QUỐC HẬN 30 THÁNG 4

Image result for Tháng Tư năm 1975 -----

==== ====



Monday, October 12, 2015

Hồi ký của một chiến sĩ xuất sắc về tham dự ngày Quân Lực 19-6-1973




 Nhân dịp Lực Lượng Sĩ Quan Thủ Đức/ QLVNCH Bắc Cali tổ chức kỷ niệm 64 năm ngày thành lập Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức vào ngày 11-10-2015, xin gửi đến quý vị hồi ký của  một cựu Sĩ Quan Thủ Đức, cựu Trung Úy Thiết Giáp Nguyễn Vân Cư , được bình chọn là một trong 300 chiến sĩ xuất sắc về tham dư Ngày Quân Lực 19-6-1973,  kể lại những chi tiết lý thú , những buổi tiếp đón  của hâu phương dành cho những người chiến sĩ QLVNCH  tại thủ đô Saigon
Cũng được biết , cựu Trung Úy Nguyễn Vân Cư hiện định cư tại San Jose và cũng là một thành viên của Lực Lượng Sĩ Quan Thủ Đức Bắc Cali

Xin mời quý vị nghe lại nhạc phẩm " Anh về Thủ Đô " của nhạc sĩ Y Vân với những hình ảnh hào hùng của những người lính chiến QLVNCH  trong buổi lễ diễn binh ngày Quân Lực 19-6
Xin click vào link dưới đây
 "Anh về Thủ Đô ấm êm lòng tôi
Đúng lại gần nhau nói câu chuyện vui
Là muôn tấm lòng thương yêu đón anh
Các Anh trai hùng nước Nam "



image





Preview by Yahoo





IInline image 1

 


   Hồi ký của một chiến sĩ xuất sắc về tham dự ngày Quân Lực 19-6-1973

                                     Lực Lượng Sĩ Quan Thủ Đức trong buổi chào cờ đầu năm tại Tòa Thị Chính San Jose

Tham Dự Ngày Quân Lực 19/06/1973

                  Hình chụp  tại Sài Gòn Tửu Lầu ngày 18 tháng 6 năm 1973 Tr/úy KB Nguễn Vân Cư và cô Vũ Lan thuôc Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương Cục Chính Huấn QLVNCH.


        Lời nói đầu:   Suốt những năm tháng trong đời binh nghiệp, không có gì danh dự và hãnh diện hơn khi một người lính  được đề cử và chọn làm một “Chiến Sĩ Xuất Sắc” của đơn vị về Thủ Đô Sài Gòn tham dự ngày Quân Lực 19 tháng 6 năm 1973. Trang hồì ký này không nhằm mục đích khoe khoang hay tự đề cao một cá nhân. Người viết chỉ muốn ghi lại tinh thần chiến đấu dũng cảm kiên cường của người lính và vinh danh những người con ưu tú của Quân Lực VNCH đã được đãi ngộ một cách xứng đáng của chính quyền đương thời và đồng bào Miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Những trang hồi ký này chắc chắn không được đầy đủ lắm, còn rất nhiều thiếu sót, xin quí niên trưởng, quí chiến hữu thông cảm bỏ qua. 
Thành thật cám ơn.

Chiêu Anh

Chi đoàn 3/15 Thiết Kỵ                                                    

                                                                                             
             Tháng 6 năm 1973,  đại úy Nguyễn Thường Hưởng Chi đoàn trưởng Chi đoàn 3/15 Thiết kỵ, thuộc Thiết đoàn 15 Kỵ Binh, Lữ Đoàn III Xung Kích, đã đề cử tôi, trung úy Nguyễn Vân Cư, chức vụ Chi đoàn phó, Chi đoàn 3/15 Thiết kỵ là một Chiến Sĩ Xuất Sắc của đơn vị, được phép về Thủ Đô Sài Gòn tham dự ngày Quân Lực 19 tháng 06 năm 1973.  Thành tích của cá nhân tôi được đơn vị xét về chiến công, về quá trình hoạt động trong đơn vị, về quân phong , quân kỷ, quân vụ… đã được Trung tá Thiết Đoàn Trưởng, Thiết Đoàn 15 Kỵ Binh và Chuẩn tướng Tư Lệnh Lữ Đoàn III Xung Kích thông qua. 

            Thật là bất ngờ! Một niềm hãnh diện và vui sướng tràn ngập tận đáy lòng khi các anh em kỵ binh các cấp của chi đoàn đến chúc mừng tôi với những cái xiết tay thật thân mật.  Tôi có cảm tưởng  mình như đang trong một giấc mơ và… giấc mơ  nay đã trở thành sự thật!

            Cầm sự vụ lệnh trên tay có dấu ấn ký của Chuẩn tướng Trần Quang Khôi Tư Lệnh Lữ Đoàn III Kỵ Binh, và được đại úy Nguyễn Thường Hưởng, Chi Đoàn Trưởng cấp cho một chiếc xe Jeep A2 về trình diện Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp, bản doanh đóng tại Gò Vấp Gia Định mà lòng tôi cảm thấy như hồn sắp bay bổng tận mây xanh. Tâm trạng vô cùng xao xuyến,  rộn rã,  hân hoan… khó mà diễn tả hết được!

            Tôi trình diện phòng 5 Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp lúc 8 giờ sáng ngày 17 tháng 6 . Lúc bấy giờ, tại đây đã có 3 kỵ binh khác đơn vị cũng được đề cử là Chiến Sĩ Xuất Sắc đã trình diện trước đó vài phút . Những kỵ binh này có lẽ từ các đơn vị Thiết Giáp của các vùng chiến thuật gởi về. Sau khi chào hỏi và bắt tay thân mật, một vị Trung tá (tôi không nhớ tên) Trưởng Phòng 5 BCH/TG đưa mắt nhìn chúng tôi từ trên xuống dưới, ông mĩm cười thông cảm.  Vì… chưa có anh chàng kỵ binh nào… kịp hớt tóc, cạo râu,…quần áo còn dính đầy bụi đỏ hành quân vì chưa có thời gian giặt giủ, và trông giống….như…là…lính…bụi đời!  

            Ông cho biết bốn người chúng tôi thuộc đơn vị của 4 Lữ Đoàn Kỵ Binh của vùng I, vùng II, vùng III, và vùng IV chiến thuật được đề cử là Chiến Sĩ Xuất Sắc, và được đơn vị gởi về Thủ Đô để tham dự Ngày Quân Lực 19 tháng 06 năm nay (1973). Ngoài ra, còn có những anh em kỵ binh khác của các Thiết đoàn trực thuộc các Sư Đoàn Bộ Binh trên toàn quốc cũng đã về trình diện trong những ngày trước và đã được BCH/TG chuyển đến trại Chiến Tranh Chánh Trị Nguyễn Trãi rồi.

            Vì không còn đủ thời gian để thăm hỏi , trò chuyện,  nên ông trung tá trưởng phòng chỉ hướng dẫn một cách khái quát về những gì cần phải làm trong những ngày giờ sắp tới. Sau đó, ông trao cho mỗi người một phong bì trắng, trong mỗi phong bì có 5.000 đồng tiền giấy năm trăm hình con cọp mới toanh .“Đây là phần quà của Chuẩn Tướng Lý Tòng Bá, Chỉ Huy Trưởng Thiết Giáp Binh gởi tặng các anh”. Ông nói.

            Những thủ tục giấy tờ cần thiết đã làm xong, ông liền gọi tài xế xe Jeep của ông vào trình diện và căn dặn anh ta một vài điều cần phải làm, sau đó ông vui vẻ mời chúng tôi lên xe để chuyển về trại Nguyễn Trãi, Thánh Tổ của ngành Chiến Tranh Chánh Trị /QLVNCH.

             Mặc dù miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ đang là thời tiết của  mùa mưa, nhưng bầu trời của vùng Thủ Đô Sài Gòn trong thời điểm này trông sao đẹp quá! Không có một cơn mưa lớn, nhỏ nào đổ xuống thành phố và vùng phụ cận. Ánh nắng mặt trời chiếu rọi xuyên qua cành cây kẽ lá của những cây bàng, cây me…được trồng dọc hai bên đường, làm thành những vết trắng đen lốm đốm in lên mặt đường nhựa trông giống như màu áo bông dù của lính.  Thời tiết  oi bức của thành phố Sài Gòn cũng bị xua đuổi bởi những cơn gió nồm thoáng qua vô cùng mát mẻ.  Thỉnh thoảng một vài cụm mây xám kéo đến định che lấp vần thái dương nhưng cũng bị những làn gió mạnh thổi đi nơi khác.

              Từ thôn quê cho đến thành thị, từ vùng ngoại ô đến trung tâm Thủ Đô , nói khác hơn là toàn cõi miền Nam Việt Nam thời bấy giờ, người ta cảm thấy như có cái gì mới lạ.  Những tư gia, phố xá, công sở, trường học, cơ xưởng, hay xe đò khách , xe gắn máy, thuyền tàu.…. đều có treo hoặc sơn vẽ lá cờ vàng ba sọc đỏ, lá cờ biểu tương cho sự yêu chuộng tự do, dân chủ, và nhân quyền …của đồng bào miền Nam đang tung bay phất phới theo làn gió nhẹ.  Hầu hết các dãy phố, các công tư sở, các tư gia …được sơn phết, quét vôi lại sạch sẽ, mới mẻ...  người ta có cảm tưởng giống như ngày Tết Nguyên Đán sắp đến.  Những đại lộ , xa lộ, đường một chiều, đường hai chiều… đều được vẽ lại những lằn sơn trắng , sơn vàng phân biệt ranh giới cho xe chạy để tránh bớt  tai nạn có thể xẩy ra trong những ngày mà toàn dân thủ đô và vùng phụ cận tuông ra đường hân hoan chào mừng ngày Quân Lực.  Riêng tại trung tâm thành phố Sài Gòn và xung quanh khu vực chợ Bến Thành hầu hết các nẻo đường sẽ có diễn binh các cửa ra vào đều bị đóng chận bởi những rào cản của sở Cảnh Sát Thủ Đô, và được thông báo cấm tất cả các loại xe di chuyển từ 8 giờ tối ngày 18 cho đến giữa trưa ngày 19 tháng 6 năm 1973. Những đoạn đường này sẽ được mở lại khi nào cuộc diễn binh của các đơn vị quân đội chấm dứt…

              Chiếc xe Jeep chở 4 anh em kỵ binh chúng tôi dừng trước cổng trại Nguyễn Trãi, người tài xế xuống xe và trình sự vụ lệnh cho người gác cổng.  Một vị sĩ quan trực hướng dẫn chúng tôi vào một hội tường rộng rãi của trại.  Trong hội trường đã có chừng  khoảng trên 50 quân nhân các cấp đã đến trình diện trước, tất cả đang cười nói chào hỏi với nhau thật nhộn nhịp. Khi thấy chúng tôi vừa bước vào cửa , sự ồn ào hầu như ngưng đọng, họ đưa mắt nhìn ra cửa như muốn tìm xem những anh chàng lính mới đến thuộc đơn vị nào, binh chủng nào?  Trong chốc lát không khí trở lại ồn ào nhộn nhịp như cũ sau những câu chào hỏi xã giao và những cái xiết tay thật thân mật 

            Tôi đưa mắt nhìn lướt qua khối người đang cười nói trò chuyện trong hội trường để tìm kiếm xem có anh chàng nào quen cùng khóa, cùng quê, hoăc cùng đơn vị, hay cùng gặp nhau trên chiến trường trong lúc phối hợp hành quân,.… nhưng không tìm thấy một ai quen biết. Tất cả mọi người đều xa lạ, nhưng chốc lát đã thân quen vì… tất cả là “huynh đệ chi binh”.  Những anh chiến sĩ hiện diện mang màu áo của đủ mọi quân binh chủng như Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Đông Quân, Sư Đoàn Bộ Binh , Biệt Kích, Thiết Giáp, Pháo Binh, có cả những anh lính Địa Phương Quân, Nghĩa Quân từ các tiểu khu xa xôi được đơn vị tuyển chọn gởi về.  Tất cả những người lính hiện diện tại đây có cấp bậc, binh chủng, đơn vị khác nhau,  nhưng vẫn có những nét đặc biệt gần giống nhau vì anh chàng nào cũng có một mái tóc dài phủ tai, phủ cổ,  râu ria lởm chưởm chưa kịp cạo hớt, quần áo còn dính đầy bụi đất hành quân, nước da sạm nắng trông có vẻ …lính bụi đời! Nét kiêu hùng dũng cảm của những người chiến sĩ từ chiến tuyến trở về thành phố để tham dự ngày Quân Lực không thể giấu diếm, nó được thể hiện qua những bộ quần áo trận đã phai màu vì những tháng năm dài mưa nắng, hoặc trên ngực áo mang đầy những huy chương đủ loại được đơn vị ban thưởng mỗi khi lập được chiến công …

               Một vị thiếu tá và một trung úy có mang phù hiệu Chiến Tranh Chánh Trị của trại Nguyễn Trãi bước vào, trên tay cầm những xấp hồ sơ giấy tờ, bước lên sân khấu có bục thuyết trình cầm micro lên tiếng mời tất cả các anh em quân nhân ngồi xuống những hàng ghế sắp sẳn, yêu cầu giữ im lặng. Sau những lời chào hỏi xã giao, vị trung úy CTCT điểm danh từng người hiện diện, kế đến vị thiếu tá hướng dẫn anh em các nghi thức sinh hoạt, cũng như lịch trình diễn tiến trong những ngày sắp tới.

              Độ khoảng nửa giờ sau, họ hướng dẫn tất cả anh em quân nhân qua một phòng khác. Nơi đây đã có sẳn  hơn mười anh thợ hớt tóc, tay cầm sẳn một cái tông-đơ hớt tóc và một cái dao cạo râu …vui vẻ…”chào đón” anh em!  Trên sàn xi măng người ta thấy còn đầy ấp những râu tóc bị cạo cắt chưa kịp thu quét. Không cần phải suy đoán, ai cũng thừa hiểu rằng chắc chắn đã có nhiều anh chiến sĩ từ chiến trận về trình diện vào những ngày trước, đã được mấy anh lính “thợ cạo” tình nguyện “dọn dẹp” sạch sẽ, gọn ghẻ mái tóc và hàm râu lởm chưởm… bụi đời của những anh chàng lính…rừng với thời gian ít ỏi ngoài chiến trường khó có thể “dọn dẹp …sạch sẽ” được !

              Một khoảng thời gian ngắn, một giờ đồng hồ, tất cả những mái tóc …dài phủ ót, và những đám râu ria moc…mất trật tự của những chàng chiến sĩ mới đến cũng đồng chung số phận rụng rơi lả chả trên sàn xi măng của phòng hớt tóc dã chiến của doanh trại!  Những chàng lính trận dạn dày sương gió bây giờ đã trở thành những anh chàng “tân binh” như vừa mới nhập ngũ thi hành quân dịch ở Trung Tâm 3 Tuyển Mộ và Nhập Ngũ để chuẩn bị chuyển sang Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung! Trông các anh cũng đẹp…trai ra phếch!

             Trong khi các anh “thợ cạo” đang thi hành nhiệm vụ sửa sang “sắc đẹp” cho các  chiến sĩ, một số khá đông các phóng viên báo chí , truyền thanh, truyền hình, các cơ quan truyền thông của chính phủ hoặc tư nhân đến để quay phim , làm phóng sự, và phỏng vấn...  Đặc biệt trong số các cơ quan truyền thông hiện diện, tôi nhận thấy có đài truyền hình, truyền thanh quân đội, và chương trình Dạ Lan,… Dạ Lan, một em gái hậu phương lúc nào cũng sẵn sàng chia sẻ những tâm trạng buồn vui của đời lính trong những đêm dài trên làn sóng phát thanh quân đội.  Hôm nay, cô Dạ Lan có vẻ rất bận rộn hơn, cô lăn xăn thăm hỏi và phỏng vấn từng anh chiến sĩ về lý lịch, đơn vị phục vụ, quá trình hoạt động, thành tích chiến đấu…  với mục đích để vinh danh người lính Quân Lực VNCH trong chương trình phát thanh của cô vào mỗi buổi tối.

              Sau khi hớt tóc cạo râu và tắm rửa sạch sẻ,  tất cả các chiến sĩ được vị sĩ quan phụ trách hướng dẫn đến phòng quân nhu. Tại đây, các anh quân nhân thợ may nhanh nhẹn cắt đo tùy theo màu áo trận của quân binh chủng cho mỗi người 2 bộ quân phục 4 túi và được cấp phát một đôi giầy “máp” đen bóng loáng.  Anh nào có tên trong danh sách được đi du lịch ở Đài Loan thì được may thêm một bộ “vét-tông” và lãnh thêm một túi hành lý xách tay lớn.

