* Viết theo lời kể của
Joseph Cao ở Paris để tặng những chiến sĩ can trường của đất nước.
Tôi biết về ông Đạo
Dừa rất ít.
Trước kia, có một
dạo tôi hiểu lầm ông. Nói hiểu lầm thì không đúng lắm : Tôi đã đánh giá sự
đấu tranh của ông một cách phiến diện, hời hợt. Tôi được biết ông tên Nguyễn
Thành Nam, một nhà trí thức tân tiến, đỗ bằng kỹ sư Canh Nông ở Pháp, có tinh
thần ái quốc cao. Ông thành tài về nước, không làm việc cho Pháp, dấn thân
vào cuộc cách mạng dân tộc. Vào thuở tôi còn mài đũng quần nơi những lớp
trung học Pháp, tên tuổi của ông đã lẫy lừng, tương lai rạng ngời hào quang. Người
Pháp ở Đông Dương rất ưu đãi dân thuộc địa thông thạo Pháp ngữ. Từ các công
sở đến tòa án, hễ ai nói thông được tiếng Pháp kể như nắm được chiếc chìa
khóa vàng trong tay, vào cửa nào cũng thông cũng lọt. Huống chi đối với những
nhà khoa bảng xuất thân từ những đại học ở "chánh quốc" áo gấm về
nước ! Với cái tài ấy, cái thế ấy, giá khéo luồn lọt một tí, làm gì chẳng
thừa miếng đỉnh chung ?
Nhưng ông kỹ sư Nam ấy lại không đem cái tài học của ông làm việc cho Pháp.
Ông cũng không dùng cái vốn liếng văn hóa Tây phương gây lợi cá nhân, cho có
được vợ đẹp con ngoan, cho có trang trại giàu sang trưởng giả, hoặc khai khẩn
dinh điền màu mỡ cò bay thẳng cánh... Ông đã rũ bỏ cảnh phồn hoa quyến rũ, dứt
lìa văn minh vật chất ông có thể thụ hưởng thừa thãi, để về một cồn vắng...
trèo lên ngồi trên ngọn cây dừa mà tu, và thành là ông Đạo Dừa !
Tôi từng nghe mấy người anh bà con, cùng ở Pháp về chuyến tàu với ông, không
ngớt bàn tán về hành động ấy của ông:
- Kỹ sư Nam ở Bến Tre tính gì thế ? Toan làm chính trị ? Hay muốn chóng nổi
danh ?
- Hắn bất hợp tác với nhà cầm quyền ư ? Chủ trương tranh đấu bất bạo động như
thánh Gandhi bên Ấn Độ à ? Bối cảnh chính trị ở Việt Nam khác xa với bên ấy
lắm cơ mà !
- Hay hắn lập dị ? Cũng muốn tỏ ra ta đây anh hùng cách mạng ?
Tôi nghe nói mà chán ngắt cho mấy ông anh họ ấy. Họ còn ham thụ hưởng, có dám
dấn thân như thế đâu. Cũng có kẻ xu thời, làm chính trị sa lông. Thứ chánh
trị không tốn kém gì, không hy sinh nguy hiểm gì, mà lại được tiếng là kẻ
thức thời.
Tôi là lớp trẻ vừa trưởng thành, vừa mới hiểu biết, trong thập niên 30-40.
Chúng tôi thường thao thức theo tiếng gọi thức tỉnh của hồn nước, của các bậc
tiền bối yêu nước như cụ Phan Bội Châu, cụ Huỳnh Thúc Kháng, ông Phan Châu Trinh,
Tăng Bạt Hổ... Và cái chết oanh liệt của các bậc anh hùng Yên Bái Nguyễn Thái
Học, Ký Con...đã khơi dậy lòng yêu nước khắp nơi.
Chúng tôi sống trong ký túc xá, giữa bốn bức tường kín học đường, song cũng
biết được đại khái những hoạt động của các ông Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh,
Trần Văn Thạch, Phan Văn Hùm, Trần Văn Ân, Hồ Hữu Tường, Hồ Văn Ngà... và vô
số nhà trí thức Trung Nam Bắc... đã không chạy theo vinh hoa phú quý thuở bấy
giờ mà lại dấn thân làm quốc sự. Những quyển sách quốc cấm như Phan Đình
Phùng, Con hùm Yên Thế Hoàng Hoa Thám, Giặc Cờ Vàng... được chúng tôi lén lút
chuyền tay nhau, nửa đêm chun vào cầu tiêu, xem mê mệt không thôi. Phong Trào
Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục với những tổ chức đưa thanh niên du học nước
ngoài, những trường bí mật đào tạo nhân tài đất nước đã nhiều đêm là mộng
trắng canh trường của lòng trai háo hức dấn thân vào phiêu lưu của chúng tôi.
Chúng tôi không còn lòng học hành nữa. Cái học trong nước, dẫu đến cao đẳng, cũng
chỉ để làm nô lệ. Chúng tôi từng chứng kiến, căm hờn và ứa lệ, khi trông thấy
đang trong giờ giảng bài, vị giáo sư đáng kính mến bỗng bị lính kính, mật
thám Pháp vào lớp, xích tay lại dẫn ra xe ...
