Wednesday, October 2, 2013

Thư số 24 gởi Người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam.


 

 

Thư số 24 gởi

Người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam.

         Phạm Bá Hoa

 

                                               

Tôi chào đời năm 1930, vào quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1954, chống lại cuộc chiến tranh do nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa gây ra. Trong bang giao quốc tế, quốc gia này đánh chiếm quốc gia kia, không có tên gọi nào khác ngoài hai chữ “xâm lăng”. Sau ngày 30/4/1975, lãnh đạo cộng sản Việt Nam với lòng thù hận đã đày đọa chúng tôi trong hơn 200 trại tập trung mà họ gọi là trại cải tạo, hằng trăm Bạn tôi đến 17 năm, riêng tôi là 12 năm 3 tháng. Tuy tên Quốc Gia và Quân Lực mà tôi phục vụ không còn nữa, nhưng linh hồn trong quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ vẫn nguyên vẹn trong tôi. Tôi không hận thù lãnh đạo Các Anh, nhưng tôi không bao giờ quên quá khứ đau thương tàn bạo mà họ gây ra cho Tổ Quốc, Dân Tộc!  Vì vậy mà tôi chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ về Việt Nam cho đến khi quê hương tôi có một chế độ dân chủ tự do thật sự.

Các Anh là Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam. Xin gọi Người Lính Quân Đội Nhân Dân ngắn gọn là “Các Anh” để tiện trình bày. Chữ “Các Anh” viết hoa  mà tôi sử dụng ở đây, bao gồm từ người lính đến các cấp chỉ huy, ngoại trừ lãnh đạo cấp Sư Đoàn, Quân Đoàn, Quân Chủng, Bộ Tổng Tham Mưu, và Bộ Quốc Phòng. Là Người Lính trong quân đội “Nhân Dân”, Các Anh phải có trách nhiệm bảo vệ Tổ Quốc Nhân Dân, vì Tổ Quốc với Nhân Dân là trường tồn, trong khi đảng cộng sản hay bất cứ đảng nào cầm quyền cũng chỉ một giai đoạn của lịch sử, và nội dung tôi gởi đến Các Anh được đặt trên căn bản đó.

Nội dung thư này tôi giúp Các Anh nhận ra một góc trong muôn vàn nỗi khổ của người dân nông thôn, và nỗi đau của người dân ý thức cao về quyến sống của mỗi con người trong xã hội. 

Thứ nhất. Đời sồng của nông dân Việt Nam.

Việt Nam chúng ta khởi đi từ một xã hội nông nghiệp, đến ngày nay vẫn là xã hội nông nghiệp. Những câu ca do tục ngữ hầu như đều gói ghém sinh hoạt của xã hội nông nghiệp từ trong lịch sử xa xưa. Người dân nông thôn sống với nhau bằng tình cảm, thứ tình cảm chân thành chất phác, luôn luôn là hàng xóm có nhau khi tắt lửa tối đèn, chia sẻ nhau khi nhà này có chuyện vui, nhà kia có chuyện buồn. Nói chung, đời sống giữa nông dân gắn liền với nhau như thể “bà con xa không bằng láng giềng gần”, và nông dân gắn liền với ruộng đồng, với thiên nhiên hơn là máy móc như xã hội kỹ nghệ.        

Tài liệu Nông Thôn Việt Nam trong Wikipedia. Nông thôn là nơi: (1) Cung cấp lương thực thực phẩm. (2) Cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp. (3) Cung cấp hàng hóa cho ngành xuất cảng. (4) Cung cấp lao động cho công nghiệp và cộng nhân thành thị. (5) Là thị trường rộng lớn để tiêu thụ những sản phẩm của công nghiệp và dịch vụ. (6) Nông thôn phát triển, sẽ tạo điều kiện ổn định kinh tế, chính trị, và xã hội.

Thu nhập của nông dân.

Thống kê dân số cuối năm 2012 (List of Countries by Population), Việt Nam có 88 triệu 700 ngàn người. Tổng sản phẩm nội địa (trích trong List of Countries by GDP) năm 2012 của Việt Nam là 138 tỷ 100 triệu mỹ kim. Và thu nhập trung bình đầu người dân Việt Nam năm 2012 ước tính 1.500 mỹ kim (trích trong List of Countries by GDP per Capital).. 

