From:
HQ 14
và Những Tháng Cuối Của Cuộc Chiến - Phạm Thành
1. Lời Tựa
Sau khi chuyển giao Hộ Tống Hạm Vạn Kiếp II (HQ 14) cho Hải Quân
Hoa Kỳ tại Subic Bay năm 1975, gia đình chúng tôi nhập trại tỵ nạn tại Goam và
sau đó được đưa qua lục địa Hoa Kỳ vào tháng 6 năm 1975 để nhập trại tỵ nạn
Indian Town Gap, Pennsylvania. Đến tháng mười 1975, chúng tôi được xuất trại,
về định cư tại thành phố nhỏ Wilkes Barre thuộc tiểu bang Pennsylvania. Sau đó,
theo công việc làm, chúng tôi dời lên Long Island, New York; và cuối cùng,
chuyển về Annapolis, Maryland. Tôi đã về hưu cách đây ba năm lúc 71 tuổi, hiện
sống với vợ tại Annapolis. Hai con gái của chúng tôi đã lập gia đình. Chúng tôi
có 2 cháu ngoại.
Từ khi đến Hoa Kỳ, nhiều lần nhớ đến anh em cùng chiến hạm, tôi
muốn viết lại vài dòng để làm mối dây liên lạc và cùng ôn lại quá khứ. Nhưng vì
bận bịu với gia đình, học hành, và việc làm, nên tôi cứ hẹn rày hẹn mai mãi.
Cho đến tuần trước, khi nói chuyện với anh Trần Thanh T, bạn cùng khóa 13 Hài
Quân Nha Trang với tôi, T khuyên tôi nên viết lại một bài ngắn gởi đăng trên Đặc
San của Đại Hội Hải Quân VNCH Toàn Cầu 2017, để chia sẽ với các chiến hữu Hải
Quân VNCH, tôi mới quyết định viết bài này, với mong ước được ôn lại kỹ niệm cũ
và liên lạc với anh em thuộc HQ 14, những chiến hữu đã cùng tôi chiến đấu bảo vệ
tự do, chia sẽ vui buồn, hiểm nguy, nhọc nhằn gian khổ, nhất là trong những tháng
cuối của cuộc chiến. Tôi xin cầu mong cho anh em và gia đình ở ngoại quốc và
trong nước luôn được mọi sự binh an.
Vì tôi còn giữ được quyển nhật ký riêng tôi viết trong thời gian
ấy, nên ngày tháng và các chi tiết quan trọng trong bài này đều chính xác.
Ngoại trừ một số ít chi tiết dựa trên trí nhớ, có thể sai lạc chút ít. Mong anh
em HQ 14 đính chính giùm. Tôi rất mong được liên lạc và tiếp nhận ý kiến xây dựng
của anh em. Email của tôi: thanh.pham.navy@gmail.com
HQ 14 trong ngày Lễ Quốc Khánh tại Thương Cảng
Saigon
2. HQ 14 vào sửa chữa Tiểu Kỳ
Sau chuyến công tác dài trên ba tháng đầy sóng gió, HQ 14 trở về
Saigon ngày 13 tháng 3 để vào Tiểu Kỳ, Thủy thủ đoàn ai cũng vui mừng vì được
gần nhà hơn một tháng. Riêng tôi, đây cũng là dịp được gần vợ con. Chúng tôi
cưới nhau đầu nằm 1973. Đến nay, con gái đầu lòng của chúng tôi đã sắp
tròn một năm. Tôi cần thời gian để làm quen với nó. Hồi nó mới sanh ra, tôi còn
làm hạm trưởng HQ 404, sau đó được thuyên chuyển qua HQ 14. Từ đó đến nay,
chiến hạm tôi đã hải hành dài hạn liên miên, cứ mỗi lân về bến, nó lại đứng xa
xa nhìn tôi như người xa lạ. Tôi cảm thấy thấm thía với cuộc đời Hải Quân và cũng
thông cảm hơn với nhân viên của tôi.
Theo thường lệ, khi chiến hạm về Saigon, tôi cho nhân viên làm việc đến 12 giờ
trưa thì hai phần ba được đi bờ cho đến sáng hôm sau. Nhưng trong thời gian
Tiểu Kỳ, mọi người phải làm việc đến bốn giờ chiều. Ngoài công việc liên lạc
Hải Quân Công Xưởng liên quan đến viêc sửa chữa máy chánh, máy điện, hệ
thống phòng tai, điện tử, truyền tin... thủy thủ đoàn còn phải lo lảnh đạn hải
pháo tại Thành Tuy Hạ, lảnh tiếp liệu tồn kho, bảo trì chiến hạm hằng ngày,
huấn luyện các nhiệm sở Phòng Tai, Tác chiến...
Sau khi sửa chữa Tiểu Kỳ hoàn tất vào ngày 24 tháng 2, Trường
Chiến Hạm bắt đầu chương trình Huấn Luyện HQ 14 tại bến, và sau đó, tại Vũng
Tàu, cho đến ngày 8 tháng 3.
3. Chuyến Công Tác Vùng I Duyên Hải
Sáng ngày 21 tháng 3, chỉ vài ngày sau khi Tổng Thống Nguyễn Văn
Thiệu ra lệnh Triệt Thoái Quân Đội khỏi Vùng Cao Nguyên, tôi lên BTL/HQ/P3 nhận
lệnh công tác đi bảo vệ dàn khoan Ocean Prospector, cách Côn Sơn 188 hải lý về
phía đông nam. Nhưng sau đó, trên đường đi, vào lúc 3 giờ 30 chiều, tôi lại
nhận được lệnh đổi hướng đi công tác V1ZH. Biển tương đối êm và chúng tôi có
một chuyến hải hành thoải mái. Ngồi trên đài chỉ huy, ngắm sao trời và những
ngọn đèn le lói từ các ghe đánh cá nhấp nhô trên sóng nước, tôi lại suy nghĩ
miên man đến cuộc chiến, không biết mai đây số phận của Miền Nam sẽ đi về đâu.
Tôi tự nhủ, dù sao tôi và thủy thủ đoàn vẫn phải giữ vững tinh thần chiến đấu
cho đến phút cuối cùng. Chúng tôi vẫn còn hy vọng!
Mãi đến 6 giờ chiều ngày 23, HQ 14 mới đến BCH/V1ZH. Tôi cặp cầu
Tiên Sa và lên trình diện TL/V1ZH, Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại. Tôi được lệnh
khởi hành ngay trong đêm đến khu vực hành quân 1B1, ngoài cửa Thuận An, để yểm
trợ Bộ Binh rút quân về nam, qua đường biển. Đô Đốc Thoại có hỏi tôi “ Hạm Phó
của anh có đủ khả năng chỉ huy chiến hạm khi có bất trắc gì xảy ra cho anh không?”
Tôi mạnh dạn trả lời “Thưa Đô Đốc, tôi đã huấn luyện Ham Phó đầy đủ”. Đô Đốc
Thoại nói thêm “Khi ra đến vùng hoạt động, anh chờ khi có lệnh của tôi thì tách
ra, thành lập một phân đội riêng, và tiến ra gần vĩ tuyến 17. Phân đội của anh
có nhiệm vụ ngăn chặn và tiêu diệt các chiến hạm, chiến đỉnh Bắc Việt khi chúng
tiến vào Nam”. Tôi chào Đô Đốc Thoại và về chiến hạm ngay. Biết rằng tình thế
đã đến giai đoạn nguy ngập.
3.1. HQ14 bị Không Quân VNCH bắn
HQ 14 đến vùng hành quân ngoài cửa Thuận An lúc 2 giờ sáng ngày
24. Đến 9 giờ sáng, tôi bắt đầu cho chiến hạm đi theo đội hình dưới sự điều
khiển của HQ 07. HQ 08 cũng đã đến vùng và nhập đội hình. Khoảng trưa, tôi quan
sát thấy Bộ Binh hành quân bên trong, chắc cũng để yểm trợ rút quân. Tôi không
có tần số để liên lạc với Bộ Binh. Lúc này HQ 709 đã được lịnh rời vùng hành
quân, trở về Tiên Sa. Như vậy, trong vùng chỉ còn HQ 07, HQ 8, HQ 609, và HQ
14.
Vào khoảng sau 4 giờ chiều, tôi được lệnh tách ra khỏi đội hình
để thành lập phân đội riêng, và tiến ra vĩ tuyến 17. Tôi lên đài chỉ huy để
đích thân điều khiển chiến hạm. Nhưng trước khi tôi có thì giờ thành lập phân
đội gồm HQ 14 và HQ 609, tôi nghe hai tiếng nổ thật chát chúa như tiếng bom.
Nước tung tóe gần trước mũi chiến hạm. Nhìn lên bầu trời trắng đục, đầy mây trắng
bao phủ, tôi thấy hai chiếc máy bay A 37 mà tôi biết chắc là của Không Quân
VNCH, vì sáng nay có vài máy bay loại này bay lượn bên trong, yểm trợ hành quân
của bộ binh. Sau này, khi có dịp gặp lại vài nhân viên của HQ 07 tại
Pennsylvania năm 2016, họ cũng xác nhận với tôi như thế . Hai chiếc máy
bay này lợi dụng thời tiết, bay cao trên mây để tránh bị phát giác và bất thần
nhào xuống, thả 2 quả bom, nhắm chiến hạm tôi nhưng trật. Chúng bay vút đi.
Chiến hạm không hư hại.
Vì tình trạng an ninh trong vùng hành quân này không mấy khẩn
trương, tôi chỉ cho 1/3 nhân viên ứng chiến. Tôi cho gọi nhiệm sở tác chiến 100/100
và không ra lịnh bắn trả, vì tôi ước lượng, nếu bắn hạ được một hay cả 2 chiếc
A 37 này thì chắc chắn bộ chỉ huy Không Quân từ Đà Nẵng sẽ nghĩ HQ 14 chắc chắn
là chiến hạm địch và sẽ gởi ra một phi đội phản lực F5 để bắn chìm HQ 14. Tôi
cho chiến hạm chạy zic-zac và ra lịnh thay lá cờ nhỏ trên cột cờ chính bằng lá
cờ lớn nhất cho dễ thấy từ xa. Nhưng bất thần, chỉ vài phút sau, một lần nữa, hai
chiếc máy bay này vòng trở lại, ném thêm 2 quả bom nữa. Lần này, các quả bom cũng
không trúng chiến hạm, chỉ rơi trên biển, bên hữu hạm gần phòng ăn của đoàn viên.
Nhưng các mảnh bom bay tung tóe, đâm thủng rất nhiểu lỗ bên hữu hạm.
Rủi thay,
đúng lúc này, nhân viên đang chạy lên nhiệm sở tác chiến, ngang phòng ăn, vì
vậy tổng số nhân viên bị thương lên thật cao. Thêm vào đó, 4 nhân viên ở các nhiệm
sở 40 ly, 20 ly, và hầm máy bị tử trận. Sau đây là tổng kết tổn thất của chiến
hạm:
Tử trận (5): TSI/VC Bùi Đức Hùng (40 ly), TS/CK Trần Văn Trung
(hầm máy), HIS/VC Đặng Hữu Thành (20 ly), TT/TS Lưu Chảy (40 ly), HIS/QK Lê Văn
Quí. Theo nhật ký, tôi ghi 4 tử trận, nhưng lại liệt kê tên 5 người. Điều này
cần kiểm chứng.
Bị thương nặng (10): TT/TS Nguyễn Hữu Trí, TT/TS Nguyễn Văn
Hinh, HS/QK Nguyễn Xuân Quí, HS1/KT Nguyễn Văn Hòa, HS1/GL Cao Ngọc Bé, HS1/PT
Hồ Thanh Siêng, TS/VC Nguyễn Văn Hùng, TS/GL Nguyễn Văn Vỉnh, TT1/TX Hồ Văn
Sáu.
Bị thương nhẹ (10): ThS/VC Nguyễn Văn Thủ, TS1/VC Phạm Văn Túc,
TS1/TP Trần Thiểu, TS/TV Nguyễn Văn Bình, HS1/CK Lê Văn Hùng, HS1/TP Đoàn Văn
Ba, TT/TS Nguyễn Hữu Phúc, TT/TS Trần Văn Minh, TT/TS Hoàng Thanh Long, ThS/KT
Trần Đình Phương.
Tổn thất vật thể: Cơ khí, Điện khí, Vỏ tàu, Phòng tai, Vũ khí,
Vô tuyến, và vật dụng linh tinh Máy điện hư. Hệ thống tay lái điện bất khiển
dụng. Hệ thống vô tuyến bất khiển dụng, không liên lạc được với BTL/HQ/V1ZH,
phải dùng máy truyền tin cầm tay để cố gắng liên lạc với các chiến hạm trong
vùng hành quân. Y Tá và thủy thủ đoàn đã nỗ lực tối đa để săn sóc và cứu chữa
các nhân viên bị thương, sửa chữa máy điện, hệ thống truyền tin… Cuối cùng HQ
07 đã nghe được và đến phụ giúp tải thương, nhưng vì biển động, phải tách ra và
chỉ có một số nhân viên tử thương và bị thương được đưa qua HQ 07 để chuyển về
Bệnh Viện Duy Tân Nẵng.
Sau khi máy điện và hệ thống truyền thanh được sửa chữa
xong, HQ 14 liên lạc được với BTL/HQ/V1ZH để báo cáo và xin về cặp cầu
Tiên Sa để tải thương và sửa chữa. HQ 14 về cặp cầu sáng sớm ngày 25. Các nhân
viên bị thương được chở qua bệnh viện quân đội Duy Tân bên Đà Nẵng để điều trị.
CCYTTV/HQ bắt đầu cấp tốc sửa chữa để chiến hạm có thể chạy về Saigon. Tối ngày
26, tôi được lệnh chở gia đình Hài Quân về Saigon. Ngay sau đó, chiến hạm bắt
đầu tiếp nhận gia đình quân nhân cho đến sáng hôm sau.
Nghĩ
rằng Đà Nẵng sẽ thất thủ trong một ngày rất gần, tôi mượn xe của CCYTTV/HQ,
chạy qua bệnh viện Duy Tân xin cho tất cả nhân viên của tôi được xuất viện và
cuối cùng, tất cả đều được chuyển về bệnh xá CCYTTV/HQ, ngoại trừ một nhân viên
giám lộ bị gảy mất một cánh tay, phải ở lai thêm để điều trị. Tôi rất buồn vì
tôi muốn, khi chiến hạm khởi hành, tôi sẽ đem tất cả các nhân viên của tôi về
Bệnh Xá HQ Bạch Đằng (Saigon). Đi ngang qua thành phố Đà Nẵng, tôi thấy người
đi lố nhố đầy đường. Không biết họ đi đâu, đi tìm đường về Saigon? Hay là Việt
Cộng đã trà trộn vào dân? Tuy không có bạo động, tình thế có vẽ hỗn loạn. Tôi
biết chắc Đà Nẵng sẽ mất nay mai.
Sau này nghĩ lại, tôi vẫn ân hận mãi. Biết đâu, nếu tôi cho bắn
hạ hai chiếc máy bay khi chúng trở lại lần thứ nhì thì thiệt hại nhân sự sẽ
giảm thiểu đi không? Có thể F5 sẽ không ra? Nhưng tôi lại tự an ủi, nếu F5 ra,
bắn hỏa tiển, thì thiệt hại sẽ lớn hơn nhiều, có thể tôi và phần lớn nhân viên
đã không còn có mặt trên quả đất này nữa. Dù sao, đây là một biến cố đau lòng
nhất trong đời chỉ huy của tôi. Nó sẽ đeo đẵng tôi suốt đời. Xin linh hồn của
các nhân viên chiến hạm đã hy sinh vì tổ quốc trong biến cố này hiểu cho tôi,
và nếu tôi lầm lỗi, xin được tha thứ. Với các nhân viên bị thương, tôi cũng xin
lỗi và mong có dịp gặp lại để cùng nhau tâm sự.
Vào năm 2007, tôi có dịp đọc quyển hồi ký “Can Trường Trong Chiến
Bại” của Đô Đốc Thoại. Ông có đề cập đến việc HQ 14 bị bắn, nhưng không thể xác
nhận ai đã bắn hoặc ai đã ra lệnh.
3.2 Di Tản Gia Đình HQ từ Đà Nẵng về
Vũng Tàu
Sáng ngày 30 tháng 3, một số gia đình Hài Quân đã lên tàu nhưng
chưa đầy đủ. Tôi được lệnh đem chiến hạm ra neo trong vũng Tiên Sa, chờ tiếp
nhận thêm cho đủ khoảng 600 người. Sau khi thả neo, tôi đi quanh chiến hạm vài
vòng để biết tình trạng của các gia đình quá giang, rồi lên đài chỉ huy ngồi quan
sát. Dãy núi Tiên Sa sừng sững trước mặt. Trong nhiều năm qua, tôi đã ra vảo
hải cãng này nhiều lần, đã thưởng thức vẽ đẹp thiên nhiên thơ mộng, hòa lẫn với
mây trời sóng nước, mà tâm hồn thấy thoải mái, dù chỉ trong chốc lát, trước khi
con tàu ra khơi, lướt sóng đại dương! Nhưng hôm nay, tôi cảm thấy buồn thấm thía,
linh cảm một mất mát lớn sắp xảy ra. Tôi sẽ không bao giờ có dịp đem con tàu
trở lại vùng biển này nữa!
Hải
Cảng Tiên Sa
Tôi trở lại thực tế! Một số ghe nhỏ đang chèo đến gần lái của
chiến hạm và nhân viên canh gác ra hiệu cho họ ngưng lại, chờ lệnh của tôi. Tôi
đi ra sân sau chiến hạm, nhìn những khuôn mặt hốt hoãng của người lớn lẫn trẻ
con, tôi không cầm lòng được! Họ chỉ là những người dân, không thuộc gia đình
Hải Quân, đang hớt hãi tìm đường chạy trốn Cộng Sản. Trên tàu không ai quen biết
với họ. Tôi ra chỉ thị cho sĩ quan và nhân viên áp dụng các tiêu lệnh an ninh
trước khi cho họ lên tàu.
Gia đình Hải Quân tiếp tục lên tàu. Đến chiều, HQ 14 khởi hành
về Saigon. Chiến hạm về đến Vũng Tàu chiều 31, tháng 3. Theo lịnh chuyên chở,
tôi cho các gia đình HQ và khách quá giang lên Vũng Tàu, trước khi chiến hạm
tiếp tục về Saigon. HQ 14 về đến Bến Bạch Đằng ngày 1 tháng 4 và cặp tai cầu E
trong HQCX để tải thương và sửa chữa. Chiếu theo tập hồi ký “Can Trường Trong Chiến
Bại” của Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, cũng trong ngày này, Đà Nẵng đã bỏ ngỏ. Đô
Đốc Thoại và tất cả lực lượng yểm trợ V1ZH đã rời vùng này, trực chỉ Qui Nhơn
dưới sự điều động của BTL/HQ. Sau đó, Phó Đề Đốc Thoại được chỉ định làm Chỉ
Huy Trưởng Chiến Thuât (OTC) để yểm trợ Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh đang đảm nhiệm
chúc vụ Tư Lệnh Chiến Trường Qui Nhơn kiêm Tổng Trấn Qui Nhơn.
Trong thời gian này, tôi có dịp gần nhà. Con gái tôi vừa được
một năm và đã nhận ra tôi. Chiều chiều, tôi bế nó đi quanh chung cư Phạm Thế
Hiển. Nó mở mắt lớn, tò mò nhìn khung cảnh chung quanh. Tôi thấy thương nó quá
và, trong chốc lát, tạm quên thế sự đang biến chuyển từng giây phút. Sinh hoạt
quanh chợ Phạm Thế Hiển vẫn bình thường, nhưng nhìn ánh mắt của phần lớn các
bà, các cô bán hàng, tôi thấy những nét ưu tư thật khó tả. Tôi nghe đồn, nhiều
gia đình đang tìm đường chạy.
Có một đêm, sau bữa ăn tối, hai vợ chồng tôi ngồi, bàn bạc với
nhau về tình hình cuộc chiến. Tôi cũng không biết quyết định của các “ông lớn”
trong Hải Quân như thế nào. Vợ tôi hỏi “Em và con có thể lên tàu đi công tác
với anh không?” Tôi ngần ngừ một lúc rồi lấy hết can đảm đáp “Chắc không được
đâu em. Tàu anh là tàu chiến Vã lại, nếu anh cho em và con đi thì anh phải cho
gia đình tất cả thủy thủ đoàn đi. Điều này chắc không được”. Vợ tôi buồn buồn
nói “Thôi, anh cứ yên lòng mà đi. Ở lại nhà, em sẽ lo săn sóc con. May ra Cậu
(bố của vợ tôi) có thể tìm phương tiện máy bay cho gia đình đi, vì Cậu làm cho
cơ quan Mỹ ở Saigon. Nếu khi mất nước, anh thấy an toàn để về đón gia đình, thì
anh về. Nếu không, anh cứ đi ra ngoại quốc và tìm cách liên lạc với em sau”.
Tôi thấy cảm động quá, nghẹn ngào thương cho sự hy sinh và phục cho lòng can
đảm của vợ tôi. Tôi muốn ôm vợ tôi vào lòng để an ủi. Nhưng biết nói gì đây
trong hoàn cảnh bất định này? Tôi chỉ khẻ gật đầu, ngồi yên lặng, cố nén hai
dòng lệ muốn trào ra. , rồi quay qua nhìn con gái chúng tôi đang ngủ say. Nhiều
lần trước, khi nhìn nó ngủ, tôi thường mơ đến cảnh thanh bình sau chiến tranh,
và Miền Nam chiến thắng. Vợ chồng tôi sẽ nắm tay nó, dẫn đi Sở Thú, đi về Huế,
về Hải Phòng thăm quê nội ngoại… Nhưng bây giờ, giấc mơ đó hầu như đã tiêu tan,
chỉ còn cầu mong có một phép mầu xảy ra để quân nhân VNCH đâp tan được âm mưu
xâm lược của CSBV. Nếu không, xin cho tất cả sẽ được an toàn và có dịp đoàn tụ
ở một nơi nào đó, trên một xứ tự do. Nơi ấy có thanh bình, công lý, và dân chủ.
4. Công Tác Vùng III Duyên Hải
Trong lúc HQCX tiến hành việc sửa chữa vỏ tàu, và các hệ thống
đã hư hỏng trong biến cố vừa qua tại V1ZH, nhân viên chiến hạm lo bảo trì súng
phòng không, hệ thống máy chánh, hải pháo, radar, truyền tin, phòng tai, vận
chuyển… và xin tiếp tế nhiên liệu, nước ngọt… để chuẩn bị cho chuyến công tác
sắp đến. Tôi chỉ định Thiếu Úy T lo hồ sơ tử tuất cho các nhân viên đã tử trận,
lo chuyển giao di sản, và đón tiếp thân nhân. Tôi cho gởi TT/TS Nguyễn Văn Hùng
nhập TYV Cộng Hòa.
Ngày 2 tháng 4, tôi chỉ định Hạm Phó, SQ/CTCT,
và Y Tá lên Bệnh viện HQ Bạch Đằng đón bà Trần Nguơn Phiêu đến thăm thương
binh. Tôi định sẽ đến nếu không bận. Nếu bận, tôi sẽ đến thăm anh em ngày hôm
sau. Tôi cho thao dợt Nhiệm Sở Phòng Không mỗi ngày lúc 3 giờ chiều.
Ngày 8 tháng 4, lúc 8:30 sáng, một chiếc F5 của Không Quân bắn
Dinh Độc Lập. Hải Quân chỉ định các chiến hạm sau ứng chiến phòng không: HQ 5,
HQ 17, HQ 5, HQ 229, HQ 329, HQ 606, và HQ 231.
Lúc này Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) đã tràn vào Bình Định, Qui
Nhơn, và Phú Yên. Bộ Binh từ Tuyên Đức rút về Đà Lạt, sau đó Đà Lạt mất. Quân
đội ta vẫn còn trấn giữ các tỉnh từ Nha Trang trở xuống. Tôi không nghe đồn có
một mật ước nào cả giữa Mỹ và Trung Cộng. Trong lúc này, Miền Nam vẫn giữ lập trường
“Không cắt đất, không chấp nhận liên hiệp”. Hải Quân vẫn còn giữ vững V3ZH,
V4ZH, và V 4 Sông Ngòi, tuy nhiên tất cả đều đang trong tình trạng báo động.
Hiện tại, thủy thủ đoàn HQ 14 gồm có 17 sĩ quan, 37 hạ sĩ quan,
và 54 đoàn viên hiện diện. Ngoài ra còn 12 nhân viên đi phép và 7 nhân viên còn
nằm bệnh viện. Thêm vào đó, tôi còn tiếp nhận 70 nhân viên tạm trú thuộc HQ 2,
3, 07, 11, 12, 16, 800, và 228.
Sáng ngày 8 tháng 4, một F5 thuộc Không Quân VNCH bắn Dinh Độc
Lập. Hải Quân được lệnh ứng chiến phòng không. Tôi chỉ thị Thiếu Úy T và toán
ẩm thực đi chợ thêm để dự trữ cho chuyến công tác dài hạn sắp đến.
Sáng ngày 12 tháng 4 lúc 9 giờ sáng, HQ 14 khởi hành công tác
V3ZH. Chiến hạm ra khỏi sông Lòng Tảo, đến Vũng Tàu và nhập V3ZH lúc 1 giờ trưa.
Sau khi chuyển giao tất cả nhân viên tạm trú cho HQ 802, tôi cho chiến hạm trực
chỉ phía bắc Vũng tàu, để thay thế HQ 618. Đến ngày 16, lúc 10 giờ 45 sáng, tôi
khởi hành đi Phan Thiết. Nhưng đến 12 giờ 30 sáng lại được lệnh đổi đường đi Phan
Rang. Lúc này Phan Rang đã bị Cộng Sản tràn ngập. Chuẩn Tướng Nhật và TKT/TK
Khánh Hòa đã lên được HQ 3. Không có tin tức gì về Tướng Nghi. Ban đêm HQ 14
tuần tiểu từ Hòn Lao đến Lagran.
Tôi cho báo cáo về Trung Tâm Kiểm Soát Cam Ranh
tình trạng kỹ thuật và đạn dược trên HQ 14 như sau: máy điện số 2, bơm cứu hỏa
số 2, và motor số 2 của Frigo bất khiển dụng. Chiến hạm hiện tồn trử 110 ngàn
lít dầu, trên 5 ngàn lít nhớt, 20 tấn nước ngọt, 441 viên đạn đại bác 76 ly,
trên 3 ngàn đạn 40 ly, trên 13 ngàn đạn 20 ly, một số đạn đại liên và chiếu
sáng. Với khả năng này, và nếu máy điện số 1 (máy điện duy nhất còn khiển dụng)
vẫn chạy tốt thì chiến hạm còn khả năng hoạt động vài tháng nữa, không cần tiếp
tế.
Chỉ còn vấn đề thực phẩm, chỉ còn khoảng 2 tuần, ngoại trừ gạo còn rất
nhiều. Tôi cho cắt bớt khẩu phần thịt và rau vì không biết bao giờ mới được ghé
bến tiếp tế, và không tiên liệu được chiến tranh còn kéo dài bao lâu nữa. Đồng
thời tôi giới hạn việc dùng nước ngot, vì máy chế tạo nước ngọt đã hư từ lâu.
Tiêu lệnh này được áp dụng từ Hạm Trưởng đến đoàn viên. Sau này nghĩ lại, tôi
thấy cảm phục nhân viên của tôi nhiều về tinh thần kỹ luật, can đảm, và sức
chịu đựng lớn lao của họ.
Trưa ngày 18 tháng 4, chiến hạm đến gần mủi Cà Ná thuộc tỉnh
Ninh Thuận. Nơi đây Quốc Lộ 1 có môt đoạn ngắn chạy ra tận biển. Sau này,
chiếu theo bài tường thuật “Măt Trận Phan Rang” (http://nhaydu.com/index_83hg_files/left_files/MatTranPhanRang.htm), tôi biết được bên trong đất liền, tuần
trước, hai Lữ Đoàn Nhảy Dù và Quân Đoàn 3 còn hiên ngang trấn thủ Địa Đầu Giới
Tuyến này mặc đầu đã bị thiệt hại nặng, nay Phan Rang đã bị Cộng Sản Bắc Việt
(CSBV) tràn ngập. Một người bạn thân của gia đình bên vợ tôi, Đại Úy Đinh Quốc
Tuấn thuộc Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù đã anh dũng chiến đấu và đã tử trận ngày 15.
Sau đó, Trung Tướng Nghi cũng đã bị đich bắt.
Vị
Trí HQ 14 tại Vùng Biển Cà Ná, Phan Rang
Tôi cho chiến ham tiến vào cách bờ khoảng 9 ngàn yards để
quan sát. Nhìn qua ống nhòm, trên Quốc Lộ 1, tôi thấy xe tăng, xe chuyển vận,
đại pháo của CSBV đang kéo nhau đi sờ sờ trên quốc lô, hướng về nam. Tôi nóng
máu. Suốt thời gian làm Duyên Đoàn Phó ZD 13 ở Cửa Tư Hiền, nhiều lần tôi đã
dẫn quân đi phục kích và chạm tráng với CSBV khi chúng chuyển quân từ Phú Thứ,
qua Quốc Lộ 1 để vào dãy Trường Sơn. Anh em chúng tôi đã hạ chúng sát ván. Nay
thấy tận mắt đoàn xe của chúng đang đi lừ lừ giữa thanh thiên bạch nhật, tôi
không chịu nổi.
Tôi quyết dùng hết hỏa lực để làm chậm bước tiến của chúng, để
quân ta có thêm thời giờ rút lui. Tôi vận chuyển chiến hạm vào gần bờ thêm chút
nữa và đích thân hướng dẫn hải pháo 76 ly bắn vòng cầu vào toán quân xa này.
Viên đầu tiên rơi gần quốc lộ. Qua ống nhòm, tôi thấy chúng dừng lại. Tôi điều
chỉnh và cho bắn tiếp, nhưng vô hiệu. Sóng biển chỉ lắc một tí là đạn rơi sai
đi vài chục yards! Bắn một hồi, thấy bụi mù bay tung tóe, nhưng không biết có
mảnh đạn nào trúng chúng nó không, tôi đành cho ngưng để tiết kiệm đạn, đồng
thời vận chuyển chiến hạm ra xa bờ để tránh đạn địch, có thể bắn ra từ đại pháo
của chúng.
Một lúc sau, qua máy truyền thanh trên đài chỉ huy, tôi nghe
giọng nói của Hạm Trưởng HQ 11 gọi tiếp viện. Trước đó, HQ 11 đã tiến vào bờ
gần Cà Ná để bắn triệt hạ một cây cầu nhằm trì hoản địch. Cầu không sập, trái lại
CSBV bắn ra tới tấp, và HQ 11 cần HQ 14 yểm trợ hải pháo để rút ra xa bờ. Lập
tức, tôi gọi nhiệm sở ứng chiến 100/100 đồng thời cho HQ 14 tiến hết tốc lực về
phía cầu. Càng lúc càng gần bờ.
Tôi leo lên đài quan sát nhỏ bên trên đài chỉ huy,
tay chỉ hướng bắn cho hải phào 40 ly, miệng la hét để kích thích nhân viên. Đạn
40 ly nổ rang dọc theo bờ biển. Một lúc sau, HQ 11 rút ra đến chỗ an toàn, tôi
cho bắn cầm chừng và rút tàu về vị trí cũ. Tôi gởi công điện thỉnh cầu thượng
cấp kêu gọi Không Quân ra bắn đoàn quân xa của CSBV nhưng được trả lời “Không
Quân đang lo yểm trợ trấn thủ Saigon”.
Lúc này, HQ 17 đã đến vùng và đảm nhận OTC. Đô Đốc Minh, trên HQ
3, đến điều động tại chổ. Hồi trưa này, nhìn lên trên rặng núi bên trong, tôi
thấy hàng trăm ánh sáng nhỏ nhấp nhánh, tôi biết quân ta đã tan rã, có lẽ đang
tìm đường rút lên núi. Một số trong đó thuộc Lữ Đoàn 2 Biệt Động Quân. Họ
đang ra hiệu. Tôi thấy thương cho họ quá. Cũng như tôi, họ đang căm hờn nhìn
địch tiến về Saigon. Nhưng khác với tôi, họ là những anh hùng, quả cảm chiến
đấu, nhưng không còn đường tiệt thoái. Quân CSBV đã tràn ngập và đang lùng kiếm
khắp nơi. Họ không thể rút ra biển.Vài cấp chỉ huy của họ đã lên được HQ 3 và
có mật hiệu để liên lạc với họ, nếu họ rút ra được gần bờ biển Cà Ná.
Một lúc sau, tôi được lệnh cho tàu vào bờ thi hành công tác rút
quân của Bộ Binh, trong lúc đoàn quân xa, đại pháo của địch còn di chuyển liên
tục trên quốc lộ. Vì HQ 14 thuôc loại tuần dương, và tôi không có một tin tức
tình báo nào trên bờ, đem chiến hạm vào đó không khác gì làm mục tiêu cho chúng
bắn, nên tôi đề nghị môt giải pháp và được chấp thuận: Tôi sẽ dùng ghe Duyên
Đoàn và ghe dân đánh cá để ban đêm tiến vào bờ chuyển quân.
Nhìn ra ngoài khơi, tôi thấy một đoàn ghe của Duyên Đoàn đang
tiến về nam. Tôi xin thượng cấp cho tôi xử dụng 2 ghe Yabuta, và chỉ định vài
nhân viên lên hai ghe này để chỉ huy việc đón quân Bộ Binh trên bờ. Tôi dặn dò
hai thuyền trưởng Yabuta và các nhân viên của tôi các việc phải làm, cho
họ mật hiệu đánh đi và mật hiệu nhận khi đến gần bờ. Các mật hiệu này do cấp
chỉ huy Bộ Binh trên HQ 3 cung cấp. Tôi bảo họ nhớ đem theo vài khẩu súng, vài
cây đèn pin để ra hiệu, hai máy truyền tin, và cố gắng gom góp một ít ghe đánh
cá để cùng đi vào bờ (tôi định sẽ trả công cho các ghe đánh cá này sau khi công
tác hoàn tất), chờ đến lúc trời tối thì khởi hành đi. Tôi còn dặn họ, tắt máy
truyền tin để khỏi bị địch phát giác, chỉ dùng trong trường hợp khẩn cấp.
Trời vừa sập tối, tôi ngồi trên đài chỉ huy chiến hạm, theo dõi
đoàn ghe của các cảm tử quân đang tiến vào bờ cho đến khi không còn thấy họ
nữa. Trên Quốc Lộ 1, đoàn quân xa của CSBV vẫn đều đều tiến về nam. Lòng tôi
nôn nóng, cầu nguyện cho họ được bình an trở về. Nếu tôi được toàn quyền quyết
định, chưa chắc tôi đã gởi họ đi, vì sự thành công của công tác này quá mong
manh. Nếu thất bại, bị địch bắn tiêu diệt, thì hậu quả thật vô lường.
Suốt đêm tôi thao thức chờ tin đoàn ghe vớt Bộ Binh trở về,
nhưng chờ mãi vẫn không thấy tăm hơi! Tôi lo ngại vô cùng. Mãi đến rạng đông vẫn
không thấy bóng các ghe này. Tôi vận chuyển chiến hạm vào gần bờ hơn, dùng ống
nhòm để quan sát. Bỗng nhiên, tôi nghe một tiếng nổ lớn, một cột nước trắng tóe
lên cách tàu độ một ngàn yards. Biết đại pháo của địch vừa bắn ra, tôi cho chiến
hạm chạy ra xa. Đúng lúc này, qua ống nhòm, tôi thấy xa xa đoàn ghe bốc quân
đang từ từ tiến ra. Tôi mừng vô kể.
Họ đã xa bờ! Nhưng chỉ có 2 chiếc Yabuta.
Còn các ghe đánh cá ở đâu, mọi người có an toàn hay không, tôi tự hỏi. Khi 2
ghe này cặp bên tả hạm, nhân viên báo cho tôi biết các ghe đánh cá sợ quá, đã
biến đi mất trong đêm, trước khi vào đến bờ. Họ cho ghe đi dọc theo bờ suốt đêm
mà chỉ liên lạc được và vớt khoãng 20 người.
Tôi khen ngợi anh em đã can đảm thi
hành trách vụ. Tôi tiếp nhận quân nhân Bộ Binh và cho họ tạm trú trên chiến hạm,
đồng thời cám ơn và chào từ giả các chiến hữu trên Yabuta trước khi họ trở về
đơn vị. Sau này, cách đây độ 5 năm, tôi có gặp lại Đại Úy T mới được biết anh thuộc
Duyên Đoàn này và có hiện diện lúc đó tại Mũi Né. Không ngờ chúng tôi đã quen
nhau nhiều năm tại Mỹ mà không biết đã có dịp cộng tác với nhau một khoảnh khắc
ngắn trong thời gian cuối của cuộc chiến.
Ngày 19 tháng 4, CSBV tràn ngâp Phan Thiết. Tôi được lệnh V3ZH
gọi chiến hạm về Vũng tàu để nhận tiếp tế và đị công tác quần đão Trường Sa.
Trưa ngày 20, HQ 14 về đến gần Hòn Bà, Vũng Tàu. Ngày 21, tôi thả neo ngoài Vũng
Tàu, nhận thêm trên 3 ngàn viên đạn 40 ly và 330 viên 76 ly do HQ 08 tiếp tế,
và cho ban ẩm thực đi chợ, đồng thời cho các quân nhân và dân sự tạm trú lên bờ.
Qua các đài truyền thanh, tôi được biết Tổng Thống Thiệu đã giao quyền lãnh đạo
quốc gia cho Thủ Tướng Trần Văn Hương. Nhật lịnh của Đại Tướng TMT/QLVNCH: “Bảo
vệ bờ cõi, đánh bại quân xâm lăng, bảo vệ Vùng 3 và Vùng 4”. Tuần trước, tôi
mong có một hiệp ước nào đó giữa Mỹ và Trung Cộng để bắt buộc CSBV ngưng lại tại
Phan Thiết. Nhưng sau khi Phan Thiết mất. Tôi không còn hy vọng nữa.
5. Công Tác Quần Dảo
Trường Sa
Lúc 9 giờ 30 tối ngày 21, HQ 14 khởi hành đi Trường Sa theo chỉ
thị của BTL/HQ, thừa lệnh Bộ Tổng Tham Mưu. Cùng đi, có HQ 17 làm OTC. Vì HQ 17
khởi hành trước và chạy nhanh hơn nên sẽ đến Trường Sa trước. Chúng tôi được
tiêu lệnh từ Bộ TTM: “Không được khai hỏa trước khi đối đầu với đich tại Trường
Sa”. Địch là ai, không biết rõ. Tôi chỉ được biết trong các ngày vừa qua,
có tin một số máy bay lạ xuất hiện trên đảo. Nhiệm vụ của HQ 14 và HQ 17 là bảo
vệ sinh mạng của lực lượng Địa Phương Quân đồn trú trên quần đảo này.
HQ 14 đến quần đảo Trường sa lúc 4 giờ chiều ngày 23 tháng 4.
Quần đảo Trường Sa cách Vũng Tàu 305 hải lý về phía Đông. Các đảo này là
những cồn cát rất thấp, bao quanh bởi nhiều đá ngầm và san hô. Việc vận chuyển
quanh quần đảo này tương đòi khó khăn, nhất là ban đêm tối, dù chiến hạm
có radar. Cần nhất là máy định vị trí LORAN, nhưng máy này đặt trên HQ 14 đã hư
từ lâu, không đươc sửa chữa.
HQ 17 và HQ 14 chia nhau đi tuần tiểu trên quần đảo này. HQ 17
quan sát thấy một ngọn cờ đỏ trên đảo và ra lịnh HQ 14 bắn triệt hạ. Cứ
mỗi lần đạn 76 ly nổ, cả ngàn con hải âu trắng lại bay lên ngập trời, rồi đáp
xuống ngay! Ngày đầu tình hình tương đối yên lặng. Đến quá nửa đêm ngày 25, có
hai tàu lạ xuất hiện ở đảo Nam Yết, một ở hướng đông và một ở hướng tây. HQ 17
và HQ 14 gọi nhiệm sở tác chiến, rượt theo hai tàu này. Chúng bỏ chạy mất dạng.
Đến 7 giờ sáng, 2 echo xuất hiện trên radar, cách HQ 17 gần 4 ngàn yards, nhưng
chúng đi xa dần. HQ 17 xin chỉ thị BTL/HQ Saigon và được đáp: “Phải báo cáo
trước khi hành động”. Tôi mong được chỉ thị “Tùy nghi hành động” thì dễ cho
chúng tôi hơn!
Ngày 28, HQ 14, HQ 17, và Địa Phương Quân được lệnh rút khỏi
Trường Sa, về Vũng Tàu. Tôi khởi hành trước. HQ 17 ở lại để tiếp nhận Địa
Phương quân cho xong trong ngày và trực chỉ Vũng Tàu. Vào lúc 5 giờ
chiều, tôi nghe lễ bàn giao chức Tổng Thống giữa Cụ Trần Văn Hương và Đại Tướng
Dương Văn Minh đã diễn ra tại Dinh Độc Lập.
Trên đường vể gần đến Vũng Tảu, tôi thấy “rồng hút nước” (những
cột nước cuốn lên trời do sức xoáy cực mạnh của gió). Suốt 8 năm trên biển, đây
là lần đầu tiên tôi thấy hiện tượng này. Người xưa tin rằng đây là một điềm
xấu! Xa xa tôi thấy vài chiến hạm Mỹ.
HQ 14 về đến Vũng tàu trưa ngày 29 tháng
4. Quang cảnh ngoài khơi Vũng tàu lúc đó thật tấp nập, nào chiến hạm Mỹ, nào
thương thuyền ngoại quốc đến tiếp nhận dân sự do lời yêu cầu của chánh phủ Hoa
Kỳ, nào ghe chở dân đến thương thuyền, nào trực thăng Mỹ bốc quân Mỹ và thường
dân di tản từ Tòa Đại Sứ Mỹ tại Saigon, lên chiến hạm.
Tôi nghĩ đến gia
đình vợ con, không biết tất cả bây giờ ở đâu, có an toàn không. Chắc nhân viên
của tôi cũng cùng tâm trạng. Nhưng không ai nói với ai điều gì. CSBV đã tiến
đến gần Saigon và đang pháo kích Tân Sơn Nhất. Tôi cố thẩm định tình thế xem có
nên liều đem chiến hạm về Saigon hay không, tuy nhiên tôi không có tin tức gì
chính xác. Ngay cả bên trong Vũng Tàu, tôi cũng không biết rõ.
Trong lúc còn phân vân, tôi được lịnh của V3ZH cho tất cả chiến
hạm dưới sự điều động của vùng này được tan hàng và các Hạm Trưỡng được toàn
quyền quyết định, có nghĩa BTL/HQ không còn ra lịnh nữa.
Nghe vậy, tôi lặng người, nghĩ đến mất nước. Một biến cố đau
lòng tôi tiên đoán hơn cả tháng qua, nay đã đến! Nhưng tôi kềm chế được tình cảm
của mình ngay. Bình tỉnh, tôi quyết định đưa HQ 14 ra ngoại quốc. Tôi nghĩ đi
Philippines rất gần, nhưng không chắc được tiếp nhận. Vì vậy tôi cho nhân viên
Giám Lộ chuẩn bị các hải đồ từ Vũng Tàu đến đảo Goam để tôi vẽ đường đi vì, qua
tin trên các đài truyền thanh, tôi biết tại đó chánh phủ Hoa Kỳ đang tiếp
nhận quân nhân và thường dân VNCH tị nạn Cộng Sản
Tức tốc, tôi triệu tập một buổi họp ngắn, gôm có các Sĩ Quan,
Quản Nội Trưởng, một số Hạ Sĩ Quan, và một số nhỏ đoàn viên. Tôi cho họ biết ý
định của tôi và phân công cho mọi người trong việc giữ gìn an ninh cho chiến
hạm và thủy thủ đoàn.
Đại khái, mỗi người giữ một cây súng cá nhân, tất cả súng
cá nhân còn lại và lựu đạn phải giữ trong kho và khóa lại cẩn thận, quản thủ
chìa khóa kho sung, bảo vệ các súng trên bong tàu, phản ứng cần thiết và cấp thời
khi một nhân viên có hành động gây hấn hoặc nội loan.
Thật ra, qua hơn nữa năm trường cùng sống chết với anh em, tôi
đã biết rõ tinh thần kỹ luật cao độ và tình cảm của anh em đối với tôi. Tôi
không tin có môt sự việc đáng tiếc nào sẽ xảy ra. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, đây
là môt biện pháp mà bất cứ cấp chỉ huy cẩn trọng và có trách nhiệm nào, cũng cần
áp dụng trong trong trường hợp đặc biệt này.
Tôi cho tập họp anh em để nói chuyện. Khi tôi đến đứng trước
hàng quân, anh em nghiêm chỉnh chào tôi như thường lệ. Nhưng thoáng nhìn ánh
mắt của họ, tôi thấy hầu hết đều đượm một nét buồn sâu xa, hay hơn nữa một thất
vọng. Chắc họ đã biết những gì đã xảy đến. Ngừng một chút, tôi nhẹ nhàng báo
tin cho họ. Tôi nói “Chúng ta đã cùng nhau chiến đấu một thời gian dài, hy vọng
sẽ chiến thắng.
Nhưng hôm nay, không may, chúng ta đã bại trận. CSBV đã tiến
vào Saigon. Tôi quyết định đem chiến hạm ra ngoại quốc, đến môt nước tự
do. Anh nào muốn theo tôi, đứng ra bên này. Anh nào muốn trở về với gia
đình, đứng ra bên kia”. Sau một hồi lưỡng lự, anh em đứng ra hai bên. Tôi cho
Hạm Phó và Quản Nội Trưởng ghi tên các anh em muốn trở về. Số người trở về tôi
không ghi trong nhật ký, chỉ nhớ thoang thoáng trên 30 người.
Trời đã về chiều, tôi bắt đầu tìm phương tiện cho anh em vào bờ
để về nhà. Hồi trưa nay tôi thấy hằng trăm chiếc ghe nhỏ đưa dân sự từ Vũng Tàu
ra tàu buôn ngoại quốc. Tôi định nhờ họ chở anh em vào bờ và trả bằng dầu.
Nhưng bây giờ các ghe này biến đi đâu mất. Tôi cho tàu chạy vòng vòng để tìm
kiếm. Khi trời sụp tối tôi cho rà trên radar xem có thấy gì không, nhưng vô vọng.
Tôi muốn khởi hành đi Goam ngay để ra đến hải phận quốc tế, và càng xa càng
tốt, sợ máy bay CSBV có thể rượt theo. Chỉ cẩn thận thôi, vỉ tôi ước đoán chiến
đấu cơ Mig của chúng chưa đến Saigon. HQ 17 đã khởi hành đi từ lâu. Nhưng tôi
đã hứa với nhân viên là cho họ vào bờ, bây giờ làm sao đây?
Trong lúc đang tấn thối lưỡng nan, tôi được công điện mật của Đô
Đốc Minh gọi tập trung tại Côn Sơn để cùng đi. Tuy không biết đi đâu, nhưng vì
tin Đô Đốc Minh nên tôi cho trực chỉ Côn Sơn. Trong lúc này Cộng Sản nằm vùng
trong BTL/HQ liên tiếp gọi máy dụ dỗ các hạm trưỡng đưa tàu về Saigon.
6. Chuyến Di Tản Cuối Cùng: Vũng Tàu - Côn Sơn
- Subic Bay, Philippines
Sáng hôm sau, ngày 30, trên đường đi Côn Sơn, tôi gặp vài chiếc
LCVP chở toán sửa chữa lưu động chạy tìm đường đi. Tôi cho vớt tất cả. Trong
lúc họ lên tàu, một nhân viên giám lộ từ LCVP leo lên, đến chào tôi. Tôi nhận
ra ngay, đó là nhân viên của tôi đã bị gảy mất một tay trong lúc Không Quân bắn
HQ 14 ngoài cửa Thuận An. Lúc đó anh đang đứng cạnh tôi trên đài chỉ huy. Anh
nằm điều trị tại bệnh viên Duy Tân, và khi chiến hạm rút khỏi Đà Nẵng tôi không
can thiệp cho anh ra được vì vết thương của anh vẫn còn đang rỉ máu.
Anh cho
biết, khi CSBV tràn vào Đà Nẵng, anh đã thoát ra được và theo một nhóm nhỏ Biệt
Kích tìm về Saigon bằng đường biển. Mọi người đều mừng cho anh và nhân viên y
tá săn sóc cho anh tận tình. Vài ngày sau, khi gặp chiến hạm Mỹ, tôi xin cho anh
được chuyển qua điều trị Từ đó, tôi không được tin tức gì về anh nữa. Trên đường
đến Côn Sơn, tôi vớt thêm nhiều dân sự và gia đình quân nhân, tổng cộng trên
100 người.
Vào buổi chiều trên đường đến Côn Sơn, khi đang ngồi trên đài
chỉ huy, tôi được HQ 3 gọi máy cho biết có gia đình vợ tôi trên chiến hạm.
Tôi
vừa mừng, vừa ngỡ ngàng, tại sao vợ tôi lại lên được HQ 3, hay là gia đình ai
không. Từ lúc khởi hành đi công tác V3ZH đến nay, chúng tôi không có tin tức gì
của nhau cả. Tuy nhiên tôi vẫn hy vọng là đúng. Tôi yêu cầu được nói chuyên trực
tiếp với vợ tôi trên máy. Nhưng bị từ chối, bảo tôi phải chờ vì máy quá bận rộn.
Mãi đến tối HQ 3 mới gọi lại cho tôi nói chuyện với vợ tôi. Nhưng vợ tôi chẵng
nói được câu nào. Sau này hỏi lại mới biết vợ tôi không biết phải bấm máy khi
nói.
Thay vì, tôi nghe dọng nói của ông cậu ruột nhà tôi, ông Trần Van L. Ông
cho tôi biết vợ con tôi và gia đình bên vợ, tổng cộng 19 người đang có mặt trên
tàu. Tôi mừng quá, không kịp hỏi tại sao, chỉ hứa sẽ đón qua tàu tôi khi được
phép. Nhưng cái mừng của tôi không trọn vẹn. Tôi thấy buồn cho nhân viên của
tôi. Từ Hạm Phó trở xuống, không ai có thân nhân đi được cả.
Sau này, khi gia
đình vợ tôi được chuyển qua HQ 14, tôi được nghe kể lại chi tiết viêc chạy từ
nhà ở bên Chí Hòa đến khi lên được HQ 3. Đoạn đường tuy không xa, nhưng thật hồi
hôp và bất định. Mấy ngày trước đó, gia đình vợ tôi từ chung cư Phạm Thế Hiển
chạy qua Chí Hòa cho gần đường lên phi truòng Tân Sơn Nhất. Nhưng không vào phi
trường được vì Cộng Sản pháo kích. Đến chiều 29, trong khi CSBV pháo kích, đạn
nổ nghe rất gần, và cả nhà ngồi chung dưới đất cầu nguyện, ông anh ruột của nhà
tôi, Trung Úy L, và ông cậu ruột, Thiếu Tá Trần Quốc B thuộc bộ TTM đã về hưu,
dùng xe Honda 2 bánh chạy đi tìm đường. Ra đến đầu ngõ, gặp một người bạn. Cô
này cho biết trưc thăng Mỹ đang bốc người ở bến Bạch Đằng. Hai người chạy ra bến
Bạch Đằng xem tình hình. Khi đến nơi, họ không thấy trực thăng đâu, chỉ thấy những
vòng kẻm gai dăng ngang cổng vào BTL. Nhiều quân nhân HQ cầm súng ở thế tác
chiến đứng gác. Thỉnh thoảng, có vài quân nhân HQ đưa gia đình vào. Hai người
bàn bạc “chắc HQ đang di tản”, hãy về đưa gia đình ra đây rồi tính sau.
may ra
vợ tôi có thể xin vào được. Cả nhà, 19 người gồm cả bà con, chạy ra bến Bạch
Đằng. Dọc đường, thỉnh thoảng lại thấy nhân dân tự vệ đang bắn chỉ thiên, chỉ
lo bị chúng chận đường. Một lúc sau, đến được cổng BTL/HQ. Nhà tôi tiến đến, đưa
ra một tấm hình của tôi chụp chung với cố vấn Mỹ khi tôi còn làm hạm trưởng HQ
612, và xin cho vào, nói tôi là hạm trưởng HQ 14 đang công tác ngoài khơi. Nhân
viên gác cổng chỉ liếc qua rồi gạt đi. Vợ tôi thất vọng nghĩ thầm: Thế là vô
phương rồi! May thay, đúng lúc đó, một sĩ quan HQ mang huy hiệu hạm trưởng từ trong
đi ra. Nhận ra đó là Thiếu Tá Nguyễn Thụy Đ, cùng khóa với tôi mà vợ tôi được
gặp một lần cách đây mấy năm về trước. Vợ tôi nhờ giúp đỡ và cả nhà được vào.
Nhưng vào trong cổng rồi cũng không biết đi đâu. Bỗng nhiên, lúc đó một đoàn
người trong một cơ sở bên trong đi ra và lên tàu. Cả nhà cứ theo họ và cuối cùng
lên được HQ 3.
Đến Côn Sơn, sau khi chuyển các nhân viên muốn về nhà qua một
hỏa vận hạm được chỉ định về Việt Nam, tôi cho chiến hạm ra khơi chạy vòng vòng
đến sáng mới vào cặp với các chiến hạm khác.
Khoảng 9 giờ sáng, tất cả chiến hạm cùng nhau khởi hành qua
Subic Bay, cách Côn Sơn 900 hải lý, với vận tốc trung binh 6 hải lý/giờ, vì có
nhiều chiến hạm hư hõng phải chạy chậm.
Vào lúc 3 giờ chiều ngày 2 tháng năm, HQ bắn chìm HQ 474 vì
chiến hạm này hầu như bất khiển dung.
Đến sáng ngày 3 tháng 5, HQ 14 cặp HQ 3 nhận thực phẩm và một số
gia đình, trong đó có gia đình vợ tôi. Tình trạng biển trong các ngày qua thật
êm, nhờ vậy không ai ói mửa.
Suốt buổi sáng ngày 5, chiến hạm Kirk (USS Kirk, DE 1087) tiếp
tế thực phẩm cho đoàn tàu VNCH. Trung úy Don Swain và Trung Sĩ Richardson thuộc
USS Kirk lên HQ 14 để chuẩn bị bàn giao chiến hạm cho HQ Hoa Kỳ. Sau này, khi
đọc hồi ký của Đại Tá Kiểm và video The Lucky Few của HQ Hoa Kỳ tôi mới biết rõ
vì sao phải bàn giao ngoài khơi thay vì trong hải cảng. Hồi đó Philippine đã công
nhận ngụy quyền CSBV mà chúng đã tự đặt cho mình cái tên thật trái ngược với
bản chất của nó, “VN Dân Chủ Cộng Hòa”.
Vì vậy, Philippines nhất quyết từ chối
việc nhập hải cảng Subic Bay của các chiến hạm VNCH. Cuối cùng, các cấp lảnh
đạo của HQVN trên soái hạm HQ 3 và chánh phủ Hoa Kỳ đã tìm ra một giải pháp hợp
lý: Chuyển giao các chiến hạm HQVN cho HQHK ngoài khơi Subic Bay, theo thỏa ước
“Khi nào VNCH không còn dùng các chiến hạm này nữa, thì phải trả lại cho Hoa Kỳ”.
Ngoài ra, để giữ thể diện cho HQ/VNCH, một lễ bàn giao cần được cử hành trên
tất cả chiến hạm VNCH hiện diện ngoài khơi Subic Bay, gồm có: HQ 3, 11, 12, 14,
228, 229, 231, 401, 470, 505, 618, 800, 607, 17, 08, 1, 404, 16, 502, 471, 5,
và 801.
Ngày 6 tháng 5, HQ 14 còn cách Subic Bay 87 hải lý, thủy thủ
đoàn được lệnh ném tất cả đạn dược, lựu đạn và súng cá nhân xuống biển, đồng thời
vô hiệu hóa tất cả hải pháo và chuẩn bị kế toán nhiên liệu, nước ngọt, tình trạng
chiến hạm để bàn giao ngày hôm sau.
Sáng ngày 7 tháng 5, các chiến hạm VNCH đã tập trung ngoài khơi
Subic Bay. Đến trưa, lễ bàn giao chiến hạm bắt đầu trong bầu không khí trang
nghiêm và cảm động. Trên HQ 14, tất cả thủy thủ đoàn và nhân viên quá giang đều
tham dự. Trung Úy Don Swain, đại diện HQHK, tiếp nhận chiến hạm. Cảm động nhất
là nghi thức hạ kỳ VNCH. Sau đó là lễ thượng quốc kỳ Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Sau khi lễ bàn giao chấm dứt, thủy thủ đoàn gở lon ném xuống
biển, một số giữ lại để kỹ niệm. Không ai nói vói ai, rơm rớm nước mắt. Lá quốc
kỳ VNCH vừa hạ xuống, đươc trao cho tôi. Tôi vẫn giữ gìn, trân quí nó cho đến
ngày hôm nay. Lá quốc kỳ nhuộm màu phong sương này đã phất phới tung bay trên
HQ 14 suốt mấy tháng cuối cùng của cuộc chiến. Phần tôi, ngoài mặt tôi vẫn giữ
nét nghiêm trang, nhưng trong lòng, tôi đang khóc. Một cuộc chiến dài đăng đẵng
đã chấm dứt trong đau thương, thất vọng! Bao nhiêu quân sĩ, tướng tá anh dũng
của Quân Lực VNCH đã thương vong. Bao nhiêu gia đình đau khổ, mẹ mất con, vợ
mất chồng, con mất bố. Tất cả hy sinh đó chỉ nhắm một mục đích: Bảo vệ Miền Nam
Tự Do. Nay, tất cả hy vọng đã trở thành mây khói!
|
|
Lể Hạ Quốc Kỳ VNCH trên HQ 14
|
Lễ Thượng Quốc Kỳ Hoa Kỳ
|
Tuy đã nhận bàn giao, Trung Úy Don Swain vẫn yêu cầu tôi tiếp
tục điều khiển nhân viên và đưa chiến hạm vào trong Subic Bay. Lần lượt, các
chiến hạm vào hải cảng. HQ Hoa Kỳ không cho phép các hạm trưởng VNCH tự cặp cầu
và HQ Hoa Kỳ cũng không đủ phương tiện để chuyên chở tất cả thủy thủ đoàn và người
quá giang vào bờ. Vì vậy, tôi phải vận chuyển HQ 14 chờ trong hải cảng đến khi
tàu kéo của HQ Hoa Kỳ dòng chiến hạm vào cặp cầu. Sau đó, tôi có vài lời từ giả
nhân viên quá giang và thủy thủ đoàn trước khi họ rời chiến hạm.
Theo lời yêu cầu của HQ Hoa Kỳ, tôi cho Trung Úy Dân và vài nhân
viên cơ khí cùng vô tuyến Tuấn tiếp tục ở lại chiến hạm để lo máy móc cho đến
khi tôi rời chiến ham và tàu dòng của HQ Hoa Kỳ hoàn tất việc đưa HQ 14 ra buộc
phao trong hải cảng thì tắt hết máy móc và theo tàu dòng vào bờ.
Khi tôi vào phòng ăn sĩ quan, các sĩ quan an ninh của HQ Hoa kỳ
đã có mặt ở đó, chờ tôi cho biết tình hình trên quần đảo Trường Sa trong thời
gian HQ 14 hoạt động quanh quần đảo này.
Sau khi thuyết trình cho họ, tôi cùng gia đình rời chiến hạm.
Tuy tôi không còn mang cấp bậc, anh quân nhân TQLC Hoa kỳ đang đứng gác hạm
kiều vẫn nhận ra tôi và nghiêm chỉnh đưa tay chào. Tôi chào lại anh, và quay
lại chào lá quốc kỳ Mỹ, chào HQ 14 thân yêu một lần chót, và rời chiến hạm. Bây
giờ, cũng như tất cả nhân viên của tôi, tôi sẽ bắt đầu một hành trình mới đến
đất tự do. Cuộc hành trình này, tuy không nguy hiểm, nhưng chắc không kém cam
go, bất định.
Viết tại Hoa Kỳ ngày 22 tháng 3 năm 2017
Phạm Thành
__._,_.___
Posted by: "Patrick Willay"