Wednesday, June 4, 2014

Đi Thăm Hải Phòng




Đi Thăm Hải Phòng

   (tiếp bài Đám Giỗ Ngày Xưa)
Bút Xuân Trần Đình Ngọc


Cách một năm, đến năm sau nữa, do sự sắp xếp giữa cha Dương và bố tôi, 6 thanh thiếu niên ngoan ngoãn và học giỏi xứ Bắc Tỉnh được đi thăm thành phố Hải Phòng, nơi bố tôi đang hành nghề đông y tại đó. Chọn lựa theo tiêu chuẩn, tôi cũng là một trong số 6 người đó và là người nhỏ tuổi nhất.

Hướng dẫn đoàn là thầy Phó tế Vũ đức Khâm, nghĩa tử cha già Dương, một thanh niên năng hoạt động, giỏi sinh ngữ Pháp và Latinh. Thầy có lòng đạo đức nhiệt thành, kính mến Đức Mẹ Hằng cứu giúp đặc biệt, có tinh thần quốc gia tích cực, rất quý mến gia đình tôi và đã từng để mỗi ngày một giờ dạy tôi Pháp ngữ. 

Thầy nắn nút cho tôi đi tu để thành một nghĩa đệ năng động như thầy sau này nên thầy đã nói với cha già Dương nhận tôi làm nghĩa tử, sẽ gửi tôi vào trường Thử Trung Linh. Nhưng Chúa không chọn tôi làm phần vụ đó nên dù tôi đã vào trường Trung Linh dưới quyền cha Tràng Khiết mấy tháng rồi nhớ bố mẹ, tôi lại xin về.

Vả lại lúc đó tôi cũng nghĩ, nếu đi tu thì phải tận hiến, hi sinh suốt cuộc đời của mình cho Thiên Chúa và Giáo hội, dở dang lại ra thì nợ nần chồng chất, không xong.

Nợ đây là nợ cơm áo, nợ học hành, nợ công lao những gì nhà Chúa đã chu cấp cho tôi từ khi đặt chân lên ngưỡng cửa Nhà Chung. Món nợ ấy rất nặng, dù còn ít tuổi nhưng lúc đó tôi đã nghĩ thế khi một lần đi ngang nhà bếp, tôi liếc nhìn vào thấy dăm bảy người đang tíu tít làm cơm, nấu canh, kho cá cho chúng tôi ăn. Ngay những người đầu bếp, tôi đã nợ họ cái công lao, chưa nói đến những người cung cấp gạo, rau, tôm cá. 

Rồi các Linh Mục, các thầy giáo, Sư huynh, những người bỏ công sức uốn nắn tôi về tâm linh và tinh thần, dù các vị này làm nhiệm vụ của họ để trả ơn Nhà Chung như đã hứa, nhưng suốt đời tôi là những món nợ chồng chất, không thể không trả và không báo đáp. 

Rồi dậy nhạc, tôi được học harmonium mỗi ngày một tiếng, do một thầy giáo rất giỏi về đàn và nhạc lý. Lớp tôi đông nhưng chỉ có một trò nữa và tôi được chọn học harmonium. Tôi không tự khen nhưng quả là cha tràng Khiết và các quý thầy quý cha trong ban chọn lựa nhạc sinh, làm sao lại nhìn ra tôi có một thiên khiếu về âm nhạc lúc đó trong khi chú bé nào mới vào trông cũng như chú bé nào. Nếu tôi bỏ công học Nhạc như Văn, Thơ thì tôi nghĩ cũng không tệ, tôi thích sáng tác nhạc và viết hoà âm hơn là làm nhạc công.

                      Một Linh Mục nhiệt thành


Trở lại với LM Vũ đức Khâm, sau khi thụ phong  Linh mục, Ngài đi coi sóc phần tâm linh một xứ đạo vùng biển, tôi nhớ mơ hồ hình như ở Thượng trại hay Hạ trại gì đó, nghĩa là cùng thuộc huyện Hải Hậu như Cồn tròn, Văn Lý và không xa Văn Lý bao nhiêu.

