoan trước nếp sống văn minh của người Tây Phương.
Xin tóm tắt một vài đoạn trong cuốn hồi ký sau đây, bạn đọc sẽ thấy rõ điều đó.
Đó là cuốn “Voyage de Pierre Poivre en Cochinchine”. Transcrit et présenté par Henri Cordier. Cordier đã sao chép lại và đăng trong Revue de l’Extrême-Orient, năm 1887,t3, pp 81-121, 364-510.
Pierre Poivre  (1719-1786). Nguồn: La Galerie Napoleon
Pierre Poivre (1719-1786). Nguồn: La Galerie Napoleon
Những hồi ký của ông đã đưa ra rất nhiều nhận xét khá trung thực những gì ông đã quan sát, đã tiếp xúc với triều đình nhà Nguyễn với cái nhìn xa trông rộng. Nhưng qua cuốn hồi ký, tôi có cảm tưởng có nhiều điều cần xem xét lại. Riêng Bộ trưởng hải quân Pháp đã giao hai sứ mạng cho ông khi sang xứ Đàng Trong: một là làm sao tạo được mối quan hệ buôn bán với các Chúa Nguyễn. Hai là về mặt thương mại, cần thu thập những loại cây gia vị.
Về điểm này, Poivre được coi là người đi mở đường sớm nhất cho việc liên lạc buôn bán giữa Pháp và Việt Nam bên cạnh người Bồ Đào Nha và người Anh.
Tài liệu của Pierre Poivre đã được sao chép thành hai tập; Tập thứ nhất nhan đề “Voyage de Pierre Poivre en Cochinchine (Suite): Journal d’une voyage a la Cochinchine depuis le 29 aoust 1749, jour de notre arrivee, jusqu’au 11 fevrier 1750”. Tập thứ nhất từ trang 1-78, Tập tài liệu thứ hai từ trang 79-99 với nhan đề “Description de la Cochinchine (1749-1750)- Voyage du vaisseau de la compagnie le “Machault”, à la Cochinchine en 1749 et 1750”.
Cuốn sách tuy đề tên tác giả là Poivre, nhưng thật sự người viết là một sĩ quan tùy tùng của Poivre viết. Vì thế, có những đoạn nhắc đến Poivre ở ngôi thứ ba.
Nếu tính thời điểm của chuyến đi của Pierre Poivre vào năm 1749-1750 đến xứ Cochinchina thì đó là dưới triều chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765). Năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương, cho đúc ấn Quốc Vương và được gọi là Võ Vương. Trong tài liệu của Poivre, ông cũng đích danh đề cập đến con người của Võ Vương, (Viou Gouvon), vị vua thứ 10 triều Chúa Nguyễn. Theo Poivre, hình dáng bề ngoài của Võ Vương là bình thường, có cái mũi quặp, đôi mắt đẹp, nước da tương đối không đen như phần đông dân chúng. Giọng nói dễ nghe, vui vẻ, nhưng có vẻ hơi tầm thường. Nói nhưng chuyện tầm phào. ( Xin xem tiếp ở phần sau)
Sau đây là tóm lược một số đoạn của cuốn sách, giúp hiểu rõ thực trạng dân xứ Đàng Trong thời đó như thế nào.
“Ngày 29 tháng 8 năm 1749 thì tầu cập bến Tourane và ở lại cho đến ngày 11 tháng 2 năm 1750. (Poivre rời nước Pháp ngày 23 tháng 10, năm 1748, mất gần một năm mới đến Việt Nam.) Tại đây, đã có một ông đội, một ông xếp về quan thuế, tiếp đón. Poivre đã nhờ viên đội chuyển thư cho vua và một vài lá thư cho các thừa sai Pháp cũng như một hai người thông ngôn. Viên đội đã cho phái đoàn của Poivre một số tiền Việt Nam, một con bò, một số gà và hoa quả. Hôm sau thì phái đoàn của Poivre phải đi Faifo (Hội An) để gặp một vị quan lớn trông coi các thuyền bè ngoại quốc. Poivre đã khai báo số quà dùng để biếu tặng lên vua và khai số hàng hóa trên tàu. Sau đó, họ có dựng một căn nhà bằng tranh ở Tourane cho thủy thủ đoàn trú ngụ.”