Giữa cái buổi giao thời đặc biệt ấy của đất nước, bọn thực dân cai trị cố
tình bên trên đè ép xuống, dân chúng ở dưới ngộp ngạt trôi mình, có một số
thanh niên Tây học, đâm ra hoang mang mất hướng. Một số bỏ sở làm lương to,
đi lên núi Cấm tu hành, hoặc toan luyện bùa phép chống lại súng đạn, hoặc
toan tìm hậu duệ các tiền bối kháng Pháp thời xưa ? Một số lại ủy mị hơn, tìm
quên lãng hận mất nước trong làn khói phù dung ! Một số tìm đường trốn ra
nước ngoài, cố sao móc nối được một anh thủy thủ ngoại quốc có tàu buông neo
ở Nhà Rồng, năn nỉ sao cho anh ta thương tình dấu dưới hầm tầu để đi được
thoát. Nếu rủi ra khơi rồi mà thuyền trưởng hay được, bất quá hắn xiềng chân
lại, chờ đến một bến cảng nào đó thì tống khứ lên bờ, miễn đừng trong thuộc
địa của Pháp thôi, là cũng sướng đời rồi ! Tuy không nói nhiều ngoại ngữ, chỉ
biết tiếng Pháp rất hạn chế trong thương trường quốc tế, nhưng những thanh
niên mạo hiểm vẫn tin tưởng ở sức lực và bàn tay tháo vát của mình để có thể kiếm
được cái ăn qua buổi, miễn không ngửa tay xin ăn. Mà dù không kiếm sống được,
chết đói xứ lạ là cùng, còn hơn sống nô lệ nơi quê nhà vốn nổi tiếng vựa lúa
Châu Á !
Tôi có một số bạn bắt mối được với một bạn thủy thủ tàu buôn Pháp, bọn này
đòi 50 đồng mới cho xuống tàu. Ba đứa đều là học sinh, còn trong cảnh cơm cha
áo mẹ, làm sao có đến một số bạc to lớn như thế ? Bán cả đồ đạc, quyên góp
khắp bạn bè mãi mới được 40 đồng, định sẽ năn nỉ xin bớt, chắc bọn chúng cũng
chịu, nhưng khi đem tiền ra bến, hỡi ôi, con tàu buôn hôm nọ đã nhổ neo, ra
lòng sông Sài Gòn rồi !
Sở dĩ tôi nói lên việc này là để cùng quý bạn hình dung lại thời điểm ấy của
những công dân Việt Nam, như dòng sông Cửu Long đợt sóng này nối tiếp đợt
sóng khác, đã ý thức được những việc cần phải làm của người bị trị. Quyền yêu
nước không phải ở một người, ở một đảng phái nào. Bây giờ, người ta tha hồ tô
hồng, chuốt lục lịch sử đảng họ. Bẻ cong cả lịch sử. Phủ nhận công ơn của
những người ngoài đảng ta ! Các văn sĩ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa tán tụng tận
mây xanh về việc đi tìm đường cứu nước của "bác", làm như chỉ có
"bác" của họ mới độc đáo đi nước ngoài. Ở Sài Gòn, có một dinh thự
to tát và tráng lệ của thực dân Pháp bỏ lại bến Nhà Rồng, đáng lẽ thuộc về
nhân dân đang thiếu nhà ở, thì đảng lại làm thành ngôi nhà kỷ niệm nơi xuất
xứ đi ra nước ngoài của lãnh tụ. Để thờ những vật vớ vẩn ! Sao không thờ bao
nhiêu bậc tiền hiền cách mạng trước "bác" hoặc đồng thời với
"bác", tài ba hơn và sự hy sinh cống hiến nhiều hơn ?
Cổ nhân bảo : luận anh hùng, chớ luận vào thành công hay thất bại, phải luận
vào sự tiên phong khởi đầu. Những người thắp sáng, những nhà khai hoang,
trong lãnh vực thương nước yêu nòi mới thực hiển hách. Cũng như nơi tuyến
đầu, người lính trước tiên nhận diện được quân thù mà cảnh giác cho bạn đồng
ngũ, dù có bị bắn ngã chết, vẫn giữ công đầu ! Tổ quốc Việt Nam không quên ơn
những người con ấy. Dầu hiện nay, họ bị bôi nhọ, hay xuyên tạc. Trong số đó
có ông Đạo Dừa. Với một năm ở tù chung ở khám Cần Thơ, tôi mới thật sự biết ông.
Khâm phục ông nhẫn nại, kiên quyết và bất khuất hơn người.
Trước kia, tôi chỉ biết ông có chí hướng hơn người. Ông tìm con đường tranh
đấu riêng. Ông không theo phe này, lập hội kín nọ. Ông làm cách mạng quần
chúng. Lấy số đông dân chúng làm hậu thuẫn. Ông pha màu tôn giáo vào chính
trị, và ông đã khởi xướng lên một mình. Một loại tôn giáo hòa đồng. Thực chất
là lấy tình thương bao la để khuyến dụ và cảm hóa mọi người. Ông đã gặt hái
ít nhiều thành công. Lúc bấy giờ, tôi vẫn còn cho ông là một con người đáng
tôn kính, song có phần lập dị.
Nhân một dạo, tôi có dịp đi đò máy từ bến bắc Rạch Miễu sang tỉnh lỵ Bến Tre,
khi con đò chạy ngang qua một cái cồn đất nọ, người đi đò cùng trầm trồ trỏ
tay bảo :
- Ông Đạo Dừa ngồi trên đọt dừa đó, thấy không ? Ổng ngồi mấy năm nay rồi.
Mặc nắng mưa, trưa tối !
Một bà lão già nói bằng giọng cung kính:
- Ai cũng tưởng ổng chịu không nổi, mà chết rồi! Nhưng người ta vẫn thấy ông
ngồi trơ trơ đó. Mà ông phải nhà nghèo hèn gì, con nhà giàu sang, danh giá.
Vậy mà ông lại đi tu. Nói là để độ đời !
Tôi hỏi lại:
- Tây để cho ông làm như vậy sao? Ông ra vẻ chống đối như vậy, bỉ mặt cho
người Pháp ở Đông Dương lắm.
- Mèn ơi, họ bắt ổng giam vô tù mấy lần. Ổng tịnh khẩu, không thèm nói
chuyện. Nhưng viết giấy hỏi Tây là ổng có tội gì mà bị bắt ? Đụng chạm nhân
quyền sao đó ! Tây cãi không lại lý của ổng, phải thả ổng ra. Ổng lại trèo
lên cây dừa mà ngồi. Tây giận lắm, sai người đốn bỏ cây dừa của ổng. Mất cây
dừa đó, ổng lại trèo lên cây dừa khác. Mèn ơi, ai trông thấy ổng trèo dừa mà
hổng thương đứt ruột ! Tây lại sai người đốn dừa nữa, ổng lại ngồi trên cây
khác. Đốn hết dừa cù lao này, thì ổng sang qua cù lao kia. Bến Tre là xứ dừa
mà. Không lẽ Tây đốn hết dừa của tỉnh? Thằng Tây đành chịu thua ổng luôn.
- Rồi ổng ăn gì ?
- Ổng chỉ uống nước dừa, có khi ăn thêm vài trái chuối để sống. Vậy nên người
ta mới kêu ổng là ông Đạo Dừa.
- Thời buổi lộn xộn, ổng ngồi hoài như vậy, không sợ nguy hiểm ?
- Ổng hổng sợ. Mà dân cũng thương ổng, ngấm ngầm bảo vệ cho ổng.
- Ổng tịnh khẩu hoài, không mở miệng nói chuyện? Không thuyết pháp sao? Vậy
làm sao truyền đạo ?
- Ổng không nói. Chỉ viết ra trên giấy. Nói chuyện cũng bằng giấy tờ. Vậy mà
đệ tử đông lắm. Ở khắp nơi, đâu cũng có. Cả ở Lục tỉnh, ở miền Trung nữa. Vì
đạo của ông tốt một cái là thờ kính ông bà, tôn trọng lễ nghĩa và ăn ở hòa
mục với mọi người.
Tôi chăm chú nhìn lên ngọn dừa khi phà chạy ngang mé cồn. Trên ngọn một cây
dừa cao, một hình bóng người nhỏ thó, mặc áo vải vàng, ngồi thu lu trên một
giạt bằng cây to, trông thấy bấp bênh lơ lửng. Trời trưa nắng như hun đốt,
mắt nhìn lên lóe sao. Thế mà bóng người nọ vẫn ngồi xếp bằng an tọa, tịnh
nhiên. Ông ngồi như thế đã mấy năm trời? Gương kiên nhẫn của ông thật đáng
phục !
Tôi vì bận việc ở Bến Tre, đến xế chiều mới xuống phà trở sang tỉnh Mỹ Tho.
Ông Đạo Dừa vẫn ngồi trên ngọn dừa nơi cồn đất nọ. Ngọn gió chiều thổi lộng
lòng sông rộng. Cây dừa trông từ xa thấy chao đảo. Thế nhưng ông đạo vẫn ngồi
bằng an, tâm tư vắng lặng vào cõi hư vô nào? Hay ông đang nghiền ngẫm một thế
cờ hay để giải thoát cho đất nước, cho con người ? Bên kia bờ tỉnh lỵ Mỹ Tho
đang sáng choang ánh đèn phồn hoa, lại có tiếng ca nhạc từ đài phát thanh nào
đó phát ra âm điệu xa vời quyến rũ, mê ly. Như tất cả giục giã con người đừng
hoài phí tuổi xuân, cứ quyện hồn vào những hoan lạc, say sưa ... Tôi bất giác
ngước nhìn hình bóng ông Đạo Dừa ngồi nơi hoang tịch nọ. Cái bóng dáng gầy
còm của người trí thức ngậm câm tiếng nói ấy lại có một sức mạnh huyền vi rọi
xuống lương tâm con người. Cảnh giác người đời đừng mê bả béo mồi thơm mà
quên hờn mất nước !
Sau đó, tôi bị kẹt ! Mãi lâu sau tôi mới lại có dịp về miệt Tiền Giang. Thỉnh
thoảng tôi gặp trên đường những người đàn ông có, đàn bà có, già có, trẻ có,
mặc quần áo bằng vải màu vàng hoặc màu già, áo thì là áo bà ba gài nút ở giữa
hay là vạt miễng, có người để tóc dài chít khăn màu vàng. Những người ấy ăn
nói lễ phép, từ tốn và thân thiện. Tôi hỏi ra mới biết đấy là đệ tử của ông
Đạo Dừa. Ông Đạo chủ trương hòa đồng tôn giáo. Ông thờ các bậc sáng thế. Phật
Thích Ca ông cũng trọng, Chúa Ki Tô ông cũng kính, cả đến Lão Tử ông cũng
theo, Khổng Tử ông cũng học... Tất cả các vị có lòng từ bi, bác ái, yêu
thương nhân loại, xả thân vì chúng sanh, ông đều phụng thờ. Đó là tình thương
yêu phải học tập, phải noi theo. Đệ tử của ông rải rác khắp nơi. Họ hành đạo
và truyền đạo với lòng tin vững chắc, dù phải gặp rất nhiều khó khăn, cả
những hiểm nguy. Vì trong cái thế giới nhiễu nhương, còn lắm người nhắm mắt
chạy theo thế lực kim tiền, thì trái tim thương yêu của người thiện lương dù
mở rộng mấy cũng ít có người cảm thông. Rồi sau đó, tôi lại gặp một số đệ tử
của ông Đạo Dừa trong cảnh nhà tù ! Hỏi đến Thầy họ, Thầy họ chắc cũng bị cầm
giữ đâu đó. Họ vẫn không rời chiếc áo bà ba vạc miễng của họ. Sau lưng áo, họ
vẽ hai chữ Tu Tù thật lớn. Họ lặng thinh, không nói gì. Ai muốn hiểu sao hiểu.
Có thể bảo là vì tu nên mới bị tù. Có thể có nghĩa ở tù vẫn cứ tu. Lại có
nghĩa lấy việc ở tù làm công quả học thành đạo. Theo họ, họ bảo tu cho đất
nước hòa bình, con người thương yêu con người hơn. Chỉ có tình thương yêu mới
khai trừ họa chiến tranh. Chỉ có tình thương yêu, mới san sớt đồng đều, mới
thông cảm nhau, không cần đấu tranh giai cấp !
Tôi hỏi người đệ tử của ông Đạo Dừa:
- Nghe nói Thầy anh muốn làm người hòa giải ?
- Phải. Cậu Hai yêu nước thương dân, không nỡ nhìn triệu triệu thanh niên ở
hai phía bị nướng thiêu trong nạn nồi da xáo thịt. Chiến tranh đã hơn ba mươi
năm, dân chúng điêu linh, xã hội tàn hoại, đất nước nghèo khổ lắm rồi, sao
người ta lại không chịu ngưng tay ?
- Thấy anh tin là hai bên có thể ngồi lại với nhau?
- Cậu Hai tin ai cũng có lòng yêu nước thật sự. Lòng yêu nước đứng trên quyền
lợi của bè cánh, đảng phái.
- Và Thầy anh tin "bác Hồ" sẽ từ bỏ đảng cộng sản? Hay đặt quyền
lợi của đảng, của Nga Sô, của Trung cộng ra ngoài để cứu nước cứu dân ?
- Nếu ông Hồ yêu nước, ông phải làm như vậy !
Tôi khẽ thở dài:
- Thầy anh chủ trương tốt, nhưng tình hình chính trị phức tạp lắm, lại thêm
lòng dạ tham lam của con người, tham vọng của quốc tế... Không như việc Thầy
anh nuôi con mèo chung với con chuột một lồng...
- Thú vật còn biết dung nhau, con người lại không thể sao? Việc nước nhà mình
đã đến lúc mình phải tính với nhau, không cần đến anh Mỹ, anh Nga, anh Tàu
chen vào nếu họ không có thiện chí giúp đỡ !
- Tôi sợ Thầy anh ôm mãi cái không tưởng ấy. Giá mà thành được như thế, người
dân Việt nào lại không thích ?
Về sau, tôi lại nghe tin ông Đạo Dừa trở về Cồn Phụng, tức là cái cồn đất ông
trèo lên ngồi trên cây dừa mấy mươi năm về trước. Khi ấy cồn đã có đông dân
cư tụ tập. Nhà ở khang trang. Dân tình dễ sống. Có văn hóa. Có tình người. Có
trật tự. Có cả mấy người Mỹ tu ở đấy. Ai trông thấy tướng đi lênh khênh của
họ trong bộ quần áo bà ba màu vàng may rộng khổ mà vẫn thấy túm bó, với đôi
bàn chân đi đất rón rén của họ, đều phải che miệng cười. Nhưng là cái cười
đầy thiện cảm, thân ái. Họ gặp ai cũng chắp tay cúi đầu, nói trọ trẹ :
- Chào ông !... Chào bà !... Chào anh !... Chào chị !... Mạnh giỏi !
Nơi Cồn Phụng còn treo một biểu ngữ to Bất Chiến Tự Nhiên Thành. Đó là một
câu sấm xưa từ mấy trăm năm, mà người ta cho là trong bài sấm Trạng Trình,
tiên đoán về hậu vận nước nhà. Nhưng không ai hiểu câu sấm ấy ứng vào thời kỳ
nào? Sao không đánh nhau mà thành? Và cái thành ấy có lợi cho phe nào? Tôi
thầm nghĩ ông Đạo Dừa đưa lên câu biểu ngữ để kêu gọi ngưng chiến.
Nơi bến cồn có đậu một chiếc tàu sắt mà ông Đạo Dừa cho trang trí theo mỹ
thuật Việt Nam và đặt tên là thuyền Bát Nhã. Trên con thuyền rộng lớn ấy, nơi
phía trước, ông bầy ra nhiều hàng ghế sắt cho du khách ngồi. Nhiều phái đoàn
ngoại quốc đến phỏng vấn ông, thu băng, quay phim. Ông ngồi nơi chiếc ghế đặt
phía trước, có hai đệ tử đứng hai bên. Chính hai đệ tử nọ trả lời những câu
hỏi của khách, thỉnh thoảng ông mới biên vào giấy cho họ phát biểu thêm những
chi tiết.
Tôi đến nhằm lúc hết giờ phỏng vấn, nhưng cũng được đệ tử của ông nói về
chánh kiến của đạo. Ông nhận ra tôi, chỉ mỉm cười. Nụ cười hiền hòa và thân
thiết. Ông vẫn không ngớt tay lẫy những hột bắp, để sau đó tự ông nấu lấy ăn.
Trước kia ông chỉ uống nước dừa. Dạo sau này, vì làm việc nhiều, vì đệ tử
khuyên lơn, ông mới ăn thêm buổi ngọ (buổi trưa) bằng bắp nấu. Tôi trông thấy
ông gầy ốm quá, thân hình nhỏ thó, đôi tay khẳng khiu, mặt thỏn như trẻ nít,
song đôi mắt tinh anh sáng rực khác thường. Các phóng viên truyền hình ngoại
quốc không ngớt tỏ vẻ kinh ngạc và thán phục trước một ông già ốm tong teo
như cây sậy mà lại có một mãnh lực chịu đựng kiên cường. Tự ông làm ra thức
ăn cho ông, tuy rằng đệ tử của ông rất đông. Nếu ông để cho họ phục dịch,
chắc họ sung sướng lắm. Nhưng ông chủ trương có làm mới có ăn, ông phải tự
tay làm lấy thức ăn cho ông. Nếu ông bị rủi ro nằm bệnh ngày nào, ngày đó ông
nhịn đói. Không ai khuyên lơn, năn nỉ ông được một miếng nào. Tôi trông thấy
những việc ông làm, lòng vơi bớt đi những thành kiến thắc mắc về ông. Ông
thật sự thể hiện tình thương yêu to lớn. Ông xót xa đau đớn khi thấy chiến
tranh kéo dài, dân tộc điêu linh tang tóc, đất nước kiệt quệ tài nguyên, lẽ
ra có thể làm dân giàu, nước mạnh! Nhưng giữa khi đôi bên say chiến, nhất
quyết một được một thua, tiếng gọi hòa bình của ông chỉ là tiếng gào khản
trong sa mạc! Rồi đây, Cồn Phụng của ông, nơi ông tạo được một xã hội kiểu
mẫu nho nhỏ ấy có được yên? Thân phận của ông và bầy đệ tử rồi sẽ nổi trôi,
chìm ngụp thế nào trong cảnh biến loạn tang thương của đất nước ?
Đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, cái ngày uất hận của người Việt tự do ! Cộng
sản đã thôn tính được miền Nam Việt Nam, và chỉ qua một thời gian ngắn đã làm
cho toàn quốc đói rách và sa đọa hơn bao giờ hết ! Tôi lại gặp ông Đạo Dừa
trong ngục thất Cần Thơ. Đầu tiên, tôi trông thấy ông, cũng như tôi, bị liệt
kê vào thành phần tối nguy hiểm và bị biệt giam. Tức là nhốt trong co-nét,
thùng sắt to tướng đựng đồ viện trợ của Mỹ hồi xưa. Mỗi người một co-nét. Nằm
ngồi, ăn uống, ỉa đái -- xin lỗi độc giả -- cũng tại chỗ. Cửa co-nét đóng
lại, mình một mình trong tối bưng, trơ trọi và... thối bung ! Không trông
thấy ánh sáng mặt trời, mặt trăng. Không biết ngày tháng, thời khắc. Thỉnh
thoảng mới được chúng mở cửa co-nét dọn dẹp vệ sinh. Ôi mừng ơi là mừng. Mừng
trông thấy được ánh sáng. Trông thấy những vật cử động sao lạ mắt quá chừng !
Mới biết rằng mình còn sống ở nhân gian !
Bọn cai tù, bọn cán bộ, đối xử rất tàn nhẫn. Chúng ngoài miệng nói khoan hồng
mà lòng thâm như rắn độc. Vô cớ cũng chửi rủa hạ nhục. Chúng như thể rửa hờn
giai cấp bằng trút lên đầu kẻ sa cơ, thất thế dưới tay chúng. Chúng oán ghét
ông Đạo Dừa vô cùng. Chỉ có ổng thản nhiên và coi thường chúng. Chúng càng
đọa đầy ông bao nhiêu, ông càng quyết liệt và quật cường bấy nhiêu. Quyết
không chịu thua chúng. Và lắm lần hành hạ ông mãi không xong, chúng phải chịu
thua ông. Ông phản đối chúng bằng cách gõ cái ca uống nước vào cửa co-nét... xèng
xèng... xèng xèng... có khi cả ngày không ngớt tiếng...
Tên lính gác bực mình quát hỏi :
- Làm gì om sòm thế ? Giờ này khuya rồi, làm thế ai ngủ được ?
Tiếng nói chậm rãi và rắn rỏi của ông Đạo Dừa đưa ra sau cửa co-nét:
- Cậu ơi, tôi thương cậu lắm...
- Tôi chả cần ông thương !
- Có ai ngăn trở được tình thương ? Cậu không cần tôi thương là quyền cậu.
Còn tôi thương cậu là quyền tôi. Tôi thương cậu chỉ là một kẻ tay sai. Như
thiên lôi, lịnh trên bảo đánh đâu là phải làm vậy thôi. Thương cậu chiến đấu
mấy năm trời, vào sanh ra tử biết bao lần, rốt cuộc cũng chỉ là anh lính gác,
thương cậu chức vụ bé nhỏ quá, không làm sao giải quyết nổi chuyện của tôi
...
- Nhưng ông muốn gì ?
- Thương cậu quá ! Cậu không giải quyết nổi, hỏi làm gì. Cậu kêu người lớn
hơn cậu lại cho tôi nói chuyện.
- Giờ này mấy đồng chí cán bộ ngủ cả rồi.
- Tôi thương cậu quá ! Nhưng khỏi cần nói chuyện với cậu.
Ông Đạo Dừa lại gõ lanh canh... lanh canh... Gõ nhịp đều như tiếng mõ hồi
một. Mấy người bạn tù gần đấy giật mình thức giấc, thì thầm bảo nhau :
- Cậu Hai lại tranh đấu nữa rồi Bọn quản giáo, cán bộ rồi đây khổ sở với cậu
không ít !
Những người bị "học tập cải tạo" bất đắt dĩ ấy tuy phải làm lụng
cực nhọc ban ngày, ban đêm cần giấc ngủ cho lại sức, song không phiền hà khi
phải thức giấc vì tiếng khua lon của ông Đạo Dừa. Trái lại, họ rất thích cảnh
ông Đạo Dừa chống báng lại bọn hung tàn giết người không gớm tay ấy. Chỉ có
ông Đạo Dừa mới dám làm, mới không biết sợ, không khuất phục trước uy vũ. Ông
gõ lon gọi mãi cho đến khi tên lính canh phải đi gọi tên cán bộ cai tù đến. Tên
này quát tháo lên :
- Ông muốn gì ?
Giọng nói của ông Đạo Dừa từ trong co-nét đưa ra, mềm mỏng, ngọt ngào :
- Tôi thương chú cán bộ quá. Thương chú đang ngủ ngon giấc mà bị dựng dậy vì
tôi. Nhưng đành phải gọi chú nửa đêm, nửa hôm như thế này là vì tôi bị... bỏ
đói !
Bọn quản giáo, thường ngày hay sừng sộ, mắng chửi phạm nhân. Với ai dầu già
lão, bạc phơ tóc trắng, chúng cũng gọi là anh, tức là tử tế lắm rồi. Song đặc
biệt chúng lại gọi ông Đạo Dừa là ông.
Tên cán bộ bực tức bảo :
- Ai bỏ đói ông ?
- Không bỏ đói tôi, sao không cho tôi uống nước dừa ?
Tên cán bộ mở cửa co-nét, chỉ tay về ổ bánh mì và lon sữa :
- Không có nước dừa nhưng có bánh tây và sữa đây thôi !
- Tôi không ăn những thứ đó. Tôi chỉ uống nước dừa.
Ông trả lời rất quả quyết. Tên cán bộ cầm ổ bánh mì lên xem có bị cắn mất
miếng nào hay chăng ? Lại bưng lon sữa xem xét tỉ mỉ. Hắn nghi ông Đạo Dừa
giả bộ không ăn, nhưng kỳ thật đã nhấp nháp chút ít rồi giả bộ làm khó. Nhưng
ổ bánh mì vẫn y nguyên, cả lon sữa cũng vẫn còn đầy. Mùi bánh và mùi sữa đưa
vào mũi hắn, thơm ngon đến nỗi hắn phải nuốt nước bọt đến đánh ực một cái
trong cổ họng. Hắn ăn no đầy đủ thế mà thấy ổ bánh và sữa ngọt bùi, béo bổ
phải thèm rỏ dãi, thế mà lão già ốm nhom kia lại có gan cóc tía, đã đói rã
ruột, vẫn chẳng thèm rớ tới.
Gã dằn ổ bánh mì và lon sữa xuống nền sắt co-nét, sầm nét mặt bảo :
- Ngon bổ thế này mà ông chê. Chả có thứ khác đâu !
Ông Đạo Dừa vẫn ngọt ngào :
- Tôi thương chú cán bộ ! Chú nhỏ chức quá, không giải quyết được vấn đề của
tôi. Thương đã làm mất giấc ngủ của chú. Thôi chú về ngủ lại đi. Để tôi gọi
cấp trên của chú. Tôi thương chú ít quyền quá !...
Và rồi ông lại gõ lanh canh... lanh canh... Gõ đến sáng vẫn không dứt tiếng.
Tên trưởng trại phải đến gặp ông :
- Ông đòi hỏi chuyện ngoài luật lệ của nhà tù.
- Mấy chú bỗng dưng giam cầm tôi, giam cầm hàng ngàn người vô tội, có theo
luật lệ nào không ?
- Mấy người có nợ máu với nhân dân. Còn ông là tay sai của CIA.
- Chú có biết CIA là thế nào mà mở miệng ra là buộc tội cho mọi người. Ai làm
sở Mỹ là CIA ? Tiếp xúc với người Mỹ là CIA ? Biết tiếng Ăng-lê cũng là CIA ?
Học thức một chút cũng CIA. Chỉ có bần cố nông mới không là CIA ? Thế hồi
Việt Minh còn ở chiến khu Việt Bắc, có Mỹ trợ lực cho cũng là CIA ? Bác Hồ
lúc ấy cũng CIA ?
- Này ông đừng nói bậy mà khốn !... Cứ nói đến việc ông kêu đói. Tại ông chê
thức ăn đặc biệt của nhà tù cho ông dùng....
- Ê, không phải à. Thức ăn đó Tín hữu của tôi gởi cho. Tôi thương chú Trưởng
trại nói sai. Cố tình bóp méo sự thật. Tín hữu của tôi sợ tôi bị bỏ đói chết
nên mới gởi vào cho dừa nước, bánh mì, sữa ... Tôi không ăn bánh mì sữa, chỉ
muốn nước dừa thôi. Tôi thương Trưởng trại không giải quyết nổi việc này, thì
tôi gọi cấp Đảng ủy của quản giáo vậy!
Và ông lại gõ lanh canh... lanh canh.... Bọn cai tù nghiến răng căm tức lắm
mà không làm gì đặng ông. Chúng không muốn ông bị chết đói để khỏi bị mang
tiếng. Nhưng ông Đạo Dừa cũng biết như vậy, vẫn kiên trì mà sống. Như thể thi
gan luôn cả đến cái chết. Trưởng trại và bọn quản giáo phải họp khẩn cấp. Dừa
trái thì có sẵn do đệ tử của ông Đạo Dừa gởi vào, nhưng ai chặt cho ông uống?
Lũ răng đen mã tấu chặt đầu người thì sành, nhưng chặt quả dừa đâu có biết !
Chúng đâu dám phát dao cho ông. Nhỡ ông lấy dao rạch bụng tự tử thì sao ? Bàn
cãi mãi, chúng mới nẩy ý kiến tìm trong số tù gốc người Bến Tre ra chặt dừa
cho ông. Chúng gọi anh NVA ra, bảo đem dừa đến cho ông uống. Anh này ngơ
ngác, bảo :
- Tôi có biết chặt dừa đâu ?
- Anh là dân Bến Tre mà không biết chặt dừa ư ?
- Tôi chèo đò. Có vườn dừa đâu mà biết chặt.
Có anh TVT tình nguyện ra. Anh này trước có bán dừa, biết cách thức. Anh chỉ
cần dựng đứng trái dừa, bổ ba nhát dao, chặt xéo nơi núm dừa thành tam giác,
bật tung núm dừa ra, không một giọt nước sóng sánh ra ngoài. Anh bưng quả dừa
đến bên ông Đạo. Tuy anh không phải là đệ tử, anh cũng cung kính bảo nhỏ:
- Cậu Hai uống đi để mà sống.
- Cám ơn em. Tụi này bạo phát, bạo tàn. Qua sẽ không sống đến ngày đó. Qua
biết chúng quyết làm cho qua chết. Nhưng thể xác thời chết chứ tinh thần thời
không !
Bọn Việt cộng hành hạ ông Đạo Dừa đủ cách. Chúng lôi ông ra để tắm rửa cho
ông:
Ông ở dơ quá không chịu tắm rửa, không thay đổi quần áo, hôi hám kinh tởm
quá. Lại chí rận, bọ chét cùng mình, lây bịnh nguy hiểm cho cả khám !
Chúng cầm vòi nước xịt vào ông. Nước xịt rất mạnh, làm ông té lăn lốc. Ông cố
gắng bò dậy. Lại bị nước bắn tung người đi, lăn cuồng như bông vụ. Ông không
hề rên rỉ, than van một tiếng. Vẫn gượng ngồi dậy, lại té lăn. Chúng cười ầm
lên. Ông vẫn cương quyết không khuất phục. Bọn tù chúng tôi nhìn ông, xót
thương biết mấy, và khâm phục ông không lời nào cho xiết. Ông bao giờ cũng
ngẩng cao đầu không cúi luồn. Cả đời ông bị tù đầy cũng lắm, ông sợ gì lũ trẻ
ranh muốn giết ông mà khỏi mang tiếng này ! Chả bù trong khám, biết bao kẻ
xưa kia giầu sang danh giá, oai quyền hống hách, bây giờ khúm núm sợ sệt
trước lũ cán bộ ngu dốt :
- Dạ bẩm thưa cán bộ, em lỡ lầm, lần sau không dám. Xin cán bộ rộng lòng tha
thứ một phen.
Một điều dạ thưa, vâng bẩm, khúm núm, sợ sệt, như muốn thun người nhỏ bớt đi.
Uốn lưng khòm cong lại, cầu an, tắc trách, thủ phận mình, quên đồng bạn. Lại
còn một hạng khác, ti bỉ hơn, cam làm ăng-ten cho thù. Phản bạn, bội tình
đồng ngũ, nghĩa bạn bè, để được một lời hứa sẽ cứu xét cho về sớm, hoặc được
một vài ân huệ cỏn con... Ôi, điếm nhục !
Tôi nhìn gương can cường của ông mà lại xấu hổ cho mình. Mới bị tù đầy vài
bận thôi mà tôi tưởng rằng hãnh diện lắm. Tù Pháp thuộc tôi có ở. Tù Nhật Bổn
tôi cũng đã nếm mùi. Rồi lại tù Việt Minh vào măn 1945, lại còn hai năm vướng
mắc trong nhà tù của chế độ trước vì chống nạn độc tài tham nhũng nữa ! Nay
lại vào khám Cần Thơ, bị liệt vào thành phần biệt giam nguy hiểm, biết chừng
nào được ra? So với các bậc cách mạng xả thân tranh đấu thời trước, tôi nào
có ăn nhằm gì ?
Trừ lúc ở tù Việt cộng những năm ấy ra, cảnh ngồi tù Nhật Bổn là đáng nhớ
nhất. Năm ấy 1942, tôi bị Hiến binh Nhật bắt giam ở "Chambre de
Commerce" ở bến sông Sài gòn, sau này là Thượng Nghị Viện của chế độ
trước. Vì tội rải truyền đơn chống thực dân, cả Pháp lẫn Nhật, mà bọn Hiến
binh nghi tôi là gián điệp Trùng Khánh. Chúng giam vào phòng Thương Mại ấy,
hai bên là chỗ giam người có song gỗ chắn trước mặt, chừa một lối đi ở giữa.
Mỗi sáng, 7 giờ, tụi Nhật cho chúng tôi đem thùng vệ sinh ra đổ xong lại bưng
vào căn phòng giam hẹp của mình. Chúng bắt ngồi xếp bằng, thẳng lưng lên, tay
để nơi đầu gối, không được nhúc nhích. Sáng ngồi tới 12 giờ trưa, được nghỉ
ngơi cơm nước. Cơm thì được phát một chén gạo Thái Lan dẻo như nếp, có nêm tí
muối. Chiều 2 giờ ngồi đến 6 giờ mới được nghỉ ngơi, cơm nước như khi trưa.
Tối lại phải ngồi từ 7 giờ đến 9 giờ mới có quyền nằm xuống. Khi ngồi, phải
ngồi yên như pho tượng. Nếu mỏi mệt khom lưng, nghiêng quẹo người, hay lệch
đầu qua bên là bị một côn gỗ gõ đánh cốp trên đầu như bị sét đánh, tá hỏa tam
tinh! Đó là thằng đội Trâu, thân hình trùng trục như con trâu nước, đầu vấn
khăn lông trắng, dưới bẹn thắt cái khố, đi qua lại nơi khoảng đường giữa, vai
vác cây gậy gỗ tròn và nặng. Nó thường đập chẩy máu đầu tội nhân. Đấy là chỉ
trừng phạt sơ sài về tội ngồi không thẳng thắn thôi. Còn khi bọn Nhật tra
khảo để lấy lời cung khai thì thật kinh khủng rởn cả tóc gáy. Cứ hai thằng
Nhật thân hình như hộ pháp quần một phạm nhân; vật, ném, tung, hứng... nạn
nhân của chúng như quả bóng rổ ! Thường thì có máu đổ, nạn nhân chết giấc năm
ba phen mới tạm được buông tha cho về khám. Khi ấy tôi còn trẻ, háo động, làm
sao ngồi yên tĩnh như thế từ giờ này sang giờ khác được. Nên cũng đã nếm mùi
côn gỗ bao nhiêu phen.
Một hôm tôi trông thấy có một con gián bò ở kẹt song gỗ. Tôi mừng như bắt
được vàng. Có được một sự sống động dưới mắt. Trông nó chạy tới chạy lui,
cũng đỡ buồn trong cảnh hoang lương, tịch mịch. Dầu rằng khít bên đó cũng có nhiều
bạn đồng cảnh, nhiều pho tượng sống ! Tôi khi ấy chưa biết trầm tĩnh, nhẫn
nhục của người luyện công tĩnh tọa. Dẫu có nén lắm, lòng vẫn xôn xao không
định.
Đến nay, trông thấy ông Đạo Dừa nhẫn nại, trầm tĩnh và xem thường bạo tàn, vũ
lực của chúng, tôi mới thấy đó làm gương cho mình. Quyết không ủy mị, buồn
rầu, khổ đau, rên rỉ dưới bạo tàn. Ông Đạo Dừa bị xịt nước ướt loi ngoi, nằm
im trong vũng nước lênh láng, da thâm tím lại. Nhưng một lát sau ông lại lồm
cồm bò dậy. Lại ngồi xếp bằng ngay ngắn, ngẩng cao đầu. Trông thấy hình dáng
gầy gò, ốm nhom của ông, da bọc trơ xương như cái xác ướp khô mà đôi mắt vẫn linh
động, vẫn ảnh hiện tình nhân đạo, vị tha bao la ...
Ông thường chống đối bọn Việt cộng :
- Các anh mà cách mạng cái gì ? Cách mạng gì không biết thương dân, yêu nước,
cam làm tay sai ngoại bang. Cách mạng gì mà giam cầm hàng triệu người vô tội
? Làm hằng triệu người tán gia bại sản, tan nát gia đình ? Làm cho sáu mươi
triệu đồng bào phải rách rưới đói nghèo, không trông thấy ánh sáng hy vọng
nào, một tương lai tốt đẹp nào. Thiên đường hứa hẹn của cộng sản các anh là
hố thẳm muôn đời chôn vùi dân tộc !
Bọn chúng giam nhốt ông vào chuồng chó. Đó là một nơi nhỏ hẹp bên vòng rào,
có mái thiếc che thấp, có giây chì gai bao quanh. Trước kia nơi đó nhốt chó
nên có danh từ chuồng chó. Ban ngày nắng rọi xuống mái thiếc nung nóng như lò
lửa. Đêm đêm về, gió khuya lạnh buốt như cắt da. Đến chó ở đấy còn chịu không
nổi huống chi con người. Nhưng ông Đạo Dừa vẫn bền bỉ chịu đựng. Mềm dẻo như
cây sậy giữa phong ba. Dầu cho cuồng phong, nghịch khí đến đâu, cây sậy tạm
thời phải cong, phải ngả nghiêng, oằn oại trước bạo lực đàn áp hung tàn,
nhưng không đổ gẫy !
Bọn Cộng sản chỉ muốn ông Đạo Dừa khuất phục chúng, thốt ra lời hứa hẹn với
chúng không tranh đấu nữa, không chống đối nữa. Chúng chẳng những buông tha
ông, còn cho ông những ơn huệ đặc biệt, hậu hĩ hơn người. Xưa kia, Pháp không
mua nổi ông, Nhật không dụ dỗ ông nổi, Việt cộng nào đáng gì để ông nghe theo
!
Cuối năm đó tôi bị chuyển trại. Khi đi ngang qua chỗ ông ngồi, tôi khẽ cúi
đầu như chuyển lời nói qua tâm tưởng với ông:
- Cậu Hai ráng gượng sống...
Ông mỉm cười nhân hậu. Nụ cười ngậm ngùi vĩnh biệt!
Mấy năm sau, tôi được trả tự do. Không tội gì, mà mất tự do rồi được trả ! Và
sau ba chuyến vượt biên cam go, tôi thoát ra được nơi vùng trời tự do. Nhờ
vẫn đeo đuổi chí hướng phục quốc, tôi lê một giò qua nhiều nơi Âu, Mỹ, cả Á
Châu. Khi đến địa phương nào có trồng cây dừa, tôi bất giác nhìn lên ngọn
cây, liên tưởng đến ông Đạo Dừa. Hình bóng của người chiến sĩ cách mạng
Nguyễn Thành Nam hiện ra mờ ảo trước mắt tôi. Gầy gò ốm yếu, tưởng chừng gió
thổi cũng bay như ông, ngờ đâu lại có lòng sắt đá kinh người ! Tôi nghe như
văng vẳng bên tai những lời nhỏ nhẹ của ông:
- Tôi thương mấy chú lắm, mấy chú Việt Cộng ơi. Mấy chú ngu dại lắm. Mấy chú không
biết bạo tàn, bạo diệt ! Chỉ có nhân nghĩa mới trường tồn !
Năm 1988, tôi gặp một người bạn mới vượt biên sang, bảo rằng ông Đạo Dừa đã
tịch ! Tôi bỗng nhiên cay xè mắt, đôi giòng lệ tiếc thương chan hòa ... Cộng
sản Việt Nam phạm rất nhiều lỗi lầm đối với Quốc gia, Dân tộc, trong đó có sự
giết hại nhà chí sĩ hiếm có Nguyễn Thành Nam. Ông Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam là
người trí thức cuối cùng đã hạ mình xuống tin tưởng vào thiện chí của Việt
Cộng, dẫu sao cũng có lòng xúc động trước cảnh huynh đệ tương tàn... Nhưng
ông đã mang mối thất vọng đấy xuống tuyền đài ...
*
Đến hôm nay, trong cộng đồng người Việt hải ngoại, có một thiểu số trí thức
thơ ngây cụ hoặc hoạt đầu, đang toan luồn lưng, cụp gối hòa hợp, hòa giải với
Cộng Sản Việt Nam bá quyền và ngoan cố. Các vị ấy có biết chăng đang vô tình
nối giáo cho giặc ? Cùng a tòng vào tội phản dân, hại nước ? Xin hãy xem
gương chiến đấu can cường của ông Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam và vô số chiến sĩ
cách mạng đã bị Việt cộng hãm hại chết, để làm đài soi lại lương tâm mình !
Kẻ hèn này, cùng đồng bào trong và ngoài nước, rất mong được vậy lắm thay !
Hoàng Ngọc Giao
|