Theo tác giả Bùi Tín trong bài “Sở hữu toàn dân  là tội ác gốc” thì nông dân chiếm đến 70% trong tổng số dân, hay là 62 triệu nông dân (tính tròn). Theo bản “Báo cáo đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam với kết quả điều tra gia đình nông thôn 2012 tại 12 tỉnh” do Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương công bố tại Hà Nội ngày 7/8/2013, thì đầu người dân nông thôn thu nhập trung bình năm 2012 chỉ được khoảng 220 mỹ kim (trên căn bản 20.000 đồng Việt Nam = 1 mỹ kim). Thật khó mà tưởng tượng được, năm 2012, Việt Nam xuất cảng hơn 7 triệu tấn gạo, xếp hạng nhì trên thế giới, vậy mà thu nhập trung bình của đầu người dân nông thôn hằng tháng chỉ tương đương 19 mỹ kim! 

Trong một xã hội, mức thu nhập sai biệt giữa những thành phần khác nhau là điều hiển nhiên, nhưng 70% dân số có mức thu nhập chỉ bằng một phần bảy (1/7) mức thu nhập trung bình của mỗi đầu người trong tổng số dân là vấn đề rất lớn đối với cấp lãnh đạo quốc gia. Các Anh có cảm nhận được nỗi đau của người dân nông thôn không? Chính họ là những người cày sâu cuốc bẫm, quần quật trên đồng ruộng bùn lầy nắng cháy quanh năm suốt tháng để cung cấp lương thực cho tất cả mọi người, mà còn giúp nhà nước xuất cảng để có thêm ngoại tệ, vậy mà họ là thành phần nghèo nàn nhất và đau khổ nhất kể từ ngày có đảng cộng sản Việt Nam, chỉ vì đất đai vườn ruộng trong tay của lãnh đạo cộng sản!

Dưới đây là bài phóng sự “Nông dân nghèo vì đảng sai lầm chiến lược” của phóng viên Nam Nguyên đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 16/8/2013, như một lời giái đáp qua tiếng than của một nông dân: ““Năm nay làm lúa mà tiền lời chưa đến 10% thì làm sao mà sống nổi! Trong khi phân bón với thuốc trừ sâu bị mấy “chả” (người bán) làm giá cao hơn phân urê nhập từ Trung Hoa, nông dân kiểu này nghèo suốt đời luôn! Chế độ này không cho nông dân làm giàu sao? Vậy mà cứ nói “dân giàu nước mạnh”, mà nước thì giàu nhưng dân nghèo mạt thì có.”

Các Anh có cảm nhận chút xót xa nào từ đáy tâm hồn của Các Anh không? Lời than mà tôi nghĩ không phải riêng của người nông dân nghèo khổ đó, mà là lời than chung cho số phận  60 triệu nông dân xã hội chủ nghĩa! Từ trong lịch sử xa xưa đến nay, chưa bao giờ người dân nông thôn lại khốn khổ như thời xã hội chủ nghĩa ngày nay! Phải chăng là  “nhờ có đảng cộng sản” nên không còn người bóc lột người như thời phong kiến với thực dân? Và lãnh đạo cộng sản “đã thành công” trong chiến lược đẩy nước Việt Nam “tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”, hóa ra nơi đó là một xã hội mà các cấp lãnh đạo toàn quyền bóc lột người dân! 

Trả lời đài Á Châu Tự Do, Tiến Sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện Trưởng Viện Quản Lý Kinh Tế Trung Ương Hà Nội, nhận định: “Đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam là nông nghiệp, từ trước đến nay vẫn là trụ cột để bảo đảm ổn định của xã hội. Nông nghiệp bảo đảm an toàn thực phẩm, đóng góp rất lớn cho xuất cảng, và thực sự là yếu tố rất quan trọng. Nhưng trong hai ba năm gần đây, tốc độ tăng trưởng giảm sút, đặc biệt giá nông sản giảm sút và đời sống của nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Không những người nông dân mất đất họ phải đi khiếu nại, mà những người nông dân có đất ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay còn phải đối diện nhiều vấn đề rất lớn...  Ông nhấn mạnh: “Tất cả đều liên quan đến chế độ sở hữu đất đai. Trong Hiến Pháp nói rõ đất đai là sở hữu toàn dân, mà toàn dân sở hữu như thế nào thì không ai rõ. Mãi đến những năm gần đây mới nhận ra cái sở hữu toàn dân được đại diện bởi nhà nước.nhà nước đại diện bởi ai và thẩm quyền như thế nào.... Từ đó, đất đai  trở thành vấn đề gay gắt trong xã hội.....”

