QUỐC HẬN 30 THÁNG 4

Image result for Tháng Tư năm 1975 -----

==== ====



Wednesday, November 23, 2022

BẠN TÔI: ĐẠI ÚY TRẦN QUANG HIỆP

 https://www.facebook.com/groups/160591528349491/permalink/723350692073569/








https://www.youtube.com/watch?v=oqhFQFR2-JM



BẠN TÔI: ĐẠI ÚY TRẦN QUANG HIỆP
Tháng 3-1980 bất ngờ tôi gặp lại Hiệp, đúng là quả đất tròn. “Tha hương ngộ cố tri”. Chuyện tôi gặp lại Hiệp như một sắp xếp của bàn tay vô hình. Nhưng cuộc hội ngộ cũng cho tôi nỗi xót xa đến không ngờ. Đúng là mỗi người một mảnh đời không ai biết trước được. Sáng hôm đó như thường lệ 4 giờ sáng tôi đạp xe từ Phú Nhuận đi Chợ Sặt Biên Hòa mua đậu nành. Qua khỏi ngã tư Thủ Đức thì chiếc dép đứt quai, trời tối đèn điện lờ mờ, nhét chiếc dép vào sau ba ga tôi đạp chân không. Đến chợ Sặt tìm đoạn kẽm cột tạm nhưng dép của tôi quá cũ mỏng như tờ giấy, mới đi vài bước lại đứt tiếp, thấy tôi loay hoay cột tới cột lui bà “chủ vựa” vừa nói vừa cười: “mòn cỡ đó mà còn tiếc gì nữa em ơi! Bỏ mẹ nó mua đôi khác cho rồi”.
Bà đâu biết tôi chỉ đủ tiền mua 50 kilo đậu nành, còn mấy đồng dằn túi đề phòng xe dọc đường nên phải đắn đo. Sau cùng tôi nghĩ về tới chợ Lớn 45 cây số đạp chân không, chết chắc! Đành phải mua đôi dép nhựa loại rẻ nhất. Vậy là trả tiền cho bà chủ xong tôi sạch túi.
Trên đường về đến ngã ba “Xa lộ Đại Hàn” thì bánh xe sau bị xì, với tôi lúc đó là một tai họa. Nhìn xuống thấy bánh xe xẹp lép tôi chết điếng người, trong túi không còn dù chỉ một đồng, tiền đâu vá xe? Tôi thầm nghĩ sao hôm nay gặp toàn chuyện xui vậy trời? “Họa vô đơn chí” khi sáng đứt dép bây giờ lại xì bánh xe. Tôi hạ bao đậu xuống lề đường, bối rối không biết giải quyết thế nào? Tiền đâu vá xe bây giờ? Bí lối chỉ biết kêu trời!
Nhìn về hướng Sài Gòn, cách chừng hơn trăm mét bên lề đường một người sửa xe đạp đang ngồi trong lều nhỏ che nắng bằng tấm nylon. Không còn cách nào khác, cứ dắt xe đến rồi tính sau, chưa biết phải mở lời nói sao để người ta cho thiếu nợ ngày mai tôi sẽ trả. Tôi đến trước lều, người sửa xe mặc áo lính quay mặt vào trong đang lục tìm trong thùng đồ nghề. Tôi lấy nón vải lau mồ hôi lên tiếng gọi: “Anh ơi!”. Người thợ ngoảnh mặt ra: “Có tôi đây”. Tôi ngỡ ngàng kêu lên: “Trời ơi! Hiệp có phải không?” Anh cũng mở to mắt ngạc nhiên: “Ủa, mày hả Tiến?” Hiệp xoay người ra trên cái đòn ghế, tôi rụng rời xót xa, Hiệp cụt cả hai chân đến nửa đùi. Hai đứa mừng quá bắt tay nhau, tôi xúc động chưa biết nói gì. Hiệp chỉ chiếc ghế thấp:
– Ngồi đi mày... tao lấy nước uống rồi chuyện gì nói sau.
Hiệp xoay người trên chiếc đòn ghế lấy ca nhỏ rót nước từ bi đông quân đội, vừa hỏi:
– Mày vào đây khi nào, bây giờ ở đâu?
Hai đứa tóm tắt hoàn cảnh hiện tại của nhau. Hiệp nói:
– Chuyện còn dài. Bây giờ trước hết mày đem bao đậu đến đây để mấy thằng quản lý thị trường nó “đớp” là hết vốn... vác nổi không? Chân cẳng tao làm sao giúp mày được? Tôi chui ra khỏi lều: “Ông cứ để mình”.
Bây giờ lại thấy trong cái rủi có cái may, nếu xe không xẹp bánh thì tôi đâu gặp lại người bạn trong cảnh tha hương giữa đất miền Nam mênh mông trong hoàn cảnh này.
*****
Tôi và Hiệp cùng học lớp Đệ Thất 4 ở trường Trần Quốc Tuấn–Quảng Ngãi. Nhưng Hiệp lớn hơn tôi ba tuổi, năm vào Đệ Thất tôi mới mười hai còn nhỏ xíu, mà Hiệp thì đã mười lăm cao nhất lớp, đang thời kỳ trổ mã đẹp trai, mặt đã có mụn trứng cá và giọng nói khàn khàn như vịt đực. Tính tình nghịch ngợm, hay chọc phá bọn con gái (lúc đó Quảng Ngãi chưa có trường Nữ Trung Học). Nghịch nhất lớp mà học thì cũng loại siêu hạng. Hiệp thông minh học giỏi đều các môn, mỗi lần cô Hy (vợ thầy hiệu trưởng) kêu nó đứng lên đọc Pháp văn là cả lớp im lặng như tờ lắng nghe, nó đọc hay như Tây. Xếp vị thứ hàng tháng, thi lục cá nguyệt, đến tổng kết cuối năm, không đứa nào giành ngôi số một của nó. Mới Đệ Thất mà “cu cậu” đã biết khiêu vũ, chơi đàn guitar, mandolin. Tới giờ dạy nhạc thầy Trần Quang Ngọc thường bảo nó đàn cho cả lớp nghe. Nói chung là cùng lớp Đệ Thất nhưng Hiệp trưởng thành hơn bọn tôi.
Hiệp học giỏi có tiếng, kết quả học tập là một kỳ tích. Nó chỉ chung lớp với bọn tôi đến năm Đệ Ngũ, bỏ Đệ Tứ làm đơn thi trung học Đệ Nhất Cấp, thi đậu qua trường Chấn Hưng Đệ Tam học luôn chương trình Đệ Nhị, thi Bán Phần đậu bình thứ, lại trở vào Trần Quốc Tuấn học Đệ Nhất và kỳ thi Toàn phần đậu Bình nữa mới ghê. Hiệp học nhảy hai lớp nên khi bọn tôi mới hết Đệ Tam, nó đã đậu xong Tú Tài toàn phần. Hiệp nộp đơn vào Quốc Gia Hành Chánh. Còn đúng một tuần nữa đến ngày thi, chuẩn bị hành lý vào Sài Gòn thì tai họa ập xuống. Trong một chuyến công tác ở Mộ Đức trở về đi qua Mỏ Cày cha của Hiệp bị Việt Cộng ám sát, ông chết vì một viên đạn AK xuyên qua tim. Hiệp bỏ thi, còn tinh thần đâu mà học? Bọn tôi đến nhà thăm nhưng nó cứ nằm khóc vùi, mặt mày bơ phờ. Hiệp thông minh giỏi giang miệng mồm tía lia giờ biến mất, nó xác xơ tiều tụy.
Bạn bè đứa nào cũng tiếc cho Hiệp, con đường học vấn đang thênh thang rộng mở. Phải nói Hiệp là một tài năng hiếm có, năm Đệ Tam bọn tôi hay đến nhà hỏi bài, Hiệp giảng hay và dễ hiểu hơn giáo sư ở lớp. Nó mang hoài bão lớn, có lý tưởng rõ ràng, đã vạch cho mình hướng đi nên chọn Quốc Gia Hành Chánh. Nhưng cái chết của cha làm Hiệp chuyển hướng, cuối năm 1967 nó nộp đơn vào khóa 24 Trường Võ Bị Đà Lạt. Bốn năm học ở Đà Lạt, Hiệp ít về Quảng Ngãi, ra trường lại về binh chủng Biệt Động Quân ở Quân Khu Hai trên cao nguyên. Thỉnh thoảng chỉ biết tin tức qua bạn bè. Hiệp vô Đà Lạt, bọn tôi hai năm sau mới xong Tú Tài toàn phần. Sau đó cũng tứ tán bốn phương, đứa vào đại học, thằng nào hết hạn hoãn dịch thì vào quân đội, đứa vào Sư phạm Qui Nhơn, Đứa Cán Sự Y Tế Huế. Mỗi người một mảnh đời nổi trôi theo vận nước.
Tôi nhập ngũ khóa 5/70 Thủ Đức, rồi học căn bản pháo binh ở Dục Mỹ, ra trường về Tiểu đoàn 20 pháo binh. Suốt hai năm đi “đề lô” cho các Tiểu đoàn Biệt Động Quân, Trinh Sát, Chiến Xa, Thiết Giáp, vào sinh ra tử đánh đấm tưng bừng. Trong vòng ba năm bạn bè tôi tử trận gần hết. Đến trung tuần tháng 3-1973, tôi rời Tiểu Đoàn 20 pháo binh thuyên chuyển về làm Trung đội trưởng Trung đội 109 pháo binh ở Quảng Ngãi.
Tháng 10-1974 từ Bình Sơn về họp với ban chỉ huy pháo binh Tiểu khu. Trưa hôm đó tôi mời Đại úy Tùng, Chỉ Huy Phó và Trung úy Ba Trung đội trưởng 111 ăn cơm ở Bắc Hải. Tiệm đông khách nên không để ý đến ai. Ăn xong tôi vào quầy thanh toán tiền. Lúc trở ra mới được mấy bước có tiếng hỏi: “Phải mày không Tiến?”
Một ông đại úy Biệt Động Quân đang ngoảnh lên nhìn tôi mỉm cười, ngồi cạnh là một cô gái đẹp. Phản xạ tự nhiên tôi đưa tay chào kính, cũng trong khoảnh khắc tôi nhận ra Trần Quang Hiệp. Bất ngờ vì trước mặt tôi không phải là Hiệp mảnh khảnh trắng trẻo thư sinh của bảy năm trước ngày bọn tôi tiễn thằng Hiệp 20 tuổi vào trường Võ Bị Đà Lạt. Mà là một ông đại úy Biệt Động Quân đồ trận hoa rừng, ba bông mai đen trên ve áo với bộ ria mép đen rậm, đẹp trai vóc dáng phong trần.
Hiệp bắt tay tôi giới thiệu với cô gái. Nó quay qua: “Ngọc, người yêu của tao”. Tôi “Chào chị”. Hiệp cười.
Mới đó mà đã bảy năm, gặp lại hai đứa đều mặc áo lính. Hoàn cảnh chiến tranh mỗi đứa một chiến trường nên không gặp nhau. Bọn tôi hỏi thông tin về bạn bè, đứa còn đứa mất. Hiệp đang là sĩ quan phòng Ba của bộ chỉ huy Biệt Động Quân Quân Khu II. Nghỉ mấy ngày phép về thăm mẹ. Đó là lần đầu tiên cũng là lần duy nhất bọn tôi gặp lại từ khi Hiệp vào Võ Bị.
Hiệp lên lại cao nguyên, tôi về đơn vị ở Bình Sơn. Tình hình đất nước biến chuyển xấu do sự cắt giảm quân viện của Hoa Kỳ theo tinh thần hiệp định Paris. Tình trạng tiếp liệu của toàn quân đội bế tắc thê thảm, đạn dược thiếu hụt. Cuối năm 1974 đạn tồn kho cạn kiệt, Pin PRC–25 trực tác xạ không còn. Tôi được lệnh chỉ bắn một đến hai quả cho mỗi lần quân bạn chạm địch. Bao nhiêu công điện xin tiếp tế tôi gởi đi đều được trả lời là: “Đợi”. Bộ binh chiến đấu đơn độc ngoài chiến trường vì không còn hỏa lực yểm trợ. Ngược lại, Việt Cộng được Nga Sô, Trung Cộng gia tăng viện trợ tối đa toàn vũ khí tối tân hạng nặng áp đảo. Ưu thế quân sự dần nghiêng về phía cộng sản bắc việt.
Thế rồi VNCH sụp đổ, tôi lăn lóc qua nhiều nhà tù trong nhiều năm. Ra tù thêm bản án quản chế, tôi tất bật mưu sinh trong đói rách tả tơi.
Đầu năm 1980 tôi bỏ Quảng Ngãi vào Sài Gòn tá túc nhà người quen ở Phú Nhuận tìm cách mưu sinh. Thấy tôi nghèo không nghề nghiệp, bà chị sát vách cho mượn tủ thuốc lá nhỏ, tôi bê ra ngã tư Phú Nhuận ngồi từ sáng đến khuya, cả tuần lễ bán lẻ được năm điếu Samit, hai gói rưỡi thuốc Hoa Mai. Thất bại tôi chuyển qua đi bỏ sữa cho quán cà phê, bỏ 6 lon chỉ lấy tiền được bốn, còn hai lon chủ quán không trả tiền, khi tôi đến hỏi lần thứ ba lại lên tiếng lớn, còn cho tôi một tát tai nổ đom đóm, rồi đuổi ra vì chê sữa cũ đặc quá làm họ mất khách. Vậy là tôi mất vốn. Đang tính chuyện đạp xích lô thì có người mách đi chợ Sặt mua đậu nành về bỏ ở Chợ Lớn.
Thế là cứ 4 giờ sáng tôi thức dậy đạp xe ra chợ Sặt Biên Hòa hơn 45 cây số, chở bao đậu 50 ký về Chợ Lớn, trong ngày vừa đi về tôi đạp xe gần 100 cây số. Nhưng tiền lời chỉ tương đương 2 ký gạo cho mỗi chuyến. Mà tôi đạp xe trong tình trạng nhịn đói từ 4 giờ sáng đến 5 giờ chiều trở về nhà mới ăn bữa cơm duy nhất. Tôi cũng tiết kiệm không dám uống nước dọc đường, cứ đến “vựa” uống đầy bụng, về chợ Lớn thì xin nước nơi bán hàng, cho nên đi mấy ngày là tôi ốm nhom. Sợ nhất là đoạn trở về đèo 50 ký mà còn lên cái dốc Thủ Đức, nên người rã rời nhưng không còn cách nào khác.
*****
Hôm đó tôi và Trần Quang Hiệp ngồi tâm sự, đến 8 giờ tối mới đèo bao đậu đến chợ Lớn, bán xong về tới nhà là 10 giờ đêm. Từ lúc tạm biệt Hiệp lòng tôi ngổn ngang nỗi buồn tê tái. Một thời binh lửa đã đi qua, nhưng vết thương vẫn hằn sâu nhức buốt trong tâm hồn những người lính như bọn tôi. Dù tôi và Hiệp còn rất trẻ đang tuổi thanh niên. Đã từng xông pha nơi chiến trường máu lửa, đã bao lần bước vào cửa chết để tìm ra đường sống. Nhưng hai đứa đã nghẹn lời khi kể nhau nghe những bi kịch về đoạn đời của mình sau ngày phần đất tự do đã mất.
Hiệp nói: “Tao tin vào định mệnh. Mỗi người một số phận không ai biết trước cuộc đời mình sẽ ra sao? Nếu Việt Cộng không giết ‘ông già’ thì tao đâu vào Võ bị Đà Lạt? Rồi nếu không ở quân đội tao đâu gặp Ngọc? Cuộc sống vốn nhiều những sự tình cờ, tình cờ bọn mình gặp nhau, tình cờ tao vào quân đội, và gặp Ngọc cũng là một tình cờ.”
Ngọc quê Quảng Ngãi, tốt nghiệp đại học sư phạm Huế lên dạy ở Pleiku. Ngọc dạy cùng trường với vợ Trung úy Kha ban Ba Tiểu đoàn Biệt Động Quân. Họ gặp nhau trong một bữa cơm gia đình ở nhà Kha. Không hiểu sao anh Trung úy đại đội trưởng trinh sát Trần Quang Hiệp gan lì nơi trận mạc. Về thành phố có tiếng hào hoa, đẹp trai, miệng mồm như tép nhảy, thế mà tự nhiên ít nói, lừng khừng như thằng “ngố” bị lãng tai. Ngọc đẹp, hiền lành lại đồng hương gặp nhau nơi cao nguyên nắng bụi mưa bùn, thế là họ yêu nhau.
Từ ngày yêu Hiệp, Ngọc sống trong lo âu đợi chờ, mà Hiệp thì say mê chiến trận. Những địa danh Chupa, Dakto, Tân Cảnh, Kiến Đức, Pleime Trận nào cũng ác liệt một còn một mất với quân thù. Sau hai tuần vắng mặt Hiệp trở về với một cánh tay quấn băng trắng loang lỗ máu tươi treo trước ngực, thấy Ngọc rưng rưng, Hiệp mỉm cười: “Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ”, vết thương chưa lành lại đòi ra đơn vị với anh em. Rồi Ngọc khóc ngất khi thân thể Hiệp bê bết máu, mê man trong phòng hồi sinh ở Quân Y Viện Pleiku, sau ba tháng điều trị không cần tái khám lại nhất định lên đường. Và bao nhiêu lần trở về trên băng ca, chân tay mình mẩy lại băng bông máu me thấm đỏ. Ngọc phải nhờ bạn bè dạy thế để săn sóc chăm nom. Và Hiệp luôn giấu gia đình nhất định không cho mẹ biết tin.
Chuyện tình của anh quân nhân Biệt Động và cô giáo ngọt ngào như một bài thơ hay. Sau những cuộc hành quân trở về họ sánh vai trên đường phố Pleiku, cả hai đều đẹp. Rồi những buổi hẹn hò, những chiều tiễn đưa. Phố núi Pleiku là cõi “thiên đàng” của những người đang yêu nhau. Nhưng chuyện đời không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái như mơ tưởng.
Ngày tôi gặp hai người ở Bắc Hải chính là ngày định mệnh, chuyện tình của Hiệp qua một ngã rẽ khác.
Trước đó một tháng Hiệp thưa với mẹ chuyện hôn nhân, và cho biết thông tin về Ngọc: “Nhà ở Đức Phổ, Cha chết đã lâu chỉ còn mẹ già sống với người con gái lớn...” Nỗi vui mừng dâng tràn, niềm ước mong bao năm là thấy mặt con dâu bây giờ mới đạt được. Mẹ đôn đáo lo toan, báo cho chú Hiếu biết, cùng mấy người bà con, tìm thông tin về gia đình Ngọc và chuẩn bị đến lễ Trầu Cau.
Một tối mẹ đang ngồi tính chuyện sắm lễ vật, những ai sẽ là họ hàng đến nhà gái, thì chú Hiếu của Hiệp làm cảnh sát “đặc biệt” ở Quảng Ngãi, người sẽ đại diện nhà trai trong lễ đính hôn xuất hiện với vẻ ưu tư. Ngồi lặng yên hồi lâu, thoáng buồn ông nói: “Chị Hai, cha con Ngọc không phải chết mà là tập kết, đã ra bắc từ năm 1968 từng hoạt động ở Quảng Nam, mới đổi vùng từ 1973, địa bàn hoạt động hiện tại ở nam Quảng Ngãi, là cán bộ cấp tỉnh, và y đã có móc nối với gia đình... Em đã xem và nghiên cứu kỹ hồ sơ. Phải cho thằng Hiệp biết ngay không chậm trễ được...” Hiệp hốt hoảng khi cầm bức điện tín: “Mẹ đau nặng con về gấp”. Không biết mẹ nặng nhẹ thế nào? Thôi cứ đem Ngọc cùng về để mẹ biết mặt con dâu. Hiệp gọi thầm: “Mẹ ơi đợi con về”.
Phải đợi hai ngày mới có chuyến bay về phi trường Chu Lai, Hiệp đưa Ngọc về nhà. Mặt mẹ đầm đìa nước mắt khi Hiệp ôm bờ vai gầy của mẹ. Ngọc e dè ngồi vào ghế sát tường. Hiệp theo xuống nhà sau vào phòng của mẹ. Ngồi xuống giường mẹ hỏi nhỏ: “Hiệp... Con có biết cha con Ngọc làm gì không?”. “Cha nó chết lâu rồi mà mẹ”. “Không... nó dấu con, cha nó là Việt Cộng, đang hoạt động ở Đức Phổ...” Mẹ cho biết thêm những thông tin điều tra của chú Hiếu, cùng sự xác nhận của những người quen.
Như nhát búa tạ vừa đập vào ngực, Hiệp bật ngửa ra giường hai tay dang rộng nhìn lên trần nhà. Hiệp không nghi ngờ gì kết luận của chú Hiếu. Hiệp ăn năn sự hời hợt chết người của mình, tại sao không cho gia đình biết từ đầu? Một sai lầm không đáng có.
Trong đầu Hiệp hiện lên: Vậy là lâu nay mình đã bị kẻ thù giăng bẫy? Không ngờ cô ta lại đóng kịch hay đến thế? Cảm giác sợ hãi. Hiệp cố nhớ lại có bao giờ cô ta hỏi điều gì về lãnh vực quân sự chưa? Hay có khi nào mình sơ suất tiết lộ gì không? Thời gian hai năm làm sao nhớ hết? Người yêu khoảnh khắc thành kẻ thù hai bờ chiến tuyến. Rõ ràng mình với cô ta là hai đường thẳng song song. Không bao giờ!
Căn phòng yên lặng. Hiệp ngồi dậy gục mặt vào vai mẹ: “Mẹ ơi! Con có lỗi với cha mẹ... Con sẽ tự giải quyết... Mẹ chuyển lời xin lỗi của con đến chú Hiếu. Con hứa không làm gì sai trái với gia đình... Con sẽ liên lạc xin tàu ngày mai trở lại đơn vị. Nếu mấy hôm nữa Ngọc đến tìm, mẹ cứ nói con đã đi và tuyệt đối không tiết lộ gì thêm.”
Vào Bắc Hải ăn cơm xong, Hiệp nói với Ngọc là chiều nay nhà có khách, các cô chú tập trung bàn chuyện đám cưới, để tránh khó xử Ngọc về Đức Phổ thăm mẹ, ngày mai Hiệp sẽ vào đón...
Sáng hôm sau Hiệp bay lên Pleiku, và hai ngày sau Phòng Ba đưa Hiệp ra thay cho một Tiểu Đoàn Phó vừa bị thương, đơn vị đang hành quân ở Kontum. Đến ngày thứ năm khi dẫn hai đại đội ra khỏi khu rừng đến một đồi tranh, cho dàn quân bố trí xong, lúc tiến lên quan sát mục tiêu Hiệp dẫm phải quả mìn cá nhân lớn, một tia lửa sáng lòa tiếp theo tiếng nổ rền rung chuyển. Hiệp không còn biết gì nữa.
Ra khỏi phòng hậu phẫu ba ngày sau tỉnh lại Hiệp lờ mờ cảm giác khác lạ, người nặng nề râm ran đau nhức, đầu óc bồng bềnh, tay chân không co duỗi được. Hồi lâu Hiệp mới biết hai tay bị cột chặt vào cạnh giường, dây chuyền máu, chuyền nước biển chằng chịt tê cứng người. Dần dần Hiệp biết mình bị mất đôi chân, phải giải phẫu lấy mảnh ở tay, đầu và bụng qua lời của một bác sĩ mà Hiệp nghe trong trạng thái mơ màng nửa tỉnh nửa mê.
Bảy ngày sau Hiệp mới hoàn toàn nhận biết đang ở Quân Y Viện Pleiku. Vừa mở mắt thấy Ngọc ngồi cạnh giường mặt bơ phờ, đáp lại thái độ vồ vập nghẹn ngào gọi tên mình, Hiệp nhắm mắt im lặng, cố nhớ những gì đã xảy ra.
Chiều hôm đó Đại úy Kha cùng vợ vào thăm, sau khi yêu cầu tất cả ra ngoài. Hiệp cố gắng tóm tắt những thông tin về Ngọc, nhờ Kha vận động để mình được chuyển về trong thời hạn sớm nhất. Đại úy Kha đồng ý và ủng hộ hướng giải quyết của Hiệp. Hôm sau có chuyến bay Hiệp được chuyển về Tổng Y Viện Cộng Hòa. Tiếng khóc của mẹ làm Hiệp cảm giác xót buốt như nhát dao cắt vào từng đoạn ruột. Bên mẹ, Hiệp thấy bớt cô đơn, suốt ngày loay hoay chăm sóc rửa lau, an ủi nói chuyện để Hiệp khuây khỏa nỗi buồn.
Ngọc đến Tổng Y Viện ba lần với dáng vẻ tiều tụy. Hiệp nói với Ngọc mình tàn phế nên không muốn cô bị ràng buộc vào đời một phế nhân, và xin lỗi là lâu nay mình đã lừa dối chứ không yêu thương gì! Bao nhiêu nước mắt của Ngọc cũng không làm Hiệp lay chuyển. Từ đó tuần nào cũng có một lá thư của Ngọc từ Pleiku, lá thư đầu tiên đến lá cuối cùng Hiệp chưa bao giờ mở ra, cũng không cần biết nàng viết những gì cứ bảo mẹ đốt bỏ. Tình hình chiến sự diễn biến mau lẹ sau khi mất Phước Long, rồi Quân Đoàn Hai rút bỏ Pleiku, Quân Khu Một di tản, những tin tức xấu từ các chiến trường cứ dồn dập bay về.
Thế rồi khi hai chân còn rỉ máu, những vết mổ chưa liền da, chưa tự ngồi dậy được, thì biến cố 30 tháng 4.
Có mặt ở Tổng Y Viện nên Hiệp tận mắt chứng kiến số phận bi thảm của anh em thương binh VNCH trước sự tàn nhẫn vô độ của Việt Cộng. Một bọn người nón cối dép râu ăn bận luộm thuộm, mặt mày hung dữ đằng đằng sát khí xông vào, súng AK lên nòng gắn lưỡi lê chĩa vào những người thương binh đang nằm trên giường, đập đánh chửi rủa xua đuổi bằng lời thô tục đầy hận thù. Những người thương binh què cụt, bông băng đỏ ối máu tươi, xương tay chân còn bó nẹp không tự mình ngồi dậy được đã bị đạp rơi xuống sàn nhà mà không dám kêu la. Bao nhiêu người không thể tự mình rời khỏi giường, bị báng súng nện vào lưng, có người phản ứng lại bị đánh tới tấp bằng gậy, bằng bất cứ vật gì chúng vớ được chung quanh.
Máu căm hờn dâng lên đỉnh đầu. Hiệp cắn răng nghe nhịp tim dồn dập, đầu óc quay mòng mòng mồ hôi toát ra và hai tay run rẩy không còn tự chủ. Khó khăn lắm mẹ mới xốc Hiệp lên chiếc xe lăn hối hả đẩy ra sân. Trước mắt Hiệp kẻ lết người bò, kẻ xe lăn người chống nạng, có người một tay đỡ đùm ruột trong bao nylon, một tay cầm bịch máu thất thểu mặt còn nhăn nhó đớn đau. Một dòng người què quặt, máu me lang thang trên đường vật vờ như những bóng ma.
Cuộc chiến ghê gớm nhất hai mươi năm chấm dứt một cách dễ dàng, kẻ chiến thắng cũng ngỡ ngàng, người chiến bại thì vẫn không tin là sự thật. Sau những hối hả ngược xuôi tìm đường trốn chạy, ngày 30 tháng 4 đi qua. Sài Gòn là một thành phố chết, phố xá đóng cửa, nhìn đâu cũng toàn màu đỏ của cờ xí, biểu ngữ. Mọi sinh hoạt đều ngưng đọng đợi chờ chính sách của người “chủ” mới. Không khí khủng bố chết chóc bao trùm xuống miền Nam. Mọi sinh hoạt của Sài Gòn bị tê liệt.
