QUỐC HẬN 30 THÁNG 4

Image result for Tháng Tư năm 1975 -----

==== ====



Tuesday, December 17, 2013

Hành trình của… “hành trình thuyền nhân”,





Inline image 10



Hành trình của… “hành trình thuyền nhân”,
Du Tử Lê.
Tôi vẫn nghĩ, sinh mệnh của một tác phẩm cũng giống như sinh mệnh một con người. Có những tác phẩm ngay khi vừa “bước vào” đời, đã nhận được những thuận lợi, đôi khi trên cả mơ ước của người sinh thành - - Thì, cũng có những tác phẩm không được ai ngó ngàng. Nó bị lãng quên ngay từ phút “chào đời” thứ nhất. 

Cũng có những tác phẩm, những tưởng đã “chết non” - - Vậy mà nhiều chục năm sau, lại được phục sinh với những vòng nguyệt quế ngợi ca, không thể rực rỡ, chói lòa hơn. Nói cách khác, sự kiện này cho thấy, đường bay một tác phẩm, cũng nằm ngoài tầm kiểm soát của con người vậy. 

Ở trường hợp nào thì, tôi vẫn muốn gọi chung đó là hành trình tử sinh của một đời kiếp.

Cảm nhận này, trở lại với tôi cách đây hơn tháng, khi ký giả Ngụy Vũ cho tái bản bộ sách “Hành Trình Thuyền Nhân” (bản tiếng Việt) – và “The Vietnamse Boat People” (bản tiếng Anh) do NV Foundation ấn hành. Tôi muốn nói đó là một “hành trình” của những “hành trình thuyền nhân”.

Hành trình hay đoạn đường tìm về đầu nguồn bi kịch thuyền nhân, khởi sự khi người trẻ tuổi Ngụy Vũ, một cựu thuyền-nhân nảy sinh sáng kiến, tổ chức cuộc thi chủ đề “Chuyện kể hành trình biển đông”, đăng tải những hồi ký do chính những kẻ sống sót trong hành trình đi tìm tự do trên biển đông, kể lại. 

Chúng ta còn nhớ, ít năm sau biến cố bi thảm 30 tháng 4-1975, như tấm lưới sắt nung đỏ, chụp xuống sinh mạng của mấy chục triệu người dân miền Nam. Và người dân miền Nam, không có một chọn lựa nào khác hơn, lao vào cái chết, để tìm sự sống. 

(1)
Với tôi, những hồi ký ấy, tựa những bản tự khai bên bờ vực sống chết chứa đầy nước mắt, thịt xương của các nạn nhân biển cả, hải tặc, đói khát, may mắn sống sót…, được chuyển tới người đọc mỗi ngày trên nhật báo Viễn Đông, thời cố nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, trong vai trò chủ nhiệm.

 (2) Cũng từ những trang báo Viễn Đông vừa kể, tác phẩm “Chuyện kể hành triển biển Đông” tập một, ra đời.
Sự ra đời của tuyển tập này, không chỉ khơi lại dòng lệ những tưởng nguôi ngoai của bi kịch thuyền nhân - - Những phận đời chao chát trên sóng biển mà, gồm cả những người trên bờ - Những tỵ nạn lưu vong, may mắn không phải ngụp lặn, trải qua những cảnh “địa ngục có thật”. Sự khơi lại bi kịch chưa từng xẩy ra trong lịch sử di tản của loài người, phần nào lai tỉnh những trái tim “đông lạnh” trước đó, trong tinh thần liên đới nhân loại.

Có dễ chính vì thế mà trong một gặp gỡ tại tòa soạn nhật báo Người Việt giữa năm 2002, khi sức dội của những bản “tự khai” máu và nước mắt của một số nạn nhân trên biển Đông, tức tưởi lan tỏa trong cộng đồng người Việt tỵ nạn, cố nhà báo Đỗ Ngọc Yến (3) chủ nhiệm sáng lập của nhật báo này đã rất thẳng thắn khi nói với Ngụy Vũ, cha đẻ của sáng kiến “Chuyện kể hành trình biển đông” rằng:
“Tại sao chúng tôi lại không nghĩ ra điều phải làm này nhỉ…?”
Và, ông nhấn mạnh, ông sẽ mở “rộng cửa” báo Người Việt, hiểu theo nghĩa, tiếp tay tối đa với Ngụy Vũ trong nỗ lực nhìn lại một giai đoạn lịch sử bi thảm nhất của người Việt trên biển.

Thiện ý của cố Chủ nhiệm Người Việt, Đỗ Ngọc Yến mãi gần một năm sau mới được đáp ứng, Đó là khi “Chuyện kể hành trình biến Đông” tập một được ấn hành năm 2003, cũng là lúc báo Viễn Đông của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang quyết định sẽ giở lại một trang sử bi thảm khác của người dân miền Nam, sau biến cố 1975, qua cuộc thi “Chuyện kể vợ người tù cải tạo”.

Nhớ lại hảo ý của nhà báo Đỗ Ngọc Yến, Ngụy Vũ tìm họ Đỗ, hỏi ông còn giữ ý nghĩ ngày nào? - - Thì họ Đỗ xác nhận:
“Chẳng những vẫn nhớ mà tôi sẽ chỉ định một thành viên của Người Việt, có đủ khả năng tầm vóc, để cùng Ngụy Vũ đi tiếp hành trình đau thương, cần thiết phải được tái hiện này…Tôi là người rất quý những người trẻ có sáng kiến…”
Người được họ Đỗ chọn để giao phó nhiệm vụ cùng Ngụy Vũ bước tiếp trên lộ trình ngược về “biển đông”, chính là nhà báo Vũ Ánh.

Dù bận rộn, nhưng họ Vũ vẫn dành thì giờ, đọc, và chọn những trích đoạn ý nghĩa nhất của mỗi hồi ký “Chuyện kể hành trình biển Đông” để giới thiệu hàng ngày trên nhật báo Người Việt. Nói cách khác, ông đã sát cánh với Ngụy Vũ, dựng lại một giai đoạn lịch sử tỵ nạn lầm than nhất của đồng bào. Kết quả của những ngày tháng làm việc giữa Vũ Ánh và Ngụy Vũ là tuyển tập “Chuyện kể hành trình biển Đông” tập thứ hai ra đời. 

Không lâu sau đó, là ấn bản tiếng Đức. Rồi ấn bản tiếng Anh! Mặc dù để thực hiện hai ấn bản này, là cả một “hành trình” khó khăn với tốn kém không nhỏ. Nhưng, nhà báo Vũ Ánh đã đồng ý với Ngụy Vũ rằng, cách gì thì cũng phải cho ra đời “Chuyện kể hành trình biển Đông” bản Anh ngữ, để gửi cho 100 Thượng nghị sĩ và hơn 400 Dân biểu Liên bang của Quốc Hội Hoa Kỳ. Như lời cảm ơn, đồng thời nhắc nhở họ, đừng quên một cách nhậm lẹ, nguyên nhân đưa tới cái chết tức tưởi của hàng trăm ngàn thuyền nhân ở biển Đông…

Khi hai tập “Hành trình thuyền nhân” bản tiếng Việt và tiếng Anh được tại bản tại vùng đông bắc Hoa Kỳ, cơ sở NV Foundation đã nhận được nhiều thư của giới trẻ, bày tỏ lòng biết ơn của họ. Vì, qua tuyển tập này, họ mới hiểu rõ, đấng sinh thành, bậc cha, chú của họ, đã trải qua một “hành trình” máu và nước mắt, khủng khiếp như thế nào. Điều đó cũng gần với nhận định của học giả David Maruyama khi ông viết:
“…Việc gìn giữ những câu chuyện này thật quan trọng. Không có những câu chuyện này, ai sẽ nhớ thuyền nhân? Hãy để ký ức về họ còn sống mãi, để tất cả chúng ta còn nhớ vì sao họ phải ra đi và giá trả của tự do…”

Cá nhân tôi, chỉ xin nhấn mạnh, đó cũng là “hành trình” kép của một người tên Ngụy Vũ trên bước đường tái dựng “hành trình thuyền nhân” của tập thể Việt ở quê người. Một “hành trình” nếu không khởi đi từ một tấm lòng, một quyết tâm hy sinh cao độ, thì, lịch sử một giai đoạn của dân tộc, đã (hay chưa) được tái hiện!
Du Tử Lê
(Calif. Dec. 12th 2013)
……………………………………………………………………………………….Chú thích:
(1)Chủ đề và cũng là nhan đề tập sách đầu tiên do ký giả Ngụy Vũ thực hiện và ấn hành tên là “Chuyện kể hành trình biển Đông”. Tuy nhiên, giữa năm 2013, khi quyết định tái bản bộ sách vừa kể, ông đã đổi tên thành “Hành trình thuyền nhân”, để tránh bị “nhiễu sóng” bởi những biến cố chính trị lớn do đảng CS Trung quốc đơn phương gây ra, ở biển Đông…”
(2) Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang sinh năm 1944, mất năm 2011 tại nam California.
(3)Theo Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia thì nhà báo Đỗ Ngọc Yến sinh ngày 25 tháng 5-1941, mất ngày 17 tháng 8-2006, là người sáng lập ra và cũng là chủ nhiệm đầu tiên của Nhật báo Người Việt, tờ báo tiếng Việt lâu đời nhất và cũng lớn nhất tại hải ngoại… Ông bắt đầu viết báo khi còn đi học và là chủ bút tờ báo trường Trương Vĩnh Ký… Khi vào đại học Văn khoa, ông trở thành một đại diện trong ban Chấp hành Sinh viên và đã tổ chức những cuộc xuống đường đòi lật đổ tướng Nguyễn Khánh năm 1964. 

Năm sau ông bắt đầu làm việc với International Voluntary Service (IVS), một hội thiện nguyện Hoa Kỳ, vận động và tổ chức thanh niên sinh viên giúp IVS phân phối thực phẩm cho đồng bào bị nạn bão lụt ở miền Trung. Từ năm 1964 ông đã viết bài cho các nhật báo Sống, Sóng Thần, Ðại Dân Tộc, tạp chí Văn Nghệ, tuần báo Ðời, và nhiều tờ báo khác. 

Bắt đầu từ thập niên 1970 ông cộng tác với nhiều phóng viên các báo ngoại quốc hoạt động tại Việt Nam… Vào ngày 26.04.1975, ông và vợ cùng 3 con rời Việt Nam và sau đó được định cư ở Hoa Kỳ…Ông mắc bệnh tiểu đường và suy thận… Ông mất ngày 17 tháng 8 2006 tại bệnh viện Fountain Valley, miền Nam California.



No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết

Featured Post

BẠN TÔI: ĐẠI ÚY TRẦN QUANG HIỆP

 https://www.facebook.com/groups/160591528349491/permalink/723350692073569/ https://www.youtube.com/watch?v=oqhFQFR2-JM Chuyện Xứ Xã Nghĩa r...

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List