Các Anh hãy đọc đoạn văn này làm rõ thêm câu cuối cùng của ông Giang, cũng là giúp Các Anh nhận ra một trong những nguyên nhân đẩy người dân nông thôn vào tình cảnh khốn khổ nói trên, đó là Điều 17 trong Hiến Pháp hiện hành: “Đất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời, phần vốn và tài sản do Nhà nước đầu tư vào các xí nghiệp, công trình thuộc các ngành và lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học, kỹ thuật, ngoại giao, quốc phòng, an ninh cùng các tài sản khác mà pháp luật quy định là của Nhà nước, đều thuộc sở hữu toàn dân”.

Tôi nghĩ, Các Anh sẽ không khó khăn để nhận ra rằng, khi mà lãnh đạo đảng với nhà nước từ trung ương xuống đến cấp Quận/Huyện có quyền quyết định giao đất cho tổ chức hay cá nhân sử dụng trong thời hạn nhất định, đồng thời họ cũng có quyền quyết định thu hồi đất để sử dụng theo nhu cầu lợi ích công cộng hoặc theo nhu cầu lợi ích riêng cho họ, dĩ nhiên là họ lồng dưới nhóm chữ lợi ích nhà nước. Vậy, luật đất đai đã tạo cho các cấp lãnh đạo trong bộ máy đảng lẫn bộ máy nhà nước cái quyền tham nhũng không giới hạn, miệng thì nói đến “luật pháp nghiêm minh” nhưng hành động cho quyền lợi riêng tư thì đứng trên pháp luật. Với những vụ tham nhũng của nhóm lãnh đạo trong Bộ Chính Trị thì họ tự che chắn cho nhau, với những vụ tham nhũng của lãnh đạo cấp dưới mà  không thể che giấu lấp liếm thì lãnh đạo cấp trên che chắn cho họ, vì họ cùng chia chác nhau trong hệ thống tham nhũng và cùng nhau bảo vệ đảng. Trong nhiều trường hợp tham nhũng, lãnh đạo các địa phương đã sử dụng quân đội nhân dân, công an nhân dân và côn đồ nhân dân, để “trấn áp nhân dân”, thậm chí “tấn công nhân dân” chẳng khác tấn công kẻ thù. Chắc chắn và rõ ràng, đây là nguyên nhân tham nhũng trong lãnh vực đất đai.

Vậy mà Điều 4 Hiến Pháp ghi rằng: “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội....”

Thật rõ ràng, Hiến Pháp do lãnh đạo đảng biên soạn, Quốc Hội do đảng viên bỏ phiếu, điều hành xã hội thì lãnh đạo các cấp toàn quyền quyết định theo nhu cầu của họ, còn người dân chỉ có nhiệm vụ thi hành lệnh! Dưới đây là vài con số mà tôi nghĩ cũng đủ cho trái tim Các Anh rung động trước nỗi đau của đồng bào mà đời sống của họ gắn liền với đất đai vườn ruộng: Năm 2000-2004. Theo Viện Kiểm Sát Nhân Dân, trong những năm 2000-2002, mỗi năm nhận từ 5.000 đến 7.000 đơn khiếu nại đất đai. Nhưng năm 2003-2004, mỗi năm Viện này nhận hơn 120.000 đơn của dân bị oan ức khiếu nại về đất đai. Theo Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn thì từ năm 2001 đến năm 2006, khoảng 376.000 mẫu đất trồng lúa đã bị thu hồi làm một triệu nông dân không có đất canh tác để sống. Vậy mà Luật Đất Đai 2003 lại đơn giản hóa thủ tục cho các hợp đồng lớn, để từ đó mà nông dân bị mất đất ngày càng nhiều hơn, nhanh hơn. Cũng theo Bộ này thì số lượng các đoàn có đông dân oan gia tăng trong những năm gần đây: (1) Năm 2008 với gần 1.000 đoàn. (2) Năm 2009  khoảng 2.500 đoàn. (3) Năm 2010 với hơn 3.500 đoàn.

Vẫn bài “Sở hữu toàn dân là tội ác gốc” ngày 27/9/2013 của ông Bùi Tín, tôi xin trích hai đoạn: “..... Đã có cả một đội quân Dân Oan, hàng ngàn, hàng vạn người đi kêu oan, kiện cáo khắp nơi. Theo báo Tuổi trẻ và Pháp luật trong nước, đã có không ít người tự thiêu vì bị mất đất ..... Có tiếng nói nào có trọng lượng về ruộng đất hơn chính kiến của chuyên gia nông nghiệp Giáo sư Võ Tòng Xuân, và nguyên Thứ Trưởng Tài Nguyên & Môi Trường Đặng Hùng Võ. Cả hai ông đều cho rằng, sở hữu toàn dân là điều cực kỳ phi lý và tệ hại, cần dứt khoát quay trở lại với chế độ đa sở hữu về ruộng đất từ ngàn xưa. Hai ông đã nhiều lần phát biểu trên blog của mình và trên báo diễn đàn Doanh Nghiệp (tháng 8&9/2013) về lập trường nên trả lại sở hữu đất cho người nông dân như trước đây...... Nếu lãnh đạo đảng cộng sản một mực duy trì chế độ phi lý “sở hữu toàn dân” họ sẽ tự cô lập hơn nữa với nông dân còn chiếm 70% dân số nước ta, với một khối trí thức đông đảo đang thức tỉnh và nổi giận, với tuổi trẻ am hiểu thời cuộc và thời đại.....”