(Pierre Poivre, “Journal d’un voyage à la Cochinchine”, 29-8-1749, trang 2-3. Những trích dẫn Poivre về sau sẽ chỉ ghi số trang.)
Giải thích thêm. Các tàu biển ngoại quốc đến Đàng Trong bắt buộc phả bỏ neo ở Tourane mà không thể ra thẳng Huế được. Đây cũng là một trong những lý do Pháp chiếm Sài Gòn sau này.Theo một tài liệu của tác giả Robert Kirsop, một người đã đến Đàng Trong và đã sống khoảng hai năm ở đấy cùng một thời với Poivre đã đưa ra một số chi tiết quan trọng giúp hiểu rõ công việc làm của phái đoàn Pháp hơn. Nhan đề tài liệu là “Oriental Repertory”, vựng tập Phương Đông, do Ngô Bắc dịch, Gio-o.com. Chúng tôi sẽ trích dẫn đầy đủ phần tài liệu này trong phần cuối viết về Poivre.
Theo sự tường trình của Robert Kirsop, các tàu đều bỏ neo ở vịnh Đà Nẵng. Sau đó phải mất hai ngày đường đến Hội An để đóng cước phí tùy theo tầu lớn nhỏ. Tàu của Poivre chính ra phải đóng 3000 quan, nhưng đã được miễn phí. Có ba người thông dịch mà họ gọi là nhà ngôn ngữ là: Miguel, dịch tiếng Pháp. Người khác dịch tiếng Bồ Đao Nha. Và một mùa phải trả cho họ chừng 200-300 quan tiền công.
Ngoại giao quà tặng
Việc buôn bán thuở xưa trước hết khởi đầu bằng quà tặng, chưa kể thuế bến đậu tùy theo trọng lượng của tàu, nhất là nguồn gốc của tầu. Không có lễ vật, coi như việc buôn bán không thành. Lễ vật đút lót từ trên xuống dưới không trừ một người nào. Phải chăng nó trở thành một thứ triết lý sống, một thứ văn hóa trong một xã hội còn kém cỏi mọi mặt. Các chúa được đút lót theo thứ bậc, ngay cả họ hàng, quan lại, tùy chức vụ và ai cũng có phần của mình. Việc “đánh thuế” rất tùy tiện, tùy theo tàu nước nào. Tàu ở Hải Nam, ở Ma Cao, ở Siam, ở Java chịu thuế khác tàu từ Tây Phương đến.
Theo nhận xét của Chaigneau viết vào ngày 3 tháng sáu 1819 như sau:
“Dans ce pays-ci, il n’est plus possible qu’aucun navire y vienne: ce sont tous les jours de nouveaux moyens de vexations poussés à l’excès”.
(Ở xứ sở này, không một tàu bè nào có thể đến đây được. Mỗi ngày lại có những sự sách nhiễu mới đến chỗ quá mức).
(Charles B. Maybon, “Histoire moderne du pays d’Annam”, Paris, Librairie Plon, trang 362)
Chưa kể các chúa Nguyễn cấm xuất khẩu các gỗ quý, kim loại quý, gạo và muối.
Đường bộ hầu như chưa có, mọi sự di chuyển đều bằng tàu bè, thuyền đủ loại. Trong đoạn văn dưới đây, phái đoàn Pháp phải mất bốn ngày đường để đi từ Tourane ra Huế, lúc dùng đường bộ, lúc dùng đường biển, rồi đường sông khi vào đến Huế.
“Poivre đã tặng vua một số ngựa và súc vật, cộng thêm 13 thùng lớn tặng vật và thư giới thiệu của vua nước Pháp mong muốn có trao đổi thương mại giữa hai nước. Sau khi mở một vài thùng quà thì viên quan lớn cho chở tất cả những thùng quà đó trên một chiếc tầu lớn bằng đường biển đến nhà vua. Còn các món quà nhỏ có thể chở bằng đường bộ thì giao cho một đội trưởng canh gác trông nom. [13 thùng quà này không biết vì sao không được chở vào Huế, theo như Poivre viết sau này. NVL]
Giờ buổi trưa thì ngưng mọi hoạt động vì trùng vào giờ sinh đẻ của vua.
Ngày 18 tháng 9, phái đoàn bắt đầu chuyến khởi hành đến triều đình nhà vua ở Huế. Chi phí chuyên chở do triều đình trả. Họ cho đánh mõ và dân làng ở đó gửi đến 100 cu li để khuân đồ trèo núi. Đường lên núi đã có lối đi, qua một vài cái vực và có cầu bắc qua. Nhưng những cầu này không vững chãi và rất nguy hiểm. Buổi trưa dừng lại ở một quán ăn trên núi và đến buổi chiều thì xuống núi. Đêm đó chúng tôi đã ngủ tại một làng bên bờ biển.
