MỸ
CHÁNH, QUẢNG TRỊ CHẶNG
ĐƯỜNG NGÚT NGÀN TỬ KHÍ
Đoàn Kế Tường
Mùa hè 72, quốc lộ 1 từ Mỹ Chánh lên Quảng Trị đi vào lịch sử dưới
tên Đại lộ Kinh hoàng. Thêm một thảm sát sau Mậu Thân 68. Ưu điểm của Tuyển tập
Bút ký Phóng sự Chiến trường 1972 do Nxb Văn nghệ Dân tộc in năm 1973 là đã ghi
lại ánh mắt cùng tâm tình của những phóng viên có mặt ngay trên vùng giao
tranh. Với tất cả tàn khốc của trận chiến. [Trần Vũ]
Tôi đã chờ trong ấm ức, từng bản tin chiến sự, từng chuyến theo
chân hành quân các đơn vị Nhảy dù, Thủy quân Lục chiến, tôi hy vọng được về gần
gũi quê hương mà tôi đã bỏ đi. Sau hơn hai tháng trời chui rúc trong các khu tạm
cư khốn khổ, ngày 29 tháng 6-1972 hàng trăm ngàn trái tim người dân Quảng Trị
đã cùng hòa điệu nhịp nhàng trong niềm mơ ước hiện hình được trở về quê hương
theo chân đoàn quân áo hoa anh dũng. Buổi sáng niềm vui phả ngập trong hồn. Tuyến
Mỹ Chánh không còn là lằn mức ranh giới, từng đoàn con yêu của tổ quốc súng đạn
lên vai qua sông tiến về phương Bắc, ở đó bầu trời dang rộng đôi tay chào đón.
Tôi theo họ. Phải về nhìn lại đoạn đường như một tì vết ô nhục, bạo tàn mà ngày
bỏ đi biết bao nhiêu đồng bào, trong đó có cả bạn bè và thân nhân mình đã nằm
xuống ngủ yên.
Đoạn đường với đầy dẫy bất trắc, đạn trọng pháo của Bắc quân rải đều
đặn hai bên. Tiếng đạn đã trở thành quen thuộc trong trí nhớ hãi hùng. Cầu Bến
Đá gãy gục, vài ba quả mìn chống chiến xa nằm chênh hênh bên bờ cỏ ngụy trang
đã khô. Vài đám dân gầy gò hốc hác bồng bế nhau chạy về nhìn thấy người chiến
binh miền Nam mà trào nước mắt. Phía dưới chiếc cầu nổi vừa được bắc xong, người
lính công binh ngồi dựa lưng vào vách tường sập đổ tìm giấc ngủ. Rồi cũng qua cầu
đi lần về thành phố đổ nát phía trước, con dốc Bến Đá che khuất đoạn đường vừa
qua còn lại đó một địa ngục khủng khiếp của cả một đoàn xe cháy nám nối đuôi chồng
chất gần năm cây số.
Bắt đầu bằng những chiếc xe gắn máy đủ loại, đủ kiểu nằm ngổn
ngang bên những xác người đã khô, khẳng khiu những đốt xương trong áo quần ám
kín. Tôi đã bật khóc thành tiếng, tiếng khóc uất nghẹn căm hờn không thể thoát
ra cổ họng. Ngày 1 tháng 5-1972, một trong những chiếc xe khốn nạn đã đưa tôi đến
đây với hàng chục ngàn đồng bào khác đã nhận lãnh những đầu đạn của Bắc quân bắn
phủ đầu. Tôi đã bỏ chạy trên xác anh em, bà con mình mà không dám ngoảnh mặt
nhìn lại. Bây giờ trở về đoạn đường máu thắm mạch đất cố tình tìm lại trên những
đống xương nhầy nhụa trắng hếu này một khuôn mặt quen thuộc cũng là một điều
khó khăn. Một mái tóc nằm bên một cái sọ và một cái áo dài màu tím phủ nắm
xương tàn. Từ một cánh cửa gãy lìa của một xe cứu thương vài cánh tay đưa ra tội
nghiệp. Trên một chiếc băng ca người lính xấu số đã thật sự chết hai lần nằm với
nắng mưa suốt hai tháng trời.
Tôi lay mình trong đoàn xe ngộp mùi tử khí sình thúi như một chứng
nhân cho một cuộc thảm sát vĩ đại của người Việt dành cho người Việt. Một bà mẹ
chết gục trên thành xe, hai tay còn ôm chặt xác con. Trên một chiếc xe khác ngổn
ngang một đống xương gần hai chục người đã cùng chết một lần. Tôi muốn ngộp đi
vì không khí cô độc mùi tử thi dày đặc, quay mặt chạy xuống bãi cát bên vệ đường,
bãi cát Hải Lăng là một rừng xác người khô héo bên những đồ đạc họ đã mang theo
trên bước đường chạy loạn. Rải rác đó đây xác lính Bắc quân hai tay ghì chặt bá
súng AK cũng xương trắng, đầu lâu bên cạnh những nạn nhân của họ.
Ngày mai những người dân Quảng Trị khi trở về ngang đây tìm một
quê hương đã điêu tàn chắc chắn họ không tránh khỏi ngậm ngùi bởi một phần đời
của mình đã để lại đó. Một đoạn đường ô nhục nhất trong lịch sử dân tộc hiếu
hòa. Có lời nào có thể bào chữa nổi những hành động bạo tàn của Bắc quân với vũ
khí tối tân trên tay họ nhắm vào đám dân lành vô tội. Có bao nhiêu người đã nằm
xuống ở đó, chắc chắn không dưới vài ngàn. Tướng Giáp và những người chủ trương
cuộc chiến này nghĩ gì về cuộc thảm sát đồng bào Quảng Trị do quân đội của họ
gây nên? Những hình ảnh về đoạn đường máu này có phải là những chiến thắng thiết
thực nhất của những người Cộng sản không?
Đoạn đường Mỹ Chánh — Quảng Trị với hàn ngàn oan hồn rên xiết chắc
chắn sẽ là niềm đau vĩ đại cho cả dân tộc hai miền Nam-Bắc. Đành rằng mặt thật
của bất cứ một cuộc chiến tranh nào cũng là tàn phá nhưng không có nghĩa phải
đem sự tàn phá của bom đạn vô tri được xử dụng bởi những bàn tay thô bạo đổ lên
đầu đám người khốn khổ, hiền hòa đang cố chạy thoát ra khỏi vòng ảnh hưởng của
chiến tranh ngoại trừ một cuộc chiến diệt chủng. Tôi nghĩ không thể nào là một
cuộc xung đột tình cờ được, bởi lẽ ngay khi tiếng súng đầu tiên thoát nòng từ
bàn tay của một tên lính Bắc quân nào đó bắn thẳng vào đoàn xe này đã có sự hiện
diện của tôi tại chỗ. Không một người dân nào trên xe có lấy một tấc sắt để
kháng cự và họ đã chạy bừa vào bãi cát mênh mông như đàn ong vỡ tổ. Đạn đại
pháo và bắn thẳng của quân bộ chiến miền Bắc thi nhau đốn ngã rừng người. Họ phải
giữ dân ở lại dù chỉ là cái xác không hồn. Một cuộc tàn sát có tính toán và được
ra lệnh hẳn hoi đã diễn ra thật man rợ mà sau hai tháng những ai may mắn như tôi
được nhìn lại không khỏi phải úp mặt trong lòng bàn tay.
Mãi mãi đoạn đường Mỹ Chánh — Quảng Trị đã trở thành một tì vết tủi
nhục cho dân tộc không có gì xóa tẩy được. Liệu nấm mồ tập thể to lớn đó với
khung cảnh bi thảm này có đủ để thức tỉnh những kẻ đang chơi trò chém giết để
thỏa mãn quyền lợi và tham vọng mà hàn gắn được niềm thù hận anh em suốt mấy chục
năm dài.
ĐKT (1972)
Trần Vũ đánh máy lại tháng 2-2018 từ Tuyển tập Bút ký Phóng sự
Chiến trường 1972 (Nxb Văn Nghệ Dân Tộc: 1973).
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Những Sự Thật Cần Phải Biết