Thi hành lệnh truất
phế Bảo Đại
(Ghi nhớ 60 năm ngày
truất phế Bảo Đại)
Lữ
Giang
Như chúng
tôi đã nói nhiều lần, khi các tài liệu căn bản về chiến tranh Việt Nam đã được
công bố gần hết, chúng
ta không còn có thể ngồi viết hay nói theo cảm tính, tức theo ý muốn của mình
được nữa, vì các thế hệ tới, nhất là các sử gia, sẽ không viết lịch sử
chiến tranh Việt Nam theo như chúng ta nghĩ hay muốn, mà viết căn cứ vào các
tài liệu lịch sử đã được công bố. Mọi cố gắng tô hồng hay bôi đen theo
cảm tính trong suốt 40 qua sẽ trở thành vô nghĩa.
Về vai trò
của Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng vậy, thời kỳ biểu hiện cảm
tính bằng cách hoan hô hay đá đảo Ngô Tổng Thống đã qua rồi,
bây giờ đến giai đoạn phải làm sáng tỏ lịch sử. Các huyền thoại phải bỏ lại
đàng sau.
Trong bài
này chúng tôi chỉ xin trình bày một sự kiện lịch sử thường hay được nêu
lên mỗi khi đến ngày lễ giỗ Tổng Thống Ngô Đình Diệm, đó là việc truất phế
Bảo Đại. Một câu hỏi đã được đặr ra: Quốc Trưởng Bảo Đại là người
đã đưa ông Diệm về lãnh đạo đất nước với sự tin tưởng rằng ông Diệm có thể giúp
ông giữ ngôi báu và đưa đất nước qua những ngày đen tối, tại sao ông Diệm lại
tổ chức truất phế Bảo Đại?
Vấn đề có
lẽ không chỉ đơn giản như vậy. Ngày 29.4.1955 Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng gồm
đại diện các đoàn thể và giáo phái đã họp tại Dinh Độc Lập và ra nghị quyết
truất phế Bảo Đại, và ngày 30.4.1955 họ đã kéo nhau ra Tòa Đô Chánh Sài Gòn
công bố nghị quyết này và hạ hình Bảo Đại xuống. Dân chúng reo hò đá đảo Bảo
Đại và ủng hộ Thủ Tướng Ngô Đình Diệm. Nhưng sau đó Thủ Tướng Ngô Đình Diệm lại
phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23.10.1955 để truất phế Bảo Đại
một lần nữa. Tại sao có chuyện lạ như vậy?
Quốc Trưởng Bảo Đại đang
duyệt binh tại Hòa Bình ngày 28.12.1951
Đây là một
vấn đề khá phức tạp, chúng tôi sẽ trình bày đầy đủ trong cuốn “Người Mỹ đã xây dựng
rồi phá sập chế độ Ngô Đình Diệm như thế nào?”. Ở đây chúng tôi chỉ xin
trình bày một số tài liệu chính để đọc giả có thể thấy: Lệnh trất phế Bảo Đại
xuất phát từ đâu và tại sao Bảo Đại lại bị truất phế đến hai lần?
“CHÍNH SÁCH TIỀN ĐỊNH”
Trong cuốn
“Gọng kìm lịch sử, hồi ký
chính trị”, ông Bùi Diễm có viết về việc truất phế Bảo Đại năm 1955 như
sau:
“Không ai rõ tại sao ông Diệm
phải có thái độ quyết liệt như vậy. Vì dầu sao ông cũng là
người phải “trung quân, ái
quốc”, trọng đạo quân thần, từng làm quan to trong triều đình Huế, nên
không ai cho rằng ông muốn lật đổ Cựu Hoàng. Trái lại, mọi sự nghi ngờ đều
đổ vào đầu ông Nhu cả, người được coi là có đủ mọi thủ đoạn đối phó và ứng
biến (trong một buổi hàn huyên chuyện cũ với tôi năm 1991, cựu Quốc Trưởng
không hề tỏ ý oán hận ông Diện và chỉ nói là ông Diệm đã bị gia đình ảnh
hưởng).” (tr. 155).
Ông Bùi
Diễm đã từng là Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng dưới thời chính phủ Phan Huy Quát và là
một viên chức ngoại giao cao cấp của VNCH, nghe nói ông còn là một “agent” của
CIA, nhưng cũng như nhiều viên chức cao cấp khác của VNCH, ông biết rất ít Mỹ
đã làm gì trên đất nước và cũng không đọc tài liệu lịch sử để biết chính xác
những chuyện Mỹ đã làm, nên ông mới viết như vậy.
Ngày 25.6.1954
ông Diệm về nước giữa cảnh hoang tàn. Ngày 6.7.1954 ông lập chính phủ và ngày
7.7.1954 ông ra mắt chính phủ nên ngày đó thường được gọi là “Ngày Song Thất”.
Thủ Tướng
Ngô Đình Diệm
Chỉ hơn
một tháng sau, hôm 12.8.1954,
Hội Đồng An Ninh Quốc Gia
Hoa Kỳ đã họp và đưa ra Nghị Quyết số NSC 5029
với đầu đề “Duyệt xét lại
chính sách của Hoa Kỳ ở Viễn Đông”, nhận xét về những hậu quả của Hiệp Định
Genève và đưa ra một số biện pháp để đối phó. Nghị Quyết cũng đồng ý rằng ông
Diệm phải mở rộng căn bản chính trị, soạn thảo hiên pháp và truất phế Bảo Đại một cách
hợp pháp
Hôm 20.8.1954, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia
lại họp và đưa ra Nghị
Quyết số NSC 5429/2 ấn định chính sách của Hoa Kỳ sau Hiệp Định
Genève. Nghị Quyết nhận định rằng Pháp đã mất ý chí chiến đấu tại Việt Nam và
đưa ra kế hoạch để đảm đương vai trò của Pháp trên đất nước này. Nghị Quyết ghi:
“Pháp phải trao trả hoàn toàn
độc lập (kể cả quyền rút lui khỏi Liên Hiệp Pháp) cho Việt Nam và ủng hộ một chính phủ bản
xứ mạnh. Diệm phải mở rộng căn bản chính phủ, bầu cử
quốc hội, soạn thảo hiến pháp và trất phế Bảo Đại
một cách hợp pháp.”
(France must grant total independence (including right to withdraw
from French Union) to South Vietnam and support
a strong indigenous government. Diem must
broaden the governmental base, elect an assembly, draft a constitution and legally
dethrone Bao Dai). [Gravel Edition, The Pentagol Papers, Volume
I, Beacon Press, Boston 1971, tr. 303]
Pháp cũng đồng ý với Mỹ như vậy. Ngày 31.7.1954, ông Guy La
Chambre, Bộ Trưởng Các Quốc Gia Liên Hiệp của Pháp, tuyên bố cần phải thực hiện
ba việc sau đây:
- Thành lập một chính phủ đại diện cho toàn Miền Nam.
- Thực hiện cải cách ruộng đất
- Truất phế Bảo Đại và thành lập chế độ cộng hòa.
Chúng tôi gọi đây là “Chính Sách Tiền Định”, vì nó đã được
chính quyền Eisenhower phác họa ngay từ khi ông Diệm mới trở về cầm quyền và
được áp dụng một cách chặt chẽ, đẩy chính phủ Ngô Đình Diệm đi theo. Chính sách
đó được thu gọn trong những chữ vắn tắt được ghi trong Nghị quyết số NSC
5429/2:
1.- Truất phế Bảo Đại một cách hợp pháp (legally dethrone Bao
Dai).
2.- Bầu cử quốc hội và soạn thảo hiến pháp (elect an assembly,
draft a constitution).
3.- Mở rộng căn bản chính phủ (broaden the governmental base).
4.- Ủng hộ một chính phủ bản xứ mạnh (a strong indigenous
government).
Về việc hình thành “một chính phủ bản xứ
mạnh”, tài liệu cho biết chính quyền Eisenhower muốn
ông Diệm thành lập một chế độ độc đảng theo mô
thức Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch để đối
đầu với Cộng Sản. Ông Ngô Đình Nhu đã thành lập tổ chức đó và đặt tên cho nó là
“Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng” (Revolutionary Personalist Labor
Party). Hai chữ “Nhân Vị” chỉ
mới là một ý niệm được dùng để đối với hai chữ "Cộng
Sản", nó chưa được xây dựng thành một chủ nghĩa nên
không có giá trị thực dụng như chủ nghĩa cộng sản, mặc dầu sau này có nhiều
người đã thêm râu ria vào để biến nó thành huyền thoại.
Năm 1955,
Đại tá Edward Lansdale rồi Tướng Joseph Lawton Collins đã được Tổng Thống
Eisenhower lần lượt đưa qua Việt Nam để thực hiện các kế hoạch nói trên. Trong
phạm vi bài này, chúng tôi chỉ nói đến kế hoạch truất phế Bảo Đại. Sở dĩ cả Mỹ
lẫn Pháp đã quyết định như vậy vì Bảo Đại lúc đó chỉ lo ăn chơi, không quan tâm
gì đến việc nước.
CÁC GIÁO PHÁI VÀ ĐOÀN THỂ TRUẤT PHẾ BẢO ĐẠI
Tháng 4/1955, với sự đồng tình của Bảo Đại và sự yểm trợ của Pháp,
lượng Bình Xuyên nổi lên đánh chiếm các vùng quanh và trong Sài Gòn. Trong khi
tiếng súng đang nổ ở khu trường Petrus Ký, đường Trần Hưng Đạo, khu Bàn Cờ, cầu
Ông Lãnh, v.v., ngày 29.4.1955 đại diện 18 đảng phái, đoàn thể
và 29 nhân sĩ có tên tuổi đã đến dự cuộc họp tại Phòng Khánh Tiết của Dinh Độc
Lập vào lúc 10 giờ. Ba Tướng Nguyễn Thành Phương, Nguyễn Giác Ngộ và Trình Minh
Thế cũng có mặt. Trong số các nhân sĩ, người ta chú ý đến các nhân vật sau đây:
Luật sư Hoàng Cơ Thụy, Luật sư Vũ Văn Mẫu, Giáo sư Vũ Quốc Thông, Giáo sư Vũ
Quốc Thúc, Luật sư Trần Thanh Hiệp, Cư Sĩ Đoàn Trung Còn (Tịnh Độ Cư Sĩ), Giáo
Sư Phạm Việt Tuyền, ông Bùi Quang Nga, ông Nguyễn Hữu Khai, ông Huỳnh Minh Ý,
v.v.
Luật Sư Vũ Minh Trân có mặt tại cuộc họp cho biết ông không thấy
ông Diệm mà chỉ thấy ông Bùi Văn Thinh, Tổng Trưởng Tư Pháp. Luật sư Hoàng Cơ
Thụy liền nói với ông Bùi Văn Thinh rằng để tránh mọi dị nghị, ông không
nên có mặt. Ông Thinh liền bỏ đi.
Cuộc thảo luận rất gay cấn, kéo dài từ 10 giờ 30 sáng đến 4 giờ
chiều mới biểu quyết xong bản tuyên cáo nguyên văn như sau:
1.- Tuyên bố truất phế Bảo Đại kể từ ngày 29.4.1955.
2.- Tuyên bố Bình Xuyên là phiến loạn.
3.- Giải tán chính phủ Ngô Đình Diệm do Bảo Đại lập ra, cũng kể từ
ngày 29.4.1955.
