Lê Xuân Nhuận và cựu Thiếu-Tướng Nguyễn Khắc Bình
THIẾU-TƯỚNG NGUYỄN KHẮC BÌNH
VÀO một ngày không lâu sau Lễ Quốc-Khánh 1-11-1974, tôi lại nhận được lệnh khẩn vào gặp Đại-Tá
(về sau là Chuẩn-Tướng) Huỳnh Thới Tây, Phụ-Tá
Tư-Lệnh CSQG đặc-trách Ngành Đặc-Biệt Trung-Ương, mà không được biết lý-do hay mục-đích
gì, cũng y như lần gọi tôi vào trình-diện, cuối tháng 9 năm 1973, để đưa tôi về Miền
Trung.
Tôi vừa bước vào văn-phòng là Đại-Tá Tây dẫn
tôi đi ngay với ông, lên xe, qua bên tòa lầu của Chuẩn-Tướng (về sau là Thiếu-Tướng)
Nguyễn Khắc Bình, Tư-Lệnh Cảnh-Sát Quốc-Gia.
Lên tầng trên rồi, ông mới nói nhỏ với tôi:
− Chuẩn-Tướng Tư-Lệnh muốn gặp riêng anh.
*
Lúc đó, ngồi tại phòng-chờ ngay trước phòng-giấy của Tư-Lệnh CSQG đã có ba viên
đại-tá đang bàn-cãi gì đó với nhau.
Đó là các Đại-Tá (về sau là Chuẩn-Tướng) Nguyễn Văn
Giàu, Phụ-Tá An-Ninh của Tư-Lệnh, và Trương Bảy,
Phụ Tá Điều-Hành của Tư-Lệnh; cùng Đại-Tá Phạm Kim
Quy, Trưởng Khối Tư-Pháp.
Đại-Tá Giàu thì tôi đã gặp trước rồi. Hồi
mới từ Phủ Đặc-Ủy Trung-Ương Tình-Báo qua Cảnh-Sát Quốc-Gia,
ra công-tác ở Vùng II, từ trên phi-cơ bước
xuống sân-bay là ông liền bị xâm-xoàng; tôi, là người ra đón ông―hầu như lần nào có việc
gì liên-quan đến Quân-Lực hay quân-nhân là cấp chỉ-huy CSQG tại Vùng II đều cử tôi đại-diện đi dự họp, tiếp-xúc,
v.v...―tôi đã
giúp đưa ông vào một phòng-ngủ trong khách-sạn Nha-Trang để ông nằm tạm nghỉ-ngơi.
Đại-Tá Tây giới-thiệu tôi với họ:
− Đây là Thiếu-Tá Lê Xuân Nhuận, Phụ-Tá Đặc-Biệt
Khu I.
Sau khi các ông bắt tay tôi xong, Đại-Tá Bảy
tóm-tắt cho Đại-Tá Tây biết sự hiện-diện của
họ tại đây, đại-ý là họ phải vào báo-cáo ngay cho Tư-Lệnh biết về cái Thông-Tư quy-định
thể-thức giải-tán biểu-tình, vì Tư-Lệnh muốn đọc cho biết nội-dung, trong lúc cần
phải có quyết-định gấp về trường-hợp của Thiếu-Tá Liên
Thành, Chỉ-Huy-Trưởng CSQG Thừa-Thiên‒Huế, là người vừa mới đàn-áp một cuộc xuống
đường do chính Linh-Mục Nguyễn Kim Bính,
Chánh Xứ Phú-Cam, dẫn đầu.
Đại-Tá Quy nói rằng mình mới nhậm-chức, nên không
biết về cái Thông-Tư ấy, bảo các phần-hành tìm thì tìm không ra.
Đại-Tá Giàu nói là vấn-đề cần phải được giải-quyết
ngay, vì phía Hội-Đồng Giám-Mục, Tòa Tổng-Giám-Mục, nhất là “Phong-Trào Chống Tham-Nhũng”, thì đang gây
áp-lực nặng-nề lên Chính-Quyền.
Tôi lợi-dụng cơ-hội nói với Đại-Tá Giàu:
− Thưa đại-tá, trong vụ vừa rồi ở Huế, Thiếu-Tá
Liên Thành đã làm đúng thủ-tục quy-định
trong Thông-Tư Liên-Bộ.
Đại-Tá Giàu nhìn các Đại-Tá Bảy, Quy và Tây, nhún vai.
Tôi quay qua nói với Đại-Tá Tây rằng bức Thông-Tư Liên-Bộ ấy (Bộ Nội-Vụ, Bộ
Tư-Pháp, và Bộ Quốc-Phòng) hiện có tại Ngành Đặc-Biệt của mình. Ông hỏi lại tôi có chắc hay
không, ở đâu; tôi đáp là tại E2 (Nha Phản-Tình-Báo/Nội-Chính) của Trung-Tá Phạm Văn Ca; vì tại cấp Vùng tôi đã nhận được một
bản sao từ nơi đó gửi ra.
Đại-Tá Giàu liền nhờ Đại-Tá Tây đi lấy giùm.
Đại-Tá Tây bảo tôi ngồi chờ, rồi cả bốn ông cùng
rời phòng-chờ, xuống lầu...
*
Ngồi một mình, tôi vẩn-vơ suy-nghĩ xem những gì có thể sẽ xảy ra cho tôi.
Chuẩn-Tướng Nguyễn Khắc Bình là một người rất
“dữ”, có thể nói là “độc-tài”.
Trước khi ông qua Cảnh-Sát Quốc-Gia,
Trung-Ương cũng như các Địa-Phương đều được tự-do báo-chí.
Nhiều cấp Vùng, Tỉnh, đã có ấn-hành những đặc-san, nội-san, thư
tin, v.v... Nhưng ông ra lệnh từ nay cấm hết.
Tại Bộ Tư-Lệnh CSQG có tờ báo “Bạn Dân”,
ra đời từ thời Đệ-Nhất Cộng-Hòa.
Dưới thời Đại-Tá Tổng-Giám-Đốc Nguyễn Văn Y,
Chánh Văn Phòng [thay vì Phó Tổng-Giám-Đốc] Nguyễn
Văn Hay, chính tôi cũng đã có nhiều bài được nhận đăng trên đó, kể cả mấy
bài có vẻ... chướng tai. Bây giờ thì “Bạn
Dân” là tờ báo duy-nhất được tồn-tại, nhưng số đặc-biệt Xuân 1973 thì mãi đến
Xuân 1974 mới
được phát-hành.
Các vị soạn-thảo bản văn cải-tổ Lực-Lượng Cảnh-Sát
Quốc-Gia, hẳn không rành về nguyên-tắc hành-chánh, nên trong Sắc-Lệnh
số 17A/TT/SL ngày 1-3-1971, biến Tổng-Nha CSQG thành
một Bộ Tư-Lệnh, ngang hàng các Bộ
khác trong Nội-Các, tức là tách rời khỏi Bộ Nội-Vụ,
nhưng đã không có một khoản nào nói về ngân-sách, cho nên ngân-sách của Bộ Tư-Lệnh CSQG vẫn
còn nằm trong ngân-sách của Bộ Nội-Vụ.
Tết năm 1974, các vị bên Bộ Nội-Vụ giở
lý, bắt bí, đòi phía CSQG phải nhượng bớt cho họ một phần, nếu không thì họ
không chịu ký chuẩn-chi cho. Các cấp liên-hệ bên CSQG thì sợ, không dám
trình nội-vụ lên Tư-Lệnh Nguyễn Khắc Bình.
Báo hại, suốt cả tháng trời Cảnh-Sát Quốc-Gia cấp dưới không có xăng cho
xe chạy; các Bộ Chỉ-Huy địa-phương phải dàn-xếp với các nhà thầu để mua chịu
xăng cho cảnh-xa...
Ông ở trên cao, có những sự việc cấp dưới không dám trình lên nên ông đâu
hay... .
*
Khi ba viên đại-tá ấy từ văn-phòng Tư-Lệnh bước ra, Đại-Tá Tây ra hiệu cho tôi cùng đứng dậy để chuẩn-bị đến
phiên mình vào.
Đại-Tá Bảy chỉ vào cái cặp hồ-sơ đang cầm trên
tay (tôi đoán là vụ đàn-áp biểu-tình ở Huế),
nhìn Đại-Tá Tây, lắc đầu... .
Đại-Tá Tây đưa tôi vào gặp Chuẩn-Tướng Bình.
Trong cuộc gặp mặt này, Đại-Tá Tây chỉ đóng vai
trò dự-thính và quan-sát-viên, từ đầu đến cuối không hề nói một tiếng nào.
Sau khi bắt tay, mời ngồi, hỏi qua về sức khỏe và gia-đình tôi, xong Tướng Bình nói:
Tôi không nghĩ sao hết.
Trong một thời-buổi mà giấc mơ của không biết bao nhiêu sĩ-quan cấp tá, dù là
đã được biệt-phái từ Quân-Lực qua Cảnh-Lực rồi, hay là vẫn còn ở bên quân-ngũ,
là được cử làm Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực một Tỉnh, một Thị-Xã, hoặc một Quận ở Thủ-Đô
Sài-Gòn, thì tôi đã thấy chán ngán từ lâu cái
chức-vụ mà giá-trị công-chính của nó đã bị nhiều người dẹp bỏ, để chỉ mong đợi
cái hệ-quả tư-tà của nó mà thôi. Có thể nói đó là một cương-vị để làm tiền;
trừ một số ít chỉ tự bằng lòng với những lợi-lộc vừa-phải tự-nhiên-mà-có, còn
thì đua nhau đổi trắng thay đen vơ-vét cho đầy túi tham, mà điều tệ-hại hơn hết
là do đó mà dung-dưỡng tệ-nạn xã-hội, làm suy-yếu đội-ngũ Quốc-Gia, tạo kẽ hở
cho đối-phương xông lên.
Tôi nghĩ đến bản-thân tôi, mà gia-đình còn ở Nha-Trang:
nếu làm việc ở Đà-Nẵng như hiện nay thì tôi
còn có thể ít nhất mỗi tháng một lần về Trung-Ương và nhân đó ghé thăm
gia-đình, chứ đi làm việc ở các Tỉnh khác thì khó mà về Nha-Trang vì trái ngả đường; còn nếu đưa vợ+con theo thì cứ mỗi
lần dời-đổi chỗ ở là một lần hao-tốn, xáo-trộn, mà đã chắc gì ở được tại một Tỉnh
nào lâu đâu.
Riêng đối với Huế, sau mười lăm năm dâu-bể―kể từ ngày tôi bị đày
đi khỏi nó, vì chống độc-tài Nhà Ngô, vào
năm 1960―bộ mặt đã khác hẳn rồi, tấm lòng cũng chẳng còn nguyên;
bây giờ nếu tôi vẫn ở xa Huế mà giúp-đỡ Huế thì dễ, chứ ở ngay Huế
thì e tôi sẽ khó lòng mà tự giúp-đỡ được ngay chính mình.
Tôi thấy rõ là các cấp chỉ-huy của tôi hiện nay, Chuẩn-Tướng Bình và Đại-Tá Tây,
đã dành cho tôi một lòng ưu-ái đặc-biệt, cả một đặc-ân lớn-lao. Đáng lẽ
tôi nên nói một câu gì khéo-léo, để vừa chối-từ vừa tỏ lòng cám ơn.
Biết bao nhiêu lần tôi đã nghe rõ các người xung quanh, dù là ở cấp Xã Ấp, ở cấp
Toán Tổ, nói đến “cất-nhắc”, nói đến “chức-phận”, nào là “tri-ân”,
nào là “trung-thành”. Nhưng tôi không thể sử-dụng miệng lưỡi mình
trong trường-hợp này, mặc dù biết rằng một lời nói ngọt sẽ gây được nhiều thiện-cảm
nơi người nghe hơn.
Tôi đáp:
– Xin thiếu-tướng
cho tôi ở lại Đà-Nẵng.
Cả Chuẩn-Tướng Bình lẫn Đại-Tá Tây đều giữ vẻ
mặt điềm-nhiên, nhưng tôi nghĩ là họ hẳn không khỏi ngạc-nhiên.
Tướng Bình hỏi tôi:
– Tại sao anh không thích ra Huế?
Tôi nghĩ ngay đến trách-vụ ổn-định tình-hình nội-chính
ở Miền Trung mà Trung-Ương đã giao cho tôi, nhất là ở Huế, mà cụ-thể là chồng đơn/hồ-sơ khiếu+tố dày thịch
từ Huế mà tôi đã tế-nhị xin giao qua cho
phía An-Ninh Cảnh-Lực nhận-hành năm ngoái―nhưng thực ra các vụ-việc vẫn chưa hẳn đã
được giải-quyết trôi tròn.
Tôi thực tình trả lời Chuẩn-Tướng Bình:
– Vì tôi bị đổi đi xa, nay được trở về; gặp những kẻ đáng bị trừng-trị mà
dung-thứ thì không được, nhưng ra tay thì sẽ bị xem là trả thù hoặc
trở mặt, e không trọn tiếng với đời...
Phóng-ảnh trang 229 “Về Vùng Chiến-Tuyến” (1996)
Tướng Bình hỏi tiếp:
– Anh thấy nếu ở nơi khác thì dễ làm việc hơn ở Huế
sao?
Tôi sợ là ông hiểu lầm rằng tôi tránh né những nơi khó-khăn. Tôi không tránh
né khó-khăn mà tôi chỉ muốn tránh né những nơi mà mình có thể bị dùng làm vật
hy-sinh. Tự-nhiên tôi thấy muốn nói, công-khai và trực-diện, vì đây quả
là cơ-hội hiếm có, rằng: “Các ông đừng đánh giá tôi ngang hàng với đa-số
cùng mang cấp-bậc và/hoặc cùng giữ chức-vụ như tôi!”―ý tôi định nói là vì tôi không gặp thời,
chứ thực ra thì... Tôi bỗng kịp tự kiềm-chế, và chỉ trình-bày một cách mà
tôi cho là... khiêm-tốn:
– Tôi có khả-năng làm Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực tại bất-cứ một Tỉnh nào
trên toàn-quốc, mà không thua kém bất-cứ một người nào.
Nói xong, tôi tự thấy là mình đã lỡ lời.
Nhưng Tướng Bình gật đầu. Hẳn ông hiểu
rõ là tôi nói thật.
Nhưng có lẽ ông tưởng tôi muốn xin đi làm Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực tại một Tỉnh nào
không có người cũ quen tôi, để dễ trừng-trị những kẻ phạm-pháp hơn chăng, nên
ông hỏi tôi:
– Anh nghĩ thế nào về Tỉnh Quảng-Nam?
Thừa-Thiên là quê mẹ tôi; tôi đã lớn lên ở
đó, tôi có ở đó rất nhiều kỷ-niệm trọn đời khôn quên, thế mà tôi đã chối-từ, huống
gì Quảng-Nam. Tôi thấy thật khó nói
lên ý-kiến của mình. Tuy thế, nhìn thấy nét mặt của tôi là ông biết ngay
tôi không nhận lời.
Ông liền nói tiếp:
– Tôi cho anh chọn Tỉnh nào anh thích.
Đến tận nước này thì thật quá lắm. Một vị Tư-Lệnh Lực-Lượng Cảnh-Sát toàn-quốc,
đồng-thời cũng là Đặc-Ủy-Trưởng Phủ Đặc-Ủy Trung-Ương Tình-Báo, thứ-bậc gấp đôi
Bộ-Trưởng, hiện có đầy-đủ quyền-hành cũng như dư-thừa thuộc-viên thân-tín để chọn
bổ-nhiệm vào các chức-vụ chỉ-huy, từ ở Trung-Ương xuống đến Xã Phường, mà lại
chấp-nhận cho tôi tự chọn địa-phương công-tác theo ý muốn riêng của mình!
Tôi thật xúc-động trước thái-độ đó, cùng lúc cảm thấy thỏa-mãn, vì tự-ái được vuốt-ve.
Phải chăng Cấp Trên cần tôi tập-trung nỗ-lực đảm-trách an-ninh trật-tự riêng
cho một Tỉnh quan-trọng, như Tỉnh Thừa-Thiên,
mà tỉnh-lỵ là Thị-Xã Huế, nơi xuất-phát liên-tục
của những phong-trào chống-đối Chính-Quyền Trung-Ương, và hiện nay vẫn là nơi
sôi-sục chính-tình, nên cần có tôi có mặt thường-trực tại chỗ để chuyên-chú lo ổn-định
nội-an; hoặc Tỉnh Quảng-Nam, là nơi bám trụ
của các cơ-quan đầu-não của cả Đảng-Ủy Liên-Khu
V lẫn Bộ Tư-Lệnh Quân-Khu V
của đối-phương, cũng là hậu-cứ tiếp-nhận lực-lượng cộng-sản từ Bắc-Việt xâm-nhập vào, bàn-đạp để chúng vừa cầm
chân Quân-Đoàn I của ta, vừa tiến sâu hơn vào các tỉnh ở phía Nam, kể từ vùng đất địa-đầu chiến-lược này bên
trong phòng-tuyến A-Sau và Đèo Hải-Vân, nên cần có tôi chú-tâm bảo-vệ số đông đồng-bào
bị kẹt tại các Xã Ấp thuộc vùng tranh-chấp ở giữa hai bên? Nếu thế thì tại
sao ông lại bảo tôi chọn Tỉnh nào khác hơn? Hay là ông định đưa người nào
khác đến thay-thế tôi ở trách-vụ và hoạt-hạt hiện-thời? Trong trường-hợp
đó, tôi nên chọn một Tỉnh nào tiện đường cho tôi để dễ đi+về chăm-sóc gia-đình
hiện ở Nha-Trang.
Tôi bèn hỏi lại:
– Thưa thiếu-tướng, bất-cứ ở Vùng nào?
Tướng Bình mỉm cười, nhận thấy tôi đã lợi-dụng
câu nói của ông, trả lời:
– Cứ tạm chọn ở Vùng I trước đã!
Quảng-Trị, Quảng-Tín,
Quảng-Ngãi, đều càng bất-tiện hơn Thừa-Thiên và Quảng-Nam.
Tôi suy-nghĩ nhanh trong đầu: nếu lại từ-chối thì có thể làm cấp trên bực mình,
nên tôi dựa theo câu nói của ông mà trả lời ông, vì tôi biết chắc là sẽ bị từ-chối
ngay:
– Nếu thiếu-tướng cho tôi đảm-trách Thị-Xã Đà-Nẵng...
Và, để mở một lối thoát cho cả ông lẫn tôi, hầu chấm dứt vụ cử-nhiệm này, tôi
nói thêm:
– Tôi có thể kiêm-nhiệm cả Đặc-Cảnh Vùng I lẫn Cảnh-Lực Thị-Xã
Đà-Nẵng, để nâng phía Sắc-Phục ở
đó lên... .
*
Chuẩn-Tướng Bình im-lặng một lát rồi chuyển câu
chuyện qua đề-tài khác. Ông hỏi tôi:
– Anh có tham-gia đảng-phái nào không?
Tôi đáp:
– Tôi là người không đảng-phái.
Có lẽ ông muốn hỏi xem, ngoài các đảng-phái chính-trị ra, còn có hội-đoàn, phe-nhóm
hoặc nhân-vật hữu-danh hữu-quyền nào khác đỡ đầu cho tôi hay không, nên ông
khéo-léo:
– Hồi đó, ai giới-thiệu anh qua Phủ Đặc-Ủy?
Sự-việc thật là đơn-giản, nhưng ông không nghĩ đơn-giản, và tôi cũng khó trình-bày
đơn-giản.
Cả một quá-trình chuyển-biến của Ngành Cảnh-Sát
Công-An Quốc-Gia qua suốt gần ba thập-niên hiện lên trong đầu-óc
tôi; nhưng các viên-chức dù cao cấp nhất, dù lớn chức nhất, và già nghề nhất,
cũng có mấy ai nắm vững vấn-đề?
Tôi đành trả lời ngắn gọn:
– Tôi được chỉ-định dự thi khả-năng chuyên-môn, trắc-nghiệm bằng máy polygraph dò-sự-nói-dối, học Khóa đầu tiên Tình-Báo Đặc-Biệt Cao-Cấp của
Mỹ, rồi được biệt-phái qua Phủ Đặc-Ủy, chứ
không do sự giới-thiệu của một nhân-vật hay đoàn-thể nào.
Tướng Bình lại đổi đề-tài. Ông hỏi tôi:
– Anh với Lê Văn Hảo liên-hệ thế nào?
Thì ra Cấp Trên vẫn chưa biết rõ sự liên-hệ ấy.
Tôi đáp:
– Lê Văn Hảo là
em-khác-mẹ của vợ tôi.
Ông hỏi thêm:
– Sau vụ cộng-sản tổng-tấn-công Tết Mậu-Thân
1968 thì sao?
Tôi trình-bày:
– Hảo theo Việt-Cộng;
tôi có báo-cáo lên Trung-Tá Nguyễn Mâu, hồi đó là Phụ-Tá Tư-Lệnh/Trưởng
Ngành Đặc-Biệt Trung-Ương; Trung-Tá Mâu nói
rằng: “Trong một gia-đình, có thể có người này bên này, kẻ kia bên kia; nếu
anh không dính-dáng gì với y thì thôi!” Đương-nhiên TrT. Mâu và CSĐB Trung-Ương đã cho mật theo-dõi vụ này.
Thực-tế, tôi, và vợ tôi, không hề liên-lạc với anh-ta.
Tôi rất ngạc-nhiên tại sao mãi đến giờ này Chuẩn-Tướng Tư-Lệnh Cảnh-Lực mới nêu
vấn-đề đó ra với tôi.
Phải chăng Trung-Ương không biết chuyện đó trước khi cử tôi ra Miền Trung?
Còn nếu có biết và có nghi tôi thì đâu có bổ-nhiệm tôi?
Ngược lại, tuy biết mà vẫn tin tôi thì còn nhắc lại làm gì?
Hay là mãi đến gần đây mới biết?
Tôi nhớ, trước đó không lâu, trong một buổi họp tại phòng-giấy của Thiếu-Tướng Hoàng Văn Lạc, Phó Tư-Lệnh Quân-Khu I, nhân khi Đại-Tá Lê Quang Nhơn, Chánh-Sở I An-Ninh Quân-Đội, thuyết-trình về công-tác
theo-dõi các quân-nhân có liên-hệ gia-đình với Việt-Cộng―các quân-nhân này có
tên trong một loại hồ-sơ đặc-biệt gọi là “Hồ-Sơ
Z”; cách phân-loại này về sau cũng được áp-dụng đối với cảnh-nhân―Đại-Tá Nhơn đã nói: “Ngay trong năm anh+em chúng
tôi ngồi họp ở đây, cũng có người có hồ-sơ Z”.
Năm người hiện-diện là Đại-Tá Nguyễn Xuân Lộc,
Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực Vùng I; Đại-Tá Phạm Văn Phô,
Trưởng Phòng 2 Quân-Đoàn và Quân-Khu I; Trung-Tá Phạm
Xuân Bách, Phụ-Tá Trung-Tâm-Trưởng Phụng-Hoàng Vùng I; Đại-Tá Nhơn, và tôi.
Họ có ám-chỉ gì tôi hay không?
Hẳn là Tướng Bình có được “Người Bạn Đồng-Minh” [tên gọi mới của cố-vấn CIA] cho biết, vì chính tôi đã đích-thân kể rõ mối
liên-hệ ấy với “Người Bạn Đồng-Minh”
của tôi―rồi NBĐM
Vùng I báo-cáo lên NBĐM Trung-Ương, rồi vị này báo lại cho Tướng Bình, nên ông đích-thân hỏi tôi để ông trực-tiếp
nghe cho rõ hơn?
Nguyên Bộ Tư-Lệnh CSQG/Ngành Ðặc-Biệt Trung-Ương có khám-phá ra được một Cụm Tình-Báo
Chiến-Lược của Cộng-Sản Bắc-Việt hoạt-động tại
Miền Nam. Cũng như Vũ Ngọc Nhạ của cố Tổng-Thống Ngô Ðình Diệm, Huỳnh
Văn Trọng, là Phụ-Tá của Tổng-Thống Nguyễn
Văn Thiệu, bị lột mặt nạ là cán-bộ nội-tuyến của đối-phương. Trong
việc lùng bắt đồng-bọn tại địa-phương, Trưởng Ngành Ðặc-Cảnh hồi đó tại Vùng I
là Chủ-Sự Phòng Cảnh-Sát Đặc-Biệt Lê Đình Khôi – nguyên là một
cán-bộ VC hồi-chánh – vì đã “sơ-xuất để cho cán-bộ của địch tại địa-phương lọt lưới” nên bị
nghi là Việt-Cộng nằm vùng. Khôi bị Bộ
Tư-Lệnh Cảnh-Sát Quốc-Gia cất chức, tạm giữ để điều-tra suốt nhiều tháng, xong
cho trở về tiếp-tục làm việc tại cơ-quan cũ, là Ngành
Đặc-Biệt Vùng
I, bây giờ ở dưới quyền tôi*.
-------
*Sự Thật là Lê
Đình Khôi phải trả tự-do cho một nữ cán-bộ VC theo lệnh của cấp chỉ-huy
trực-tiếp, hồi đó là Kiểm-Tra Võ Lương,
Giám-Đốc Nha CSQG Vùng I (mà theo dư-luận thì ông này đã có quan-hệ riêng-tư với
ả-ta). Sau vụ đó thì chính Ô. Võ-Lương
cũng đã rời khỏi Vùng I, về Sài-Gòn.
Lê Đình Khôi hồi đó tạm-trú tại nhà của
Ô. Lê-Văn Tập, một phú-gia tên-tuổi của
Thành-Phố Ðà-Nẵng, bạn thân của thân-phụ Khôi. Ô. Tập,
có ba bà vợ, có mấy người con-gái trẻ tuổi cùng ở tại đây. Do đó,
nhân-viên điều-tra tưởng rằng Khôi là con-rể
trong nhà này. Nay tôi mới đến, vì chưa có chỗ ở, nên cũng tạm-trú tại
đó, là nhà của nhạc-phụ tôi. Vì thế, khi Người
Bạn Ðồng-Minh muốn tìm hiểu tôi, mà cách hay nhất là nhờ chính các
nhân-viên Đặc-Cảnh bí-mật điều-tra giùm, thì kết-quả là tôi trở thành anh-em-cột-chèo
với Khôi, người đang bị theo-dõi vì bị nghi
là nội-tuyến của đối-phương.
Tôi được thân-tình-viên trong nội-bộ cơ-quan CIA
và Tòa Tổng-Lãnh-Sự Hoa-Kỳ tại Đà-Nẵng cho
biết, rằng Người Bạn Đồng-Minh Vùng I của
tôi, là Đại-Tá Kenneth Ferguson, cũng có giao cho Người Bạn Đồng-Minh Tỉnh Thừa-Thiên/Thị-Xã Huế
đảm-trách việc điều-tra này, vì ngại nhân-viên Đặc-Cảnh trong này [Đà-Nẵng] thiên-vị về tôi, và trước kia tôi và vợ
tôi ở Huế, mà gia-đình Ô. Lê Văn Tập cũng như Lê
Đình Khôi cũng đều gốc Huế.
Người Bạn Đồng-Minh ngoài đó đương-nhiên phải nhờ Ngành Đặc-Biệt đồng-cấp
[cấp tỉnh/thị] của mình; như thế thì hẳn nhân-viên của Sở Đặc-Cảnh Thừa-Thiên/Huế
đã vào Đà-Nẵng mò-mẫm dò-la.
Tôi biết được điều đó, nên đặt thẳng vấn-đề với Ferguson.
Các cô em của vợ tôi hồi đó còn đi học, mà nhà Ô. Lê-Văn
Tập là nhà lớn, có lầu, có sân, ở giữa thành-phố, nên vào buổi chiều, nhất
là vào các ngày cuối tuần, có khá nhiều bạn học đến chơi, người ngoài không
phân-biệt được ai là con, ai là bạn của con ông. Lê
Đình Khôi – là con của Ô. Hường [Hồng Lô
Tự Khanh] Loan (bạn của Ô. Tập) – đã cưới một cô trong số các cô nữ-sinh ấy, không phải là con của Ô. Tập, nên Khôi không
phải là rể của Ô. Tập, tức Khôi không phải là anh-em-cột-chèo của tôi.
Tôi cho Ferguson xem hồ-sơ của Khôi, với giấy giá-thú, tờ khai lý-lịch, chứng-minh
là vợ đương-nhân không có họ-hàng gì với gia-đình vợ tôi. Ferguson vừa mừng-rỡ cám ơn tôi, vừa luống-cuống
ghi-chép những điểm cần; tôi đoán là anh đang lựa lời để biện-minh cho việc-làm
của mình, mà suýt nữa là phạm phải lỗi-lầm. Cuối-cùng, không thể dối
lòng, anh thú-nhận:
– Tôi tưởng là anh lọt vào lưới tôi, nhưng chính là tôi lọt vào lưới anh!
Ðó là câu nói chống-chế xã-giao, nhưng nó bộc-lộ đức-tính sòng-phẳng của Người Bạn Đồng-Minh
của tôi.
Tiếp theo, tôi cho Ferguson biết thêm về một
mối liên-hệ khác trong gia-đình vợ tôi, quan-trọng hơn cái mẩu tin dởm về
anh-em-cột-chèo.
Ô. Lê Văn Tập, cha của vợ tôi (đã qua đời
vào năm 1968), là thân-phụ của Tiến-Sĩ Lê Văn Hảo, Chủ-Tịch “Ủy-Ban
Nhân-Dân Cách-Mạng Tỉnh Thừa-Thiên / Thành-Phố
Huế” vào vụ Tết
Mậu-Thân.
Vợ tôi là chị-khác-mẹ của Hảo, chứ
không phải là một trong số các cô em.
Lê Văn Hảo đi du-học Pháp từ nhỏ, tốt-nghiệp năm 1965, về nước dạy tại các Viện Ðại-Học Sài-Gòn, Đà-Lạt,
và Huế, rồi vào trước vụ VC tổng-công-kích Tết Mậu-Thân 1968 tại Huế thì
vào rừng với đối-phương.
Trước kia, vợ tôi ở với mẹ ruột tại Huế, còn
Hảo thì ở Châu
Âu.
Sau ngày Lê Văn Hảo*
hồi-hương thì Hảo chỉ ở Sài-Gòn và Huế,
còn tôi [cùng với vợ tôi] thì bị cầm chân trên Cao-Nguyên (Darlac, Quảng-Đức, Pleiku)
từ năm 1960.
-------
*Đã bỏ VC qua tị-nạn chính-trị tại Pháp từ năm 1989 và đã chết rồi.
Tóm lại, vì biết em mình hoạt-động cho VC nên vợ tôi không liên-lạc hỏi-han gì,
còn tôi thì chưa hề gặp mặt Hảo cho đến tận
ngày hôm nay.
Ðó là tin-tức sốt dẻo – anh-rể thật-sự của một nhân-vật cộng-sản quan-trọng hiện-thời – có giá-trị gấp bội
phần so với trường-hợp của Lê Đình Khôi – chỉ là một
viên-chức bị nghi, mà mấy tên gà-mờ gán cho là “anh-em-cột-chèo” với
tôi.
Tất-nhiên Ferguson đã cho tái-kiểm-chứng, và
đã có được sự thật một cách đơn-giản, nhanh-chóng, dễ-dàng.
Từ đó, anh cởi-mở và tận-tụy với tôi hơn bao giờ.
Nhưng cũng từ đó tôi phải khổ nhọc với công-vụ hơn bao giờ, vì phải đương-đầu nhiều
hơn với cả khách ngoài ngành cũng như bạn trong nghề, trong lúc còn
phải đối-phó với quân thù cả đằng trước mặt lẫn đằng sau lưng*.
-------
*Sự-việc này đã được kể lại
trong cuốn “Về Vùng Chiến-Tuyến” do Nhà “Văn Nghệ” xuất-bản năm 1996 (trang 302-03).
Bỗng-nhiên,
trên diễn-đàn vô-tuyến “PalTalk” vào ngày 23-8-2010, cựu Thiếu-Tá Liên Thành, cựu CHT/CSQG Thừa-Thiên–Huế, đã phát-biểu rằng Phan [thay vì Lê!] Xuân Nhuận, ở cương-vị Trưởng Ngành Đặc-Biệt Vùng I,
‘đã bị sa-thải khỏi cơ-quan Cảnh-Sát Quốc-Gia một thời-gian, vì đã thả một
cán-bộ VC, có liên-hệ gia-đình với CS (có vợ là em của Lê Văn Hảo)’, v.v...
Lê Xuân Nhuận đã cải-chính
nhưng Liên Thành vẫn giữ nguyên lời “tố-cáo” của mình.
Phóng-ảnh trang 303 “Về
Vùng Chiến-Tuyến”
(1996)*
-------
*Xin lưu ý là Lê Đình Khôi cầm đầu Ngành Cảnh-Sát Đặc-Biệt Vùng I Chiến-Thuật
vào thời Kiểm-Tra Võ
Lương làm Giám-Đốc
CSQG Vùng I Chiến-Thuật (từ 1966) – rồi đến Thiếu-Tá Hồ Anh Triết làm Trưởng Ngành Đặc-Biệt Vùng I vào thời
Đại-Tá Dương Quang
Tiếp làm CHT/CSQG Vùng
I – còn Lê Xuân Nhuận thì mãi đến cuối năm 1973 mới “về
Miền Trung” vào thời Đại-Tá Nguyễn Xuân Lộc.
Vậy thì: Khôi và Nhuận cách nhau 2 “thời”, vào khoảng 5 năm:
– Rõ là “rứt râu cha nọ cắm cằm mẹ kia!”
Tôi trình-bày lại rõ-ràng chi-tiết việc đó với Chuẩn-Tướng Nguyễn Khắc Bình [và Đại-Tá Huỳnh Thới Tây]*.
-------
*Phải chăng Người
Bạn Đồng-Minh Vùng I đã không cho
NBĐM Thừa-Thiên‒Huế
biết; hoặc có cho biết, nhưng NBĐM ngoài đó không báo lại cho phía CSQG/CSĐB đồng-cấp
biết – hoặc có thông-báo, nhưng vì lý-do nào đó, tỷ như
ngôn-ngữ (người Mỹ ít khi nhấn mạnh “elder”
hay “younger” brother/sister) nên người nghe không còn nhớ đúng – về việc Lê Văn Hảo là “em-khác-mẹ”, chứ không phải là “anh”
của vợ tôi.
Bỗng tôi giật mình. Phải chăng Cấp Trên không chỉ nghi tôi vì tôi có thân-nhân
là Việt-Cộng, mà lại nghi tôi vì tôi “lý-tưởng” quá chừng: không cần
phe-phái, không màng cấp-chức, không thèm lợi-lộc, mà vẫn phục-vụ tận-tụy và hữu-hiệu
hơn người? (Tôi đã có nghe Trung-Tá Nguyễn Hữu
Hải, Giám-Đốc Ngành Đặc-Cảnh Vùng II,
kể lại rằng, trong một cuộc họp tại Trung-Ương, Đại-Tá Huỳnh Thới Tây khi đề-cập đến tôi, đã
khen-ngợi tôi không tiếc lời, đồng-thời lại đặt câu hỏi: “Quái! Sao thằng Nhuận nó tài đến thế!”)
*
Ngưng một lát, Chuẩn-Tướng Nguyễn Khắc Bình chuyển
sang vấn-đề khác:
– Anh nói tóm-tắt tình-hình ở Huế hiện
nay ra sao?
Tình-hình ở Huế nói riêng, và những nơi khác
liên-quan đến Huế nói chung, thì tôi đã có báo-cáo
lên đầy-đủ rồi.
Tôi chỉ nhấn mạnh vài điểm nổi bật mà thôi:
– Về phần cộng-sản thì quả trước đây chúng đã nắm được đa-số các tay
“lãnh-tụ” tập-thể sinh-viên, nhất là qua vụ vu-khống “Chính-Quyền bắt cóc
Sinh-Viên” vừa rồi, chúng đã tạo được ảnh-hưởng trong giới phụ-huynh
sinh-viên & học-sinh, giáo-chức, và cả quần-chúng nói chung.
“Nhưng tôi đã lập kế-hoạch, đích-thân chỉ-đạo và yểm-trợ cho Sở Đặc-Cảnh Thừa-Thiên/Huế sử-dụng
một số biện-pháp tình-báo chuyên-môn để lật ngược lại thế cờ, làm chủ
tình-hình. Hiện nay, chúng ta đã chiếm được thế thượng-phong đối với cộng-sản
trong giới giáo-chức, sinh-viên & học-sinh ở nội-thành rồi”*.
-------
*Xem các trang 269 và 279.
– Về phần nội-chính?
– Tuy không có những tổ-chức nhỏ và nhiều như từ Đà-Nẵng
trở vào, nhưng hai tổ-chức lớn thì rất đáng được Chính-Quyền
quan-tâm: đó là “Lực-Lượng Hòa-Hợp Hòa-Giải
Dân-Tộc” và “Phong-Trào Chống
Tham-Nhũng và Kiến-Tạo Hòa-Bình”, mà cấp-thiết nhất là “Phong-Trào” này.
– Anh nói về Lực-Lượng Hòa-Hợp Hòa-Giải
Dân-Tộc trước.
– “Lực-Lượng” ấy quy-tụ được hầu hết Phật-Tử là thành-phần đại-đa-số
trong dân-chúng, kể cả công-chức và quân-nhân. Ngoài Khối Ấn-Quang xuất-phát
từ Miền Trung và kiểm-soát hầu hết Phật-Giáo-Đồ
khắp nơi, Đại-Tướng Dương Văn Minh đã thu-phục
được hầu hết giới tín-đồ Phật-Giáo gốc Miền Nam,
và Giáo-Sư Vũ Văn Mẫu đã lôi-cuốn được hầu hết
khối tín-đồ Phật-Giáo gốc Miền Bắc di-cư.
Đối với quốc-tế thì đó là thành-phần thứ ba; đối với quốc-nội thì đó là
tập-hợp dân-sự lớn mạnh nhất, bao gồm nhiều chính-đảng nhất; các cấp lãnh-đạo lại
là nhân-vật dân-cử có quyền bất-khả xâm-phạm.
“Điều đáng nói là cộng-sản đã len-lỏi vào, và chính-quyền địa-phương thì không dám
dòm-ngó đến, phó mặc cho Trung-Ương lo.
“Tuy thế, tôi đã có người bên trong, cho nên biết trước chương-trình & nội-dung
sinh-hoạt của họ, khắp Vùng.
“Trên hết, chính tôi đã gặp, trực-tiếp nói chuyện với Thượng-Nghị-Sĩ Vũ Văn Mẫu, Giáo-Sư Võ
Đình Cường, và các tay cầm đầu, nên biết ý-đồ của họ, và tôi đã có trình
lên thiếu-tướng rồi.”
– Anh có chắc-chắn là không có gì đáng lo?
– Vâng, nếu họ vẫn cứ tổ-chức mít-tinh tại các sân chùa, chứ không xuống
đường gây xáo-trộn trật-tự chung, như họ đã cam-kết với tôi, và nếu họ
không xúi-giục quân-đội gây binh-biến gì, mà chỉ chờ-đợi đến ngày bầu-cử Tổng-Thống,
vào cuối năm tới, như họ đã nói rõ với tôi. Tính đến hôm nay, và riêng Miền Trung thì
thế; còn về tương-lai, và các nơi khác thì tôi không dám đoán trước...
– Còn về “Phong-Trào Chống Tham-Nhũng”?
Tôi tin là Thiếu-Tướng Bình, tuy là tín-đồ Đạo
Chúa, nhưng ông “sống đời công-chính theo lời Chúa dạy”, sẽ “rất công-bình chứ
không thiên-vị Đạo nào”, không bao che cho người nào, nên tôi nói thẳng cảm+nghĩ
của tôi:
– Chủ-đề chống tham-nhũng thì hấp-dẫn đối với mọi người, kể cả một
số người mà bản-thân cũng không trong-sạch gì; nhưng tham-gia vào “Phong-Trào” thì hầu như là chỉ có tín-đồ Kitô-Giáo*; còn
xuống đường thì là những phần-tử mà quyền-lợi vật-chất hoặc tinh-thần đã quá gắn
liền với cố Tổng-Thống Ngô Đình Diệm và
gia-đình.
-------
*Một số nhân-vật chính-đảng và tổ-chức
khác có tham-gia vào, nhưng không đáng kể so với đại-khối
hơn 301 linh-mục.
“Dù sao, cuộc biểu-tình của họ mà bị Cảnh-Sát [do Thiếu-Tá Liên Thành chỉ-huy] đàn-áp vừa rồi cũng đã gây được
một tiếng vang, có lợi cho “Phong-Trào”,
tức là có hại cho Chính-Quyền. Đó là một bước dò đường. Tin-tức mới
nhất cho biết là “Phong-Trào” sẽ tổ-chức
xuống đường khắp nước. Từ Huế, Quảng-Trị vào các Tỉnh Vùng
II thì do Linh-Mục Nguyễn Kim Bính,
cha xứ Phú Cam, khởi-xướng.
“Tại Thủ-Đô Sài-Gòn và các Tỉnh Vùng III, Vùng IV thì
do Linh-Mục Trần Hữu Thanh phát-động.
“Khi đó thì tình-hình khắp nước sẽ rối beng; Chính-Quyền khó kiểm-soát được dân-chúng,
ngay cả các Ban Tổ-Chức biểu-tình cũng không nắm vững thành-phần tham-gia.
Và không ai đối-phó nổi với phản-ứng của các thành-phần bị họ chống,
trong khi các phương-tiện truyền-thông trong và ngoài nước tha-hồ đổ thêm dầu
vào.
“Tóm lại, ‘Phong-Trào’ không chờ đến ngày
bầu-cử sang năm; họ muốn Tổng-Thống Nguyễn Văn Thiệu
phải từ-chức ngay; họ muốn có một Tổng-Thống là tín-đồ Đạo Kitô.”
Chuẩn-Tướng Bình nhắc tôi:
– Tổng-Thống [Nguyễn Văn Thiệu] cũng
là...
Tôi thấy ông có vẻ thực tình muốn biết Sự Thật nên
tôi trình-bày:
– Nhưng có một số phần-tử phân-biệt “đạo
dòng” với “đạo theo”*. Vả lại, vấn-đề không ngừng ở đó, mà là nhắm
vào vai trò giáo-dân của người lãnh-đạo quốc-gia. Họ muốn có một Tổng-Thống
rập khuôn cố Tổng-Thống Ngô Đình Diệm.
Tống-Thống hiện nay không hề đối-xử phân-biệt với các tín-đồ đạo khác, không chịu
lợi-dụng Chính-Quyền để tạo ưu-thế cho Đạo Kitô – tỷ như gia-tăng
tín-đồ – mà lại lập một đảng riêng là Đảng Dân-Chủ, nên họ bất-mãn. Họ đồn miệng
rằng Đức Tổng-Giám-Mục Nguyễn Văn Bình đã “cảnh-cáo”
Tổng-Thống về khoản này.
-------
*Trong quan-điểm đó, mãi đến
thế-kỷ 21, nhà văn Nguyễn
Văn Lục còn phát-biểu
về Cựu-Hoàng Bảo-Đại
như sau:
“Bản thân Bảo Đại là người gốc Phật giáo, cái nhãn hiệu Thiên Chúa giáo bất quá chỉ là ‘đạo theo’ cho có lệ, và chính thức ông chưa hề bao
giờ là người Thiên
Chúa giáo.”
“Nổi bật nhất là nội-dung những lời thuyết-giáo của Linh-Mục Nguyễn Kim Bính tại nhà thờ Phú-Cam, Huế, mà
tôi đã cho thu băng gửi trình thiếu-tướng, trong đó đã có hai đoạn tiêu-biểu cho
hai phương-diện của một vấn-đề: một đoạn Linh-Mục Bính hằn-học khích-động đồng-đạo, đại-ý “người ta đã ám-hại
một tổng-thống anh-minh...”, và một đoạn ông cay-đắng phân bua, đại-ý “như
tôi là một Cha Xứ ở Phú
Cam này, có ai mà không biết tôi; thế mà cái “ngài” Đại-Tá Tôn Thất Khiên ấy, cái “đấng” Tỉnh-Trưởng Tôn Thất Khiên ấy, đến nhậm-chức ở đây đã bao lâu rồi,
mà vẫn chưa hề đến thăm hỏi tôi lấy một lần...”
Chuẩn-Tướng Nguyễn Khắc Bình gật đầu:
– Tôi đã có nghe cuốn băng ấy rồi.
Ông hỏi tiếp tôi:
– Theo anh thì những việc gì cụ-thể có thể xảy ra trong tương-lai gần, hậu-quả
thế nào?
– Cộng-sản Bắc-Việt ồ-ạt chuyển quân
và chiến-cụ vào. Quân-Lực của ta thì bị bó tay vì bản Hiệp-Định Paris;
nếu có đụng-độ quân-sự thì điều đó thuộc thẩm-quyền của cấp Trung-Ương. Riêng
về phương-diện chính-trị nội-bộ thì tình-hình chung ngày càng xấu thêm: các
cấp Chính-Quyền địa-phương không biết thu-phục dân-tâm; nhất là ở vùng ven-ô,
nói chi ở vùng tranh-chấp. Đồng-bào chán ghét tham-nhũng, mà lại
khao-khát hòa-bình. Tổ-chức của nhóm các Linh-Mục Trần Hữu Thanh và Nguyễn Kim Bính là
“Phong Trào Nhân Dân Chống Tham Nhũng để Cứu Nước và Kiến Tạo Hòa Bình”.
Một số tín-đồ Kitô-Giáo sẽ đồng-loạt xuống
đường khắp nơi. Nếu không ngăn-chận thì có thể có bạo-động. Giả-dụ
một số quá-khích (Việt-Cộng xúi-giục) tấn-công những người mà họ cho là đã
tham-gia tích-cực vào cuộc Cách-Mạng 1-11-1963 lật
đổ chế-độ Đệ-Nhất Cộng-Hòa, mà những
người ấy thì nằm bên phía “Lực-Lượng”,
và tất-nhiên là những phần-tử này sẽ phải tự-vệ, biến thành xung-đột tôn-giáo, ít
nhất cũng như biến-cố Thanh-Bồ Đức-Lợi tại Đà-Nẵng trước
đây. “Phong-Trào” mà “làm mạnh”
được thì phía “Lực-Lượng” hẳn cũng sẽ
không chịu thua. Ngăn-chận thì bị gán cho là đàn-áp tôn-giáo; giả-dụ có kẻ
bắt chước nữ-Dân-Biểu Kiều-Mộng-Thu, nằm lăn
giữa đường để cho phóng-viên chụp ảnh, quay phim, dùng làm bằng-chứng là ả đã bị
cảnh-sát bạo-hành, xong kéo đồng-bọn vào nhà-hàng lớn ăn khao, trong lúc phản-ứng
của dư-luận chung, cả trong nước lẫn ngoài nước, nhất là tại Hoa-Kỳ, chỉ nhìn vào tấm ảnh “dân-biểu mà cũng còn
bị đánh ngã giữa đường” thì rất bất-lợi cho ta.
“Hơn nữa, làm sao có đủ lực-lượng để giúp vãn-hồi an-ninh: kinh-nghiệm
các vụ lộn-xộn ở Quận Hoài-Nhơn của Tỉnh Bình-Định*, Thị-Xã
Tuy-Hòa của Tỉnh Phú-Yên*, vừa qua, cho thấy là Chính-Quyền Tỉnh bất-lực
khi chính Cảnh-Sát của địa-phương mình bị đám lộng-hành bao vây, tấn-công.
Trung-Ương cũng khó tiếp tay: chỉ nội một vụ ở Chùa Linh-Sơn, Đà-Lạt,
mà phải cần có phi-cơ quân-sự di-chuyển Cảnh-Sát
Dã-Chiến từ Sài-Gòn lên; nếu có biến-động nhiều nơi một lần thì
làm sao mà giải-nguy?
-------
“Quan-trọng hơn hết là bọn Việt-Cộng đã xâm-nhập vào “Phong-Trào Chống Tham-Nhũng và Kiến-Tạo Hòa-Bình”.
Chúng đã hiểu rõ là tổ-chức này thù-hận chế-độ hiện-thời hơn hết (vì Sư-Đoàn của
Tổng-Thống là lực-lượng chủ-yếu tấn-công Dinh
Gia-Long), nên chúng lợi-dụng để có thêm những đồng-minh chung sức chống
phá Việt-Nam Cộng-Hòa.
“Trong lúc đó, ‘Phong-Trào’ đã bắt đầu lôi
kéo thêm các tổ-chức khác nữa, từ bên ngoài Kitô-Giáo
– thí-dụ Đảng Đại-Việt – để cùng hưởng-ứng ‘Phong-Trào’.
“Việt-Cộng thấy rõ ‘Phong-Trào’ là hình-thức
đối-lập hợp-pháp, nấp được vào đó là hoạt-động dễ vô cùng.
“Chúng sẽ có thể trà-trộn xúi-giục chiếm giữ công-sở, đột-nhập đồn bót, khủng-bố,
phá-hoại, ít nhất là cũng thành-công về mặt chính-trị, thông-tin tuyên-truyền...”
– Theo anh thì Chính-Quyền nên đối-phó cách nào?
Tôi nghĩ đến mối ác-cảm của Linh-Mục Nguyễn Kim
Bính, Cha Xứ Phú-Cam, đối với Đại-Tá Tỉnh/Thị-Trưởng
Tôn Thất Khiên, vì đã “chưa hề đến thăm hỏi”
ông lần nào, và mối căm-thù của ông đối với Thiếu-Tá Liên
Thành, Chỉ-Huy-Trưởng CSQG địa-phương, vì đã “đàn áp cuộc xuống đường”
do chính ông dẫn đầu, và chương-trình hành-sự của tôi.
– Tôi xin đề-nghị Trung-Ương tạm-thời nhượng-bộ “Phong-Trào” một bước đầu tiên, để tiện cấp-thời
vô-hiệu-hóa mọi kế-hoạch hoạt-động của họ hiện nay, bằng cách cử hai tín-đồ Kitô-Giáo, gốc-gác Đệ-Nhất
Cộng-Hòa và thân-cận với giới cựu
Cần-Lao, ra làm Tỉnh-Trưởng và Chỉ-Huy-Trưởng
Cảnh-Sát Quốc-Gia tại Tỉnh Thừa-Thiên & Thị-Xã
Huế...
Thiếu-tướng Bình và Đại-Tá Tây nhìn nhau.
Tôi nói tiếp liền:
– Như thế là chỉ mới giải-quyết được bước đầu, chứ chưa xong trọn vấn-đề.
“Nếu tôi còn ở Vùng I thì tôi, chính tôi, sẽ ngăn-chận được mọi sự xáo-trộn tiếp
theo, cho Vùng I, và do đó, cho toàn Miền Nam...”
*
Chuẩn-Tướng Nguyễn Khắc Bình, Tư-Lệnh Lực-Lượng
Cảnh-Sát Quốc-Gia Việt-Nam Cộng-Hòa, đứng dậy,
đưa tay bắt tay cám ơn tôi, và kết-thúc cuộc tiếp-xúc bằng lời khuyến-khích tôi
và hứa-hẹn sẽ thăng cấp cho tôi vào “Ngày Cảnh-Lực”
1-6-1975.
Tôi cùng Đại-Tá Hùynh Thới Tây trở về văn-phòng
Trưởng Ngành Đặc-Cảnh Trung-Ương, lần này thì cùng đi bộ.
Tôi muốn nói lên một lời cám ơn ông đã đề-bạt tôi, đã dành cho tôi rất nhiều đặc-quyền,
đặc-ân, mà các viên-chức khác, ngang tôi, kể cả cao cấp hơn tôi, cũng không có
được – đương-nhiên là trong công-vụ mà thôi. Ít nhất
thì ông cũng đã bắt cả các cấp Giám-Đốc phụ-tá của ông tại Trung-Ương phải
đích-thân đáp-ứng ngay mọi đề-nghị của tôi; và, thay vì, như với nhiều giới-chức
khác – cấp dưới dâng nạp quà cáp lên cho cấp trên – thì ông ngược lại đã cho riêng tôi mỗi tháng 20,000 đồng, tương-đương gần
nửa tháng lương của tôi, để thuê nhà ở, vì tôi phải rời gia-đình mà ra Miền Trung – tất-nhiên
với sự tán-đồng của Chuẩn-Tướng Nguyễn Khắc Bình.
Nhưng tôi không nói ra được lời cám ơn đó, vì nó có vẻ nịnh-hót thế nào ấy – một việc mà tôi không bao giờ làm, cho nên đã bị thiệt-thòi từ hai mươi
bảy năm nay.
Chúng tôi lặng-lẽ bước bên cạnh nhau, trước những cặp mắt ngạc-nhiên của nhiều sĩ-quan
gặp trên đường đi.
Cuối cùng, như để đánh tan bầu không-khí lạt-lẽo ấy, và lấy lại thế chủ-động, Đại-Tá
Tây nói với tôi:
– Qua Sắc-Phục thì có tiền...
Câu nói ngắn-ngủi mà tôi nghe như nói lên tâm-tư của một số đông viên-chức chỉ-huy
Ngành Đặc-Cảnh thời bấy giờ.
Sau đó, ông không quên trao tiền thuê nhà cho tôi, và nhắc tôi cần gì thì giải-quyết
gấp với các Giám-Đốc hữu-quan, để còn rời Sài-Gòn sớm
mà ghé thăm gia-đình hiện ở Nha-Trang… .
*
Tôi vừa về đến Nha-Trang thì nhận được tin Trung-Ương
đã cử hai nhân-vật khác đến thay Đại-Tá Tôn Thất
Khiên và Thiếu-Tá Liên Thành trong chức-vụ
Tỉnh/Thị-Trưởng và Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực Tỉnh Thừa-Thiên
& Thị-Xã Huế.
Tân Tỉnh/Thị-Trưởng là Đại-Tá Nguyễn Hữu
Duệ.
Đại-Tá Nguyễn Xuân Lộc, Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực
Vùng I, nhắn tôi ra Đà-Nẵng gấp, để cùng ông ra Huế chủ-tọa lễ giao-nhận chức-vụ Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực
Tỉnh Thừa-Thiên & Thị-Xã Huế, giữa Thiếu-Tá Liên-Thành
và Trung-Tá Hoàng Thế Khanh.*
-------
*Xem “Trung-Tá Hoàng Thế Khanh”, trang
367.
Những lần trước, tôi có thể ở lại với gia-đình vài ngày; vì tuy ở xa nhiệm-sở, dù
ở Tỉnh/Thị/Quận nào khác, kể cả những ngày ở Sài-Gòn
và ở Nha-Trang, nhưng qua một hệ-thống
liên-lạc đặc-biệt mà tôi đã tự mình sắp-xếp và đặt trong tình-trạng thường-trực
24/7, tôi vẫn liên-tục trực-tiếp điều-khiển và giải-quyết mọi việc ở cơ-quan.
Lần nầy thì tôi phải gọi Hãng Hàng-Không Air Vietnam yêu-cầu dành chỗ ưu-tiên để sáng hôm sau tôi ra Đà-Nẵng ngay**.
-------
**Bản gốc Chương này đã được in trong
cuốn hồi-ký “Về Vùng Chiến-Tuyến” do Nhà “Văn Nghệ” ở Nam California,
USA, xuất-bản năm 1996,
nay được in lại, giữ nguyên tất cả các sự-kiện và nội-dung cốt-yếu – chỉ thêm vào một số hiệu-đính, phụ-chú, giải-thích cho
đầy-đủ và rõ-ràng hơn mà thôi.
|
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Những Sự Thật Cần Phải Biết