Vì nhiệt thành rao giảng Tin Mừng, lại có tinh thần yêu quốc gia dân tộc bất kể giáo dân hay người ngoài đạo, không chấp nhận chủ nghĩa Mác-Lê, cha Vũ đức Khâm đã bị CS kết án tử hình, bản án được in vào truyền đơn rải trong vùng. Nhưng cha Khâm không hề sợ hãi, cha nói cha phó thác mọi sự trong tay Chúa quan phòng, không kẻ thù nào hại được cha.

Khi cha đang coi sóc giáo xứ, cha đụng một trận đánh ban đêm với chính quy và du kích, dân công tải đạn...,quân số và vũ khí gấp mười lần anh em Thanh niên tự vệ CG giáo xứ của cha.
Vũ khí của giáo xứ này cũng không có bao nhiêu, tôi không nhớ rõ nhưng khoảng mươi khẩu súng garant và hai tiểu liên Thompson, mươi quả lựu đạn, còn lại là mã tấu, giáo, đòng, dao găm để đánh sáp lá cà.

Trận đánh cực kỳ khốc liệt, từ quá nửa đêm đến sáng rõ, sau này gặp cha ở Sàigòn cha kể cho tôi nghe vậy, máy truyền tin không có nên không nhờ các đồn binh của quân đội Quốc gia yểm trợ trọng pháo được. Cha bị miểng lựu đạn gây thương tích ở mặt, ở người và tay chân, sau này còn một vết sẹo lớn trên má trái. 

Anh em thanh niên giáo xứ chết 7 người nhưng bên kia hơn 40 phơi xác, một số bị thương được đồng bọn cõng đi, một số bị thương khác bị đồng đội bắn chết vì không đưa đi được, theo lời kể lại của một số cư dân (đây là những sự thật 100%).

Trở lại với chuyến du ngoạn Hải Phòng, kỳ đó bố tôi về thăm quê, như mọi lần, bố tôi vào nhà xứ thăm cha  Dương. Trong khi chuyện trò, cha Dương nói cha muốn cho thầy Phó tế Vũ đức Khâm đi thăm Hải Phòng một chuyến cho biết trước khi thụ phong Linh mục vì thụ phong rồi phải đi coi xứ ngay, hết còn dịp. Bố tôi nói, bố tôi có thể lo chỗ ăn ở được dù là 5, 7 người, một mình thầy Khâm thì quá dễ. Cha Dương nghe vậy liền nảy ra ý nghĩ cho thêm mấy thanh niên trong xứ đi cùng thầy Khâm cho có bạn, đồng thời các anh này khi về sẽ có kiến thức rộng rãi hơn để huấn luyện cho thanh thiếu niên trong xứ.

Bố tôi nhận lời với cha Dương ngay, nói nhà cửa rộng rãi có người làm phục vụ bếp núc, cha Dương không cần quan tâm. Tiền vé tầu xe do cha Dương đài thọ, ngoài ra, trong số này không có gia đình nào quá nghèo nên họ cũng dằn túi chút đỉnh cho con họ để tiêu dọc đường. Một nhà khá giả trong giáo xứ, cụ trùm Năng, ủng hộ thầy Khâm và đoàn một số tiền tôi không nhớ là bao nhiêu để thêm vào lộ phí dọc đường làm mọi người lên tinh thần.

Tuy nhỏ tuổi nhất trong các đoàn sinh nhưng tôi đã ra Hà Nội và Hải Phòng nhiều lần, đã từng cắp sách đến trường Tiểu học Pháp ở hai nơi đó, Hà Nội ít hơn nhưng Hải Phòng cũng cả chục năm.

Thời tôi đi học ở Hải Phòng là thời Pháp thuộc, giáo viên dạy tôi là người Pháp, nay đã quên cả hình ảnh khuôn mặt và tên gọi, duy chỉ những ngôi trường là còn nhớ. Người Pháp dạo đó khuyến khích trẻ em Việt đi học vì họ được tiếng là khai phá mở mang cho dân bản xứ, vả lại sau này có người biết tiếng Pháp mà làm việc với họ.

