QUỐC HẬN 30 THÁNG 4

Image result for Tháng Tư năm 1975 -----

==== ====



Tuesday, September 2, 2014

“ ÐI KHÔNG AI TÌM XÁC RƠI ...”


 


                                      “ ÐI KHÔNG AI TÌM XÁC RƠI ...”
                                                                                     Giao Chỉ, San Jose.
   
"Đi không ai tìm xác rơi" là tựa đề tập Bút ký của Phạm Kha, cô em vợ đã bỏ hai năm đi tìm xác người anh rể thay Chị ...
Máy bay rớt năm 1966 tại Hố Bò. Anh phi công khu trục của không quân Việt Nam Cộng Hòa nằm chờ 40 năm trong lòng đất quê hương. Một chuyện MIA rất Việt Nam. Trải qua bao nhiêu gian nan. Tìm được xác người phi công trẻ và mai táng lại ngay tại địa phương. Cả làng cộng sản Hố Bò đi đưa đám.

Hàng năm cứ vào đầu tháng 7, thân nhân từ Hoa Kỳ lại trở về làm giỗ cho anh Bùi Ðại Giang. Cán bộ và Công an cùng tham dự. Hình ảnh chàng thanh niên Bắc kỳ đi lính không quân “Ngụy Sài Gòn” in trên mộ bia đã làm rung động mọi người. Câu chuyện chia làm 20 phân đoạn. Chuyện thật mà hấp dẫn hơn tiểu thuyết. Giao Chỉ giới thiệu nhân dịp tưởng niệm 30 tháng 4 lần thứ 40. Cũng là 49 năm sau ngày phi công Bùi đại Giang gẫy cánh, đi không ai tìm xác rơi…

                                       
                                                                                                                  Không Quân Việt Nam Hành Khúc

Di sản chiến tranh .
Bài ca của Không Quân Việt Nam đã có những lời hết sức oai hùng nhưng cũng rất ai oán.
                              “ Ði không ai tìm xác rơi.. !”

Ðó là những hình ảnh những hy sinh to lớn của chiến sĩ phi công. Thủ tướng Anh Quốc đã có một lần nói rằng: “Chưa bao giờ một số đông đảo nhân dân Ðảo quốc đã nhận sự hy sinh lớn lao của một số ít chiến sĩ như vậy. Ý ông nói đến những phi công Anh trong đệ nhị thế chiến đã hiên ngang chống trả với một số áp đảo không quân Ðức quốc xã trên bầu trời thủ đô Luân Ðôn.

Trong chiến tranh tại Việt Nam từ 1954 đến 1975, lịch sử cũng đã ghi lại biết bao nhiêu gương hy sinh của phi công Việt Nam Cộng Hòa. Mỗi cái chết đều là một câu chuyện nhưng khi chung sự đã xong thì việc đi tìm xác rơi vẫn còn là đề tài mãi mãi về sau.

Cuộc chiến nào rồi cũng đến ngày chấm dứt, nhưng vấn đề hậu chiến là nguồn cơn của nhiều nhu cầu phải giải tỏa. Sau khi ký hiệp định đình chiến Paris 1973, vấn đề số một của Hoa Kỳ là giải cứu tù binh và tìm người mất tích. Hồ sơ đi tìm xác rơi của bộ quốc phòng Mỹ mở ra trên khắp các quốc gia Ðông Dương. Ðã có cả trường hợp đặc biệt những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa xác rơi giữa chiến trường cùng với chiến binh Hoa Kỳ được đem về an táng chung tại nghĩa trang Arlington, tại thủ đô nước Mỹ.

Tuy nhiên, riêng về việc đi tìm xác rơi của không quân Việt Nam thì chưa có hoàn cảnh để thực hiện đầy đủ. Cuộc chiến vẫn tiếp tục diễn tiến khốc liệt ngay sau khi thoả hiệp hòa bình được công bố. Tiếp theo, sau 30 tháng 4-75 ngay cả nghĩa trang quân đội Biên Hòa cũng không còn toàn vẹn. Chúng ta không còn miền Nam để tổ chức chính thức việc đi tìm xác rơi.

Niềm đau tháng 7
Bây giờ là tháng 7 năm 2010, chúng tôi xin giới thiệu với quý vị câu chuyện đời phi công của một thanh niên trẻ Hà Nội đã sống và chết trên bầu trời miền Nam như thế nào.

Tháng 7 năm 1954 thiếu niên tên là Bùi Ðại Giang đã một mình di cư vào Nam: Anh là học sinh Hồ Ngọc Cẩn rồi đến Chu Văn An. Tám năm sau chàng thanh niên Hà Nội gia nhập không quân Việt Nam Cộng Hòa. Năm 1962 du học Hoa Kỳ. Về nước 1964. Tháng 7 năm 1966, trung úy phi công Bùi Ðại Giang thuộc phi đoàn khu trục 514 từ căn cứ Biên Hòa bay trên không phận Bình Dương. Ðó là phi vụ thường trực ngày chủ nhật. Máy bay rớt ở vùng trời Hố Bò. Thân tàu cắm sâu xuống vùng ruộng nước. Mũi tàu trong lòng đất quê hương. Chỉ còn thấy đuôi con tàu trên mặt đất. Lúc đó Hố Bò là vùng đất tranh tối tranh sáng. Không quân không tìm được xác phi công. Cả bên cộng sản suốt bao năm cũng không biết người phi công trẻ tuổi Bắc Kỳ di cư đã sống chết ra sao và di hài ngày nay nằm ở chỗ nào?

Ðó là câu chuyện “Ði không ai tìm xác rơi.”

Anh phi công đã ra đi vào tháng 7-1966 một ngày Chủ Nhật, lúc 12 giờ trưa. Tại sao lại 12 giờ trưa. Chúng tôi sẽ có câu trả lời. Thiếu niên di cư rời Hà Nội vì hiệp định Genève ký tháng 7-54, anh chết tháng 7-1966 và bây giờ là tháng 7-2010. Tôi xin kể lại câu chuyện đi tìm xác Bùi Ðại Giang hầu quý vị.

             
                                                                                                       Không Quân Việt Nam

BÚT KÝ PHẠM KHA :
Câu chuyện bắt đầu như thế nào! Mùa xuân 1964 khi anh Giang thành hôn với cô gái Saigon, thì cô em vợ Phạm Kha chỉ là bé gái nấp bên song cửa nhìn quang cảnh chị đi lấy chồng.
Sau đó cả gia đình ở chung một nhà, anh phi công trẻ Bắc Kỳ, cô đơn coi như ở rể. Bùi Ðại Giang trở thành người anh trai của các em.

Khi Giang mất tích, cô vợ trẻ mất tinh thần ôm đứa con dại. Hình ảnh của người phi công ra đi không trở lại ghi sâu vào ký ức của cô bé Phạm Kha. Hơn 20 năm sau, cho đến đầu thập niên 90, cô Phạm Kha và gia đình đã định cư yên ổn tại Orange County, nhưng vẫn còn nhớ đến phi vụ cuối cùng của người anh rể Bắc Kỳ. Cô nghĩ đến việc đi tìm xác anh, nhưng chỉ bắt đầu từ những tin tức mơ hồ vào năm 2003.

Hoàn toàn cô đơn, không còn chính phủ, không có không quân, không có hội đoàn, cô bắt đầu suy nghĩ một mình. Với hoàn cảnh gia đình lợi tức rất trung bình, người phụ nữ tỵ nạn tự xoay sở để làm công tác gần như không ai có thể nghĩ đến chứ không nói gì đến chuyện hy vọng kết quả thành công. Chúng tôi biết được đầu đuôi câu chuyện và đã khích lệ tác giả viết thành một thiên bút ký. Tựa của tài liệu này sẽ cũng là câu hát nổi danh. “ ÐI KHÔNG AI TÌM XÁC RƠI”

Giới thiệu tác phẩm
          Cuốn sách gồm có 20 phân đoạn hết sức hấp dẫn và sống động. Câu chuyện kể từ đầu lúc chị em tìm hiểu về phi vụ cất cánh từ Biên Hòa vào năm 1966. Cho đến khi trải qua bao nhiêu gian nan trở ngại tìm được xác anh hùng để cải táng với sự tham dự của dân làng và các cán bộ cựu thù. Xin hãy đọc qua các tựa đề của mỗi đoạn để thấy những diễn tiến ra sao:

Nghĩa tử nghĩa tận. Ðịnh mệnh đưa đường. Ðường lên Bến Súc. Một nhà nhiều ý. Ngổn ngang tâm sự. Lại lên đường. Saigon, năm Dậu. Giao thiêp với chính quyền. Ðụng độ công an. Vẫn còn gian nan. Tiến thoái lưỡng nan. Vẫn chưa sáng sủa. Nản chí anh hùng. Cầu khẩn tứ phương. Tin vui giữa tuyệt vọng. Lắm thầy nhiều ma. Chiếc đồng hồ của người phi công. Lễ an táng sau 40 năm. Cha con hội ngộ.

Như vậy cô bé Phạm Kha nhận người anh rể vào gia đình năm 1964 cho đến khi tìm được xác anh năm 2005 là 41 năm. Anh phi công Bùi Ðại Giang bay phi vụ 1966 ghi là mất tích, để lại vợ và một con trai. Sự thật anh không hề mất tích. Mũi phi cơ đâm xuống lòng đất Hố Bò thật sâu. Phần đuôi máy bay còn lại đã bị dân làng và bộ đội săn nhặt tiêu tan. Phần đầu máy bay đâm xuống quá xâu nên chẳng còn dấu vết. Việc đào bới được cũng chỉ là may mắn. Ai mà biết rằng sau khi đào sâu dưới lòng đất, toàn bộ mũi tàu bay và cả buồng lái trong đó có anh phi công vẫn còn ngồi chờ hơn 40 năm. Một phần quân phục, giây ba chạc, dù thoát hiểm, phao cấp cứu, dao bay vẫn còn ôm ấp di hài Bùi Ðại Giang bây giờ chỉ còn bộ xương. Phi cơ đâm thẳng xuống lòng đất. Phi công chết ngay tức khắc. Ðồng hồ bay còn gần nguyên vẹn những cây kim chỉ đúng 12 giờ trưa.

Toàn bộ di vật được cô Phạm Kha trao tặng cho viện bảo tàng Việt Nam tại San Jose. Tháng 7 năm nay 2010 chúng tôi thu xếp di vật dành riêng cho cho câu chuyện này trong một tủ kính ở khu Không quân Việt Nam Cộng Hòa. Trong đoạn cuối của câu chuyện, tác giả Phạm Kha có ghi lại vào năm 2006 đã đưa con trai của người phi công về làm giỗ cho cha tại nơi anh được cải táng.

Quý vị có biết rằng, di hài vị tư lệnh sư đoàn 5 bộ binh tự vẫn tại Lai Khê, đã được gia đình đưa về an táng ở Sơn Tây. Nơi làng cũ của ông, hiện nay có thờ bài vị của Lê Nguyên Vỹ, được gọi Tướng công Tư lệnh Sư đoàn Lai Khê của Quân đội Saigon.

Cũng như vậy, đám tang cải táng di hài phi công Bùi Ðại Giang đã được dân làng tại Hố Bò rất tôn kính và vì nể. Từ chính quyền xã ấp đến dân thường đều quan tâm câu chuyện cô gái Việt kiều về tìm xác anh rể. Mỗi năm, vào tháng 7, gia đình từ Cali về Hố Bò làm giỗ, mọi người đều đến thắp nhang. Hình anh phi công trẻ đẹp như thiên thần in trên mộ bia và đặt trên bàn thờ làm mọi người xững sờ xúc động.

Năm nay, tháng 7 trở về, trên ngôi mộ của anh phi công phi đoàn 514 tại Hố Bò có người dân làng xa lạ thắp hương tưởng niệm. Tại viện bảo tàng Việt Nam San Jose cũng sẽ có một nén hương cho anh Bắc Kỳ Bùi Ðại Giang. Nén hương tưởng niệm cho tháng 7-54 Genève cắt đôi đất nước. Nén hương tưởng niệm cho Paris 73 xây dựng hòa bình giả tạo. Rồi đến nén hương cho di tản 75, đất nước thống nhất đã 35 năm mà đau thương sao vẫn chưa thật sự hàn gắn.

Ngoài Bùi Ðại Giang, thanh niên Hà Nội chết trên không phận Bình Dương, nằm yên nghỉ tại Hố Bò. Ngoài Tướng Lê Nguyên Vỹ, chết tại Bến Cát nằm yên nghỉ tại Sơn Tây, còn bao nhiêu chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa khác.

Có ai còn quan tâm là xác các anh đang ở nơi nào...

Tác phẩm viết về Mia của Phạm Kha: “Ði không ai tìm xác rơi.”
Giá ủng hộ 10 Mỹ kim kể cả cước phí, đề cho:

IRCC
3017 Oakbridge Dr.
San Jose - CA 95121
USA
(Hoặc gửi về giaochi@gmail.com, sẽ nhận được sách. Trả tiền sau).

                                                                            ~~~~~~~~~~~~~~~~
__._,_.___

Posted by: Nhat Lung 

No comments:

Post a Comment

Những Sự Thật Cần Phải Biết

Featured Post

BẠN TÔI: ĐẠI ÚY TRẦN QUANG HIỆP

 https://www.facebook.com/groups/160591528349491/permalink/723350692073569/ https://www.youtube.com/watch?v=oqhFQFR2-JM Chuyện Xứ Xã Nghĩa r...

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List