Nhớ về người Tư Lệnh cũ
Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu (April 5, 1923 – September
29, 2001)
Đỗ Văn Phúc
Trong các đơn vị thuộc vùng 3 Chiến thuật, Sư
đoàn 5 Bộ binh là đại đơn vị trấn nhậm một trọng điểm có tầm sinh tử đối với
thủ đô Sài Gòn nhất. Do đó, các cuộc binh biến không thể thiếu sự đóng góp của
Sư đoàn 5 BB. Đại tá Nguyễn Văn Thiệu nhờ vào chức vụ Tư lệnh SĐ5BB mà đã được
mời tham gia vào cuộc đảo chánh lật đổ cố Tổng thống Ngô Đình Diệm vào ngày 1
tháng 11 năm 1963.
Từ các căn cứ ở Bình Dương, chỉ cách Sài Gòn
không đầy 30 ki lô mét, các đơn vị mang số 5 đỏ giữa ngôi sao trắng đã được
nhanh chóng điều động về thủ đô chiếm cứ các cơ quan trọng yếu của chế độ.
Trong tấm ảnh chụp chung của các Tướng lãnh tham gia đảo chính, Đại Tá Thiệu
lúc đó còn ngồi một cách khiêm tốn ở hàng sau giữa những ông tướng có vẻ hùng
hổ, tự đắc. Khuôn mặt ông Thiệu ngày đó còn gầy guộc, nhưng đã thấy trong đôi
mắt nét sắc sảo, hứa hẹn một bước tiến chính trị rộng mở trong tương lai.
Là một sĩ quan cấp úy nhỏ nhoi trong đội quân cả
triệu người, thì hiểu biết được bao nhiêu mà dám viết về một Tổng thống, một
Tổng Tư Lệnh Quân đội! Nhất là về cố Tổng thống Thiệu, người đã được công chúng
và nhiều sử gia nhận xét thiếu công minh cho đến khi các tài liệu dần dần được
giải mật và công bố để trả lại cho ông phần nào sự công bằng.
Lần đầu tiên tôi được gần ông nhất là ngày lễ
mãn khoá của Khoá 1 Sĩ quan hiện dịch Chiến Tranh Chính Trị vào đầu tháng 5 năm
1969. Sau đại lễ huy hoàng tại vũ đình trường, các tân thiếu úy được đưa vào
hội trường mới xây phía sau lưng toà nhà Bộ Chỉ Huy. Nơi đây, chúng tôi sắp
hàng một để lần lược bước đến nhận quà do Tổng thống trao tận tay. Đó là một
cây bút bi hiệu Parker, trên đó có in huy hiệu của Tổng Thống bằng kim nhũ và
một cửa sổ nhỏ để mỗi lần bấm thì hiện ra theo thứ tự các dòng chữ biểu hiện ba
mục tiêu mà chính phủ của ông đã đề ra: xây dựng dân chủ, giải quyết chiến
tranh, và cải tạo xã hội.
Nhận xét đầu tiên khi đối mặt vị Tổng thống là
ông có khuôn mặt nhỏ nhưng rất thông minh, đôi mắt sáng sắc sảo, và nụ cười rất
thân tình, cởi mở. Nhờ đó, những tân thiếu úy đã không cảm thấy khoảng cách quá
xa đối với người lãnh đạo cao nhất của quốc gia và quân đội. Ông đã dùng
cơm với chúng tôi sau khi ban một huấn thị ngắn và đầy ý nghĩa của một người
anh đối với các em vừa chuẩn bị bước vào cuộc chiến gian nguy.
Vì đường công danh chính trị của ông phát xuất
từ Sư Đoàn 5 Bộ binh, nên mối quan tâm của ông đối với sư đoàn này cũng có phần
đặc biệt ưu đãi. Các tư lịnh sư đoàn thường là những vị thân tín của Tổng thống
Thiệu và rất có tương lai trong binh nghiệp. Sau khi ra trường tôi may mắn phục
vụ sư đoàn này, và đã từng hãnh diện khi nhìn thấy tấm hình của vị cựu Tư lịnh
Nguyễn Văn Thiệu treo trong các phòng họp cấp Sư đoàn và Trung đoàn. Ngoài cái
biệt danh “Sư Đoàn Nùng” (vì là hậu thân của một đơn vị toàn người Nùng từ miền
Thượng Du Bắc Việt chuyển vào sau hiệp định Geneve), người ta còn gọi chúng tôi
là “lính ông Thiệu”.