Dưới chân núi đã có một số gái điếm trực chờ sẵn ở đó để đón khách. Từ đây, đi thêm vài làng nữa trên những cánh đồng có trồng trọt, sau đó tới một làng có tên là “Cho mehe” nhưng dân làng đã bỏ trốn để khỏi phải khuân vác. Và phái đoàn đã phải thuê cu li khác trả tiền hậu hĩ, rồi phải trèo qua hai rặng núi thấp, nhưng dốc núi thẳng đứng mà phía sau nó là một cánh đồng có một con suối chẩy qua. Cuối cánh đồng này là một cửa sông, cửa ngõ vào Huế. Chúng tôi đã nghỉ trưa và ăn cơm sau đó lại thuê 4 thuyền tam bản lớn. Thuê người chèo thuyền và đi cả đêm. Tất cả đoạn đường từ Tourane đến đây, chúng tôi đều đi dọc theo bờ biển.
Mãi tới 10 giờ sáng ngày 22 mới tới Huế, ở “Chottiam”, rồi buổi trưa đến “Chôlé”.
(Trang 5-8)
Con đường từ Đà Nẵng-Huế phải đi mất 4 ngày. Việc di chuyển ở triều đình Huế củng như tại đất Nam Kỳ phần lớn là dựa trên thuyền bè, vì đường bộ hầu như chưa có.
Thế nhưng vào năm 1830, John Crawfurd, trong “Journal of an Embassy”, và đoàn tùy tùng người Anh, 80 năm sau, đã dùng tàu thủy một cách không khó khăn gì.
Khác hẳn thái độ tiêu cực của Pierre Povre, John Crawwfurd khi rời Huế ngày 17-10 để vào Tourane, ông nhìn quang cảnh thiên nhiên hai bên bờ sông một cách thích thú. Nhà cửa, ruộng vườn hai bên bờ sông, đời sống sinh hoạt của dân chúng nhiều chỗ nhộn nhịp. Ông đếm ra có đến 255 lò gạch ở hai bên bờ sông. Vì đây là mùa nước lụt, nhiều thuyền di chuyển ngay trên ruộng lúa để bắt cá trong khi chờ đợi mùa gặt tới trong vài tháng nữa. Trong khi thuyền dừng, ông được cho ở trong những căn nhà đầy đủ tiện nghi dành cho khách vãng lai.
(John Crawfurd, “Journal of An embassy”, From the Governor-general of India to the Courts of Siam and Cochinchina. London, 1830, tóm lược từ trang 427-435).
Tiếp tục đọc hồi ký của Pierre Poivre:
“Ngày 23 đến bái kiến nhà vua lúc 11 giờ. Để thêm trang trọng cho phái đoàn, Poivre đã cho 8 lính đi mở đường, ăn mặc chỉnh tề, súng đeo vai. Tiếp đến là Poivre và các sĩ quan, rồi đến các thủy thủ trên tàu. Cuối cùng là hai đầy tớ gốc Ấn Độ ăn mặc theo kiểu lính cipaye của Ấn Độ, đeo kiếm cạnh sườn cùng với các đầy tớ khác.
Buổi trưa, phái đoàn được dẫn vào cung điện. đến một tòa nhà lớn thường được gọi là nhà voi, vì vua thường có thú tiêu khiển với mấy con voi.
Trên dường vào cung điện là hàng rào lính đứng hai bên, tuốt gươm dơ cao. Còn độ 50 thước thì tới một cửa lớn, trong đó nhà vua ngồi trên một ngai có vương niệm bên trên, vua mặc áo của hoàng gia. Khi chừng còn độ 10 thước thì phái đoàn làm lễ cúi đầu theo lối người Pháp. Riêng viên thông ngôn tên Ruộng thì cúi gập đầu xuống đất ba lần.