               Sau bửa cơm trưa và nghỉ ngơi tại trại,  khoảng 2 giờ chiều,  chúng tôi được vị trung úy phụ trách đọc tên cho lên xe buýt quân đội đang đậu chờ trước sân hội trường để phân phối đến những khách sạn lớn, sang trọng và nỗi tiếng nhất quanh trung tâm Thủ Đô Sài Gòn như khách sạn Continental,  Majestic, Palace, Đồng Khánh…(không nhớ hết tên khách sạn).  Theo sự hiểu biết của tôi thì có khoảng 10 khách sạn xung quanh Thủ Đô dành riêng cho 300 Chiến Sĩ Xuất Sắc thuộc các quân binh chủng trên toàn quốc, khoảng 100 chiến sĩ bị V.C. bắt làm tù binh được trao trả sau hiệp định Ba-Lê, và khoảng 200 chiến sĩ thuộc ngành Cảnh Sát Quốc Gia, Nghĩa Quân và Nhân Dân Tự Vệ … ở trọ miển phí suốt những ngày tham dự lễ tại Thủ đô Sài Gòn. Tổng số có khoảng hơn 600 Chiến Sĩ Xuất Sắc trên toàn quốc do các đơn vị đề cử và được tuyển chọn về Thủ Đô để tham dự ngày Quân Lực 19 tháng 6 năm 1973.

              Chúng tôi, một nhóm 30 người được xe buýt quân đội đưa tới khách sạn Palace, tọa lạc gần bến Bạch Đằng.  Những cô tiếp viên trẻ đẹp duyên dáng với những chiếc áo dài màu xanh da trời, niềm nở, tươi cười chào đón và hướng dẫn đến các phòng trọ.

              Tôi và ba chiến hữu khác được một cô tiếp viên hướng dẫn lên lầu 9 phòng số 7. Chúng tôi bốn người ở chung một phòng có 2 chiếc giường nệm đôi. Chung phòng với tôi có một chiến hữu kỵ binh thuộc Lữ Đoàn I Quân Khu I. Anh Trung là một Hạ Sĩ Quan, được thăng cấp đặc cách mặt trận 2 lần trong năm , mang cấp bậc thượng sỉ nhất ! Thành tích của anh là đã bắn hạ nhiều chiến xa T54 của việt cộng trong trận đánh phối hợp với Thủy Quân Lục Chiến tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị mùa hè đỏ lửa 1792. Ngoài anh Trung, còn có 2 anh chàng pháo thủ (không nhớ tên) cấp bậc thiếu úy, thuộc binh chủng Pháo Binh Vùng I Chiến thuật…

              Lần đầu tiên được ở trọ trong một phòng ngủ của một khách sạn sang trọng giữa trung tâm Thủ Đô Sài Gòn , chúng tôi vô cùng bở ngở và xa lạ!  Máy điều hòa không khí chạy 24/24, điện thọai, TV màu, thang máy, giường nệm , vải ra trắng trải giường…đều là những thứ đắt tiền mà… “tiền lính”   khó mà …”tính liền”  được!. Chúng tôi cảm thấy vô cùng thoải mái và an bình khi đặt lưng xuống “đánh một giấc ngủ” cho đến trời sụp tối để tạm quên đi những ngày tháng chiến đấu không mệt mỏi trên chiến trường.

            Khoảng 6 giờ chiều, một trung úy và hai quân nhân thuộc đơn vị Chiến Tranh Chánh Trị có trách nhiệm giúp đở, hướng dẫn các anh Chiến Sĩ Xuất Sắc ở khách sạn Palace, đến gõ cửa, mang đến mỗi người chúng tôi 2 bộ quần áo trận 4 túi mới toanh vừa mới may xong và ủi hồ thẳng nếp, một tấm vải băng-rôn màu đỏ bề ngang khoảng 1 tấc, dài 1 thước, có viết lên hàng chữ lớn bằng sơn trắng “Chiến Sĩ Xuất Sắc 1973” để choàng xéo từ vai phải đến hông trái (xem hình chụp), một phù hiệu gắn vào túi áo có hình người lính VNCH đang cầm súng giơ cao reo mừng chiến thắng. Chúng tôi rất lấy làm danh dự và hảnh diện mang những thứ này trên nguời mỗi khi rời khỏi khách sạn.  

            Ngày 18 tháng 6. Buổi tiệc đầu tiên do Hội Đồng Nghị Viên Thành Phố Sài Gòn khoảng đãi lúc 12 giờ trưa tại nhà hàng Sài Gòn Đại Tửu Lầu. Nhân dịp này, ông Đô Trưởng Sài Gòn thay mặt đồng bào Thủ Đô đọc diễn văn chào mừng ngày hội ngộ, và gởi lời cám ơn đến tất cả các anh chiến sĩ QLVNCH đã hy sinh cuộc sống riêng tư, cầm súng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự xăm lăng của Công Sản Bắc Việt, đem lại sự an vui, thanh bình cho toàn dân miền Nam nói chung, và cho đồng bào đang sinh sống tại thủ đô Sài Gòn nói riêng. Sau đó, ông nhờ những nhân viên phụ trách trao cho mỗi anh Chiến Sĩ Xuất Sắc một bao thơ có 10.000$ do đông bào thủ đô gởi tặng.  Ban nhạc Tam Ca 3 Con Mèo và toàn thể anh chị em nghệ sĩ thuộc Cục Chính Huấn QLVNCH giúp vui về phần văn nghệ. Trong buổi da tiệc ngắn ngủi và vui vẻ này, tôi đã bất ngờ quen biết được một em gái hậu phương, đó là cô Vũ Lan, Tiểu đoàn 30 CTCT, KBC 4136, trực thuộc Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương, Cục Chính Huấn, Quân Lực Việt Nam Công Hòa.  Một mối tình thầm lặng giữa “Nàng Ca Sĩ Cục Chính Huấn Vũ Lan và chàng Thiết Kỵ 3/15” đã kéo dài cho đến ngày “đứt phim” 30 tháng Tư, năm 1975 mới …tan vở…!!!...