Thuyên chuyển qua Không Quân cuối năm 1971, tôi
không được vinh dự tham chiến trận An Lộc vào Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, nên không
được có mặt công kênh Tổng thống khi ông đến chiến trường ủy lạo binh sĩ giữa
lúc tiếng súng còn chưa dứt ở các đồn diền cao su quanh thị trấn An Lộc đổ nát.
Chúng tôi quý ông ở điểm này. Là một nguyên thủ quốc gia, ông có quyền hưởng
những ngày tết an toàn ở thủ đô trong không khí hạnh phúc của gia đình. Nhưng
không có Tết nào mà ông không tìm đến với các đơn vị tiền đồn hẻo lánh. Trong
bộ ka ki bốn túi bình dị, chiếc nón jockey đen có phù hiệu hai con rồng, Tổng
thống Thiệu đã mang lại cho những người lính chiến chúng tôi niềm an ủi sâu xa
thể hiện một mối quan tâm mà hiếm khi thấy được ở những vị lãnh đạo khác.
Tính bình dị của ông, lần nữa tôi được thấy khi
ông đến thăm Căn Cứ 20 Chiến Thuật Không Quân ở Phan Rang. Hồi đó là gần cuối
năm 1972, sau khi chúng tôi hoàn tất việc tiếp nhận căn cứ từ Không Lực Hoa Kỳ.
Một đại đơn vị tân lập của Không Quân Việt Nam đang thành hình, đi vào ổn định
để tích cực tham gia chiến đấu ở Vùng 2 Chiến thuật.
Tổng thống đã đến với chúng tôi, ăn tối với các
sĩ quan tại Câu Lạc Bộ trên ngọn đồi nhìn ra hướng bờ biển Ninh Chữ. Không một
chút quan cách, lễ nghi, ông đã tươi cười trò chuyện cùng chúng tôi trong hơn
hai tiếng đồng hồ. Ông đã trao cho Căn cứ một món tiền nhỏ và dí dỏm: “Thường
là cấp nhỏ hối lộ cấp trên! Bây giờ thì tôi hối lộ các anh.” Số là Tổng thống
còn bà mẹ già đang ở trong căn nhà gần bờ biển. Hàng ngày, các phản lực cơ của
Không đoàn 92 Chiến Thuật cất cánh thường bay qua phía làng của Tổng Thống.
Tiếng gầm rú của động cơ quấy nhiễu không khí yên bình của bà cụ, làm bà sợ
hãi. Ông Tổng Tư Lệnh phải hối lộ cho thuộc cấp để yêu cầu bay chệch một chút,
né cái làng Ninh Chữ kia ra.
Miền Nam mất.
Người ta đổ lỗi cho nhau. Người chịu nhiều tai
tiếng là Tổng thống Thiệu.
Dĩ nhiên, ông không thể tránh phần trách nhiệm
nặng nề đã làm mất miền Nam mà hậu quả là Cộng sản đã đưa đẩy mười lăm triệu
đồng bào vào hỏa ngục, gần ba trăm ngàn đồng đội vào các trại tù khắc nghiệt mà
hậu quả có hàng chục ngàn đã chết cách này hay cách khác, cùng với cả triệu
người liều thân vượt biển mà con số bỏ thây làm mồi cho cá lên đến hơn một nửa.
Ông cũng bị tai tiếng về tài sản miền Nam, điển
hình là 16 tấn vàng mà thực tế là đã do tên phản bội Nguyễn Văn Hảo trao lại
cho bọn Việt Cộng. Lưu vong ra nước ngoài, ông đã sống ẩn dật, không ồn ào phô
trương mà âm thầm chịu đựng búa rìu dư luận. Có thể ông có tài sản lên đến bạc
triệu đô la. Nhưng nó đáng kể vào đâu nếu so sánh với con số hàng tỷ đô là mà
bọn Việt Cộng thủ đắc hiện nay?
