QUỐC HẬN 30 THÁNG 4

Image result for Tháng Tư năm 1975 -----

==== ====



Friday, December 20, 2013

Những chuyến công du của lãnh đạo Việt Nam năm 2013


Những chuyến công du của lãnh đạo Việt Nam năm 2013

Việt Hà, phóng viên RFA
2013-12-19

Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
12192013-vn-lead-overse-trip.mp3Phần âm thanh Tải xuống âm thanh
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến với Tổng thống Pháp François Hollande tại Phủ Tổng thống Pháp
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến với Tổng thống Pháp François Hollande tại Phủ Tổng thống Pháp
AFP




Năm 2013 là một năm của khá nhiều các chuyến công du nước ngoài liên tục của các lãnh đạo Việt Nam, từ Tổng Bí Thư Đảng cộng sản, đến Chủ tịch nước và Thủ tướng Việt Nam. Nhân dịp cuối năm 2013, chúng ta cùng nhìn lại những thành công cũng như những hạn chế của các chuyến công du này.

Chuyến thăm Trung Quốc
Chuyến công du đáng chú ý nhất đầu tiên của lãnh đạo Việt Nam trong năm 2013 phải nói tới trước tiên là chuyến công du của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Trung Quốc từ ngày 19 đến 21 tháng 6. Trong chuyến thăm này, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã hội kiến với Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường. Hai bên đã bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng trong quan hệ hai nước bao gồm hợp tác kinh tế, quốc phòng, an ninh, và đặc biệt là vấn đề tranh chấp tại biển Đông. Kết thúc chuyến đi, tuyên bố chung của hai bên khẳng định hai nước sẽ kiên trì phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt. Riêng vấn đề nóng là tranh chấp biển Đông, hai bên cũng nhất trí phải giữ binh tĩnh, kiềm chế và không có hành động làm phức tạp thêm tình hình.
Tuyên bố chung hoàn toàn lợi cho Trung Quốc còn phía ta lại bị ràng buộc bởi nhiều điểm.
Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh


Ngay sau chuyến đi, báo chí Việt Nam ca ngợi đây là một chuyến đi thành công. Tuy nhiên, nhiều bloggers trong nước và một số người quan tâm đến tình hình đã lên tiếng chỉ trích chuyến đi này. Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc từ năm 1974 đến 1987 có bài viết trên trang Boxit Việt Nam sau đó nhận định : ‘ tuyên bố chung hoàn toàn lợi cho Trung Quốc còn phía ta lại bị ràng buộc bởi nhiều điểm trong các mục’.

Tới Washington
Chỉ vài tuần sau chuyến thăm Trung Quốc, Chủ tịch Trương Tấn Sang lên đường thăm Mỹ từ ngày 24 đến 26 tháng 7, một chuyến đi được các chuyên gia quốc tế đánh giá khác nhau. Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, giảng dạy môn Quan hệ quốc tế thuộc trường đại học George Mason, Hoa Kỳ nhận định đây là một chuyến đi gấp rút:
Chủ tịch Nước Việt Nam Trương Tấn Sang (Trái) bắt tay Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ở Bắc Kinh vào ngày 20 Tháng Sáu 2013.
Chủ tịch Nước Việt Nam Trương Tấn Sang (Trái) gặpThủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ở Bắc Kinh vào ngày 20 Tháng Sáu 2013.
GS. Nguyễn Mạnh Hùng: tôi nghĩ là có tính gấp rút và tôi nghĩ đó là ý vọng của Việt Nam nhiều hơn và ông Obama cũng đáp ứng với ý vọng đó vì ông cũng không muốn Trung Quốc có tính toán sai lầm và gây ra những mâu thuẫn có thể cái xẩy nẩy cái ung.

Nhà cựu ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, ông David Brown có cùng nhận xét trên tờ YaleGlobal rằng: ‘quyết định gửi Ô.Sang đến Washington của Bộ Chính trị cho thấy các nhà lãnh đạo Việt Nam đã bị lung lay bởi những gì Tập Cận Bình và các đồng sự của ông nói riêng với Ô.Sang và sẵn sàng để hợp tác với Mỹ trên một mối quan hệ quốc phòng thân thiết hơn’.
Tuy nhiên theo Giáo sư Carl Thayer, thuộc học viện Quốc phòng Úc, chuyến thăm này đã được chuẩn bị khá lâu:

Quyết định gửi ông Sang đến Washington cho thấy các nhà lãnh đạo Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Mỹ trên một mối quan hệ quốc phòng thân thiết hơn.
David Brown



GS. Carl Thayer: Việt Nam thu xếp các chuyên đi cấp cao qua cơ chế nội bộ của đảng với nhiều quan điểm và đòi hỏi phải cân bằng giữa các nước mà các lãnh đạo sẽ đến thăm và cân bằng giữa các nhà lãnh đạo sẽ đi nước ngoài. Các nhà báo Việt Nam đã nói với tôi cả năm nay về chuyên thăm Mỹ của ông Trương Tấn Sang, cho nên quan điểm của tôi là Việt Nam đã thúc giục Mỹ về chuyến thăm này hơn một năm nay vì nó cũng là khi Việt Nam làm chuyến thăm tới Trung Quốc và như vậy họ có hai chuyến thăm và tạo sự cân bằng mà họ muốn.

Ngay từ trước chuyến thăm Mỹ, đã có nhiều đồn đoán về khả năng Việt Nam và Mỹ sẽ nâng tầm quan hệ hai nước thành đối tác chiến lược mà Việt Nam đang tìm kiếm từ hơn 2 năm qua. Tuy nhiên kết thúc chuyến thăm. Hai phía chỉ đạt được quan hệ ‘hợp tác đối tác toàn diện’. Đánh giá về bước tiến có thể coi là khiêm tốn này trong quan hệ hai nước, Giáo sư Carl Thayer nói:
GS. Carl Thayer: có hai giải thích có thể về việc Mỹ và Việt Nam chọn đối tác toàn diện thay vì đối tác chiến lược. Thứ nhất, đàm phán về đối tác chiến lược đã bế tắc và hai bên đồng ý là một thỏa thuận ít chính thức hơn vẫn tốt hơn là không có được một thỏa thuận nào. Giải thích thức hai là các nguồn tin ở Việt Nam cho biết các lãnh đạo cấp cao bảo thủ của Đảng Cộng sản không thích dùng chữ đối tác chiến lược để miêu tả quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ. 

Ví dụ, sau khi tuyên bố chung được công bố, Bộ Ngoại giao (Việt Nam) đã chỉ định cho báo chí không được nói quan hệ đối tác toàn diện là nâng cấp của quan hệ hai nước Việt Nam Hoa Kỳ. Báo chí Việt Nam chỉ được đưa tin là quan hệ đối tác toàn diện mà thôi.

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh (phải) tiếp đón Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng khi ông đến thăm Ấn Độ, 20/11/13
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh (phải) tiếp đón Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng khi ông đến thăm Ấn Độ, 20/11/13

Trước chuyến đi của ông Sang, đã có những nhận định cho rằng, cản trở lớn nhất trong việc nâng cấp tầm quan hệ hai nước chính là vấn đề nhân quyền Việt Nam hiện nay.
Dù nói thế nào đi chăng nữa, thì chuyến thăm này của ông Sang cũng cho thấy quan hệ hai nước đã có những bước tiến nhất định, nhất là trong hợp tác quốc phòng và kinh tế khi lãnh đạo hai bên cam kết sẽ hoàn tất đàm phán hiệp định xuyên Thái Bình Dương TPP vào cuối năm 2013.


Quan hệ với Pháp và Ấn Độ.
Khác hẳn với chuyến đi của Chủ tịch Trương Tấn Sang tới Mỹ, chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Pháp đã đưa lại kết quả là quan hệ hai nước được nâng lên tầm đối tác chiến lược. Với kết quả này, Việt Nam đã chính thức thiết lập quan hệ chiến lược với 4 nước thường trực Hội đồng bảo an là Trung Quốc, Nga, Anh và Pháp. Chỉ còn Mỹ là nước vẫn chưa có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.

Ngoài ra trong chuyến thăm này, Pháp cũng cam kết ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân Quyền Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2014 – 2016, hứa xem xét ủng hộ Việt Nam ứng cử là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021. Pháp cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với EU. Nhân chuyến thăm, hai bên cũng đã ký kết 9 văn kiện, thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Sau chuyến thăm Pháp là là chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Ấn Độ từ ngày 19 đến 22 tháng 11. Ấn độ là nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam từ năm 2007. Đánh giá về chuyến thăm này, Giáo sư Carl Thayer viết trên tờ The Diplomat hôm 3 tháng 12 cho rằng đây là chuyến thăm nhằm giúp Việt Nam tận dụng kinh nghiệm và chuyên môn của Ấn Độ trong quốc phòng và giảm thiểu những rủi ro lệ thuộc vào một nguồn cung cấp trang thiết bị quốc phòng từ Nga.

Nhân chuyến thăm này hai nước đã ký kết 8 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực về kinh tế, và quốc phòng. Trong một bước tiến được coi là đáng kể nhân chuyến thăm, Việt Nam và Ấn độ đã ký thỏa thuận phát triển và mở rộng các dự án tìm kiếm khai thác dầu trên khu vực biển Đông. Trước đó nhiều lần Trung Quốc đã lên tiếng phản đối các dự án khai thác dầu của Ấn độ tại khu vực đang tranh chấp này.

 Ngoài ra, về quốc phòng, Ấn độ cũng hứa sẽ giúp Việt Nam hiện đại hóa quốc phòng và đào tạo đội ngũ. Trước đó, Ấn độ cũng đã đưa ra một đề nghị chưa từng có cho một nước ngoài Nam Á, đó là cung cấp cho Việt Nam tín dụng trị giá 100 triệu đô la để mua các thiết bị quốc phòng.

Khép lại năm 2013 là chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Nhật bản theo lời mời của Thủ tướng Shinzo Abe. Đây là nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam từ năm 2006 và cũng là nước có các trợ giúp về đào tạo và trang thiết bị cho cảnh sát biển của Việt Nam.
Rõ ràng năm 2013 là một năm rất bận rộn với các lãnh đạo Việt Nam. Đây là năm Việt Nam đã dành được những thắng lợi nhất định trong lĩnh vực ngoại giao thể hiện qua những chuyến thăm này. Tuy nhiên, vẫn có những thách thức, nhất là trong vấn đề tranh chấp biển Đông trong quan hệ với người láng giềng Trung Quốc và vấn đề nhân quyền với Mỹ. Đó cũng là những thách thức đã tồn tại từ nhiều năm nay.

Đảng CSVN có đang vỡ ra từng mảnh?


Phạm Trần (Danlambao) - Trong khi Lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam cố gượng cười ăn mừng toàn thắng thông qua Hiến pháp mới ngày 28/11/2013 thì họ cũng run sợ trước trận cuồng phong bão kép “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” đang âm thầm phá đảng không còn manh giáp bất kỳ lúc nào.

Biến chuyển này đến vào cuối năm 2013, giữa nhiệm kỳ đảng Khóa XI, không còn là chuyện hão huyền hay ảo tưởng trong tàn cuộc rượu của những “thế lực thù địch” hay “những phần tử bất mãn” mà do chính đảng viên gây ra.

Vì vậy từ sau Hội nghị Trung ương 8/XI từ 30/9 đến ngày 9/10/2013, đảng đã dồn mọi nỗ lực và tiền bạc vào công tác học tập Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tất cả Lực lượng võ trang bao gồm Quân Đội, Lực lượng trừ bị dân sự và lực lượng Công An cho đến các cấp đảng và đơn vị hành chính đều được cảnh giác: “Trong bất kỳ tình huống nào, toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta đều quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; giữ vững ổn định chính trị-xã hội, môi trường hòa bình để phát triển đất nước theo mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.” (Nghị quyết Trung ương 8/XI).

Nhưng lực lượng của kẻ thù nào đã hay đang đe dọa sự “toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”? Mọi người Việt Nam dù ở trong nước hay ngoài nước, cũng đều biết chỉ có kẻ thù duy nhất có khả năng “ăn tươi nuốt sống Việt Nam” bây giờ là Trung Cộng, nước láng giềng phương Bắc mà Lãnh đạo hai nước vẫn thường “đồng ca” bài 16 chữ vàng “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tình thần 4 tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt.”

Nhưng tại sao chưa bao giờ có Lãnh đạo nào của Việt Nam, từ thời Tổng Bí thư đảng Nguyễn Văn Linh (1986) cho đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (từ 2011) dám “động đến lỗ chân lông” của Trung Cộng dù đã bị áp chế công khai trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông?

Vì vậy mệnh lệnh thi hành “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” theo tinh thần Nghị quyết 8 Khóa đảng IX (năm 2003) được lập lại hồi tháng 10/2013 chỉ là “cái mã bề ngoài” nhằm che giấu chủ trương triệt để ngăn chận bằng mọi giá những cuộc nổi loạn từ trong nội bộ đảng và trong nhân dân đang âm thầm bung ra chống đảng.

Những kẻ nội thù


Vì vậy những kẻ đang đe dọa sự sống còn của đảng và tồn vong của chế độ không xuất thân từ “các thế lực thù địch” hay “diễn biến hòa bình” của phương Tây, chủ yếu là Mỹ như đảng vẫn hô hoán. 

Ngay cả đe dọa xâm lăng Việt Nam bằng quân sự của Trung Cộng cũng không cần thiết vào lúc này vì Bắc Kinh đã thành công “bao vây và khống chế Việt Nam” bằng kinh tế và chính trị từ nhiều năm qua.

Kẻ thù đích thực của đảng CSVN đang dấy lên từ trong lòng chế độ bởi các “nhóm lợi ích” quyết bảo vệ quyền hành và bổng lộc bằng mọi giá; bởi đội ngũ cán bộ đảng viên tham nhũng; bởi những kế hoạch, dự án kinh tế đẻ ra lãng phí; bởi thành phần bất mãn trong đảng vì bị mất quyền lợi, bị ăn hớt tay trên bởi các cấp trên có chức, có quyền.

Chúng cũng đến từ những bấn loạn trong hệ thống cai trị của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”. Và sau cùng là sự không còn tin vào đường lối lãnh đạo của đảng vì đảng viên nào cũng thấy rõ quyết định duy trì quyền lãnh đạo độc tôn của đảng dựa trên Chủ nghĩa phá sản Cộng sản không làm cho"dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà chỉ làm cho dân tộc lầm than và lạc hậu hơn, ngay cả đối với người dân Cao Miên và Lào.

Chuyện này không mới vì ngay trong Đại hội đảng lần thứ XI (Tháng 1/2011), đảng đã thừa nhận: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là nghiêm trọng.”

Ban Chấp hành Trung ương còn xác nhận: “Trong nội bộ những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có những diễn biến phức tạp…”

Cuộc sống của những cán bộ, đảng viên có chức có quyền và những Lãnh đạo vẫn thường rao giảng “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã sống và hành động ngược với lời nói. Nhiều cán bộ, đảng viên đã bị nhân dân ta thán với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang rằng những người này, nếu không tham nhũng thì lấy tiền đâu tậu nhà, mua xe hơi đắt tiền và sống rất xa hoa, trụy lạc, mất phẩm chất và còn có tiền gửi con ra theo học ở các nước Tư bản?

Vì vậy ở Việt Nam đến cuối năm 2013, vào giữa nhiệm kỳ đảng Khóa XI, không còn ai tin vào lời đảng nói rằng: “Mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế tiếp tục tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.”

Hay hù họa vô căn cứ: “Các thế lực thù địch tăng cường chống phá sự nghiệp đổi mới của đất nước với những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc hơn…” (Nghị quyết Trung ương 8/XI)

Nhưng những lời báo động này không mới vì chúng đã được Lãnh đạo đảng nói đi nói lại từ Khóa đảng IX dưới thời Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Chỉ khác ở tính thời gian nên khi được lập lại sau 13 năm đã chứng minh đảng không tìm được lý do nào mới hơn để trốn tránh thất bại cho việc “tự phê bình và phê bình” trong nội bộ đảng.

Điều này cũng có nghĩa chủ nghĩa cá nhân và chứng bệnh di căn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên đã nghiêm trọng hơn các năm trước. 

Vì vậy, trên Tạp chí Tuyên Giáo ngày 27/11/2013 (Ban Tuyên giáo Trung Ương), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tú đã kêu gọi đảng viên phải: “Phối hợp và phát huy vai trò của các tổ chức, các lực lượng chủ động đấu tranh phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.”

Ông viết: “Các cấp ủy đảng, phải nhận thức đúng, đánh giá cho được sự thoái hóa về tư tưởng, chính trị, mức độ và tính chất“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên, kịp thời có chủ trương, biện pháp lãnh đạo cụ thể, quán triệt và tập trung làm tốt công tác xây dựng đảng, trong đó đặc biệt chú trọng khâu giáo dục, quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nâng cao hiệu quả công tác tổ chức và chất lượng sinh hoạt đảng. Phát huy dân chủ, tăng cường kiểm tra giám sát, đổi mới công tác bố trí, sử dụng cán bộ; bổ sung, đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách về cán bộ… nhận thức cho đúng tính chất phức tạp, nguy hại và nhận diện cho rõ những biểu hiện cụ thể, mức độ của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đảng, để một mặt tiến hành thường xuyên, kiên quyết, kiên trì và đi liền với chủ động chống lại thủ đoạn thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch.”

Những “bầy mưu, vẽ kế” của Giáo sư Nguyễn Xuân Tú cũng chỉ có giá trị trên lý thuyết vì thực tế đảng đã làm những việc này rồi mà có thay đổi được gì đâu.

Công an phải bảo vệ đảng


Bằng chứng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và cấp lãnh đạo Bộ Công an lập lại tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 69 tổ chức tại Hà Nội ngày 18/12/2013.

Ông Nguyễn Phú Trọng bảo lực lượng Công an phải: “Chủ động nắm chắc, phân tích, dự báo sát đúng tình hình để tham mưu với đảng, Nhà nước có chủ trương, quyết sách đúng đắn. Tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp làm tốt công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa, tư tưởng, an ninh thông tin, an ninh kinh tế, tài chính, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, bảo vệ đảng, bảo vệ quá trình triển khai thi hành Hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua... Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, không để bị động, bất ngờ; giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề phức tạp nảy sinh; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng yếu và các sự kiện quan trọng của đất nước, tạo môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước.”

Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng không hề nói gì đến nhiệm vụ của Công an chống lại đe dọa chiếm biển đảo Việt Nam của Trung Cộng là nhiệm vụ “bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, nhưng ông lại tập trung vào tình hình nội bộ khi nói rằng: “Lực lượng Công an nhân dân và báo chí Công an nhân dân cần tích cực tham gia và thể hiện vai trò đi đầu trong cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng của đảng, củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng; tham gia tích cực cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, phản bác nhanh, nhạy, kịp thời các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần thực hiện thắng lợi cuộc đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Từ lâu, đảng đã công khai nói Quân đội và Công an là hai lực lượng rường cột bảo vệ đảng nên không ngạc nhiên khi thấy ông Trọng nói thêm lần nữa rằng: “Lực lượng Công an là một công cụ chuyên chính, sắc bén của đảng, chiến đấu trực diện hằng ngày, hằng giờ với kẻ thù rất gian ác và xảo quyệt. Thực tế khách quan đó đòi hỏi các tổ chức đảng trong Công an nhân dân phải trong sạch, vững mạnh. Vì vậy, lực lượng Công an nhân dân cần tăng cường công tác xây dựng đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của đảng đối với lực lượng Công an.”

Ông còn nói thêm: “Toàn bộ hoạt động của lực lượng Công an nhân dân phải tập trung thực hiện nhiệm vụ trung tâm là giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống. Đó là mục tiêu, nhiệm vụ chung, chúng ta phải kiên quyết thực hiện cho bằng được, khó khăn phức tạp thế nào cũng phải kiên quyết làm, nếu không sẽ đe dọa tới sự tồn vong của chế độ, tới vai trò lãnh đạo của đảng.”

Lệnh và đe dọa của ông Nguyễn Phú Trọng về sự tồn vong của chế độ và vai trò lãnh đạo của đảng CSVN cho thấy tình hình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ đảng viên là biến cố rất quan trọng đảng phải đối phó vào giai đoạn Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI đang chuẩn bị nhân sự cho Khóa đáng XII năm 2016. 

Nhưng liệu tình trạng “xáo trộn” nội bộ này có tích lũy thành một lực cản khiến đảng khó vượt qua để tồn tại hay “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” của đảng viên sẽ hòa chung vào tiến trình dân đang mỗi ngày một xa đảng để đảng tự vỡ cho tan không còn manh giáp che thân?

(12/013)


No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết

Featured Post

BẠN TÔI: ĐẠI ÚY TRẦN QUANG HIỆP

 https://www.facebook.com/groups/160591528349491/permalink/723350692073569/ https://www.youtube.com/watch?v=oqhFQFR2-JM Chuyện Xứ Xã Nghĩa r...

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List