QUỐC HẬN 30 THÁNG 4

Image result for Tháng Tư năm 1975 -----

==== ====



Saturday, March 17, 2018

Sách Mới: Chiến Tranh 1946-1954 Từ Chiến Tranh Việt Minh-Pháp Đến Chiến Tranh Ý Thức Hệ Quốc-Cộng

 
  
Giới Thiệu Sách Mới:
Chiến Tranh 1946-1954
Từ Chiến Tranh Việt Minh-Pháp Đến Chiến Tranh Ý Thức Hệ Quốc-Cộng
Nguyễn Đức

Bộ sách Việt Sử Đại Cương tập I của tác giả Trần Gia Phụng ấn hành năm 2004 và trong mười năm qua đã xuất bản 6 tập kế tiếp theo dòng lịch sử từ thượng cổ đến hiện đại. Trong hai thập niên qua, tác giả Trần Gia Phụng đã viết nhiều quyển sách liên quan đến lịch sử Việt Nam, và quyển sách mới của tác giả tựa đề là Chiến Tranh 1946-1954” và phụ đề là ”Từ chiến tranh Việt Minh-Pháp đến chiến tranh ý thức hệ Quốc-Cộng”, vừa ấn hành vào đầu năm 2018.

Mở đầu sách, tác giả đặt Việt Nam trong khung cảnh quốc tế, từ khi Nhật đảo chánh Pháp ở Đông Dương ngày 9-3-1945, trao trả độc lập lại cho Việt Nam. Thoát cảnh Pháp thuộc, vua Bảo Đại và chính phủ Trần Trọng Kim đang cố gắng xây dựng đất nước thì Hồ Chí Minh và đảng cộng sản cướp chánh quyền.


Tác giả đưa ra những tài liệu cho thấy rằng nhờ cộng tác với cơ quan tình báo OSS của Hoa Kỳ, Hồ Chí Minh biết tin tức thời sự, từ việc Mỹ thả bom nguyên tử ở Nhật, Nhật đầu hàng Đồng minh, đến việc Anh và Trung Hoa đem quân vào Việt Nam giải giới quân đội Nhật, nên Việt Minh vội vàng cướp chính quyền, chuẩn bị cơ sở chính trị và hành chánh trước khi quân Đồng minh đến Việt Nam, để nói chuyện với Đồng minh. Trước đây, Việt cộng ca tụng rằng Hồ Chí Minh nhạy bén về chính trị, tiên đoán được thời cuộc, nay thì hóa ra chỉ là nhờ tình báo OSS Mỹ.



Theo tác giả, khi quân đội Pháp tái chiếm Việt Nam năm 1945, đất nước lâm nguy, nhưng Việt Minh cộng sản không chống Pháp, mà nhượng bộ Pháp, để được tiếp tục cầm quyền. Khi Pháp đòi nắm quyền kiểm soát an ninh Hà Nội, Việt Minh sợ bị Pháp tóm cổ, nên Việt Minh mở cuộc tấn công Pháp để có lý do chạy thoát khỏi Hà Nội, rồi Việt Minh gọi là toàn dân kháng chiến chống Pháp.



Như vậy theo tác giả, Việt Minh chống Pháp vì Việt Minh lâm nguy chứ không phải vì tổ quốc lâm nguy. Cũng theo tác giả, nếu Pháp để cho Việt Minh tiếp tục cầm quyền, Việt Minh không lâm nguy, thì Việt Minh không chống Pháp. Vì vậy tác giả gọi đây là chiến tranh giữa Việt Minh thuộc đảng cộng sản Đông Dương với Pháp, chứ không phải chiến tranh giữa dân tộc Việt với Pháp. Việt Minh lợi dụng chiêu bài kháng chiến chống Pháp để giành lấy chính nghĩa cho cuộc chạy trốn của Việt Minh.


Cũng theo tác giả, sau khi cầm quyền năm 1945, Việt Minh chủ trương độc quyền cai trị đất nước, tiêu diệt tất cả những thành phần dân tộc, không theo Việt Minh, nên những thành phần nầy quy tụ theo cựu hoàng Bảo Đại, liên kết với Pháp, thành lập Quốc Gia Việt Nam, chống Việt Minh cộng sản. Từ đó, chiến tranh giữa Việt Minh với Pháp biến thành chiến tranh giữa Quốc gia với cộng sản, nên gọi là chiến tranh ý thức hệ quốc-cộng.
Đề tài chiến tranh 1946-1954 đã được nhiều người viết, nhưng sách nầy đưa ra một cách nhìn mới, một cách giải thích mới, có tính cách khai phá mới về những sự kiện trong giai đoạn nầy, nhất là tác giả đưa ra những tài liệu mới phô bày những mưu mô trong chiến tranh mà lâu nay cộng sản che đậy và bóp méo.


Cũng trong cách nhìn mới nầy, tác giả luôn luôn đặt vấn đề Việt Nam trong toàn bộ hoàn cảnh chính trị và quân sự quốc tế. Có những chương trong sách khá đặc biệt cho thấy điều nầy, như chương “Việt Nam trên bàn hội nghị quốc tế”, hoặc “Việt Minh và OSS”, hoặc chương “Sự thành lập chế độ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa”... Những chương như thế giúp soi rọi và làm rõ giai đoạn lịch sử trong sách.


Trong sách nầy có một chương rất hữu lý nhưng chẳng giống ai, vì từ xưa tới nay chẳng có ai viết về vấn đề mà tác giả đặt ra. Đó là chương “Tình hình dân chúng và điều kiện thiên nhiên”. Trước đây, cộng sản thường xuyên tuyên truyền rằng toàn dân Việt Nam lên đường hưởng ứng cuộc kháng chiến chống Pháp. Tác giả viết ra chương nầy để đặt một câu hỏi thật đơn giản là lúc chiến tranh xảy ra năm 1946, thì thành phần toàn dân mà cộng sản tuyên truyền là những ai? 



Phân tích của tác giả cho thấy là toàn dân không theo kháng chiến.. Dân chúng vẫn sống phây phây đông đúc trong các thành phố do Pháp kiểm soát. Các thành phố như Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang vẫn đông đúc, có khi còn đông đúc hơn trước chiến tranh, vì người ta về thành phố tránh lửa đạn. Những người lớn tuổi đã sống qua thời kỳ nầy có thể thấy rõ điều tác giả trình bày.



Còn dân nông thôn thì phải bám đất mà sống tại chỗ. Đất đai là tài sản vốn liếng của nông dân. Nông dân ở yên tại chỗ, khai thác đất đai, trồng trọt để mà sống, nên không chạy đi đâu được. Dù muốn chạy cũng không có tiền mà chạy. Dân nông thôn đành phải chết cứng tại thôn làng, không theo Việt Minh thì cũng bị Việt Minh nắm đầu cai trị. Việt Minh buộc làm gì là phải làm ngay. Nếu không thi  hành, sẽ bị Việt Minh đấu tố, thủ tiêu. Dân nông thôn lại đông đúc, nên Việt Minh hô hoán lên là toàn dân kháng chiến.


Những điều kiện thiên nhiên nước ta như núi đồi hiểm trở, sông ngòi chằng chịt, nắng nhiều mưa nhiều, rừng cây rậm rạp, ảnh hưởng rất lớn đến chiến tranh, nhất là chiến tranh du kích của Việt Minh. Chẳng những khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt với lính Pháp, mà muỗi mòng, vắc, bù chét cũng gây khó khăn không ít cho lính viễn chinh. Cũng có lý đấy chứ. Chương nầy đúng là một cách nhìn mới, giải thích vì sao cộng sản lợi thế trong chiến tranh du kích, sẽ làm cho sách của tác giả khác hẳn với các sách trước đây.


Chẳng những đưa ra một cách nhìn mới về chiến tranh 1946-1954, tác giả còn đưa ra nhiều tài liệu mới khá lý thú về giai đoạn nầy. Ví dụ như bộ hồ sơ gốc trong thư khố Anh, nhan đề là “Nguyen ai Quoc: arrangement for deportation”. Bộ hồ sơ nầy cho thấy Nguyễn Ái Quốc bị người Anh giam giữ tại Hồng Kông từ 1931 đến 1933, nghĩa là từ khi Nguyễn Ái Quốc (tức Hồ Chí Minh) bị bắt cho đến khi vụ án Nguyễn Ái Quốc được giải quyết bằng thương lượng ngoài tòa án. Chính tay người Anh đưa Nguyễn Ái Quốc lên tàu thủy rời Hồng Kông, chứ không phải Nguyễn Ái Quốc chết năm 1932 như nguồn tin do một người Đài Loan đưa ra. Đây là tài liệu gốc trong thư khố Anh từ 1931 đến 1933. Mời mọi người vào đọc tài liệu này và nếu còn nghi ngờ tài liệu nầy do tac giả đưa ra, thì mọi người có thể e-mail tới địa chỉ thư khố Anh Quốc được tác giả chỉ dẫn trong sách, để hỏi thẳng thư khố Anh cho chắc ăn. Như thế, quả thật tên tội đồ dân tộc Hồ Chí Minh bán nước cho Tàu, Nga, đúng là con của phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Nghệ An, là kẻ đang bị giam xác ở Ba Đình. Chết mà còn bị giam. Đúng là quả báo!  Quả báo!


Sách nầy còn ghi lại những chuyện thú vị, như chuyện CSVN xin vào Liên Hiệp Quốc năm 1948 mà bị từ chối. Chưa bao giờ có sách nào viết điều nầy. Chuyện Hồ Chí Minh bị Stalin nghi ngờ là thiếu trung kiên với cộng sản vì cộng tác với OSS, nên lúc đầu, Stalin không chịu giúp Hồ Chí Minh và Việt Minh. Đó là lý do khiền Hồ Chí Minh chạy theo Mao Trạch Đông.


Một chuyện lạ khác nữa là tác giả mô tả Điện Biên Phủ chẳng những là một ngã tư giao thông chiến lược, mà Điện Biên Phủ còn là một vựa thuốc phiện lớn nhất Đông Dương, nên quân Pháp cũng như Việt Minh đều ra sức giành giựt để kiểm soát nguồn lợi thuốc phiện.
Việt Minh cần thuốc phiện để bán lấy tiền mua vũ khí. Pháp cũng cần thuốc phiện, vừa chận đứng nguồi lợi vũ khí của Việt Minh, vừa tăng ngân sách cho Pháp vì nhà cầm quyền Pháp công khai buôn thuốc phiện. Đọc đến đây tôi giật mình vì có thể hiện nay, Việt cộng trong nước đang sản xuất thuốc phiện tại Điện Biên Phủ, rồi đem bán cho dân chúng để thu nhập ngân sách, bất kể sức khỏe dân chúng. Điện Biên Phủ xa xôi. Ít người đến du lịch  Sợ gì mà cộng sản không trồng thuốc phiện đem bán cho toàn vùng Đông Nam Á. Dám lắm chứ!


Nhục nhã nhất là đoạn Hồ Chí Minh qua Tàu làm kiểm điểm với Lưu Thiếu Kỳ để xin viện trợ. Tác giả tin rằng bản kiểm điểm nầy còn lưu trữ ở Bắc Kinh, hoặc nếu không còn, thì Bắc Kinh làm giả tở kiểm điểm của Hồ Chí Minh, để áp lực cộng sản Việt Nam. Nếu cộng sản Việt không nghe lời Bắc Kinh, Bắc Kinh sẽ đưa ra công khai bản kiểm điểm của Hồ Chí Minh thì quá mất mặt đảng Cộng Sản Việt Nam!


Nhờ Trung Cộng viện trợ và cố vấn Trung Cộng điều khiển chiến tranh, Việt Minh chiến thắng lần đầu tiên trận Đông Khê năm 1950. Tác giả dẫn chứng hồi ký của Hoàng Tùng, ủy viên trung ương đảng cộng sản,  cũng xác nhận Trung Cộng giúp Việt Minh cộng sản thắng trận Đông Khê.
Nhờ Trung Cộng viện trợ tối đa, Việt Minh mạnh lên, dần dần đi đến chiến thắng ở Điện Biên Phủ năm 1954. Theo tác giả, chính Trung Cộng chiến thắng Pháp chứ không phải Việt Minh chiến thắng Pháp. Vì vậy, tác giả gọi Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp chẳng qua chỉ là thơ ký chiến trường cho Quân ủy Bắc Kinh. Thật khá thú vị.


Buồn cười nhất là tác giả tả cảnh các phái đoàn cộng sản tham dự hội nghị Genève năm 1954, sắp hàng một rất trật tự, mỗi ngày đi vào và đi ra phòng họp để tham dự hội nghị như trẻ em đi học. Theo đúng tôn ti trật tự cộng sản quốc tế, phái đoàn Liên Xô đi đầu, rồi đến phái đoàn Trung Cộng, và sau cùng là phái đoàn Việt Minh. Sắp hàng đi vào phòng họp đàn anh trước, đàn em sau như học trò đã đành. Còn sắp hàng đi ra khỏi phòng họp thì ngoan ngoãn hơn học trò là cái chắc. Chỉ có cộng sản mới trật tự kiểu đó. Tác giả có chú thích rõ nguồn tin đáng tin cậy việc nầy và chú thích rõ các phát hiện khác.


Sách này còn bạch hóa những chuyện cộng sản bịa đặt như Hồ Chí Minh giả vờ giải tán đảng cộng sản để hòa giải bịp bợm, chuyện Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu, chuyện Pháp không treo cờ trắng ở Điện Biên Phủ hay chuyện lá cờ Việt Minh cộng sản trên hầm De Castries. Tác giả đã vạch ra những trò ăn gian lịch sử của cộng sản.


Cuối sách, tác giả đưa ra một tài liệu mà nhiều người hiện đang quan tâm. Đó là nguồn gốc bản quốc ca Quốc Gia Việt Nam, sau trở thành quốc ca Việt Nam Cộng Hòa, do một người đồng thời với người đã sáng tác bản nhạc là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước kể lại. Đó là học giả Nguyễn-Ngu-Í. Học giả Nguyễn-Ngu-Í kể lại đầy đủ từ lúc Lưu Hữu Phước bắt đầu sáng tác cho đến khi bản nhạc nầy được chọn làm quốc ca. Như vậy bản quốc ca Quốc Gia Việt Nam có trước khi đất nước bị chia hai. Đồng bào từ Bắc vào Nam Việt Nam đều đã có dịp chào cờ Vàng và hát bản quốc ca này. Lúc sáng tác bản nhạc nầy năm 1940, Lưu Hữu Phước là một sinh viên yêu nước, người miền Nam, ra học đại học Hà Nội, chưa bị lôi cuốn vào phong trào Việt Minh cộng sản năm 1945.


Phần nhìn lại cuộc chiến của tác giả cũng không kém phần thú vị. Theo tác giả, Phap thất bại ở Paris trước khi thất trận ơ Việt Nam. Cộng sản nhờ Trung Cộng chống Pháp không khác gì nhờ kẻ cướp đuổi tên ăn trộm. Thằng ăn trộm bỏ chạy, thì tên cướp giành nhà. Cũng theo tác giả, trong bang giao quốc tế, chẳng bao giờ có tình nghĩa cộng sản chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa, mà chỉ có quyền lợi chủ nghĩa giữa các nước mà thôi.
Cách trình bày sách mới của tác giả cũng khác các sách trước đây của ông. Ông không viết những chương dài, gồm nhiều tiết mục, mà trong sách này, ông chia ra thành từng chương ngắn, gồm tất cả là 36 chương liên tục, mỗi chương khoảng 8 đến 10 trang sách, rất mạch lạc, chương trước kéo theo chương sau, trình bày như thể kể chuyện, làm cho độc giả đọc không chán, cứ ưa theo dõi tiếp, nhưng muốn tạm dừng ở đâu cũng được. Cở chữ trong sách vừa đọc cho những người lớn tuổi, chú thích không ở cuối chương mà ở cuối sách theo kiểu các sách Âu Mỹ.
Đọc thêm phần chú thích trong sách cũng thú vị không kém đọc các chương sách, vì chú thích mở ra nhiều chuyện bất ngờ ngoài sách. Phải nói rằng tác giả chẳng những chịu khó đọc nhiều sách báo mà còn chịu khó ghi chú, trích dẫn và chú thích đầy đủ chi tiết, chứng tỏ tác giả rất là hữu nghị với người đọc. Hữu nghị với người đọc nhất là tác giả chăm sóc phần chính tả thật kỹ, khá tốt, ích lợi cho giới sinh viên ngày nay ở hải ngoại, vừa học Việt sử, vừa học Việt ngữ.


Ngoài ra, như thường lệ sách có bản danh mục cho độc giả dễ nghiên cứu khi cần. Bản danh mục lần nầy chẳng những là tên các nhân vật trong sách mà còn có tên các địa danh, và nhất là tên các sự kiện cần ghi nhớ nữa. Muốn tìm một vấn đề gì thì nhìn vào danh mục sự kiện là có thể tìm ra ngay nó nằm ở đâu.


Trong phần chú thích và danh mục rất công phu cho công trình biên soạn với 47 trang (từ trang 421 đến 467) để dẫn chứng rõ ràng dựa theo sách báo và các nguồn tài liệu liên quan đến nội dung.
Có thể nói sách này với cách nhìn khách quan, trung thực là bản lên tiếng phản bác mới và mạnh tất cả những tuyên truyền xuyên tạc của cộng sản Việt Nam về cuộc chiến 1946-1954 và vạch trần những mặt khuất tất mà cộng sản che giấu bằng những thủ đoạn thâm hiểm rất kín đáo. Tác giả còn làm rõ vị thế của Quốc Gia Việt Nam trong giai đoạn lịch sử thời hậu thuộc địa.



Vì vậy, dầu đã đọc những sách trước đây về chiến tranh 1946-1954, thì cũng xin mời quý vị tìm đọc sách “Chiến tranh Việt Nam 1946-1954” của Trần Gia Phụng để nhận diện rõ thêm những điều còn khuất tất của những biến cố rất quen thuộc, và nhất là để phân biệt giữa quốc gia và cộng sản ngay từ đầu, tức từ năm 1945.



Sách dày trên 560 trang, lay out trang nhã, ấn phí 25 đô. Độc giả có thể tìm mua ở các hiệu sách, hay liên lạc với tác giả ở địa chỉ e-mail ghi trong sách: trangiaphung@gmail.com.
Nguyễn Đức
(California, 12-3-2018 )

__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" 

No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết

Featured Post

BẠN TÔI: ĐẠI ÚY TRẦN QUANG HIỆP

 https://www.facebook.com/groups/160591528349491/permalink/723350692073569/ https://www.youtube.com/watch?v=oqhFQFR2-JM Chuyện Xứ Xã Nghĩa r...

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List