Poivre đã trình bày lý do đến đây theo lệnh của vua nước Pháp, một vị vua mạnh nhất của Âu Châu và để dâng lên những lễ vật và mong có một thỏa ước thân hữu giữa nước Pháp và vua nhà Nguyễn. Nhà vua tỏ ra nhã nhặn và khả ái đã tò mò hỏi cả ngàn câu hỏi, đủ thứ chuyện. Nhà vua hỏi đoạn dường từ Âu Châu sang đây là bao xa. Poivre trả lời là 6000 dặm và phải mất 10 tháng trời để đi. Rồi hỏi thăm về tuổi vua nước Pháp, sức khỏe, gia đình, về quân lính, về hải quân. Rồi nhà vua tiến lại gần và ra dấu cho Poivre tiến lại để xem xét quần áo từng cái một và đặc biệt xem các bộ tóc giả và các chất bột rắc trên đầu làm cho tóc khô và dính cứng. Vua có vẻ không mấy ưa bộ tóc giả. Sau đó nhà vua ra lệnh đãi tiệc cho chúng tôi và phần ông cũng rút lui vào bên trong để ăn. Trong khi chờ đợi bữa ăn thì những quan hầu cận xúm lại chung quanh chúng tôi và tò mò một cách thô bạo, vừa nhìn xem, vừa sờ mó từng thứ, cởi cả cúc áo để xem, nhấc bỏ tóc giả, cởi giầy một cách thô bạo không ngượng ngùng gì.” (Trang 8)
Và sau đây là những nhận xét của Poivre về những gì ông quan sát thấy:
“Những người lính thì đều mang gươm dài chừng hơn một thước. Chuôi gươm thường trạm chổ và dược đánh bóng, một số được nạm bạc và khoảng 40 người lính có chuôi gươm nạm vàng. Những người này thuộc lính canh ở trong nội cung. |Họ phần đông đều gầy ốm yếu, quần áo thường bẩn thỉu. Chúng tôi phải chịu đựng trả lời những câu hỏi xấc láo và ngu dốt của họ. Sau đó, bốn người lính bê ra một cái bàn, trên đó bầy các món thịt và thịt hầm theo lối ăn uống của họ. Rồi vua cũng ra lại để xem và nói chuyện với chúng tôi. Họ cũng cho xử dụng dao muỗng bên cạnh các đôi đũa như người Trung Hoa. Rồi vua bắt chúng tôi phải nếm thử tất cả các món ăn đã được bày ra trên bàn và hỏi chúng tôi về mỗi món ăn ấy. Nhiều khi phải cố nhăn mặt nhăn mũi cố nuốt những món thịt hầm mà nhiều phần bị nhiễm độc. Phải nhìn nhận là người miền Đàng Trong là những tên đầu bếp dở. Đôi khi chúng tôi phải nhổ những gì đã ăn vào và vua cho là không vệ sinh vừa ăn vừa nhổ như thế. Nói chung thì bữa ăn vui vẻ và vua thì luôn cười nói.” (Trang 8)
Chúng ta đã quen với lối viết sử của các triều vua thời trước chỉ viết về triều đại các vua chúa. Đó là lối viết một chiều và thường thiếu khách quan và sự trung thực. Sự hiểu biết về sử của chúng ta thực sự là nghèo nàn và giới hạn, thiếu nhiều chi tiết và sự kiện cụ thể. Nhưng từ thế kỷ 17 khi có mặt của người Tây Phương đến Việt Nam thì có một khuynh hướng viết thứ hai do người Tây Phương viết, đặc biệt là do các giáo sĩ đi truyền giáo và các nhà buôn hoặc các nhà thám hiểm.
Poivre là một trong số những người ấy. Mặc dầu cuốn hồi ký của ông viết cách đây cả ba thế kỷ mà nhiều sự việc được nêu ra đọc thấy sống động, linh hoạt mà ngày nay ta vẫn có thể mường tượng được lối suy nghĩ, lối sống của vua Nguyễn. Nhiều khi ông đã không ngần ngại phơi bày trắng trợn nhiều tính nết xấu của các quan và của Võ Vương.
Cái cảm tưởng còn đọng lại nơi người viết là thấy tính cách vô tích sự, vô trách nhiệm của một thể chế vua chúa, quan lại. Họ chỉ lo tích thu hưởng thụ trên cái lưng khốn khổ của người dân thường trước nạn đói, nạn lụt lội, mất mùa. Họ tỏ ra bất cần.
Mình nhà vua đã có đến 300 cung phi, cung nữ để hầu hạ cung phụng. Vua đam mê tửu sắc nên phần đông các thế hệ hoàng tử, công chúa được sinh ra thường yểu mệnh. 30-40 người hầu chỉ lo truyện ăn uống, tắm rửa, đấm bóp, lo áo quần và vệ sinh cho mình nhà Chúa.
Nhà vua chỉ có mỗi công việc ăn và ngủ.
Mọi công việc triều chính giao vào tay hai ba vị quan và những người này mặc tình thao thúng vơ vét thêm một lần nữa.
Xin được trích nguyên văn đoạn này như sau:
“Ce prince est vain, ignorant, paresseux, avare, superstitieux et fort adonné aux femmes. Il a un séral de trois cents concubines d’où il ne sort jamais. Les affaires du royaume ne l’occupent point; il les abandonne à trois ou quatre mandarins qui abusent de l’autorité qui’il leur donne pour tyraniser le peuple.”
(Vị hoàng tử này là thứ vô tích sự, dốt nát, lười biếng, hà tiện, mê tín và mải mê phụ nữ. Ông có cả thẩy 300 nàng hầu nên không bao giờ ông ra ngoài. Công việc triều chính không làm ông bận tâm; ông phó mặc cho ba hoặc bốn vị quan, những vị này lợi dụng quyền thế có được trong tay hà hiếp dân chúng). (Trang 81).
Thú chơi như săn hổ, săn voi của ông thì có hàng trăm người phục dịch. Khi biết có con hổ thì một đám người lo giăng lưới. Đám người khác lo đánh trống, gõ mõ, nổi lửa để con mồi hoảng sợ chạy về phía có chăng lưới, ở đây đã sẵn có đám người túc trực chăng lưới bắt hổ. (Trang 25).
Săn voi đực thì cho vài con voi cái đã được thuần, bắt chúng chạy vào rừng tìm voi đực. Voi đực tìm đến thì voi cái chạy hướng dẫn nó vào một nơi có một vài voi đực được thuần hóa quây chung quanh. Rồi những người thợ săn tìm cách trói voi lại. Con voi đực bị trói sau đó bị bỏ nhịn đói cho đến khi voi yếu mệt. Sau đó họ cho nó tiếp tục ăn trở lại và cho bốn voi đực đã thuần kềm con voi đực đến tận bờ sông và ở nơi này voi được huấn luyện để thuần hóa.
Hổ Quyền là một di tích hết sức đặc biệt trong quần thể di tích cố đô Huế, tọa lạc tại địa phận thôn Trường Đá, xã Thủy Biều, thành phố Huế. Nguồn:  http://www.huefestival.com/
Hổ Quyền là một di tích hết sức đặc biệt trong quần thể di tích cố đô Huế, tọa lạc tại địa phận thôn Trường Đá, xã Thủy Biều, thành phố Huế. Nguồn: http://www.huefestival.com/
Có lần nhà vua còn tổ chức một buổi chiến đấu giữa hổ và đàn voi. Người ta chở những con hổ bị nhốt ở trong cũi đến một nơi gần con sông lớn của Huế. Phía đối diện, người ta cho 40 con voi đứng xếp hàng như thể đang chiến đấu. Nhà chúa cho lệnh chiến đấu bàng cách gõ nhiều lần vào một thanh tre. Nghe hiệu lệnh, một binh lính mở củi cho một con hổ ra khỏi chuồng. Con vật khốn nạn này trước đó đã bị rút hết móng và bị buộc mõm, yếu ớt nửa sống nửa chết, chân bị cột vào một cái cột. Rồi một con voi được ra hiệu lệnh tiến đến gần con hổ, nhấc bổng con hổ lên không đụng đậy, quất lên cao và cứ thế trò chơi, dơ lên quật xuống cho đến khi con hổ hoàn toàn chết. Sau đó lính đến dùng rơm đốt những cái râu con hổ vì sợ dân chúng đến bứt những sợi râu này để tẩm thuốc độc.
Trò chơi nhàm chán cứ thế tiếp tục cho đến con hổ thứ 18. Sở dĩ có trò chơi không công bằng này, vì nhà vua sợ những con voi bị giết, vì giá trị một con voi rất đắt tiền hơn một con hổ. Vả lại, voi vốn là con vật được như sức mạnh chính của triều đình. (Trang 57)
Poivre cho rằng đó là sự đánh giá sai lầm. Những con voi này chẳng có chút giá trị gì cả trước tiếng súng nổ của pháo đội Pháp. Chúng có hại hơn là có lợi. Nó cũng chẳng khác gi dàn súng đại bác được trưng bày trước dinh của chúa. Mà cũng không một ai có khả năng điều khiển khi cần. Cũng chẳng trông thấy bất cứ một viên đạn nào ở đó mỗi khi cần xử dụng. Chỉ khi nào nhà vua cần bắn biểu diễn hay thị uy thì mới ra lệnh chuẩn bị thuốc súng mà thôi.
Ngoài những người phục vụ như thế, còn có khoảng 10 ngàn quân lính đủ loại canh gác khắp nơi. Cộng chung có khoảng 40.000 người sống bám vào ngai vàng của vị chúa.
Sự tham lam của cải vật chất thì vô độ. Có lần có một vị quan lớn trong triều qua đời. Ông quan này thuộc loại giàu có để lại vô số của và gia tài, đất đai, vàng bạc. Nhà vua tự nhận là họ hàng và quyền thừa kế, không một ai dám cãi lại, mặc dầu mọi người đều biết vị quan này có nhiều bà con rất gần gũi mới là những kẻ thừa kế chính thức. Ông vua đã lấy hết số tiền là 200.000 quan, 6000 bánh vàng (pain d’or) của người quá cố để lại.(Trang 24).
Ngoài ra, nhà vua còn có tính tò mò quá thô kệch và quê mùa như khi nhà vua hỏi Poivre các cung điện ở đây có to lớn và đẹp hơn ở cung điện của vua bên Tây không? Dĩ nhiên,, Poivre nói khéo là các cung điện ở đây cũng đẹp, nhưng không thể so sánh với cung điện bên Tây vì hai lối kiến trúc khác nhau. Poivre thừa hiểu các cung điện bên Tây đều rộng bát ngát, xây cất kiên cố bằng đá, trần thiết quá công phu sang trọng làm sao cung điện nhà vua có thể so bì được. Ngoài ra nhà vua cũng như hàng quan lại đều có tính tham lam vô độ, việc tráo trở mua bán không sòng phẳng. Ngoài ra việc ăn ở thường thiếu vệ sinh và dơ bẩn từ quần áo đến nhà cửa cũng như sự ngu dốt về nhiều mặt cũng như việc mê tín. (Trang 7)
Theo Poivre, nhà vua cho xây dựng nhiều đền thờ, cạnh các bờ sông chỉ để thờ đủ các loại thần. Các chùa này do tiền của nhà vua bỏ ra xây cất đôi khi nhằm để vinh danh tổ tiên nhà vua. Bởi vì, các vì vua chúa xứ này sau khi qua đời trở thành thần thánh. Chùa được xây cất ở một nơi đẹp đẽ nhất, có tường xây bao bọc, có vườn rộng rãi. Muốn vào chùa có hai cửa nhỏ, còn cửa lớn dành cho nhà vua. Có đến bảy chùa được xây cất theo hàng như thế. Trong chùa có nhiều tượng những con sư tử cũng như rồng và tượng thần. Dưới mắt Poivre, các tượng này thường xấu xí, hình thù dị hợm, ở giữa có đốt một lò hương khói, cháy suốt ngày đêm cũng như những đèn và những ngọn nến mà mùi hương tỏa ra khắp nơi. Có khoảng 60 nhà sư sống nhờ bổng lộc của nhà vua cung cấp phần gạo, còn rau hoa quả thì có sẵn trong vườn. Công việc của họ là hát kinh kệ suốt đêm với sự hỗ trợ của tiếng trống và chuông. (Trang 17)
Poivre cũng dành nhiều thời gian để đi thăm các quan trong triều, nhất là hàng quan lại có họ hàng với nhà vua. Theo Poivre nhà cửa của các vị quan này thì thường quá nghèo nàn và tầm thường xem ra không xứng đáng với chức vụ của họ. Ông viết:
“Je remarque chez ce mandarin une vanité grossière, beaucoup d’indolence, un grand soin de s’ajuster, mais peu de dignité et de noblesse.” (Trang 9).
(Tôi nhận xét thấy nơi vị quan này một sự khoa trương kệch cỡm, biếng nhác, cố gắng thích nghi nhưng vẫn thiếu sự trang trọng và thanh cao)
Theo tục lệ nhà vua không nuôi dạy một đứa con nào của mình, trừ một đứa con sẽ kế thừa ngôi vua. Những đứa khác đẻ ra là được giao ngay cho các quan cận thần, giàu có. Họ có bổn phận nuôi dạy con của vua và được coi như bố nuôi của đứa trẻ. Vì thế, coi như nhà vua tránh được trách nhiệm nuôi dậy vô số con của các cung phi. Khi đứa trẻ được giao cho vị quan chăm sóc thì vua không còn quan tâm đến đứa trẻ đó nữa. Chính vị quan này phải lo chăm sóc và nuôi dạy đứa trẻ. Khi đã lớn thì đôi lần cho đứa trẻ vào cung để gặp mẹ nó. (Trang 12).
Poivre cũng dành một số cơ hội nói về dân tình. Theo ông, nhiều người dân quá khốn khổ đã bỏ xứ mà đi, nhiều người trốn sang xứ Cam Bốt hay Xiêm la. Có người đi đến tận đảo Pulo-condor. Tuy nhiên, đàn ông lại có quyền lấy nhiều vợ nếu có đủ tiền cấp dưỡng. Đa thê được cho phép. Nếu cần phải ly dị, người đàn ông chỉ cần mời viên quan và họ hàng đến chứng kiên đến dự một bữa tiệc, rồi tuyên bố bỏ vợ là xong. Con thì chia, nếu một con thì người chồng được giữ đứa con, hai con thì chia đôi, nếu ba con thì người chồng giữ hai đứa. Nếu người đàn bà ngoại tình thì bị kết án tử hình. Họ bỏ người đàn bà vào một cái rọ với một con heo và cho trôi sông. Người ta cũng dùng những con voi để trừng phạt người đàn bà phạm tội bằng cách cho voi giầy. (Trang 85)
Thành phố Huế là thủ đô của nhà vua, nằm trên một cánh đồng rộng và đẹp được vây quanh bằng những rặng núi và một con sông cắt ngang thành phố. Đường phố thì hẹp và lầy lội khi vào mùa mưa. Khu phố người Tầu tương đối rộng và sạch sẽ hơn. Dân số trong thành phố tương đối đông đảo, khoảng 60 ngàn người.
Mùa mưa ở xứ Huế kéo dài ngày nọ sang ngày kia, kéo dài vài tháng, gây lụt lội khắp nơi. Mọi sinh hoạt đều đình trệ. Mái nhà ẩm mốc mọc rêu xanh.
Chính John Crawfurd cũng ngao ngán chứng kiến cảnh những trận mưa liên tục và kéo dài trong suốt ba ngày. Bờ sông ngập nước. Nhà cửa chìm trong biển nước. (Crawfurd, ibid, trang 420-421).
Việc ngập lụt như thế kéo dài hàng bao thế kỷ và cho đến nay cảnh đó cũng vẫn diễn ra hàng năm.
Người dân họ có những hủ tục man rợ. Chẳng hạn, con gái làm điếm công khai và những người có tiền cũng như quan lại thường lấy những người này về làm vợ. Hoặc dùng những người đàn bà này làm quà tặng như thể người ta mời uống một tách trà hay ăn một miếng trầu. Trong khi người đàn bà có chồng mà ngoại tình có thể bị tử hình. Trong khi những cô gái điếm có thể công khai ngủ với bất cứ ai. Tuy nhiên, người thụ hưởng có nhiều phần liều lĩnh vì có thể mắc bệnh.
Luật phát cũng lỏng lẻo trong việc ăn trộm, ăn cắp. Việc cho vay lãi nặng nề bằng 100% vốn vay. Chưa kể hàng ngàn hủ tục độc hại khác nữa và được tuân thủ do thành kiến và sự ngu dốt. (Trang 88).
Cổ tục còn cho phép cha mẹ có quyền tuyệt đối trên những đứa con của mình. Con cái chỉ được phép ăn chung với cha mẹ khi đã trưởng thành. Sự tùng phục đi đến chỗ tuân thủ như một sự tôn thờ. Những lời nói cuối cùng của người cha trở thành lời trối trăng linh thiêng. Anh em thường không yêu thương nhau mà kèn cựa nhau, nghi ngờ nhau. Họ chỉ trọng cái bề ngoài. Bề ngoài tỏ ra lễ phép lịch sự với người ngoại quốc, nhưng trong bụng lại khinh bỉ. Họ gian đối chỉ cốt thu lợi những gì họ không lấy cắp được.
Dù cho giàu có, họ ăn uống hà tiện chỉ có cơm và cá mặn. Họ chỉ ăn thịt khi có dịp lễ lạc hoặc chỉ ăn thịt khi con vật già ốm yếu, hoặc chết. Thay vào đó, họ thích ăn thịt chó. Họ ăn uống dơ bẩn và thường ăn những món ăn mùi vị ghê tởm.
(Còn tiếp)



Do Thi Thuan 
FREE MẸ NẤM


----- Forwarded Message -----
From: Luc Nguyen Van <>
Sent: Saturday, November 12, 2016 6:36 AM
Subject: Re: Cậu nghe bạn trai này nói đi, cậu ấy bị tật 1 bàn tay, và rất hay noi về vân đề VN

Thân gửi các anh chị .. Ít khi nào có dịp co địa chỉ  nhieu anh chi  đè gửi bai.. Nhan tiện duoc dọc  tài lieuj cha Tỉnh gửi anh Vũ..

Xin gúi bài của Lục đẻ mòi anh chi đọc.. Phần một.


Luc

2016-11-11 11:41 GMT-05:00 thach trung <>:
Thân chuyển các bạn để  cố gắng dành 9 phút 20 giây để nghe và nhìn một bạn trẻ mang tật nơi bàn tay tái trong nước nói về bầu cử Mỹ để từ đấy nói về hiện trạng thờ ơ, vô cảm của người VN hôm nay. Lời người bạn trẻ cũng đang đặt ra cho mổi người chúng ta một điều gì để suy tư và tự vấn.
TPVu
---------- Forwarded message ----------
From: Tinh Nguyen Ngoc <>
Date: 2016-11-11 1:12 GMT-08:00
Subject: Fwd: Cậu nghe bạn trai này nói đi, cậu ấy bị tật 1 bàn tay, và rất hay noi về vân đề VN
To: Vũ Trần Phong <>

Xin anh dành mười phút nghe cho biết.
Pascal Tỉnh.


---------- Forwarded message ----------
From: Thao Mai <>
Date: 2016-11-11 15:39 GMT+07:00
Subject: Cậu nghe bạn trai này nói đi, cậu ấy bị tật 1 bàn tay, và rất hay noi về vân đề VN
To: Tinh Nguyen Ngoc <>





__._,_.___

Posted by: Thuan Do <

1 comment:

  1. Good post. I learn something new and challenging on blogs I stumbleupon every day.

    It's always interesting to read through content from other writers and
    use something from their websites.

    ReplyDelete

Những Sự Thật Cần Phải Biết