Nguyễn Xuân Hoàng - người và văn
Nhà báo tự do Bùi Văn Phú
Gửi cho BBC Tiếng Việt từ Hoa Kỳ
Cập nhật: 10:18 GMT - thứ sáu, 4 tháng 7, 2014
Anh Nguyễn-Xuân Hoàng bệnh từ hơn một năm qua. Tôi
quen anh Hoàng không qua văn học mà qua làng báo
hải ngoại.
Tuy nhiên giáo sư Nguyễn-Xuân Hoàng đã là
một cái tên quen thuộc từ những năm tôi học trung học đệ nhị cấp, tức cấp ba ngày nay, ở Sài Gòn vào đầu thập niên 1970.
Các bài liên quan
Chủ đề liên quan
Đường phố Sài Gòn thời đó tràn ngập băng rôn quảng cáo học luyện thi tú tài, nổi tiếng với các giáo sư toán lý hoá cho học sinh ban A và
ban B.
Riêng môn triết có tên hai người thày thường được quảng cáo mà tôi còn
nhớ là Vĩnh Để và Nguyễn-Xuân Hoàng.
Chương trình lớp 12 ban A có triết nên nhiều học sinh biết thày Nguyễn-Xuân Hoàng qua
sách giáo khoa, qua những câu hỏi và trả lời ngắn về tâm lý học, luận lý học.
Tôi chưa được biết đến anh qua văn chương của tạp chí Văn vì ở tuổi đó, tôi mới bước từ Tuổi Hoa sang Tuổi Ngọc.
Quen biết anh ở Mỹ, thân hơn từ ngày anh về Thung lũng Hoa
vàng làm báo.
Bên những ly cà-phê, được nghe anh nói ít
nhiều về cuộc đời.
Gia đình gốc Xuân Trường, Nam Định, anh sinh ngày
7-7-1940 ở Nha Trang, con áp út trong số mười ba anh chị em.
Là cựu học sinh Võ Tánh Nha
Trang và Pétrus Kỳ Sài Gòn, lên đại học có lúc anh học quốc gia hành chánh,
dự bị y khoa nhưng cuộc đời không dẫn anh vào con đường hoạn lộ hay cứu nhân độ thế mà lại chệch hướng sang sư phạm với văn chương, triết học ở Đại học Đà Lạt.
Ngày đầu tiên anh bước lên bục giảng ở trường Ngô Quyền, Biên Hòa, rồi một năm sau về trường Petrus Ký ở Sài Gòn, nơi anh gắn bó hơn một thập niên cho đến ngày đứt phim.
Tôi cũng là thầy giáo, thuộc thế hệ đàn em và trưởng thành ở nước ngoài nhưng vẫn nhớ thời học sinh nên thường cùng anh chia sẻ vui buồn phấn trắng, bảng đen, về học trò tinh nghịch.
Nói chuyện toán, lý hóa, vạn vật anh cũng đầy kiến thức, nhưng đam mê là với Nietzche, với Sagan, với Satre.
Thỉnh thoảng anh kể cho nghe chuyện ở quán Cái Chùa nơi văn nghệ sĩ Sài Gòn tụ họp, cùng vài chuyện tình lãng mạn thời trẻ của anh.
Nhưng duyên số đưa đẩy anh Hoàng lấy chị Vy để dòng họ Nguyễn-Xuân và Trương-Gia trở thành sui gia.
Nên vợ chồng từ năm 1973, gia
đình với một đàn con cháu và những buồn vui, tủi nhục cuộc đời, từ vượt biển, thăm nuôi cùng chăm lo cho đàn con dại sau khi bỏ phấn, bỏ bảng, bỏ triết đông, triết tây để ngột thở với triết học Mác-Lê không
thích hợp với tư tưởng phóng khoáng của nhà văn.
Bụi, rác, mây và sa mạc
"Dạy học hay làm báo để mưu sinh, văn học mới là đam mê của anh"
Sau tháng 4/1975 Việt Nam đổi đời. Sài Gòn đổi tên, trường Pétrus Ký thành
Lê Hồng Phong và cho nữ sinh vào học.
Thầy Hoàng “mất dạy” sau một thập niên gắn bó với ngôi trường đã đưa vào đại học nhiều sinh viên giỏi để sau trở thành những trí thức đóng góp cho nền cộng hoà Việt Nam.