Tôi cầu xin vong linh cố Tổng Thống tha thứ vì
chính tôi cũng đã có lần viết thiếu công bằng về ông khi nhìn sự thất bại của
miền Nam theo cách nhìn hạn hẹp của mình. Làm lãnh tụ một nước nhỏ, hoàn toàn
lệ thuộc về kinh viện và quân viện của ngoại bang, thì việc quyết định không
thể nào tự chủ được. Tổng thống Diệm cũng vì yêu nước, kiên cường trước áp lực
Mỹ mà bị thảm sát. Tổng thống Thiệu đã vẫy vùng mà không thoát được. Ông cũng
đã từng chứng tỏ sự can đảm, cứng rắn đến độ căng thẳng với Mỹ trong thời gian
chuẩn bị Hoà Đàm Paris. Ông cũng từng đối đầu với tên cáo già Henry Kissinger
và đã bị tên Do Thái này gán cho những từ ngữ không đẹp. Tựu trung, ông đã
chứng minh bản lãnh, lòng yêu nước, trí thông minh đáng để chúng ta khâm phục
hơn là trách cứ. Sự thành bại của miền Nam hoàn toàn nằm ngoài tầm tay của
chúng ta.
Duy chỉ có một điều chúng
tôi trách ông. Đó là việc dùng người của ông thiên về cảm tình, sự trung thành
hơn là dựa trên khả năng. Tiếc thay cho những anh tài không được trọng dụng, mà
thay vào đó là những tướng lãnh thiếu kinh nghiệm chiến đấu, một số thì đầy
lòng tham. Hậu quả là nạn tham nhũng đã làm suy giảm tinh thần chiến đấu của
quân dân miền Nam. Quân Lực VNCH có hơn trăm vị tướng mà con số vị trong sạch
tài đức chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mà ngay họ cũng chẳng ngồi lâu hay được
trọng dụng đúng với khả năng. Khi thành lập đảng Dân Chủ, Tổng Thống Thiệu đã
vì an toàn chính trị của mình mà làm tan vỡ khối đại đoàn kết quốc gia giữa các
đảng phái chính trị và tôn giáo. Những năm đấu thập niên 1970, khi tình hình
quân sự rất khả quan, phải chi ông chú tâm vào cuộc chiến bài trừ tham nhũng,
nâng đỡ đối lập, phát huy thêm tự do để tăng cường sức mạnh quần chúng thì có
hy vọng cải thiện phần nào cách nhìn của người Mỹ và cuộc chiến đã không kết
thúc theo chiều hướng bi đát như đã xảy ra năm 1975.
Nói gì đi nữa thì công và
tội của một vị Tổng thống phải chờ thêm thời gian để phán đoán. Những cuốn sách
do các chính khách, báo giới cả Mỹ lẫn Việt viết ra sau này, những tài liệu
được giải mật đã đem lại phần nào sự xét đoán công minh về vị Tổng thống thứ
hai của chế độ Cộng Hoà Việt Nam.
Hôm nay, nhân ngày giỗ lần
thứ 8 của cố Tổng Thống, tôi mua chai Chivas Regal (loại rượu mà ông thường
dùng), rót ra một chung để kính mời người cựu Tư Lệnh Sư Đoàn. Tôi vẫn quý ông
về lòng ái quốc và những đức tính hiếm hoi trong vai trò người lãnh đạo quốc
gia và nhất là người Tổng Tư Lệnh Tối Cao của Quân Lực VNCH.
Chúng ta sẽ nhớ mãi câu nói của ông: ”Sống mà
không có Tự do, thì coi như đã chết” (To live without freedom is to have already
died.)
Kỷ niệm ngày giỗ lần thứ 8 của Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu
(29/9/2001 – 29/9/2009)
Sinh Tồn chuyển
No comments:
Post a Comment
Những Sự Thật Cần Phải Biết