Những đoạn rời nhân Tháng
Tư buồn
Nguyễn Mạnh An Dân
- ...Ai biết được, về đâu, hàng hàng lớp lớp những xác thân quấn vội poncho để lại bên lề đường, dưới lùm cây, bên bờ suối, trong rừng, trên núi, giữa kinh rạch, trong bưng biền với bao cơm sấy có tấm giấy nhàu nát viết vội: Đây là binh nhì..., binh nhất..., hạ sĩ..., thiếu úy..., đại úy... nhờ quí vị hảo tâm nhắn tin về địa chỉ… như một cố gắng cuối cùng của đồng đội dành cho nhau. Ai biết được ra sao, những đơn vị, những người lính, chiến đấu đơn độc, và chết thầm lặng ở một nơi nào. Ai biết được ra sao, bây giờ, những mồ hoang bên bờ rào trại giam ở Cổng Trời, Sơn La, Vĩnh Phú, Kum Tum, La Hai, Đồng Phú... Nhiều lắm, nhiều lắm, những người lính không biết nghĩa trang, những người lính không kịp về nằm cạnh bạn bè ở quê hương cuối cùng của mình. Những người lính sống lặng lẽ và chết vô danh. Người lính. Bao năm qua, giờ này, anh ở đâu?...
- ...Ai biết được, về đâu, hàng hàng lớp lớp những xác thân quấn vội poncho để lại bên lề đường, dưới lùm cây, bên bờ suối, trong rừng, trên núi, giữa kinh rạch, trong bưng biền với bao cơm sấy có tấm giấy nhàu nát viết vội: Đây là binh nhì..., binh nhất..., hạ sĩ..., thiếu úy..., đại úy... nhờ quí vị hảo tâm nhắn tin về địa chỉ… như một cố gắng cuối cùng của đồng đội dành cho nhau. Ai biết được ra sao, những đơn vị, những người lính, chiến đấu đơn độc, và chết thầm lặng ở một nơi nào. Ai biết được ra sao, bây giờ, những mồ hoang bên bờ rào trại giam ở Cổng Trời, Sơn La, Vĩnh Phú, Kum Tum, La Hai, Đồng Phú... Nhiều lắm, nhiều lắm, những người lính không biết nghĩa trang, những người lính không kịp về nằm cạnh bạn bè ở quê hương cuối cùng của mình. Những người lính sống lặng lẽ và chết vô danh. Người lính. Bao năm qua, giờ này, anh ở đâu?...
1.
Ở đâu đó, tôi có đọc một mẫu tin nhỏ đăng mờ lấp trong vô số những
tin tức khác trên một tờ báo Mỹ. Mẫu tin không phải là một loại Hot News gây sự
chú ý của nhiều người nhưng chắc chắn nó có thể làm ấm lòng những người lính,
làm ứa lệ những người từng là lính, nhất là những người lính của cái quân đội
hào hùng và bi uất của chúng ta: Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Mẫu tin cho biết
đại khái là: Trên một chuyến bay dân sự từ phi trường của một quốc gia vùng
Trung Đông về Mỹ, lúc phi cơ sắp cất cánh, có 11 binh sĩ Hoa Kỳ vừa hoàn tất
nhiệm vụ ở chiến trường hồi hương lên tàu. Những người lính trẻ này lầm lũi đi
qua khoang tàu "First Class" đắt giá dành cho những khách đặc biệt và
hướng về phía cuối tàu, nơi mà họ nghĩ chỗ của họ đã được dành sẵn ở đó. Một
người khách ở khoang đặc biệt rời chỗ ngồi, đứng lên tươi cười nắm tay một người
lính trẻ và nói: Bạn trẻ, bạn xứng đáng ngồi ở đây. Ông hơi nghiêng người, tay
phải đưa lướt qua chổ ngồi của mình trong tư thế mời, vừa lịch sự vừa trân trọng.
Mười người khách khác cũng đứng lên và 11 người lính trẻ đã trở thành những VIP
trên chuyến tàu hồi hương của mình. Thái độ của 11 vị khách kể trên thật ra
không phải là điều gì lớn lao lắm nhưng nó mang một ý nghĩa tinh thần rất lớn:
Sự trân trọng và lòng biết ơn của những người ở hậu phương đối với những chiến
sĩ ngoài tiền tuyến, những người đã anh dũng chiến đấu và sẵn sàng hy sinh vì
những mục tiêu cao cả mà tổ quốc và quân đội đã trao phó cho họ. Người lính
không bao giờ bị lãng quên, họ xứng đáng để được nhớ tới, họ xứng đáng để có
một chỗ đứng trang trọng trong lòng những chiến hữu và đồng bào họ.
Lại xin kể về một bản tin cũ: Rất muộn màng, 34 năm sau những gì
đã làm trên chiến trường Việt Nam, vào những ngày cuối năm 2000, một cựu chiến
binh Hoa Kỳ đã được Tổng Thống Bill Clinton trao tặng huân chương danh dự tại
Tòa Bạch Ốc: Hạ sĩ quân y Alfred Rascon.
Ngày 16 tháng 3 năm 1966, tiểu đội của Hạ sĩ Rascon, thuộc lữ đoàn
173 Không vận Hoa Kỳ được điều động tới tăng viện cho một tiểu đoàn dù. Trong
trận chiến này Hạ sĩ Rascon đã làm quá những gì mà đơn vị mong chờ và đòi hỏi ở
một người lính. Vào đầu trận đánh, nghe tiếng kêu cứu, Rascon đã nhào lên và
thấy binh nhì William Thompson, xạ thủ đại liên bị thương nặng. Rascon nằm phủ
lên người thương binh và liền hứng một mảnh lớn của quả đạn pháo vào hông. Anh
kéo Thompson lùi lại phía sau chỉ để nhận ra anh này đã chết. Khi biết binh
nhất Larry Gibson hết đạn, Rascon bò lên kéo dây đạn của Thompson cho Larry,
hai trái lựu đạn nổ trước mặt chát chúa, mảnh bay trúng mặt Rascon. Thấy binh
nhất Neil Haffey bị trúng thương, Rascon lại nằm phủ người trên người thương
binh và lãnh đủ phát nổ. Thấy quân địch bò đến gần khẩu đại liên và hai thùng
đạn, mặc đầu đã bị thương nhiều chổ, Rascon lại vùng lên chạy tới kéo khẩu đại
liên và số đạn còn lại cho đồng đội trước khi ngất đi. Thành tích của Alfred
Rascon được phúc trình lên thượng cấp và được đề nghị Huân Chương Danh Dự
(Medal Of Honor), huân chương cao quí nhất của quân đội Mỹ. Thật đáng tiếc,
giấy tờ thất lạc và tấm huân chương đã không đến tay người lính can trường này.
Tuy nhiên, hành động dũng cảm và sự hy sinh vô bờ của người lính luôn sống
trong lòng các đồng đội của anh, và nhiều người đã vận động liên tục để sự hy
sinh của người lính không bị lãng quên. Trong lễ tuyên dương, người lính già 54
tuổi Rascon đã nói: “Không có sự phân biệt sắc tộc, màu da trong tiểu đội
sát cánh chiến đấu bên nhau. Trong quân đội, những gì anh làm mỗi ngày là nhiệm
vụ, danh dự và can đảm.”
Nói sao hết về sự hy sinh và lòng can trường của người lính. Tác
giả Kathy Trần, trong một bài viết của bà đã kể cho chúng ta nghe về một người
lính khác: Cựu Thiếu tá Thủy Quân Lục Chiến Mike Corrado, phục vụ quân đội từ
năm 1992 đến năm 1997. Ông giải ngũ nhưng trái tim của ông luôn hướng về những
anh em đồng đội của mình và với tư cách là một nhạc sĩ, ông đã thực hiện đĩa
nhạc “My Watch” để nói về những người lính đang chiến đấu, về những đóng góp và
hy sinh của họ đối với tổ quốc.
Nhiều đoạn trong bài hát đã làm chúng ta bồi hồi, xúc động:
“...And my blood runs red, white and blue.
I’ll brave the cold, the rain, the pain and the bullets, so you
don’t have to”
Tạm dịch:
“...Và dòng máu tôi mang màu đỏ, trắng và xanh.
Tôi sẽ can đảm chịu đựng lạnh lẽo, mưa dầm, đớn đau và bom đạn để
bạn được bình an.”
Hoặc
“...Don’t worry about me. I’ll be all right... Just care your
children and sleep tight. I’ll keep you safe on my watch tonight...”
“...There’s a promise I need you to make. While I’m gone, you take
care of the love and I’ll deal with the hate...”
Tạm dịch:
“...Xin đừng lo cho tôi, tôi sẽ bình yên. Hãy lo cho bầy trẻ và
hãy ngủ ngon. Tôi sẽ giữ cho mọi người an toàn trong phiên gác đêm nay...”
“... Tôi chỉ muốn bạn hứa với tôi một điều: Khi tôi đi rồi, bạn
hãy lo chuyện yêu thương, hãy để tôi chiến đấu chống hận thù...” (Kathy Trần).
Tôi đã viết khá nhiều về những người lính, nhưng tôi không có lời
nào để nói về người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cả. Tôi muốn như vậy vì tôi
biết những người lính đó đã ở trong lòng chúng ta, đang và sẽ mãi mãi như vậy
và đó là điều trân quí nhất, trân quí hơn tất cả mọi lời nói. Dẫu sao cũng xin
mượn mấy lời tâm huyết của cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng để kết luận cho đoạn viết
ngắn này:
“Cám ơn anh, những người của từng thế hệ, những người đã chết
trong quên lảng hay đang sống thiệt thòi trầm mặc trong nỗi đớn đau riêng.
Đừng đợi thấy vinh quang từ chiến thắng, xin hãy ngưỡng mộ và tri
ân ngay từ buổi ban đầu của sự góp mặt đầy quả cảm...”
2.
Khá lâu trước đây, tôi có được nghe đâu đó một bản nhạc buồn, rất
hay nhưng buồn. Bản nhạc đại khái có những câu như sau:
“Tôi biết tôi sẽ buồn, khi một mình lang thang trên đất khách, tôi
biết tôi sẽ buồn, khi một mình sống với cô đơn...”
...
“...Đi, tôi vẫn đi, dầu gì tôi vẫn đi, đi để được nói tiếng yêu
thương, đi để được nói những sự thật. Đi, dầu gì tôi vẫn đi...”
Đi, tôi vẫn đi, dầu gì tôi vẫn đi. Những lời xé lòng trên không
chỉ của nhân vật xưng tôi trong bản nhạc mà nó là tiếng kêu trầm thống của ngàn
người, vạn người, triệu người, của cả một dân tộc. Mới đây, tại thành phố
Houston Hoa Kỳ, đã có hơn một trăm người tham gia vào đoàn quay phim của đài
BBC để dựng lại cảnh ra đi nát lòng này vào những ngày cuối cùng của Sài Gòn
trong cơn hấp hối.
Từng đoàn người hớt hải chạy vào phi trường Tân Sơn Nhất, tường
đoàn người thất tán túa xuống bến Bạch Đằng; từng đoàn người chen lấn vào khuôn
viên tòa đại sứ Hoa Kỳ. Những chiếc trực thăng cất lên, có người bám được lên
tàu, có người kẹt lại thê thảm, cả người trên tàu và người ở lại đều chảy nước
mắt. Chuyện đã cũ rồi, nhưng cảnh dựng lại cũng làm chảy nước mắt nhiều người
Nước mắt không chỉ có trên mặt những người Việt Nam chua xót với cuộc bể dâu mà
chính mình là những nạn nhân trong cuộc, mà nước mắt còn ngập tràn trên mi
những nhân viên ngoại quốc bàng quang. Nỗi đau quá lớn của cả một dân tộc đủ để
làm mủi lòng tất cả mọi người hiện diện.
Đoạn phim tiếp nối với những đọa đày của người ở lại, những cô
đơn, lạc lõng, những tất bậc áo cơm để xây dựng lại cuộc đời từ con số không,
từ bàn tay trắng của những người di dân tỵ nạn lạc loài.
Hàng trăm “diễn viên” dù không chuyện nghiệp nhưng đã làm hết sức
mình để làm sống lại những hình ảnh đau thương về một giai đoạn đầy bất hạnh
của chính mình, của đồng bào mình, của dân tộc mình. Họ làm việc có lẽ không vì
món thù lao khiêm tốn mà đoàn làm phim chi trả mà họ làm việc vì muốn góp phần
nói lên cho toàn thế giới hiểu được người Việt Nam đã tha thiết với tự do như
thế nào và đã phải trả những gì để đạt được điều đó.
Đời anh gắn liền đám đông.
Tự do hoặc chết chứ không cúi đầu
Người mà chẳng khác ngựa trâu
Hỏi em mơ ước sống lâu làm gì
Sống hèn thà chết ngay đi...
(Nguyễn Hữu Nhật)
Người tỵ nạn Việt Nam, những người có truyền thống lâu đời gắng
liền với quê hương, nguồn cội đã đứt ruột lìa xa cố hương, làm thành một làn
sóng tỵ nạn lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Họ cần cơm áo ư! Không phải. Họ
cần ngọc ngà châu báu, nhà cao cửa rộng ư! Không phải. Cái mà họ cần quí giá
hơn mọi giá trị vật chất trên cõi đời này: Tự Do.
Anh em chúng tôi
Những người Việt Nam mất nước
Chúng tôi mất quê hương nhưng thừa đảm lược
Chúng tôi mất tư do nhưng dư nhân phẩm làm người
Ôi! Những con người thừa mứa an vui
Hiểu sao được dân tôi khổ đau và kiêu hãnh
Chúng tôi có trái tim nồng nàn ngay thẳng
Chúng tôi có trái tim bất khuất quật cường
Có sá gì một chút áo cơm
Có tiếc gì một chút sống thừa nhục nhã
Ngày hôm nay chúng tôi muốn thét to cùng tất cả
Chúng tôi là con người
Bao năm rồi vì thế giới an vui
Đã nhận cho mình vòng gai khổ hận
Hai mươi năm đâu tiếc máu xương ngoài mặt trận.
Mười lăm năm nào thiếu hùng tâm ngay chốn ngục tù
Có ai như chúng tôi xứng đáng làm người
Có ai như chúng tôi dám đổi tự do bằng mạng sống
Chúng tôi ngẩn cao đầu giữa trời cao đất rộng.
Kiêu hãnh đạp lên dĩ vãng muộn phiền.
(Nguyễn Mạnh An Dân)
Hơn ba mươi năm đã qua kể từ ngày tháng tư bi thảm đó, cộng đồng
người Việt ty nạn đã trở mình, đã lớn mạnh. Thế hệ thứ nhất đã ổn định, đã vươn
lên trong mọi lãnh vực. Thế hệ thứ hai đã thành đạt và thăng tiến. Nhiều trăm
ngàn chuyên viên ưu tú các ngành. Nhiều cơ sở sản xuất và kinh doanh to lớn và
thịnh đạt do người Việt làm chủ ở khắp mọi nơi. Nhiều nhân tài người Việt đã
góp mặt trong guồng máy chính quyền các cấp ở các quốc gia tạm dung. Người tỵ
nạn Việt Nam đã có gần như đầy đủ những gì con người mơ ước nhưng họ vẫn thiếu
một thứ mà họ cần: Quê hương và người tỵ nạn vẫn luôn là những người “di tản
buồn” bởi quê hương họ, đồng bào họ không vui. Biết bao tiếng gọi thiêng liêng
đã và đang thôi thúc người tỵ nạn nỗ lực hết sức mình để hy vọng một ngày quê
hương thực sự có tự do, dân chủ và nhân quyền, khi ấy, niềm vui của người tỵ
nạn mới trọn vẹn bởi đồng bào họ sẽ có những gì họ đã có.
Hãy ước mơ và hy vọng. Hãy cùng nhau biến ước mơ thành hiện thực.
3.
...Nhớ nghĩa trang quê bạn bè
Nhớ pho tượng lính buồn se bụi đường
(Du Tử Lê).
Cô xướng ngôn viên còn trẻ, rất trẻ; chắc chắn cô chưa có mặt trên
cõi đời này khi pho tượng tiếc thương được dựng lên trước nghĩa trang quân đội
Biên Hòa. Không chừng cô còn chưa có mặt khi bức tượng đó bị giật sập xuống.
Tuy nhiên cô đã nhỏ lệ khi đọc hai câu thơ nhắc về pho tượng, nhắc về những
người lính. Nét mặt cô, giọng nói của cô không mang vẻ nhập vai, đóng kịch,
nước mắt có từ một đau xót thật, một tiếc thương thật từ tận trái tim người.
Cảm ơn cháu gái, cảm ơn những tấm lòng Việt Nam. Cô xướng ngôn viên ngừng lại
một chút, có lẽ để tự dằn cơn xúc động, có lẽ để nỗi xúc động đủ thời gian trùm
tỏa trong lòng những người hiện diện rồi cô nghẹn ngào nói tiếp: Bức tượng ngày
nay đã không còn, nó đã bị xóa đi sau tháng tư buồn nhưng hình ảnh những người
lính luôn sống trong lòng chúng tôi, trong lòng quí vị, trong lòng mỗi chúng
ta, những người Việt Nam.
Pho tượng đã không còn, nghĩa trang - quê của bạn bè ta - cũng
không còn. Đau đớn lắm nhưng đó chưa phải là tất cả. Ai biết được, về đâu,
những người lính nằm lại trên đỉnh đèo Hải Vân, trên đường 19, trên bờ biển Qui
Nhơn, trên Tỉnh lộ 7, ở Phan Rang, ở Bình Long, ở Xuân Lộc, ở khắp các mặt trận
lớn, nhỏ, có tên, không tên trong những giờ phút sinh tử cuối cùng. Ai biết
được, về đâu, hàng hàng lớp lớp những xác thân quấn vội poncho để lại bên lề
đường, dưới lùm cây, bên bờ suối, trong rừng, trên núi, giữa kinh rạch, trong
bưng biền với bao cơm sấy có tấm giấy nhàu nát viết vội: Đây là binh nhì...,
binh nhất..., hạ sĩ..., thiếu úy..., đại úy... nhờ quí vị hảo tâm nhắn tin về
địa chỉ… như một cố gắng cuối cùng của đồng đội dành cho nhau. Ai biết được ra
sao, những đơn vị, những người lính, chiến đấu đơn độc, và chết thầm lặng ở một
nơi nào. Ai biết được ra sao, bây giờ, những mồ hoang bên bờ rào trại giam ở
Cổng Trời, Sơn La, Vĩnh Phú, Kum Tum, La Hai, Đồng Phú... Nhiều lắm, nhiều lắm,
những người lính không biết nghĩa trang, những người lính không kịp về nằm cạnh
bạn bè ở quê hương cuối cùng của mình. Những người lính sống lặng lẽ và chết vô
danh. Người lính. Bao năm qua, giờ này, anh ở đâu?
4.
“Hạ kỳ!’. Súng bắt đều tay
Xin chào đất nước lần này nữa thôi!...
(Nguyễn Tư - Hạ Kỳ Lần Cuối)
Nhiều chục năm trước, từ một doanh trại buồn thảm nào đó trong
những giờ phút bi uất cuối cùng của đời binh nghiệp đang bị bức tử, người lính Nguyễn
Tư đã nhỏ lệ. Rất nhiều người đã nhỏ lệ, cả một dân tộc đã nhỏ lệ và đều xé
lòng trong giờ phút “Hạ Kỳ Lần Cuối”.
Quốc kỳ được hạ xuống nhưng nó không mất đi, nó luôn sống trong
lòng, nó mãi bay trong tim mọi đứa con Việt Nam, như một lời hịch, như một
tiếng gọi thiêng liêng, nó truyền lan từ thế hệ này đến thế hệ kế tiếp. Người
trẻ Lữ Anh Thư, cô sinh viên dấn thân, một trong những người đầu tiên khơi dậy
phong trào tranh đấu cho cờ Vàng trở thành biểu tượng của người Việt tự do trên
thế giới; người trẻ Lê Cung, võ sĩ ba lần vô địch thế giới, luôn xuất hiện
trong y phục cờ vàng và luôn khoát lá cờ biểu tượng của tổ quốc trong những giờ
phút vinh dự nhận giải vô địch, người trẻ Bùi Thanh Thảo, người chiến binh
trong quân lực Hoa Kỳ đã thượng cờ vàng trong ngày lễ Lao Động tại Thủ Đô
Baghdah. Hiện đã có 8 tiểu ban, 56 thành phố, quận hạt thuộc 24 tiển ban khác
nhau công nhận cờ vàng ba sọc đỏ như là biểu tượng của người Việt tự do.
Anh Nguyễn Tư, có lẽ sẽ có ngày chúng ta nhỏ lệ thêm một lần nữa trước
lá cờ tổ quốc, không phải là giọt lệ buồn như ngày nào mà là giọt lệ vui mừng
ngày được nhìn thấy biểu tượng của tự do, dân chủ và nhân quyền tung bay khắp
trời quê hương. Chúng ta có quyền ước mơ và hy vọng. Phải không?
29.03.2017
Nguyễn Mạnh An Dân
__._,_.___