Phe chiến thắng chia nhau chiến lợi phẩm, họ chiếm đoạt những kho tàng, nhà máy. Những người lạ từ đâu dọn vào các biệt thự, nhà phố. Từng đoàn xe nối đuôi hướng về phương bắc chất đầy máy móc hàng hóa.
Hai mẹ con về tá túc nhà cậu Ba ở Tân Bình. Hiệp nằm vùi trên giường như người đã chết, không cần biết những gì đang xảy ra chung quanh. Thiếu thuốc, mẹ rửa bằng nước muối hai vết cắt ở chân làm độc đau nhức, nhưng cái đau của thân xác không sánh bằng cảm giác tả tơi xót buốt như dao cắt bởi tuyệt vọng. Hiệp như rơi xuống một hố thẳm không đáy chẳng biết bám vào đâu?
Những khi thức giấc, thực tế hiển về như cơn ác mộng hãi hùng, Hiệp kinh hoàng nhận ra rằng đang đối diện với sự thật. Quốc Gia không còn, lịch sử đã sang trang. Mình là kẻ chiến bại, một niềm đau đớn dâng lên ngập lòng, mắt cay cay như muối ớt vào mặt. Hình ảnh bao anh em đồng đội ngã gục chết tức tưởi hôm nào lại trở về trong tâm tưởng, những người lính đã hiến thân để xây nên một huyền sử não nùng! Bây giờ có giọt nước mắt nào rơi xuống tiếc thương cho người lính hay không? Hiệp nhớ những đồng đội đã nằm lại chiến trường, những anh em Trinh Sát của mình đã chết trong những trận đánh giành từng ngọn đồi. Nhớ bao người lính đã gục xuống để chiếm lại từng tấc đất nơi những địa danh đã đi vào quân sử: Dakto, Tân Cảnh, Đức Lập, Kiến Đức, Pleime... Xương máu nào đã đổ xuống đem sự yên vui cho mọi người, cho một đất nước đầy tai ương? Bạn bè bao nhiêu người còn sống? Bao nhiêu người đã chết, hy sinh trong cuộc chiến giờ này linh hồn họ có tủi hờn gì không?
Những ý nghĩ cứ liên tục hiện ra trong tâm tưởng, như ngọn đèn dầu bùng lên chút ánh sáng cuối cùng trước khi phụt tắt. Một luồng máu nóng lan ra khắp đỉnh đầu, tim thắt lại, mắt hoa lên trong giây phút nghiệt ngã tận cùng. Hiệp thở dài: Ngày đã đi qua, bóng đêm đang tới. Lịch sử đã sang trang.
Nước mất nhà tan, chú Hiếu bị bắt và đưa đi mất tích như số phận của hàng trăm người ở quê nhà. Năm 1979 mẹ qua đời sau cơn bạo bệnh mà không có thuốc men. Hiệp bơ vơ.
Chính quyền “cách mạng” lùa dân Sài Gòn đi kinh tế mới. Ngày nào cũng có người đến gõ cửa. Từng lớp người bị đưa lên rừng phá rẫy tìm đất canh tác. Cậu Ba có miếng đất gần làng đại học cũ ở Thủ Đức, thằng Tâm con lớn của cậu rủ anh Hiệp ra đó làm nghề chăn nuôi. Hiệp theo nó tìm đường sống. Làm thời gian thấy chân cẳng di chuyển khó khăn không giúp được gì cho em. Sau nhiều đêm suy nghĩ thế là Hiệp thành anh thợ sửa xe.
Từ hôm gặp lại Hiệp, tôi ghé lại đến 10 giờ đêm mới về tới nhà. Hai đứa có nhiều chuyện để nói: chuyện xưa, chuyện nay, chuyện bạn bè, chuyện học hành, chuyện lính tráng trận mạc, chuyện đứa chết, chuyện thằng sống.
Hiệp nói một người bà con ở Quảng Ngãi vào ghé thăm cho biết thông tin về cô giáo Ngọc: “Sau tháng tư 1975, cha cô Ngọc xuất hiện làm cán bộ lớn, và với lệnh của ông hàng trăm viên chức địa phương chế độ cũ, một số đã bị hành quyết, một số bắt đi đến nay không thấy trở về. Ngọc được cha đưa lên làm cán bộ giáo dục ở tỉnh nhưng cô từ chối. Và nghe nói cô giáo Ngọc tuy có được móc nối nhưng không nhận công tác nào như suy đoán trước đây.”
Sau 1975, Ngọc ra Quảng Ngãi thấy nhà mẹ Hiệp đóng cửa, người láng giềng cho hay bà đã vào Sài Gòn trước ngày “giải phóng” nuôi con trai bị thương chưa về. Cô hỏi địa chỉ của Hiệp ở Sài Gòn nhưng không ai biết. Sau đó Ngọc vào Sài Gòn nhờ người quen dò tìm tin tức Hiệp cả tháng trời nhưng không kết quả. Thất vọng về lại Quảng Ngãi cô bệnh nặng, hình hài tiều tụy thần sắc bơ phờ như người mất trí. Chuyện cô giáo Ngọc con gia đình “cách mạng” thất tình anh đại úy Biệt Động Quân được người ta xầm xì bàn tán. Cha cô nổi trận lôi đình chống đối quyết liệt, lên án con gái ăn phải bơ thừa sữa cặn của đế quốc, bị tay sai “Mỹ Ngụy” đầu độc quyến rũ, chống phá “cách mạng” và đòi đưa cô đi tù.
Ngọc không còn đi dạy, năm 1976 cô bỏ nhà đi tu trong một ngôi chùa ở Đà Lạt. Chuyện cô vào chùa cũng làm ông giận dữ trong một thời gian dài. Sau đó nghe nói chuyện gia đình cũng không vui vẻ gì vì ông đã có vợ con ngoài Bắc trước khi hồi kết.
Tôi hỏi: “Vậy ông có hối hận gì không?” Hiệp nhìn tôi cười chua chát: “Không lẽ tao kêu một tên Việt Cộng bằng cha?”
Nhìn Hiệp xoay trở trên cái đòn ghế cặm cụi cào vá, đục gõ, hai bàn tay đen thui dầu nhớt, mồ hôi ròng ròng lòng tôi dâng lên nỗi buồn, dù bản thân tôi cũng đang làm một thằng cu ly hạng bét, tôi nói cảm nghĩ đó ra, nó cười: “Mày nhớ câu thơ của Lý Bạch không?... Xứ thế nhược đại mộng!... cuộc đời là một giấc mộng lớn mà”. Từ khi gặp lại cùng chung tâm trạng nên hai đứa tôi càng thương quý nhau, những suy nghĩ vui buồn đều san sẻ. Mỗi khi ghé lại tôi bơm hơi thử ruột, cào vá cho khách, làm những việc gì có thể, trong khi nó loay hoay siết vặn đục gõ. Vài ba hôm Hiệp lôi xe tôi vào tu sửa, vặn ốc, bỏ mỡ nhỏ dầu rồi nói: “Mày đi xa chở nặng xe mau hư, tiền lời không đủ sửa đâu!”, Hiệp góp ý nên tìm việc khác.
Công việc chở đậu của tôi cũng thưa dần vì đuối sức. Thật ra tôi đã nản ngay từ đầu vì đường xa mà lời thì ít quá, lại thêm chân cẳng rã rời. Rồi chuyện xui xảy đến làm tôi chán và bỏ cuộc:
Một hôm, sau khi bán đậu xong tôi nghĩ lâu nay mình trung thành một chỗ biết đâu họ ém giá? Tìm thêm nơi khác xem sao? Quả đúng vậy, cách ba căn người ta chịu mua hơn mỗi ký hai hào (lâu quá nhớ không chính xác) nghe vậy tôi rất mừng và tự trách mình “ngu” nên lâu nay bị thiệt, vì với tôi lúc đó một hào bạc cũng rất quý. Hôm sau ghé lại tôi khoe, Hiệp mừng còn trách: “mày là thằng khờ” lại còn biểu tôi hôm nay phải đi tìm thêm biết đâu có nơi giá cao hơn nữa.
Tôi về đến cầu Balicao 8 giờ tối đi thẳng đến địa điểm mới, năm thằng choai choai ùa vào, nó kéo tôi tận sau nhà miệng tía lia: “Nhanh lên, nhanh lên quản lý thị trường kìa”. Đèn điện lờ mờ, năm thằng mỗi đứa một bao giấy tranh nhau xúc, linh tính tôi thấy không bình thường, quả đúng vậy cân lên 5 bịch chỉ còn 45 ký, đương nhiên là tôi không đồng ý, và khẳng định bao đậu 50 ký chưa bao giờ thiếu. Lập tức tôi bị một thằng giật cổ áo, thằng dí tay vào mặt chửi lời tục tĩu: “ĐM mày nói tụi tao lấy hả? ĐM tao dzớt thấy con đĩ mẹ mày...” Cả bọn ào tới đòi đánh, biết gặp bọn bất lương tôi điếng người sợ toát mồ hôi, khi đổ lại vào bao, lưng xuống một đoạn xa không đầy như ban đầu, nhưng tôi không dám nói, lo đẩy đi càng nhanh càng tốt. Tôi quay lại chỗ cũ, ông chủ vựa hỏi sao chỉ 45 kg? Tôi nói do vựa hết đậu.
Mất 5 kg đậu coi như tôi đi cả tháng không có đồng nào! Buồn quá nghỉ vài hôm, tôi đạp xe ra kể chuyện với Hiệp. Nó tiếc nhưng không nhịn được cười còn chê tôi “khờ”. Hôm đó ở lại phụ Hiệp và cho biết ý định ngày mai tôi đi Long Thành tìm người quen, nếu ở được sẽ thay đổi.
Thế rồi hoàn cảnh đẩy đưa tôi quyết định ra Long Thành làm rẫy. Nơi tôi đến là trong rừng sâu cách xa đường lộ 15 cây số. Trước hôm rời Sài Gòn tôi đạp xe ra chơi với Hiệp một ngày. Nó buồn lắm, gần trưa Hiệp lên xe lăn đi một lúc trở về với một bịch nhỏ thịt gà và một xị rượu đế. Mọi hôm cơm trưa chỉ mắm làm chuẩn hôm nay bày đặt, tôi phàn nàn: “Ông làm gì vậy?” Nó buồn buồn “Mày đi ra Long Thành tới chỗ xa xôi heo hút như vậy biết bao giờ gặp lại, xem như bữa cơm chia tay”. Có cái gì chận nghẹn nơi cổ, tôi quay mặt ra đường nước mắt trào ra.
Hai đứa tôi uống chung bằng cái ca nhựa, tôi uống ít nhưng cũng đủ lâng lâng bồng bềnh. Có hơi men cảm xúc tự do tuôn trào đứa nào cũng ràn rụa nước mắt. Tôi và Hiệp vừa bạn học, tình chiến hữu còn gặp nhau ở lý tưởng, và có cùng hoài bão giống nhau, nhưng chúng tôi đã không phùng thời. Rồi thời thế đẩy đến đường cùng, đứa nào cũng te tua bị nhận chìm xuống tận đáy vực của lớp người cùng khổ nên hiểu và thương quý nhau. Giọng Hiệp lè nhè: “Thà đừng gặp lại mày, cứ để tao cô độc như lâu nay. Tao sống như đã chết từ lâu rồi... Từ ngày có mày tao vui, mày đi rồi biết nói chuyện với ai?” Rồi Hiệp khóc, tôi cũng nghẹn ngào.
Lúc chia tay Hiệp nhắc lại: “Chân cẳng tao vầy không đi thăm mày được đâu, cố gắng lên thăm tao.” Hai đứa nắm tay nhau bịn rịn. Tôi đạp xe một đoạn, ngoảnh lại thấy Hiệp ngồi trên xe lăn đang leo lên lề đường nhìn theo. Tôi nhấn mạnh bàn đạp mà nước mắt đoanh tròng, nghe thương Hiệp nhiều quá!
Sáng hôm sau trên chiếc xe than đi Long Thành khi chạy ngang qua chỗ Hiệp, tôi đưa cánh tay ra vẫy nhưng Hiệp đang cặm cụi làm. Tôi loay hoay cuộc sống mới trong xó rừng ở Long Thành, phương tiện liên lạc khó khăn. Nhà của Tâm trong làng Đại Học nơi mỗi đêm Hiệp về tá túc thì hẻo lánh không có địa chỉ nên cũng không thư từ.
Hơn một năm sau có việc đi Sài Gòn tôi ghé lại thăm, Hiệp mừng quá. Vẫn qua ngày bằng nghề sửa xe, vẫn nỗi khắc khoải ngày nào! Hiệp cho biết một số bạn bè ra tù đã tìm đến thăm, gặp lại bạn cũ cũng bớt buồn. Thằng nào cũng xác xơ đói rách, người đạp xích lô, kẻ chạy ba gác. Hiệp báo một tin quan trọng: “Thằng bạn thân cùng khóa Võ Bị Đà Lạt vừa ra tù tổ chức vượt biên giúp tao, dự trù sẽ đi vào cuối năm... thôi thì một liều ba bảy cũng liều... còn gì để mất? Nếu may còn sống tao sẽ tiếp tục đi học, không may bỏ mình trên biển thì cứ xem như một lần ra trận... mà mình cũng đã chết từ lâu rồi!”. Hiệp tiếp: “Mày yên trí tao sẽ không chọn ở Mỹ đâu!” (hai đứa tôi cùng lập trường không ưa Mỹ). Tôi mừng và cầu mong chuyến đi thành công để Hiệp thoát thảm cảnh hiện tại.
Tôi tiếp tục cuộc sống trong rẫy Long Thành một thời gian, rồi chuyển đi Phước Tuy, lại thay đổi chỗ ở liên miên. Tháng 6-1983 tôi lên thăm Hiệp thấy không còn căn lều, nền đất cỏ mọc um tùm. Tôi vào nhà Tâm nơi Hiệp tá túc hỏi thăm. Tâm buồn bã báo tin: “Anh Hiệp vượt biên nhưng đã chết trên biển rồi anh”. Tôi rụng rời kêu lên: “Trời!”
Tâm nói: “Ghe xuất bến ở Lam Sơn hôm 10 tháng giêng, chính em đưa ‘ảnh’ đến nơi. Ghe đi được năm ngày thì chết máy, trôi trên biển nửa tháng, bị hải tặc cướp mấy lần, sau cùng ghe bị đâm chìm tất cả đàn ông đều chết, đàn bà con gái bị bắt đi, hãm hiếp rồi nhốt trên đảo hoang, sau được Cao Ủy Tị Nạn cứu. Em có bốn người bà con đi cùng chuyến nhưng chỉ còn sống một người nữ.” Ngưng một lát Tâm tiếp: “Anh Đại úy bạn giúp cho anh Hiệp cũng chết, chị vợ bị hải tặc bắt, hai anh chị mới lấy nhau có một tháng, vào trại tị nạn chị ấy bị điên... Tội quá anh à! Tự do chưa thấy mà tan nát cả.”
Nhìn thùng đồ nghề quen thuộc của Hiệp trong góc nhà tim tôi se thắt, đồ đạc còn đây mà người thì không còn nữa. Hiệp hiện lên, tôi úp mặt vào lòng bàn tay gục xuống bàn, không kềm được tiếng khóc: “Hiệp ơi!” Tôi thất thểu ra về như kẻ mất hồn, cảnh vật chung quanh nhạt nhòa. Đứng trước nơi hai đứa đã ngồi sửa xe, bây giờ chỉ còn mình tôi mà Hiệp thì đang vất vưởng nơi nào? Linh hồn anh đã về với quê mẹ hay còn vật vờ ngoài đại dương nơi trùng trùng sóng gió? Hay anh đã bay về gặp lại bạn bè đồng đội nơi chiến trường xưa? Tân Cảnh, Dakto, Benhet, Kiến Đức, Pleime... những địa danh mà đồng đội anh đã chọn làm nơi an nghỉ cuối cùng. Họ nằm xuống để mong ngày quê hương thanh bình và hồi sinh.
Tôi ngồi viết những dòng này đã 32 năm từ ngày Hiệp ra đi và 40 năm ngày VNCH không còn nữa. Cho dù cuộc chiến đã đi qua, và cũng đang dần chìm vào quên lãng theo dòng chảy của thời gian. Nhưng đối với những người lính như chúng tôi đã từng chiến đấu để bảo vệ phần đất tự do. Đã vào sinh ra tử trên các chiến trường, thì đó là một vết thương khó chữa lành, sẽ mãi mãi âm ỉ một niềm đau không nguôi. Biết bao đồng đội bạn bè đã ra đi vĩnh viễn, nằm lại chiến trường! Biết bao người tàn phế đang sống cuộc đời còn lại trong tận cùng đau thương, khốn cùng và tủi nhục!
Cái quy luật chiến tranh đã vạch nên biên giới “kẻ thắng” và “người bại”, nên những đứa con bất hạnh của Mẹ Việt Nam đã nhận chịu tất cả những đắng cay phũ phàng, nhận chịu cái vô tình và tàn nhẫn, bạc bẽo như dòng nước lũ cuốn phăng ra biển những huyền thoại về người lính mang tên VNCH. Trong đó có người bạn đáng thương của tôi: Trần Quang Hiệp.
Hiệp ơi! Bài viết này là một nén nhang lòng gởi đến anh, người bạn của tôi, một tài năng hiếm có, mà một thời biết bao anh em từng cúi đầu ngưỡng mộ. Anh đã gắn đời mình vào binh nghiệp và chấp nhận những thiệt thòi đau thương khi tuổi đời còn rất trẻ như tất cả bạn bè thế hệ chúng ta. Tôi chúc anh được yên nghỉ dù rằng yên nghỉ trong cay đắng muộn phiền. Cầu xin linh hồn anh được trở về trên đất mẹ nơi đó có bạn bè chiến hữu, có mồ mả anh em những người đã cùng anh một thời đem xương máu mình tô thắm cho tự do của quê hương.
Gần nửa thế kỷ đi qua, mỗi lần ngang qua chốn cũ, nhìn lại nơi bọn mình ngồi sửa xe, dù dấu tích không còn, nhưng lòng tôi vẫn quặn thắt một nỗi đau khi nghĩ đến anh, nước mắt tôi đoanh tròng, buồn... và nhớ nhiều lắm Hiệp ơi!!!
Tác giả: Lưu Hoàng Kỳ

Thursday, December 31, 2020

Đọc The Way of Zen in Vietnam

 Đọc The Way of Zen in Vietnam

 

(Thiền Tông Việt Nam) của Nguyên Giác

Đây là cuốn sách viết bằng song ngữ Anh-Việt của cư sĩ Nguyên Giác. Sách dày 319 trang vừa được Ananda Viet Foundation (Nam California) xuất bản. Cư sĩ Nguyên Giác tu học với một số thiền sư tiền bối nổi tiếng trước 1975 như Thích Tịch Chiếu, Thích Thường Chiếu, Thích Thiền Tâm và Thích Tài Quang.

Cư sĩ Nguyên Giác say mê Thiền, nghiên cứu về Thiền, viết về Thiền và sống chết với Thiền. Ông đã xuất bản tám cuốn sách về Thiền. Nay ở tuổi 68, ông viết cuốn này vì sợ rồi đây sức khỏe suy yếu, không còn khả năng viết nữa. Tuy nhiên ước mơ lớn vẫn là để cho các nhà nghiên cứu ngoại quốc muốn tìm hiểu về Phật Giáo Việt Nam, nhất là Thiền, có tài liệu tham khảo vì hiện nay Anh Ngữ là ngôn ngữ phổ biến khắp thế giới.

Nếu chúng ta chỉ viết bằng tiếng Việt thì chỉ có người Việt Nam đọc mà thôi. Thậm chí giới trẻ hải ngoại ở tuổi bốn mươi, năm mươi (sinh năm 1975 và sau đó) đều không đọc được tiếng Việt. Ngay con gái tôi sinh năm 1973, nói tiếng Việt rất rành, nhưng khi khi muốn nhắn gì bằng chữ qua điện thoại hoặc viết thư thì phải viết bằng tiếng Anh. Sách Phật cũng phải cho cháu sách tiếng Anh. Sự thực nó tức cười như vậy đó. Trong một gia đình mà phải sử dụng hai ngôn ngữ. Đó là lý do tại sao chúng ta có cả mấy trăm ngôi chùa ở hải ngoại nhưng không thu nạp được Phật tử Hoa Kỳ chỉ vì các tăng/ni không có khả năng viết sách hoặc thuyết pháp bằng tiếng Anh.

Một trong những luận điểm mà tôi rất tán đồng trong cuốn sách này khi cư sĩ Tâm Diệu viết trong phần giới thiệu, “Thiền tông Việt Nam chiếm một vai trò trọng yếu trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam nói riêng và trong lịch sử nước nhà nói chung, là một sự thật mà ai nấy đều công nhận. Nhưng hỏi vì sao nó được địa vị như thế thì có người nói tư tưởng Thiền tông Việt Nam thoát thai từ tư tưởng Thiền tông Trung Hoa, nhưng khi qua Việt Nam, Thiền tông Việt Nam hòa đồng với văn hóa Việt và đồng hành cùng dân tộc việt, tạo nên một sắc thái riêng rất Việt Nam. Thế nhưng theo nghiên cứu của GS. Lê Mạnh Thát, Phật Giáo được truyền vào Việt Nam vào thế kỷ thứ hai và thứ ba từ Ấn Độ rất sớm, trước cả Trung Hoa với các thiền sư Mâu Tử và Khương Tăng Hội. Mãi cho đến thế kỷ thứ sáu Thiền tông Trung Hoa mới được truyền sang Việt Nam với thiền sư Tì Ni Đa Lưu Chi.”

Quả thật vậy. Những câu nói như “cửa Thiền”, “Thiền môn”, “mùi vị Thiền” trong dân gian, lưu truyền trong văn chương cho thấy Thiền đã đi vào đời sống tâm linh của các nhà tu hành đã đành, mà cả các bậc sĩ phu của dân tộc nữa. Dưới thời Đinh-Lê, Lý, Trần và Hậu Lê các vị tu hành đều được gọi là Thiền Sư.

Tác giả chia sách này ra làm 10 phần. Mỗi phần đưa ra một số Thiền sư tiêu biểu và một số nét đặc thù của vị Thiền sư này. Dưới các bài kệ tụng, tác giả đều có lời chú giải, trích dẫn kinh điển Nam-Bắc truyền và lời bình chú của chư tổ Trung Hoa liên hệ đến sinh mệnh của Thiền, nhưng khiêm tốn nói rằng đó chỉ là “ghi nhận”. Để có đầy đủ tài liệu tham khảo, tác giả đã bày tỏ lòng cám ơn tới các vị như Thiền Sư Thích Thanh Từ, GS. Lê Mạnh Thát, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, tỳ kheo Nguyễn Thế Đăng (huynh đệ với tác giả). Hầu hết các bài kệ đều trích dẫn từ sách của HT.. Thích Thanh Từ.

Phần I:

Tác giả nói về Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1291), Trần Nhân Tông ((1258-1308), Khương Tăng Hội (???-280), Tì-Ni-Đa-Lưu-Chi (???-594), Vô Ngôn Thông (???-826), Ni Sư Diệu Nhân (1041-1113), Vạn Hạnh (938 - 1018), Viên Chiếu ((999-1090) và Định Hương (???-1051).

Vì mỗi Thiền sư đều để lại một số bài kệ tụng bày tỏ sự chứng ngộ của mình cho nên do giới hạn của bài viết tôi không thể hài ra tất cả mà chỉ trích dẫn một số kệ tụng nổi tiếng và cũng để xem khả năng dịch thuật Anh Ngữ của tác giả:

Advising People To Enter The Way

 (Khuyên Đạo Vào Đời của Tuệ Trung Thượng Sĩ)

Then spring now autumn, the four seasons revolve.
Then young now old, you see the hair turn white.
Then wealth and nobility, now a long dream.
Years and months go by, carrying ten thousand pecks of sorrow.
In the path of suffering, the wheel of rebirth rolls endlessly.
In the river of passion, we swim like bubbles forming and popping.   
Now coming to the right place to learn the Way,
why don’t you touch your nose?
See that this is your very good chance of a million lifetimes.

            Và bài kệ nổi tiếng của Trần Nhân Tông và cũng là tiêu biểu cho Thiền Phái Trúc Lâm

The Treasure (Kho Báu)

Living in the world, happy with the Way, you should let all things take their course.
When hungry, just eat; when tired, just sleep.
The treasure is in your house; don’t search anymore.
Face the scenes, and have no thoughts; then you don’t need to ask for Zen.

(Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền)

Rise And Decline (Thịnh Suy) của Vạn Hạnh

The human body is like a lightning flash, appearing then disappearing.
All trees bloom in the spring, then decay in the autumn.
Live accordingly with this rise and decline, and have no fear.
The rise and decline – just like a drop of dew on a blade of grass.

(Thịnh suy như lộ thảo đầu phô)

Phần II

            Trong phần này tác giả nói về Thiền sư Đạo Hạnh (???-1115), Thuần Chân (???-1101), Huệ Sinh (??? – 1063), Ngộ Ấn (1019- 1088), Mãn Giác (1052-1096), Ỷ Lan (1073-1117), Giới Không (Khoảng Thế Kỷ XII), Đạo Huệ (??? – 1172) và Bảo Giám (???-1173)

Sau đây tôi xin trích ra một vài bài kệ tụng nổi tiếng.

 Existance and Nonexistence

(Hữu-Không của Đạo Hạnh)

Existence – there you see all things existing.
Nonexistence – there you see all things vanishing.
Existence and nonexistence are just like the underwater moon.
Cling to neither existence nor nonexistence.

(Hữu không như thủy nguyệt. Vật trước hữu không không).

Trong bước đường tu hành, khi nào hành giả không trụ vào Có (hữu) mà cũng không trụ vào Không (không có) thì đắc quả. Thấy một sự kiện mà mình nói “Có đó” hoặc “Có gì đâu?” thì rớt ngay vào vô minh và sinh tử luân hồi. Theo Viên Giác, muôn vật (vạn pháp) đua nhau xuất hiện, loạn sinh ra rồi loạn diệt mất do vô minh và do duyên khởi, do đó không thể nói Có và cũng không thể nói Không. Khi không chấp Có, không chấp Không thì tâm an trụ hay định, đó là chỗ chứng đắc của Thiền sư.

The Spring

(Mùa Xuân của Mãn Giác)

When spring goes, all flowers die.
When spring comes, all flowers smile.
In front of the eyes, all things flow endlessly.
Old age comes already over my head.
Don’t say that with the spring gone, all flowers fall.
Last night, in the front yard, a branch of mai.

(Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận. Tiền đình tạc dạ nhất chi mai).

Bài thơ này được các nhà bình luận cho rằng cái thi vị của Thiền ở chỗ chẳng có gì đáng tiếc hay đáng buồn. Vạn sự rong ruổi qua đi, chẳng có cái gì diệt mất, hãy nhìn nó như thế và hãy vui.

Wisdom

 (Trí Tuệ của Bảo Giám)

To learn the way of Buddha, you must have zeal; 
to become a Buddha, you need wisdom.
To shoot a target with an arrow from more than a hundred steps away, you must be strong; 
to hit the mark, you need more than strength.

            Lời dạy đáng ghi nhớ của Thiền sư ở đây là,”Muốn thành Phật phải dùng trí tuệ”. Xa lìa trí tuệ thì đừng mong thành Phật.

Phần III

             Trong phần này tác giả nói về Thiền sư Bổn Tịnh (1100 – 1176), Khương Tăng Hội (???-280), Thiền Sư Trí (Khoảng thế kỷ thứ X hay XI), Tịnh Lực (1112 – 1175), Hương Hải (1628 – 1715), Quảng Trí (Khoảng thế kỷ XVIII) và Khương Tăng Hội (???-280)..

Sau đây tôi xin trích ra một vài bài kệ tụng nổi tiếng.

Breathing

(Thở của Khương Tăng Hội)

Breathing in, you feel you are breathing in; 
breathing out, you feel you are breathing out.
Breathing in, you know you are breathing in; 
breathing out, you know you are breathing out.
While you breathe, you feel; then, you know.

Thở

Hơi thở ra, hơi thở vào tự hiểu, 
hơi thở ra, hơi thở vào tự biết. 
Đương lúc ấy là hiểu, về sau là biết. 

Hiểu là hiểu hơi thở dài ngắn. 
Biết là biết hơi thở sinh diệt thô tế chậm nhanh. (Bản dịch TT. Trí Siêu Lê Mạnh Thát).

Trong phần Ghi Nhận, tác giả nói rằng, “Pháp thiền niệm hơi thở giúp tịnh tâm dễ dàng; nó cũng là một phần của thiền quán niệm.”

Watchfull

(Thẩm Sát của Hương Hải)

Watch yourself every day, constantly.
Watch yourself, be mindful, be alert.
In this dream world, don’t search for a Dharma counselor; 
Watch yourself, and see the Buddha’s face on your face.

            Đã từ lâu, có lẽ từ 1980, tôi rất thích thú với bốn câu kệ này:

Phản văn tự kỷ mỗi thường quan.

Thẩm sát tư duy tử tế khan.

Mạc giáo mộng trung tầm tri thức.

Tương lai diện thượng đổ sư nhan. 

            Đừng mơ mộng rồi chạy lung tung để tìm Phật. Hãy trực chỉ nhân tâm mà suy nghĩ rồi sẽ thấy ông thầy (ông Phật) hiện ra ngay trên đầu mình.

Bạn Đạo (Dharma Friend)

            Ai nói rằng tu hành không cần bạn đạo, không cần tăng/ni đoàn và có thể tu một mình xin hãy đọc kệ tụng của Thiền sư Quảng Trí (khoảng thế kỷ XVIII).

Vì vậy tu hành cần có bạn, mới phân biệt rõ ràng sạch và dơ.
Một là bạn bè ở chốn rừng núi an nhàn thì có thể giúp làm ngưng cái tâm nóng nảy.
Hai là bạn nghiêm trì giới luật thì có thể làm phai nhạt ngũ dục.
Ba là bạn có trí tuệ rộng lớn mới có thể giúp ra khỏi bến mê.
Bốn là học hành uyên bác mới có thể giải quyết những điều khó khăn nghi ngại.
Năm là bạn trầm tĩnh, mặc nhiên mới giúp thanh thản, tiến thủ được.
Sáu là hạng khiêm tốn, nhẫn nhục thì giúp tiêu trừ ngã mạn.
Bảy là hạng bạn lòng thẳng, nói ngay mới có thể ức chế được các lỗi lầm.
Tám là bạn đồng dũng mãnh, tinh tấn, mới giúp thành được đạo quả.
Chín là hạng xem thường của cải, thích bố thí mới giúp phá được tính keo kiệt, bỏn xẻn.
Mười là bạn nhân từ che chở cho muôn vật mới giúp đuổi trừ được sự chấp ta chấp người.

(Bản dịch Cư sĩ Trần Đình Sơn)

Present (Hiện tại, ngay bây giờ) của Khương Tăng Hội)

            Kệ tụng này được GS. Lê Mạnh Thát phiên dịch và tác giả đã chú giải như sau,” Có ba thời-quá khứ, hiện tại và tương lai; tuy nhiên, thời gian không hiện hữu với người chứng đắc Niết bàn, bước qua khỏi vòng sinh và tử. Thời gian hiện hữu cho người bơi trong dòng sông của tham, sân, si. Thời gian không hiện hữu cho người nhìn thấy không có một tự ngã nào trong bất kỳ hiện tượng nào, người ngày và đêm nhận ra rằng họ chỉ là một tập hợp rỗng đang trôi chảy bao gồm sắc thân, cảm thọ, tưởng, hành và thức. Buông bỏ mọi thứ trong quá khứ, hiện tại và vị lai, bạn sẽ thấy toàn thân và tâm chỉ là rỗng không vô tự tánh, và thời gian sẽ biến mất.

Not Two Things (Không Hai Pháp) của Thiền sư Cứu Chỉ (Khoảng thế kỷ XI)

            Khi bắt đầu tu tập, bắt đầu nhập môn thì thấy có phiền não-bồ đề, thấy có Phật-chúng sinh, đúng-sai, phải-trái, thấy có sinh-diệt, thấy có trước-sau, pháp và phi pháp…Nhưng khi chứng đắc rồi thì tất cả chỉ là Một (bất nhị).

Phần IV

            Trong phần này tác giả nói về Thiền sư Trí Huyền (Thế kỷ XII), Thông Biện (???-1134), Khuông Việt (933 - 1011), Chân Không (1045-1100) và Bảo Giác (khoảng thế kỷ XII),

Sau đây là một kệ tụng của Thiền sư Khuông Việt:

Fire

There is the fire in the wood.
The fire is there, then the fire is born.
If you say the wood has no fire, 
how could you make fire by friction?

Trong cây sẵn có lửa, 
Có lửa, lửa lại sanh. 
Nếu bảo cây không lửa, 
Cọ xát làm sao sanh? 

Theo tác giả, “Trí tuệ nhận ra Tánh Không trong tất cả các pháp được gọi là Phật Tánh hay còn gọi là lửa trong gỗ, như các Thiền sư thường gọi.”

Phần V

            Trong phần này tác giả nói tới Thiền sư Giác Hải (Thế kỷ 11-12), Minh Trí (???-1196), Nguyện Học (???-1174), Quảng Nghiêm (1121-1190), Thường Chiếu (???-1203), Y Sơn (??? - 1213), Khánh Hỷ (1066-1142), Hiện Quang (???-1221), Huyền Quang (1254-1334) và Thông Vinh (Thế kỷ 19),

Trong phần này tôi xin trích dẫn một bài kệ thật ghê gớm của Thiền Sư Quảng Nghiêm:

After arising from the cessation state, you can discuss the cessation.
After attaining the unborn state, you can speak about the unborn.
Being a human being, you should have a firm resolve as high as the sky;
Don’t step on the old footprints of the Buddha.

Lìa tịch mới bàn câu tịch diệt, 
Được vô sanh, sau nói vô sanh. 
Làm trai có chí xông trời thẳm, 
Chớ giẫm Như Lai vết đã qua. 

            Bài kệ này Thiền sư muốn nói rằng mình làm trai ý chí nghiêng trời đất thì phải tu thành Phật chứ tại sao lại cứ đi theo Phật, thờ Phật mãi? Có lẽ Thiền sư đã thành Phật rồi cho nên mới dám nói như thế này.

Phần VI

            Trong phần này tác giả nói về Thiền sư Chân Nguyên (1647-1726), Thông Thiền (???-1228), Như Trừng Lân Giác (1696- 1733), Tường Quang (1741-1830), Thạch Liêm (khoảng thế kỷ 17), Phổ Tịnh (khoảng thế kỷ 19), Tịnh Không (???-1170) và Đạo Huệ (khoảng 1190),

Trong phần này tôi xin trích dẫn một bài kệ của Thiền Sư Tường Quang lượng giá việc tu hành.

The Highest

The highest person practices the unconditioned dharmas.
The second-ranked person cultivates both merit and wisdom.
The third-ranked person does good and avoids evil. 
The fourth-ranked person is a superior scholar of the Three Baskets of Buddhist Scriptures.

Người bậc nhất tu pháp vô vi  
Người bậc nhì phước tuệ đầy đủ 
Người bậc ba làm thiện chừa ác 
Người bậc tư tam tạng tinh thông

            Theo như Thiền sư thì thông hiểu kinh điển, thuyết giảng, phát hành cả trăm băng đĩa nhưng vẫn chỉ là “hạng tư” còn thua cả người tu phước làm lành lánh dữ.

Phần VII

            Trong phần này tác giả nói về Thiền sư Tín Học (???-1190), Trần Thái Tông (1218 - 1277), Hải Quýnh (1728 - 1811), Đại Xả (1120 - 1180) và Tông Diễn (1640 - 1711).

            Tôi xin trích dẫn một vài kệ tụng của các Thiền sư:

Not For Profit (Không Vì Lợi của Thiền sư Tín Học)

To make a profit leads to implanting a desire.
To have a desire leads to craving a profit. 
A bodhisattva doesn’t do anything for profit or for desire.
Not for profit and not for desire, the bodhisattvas act.

Có lợi ắt có nhiễm, có nhiễm ắt có lợi;
có lợi có nhiễm Bồ-tát chẳng làm;
không lợi không nhiễm, Bồ-tát mới làm.

            Khi tâm mình bị nhiễm ô thì mình làm việc vì lợi kể cả làm việc thiện. Khi tâm mình trong trắng thì làm việc vô vị lợi.

Còn về Trấn Thái Tông, tác giả trích dẫn sách sử kể rằng trong khi đọc tới dòng chữ "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm" từ Kinh Kim Cương, Trần Thái Tông hốt nhiên hiểu về Thiền Đạo. Về sau, Trần Thái Tông dùng công án Thiền để dạy môn đệ. Sách "Khóa Hư Lục" của ngài có một chương, trong đó liệt kê 43 công án với chú giải riêng (niêm và tụng) để hướng dẫn Thiền sinh về cách học, thực tập và đốn nhập vào cửa không cửa (Vô Môn Quan).

Nothing Attainable (Vô Sở Đắc của Thiền sư Hải Quýnh)

All things are formless,  
unborn, undying.
Thus, there is nothing attainable.
Thus, truly the Buddha spoke.

Các pháp không tướng 
Chẳng sanh chẳng diệt 
Bởi không chỗ được (đắc)
Là thật Phật nói.  

Bài kệ này nói đúng lời dạy trong Bát Nhã Tâm Kinh “Vô trí diệc vô đắc”.

Về Thiền sư Tông Diễn, theo tài liệu của Thiền Viện Thường Chiếu, “Vào năm 1678, Vua Lê Hy Tông vì không hiểu Đạo Phật đã cho đày tất cả tăng ni vào rừng núi. Sư rất đau lòng, quyết tâm về kinh đô thuyết phục vua. Sau bao gian khổ và mưu trí tuyệt vời, Thiền sư đã gặp được vua và dâng lên hòn ngọc quý. Hòn ngọc quý này là tờ biểu tấu giấu trong chiếc hộp kín. Sau khi đọc xong tờ biểu, vua chợt hiểu về Đạo Phật rồi phán, “Đạo Phật là viên ngọc quí, chẳng lẽ trong nước chúng ta không dùng, Tăng Ni hay khuyên người làm thiện, tại sao lại vất bỏ đi? Người đem Phật pháp khai hóa dân chúng cũng là phương pháp tốt giúp cho triều đình trị dân.” 

Sau đó vua liền mời Sư ở lại chùa Báo Thiên để bàn luận đạo lý. Thượng hoàng nghe tiếng sai Trung Sứ đến nói với vua thỉnh Sư vào cung diễn giảng kinh pháp. Vua cũng đến dự nghe thấu hiểu đạo lý, liền ban cho Sư được quyền ra vào nội cung để tuyên dương chánh pháp, đồng thời ra lệnh thu hồi lệnh trước, để Tăng Ni tự ý trở về chùa mình ở đâu tùy duyên giáo hóa. Đề bày tỏ sự hối hận của mình vua cho tạc bức tượng bằng gỗ Phật ngồi trên lưng vua hiện còn trưng bày tại Chùa Hòe Nhai.

Thiền sư Tông Diễn đúng là vị thánh tăng hy hữu, có một không hai. Ngài chính là Tự Tại Vương Bồ Tát hóa thân.

Phần VIII

            Trong phần này tác giả nói về Thiền sư Tịnh Giới (??? - 1207), Pháp Loa (1284 - 1330), Tính Tuyền (1674- 1744), Thanh Đàm (Thế kỷ 19), Nguyện Học (???-1174), Đại Xả (1120 - 1180), Trường Nguyên (1110 - 1165) và Thủy Nguyệt (1637 - 1704)..

            Sau đây là một bài kệ của Thiền sư Tính Tuyền:

Dharma Heir

One who understands that the Great Way has no words,
will enter the gate of non-duality, 
and complete the countless teachings.
Who will be that future dharma heir?

Đạo cả không lời 
Vào cửa chẳng hai 
Pháp môn vô lượng 
Ai là kẻ sau. (Bản dịch của HT.. Thích Thanh Từ)

            Khi bạn không còn gì để nói nữa, khi tâm bạn trống không giống như tác giả luận bàn, “Bạn biết bầu trời mênh mông bao trùm cả hai trạng thái Có và Không Có. Và bạn biết bầu trời đó, vốn là cái Không mênh mông, vẫn bất động bất kể mây hiện và tan. Bầu trời luôn luôn ở trạng thái bất nhị. Bầu trời biểu tượng cho tâm bạn, và các đám mây biểu tượng các trạng thái ý thức.” thì bạn chính là kẻ nối pháp, tiếp dòng sinh mệnh của Thiền.

Phần IX

            Trong phần này tác giả nói về Thiền sư Huyền Quang (1254 - 1334), Liễu Quán (??? - 1743), Y Sơn (???- 1213), Viên Học (1073 - 1136) và Nguyên Thiều.   

Dưới đây là một kệ tụng của Thiền Sư Huyền Quang:

 Mountain Temple (Chùa Núi/Sơn Tự)

The night is calm, and an autumn wind breezes by the veranda.
The mountain temple leans quietly on tree shadows.
Zen is done, and the mind becomes the oneness.
The crickets chirp; for whom is the sound?

Gió thu đêm vắng thổi hiên ngoài 
Chùa núi im lìm gối cỏ may 
Đã được thành thiền tâm một khối 
Rè rè tiếng dế gọi kêu ai?

Qua bài kệ này chúng ta thấy đời sống của sư như một ông Tiên hay Bồ Tát ẩn tu.

Rồi một bài kệ của Thiền sư Nguyên Thiều:

The Serene Mirror (Gương Lặng Lẽ)

Serene, serene – that mirror has no shades.
Luminous, luminous – that diamond has no features.
Clearly, clearly – it is something, and it is not anything.
Tranquil, tranquil – it is emptiness, and it is not emptiness.

Lặng lẽ gương không bóng 
Rỡ rỡ châu chẳng hình 
Rõ ràng vật phi vật 
Vắng vẻ không chẳng không.

            Bài kệ này làm hiển lộ lý Sắc-Không. Gương có hình mà chẳng có hình. Hạt minh châu chiếu muôn vẻ nhưng có chứa gì đâu?

Phần X

            Trong phần này tác giả nói về:

Zen (Thiền)
Bodhi (Bồ Đề) của Thiền sư Pháp Loa
The Great Way (Đại Đạo) của Thiền sư Pháp Loa
Song Of The Buddha Mind (Phật Tâm Ca) của Tuệ Trung Thượng Sĩ
Living Amid Dust And Enjoying The Way (Cư Trần Lạc Đạo) của Trần Nhân Tông.

Thay Lời Kết:

Thiền làm cho Phật giáo sống động, cho thấy Phật Giáo là gì qua hình ảnh của các Thiền sư, khác biệt với những tôn giáo khác chỉ trụ vào cầu nguyện và nghi thức cúng tế. Thiền Việt Nam là linh hồn, là hình ảnh thực của Phật Giáo Việt Nam ít nhất 16 thế kỷ qua. Thiền vượt lên trên ngôn từ, kinh điển nhưng không có kinh điển nào qua Thiền. Thiền gom tất cả kinh điển vào mình nhưng không hề nói một câu, một chữ trong kinh.

Thú thực, tìm hiểu về Thiền lúc tôi nào cũng cảm thấy thong dong, thích thú. Hầu hết các tôn giáo đều bị trói buộc trong tín điều, lễ nghi, cung kính và nhiểu khi sợ hãi. Thế nhưng lạc vào Thiền chúng ta thấy có chút thi vị, thích thú, không câu nệ, giản dị. Khi nói về Thiền tôi luôn luôn kính trọng các Thiền sư, nhất là chư Tổ.

Đây là cuốn sách vô cùng quý báu mà tác giả đã bỏ bao công sức nghiên cứu, tổng hợp, bình chú rồi phiên dịch qua Anh Ngữ không ngoài mục đích để giới thiệu dòng Thiền Việt Nam, qua đó thế giới có thể biết về Phật Giáo Việt Nam thay vì họ chỉ biết đến Phật Giáo Trung Hoa, Tây Tạng, Nhật Bản, Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện…Nghe nói tác giả đã gửi biếu 35 cuốn sách tới các nhà chuyên môn điểm sách Hoa Kỳ với hy vọng họ sẽ đọc và giới thiệu tới độc giả hoặc các đại học. Xin quý thiện tri thức tiếp tay phổ biến cuốn sách này.

Quý vị có thể đọc sách tại Thư Viện Hoa Sen hay đặt mua tại Amazon hoặc liên lạc với tác giả qua địa chỉ điện thư: nguyengiac@gmail.com . Xin trân trọng giới thiệu.

Đào Văn Bình

(California ngày 20/6/2020)

 

__._,_.___


Posted by: Binh Dao 

Featured Post

BẠN TÔI: ĐẠI ÚY TRẦN QUANG HIỆP

 https://www.facebook.com/groups/160591528349491/permalink/723350692073569/ https://www.youtube.com/watch?v=oqhFQFR2-JM Chuyện Xứ Xã Nghĩa r...

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List