Trao đổi thêm với ông Vũ Ngọc
Hoàng
Nguyễn Đình Cống
Ngày 16 tháng 6 tôi có đăng bài Cảm nghĩ về bài viết của
ông Vũ Ngọc Hoàng, trong đó có nhận xét là ông Hoàng chỉ mới kể
ra những hậu quả nguy hại của nhóm lợi ích và chủ nghĩa tư bản thân hữu mà chưa
đề cập đến vấn đề: “Trong thời buổi hiện nay, tại Việt Nam nguồn gốc nào sinh
ra và nuôi dưỡng bọn nhóm lợi ích, cơ chế nào sinh ra bọn tham nhũng và bảo vệ chúng
nó…”.
Gần đây Ngọc Thịnh viết bài phỏng vấn:
Ủy viên TƯ Đảng Vũ Ngọc
Hoàng: “Lợi ích nhóm làm đất nước tụt hậu, văn hóa xuống cấp, niềm tin bị mất”,
đăng trên Một Thế Giới, Bauxite Việt Nam đăng lại ngày 9 tháng 7. Bài viết cho
biết ông Hoàng đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi, có khen, có chê, có cả
cắt xén. Không biết trong những ý kiến ông Hoàng nhận được có bài của tôi
không, nếu không có thì thật đáng tiếc cho ông. Tuy vậy tôi đọc thấy một ý có
liên quan đến lời nhận xét của mình nên muốn trao đổi thêm.
Trong các vấn đề ông Hoàng đưa ra, về ý kiến cắt xén có đoạn sau:
“[…] có ý kiến nói rằng lợi ích nhóm như thế là đừng đổ lỗi cho chủ nghĩa tư bản,
không phải chủ nghĩa tư bản sinh ra mà ở Việt Nam là do chủ nghĩa xã hội sinh
ra.”.Rồi ông Hoàng nói rõ ý kiến của ông: “[…]nó không phải do chủ nghĩa tư bản
và càng không phải chủ nghĩa xã hội sinh ra. Thực tế lợi ích nhóm là một thứ
tha hóa, thoái hóa”.
Ý kiến “Ở Việt Nam nhóm lợi ích do chủ nghĩa xã hội sinh ra”,
không biết là của ai chứ không phải của tôi.
Làm sao nó có thể sinh ra được cái
gì khi bản thân chủ nghĩa xã hội chưa tồn tại. Trong bài “Cảm nghĩ về bài viết
của ông Vũ Ngọc Hoàng”, tôi nêu ý kiến: “Chính sự độc quyền toàn trị của Đảng
Cộng sản theo đường lối chuyên chính vô sản, chính Chủ nghĩa Mác – Lênin đã
sinh ra và nuôi dưỡng bọn này”. Có thể ông Hoàng đã biết ý kiến đó nhưng trình
bày chệch đi thành chủ nghĩa xã hội.
Ông Hoàng cho rằng: “Lợi ích nhóm là một sự tha hóa, thoái hóa”.
Điều đó là đúng, là nguyên nhân gần, nguyên nhân trực tiếp. Tôi chỉ muốn tìm,
muốn hỏi: Sự tha hóa, sự thoái hóa ấy từ đâu mà có, cái gì sinh ra nó, cơ chế
nào nuôi dưỡng nó?
Trong một loạt bài viết trước đây tôi có nêu ý kiến cho
rằng: “Nguyên nhân gốc, nguyên nhân cơ bản của nhiều tệ nạn trong xã hội Việt
Nam hiện nay là sự kết hợp, sự cộng hưởng giữa một bên là những tính cách yếu
kém của nền văn hóa dân tộc(tham lam, ích kỷ, bè phái…), một bên là những độc
hại trong Chủ nghĩa Mác – Lênin (đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản,…)”.
Tôi thấy nguyên nhân gốc đó cũng đúng cho sự tha hóa, thoái hóa, của lợi ich
nhóm, của chủ nghĩa tư bản thân hữu.
Năm 2010, trước khi Đảng họp Đại hội XI, trên trang Ba Sàm có đăng
bài Bốn phe phái trong nền
chính trị Việt Nam (Bauxite Việt Nam gần đây có đăng lại) chỉ
ra rằng trong bốn phe đó có “phe nhóm lợi ích”. Rõ ràng là “nhóm lợi ích” sinh
ra từ trong chế độ, từ trong Đảng.
Ở các chính quyền cộng sản, kể cả ở Liên xô và các nước Đông Âu
trước đây, việc hình thành những nhóm đặc quyền đặc lợi, những ông vua Cộng sản
của từng vùng là chuyện bình thường. Ở Việt Nam trong thời bao cấp cũng thế.
Chỉ khi phát triển kinh tế thị trường thì một số nhóm đặc quyền đặc lợi mới
phát triển thành nhóm lợi ích.
Nhưng khốn nỗi, sự tham lam
của con người thì ở nước nào, ở thời đại nào, dưới thể chế nào cũng có. Sự tham
lam đó rất khó phát triển thành tham nhũng, không thể trở thành lợi ích nhóm
dưới chế độ chính trị trong sạch, dân chủ, pháp luật được thực thi nghiêm
chỉnh, không có ai, không có tổ chức nào đứng trên pháp luật. Lòng tham của những người có quyền lực chỉ dễ
dàng phát triển thành tham nhũng, thành lợi ích nhóm, thành chủ nghĩa tư bản
thân hữu trong những chế độ độc tài thối nát, trong chế độ toàn trị của cộng
sản theo đường lối chuyên chính vô sản.
Ông Hoàng đã có sự sáng suốt và dũng cảm trong việc vạch ra những tác
hại của “lợi ích nhóm”, nhưng chưa nêu thật đúng nguyên nhân cơ bản sinh ra
chúng. Chưa thấy thật rõ nguyên nhân cơ bản để “nhổ cỏ phải nhổ tận gốc” thì
rồi có diệt trừ được nhóm này sẽ sinh ra nhóm khác, tinh ranh hơn, nguy hại
hơn.
Muốn trừ diệt được về cơ bản sự tham nhũng, nhóm lợi ích, ngăn ngừa sự
phát triển “chế độ tư bản thân hữu” thì hay nhất, có hiệu quả nhất là Đảng phải
tự đổi mới, từ bỏ độc quyền, từ bỏ chuyên chính vô sản và đấu tranh giai cấp,
thực thi chế độ dân chủ với Tam quyền phân lập, nghĩa là phải thay đổi thể chế
để có thể xây dựng một chính quyền trong sạch, vững mạnh. Điều này toàn dân
đang mong đợi vào sự đổi mới tại Đại hội XII sắp tới.
Ông Vũ Ngọc Hoàng đã có bước đi ban đầu dũng cảm, rất mong ông có những
bước đi tiếp dũng cảm hơn trên cơ sở dám nhìn thẳng vào sự thật theo tinh thần
của Đảng từ Đại hội VI.
N. Đ. C.
Tác giả gửi BVN.
__._,_.___
16/06/2015
Cảm nghĩ về bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng
Nguyễn Đình Cống
Vừa qua ông Vũ Ngọc Hoàng, UV BCH TW Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban tuyên giáo, đã công bố bài “Lợi ích nhóm – Chủ nghĩa tư bản thân hữu – Cảnh báo nguy cơ”. Đó là bài chính luận được nhiều người quan tâm và bình luận. Trong những bình luận đọc được tôi tâm đắc bài “Thời cơ ly khai với nhóm lợi ích“ của Nguyễn Tiến Trung. Tôi chỉ xin góp thêm một vài ý kiến.
Ông Hoàng đã chỉ ra thế nào là Nhóm lợi ích và Lợi ích nhóm, thế nào là CNTB thân hữu và 5 hậu quả nguy hại của nó, là nguy cơ chệch hướng của ĐCSVN đi vào CNTB thân hữu, vì “Nước nào rơi vào CNTB thân hữu thì không ngóc đầu lên được”.
Ông Hoàng đã viết ra được sự thật về nguy hại của CNTB thân hữu, của lợi ích nhóm, mọi người đều thấy rõ đó là thực trạng của xã hội VN hiện nay dưới sự độc quyền toàn trị của ĐCS. Ông viết nguy cơ đi chệch hướng nhưng thật ra chẳng còn là nguy cơ mà mọi sự thối nát, tồi tệ đã hiển hiện, đang hoành hành. Năm hậu quả nguy hại ông kể ra là đúc kết từ xã hội thực tại của VN. Ông đã viết ra sự thật nhưng tiếc rằng đó mới chỉ là một phần của sự thật, phần nổi mà nhiều người thấy.
Còn cái phần chìm, phần sự thật cơ bản và quan trọng thì không thấy ông nhắc đến và phân tích. Có thể ông không thấy hoặc ông biết mà cố tình che giấu. Đó là trong thời buổi hiện nay, tại Việt Nam nguồn gốc nào sinh ra và nuôi dưỡng bọn “nhóm lợi ích”, cơ chế nào sinh ra bọn tham nhũng và bảo vệ chúng nó, trong lúc Đảng lãnh đạo vẫn sáng suốt kiên trì chủ ngĩa Mác Lê-nin thì CNTB thân hữu được sinh ra từ đâu, như thế nào. Theo tôi chính sự độc quyền toàn trị của ĐCS theo đường lối chuyên chính vô sản, chính Chủ nghĩa Mác Lê-nin đã sinh ra và nuôi dưỡng bọn này.
Mác có câu nổi tiếng “Chủ nghĩa tư bản sinh ra giai cấp vô sản là người sẽ đào mồ chôn nó”. Câu ấy chưa thấy ứng vào CNTB mà đã ứng vào CNCS, được suy ra như sau “Chính CNCS sinh ra bọn độc quyền, bọn nhóm lợi ích, bọn ấy sẽ đào mồ chôn nó”.
Nếu ông Hoàng không biết sự thật ấy thì thật đáng tiếc, còn nếu ông biết mà không trình bày ra thì làm cho bài viết thiếu hấp dẫn. Khi ông biết mà cố tình che giấu vì sợ viết ra sẽ chạm vào điều cấm của Đảng thì đã phạm vào “lỗi ngụy biện” (Một nửa bánh mỳ vẫn là bánh mỳ nhưng một nửa sự thật có khi là dối trá).
Về nhóm lợi ích, tôi tâm đắc với ý kiến của Nguyễn Tiến Trung “Cả ĐCS VN đang là nhóm lợi ích lớn nhất, trong một nhóm lớn có nhiều nhóm nhỏ“. Các nhóm nhỏ ấy có quyền lợi và cơ cấu khác nhau, đấu đá nhau nhưng lại liên kết với nhau để cùng bảo vệ chế độ và ý thức hệ (Điều này thấy rõ khi có người đụng đến ý thức hệ thì các nhóm đều cùng thống nhất biện pháp đàn áp).
Ông Hoàng cho rằng: “ Ở nước ta, trong lãnh đạo, người đầu tiên công khai hóa và nêu lên sự cần thiết phải đấu tranh với lợi ích nhóm là TBT Nguyễn Phú Trọng”. Theo chỗ tôi biết thì trước đó, trong quyển sách “Mao Trạch Đông nghìn năm công tội” tác giả đã đưa ra hình ảnh, dưới sự toàn trị của ĐCS có sự liên kết chặt chẽ giữa 2 thế lực có quyền và có tiền để làm giàu cá nhân trên cơ sở tài nguyên của đất nước và thành quả lao động của nhân dân. Trước nữa, trong quyển “Giai cấp mới”, Milovan Djilas cũng chỉ ra sự đặc quyền đặc lợi của các nhóm cộng sản.
Sự đấu đá giữa các nhóm lợi ích trong ĐCS VN diễn ra khi công khai, khi ngấm ngầm và hiện nay đang tập trung vào vấn đề nhân sự Đại hội 12. Tôi nhất trí với ông Nguyễn Tiến Trung là bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng ẩn chứa mục đích phục vụ cho cuộc đấu đá này. Ông Trung băn khoăn, liệu có phải ông Hoàng đang trong một nhóm lợi ích ở vào thế yếu nên quyết tung ra chiêu võ mạnh, (nhưng lại để hở sườn).
Hoặc giả ông Hoàng muốn thể hiện người chính nhân quân tử, yêu nước thương dân, không chịu xu thời che giấu ung nhọt thối nát. Tôi không quen biết ông Hoàng nên không dám nhận định gì về ông, nhưng nếu căn cứ vào ý tứ bài viết thì có phần nghiêng về suy đoán là ông cũng đang ở trong một nhóm kiên trì đường lối xây dựng XHCN.
Đảng CSVN chuẩn bị ĐH 12, đặt ra những nhiệm vụ trọng đại để xây dựng chế độ, nhưng theo Nguyễn Tiến Trung thì đó là những bài toán không có lời giải vì đề bài sai. Riêng chuyện này tôi nghĩ hơi khác, Thông thường người ta hiểu đề bài như là luận đề. Trong cấu trúc được ĐCS VN đưa ra thì luận đề không sai mà sai cơ bản ở luận cứ và luận chứng, cũng có nghĩa bản chất bài toán là sai.
Bài của ông Vũ Ngọc Hoàng được đăng công khai, rộng rãi trên nhiều nguồn. Tôi đề nghị các cơ quan và cá nhân có trách nhiệm không ngăn cản việc đăng bài của ông Nguyễn Tiến Trung lên các báo công khai để mọi người và đặc biệt là các đại biểu dự đại hội 12 tham khảo.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN