Trần
Hoài Thư, Viết Dưới Trời
Khói Lửa
Vương
Trùng Dương
Nhà văn,
nhà báo Trần Hoài Thư được nhiều người viết và phỏng vấn vì anh chân tình trải
lòng cùng bạn bè, người duy nhất ở hải ngoại làm sống lại văn học miền Nam và ấn
hành những tác phẩm ở quê nhà bị bỏ quên theo năm tháng và không được xuất bản.
Trong thời chiến, anh là cây cây bút duy nhất tham chiến tại mặt trận, ghi lại
nhiều nhất những điều của người trong cuộc “Tôi là một tác giả viết văn làm thơ
theo đôi giày trận. Nổi trôi từ Trường Sơn xuống tận đầm lầy Đồng Tháp Mười. Tôi
nhìn bản thân mình, lấy kinh nghiệm của chính mình để mà thông cảm cùng những
người cùng mang giòng máu như tôi…
Tôi là
nhà văn sống và viết. Tôi tìm chất liệu ở con người thật của tôi. Tôi sống và viết
bằng con người thật của tôi… Khi tôi ở trong quân đội, tôi viết về người lính,
khi tôi đào ngũ, tôi viết về kẻ đào ngũ, khi tôi trở lại đơn vị bị giáng lon,
thì viết về tâm trạng của người lao công chiến trường… Khi tôi bị thương nằm
trong Quân Y Viện tôi viết về tâm trạng người thương binh, khi tôi ở trong trại
khổ sai, tôi viết về sự thật cảnh tôi vồ chụp lấy thau cơm nhão nhẹt chua lè
dành cho chó ăn ở bên hiên một doanh trại bộ đội Bắc Việt vì quá đói…”
Những bài
thơ của anh trong thời khói lửa vẽ lên bức tranh thân phận người lính trong thời
chiến.
Cả một
đời, THT sống chân tình và trải lòng với đồng đôi, bằng hữu và đồng nghiệp, vì
vậy anh được nhiều người đề cập đến qua các bài viết, phỏng vấn từ trước năm 1975
đến nay.
Nhận được
Thư Quán Bản Thảo số 79, tháng 4 năm 2018. Trong mười bảy năm qua (TQBT 2001-2018)
đây là số duy nhất do Phạm Văn Nhàn và bằng hữu thực hiện, anh “không được
phép” viết và xem nội dung, chỉ lo việc ấn hành. TQBT số 79 dày 288 trang, gồm
hai phần: Những truyện của THT trước năm 1975 (trang 7 -156) và những người viết
về THT (157-266).
Với tôi,
trong hai bài viết trước đây, bài “Trần Hoài Thư, Cây Sậy Giữa Đời” vì dáng
dấp anh như cây sậy, làm lính chiến sống cùng cỏ lau. Con người với Blaise Pascal
chỉ là “cây sậy có tư tưởng” nhưng với THT là cây sậy trên trận mạc, chứng nhân
lịch sử trong thơ văn. Và, “Trần Hoài Thư & Thủ Đức Gọi Ta Về”… Tôi
đã viết về cuối năm 1966, Khóa I Nguyễn Trãi của Trường ĐH. CTCT gởi học giai
đoạn I cùng với khóa 24 ở Trường Bộ Binh Thủ Đức, ở trong Ban Biên Tập SVSQ
liên khóa 23 & 24 cùng với Trần Hoài Thư (Trong bài viết của Luân Hoán “Những
Ngày Đầu Quân & Thời Ở KBC 4100” ghi rõ từng người, và các bài viết của THT
cũng đề cập đến tháng ngày ở KBC 4100). Trong phần kết đã viết về THT:
“Là giáo
sư, nhà văn, nhà thơ, gầy gò, cận thị… nhưng khi ra trường BB Thủ Đức lại về đơn
vị tác chiến trong cương vị Trung Đội Trưởng của Đại Đội Thám Kích 405, Sư Đoàn
22 BB. Trần Hoài Thư đã 3 lần bị thương ngoài mặt trận… Trần Hoài Thư giữ chức
vụ Trung Đội Trưởng Thám Kích trong thời gian gần 4 năm từ khi ra trường vào
8/1966 đến tháng 6/1970, hai lần bị thương, lần thứ ba thấy bản thân như sợi chỉ
treo mành nên bỏ đơn vị, sống lang bạt, bụi đời với các bạn văn nghệ, bị bắt
làm lao công đào binh”.
“Thôi giã
từ những ngày tháng lông bông
Những cốc
rượu đếm không bao giờ hết
Những bửa
đói, bửa no, mà vui như tết
Những ngày
hồng, ngày xám cũng chia tay
Thôi giã
từ lũ bạn chiều nay
Tự nguyện
ra tòa ký vào bản án
Giã từ
nhé, môi son và má phấn
Những vỉa
hè, những đường phố lê la”
(Huy
Chương)
Mấy câu
trong Lính Tiền Phương của THT là thực trạng ư? Ngậm ngùi và xót xa:
“Khi ra
trận ta là thằng chết trước
Tổ quốc
ghi ơn, lãnh tụ đẹp lòng”
Trong bài
viết của Tình Bạn của Phạm Văn Nhàn: “… Tôi đưa Thư ra Nha Trang trình diện nơi
Quân Vụ Thị Trấn (đồn Quân Cảnh). Ra tòa án binh. Giáng cấp. Rồi đến Đơn Vị 2
Quản Trị, đóng ở Diên Khánh, Nha Trang. Và từ đây, Trần Hoài Thư nhận sự vụ lệnh
lên Sư Đoàn 23 BB trên Ban Mê Thuột. Tôi nói với Thư: tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa.
Ngày tiễn Thư lên Ban Mê Thuột tại bến xe Nguyễn Hoàng, Nha Trang, tôi cởi chiếc
jacket cho Thư mặc. Và có thêm hai người bạn tiễn Thư lên đường là nhà văn Nguyễn
Âu Hồng (ở Mỹ) và nhà thơ Nguyễn Sa Mạc (còn ở VN). Và cũng từ ngày hôm đó, tôi
xa Trần Hoài Thư!”
Thế nhưng
anh không oán hận. Người lính vừa đánh giặc vừa cầm bút, “Cảm thấy mình thật
hãnh diện, bởi vì tôi nguyên một giáo sư đệ nhị cấp, với đôi mắt cận 7 độ, gầy
như que củi, từng được hoãn dịch vì lý do sức khỏe, lại có mặt tại một đơn vị
đã từng tạo nên một thành tích kỷ lục có một không hai trong QLVNCH. Khó có một
ai trong bất cứ đơn vị nào được Tướng Đỗ Cao Trí thăng cấp hai lần trong vòng
hai tháng ngay tại mặt trận.” (Về Một Đại Đội Cũ). Và “Từ 405, tôi cũng đã mang
9 tác phẩm văn học đến cùng độc giả”. Thật là “Đại Đội 405 là một dấu ấn đậm
sâu vào tâm trí của một người lính cũ”…
“Chưa có
một đội quân nào trên thế giới này, thua trận, nhưng lại tự hào cùng hàng ngũ,
cùng màu cờ sắc áo như quân đội miền Nam này. Không phải một ngày, một tháng,
mà cả đời. Chỉ có những kẻ trong cuộc mới hiểu và thấm thía được nỗi tự hào..
Và đó là lý do cắt nghĩa tại sao tôi lại phải viết hoài, viết không mệt về màu
áo cũ của mình” (Sđd).
“Chiếc bè
đã đưa tôi vào dòng văn chương không phải đẹp và dịu dàng như một giấc mơ. Mà trái
lại, văn chương bấy giờ là văn chương của lửa, lệ, và những gào thét, tra vấn,
tử sinh. Văn chương bấy giờ là những ngày đêm trong lòng hỏa ngục, là những vết
thương tóe máu đớn đau, là tiếng kêu trầm thống của một thế hệ mà, nói theo Tolstoi,
chỉ những ông già bụng phệ ký giấy tuyên chiến, còn phần chết thì dành cho bọn
thanh niên… Chất liệu văn chương của chúng tôi không phải là từ đơn đặt hàng của
chế độ, hay những món hàng làm dáng du nhập từ ngoại quốc mà là sự thật bằng trái
phá, bằng mồ mả oan khiên, bằng những người như chúng tôi bị nướng thiêu trong
lò lửa chiến tranh.” (Về Những Trang Sách Cũ, trang 16 & 17)...
Ngoài các
bài thơ tỏ bày cuộc sống người lính chiến, trở lại tác phẩm Thủ Đức Gọi Ta Về của
Trần Hoài Thư để cảm nhận tấm lòng của anh với ngày tháng quân trường.
Tuổi thơ
của THT không được may mắn “Ra đời tại Đà Lạt vào ngày 16 tháng 12 năm 1942, thất
lạc cha ngay khi còn quá nhỏ, theo mẹ đến thành phố biển Nha Trang sống suốt thời
thơ ấu rất đỗi cơ cực và hẩm hiu. Thời thơ ấu, từng bán hàng rong ở các bến xe ở
Nha Trang, và từng đi bộ mỗi ngày khoảng 20 cây số để đi đến trường. Học trường
Sinh Trung, Nam Tiểu Học Nha Trang và cuối cùng là trường Cô Nhi Viện Bết Lê
Hem, Hòn Chồng, trước khi ra Huế gặp lại thân phụ từ Bắc di cư vào”.
Chỉ có
thời gian yên lành trong thời trai trẻ “Ở Huế, theo học tại Quốc Học, Đại Học Huế,
rồi trở vào Nam với Đại Học Khoa Học Sài Gòn. Không tốt nghiệp sư phạm, nhưng
có duyên với bảng đen, phấn trắng, Trần Hoài Thư trở thành ông thầy dạy trung học
và hành nghề tại trường Trần Cao Vân ở thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, trong các
niên khóa từ 1964 đến 1966”. (THT Trò Chuyện Với Nguyễn Thị Hải Hà).
Cuộc đời
quân ngũ của anh quá bầm dập, bị cận thị nặng, đúng ra anh được miễn dịch, là
nhà giáo, nhà văn, nhà thơ thông thường vào ngành Chiến Tranh Chính Trị nhưng lại
ra đơn vị nguy hiểm nhất của Sư Đoàn bộ binh vì mãi mê làm báo khi ở quân trường,
được giải thưởng “Sinh Viên Sĩ Quan báo chí xuất sắc. Kèm theo phần thưởng tinh
thần này là một quà tặng rất thích hợp cho một nhà văn: một cặp bút Pilot mới
cáu trong hộp cứng”, nên cuối khóa đậu chót trong “bảng phong thần” vì vậy khi
chọn đơn vị phải chấp nhận số phận hẫm hiu.
Bởi cái
tội đam mê báo chí đó nên khi ở quân trường bỏ bê mấy môn học quân sự, bốc thăm
chót bảng nhưng:
“Khóa của
ta
Trên mấy
trăm thằng tình nguyện
Đi Nhảy
Dù, Thủy Bộ, Thám Báo ‘ác ôn’
Đứng đợi
cả ngày để bốc lá thăm
Toàn thứ
dữ mà vui như chợ Tết”
(Ta Lính
Miền Nam)
Năm 1971,
được thuyên chuyển về miền Tây, phục vụ trong Khối Chiến Tranh Chính Trị của
Quân Đoàn IV, làm phóng viên chiến trường cho đến ngày tan hàng. Đây cũng là cơ
hội với “Những chuyến đi vào trận mạc, với máy ảnh và cây viết. Tôi đã viết nhiều
truyện lấy từ chất liệu sống này” (THT). Và, nơi nầy anh gặp chị Nguyễn Ngọc Yến,
người bạn đời đã sát cánh bên anh để thực hiện các tác phẩm của Thư Ấn
Quán và tạp chí Thư Quán Bản Thao cho đến khi lâm trọng bệnh, ngồi xe lăng, qua
bao năm anh, con người lãng tử chấm dứt để tận tình chăm sóc hiền thê.
Trần Quý
Sách, Trần Hoài Thư gắn liền với cái tâm con người yêu chữ nghĩa. Trước năm 1975,
ngay cả những truyện ngắn của anh khi đăng báo cũng bị kiểm duyệt cắt bỏ vì vậy
khi ra hải ngoại, anh thực hiện Thư Ấn Quán để làm sống lại những gì đã mất “Đối
với tôi, những tác giả trong thời chiến là thiệt thòi nhất. Họ phải ra trận, vừa
đánh giặc vừa viết, không có cơ hội để xuất bản. Sau năm 75 không ai đếm xỉa đến
văn chương của họ. Tôi muốn lấy lại danh dự cho họ”. Và, theo Như Không “Trần
Hoài Thư như đã trở thành một chiếc cầu nối cho những độc giả và những người
làm văn nghệ nổi tiếng một thời mà sau 75 họ không còn tác phẩm nào được tái bản
hoặc xuất bản vì nhiều lý do, trong đó lớn nhất là vẫn lý do chính trị”.
Với tấm
lòng của THT như vậy nên những gì đã viết về anh không có ý “áo thụng vái nhau”
mà trân quý đáp lại lòng nhiệt huyết của cây bút sống thực, sống trọn tình trọn
nghĩa trong tình chiến hữu và bạn bè với nhau.
Tác phẩm
của Trần Hoài Thư đã xuất bản:
Trước 1975:
Nỗi Bơ Vơ Của Bầy Ngựa Hoang (tập truyện, 1968), Những Vì Sao Vĩnh Biệt (tập
truyện, 1970), Ngọn Cỏ Ngậm Ngùi (tập truyện,), Một Nơi Nào Để Nhớ (tùy bút,
1974)
Sau 1975:
Ra Biển Gọi Thầm (tập truyện,1995), Ban Mê Thuột, Ngày Đầu Ngày Cuối (tập truyện,1997),
Về Hướng Mặt Trời Lặn (tập truyện,1998), Thơ Trần Hoài Thư, Mặc Niệm Chiến
Tranh (tập truyện), Thủ Đức Gọi Ta Về (hồi ức), Đại Đội Cũ & Trang Sách Cũ
(hồi ức), Đánh Giặc Ở Bình Định (hồi ức), Đêm Rừng Tràm (tập truyện), Thế Hệ
Chiến Tranh (tập truyện), Hành Trình Của Một Cổ Trắng (truyện vừa), Ở Một Nơi
Trên Trường Sơn (tập truyện), Qua Sông Mùa Mận Chín (thơ), Quán (thơ), Ô Cửa
(thơ tuyển toàn tập, 2004), Xa Xứ (thơ, 2010), Vịn Vào Lục Bát (thơ, 2017)…
*
Viết Dưới
Trời Khói Lửa
Cũng giống
như John Steinbeck (1902-1968), khi tham chiến tại Việt Nam trong binh chủng
Pháo Binh rồi là phóng viên chiến trường “Ở bất cứ nơi nào, với hành trang là một
khẩu súng, một cây bút và một cuốn sổ tay ghi chép lại tức thời những sự kiện
diễn ra kèm theo những nhận định cảm quan của một người chứng kiến sự kiện thực
của những con người thưc sự trong cuộc chiến” (Nguyễn Mạnh Trinh). Trần Hoài
Thư cũng vậy trong đơn vị Thám Báo vừa cầm súng vừa cầm bút.
Trong bài
viết Định Mệnh của Nguyễn Văn Dưỡng, nguyên trưởng phòng Nhì SĐ 22 bộ binh:
“Bao nhiêu
trách nhiệm nguy hiểm trong vùng địch kiểm soát, đột kích, thám kích, tiền thám
hay viễn thám kể cả tăng viện và là mũi tấn công chính trong một trận đánh dữ dội,
đều giao cho Đại Đội Thám Kích 405 (biểu tượng: Diều Hâu). Vì vậy sĩ quan, hạ
sĩ quan và binh sĩ của đơn vị nầy phải là quân nhân tình nguyện hoặc được chọn
lựa trong thành phần có kinh nghiệm trận mạc, gan lì và nhất là sự bền bỉ chịu
đựng gian khổ ở các đơn vị tác chiến khác của Sư Đoàn. Mặc dù Đại Đội Thám Kích
không có trong Bảng Cấp Số của Sư Đoàn, nhưng do tính chất của nhiệm vụ khi
thành lập – vì nhu cầu chiến trường - nên tính mệnh của mọi cấp trong ĐĐ/TK như
“chỉ mành treo chuông” mỗi một khi được sử dụng. Ai vào thám kích mà ra khỏi được,
không chết, ít nhất cũng mang theo vài chiếc thẹo trên mình. Trần Hoài Thư rời
miền Trung vào miền Nam không biết được mấy Chiến Thương Bội tinh…”
Quan những
bài sáng tác, trích những đoạn trong bài viết của Ytan62 Hoài Thư trong cơn
binh lửa:
* Thám
Báo
“Những ngày
cuối tháng 12, mưa tầm tã cả núi rừng, lẫn cùng những cơn gió miền núi hú loạn
cuồng trên những thân cổ thụ trong rừng già. Sương mù che khuất cả tầm mắt, mãi
đến trưa chúng tôi mới nhận ra chút cảnh tượng xung quanh. Những hàng dây leo
thả xuống đất, hay quấn chằng chịt trên bãi hoang, mà theo mùa mưa, tranh, cỏ
thi nhau mọc cao đến quá đầu người. Ban đêm, chúng tôi phải dựa vào gốc cây để
ngủ hay ngả lưng một tí. Thường thường tôi không bao giờ chợp một giấc mà không
bị thức dậy bởi những tiếng động khả nghi. Cuối cùng tôi cũng khám phá ra rằng,
sinh vật vẫn còn hiện diện trong khu rừng này. Có thể là một con nai, hay một
con gấu cũng nên…
Có nghĩa
là tôi sẽ không còn phải mang con tim đập thình thịch trong bóng tối đen đặc và
lạnh buốt của rừng. Đám lính ngủ ngon lành xung quanh. Họ coi chiến tranh như một
trò chơi cũng nên. Họ chẳng cần bận tâm gì đến hiện tại. Hay họ nghĩ là tôi,
tay toán trưởng toán thám báo đã thay họ và có trách nhiệm bảo vệ họ. Thường những
đêm mưa như thế, trong poncho, dựa lưng vào gốc cổ thụ, tôi vẫn thường bị hành
hạ bởi lũ sinh vật còn sót lại của rừng…
Trong những
lần nhảy xâm nhập, thường thường mỗi chiều tôi đã chọn điểm đứng sẵn, yêu cầu bộ
chỉ huy đại đội sửa lại tần số, và giả vờ rút sâu hơn vào rừng hơn, để trời vào
tối chúng tôi lại kéo nhau ra. Chỉ có cách đó mới tránh những cặp mắt của địch.
Chúng tôi còn giả cả tiếng kêu của loài thú như mật hiệu. Hạ sĩ nhất Nay Lat có
biệt tài giả giọng chim cú mèo. Một tiếng kêu báo hiệu toán tiền sát hãy đi chậm..
Hai tiếng kêu báo cho cả toán hãy dừng lại. Ba tiếng kêu giục toán phải đi
nhanh hơn. Với những thằng nhảy toán như bọn tôi, sự sinh tử kề cận như lưỡi
dao kê trên cổ. Chúng tôi phải tùy thuộc vào quyết định của trung đoàn trưởng,
sư đoàn trưởng. Nói là lấy tin, báo cáo, dọ thám, thì không đúng. Họ dùng chúng
tôi như những con vật thiêu thân cũng nên. Họ ném chúng tôi vào rừng để bảo đảm
an ninh cho vòng đai của đơn vị họ. Họ để chúng tôi tự đối phó lấy. Trên nguyên
tắc chiến thuật, nếu đụng trận thì lập tức sẽ có quân tiếp cứu, trực thăng yểm
trợ bốc chúng tôi, hay phản lực dội bom. Nhưng cái chiến thuật ấy chỉ áp dụng ở
đâu đó trên sách vở, hay lý thuyết…
Tim ngực
tôi đánh thình thịch. Gai đã làm quần tôi bị rách toẹt và cào đau tôi đến tê điếng.
(Loại gai màu đen tuyền, nhỏ như lưỡi câu). Chúng tôi phải tìm đến những bụi
gai chó đẻ này mà vạch lối, thay vì đường mòn để tránh những con mắt của địch.
Thỉnh thoảng chúng tôi thấy những tờ giấy truyền đơn chiêu hồi của Tâm Lý Chiến
nằm vương vãi… Tôi có thể đem cả toán ra khỏi rừng, tìm một chỗ an toàn, rồi
báo cáo láo. Hay tôi có thể dừng lại ở đây, không tiến xa hơn nữa. Tôi không muốn
tôi chết giữa lúc mọi người được sống. Dù trong cõi này, chúng tôi đã trở thành
những kẻ đi tìm cái chết rồi. Có thể, ngày mai, nơi này sẽ trở thành bình địa,
vì người ta tin tưởng không có mặt chúng tôi ở đây. Tôi thương những người lính
của tôi. Họ cũng thương tôi. Họ không bao giờ bỏ tôi. Tôi biết. Họ cũng không
bao giờ cãi lệnh tôi.
Thế mà
hôm nay, họ cãi. Họ dừng lại, khựng lại, bất chấp. Hình như họ nghe. Họ linh cảm
được một điều bất trắc trong rừng. Mắt họ hoảng sợ. Họ thì thào: “Thiếu úy, thiếu
úy có nghe gì không?” Tôi nói tao không nghe gì. Họ nói: “Có tiếng hát.” Tôi cố
gắng hết sức. Rõ ràng họ nói đúng. Tiếng hát. Theo gió. Khi dìu dặt. Khi mất.
Khi còn. Tiếng hát của người con gái. Vẳng lên ở bên kia bờ suối. Càng lúc, tiếng
hát càng cuốn lốc, âm thanh càng bay bổng, để người nghe càng phải lặng cả hồn,
để tâm não như tê thiếp. Chúng tôi cùng hướng về tiếng hát, chui rúc lách mình
trong những buị cây hay gai rậm lá. Tiếng hát càng lúc càng rõ. Và nhờ ống nhòm
tôi có thể nhận ra một cặp trai gái đang ngồi bên nhau trên bờ suối. Người thanh
niên trong bộ đồng phục ka ki Nam Định. Và người con gái cũng trong bộ đồ đồng
phục lính nữ.
Thằng Nga,
tên lực lưỡng nhất, nhìn tôi. Đôi mắt hắn như lờ đục. Hắn muốn thanh toán. Dễ
quá mà. Nếu muốn, hai đứa sẽ bò qua bờ suối, ngậm theo dao găm. Rồi hai đứa bất
ngờ nhào ra, bịt miệng… Không. Tôi không thể chơi cái trò dã man như vậy. Tôi
muốn người thanh niên kia, ít ra, có một giờ phút vĩnh cửu. Hãy cho anh ta được
giữ gìn một tiếng hát. Tiếng hát cất lên từ chốn u minh, hoà nhập cùng núi rừng,
cùng cây cỏ, cùng gió Hạ Lào, cùng chiến tranh, cùng tuổi trẻ. Tiếng hát như
nói lên những điều câm nín từ những con tim của tuổi trẻ Việt Nam… Tiếng hát như
bạt cả gió, khiến rừng như thể im phăng phắc, lá như thể thôi lay động trên cành.
Và ít ra, tôi vẫn còn hiểu rằng, mỗi người đều có trái tim. Và trái tim thì lúc
nào cũng sống vĩnh cửu”.
*
Trong bài
viết Đêm Của Thám Kích, tác giả cho thấy cuộc sống của người lính chiến như sợi
chỉ treo mành, bên bờ tử sinh:
“Đêm còn
lại chúng tôi đã tìm một nghĩa địa làng để trú quân. Vẫn là những mả mới mả cũ.
Vẫn là những bia mộ người chết bên cạnh quan tài của những con người còn thở.
Người chết muốn yên, muốn an giấc ngàn thu, muốn tiêu diêu miền cực lạc, nhưng
vẫn không xong, vẫn bị đám thanh niên từ đâu mò đến gài mìn, chong súng quấy rầy…
Còn bọn này, vui lắm.. Chơi đùa với sinh tử. Bầu bạn với âm hồn…
Dù bộ
quần áo be bết, giày lấm bùn non chưa khô, có thằng, quần bị rách chưa vá, nhưng
mà, bọn này hiểu rõ hơn ai sức nặng của sông của núi. Núi sông đã làm rách quần
rách áo, đã làm bạc trắng xác xơ màu vải trận, đã làm cổ áo đen bẩn vì mồ hôi lẫn
đất bụi. Nỗi cực khổ này phải bỏ lên khay mà thờ mà lạy, mới phải…
Vẫn là
những chữ nghĩa từ những tay trói gà không chặt, đêm ngày nặn óc moi tim để sáng
tạo ra những bài văn, bài thơ, khẩu hiệu dính máu đỏ lòm. Nó không cho tuổi trẻ
chúng tôi được yên. Nó lôi chúng tôi ra đấu tố giữa đêm hôm khuya khoắc.
Hạ sĩ
nhất Ký bò tới nói: “Thiếu úy để tôi dẫn toán tiền thám vào làm tịt miệng bọn chuột.
Không lẽ đêm nào cũng nghe chúng chửi mình sao, ông?”. Câu nói của ông Ký như
khích tôi. Tôi trả lời: “Thì đi. Tôi cùng đi với ông” . Tôi dặn ông Tướng xem
trung đội dùm. Tôi cũng bảo Đông và Tròn ở lại. Ông Ký thì thào với tôi: Ông nhớ
theo tôi. Xem chừng những hố bom, hay những vũng nước trâu. Bọn du kích này tinh
ranh lắm. Khi nó phát loa, tức là nó đã có cảnh giới, có chốt bảo vệ nó. Ông
nghe không. Nó còn dạy đời. Nó nêu đích danh thám kích nữa. Thật vậy, tiếng loa
bây giờ chỉ đích danh đơn vị tôi mà kết tội. Bọn hung thần thám kích ác ôn… Thì
ra, đám du kích này cũng biết sợ chúng tôi. Chúng tôi lao vào trong đêm. Đứa này
theo đứa kia. Ông Ký dẫn đầu. Kế đến là tôi. Sau đó là Minh cao bồi. Và cuối cùng
là Nha. Thỉnh thoảng một trái sáng từ hướng trại binh Mỹ được bắn lên, sáng lòa
cả không gian, và chúng tôi cả 4 đứa đều nằm rạp xuống. Ông Ký như một con hổ rừng.
Chúng tôi vừa bò, vừa ngừng lại để nghe ngóng. Có một điều là địch ít có kích
như chúng tôi nên việc xâm nhập vào mật khu địch thường thường ít khi bị phát
giác. Chúng tôi cố gắng không lội nước. Tiếng lội là cả một đại nạn…
Những kinh
nghiệm giúp họ vẫn còn tồn tại qua bao nhiêu ngày tháng lửa đạn chập chùng. Càng
lúc chúng tôi càng nghe tiếng nước xoáy mạnh. Thì ra một con kênh đã chặn ngang.
Tiếng nước chảy trong đêm thanh vắng càng nghe dữ dội. Có lẽ là nước lũ từ núi
đổ xuống. Chúng tôi nằm trên bờ kinh. Không thể nào qua bên kia được. Rồi tiếng
loa lại nổi lên, nghe rõ mồn một. Lúc ấy vầng trăng đã lẫn vào mây. Chúng tôi
cùng nhau nhắm vào hướng tiếng loa và nổ súng. Tôi nghe tiếng la thất thanh ở
bên kia bờ: Bọn biệt kích xâm nhập!. Bọn biệt kích xâm nhập!. Họ làm sao biết ở
bên này, chúng tôi đang âm thầm rút lui. Như thể một trò chơi trốn bắt thời con
nít. Quả đúng như lời ông Ký nói, từ đêm ấy, tiếng loa không còn nổi lên trong
đêm nữa…”.
Bài viết
nầy đã đăng trên tạp chí Bách Khoa, điều khôi hài THT gọi danh từ riêng ông Tướng
(nhân vật trong truyện). Tác giả chia sẻ “Truyện ngắn của tôi trên Bách Khoa,
khi viết về một buổi chiều phục kích tại một bìa làng, tôi có cho nhân vật ông
Tướng – người trung đội phó gốc Nùng (tên thật là Lương Văn Tướng) vào trong truyện.
Chẳng hạn “này ông Tướng, hôm nay tổ nào trực”. Tôi viết chữ Tướng với T hoa. Vậy
mà ngài sát thủ lại kết tội tôi chơi xỏ một ông tướng nào dó, bôi tất cả những
chữ Tướng trong bài văn!…
Kể ra
như thế để các bạn hiểu về kiến thức trình độ của các ngài cán bộ thông tin Bộ
Cắt Đục (dân sự) cũng như về nỗi khó khăn của người lính viết văn chúng tôi. Chúng
tôi đã chiến đấu thật sự để bảo vệ họ được ung dung ở Sài Gòn. Và họ nhân danh
sự dốt nát, để chém đâm những đứa con tinh thần của chúng tôi hết chỗ nói”!
*
Trong bài
Mắt Đêm cho thấy lòng nhân đạo của người lính VNCH trong cơn lửa đạn:
“Khi tổ
tiền sát viên chạy đến gần chiếc cầu gỗ, ẩn dưới bờ mương, tôi bắt đầu cho tổ của
trung sĩ Y Bok tiếp tục tiến chiếm gò mả để yểm trợ cho tổ đi sau. Bên kia chiếc
cầu gỗ, xóm nhà xác xơ. Vài ngôi nhà ngói bị đổ nát, còn lại những đống gạch vụn,
dưới ánh nắng chói chang. Đại Bàng ra lệnh trong máy C.25, hãy dặn các
con anh coi chừng, có mãng cầu nhiều lắm đó.. Tôi ngoắc tay, ra hiệu người
trung đội phó, làm một thủ lệnh sẵn sàng qua cầu. Đằng sau, trung đội 1 cũng bắt
đầu tiến lên trên đám ruộng phía trái. Một chiếc L.19 đang bay đảo vòng trong bầu
trời xanh lơ. Một trái khói trắng bốc lên cách gần tôi một trăm thước. Đó là quả
đạn hiệu chỉnh của pháo binh. Tiếp đến là những quả dạn nổ long trời. Bụi cát bốc
lên mù mịt. Đó là những quả đạn bắn hiệu quả.
Tôi áp
người vào bờ mương, nghe thân thể rung động. Toán lính nằm dọc theo bờ, súng chĩa
về ngôi làng. Tôi bặm môi, ra hiệu thằng mang máy đến gần, và báo cáo: Phú Sơn,
đây Phú Sơn ba nghe không trả lời. Tôi báo cáo cho anh trình lại thẩm quyền,
các con tôi sắp vượt qua cầu. Trình Đại Bàng cho yểm trở. Nghe rõ trả lời. Bàn
tay buông lỏng. Tiếng rè rè từ ống liên hợp cất lên: Tôi nghe năm trên năm. Bây
giờ những quả đạn pháo binh nổ dồn dập. Những cột khói đen cuồn cuộn, quyện với
hơi nóng rát mặt tỏa lên. Tôi được Đại Bàng bảo hãy chờ. Cho pháo binh cầy nát
mục tiêu đã. Rồi mình qua. Tôi đáp, nghe năm trên măng, rồi nằm ngửa, súng đặt
trên đùi. Tay lấy chiếc khăn, chiếc khăn màu lam mà Quỳnh đã gởi cho tôi trong
lần chia ly cuối cùng, đẫm nước mắt, lau vội mặt kính nhem nhuốc nước bùn, tôi
nghe nỗi kích thích lạ kỳ, tràn ngập trong từng tế bào, trong huyết quản. Thân
thể bị lay động dưới sức nổ của đạn trái phá. Tôi xoay người lại, đặt đầu ống
liên hợp vào tai lắng nghe những mẩu âm thoại dồn dập trong máy. Nắng đã bắt đầu
lên, và cánh đồng trải dài nhảy múa trước mắt.
Bây giờ,
Đại Bàng ra lệnh: Hãy qua cầu. Đứa con 2, yểm trở cho anh. Tôi đứng, hét: Tổ tiền
sát viên, qua ngôi làng, chiếm ngôi nhà trước mặt.. Tiến. Hạ sĩ I Ký cầm cây
M.16, qua cầu, chạy như bay đến sau đống gạch vụn. Những người lính còn lại tiếp
tục chạy qua cầu, yên ổn. Tôi thở dài nhẹ nhõm. Tôi không ngờ tình hình lại yên
ổn như thế. Khi nãy, trung đội tôi còn ở trong ngôi vườn cách ngôi làng một cánh
đồng đất bùn, chúng tôi đã phải nổ súng dữ dội khi thấy những người bà ba đen
chạy vụt qua. Binh I Mễ hét lên: Bọn nó chạy đó, thiếu úy. Tiếp sau, những tràng
nổ liên thanh chát chúa vang lên, kèm với những quả đạn M.79. Tôi hét lên: Ai
cho lệnh bọn mày bắn, hả? Tiếng Đại Bàng từ trong ống liên hợp ra lệnh thôi bắn,
thôi bắn. Tôi bực dọc đá một thằng lính ngồi bên cạnh, say sưa nhả đạn. Ai cho
mày bắn, hả? Mày lỡ bắn vào dân thì sao? Nó phân trần, bực dọc: Em thấy bọn
nó mặc bà ba đen, chạy vụt qua mà. Tôi hét: Ai cho mày bắn? Đại Bàng la tùm
lum, mày vác tai mà nghe! Binh Nay nói: Ở đây là V.C. hết. Thiếu úy không thấy
ca-nông nhả, sao. Tôi không trả lời, rảo về phía tổ trung sĩ Y Đao, bố trí phía
trái. Những nhánh hoa giấy đỏ thắm bò qua những sườn nhà trơ nóc, lung lay trong
gió. Bầu trời thật xanh. Tôi ngồi xuống, và cảm thấy ngứa ở các ngón chân. Các
ngón chân cọ quậy trong đôi tất ướt nước bùn. Tôi nghĩ đến câu nói của binh
Nay. Có lý, có lý…
Đằng sau
nhà, có tiếng hét của người lính: Lên không. Đầu hàng đi. Tao ném lựu đạn xuống
bây giờ. Tôi đứng dậy, tiến về tiếng hét. Thằng Trung cầm trái M.26, sắp bỏ vào
miệng rút chốt.. Tôi gọi giựt: Khoan đã. Muốn chết hả? Trung nói: Thiếu úy, em
nghe tiếng động trong hầm, bọn nó núp trong hầm, thiếu úy. Tôi nạt: Mày tưởng bắt
bọn nó dễ dàng như vậy sao? Trung cầm trái lựu đạn, phân bua: Thì ở đây là bọn
nó rồi còn gì. Tôi nói: Lỡ dưới hầm toàn dân không thì sao? Tôi chỉ tay vào
trái lựu đạn cay, sao mày không dùng thứ này? Ai dạy mày, hả.
Tôi nằm
trên miệng hầm, sát tai vào lớp đất. Có tiếng rục rịch khe khẽ. Tôi bảo Trung
và cả tổ nằm chĩa súng xung quanh miệng. Tôi hét. Đồng bào ở dưới thì lên, bọn
tôi tới giải phóng đồng bào. Đồng bào không lên, chết chịu. Tôi đếm từ một đến
mười…
Tôi đếm
một, hai, ba, bốn, năm. Đồng bào lên không. Trái lựu đạn cay của Trung được đưa
ra, và miệng nó sắp rút chốt, thì người đàn bà hiện lên trong khoảng tranh mờ tối
của cửa hầm. Mụ ta có bầu, trạc độ 39, 40 tuổi. Mụ vừa trồi đầu lên vừa chắp
tay lạy: Lạy các ông, chúng con vô tội. Binh Hai hét: Còn bao nhiêu người ở dưới
đó? Mụ rên rỉ: Dạ còn chừng bảy, tám người. Gia đình con cả. Tiếp đến một lũ
người trồi đầu lên. Đi đầu là hai ông già, mấy người đàn bà, một đứa con gái còn
nhỏ và mấy đứa con nít. Họ mang theo những chiếc va-li thiếc, những thúng đồ hoặc
những túi vải bố. Tôi bảo lính dồn đám người về một góc.
Nắng chói
lòa trên nền nhà đổ vụn và những mảnh chai phản chiếu một màu nhức nhối. Tôi cảm
thấy khó chịu, khi những giọt mồ hôi bắt đầu ri rỉ xuống cổ. Mụ đàn bà cứ réo:
Lạy các ông, các ông tha con. Binh nhất Hai lên đạn rắc rắc. Mụ nói các quan ơi
tôi vô tội. Binh Hai vội đá cái va-li thiếc bay đi một khoảng và nói: Sao mụ có
bầu. Chồng mụ ở đâu rồi. Mụ đàn bà vội nói: Chồng tôi, ảnh làm lính Quân Cụ ở
Qui Nhơn. Tôi cười. Bao giờ cũng vậy, mỗi lần hành quân qua mỗi ngôi làng mất
an ninh, chỉ thấy đàn bà, trẻ con và ông già bà lão. Đàn bà phần nhiều có chửa.
Và một điều lạ, hỏi chồng bà ở đâu, chúng tôi chỉ nghe ảnh đi lính Quân-Cụ,
Quân-Nhu, hay nằm bệnh viện. Lần này mụ đàn bà cũng nói như vậy. Tôi bảo lính lấy
dao găm cạy va-li thiếc, lục soát. Nắp va li được mở tung. Có một bộ ka-ki
vàng. Binh Hai hét: Chồng mụ đi lính Quân Cụ hay đi giải phóng. Nói mau. Hắn sắp
bạt tai, thì tôi vội ngăn lại. Tôi không thể chịu nổi những gương mặt thảm thê,
những đôi mắt ngơ ngác sợ sệt đó. Mụ đàn bà nhìn tôi van lơn. Hai ông già tiếp
tục nhìn ra cánh đồng chói nắng.
Những người
khác nhìn xuống đất. Tôi quay mặt lại. Binh Hai vẫn tiếp tục điều tra, dọa dẫm.
Nắng đã làm nhức mắt. Tôi muốn nhắm mắt lại, ngủ một giấc, một giấc thôi. Mẹ
tôi ở đó, những đêm ôm chặt tôi trốn dưới gầm giường. Đạn réo ngoài sân, ngoài
ngõ, ngoài hiên. Đạn réo trên đầu, trên mùng, Mẹ tôi ở đó, trên sân nắng, hai
tay để lên đầu, khóc lóc nhìn bọn lính Tây tra hỏi. Vẫn những giọt nước mắt, vẫn
những tiếng khóc lóc, như một âm vang từ xa xôi vọng lại, từ một quê hương, một
xóm làng đìu hiu. Tôi chống hai tay vào đầu gối, mệt nhọc đứng dậy.
Tôi nói:
Thôi, để yên đó. Mùi thối từ ngôi nhà gạch bên cạnh bốc lên, đến buồn nôn. Có lẽ
là một xác sinh vật nào đó. Những quả cà-nông vẫn tiếp tục dội về, như một
cung đàn buồn thảm. Chiếc L.19 vẫn rà rà trên đầu. Tôi đi về phía nhà
sau. Toán lính đang lục soát trong nhà bếp…
Đến bốn
giờ chiều, chúng tôi được lệnh mang số dân cư ngụ tại đây về vùng có an ninh.
Trung đội tôi bọc chót. Tôi phải khổ tâm mới bảo họ lên đường. Những thúng gạo,
nồi niêu, những bát chén, kèm theo những tiếng khóc nức nở. Tôi nghĩ đến một
quê hương đã mất. Tôi phải bảo tính thúc từng người. Hình như không có người nào
muốn đi. Cuối cùng đoàn người lục tục lên đường. Viên cố vấn Mỹ đi theo đại đội,
đếm từng đầu người, rồi ghi trên sổ tay. Đồng ruộng trải dài, thỉnh thoảng vài
hố bom cày, loang loáng nước. Đoàn người chậm chạp đi qua những con ruộng đất
bùn…
Cuối cùng,
đoàn người được đưa về làng ven lộ yên ổn. Có ba, bốn người ở lại. Tôi khổ sở
nhìn đám người chậm chạp, cử động trong màu sắc nhá nhem. Đại-bàng bảo nhiệm vụ
của mình đến đây đã hết. Sơn-tây cho mấy đứa con sẵn sàng ra lộ, chờ lên con cua.
Tôi đứng trên thềm một ngôi nhà gạch, nói lớn: Bây giờ đồng bào có thể yên tâm ở
lại. Đây là vùng an ninh, có lính quận bảo vệ. Đồng bào được tự quyền đi lại. Đồng
bào có thể về thành phố. Chúng tôi cám ơn đồng bào…
Toán lính
trở về dưới ánh trăng mập mờ. tiếng côn trùng vọng về âm u.. Những khóm tre xõa
tóc như những bóng ma quái. Tôi cảm thấy lạnh. Trong máy C.25, các đứa con của
trung đội 2, báo cáo bắt được một người đàn ông vừa trốn từ chân núi trở về và
sắp sửa bắn một người đàn bà, trong đêm lại mò lên núi. Các đứa con báo cáo vị
trí đã bị tiết lộ, bây giờ di chuyển toán lính về một địa điểm khác. Tôi lặng mình
trong âm thanh quen thuộc từ ống liên hợp. Tiếng gọi và trả lời của người lính
mang máy tiếp tục trồi lên, khe khẽ. Vô sự, các đứa con tôi đang zulu, đừng nổ
súng ẩu, nghe bồ…
Dưới ánh
trăng, khóm lá loang loáng những giọt sương đêm. Tôi nằm trên poncho. Người lính
giúp việc mở bi-đông rượu, nói: Thiếu úy, uống một tí cho ấm. Tôi nói ừ đưa tao
uống một tí. Sao mày lại kỳ vậy. Mỗi lần hành quân, lại mang cả bi-đông rượu theo.
Uống say làm sao gác được. Hắn cười uống để đánh giặc cho hăng, thiếu úy…
Sáng hôm
sau, tôi dắt trung đội đi lục soát khu vực toán kích nổ súng hồi đêm. Hy vọng sẽ
tìm thêm một kẻ bị thương nằm lại đâu đó. Thằng Ngọc dắt tôi đến chỗ người bị bắn
hồi đêm…
Một tháng
sau, tôi cùng một thằng bạn lái xe jeep trở về thành phố. Chúng tôi ngồi trước
hàng hiên của một tiệm giải khát. Tôi bỗng thấy đứa con gái nhỏ đứng trên lan
can của một nhà tắm hơi. Tôi nhớ mang máng con bé bị tát tai trong chuyến hành
quân trước. Con bé có mái tóc dài, dáng gầy, và đôi mắt ngơ ngắc. Con bé gánh
đôi thúng gạo nặng, hai chân lún sâu dưới bùn, lảo đảo bước đi. Con bé đứng dưới
gốc đa. Bây giờ con bé đang đứng trên lan can một tiệm Tắm Hơi. Tôi đứng dậy,
đá cái lon sữa, đá một cái thật mạnh”.
*
Bài viết
về Ban Mê Thuột Ngày Đầu Ngày Cuối, Diều Hâu Bỏ Núi và Về Một Đại Đội Cũ vào thời
đểm THT ở Quân Đoàn IV tháng Ba năm 1975 những sự kiện xảy ra gợi cho tác giả
liên tưởng lại hình ảnh trong quá khứ để kết nối với hiện tại. Và với lối viết
linh động như bản thân mình là người trong cuộc. Theo lời tác giả về Ban Mê Thuột…
“Đây là một câu truyện được xây dựng từ những dữ kiện có thật theo lời kể của cựu
thiếu úy trinh sát trung đoàn 45/SĐ23B và cũng là người bạn cùng một sư đoàn,
Nguyễn Lương Sơn. Tác giả mong được nói lên phần nào về một biến cố lịch sử mà
những người lính vô danh VNCH đã là những chứng nhân, và hơn nữa đã tham dự thật
sự vào, bằng máu, nước mắt, kiêu hãnh và tủi nhục trong những ngày oan nghiệt
nhất của lịch sử đất nước từ ngày đầu tiên 10/3 đến ngày cuối cùng 17/3/75 tại
Ban Mê Thuột.
Bài viết
Về Một Đại Đội Cũ, tác giả ghi “Kính dâng hương hồn anh Hồ Văn Hòa” đã một thời
sát cánh bên nhau.
“Đêm nay,
quê người, và hơn 30 năm xa cách cho hai cánh diều hâu bỏ đàn bỏ tổ. Những giọt
lệ bỗng nhiên lại thêm một lần chảy lạnh cả tâm hồn. Người sống nhớ về người đã
chết. Người may mắn nhớ về người không may mắn. Nguồn cội từ một mái nhà được
phanh ra, để cùng nhau tự hào và cũng để cùng nhau mà khóc thầm. Những con người,
không bao giờ nhìn lên, mà chỉ nhìn xuống, cam phận - THT”
“Từ 405,
anh Hòa đã mang chiếc khăn quàng cổ màu đen về 35 BĐQ. Từ 405, tôi cũng đã mang
9 tác phẩm văn học đến cùng độc giả. Con số quá đủ cho một tấm lòng đối với bạn
bè đồng đội của mình. Tôi hẹn với lòng, sau Mặc Niệm Chiến tranh là bỏ viết. Tôi
đã gởi gấm những gì mà tôi cần gởi gấm. Nhưng bây giờ, tôi lại ngồi trước máy.
Những lời của anh Hòa chẳng khác cơn bão xoáy lốc vào tâm não. Một đằng, tôi cảm
thấy mình thật hãnh diện, bởi vì tôi đã có mặt tại một đơn vị đã từng tạo nên một
thành tích kỷ lục có một không hai trong QLVNCH…
Phải. Không
tự kiêu sao được khi đám lính khăn choàng đen huy hiệu Diều Hâu vồ mồi đã làm địch
Bình Định kinh hồn bạt vía. Chúng tôi đã áp dụng tối đa chiến thuật dạ kích.
Anh bạn, tôi xin nhắc lại, nếu địch là ma, thì ta cũng là ma, tại sao mấy ngài
chỉ huy cao cấp chỉ biết cái chiến thuật nhà giàu, ngày đánh, đêm về phố nhảy đầm
hay ngủ với vợ. Tại sao các ngài không thành lập những đội quân chuyên đánh
đêm, hay đổi lại chiến thuật đánh ngày sang đánh đêm. Địch lợi dụng bóng tối tại
sao ta lại không lợi dụng bóng tối để đột kích mật khu, phá nát hậu cần, gây cảm
giác lo âu kinh sợ cho đối phương, bắt đối phương lúc nào cũng hoang mang giao
động? Tại sao cứ chơi trò đóng đồn phòng thủ, chờ chuông báo tử.
Chuông báo
tử. Những hồi chuông đã kéo hối hả khắp cả miền Nam, và bóng u minh đã òa chụp
xuống từng người, từng thân phận. Không phải vì ta hèn. Chưa có một đội quân
nào trên thế giới này, thua trận, nhưng lại tự hào cùng hàng ngũ, cùng màu cờ sắc
áo như quân đội miền Nam này. Không phải một ngày, một tháng, mà cả đời. Chỉ có
những kẻ trong cuộc mới hiểu và thấm thía được nỗi tự hào. Và đó là lý do cắt
nghĩa tại sao tôi lại phải viết hoài, viết không mệt về màu áo cũ của mình.
Viết về
một đơn vị, để mà tự hào, nhưng riêng tôi lúc này còn để hối hận.. Bởi vì, ngòi
viết của tôi chưa bao giờ có một nhân vật như Y Brep trên trang giấy. Và tôi
cũng chưa bao giờ mời ông Tướng giải phóng, trung đội phó của tôi một cốc rượu,
một lon bia. Ông ta anh hùng như thế, dẫn toán vào mật khu, hù lính Bắc quân,
thế mà mỗi ngày vẫn chào tay tôi, trình diện tôi, giúp đỡ tôi, nâng bước chân
tôi lên trên những bãi chiến trường sôi bỏng. Thế mà tôi không có cả một lời.
Và dù có viết, thì đám kiểm duyệt ở Sài Gòn lại bôi đen chữ Tướng viện dẫn tôi
chơi xỏ một ông tướng nào đó. Vâng, tôi đã vô tình quên họ, những người lính của
trung đội tôi như Y Đao, Nay Lat, Y Suk, như Nha, Vọng, Tròn, Hường, Nai, Lợi,
Ký, Mễ, Ưng Luông. Tôi chỉ bận tâm đến bản thân tôi. Tôi chỉ tìm mọi cơ hội để
được thăng quan tiến chức, hay để được thoát khỏi địa ngục trong lúc họ vẫn tiếp
tục cùng chiếc poncho, hay lon cơm gạo sấy, coi đơn vị là mái nhà vĩnh viễn của
mình mà không một lời ta thán”.
*
Diều Hâu
Bỏ Núi bi phẫn, uất hận như hàng trăm ngàn chiến sĩ nơi sa trường đã liều mình
dấn thân trong lửa đạn để bảo vệ quê hương nhưng thời điểm cuối cùng đành ngậm
ngùi tan hàng!
“Suốt cả
tuần, trận đánh vẫn chưa ngã ngũ. Hết đơn vị này tiếp đến đơn vị khác bị khựng
lại khi tìm cách tiến qua mặc dù trước đó bom pháo dọn đường đã trút xuống như
mưa thác. Những hang đá chằng chịt và kiên cố ở sườn đồi, nhìn xuống con lộ dẫn
vào sâu trong rừng đã khiến những cơn mưa bom, và đạn pháo binh phải chịu
thua. Và đơn vị đã phải quay lui. Cuối cùng cấp trên điều động đơn vị chúng tôi
đến mặt trận. Họ đã hiểu chiến thuật trận địa chiến phải bó tay trước những tên
địch ngoan cố, xâm mình. Không dễ gì phải tấn công một cao điểm khi phải bò lên
giữa một triền núi trống trải trước những họng súng đại liên đã chực sẵn. Và chỉ
còn cách là dùng chiến thuật dạ kích. Chỉ có cách đó mới may ra làm câm họng những
ổ súng tàn bạo.
Người lính
bây giờ là người lính cảm tử. Trước hết hắn phải cố làm sao để nhận rõ nơi trú ẩn
của địch, phải gắng định hướng chổ đặt khẩu súng nặng bằng cách nghe tràng nổ
cũng như nhìn tia đạn lửa đến từ đâu, sau đó dùng máy hồng ngoại tuyến, tìm mọi
cách bò đến, lao vào, quăng lựu đạn tiêu diệt…
Đêm nay
chúng tôi lại thêm một lần nữa, mặc đồ đen, ngậm dao găm, bọc đầy lựu đạn loại
lân tinh. Tổ trưởng còn mang theo ống nhắm hồng ngoại tuyến. Giờ G là 3
giờ sáng. Theo kinh nghiệm chiến trường, khoảng thời gian này là khoảng lý tưởng
nhất cho cuộc làm ăn đêm. Bởi lẽ bất cứ thằng lính nào cũng đã thấm mệt hay
cũng đang mơ màng giấc ngủ. Và mật lệnh cho chúng tôi là hỏi Thần điểu đáp Kình
Ngư.
Dĩ nhiên
tôi để trung sĩ Thành làm tổ trưởng tiền sát gồm hạ sĩ Nga, hạ sĩ Y Mông và hạ
sĩ Phát. Hắn gan lỳ và dữ tợn. Càng nguy hiểm chừng nào, hắn lại càng say mê,
phấn khích chừng nấy.
Tôi xiết
chặt tay hắn, và hắn cũng xiết chặt tay tôi như chuyền cho nhau sức mạnh. Hắn
thầm thì, giọng ngạt mùi rượu đế: Có gì thì nhờ ông thầy giúp đỡ con vợ tôi. Tôi
cảm động đến rưng nước mắt. Tôi biết phải an ủi làm sao để hắn cảm thấy tự tin
hơn. Mục tiêu không phải dễ gì thanh toán khi kẻ địch có lợi điểm hơn chúng tôi,
và nhất là họ đang cố sức bảo vệ cây súng nặng. Tôi nói nhỏ: Đừng nói bậy không
nên…
Tôi dẫn
một tiểu đội bò lên hướng trái, và trung sĩ nhất Tông, trung đội phó, lãnh một
tiểu đội bò lên hướng phải. Chúng tôi không gặp trở ngại nào khi bò qua bãi đất
trống trước khi lên đồi. Chúng tôi phải dồn cục nhau. Hạ sĩ nhất Bảy bò đầu. Tôi
bò theo hắn, vừa bò vừa quan sát bằng ống nhắm hồng ngoại tuyến. Trên lưng áo mỗi
đứa có dấu hiệu lân tinh rất nhỏ để chúng tôi có thể dễ dàng nhận ra nhau. Qua
máy nhắm, tôi có thể nhìn thấy mấy bóng đen của toán tiền sát đang lom khom vừa
bò vừa chạy.
Bỗng nhiên,
một tiếng nổ long trời lở đất nổi dậy, và sau đó là những tràng đạn tiểu liên,
đại liên cắt xé màn đêm. Rõ ràng địch đã phát hiện chúng tôi. Tuy nhiên họ dường
như không thể biết chúng tôi ở đâu. Chỉ có kẻ lợi là chúng tôi. Bởi vì chúng
tôi có thể biết hang đá nào địch đang trú ẩn. Chúng tôi chỉ việc bò đến và quăng
lựu đạn xuống hang đá.
Địch không
mạnh như chúng tôi tưởng. Chúng tôi đã dễ dàng làm câm ổ súng nặng ngay đêm hôm
ấy. Để đổi lại, trung đội phải chịu thiệt trung sĩ Thành, người hạ sĩ quan gan
dạ nhất của đại đội. May mắn, hắn vẫn không chết, dù cả người hắn bị banh tơi tả
do từ những trái lựu đạn mà địch đã gài trên lối dẫn đến hang đá. Hắn đã dọn đường
cho những người lính cảm tử khác tiến lên để tiêu diệt ổ súng…
Giữa lúc
ấy tín hiệu bay đến… Tin cho biết Sài Gòn đã ra lệnh bỏ cao nguyên!
Cả hàng
quân đứng im phăng phắc. Những võng mô Nó đến sau khi chúng tôi được tin Mặt Trời
sẽ bay đến thị sát chiến trường và gắn huy chương. Cái lệnh được ban từ một
trung tâm hành quân nào đó ở rất xa, nghẹn ngào và hối hả xen giữa muôn ngàn âm
thanh đàm thoại hổn loạn trong máy khuếch đại, đầy tiếng chửi thề, những lời phẫn
uất, những câu hỏi mà không có câu trả lời, những tuyệt mất hết màu sinh khí.
Những chiếc mũ rừng chụp lên những đầu tóc rối bù. Những chiếc quần trận mà bụi
và đất đã lấy đi hết cả màu xanh, rách toạc lộ cả vãi quần lót… Trời đã trở chiều.
Nắng còn sót lại làm thắm vàng cả cánh rừng bên cạnh. Ông nói kể từ giờ phút
này anh em có quyền ra đi. Trước khi chia tay, xin anh em hãy cùng tôi đứng nghiêm
một phút mặc niệm cho những người bạn của chúng ta đã bỏ mình. Rồi ông hô nghiêm,
buồn bã. Chúng tôi cùng cúi đầu. Có những giọt nước mắt lăn trên má khô cằn,
hóp sâu, bơ phờ của người lính già. Có những giọt lệ vẫn còn long lanh trên tròng
con ngươi thất thần, đục lờ vì những đêm ngày căng thẳng trong lòng hỏa ngục.
Có giọt lệ chưa kịp lăn, lại thêm những giọt lệ khác trào ra. Có thằng lính trẻ
khóc tức tưởi khiến người lính già phải la lên: Mày làm như con nít lên ba. Làm
sao tao gả con gái tao cho mày được”.
Chưa bao
giờ chúng tôi cảm thấy buồn đến độ tê tái, héo úa cả ruột gan như lúc này. Súng
vẫn nổ. Tiếng pháo vẫn vang dội ì ầm từ xa… Những cuộn khói vẫn còn bốc lên trên
căn cứ. Những người bị thương vẫn rên rĩ. Mắt ai quay lại nhìn về hướng xa, mờ
lệ. Lần đầu tiên tôi mới hiểu thế nào là nỗi mất mát. Chắc là không bao giờ tôi
được cơ hội trở lại thành phố ấy nữa. Chắc là không bao giờ tôi còn trở về để
ngồi trong quán cà phê có cô nàng đôi mắt rờn rợn liêu trai nữa. Mất rồi. Sự thật
đến độ thật kỳ cục...
Bây giờ,
thầy trò thi nhau mà chạy. Tướng cũng cuốn cờ, mà quân cũng cuốn vó. Lúc này là
lúc tôi muốn bỏ tất cả. Tôi đã không còn đủ sức để gánh thêm cái trách nhiệm
này nữa. Tội này ai gây nên. Lịch sử này ai gánh chịu. Những người lính của
tôi, họ ít học, người gốc nông dân, người gốc Thượng, gốc Nùng, người bị bắt đi
quân dịch, họ đâu có tội gì để gánh cái khối đá tảng của lịch sử. Những người có
trách nhiệm bây giờ ở đâu, sao máy thì bặt tăm không một lời thăm hỏi. Hay họ đã
chạy trốn rồi.
Sau đó
chúng tôi vất súng cởi bỏ bộ đồng phục và mạnh ai nấy tan hàng. Riêng tôi thì không
biết đi đâu nữa. Mặt trời cũng sắp lặn”.
*
Đọc những
bài viết của Trần Hoài Thư về thân phận của người lính chiến mới cảm nhận những
dòng thơ của anh. Trong thời chinh chiến trong thơ và văn của THT trước thực trạng
bi thương trong cơn binh lửa.
Thi phẩm
Ô Cửa (tuyển thơ toàn tập) dày 382 trang gồm 245 bài thơ liệt kê trong 8 trang
Mục Lục. Thư Ấn Quán 2004. Trong phần Lời Mở tác giả cho biết “Tuyển tập nầy gồm
những bài thơ trong Thơ THT (xb 1996), Qua Sông Mùa Mận Chín, Tháng Bảy Hành
Quân Xa, Ngày Vàng, Người Lính… Có một số bài được chỉnh lại, khác với nguyên
tác”. (Sau tuyển tập nầy có ấn hành hai thi phẩm Xa Xứ năm 2010, Vịn Vào Lục
Bát năm 2017 có thêm những bài thơ thời lính trận).
Bài thơ
Ô Cửa (trang 14 & 15) được chọn làm tựa đề cho tuyển tập thơ. Từ bài đầu tiên
Đêm Vượt Sông đến bài cuối cùng Kết, tác giả không sắp xếp sáng tác theo thứ tự
thời gian.
Với chân
dung về một người lính trong Trần Hoài Thư từ lúc ra đơn vị tác chiến đến lúc
buông súng. Thân phận người trai trong thời chiến qua bài thơ Thế Hệ Chiến
Tranh:
“Thế hệ
chúng tôi mang đầy vết sẹo
Vết sẹo
ngoài thân và vết sẹo trong hồn
Không phạm
tội mà ra tòa chung thẩm
Treo án
tử hình ở tuổi thanh xuân
Thế hệ
chúng tôi loài ngựa thồ bị xích
Hai mắt
buồn che bởi tấm da trâu
Quá khứ
tương lai, tháng ngày mất tích
Đàn ngựa
rũ bờm không biết về đâu
… Thế hệ
chúng tôi già như quả đất
Râu tóc
mỗi ngày mọc những hoang mang…”
Cuộc sống
của người lính tác chiến quá cơ cực, bóng tử thần rình rập nên:
“Chúng tôi
sống, ngày là đêm, bóng tối
Trong hấm
sâu, dưới địa đạo u minh
Hơi hụt
hẫng, theo từng cơn địa chấn
Tai ù ù
như bật vỡ âm thanh”
(Bóng Tối).
Quân Đoàn
II có hai Sư Đoàn, SĐ 23 đảm trách các tỉnh phía Nam và SĐ 22 đảm trách các tỉnh
phía Bắc. Nơi nầy có nhiều địa danh xảy ra chiến trận:
“Trung đội
những thằng trai tứ chiếng
Những thằng
bỏ lại tuổi thanh xuân
Diều Hâu
bôi mặt hù ma quỉ
Thuở đất
trời bày đặt nhiễu nhương…
… Trung
đội ta những thằng giữ đất
Từ Qui
Nhơn, Phù Cát, Phù Ly
Ra Tam
Quan qua vùng An Lão
Từ Kỳ
Sơn, Phước Lý, An Khê”
(Trung Đội)
Từ một
nhà giáo ốm yếu, cận thị, làm lính chiến vẫn bạt mạng, sống bất cần, vì vậy khi
Nhảy Trực Thăng ở Phước Lý:
“Thì ta
ra trận, ta ra trận
Trăm lần
thì cũng chuyện rong chơi
Vẫn chuyến
bốc quân vào buổi sớm
Vẫn chuyến
trở về không buồn vui”
Hết nơi
nầy đến nơi khác từ núi rừng đến sình lầy như Đêm Đột Kích Ở Nho Lâm:
“Đồng nước
mênh mông, quân ngoi ngóp
Đêm đặc
lòng như thuỷ mộ quan
Òa lên
trái sáng run hơi thở
Nghiến chặt
hàm răng về Nho Lâm
Ai dẫn
đường đi sao khựng lại
Trời đen
không thấy một vì sao
Bốn bề
thăm thẳm lau cùng sậy
Những rặng
tre mờ in bóng cao”
Người lính
Thám Kích luôn luôn ứng trực, không có giờ giấc, đôi khi hành quân cả tháng, vừa
về đơn vị lại lên đường Trước Giờ Tiếp Viện:
“Nửa đêm
kẻng giục, quân ra trận
Kinh động
cả lòng đêm tối bưng
Nhận lấy
ba ngày cơm gạo sấy
Không buồn
chỉ một chút bâng khuâng
Đời ta
là con số không vô tận
May trên
đầu còn chiếc mũ rừng
Mũ nhẹ
nên coi đời cũng nhẹ
Chiến tranh.
Thì cũng tựa phù vân”.
Hình ảnh
sống thực của người lính Thám Kích nay đây, mai đó mới phác họa được thảm cảnh:
“Diều Hâu
đã về như một lũ âm binh
Kẻ trước
kẻ sau lao vào địa ngục
Đêm không
thấy đường giữ dây khỏi lạc
Chúng tôi
băng đồng nước ngập
Giải cứu
quê em”
(Đêm Tiếp
Cứu Chợ Huyện)
Sống sót
lúc hành quân, được trở về hậu cứ như Đàn Ngựa Về Thành:
“Khi trở
lại ngồi trong lòng quán tối
Thuốc vàng
tay và vầng trán đăm chiêu
Thế hệ
chúng tôi những đứa đôi mươi
Hồn đã
mọc những nụ buồn rất sớm
Khi trở
lại, dựa lưng vào vách quán
Để giọt
buồn pha đậm tuổi suy tư
Chiếc mũ
rừng che nửa mặt âm u…”
Cũng như
những bài trong văn xuôi, thế hệ của anh sinh nhầm trong cuộc chiến nên phải cam
chịu đao binh, bất hạnh… thay vì nguyền rủa nhưng vẫn tự hào:
“Tôi đứng
giữa những nỗi buồn lịch sử
Lẫn tự
hào của tuổi trẻ hôm qua”.
Với ngọn
đồi mà người lính Thám Kích đã bao lần hành quân rồi trong lần trở lại với Đồi
Xưa:
“Tôi qua
đồi xám mây mờ núi
Thương về
đâu một lũ sáo rừng
Hôm qua
đồi ngập hàng trăm xác
Đạn pháo
đào sâu bãi chiến trường
…
Có ai
dưới lớp mồ hoang dã
Nằm xuôi
chân mắt mở trợn trừng
Chiều nay
sao mọc về phương Bắc
Sao ruột
lòng vắt đỏ phương Nam
Cỏ tranh
lớp lớp che đường dốc
Phòng tuyến
buồn hiu nhuốm nắng chiều
Trận đánh
cũng đi vào quên lãng
Sao còn
rờn rợn những hồn xiêu”
Chiến tranh
thật tàn khốc, trên đồi dưới sông đều là mồ chôn xác người. Những nơi người
lính trận nhập cuộc đều là chứng nhân cho những nấm mồ.
Những địa
danh trong vùng trách nhiệm đó, ngoại các địa danh có tên trên bản đồ, và một
nơi nguy hiểm, gọi là Eo Chết:
“Địch cho
Trung Đội qua eo chết
Hai bên
sườn đại liên đan nhau
…
Một hai
ba… Lộn. Nằm co quắp
Còn lại
vẫn ào lên ào lên
Đừng bò!
Đừng bò!
Trung đội
phó hét cuồng điên
Cỏ tranh
bắt mồi cháy mạnh
Gió tạt
khói mù
Bốn bề
khói rợp
Khói cay
cay cặp mắt nổ tròng
Khắp bốn
bề gào thét xung phong
…
Cao điểm
chiếm rồi
Vui mừng
quá độ
Mà sao
người lính Truyền Tin rơi lệ
Báo cáo
trong tiếng mất tiếng còn
Về những
thằng bị kiến cắn * ngủ yên”
(* Bị
kiến cắn: Tử trận)
Địa danh
Kỳ Sơn có nhiều nơi ở miền Bắc, và hình như chỉ ngọn đồi Bình Đinh mang tên nầy,
cũng là nơi xảy ra hoạt động đơn vị của đối phương (Nông Trường 3 Sao Vàng) nên
luôn luôn xảy ra nhiều cuộc đụng trận với nhau.
“Kỳ Sơn
đồi trọc chim không đậu
Đại đội
đi, một nửa không về
Lớp lớp
người nhào lên, ngã gục
Đạn sủi
bờ sủi đá, u mê
Kỳ Sơn
cao độ hai trăm thước
Đêm hoảng
kinh, đỏ huyết vầng trăng
Những xác
hôm qua, vàng rám mỡ
Những anh
hùng, ngụy tặc, nằm chung
Kỳ Sơn
ơi, Kỳ Sơn Kỳ Sơn
Người chưa
về tóc mẹ bạc như sương
Ngày sau
ai nhớ cho dòng lệ
Kỳ Sơn
ơi, Kỳ Sơn Kỳ Sơn…”
Đọc bài
thơ Kỳ Sơn nầy nhớ bài Trường Sa Hành của Tô Thùy Yên:
“Trường
Sa! Trường Sa! Đảo chuếnh choáng!
Thăm thẳm
sầu vây trắng bốn bề.
Lính thú
mươi người lạ sóng nước,
Đêm nằm
còn tưởng đảo trôi đi…”.
Bài thơ
Đêm Phục Kích Ở Luật Chánh cho thấy sự đối mặt với địch quân:
“Ráng thức,
mắt ơi đừng nhắm nhé
Nơi nào
cũng vậy, cũng hồn ma
Nơi nào
cũng vậy, ngàn tinh tú
Nhoà nhạt
trên cao, tựa mái nhà
… Trời
hởi, thèm chao ơi giấc ngủ
Sao mà,
ngực thình thịch nổ tung
Đêm nay
dài quá, sao dài quá
Mà đám
Sao Vàng chưa đến thăm?
… Ai biết
đêm rồi ta trắng mắt
Để chuông
chùa rộn rả bình minh?”
Lúc lâm
trận, phải đối mặt nhau, súng đạn vô tình, ta không giết địch thì địch giết ta
nhưng sau trận chiến, nhà thơ thể hiện tấm lòng nhân bản, hình ảnh cao đẹp của
người lính chiến:
“Bắt tù
binh mời điếu thuốc thơm
Để thấy
miền Nam lính hiền ghê gớm”
…
Có một
nơi nào hơn ở Việt Nam
Có người
lính nào bi tráng hơn lính miền Nam”
(Ta Lính
Miền Nam)
Một Ngày
Không Hành Quân tìm niềm vui bên ly rượu để nhớ đồng đội đã ra đi và với đối
phương cũng rót rượu thương xót:
“Cô hàng
ơi cho một ly không
Tôi rót
mời một người lính Bắc
Hắn nằm
banh thây dưới hầm bí mật
Trên người
vẫn còn sót lại bài thơ
Trên đồi
cao, mây vẫn xanh lơ
Có con
bướm vàng dịu dàng dưới nắng
Tôi với
hắn, đâu có gì thống hận
Bài thơ
nào cũng viết để yêu em”
Sau những
năm làm lính Thám Kích với xác người, thây ma… với thương tích, tử sinh… thế mà
Từ Biệt Núi Rừng vẫn còn mang theo hình ảnh:
“Từ biệt
núi rừng, vùng đất khổ
Những ngày
bùn đỏ bám giày saut…
… Mà
sao cứ nhớ chùm lan dại
Giữa bãi
hoang tàn vẫn nở hoa
Thôi nhé,
Trường Sơn xin bỏ lại
Ta về
châu thổ lội qua Miên
Bỏ lại
trên vai hòn núi nặng
Cho những
bạn bè đồng đội anh em”.
*
Thư Quán
Bản Thảo 55, tháng Giêng năm 2013 với chủ đề Dương Nghiễm Mậu. (TQBT do Trần
Hoài Thư chủ trương, không bán, chỉ gởi tặng bạn bè, thân hữu yêu văn học, liên
lạc với ban biên tập). Niềm vui khi nhận được TQBT 55 nhưng khi mở trang báo với
nỗi buồn và xúc động.
Vài dòng
trong Thư Tòa Soạn do thân hữu Trần Thị Nguyệt Mai viết: “Số báo kỳ này được thực
hiện trong lúc người thân yêu của anh chủ trương nằm trong bệnh viện vì cơn
stroke ác nghiệt. Anh chủ trương đã quyết định đình bản TQBT vô hạn định, tuy
nhiên chị THT vẫn muốn tờ báo tiếp tục.
Với ý
muốn ấy, chúng tôi - những người xem TQBT như một mái nhà của mình – đã cùng với
anh chủ trương cố làm theo ý muốn của chị”. Chị Nguyễn Ngọc Yến, hiền thê THT,
sát cánh cùng chồng để thực hiện TQBT và Thư Ấn Quán. Tháng 1 năm 2013 một cơn
tai biến (stroke) đã làm chị ngã gục!
Ở trang
báo kế tiếp, mục Sống & Viết, Trần Hoài Thư nói rõ hơn về thảm cảnh bất ngờ
phủ chụp xuống gia đình ông, như sau:
“Bây giờ
trận bão Sandy chỉ còn là lịch sử. Những thân cây nằm ngổn ngang trên đường như
thế này đã được dọn sạch, và bên lề đường, thỉnh thoảng còn những gốc cây chưa
kịp dọn, nằm trơ vơ, với gốc rễ và ụ đất như một di tích của trận thiên tai hãi
hùng đã chụp xuống trên tiểu bang New Jersey chúng tôi.
Nhưng có
một trận bão khác. Lần này ác nghiệt hơn bao giờ. Đó là trận bão stroke.
Nó chỉ
nhắm vào Y. để mà đánh. Nó không có sức gió, hay có một triệu chứng gì để nhà
khí tượng học có thể đoán ước về hướng đi, về vùng đất bị ảnh hưởng. Nó không
cho chúng tôi biết để đề phòng. Làm sao tôi có thể lấy chắn, khiên để bao bọc
che chở cho nhà tôi. Và ngay cả tôi? Làm sao tôi có thể hứng nỗi đau đớn thay
cho Y. Tôi khóc. Mắt đỏ, sưng, nhưng tôi nói dối với người ta là tại cặp mắt mới
vừa mổ. Sức gió dù mạnh đến mấy, ta cũng có thể phòng bị, vì kỹ thuật khoa học
về khí tượng học có thể giúp ta được an toàn, nhưng sức stroke thì quá khủng
khiếp. Dù y học tiên tiến cách mấy cũng đành bó tay. Để rồi nó khiến thân thể
không thể ngồi, đứng, tay trái, chân trái không thể cục cựa. Nó đóng những cây
đinh khổ nạn vào thân thể con người…”.
Cho đến
tháng 4 năm 2018, trải qua 5 năm, kể từ ngày ngã bệnh chị phải ngồi xe lăng, anh
THT luôn luôn túc trực chăm sóc vợ. Vài lần đưa vợ vào nursing home nhưng anh
THT lại không đành lòng sống thui thủi một mình ở nhà, quá trống vắng nên đem về,
khi bệnh tình trở nặng, lại mang vô. Anh chị có đứa con trai duy nhất, bác sĩ,
làm việc ở tiểu bang lân cận nên không có cơ hội gần gũi với cha mẹ.
Với sự
đồng tình của vợ, trong suốt những năm qua Thư Quán Bản Thảo vẫn ấn hành và Thư
Ấn Quán vẫn tiếp tục thực hiện những tác phẩm của thân hữu. Có lẽ, vợ chồng THT
là ‘cặp đôi” duy nhất ở hải ngoại có tấm lòng trong sáng, thiết tha đến việc bảo
tồn văn học miền Nam trước năm 1975 ở hải ngoại.
Với THT,
từ ngày làm lính trận, cận kề với cái chết nên bạt mạng, sống bất cần đời nhưng
hết lòng với đồng đội, bắng hữu. Giang hồ lãng tử với bao mối tình si vẩn vơ
cho qua ngày đoạn tháng. Con ngựa bất kham (anh tuổi Nhâm Ngọ) dừng chân trong
vòng tay của người bạn đời.
Trên tạp
chí Sóng Văn (1997), phỏng vấn chị Nguyễn Ngọc Yến, chia sẻ đôi điều:
“Cũng vì
yêu mến văn chương, nên duyên văn nghệ đã đưa chúng tôi gặp nhau. Chúng tôi có
những kỷ niệm đầy vui buồn theo vận mệnh thăng trầm của đất nước. Nhưng kỷ niệm
tôi mang theo đến lúc tàn sinh là những ngày bồng con đi xin ăn ở một làng hẻo
lánh bên bờ Thái Lan, sau những ngày đói khát, lênh đênh trên biển cả…
Đối với
anh Thư, đi làm việc về hầu như ‘đóng đinh’ trước computer, gõ ‘lóc cóc’, ít khi
để ý đến công việc gia đình. Nhưng tôi thấy việc nhà là trách nhiệm của một người
vợ, nên không có gì phiền hà trong lòng cả…
Lúc nào
viết cũng có ly cà phê và điếu thuốc để trước mặt, anh nói: có hút thuốc thì nguồn
cảm hứng mới dồi dào. Tôi rất sợ mùi thuốc lá, nhưng đành chịu chớ biết sao giờ…”.
Những ngày
cuối đời của vợ chồng Trần Hoài Thư tuy “bất hạnh về bệnh tình” nhưng là hình ảnh
đẹp nhất, trân quý nhất. Và, vài dòng thơ trong thi phẩm Vịn Vào Lục Bát, THT
trải lòng với vợ:
“Hôm nay
lạnh, buồn tàn thu
Em nằm
tôi hạ tôi hầu à ơi
À ơi bồ
kết rụng rồi
Sao không
rụng trái khổ đời nghiệt oan”
(Bồ Kết
Rụng Rồi)
“Còn đây
tấc dạ thước mền
Giường dưng,
gối lạ, ngọn đèn vàng hiu
Còn đây,
còn đêm tịch liêu
Trong tôi
con sóng thủy triều trở trăn…
(Về Lại
Phòng Ngủ)
Trước hình
ảnh người vợ lâm trọng bệnh, THT tự trách mình gây “nghiệp oan” nên người bạn đời
mới cam chịu:
“Em đi
để nhận đoạn trường
Xe lăn
định mệnh, chiếc giường nghiệp oan
Hay là
em chuộc dùm chồng
Như xưa
Chúa đã chuộc dùm thế gian?"
Sau khi
chị Yến bị stroke lần thứ ba, những dòng thơ của THT với Em Cứ Nói Đi cho thấy
tình trạng ngặt nghèo của chị và nỗi đau tuyệt vọng của anh, vô cùng cảm kích:
“Anh còn
tai này em cứ nói đi
Anh không
nghe thì tai anh sát kề cho rõ
Em cứ
nói đi, dù chỉ là hơi thở
Dù tiếng
mất tiếng còn dù chữ ngã chữ nghiêng…
… Em nằm
đấy, trời ơi, sao mấy năm trời cứ nằm mãi vậy
Cửa đóng
rồi, làm sao đón ánh nắng vào đây
Tay trái
liệt rồi, sao tay phải vạ lây
Sao chân
phải không cho chúng ta một niềm hy vọng?
… Anh
không biết anh có còn sức mạnh
Anh sắp
ngã rồi, anh đang gắng sức dồn hơi
Chơi một
trận cuối cùng trước khi bỏ cuộc chơi…”
(Đây là
bài thơ mới nhất, anh vừa gởi cho tôi, trước kia khi anh bị thương vẫn tiếp tục
cuộc chơi, nay vợ lâm trọng bệnh, anh xót xa hơn bản thân mình!). Có nhiều tác
phẩm viết về tình nghĩa vợ chồng… với THT chỉ những câu thơ cũng nói hết đạo vợ
chồng thật cao quý.
Ngày trước
lúc còn trai trẻ THT Viết Dưới Trời Khói Lửa và đến lúc xế chiều của cuộc đời lại
viết trong nỗi cô đơn và quặn đau! Niềm an ủi duy nhất của anh bây giờ còn viết
được.
Léopoldine
mới 19 tuổi chết đuối trên dòng sông Seine ngày 4 tháng 9 năm 1843, năm 1847
văn hào Victor Hugo làm bài thơ Demain, dès l'aube, chỉ 12 dòng thơ được xem
như một tuyệt tác, tặng con gái đầu lòng đúng vào ngày giỗ thứ tư bên mộ
Léopoldine tại Villequier sát bờ sông Seine và sự mất mát lớn lao này đã làm
Hugo đau khổ suốt một thời gian dài và ông đã không in thêm tập thơ nào nữa
trong mười năm sau cái chết của Léopoldine.
“Ngày mai,
ngay lúc rạng đông, khi vùng quê bừng sáng,
Cha sẽ
lên đường. Con ơi, cha biết con nóng lòng chờ đợi.
Cha sẽ
đi qua rừng, cha sẽ đi qua núi.
Cha không
thể nào lâu hơn nữa ở xa con.
Cha sẽ
bước đi, mắt chìm sâu trong suy nghĩ,
Không nhìn
quanh, chẳng nghe động tĩnh chi,
Cô đơn,
lạc lõng, lưng khòm, tay chắp,
Lòng sầu
đau, với cha ngày sẽ tối như đêm.
Cha sẽ
không ngắm ánh chiều vàng rơi xuống,
Cũng như
cánh buồm xa thẳm hướng Harfleur,
Và khi
tới, cha sẽ đặt cho con trên mộ
Chùm ô
rô xanh lá và thạch thảo trổ hoa”.
(Bản dịch
của Đàm Trung Pháp)
Với tôi,
nếu ngày nào đó chẳng may chị Yến ra đi và anh không còn viết được, có lẽ anh
trở thành cái thây ma, phải không bạn ta? Rồi ngày nào đó, anh bỏ lại người thân,
bằng hữu… thảnh thơi nơi phương trời xa lạ, Di Sản Văn Chương Miền Nam đã bao
năm xây dựng, có lẽ cũng theo anh “Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ?”
(Vũ Đình Liên).
Vương
Trùng Dương
Little
Saigon, April 2018
__._,_.___
Posted by: "Patrick Willay