QUỐC HẬN 30 THÁNG 4

Image result for Tháng Tư năm 1975 -----

==== ====



Friday, December 4, 2015

MÙA ĐÔNG SAN BERNARDINO - NHỚ VỀ HUẾ MẬU THÂN 1968


                                                              Cờ Ukraine
                                                            
Lịch sử

MÙA ĐÔNG SAN BERNARDINO - NHỚ VỀ HUẾ MẬU THÂN 1968
L
IÊN THÀNH
Orange County, Cali, USA, ngày 2/12/2015

      
Đã hơn bốn mươi bảy năm trôi qua, kỷ niệm về Huế Mậu Thân trong tôi vẫn không hề phai nhạt, vẫn rõ ràng và đau đớn như ngày nào. Rồi đến khi phải chia lìa Huế, từ lúc quê hương bắt đầu đắm chìm trong thảm họa cộng sản hơn ba mươi ba năm trước, tôi cũng chưa một lần về nhìn lại cảnh cũ người xưa, để tìm xem Huế có còn giữ được chút nào dấu vết thời gian không gian của một Huế ngày tháng rất xa, rất êm đềm lãng mạn và cũng đầy biến động ấy. Huế ơi, Hưong Giang ơi, Ngự Bình ơi, đồi Vọng Cảnh ơi, biết chăng bao thương nhớ ray rứt u hoài của một người sinh ra lớn lên với số phận đã gắn liền với Huế cho đến ngày mất Miền Nam. Năm tháng trôi qua, cho đến hôm nay tôi vẫn chỉ tìm được ảo ảnh Huế qua những đêm mộng mị, những sáng sương mù, những chiều mưa ảm đạm xứ người.

Nam Cali vùng San Bernardino xứ lạ quê người, không gian và thời gian của những ngày cuối năm buổi sáng trời trở lạnh, sương mù mênh mông mờ ảo, gợi nhớ Huế đến nao lòng. Cũng vào những ngày cuối năm cũng sương mù mênh mông dày đặc chắn cả lối đi như thế, hình ảnh những người đàn bà Huế với chiếc áo dài, khi ẩn, khi hiện, trong sương sớm quẩy đôi thúng cá nặng trĩu, kẽo kịt trên vai. Họ đi từ Chợ Dinh qua cầu Gia Hội, chợ Nọ qua cầu Tràng Tiền, đến chợ Đông Ba, hay những gánh cơm hến từ vùng Cồn Hến, băng qua Đập Đá lên đường Hàng Me. Rồi thì nồi bún trâu từ lò trâu Vân Dương lên vùng An Cựu, thơm và quyến rũ lạ lùng trong sương sớm. Ai là dân Huế mà chưa một lần ăn bún trâu Vân Dương thì quả là một thiếu sót lớn trong đời!

Giờ này, thời gian cuối năm cũng đã gần kề, từ chốn xa xôi biền biệt, chợt thấy nhớ quê hương, nhớ Huế một cách lạ lùng, nhớ da diết, và nhất là nhớ xót xa những ngày cận Tết năm 1968. Từ ngữ Mậu Thân hoặc từ ngữ “1968”, tất cả đều làm người ta kinh sợ nhớ ngay đến “
Huế - Mậu Thân 68”, mà đã vĩnh viễn đi vào lịch sử với nỗi hãi hùng đau đớn.

Đã hơn bốn mươi bảy năm trôi qua, nhưng vết thương Mậu Thân vẫn còn rất mới, rất đau trong lòng, mà cứ mỗi độ đông về trái gió trở trời, vết thương lại nhức nhối trở lại. Và đau nhất có lẽ là thế hệ chúng tôi, những kẻ mà nửa cuộc đời tuổi trẻ đã sống trọn và dâng hiến cho “cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp”, cho “sông An Cựu nắng đục mưa trong”, cho “tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương”, và cho những ngày mưa bụi giăng đầy từ Văn Thánh, Thiên Mụ, xuống Kim Long về Bạch Hổ, qua Hoàng Cung của một thời tựa như câu thơ “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”....

Mưa bụi nhạt mờ trên dòng sông Hương, trôi về Đập Đá, Vỹ Dạ. Dòng sông âm thầm lặng lẽ như đời người dân lành Huế, với bao nhiêu đổi thay bao nhiêu nghịch cảnh của một thời chinh chiến tao loạn, vẫn cúi đầu chấp nhận số phận nghiệt ngã.

Rồi khi đang ở lính được phép về Huế, lang thang qua trường Đồng Khánh ngang bến đò Thừa Phủ vào buổi chiều tan học, khi mà “Áo em trắng quá nhìn không ra”, chạnh lòng nhớ về ai đó ngày xưa, lòng ngẩn ngơ, man mác mộng mơ theo vài vần thơ Quang Dũng:


   Hồn lính vương qua vài sợi tóc
Tôi thương mà em đâu có hay!


Đó là Huế yêu dấu của tôi. Một nửa quãng đời tôi sống và lớn lên từ Huế. Bây giờ tháng năm xa cách, thật nhớ không nguôi nhớ vô cùng...

Nhớ lại Mậu Thân 1968, sau 22 ngày bị VC chiếm giữ 22 ngày chìm trong địa ngục, đến ngày thứ 26 thì Huế hoàn toàn được giải thoát bởi bàn tay và xương máu người lính Việt Nam Cộng Hòa.

Và sau tai ương thảm khốc gây ra bởi đạo quân phương bắc và nhóm nằm vùng địa phương, Huế còn lại gì? Thân thuộc, gia đình, bà con xa láng giềng gần nơi đâu? Bao nhiêu mất mát chia lìa, bao nhiêu tống biệt sinh ly, bao nhiêu ngậm ngùi xót xa cam chịu?

Sau Mậu Thân, Huế cổ kính mộng mơ chỉ còn lại là những đống gạch vụn đổ nát, các bức tường loang lỗ, mà lòng thì người tan nát âu lo với những giải khăn sô bất tận kéo dài đến các nghĩa trang với mồ chôn tập thể, trắng xóa thành phố đổ nát điêu tàn.

Việt Cộng tràn vào Huế vào khuya ngày mồng một, rạng ngày mồng hai Tết Mậu Thân, đó là thời khắc oan nghiệt mà không người dân Huế nào quên được. Sau 22 ngày tàn sát dân lành, phá nát di tích lịch sử đền đài lăng tẩm, thì khuya ngày 22/2/1968, bọn chúng bắt đầu chạy trốn khỏi Huế. Khi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tiêu diệt được bọn chúng, thì Huế còn lại là một nghĩa trang đau thương cùng cực với 5327 nạn nhân bị chôn sống chôn chết, và 1200 người mất tích cho mãi đến bây giờ cũng không biết thân xác họ trôi dạt phương nào.

Huế điêu tàn đổ nát với đầy rẫy xác người. Từ đường Lê Lợi đến đường Nguyễn Huệ, từ trường Thiên Hựu, vùng Dòng Chúa Cứu Thế, kéo về đường Duy Tân, qua đường Lý Thường Kiệt, Trần Cao Vân, khu Tòa Đại Biểu, khu Tòa Hành Chánh Tỉnh, bệnh viện Trung Ương Huế, khu Bưu Điện, Ngân Khố, tất cả bị tàn phá nặng nề. Đâu đâu cũng xác người, bên vệ đường, trong lùm cây bụi cỏ, “trên nóc nhà thành phố, trên con đường quanh co”. Rồi xác người bắt đầu sình thối và rữa nát trên khắp thành phố tan hoang.

Dòng sông An Cựu nắng đục mưa trong có 6 cây cầu bắc ngang. Cầu An Cựu nối liền quốc lộ I ra Tỉnh Quảng Trị đã bị phá sập hoàn toàn, cầu Kho Rèn, cầu Phủ Cam, cầu Bến Ngự, 3 cây cầu loang lỗ vết đạn pháo binh, hư hại đến hơn 70%, không thể sử dụng, chỉ còn cầu Nam Giao nối liền thành phố lên vùng Từ Đàm Nam Giao, và cầu Ga nối liên thành phố lên ga tàu lửa Huế-Đà Nẵng, Huế-Quảng Trị, là tương đối còn có thể tạm dùng được. Còn cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp ngay giữa lòng thành phố Huế chỉ còn lại năm vài, một đầu vài kia đã chìm xuống dòng sông lạnh. Đối với bất kỳ ai mà đã sinh ra và lớn lên tại Huế, thì cầu Tràng Tiền là niềm hãnh diện, là niềm vui nỗi buồn, là một phần đời khó quên của người Huế. Chiếc cầu là một chứng nhận thầm lặng của lịch sử, đã biết bao nhiêu đổi thay của nhiều triều đại, đã chứng kiến những thăng trầm những biến động đau thương mà tổ quốc và dân tộc đã phải còng lưng gánh vác. Trong lòng người Huế, chiếc cầu là một bảo vật không thể gãy được, vì đó là tình yêu của Cố Đô, là biểu tượng của người dân xứ Huế: thầm lặng, chịu đựng và nhẫn nại đối đầu với mọi biến cố khốc liệt. Cầu Tràng Tiền bắc ngang dòng sông Hương là hình ảnh sâu đậm không bao giờ nhạt phai trong lòng những người Huế tha hương như chúng tôi. Mỗi khí nhớ đến cầu Tràng Tiền, lại thổn thức nghẹn ngào, lại nhớ da diết, nhớ cuống quít, lòng bỗng muốn tìm về lại chốn cũ quê xưa, nơi có “cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp”, nơi đó chính là Huế dấu yêu ngàn đời.

Có thể nói: sông Hương, núi Ngự, cầu Tràng Tiền, và người Huế, bốn nhưng mà một, thiếu một thì lòng dạ ngẩn ngơ...

Cầu Tràng Tiền được khởi công xây cất từ tháng 5 năm 1889, năm Thành Thái thứ 9 và tháng 10 năm 1890 thì hoàn tất, với tổn phí là 800,000 Fr, do công ty Eiffel của Pháp xây cất. Tính đến nay, năm 2010 cây cầu đã được 120 tuổi đời. Lúc khánh thành, cây cầu được mang tên là Thành Thái. Sau bao thăng trầm của lịch sử và của Huế, cây cầu được đổi tên là cầu Tràng Tiền và mang tên ấy cho đến ngày nay. Tràng Tiền tên thật đơn giản, vì cây cầu được xây tại vùng Phú Xuân, Thuận Hóa, nơi mà các đời Chúa Nguyễn đặt xưởng đúc tiền. Năm 1946, khi quân đội Pháp tấn công và tái chiếm Huế, Việt Minh rút khỏi thành phố, nhận lệnh của Hồ Chí Minh thi hành kế hoạch “tiêu thổ kháng chiến”, bọn cộng phỉ chúng giựt sập một vài của cầu Tràng Tiền. Lần thứ hai năm Mậu Thân 1968 chính bọn chúng lại giựt sập cây cầu lần nữa. Huế trong những ngày tháng tạm yên bình không tiếng súng luôn có những câu hò đối đáp vang vọng trên dòng sông Hương. Vào những đêm khuya trăng sáng, ánh trăng và giọng hò trải dài từ Linh Mụ, xuống Kim Long, ngang qua Bạch Hổ, xuôi về Phú văn Lâu, Hoàng Cung, qua cầu Tràng Tiền trôi về Thọ Lộc, Vỹ Dạ. Tiếng hò trầm buồn trong đêm trăng thanh vắng nghe như lời ta thán não nuột.


Câu hò đối đi:

Cầu Tràng Tiền bấy nhiêu năm qua lại
Kể từ đời Thành Thái đến nay
Chạnh lòng biết mấy ai ơi
Việc chi nên nỗi dang tay giựt cầu.


Câu hò đáp lại:

Lắm chuyện ly kỳ hỏi làm chi cho tối dạ
Nhịp cầu nghiêng ngã chưa lạ anh ơi
Điện Cần Chánh họ đút họ chơi
Khói bay nghi ngút tận trời anh thấy không


(Ưng Bình Thúc Dạ Thị)

ANNAM-HUE LE PONT THANH THAI



Cầu Trường Tiền đã gãy một nhịp, nhưng dân Huế vẫn cố bồng bế
nhau vượt Hương Giang chạy về nam trốn cộng sản

Khu Quận 2, trung tâm thương mại Huế lại càng điêu tàn và tang thương hơn. Dãy phố nối dài từ bến xe Nguyễn Hoàng xuống đến đường Trần Hưng Đạo, qua đường Phan Bội Châu, đường Hàng Bè, đến khu Gia Hội đường Chi Lăng, khu Trung Bộ, đường Bạch Đằng, đến tận trường trung học Gia Hội, qua khu Bãi Dâu, nhiều cửa tiệm đã sập. Nhiều cửa hàng có đến hằng ngàn vết đạn đầy những xác người và những mồ chôn tập thể.

                                    
Cộng quân giựt sập cầu vào khoảng 11:30 khuya ngày mồng 9 Tết Mậu Thân.
Cầu đứt đoạn nhưng lòng người không đứt

Trở vào quận I thành nội Huế, đây là nơi trong 22 ngày trận chiến xảy ra nặng nề nhất. Bị quân lực VNCH vây chặt, cộng quân không còn đường rút lui nên phải cố phá vòng vây của Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa, Nhảy Dù, Sư Đoàn I Bộ Binh, và tất nhiên dẫn đến điêu tàn và thiệt hại nhân mạng nhiều nhất.

Thành nội Huế với những cửa thành: Thượng Tứ, Chánh Tây, Nhà Đồ, Đông Ba, Cửa Trài, khu Kỳ Đài tất cả đều bị tàn phá sụp đổ nặng nề, có nơi không còn viên gạch nào chồng lên viên đá nào. Khu vực Tây Linh, Tây Lộc, đường Hòa Bình, Đinh Bộ Lĩnh cửa Thượng Tứ, cửa Đông Ba tất cả điêu tàn sụp đổ, xác người sình thối. Tang thương và đau đớn nhất là khu vực Đại Nội, Tử Cấm Thành, một di tích lịch sử vết tích của triều đại nhà Nguyễn đã bị phá hủy nặng nề.

Hơn 150 năm trước dưới triều Vua Minh Mạng, bà Huyện Thanh Quan hoài vọng nhà Lê đã viết trong bài “
Thăng Long Thành Hoài Cổ”:


Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
.


Thì năm 1968 cố đô Huế, Đại Nội, Tử Cấm Thành còn điêu tàn, tang thương và rùng rợn khủng khiếp hơn Thăng Long ngày xưa ngàn lần.

Cung miếu triều xưa tan hoang vì giặc cộng

Và trong những ngày kinh hoàng cơ cực của Mậu Thân 1968, dân chúng Huế không còn chỗ nào nương náu hơn là cũng chính thành phố điêu tàn đổ nát đầy dẫy xác người đã bốc mùi đã thối rữa này. Tất cả các trường Quốc Học, Đồng Khánh, Kiểu Mẫu, Lê Lợi, Thiên Hựu, Thượng Tứ, Hàm Nghi, Dòng Chúa Cứu Thế, nhà thờ Phủ Cam đều biến thành trại tỵ nạn với hằng ngàn người tá túc trong một chỗ với phương tiện vệ sinh hầu như bị ứ tắt hôi thối.

Đàn bà, trẻ thơ, ông già, bà lão, họ kinh hoàng thất thần đói khát, ôm nhau để cùng chết cùng sống trong những giờ phút bi thương đó. Khổ nạn đã vút tận trời xanh, cùng cực đã xuống tận đáy sâu, kể sao cho hết viết sao cho cùng. Ôi! Huế đau thương Huế đọa đày, Huế địa ngục trần gian có thật của năm Mậu Thân 1968.

Và những ngày tháng kế tiếp, Huế trong cảnh điêu tàn phải đối diện với tang tóc chia lìa vì số nhân mạng của tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế bị thảm sát quá lớn. Có thể nói hầu như không có gia đinh nào không có thân nhân bị Việt Cộng sát hại hoặc bắt đi. Vợ mất chồng, con mất cha, anh em mất nhau, bạn gần, bạn xa, hàng xóm láng giềng tự nhiên không bao giờ thấy trở lại.

Huế sống trong chút hy vọng mong manh, và niềm đau đớn tận cùng. Mọi người đã sống trong khắc khoải với hy vọng người thân trở về, và trong nghẹn ngào đau khổ khi tìm thấy xác của thân nhân nằm chết co quắp bên vệ đường Lê Lợi, Duy Tân, Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo, Chi Lăng, Nhà Bè, Đinh Bộ Lĩnh, Hòa Bình, ngã tư Anh Danh, miếu Âm Hồn, hoặc chết tức tưởi trong lùm cây bụi cỏ, dưới hố sâu hầm cạn, tại trường Trung học Gia Hội, Bãi Dâu, tại cửa Đông Ba, Thượng Tứ Nhà Đồ, bên bờ khe vực thẳm, dọc theo Khe Đá Mài, Khe Trái, Khe Lụ, tại vùng Lăng Xá Bàu, Lăng xá Cồn, v.v. Và như Trần Tế Xương đã viết: “Bừng con mắt dậy, ngỡ mình chiêm bao”.

Quả đúng, buổi sáng thức giấc chợt thấy thành phố phủ một màu tang trắng, thật như một giấc chiêm bao! Hằng đoàn người khăn tang áo chế, theo sau hằng trăm cỗ quan tài, nghẹn ngào chậm bước dọc cầu Tràng Tiền, theo đường Lê Lợi lên nghĩa trang Ba Đồn cạnh đàn Nam Giao, nơi mồ chôn tập thể của hàng ngàn nạn nhân vô tội bị Việt Cộng sát hại.

Lễ Tang Tập Thể

Buổi sáng thức giấc như một giấc chiêm bao, chợt thấy thành phố Huế phủ một một màu tang trắng.

Còn gì đau thương hơn, hỡi trời hỡi đất, hỡi sông Hương núi Ngự, hỡi cung miếu triều xưa, hỡi hồn thiêng sông núi, hỡi anh linh tiền nhân, sao nỡ đọa dày dân tộc đến tận cùng khổ đau.

Có thể là một nghiệp báo chăng? Có thể ngày xưa trên đường Nam tiến mở mang bờ cõi, các vị tiên đế đã làm điều gì lỗi đạo với nhân sinh, để ngày nay con cháu phải trả món nợ oan khiên này? Và tại sao lại phải trả bằng chính bàn tay của người Việt giết một cách tàn bạo dã man người Việt? Phải chăng chủ nghĩa cộng sản đã biến những kẻ theo nó không còn là người? Vâng, bọn cộng phỉ chúng đã thành ác thú.

Huế trong tình trạng gạo thiếu, nhu yếu phẩm thiếu, điện thiếu, nước thiếu. Dân Huế quằn quại cơ cực trong các nơi tạm trú, xác người sình thối trong thành phố, và hầu như các trại tỵ nạn không nơi nào có nhà vệ sinh cho đồng bào, vì thế không một trại ty nạn nào mà không bốc mùi hôi thối.

Nguy cơ về những cơn bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Những ngày này thời tiết lại quá xấu, trời thật thấp phủ một màu xám ngắt. Từng cơn mưa phùn trải dài qua thành phố ngày này sang ngày khác. Dưới cái lạnh cắt da, ông già, bà lão, trẻ thơ, run rẩy trong chiếc áo mong manh, họ đang bị đói rét trong đổ nát điêu tàn, trong đau thương quằn quại. Huế đã nằm bất động như người bệnh bán thân bất toại tưởng chừng như không bao giờ gượng dậy nổi.

Một số người Huế đã nói: “Huế chỉ để mà nhớ chứ không để mà ở”, và họ đã bỏ Huế ra đi... Điều gì hãi hùng đã làm họ vĩnh viễn xa lìa Huế?

Liên Thành
__._,_.___

Posted by: <vneagle_11@yahoo.com

Thursday, December 3, 2015

Xin mời đọc TIN SÁCH từ số 1 đến số 15 trên các trang điện tử



Kính thưa quý thân hữu,

Trong khi chờ đợi bản điện tử của tập san TIN SÁCH số 16 do Nhóm Tin Sách thực hiện, xin quý vị vui lòng giúp phổ biến tập san TIN SÁCH số 15 (tháng 9 & 10 năm 2015) tới đông đảo bằng hữu gần xa, để mỗi người một tay, đưa sách Việt đến gần với người Việt. 
​Và nhất là xin quý vị góp tay giúp cho TIN SÁCH 
ngày một phong phú hơn bằng cách liên lạc với nhóm phụ trách để cung cấp thông tin về các tác phẩm văn học mà quý vị thấy cần giới thiệu đến độc giả.

Xin mời đọc TIN SÁCH từ số 1 đến số 15 trên các trang điện tử sau đây: 

​, 
[xin bấm vào tên trang mạng để được chuyển]
​ ​
​​
- Để đọc TIN SÁCH số 15 với hình ảnh rõ nét như bản in trên giấy, xin tải xuống bản PDF đính kèm
   (download attachment)

- Hoặc đọc ngay trên email này.

TIN SÁCH xin trân trọng cảm tạ các thi, văn hữu trong năm qua đã tận tình hỗ trợ bằng cách gởi tác phẩm
 tới TIN SÁCH.
Rất mong quý vị tiếp tục hỗ trợ để TIN SÁCH thực hiện được mục tiêu "đưa Sách Việt đến gần Người Việt".
Xin quý vị gởi tác phẩm cho TIN SÁCH qua địa chỉ dưới đây:

TS TIẾNG QUÊ HƯƠNG
c/o Trịnh Bình An
P.O. Box 4653
Falls Church - VA 22044 - USA
Nhóm Phụ Trách TIN SÁCH chân thành cảm tạ quý vị.

* ​
Xin lưu ý:
Do vì một số 
​thân hữu
 có hơn một địa chỉ email nên có thể nhận được email này nhiều lần, trong trường hợp ấy xin quý thân hữu vui lòng tha thứ cho. Và nếu như không muốn nhận email từ TBA gởi tới, cũng xin vui lòng cho biết. Chúng tôi sẽ 
​đưa
 tên quý thân hữu ra khỏi danh sách. Xin chân thành cảm ơn sự hỗ trợ của quý thân hữu .

Trịnh Bình An


                                                                                                              Click! Click! Click!

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~











































__._,_.___

Posted by: "Nhat Lung" 

Tuesday, December 1, 2015

Radio Saigon Dallas phỏng vấn nhà báo Huỳnh Lương Thiện về phim 'Terror in Little Saigon'


Radio Saigon Dallas phỏng vấn nhà báo Huỳnh Lương Thiện về phim 'Terror in Little Saigon'


Hạnh Dung: Thưa anh, một trong những đề tài thời sự "hot" nhất hiện nay là phim "Terror in Little Saigon" (Khủng Bố tại Sài Gòn Nhỏ). Bộ phim phóng sự này do nhóm phóng viên A.C. Thompson thực hiện được hệ thống truyền hình PBS trình chiếu hôm 3/11 vừa qua đã tạo nên những phản ứng rất sôi nổi trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Nhờ sự sôi nổi đó mà các khía cạnh của cuốn phim phóng sự này được phân tích, phản bác và bình luận. Nội dung phim thì cáo buộc tổ chức Mật Trận Quốc Gia Giải Phóng Việt Nam - hay còn gọi là Mặt Trần Hoàng Cơ Minh - hoặc chịu trách nhiệm hoặc là nghi can của vụ giết 5 nhà báo trong cộng đồng Việt mà đến nay chưa có kết luận. Đảng Việt Tân đã mạnh mẽ phản đối bộ phim và một số nhân vật và hội đoàn trong cộng đồng đã lên tiếng phản đối; và cũng có một số người thì lại hoan nghênh phim này. Anh Huỳnh Lương Thiện đã xem phim này hay chưa?
Huỳnh Lương Thiện: Dạ có xem.
Hạnh Dung: Được biết trước kia anh từng là thành viên của Mặt Trận, từng là chủ nhiệm báo Kháng Chiến một thời gian trước khi anh rời Mặt Trần phải không, thưa anh?
Hạnh Dung: Và được biết anh cũng đã được nhóm làm phim "Terror in Little Saigon" mời phỏng vấn, đúng không anh?
Huỳnh Lương Thiện: Dạ có.
Hạnh Dung: Như vậy có thể xem anh Thiện như người trong cuộc. Vậy anh có thể cho biết vài nhận định của anh về cuốn phim này và mục đích của cuốn phim này là gì; là một phim tài liệu hay một phim mang tính cách tuyên truyền, thưa anh?
Huỳnh Lương Thiện: Cám ơn Hạnh Dung, đúng như vậy. Thưa quý đồng hương và quý thính giả. Có thể nói từ ngày 3 tháng 11 tới bây giờ, cộng đồng chúng ta nhu "sốt" theo cơn sốt này. Quý vị theo dõi trên đài radio, truyền hình, báo chí hoặc trên net.. ngày nào cũng có ít nhất là ba, bốn bài mới cũng như cũ về đề tài này. Cũng may mắn là tôi được coi như là một người trong cuộc, mặc dù rất là xa; đây là câu chuyện rất cũ rồi. Tôi cũng xin được trả lời trong khả năng hiểu biết của tôi.
Đầu tiên Hạnh Dung hỏi tôi có coi hay không thì tôi nghĩ rằng đa số đồng bào đều coi và tôi cũng là người dính dáng tới thì cũng coi.
Hạnh Dung: Hạnh Dung cũng đang rất tò mò và quý thính giả theo dõi chắc chắn sẽ lắng nghe những gì anh trình bày.
Huỳnh Lương Thiện: Vâng, mình sẽ cố gắng nói thật trong những gì mình biết. Tôi qua Mỹ tháng 4/1984, là qua chính thức; trước kia tôi thỉnh thoảng có qua để hoạt động thôi. Lúc đó tôi là thành viên của Tổ chức Người Việt Tự Do. Khi đó anh em quyết định sáp nhập vào Mặt Trận. Vào đầu tháng 4 tôi được ông Tổng vụ trưởng Tổng vụ hải ngoại lúc đó là ông Phạm Văn Liễu, thay mặt Mặt Trận điều động tôi qua bên Mỹ để phục vụ trong Vụ tuyên vận đảm nhiệm qua tờ báo Kháng Chiến. Lúc đó tôi làm Chủ tịch Phong Trào Quốc Gia Yểm Trợ Kháng Chiến tại Nhật. Tôi qua Mỹ vào ngày 28/4/1984 thì tới đầu hoặc giữa tháng 5 tôi bắt đầu trông coi tờ báo Kháng Chiến. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn tôi cũng như tất cả mọi người lúc đó đều thấy có điều rất buồn, là có hai vị lãnh đạo Mặt Trận lúc đó là Chủ tịch Mặt Trận, ông Hoàng Cơ Minh và Tổng vụ hải ngoại lúc đó là ông Phạm Văn Liễu. Hai người này có thể nói là một cặp bài trùng rất khá, rất là tốt. Ông thì lo bên trong chiến khu quốc nội, ông thì lo bên ngoài. Vì nhiều lý do hai vị này bắt đầu có sự gây cấn với nhau, đối kháng với nhau, lời qua tiếng lại với nhau. Từ lúc đầu cũng không có gì.., nhưng từ từ cái sảy nảy cái ung, cuộc đối đầu leo thang .
Tôi cũng như nhiều anh em rất buồn; người ta than khóc lắm. Cũng ba mươi mấy năm về trước rồi, lúc đó tôi còn rất trẻ. Tôi vừa làm việc nhưng trong lòng không ổn tí nào. Tôi cũng có cơ hội gặp hai vị này và tôi có thưa với hai anh - tôi nói thẳng và kêu bằng anh - Minh và Liễu rằng "tụi em đến với Mặt Trận cùng đoàn kết với các anh để đánh VC, mà tự nhiên hai anh"... tôi nói nôm na nha,.. "tự nhiên bây giờ hai anh chia hai phe đánh nhau thì tụi em biết đứng phe nào? Nếu hai anh không ngồi xuống thì em chắc phải xin phép rời khỏi Mặt Trận." Đó là tôi nói thật, và dĩ nhiên mình nhỏ quá, chẳng có tiếng nói nên mấy ông gật gù thôi chứ mình đâu có khả năng, uy tín gì mà mấy ông nghe. Sự bất đồng ý kiến với nhau càng ngày càng gay gắt và nặng nề.
Tới cuối năm 1984 tại Đại hội của ông Chủ tịch Hoàng Cơ Minh tại Bắc California thì tôi có đến đó và tôi có nói lời chia tay. Tôi có nói "Như em đã nói chuyện với anh cách đây mấy ngày, nếu hai anh không có sự đoàn kết bắt tay với nhau thì em không còn lòng dạ và tinh thần để làm việc cả, và em xin rút lui. Chúc các anh mọi sự tốt đẹp." Như vậy tôi làm tờ Kháng Chiến được 7 tháng, từ tháng 5 đến tháng 12.
Dung Hạnh: Đó là lý do anh rời Mặt Trận?
Huỳnh Lương Thiện: Dạ đúng vậy. Trở lại vấn đề thì trong nhóm làm phim PBS này anh chàng A.C. Thompson nói rõ, không chỉ có người Mỹ mà có hai người Việt Nam mà anh ấy có nêu tên, đã cộng tác làm cuốn phim này. Một trong hai người cộng tác này có liên lạc và mời tôi cách đây hơn một năm trước. Anh ấy nói biết hồi xưa anh Thiện cũng là một nhân vật quan trọng trong Mặt Trận và đài truyền hình này muốn lật lại hồ sơ cũ. Thứ nhất là nhân dịp 40 năm nói về sự phát triển của cộng đồng. Thứ hai là họ cũng muốn tìm hiểu thêm về 5 nhà báo Việt Nam lúc đó bị ám sát mà có nhiều người nghi ngờ là Mặt Trận. Và họ có hỏi tôi có ý kiến đóng góp hay không? Thì tôi trả lời "no" ngay.
Lý do là như thế này. Theo tôi biết, FBI họ đã điều tra tới 15 năm trời rồi mà FBI nhân sự rất dồi dào, đúng không ạ? Đâu phải một, hai người; họ có cả ê-kíp, cả nhóm. Nhân sự dồi dào mà người của họ lại chuyên nghiệp. FBI và cảnh sát nữa. Tôi không biết có CIA không? FBI có, cảnh sát có, nhân sự dồi dào, có bài bản; họ chuyên nghiệp, chuyên môn điều tra. Tiền bạc, phương tiện và thời gian của họ vô hạn định. Có 15 năm để điều tra mà không [tìm] ra, không biết kết quả là ai; họ cẩn trọng lắm. Mặc dù họ có nghi ngờ người này người kia, tổ chức này, tổ chức nọ, Mặt Trận họ có nghi ngờ đấy. Nhưng họ rất cẩn trọng, không có một manh mối, một bằng cớ rõ ràng nào để họ kết luận ai là tác giả, ai là thủ phạm của những vụ ám sát này. Việc đã xong rồi thì tôi nói cái gì bây giờ? Mà nếu tôi gặp mấy ông thì tôi có nói cũng chỉ nói hai chữ là "I don't know" thôi, chứ biết nói gì bây giờ. Thành ra tôi từ chối. Tôi thấy việc tôi từ chối là một cái may, và tôi cũng thấy cái chuyện đó nó không đáng nữa. Tại sao mấy ông này bây giờ lại khơi lại vụ này làm chi vậy? Tôi có nói với anh này là có biết bao nhiêu chuyện đáng cần thời giờ, công sức của mình cho Việt Nam. Trong nước người dân đấu tranh, có biết bao nhiêu dân oan... mình phải tiếp tay cho cuộc đấu tranh trong nước chứ tại sao bây giờ khơi lại một chuyện cũ đã bó tay FBI, thì mình làm gì bây giờ? Cho nó qua đi. Đó là ý kiến của tôi về việc này.
Bảo Bảo: Cám ơn anh Huỳnh Lương Thiện cho lời giải thích vừa nêu trên.
Hạnh Dung: Xin lỗi ngắt lời Bảo Bảo một chút xíu. Anh chưa trả lời một điều mà Hạnh Dung tò mò hỏi anh, đó là, theo anh thì cuốn phim này thuộc về tài liệu hay là một cuốn phim tuyên truyền, thưa anh?
Huỳnh Lương Thiện: Tôi theo dõi cuốn phim thì tôi thấy cuốn phim này làm theo dạng tài liệu, nhưng lại có kịch bản và định kiến sẵn. Theo anh chàng A.C. Thompson thì anh này nói muốn đi tìm sự thật, tìm ra thủ phạm nào đã giết 5 nhà báo người Việt này. Anh ấy nói đó là mục tiêu đầu tiên. Nhưng thật sự theo mình thấy thì có lẽ anh này đã tìm hiểu trước rồi hay đã đọc hồ sơ và có sẵn trong đầu "cái này là chắc mấy ông Mặt Trần rồi chứ không ai hết trơn". Tức trong đầu có sẵn định kiến rồi, cho nên những bài bản là làm sao quy kết về một mối đó thôi, mặc dù rõ ràng mình thấy, là sau một thời gian điều tra là hơn 2 năm... Và cũng tốn nhiều tiền lắm, đài PBS và Frontline (Tiền Tuyến) bỏ tiền ra tài trợ cho phim này, và anh [A.C. Thompson] có cả tiền bay tới Thái Lan để gặp lính Lào hồi xưa dẫn đường cho mấy toán quân của ông Minh; rồi anh này đi Nam Cali, Bắc Cali. Tóm lại là tốn rất nhiều tiền bạc. Rồi cũng chịu khó phỏng vấn - theo ông là 140 người mà lên [phim] có mấy người thôi - mà kết quả không ra một manh mối nào, một thủ phạm rõ ràng nào. Đại khái là ông ấy chê FBI làm ăn dở quá, nhưng ruốt cuộc cũng vậy thôi, và vẫn chĩa mũi dùi và cáo buộc như tôi có nói lúc nãy. Lời kết luận mà ông ấy nói với người con của nhà báo Đạm Phong là anh Nguyễn Tú, là tổ chức, đoàn thể mà chịu trách nhiệm về cái chết của ông Đạm Phong theo ổng vẫn là K9 của Mặt Trận. Nhưng đó cũng chỉ là theo lời ông ấy thôi, chứ thật sự không có một bằng cớ nào cả.
Theo tôi thấy thì đầu tiên ông nói như thế này: ông ấy làm một phóng sự cho một ký giả người da đen bên Oakland bị bắn chết, tôi nghĩ cách đây khoảng 5, 6 năm. Vụ đó nổ lớn ở Bắc Cali và làm rúng động cả tiểu bang Cali nói chung chứ không riêng Bắc Cali. Anh ấy gặp một người làm phóng sự, quay phim là Tony Nguyễn. Ông chàng này nói "tôi thấy có một ông ký giả người Mỹ bị bắn chết mà mấy ông làm rầm rộ dữ vậy, trong khi phía cộng động Việt Nam tôi có 4, 5 ông bị bắn chết mà không thấy truyền thông Mỹ quan tâm". Ông A.C. Thompson này ngạc nhiên nói có thật không, thì ông kia nói "thật chứ". Có thể anh này đã từng có một cảm tình gì đó rồi.
Vào năm 1991, 1992 anh ấy có làm một cuốn phim nói về cái chết của anh Dương Trọng Lâm, một trong 5 người được đề cập đến trong vụ này. Anh Dương Trọng Lâm là một sinh viên thiên tả, thân cộng học ở Berkley. Anh này ở San Francisco và có làm tờ báo Cái Đình Làng và nội dung tờ báo này rõ ràng là thân cộng sản. Anh Dương Trọng Lâm bị bắn chết ngày 7/8/1981. Anh chàng Tony Nguyễn có thể quen biết và có cảm tình nên có làm một cuốn phim ngắn gọi là "Enforcing the Silence" nói về cái chết này và cũng đổ thừa cho Mặt Trận. Tuy nhiên phim này không nổi tiếng, hầu như không gây một tiếng vang nào cả và có đưa phim này cho A.C. Thompson. Anh A.C.Thompson thấy cũng có bài bản đàng hoàng và có thể vì tò mò hay hạp với nghề nghiệp nên nghĩ khai thác cái này sẽ hay. Thành ra tôi nghĩ có thể khởi đầu do sự thúc đẩy nghề nghiệp phiêu lưu của anh ấy làm những phóng sự điều tra nên đã "lao" vào. Rồi anh ấy xin tài liệu của FBI, đọc xong thấy có lý và nghĩ "đến phiên mình nhào vô". Sau đó làm báo cáo lên cho sếp của mình và một thời gian sau phía PBS và Frontline chấp thuận và cấp ngân khỏan cho anh ấy.
Theo tôi thấy có lẽ anh này làm là vì anh ấy thôi vì anh ấy xuất hiện trong chương trình này rất nhiều. Và suốt thời gian anh ấy đi hỏi người này người kia có thể mất rất nhiều giờ nhưng vẫn không ra một manh mối cụ thể nào cả. Chính vì vậy mà anh ấy phải làm ra một kịch bản ghê gớm. Ví dụ khi phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Nghĩa thì ông có đề nghị ông Nguyễn Xuân Nghĩa bịt mặt lại. Tức là làm có vẻ cho người xem cảm thấy đây là một cái gì kinh khủng lắm, [tạo ấn tượng] người trả lời sợ hãi đến độ phải che mặt hay phải đổi giọng. Rồi khi phỏng vấn anh Đỗ Thông Minh ông ấy cũng đề nghị như vậy. Anh Đỗ Thông Minh nói rất ngạc nhiên vì họ quay trực diện và trả lời 3, 4 tiếng đồng hồ; vậy mà khi ông [Đỗ Thông Minh] lên chỉ nói một câu, không tới một phút. Ổng nói "tôi không chắc là tôi đã biết việc này", mà lại quay đàng sau quay tới và quay thoáng thoáng thôi. Tất nhiên tạo ấn tượng cái này ghê ghớm lắm làm người trả lời không dám đưa mặt ra. Ngay cả qua Thái gặp những lính Lào cũng vậy. Những người lính Lào là những người dẫn đường cho những toán quân kháng chiến của ông Chủ tịch Hoàng Cơ Minh về Việt Nam, thì mấy ông lính Lào này cũng còn đó, cũng bịt mặt, rồi cũng nói ông Hoàng Cơ Minh này kia, rồi có bắn, giết người kia v.v..
Tóm lại thì tôi thấy phim này là có chủ đích. Thứ nhất là, vì tìm không ra thủ phạm rõ ràng cho nên anh này phải đi tới cái gián tiếp, đó là dựa theo những bài bản cũ. Quan trọng nhất là anh ấy khai thác nhiều về người con của ông Đạm Phong. Đương nhiên, bố mình bị chết thì người con rất đau khổ. Và người con cũng nghi ngờ, nói trước khi bố tôi chết bị Mặt Trận hăm dọa này kia.  Anh ấy đưa ra những cái gián tiếp thôi chứ chưa có một cái gì trực tiếp cả. Và kết một cách làm cho người ta tin rằng Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam đã nhúng tay vào việc này mặc dù không có bằng cớ nào rõ ràng. Nhưng bây giờ Mặt Trận không còn nữa thì mấy ông Việt Tân coi như "lãnh đạn", coi như Việt Tân là hậu duệ của Mặt Trận. Có cái ác ý đó chứ không phải là không.
Dung Hạnh: Như vậy là ông Tony Nguyễn qua cuốn phim "Enforcing the Silence" cũng đã đổ thừa cho Mặt Trận đã giết nhà báo Dương Trọng Lâm.
Huỳnh Lương Thiện: Dạ vâng.
Hạnh Dung: Hạnh Dung có nghe được nguồn tin thế này cũng xin được chia sẻ, nếu thấy gì thiếu sót hoặc không chính xác lắm thì xin anh chia sẻ với quý đồng hương. Vụ đổ thừa cho Mặt Trận ám sát nhà báo Dương Trọng Lâm thì Hạnh Dung nghe thoang thoáng rằng có 5 nhà báo Việt ở Hoa Kỳ bị một nhóm gọi là K9 ám sát. K9 đây là "Khu 9" phải không, anh, và thuộc Mặt Trận Hoàng Cơ Minh hoặc đảng Việt Tân bây giờ. Anh có thể chia sẻ chút ít về K9 được không ạ?
Huỳnh Lương Thiện: Dạ vâng. Trong team điều tra của ông A.C. Thompson nhắc đến K9 mà theo điều tra của ông ấy K9 là một bộ phận của Mặt Trân và phải chịu trách nhiệm cho những vụ ám sát này, nhưng ông không biết người nào ra lệnh và người nào là thủ phạm. Theo ông ấy là như vậy. Nhưng ông không đưa ra một bằng cớ nào rõ ràng. Trong team điều tra cũng đưa ra những biên bản điều tra của FBI và cũng có viết về K9. Nhưng không có một cái gì rõ ràng, không có một văn bản nào chứng tỏ K9 thực hiện việc này, cũng như mục đích K9 là gì.
Theo những người lãnh đạo của Mặt Trận sau này như ông Lý Thái Hùng, ông Hoàng Cơ Định, ông Đỗ Hoàng Điềm, kể cả ông Nguyễn Xuân Nghĩa, đều nói rõ K9 cũng chỉ là một trong nhiều khu bộ. K là khu bộ, thí dụ ở Mỹ là K1, Canada là K2, Úc là K3, đại khái như vậy. Có tất cả là 8K, từ K1 đến K8. Nhưng có một khu bộ 9 đặc biệt dành cho những vị đặc biệt như những vị chức sắc hồi xưa, những ông tướng, ông tá hay bộ trưởng, đại khái là như thế. Họ không ở trong một đơn vị bình thường nên có một đơn vị đặc biệt dưới sự điều hành trực tiếp của ông Tổng vụ trưởng là cựu Đại tá Phạm Văn Liễu.
Thành ra Mặt Trận xác nhận có K9 nhưng K9 cũng chỉ là một bộ phận sinh hoạt bình thường chứ không ám sát gì trong này cả. Họ công khai trả lời như vậy.
Dung Hạnh: Rất cám ơn sự chia sẻ rất rõ ràng và cặn kẽ của nhà báo Huỳnh Lương Thiện.
Bảo Bảo: Trở lại với cuốn phim vừa nói, thì cuốn phim đã không những không giúp truy tìm thủ phạm của 5 vụ án mà nó lại gây phân hóa trong cộng đồng, có kẻ binh người chống. Có nhiều ý kiến cho rằng phim này đã tố Mặt Trận và Việt Tân. Vậy theo quan điểm của anh thì bộ phim này có liên quan và ảnh hưởng gì đến Việt Tân không?
Huỳnh Lương Thiện: Dạ vâng. Tôi xin nhắc lại 5 nhà báo đó là ai. Thứ nhất là ông Dương Trọng Lâm, chủ nhiệm tờ báo Cái Đình Làng. Ông bị ám sát tháng 8 năm 1981. Thứ hai là nhà báo Đạm Phong, chủ nhiệm báo Tự Do ở Houston. Ông bị ám sát tháng 8 năm 1982. Người thứ ba là ông Phạm Văn Tập (tức Hoài Điệp Tử), chủ nhiệm báo Mai. Ông bị đốt nhà và chết tại Garden Grove, Nam Cali năm 1987. Thứ tư là ông Đỗ Trọng Nhân bị bắn chết tháng 11 năm 1989. Ông này chỉ là một nhân viên của tòa soạn báo Văn Nghệ Tiền Phong. Và người thứ năm là ông Lê Triết, một cây viết chủ lực của báo Văn Nghệ Tiền Phong. Ông bị bắn chết ngày 22 tháng 9 năm 1990.
Trong 5 người này thì chỉ có 2 người có thể có một yếu tố nào đó đáng quan tâm để FBI tiến hành điều tra và nghi ngờ về Mặt Trận là ông Đạm Phong và ông Lê Triết. Hai ông này có viết bài đả kích Mặt Trận rất rõ ràng, và liên tục nhiều bài. Còn ông Dương Trọng Lâm như tôi nói, bị bắn chết vào năm 1981, lúc đó Mặt Trận chưa ra đời vì đến năm 1982 hoặc 1983 Mặt Trận mới bắt đầu hoạt động. Còn ông Đỗ Trọng Nhân chỉ là một nhân viên thường của báo Văn Nghệ Tiền Phong mà thôi. Còn ông Hoài Điệp Tử bị cháy nhà. Tưởng tượng có ai bị ám sát bằng việc đốt nhà? Đốt bao lâu nhà mới cháy để người kia chết? Có thể là vì một accident nào mình không biết được. Cũng chưa bao giờ thấy tờ báo Mai có bài nào chống đối Mặt Trận cả. Thành ra tôi thấy có nhiều sự gán ghép; trong này có hai ba người thấy nó gán phép, gượng gạo, không vững lý. Tôi thấy nó là như vậy.
Còn về thiên phóng sự này thì rõ ràng, là tuy không có bằng cớ gì cả nhưng rõ ràng ông A.C. Thompson cũng đã nói rõ, là hướng điều trả đều chỉ về phía Mặt Trận. Cũng có người nói rằng nó đánh Việt Tân thì để Việt Tân đỡ chứ mắc mớ gì đến cộng đồng. Nhưng thật ra không phải vậy. Nếu quý vị xem bộ phim sẽ thấy rằng, đúng, cái chủ đích, mục tiêu mà họ muốn nhắm tới, là Việt Tân. Nhưng nếu nhắm vào Việt Tân thì tại sao mới vào phim toàn chiếu đoạn mình diễn hành ở Nam Cali với cờ vàng ba sọc đỏ với lính tráng này kia. Rồi khi lên Bắc Cali cũng vậy, ông ấy vào tham dự một đại hội thiết giáp ở Bắc Cali và chiếu hình ảnh lính tráng, rồi chiếu đầu lau (phụ hiệu), rồi chiếu rắn, tìm những khuông mặt dữ dằn chẳng hạn để đưa vào [phim]. Còn nói những câu như "Họ (lính tráng) đang muốn thực hiện lại một cuộc chiến cũ trên mảnh đất mới." Ý là những người cựu quân nhân này đã thua rồi, đã thất bại năm 1975 rồi mà qua đây còn mặc áo lính, còn súng óng, còn diễn hành một hai một hai với đầu lau này kia, và muốn dựng lại một cuộc chiến cũ trên mảnh đất mới này,.. Thì đó có phải là đụng chạm tới màu cờ sắc áo của các cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa hay không?
Thứ hai, là ngay cả cái tựa đề "Khủng bố ở Little Saigon" đã xúc phạm đến cộng đồng rồi, cho nên nhiều vị, như Tiến sĩ Đỗ Hùng là Chủ tịch Little Saigon Foundation, lên tiếng phản đối ngay. Bác sĩ Phạm Đức Vượng đại diện cho Tập hợp Chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa tại Tây Bắc Hoa Kỳ cũng lên tiếng phản đối ngay trên đài. Ông Hội trưởng Hội thiết giáp - tôi quên tên rồi - cũng lên tiếng phản đối ngay. Và nên nhớ rằng nhờ phản đối như vậy nên ông A.C. Thompson phải lên tiếng xin lỗi cộng đồng trên báo Người Việt. Ông ấy nói không ngờ phim này với danh xưng Little Saigon đã gây xúc phạm như vậy. Sau đó tại Bắc Cali là Ls. Nguyễn Hoàng Duyên phỏng vấn [A.C. Thompson] và cũng đặt vấn đề tại sao lại sài tên Little Saigon và khủng bố, đó là sai hoàn toàn. Ông ấy cũng ngỏ lời xin lỗi ngay và nói tựa đề đó do sếp ông ấy đặt. Thành ra cộng đồng và nhất là các cựu quân nhân có bị văng miểng, có bị xúc phạm chứ không phải không. Và nếu không lên tiếng thì làm sao ông ấy xin lỗi? Ông ấy có nhận lỗi rõ ràng mà.
Dung Hạnh: Trong cuốn phim họ cũng không đi tìm được thủ phạm của 5 vụ án mà lại gây phân hóa trong cộng đồng như vậy, thì Hạnh Dung được nghe một nguồn tin cho là Việt cộng đứng đàng sau cuốn phim này. Anh nghĩ thế nào về việc này?
Huỳnh Lương Thiện: Mình cũng suy đoán thôi. Lý do cũng không phải là hoàn toàn vô lý. Người Việt Nam cộng tác làm cuốn phim này là Tony Nguyễn. Anh này có nói rằng cuốn phim này ngoài sự tài trợ của PBS, Frontline còn được sự ủng hộ, tài trợ từ phía Việt Nam. Ở Việt Nam thì ai bây giờ? Ngoài ra trước khi cuốn phim này chiếu thì ở Việt Nam tờ báo Thanh Niên của Cộng sản đã nói về cuốn phim này trước đó 4 tiếng đồng hồ. Và ông A.C. Thompson hiện ngay bây giờ cũng chính thức nhờ báo Thanh Niên tiếp tay để tìm ra thủ phạm. Qua những điều này người ta mới nghi chứ không phải tự nhiên..., không có lửa sao có khói? Và rõ ràng cuốn phim này bôi nhọ thứ nhất là Việt Tân, thứ hai là cộng đồng hải ngoại. Mà Việt Tân thì tôi nhớ trong buổi ông Đỗ Hoàng Điềm họp báo tại Nam Cali ngày 14/11, nhà báo Vi Anh đã nói rằng Việt cộng trong nước gán ghép Việt Tân là khủng bố mà cũng không bao nhiêu người tin; mà bây giờ ở hải ngoại cuốn phim này cũng gán và nói giùm cho Việc cộng là Việt Tân cũng khủng bố nữa, thì quý vị thấy thế nào? Ký giả Vi Anh có nói như vậy.
Dung Hạnh: Thưa anh Thiện, mặc dù thời gian cũng không còn nhiều, tuy nhiên cho Hạnh Dung hỏi thêm một câu chót. Trong cộng đồng có cuộc vận động để lấy chữ ký yêu cầu FBI tiếp tục cuộc điều tra thì anh nghĩ như thế nào, có nên hay không ạ?
Huỳnh Lương Thiện: Có thể có những người trong cộng đồng từ xưa không quan tâm đến chuyện này và bây giờ thấy chuyện này thì thấy tội nghiệp quá. Năm người bị giết mà yên lặng, cho nên họ cũng yêu cầu điều tra để cho họ cảm thấy rằng họ là người yêu sự thật chứ không bao che, như ông A.C. Thompson nói FBI là bao che, hoặc một số người trong cộng đồng bao che, không chịu khai, không chịu hợp tác. Thì cái chuyện này bình thường thôi. Nhưng theo tôi nghĩ, một lời nói như vậy không chưa đủ. Vì sao? FBI đã bỏ bao nhiêu thời giờ, công sức, tiền bạc,... và bây giờ họ nói "điều tra nữa đi" là sao? Khả năng [điều tra] của họ chỉ đến đó... trừ khi mình đưa ra một bằng cớ nào. Thí dụ bây giờ ngay cả ông A.C. Thompson hay ông Đỗ Hoàng Điềm, Chủ tịch Việt Tân cũng có nói; nếu ai có bằng cớ gì mới thì cứ đưa ra. Hoặc có thủ phạm nào ăn năn hối cải đầu thú chẳng hạn, hoặc có một manh mối nào đó... thì tôi nghĩ rằng lời nói dễ áp lực đẩy việc điều tra hơn. Còn nói "Tôi mới coi phim này và yêu cầu điều tra tiếp" thì tôi thấy rất khó.
Hạnh Dung: Dạ vâng, cũng khó vì mỗi lần điều tra tốn nào là thời gian, tiền bạc nữa phải không thưa anh?
Huỳnh Lương Thiện: Đúng vậy, nhưng nên nhớ rằng mỗi năm nước Mỹ này có hàng ngàn vụ điều tra mà không đi đến đâu và họ đã bỏ. Họ có một cái fund, thời giờ, công sức, tiền bạc cho cái vụ này không? Và với khả năng chuyên nghiệp tối đa của họ mà đã mất tới 15 năm không phải là ít; đâu phải nói họ lơ tơ mơ được. Nếu 2, 3 năm mà bỏ [điều tra] thì khác, còn đây tới 15 năm mà. Đối với họ như vậy là đủ rồi, còn ai muốn điều tra thì đưa bằng cớ thêm. Đương nhiên là tự do của mình thì mình có quyền, và có tìm ra được manh mối, tìm được thủ phạm cũng tốt cho cộng đồng, tốt cho Việt Tân nếu bên Mặt Trận họ không có làm. Phải có cái gì rõ ràng chứ nói khơi khơi như vậy cũng khó lắm.
Dung Hạnh: Rất cám ơn nhà báo Huỳnh Lương Thiện đã trả lời cuộc phỏng vấn khá tế nhị này, giúp làm sáng tỏ một số vấn đề mà cộng đồng đang quan tâm chung quanh cuốn phim "Khủng bố tại Little Saigon".
Huỳnh Lương Thiện: Tôi cũng rất hân hạnh được trả lời cuộc phỏng vấn tế nhị này trong khả năng của mình. Mình cũng đóng góp để làm sáng tỏ sự quan tâm trong cộng đồng. Xin cám ơn quý vị đã lắng nghe.







__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

Featured Post

BẠN TÔI: ĐẠI ÚY TRẦN QUANG HIỆP

 https://www.facebook.com/groups/160591528349491/permalink/723350692073569/ https://www.youtube.com/watch?v=oqhFQFR2-JM Chuyện Xứ Xã Nghĩa r...

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List