Chúng ta căm thù chủ nghĩa thực dân nhưng riêng về việc học hành, bất cứ trẻ em nào xin vào học cũng được thâu nhận để học hết bậc tiểu học miễn phí, không kỳ thị thành phần xã hội của cha mẹ học sinh, đáng quý nhất là thời gian thập niên 30-40 trở về trước. Khẩu hiệu tại mỗi trường là Tự do-Huynh đệ-Bình đẳng (Liberté -Fraternité -Égalité) thực hành đúng như khẩu hiệu đó là con người cũng có bình an và hạnh phúc rồi, lại chẳng hơn nhiều chế độ khoe mẽ thì dao to búa lớn nhưng thực sự chỉ là lừa phỉnh và trói buộc con người!

 Anh Lân tôi hơn tôi 9 tuổi, sau khi anh đậu xong Tiểu học, bố mẹ tôi bảo anh xin vào trường Bưởi ở Hà Nội học trung học, trường mở kỳ thi tuyển vì rất đông học sinh xin vào. anh tôi may mắn trúng tuyển, anh học cho đến mùa Thu năm 1945, trường bị giải tán. Nhờ có căn bản học, anh được gọi đi huấn luyện quân sự cho quân đội Quốc gia năm 1953 nhưng sau đó, anh bỏ dở, tính về quê đưa mẹ tôi lên rồi cùng vào Nam theo đợt di cư 1954, nhưng khi anh về đến nhà, du kích làng cô lập anh không cho anh đi nữa vì vậy mà mẹ tôi cũng phải ở lại. Thời gian ấy tôi vẫn ở Hà Nội và sau đó vào Nam trên một chuyến máy bay chở sinh viên Việt tại Hà Nội.

            Ngôi Trường Tiểu Học

Trường tôi học ở Hải Phòng toạ lạc tại phố Maréchal Joffre.
         Trường rất gần với nhà tôi, ra khỏi nhà, quẹo tay trái đi một đoạn khoảng hơn nửa cây số là tới. Hồi khai tâm, tôi đã được vỡ lòng bằng vần Pháp ngữ ở làng quê. Ở ngôi trường này, giữa thành phố Hải phòng, trường dành cho cả con cái người Pháp và con cái người Việt nhưng hoàn toàn dạy chương trình Pháp. Tôi vào học lớp Dự bị (Préparatoire) ở đó, miễn phí vì là trường công lập. (Sau này, cũng có thời gian thầy tôi gửi tôi vào nội trú trường Saint Joseph của các Sư huynh thì phải đóng tiền ăn, ở và tiền học.) Hầu như 80% học sinh ở trường này là Pháp hoặc người nước ngoài, quốc tịch  Pháp, một số là người Hoa, người Chà và (Ấn độ), cùng người Việt với tôi chẳng có bao nhiêu.

         Lúc đó là cuối thập niên 30 mà người Pháp đã chú ý “rao giảng” tiếng nước họ, văn hóa của họ mà họ tự hào là nhất nhì thế giới. Chẳng thế mà trong một bài tập đọc dạo đó, tôi còn nhớ, tác giả bài viết rất hãnh diện dân Pháp ăn bánh mì, còn người Á châu thì “phải” ăn gạo! Cách ăn mặc, tập tục, lễ tết, truyền thống, tóm lại là văn hóa nói chung họ cũng từng điểm phân tích là họ hơn hẳn người Á châu.
         Chỉ là trường tiểu học nhưng ngôi trường này rất đồ sộ, cao ba tầng, mỗi tầng cả chục lớp, phòng giáo viên, phòng hiệu trưởng, phòng tổng giám thị, giám thị, gác dan, nhà để xe vv... trông bên ngoài bề thế như một Ðại học Việt Nam ỏ Sàigòn sau này.

         Lớp tôi học ở tầng giữa, khi chuông báo hiệu giờ học, chúng tôi đứng xếp hàng ở chỗ chỉ định, cô đầm trẻ măng chừng hơn hai chục tuổi là cô giáo của chúng tôi đứng ở đầu hàng bên tay trái. Mỗi buổi sáng, chúng tôi chào cờ trước khi vào lớp. Cột cờ cao ngay phía trước buộc sẵn một lá cờ tam tài, khi chuẩn bị, hai học sinh lớn, một nam, một nữ đứng kế cột cờ nhìn lại chúng tôi. Khi hàng ngũ đã chỉnh tề, các giáo viên và bà Hiệu trưởng cũng đã đứng xếp hàng, ông Tổng Giám thị đứng nghiêm hô:”Chào cờ” (Salut le drapeau!) và ông bắt giọng cho mọi người hát bài quốc ca Pháp:

“Allons enfants de la patrie le jour de gloire est arrivé...”
Trong lúc đó, một học sinh đỡ lá cờ, còn học sinh kia từ từ kéo cờ lên đỉnh cột cờ là vừa hát xong bài hát. Sau đó, thầy, cô giáo lớp nào dẫn học sinh lớp ấy vào lớp. Chương trình lớp tư - là lớp tôi học - dạo đó gồm có: Tập đọc, Chính tả, Văn phạm, Tập đặt câu, Tập chia động tự, Bài học thuộc lòng, Bài học thường thức về những vật xung quanh ta (Lecon de Choses), Bốn phép tính và tính đố giản dị... Ðã quá lâu nên tôi chỉ nhớ lõm bõm có thế.             
        Lớp tôi chỉ có hai  trò Việt, Nguyễn Kim Vân và tôi. Kim Vân ngồi bàn trước, tôi bàn sau tuy nhiên chúng tôi ít dám nói chuyện với nhau vì cô giáo rất nghiêm. Nói chuyện cô bắt được cô bắt quì cạnh bảng nhìn xuống dưới. Cô nhìn đồng hồ không sai một giây, quì 15 phút là y boong 15 phút, nửa giờ là đúng nửa giờ. Trường Pháp dạo đó cũng không cho đánh học sinh. Bắt quì, bắt đứng riêng vào khu “tội phạm” lúc chào cờ để cả trường thấy mặt cho xấu hổ, phê điểm xấu vv...và cuối cùng thì gọi phụ huynh học sinh đến: đuổi khỏi trường.

         Lớp tôi cũng còn một học sinh người Chà và ba học sinh Tàu, hai trai một gái. Hàng quà rong khá đông ở cửa trường: kẹo bột, kẹo gừng, một chinh 5 cái. Kẹo bạc hà, súc-cù-là chính gốc Paris, một xu một thỏi, rồi còn các thứ quà bánh khác: bánh mì jambon, bánh mì trứng chiên, croissant, cà-phê sữa, kem cây, các thứ trái cây vặt vãnh... . Các giáo viên cũng là những khách hàng trung thành. Họ mua cà-phê, sữa, croissant ăn trong giờ ra chơi và lúc đó, thuốc lá chưa cấm ở những nơi công cộng nên đôi khi tôi phải vào gặp giáo viên hay bà Hiệu trưởng, tôi thấy phòng giáo viên có khói thuốc tản mạn.
         Dĩ nhiên cả trường dùng tiếng Pháp để trao đổi, chuyện trò. Những người bán hàng cũng phải biết chút ít tiếng Pháp để thối tiền, hỏi han vài câu quen thuộc, giản dị.
        
                                 ***


Thầy Sáu Khâm đã chuẩn bị chuyến viếng thăm Hải Phòng cho 6 thanh thiếu niên Bắc tỉnh thật chu đáo. Thầy cũng chưa từng ra Hải Phòng nên chuyến đi này với thầy thật lý thú.

Chúng tôi ngồi tầu thuỷ lên Nam định, rồi lấy xe ca đi Hải Phòng. Nếu muốn ngồi tầu thuỷ nữa cũng được nhưng e mất thời giờ nhiều vì tầu thuỷ đi rất chậm. Để kéo lại thời gian, tầu đa số chạy ban đêm.

Chúng tôi đến Hải Phòng vào buổi chiều, thầy (bố) tôi đã cho anh người làm tên Địch đứng đón ở đó. Thầy Khâm vẫn mặc áo chùng thâm nên anh Địch nhận ra ngay. Vả lại, Hải Phòng là giang sơn của tôi, tôi là thổ công đất Hải Phòng, dù không có anh Địch đón, tôi cũng đưa thầy Khâm và các bạn về nơi thầy tôi ở được.

Tôi vẫn còn nhớ số nhà 37 Phố Cố đạo (Chavignon), nhìn sang sân Vận động Hải Phòng, căn nhà 2 tầng thầy mẹ tôi đã mua từ lâu. Thời gian này, mẹ tôi ở nhà lo việc gặt hái; mùa màng xong mẹ tôi lại ra Hải Phòng với thầy tôi vài ba tháng, sau đó lại trở về quê lo vụ cấy lúa mùa.

Thầy tôi đã sai người giúp việc làm cơm nước sẵn sàng. Thầy bảo thầy Sáu Khâm và 6 anh em (không có các cô) đi tắm rửa rồi ăn cơm. Thầy tôi nuôi hai anh thanh niên để làm cao đơn hoàn tán và một bà vú già để nấu cơm, đi chợ, giặt quần áo. Ngôi nhà khá rộng nên dư chỗ ngủ. Thành phố Hải Phòng thời gian đó đã là một thành phố lớn, chỉ đứng sau Hà Nội.

Đèn đường bật sáng khi vừa lặn mặt trời. Tư gia nhà nào cũng có đèn điện, nhưng thổi nấu vẫn bằng củi tạ (chẻ nhỏ) và phòng tắm có bông sen nhưng chưa có nước nóng. Mùa Đông muốn tắm phải đun một nồi nước lớn, pha nước lạnh vào cho vừa mà tắm nhưng chúng tôi đến đây vào mùa hè, cứ vòi sen tắm cũng tốt quá rồi.

Sáng hôm sau, sau khi ăn điểm tâm bằng bánh mì với trứng và bơ (của Pháp), lúc đó rất sẵn ở các thành phố lớn, tôi hướng dẫn cả đoàn đi thăm phố xá. Đầu tiên chúng tôi vào chợ Sắt coi hàng quà trong chợ, chợ thành phố khác với chợ thôn quê ra sao? Bên cạnh đó là nhà máy xi-măng Hải Phòng. Chúng tôi đến cửa, thầy Khâm nói với người gác dan (Pháp) muốn được quan sát đại cương nhà máy. Ông này trình cho xếp, chúng tôi được thoả mãn ngay.

Đại khái, các thuyền lớn của các lái đá người Việt, đi theo sông ra tới Quảng Yên, vùng Đông triều, Mạo Khê bạt ngàn những dẫy núi đá xanh rì. Thợ dùng cốt mìn phá từng tảng đá lớn lăn từ trên mỏm núi xuống, sau đó dùng búa đập cho nhỏ ra (cũng có thể dùng mìn) loại đá xanh nhỏ như cái trứng gà này được đóng từng mét khối, các thuyền đến mua giá cả xong xuôi liền chuyển đá xuống thuyền cho đến khi nào khẳm (đầy).

Những thuyền này chở đá về nhà máy xi măng Hải Phòng giao đá, lấy tiền, đi tiếp ra Quảng Yên. Đá đó lại được chuyển vào nhà máy cán ra bột, xong ngào với một chất hoá học rồi đem nướng bằng cách cho bột lăn qua các thanh sắt nung đỏ bằng điện, thế là ra xi măng, thợ đóng bao cho xe lửa chuyển đi các tỉnh. Đó là công thức làm xi măng của người Pháp đã có từ thời đầu tiên Pháp vào Việt Nam. Các nhà thờ ở vùng Trà Lũ khi xây cũng dùng xi măng Hải Phòng nhưng trước nữa thì xi măng chở từ Pháp bằng tầu thuỷ sang Việt Nam.

