Friday, May 24, 2013

Đọc hồi ký của tác giả Kim Thanh*


 

Đọc hồi ký của tác giả Kim Thanh*

Thái Nguyễn


CẢM NGHĨ VỀ TÌNH YÊU VÀ THÙ HẬN TRONG BA BÀI HỒI KÝ CỦA KIM THANH


1. Đọc những bài hồi ký của nhiều tác giả hải ngoại về những trại tù khổ sai của Cộng sản Việt Nam hay những cảnh vượt biên, những gì độc giả còn giữ lại trong tâm tư là những nhọc nhằn và đau khổ ngất trời mà người Việt Quốc gia, sau ngày 30/4/1975, phải gánh chịu do chế độ Cộng sản gây ra. Trong những đau khổ đó, một số chuyện gây những ấn tượng về tinh thần đấu tranh, bất khuất; một số chuyện lại phản ảnh những con người đã mất đi khả năng phản kháng, còn trơ lại thân phận tiếp tục bị lưu đày miên viễn. Tác giả Kim Thanh thuộc thành phần thứ nhất. Đọc ba bài viết của Kim Thanh, “Đá nát vàng phai“, “Thung lũng nước mắt“, và “Marita, mây bay ngàn năm“, độc giả cảm nhận được một luồng sinh khí qua ba mô hình: (1) Tình yêu, (2) nghịch lý, và (3) đấu tranh không khoan nhượng. Ba mô hình này luôn mãi xuất hiện rất rõ nét và quyện vào nhau không ngưng nghỉ trong một tâm trạng rất lãng mạn thao thức về cuộc sống.

Tình yêu trong những câu chuyện của Kim Thanh –điển hình là “Đá Nát Vàng Phai”, “Thung Lũng Nước Mắt”, và “Marita, mây bay ngàn năm”– là một ý niệm toàn hảo, tuyệt đối, và vĩnh hằng. Thể hiện cho ý niệm này để làm đối tượng cho tình yêu là hình ảnh của người yêu, dĩ nhiên. Người yêu, nam hoặc nữ, trong Kim Thanh luôn luôn có vẻ đẹp cổ điển, một vẻ đẹp đòi hỏi một sự cân đối vẹn toàn của những nhân vật thần thoại, hay trong bi kịch Hy Lạp (beauté hellénique), một vẻ đẹp mời gọi một ước vọng vươn tới hơn là chiếm hữu, làm người ta nhớ đến Xuân Diệu thời son trẻ:

Không gian như có giây tơ

Bước đi sẽ mất, động hờ sẽ tiêu

Nhưng hình như ý niệm về người yêu với những đặc tính toàn hảo, tuyệt đối, và vĩnh hằng chỉ là một thực tể siêu hình (réalité métaphysique) của Platon, còn đối tượng bằng thể xác hiện diện trong cuộc đời chỉ là một mô phỏng (mimesis / mimétisme) mà tâm thức lãng mạn ở những nhân vật của Kim Thanh hình như cứ cố chứng minh lòng tin là có sự trùng hợp giữa đối tượng thực tại với ý niệm người yêu lý tưởng tại một điểm hội tụ, một ý niệm đạt chân của tình yêu. Nhưng thực tế thường không ăn khớp với mô hình tình yêu có trong tâm hồn lãng mạn của những nhân vật, vì vậy tạo nên đau thương.