4.- Do sự đòi hỏi của tình thế nghiêm trọng hiện tại, tuyên bố ủy
nhiệm chí sĩ Ngô Đình Diệm thành lập một chính phủ lâm thời quốc gia Việt Nam
kể từ ngày 29.4.1955 với ba nhiệm vụ:
a) Dẹp phiến loạn Bình Xuyên để duy trì an ninh trật tự;
b) Buộc Quân Đội Viễn Chinh Pháp lập tức triệt thoái khỏi lãnh thổ
Việt Nam để kiện toàn độc lập.
c) Tổ chức tổng tuyển cử Quốc Hội để trao trả chính quyền cho quốc
dân.
Mặc dầu chưa có ý kiến của ông Diệm, ngày 30.4.1955 Hội Đồng Nhân
Dân Cách Mạng đã tổ chức một cuộc họp tại Phòng Khánh Tiết Tòa Đô Chánh Sài
Gòn, trình bày diễn biến cuộc họp ngày hôm trước. Có khoảng 200 người tham dự.
Ba tướng Nguyển Thành Phương, Nguyễn Giác Ngộ và Trình Minh Thế xuất hiện cùng
một lúc đã được dân chúng vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Các đại diện đã thay nhau
lên diễn đàn tố cáo Bảo Đại là bù nhìn, không xứng đáng đại diện cho Việt Nam.
Sau đó, Hội Đồng công bố bản tuyên cáo đã đọc hôm qua.
Trong không khí sôi sùng sục, một số người đã trèo lên Tòa Đô
Chánh gỡ chân dung Bảo Đại ném xuống đường giữa trời mưa.
MỸ RA LỆNH PHẢI LÀM LẠI
Trong khi Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng đang bàn cải về việc phân
chia chính quyền, ngày 3.5.1955 Tướng Joshep Lowton Collin,
Đại Sứ Đặc Mệnh Toàn Quyền của Tổng Thống Eisenhower tại Sài Gòn, đến gặp ông
Diệm lúc 20 giờ và cho biết: Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói
rằng nếu truất phế Bảo Đại theo yêu cầu của Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng Quốc
Gia, tình hình sẽ rất nguy hiểm. (FRUS, 1955 – 1957, Vulume I,
trang 359 – 360). Nói một cách khác, Bộ Ngoại Giao muốn truất phế Bảo Đại
bằng con đường hợp pháp chứ không phải bằng đảo chánh như Hội Đồng Nhân Dân
Cách Mạng đã làm, vì Nghị Quyết số NSC 5429/2 ngày 20.8.1954 đòi hỏi phải truất
phế Bảo Đại một cách hợp pháp (legally dethrone Bao Dai).
Ông Ngô
Đình Nhu đã lưu ý các thành viên trong Hội Đồng về vấn đề này, nhưng phe Tướng
Nguyễn Thành Phương và ông Nguyễn Bảo Toàn không tán đồng.
Để đối phó với phe nảy, ông Ngô Đình Nhu đã trình ông Diệm triệu
tập hội nghị đại biểu các hội đồng thành phố và thị xã để quyết định. Hội nghị
đã họp tại Dinh Độc Lập ngày 6.5.1955, thảo
luận và đưa ra một kiến nghị yêu cần Bảo Đại trao toàn quyền cho Thủ Tướng Ngô
Đình Diệm ổn định tình thế và triệu tập Quốc Dân Đại Hội trong vòng 6 tháng.
Cuộc tranh luận về việc nên thực hiện nghị quyết của Hội Đồng Nhân
Dân Cách Mạng hay thi hành lời khuyến cáo của Mỹ đã trở nên rất gay cấn và kéo
dài. Mãi đến ngày 4.10.1955, một Ủy Ban Trưng Cầu Dân Ý gồm
đại diện 15 đoàn thể mới được thành lập. Ủy Ban đưa ra kiến nghị yêu cầu truất
phế Bảo Đại và suy tôn Thủ Tướng Ngô Đình Diệm. Ngày 6.10.1955, Hội Đồng Chính
Phủ quyết định tổ chức trưng cầu dân ý để truất phế Bảo Đại vào
ngày 23.10.1955.
Vì lúc đó số người mù chữ còn đông, tài liệu cho biết chính Đại Tá
Edward Lansdale là người đã gợi ý dùng hai là phiếu có màu khác nhau để bầu cử,
lá đỏ cho ông Diệm, lá xanh cho Bảo Đại.
(Colonel Edward Lansdale suggested that Diem should provide two ballot
papers, red for Diem and green for Bao Dai). Dựa vào màu sắc của hai
lá phiếu này, các vận động viên của ông Diệm đã đưa ra lời hướng dẫn “xanh
bỏ giỏ, đỏ bỏ bì” để những người không biết
chữ làm theo và dồn phiếu tối đa cho ông Diệm. Kết quả, có 5.838.907 cử tri đã
đi bầu trong đó có đến 5.721.735 phiếu truất phế Bảo Đại.
Bảng kết quả trưng cầu dân ý
truất phế Bảo Đại
Năm 1982, khi đến thăm
California, ông Cao Xuân Vỹ có hỏi Bảo Đại: “Ngài nghĩ thế nào về việc ông
Diệm tổ chức trưng cầu dân ý để truất phế Ngài?” Bảo Đại trả lời: “Việc thế thì phải thế thôi.
Pháp đã quyết định trước rồi!”. Bảo Đại không hay biết
gì việc Mỹ cũng quyết định truất phế ông. Trong cuốn hồi ký “Con Rồng Annam”, Bảo Đại
không hề trách ông Diệm về chuyện này. Giả như lúc đó Quốc Trưởng Bảo Đại năng
nổ và quan tâm đến đất nước hơn như Quốc Vương Sihanouk của Cambodia chẳng hạn,
nước Việt Nam có thể đã xoay theo một chiều hướng khác.
LÀM “ĐỒNG MINH” MỸ RẤT NGHIỆT NGÃ!
Qua những
sự kiện được trình bày trên, chúng ta thấy quyết định truất phế Bảo Đại là do
Mỹ và Pháp đã đưa ra khi ông Diệm mới về nước. Thể thức truất phế cũng phải
được thi hành theo đúng sự chỉ đạo của Mỹ.
Kết quả thu
được tuy đúng với sự chỉ đạo của Mỹ nhưng đã tạo ra những sự mâu thuẩn giữa
chính phủ Ngô Đình Diệm với đa số thành phần thuộc Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng.
Họ cho rằng họ đã bị phản bội nên liên kết với nhau để chống ông Diệm. Mỹ lại
biến họ thành một “tổ
chức xã hội dân sự”, nuôi dưỡng nó, để khi ông Diệm không làm theo
ý muốn của Mỹ, dùng nhóm này để quậy phá. Những thành phần chủ chốt của nhóm
này đã tham gia cuộc đảo chánh ngày 11.11.1960. Khi cuộc đảo chánh thất bại,
một số đã bị bắt, riêng Luật sư Hoàng Cơ Thụy được Mỹ cho ngồi bó gối trong một
bao bố đựng thư lớn, chở ra phi trường Tân Sơn Nhất, đưa lên một máy quân sự và
đem ra khỏi Việt Nam hôm 6.12.1960. (Hoàng Cơ Thụy, Việt sử khảo
luận, Nam Á, Paris, Quyển 5, tr. 2861).
Làm “Đồng
Minh” của Mỹ quả thật vừa phức tạp vừa nghiệt ngã, vì Mỹ thường coi những người
được họ yểm trợ hay xử dụng chỉ là công cụ từng giai đoạn, xài xong rồi bỏ.
Ngày 23.10.2015
Ghi nhớ 60 năm ngày truất phế Bảo Đại.
Lữ Giang
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Những Sự Thật Cần Phải Biết