             Khoảng 4 giờ chiều cùng ngày, đoàn xe buýt quân đội đưa toàn thể các anh Chiến Sĩ Xuất Sắc đến Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa để tham dự Lễ Truy Điệu cho các Chiến Sĩ QLVNCH đã vị quốc vong thân. Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm đến chủ tọa buổi lễ. Ngoài ra, còn có Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, các vị Tướng lãnh quân đội, các vị Đơn Vị Trưởng của các quân binh chủng đều có mặt. Bầu trời đang trong vắt, đột nhiên có những cụm mây xám đen to lớn theo làn gió mạnh kéo đến che kín vần thái dương, khiến cho quang cảnh xung quanh vùng trời Nghĩa Trang lúc bấy giờ trở nên âm u, lạnh lẽo, và buồn tẻ…. Ngọn lửa thiêng được Thủ Tướng và các Tướng lãnh đốt lên trên cái lư hương bằng đồng rất lớn đặt trước ngôi mộ chung của Nghĩa Trang  Mọi người hiện diện có linh cảm rằng những anh linh của các chiến sĩ QLVNCH vì nước quên thân đang tập trung quanh ngọn lửa hồng để tìm chút hơi ấm.  Buổi lễ thật xúc động qua nghi thức chào kính và hát bài Quốc Ca, lễ đặt vòng hoa, lễ truy điệu Chiến Sĩ Trận Vong và lễ niệm hương trước Đài Tưởng Niệm . Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, các vị Tướng lãnh và các vị lãnh đạo tinh thần các Tôn Giáo như: Phật Giáo , Công Giáo, Cao Đài, Hòa Hảo…. đứng nghiêm trang và lâm râm khấn nguyện .

              Rời Nghĩa Trang khoảng 6giờ 30 chiều, toàn thể các anh Chiến Sĩ Xuất Sắc được xe buýt chuyển đến nhà hàng Continental để tham dự buổi tiệc ăn tối do các vị Dân Biểu Hạ Nghị Viện của Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa khoảng đãi. Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương với các ca nhạc sĩ nỗi tiếng phối hợp cùng ban nhạc AVT phụ trách văn nghệ cho buổi dạ tiệc. Mỗi anh Chiến Sĩ cũng nhận được một món quà tiền mặt 10.000$ do Quốc Hội Hạ Nghị Viện gởi tặng.

             Ngày 19 tháng 6. Đây là ngày lễ chánh thức của Quân Lực Quân Lực VNCH. Hôm nay bầu trời vùng thủ đô rất quang đảng, không có một áng mây đen nào lãng vãng trên vùng trời Sài Gòn, tiên đoán thời tiết đã báo trước rằng trời sẽ không có mưa trong ngày này. Tất cả các anh Chiến Sĩ Xuất Sắc được xe buýt đưa đến vị trí hành lễ lúc 8 giờ sáng, và được ngồi cạnh khán đài danh dự dành riêng cho Tổng Thống, phó Tổng Thống, các vị Quan Khách ngoại quốc, và các vị Tướng Lãnh quân đội. 

              Quang cảnh xung quanh những đoạn đường mà đoàn hùng binh QLVNCH sắp diễn hành ngang qua các khán đài thật là nhộn nhịp. Ngồi trên khán đài quan sát hai bên những con đường của  khu vực diễn hành thuộc trung tâm Thủ Đô gần chợ Bến Thành, người ta thấy có những đoạn đường dài hơn 1 cây số đối diện với khán đài, rất đông đảo đồng bào đến từ vùng thủ đô và các tỉnh lân cận để tham dự ngày diễn binh , số người tham dự có thể lên đến nhiều chục ngàn. Họ đến sớm hơn giờ diễn hành 2 hoặc 3 giờ đống hồ để giành chổ tốt. 

              Những ông già bà lão mặc quốc phục cổ truyền bắt ghế kiên nhẩn ngồi chờ, những cô gái tha thướt với những chiếc áo dài đủ màu sắc sặc sở nhởn nhơ như đàn bướm lượn, những cậu trai trong bộ âu phục chỉnh tề cười nói huyên thuyên , những trẻ em khép nép bên  mẹ với ánh mắt ngở ngàng trước đám đông , những chiến hữu đủ mọi binh chủng với bộ quân phục gọn gàn, nét mặt hân hoan hớn hở chào hỏi các đồng đội…Họ đứng thành nhiều hàng dọc hai bên đường; họ đứng trên những bao lơn của những phố lầu cao, họ đứng trên những khán đài được thiết lập hai bên con đường có diễn binh.v.v… thậm chí có một số trẻ em leo trèo lên những cây trụ điện cao để nhìn dễ dàng hơn, nhưng bị các nhân viên phụ trách an ninh, trật tự “mời xuống” vì sợ tai nạn có thể xẩy ra. Tất cả đều chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ của thành phố, nên suốt buổi lễ không có chuyện gì đáng tiếc xẩy ra.

              Những ký giả, phóng viên, báo chí ,truyền thanh, truyền hình, quốc nội cũng như các cơ quan truyền thông ngoại quốc lăn xăn …làm phóng sự, quay phim , chụp ảnh khiến cho quang cảnh buổi lễ càng thêm náo nhiệt  Những bong bóng lớn có in hình lá quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ , những biểu  ngữ có viết chữ  “Toàn Dân Hân Hoan Chào Mừng Ngày Quân Lực 19/06 “ hay “Toàn Dân Vinh Danh Chiến Sĩ QLVNCH” được giăng mắc dọc hai bên những dãy phố và những cây trụ điện đã làm cho buổi lễ càng thêm long trọng.

             Các anh Chiến Sĩ Xuất Sắc trong bộ quân phục 4 túi đủ mọi binh chủng sắp thành hai hàng dọc, bước chầm chậm lên khán đài. Tiếp đến các vị Tổng Thống,  Phó Tổng Thổng, các vị Bộ Trưởng, các vị Tướng Lãnh, các Quan Khách Ngoại Quốc, các Đơn Vị Trưởng của các quân binh chủng.v…v.. duyệt hàng quân danh dự rồi lần lượt tiến vào lễ đài theo điệu nhạc hùng ca được trổi lên bởi đoàn Quân Nhạc Quốc Gia, hòa lẫn những tràng pháo tay và tiếng hoan hô vang vội của hằng chục ngàn đồng bào tham dự.

               Buổi lễ được bắt đầu lúc 9 giờ sáng.  Sau phần nghi lễ đón rước Quốc, Quân Kỳ, lễ chào Quốc kỳ VNCH, phút Mặc Niệm, lễ tiển đưa Quốc, Quân Kỳ chấm dứt  Tiếp theo là diễn văn “Chào Mừng Ngày Quân Lực 19 Tháng 6 năm 1973 và Vinh Danh các Chiến Sĩ QLVNCH” của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Tổng Tư Lệnh Quân Đội. Kế tiếp Đại Tướng Cao Văn Viên Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội ban huấn thị, sau đó các vị đại diện Quốc Hội và Quan Khách Ngoại Quốc lần lượt phát biểu cảm tưởng..v…v… Các cô nữ sinh của trường trung học Gia Long trong những chiếc áo dài trắng trinh nguyên, tay cầm những vòng hoa chiến thắng choàng vào cổ một số các anh Chiến Sĩ Xuất Sắc được tuyển chọn đứng thành 2 hàng đối diện với khán đài danh dự, tiếp theo những tràng pháo tay và tiếng hoan hô vang vội của hàng chục ngàn người tham dự tán thưởng.  Kết thúc buổi lễ là một cuộc diễn binh lớn nhất chưa từng có trong Quân sử Quân Lực VNCH. Sau đây là sơ lược cuộc diễn hành…

              Mở đầu cho cuộc diễn hành …Trên bầu trời trong xanh vùng thủ đô Sài Gòn, từng đoàn trực thăng võ trang, gồm có các loại phi cơ quan sát U2, vận tải cơ C47, C119, C130 bay lượn nhiều vòng quanh khu vực khán đài, thả ra những làn khói xanh đỏ vàng tạo thành lá Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hoà nền vàng ba sọc đỏ trông rất đẹp mắt . Tiếp theo là từng đội hình của các phi đội khu trục cơ A 37, phản lực cơ F5 biểu diễn nhào lộn trên bầu trời. Đây là những loại phi cơ tối tân của binh chủng Không Quân Quân Lực Viêt nam Cộng Hòa đã từng ném lên đầu giặc những đòn sấm sét, gây thiệt hại lớn cho địch quân trên khắp 4 vùng chiến thuật. Những chiếc bong bong có in cờ VNCH được thả ra bay đầy khắp vùng trời Thủ Đô trông rất lý thú.và ngoạn mục…

               Màng biểu diễn trên bầu trời của binh chủng Không Quân vừa chấm dứt, tiếp theo sau là cuộc diễn hành trên bộ…Chỉ huy cuộc diễn hành này là Trung tướng Nguyễn Văn Minh tư lệnh Quân Đoàn III, Quân Khu III, và Bộ Tham Mưu… Lần lượt tiến qua khán đài với những tràng pháo tay và những tiếng hoan hô vang vội của đồng bào và quan khách tham dự. Dẫn đầu cuộc diễn hành là đoàn Quân Nhạc trong bộ đồng phục trắng có viền xanh, “kết bi” trắng, mang đủ loại trống kèn trổi lên những khúc nhạc hùng ca. Theo sau là nhịp bước đều của đoàn Thiếu Sinh Quân nối gót Cha Ông với bộ lễ phục trắng, bêrê màu đỏ thẩm.  Đoàn quân kế tiếp là Nữ Quân Nhân con cháu của Bà Trưng, Bà Triệu gọn gàng trong bộ đồng phục màu xanh dương nhạt và đầu đội những chiếc “ca-lô” màu xám . Theo sau là Sinh Viên Sĩ Quan Trường Võ Bị Quốc Gia, Trường Bộ Binh Thủ Đức, Trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế, Viện Đại Học CTCT, Trường Quân Y, Hải Quân, Không Quân, Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia trong bộ quân phục đại lễ màu trắng, hay màu vàng tùy theo quân trường lựa chọn. Tiếp đến là các Tiểu Đoàn Khóa Sinh của các Trung Tâm Huấn Luyện Lam Sơn, Quang Trung, Trường Quân Cảnh, Trường Quân Khuyển.v.v…oai hùng với bộ quân phục tác chiến màu xanh lá rừng và bước đều theo nhịp trống của đoàn Quân Nhạc trông vô cùng đẹp mắt và lý thú.  Tất cả những đơn vị kể trên là những kho tàn quí báu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đã đào tạo và huấn luyện hằng chục ngàn sĩ quan  nồng cốt, hằng trăm ngàn binh sĩ gan dạ cung cấp cho khắp chiến trường trên 4 vùng chiến thuật

                Theo sau đội Quân Khuyển là các nhịp bước oai hùng của các chiến sĩ Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, nỗi tiếng với những chiến thắng lẩy lừng trên các chiến trường từ bắc chí nam, bọn cộng quân nghe thấy phải khiếp sợ và né tránh. Trân đánh An Lộc năm 1972 là một trong những chiến công hào hùng đi vào Quân sử của đơn vị với 2 câu thơ bất hủ:” An Lộc địa, sử ghi chiến tích,  Biệt Cách Dù, vị quốc vong thân”. Kế đến là đoàn quân Mủ Nâu Biệt Động Quân kiên cường bất khuất, liên tiếp giáng lên đầu cộng quân những đòn chí tử trên khắp 4 vùng chiến thuật. Tiếp theo là đoàn quân Mủ Xanh Thủy Quân Lục Chiến nổi tiếng với những trận đánh kinh hồn trên bờ sông Thạch Hản, và Cổ Thành Quảng Trị 1972. Tiếp đến là đoàn quân Thiên Thần Mủ Đỏ oai dũng trong bộ quân phục bông dù đã làm cho cộng quân phải thất điên bát đảo từ chiến trường nội địa đến ngoại biên . Tất cả những đơn vị tổng trừ bị này là những đứa con ưu tú của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sẳn sàng tham gia bất cứ chiến trường nào trên khắp 4 Quân Khu..

              Theo sau các đơn vị tổng trừ bị là các chiến sĩ Địa Phương Quân và Nghĩa Quân là những đơn vị ở hậu phương đã góp phần lớn chiến đấu diệt trừ hạ tầng cơ sở của địch quân , ổn định đời sống ở nông thôn, và tranh thủ nhân tâm tại các vùng xôi đậu hẻo lánh . Kế đến là các đơn vị Chủ Lực Quân thuộc các Sư Đoàn đại diện cho các Quân Đoàn I , Quân khu I, Quân Đoàn II Quân Khu II, Quân Đoàn III Quân Khu III, Quân Đoàn IV Quân Khu IV có trọng trách bảo vệ an ninh lãnh thổ, đập tan mọi âm mưu xăm nhập của cộng quân,  cầm chân địch nơi tiền tuyến, bảo quốc , an dân, kiến tạo thanh bình cho hậu phương . Tiếp theo là các Lực Lượng Nhân Dân Tự Vệ, Dân Vận Chiêu Hồi, Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn, Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia…là những đơn vị phòng vệ hậu phương, giữ gìn an ninh trật tự , bảo vệ tài sản đồng bào, kêu gọi hàng ngủ cộng quân buông súng trở về với chánh nghĩa Quốc Gia cũng lần lượt ngang qua lễ đài.

            Tiếp theo những đơn vị bộ binh là đoàn cơ giới khổng lồ với hằng chục chiếc chiến xa xếp đội hình chữ  “ngũ” đang ầm ầm tiến đến khán đài , Chỉ Huy Trưởng là Chuẩn tướng Lý Tòng Bá , người hùng của chiến trường Kontum, ông đứng hiên ngang trên pháo tháp của chiến xa M48 giơ tay chào mừng quan khách và đồng bào với những tràng pháo tay nồng nhiệt tán thưởng. Nối tiếp là đoàn mô-tô và xe Jeep của Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia lăn bánh nhịp nhàng trên đường nhựa với tốc độ chầm chậm . Liên Đoàn Người Nhái với những anh lính có thân hình lực lưỡng , mình trần trùi trụi, đứng oai nghiêm hùng dũng trên những chiếc xe tăng lội nước đặc biệt.  Theo sau là đoàn xe của binh chủng Truyền Tin được trang bị những máy móc truyền tin tối tân hiện đại. Tiếp đến là đoàn cơ giới đủ loại của binh chủng Công Binh với những chiếc xe xích có càng lớn bằng thép vừa khai hoang chiến đấu, vừa xây dựng đồn bót, lập căn cứ địa cho các đơn vị bộ binh….Sau đó môt đoàn quân xa từ từ tiến qua khán đài là binh chủng Pháo Binh với những nòng  đại bác dài của 105, 155 ly được kéo theo bởi những chiếc GMC. Những khẩu súng đại bác 20 ly song hành, đại bác 175 ly được trang bị trên những chiếc chiến xa M42 có tầm bắn xa hằng chục cây số.  Kế đến là đoàn chiến xa lội nước và đổ bộ T5 của các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến đã được xử dụng rất hữu hiệu trên sông Thạch Hản và Cổ Thành Quảng Trị vào năm mùa hè đỏ lửa 1972.  Sau cùng là đoàn chiến xa đủ các loại của binh chủng Thiết Giáp con cháu của Phù Đổng Thiên Vương từ từ tiến qua khán đài. Những chiếc Commando car V100, thiết quân vận M113 được trang bị những vũ khí có hỏa lực hùng mạnh như đại liên 30, 50, đại bác không giật 106ly, súng cối 4.2. Chiến xa M41, M48 trang bị đại bác 76 , 90 ly nòng dài là khắc tinh của T54 và PT76 của Việt cộng…cũng đã lần lượt tiến qua lễ đài với những tiếng hoan hô và những tràng pháo tay vang dội của hằng chục ngàn đồng bào tham dự… nhiệt liệt tán thưởng.

             Cuộc diễn binh chấm dứt lúc 12 giờ, các Chiến Sĩ Xuất Sắc được Tổng Thống Nguyển Văn Thiệu mời dự tiệc tại phòng Khánh Tiết Dinh Độc Lập . Hầu hết các Tướng Lãnh, Quốc Hội lưỡng viện, và quan khách ngoại quốc đều có mặt trong bửa tiệc đặc biệt và hiếm có này . Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương thuộc Cục Chính Huấn và những cây cười Khả Năng Phi Thoàn góp phần múa hát ca kịch. Sôi nỗi và hào hứng nhất là trò chơi bắt thăm trúng quà . Mỗi anh Chiến Sĩ Xuất Sắc được Tổng Thống tặng bao thư hai mươi ngàn đồng (20.000$) và một gói quà lưu niệm. Rời Dinh Độc Lập lúc 3 giờ chiều, các anh được xe buýt chở đến sân vận động để tham dự các cuộc tranh giải thể thao rất sôi nổi và hấp dẫn do các đội nữ sinh trường Gia Long và Đồng Khánh tổ chức.

            Cùng ngày, lúc 6 giờ chiều , các Chiến Sĩ Xuất Sắc được Đại Tướng Cao Văn Viên Tổng Tham Mưu Quân Đội mời tham dự tiệc tại Hội Quán Bộ Tổng Tham Mưu có sự hiện diện Tổng Thống và Phu Nhân cùng các vị Tướng lãnh.  Ca, vũ, nhạc, kịch do tiểu đoàn 50 CTCT phụ trách với các ca nhạc sĩ nỗi tiếng như Phương Dung, Phương Hồng Quế, Nhật Trường, Duy Khánh…, với lời ca điệu nhạc diễn tả tâm tư tình cảm của  người lính ngoài chiến trận đã được toàn thể mọi người tham dự nhiệt liệt tán thưởng, bầu không khí của bửa tiệc rất hào hứng. Trước khi chia tay để các anh Chiến Sĩ Xuất Sắc đi tham dự một chương trình diễn hành xe hoa, xem triển lãm do các cơ sở thương mại, các hội đoàn quân đội, các đoàn thể tư nhân tổ chức trên những đại lộ quanh khu vực Thủ Đô và xem pháo bông do các đơn vị Hải Quân bắn lên bầu trời Thủ Đô để chào mừng ngày Quân Lực, Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà và Phu Nhân, Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng, cùng các Tướng Lãnh của các đơn vị thân mật đến bắt tay thăm hỏi từng người và sau cùng Đại Tướng cũng không quên gởi tặng cho mỗi anh chiến sĩ một phong bì (15.000$)

              Ngày 20/06, các anh Chiến Sĩ Xuất Sắc được Quốc Hội Thượng Nghị Viện mở tiệc chiêu đãi tại phòng Khánh Tiết của tòa nhà Quốc Hội lúc 12 giờ trưa. Về phần văn nghệ, những bài hát lính qua những giọng ca tình tứ và điêu luyện của những anh chị em nghệ sĩ nỗi tiếng  như  Hùng Cường, Mai Lệ Huyền, cây sáo Nguyễn Đình Nghĩa… không khí càng hào hứng vui nhộn hơn khi có xổ số trúng thưởng và mỗi anh được trao một phong bì 10.000$ .  Sau đó các chiến sĩ được đi xem  những cuộc tranh giải thể thao như tennic, võ thuật, túc cầu… ở các sân thể thao của các trường học quanh thủ đô.

              Bửa tiệc cuối cùng của ngày Quân Lực được tham dự lúc 6 giờ chiều ngày 20 tháng 06, do Trung Tướng Trần Văn Trung Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Chiến Tranh Chánh Trị khoảng đãi tại nhà hàng nỗi tiếng Majestic nằm cạnh bến Bạch Đằng Sài Gòn. Các em gái hậu phương cùng các ca sĩ thuộc Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương, Cục Chính Huấn thướt tha trong những chiếc áo dài màu xanh nước biển, với bước chân dịu dàng ỏng ẹo, tay bưng mâm thức ăn đầy ấp cao lương mỹ vị, và những phong bì (15.000$) của Trung Tướng Tổng Cục Trưởng gởi tặng, đến từng anh chiến sĩ, với giọng ngọt ngào tình tứ, các anh cho dù bụng vẫn còn no, cũng không nở từ chối lời mời mọc của những người đẹp hậu phương!  Trung Tướng Tổng Cục Trưởng  thay mặt toàn thể  anh chị em văn nghệ sĩ, quân nhân các cấp thuộc ngành  CTCT và đồng bào thủ đô ngỏ lời cám ơn  các anh chiến sĩ đã đem xương máu chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc ngoài tiền tuyến, đem thanh bình an vui cho hậu phương. Sau đó mỗi anh được nhận lãnh một bằng “Chiến Sĩ Xuắt Sắc” do Trung Tướng Tổng Cục Trưởng Tổng Cục CTCT thừa lệnh Đại Tướng Cao Văn Viên Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH đóng dấu và ký tên.  Mỗi chiến sĩ cũng được ân thưởng 7 ngày phép để về sum hợp với gia đình.

               Ngày 21/6 kết thúc ngày Quân Lực và chia tay. Trước khi rời khách sạn Palace, các anh Chiến Sĩ Xuất Sắc đến ngỏ lời cám ơn vị giám đốc, các nhân viên, các nam nữ tiếp viên của khách sạn, cũng như vị Tr/úy và 2 chiến hữu CTCT phụ trách hướng dẫn, đã dành một tình cảm đặc biệt đối với các anh trong suốt những ngày ở trọ….  

            Từ giã Thủ Đô Sài Gòn, từ giã hậu phương trở về tiền tuyến, để tiếp tục chiến đấu với quân thù trên khắp 4 vùng chiến thuật, bản thân tôi tin rằng trong tâm tư của mỗi anh chiến sĩ vẫn còn nuối tiếc những ngày thật tuyệt vời, thật an bình được tham dự ngày Quân Lực 19 tháng 6 năm 1973 tại Thủ Đô Sài Gòn đầy lý thú và ngoạn mục. 

                                                                                                                                   Chiêu Anh

                                                                                                                           Chi Đoàn 3/15Thiết Ky .   





__._,_.___

Posted by: tuong pham

No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết

Featured Post

BẠN TÔI: ĐẠI ÚY TRẦN QUANG HIỆP

 https://www.facebook.com/groups/160591528349491/permalink/723350692073569/ https://www.youtube.com/watch?v=oqhFQFR2-JM Chuyện Xứ Xã Nghĩa r...

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List