Các Anh có hình dung được rằng, với ngần ấy người bỏ công ăn việc làm từ nhiều địa phương nhất là trong Nam xa xôi lặn lội ra ngoài Bắc, sống vất vưỡng ở những nơi công cộng để mong được nhà nước giải quyết nỗi đau mất đất mất nhà cửa tài sản của họ. Nhưng, các cơ quan có trách nhiệm chỉ cần có tấm bảng trưng trước cơ quan làm cảnh, còn viên chức thì bất động cứ như không nghe không thấy không biết gì về nỗi oan ức của người dân xã hội chủ nghĩa rất đáng thương và tội nghiệp! Tôi có ý kiến: “Các Anh thử tìm đến  đoàn Dân Oan nào đó, cố gắng tiếp xúc một vài người, và dùng con tim của Các Anh trao đổi với họ như lời tâm sự chia sẻ cho nhau qua tình người dân Việt, tình Người Lính với tình Người Dân Oan, tôi tin là Các Anh sẽ cảm nhận được nỗi đau cũng từ con tim của họ”. Các Anh nghĩ sao?             

Tóm tắt. Trong Điều 4 Hiến Pháp 1992, có đoạn: “....Đảng cộng sản là đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân , nhân dân lao động, và của cả dân tộc.....” , vậy mà từ khi nhuộm đỏ toàn cõi Việt Nam đến nay đã 38 năm, lãnh đạo đảng với lãnh đạo nhà nước các cấp trở thành kẻ bóc lột người dân bất cứ thuộc thành phần nào trong xã hội, đặc biệt là với hơn 60 triệu người dân nông thôn tay lắm chân bùn . Rõ ràng và chắc chắn, cộng sản là một chế độc tài toàn trị tệ hại nhất trong lịch sử Việt Nam!

DSCI2782-250.jpgThứ hai. Nhân quyền và đời sống của các Blogger.

Nhớ lại tháng 8/2013. Blogger Nguyễn Hoàng Vy là một trong 6 Blogger trẻ đã bay sang Bangkok, thủ đô Thái Lan, tìm cách tiếp xúc và trực tiếp trao bản Tuyên Bố 258 cho các vị đại diện 5 cơ quan quốc tế có trụ sở tại đây. Trở về Việt Nam bị gây khó khăn tại phi trường, nhưng với những lý lẽ vững vàng của các bạn trẻ nên thoát khỏi bàn tay Công An. Sau đó, tại Hà Nội, Nguyễn Hoàng Vy cùng các bạn blogger trẻ khác, tuy rất khó khăn trong việc tiếp xúc với đại diện các tòa đại sứ Úc Đại Lợi Cộng Hòa Liên Bang Đức, để trao tay Bản Tuyên Bố 258 trong mục đích đưa vấn đề nhân quyền Việt Nam ra ngoại quốc, và các bạn Blogger đã thành công ngoạn mục. Mới nhất, là trao cho đại diện Liên Hiệp Âu Châu (EU) ngày 10/9/2013, và đại diện của tòa đại sứ Na-Uy ngày 20/9/2013.

Với tinh thần dũng cảm, các bạn Blogger đã đạt được những thành công xuất sắc, song song đó là những cái giá mà các bạn biết rằng sẽ phải trả. Các Anh hãy nghe cô Nguyễn Hoàng Vy kể chyện về cái giá mà cô và các bạn vừa trải qua:             

 “Sự kiện thứ nhất. Quán cafe sách của các em tôi cùng blogger Châu Văn Thi hùn vốn làm chung, bị đoàn kiểm tra liên ngành lập biên bản và buộc quán phải ngưng hoạt động, mà những “sai phạm” họ đưa ra không thuyết phục được ai. Mặc dù quán đủ điều kiện kinh doanh và có giấy hẹn ngày 28/8/2013 đến Phòng Quản Lý Kinh Tế quận Gò Vấp nhận giấy phép kinh doanh, nhưng họ cô tình trì hoãn. Đến ngày 6/9/2013, nhận được quyết định không cấp giấy phép kinh doanh cho quán (!?)”

Phản ứng của các Blogger: “Nhận thấy có điều sai trái trong quyết định không cấp phép kinh doanh, chúng tôi quyết định sẽ làm đơn khởi kiện trong thời gian sớm nhất. Cùng lúc, chúng tôi sẽ liên tục cập nhật vụ việc đưa lên các phương tiện truyền thông để rộng đường dư luận. Điều quan trọng là vụ này có dấu hiệu của sự trả đũa liên quan đến Tuyên bố 258 nên trong thời gian khởi kiện, chúng tôi quyết định không kinh doanh mà sẽ đổi tên quán thành“Cafe 0258″ và mở cửa đón tiếp những vị khách tử tế từ 6:00 AM đến 11:00 PM tại địa chỉ 24 An Nhơn, Phường 17, Quận. Gò Vấp (Hotline: 0905 375 017 – Ms. Vi”)

Sự kiện thứ hai. “Khi tôi ra  Hà Nội để cùng với các bạn blogger khác trao Tuyên bố 258 cho đại diện tòa đại sứ Cộng Hòa Liên Bang Đức  Úc Đại Lợi, đồng thời dự họp mặt với các bạn blogger Hà Nội, thì ở nhà chỉ có mẹ và con trai tôi khoảng 8 tuổi. Mỗi khi con trai tôi ra đường, đều bị một nhóm trẻ khoảng từ 12-14 tuổi sinh hoạt trong đội thiếu niên tiền phong địa phương thường xuyên chặn đường gây sự, nói con trai tôi là “phản động” và đòi đánh con tôi”.

Tiếp theo là lời bộc bạch của Blogger Nguyễn Hoàng Vy như đang nói với nhà cầm quyền: “(1) Lương thực hàng ngày chỉ là phương tiện sống chứ không phải là mục đích sống của chúng tôi. Vì vậy, các anh có dẹp quán cafe hay những việc làm ăn khác của chúng tôi thì chúng tôi cũng sẽ chẳng chết đói được. Bằng chứng là cuối năm 2011, các anh đã nỗ lực bao vây kinh tế gia đình tôi bằng cách gây sức ép khiến chị em tôi đang có việc làm ngon lành phải bị mất việc. Và chúng tôi vẫn sống an lành cho đến hôm nay mặc dù có đôi lúc cũng khốn khó. (2)  Hành động sách nhiễu, đàn áp, bắt bớ, đánh đập, bao vây kinh tế hay khủng bố tinh thần trẻ nhỏ, sẽ chỉ hiệu quả với một số người yếu lòng tin mà thôi. Còn với chúng tôi, những trò đó chỉ càng làm cho chúng tôi, ngay cả đứa con trai mới 8 tuổi của tôi càng mạnh mẽ hơn mà thôi. Thiết nghĩ các anh nên dùng cách khác đi. (3) Những việc chúng tôi đã, đang, và sẽ làm không nhằm mục đích chống lại bất kỳ một cá nhân, một tập thể, hay tổ chức nào. Chúng tôi đang nỗ lực bảo vệ những quyền tự do căn bản mà chúng tôi hay bất cứ một người nào cũng có quyền hưởng. Những sách nhiễu, đàn áp, bắt bớ, đánh đập hay bao vây kinh tế là những điều chúng tôi không hề hướng tới và mong muốn xảy ra. Nhưng những điều đó xảy ra càng nhiều, càng chứng minh cho tình trạng nhân quyền đang suy đồi một cách trầm trọng. Là một con người, chúng tôi không thể không suy nghĩ và trăn trở trước tình trạng đó. Chính vì vậy, đó cũng là động lực lớn lao thúc đầy chúng tôi càng phải có ý thức và hành động đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa để cải thiện và bảo vệ nhân quyền.

Sau cùng, Blogger Nguyễn Hoàng Vy khẳng định với nhà cầm quyền:  Chúng tôi tin vào con đường bất di bất dịch của lẽ phải. Chúng tôi tin vào sức mạnh của chính nghĩa. Chúng tôi không sợ hãi trước bất kỳ đe dọa nào.

Các Anh hãy nghe tiếp lời khẳng khái của một bạn trẻ khác, Blogger Nguyễn Lân Thắng mà tôi trích dẫn dưới đây:

“Thật kỳ diệu, internet đã làm thay đổi sự suy nghĩ của con người. Trước kia Internet là tử lộ vì những ai công khai chống cộng sản thì bị tử hình, giờ đây trở thành sinh lộ vì những ai công khai chống cộng sản đều giữ được mạng sống. Nhờ hệ thống liên lạc Internet, hàng triệu hàng tỉ người trên thế giới đều biết được sự công khai hóa này, nên cộng sản không dám thủ tiêu nữa.... Với tội ác của cộng sản từ sau tháng 4/1975. .... Người ta ước lượng có thể trên 200 ngàn tù nhân Việt Nam Cộng Hòa bị chết vì đói, vì bị tra tấn, vì bị ngược đãi, vì bị bệnh tật, vì vượt ngục... Có người may mắn được sống sót sau 17 năm tù gọi là "Cải Tạo".... Cộng sản đã bắt hàng triệu người đi tù khổ sai không bản án, với những chính sách giết người thâm độc, như: "Kinh Tế Mới, Tư Sản Mại Bản, Thanh Niên Xung Phong, Thủy Lợi, Đổi Tiền,.....” để tiêu diệt người dân Việt Nam Cộng Hòa. Vì vậy mới có trên 2 triệu Thuyền Nhân tị nạn cộng sản, 500 ngàn chết, xác xương đang dưới lòng đại dương. Vì đảng cộng sản đã gây ra vô vàn tội ác với dân tộc Việt Nam, nên cần loại trừ nó, và đó là trách nhiệm của mọi người Việt Nam”

02Tóm tắt. Các Anh nhận ra được điều gì qua lời tâm sự của hai bạn Blogger Hoàng Vy và Lân Thắng? Và có khi nào Các Anh tự hỏi: “Tại sao ngày càng thêm đông đảo tuổi trẻ đòi hỏi dân chủ tự do mặc dù chế độ độc tài toàn trị lúc nào cũng thẳng tay đàn áp, bỏ tù, quản chế?”  Nếu không, quả thật trái tim Các Anh cũng chỉ là cục sắt đen thui đen thủi. Nếu có, Các Anh đang nghĩ gì........? Các Anh đọc tiếp đoạn dưới đây để thấy Công An Nhân Dân dã man hơn bất cứ thời nào trong lịch sử Việt Nam.    

Thứ ba. Phương Uyên bị Công An hành hung.

Theo facebooker’s Luật sư nhân quyền: “Trong hơn một tuần, Phương Uyên đi thăm miền Bắc với sự giúp đỡ của anh Phạm Bá Hải. Phương Uyên đã được đi Hải Phòng, thăm vịnh Hạ Long, thăm đền Hùng, và một địa danh tại Hà Nội. Trong thời gian tại Hà Nội, Phương Uyên đã được đại diện các tòa đại sứ Anh quốc, Hoa Kỳ, Thụy Điển, Cộng Hòa Liên Bang Đức, G4 gồm Thụy Sĩ, New Zealand, Canada (riêng Na Uy bận công tác). Đại diện các cơ quan ngoại giao này bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với những hành động và những phát biểu dũng cảm của Phương Uyên trước tòa phúc thẩm ngày 16/8/2013”.

Phối hợp bản tin VRNs và đài Á Châu Tự Do về tin Nguyễn Phương Uyên bị Công An hành hung. Sau tuần lễ khá lý thú, Bà Nhung và con gái Phương Uyên chuẩn bị trở về quê ngày 25/9/2013. Trên vé Hà Nội-Sài Gòn ghi giờ cất cánh lúc 8 giờ tối, nhưng họ thông báo chậm lại 1 tiếng 15 phút. Thấy còn thì giờ, Bà Nhung cùng con gái đến nhà Blogger Nguyễn Tường Thụy -cha nuôi của Phương Uyên- để ăn bữa cơm tạm biệt. Đến nhà khoảng 6 giờ chiều. Một lúc sau, có đám đông Công An  đập cửa đùng đùng  rồi xông vào nhà. Lúc ấy trong nhà cựu chiến binh Nguyễn Tường Thụy có mặt một số bạn, là Bà Nhung, Phương Uyên, anh Phạm Bá Hải, anh Lê Quốc Quyết, Bà Dương Thị Tần, và vài bạn nữa. Trong lúc Bà Nhung và Phương Uyên ở trên lầu, vội vàng đi xuống thì một toán Công An xông lên nắm tóc bà Nhung và con gái, ép vào tường một cách  thô bạo, rồi giựt cái túi xách tay của bà. Họ kéo hai mẹ con bà ra đường dưới cơn mưa tầm tả, họ vật mạnh cả hai xuống đường rồi kéo đi trong khi hai người đều chân không. Họ bắt luôn những người trong nhà anh Thụy, kể cả con gái anh Thụy. Theo lời Bà Nhung, hành động của Công An chẳng khác bọn côn đồ xông vào nhà rồi bắt cóc cướp giựt.

Công An đưa Bà Nhung và Phương Uyên đến đồn Công An Đại Áng, huyện Thanh Trì, làm việc. Bà Nhung cho họ biết là chuyến bay sắp đến giờ cất cánh vào Sài Gòn, bà yêu cầu họ phải đưa bà và con bà đến phi trường Nội Bài cho kịp chyến bay, nếu không, họ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Sau đó, Công An đưa hai người đến phi trường và đi chuyến bay 11 giờ khuya. Lúc đó  Bà Nhung và con gái đói quá mà không có tiền, vì cái túi xách của Bà Nhung bị Công An giựt lấy mà chưa trả lại. Họ đưa 200.000 đồng và nói “tự mà lo ăn uống” chớ không trả lại túi xách. Lúc đó có điện thoại của những người thân bên ngoài, nên bà và con gái Phương Uyên quyết định không rời Hà Nội trong tình trạng bị Công An ăn cướp như vậy. Ngay tức khắc, Công An mặc sắc phục, an ninh thường phục xông vào đánh cả hai. Phương Uyên bị đánh rất nhiều. Bà Nhung nói an ninh rất côn đồ và mất dạy. Đám Công An lôi bà Nhung sềnh sệch trên nền, đứa túm tóc, đứa nắm chân nắm tay kéo đi như một con vật. Phương Uyên cũng bị đám Công An khác lôi đi, tốc áo, tốc quần, tốc áo ngực, một tên Công An còn ra tay sàm sỡ. Toàn bộ an ninh và Công An chừng 30 người, họ hành hạ Bà Nhung và Phương Uyên suốt đêm mà không cho ăn uống gì hết.

Sáng hôm sau, Công An đưa Bà Nhung và Phương Uyên lên máy bay vào Sài Gòn, cũng Công An áp giải cả hai về quê. Khi về tới địa phương, đã có sẵn khoảng 300 người lao tới vây quanh hai người. Họ là Công An Xã, Huyện, Tỉnh, Bộ và nhiều thành phần khác. Công An tống đạt quyết định Nguyễn Phương Uyên phải thi hành án “quản chế tại nhà” từ ngày 25/09/2013. Xong, họ bảo bà Nhưng nhận túi xách nhưng họ không chịu mở ra, vì vậy mà Bà không nhận. Bà Nhung yêu cầu Công An mở ra để Bà coi trong túi có những gì, vì biết đâu là trong túi xách của bà có cả ma túy do Công An bỏ vào rồi quay ra bắt Bà sao. Thế là Bà Nhung bỏ cái túi lai đó, rồi cùng con gái đi bộ từ trụ sở Xã về đến nhà lúc 3 giờ 30 chiều 26/9/2013.

Sau cùng là câu hỏi của Gia Minh, đài Á Châu Tự Do: “Về những sai phạm như thế, gia đình có định khiếu nại thế nào không? Và Bà Nhung trả lời: “Chúng tôi sẽ làm trong khả năng của mình nhưng thực chất chúng tôi đang trong giai đoạn khó khăn. Số tiền mà anh chị em giúp đỡ tôi mang theo trong chuyến đi này, Công An đã cướp hết. Thật sự bây giờ chúng tôi tay trắng, đi lại cũng không có phương tiện, thì chưa biết thế nào”

Theo bản tin lúc 2 giờ sáng 27/9/2013 của Blogger Nguyễn Tường Thụy, thì Ba của Phương Uyên vừa đưa cô vào bệnh viện Hàm Thuận Bắc. Sau khi chẩn đoán, Bác sĩ cho biết Phương Uyên bị ‘‘đa chấn thương’’ từ vùng cổ xuống đến chân. Theo các phim chụp X quang thì không bị gãy xương. Còn việc đi tiểu ra máu, rất có thể bị (Công An) đạp mạnh vào lưng nên ảnh hưởng đến thận. Bà Nhung cho biết, ngày 29/9/2013 sẽ đưa Phương Uyên vào Sài Gòn điều trị, hy vọng sẽ hồi phục tốt hơn.

Các Anh hiểu được sự kiện Công An Nhân Dân vật, kéo, đánh, đạp, đập Nhân Dân là  Phương Uyên rồi chớ? Đó không phải nhân viên công lực bảo vệ công dân, mà là hành động của thành phần côn đồ cướp giựt thường ngày trên đường phố hồ chí minh. Hãy nhớ, cô sinh viên bé nhỏ Phương Uyên không có tội gì với nhà cầm quyền cả, cho dẫu nếu có thì đó là tội yêu tổ quốc nhân dân, yêu tự do dân chủ dân quyền. Với tôi, Phương Uyên là một trong những người yêu nước, xứng đáng được trân trọng. Các Anh hiểu ra chưa?

Ô! Tôi lại quên rồi, nếu Công An Nhân Dân Các Anh hành động như người tử tế trong xã hội dân chủ tự do thì đâu phải cộng sản. Nói cách khác, cộng sản là dã man tàn bạo. Vì vậy mà cách duy nhất là diệt trừ nó chớ không thể nào giúp nó cải thiện được, đúng như lời của cố Tổng Thống Cộng Hòa Liên Bang Nga Boris Yeltsin đã nói.      

Kết luận.

Tôi thông cảm với Các Anh, những người sinh ra, lớn lên, học hành, và trở thành Người Lính trong quân đội, tất cả những gì Các Anh học ở trường văn hoá, trường quân sự, lại thường học tập chính trị tại các đơn vị, cộng với những chính sách về các lãnh vực sinh hoạt xã hội, mà hơn hết là toàn bộ các phương tiện trong hệ thống truyền thông chỉ là tiếng nói của lãnh đạo đảng mà Các Anh theo dõi hằng ngày. Trôi dần theo thời gian, chính sách độc tài của cộng sản lan tỏa đến mọi ngóc ngách trong sinh hoạt xã hội, rồi biến thành một nếp trong đời sống thường ngày đối với người dân nói chung, với Các Anh nói riêng từ lúc nào không ai biết. 

Với bài viết của tác giả Nguyễn Văn Mùi, ông mạnh mẽ chỉ trích lãnh đạo cộng sản, khi ông nói trong chuyến về thăm quê hương “ông muốn học làm người xã hội chủ nghĩa”, nhưng không thể nào học được, vì ông là người sống trong xã hội tự do. Câu cuối cùng của tác giả tôi tin là Các Anh phải suy nghĩ: “... Thật đáng buồn cho một đất nước khi sự phát triển hỗn loạn đã bóp nghẹt và chà đạp những giá trị tinh thần và luân lý. Nói như ai đó, “phần con trong con-người xã hội chủ nghĩa đã phát triển hơn, nhưng phần người thì ngày càng nhỏ lại!”

Tôi hiểu rằng, xã hội có phát triển với nhà cửa cao hơn, khang trang hơn, đường sá nhiều hơn,, xe cộ cũng nhiều hơn, và con người có ăn có mặc nhiều hơn so với thời đóng cửa rút cầu, nhưng lòng người ngày càng nhỏ lại, nhỏ đến mức hầu như không còn chỗ chứa “đạo đức, chân thành, sự thật, tình thương,... thậm chí đến những lời xin lỗi hay tiếng nói cám ơn của người lịch sự khi tiếp xúc với nhau cũng cạn kiệt!” Tác giả có nói đến phát triển hỗn loạn, chính là nói đến nét thẩm mỹ của thành phố, nói đến hệ thống thoát nước không được phát triển cùng nhịp với những ngôi nhà xây cất trên đó, nên mỗi khi mưa lớn là đường phố Sài Gòn và Hà Nội chìm dưới màn nước đen ngòm. Phát triển là phải toàn diện, và bắt nguồn từ nền tảng giáo dục, bao gồm giáo dục ý thức con người ngay từ bậc tiểu học cho đến bậc cuối cùng.          

Đến đây, tôi nghĩ là Các Anh hãy suy nghĩ mà chọn cho mình một hướng đi, cùng 90 triệu đồng bào hòa nhập vào Cộng Đồng thế giới tự do, để được ngẫng cao đầu giữa thế giới văn minh lịch sự, được hãnh diện trước những người ngoại quốc đến Việt Nam du lịch, tìm hiểu nếp sống văn hóa dân tộc với chiều dài lịch sử ngàn năm trước đã lừng danh thế giới.

Hãy nhớ, “Tự do, không phải là điều đáng sợ, mà là nền tảng cho sự thịnh vượng của đất nước. Không có dân chủ, không thể có sự trỗi dậy và phát triển bền vững. Và chính chúng ta phải tranh đấu, vì Dân Chủ Tự Do không phải là quà tặng”.

Texas, tháng 10 năm 2013

Phạm Bá Hoa

 

                                                                      ~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

 

No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết