27 THÁNG GIÊNG 1973
Không Thể Nào Quên
Năm mới đã đứng đợi trước thềm.
Chưa mở cửa đón xuân thì đã thấy dội lên trong lòng nỗi đau lịch sử. -
(27/1/1973 -27/1/2003) .
Ba mươi năm về trước, Hiệp Ðịnh
Paris về Việt Nam được ký kết vào ngày 25/1/1973 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày
27/1/1973.Nhưng hầu như không mấy ai ngoài những người lãnh đạo biết được đó
chính là bản án khai tử chính thể Việt Nam Cộng Hòa.
Hòa bình là niềm vui của mọi
nhà. Ðình chiến là tương lai, là niềm hy vọng trở về của những người vì làm nhiệm
vụ đang phải chịu đọa đày trong ngục tù Cộng Sản.
Bao năm tù đày khổ nhục vững
chí trung kiên chỉ đợi một ngày xổ lồng tung cánh. Nhưng niềm hy vọng mới manh
nha đã lại tắt lịm. Ðòn thù của đối phương lại chụp xuống thân xác những người
con yêu của đất nước. Cuộc đấu tranh giữ gìn phẩm cách và sinh mệnh của những
người công tác bí mật bị sa cơ còn gian nan, vô vọng hơn cả giai đoạn trước khi
có hiệp định Paris.. nhưng quả tình “sắt đá cũng chưa bền gan bằng ý chí” của
những con người có lý tưởng...
Trang sử ô nhục lật qua đã lâu
nhưng nhân ngày 30 năm nhớ lại chuyện cũ, trích lược đôi dòng tự truyện để phần
nào cho chiến hữu, bằng hữu biết rõ cuộc sống trầm luân của những người chiến
sĩ trung kiên.....
***
BK Nguyễn Thái Kiên , BK Kim Âu Hà văn Sơn, Cố vấn an ninh đặc biệt
Tỷ phú Ross Perot , BKTrình A Sám
Năm 1970 , khoảng vài tháng
sau vụ đột kích giải cứu tù binh Mỹ ở Bất Bạt, Sơn Tây của Lực lượng Ðặc Biệt
Hoa Kỳ không thành công, chúng tôi đang ở tại trại Phong Quang- Lào Cai thì bắt
đầu có những cuộc đảo người, xáo nhóm.
Khu biệt lập có hơn 130 Gián Ðiệp
Biệt Kích tuần tự được chuyển đi từng nhóm nhỏ.
Nhóm của chúng tôi là nhóm thứ
hai - tổng số 32 người - được chuyển về trại Tân Lập, Vĩnh Phú vào đầu năm
1971.
Ðến trại được vài hôm, chúng
tôi được biết khu Biệt Lập - còn gọi là khu xây - chiếm một dẫy gồm bốn buồng lớn.
Từng buồng trong tường vây có sân sau, sân trước, bể nước khá rộng.
Ngoài buồng chúng tôi đang ở nằm
mút đầu phía trong trại, buồng sát bên cũng đã có một nhóm Gián Ðiệp Biệt Kích
khác. Nhóm này đang làm công việc may quần áo tù. Buồng sát bên cạnh nhóm may
giam một vị tướng Cộng Sản tên là Ðặng Kim Giang. Buồng sát ngoài vòng tường trại
là buồng để hơn chục cái máy may cho toán lao động.
Mấy tháng đầu mới tới trại,
chúng tôi được ở không. Hàng ngày bọn công an quản giáo CS mở cửa cho ra phơi nắng,
đi lại trong khoảnh sân quanh buồng giam.
Khu chúng tôi ở tuy nằm trong
vòng tường của trại nhưng tuyệt đối không thể nào liên lạc được với những nhóm
tù hình sự khác bởi có mấy lớp rào thép gai và tre. Chỉ có một người tù tên
Viên trong nhóm trật tự làm công việc gánh cơm nước, phục vụ cho khu biệt lập.
Một hôm, chúng tôi được đưa
sang buồng may để học nghề nên thấy một nhóm tù hình sự đang xây mấy căn buồng
nhỏ. Lợi dụng lúc tên quản giáo đi khỏi, tôi hỏi mấy người tù đang làm việc, mới
biết là họ đang xây xà lim để dành cho chúng tôi.
Sau khi nghe họ nói vậy, tôi
đã biết chắc chắn mình sẽ có một xuất.....
Ðợt khai trương nhà cùm vào
tháng 7 năm 1971, Nguyễn Huy Thùy, lúc đó mang quân hàm trung úy làm Phó giám
thị trại Tân Lập đưa một trung đội công an vũ trang vào khiêng tôi đi “khánh
thành” xà lim kỷ luật vừa mới xây xong. Ðúng là “khiêng”; bởi vì sau khi tên quản
giáo đọc lệnh “kỷ luật”, tôi chống lại cương quyết không đi. Chẳng phải chúng
tôi sợ cùm nhưng cố tình gây khó dễ để tỏ thái độ chống đối.
Kể cũng vui, thỉnh thoảng được
thử xem “Sức Mạnh Tòan Ðảng và Toàn Quân” của bọn “khỉ tiến hóa” tới đâu.
Thật ra mỗi lần đi cùm chẳng dễ
chịu gì; hai cổ chân thì vỡ toác, môi trường yếm khí, hôi hám không thể tả.
Ăn đói, thời tiết lại rét buốt,
chết lúc nào không hay nhưng im lặng để bọn đười ươi coi thường là chuyện không
thể chấp nhận được...
Sau hơn bốn tháng cùm kẹp, một
hôm tôi được lệnh mang đồ đoàn về lại buồng tập thể. Chân thấp, chân cao tập tễnh
trên đường từ nhà cùm về buồng, tôi thầm nghĩ chắc hẳn chúng tưởng tôi đã mỏn sức
nên cho ra. Nhưng sau về đến buồng gặp anh em mới biết vì nhà cùm không còn chỗ
để đưa người khác vào nên tôi là người đang nằm lâu nhất mới được “nhà nước gia
ơn” giải phóng từ nhà cùm sang nhà tù.
Mai văn Học (hiện ở San Jose-
Cali) vào cùm sau tôi ba tháng là người thay tôi trấn nhậm xà lim cho tới gần tết
1972.
Khi Học được thả ra, tôi biết
mình lại sắp sửa được đảng bộ trại Tân Lập cử đi “trấn thủ lưu đồn” tiếp.
“Nhân bảo như thần bảo”..
tháng 3, tôi lại khăn gói vào nhiệm sở. Ðợt này mới ở được 30 ngày, chân chưa
cuồng; đột nhiên lại được thả về buồng cũ mà chẳng hiểu lý do làm sao...
Suốt gần tháng trời, anh em cứ
bàn bạc đến việc chuyển trại. Và rồi chuyển trại thật. Toàn bộ chúng tôi tay
xách, nách mang ra xe vào buổi chiều nhưng không đi đâu xa mà chỉ chuyển vào trại
sơ tán nằm khuất trong một cánh rừng trung du không xa trại cũ là mấy.
Sáng nào tụi công an trại giam
mở cửa cho ra sân trại trong mấy lớp rào nứa kiên cố vây quanh cũng thấy núi Ba
Vì đội mây, sừng sững trước mặt.
Thời gian này, không lực Hoa Kỳ
được lệnh của Tổng thống Nixon dần nát Bắc Việt.
Nhiều lần chúng tôi được tận mắt
ngắm những đoàn chim sắt bay qua bầu trời trung du, tiến vào hỏi thăm Hà Nội.
Cũng tại đây, anh em chúng tôi
được một lần nhìn thấy SAM 2 phóng lên để nhằm bắn hạ một chiếc Thunderchief. Tất
cả chúng tôi đều trầm trồ tán thưởng khi nhìn chiếc phi cơ đang bay lẻ loi giữa
tầng mây lưng trời bỗng khựng lại, thoắt nghiêng cánh chui qua giữa hai trái hỏa
tiễn địa không rồi biến mất.
Khoảng hơn tiếng đồng hồ sau,
từng đoàn, rồi từng đoàn chim sắt từ biển vào, từ những rặng núi phía Tây bay
qua vần vũ trên không phận Vĩnh Phú.
Tiếng động cơ phản lực gầm
thét như sấm động, tiếng bom nổ liên hồi. Bọn công an vũ trang đuổi tất cả mọi
người xuống hầm, hào tránh bom nhưng chúng tôi vẫn nằm ngửa, cố tìm xem các phi
cơ của “Không Quân Nhân Dân Anh Hùng” có bay lên nghênh chiến hay không...
nhưng hoài công.. vì chắc họ “nghe lệnh bác” chơi kiểu “tiêu thổ kháng chiến” mặc
cho phi cơ Hoa Kỳ thả hết bom và bay hết xăng thì cũng phải chuồn thôi.
Chỉ tội nghiệp cho “đơn vị tên
lửa anh hùng” kia chạy trối chết cũng không thoát khỏi tổn thất nặng nề.
Nhưng có sá gì! Miền Bắc đang
thiếu gạo, bớt đi nhiều miệng ăn chừng nào càng tốt chừng ấy... Chẳng phải
chúng tôi đã ăn độn đủ thứ để nhìn cho ra sự ưu việt của chế độ xã hội chủ
nghĩa hay sao?
Trong suốt thời gian ở trại
“sơ tán” khoảng gần sáu tháng. Chúng tôi vẫn cứ châm chọc và chống đối như trước
nhưng chẳng có ai được cho đi “trấn thủ” nữa.
Hỏi một số tù hình sự thì được
biết nhà kỷ luật đặc biệt cùm Gián điệp biệt kích đã sụp vì đợt oanh tạc vào trại.
Có hôm, sau đợt bom đánh vào
khu chăn nuôi của trại; chúng tôi thấy bữa ăn hôm đó bỗng nhiên có khẩu phần thịt
khá nhiều do lợn bị chết vì bom. Ăn xong, hôm sau mới nghe anh chàng Viên phục
vụ kể cho biết có mấy tên cán bộ và ba người tù chết tan xác với bầy gia súc
khi bom rơi trúng khu chuồng lợn..!.!.!
Khoảng cuối tháng tám, chúng
tôi được tin sẽ chuyển sang một phân trại khác để học tập chính trị chờ trao đổi,
trao trả. Theo những thông tin từ nhiều nguồn khác nhau (lúc này chúng tôi đã
tiếp xúc được với đám tù hình sự) Hiệp định Paris về căn bản đã xong chỉ còn chờ
ký chính thức.
Nhưng rồi chẳng được mấy tuần
sau, không khí lại căng lên vì những tiếng động cơ phản lực bay qua bầu trời.
Và rồi lại mấy tuần vắng bặt.
Bầu trời trung du, mùa thu xanh
lồng lộng, khoáng đạt vô bờ. Hàng ngày, chúng tôi đi lại trong khoảnh sân nhỏ
hoặc trải chiếu ngồi đánh chắn, rõi nhìn những tầng mây lang thang, lòng trào
dâng ý tưởng phiêu bồng.
Thế rồi vào khoảng gần cuối
tháng chín sang đầu tháng mười, đột nhiên chúng tôi được chuyển qua phân trại
khác để học tập trao trả thật.
Chúng tôi được di chuyển bằng
xe hơi. Một số ở lại chuyển về trại xây cũ. Trên đường xe chạy, chúng tôi gặp một
số anh em ở cùng trại Phong Quang trước đây đang tay ôm túi, tay cắp chiếu đi
ngược lại.
Như vậy là ở tại Tân Lập có
hai bộ phận Gián Ðiệp Biệt Kích nằm ở hai nơi khác nhau mà mãi đến lúc đó chúng
tôi mới biết.
Nhẩm tính con số, tổng cộng tất
cả khoảng hơn trăm người.
Tôi và một số anh em được đưa
vào một trại sơ tán khác. Ở đây cả nhóm bị phân tán mỏng vì mỗi buồng chỉ ở tối
đa từ 6 đến 8 người.
Ngày hôm sau, được mở cửa ra
sân, trèo rào nói chuyện chúng tôi được biết ngoài anh em Gián Ðiệp Biệt Kích
còn có mười mấy người Thái Lan và bốn người tù Bắc Việt ( Vũ thư Hiên là một
trong bốn người) ở cùng khu biệt giam với chúng tôi.
Thảo nào, tối hôm qua, tôi đập
tường rồi dùng “morse” nói chuyện mấy lần mà chỉ nghe tiếng gõ trả nhè nhẹ, dè
dặt chẳng theo nguyên tắc nào, khác hẳn với cái thói “coi trời bằng vung” của mấy
anh em Gián Ðiệp Biệt Kích chúng tôi.
Những người tù như vậy thường
là những cán bộ cao cấp trong hàng ngũ đảng Cộng Sản vì chống đối lại chủ
trương của phe đương quyền nên bị thanh trừng.
Trường hợp Ðặng Kim Giang ở
khu xây với chúng tôi và những người này hẳn là cùng chung nhóm “xét lại” thân
Khrouschev của Hoàng minh Chính.
Biết vậy, anh em chúng tôi vờ
nói lớn cốt để cho họ hiểu chúng tôi là những người có thể tin cậy được rồi qua
trò chuyện, tâm sự có thể hiểu thêm đươc thực chất nội bộ của họ ra sao.
Buổi tối, tôi làm quen được với
người ở sát vách. Qua tiếp xúc tôi thấy ông ta là một người có học.
Sau khi biết rõ chúng tôi thuộc
thành phần nào, ông tỏ ra tin tưởng và cho biết tên ông là Phùng Văn Chức (sự
thực là Phùng Mỹ, giáo sư Ðại Học công tác tại Viện Triết Học) bị bắt
cùng với Hoàng Minh Chính, Ðặng Kim Giang. Tất cả đều bị ghép cho tội âm mưu đảo
chánh.
Ông ta cho biết, ông đã là đảng
viên từ khi chưa thành lập cái nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và ông ta thuộc
“Những người Cộng Sản có trái tim?”.
Theo lời ông ta kể, tập đoàn
Lê Duẩn là một bọn “siêu phát xít” đang cố bóp chết mọi mầm mống chống đối để củng
cố quyền lực của chúng.
Qua trò chuyện với nhân vật
này, tôi càng thấy rõ thực chất của bọn Cộng Sản còn tồi tệ hơn những gì bộ máy
tuyên truyền trong Nam đã nói về chúng. Nhân vật này là người cho tôi biết nhiều
nhất về bản Hiệp Ðịnh bởi ông vẫn được đọc báo. Ông có lòng cảm mến nên khuyên
tôi cố nhẫn nhục, che dấu tư tưởng căm thù thì mới có hy vọng về được miền Nam.
Ông kể cho tôi nghe chuyện của
nhiều người và kinh nghiệm ngay cả của bản thân ông rồi kết luận:“ Dưới chế độ
cộng sản con người phải tự biến mình thành một viên bi bằng cao su mới có thể
an thân. Bi tròn thì lăn đâu cũng được. Cao su thì co dãn sát hợp với những ô cửa
rộng hẹp khác nhau.”
Tôi không tranh cãi với ông
nhưng không chấp nhận ý kiến này, tôi không sợ khổ, sợ chết chỉ sợ đánh mất khí
phách nam nhi. Tôi đọc cho ông nghe một bài thơ của mình làm để tỏ lộ ý chí của
tôi.
HIÊN NGANG
Núi vẫn hiên ngang đứng
giữa trời.
Sao mờ. Sao nhạt. Phải
thay ngôi.
Thiên cơ diệu ảo - đêm
thần bí
Tù ngục sầu ray rứt nửa
đời
Thù nước khi nào rửa được
đây?
Bao xuân uất hận - kiếp
lưu đầy.
Mẹ già tức tủi - đôi
hàng lệ
Vẫn đợi mong ta - những
tháng ngày
Xuân đến trời đêm tối mịt
mùng
Một đời nguyền giữ vẹn
kiên trung
Ðêm cũ sẽ qua - ngày mới
đến.
Bình minh xuân sáng tỏa
vô cùng.
Kim Âu
Và mặc dù trải bao khổ nhục,
có lúc tưởng đã không thể sống nổi nhưng tôi thấy mình vẫn đúng, vẫn tự hào với
phẩm cách của mình.....
Thời gian này (1972), chúng
tôi đang chuẩn bị học tập trao trả nên đã bắt đầu được nâng mức ăn lên cao để
mau chóng phục hồi thể lực cho chế độ tù binh của “Ðảng quang vinh” khỏi mang
tiếng là vô nhân đạo.
Ðầu tháng 10, đoàn giảng viên
của Bộ Nội Vụ do Võ Ðại Nhân dẫn đầu đến thăm chúng tôi và sau đó tổ chức học tập
chính trị.
Tưởng rằng chúng tôi được phát
bản Hiệp Ðịnh để nghiên cứu nhưng chẳng thấy gì ngoài những tài liệu nhằm đáp ứng
yêu cầu học tập do chúng đề ra.
Thật tâm, chúng tôi cũng chẳng
thèm để ý đến chương trình học tập chính trị của bọn cộng sản nhưng rõ ràng tôi
thấy bọn chúng âm mưu thông qua những bài giảng này để gài chúng tôi vào một
cái “thế “ nhằm “vô hiệu hóa” chúng tôi, để nếu có được trả về miền Nam chăng nữa
chúng tôi cũng khó mà tránh khỏi nanh vuốt của chúng.
Thông lệ cứ qua một bài giảng,
chúng lại buộc tổ chức mạn đàm. Sau đó là viết bản “thu hoạch”. Một bài học tập
mất khoảng ba ngày.
Âm mưu của chúng lộ rõ nhất là
khi học đến bài “ Tội Ác Của Ðế Quốc Mỹ bè lũ tay sai”.
Buổi tối ngồi uống trà trong
phòng, tôi nói với anh em đừng nên viết bản thu hoạch này. Vì theo ý kiến của
tôi, đây sẽ là một thứ “sinh tử phù “ vô cùng tai hại cho chúng ta khi trở về
miền Nam.
Hôm kết thúc bài giảng, bọn
chúng cho mạn đàm từng tiểu tổ, có cán bộ của đoàn Trung Ương về tham dự chứng
kiến.
Thật là buồn cười khi những buổi
mạn đàm tố cáo “Tội Ác Của Ðế Quốc Mỹ bè lũ tay sai”, trở thành những buổi lên
án “Tội Ác của Liên Xô - Trung Cộng và Ngụy Quyền Bắc Việt”.
Mấy năm tù tội dưới chế độ
giam giữ dã man của cộng sản khiến chúng tôi căm hận. Dưng không có dịp, không
ai bảo ai; tất cả mọi người đều trút cả căm hận lên đầu bọn cán bộ tham gia mạn
đàm. Nhiều lúc thấy bọn này ngồi thộn mặt ra để nghe anh em chửi rủa, tôi cũng
thấy phục tài chịu đựng và nhẫn nhục của chúng.
Trước tình hình đó, chúng bắt
đầu có biện pháp tách từng người đi gặp riêng để thực hiện kế ly gián, mua chuộc
và gây áp lực. Còn chúng tôi thì tổ chức yêu sách, đòi hưởng quy chế tù binh,
đòi trao trả và chống đối học tập.
Sau những chống phá này, một số
anh em -trong đó có tôi- được đưa về trại Bình Ðà, Khúc Thủy, Hà Tây ít hôm -
thêm vài người ở nơi khác về nhập đoàn - rồi lại chuyển vào trại Ba Sao, Kim Bảng,
Nam Hà. Lần này, theo sát chúng tôi có đoàn cán bộ phụ trách học tập và trao đổi,
trao trả do cục phó Phản Gián đứng đầu.
Ðến trại, chúng tôi được trại
trưởng - thượng tá Xuyên - tiếp nhận đưa vào khu giam người Mỹ hiện bỏ trống vì
nhóm này vừa được đưa đi trao trả mấy hôm trước.
Ở được vài hôm, đúng buổi trưa
ngày 30 tháng chạp Âm Lịch, bọn Cộng Sản đưa tôi đi giam “cách ly” để ép tôi phải
làm cái thủ tục gọi là “Ðơn Xin Khoan Hồng” (chuyện này cụ Nguyễn Văn Ðãi, Ðại
Biểu Hành Chánh Vùng I chiến thuật - bị bắt tại Huế năm Mậu Thân và bị đưa ra Bắc
cùng với Phó tỉnh trưởng Thừa Thiên Bảo Lộc - đã viết trong hồi ký Ánh Sáng và
Bóng Tối dưới bút hiệu Hoàng Liên, cụ cho tôi cái ngụy danh Văn vì sợ nếu viết
tên thật, tôi còn ở lại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng).
Và cũng là một cơ duyên, cùng
chiều hôm đó, nữ sĩ Thuỵ An - một người đứng đầu của vụ Nhân Văn Giai Phẩm-
chuyển từ một trại khác về ở ngay phòng còn lại. (đón xem trong tự truyện Hận
Cùng Trời Ðất)
Thời gian này bọn cộng sản
dùng đủ mọi thủ đoạn mua chuộc lẫn áp đảo tinh thần tôi. Chúng chiêu dụ mãi
không xong, rồi trắng trợn nói thẳng rằng chúng sẽ không bao giờ cho tôi trở về
Miền Nam nếu tôi không chịu viết những bản “thu hoạch” như mọi người khác đã
làm. Dù biết rằng phận mình chẳng khác gì “cá nằm trên thớt, cua nằm trong rọ”,
tôi vẫn cương quyết trả lời: “Không bao giờ, vì tôi không phải là công dân của
nước VNDCCH mà là một tù binh nên không thể chấp nhận làm những điều vô lý”.
Tất nhiên suy tư của mỗi người
mỗi khác nhưng tính cách con người tôi thì vẫn tâm niệm “anh hùng tử, khí hùng
nào tử” nên vẫn vững tin là sẽ trở về trong vinh quang vì số anh em được trả về
nhờ “giả dại qua ải” chắc chắn không bao giờ im lặng. Ăn thua do mình có đủ nghị
lực để vượt qua những thử thách hay không.
Sau hơn bốn tháng nằm trong
khu biệt giam. Ngày 19 - 5 - 1973. Một mình, một xe, tôi bị đày lên trại Cổng
Trời, Quyết Tiến, Hà Giang, vốn là nơi thi hành bản án tử hình cho những người
chống đối.
Cảnh ngộ thật bi phẫn - mọi
người đều về xuôi để chuẩn bị trao đổi, trao trả một mình tôi lthẳng lên mạn
ngược. Trên đường đi tức cảnh, sinh tình. Khi lên đến trại Cổng Trời, Quyết Tiến
cũng là lúc hoàn thành bài thơ Trên Ðỉnh Lưu Ðày.
Trên
Ðỉnh Lưu Ðày
sương
chiều phủ trắng Phạ Quan
xe
men dốc núi
người
tan tác lòng
Hà
Giang, Quản Bạ nghìn trùng
đèo
cao, sương muối
anh
hùng thi gan.
xe
qua trăm dặm - đại ngàn
mơ
ngày đất nước vinh quang
Ta
về...
sầu
giăng xám cả sơn khê
xe
lên!lên mãi!
hồn
tê tái sầu.
Ta
về đâu?
sẽ
về đâu?
Mây
giăng bốn cõi
vực
sâu!
đỉnh
trời!
hỏi
lòng
rồi
bỗng cả cười
hùng
tâm tráng trí
đạp
đời mà đi.
xe lên tận cõi man di
Cổng Trời - Ðịa ngục
có đi không về
xe qua nghìn khúc tiểu khê
vách! vách! núi dựng
đường xe lượn vòng
xe dừng
tuyệt đỉnh
mờ trông
Phương Nam độc đạo
rừng phong tầng, tầng
Ta vào huyệt mộ
cô thân
bao giờ?
đá nẩy chồi xuân
Ta về...
Kim Âu
19- 5 - 1973
Sau khi tôi bị cùm tại Cổng Trời đã hơn bốn
tháng, những nhóm Gián Ðiệp Biệt Kích ở các nơi khác lục tục kéo lên, rồi một số
thuộc thành phần chống đối quyết liệt bị đưa vào nằm chật khu hành hình có hỗn
danh “Cung Ðiện Mùa Ðông” ở xà lim trại Cổng Trời.
Ðể trả đũa những người có hành động chống đối,
bọn cộng sản quyết cùm chúng tôi cho tới chết..... Mãi tới năm 1975 chúng cưỡng
chiếm Miền Nam xong và tổ chức ăn mừng thống nhất chúng mới thả cho chúng tôi
trở về các đội lao động với thể xác tiều tụy và tâm hồn tan nát - Việt Nam Cộng
Hòa đã không còn.
Tính ra tôi đã nằm một lèo hết hai mươi bẩy
tháng trời trong cái lò sát sinh mà trước đây không ai chịu nổi quá vài tháng.
Những người tù chính trị địa phương và đám tù
hình sự sau này thường gọi tôi là “Chủ Nhân Cung Ðiện Mùa Ðông hoặc Chủ Nhân Ðiện
Kremlin.”
BN 587 gọi tôi là “Lion d'Or”. Tên Tin cán bộ
trực trại nghe lỏm được không hiểu nhưng gã trật tự tên Tưởng biết tiếng Pháp
nói cho hắn biết chữ đó có nghĩa là “Sư Tử Vàng”.
Thế là cả đám công an đều biết tôi qua những
biệt hiệu này....
***
Bao nhiêu gian khổ, nhục hình đã qua từ ngày
đó. Hiệp Ðịnh Paris về Việt Nam chẳng có chút hiệu lực nào đến với anh em Gián
Ðiệp Biệt Kích chúng tôi.
Và tất cả những nhận biết của chúng tôi về bản
Hiệp Ðịnh này đều thông qua những trích đoạn trong một số bài đăng trên báo
Nhân Dân và Quân Ðội Nhân Dân của bọn Cộng Sản nhằm vu khống và bêu riếu chế độ
Việt Nam Cộng Hòa....
Sau này, khi ra khỏi trại giam rồi qua đến
Hoa Kỳ. Nghiên cứu kỹ lưỡng nhiều tài liệu được giải mật và những văn tự của Hiệp
Ðịnh cùng với những biến động thực tế của lịch sử. Tôi nhận thấy quả tình Hiệp
Ðịnh này là một vết nhơ không thể bôi xóa và cũng là một cái nhục cho các quốc
gia đã ký vào bản Ðịnh Ước.
Trong bốn bên ký kết bản Hiệp Ðịnh ngày 27 -
1 - 1973 ngày hôm nay chỉ còn hai.
Hiệp định Paris về Việt Nam!
Ðó là kết thúc đáng buồn cho những lời cam kết, hứa hẹn của Hoa Kỳ
sau khi đã tìm đủ mọi cách, kể cả sát hại Tổng Thống Ngô Ðình Diệm để nhằm mục
đích đưa quân vào chiến đấu tại Việt Nam.
Tiến sĩ Henry Kissinger, như người ta thường ca tụng là một nhà ngoại
giao lỗi lạc nhưng thật ra theo tôi, hắn chỉ là một thứ thuyết khách mạt hạng
nhất tự cổ chí kim.
Ngoại giao mà đi thương thuyết để rồi xóa bỏ hết thành quả xương
máu của hơn 58.000 quân nhân Hoa Kỳ đã hy sinh để bảo vệ thành trì của thế giới
tự do. Ðó là chưa kể đến tính mạng của những quân nhân các nước Ðồng Minh khác
và hàng triệu quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa.
Ðấu trí mà không hiểu rõ đối phương đến nỗi hậu quả là cho tới
ngày hôm nay còn chưa biết rõ tông tích bao nhiêu người Mỹ bị giữ làm con tin
không trao trả.
Thương thuyết để bức tử cả một quốc gia đồng minh thừa quyết tâm
chống Cộng như Việt Nam Cộng Hòa để chiều theo ý đối phương như vậy nếu nói là
tài năng xuất sắc thì ắt hẳn cần phải xem xét lại....
Henry Kissinger cùng “ê kíp “cầm quyền tại Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ
và bọn phản chiến thuở ấy đã vay một món nợ “Máu và Danh Dự” không biết bao giờ
mới trả lại được cho dân tộc Việt Nam chứ đừng nói rằng chúng ta phải thọ ơn họ.
Gần ba thập kỷ đổ xương máu để chặn đứng làn sóng Ðỏ tại Ðông Nam
Á là chiến công vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Chính sự sụp đổ của chúng ta đã trở
thành bài học giúp cho các quốc gia trên thế giới thấy rõ giá trị của Ý Thức Hệ
Tự Do để kịp thời củng cố, tồn tại và chiến thắng cộng sản.
Chính dân tộc Việt Nam đã chịu nạn cho Thế Giới và cứu rỗi cho
Nhân Loại...
Mặc dù cơn sóng dữ đã làm vỡ đập nhưng sức của cơn lũ đã yếu không
còn bao nhiêu tác hại.
Sau Nixon, tổng thống Reagan có tạo nên nhiều biến đổi về chiến lược
dẫn tới sự sụp đổ của khối Cộng nhưng cho đến nay dân tộc Việt Nam vẫn còn chìm
đắm trong kiếp sống mông muội dưới sự cai trị hà khắc của Cộng Sản.
Hầu như Việt Nam ngày nay đã trở thành một quá khứ, một món nợ
không ai còn muốn nhắc tới..... nhưng Cuộc Chiến Tranh Việt Nam đã đi vào lịch
sử.... Món nợ lịch sử vẫn còn đó.
Thất bại ở Việt Nam là thất bại của Chủ Nghĩa Thực Dụng Phản Trắc
của Hoa Kỳ mà dân tộc Việt Nam chính là nạn nhân.
Hiệp Ðịnh Paris về Việt Nam là một kết thúc Không Có Hòa Bình và
cũng Chẳng Có Danh Dự như ai đã từng cao rao.
Thế mà vẫn có kẻ kêu đòi chúng ta phải “ Tây Phương Hóa”.
Tây phương ư ! Xin nhìn kỹ lại! Chẳng có chính nhân và cũng không
có quân tử.
Chỉ có nền văn hóa của DÂN TỘC chúng ta mới thực sự tạo ra những
“kẻ sĩ “ biết trọng tín nghĩa, cương thường.
Kim Âu Hà văn Sơn.
(lược trích tiểu đoạn của Hận Cùng Trời Ðất)
__._,_.___