Nếu nỗ lực chứng minh lòng tin này có chệch hướng, như trường hợp Lệ Ngà, trong “Đá nát vàng phai”, bỏ người yêu đi lấy chồng chỉ sau hai năm chàng phải vào trại tù "cải tạo", bị đọa đày, thì mặc dù ý hội bằng tri thức rằng đó là thực tế và theo sự hiểu biết về cuộc đời hiện thực của nhân vật Nguyễn thì thực tế còn tốt hơn điều mà chàng nghĩ và chàng chấp nhận một cách đắng cay, lòng tràn ngập thương đau. Tuy nhiên cái đắng cay, thương đau này không thể hiện qua một tâm hồn uỷ mị bởi vì hình như đối với chàng “than vãn, khóc lóc, khẩn cầu đều hèn nhát ngang nhau” (“Gémir, pleurer, prier, est également lâche”, Alfred de Vigny) nhưng chỉ thoáng qua vì tình yêu, cũng như bình hoa, đã vỡ, “đừng đụng đến nữa” (“Il est brisé, n’y touchez pas”, Sully Prudhomme). Để tô lại những vết nứt trên bức tranh biểu tượng tình yêu vĩnh hằng, nhân vật, trong cả ba bài ký sự kể trên, đều đi về với kỷ niệm êm đềm của một đêm họp mặt tại một quán ăn Đà Lạt, L’eau Vive, giữa những người thương yêu trong một khung cảnh và không gian lãng mạn trọn vẹn dành cho tình yêu, như một ý hướng vươn lên một chân trời của tuyệt đối.

Người yêu lý tưởng đó dĩ nhiên phải có nhiều đức tính. Một đức tính cốt lõi là sự chung thuỷ. Người yêu phải thuỷ chung như nàng Pénélope. Nhưng nếu thực tế làm cho sự tin tưởng này bị lung lay thì Kim Thanh đã có Bội Trân, cô em gái tiếp viên Air Vietnam, để củng cố niềm tin của mình. Bội Trân vừa đẹp, vừa sang, vừa thông mình, đầy tình người, rất tự trọng, lại chung thuỷ với người hôn phu đã mất, Kha. Trong hoàn cảnh khốn đốn, con người bình thường ai cũng muốn thoát thân khi có cơ hội, nếu không có cơ hội thì “mánh mung” để có cơ hội, như trường hợp cô thợ dệt trong bài “Thung Lũng Nước Mắt”. Đằng này, Bội Trân từ chối một bác sĩ trẻ, đẹp trai chỉ vì không muốn được cứu vớt ra khỏi cảnh lầm than, mà chỉ cần người hiểu mình, có những kinh nghiệm thương đau của cuộc đời như Kha, như anh mình. Những đức tính này trùng hợp với những điều kiện của ý niệm tình yêu lý tưởng và vĩnh hằng trong những bài tự sự của Kim Thanh. Nhân vật của Kim Thanh phản ảnh một tâm hồn luôn luôn vươn lên tình yêu trong ý nghĩa tuyệt đối.

Quan điểm về tình yêu lý tưởng và vĩnh hằng này còn lan rộng ra đến lãnh vực đạo đức đòi hỏi sự chung thuỷ nói chung, như trung thành trong tình yêu đôi lứa, trong tình bạn bè; lòng nhân đạo; tôn trọng sự thực; sự rộng lượng, v.v… đều là những phạm trù tuyệt đối của Kant (Kant’s categorical imperatives).

Và dĩ nhiên là tất cả những gì không hoàn toàn ăn khớp với mô hình tình yêu tuyệt đối hay những đức tính mà con người cần phải có thì ta thấy những nhân vật của Kim Thanh xem những hiện tượng này chỉ là điều bất thường (aberrations) của một thế giới đáng lẽ ra phải toàn thiện và những gì đi ngược lại mô hình này –như là sự phản bội trong tình yêu, trong tình bạn; tính ác, sự vô nhân đạo; sự dối trá; sự khắc nghiệt– là những hành động vô đạo đức xúc phạm đến những giá trị cốt lõi của con người nếu đáng gọi là con người. Nhân vật của Kim Thanh không thể chấp nhận những vi phạm này và sẵn sàng trở thành một chiến sĩ quyết tử để giành lại vị trị xứng đáng cho những giá trị ấy.

