Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa 1956
Văn
thư lưu trữ mở Wikisource
QUỐC HỘI LẬP HIẾN Chung quyết trong phiên họp ngày 20
tháng 10 năm 1956
|
LỜI MỞ ĐẦU[sửa]
Tin tưởng ở tương lai huy hoàng bất diệt của
Quốc gia và Dân tộc Việt Nam mà lịch sử tranh đấu oai hùng của tổ tiên và ý chí
quật cường của toàn dân đảm bảo;
Tin tưởng ở sự trường tồn của nền văn minh
Việt Nam, căn cứ trên nền tảng duy linh mà toàn dân đều có nhiệm vụ phát huy;
Tin tưởng ở giá trị siêu việt của con người
mà sự phát triển tự do, điều hòa và đầy đủ trong cương vị cá nhân cũng như
trong đời sống tập thể phải là mục đích của mọi hoạt động Quốc gia;
Chúng tôi, Dân biểu Quốc hội Lập hiến:
Ý thức rằng Hiến pháp phải thực hiện nguyện
vọng của nhân dân, từ Mũi Cà Mâu đến Ải Nam Quan;
Nguyện vọng ấy là:
Củng cố Độc lập chống mọi hình thức xâm lăng
thống trị;
Bảo vệ tự do cho mỗi người và cho dân tộc;
Xây dựng dân chủ về chính trị, kinh tế, xã
hội, văn hóa cho toàn dân trong sự tôn trọng nhân vị;
Ý thức rằng quyền hưởng tự do chỉ được bảo
toàn khi năng lực phục tùng lý trí và đạo đức, khi nền an ninh tập thể được bảo
vệ và những quyền chính đáng của con người được tôn trọng;
Ý thức rằng nước ta ở trên con đường giao
thông và di dân quốc tế, dân tộc ta sẵn sàng tiếp nhận các trào lưu tư tưởng
tiến bộ để hoàn thành sứ mạng trước đấng Tạo hóa và trước nhân loại là xây dựng
một nền văn minh và nhân bản bảo vệ phát triển con người toàn diện.
Sau khi thảo luận, chấp nhận bản Hiến pháp
sau đây:
THIÊN THỨ NHẤT: Điều khoản
căn bản[sửa]
Điều 1[sửa]
Việt Nam là một nước Cộng
hòa, Độc lập, Thống nhất, lãnh thổ bất khả phân.
Điều 2[sửa]
Chủ quyền thuộc về toàn
dân.
Điều 3[sửa]
Quốc dân ủy nhiệm vụ hành
pháp cho Tổng thống dân cử, và nhiệm vụ lập pháp cho Quốc hội cũng do dân cử.
Sự phân nhiệm giữa hành
pháp và lập pháp phải rõ rệt. Hoạt động của các cơ quan hành pháp và lập pháp
phải được điều hòa.
Tổng thống lãnh đạo Quốc
dân.
Điều 4[sửa]
Hành pháp, lập pháp, tư
pháp có nhiệm vụ bảo vệ Tự do, Dân chủ, chính thể cộng hòa, và trật tự công
cộng. Tư pháp phải có một quy chế bảo đảm tính cách độc lập.
Điều 5[sửa]
Mọi người dân không phân
biệt nam nữ sinh ra bình đẳng về phẩm cách, quyền lợi, và nhiệm vụ, và phải đối
xử với nhau theo tinh thần tương thân tương trợ.
Quốc gia công nhận và bảo
đảm những quyền căn bản của con người trong cương vị cá nhân, hay trong cương
vị tập thể.
Quốc gia cố gắng tạo cho
mọi người những cơ hội đồng đều và những điều kiện cần thiết để thụ hưởng quyền
lợi và thực hành nhiệm vụ.
Quốc gia tán trợ sự khuếch
trương kinh tế, phát huy văn hóa, khai triển khoa học và kỹ thuật.
Điều 6[sửa]
Người dân có những nhiệm vụ
đối với tổ quốc, với đồng bào, mục đích là để thực hiện sự phát triển điều hòa
và đầy đủ nhân cách của mọi người.
Điều 7[sửa]
Những hành vi có mục đích
phổ biến hoặc thực hiện một cách trực tiếp hay gián tiếp chủ nghĩa cộng sản
dưới mọi hình thái đều trái với các nguyên tắc ghi trong Hiến pháp.
Điều 8[sửa]
Nước Việt Nam Cộng hòa chấp
nhận những nguyên tắc quốc tế pháp không trái với sự thực hiện chủ quyền Quốc
gia và sự bình đẳng giữa các dân tộc.
Quốc gia cố gắng góp phần
xây dựng và bảo vệ nền an ninh và hòa bình quốc tế cùng duy trì và phát triển
sự liên lạc thân hữu giữa các dân tộc trên căn bản tự do và bình đẳng.
THIÊN THỨ HAI: Quyền lợi
và nhiệm vụ người Dân[sửa]
Điều 9[sửa]
Mọi người dân đều có quyền
sinh sống tự do và an toàn.
Điều 10[sửa]
Không ai có thể bị bắt bớ,
giam giữ tù đày, một cách trái phép.
Trừ trường hợp phạm pháp
quả tang, chỉ có thể bắt giam khi có câu phiếu của cơ quan có thẩm quyền, trong
trường hợp và theo hình thức luật định. Theo thể thức luật định các bị can về
tội đại hình hoặc tiểu hình có quyền lựa chọn hoặc yêu cầu chỉ định người biện
minh cho mình.
Điều 11[sửa]
Không ai có thể bị tra tấn
hoặc chịu những hình phạt hay những cách đối xử tàn bạo, bất nhân, hoặc làm mất
phẩm cách.
Điều 12[sửa]
Đời tư, gia đình, nhà cửa,
phẩm giá, và thanh danh của mọi người dân phải được tôn trọng.
Tánh cách riêng tư của thư
tín không thể bị xâm phạm, trừ khi có lệnh của Tòa án hoặc khi bảo vệ an ninh
công cộng hay duy trì trật tự chung.
Ai cũng có quyền được luật
pháp bảo vệ chống lại những đe dọa hoặc xâm phạm trái phép.
Điều 13[sửa]
Mọi người dân có quyền tự
do đi lại và cư trú trên lãnh thổ Quốc gia, ngoại trừ trường hợp luật pháp ngăn
cấm vì duyên cơ vệ sinh hay an ninh công cộng.
Mọi người dân có quyền tự
do xuất ngoại trừ trường hợp luật pháp hạn chế vì lý do an ninh quốc phòng, kinh
tế, tài chánh hay lợi ích công cộng.
Điều 14[sửa]
Mọi người dân đều có quyền
và có bổn phận làm việc. Việc làm như nhau, tiền công bằng nhau.
Người làm việc có quyền
hưởng thù lao xứng đáng đủ để bảo đảm cho bản thân và cho gia đình một đời sống
hợp với nhân phẩm.
Điều 15[sửa]
Mọi người dân đều có quyền
tự do tư tưởng và trong khuôn khổ luật định, có quyền tự do hội họp và lập hội.
Điều 16[sửa]
Mọi người dân có quyền tự
do ngôn luận. Quyền này không được dùng để vu cáo, phỉ báng, xâm phạm đến nền
đạo lý công cộng, hô hào nổi loạn, hoặc lật đổ chính thể Cộng hòa.
Mọi người dân đều được
hưởng quyền tự do báo chí để tạo thành một dư luận xác thực và xây dựng mà Quốc
gia có nhiệm vụ bảo vệ chống lại mọi hành vi xuyên tạc sự thực.
Điều 17[sửa]
Mọi người dân đều có quyền
tự do tín ngưỡng, tự do hành giáo, và tự do truyền giáo, miễn là sử dụng quyền
ấy không trái với luân lý và thuần phong mỹ tục.
Điều 18[sửa]
Theo thể thức và điều kiện
luật định, mọi người dân đều có quyền bầu cử, ứng cử, tham gia điều khiển việc
công hoặc trực tiếp, hoặc do những đại diện của mình.
Điều 19[sửa]
Mọi người dân đều có quyền
tham gia công vụ tùy theo năng lực trên căn bản bình đẳng.
Điều 20[sửa]
Quốc gia công nhận và bảo
đảm quyền tư hữu. Luật pháp ấn định thể thức thủ đắc và hưởng thụ để ai ai cũng
có thể trở thành sở hữu chủ và để bảo đảm cho con người đời sống xứng đáng và
tự do, đồng thời xây dựng nền thịnh vượng xã hội.
Trong những trường hợp luật
định và vợi điều kiện có bồi thường, Quốc gia có thể trưng thu tài sản vì công
ích.
Điều 21[sửa]
Quốc gia tán trợ việc nhân
dân sử dụng của đẻ dành để thủ đắc nhà ở, ruộng cày, và cổ phần trong các xí
nghiệp.
Điều 22[sửa]
Mọi người dân đều có quyền
tổ chức những hợp tác kinh tế, miễn là không có mục đích chiếm trái phép để đầu
cơ và thao túng kinh tế.
Quốc gia khuyến khích và
tán trợ sự hợp tác có tính cách tương trợ và không có mục đích đầu cơ.
Quốc gia không thừa nhận
chế độ độc quyền kinh doanh hoặc độc chiếm, ngoại trừ những trường hợp luật
định vì nhu cầu quốc phòng, an ninh, hay vì lợi ích công cộng.
Điều 23[sửa]
Quyền tự do nghiệp đoàn và
quyền đình công được công nhận và sử dụng theo thể thức và điều kiện luật định.
Công chức không có quyền
đình công.
Quyền đình công không được
thừa nhận đối với nhân viên và công nhân trong các ngành hoạt động liên quan
đến quốc phòng, an ninh công cộng, hoặc các nhu cầu cần thiết của đời sống tập
thể.
Một đạo luật sẽ ấn định
những ngành hoạt động kể trên và đảm bảo cho nhân viên và công nhân các ngành
này một quy chế đặc biệt, mục đích là để bảo vệ các nhân viên và công nhân
trong các ngành ấy.
Điều 24[sửa]
Trong giới hạn của khả năng
và sự phát triển kinh tế Quốc gia sẽ ấn định những biện pháp cứu trợ hữu hiệu
trong các trường hợp thất nghiệp, già yếu, bệnh tật, thiên tai hoặc những cảnh
hoạn nạn khác.
Điều 25[sửa]
Quốc gia công nhận gia đình
là nền tảng của xã hội. Quốc gia khuyến khích, nâng đỡ sự thành lập gia đình,
sự thực hiện sứ mạng gia đình, nhất là trong sự thai nghén, sinh đẻ, dưỡng dục
hài nhi.
Quốc gia tán trợ sự thuần
nhứt của gia đình.
Điều 26[sửa]
Quốc gia cố gắng cho mọi
người dân một nền giáo dục cơ bản có tính cách bắt buộc và miễn phí.
Mọi người dân có quyền theo
đuổi học vấn.
Những người có khả năng mà
không có phương tiện riêng sẽ được nâng đỡ để theo đuổi học vấn.
Quốc gia thừa nhận phụ
huynh có quyền chọn trường cho con em, các đoàn thể và tư nhân có quyền mở
trường theo điều kiện luật định.
Quốc gia có thể công nhận
các trường tư thục đại học và cao đẳng chuyên nghiệp hội đủ điều kiện luật
định. Văn bằng do những trường ấy cấp phát có thể được Quốc gia thừa nhận.
Điều 27[sửa]
Mọi người đều có quyền tham
gia hoạt động văn hóa và khoa học, cùng hưởng thụ nghệ thuật và lợi ích của
những tiến bộ kỹ thuật.
Tác giả được pháp luật bảo
vệ những quyền lợi tinh thần và vật chất liên quan tới mọi phát minh khoa học,
sáng tác văn chương hoặc nghệ thuật.
Điều 28[sửa]
Quyền của mỗi người dân
được sử dụng theo những thể thức và điều kiện luật định.
Quyền của mỗi người dân chỉ
chịu những sự hạn chế do luật định đẻ tôn trọng quyền của những người khác cùng
là thỏa mãn những đòi hỏi đích đáng của sự an toàn chung, nền đạo lý, trật tự
công cộng, quốc phòng.
Ai lạm dụng các quyền được
công nhận trong Hiến pháp để phá hoại chánh thể Cộng hòa, chế độ Dân chủ, Tự do
và nền Độc lập, Thống nhứt Quốc gia sẽ bị truất quyền.
Điều 29[sửa]
Mọi người dân đều có nhiệm
vụ tôn trọng và bảo vệ Hiến pháp và Luật pháp.
Mọi người dân đều có nhiệm
vụ bảo vệ Tổ quốc, chính thể Cộng hòa, nền tự do, dân chủ.
Ai ai cũng phải làm tròn
nhiệm vụ quân dịch theo thể thức và trong giới hạn luật định.
Mọi người dân đều có nhiệm
vụ góp phần vào sự chi tiêu công cộng tùy theo khả năng đóng góp của mình.
THIÊN THỨ BA: Tổng thống[sửa]
Điều 30[sửa]
Tổng thống được bầu theo
lối đầu phiếu phổ thông trực tiếp và kín, trong một cuộc tuyển cử mà cử tri
toàn quốc được tham gia. Một đạo luật sẽ quy định thể thức bầu cử Tổng thống.
Phó Tổng thống được bầu một
lần với Tổng thống chung một danh sách.
Điều 31[sửa]
Có quyền ứng cử Tổng thống
và Phó Tổng thống những công dân hội đủ các điều kiện sau đây:
1.
Sinh trên lãnh thổ Việt Nam và có quốc tịch
Việt Nam liên tục từ khi mới sinh, hoặc đã hồi phục Việt tịch trước ngày ban
hành Hiến pháp.
2.
Cư ngụ trên lãnh thổ Quốc gia một cách liên
tục hay không trong một thời gian ít nhất 15 năm.
3.
Đủ 40 tuổi.
4.
Hưởng các quyền công dân.
Chức vụ Tổng thống và Phó
Tổng thống không thể kiêm nhiệm với bất cứ một hoạt động nào trong lãnh vực tư
dù có thù lao hay không.
Điều 32[sửa]
Nhiệm kỳ Tổng thống và Phó
Tổng thống là năm năm. Tổng thống và Phó Tổng thống có thể được tái cử hai lần
nữa.
Điều 33[sửa]
Nhiệm kỳ Tổng thống và Phó
Tổng thống chấm dứt đúng 12 giờ trưa ngày cuối cùng tháng thứ sáu mươi kể từ
ngày tựu chức và nhiệm kỳ của Tân Tổng thống và Tân Phó Tổng thống bắt đầu lúc
ấy.
Nhiệm vụ Tổng thống và Phó
Tổng thống có thể chấm dứt trước kỳ hạn, trong những trường hợp sau đây:
1.
Mệnh chung.
2.
Vì bịnh tật trầm trọng và kéo dài, không còn
năng lực để chấp chưởng quyền hành và làm tròn nhiệm vụ. Sự mất năng lực này
phải được Quốc hội xác nhận với đa số 4/5 tổng số Dân biểu sau các cuộc giám
định và phản giám định y khoa.
3.
Từ chức, và sự từ chức này phải được thông
đạt cho Quốc hội.
4.
Bị truất quyền do quyết định của Đặc biệt
Pháp viện chiếu Điều 81.
Điều 34[sửa]
Cuộc bầu cử Tân Tổng thống và
Tân Phó Tổng thống sẽ cử hành vào ngày chủ nhật, ba tuần lễ trước khi nhiệm kỳ
của Tổng thống tại chức chấm dứt.
Trong trường hợp nhiệm vụ
Tổng thống chấm dứt trước kỳ hạn, Phó Tổng thống sẽ đảm nhiệm chức vụ Tổng
thống cho đến hết nhiệm kỳ.
Trong trường họp dự liệu ở
đoạn trên, nếu không có Phó Tổng thống, hoặc nếu Phó Tổng thống, vì một lý do
gì, không thể đảm đương nhiệm vụ, Chủ tịch Quốc hội tạm thời đảm nhiệm chức vụ
Tổng thống để xử lý thường vụ và tổ chức một cuộc bầu cử Tân Tổng thống và Tân
Phó Tổng thống trong thời hạn tối đa hai tháng. Trong trường hợp này, đệ nhất
Phó Chủ tịch Quốc hội quyền nhiếp chức vụ Chủ tịch Quốc hội.
Điều 35[sửa]
Tổng thống ký kết, và sau
khi được Quốc hội chấp thuận, phê chuẩn các điều ước và hiệp định quốc tế.
Tổng thống bổ nhiệm các sứ
thần, tiếp nhận ủy nhiệm thư của các đại diện ngoại giao, thay mặt Quốc gia
trong việc giao thiệp với ngoại quốc.
Điều 36[sửa]
Với sự thỏa thuận của một
nửa tổng số Dân biểu Quốc hội, Tổng thống tuyên chiến hoặc phê chuẩn hòa ước.
Điều 37[sửa]
Tổng thống bổ nhiệm và cách
chức tất cả các công chức dân sự và quân sự theo thủ tục luật định, ngoại trừ
những trường hợp mà Hiến pháp ấn định một thủ tục đặc biệt.
Tổng thống là Tổng tư lệnh
tối cao của các lực lượng quân sự.
Tổng thống ban các loại huy
chương.
Tổng thống sử dụng quyền ân
xá, ân giảm, hoán cải hình phạt, và huyền án.
Điều 38[sửa]
Trong trường hợp chiến
tranh hoặc nội loạn, những chức vụ dân cử định trong Hiến pháp sẽ đương nhiên
được gia hạn khi mãn nhiệm kỳ.
Trong trường hợp một đơn vị
bầu cử bị đặt trong tình trạng khẩn cấp, báo động, hoặc giới nghiêm, Tổng thống
có thể gia hạn nhiệm kỳ dân biểu đơn vị ấy.
Tuy nhiên, cuộc bầu cử toàn
bộ hay cục bộ phải được tổ chức chậm nhất là sáu tháng sau khi những tình trạng
đặc biệt kể ở hai đoạn trên chấm dứt.
Điều 39[sửa]
Tổng thống tiếp xúc với Quốc
hội bằng thông điệp.
Tổng thống có thể dự các
phiên họp Quốc hội và tuyên bố trước Quốc hội.
Mỗi năm vào đầu khóa họp
thường lệ thứ nhì và mỗi khi thấy cần, Tổng thống thông báo cho Quốc hội biết
tình hình Quốc gia và chánh sách đối nội, đối ngoại của Chính phủ.
Điều 40[sửa]
Với sự thỏa thuận của Quốc
hội, Tổng thống có thể tổ chức trưng cầu dân ý. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý
phải được Tổng thống và Quốc hội tôn trọng.
Điều 41[sửa]
Giữa hai khóa họp Quốc hội,
Tổng thống vì lý do khẩn cấp có thể ký sắc luật. Các sắc luật này phải được
chuyển đến Văn phòng Quốc hội ngay sau khi ấy.
Trong khóa họp thường lệ
tiếp cận, nếu Quốc hội không bác bỏ, các sắc luật ấy sẽ được coi hẳn như những
đạo luật.
Điều 42[sửa]
Trong tình trạng khẩn cấp,
chiến tranh, nội loạn, khủng hoảng kinh tế hoặc tài chính, Quốc hội có thể biểu
quyết một đạo luật ủy cho Tổng thống, trong một thời gian, với những hạn định
rõ, quyền ký các sắc luật để thực hiện chánh sách mà Quốc hội ấn định trong đạo
luật ủy quyền. Các sắc luật phải được chuyển đến Văn phòng Quốc hội ngay sau
khi ký. 30 ngày sau khi mãn thời hạn đã ấn định trong đạo luật ủy quyền, nếu
Quốc hội không bác bỏ, các sắc luật ấy sẽ được coi hẳn như những đạo luật.
Điều 43[sửa]
Trong trường hợp ngân sách
không được Quốc hội chung quyết trong thời hạn ấn định ở Điều 60, Tổng thống có
thể ký sắc luật ngân sách cho tài khóa sau.
Mỗi tam cá nguyệt Tổng thống
có thể thi hành một phần tư của ngân sách cho đến khi Quốc hội chung quyết xong
đạo luật ngân sách.
Trong đạo luật ngân sách,
Quốc hội phải giải quyết các hậu quả gây nên do việc bác bỏ hoặc sửa đổi những
điều khoản của sắc luật ngân sách.
Điều 44[sửa]
Tổng thống có thể ký sắc
lệnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp, báo động hoặc giới nghiêm trong một hay
nhiều vùng; các sắc lệnh này có thể tạm đình chỉ sự áp dụng một hoặc nhiều đạo
luật tại những vùng đó.
Điều 45[sửa]
Khi nhậm chức, Tổng thống
tuyên thệ như sau:
Tôi long trọng tuyên thệ:
Tận lực cố gắng làm tròn
nhiệm vụ Tổng thống;
Tôn trọng giữ gìn và bảo vệ
Hiến pháp;
Trung thành phụng sự Tổ
quốc và hết lòng phục vụ lợi ích công cộng.
Điều 46[sửa]
Tổng thống, có Phó Tổng
thống, các Bộ trưởng và Thứ trưởng phụ tá. Các Bộ trưởng do Tổng thống bổ nhiệm
và chịu trách nhiệm trước Tổng thống.
Điều 47[sửa]
Các Bộ trưởng và Thứ trưởng
có thể hội kiến với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội, và các Chủ tịch Ủy ban để
giải thích về các vấn đề liên hệ với lập pháp.
THIÊN THỨ TƯ: Quốc hội[sửa]
Chương Một. - Dân biểu
Điều 48[sửa]
Đạo luật tuyển cử ấn định
số Dân biểu Quốc hội và các đơn vị bầu cử.
Điều 49[sửa]
Dân biểu được bầu cử theo
lối đầu phiếu phổ thông, trực tiếp và kín, theo những thể thức và điều kiện do
đạo luật tuyển cử quy định.
Điều 50[sửa]
Có quyền ứng cử Dân biểu
những người:
1.
Có quốc tịch Việt Nam liên tục từ khi mới
sinh, hoặc đã nhập Việt tịch ít nhất năm năm, hoặc đã hồi phục Việt tịch ít
nhất ba năm trừ những người đã hồi phục Việt tịch trước ngày ban hành Hiến
pháp;
2.
Hưởng các quyền công dân;
3.
Đủ 25 tuổi tới ngày đầu phiếu;
4.
Hội đủ các điều kiện khác dự liệu trong đạo
luật tuyển cử.
Tuy nhiên, trong trường hợp
đặc biệt những người nhập Việt tịch có công trạng với Tổ quốc hoặc những người
hồi phục Việt tịch có thể được Tổng thống ký sắc lệnh giảm thời hạn năm hoặc ba
năm ghi trên.
Điều 51[sửa]
Nhiệm kỳ Dân biểu là ba
năm. Các Dân biểu có thể được tái cử.
Cuộc bầu cử Quốc hội mới sẽ
cử hành một tháng trước khi pháp nhiệm chấm dứt.
Điều 52[sửa]
Khi một Dân biểu từ chức,
mệnh chung, hoặc chấm dứt nhiệm vụ vì bất cứ một nguyên nhân nào, cuộc bầu cử
Dân biểu thay thế sẽ được cử hành trong hạn ba tháng.
Sẽ không bầu Dân biểu thay
thế, nếu sự khống khuyết xẩy ra không đầy sáu tháng trước khi mãn pháp nhiệm.
Điều 53[sửa]
Nhiệm vụ dân biểu không thể
kiêm nhiệm với một công vụ được trả lương hay nhiệm vụ dân cử khác. Công chức
đắc cử phải nghỉ giả hạn, quân nhân đắc cử phải giải ngũ.
Nhiệm vụ Dân biểu không thể
kiêm nhiệm với những chức vụ Bộ trưởng và Thứ trưởng.
Tuy nhiên, Dân biểu có thể
đảm nhận những công vụ đặc biệt liên tục không quá (12) mười hai tháng và thời
gian đảm nhận công vụ tổng cộng không quá nửa thời kỳ pháp nhiệm. Trong thời
gian đảm nhận công vụ, Dân biểu không có quyền thảo luận và biểu quyết tại Quốc
hội hoặc tại các Ủy ban của Quốc hội.
Dân biểu có thể phụ trách
giảng huấn tại các trường cấp bậc đại học và kỹ thuật cao đẳng.
Trong bất kỳ trường hợp
nào, Dân biểu không thể tham dự những cuộc đấu thầu hoặc ký hợp đồng với các cơ
quan chính quyền.
Điều 54[sửa]
Không thể truy tố, tầm nã,
bắt giam hay kết án một Dân biểu vì những lời nói hoặc vì những sự biểu quyết
tại Quốc hội hoặc tại các Ủy ban Quốc hội.
Ngoại trừ trường hợp phản
quốc, xâm phạm an ninh Quốc gia hoặc đương trường phạm pháp, không thể truy tố,
tầm nã, bắt giam hay xét xử một Dân biểu trong suốt thời gian các khóa họp Quốc
hội, kể cả thời gian đi họp và họp về.
Chương Hai - Quyền hành của Quốc hội.
Điều 55[sửa]
Quốc hội biểu quyết các đạo
luật. Quốc hội chấp thuận các điều ước và các hiệp định quốc tế.
Chương Ba - Thủ tục Lập pháp
Điều 56[sửa]
Dân biểu có thể đưa ra Quốc
hội xét các dự án luật, Tổng thống có thể đưa ra Quốc hội xét các dự thảo luật.
Điều 57[sửa]
Các dự án và dự thảo luật
được Quốc hội chấp thuận sẽ chuyển đến Tổng thống trong thời hạn bảy ngày tròn.
Tổng thống phải ban hành
các đạo luật trong thời hạn ba mươi ngày tròn kể từ ngày tiếp nhận. Trong
trường hợp khẩn cấp do Quốc hội tuyên bố, thời hạn ban hành sẽ rút ngắn còn bảy
ngày tròn.
Điều 58[sửa]
Trong thời hạn ban hành,
Tổng thống có thể gởi thông điệp viện dẫn lý do yêu cầu Quốc hội phúc nghị một
hay nhiều điều khoản đã được chấp thuận.
Khi phúc nghị, nếu Quốc hội
không đồng ý sửa đổi theo thông điệp Tổng thống thì Quốc hội sẽ chung quyết
bằng một cuộc minh danh đầu phiếu với đa số ba phần tư tổng số Dân biểu Quốc
hội.
Điều 59[sửa]
Trong thời hạn ấn định ở
Điều 57, nếu Tổng thống không ban hành hoặc không chuyển hoàn bản văn mà Quốc
hội đã thông qua, bản văn ấy sẽ đương nhiên thành luật.
Điều 60[sửa]
Dự thảo ngân sách phải gởi
tới Văn phòng Quốc hội trước ngày ba mươi tháng Chín. Ngân sách phải được chung
quyết trước ngày ba mươi mốt tháng Chạp.
Điều 61[sửa]
Dân biểu có quyền đề khởi
các khoản chi mới, nhưng đồng thời phải đề nghị các khoản thu tương đương.
Chương Tư - Điều hành Quốc hội.
Điều 62[sửa]
Quốc hội nhóm họp những
khóa thường lệ hoặc bất thường.
Điều 63[sửa]
Hằng năm có hai khóa họp
thường lệ: một khóa đương nhiên bắt đầu ngày thứ hai đầu tiên trong tháng tư
dương lịch, và một khóa đương nhiên bắt đầu ngày thứ Hai đầu tiên trong tháng
Mười dương lịch. Mỗi khóa họp thường lệ không lâu quá ba tháng.
Điều 64[sửa]
Quốc hội phải được triệu
tập nhóm họp các khóa bất thường nếu có sự yêu cầu của Tổng thống hoặc quá nửa
tổng số Dân biểu Quốc hội.
Trong trường hợp Tổng thống
yêu cầu triệu tập, nghị trình khóa họp bất thường do Tổng thống ấn định.
Trong trường hợp Dân biểu
yêu cầu triệu tập, nghị trình khóa họp bất thường do Văn phòng Quốc hội ấn
định.
Thời gian mỗi khóa họp bất
thường của Quốc hội không được quá ba mươi ngày.
Điều 65[sửa]
Quốc hội nhóm họp công
khai. Tuy nhiên, Quốc hội họp kín nếu quá nửa số Dân biểu hiện diện hoặc Tổng
thống yêu cầu.
Các bản tường thuật y
nguyên cuộc thảo luận và các tài liệu xuất trình tại Quốc hội sẽ được đăng
trong Công báo, ngoại trừ trường hợp Quốc hội họp kín.
Điều 66[sửa]
Để kiểm soát tánh cách hợp
thức cuộc bầu cử các Dân biểu, Quốc hội sẽ chỉ định một Ủy ban kiểm soát để phụ
trách việc phúc trình về vấn đề này.
Quốc hội có trọn quyền định
đoạt.
Điều 67[sửa]
Quốc hội bầu Văn phòng gồm
có Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch, 1 Tổng Thơ ký, 3 Phó Tổng Thơ ký, và một số nhân
viên cần thiết.
Quốc hội chỉ định các Ủy
ban.
Điều 68[sửa]
Quốc hội ấn định nội quy,
nhất là các vấn đề sau:
Tổ chức nội bộ Quốc hội và
Văn phòng;
Thủ tục Quốc hội và quyền
hạn Văn phòng;
Kỷ luật trong Quốc hội và
các sự chế tài về kỷ luật;
Thành phần và quyền hạn các
Ủy ban.
Điều 69[sửa]
Một dự án hoặc dự thảo luật
được Quốc hội chấp thuận chỉ có giá trị nếu hội đủ đa số một phần ba tổng số
Dân biểu.
THIÊN THỨ NĂM: Thẩm phán[sửa]
Điều 70[sửa]
Để thi hành nhiệm vụ ấn
định ở Điều 4, Tư pháp được tổ chức theo nguyên tắc bình đẳng của mọi người
trước pháp luật và nguyên tắc độc lập của Thẩm phán xử án.
Điều 71[sửa]
Thẩm phán xử án quyết định
theo lương tâm mình, trong sự tôn trọng luật pháp và quyền lợi Quốc gia.
Điều 72[sửa]
Dưới sự kiểm soát của Bộ Tư
pháp, Thẩm phán công tố, trông coi, và theo dõi sự áp dụng luật pháp, sự tôn
trọng đạo lý và trật tự công cộng.
Điều 73[sửa]
Sẽ thiết lập một Thượng Hội
đồng Thẩm phán có nhiệm vụ góp phần trông coi sự áp dụng quy chế Thẩm phán xử
án. Tổ chức, điều hành, và quyền hạn của Thượng Hội đồng sẽ do luật định.
THIÊN THỨ SÁU: Đặc biệt
Pháp viện[sửa]
Điều 74[sửa]
Đặc biệt Pháp viện là một
tòa án đặc biệt có thẩm quyền xét xử Tổng thống, Phó Tổng thống, Chánh án Tòa
Phá án, và Chủ tịch Viện Bảo hiến, trong trường hợp can tội phản quốc và các
trọng tội.
Điều 75[sửa]
Đặc biệt Pháp viện gồm có:
Chánh án Tòa Phá án, Chánh
án;
Mười lăm Dân biểu do Quốc
hội bầu ra mỗi nhiệm kỳ, Hội thẩm.
Khi Chánh án Tòa Phá án là
bị can, Chủ tịch Viện Bảo hiến sẽ ngồi ghế Chánh án.
Điều 76[sửa]
Ban Điều tra của Đặc biệt
Pháp viện gồm năm Dân biểu do Quốc hội bầu ra mỗi nhiệm kỳ.
Điều 77[sửa]
Sự khởi tố theo các điều
kiện sau:
a/ Phải có một bản đề nghị
viện dẫn lý do, được ba phần năm tổng số Dân biểu Quốc hội ký tên, nạp tại Văn
phòng Quốc hội mười lăm ngày trước khi thảo luận;
b/ Đề nghị đó phải được hai
phần ba tổng số Dân biểu Quốc hội chấp thuận.
c/ Các Dân biểu trong Đặc
biệt Pháp viện và trong Ban Điều tra không được quyền đề nghị khởi tố và biểu
quyết về đề nghị này.
Điều 78[sửa]
Nhiệm vụ của đương sự bị
đình chỉ từ khi Quốc hội biểu quyết truy tổ đến khi Đặc biệt Pháp viện phán
quyết. Trong thời gian này sự quyền nhiếp sẽ theo thể thức định ở Điều 34, đoạn
2 và 3.
Điều 79[sửa]
Ban Điều tra có quyền đòi
hỏi nhân chứng và đòi các cơ quan liên hệ xuất trình các hồ sơ và tài liệu mật.
Ban Điều tra sẽ làm tờ trình trong thời hạn hai tháng trước khi được Đặc biệt
Pháp viện triển hạn một tháng nữa.
Điều 80[sửa]
Đặc biệt Pháp viện họp để
nghe Ban Điều tra và đương sự trình bày và phán quyết theo đa số ba phần tư
tổng số nhân viên.
Điều 81[sửa]
Nếu xét đương sự phạm tội,
Đặc biệt Pháp viện sẽ tuyên bố truất quyền. Phán quyết này có hiệu lực ngay.
THIÊN THỨ BẢY: Hội đồng
Kinh tế Quốc gia[sửa]
Điều 82[sửa]
Hội đồng Kinh tế Quốc gia
có nhiệm vụ trình bày sáng kiến và phát biểu ý kiến về các dự thảo, dự án kinh
tế.
Hội viên Hội đồng Kinh tế
Quốc gia lựa trong các nghiệp đoàn và các ngành hoạt động kinh tế, các tổ chức
hoạt động xã hội liên hệ với kinh tế và các nhà kinh tế học.
Chức vụ hội viên Hội đồng
Kinh tế Quốc gia không thể kiêm nhiệm với nhiệm vụ Dân biểu Quốc hội.
Điều 83[sửa]
Phó Tổng thống là Chủ tịch
Hội đồng Kinh tế Quốc gia.
Điều 84[sửa]
Một đạo luật sẽ ấn định
cách tổ chức và điều hành của Hội đồng Kinh tế Quốc gia.
THIÊN THỨ TÁM: Viện Bảo
hiến[sửa]
Điều 85[sửa]
Viện Bảo hiến phán quyết về
tánh cách hợp hiến của các đạo luật, sắc luật, và quy tắc hành chánh.
Điều 86[sửa]
Viện Bảo hiến, về mỗi nhiệm
kỳ Quốc hội, gồm có:
Một Chủ tịch cho Tổng thống
cử với thỏa hiệp của Quốc hội.
4 Thẩm phán cao cấp hay
luật gia do Tổng thống cử;
4 Dân biểu do Quốc hội cử.
Điều 87[sửa]
Viện Bảo hiến thụ lý các
đơn xin phán quyết về tánh cách hợp hiến của các đạo luật, sắc luật, và quy tắc
hành chánh do các Tòa án nạp trình.
Phán quyết của Viện Bảo
hiến có hiệu lực đình chỉ sự thi hành các điều khoản bất hợp hiến kể từ ngày
phán quyết ấy được đăng trong Công báo.
Điều 88[sửa]
Một đạo luật sẽ quy định
cách tổ chức và điều hành của Viện Bảo hiến cùng thủ tục áp dụng trước cơ quan
ấy.
THIÊN THỨ CHÍN: Sửa đổi
Hiến pháp[sửa]
Điều 89[sửa]
Không thể sửa đổi hoặc hủy
bỏ các Điều 1, 2, 3, 4, và điều này của Hiến pháp.
Điều 90[sửa]
Tổng thống hay hai phần ba
tổng số Dân biểu có thể đề nghị sửa Hiến pháp.
Đề nghị sửa Hiến pháp có
viện dẫn lý do phải đủ chữ ký và nạp tại Văn phòng Quốc hội.
Điều 91[sửa]
Sau khi nhận được đề nghị
hợp lệ sửa đổi Hiến pháp, Văn phòng Quốc hội sẽ triệu tập một phiên họp đặc
biệt của Quốc hội để cử một Ủy ban gồm ít nhứt mười lăm người có nhiệm vụ
nghiên cứu đề nghị này, tham khảo ý kiến của Viện Bảo hiến và của Tổng thống.
Trong thời hạn tối đa sáu
mươi ngày, Ủy ban sẽ thuyết trình trước Quốc hội trong phiên họp đặc biệt.
Điều 92[sửa]
Đề nghị sửa đổi Hiến pháp
chỉ được chấp thuận nếu ba phần tư tổng số Dân biểu tán thành trong một cuộc
minh danh và đích thân đầu phiếu.
Điều 93[sửa]
Đề nghị được chấp thuận sẽ
ban hành theo thủ tục ghi ở các Điều 57, 58, 59.
Nếu có phúc nghị, Quốc hội
sẽ chung quyết bằng một cuộc minh danh và đích thân đầu phiếu với đa số ba phần
tư tổng số Dân biểu.
THIÊN THỨ MƯỜI: Các Điều
khoản Chung[sửa]
Điều 94[sửa]
Hiến pháp sẽ ban hành ngày
hai mươi sáu tháng Mười năm một nghìn chín trăm năm mươi sáu.
Điều 95[sửa]
Quốc hội dân cử ngày mồng
bốn tháng Ba dương lịch năm một nghìn chín trăn năm mươi sáu sẽ là Quốc hội Lập
pháp đầu tiên theo Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa.
Nhiệm kỳ Quốc hội Lập pháp
bắt đầu từ ngày ban hành Hiến pháp và chấm dứt ngày ba mươi tháng Chín năm một
nghìn chín trăm năm mươi chín.
Điều 96[sửa]
Đương kim Tổng thống được
nhân dân ủy nhiệm thiết lập nền Dân chủ do cuộc trưng cầu dân ý ngày hai mươi
ba tháng Mười dương lịch năm một nghìn chín trăm năm mươi lăm, sẽ là Tổng thống
đầu tiên theo Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa.
Nhiệm kỳ Tổng thống bắt đầu
từ ngày ban hành hiến pháp và chấm dứt ngày ba mươi tháng Tư năm một nghìn chín
trăm sáu mươi mốt.
Điều 97[sửa]
Trong khóa họp thứ nhứt của
Quốc hội Lập pháp đầu tiên, đương kim Tổng thống sẽ chỉ định Phó Tổng thống đầu
tiên. Sự chỉ định này sẽ thành nhứt định nếu được Quốc hội chấp thuận.
Nếu có sự thay thế, sự chỉ
định Phó Tổng thống mới cũng theo theo thủ tục đó trong suốt nhiệm kỳ Tổng
thống đầu tiên.
Điều 98[sửa]
Trong nhiệm kỳ Lập pháp đầu
tiên, Tổng thống có thể tạm đình chỉ sự sử dụng những quyền tự do đi lại và cư
ngụ, tự do ngôn luận và báo chí, tự do hội họp và lập hội, tự do nghiệp đoàn và
đình công để thỏa mãn những đòi hỏi đích đáng của an toàn chung, trật tự công
cộng và quốc phòng.
No comments:
Post a Comment
Những Sự Thật Cần Phải Biết