Cuộc đổi đời của anh, của người thân và cả đất nước là những hiện thân trong “Bụi và rác”, một trong ba quyển tiểu thuyết Nguyễn-Xuân Hoàng viết sau năm 1975.
Hai tác phẩm kia là “Người đi trên mây”,
“Sa mạc”. “Bụi và rác (tức Người di trên mây II)”
và “Lửa (tức Người đi trên mây III)” là bộ ba tập trường thiên tiểu thuyết về đất nước và những con người Việt Nam sau 1975.
Hai quyển đầu đã xuất bản, tái bản.
Đã cho ra đời gần chục tác phẩm, một vài quyển nữa dự định xuất bản, trong đó có “Lửa” và một quyển viết về bạn văn mà anh đã cho tôi coi bìa mấy năm trước nhưng đến nay cũng chưa in.
Gia đình anh đến Mỹ định cư năm 1985 dưới sự bảo lãnh của một người em.
Qua Bataan, Philippines ít tháng rồi đi định cư ở tiểu bang Virginia.
Không lâu sau anh dọn về nam California
làm tổng thư ký cho nhật báo Người Việt từ năm 1986 đến 1998.
Tôi gặp anh Nguyễn-Xuân Hoàng lần đầu vào cuối năm 1995 ở tòa soạn báo Người Việt. Hôm đó tôi đưa anh Anatoli
Sokolov, một nhà nghiên cứu Việt học từ Nga, đến thăm tòa báo và
được anh cùng các anh Nguyễn Mộng Giác, Hoàng Khởi Phong đón tiếp.
Hân hạnh được gặp một giáo sư nổi tiếng từ hơn hai mươi năm về trước, nhưng trông anh còn rất trẻ so với những thày cô đã dạy tôi.
Anh thích những ký sự tôi viết từ châu Phi, từ Đông nam Á. Những bài viết vào thời điểm trước khi máy điện toán có dấu tiếng Việt ra đời được thư ký trong tòa soạn đánh máy từ bản thảo viết tay.
Khi nhận được báo in, cuối mỗi bài viết của tôi thấy có ký hiệu, thường là “ty” hay “tn” trong móc đơn, tôi hỏi, được anh giải thích đó là tên
tắt của người rà soát bài đã
đánh máy, làm như thế để họ có trách nhiệm nếu có những lỗi chính tả hay thiếu sót trong nội dung.
Không biết lối kiểm soát đó có phải là sáng kiến của anh Hoàng, nhưng sau này anh với Việt Mercury, rồi Việt Tribune cách thức này cũng được áp dụng.
Cuối năm 1998 anh bỏ tờ Người Việt, lên San Jose làm tổng thư ký cho tuần báo Việt Mercury, là tờ báo con của tập đoàn truyền thông Mỹ Knight Ridder với tờ San Jose Mercury News là báo mẹ.
Cuối năm 2005, Việt Mercury đình bản. Anh chị không về nam Cali mà ở lại San Jose, cho ra
tờ Việt Tribune.
Chị Vy lo quản trị thương mại, anh Hoàng lo
bài vở, đến nay đã được 427 số, mỗi số hơn 70 trang khổ vuông 31 cm với bài vở thường xuyên của Hoàng Ngọc Nguyên, Giao Chỉ Vũ Văn Lộc, Tưởng Năng Tiến, Bùi Văn Phú,
Nguyễn Xuân Nghĩa, Đỗ Quý Toàn. Như thế anh chị đã thành công trong môi trường sinh hoạt báo chí hải ngoại.
Dạy học hay làm báo để mưu sinh, văn học mới là đam mê của anh. Nhiều năm anh đã chăm
lo tạp chí Văn ở Việt Nam trước 1975, đến Mỹ anh tiếp tục cùng Mai Thảo lo khu vườn văn học cho đến khi tạp chí này đình bản năm 2008. Anh
cũng đóng góp nhiều cho các tạp chí Văn Học, Thế Kỷ 21 xuất bản ở California.
Hiện anh có “Nguyễn Xuân Hoàng Blog”
trên mạng voatiengviet.com và mỗi tuần Việt Tribune cũng
dành một mảnh vườn để giới thiệu sinh hoạt văn học nghệ thuật.
Đến với Thung lũng Hoa
vàng, anh Hoàng còn có một thời gian làm giảng viên lớp Văn học Việt Nam Hiện đại tại Đại học Berkeley.
Những dịp ghé trụ sở Việt Tribune trên đường Oakland Road ở San Jose, chúng
tôi hay rủ nhau đi ăn phở Tàu Bay và uống cà-phê Starbucks gần tòa soạn.
Anh Hoàng và chị Vy giao thiệp rộng rãi, có nhiều bạn. Anh tránh làm mất lòng ai. Đôi khi trong bài viết tôi có nhắc đến một nhân vật nào đó không được tích cực, anh xin sửa đôi chút cho nhẹ nhàng.
Cũng có những bài viết anh không muốn đăng nhưng có thảo luận với tôi để cuối cùng dù đăng,
theo ý tôi giải thích, hay không đăng theo cách
suy nghĩ của anh, thì cả hai đều vui vẻ đồng ý, không có những căng thẳng hay giận nhau.
Nhà ga luân hồi
Từ ngày biết tin anh bệnh, nhiều bạn khắp nơi đến thăm. Hè năm
ngoái tôi ghé thăm anh, gặp vợ chồng thi sĩ Hải Phương cùng hiền thê của anh Trương Vũ từ Washington D.C.
sang thăm.
Lần khác có nhà văn Phan Nhật Nam, bác sĩ Phạm Đức Vượng. Khi đó anh còn
đi đứng được và cùng ra ngoài ăn trưa với các bạn, tuy phải đẩy gậy có bánh xe.
Hai tuần trước tôi ghé thăm anh
tại căn nhà anh chị mới dọn qua từ đầu năm. Anh nằm trong phòng, vẻ mặt gầy đi nhiều. Có y tá ở đó trông coi,
tiêm thuốc, cho uống thuốc theo thời khắc hay khi cần. Nếu muốn, anh có thể ngồi xe lăn ra phòng
khách xem một vài trận World Cup trên ti-vi.
Trên giường, bên cạnh anh có nhiều sách, trong đó có quyển Cuộc Sống Cuộc Chiến và Rồi… là bản dịch một tác phẩm của Oriana Fallaci và quyển Hơn Nửa Đời Hư của Vương Hồng Sển viết về đời sống Nam Bộ làm anh nhớ đến Hồ Biểu Chánh, một tác giả miền Nam mà anh yêu thích.
Giọng anh yếu, nhưng tỉnh táo, nhớ nhiều chuyện về bạn bè, về sinh hoạt văn học. Anh nói không
biết còn sống được bao lâu, một tuần, một năm hay vài năm
nhưng anh sẵn sàng rồi, chỉ lo cho chị Vy thôi.
Trong tạp chí Khởi Hành số đặc biệt về Nguyễn-Xuân Hoàng,
tháng 5&6/2012, nhà thơ Viên Linh có chép
lại một bài thơ:
từ xa phố chợ đến giờ
chân quen bỏ lệ gõ bờ lộ quen
hoang vu chín đến độ thèm
lạnh tàn nhẫn rót vào đêm lên
đường
mùa sương phố núi mù sương
nhịp buồn hút gió hồn nương sao rừng
chuyện linh hồn với bản thân
bàn tay thượng đế mộ phần chiêm bao
đồi thông xanh tóc nghẹn ngào
ngập ngừng lạnh xuống từ bao lâu rồi
còn tôi, còn chỉ mình tôi
mây bay đầu núi kéo trời lên xa
bàn tay thoáng nổi da gà
thẳm sâu lòng đất nhà ga luân hồi
Bài thơ của tác giả Hoang Vu viết cách đây đã hơn nửa thế kỷ. Ít ai biết đó chính là bút hiệu của Nguyễn-Xuân Hoàng những ngày mới chập chững bước vào chốn văn chương, triết học.
Trong các thể thơ Việt, tôi thích nhất lục bát.
Chép lại bài thơ để bày tỏ lòng qúi mến đối với tác giả, một người anh, người bạn đã nhiều dịp chia sẻ với tôi buồn vui dạy học, làm báo và văn
học trước khi chuyến xe luân hồi ghé bến để anh lên đường.
Tác giả là một nhà báo tự do hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco,
California.
__._,_.___
Posted by: Dien bien hoa binh