Khi chưa có xi măng, xóm tôi muốn làm một cái miếu nhỏ chẳng hạn thì người ta dùng vôi đã tôi rồi tức đá xanh nung thành vôi rồi cho vôi vào một cái thùng thật lớn (tuỳ theo nhu cầu) đổ nước vào, vôi sẽ sôi lên, khi nguội cho ta một chất vôi dẻo (thứ vôi ăn trầu); dùng vôi đó trộn với cát và mật mía mà xây. Loại hồ này không cứng như xi măng nên không thể xây lớn và cao. Có nơi còn dùng thêm giấy bản hoà vào vôi cho chắc nhưng cách gì cũng thua xi măng xa. Những ngôi đại thánh đường như Phú Nhai hồi đó phải dùng một số lượng xi măng rất lớn mới chịu nổi. Không có xi măng thì không thể nói đến những kiến trúc đẹp và to lớn. Phát minh ra xi măng chính là góp phần vào nền kiến trúc tân kỳ của nhân loại vậy.

Sau khi rời nhà máy xi măng Hải Phòng và chợ Sắt,  tôi mời thầy Sáu Khâm và các anh vào hàng cơm thím Mọc tại chợ Sắt vì trước khi đi, thầy tôi đã dặn và giao cho mấy đồng bạc.

Trong chợ Sắt có cả mấy chục hàng cơm, phở, bún, mì, nhưng thầy mẹ tôi chỉ đến ăn tại quán cơm thím Mọc mỗi khi không muốn ăn ở nhà. Gia đình chú thím là bệnh nhân của thầy tôi đã lâu. Quán cơm thím Mọc thường hay có cá chép rán, canh giò heo nấu với măng chua và cá trê kho lá gừng. Nếu đến ăn vào mùa lạnh thì thế nào cũng có món rươi đặc sản tuyệt ngon!

Nhiều bạn đọc có lẽ không biết con rươi ra sao.
Hải Phòng gần biển nên mùa Đông có rươi, những con trùng mầu xanh xanh đỏ đỏ, dài khoảng 1 inch, bề tròn bằng cái nõn rơm. Rươi sinh ra từ những gốc rạ còn để lại ở ruộng sau khi gặt vụ mùa, nước biển dâng cao tràn vào những cánh đồng có nước ngọt, trở thành thứ nước lợ (không ngọt không mặn) từ đó loại rươi xuất hiện.

 Có những mảnh ruộng lúa đã gặt xong, rươi bơi đặc trên mặt nước, dân quê dùng những cái vợt hớt rươi đổ vào thùng đem về ăn hay đưa ra chợ bán. Người bán lấy bát ăn cơm đong rươi, người mua đem về chế biến ra nhiều món ăn rất ngon mà chỉ vùng nào có rươi mới được thưởng thức.

Quán thím Mọc có món rươi xào với thịt ba chỉ, lá lốt và vỏ quýt. Rươi rất sạch, không có lòng ruột, không có đầu (một loại giun) mà trong ruột chỉ toàn là bột cho vị bùi béo. Đánh nát rươi ra trộn với trứng với lá lốt xong đem hấp cách thuỷ hoặc bỏ trong nồi đất vùi than, nướng. Cũng có thể nặn thành từng viên dẹp dẹp xong chiên trong dầu hay mỡ. Khi có nhiều mà ăn không kịp, người ta làm mắm rươi cũng giống như làm mắm tôm, lúc ăn chỉ việc chưng với thịt ba chỉ, ăn chung với bún, rau thơm, ngon quên chết!

Lúc đó là mùa hè, tôi nói với thím Mọc cho cá chép rán dòn, canh giò heo nấu với măng chua và cá trê kho lá gừng làm món mặn, cơm trắng ăn tuỳ thích. Quả những món do thím Mọc nấu rất ngon, thầy Khâm và 5 anh  đoàn sinh vừa ăn vừa khen.

Nhân tiện nói đến cá chép rán. Nếu bạn đọc đã đi vào Nho Quan tỉnh Ninh Bình, trên quốc lộ, bạn phải đi qua cầu Gián Khuốt (con sông này, sông Gián Khuốt, chảy vào phía trong có giáo xứ Đồng Đinh, có tượng Đức Mẹ sầu bi - La Pietà - bồng Chúa trên lòng lúc Chúa mới được các tông đồ tháo đinh gỡ từ trên thánh giá xuống, tượng nguyên thuỷ đặt trong nhà nguyện Sistine, do hoạ sĩ/điêu khắc gia lừng danh Michelangelo đắp. Tượng Đức Mẹ ở giáo xứ Đồng Đinh do một Giám mục tặng, rập khuôn từ tượng ở Sistine, đứng cạnh dòng sông, cách đây mấy năm bị bọn vô thần phá hoại đập nát).

Cái đáng nhắc là con sông Gián Khuốt này rất nhiều cá mà chỉ toàn một loại cá chép to và thơm ngon không đâu có. Hồi chạy tản cư, tôi và gia đình đã dừng chân nghỉ nhiều lần ở bên cầu Gián Khuốt. Có đến dăm, bảy quán cơm nhưng quán nào cũng chỉ có cá chép, đặc sản của Gián Khuốt. Giá cả không đắt, không nhiều hơn là mình đi chợ mua về nhà làm. Cá chép rán là nhiều nhất, rồi cá nướng, canh chua cá rọc mùng, cà chua, ngò ôm, quả me, rau diếp ăn kèm. Nếu không thích ba món này thì ăn cá chép kho chung với chút thịt ba chỉ, giưa cải bẹ, rau luộc nhưng rau giưa ít mà chỉ thấy cá chép là nhiều.

Con cá carp ở Mỹ trông bề ngoài giống cá chép nhưng thịt dở chứ không thơm, ngon như cá chép của Việt Nam. Thành ngữ có câu:
“Đầu chép, mép trôi, môi mè” Đầu cá chép nấu canh chua là nhất hạng. Mép trôi, môi mè, cũng thuộc về cái đầu, như vậy mấy thứ cá này đầu có giá.

Sau khi ăn cơm trưa, chúng tôi thấy đã mệt liền trở về nhà nghỉ ngơi. Không cần vội cho lắm vì chúng tôi có cả tuần ở đây. Dạo ấy người Pháp đã đặt ra trưởng phố nhưng không bắt trình báo gì. Nếu người trưởng phố nào siêng cho gia nhân lại hỏi thầy tôi thì ông chỉ nói có mấy đứa cháu ở quê Nam Định ra thăm là xong, không ai hạch xách, chẳng tạm trú tạm vắng mà cũng không cần ra bưu điện mua bao thơ. Nhiều người đã sống dưới nhiều triều đại, nay hỏi thì trả lời vẫn còn thích cái không khí tự do thời đó. 

Tôi muốn ăn cái gì mặc tôi, tôi không ăn cướp, ăn cắp của anh  là không luật pháp nào dí tôi được. Nhưng cái xã hội ấy vẫn bị mang tiếng là nô lệ cho thực dân phong kiến Pháp, nó thiếu cái hào quang giả dối lừa phỉnh bên ngoài. Những ông già bà cả đã từng trải bảo, chẳng thà vậy mà con người đỡ khốn nạn!

Ngày hôm sau, tôi hướng dẫn thầy Sáu Khâm và 5 bạn đi thăm nhà thờ chính toà Hải Phòng và toà Giám Mục. Hải Phòng không có đường xe điện như Hà Nội nên chúng tôi phải gọi xe kéo (pousse-pousse) nhưng thầy Sáu Khâm nói, đây tới đó không xa mấy thì tại sao không đi bộ ngắm phố phường, công đôi ba việc luôn.

Thế là chúng tôi cùng nhau cuốc bộ. Từ nhà tôi đi ra phố Cầu Đất (Paul Doumer) quẹo phải, đi thẳng lên thì gặp Nhà hát lớn Hải Phòng, tiếp tục đi khoảng ba bloc đường là tới con phố nhỏ cắt ngang phố Cầu Đất, quẹo trái, chúng tôi thấy nhà thờ chính toà Hải Phòng, thật to và đẹp, cũng làm theo kiểu Gothique.

(còn tiếp)
Bút Xuân Trần Đình Ngọc     

   

No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết