Ra mắt sách 'Dòng họ Ngô Đình, Cuộc Cách Mạng Bị
Phản Bội'
Monday, November 9, 2015 5:52:16 PM
Nguyên Huy/Người Việt
WESTMINSTER (NV)
- Trong không khí của những ngày đầu tháng 11, thời gian để tưởng nhớ đến một
vị tổng thống VNCH đã chết để bảo vệ chủ quyền đất nước, cựu Trung Tá Nguyễn
Văn Minh, chánh văn phòng của ông Ngô Đình Cẩn, tổ chức buổi ra mắt sách viết
về dòng họ Ngô Đình và cuộc Cách Mạng do Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, chủ
trương đã bị phản bội.
Tác giả Nguyễn Văn Minh tâm tình với độc
giả trong buổi ra mắt sách.
(Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Buổi ra mắt sách được tổ
chức tại Hội Trường Văn Lang trên đường Moran trong thành phố Westminster, vào
sáng Chủ Nhật 8 tháng 11, 2015.
Trong số hơn 100 quan
khách tham dự, cô Phiến Đan trong ban tổ chức giới thiệu các đại diện một số
hội đoàn và nhân sĩ có mặt như các cựu sĩ quan Thủ Đức, cựu sĩ quan trường Đồng
Đế, đại diện hội Thủy Quân Lục Chiến, đại diện Thượng Nghị Sĩ tiểu bang Janet
Nguyễn, Diễn Đàn Giáo Dân, Bác Sĩ Nguyễn Trọng Việt, cựu Luật Sư Đoàn Thanh
Liêm...
Hai diễn giả chính giới
thiệu cuốn sách là Giáo Sư Trần Huy Bích và nhà văn Trần Phong Vũ.
Giáo Sư Trần Huy Bích mở
đầu phần giới thiệu sách của mình bằng những lời khen tặng: “Đây là một cuốn
sách đẹp và bền để những người yêu sách và quý trọng Cố Tổng thống Ngô Đình
Diệm có thể giữ lâu trong tủ sách gia đình. Bìa cứng, đóng gáy rất cẩn thận,
chữ trên bìa và gáy được mạ vàng. Sách được in trên loại giấy trắng tốt và dầy,
nên sáng sủa, dễ đọc và rất bền. Điều ấy chứng tỏ tấm lòng trân trọng của tác
giả khi viết và tự xuất bản cuốn sách.”
Sau đó Giáo Sư Trần Huy
Bích đi vào nội dung cuốn sách với 33 chương mà 5 chương đầu nói về dòng họ Ngô
Đình và từ chương 6 trở đi là nói về cuộc Cách Mạng mà anh em trong dòng họ Ngô
Đình chủ trương đã bị phản bội như thế nào.
Từ chương 6 trở đi tác
giả lược lại tình thế chính trị khi ông Ngô Đình Diệm về làm Thủ Tướng trong
“chính sách” Bảo Đại. Những công việc to lớn khó khăn tế nhị như việc thâu tóm
quyền hành, dẹp các sứ quân mà người Pháp để lại và tổ chức cuộc di cư vĩ đại
cho gần một triệu đồng bào từ bỏ phần đất được chia cho cộng sản qua Hiệp Định
Đình Chiến Genève 1954, là những việc mà nhiều người tưởng không thể làm được
thì chính phủ Ngô Đình Diệm đã hoàn tất thành công nhanh chóng.
Kế đó là những nỗ lực
của chính phủ Ngô Đình Diệm trong việc mở mang đất nước, ổn định tình hình phát
huy văn hóa giáo dục trong toàn dân, cải cách dinh điền, thành lập các Ấp Chiến
Lược để ngăn cách dân chúng với du kích cộng sản đến phá hoại và ép buộc dân
chúng đón nhận các cán binh Cộng Sản từ Bắc vào phát động cuộc chiến tranh
khủng bố phá hoại gọi là “chiến tranh nhân dân.”
Theo tác giả cuốn sách
thì đó là cuộc Cách Mạng cho toàn dân ở miền nam và cuộc cách mạng ấy không phù
hợp với chính sách “be bờ, tiền đồn chống Cộng” của chính phủ Hoa Kỳ nên đã bị
Hoa Kỳ mua chuộc những người thân trong gia đình họ Ngô để làm cuộc đảo chính
và phá hoại cuộc Cách Mạng tốt đẹp ấy.
Giáo Sư Trần Huy Bích đang trình bày những
tài liệu mới tìm được về nghi vấn
người ném chất nổ ở đài phát thanh Huế 1963. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Giáo Sư Trần Huy Bích có
nhận xét: “Tác giả từng ở vị trí rất thuận lợi, giúp ông biết được nhiều điều
mà người khác không thể biết. Ngoài ra tác giả còn tìm hiểu thêm rất rộng rồi
biên soạn rất công phu.”
Tiếp đó Giáo Sư Bích đã
đi sâu vào biến cố “Đài Phát Thanh Huế” và đưa ra được những tài liệu về nhân
vật “Đại Úy James Scott,” người đã ném chất nổ vào đám đông Phật Tử đang kỷ
niệm ngày Phật Đản. Việc này tin tức trong thời gian ấy đã loan đi nhiều cách
khác nhau tùy theo quan điểm chính trị lúc bấy giờ nên không ai biết sự thực có
phải như vậy không. Giáo Sư Bích đã lục tìm trong khắp thư viện và “may mắn tôi
đã tìm ra được lý lịch của hai vị đại úy cùng có tên James Scott trong Quân Lực
Hoa Kỳ và cùng từng phục vụ trong chiến tranh Việt Nam,” Giáo Sư Bích vui vẻ
nói.
Điều này sẽ làm sáng tỏ
nguyên nhân sự khủng bố ấy không phải do chính quyền và cũng làm sáng tỏ nhiều
khía cạnh khác trong cuộc chính biến 1963, lật đổ chế độ Ngô Đình và thảm sát
hai anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Tiếp lời Giáo Sư Trần Huy
Bích, nhà văn Trần Phong Vũ mong mỏi tài liệu mà Giáo Sư Trần Huy Bích tìm được
sẽ được phổ biến chi tiết trên truyền thông báo chí và Internet. Đề cập đến
cuốn sách, nhà văn Trần Phong Vũ nhận định đến phần dòng họ Ngô Đình. Đó là một
dòng họ đã có những con người được được giáo dục uốn nắn giữa hai văn hóa Đông
Tây để tạo ra được một con người thời đại, Ngô Đình Diệm. “Đó là một mẫu người Việt
Nam yêu nước, đã sống như thế và đã chết như thế” nhà văn Trần Phong Vũ nhấn
mạnh.
Nhà văn Trần Phong Vũ
kết luận cho phần phát biểu của mình: “Viết và nhắc đến một dòng họ, một nhân
vật như Ngô Đình Diệm không chỉ để tiếc nuối mà là để noi gương sống như Ngô
Đình Diệm.”
Diễn giả thứ ba là cựu
Nghị Sĩ VNCH Lê Châu Lộc cũng từng có thời là Sĩ Quan Tùy Viên của Tổng Thống
Ngô Đình Diệm. Ông Lộc cho biết những tổ chức tình báo do ông Ngô Đình Cẩn điều
hành rất hữu hiệu và tác giả là Chánh Văn Phòng của ông Ngô Đình Cẩn nên những
điều ông viết ra rất chính xác.
Sau cùng, tác giả Nguyễn
Văn Minh tâm tình: “Tôi viết những gì tôi biết để để lại cho con cháu sau này
chúng muốn tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử mà cha anh chúng đã phải trải qua.
Đây cũng là phần gia sản tinh thần mà tôi để lại cho con chúng tôi. Tôi nghĩ
khi nào còn Cộng Sản thì những tranh cãi về Ngô đình còn xuất hiện bởi chế độ
của Ngô Đình Diệm là một chế độ chống cộng sản, một chế độ đã thực hiện một
cuộc cách mạng cho dân tộc sau gần 100 năm Pháp thuộc. Nhưng rất tiếc chế độ ấy
đã bị ngay người thân cận của chế độ lật đổ. Và, hậu quả là Cộng Sản chiếm được
toàn cõi Việt Nam để nay dâng đất nước cho mộng bá quyền bành trướng Trung
Cộng.”
Trong suốt buổi ra mắt
sách, phần văn nghệ giúp vui của các nghệ sĩ trong các ca đoàn Tánh Linh,
Glodia Đức Mẹ La Vang đã đem đến cho người tham dự một không khí thư giãn bổ
ích với các tiếng ca đầm ấm của Bích Huyền, thánh thót của Ngọc Diệp và ngọt
ngào của Ngọc Quỳnh...
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Ra mắt sách Dòng Họ Ngô
Đình, Cuộc Cách Mạng Bị Phản Bội
(VienDongDaily.Com -
12/11/2015)
Bài THANH PHONG
WESTMINSTER
- Năm 2003, cựu Trung Tá Nguyễn Văn Minh ra mắt cuốn “Dòng Họ Ngô Đình, Ước Mơ
Chưa Đạt.” Sau đó, ông nhận được nhiều lời khuyến khích, khen tặng và nhất là
nhận được hai món quà quý gồm bản sao gia phả dòng họ Ngô ở Quảng Bình và Luận
Án Tiến Sĩ của Tiến Sĩ Sử Học Trần Thị Liên ở Pháp. Ông cũng tiếp xúc với nhiều
nhân vật thời Đệ Nhất, Đệ Nhị Cộng Hòa, tra cứu thêm nhiều tài liệu và cho ra
mắt cuốn sách thứ hai “Dòng Họ Ngô Đình, Cuộc Cách Mạng Bị Phản Bội” dày 657
trang.
Hội trường Văn Lang (VNCR) được chọn làm địa điểm ra mắt sách vào ngày Chủ Nhật,
8 tháng 11, 2015, và tác giả đã chọn ba diễn giả, giáo sư Trần Huy Bích, nhà
văn Trần Phong Vũ và ông Lê Châu Lộc, cựu nghị sĩ, cựu tùy viên cho cố Tổng
Thống Ngô Đình Diệm để nhận định về cuốn sách .
Tác giả, cụ Nguyễn Văn Minh đang ký sách. Phía
sau là hai ái nữ của cụ (Thanh Phong/Viễn Đông)
Buổi ra mắt sách trùng vào ngày, giờ họp mặt đầu tiên sau 25 năm định cư tại Mỹ
theo chương trình H.O. của các cựu tù nhân chính trị nên một số đông anh chị em
H.O. đã không đến tham dự ra mắt sách được. Tuy nhiên cũng có hơn 100 quan
khách, đại diện một số hội đoàn, đoàn thể, trong đó có dược sĩ Nguyễn Đình
Thức, đại diện Nghị Sĩ Janet Nguyễn, Luật sư Đoàn Thanh Liêm, bác sĩ Nguyễn
Trọng Việt, chiến hữu Nguyễn Phục Hưng (TQLC), một số chiến hữu quân trường
Đồng Đế, trường BB Thủ Đức, Diễn Đàn Giáo Dân, một số cơ quan truyền thông và
đồng hương cùng thân hữu của tác giả.
Diễn giả thứ nhất, Giáo Sư Trần Huy Bích nêu lên tấm lòng trân trọng độc giả
của tác giả và giá trị của tác phẩm khi được in trên loại giấy đặc biệt, đóng
bìa cứng, mạ chữ vàng để có thể lưu giữ lâu dài. Điểm thứ hai, GS Bích nhắc đến
nội dung cuốn sách được trình bày rõ ràng với 33 chương, mà 5 chương đầu dành
riêng nói về gia phả dòng họ Ngô Đình, một cuốn gia phả từ trước đến nay ít ai biết,
và những chương còn lại, tác giả nói rất chi tiết về cuộc cách mạng của dòng họ
Ngô Đình bị phản bội như thế nào.
Điểm thứ ba, GS Trần Huy Bích nhận định rằng, tác giả từng ở vào vị trí thuận
lợi (Chánh Văn Phòng của ông Ngô Đình Cẩn), do đó ông biết được nhiều thứ mà người
khác không thể biết. Ngoài ra, ông cũng tìm tòi tài liệu để biên soạn cuốn sách
một cách tỷ mỉ, công phu. Đặc biệt ông nhắc đến sự kiện xảy ra tại Đài Phát
Thanh Huế vào đêm 8 tháng 5, 1963, một trái lựu đạn nổ gây cho một em nhỏ Công
Giáo và một số Phật tử chết, và mọi người tham dự biểu tình trước Đài Phát
Thanh Huế tin theo lời tuyên truyền rằng trái lựu đạn đó do chính quyền ông
Diệm tung ra để sát hại Phật tử. Nhưng sự thật thì người tung trái lựu đạn đó
chính là Đại Úy James Scott, một sĩ quan Hoa Kỳ và y đã thú nhận chính y là
người làm công việc đó (trang 418).
Diễn giả thứ hai, nhà văn Trần Phong Vũ khi đề cập đến dòng họ Ngô Đình, ông đã
khẳng định: “Đó là một dòng họ có tinh thần yêu nước thiết tha, một dòng họ đạo
đức, được hun đúc, giáo dục và uốn nắn giũa hai nền văn hóa Đông - Tây để tạo
ra được một con người xuất chúng như Ngô Đình Diệm, một mẫu người Việt Nam yêu
Tổ Quốc, không chấp nhận ngoại bang coi thường dân tộc mình, một dân tộc có chủ
quyền và không chấp nhận ngoại bang đem quân vào quê hương mình; một con người
đã sống như thế và đã chết như thế, cho nên tưởng nhớ cố TT Ngô Đình Diệm không
chỉ để tiếc nuối mà để sống noi gương tinh thần Ngô Đình Diệm.”
Diễn giả thứ ba, cựu Nghị sĩ Lê Châu Lộc, ông từng là Tùy Viên cho Tổng Thống
Diệm, ông Lê Châu Lộc đã đọc qua cuốn sách và đưa ra nhận xét, tác giả, cựu
Trung Tá Nguyễn Văn Minh từng là Chánh Văn Phòng của ông Ngô Đình Cẩn nên những
gì ông viết trong cuốn sách về dòng họ Ngô Đình là rất chính xác, (trong cuốn
sách, tác giả trích dẫn nhiều câu nói của ông Tùy Viên Lê Châu Lộc).
Về phần tác giả, ông là một con người rất khiêm nhường, trong cuốn sách “Dòng
Họ Ngô Đình, Cuộc Cách Mạng Bị Phản Bội” không có một trang nào dành để tóm
lược tiểu sử của ông. Trong ba diễn giả cũng không ai nhắc nhiều đến thân thế
tác giả.
Ông tâm tình với mọi người, “Tôi viết những gì tôi biết để lại cho con cháu sau
này chúng muốn tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử mà cha anh chúng đã phải trải
qua. Đây cũng là một phần gia sản tinh thần mà tôi để lại cho con cháu chúng
tôi. Tôi nghĩ khi nào còn Cộng sản thì những tranh cãi về Ngô Đình còn xuất
hiện, bởi chế độ Ngô Đình Diệm là một chế độ chống cộng, một chế độ đã thực
hiện cuộc cách mạng cho dân tộc sau gần 100 năm Pháp thuộc. Nhưng rất tiếc, chế
độ ấy đã bị một số tướng lãnh thân cận lật đổ. Và hậu quả là cộng sản chiếm
được toàn cõi Việt Nam để nay dâng đất nước cho mộng bá quyền Trung Cộng.”
Những ai muốn tìm hiểu về dòng họ Ngô Đình, về con người Ngô Đình Diệm, muốn biết
về cuộc cách mạng bị phản bội như thế nào? Nhất là muốn tìm hiểu sự thật về
phong trào đấu tranh của Phật Giáo Ấn Quang tại miền Trung ra sao, hãy tìm đọc
cuốn sách này, vì tác giả dẫn chứng đầy đủ chi tiết với danh tánh của từng
người, của các Phật tử khai trước phái đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc.
Một số sự kiện chưa từng được phổ biến như vụ TT Ngô Đình Diệm nhận tiền thưởng
của Viện Magsaysay thưởng cho vị lãnh đạo xuất sắc trong năm của miền Á Châu Tự
Do là $10,000 Mỹ Kim ông đã tặng hết cho Đức Đạt Lai Lạt Ma khi Ngài vừa rời
Tây Tạng lưu vong (trang 26, 27). Vụ tướng Mai Hữu Xuân, người đem anh em ông
Diệm vào Tổng Nha Cảnh Sát khảo của và đâm TT đã bị quả báo, mỗi đêm đi bằng
đầu gối, hai tay chắp ngang trán, lết quanh phòng vừa lết vừa lạy, miệng liên
tục “Xin Cụ tha cho con, Xin Cụ tha cho con (trang 497). Vụ Nguyễn Văn Nhung,
người bắn anh em TT Diệm trong xe thiết giáp đã hối hận, thì thầm với Đấng Vô
Hình: “Xin Ngài tha thứ cho con. Họ đã lợi dụng lòng sùng kính Đức Phật Chí Tôn
của con để dụ con vào tội lỗi. Ngài tha thứ cho con. Con sẽ giết (Dương Văn
Minh), con sẽ giết cả lũ nó rồi con sẽ tự sát.”(trang 510). Và còn rất nhiều
chứng từ của những người Mỹ, người Việt, nhất là của các nhân sĩ trí thức, các
nhà sư Phật Giáo chân chính khai trước phái đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc. Tất
cả đều có sẵn danh tánh, một số hiện đang còn sống để sẵn sàng làm chứng cho sự
thật “Nếu không có ngày 1 tháng 11,1963 thì không có ngày 30 tháng Tư, 1975.”
Cuốn “Dòng Họ Ngô Đình, Cuộc Cách Mạng Bị Phản Bội” đề giá $35 + $5 cước phí
tại Hòa Kỳ. Ngoài Hoa Kỳ cước phí $20.
Liên Lạc: Dorothy Nguyễn, P.O. Box 1213, Stanton, CA 90680. USA. Điện thoại:
(714) 722-8176. Email: trandong47@yahoo.com.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Hình ảnh ra mắt sách “Dòng họ Ngô Đình và cuộc cách mạng bị phản
bội”
Xin gởi đến anh chị em
vài hình ảnh buổi ra mắt sách “Dòng Họ NGÔ ĐÌNH VÀ CUỘC CÁCH MẠNG BỊ PHẢN BỘI”
– Tác Giả NGUYỄN VĂN MINH vào ngày 8-11-2015 tại Đài Radio VNCR, Ảnh
do Lưu Anh Tuấn thực hiện
Buổi RMS sôi động
và thành công.
Chúc Mừng Bác Nguyễn Văn
Minh.
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Giữ
gìn văn hóa và tiếng nói rất khó khăn tại hải ngoại. Nhà báo Trần Phong Vũ
- Nhà báo Trần Phong Vũ
Nhà
báo Trần Phong Vũ là một trong những người góp phần xây dựng tủ sách Tiếng quê
hương tại Hoa kỳ do nhà văn Uyên Thao chủ trương.
Nhân
dịp ông có mặt tại thủ đô Wasington, Kính Hòa hỏi chuyện ông về việc giữ gìn
văn hóa và ngôn ngữ của người Việt tại hải ngoại. Đầu tiên ông nói về việc
thành lập Tủ sách tiếng Quê hương.
Ông
Trần Phong Vũ: Người sáng lập tủ sách Tiếng quê hương là nhà văn Uyên Thao. Với
bối cảnh là một người tị nạn tại hải ngoại, và độc giả thì không có tập trung
một nơi, thì việc thành lập tủ sách là một việc thiên nan vạn nan. Nhưng với sự
nhiệt thành của Uyên Thao, sự cố gắng của cá nhân tôi và trên 30 nhà văn nhà
báo khác thì chúng tôi cũng đã làm được cái gì đó. Và năm nay là 15 năm chúng
tôi có mặt và cho tới ngày nay chúng tôi có 68 tác phẩm, trong đó có 15 tác
phẩm của những nhà văn ở trong nước. Chúng tôi làm thế nào để nối tiếp dòng văn
học ở miền Nam, nối tiếp cho con cháu chúng ta ở hải ngoại, đồng thời giúp các
nhà văn trong nước, những người không thể đưa tiếng nói của mình, tác phẩm của
mình tới độc giả. Chúng tôi cố gắng thực hiện cái sứ vụ đó của mình.
Kính
Hòa: Trong việc bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa của người Việt thì thưa ông là đối
với thế hệ sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ ông có thấy khó khăn không khi giúp họ
có thể nói được tiếng Việt và có thể hiểu được những tác phẩm của Tiếng quê
hương?
Ông
Trần Phong Vũ: Đây là một vấn nạn mà tất cả các bậc phụ huynh người Việt chúng
ta phải quan tâm. Nếu không có sự quan tâm đến nơi đến chốn thì cái thời gian
mà chúng ta gặp khó khăn sẽ không còn xa nữa đâu. Bây giờ đã gặp khó khăn rồi.
Khi bước chân đến đất nước này chúng tôi là những người gắn bó với cao trào dạy
tiếng Việt ở hải ngoại. Chúng tôi chạm mặt với một cái khó khăn là làm thế nào
để duy trì ngôn ngữ tại hải ngoại.
Đứng
trên phương diện một người làm sách thì cái số độc giả trẻ tuổi không có nhiều.
Thế hệ thứ hai thì còn có thể tạm đọc được, còn sau này chúng tôi cũng không
biết ra sao. Nhưng chúng tôi cũng đang cố gắng tìm một phương thức nào đó, ít
nhất là chuyển tải cái tinh thần Việt nam, văn hóa Việt nam, dù phải bằng ngôn
ngữ địa phương.
Kính
Hòa: Sau khi quan hệ Việt Mỹ được bình thường hóa thì đã có không nhỏ những cố
gắng từ phía Hà nội là đưa sách báo của họ, dĩ nhiên là với quan điểm của họ
sang Mỹ. Thế hệ người Việt lớn lên có thể sẽ tiếp cận nhiều với các loại sách
báo đó, ông có nghĩ như vậy không?
Ông
Trần Phong Vũ: Đây lại là một chuyện khác nữa. Có một chuyện xảy ra ở miền Nam
California cách đây mấy tháng. Chuyện rơi vào chính người Thị trưởng của thành
phố Westminster khi anh tìm thấy trong sách vở của con gái anh một tập sách
song ngữ mà đọc từ đầu đến cuối thì rõ ràng từ Hà nội mà ra. Bởi vì từ cách
giảng dạy, ngôn ngữ thì là xuất phát từ Bộ giáo dục đào tạo của Hà nội. Thành
ra rõ ràng là có sự ảnh hưởng lớn của nghị quyết 36 trong cái việc chuyển tải
ngôn ngữ theo cái cung cách của họ trong cộng đồng của chúng ta, để mà giảng dạy
cho con em chúng ta.
Kính
Hòa: Có một vấn đề là ngôn ngữ tiếng Việt của cộng đồng hải ngoại và tiếng Việt
trong nước phát triển theo hai hướng khác nhau. Trong nước có những từ mới, có
những từ chẳng mang tính chính trị. Quan điểm của ông như thế nào về cách sử
dụng ngôn ngữ khác nhau này?
Ông
Trần Phong Vũ: Đây cũng là một cái vấn nạn mà khi bà con chúng ta chưa ý thức
được thì nó rất mù mờ và dễ hiểu lầm lắm.
Bất
cứ ngôn ngữ nào cũng vậy, nó sống được, gọi là sinh ngữ, thì nó phải phát triển
hoài. Cho nên việc đưa ra một tiếng mới là tự nhiên, mà nhiều khi còn buộc phải
như vậy. Nhưng ở Việt nam ngày nay thì có những cái chữ như là phản lại ngôn
ngữ. Có những chữ đã có nghĩa nguyên gốc của nó rồi, tôi lấy ví dụ như cái chữ
vô tư, chữ này trên căn bản của ngôn ngữ Việt nam là nói đến một người vô tư
lự, một người không quan tâm lo lắng gì cả, một thái độ hồn nhiên, thì bây giờ
chữ vô tư được dùng như một thái độ tự nhiên. Ví dụ như người ta mời dùng bữa
thì lại nói là các anh cứ vô tư đi! Tức là muốn nói các anh cứ dùng bữa tự
nhiên. Như vậy dùng chữ như thế nó lạc hết, bởi vì nó mất cái tiếng gốc của nó.
Chưa kể là những nguy hiểm của những chữ nó đi ngược lại với đạo lý của mình,
với truyền thống khiêm tốn của mình, toàn là những từ đao to búa lớn mà chẳng
có ý nghĩa gì cả, mà bây giờ đang phổ biến rộng rãi. Vì vậy tôi sợ rằng một
ngày nào đó tiếng Việt của chúng ta đi xa quá nếu không có sự quan tâm.
Kính
Hòa: Nhưng thưa ông 40 năm là cái thời gian khá là dài để cho xã hội thay đổi,
thậm chí khoa học kỹ thuật cũng thay đổi. Với mấy chục triệu người nói cái ngôn
ngữ đó, thì có những khái niệm và những từ mới bằng tiếng Việt, thì liệu là có
những từ nào chúng ta có thể chấp nhận không?
Ông
Trần Phong Vũ: Tôi nghĩ là chúng ta có thể chấp nhận chứ. Như tôi nói lúc nãy
thì một sinh ngữ nó phải triển nở. Mà muốn như thế thì nó phải có từ ngữ mới.
Nếu không có những người sáng tạo ngôn ngữ khéo léo và khôn ngoan thì làm sao
chúng ta có đủ từ ngữ! Nhưng cái vấn đề là sáng tạo là một chuyện, còn làm bừa
bãi là chuyện khác. Đấy là chưa nói đến những chuyện ngu dốt mà không thể nào
hiểu được. Tôi lấy ví dụ một chuyện cao hơn, là Truyện Kiều chẳng hạn, mà bây
giờ có một ông nhận là học giả trong nước, ông ấy biến Truyện Kiều theo cái ý
của ông ấy một cách rất bừa bãi.
Kính
Hòa: Thưa ông câu hỏi cuối cùng là ông đánh giá thế nào về những nhà văn trong
nước có sách xuất bản ở hải ngoại mà Tiếng quê hương góp phần thúc đẩy?
Ông Trần Phong Vũ: Tôi nghĩ rằng đây là
một trong những vấn đề mà có thể nói rằng chúng ta có quyền hy vọng về những
nhà trí thức trong nước nói chung, nhà văn nhà báo nói riêng. Tôi lấy ví dụ một
nhà văn quá cố là Bùi Ngọc Tấn mà Tiếng Quê hương đã in của anh ba tác phẩm.
Đấy là một thôi, còn nhiều tác giả khác nữa cho chúng tôi một cái niềm tin là
giới trí thức Việt nam nói chung, các nhà văn, nhà báo, cho chúng tôi một niềm
tin rằng giữa xã hội đó vẫn còn những người có tinh thần tự do, vẫn còn yêu đất
nước, vẫn còn yêu ngôn ngữ Việt nam, yêu văn hóa Việt nam. Và hy vọng là một
ngày nào đó những người ở Việt nam, những người ở hải ngoại sẽ nhập một để làm
điều gì đó cho đất nước.
Kính
Hòa: Xin cám ơn ông đã giành thời giờ cho buổi trò chuyện lý thú này.
(Theo
VOA)
GS. nhà văn Trần Phong Vũ ký sách
Ra
mắt ‘Tuyển Tập Trần Phong Vũ’
Nguyên
Huy/Người Việt
Chiều hôm Chủ Nhật, 11 Tháng Mười Một vừa
qua, nhà văn Trần Phong Vũ đã ra mắt độc giả cuốn “Tuyển Tập Trần Phong Vũ” tại
Trung Tâm Công Giáo, giáo phận Orange County cùng với nhà biên khảo Trần Ðại Sỹ
ra mắt những tác phẩm về lịch sử của mình.
Trước trên 200 đồng hương, độc giả đến
tham dự - phần lớn là những người hoạt động trong các ngành nghệ thuật và văn
hóa - mà Bác Sĩ Trần văn Cảo, trưởng ban tổ chức, gọi là “những khán giả thật
chọn lọc.” Bác Sĩ Cảo phát biểu rằng: “Cả hai đã đóng góp làm phong phú thêm
cho nền văn học Việt Nam, qua những tác phẩm của mình. Những tác phẩm này sẽ
được lưu truyền trong các thư viện và đến khắp độc giả.”
Tiếp
đó, nhà văn Vương Kỳ Sơn từ New Orleans, qua đại diện nhà xuất bản Tiếng Quê
Hương, đã giới thiệu những tác phẩm của nhà biên khảo Trần Ðại Sỹ. Hai vị giới
thiệu “Tuyển Tập Trần Phong Vũ” là Bác Sĩ Trần Việt Cường và Giáo Sư Lưu Trung
Khảo.
Nhà
văn Trần Phong Vũ, với nhiều độc giả từng đọc ông, nhiều khi không biết nên gọi
ông là nhà văn, nhà biên khảo, nhà truyền thông, người viết tâm bút hay nhà
thơ... vì trên lãnh vực nào cũng thấy ông xuất hiện, mà xuất hiện với cây bút
và ngôn ngữ thật sắc bén, tế nhị, phủ đầy yêu thương và tràn ngập niềm tin,
niềm tin Cơ Ðốc Giáo.
Ông
viết văn từ khi còn trẻ ở trong nước, từng là bình luận gia của các chương
trình trên đài phát thanh quốc gia Saigon từ năm 1957 đến ngày miền Nam phải
lọt vào vòng tay cộng sản. Ông cũng từng là tổng thư ký của nhiều tờ báo tại
miền Nam trước năm 1975. Và, ông cũng là một nhà giáo dạy văn chương đệ II cấp
tại các tư thực lớn ở Saigon như Thủ Khoa, Hưng Ðạo, Nguyễn Bá Tòng, Lasan
Tabert... Ông là tác giả của 14 tác phẩm thuộc đủ mọi lãnh vực từ văn chương thơ
phú cho đến những biên khảo, nghiên cứu chính trị, tôn giáo. Ông cũng từng được
Giải Nhất của Văn Hóa Vụ, Bộ Thông Tin VNCH, năm 1956 với Mùa Hợp Tấu, một tác
phẩm trường ca.
Sau
năm 1975, định cư ở Hoa Kỳ, nhà văn Trần Phong Vũ lại tiếp tục cầm bút, chủ
trương các tờ báo như Ðường Sống, Diễn Ðàn Giáo Dân, đồng thời hợp tác trong
nhiều chương trình bình luận thời sự, văn học trên các đài truyền hình lớn của
cộng đồng người Việt như SBTN, VHN...
Nhận
xét về ông, nhà phê bình văn học Thụy Khuê - dù mới sơ giao như bà viết - cũng
phải thốt lên: “Biết anh, một ông già tuổi ngoại bát tuần vẫn còn chạy 'show'
hết đài phát thanh, đài truyền hình này khác để cổ võ cho một lý tưởng 'Phát
triển văn hóa Việt trên đất Mỹ” và “những chữ nghĩa của anh đã xuyên vào tâm
tôi qua những làn sóng ngầm không tên, không biên giới. Anh đã tạo được một cõi
Tâm cho những người sống trên cõi Tạm bằng thơ, bằng truyện, bằng lời.” Rồi nhà
phê bình Thụy Khuê phải buông lời thán phục “ông già này sinh ra làm một số
việc mà chẳng ai thích làm. Ông già này tự gánh những việc mệt nhọc không có
lời, không có lãi, không có lợi. Ông già này xung phong vác cây thánh giá trong
khi mọi người bận bịu làm ăn.”
Cũng
thế Thêrêsa Thanh Thủy, dòng Nữ Tu Mến Thánh Giá cũng viết về ông: “Lội ngược
dòng với một xã hội văn minh, thích hưởng thụ hơn là ban phát, thích tính toán
làm giầu hơn là lo tính sổ với Thiên Chúa, ao ước trúng số độc đắc hơn là ước
mong có được một tâm hồn bình an, anh Trần Phong Vũ đã mời gọi người đọc trở về
với căn nhà nội tâm của mình để đặt lại giá trị ưu tiên trong cuộc sống.”
Về
“Tuyển Tập Trần Phong Vũ” thì, theo tác giả: “Ðây là tập hợp ba trong số những
cuốn sách đã xuất bản từ hai thập niên 80 và 90 thế kỷ trước và đã tuyệt bản từ
lâu. Truyện ngắn và tạp văn 'Quê Hương Còn Ðó' do Bách Việt ấn hành 2000 bản
mùa Hè năm 1983 chỉ hơn một năm sau đã được độc giả chiếu cố đến cuốn cuối
cùng. Thi tập 'Dấu Chân Trên Cát' ấn hành năm 1995 và tâm bút 'Bên Vực Tử Sinh'
ra đời năm 1998 cũng đã hết.”
Với
500 trang sách khổ lớn, bìa cứng giấy vàng, ấn phí 25 Mỹ kim do nhà xuất bản
Tiếng Quê Hương ấn hành năm 2012, Tuyển Tập Trần Phong Vũ đã thâu gọn được ba
tác phẩm kể trên và một số bài viết về tác giả và tác phẩm...
Với
“Quê Hương Còn Ðó,” nhà văn Trần Phong Vũ viết: “Quê hương ở trong hồn ta. Cho
dù vì hoàn cảnh ta có phải phiêu dạt nơi góc bể chân trời, và cho dù quê hương
có nhất thời gặp cơn ma chướng thì quê hương vẫn còn đó... Còn đó, còn đó như
một thôi thúc, một réo gọi hoài hoài, bất tuyệt đối với những tấm lòng Việt Nam
muôn thuở.”
Với
“Bên Vực Tử Sinh” thì Sơ Thêrêsa Thanh Thủy nhận định: “Bên Vực Tử Sinh là kết
tụ những chuỗi ngày suy nghĩ về sự sống và sự chết của tác giả Trần Phong Vũ,
những suy nghĩ không thể đến được từ những lý luận cứng rắn của khối óc, nhưng
phải là những cảm nhận nội tâm, khắc khoải nhưng sâu xa, vọng về từ chính kinh
nghiệm của một người đã đứng trên bờ sống chết để thấy rằng sinh mạng của mình
thực sự mong manh hơn sương khói.”
Và
với tập thơ “Dấu Chân Trên Cát,” Giáo Sư Lưu Trung Khảo có nhận xét: “Hầu hết
những bài thơ này đều phát xuất từ những nguồn cảm hứng chân thành và có thật.
Những nguồn cảm hứng đó được qui chiếu vào những chủ điểm: tình yêu gia đình
(phụ tử, mẫu tử), tình yêu nhân loại. Và tuồng như tất cả những tình cảm đằm
thắm này đều khơi nguồn từ một thứ tình cảm siêu nhiên. Ðó là niềm tin tôn
giáo.”
Quang cảnh hội trường Trung Tâm Công Giáo
trong buổi ra mắt sách của Trần Phong Vũ.
Ðọc “Tuyển Tập Trần Phong Vũ” người đọc sẽ
cũng đồng ý như nhận xét của nhà thơ Viên Linh rằng: “Ngoài đời, anh (Trần
Phong Vũ) là một nhà mô phạm, một nhà báo. Trong khi cầm bút, anh viết văn,
nhận định và dĩ nhiên, còn làm thơ. Dù là con người nào, Trần Phong Vũ luôn
sống và viết với ý hướng giáo dục.”
Ðể có “Tuyển Tập Trần Phong Vũ” quí độc
giả có thể liên lạc với Tủ Sách Tiếng Quê Hương, P.O. Box 4653 Falls Church, VA
22044, hay điện thoại cho tác giả (949) 232-8660.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
__._,_.___
Posted by: <vneagle_1