MOT Y CHI CHONG CONG
MOT LOI THE GIANH LAI QUE HUONG
KÝ GIẢ VỊT TRỜI
PHỎNG VẤN HÙM THIÊNG YÊN
THẾ
Cách đây đúng 102 năm,
vào dịp Tết Nguyên Đán năm con Trâu - năm Quý Sửu - Hoàng Hoa Thám, một thủ
lãnh nghĩa quân chống Pháp đã bị ám sát, chấm dứt một phong trào kháng chiến
chống quân xâm lược Pháp lâu dài nhất.
Bay ngược dòng thời
gian, ký giả Vịt Trời trở lại núi rừng Trung du Bắc Việt để phỏng vấn Hùm
thiêng Yên Thế Hoàng Hoa Thám.
Ký giả Vịt Trời là một
bút hiệu khác của Lão Móc (Nguyễn Thiếu Nhẫn).
*
-Ký giả Vịt Trời (KGVT):
Kính thưa Hoàng Tướng quân, kẻ hậu sinh là ký giả Vịt Trời của tuần báo Tiếng
Dân, xin ra mắt Ngài.
-Hoàng Tướng quân: Không
cần phải đa lễ. Anh cứ gọi ta là Đề Thám.
Thế là đủ. Đối với ta, những chuyện xưng tụng khách sáo ấy không cần thiết.
-KGVT: Vâng, kẻ hậu sinh xin lĩnh tôn ý của Cụ. Thưa Cụ Đề, thế Hoàng
Hoa Thám là tên thật của Cụ?
-Đề Thám: Không phải đâu! Ta tên thật là Trương Văn Thám. Ta sinh quán thôn
Lang Trung, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Ta là một người xuất thân dân dã.
Năm 1884, giặc Tây Dương xâm chiếm toàn cõi Bắc Kỳ. Ta lúc ấy được 23 tuổi,
giận quân cướp nuớc nên ta tình nguyện theo Lãnh Binh tỉnh Bắc Ninh là Trần
Quang Soạn đánh Tây. Khi cuộc khởi nghĩa của quan Lãnh Binh tan rã, ta theo Bá
hộ Phức, được nhận làm con nuôi. Ông Bá Phức lúc ấy cũng tính cử sự đánh Tây
nhưng sức yếu phải theo ông Hoàng Đình Kinh, tức Cai Kinh.
-KGVT: Thưa Cụ Đề, thế ông Cai Kinh chống Tây được bao lâu ạ?
-Đề Thám: Cũng được mấy năm. Ông Cai Kinh lấy một dãy núi hiểm trở phía Bắc
sông Thương chạy dài lên Lạng Sơn làm căn cứ. Sau này dãy núi đó được gọi
là dãy núi Cai Kinh. Dưới tay ông Cai có Đề Công, Đề Dương, Đề Thảo, Đề Nam, Bá
Phức, Lưu Kỳ. Lưu Kỳ là người Tàu, bộ tướng của Chúa Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc. Lúc
ấy mặc dù Lưu Tướng quân đã về Tàu nhưng Lưu Kỳ vẫn ở lại với một đạo quân
người Tàu theo giúp Cai Kinh.
-KGVT: Thưa Cụ Đề, thế tên Hoàng Hoa Thám và chức Đề Đốc bắt đầu có từ lúc
nào?
-Đề Thám: Lúc ta theo ông Cai Kinh. Tên Hoàng Hoa Thám là do ông ấy đặt
cho. Còn chức Đề cũng thế. Ta nói điều này để anh hiểu, Đề Đốc là một chức quan
võ cao cấp, hàm Chánh nhị phẩm Võ giai, tương đương với chức Tổng Đốc bên Văn
giai. Chức ấy phải do nhà vua phong. Còn như trong hàng ngũ nghĩa quân, gọi Đề
nọ, Lãnh kia nhưng thực ra không phải mang chức Đề đốc, Lãnh binh của Vua ban
đâu. Giữa năm 1888, sau khi giặc Tây càn quét vùng Phó Bình Gia, ông Cai núng
thế tìm đường sang Tàu thì bị giặc bắt và bị chém ngày 6-7-1888.
-KGVT: Thưa Cụ Đề, tôi thấy các ông Đề, ông Lãnh của nghĩa quân đôi khi còn
xứng đáng hơn các quan có bằng sắc Vua ban nhiều. Thưa Cụ Đề, thế sau khi ông
Cai Kinh mất, nghĩa quân do ai chỉ huy?
-Đề Thám: Người hoạt động mạnh nhất là ông Lưu Kỳ, nhưng ông ấy vẫn phối
hợp với nghĩa quân của các lãnh tụ khác như Đề Nam, Bá Phức. Đêm 8 rạng ngày
9-1-1980, Lưu Kỳ đem quân đến Bến Châu bắt được hai anh em tên mại bản người
Tây tên Roque và một tên Tàu tên Vinh Phát Xương. Một cố đạo Tây Ban Nha và một
tên Tây là La Borde chạy thoát. Một tên là Roze bị giết. Đầu tháng
3-1890, bọn Tây phải đem 5 vạn bạc để chuộc mạng các tên này. Nói để anh biết,
lúc ấy một con trâu giá chỉ từ 5 đến 10 đồng bạc mà thôi.
-KGVT: Thưa Cụ Đề, trong thời gian đó, giặc Tây có đánh vào Yên Thế không
ạ?
-Đề Thám: Có chứ! Tính đến cuối năm 1891, giặc Tây đánh vào Yên Thế bốn
lần, nhưng vẫn không tiêu diệt được nghĩa quân. Ngày 1-7-1892, Lưu Kỳ lại bắt
cóc một thầu khoán làm đường xe lửa Hà Nội - Lạng Sơn là Vézin ra giá
tiền chuộc mạng tên này là 2 vạn rưỡi bạc. Ngày 7-9-1892, Lưu Kỳ phục kích trên
đoạn đường giữa Bắc Lệ và sông Hoa, giết được Thiếu tá Bonnaud và Đại úy
Charpentier nhưng ông Lưu Kỳ cũng bị tử thương. Ông Lưu Kỳ chết rồi, đến ngày
31-7-1892 Vezin mới được thả sau khi nộp đủ tiền chuộc mạng.
-KGVT: Thưa Cụ Đề, người ta nói sau khi ông Lưu Kỳ chết, ngôi sao Hoàng Hoa
Thám bắt đầu sáng?
-Đề Thám: Điều ấy có lẽ đúng. Nhưng trước đó ta cũng đã chiến đấu trong
hàng ngũ nghĩa quân của Cai Kinh và sau là dưới quyền Bá Phức. Dần dần, cha
nuôi ta già yếu, xuống tinh thần, ta trở nên người chỉ huy thực sự của
nghĩa quân theo Bá Phức; rồi sau khi Lưu Kỳ chết, ta trở thành linh hồn của
toàn thể nghĩa quân Yên Thế. Trong năm 1892, đã có một số thủ lĩnh nghĩa quân
về hàng Tây như nhóm Đề Sặt gồm Đề Toán, Đề Kiều và một số nghĩa quân ra đầu
thú vào tháng 4-1892. Đề Sặt được Tây đồng ý cho cai quản làng Sặt, quê của
hắn. Đêm 10-2-1893, ta cho người đột nhập vùng Nhã Nam giết 3 tên tay sai giặc
Pháp, tái lập các căn cứ trong vùng.
-KGVT: Thưa Cụ Đề, ông Bá Phức sau này về đầu hàng Pháp. Việc ấy diễn tiến
như thế nào ạ?
-Đề Thám: Cha nuôi ta sau ngày Đề Sặt về đầu Tây thì có vẻ ngã lòng, nhất
là sau khi Lưu Kỳ chết. Cuối năm 1893, ta bắn tiếng sẽ về quy thuận với Tây,
mục đích mua thời gian để xây lực lượng. Thật sự đó là một âm mưu trá hàng. Lúc
ấy Lê Hoan là Tổng Đốc Bắc Ninh, đảm nhiệm việc bình định Yên Thế. Ngày
12-4-1894, Bá Phức ra trá hàng theo kế hoạch, rồi sau đó bị mua chuộc, ông ta
hàng Tây thật, ngày 18-5-1894, ông ta trở mặt, nhẫn tâm mưu hại ta.
-KGVT: Thưa Cụ Đề, chuyện ông Bá Phức mưu hại Cụ xảy ra như thế nào ạ?
-Đề Thám: Công sứ Muselier và Lê Hoan sai Bá Phức lấy cớ đến thăm ta ở Hữu
Nhuế, đem theo một cái tráp chứa một quả bom có ngòi cháy chậm. Lúc ấy ta chưa biết
Bá Phức đã trở mặt nhưng vẫn đề phòng nên phát giác quả bom đặt ở dưới giường
ta trước khi ông ta ra về. Ta tương kế, tựu kế chờ đến 5 giờ sáng ngày 19-5 bom
nổ xong, liền tổ chức phục kích. Quả nhiên Giám binh Lambert tưởng ta đã
chết, liền mang lính khố xanh vào và lọt vào ổ phục kích của ta. Lãnh binh
Trouvé bị giết, Lambert và Công sứ Muselier bị thương.
-KGVT: Thưa Cụ Đề, từ đó cho đến lúc trá hàng, hợp tác với Tây lần đầu,
nghĩa quân có những hoạt động gì ạ?
-Đề Thám: Đầu tháng 9-1894, Bang Kính vốn là một chủ đất ở Voi Thượng đem
50 thủ hạ súng ống đầy đủ gia nhập nghĩa quân của ta. Lúc ấy ta có Bang Kính,
Đề Khế, Đề Huỳnh, Đề Nam giúp sức, liên tục chặn đánh các chuyến xe lửa Hà Nội
- Lạng Sơn và phục kích các toán giặc Tây đi lại trong vùng. Ngày 17-9 ta cho
quân bắt tên Chesnay là một tên cướp đất, thầu khoán đường xe lửa Hà Nội - Lạng
Sơn, đồng thời là chủ nhiệm tờ báo "L' Avenir du Tonkin" tức
"Tương lai xứ Bắc Kỳ". Nhân vụ này ta trá hàng hợp tác với Tây lần
thứ nhất.
-KGVT: Thưa Cụ Đề, Cụ làm thế nào để bắn tin cho Tây?
-Đề Thám: Bọn Tây nhờ cố đạo Tây Ban Nha Velasco cai quản địa phận Bắc Ninh
đứng ra thương thuyết. Nhân đó ta đề nghị một cuộc hợp tác đôi bên với các điều
kiện:
Tây phải nộp 15 ngàn bạc Đông Dương, tức là loại đồng bạc trắng hoa xoè, có
thể dùng mua khí giới lậu ở bên Tàu.
Tây phải triệt thoái tất cả các đồn trong phạm vi Yên Thế.
Nhường quyền cai trị 4 Tổng Nhã Nam, Mục Sơn, Yên Lễ và Hữu Thượng cho
nghĩa quân.
Để cho nghĩa quân thâu các thứ thuế ở 4 Tổng nói trên trong 3 năm.
KGVT: Thưa Cụ Đề, thế Tây có chấp thuận các đề nghị ấy không?
-Đề Thám: Tây chấp nhận hết. Ý chúng muốn ta cũng sẽ theo làm tay sai cho
chúng như Đèo Văn Trị hoặc hợp tác để cai quản một vùng như Lương Tam Kỳ.
Còn ta thì cần một thời gian yên ổn để xây dựng lực lượng. Ngày 15-10-1894, ta
thả Chesnay và nhận quyền cai quản Yên Thế. Trong thời gian tạm hợp tác các
quan Tây vẫn đến thăm xã giao ta với mục đích dò xét. Chúng biết trong thời
gian đó nghĩa quân được nhiều người gia nhập, trong đó có một số người của
Lương Tam Kỳ. Họ Lương là một giặc khách trước đây, sau đầu Pháp nhưng vẫn bí
mật giao thiệp với ta.
-KGVT: Thưa Cụ Đề, việc hợp tác kéo dài được bao lâu?
-Đề Thám: Được một năm. Thấy không mua chuộc được ta, Toàn quyền Đông Dương
đòi ta đến Bắc Ninh trình diện nhưng ta không đến vì biết sẽ bị bắt. Ta chỉ gửi
đại diện tới, chúng cho hay sẽ chiếm lại 4 Tổng vùng Yên Thế. Đó là ngày
8-11-1895. Ngày 23-11, tên Đại tá Galliéni cho quân vào Yên Thế. Ngày 25-11
chúng gửi thư đòi ta đầu hàng. Hai bên đụng độ lẻ tẻ với nhau cho đến năm 1897.
-KGVT: Thưa Cụ Đề, đó là năm Cụ trá hàng lần thứ hai?
-Đề Thám: Đúng thế. Lần này cũng do cố đạo Velasco làm trung gian. Pháp đòi
ta nộp khí giới. Ta thì đòi ta phải giữ khí giới để đề phòng giặc cướp. Sau
nhiều lần bàn cãi, ta phải nộp một số vũ khí cho Tây để cuộc điều đình không bị
bế tắc. Kế hoạch của ta là mở rộng đồn điền Phồn Xương để có tài lực nuôi quân
và làm nơi tụ họp nghĩa sĩ toàn quốc lo việc cứu nước chờ cơ hội tổng phản
công. Lần ngưng chiến này bắt đầu từ tháng 12-1897. Trong lúc Tây luôn luôn
canh chừng ta, thì ta lo xây dựng lực lượng.
-KGVT: Thưa Cụ Đề, lần trá hàng này kéo dài bao lâu?
-Đề Thám: Mười hai năm. Trong mười hai năm đó, nghĩa quân tuy tạm buông
súng trên danh nghĩa, nhưng thực lực của ta không vì thế mòn đi, trái lại là
khác. Ta cho người chiêu mộ dân các nơi về Phồn Xương khai thác đồn điền, tài
lực của dân, của ta đều sung túc. Đến những năm đó, các phong trào kháng chiến
đánh Tây như Văn Thân, Cần Vương ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ chỉ còn thoi thóp như
ngọn đèn trước gió nên nhiều người tìm đến, hoặc ở xa cũng hướng về ta. Các nhà
cách mạng như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh trên đường bôn ba cũng đã tìm đến
Phồn Xương để bàn việc lớn. Khi cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy của Tham tán Quân vụ
Nguyễn Thiện Thuật vỡ, con của quan Tham tán đến gia nhập hàng ngũ của ta, trở
thành một thủ lĩnh của nghĩa quân, tức Cả Tuyển.
-KGVT: Thưa Cụ Đề, còn về phía giặc Tây trong thời gian đó thì sao ạ?
-Đề Thám: Về phía giặc Tây, thì trong thời gian hòa hoãn đó đã hoàn tất con
đường xe lửa Hà Nội - Lạng Sơn năm 1902. Bên ngoài thì chúng giả vờ giao hảo
với ta, nhưng kỳ thật chúng ra sức lập các đồn bót chung quanh Yên Thế và vùng
phụ cận. Chúng lại dùng bọn đại địa chủ Pháp ra sức mở rộng các đồn điền chung
quanh Yên Thế, lập thêm đường giao thông khiến Yên Thế bớt đi phần hiểm trở.
Chúng chỉ chờ thời cơ là tiêu diệt nghĩa quân vì chúng biết ta không thực tâm
quy phục chúng như Đèo Văn Trị lãnh chúa người Thái, hoặc coi nặng tiền bạc như
Lương Tam Kỳ.
-KGVT: Thưa Cụ Đề, vì sao mà cuộc hòa hoãn lần thứ hai chấm dứt?
-Đề Thám: Giặc Tây theo dõi ta rất sát. Chúng biết năm 1903 Phan Bội Châu
có đến Phồn Xương gặp ta bàn việc phối hợp hoạt động của Quang Phục Hội. Đôi
bên kết ước ứng viện lẫn nhau. Ta lại dành hẳn đồn điền Tú Nghệ gần Phồn Xương
để dung nạp và huấn luyện nghĩa sĩ, phổ biến tài liệu Quang Phục Hội. Sau năm
1905, ta lại lập đảng Nghĩa Hưng hoạt động ở Hà Nội, ngày 17-11-1907 làm cuộc
ngoại công, nội kích bất thành ở cửa Nam thành Hà Nội. Ngày 27-6-1908, ta lại
tham gia vụ "Hà thành đầu độc" do Quang Phục Hội chủ xướng.
-KGVT: Thưa Cụ Đề, việc ấy xảy ra như thế nào ạ?
-Đề Thám: Nói vắn tắt là ta kết hợp với Quang Phục Hội móc nối với các
người Việt Nam yêu nước trong quân đội Pháp tổ chức đầu độc quân Pháp trong
thành Hà Nội rồi làm binh biến. Nhưng cơ sự bất thành. Mười ba người bị tử hình
gồm Đội Bình, Đội Cốc, Đội Nhân, Cai Tôn..., 6 người bị xử tử hình khiếm diện.
Mấy người này đã kịp thời trốn thoát lên Phồn Xương. Tây khám phá ra những
chuyện ấy có ta nhúng tay vào nên Toàn quyền Tây là Klobukowski gửi thư cho ta
bắt phải nộp toàn bộ khí giới, giải giao các phần tử sống ngoài vòng pháp luật
đang có mặt tại Yên Thế và sau hết, ta phải về Hà Nội trình diện. Ta không trả
lời thì ngày 29-1-1909, theo đúng kế hoạch của giặc Tây, Đại tá Bataille đem
quân đánh Yên Thế. Chúng định từ nhiều ngã bất ngờ tấn công đánh úp ta. Nhưng
do sơ hở của đám quan Tây ở Nhã Nam âm mưu ấy bị bại lộ và ta đủ thì giờ rút
lui.
-KGVT: Thưa Cụ Đề, còn chiến sự xảy ra sau đó?
-Đề Thám: Lực lượng giặc Tây rất mạnh. Ta phải rút lui khỏi Phồn Xương và
các căn cứ. Hai bên đánh nhau suốt tháng 2-1909 qua các trận ở Rừng Phê, trận
Đồng Vương, trận Sơn Quả, Đồn Đêm. Tây lập các đồn bót liên tiếp nhau để bao
vây nghĩa quân. Ta phải chuyển địa bàn hoạt động xuống Phúc Yên, Vĩnh Yên.
Chiến sự tạm yên được nửa tháng thì bùng nổ trở lại với trận đánh ở núi Hàm Lợn
ngày 15-2-1909. Trong trận này ta mất Cả Tuyển, con cụ Tán Thuật. Đánh nhau
nhiều trận, đến tháng 6-1909, nhiều anh em ngã lòng ra đầu thú.
-KGVT: Thưa Cụ Đề, những ai ra đầu thú trong thời gian ấy?
-Đề Thám: Ngày 6-6, anh rể ta là Cả Can và Hai Xuân ra hàng. Ngày 20-6, Đề
Bảo cùng 3 con ra hàng. Lang Côn là thầy thuốc của ta cũng ra hàng. Tinh thần
nghĩa quân xuống rất thấp, dân chúng phần nào mất tin tưởng. Do đó, ngày
5-7-1909, ta ra bắt tên Giám thị Voisin tại Vệ Linh, trên đường đi Thái Nguyên.
Ta buộc hắn viết thư cho Tây, nói nếu quân Tây tấn công vào ta sẽ giết hắn. Ta
đi đâu cũng đem Voisin theo làm con tin, còn giặc Tây đuổi theo ráo riết, coi
thường mạng sống của tên Giám thị này. Ngày 25-7, ta đành phóng thích y ở Kim
Anh. Cùng ngày đó, ta thoát vòng vây của Tây ở Hiền Lương, giết được Đại úy
Pertuis. Cuối tháng 7, triều đình Huế sai Lê Hoan đem 400 quân đến phối hợp với
Tây.
-KGVT: Thưa Cụ Đề, hoàn cảnh nghĩa quân lúc ấy chắc là ngặt nghèo lắm?
-Đề Thám: Đúng thế. Ta bị vây đánh, truy kích liên miên. Ngày 5, 6 tháng
10-1909, sau trận núi Lang ta chỉ còn có vài chục thuộc hạ quanh mình cùng với
bà vợ thứ ba. Cuối tháng 11 năm ấy, vợ ta và đứa con gái nhỏ bị bắt. Đến tháng
12 ta chỉ còn hai thủ hạ trung thành là Đô Huỳnh và Lại Nhót. Ngày 26 và 28
tháng 1-1910, ta thoát hai trận phục kích trong gang tấc và thoát sự truy lùng
của giặc Tây suốt trong ba năm. Cuối năm 1912, Lương Tam Kỳ có gửi đến giúp ta
mấy tên thủ hạ. Đến Tết Nguyên Đán năm Quí Sửu 1913, khi bên mình ta chỉ
còn hai thuộc hạ thì ba tên thổ phỉ do Lương Tam Kỳ gửi đến ám sát ta khi ta
đang ngủ cùng với hai tên thuộc hạ kia. Lúc đó là 4 giờ sáng ngày 10-2-1913 tại
trại Góc Co cách chợ Gồ 2 cây số.
-KGTVT: Thưa Cụ Đề, còn số phận của bà Ba khi bị bắt rồi ra sao ạ?
-Đề Thám: Tháng 1-1910, khoảng 60 nghĩa quân đã về hàng Tây từ lâu,
được dùng để do thám, móc nối những ai còn theo ta bị tập trung lại đi đày Côn
Lôn và xứ Guyane. Trong số những người bị đi đày đi Guyane có bà Ba của
ta. Tội nghiệp bà ấy!
-KGVT: Thưa Cụ Đề, thế còn người con gái nhỏ bị bắt chung với bà Ba?
-Đề Thám: Con gái ta tên Hoàng Thị Thế, lúc bị bắt còn nhỏ, được đưa sang
Pháp. Sau này con ta dại dột nghe lời Hồ Chí Minh về sống ở Hà Nội. Họ Hồ muốn
con ta về nước để hắn mượn dịp tuyên truyền. Ai ngờ khi con ta về nước rồi,
chúng đối xử không ra gì. Con gái ta phải sống và chết nghèo khổ ở Hà Nội.
-KGVT: Thưa Cụ Đề, vì theo việc nước nhà mà gia đình tan nát, các con trai
đều bị hy sinh, Cụ cũng thế, bà Ba thì bị đi đày. Cụ có ân hận gì không?
-Đề Thám: Nước mất thì nhà tan, đó là chuyện thường. Ta từ trai trẻ cho tới
ngày theo gót các bậc tiên liệt trải 30 năm nằm gai, nếm mật mong đuổi giặc
Tây, đền ơn nước; không có gì phải thẹn với đất nước, tổ tiên. Ta chỉ ân hận
một điều là mình tài sơ trí đoản, không kham nổi đại cuộc; chết đi không dám
nhìn mặt tiền nhân. Chứ còn gia đình, nhà cửa thân ta nào có tiếc gì!
-KGVT: Kính thưa Cụ Đề, Cụ xuất thân dân dã, chưa từng hưởng ơn Vua, lộc
nước, đâu có gì buộc Cụ phải xả thân suốt 30 năm như vậy?
-Đề Thám: Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách. Đâu phải chỉ có mỗi một
mình ta. Bao nhiêu người dân không tên tuổi khác đã đứng dậy để đuổi ngoại xâm.
Ta chỉ làm bổn phận của người dân trước nguy cơ mất nước, nhưng trời chẳng
chiều lòng người!
-KGVT: Thưa Cụ Đề, nếu có ai khuyên Cụ nên noi theo Đèo Văn Trị, lãnh
chúa xứ Thái thì Cụ nghĩ sao?
-Đề Thám: Ta tuy xuất thân dân dã, chữ nghĩa không có bao nhiêu. Nhưng
không phải là ta không biết câu lưu phương, lưu xú. Có người để tiếng thơm, có
kẻ lưu tiếng xấu. Họ Đèo trước đánh Tây, sau hàng Tây đổi lấy miếng đỉnh chung,
quản lãnh 12 châu trong số 16 châu xứ Thái. Ta không thể làm như họ Đèo được.
-KGVT: Thưa Cụ Đề, Cụ có muốn nhắn gì với lớp hậu sinh chăng?
-Đề Thám: Lòng ta chắc ai cũng hiểu. Ta chỉ muốn nói một điều. Ta chiến
đấu 30 năm vẫn chưa ngã lòng, dù ta biết giặc Tây mạnh gấp trăm lần ta. Đừng
thấy kẻ địch mạnh, ta yếu rồi chùn bước. Lòng dân mạnh hơn cả đại bác, tàu
đồng. Cứ bền lòng tranh đấu rồi sẽ có ngày non sông tươi sáng. Việc nghĩa phải
làm mới đáng sống trên đời. Ba mươi chín năm chưa phải là dài. Giặc kia dù
mạnh, nhưng trái lòng dân ắt ngày sụp đỗ không xa. Phải bền lòng tranh đấu.
-KGVT: Thưa Cụ Đề, xin ghi lời Cụ dạy.
Ký giả VỊT TRỜI
tieng-dan-we
ekly.blogspot.com