2. Không có hiện tượng nào điển hình cho sự phản bội, tính ác độc, sự dối trá, và sự khắc nghiệt hơn là chế độ Cộng sản Việt Nam. Do đó, như là một hệ luận, Cộng sản Việt Nam, mà nhân vật của Kim Thanh, đã trải nghiệm qua trên dưới mười năm tù cải tạo, đương nhiên là kẻ thù không đội trời chung, vì Cộng sản Việt Nam đã thanh thiên bạch nhật phủ nhận và chà đạp một cách trắng trợn lên tất cả những gì tốt đẹp nhất của con nguời muốn sống xứng đáng là con người.

Những hành động ác độc của Cộng sản thường được thể hiện rõ nét nhất qua những nghịch lý. Nếu người ta hiểu nghịch lý (paradox) là những gì trông có vẻ mâu thuẫn, nhưng thực ra không mâu thuẫn, ví dụ như trong “Đá Nát Vàng Phai”, Việt Cộng bắt tù nhân trồng “lúa, sắn, ngô, khoai trên những vùng đất khô cằn sỏi đá”; làm tổ trưởng nhưng không có tổ viên v.v… Mâu thuẫn thường là vì người ta không biết mình trước sau bất nhất hay là bị rơi vào tình trạng nguỵ tín. Tuy nhiên, ở đây, người Cộng sản không nguỵ tín và biết rất rõ mình đang làm gì, đó là cố tạo khổ đau và làm nhụt chí đối kháng. Thực ra, trường hợp Mao Trạch Đông trên con đường vạn lý trường chinh đào tẩu đến Diên An muốn biến “sỏi đá cũng thành cơm” còn có thể gọi là một nghịch lý, nhưng những hành động của Cộng sản Việt Nam chỉ có thể gọi được là phi lý (absurde) mà thôi. Những phi lý này còn được thể hiện qua sự dốt nát đến tận đáy của trí tuệ như trường hợp về giai thoại nhân vật bạn của Nguyễn dùng từ “quý danh”, như trường hợp người làm công vô học trở thành chủ nhân ông, và như trường hợp người trí thức phải nhận lãnh công việc đi “hót” phân. Chính những phi lý này hoặc đã đè bẹp ý chí đối kháng hoặc đã tạo nên hận thù, mà hận thù –đối với nhân vật của Kim Thanh– đem lại sức mạnh đấu tranh, và đấu tranh không khoan nhượng.

Phản ứng của độc giả khi đọc những bài tự sự của Kim Thanh là thấy lòng lâng lâng trong một cảnh huống của một thế giới tuyệt vời của tình yêu và tình người, đồng thời bất mãn trước những hành động đê hèn, cốt đày đoạ những con người vốn tràn đầy lòng vị tha, cố biến họ thành những con người vô cảm. Phản ứng này được tạo nên bởi nhân vật của Kim Thanh có một tâm hồn lãng mạn, lãng mạn trong ý nghĩa luôn luôn muốn vươn lên cái đẹp tuyệt đối vĩnh hằng mặc dù không phải không ý thức được giới hạn của cuộc sống hiện thực. Sự vươn lên này không khẩn thiết mang ý nghĩa của viễn mơ hoặc mang ý nghĩa triết học về bản thể luận (ontologie) của Platon, bởi vì độc giả khi tiếp cận với một bản văn thường không theo con đường lý luận triết học, trái lại thường phản ứng theo cảm xúc. Tự sự của Kim Thanh có mục đích chuyên chở niềm hy vọng rằng cuộc đời luôn luôn có thể là một dự phóng (un projet) trở thành tốt đẹp hơn bằng cách tôn vinh tình yêu và tình người và bằng cách đánh quyết liệt vào sự phản trắc, dối trá, ác độc, nghiệt ngã, v.v… nghĩa là tất cả những gì thể hiện sự phi luân và vô luân – mà người ta thấy đầy dẫy trong con người Cộng sản Việt Nam.

Thái Nguyễn

(Giáo sư TS tại Philadelphia)

---------------------------------------------------------

Ghi chú:

[*] Bút hiệu khác: Người Lính Gìa Oregon (NLGO)

tức TS Nguyễn Kim Quý, cựu GS trường CTKD, viện ĐH Đà Lạt (trước ’75)


__._,_.___

No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết